Nước Tàu muôn thuở

     ăm xưa, một người Pháp ở đây đã khoe với bạn từ Ba Lê mới sang: “Chúng tôi đã nhốt nước Tàu trong Chợ Lớn”.
Cứ nghe theo ông ấy, bạn vào Chợ Lớn sẽ thất vọng ngay vì không thấy nước Tàu đâu cả. Ngày nay lại càng không thấy hơn, vì người mình đã xen lộn rất đông với người Trung Hoa từ lúc chiến tranh.
Nhưng nước Tàu quả thật có mặt đâu đây. Người ta cảm nghe nó hiện diện, nhưng không rõ được nó ở đâu.
Tôi muốn nói đến nước Tàu muôn thuở với biệt sắc đệ nhất vô nhị của nó, chớ không kể đến những tửu lâu lai căng mà trong đó người ta ăn vi cá mà uống cỏ-nhác, không kể những tiểu thư mặc áo Thượng Hải mà nói tiếng Ăng-Lê.
Nào đâu thủ hạ của Dương Ngạn Dịch, những kẻ phiêu lưu đã họp sức với các tay tiên phong của ta để xây dựng miền Nam? Họ đã bị Việt hóa cả rồi không còn dấu vết gì của người tị nạn Mãn Thanh hay sao?
Người ta quả quyết rằng nước Tàu có mặt thì nó có mặt bằng những kẻ đến sau. Tôi không tin thế, vì dân phiêu lưu nào cũng muốn thành công cấp tốc mà không ai thành công được với những cái cố hữu của nước nhà họ.
Nước Tàu ở đây phải chăng là vài ngôi chùa mái cong cong lợp ngói ống bằng đất hay bằng sứ làm cho ta nhớ lại những chiếc am cheo leo trên sườn núi của một chuyện đời xưa nào? Phải chăng những anh chàng bán tiêu thiều thổi lên dọc đường những điệu nhạc đau thương của một dân tộc ngàn năm bị áp bức?
Không, tôi đã tìm thấy nước Tàu thật sự ở ngoại ô xa kia.
Bạn hãy đi Bình Đông một chuyến chơi. Khi qua khỏi hai cây cầu sắt cao như nhà lầu, bạn sẽ có ảo tưởng rằng bạn đi du lịch ở đồng quê Trung Hoa.
Nông dân ở đây có một bóng dáng lạ kỳ. Họ đội những chiếc nón mây mường tượng như nón cụ của ta nhưng nhỏ hơn, có khoét lỗ ở giữa để lòi tóc ra nếu người đội nón là phụ nữ, và để lòi cái sọ trọc ra lếu người đội nón là đờn ông con trai. Quanh vành nón, điểm vải đen thả xuống như để báo rằng dưới chiếc nón ấy đang núp những cuộc đời đen tối.
Họ gánh những thùng thiếc có gắn ống tre bên hông, tay đẩy nghiêng thùng, chơn đi dài theo những vồng cải.
Vồng cải đấp cao hơn mặt đất đến ba bốn tấc tây, thành vồng láng quyên như tô xi măng và vòng nào cũng ngay boong như công trình của thợ hồ khéo.
Đó là hình ảnh trung thành của một nước Tàu chen chút nhau trên châu thổ Hoàng Hà và về sau, trên châu thổ Dương Tử, vì thiếu đất nên phải làm cực lực (culture intensive), chăm sóc đất như nuôi một đứa con èo uột.
Ngàn năm về trước, nước Tàu đã trồng cải như thế, không phải vì họ không biết theo thời mà vì phương pháp canh tác cực lực là phải làm như vậy.
Rời khỏi chiếc đai trên lưng mẹ, người nông dân Tàu đã vuốt cái thành vồng cho láng, mãi cho đến khi được vùi nông một nấm.
Những người Triều Châu trồng cải ở Bình Đông phải chăng là con cháu của đoàn Dương Ngạn Địch? Những kẻ phiêu lưu đầu tiên, đến đất hoang, buộc lòng phải theo nghề nông, rồi cha truyền con nối, họ vung trồng tưới cải mãi cho đến ngày nay?
Ai nấu mì sẽ giải nghệ, anh thợ làm đèn giấy tròn tròn rồi sẽ đổi nghề. Họ sẽ được việt hóa hay sẽ về Tàu. Nhưng những người trồng cải vung vồng này sẽ bám mãi vào mãnh đất đen mướt ở Bình Đông vì không ai giựt nghề họ được mà cũng không ai tẩy chay hàng hóa họ được.
Họ sống riêng biệt ở đó, nước Trung Hoa biến đổi với tháng năm, nước Việt Nam và thế giới sẽ thay hình, nhưng họ ôm mãi tình trạng nông dân Hán, Đường, Nguyên, Tống, Minh, Thanh.
Ba trăm năm nữa Sài Gòn chúng ta vẫn còn chứa chấp một nước Tàu nhỏ đó, không nguy hại cho an ninh và nền kinh tế của ta chút nào cả, vì đó là một nước Tàu thủ phận, chỉ mong được chén cơm hằng ngày, nhưng mà sức sống lại phi thường không sao đồng hóa được.
Sài Gòn xa hoa nhưng Sài Gòn cũng làm việc. Nhưng không đâu người Sài Gòn làm việc nhiều bằng ở đây. Đó là một trường hợp cần cù và nhẫn nại mà ai muốn theo gương phải tới đó mà thọ giáo. Câu hát “Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu” ở đây mới đầy đủ ý nghĩa.
Họ thức khuya dậy sớm, họ chân lấm tay bùn, những thứ ấy không thấm vào đâu đối với việc họ nhào, họ trộn phân người để tưới cải, đối với việc họ ở cạnh những cái ao phân ấy từ năm này đến năm khác.
Chiều đến, người ta thấy đàn bà thấp nhang ngoài sân không phải để cầu nguyện phát tài phát lợi mà chỉ van xin ma quỷ đừng ám hại họ thôi.
Họ đã nhẫn nại đến chỉ dám mong được sống an ổn là sung sướng lắm rồi. Đó là mong mỏi của dân Trung Hoa từ thuở Thần Nông.
Còn đờn ông thì uống trà, đánh cờ tướng trước những cái nhà vách ván to bằng một chiếc xe hơi bậc trung, thỏa chí bình sanh như trên đời chỉ có bao nhiêu sung sướng đó thôi. Đó cũng là món hưởng thụ độc nhất của dân quê Trung Hoa từ thuở Hoàng Đế. Nước Tàu muôn thuở ơi, đẹp hay xấu, hại hay không, đây không xét đến. Chỉ biết là người đã tô lên một góc Sài Gòn một biệt sắc riêng, làm cho gương mặt của nó thêm một nét ngộ nghĩnh thầm kín dễ yêu.
1957