Chùa chiền, đền, miếu

      hông hiểu vì lý do nào mà dân Sàigòn lại gọi là “chùa” tất cả những đền thờ bất kỳ ông gì: thờ Ngọc Hoàng cũng chùa, thờ thần Vichnou cũng chùa.
Có lẽ vì họ thèm chùa quá hay chăng? Thèm chùa vì phải thú thật rằng ở Sài Gòn không có ngôi chùa nào xứng danh là chùa của thành đô cả.
Chùa Tam Tông Miếu chăng? Chùa Tam Tông Miếu đã được sửa chữa lại, phong độ cũng khá hùng vĩ đó.
Nhưng lối kiến trúc kỳ quặc của ngôi chùa này khiến con người bỡ ngỡ biết bao. Phía trước mặt tiền chùa có dáng Tàu cổ, nhưng phía sau, cái nóc tròn lại nhắc nhở đến lối kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ hay La Mã.
Chùa Kỳ Viên Tự thì không khác nhà ở chỗ nào hết.
Chùa Xá Lợi mới cất trông thật đồ sộ, nhưng trừ mái cong ra còn thì không thấy điểm nào đượm mùi thiền hết.
Chùa Linh Sơn ở Cầu Muối có được một tượng Phật ngồi dưới gốc bồ đề ở sân trước, nhưng cũng giống chỉ được có bao nhiêu đó thôi, còn thì các ngôi nhà đều hệt như nhà ở.
Đành là Phật ở trong lòng ta, và chùa đất có thể chứa Phật vàng, nhưng đây nào phải là chùa đất. Mỗi ngôi chùa xây cất tốn kém hàng triệu bạc thì tại làm sao không cho nó một cái dáng điệu chùa?
Vẻ ngoài rất có ảnh hưởng đến lòng tin tưởng của nhân dân, lại rất quan hệ đối với thẩm mỹ kiến thị thì tưởng đô thành cũng nên khó tánh mỗi khi cứu xét những đồ án xây cất chùa chiền.
Tôi đã được thấy người Mỹ xuống tận Định Tường viếng chùa Vĩnh Tràng và lên tận Bình Dương viếng chùa Hội Khánh thì đủ biết họ thất vọng chùa chiền ở thủ đô lắm vậy.
Tại sao chùa tiểu thừa lại không cất theo kiến trúc Ấn độ, chùa Đại thừa theo kiến trúc Trung Hoa mà cả hai đều giống nhà Tây cả?
Ta cứ xem gương bên Cơ Đốc giáo. Một nhà thờ tạm ở một ngoại ô xa, chẳng hạn như nhà giảng của đạo Tin Lành trên Hòa Hưng, đường vào khám Chí Hòa. Chỉ có một căn phố ván, rộng hai thước năm thôi mà người ta cũng uốn nắn cho căn nhà hẹp ấy biến theo kiến trúc La Mã được người ta mới nghe cho.
Sàigòn của ta không có chùa ra hồn chùa về mặt kiến trúc, mà cho đến khía cạnh cổ kính của các ngôi chùa ta cũng không có tuốt.
Ngôi chùa cổ nhất của ta có lẽ là ngôi “Chùa Y Tổ” bên Khánh Hội.
Nhưng nó lại không phải là chùa. Tại ta ưa gọi hỗn loạn như vậy đó thôi, chứ thật ra nó là cái miễu.
Trước miễu người ta cũng đã đề rõ “Văn Miếu Y Tổ” kia mà!
Nhưng tại sao lại “Văn” thì thật khó hiểu.
Chùa này Tàu đặc vì lối kiến trúc và ngói ống lại được rêu phủ nên phảng phất cái phong vị của sự lâu đời.
Nhìn “Chùa Y Tổ” ta bùi ngùi nhớ đến ngôi chùa Cây mai ngày xưa kia, trụ sở của văn phái Bạch Mai.
Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế,
Tò le kèn lạ mặt trời chiều
[1]
....
.....
Thầm tiếc phải còn phong cảnh cũ,
Văn nhân tài tử biết bao nhiêu
[2].
Trong Bà Chiểu có hai ngôi đền lạ mà người trong xóm gọi là “Chùa Bà Đầm” và “Chùa Bắc”.
“Chùa Bà Đầm” không biết thờ ông gì mà chủ nhơn là một phụ nữ Ấn độ lai gì không rõ. Chùa vắng vẻ chứ không náo nhiệt như “Chùa Bắc” ở đường Lò Heo cũ.
Nơi “ Chùa Bắc” ngày nào cũng có con công đệ tử đến múa hát và đờn, kèn trống trỗi lên nghe rất lạ tai.
Con công đệ tử mặc sắc phục rất đắc tiền. Xem ra họ mê say lắm, và bất giác ta nhớ ngay đến những bài văn trào lộng của báo Phong Hóa ngày xưa về các ông đồng và các con công đệ tử.

 

Dân tộc Việt Nam rất khoan hồng về tín ngưỡng. Không có tôn giáo nào không có đền thờ ở Sàigòn.
Cái đền thờ của Ấn Độ mà tục gọi là chùa Bà Đen (sao lại bà chớ không ông?) ở đường Trương Công Định chẳng những được người Ấn mà đệ tử người Việt lui tới đó cũng tấp nập.
Có cả năm ba ông thầy đoán sâm người mình, ngồi thường trực trong ấy. Còn đệ tử người mình tới đó vay tiền thì làm ăn cứ như là phát đạt lắm lắm.

 

Đi ngang qua chùa Bà La Môn giáo ở đường Tôn Thất Thiệp, nghe thứ nhạc mà viên kỹ sư trong tiểu thuyết danh tiếng “Gió Mùa” bảo phải nghe đến năm trăm năm mới hiểu được, nhìn mấy ông thầy tu cởi trần mặc khố múa men một cách miễn cưỡng, không ai là không để thần trí lộn ngược dòng năm tháng lên tận nguồn thời gian mà tất cả nhân loại đều dã man trừ dân Ấn độ với bộ kinh Huê Đà của Bà La Môn, huyền bí những bộ ba thần Brahma, Vichou và Civa nặng trịu ba bức tường ngăn cách bốn hạng dân trong nước ta.
Những con bò thần mập mạp thoáng thấy từ ngoài cửa làm ta nhớ đến một nước Ấn thiếu gạo vì công thần, khỉ thần và bò thần.
Nhưng bầy bồ câu đông nhứt trên lãnh thổ Việt Nam ở trong ngôi nhà chọc trời thu hình, phía sau chùa, lại giúp cho ta quên tất cả cảm giác nặng nề vừa có.

 

Cũng là chùa người Ấn, nhưng ngôi chùa đường Hồ Huấn Nghiệp lại nhắc nhở một nền văn minh khác hẳn. Lối kiến trúc ngôi chùa làm hiện lên thế giới kỳ ảo của Nghìn lẻ một đêm của vùng Cận Đông, Trung Đông.
Nhưng cái lối dập đầu về hướng Tây để khấn Allah lại gợi nhớ nền văn minh du mục của người Ả Rập, gợi hình ảnh sa mạc mênh mông và hình ảnh những chàng kỵ mã áo rộng vải bay phất phới dưới gió nóng.
Có một ngôi chùa, hình ảnh trung thành của thời ấu trĩ của bất cứ tôn giáo nào. Đó là chùa của đạo Baha’i trên một căn lầu đường Lê Lợi.
Ngày kia chùa ấy sẽ trở nên đồ sộ như chùa Hồi Hồi, hay sẽ mất cả dấu vết của một tôn giáo không bén rễ được?
1957
Chú thích:
[1] Thơ của Tôn Thọ Tường.
[2] Thơ họa của Lê Quang Chiêu.