- VI -
Ban “Đội con gái”

     gười gác cổng của phúc đường (Dispensaire) sau khi nhìn qua cái cửa tròn nhỏ một cách nghi hoặc, đã mở rộng một cánh cửa lớn cho tôi... Lúc ấy vào 8 giờ sáng một ngày thứ ba. Không phải ngày khám bệnh nhưng trong phòng giấy ông Mas, thanh tra ngạch đội con gái, tôi cũng thấy lố nhố đến mười ả. Năm thầy đương bận việc lục giấy má: số gái kia là bọn “có giấy” đã trốn trong một thời hạn, nay đã người thì tự ý quay về với luật pháp, kẻ thì bị luật pháp cầm tay dắt về. Trong số năm thầy đội con gái, một thầy được làm việc thư ký.
Một phòng giấy có năm nhân viên với một ông thanh tra, ấy đó là tất cả những sức mạnh mà Hà Nội có thể để ra được trong cuộc chiến đấu với nạn mại dâm, nạn hoa liễu, nghĩa là săn bắt số năm nghìn đĩ lậu, hoặc giữ gìn cho hơn một trăm đĩ chính thức đừng có làm những sự ngang trái ngoài đường. Thật là những người đáng phàn nàn... Tôi tưởng rằng dù bên Pháp có chính phủ Bình dân và bên này có ông Toàn quyền Brévié thì cái đời sống của họ cũng chỉ thế thôi. Bọn người “làm việc nhà nước” này không được hưởng cả luật lao động!
Nếu mấy thầy đội ấy tử tế với tôi hơn nữa thì dễ có khi tôi cũng vì cái số phận đáng kêu cả của các thầy mà đem chút tài mọn ra viết một thiên về “Cái vinh và cái nhục của người đội con gái” đại khái như cuốn Servitude et grandeur militaires của Alfred de Vigny [1] nay là “Cái vinh và cái nhục của nhà thực dân” của Albert Sarraut [2]. Nhưng mà các thầy nghi kỵ tôi biết bao! Chưa trông thấy tôi, các thầy đã quay lưng lại rồi! Nhà báo! À, thì ra nhà báo cũng là một người đáng đề phòng, mà báo giới cũng lại là một hóa vật của sự bới móc, của sự vu cáo, của nạn nhũng lạm!
Tôi vào đây với cái ao ước được gặp ông thanh tra...
Ông thanh tra không có đây cho tôi cầu một việc, tôi phải nhìn trộm các thầy đội mà cũng không dám gạn hỏi điều gì. Đội con gái, các thầy trông cũng như các lính mật thám khác, vì cái cặp quần để đi xe đạp đã đủ là một dấu hiệu. Một người như thế, ngoài những việc hữu ích mà bổn phận đã bắt buộc, thì đã làm những gì tai hại như người ta vẫn kêu?
Với những phận sự như: Kiểm soát các luật lệ thắt buộc nghề mại dâm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, bài trừ bọn gái đi ngang về tắt, phát giấy hoặc xé giấy cho bọn gái thanh lâu, khám xét các nhà số đỏ, giữ việc sổ sách giấy má của ngạch cảnh sát xướng kỹ, và, vào những “ngày phiên”, giữ trật tự và điểm danh gái có bệnh trong phúc đường... - Ôi chà, những công việc mà cứ xướng tên lên ta cũng thấy mỏi cả mồm - mà tất cả chỉ có năm người chia nhau ra gánh vác, thì hỏi còn thì giờ nào để họ đủ nhàn rỗi mà mơ màng đến “tuần lễ 40 giờ” nữa [3], chứ còn kể gì đến sự nhũng lạm lương dân...
Ừ, muốn làm hại ai thì cũng phải có đủ thời giờ đã chứ?
Huống chi, từ xưa đến nay, tất cả chỉ có năm người...
Ta coi chừng!
Trong đạo luật cảnh sát ngày 18 tháng năm 1915, điều 187, có nói rằng:
Bị buộc vào tội mại dâm lậu thuế là người đàn bà nào, sau một cuộc điều tra của ông Cẩm trung ương trong đó việc viện chứng cớ để chối cãi đã được xét kỹ, mà lại phạm vào một điều hoặc nhiều điều trong bốn điều này:
1. Luôn luôn giao thiệp với mụ giầu hoặc gái thanh lâu.
2. Bị những đội con gái bắt gặp quá một lần ở trong những nhà chứa đĩ.
3. Bị có kẻ kiện về tội đổ bệnh hoa liễu và thầy thuốc khám xét nhận là quả có bệnh.
4. Vô cớ để cho một số đông đàn ông vào nhà khi mình là gái chưa chồng, hoặc đã có chồng nhưng mà chồng không có ở nhà, và không có sinh kế hẳn hoi.
Các ngài đã thấy chưa?
Luật ở trên mặt giấy là một việc, thừa hành pháp luật là một việc khác.
Với điều luật cảnh sát 187, người đội con gái đã trở nên có nhiều quyền!
Đã thế, trong đạo nghị định ngày 3 Février 1921, quan Thống sứ Rivet [4] lại ký nhận một điều luật khác nữa, còn đáng sợ hơn vì nó hồ đồ, vu vơ hơn:
Điều thứ 34 - Nghề làm đĩ đã là một nghề đem xác thịt ra cung cho bất cứ người đàn ông nào để lấy tiền, thì việc buộc tội mại dâm lậu thuế có thể được công nhận, sau khi xét đủ mọi chứng cớ, những chứng cớ để chối cãi đã đành là để giành cho người bị buộc tội phải tự viện lấy.
Chí nguy! Chí nguy!
Đối với hai điều luật như thế, đối với một dân tộc vô học mà ai bắt nạt cũng được, một viên cảnh binh trong ngạch “đội con gái” có thể muốn làm gì thì làm! Trong việc thừa hành pháp luật, sự lạm quyền để kiếm chác hoặc giữ đúng nghĩa vụ chỉ còn là một vấn đề lương tâm.

 

Cho nên, một bữa kia, vào năm 1930, trong một buổi Hội đồng thành phố mà nhà chuyên trách thảo luận về cách thức bài trừ nạn mại dâm trước mặt một số đông các ông thầy thuốc như bác sĩ Joyeux, bác sĩ Piquemal, y sĩ Trần văn Lai, ông bào chế [5] Lafon, bác sĩ De Raymond, bác sĩ Gaide, vân vân... ông Đốc lý đã nhận được của ông Le Roy des Barres [6] một cái thư xin cáo không đến bàn, trong đó có viết như thế này:
“Tôi nghiệm ra rằng cho đến năm 1930 này, chính sách dùng đến bây giờ không có kết quả gì hơn những năm trước. Vả lại, nếu ngân sách không trừ ra được những số tiền lớn thì phương pháp bài trừ bằng luật lệ nào cũng vô công hiệu. Ngoài ra, ở một xứ mà người dân có cái tâm thuật như xứ này, mà chỗ nào cũng chỉ thấy những hối lộ là hối lộ không xong thì thù hằn, ta phải cho rằng sự gì cũng sẽ xảy ra được.
Do thế, cách đây mười lăm năm, người ta dắt đến Dispensaire một đứa gái độ mười ba, mười bốn tuổi bị cáo là mại dâm lậu thuế. Cuộc điều tra mở rồi thì ra viên thám tử người Nam ngạch đội con gái ấy sau khi chực hiếp dâm đứa bé mà không được, đã tưởng không còn gì hơn là bắt đứa gái ấy, giải nó về nhà lục xì để khỏi sợ bị nó kiện.
Theo ý riêng của tôi thì dù đặt ra luật lệ nào đi nữa thì cũng không thi hành được, vì nó sẽ tạo ra một sự yên ổn không có thật, và sẽ là một cái nguồn cho những sự trái phép và nhũng lạm không kể xiết”.
Đó là “quan niệm” đã nói về ngạch “đội con gái” ở đây. Nhưng mà còn ông nào trong những ông “quan trên” không có cảm tình với ngạch ấy không?
Đây, lời bác sĩ Le Dantec:
- Ở đây chỉ có một người Pháp là cảnh binh xướng kỹ. Đáng lẽ phải có nhiều hơn thế nữa mới phải. Độ bao nhiêu thì đủ cho cả Đông Dương? Tôi nói thí dụ nhà nước tuyển thêm người. Trước nhất đã có một điều khó giải quyết: nếu tuyển thì chỉ dùng người Pháp được thôi vì chúng ta đã thừa hiểu rõ cái tâm địa dân An Nam để mà không cho dự vào những việc ấy, vì những lẽ gì không cần nói lắm. (Bullet, Médico-chir, Avril 1912) [7].
Đến lượt ông Gauducheau thì ông này dữ dội hơn nữa:
- Khi một con bé khốn nạn phải bán thân nuôi miệng thì tức khắc nhà nước vồ lấy nó, rồi bắt nó đóng một thứ thuế mà có người kêu ca là vô nhân đạo. Sau khi đã sắp chết đói thì lại đến cái nhục nhã... Rồi thì lại đến lượt anh thám tử bản xứ hành hạ, trong khi thừa hành chức vụ, không những chỉ canh gác mọi điều trái phép mà còn canh gác cả đến số tiền kiếm được trong nhà thanh lâu! Người ta muốn nói đến sự cải cách ngạch đội con gái. Không được. Người ta không thể cải cách một cái tai họa của dân chúng mà được. Người ta phải bãi bỏ nó đi mới được! (Bullet, Médico-Chir, Fév. 1915) [8].
Cho mãi đến 1925, ngạch cảnh sát ấy cũng vẫn bị công kích. Bác sĩ Coppin, Giám đốc Dispensaire, người nhận chức này trước ông Joyeux, mà cũng viết như thế này:
- Nhân nói đến nạn mại dâm, ta cũng không nên giấu thiên hạ một cái ung độc là cảnh binh xướng kỹ mà xưa nay, bất cứ ở nước nào có lệ luật quy định nghề mại dâm, người ta cũng la ó, mà ở xứ này thì nó lại càng tai hại. Nhất là khi người ta hiểu rõ nhân cách của bọn người An Nam làm việc cho Nhà nước ấy mà cái gì cũng tiền là xong. Mặc lòng bị dò la kỹ thế nào nữa, người “đội con gái” cũng ăn tiền để hoãn sự lùng bắt bọn đĩ lậu, và do thế, ta thấy những đứa bị bắt toàn là những đứa không có một xu trong túi! (Bullet de la Sté Médico - Chirurgicale - Juin 1925) [9]
Ấy đó, những lời ông công kích ngạch đội con gái ở đây. Mà của ai? Của dân chúng người Nam chăng? Không! Của những ông tây mà dân đen chúng mình gọi là “quan trên”. Thật thế, chẳng một người “đội con gái” ta cứ thấy các ông nói đến nhân cách với tâm thuật người Nam, ta cũng đủ ngượng cả mặt. Thế thì ở những nước văn minh, thí dụ như nước Pháp, cái ngạch ấy được xét là hay dở như thế nào?
Thì đây, một đoạn trong báo L’Oeuvre [10], cơ quan của ông Daladier, hiện giờ là Thượng thư Quốc phòng bên “mẫu quốc” của nước ta:
“Những ông cảnh sát phong tục ấy chỉ lùng bắt bỏ tù những gái đĩ nào nghèo khổ, vẫn lang thang các vỉa hè tối tăm hay vào những tiệm rượu, những nhà săm tiều tụy, bọn con gái không có gia đình, không có người che chở, tưởng nhầm nghề mại dâm có thể cứu vớt họ khỏi nạn đói khát.
Tại Ba Lê, hiện có sáu vạn gái thường nhật sống về mại dâm. Thế mà chỉ có chưa đầy sáu nghìn ả là có tên trong sổ cảnh sát, cái sở chỉ bắt những ả nào không khôn ngoan, không có tiền để mà thoát khỏi cái các nhục nhã, nghĩa là những cô ả ngớ ngẩn, đần độn, những đứa ‘hỏng’... Bắt họ cầm giấy chỉ là một phương pháp hớ hênh. Mà lại không công bằng, vì chỉ những đứa nghèo đói bị cái triện nhục nhã [11]. Sự bắt buộc ấy lại còn nguy hiểm nữa, vì nó làm cho một người đàn bà bất đắc dĩ mà làm đĩ trong chốc lát sẽ phải cứ làm đĩ suốt đời, nó chỉ làm tăng số đạo binh gái đĩ, một đạo binh không bao giờ người ta đào ngũ mà lại thoát...”
(L’Oeuvre, Sept. 1933) [12]
Thưa bạn đọc, chúng ta đã được phép xo vai mà thở dài. Về cái khoản này, Đông và Tây đã gặp nhau.

 

Tôi rất buồn vì không thấy ông thanh tra đâu...
Bà Limougnie, giám thị của Phúc đường đã thấy chỗ băn khoăn của tôi. Rồi, cùng ông y sĩ Đặng Hanh Kiên, bà đã cho tôi xem một điều luật vừa mới sửa đổi.
Tin mừng hay tin buồn?
Xưa kia, một người “đội con gái”, căn cứ vào điều 187 ở nghị định ngày 18 Mai 1915 [13], có thể muốn bắt ai vào lục xì cũng được, tùy mình.
Bây giờ thì những người “đội con gái” hình như không đủ quyền mà làm việc nữa, vì muốn bắt tội một gái giang hồ giải về nhà lục xì thì phải thay lượt nhau, tìm cách nào thấy quả tang gái ấy có bán dâm ít ra là đã bốn lần. Nếu gái giang hồ ấy chưa bị bắt quả tang tám lần thì gái ấy chưa sợ phải “cầm giấy”.
Do lẽ ấy, số đĩ hiện giờ ở Hà Nội là độ năm nghìn mà số gái “có giấy” chỉ là một trăm năm mươi chín cô.
Nếu tôi hỏi bác sĩ Joyeux thì bác sĩ sẽ đáp lại tôi: “Nhân viên ngạch đội con gái sở dĩ không được hoạt động lắm, ấy là vì hai nguyên do, mà điều thứ nhất là những luật lệ hiện thời không được phân minh, đã trái mùa, không ban hành được cũng như không thi hành được, và hai nữa là ngạch ấy đã ‘mang tiếng’ lắm, đến nỗi ngay cả đến những ông sếp cũng không dám tin nhân viên dưới quyền mình nữa”.
Thì ra, sợ mọi sự lạm quyền của các thám tử, ông Cẩm Sở Liêm Phóng trông nom ngạch này, dù có biết rằng sự thiên hạ buộc tội ngạch ấy cũng đôi khi là vu oan giá họa mặc lòng, cũng vẫn phải nghi hoặc, và sửa đổi điều 187 trong đạo luật vi cảnh đã nói trên.
Bốn bận thì mới bị bắt về lục xì!
Tám bận thì mới phải... làm nhà thổ.
Nào đâu là bọn phụ nữ không có tiền mà cứ thèm mặc áo kiểu Lemur [14], nào đâu là các cô lãng mạn mà ông Đốc lý Virgitti đã kêu là “mại dâm vì mại dâm” chứ không đứng vào phái “nghệ thuật vị nhân sinh”? [15]
Tôi đã nghĩ thầm: “Thà rằng các thầy đội con gái có thể lạm quyền...”
Tôi nhắc lại với bà Limougie câu này:
- La peur du gendarime est le commencement de la sagesse. [16]
Bà đã xo vai, mỉm cười.
Cái ung độc khó chữa là cái nạn mại dâm, cái vòng luẩn quẩn loanh quanh...
Bây giờ thì người “đội con gái” không còn là sự khủng bố cho cả bọn gái hư hỏng, trụy lạc nữa rồi.
Chị em ơi, ái tình vạn tuế!
Chú thích:
[1] Alfred de Vigny nhà thơ và nhà văn lãng mạn Pháp trong nửa đầu thế kỷ XIX đã viết tập truyện, ngày ấy ta dịch ra với nhan đề là “Vinh và nhục của nhà binh”.
[2] Albert Sarraut là Toàn quyền Đông Dương và nhiều lần làm Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Pháp.
[3] Lúc này ở Đông Dương đang đấu tranh đòi ban hành luật lao động, một tuần chỉ làm 40 giờ như ở bên Pháp.
[4] Nghị định ngày 3 tháng hai 1921 do viên quan cai trị cả Bắc ký là Rivet ký.
[5] Dược sĩ
[6] Bác sĩ hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Đông Dương, tiền thân của trường Đại học Y khoa Hà Nội.
[7] Tập san Y học, Giải phẫu tháng tư 1912 (viết tắt).
[8] Sách đã dẫn - Tháng Hai 1915
[9] Tập san của Hội Y học Giải phẫu học tháng Sáu 1925.
[10] Hành động.
[11] Ngày xưa ở châu Âu người ta đóng dấu son lên vai trần các phụ nữ có tội.
[12] Hành động 5 tháng Chín 1933
[13] 18 tháng Năm 1915.
[14] Lemur là tên ký vào các họa phẩm của họa sĩ Cát Tường, người đầu tiên cải cách chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam, nêu ra trên báo Phong Hóa, nên áo ấy cũng được gọi là “áo tân thời” hay “áo Lemur” đọc là Phàm đà Lơ muya.
[15] Thuở bấy giờ trong văn giới đang diễn ra cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh.
[16] Đã biết sợ cảnh binh thì là đã bắt đầu trở nên khôn và ngoan - Ngạn ngữ Pháp. (V.T.P).