gày hôm ấy, ngoài số hơn chục người đàn ông và đàn bà mà quần áo rách rưới, lôi thôi, tỏ rằng đó là những dân nghèo (bán hàng rong, thất nghiệp, hành khất dở, vân vân...) đến cầu cứu ông thầy thuốc của Thành phố là ông y sĩ Nguyễn Huy Quỳnh, một người giúp việc của bác sĩ Joyeux, để xin thuốc đau mắt, thuốc sâu quảng, thuốc ghẻ lở, vân vân... người ta thấy một thiếu niên có một bộ âu phục đứng đắn cũng ngồi chờ ở cái ghế dài lẫn với bọn họ. Trong tay thiếu niên ấy có một tập giấy cuộn tròn. Anh ta có vẻ một người đi cầu một việc gì, và nét mặt có vẻ lo âu lắm.
Khi ông thầy thuốc Quỳnh mở cửa phòng giấy bước ra để xem cái số những nạn nhân của sự thiếu vệ sinh đến cầu cứu thành phố ra sao, thì ông để ý đến thiếu niên kia trước nhất. Lẽ đời là thế, người có quần áo tử tế, bất cứ ở đâu, bất cứ vào lúc nào, cũng vẫn được coi hơn. Thấy được vẫy lại, thiếu niên đứng ngay lên, nói một cách ngượng nghịu:
- Thưa ngài, chúng tôi muốn được vào hầu quan chánh, Giám đốc nhà lục xì.
- Để làm gì? Xin việc hay xin chữa bệnh?
- Bẩm... chúng tôi có việc riêng.
- Tôi đây vẫn tiếp khách thay quan chánh.
Người thiếu niên ấy, sau khi trù trừ hồi lâu, liền đưa ra lá đơn. Ông thầy thuốc Quỳnh, sau khi nhìn vào tập giấy có sáu trang, bèn gọi mấy người khán hộ dưới quyền mình để khám xét bọn bệnh nhân áo quần lam lũ kia, rồi cho thiếu niên vào phòng, sau khi khép cửa lại kỹ lưỡng.
Trong tập giấy ấy không phải có một điều yêu cầu, nhưng có một việc khiếu nại. Thiếu niên kia muốn kiện nhà lục xì. Một người đội con gái đã bắt một thiếu nữ mà người có đơn khiếu nại cho là bị bắt oan. Đó là một sự nghiêm trọng!
Và đầu đuôi câu chuyện trần tình trong sáu trang giấy khiếu nại ấy, ta có thể biết một cách đại khái như dưới đây...
Tại một ngõ nọ thuộc vào khu chung quanh nhà thờ, có một gia đình trung lưu kia, vào hồi kinh tế khó khăn, trong mọi cách “xoay quanh” bèn đảm đang cái việc chứa trọ. Những khách trọ là tám, chín ông thiếu niên cao tồng ngồng, học sinh của một trường tư thục, siêng năng những việc thể thao, đi chim gái hơn siêng năng sách đèn.
Thiếu niên có lá đơn khiếu nại kể trên là một trong số học sinh trọ tại nhà ấy.
Ái tình đã dắt anh chàng đến cái việc lôi thôi nọ. Ai nói ái tình là nói cả dục tình. Vì rằng nhà chủ trọ có một thiếu nữ cực kỳ “lãng mạn”, đã quyết “một chữ đồng” với thiếu niên kia.
Thoạt kỳ thủy, người ta yêu nhau một cách vô tội y như trong những tiểu thuyết hoang đường nói về ái tình trong sạch và cao thượng. Nhưng nào có được mãi như thế! Khi đã tin nhau, đã yên trí sẽ lấy nhau, người ta tự nhiên hóa ra... nóng nảy. Sự đụng chạm hàng ngày, đối với một cuộc tình duyên vụng trộm chưa thỏa mãn, chỉ có ích cho một cái hại, là sự làm bùng cháy cái ngọn lửa mà hai người muốn dập tắt đi. Một đằng thì con nhà chủ, một đằng thì là khách trọ, cha mẹ biết đâu mà đề phòng cho kịp? Do thế, người ta được tự ý rủ nhau đi ngủ săm một đêm.
Thì, năm giờ sáng hôm sau, lúc anh chị vừa đi khỏi nhà săm được vài chục thước, một người đội con gái đã đứng rình ở một gốc cây chẳng biết từ bao giờ, chạy xộc đến, mời người thiếu nữ đi theo mình về cái nơi mà thầy ta có cái nhã ý chỉ nói một cách mập mờ là về “sở”. Người nhân tình, sau khi phản đối rất kịch liệt chỉ được một câu đáp như thế này:
- Không việc gì đến xừ [1]. Người đàn bà này mại dâm lậu thuế! Tôi là người nhà nước, tôi có bổn phận phải bắt hạng người ấy! Xừ nên biết rằng xừ đã là người đàn ông thứ tư!
- Tôi phản đối đấy! Tôi cam đoan rằng ông lạm quyền, trái phép! Chúng tôi không phải hạng vô học thức, cắn hột cơm không vỡ mà ông đòi bắt nạt! Ông coi chừng không chúng tôi kiện lên quan trên cho mà xem! Ông phải bỏ người đàn bà này ra ngay! Người đàn bà này không những chẳng hề có mại dâm lậu thuế bao giờ, mà còn là vợ chưa cưới của tôi nữa!
Nhưng người đội con gái chỉ bĩu mồm, bình tĩnh đáp:
- Xừ muốn đi kiện cứ việc đi mà kiện! Nếu xừ cắn vỡ hột cơm thì xừ cứ việc đi mà cắn vỡ hột cơm! Này tôi bảo thật xừ biết: tôi có đủ chứng cớ thế nào thì tôi mới dám bắt! Dễ những xếp của tôi lại đi dung túng cho chúng tôi đi bắt những người lương thiện đấy hẳn! Rồi xừ sẽ đi kiện nay mai, nhưng mà ngay bây giờ, thì tôi phải giải người đàn bà này về nhà lục xì!
Thiếu nữ vẫn cứ cúi mặt khóc, bàn tay ẻo lả còn gượng vùng khỏi sự túm chặt của người đội con gái. Nhưng hai ba anh phu xe đã đỗ xe chung quanh ba người. Thầy đội con gái lôi thiếu nữ lên cùng ngồi với mình một xe. Cái xe đạp của thầy “ngồi” một mình trên một chiếc xe cao su khác. Hai chiếc xe ấy chạy vụt, để lại thiếu niên đứng tần ngần, trơ trẽn, giữa hai anh phu xe đêm.
Một anh phu xe hót ngay:
- Cậu có muốn kiện thì cứ việc đến Sở Mật Thám, con xin kéo ngay.
Anh phu kia, không cầu lợi ở một cuốc xe, gạt đi:
- Cậu phải đi tìm ông chánh nhà lục xì! Cái việc này con đã biết...
Thiếu niên hỏi:
- Ông chánh nhà lục xì ở nhà lục xì?
- Không! Ở Sở Đốc lý ấy, chỗ trên gác sở thuế thân ấy! Quan chánh thì con biết lắm! Quan cũng có khi đi xe giờ cả đêm, lùng hết các hang cùng ngõ hẻm để dò xét công việc của bọn đội con gái...
Biết vậy rồi, thiếu niên ấy quay lại nhà săm. Tội nghiệp! Thì ra cái tai họa kia nó đến một cách bất kỳ quá, phũ phàng quá đến nỗi anh chàng đâm hoảng, và không còn tín nhiệm người yêu của mình nữa. Anh chàng gọi bồi săm, cho tiền rồi dò hỏi:
- Thế nào? Cái “cảnh” vừa rồi mà lại là một dân xưa nay vẫn đi ngang?
Cũng như đa số những bồi săm khôn ngoan và biết
tự trọng khác, anh bồi săm này lắc đầu ngay:
- Con không biết!
- Người đàn bà ấy vào đây lần này là mấy lần?
- Ai nhớ mặt được mà biết? Dễ mới có một lần.
- Nói láo? Một lần sao đã bị bắt?
- Nhưng mà đã vào săm khác vài ba lần thì ai biết đâu? Con tưởng thiện nhân hay gái ăn sương thì cậu, cậu đã ăn nằm với người ta, ắt cậu phải hiểu...
Thế là buổi rạng đông hôm ấy, một tên bồi săm vô học đã dạy một bài học hữu ích cho một cậu học sinh sắp đi thi bằng Thành Chung [2]. Ô! Thì ra người ta chẳng nên nhắm mắt lại mà tin bọn phụ nữ.
Mặc dầu đã thất vọng, đã đau đớn vì phải ngờ vực người yêu “nhất đời” của mình, thiếu niên ấy cũng không đành khoanh tay, vì rằng trong lòng những người đàn ông đáng mặt tu mi, mỗi khi cái yêu đã chạy đi thì cái thương cũng vừa lúc chạy đến. Không phải bỗng chốc ai cũng cắt đứt ngay một nhát được với ái tình. Vả lại, khi đi săm với mình, “nàng” đã nói dối bố mẹ là về quê để mà ở săm ra, sáng hôm sau thì cũng định sẽ về quê thật. Như vậy, nếu bị giam lại trong lục xì, ắt rồi tan hoang!
Người tình nhân gặp bất hạnh ấy, bữa sáng hôm ấy, không dám quay về nhà trọ. Anh chàng đi đến một tiệm thuốc phiện để có một chỗ nằm mà nghiền ngẫm cách thảo đơn; ba giờ chiều thì đã đến Tòa đốc lý.
Mặc dầu đã giữ cái chức ấy từ lâu, ông thầy thuốc Nguyễn Huy Quỳnh vẫn còn dễ động tâm chứ chưa chịu sự thay đổi vì việc làm của chức vụ, để mà có cái thản nhiên thường thấy ở những công chức bị một thứ “bệnh” mà người Pháp gọi là déformation professonnelle [3].
Cái vẻ học trò của người đệ đơn, những lời trần tình qua một giọng đau đớn, sự cắt nghĩa rành mạch mọi trường hợp của người đàn bà có thể bị bắt oan, khiến ông Nguyễn Huy Quỳnh bận tâm lắm. Vả lại, không dám tin ở sự thanh liêm hoàn toàn của những đội con gái cho lắm, cũng như những “quan thầy” của mình, ông Quỳnh bèn hứa với người nhân tình gặp vận xúi ấy là sẽ phân trần mọi lẽ lên bác sĩ Joyeux.
- Thôi được, hôm nay quan chánh còn bận họp hội đồng bên quan Đốc lý, vậy ngày mai thì cậu đến đây, vào chín giờ, tôi sẽ thưa giúp cho vài lời để xem quan chánh quyết định ra sao.
- Bẩm thế nghĩa là vợ chưa cưới của tôi lại phải ở trong lục xì mất đêm hôm nay nữa?
- Điều ấy không thể tránh được! Nhưng cậu cứ yên tâm, nếu khám thấy người đàn bà ấy vô bệnh thì người ta sẽ tha ra chứ không hề gì, trừ phi bị bắt lần này là lần thứ nhì thì không kể...
- Bẩm... giả dụ đã là lần thứ nhì thì sao?
- Thì phải cầm giấy...
-!...
- Trừ phi có người đứng ra nhận xé giấy cho thì không kể...
Thiếu niên cảm tạ rồi vái chào.
Đến buổi chiều, ông Nguyễn Huy Quỳnh, trong khi đưa lá đơn khiếu nại lên ông Joyeux, đã tận tâm bày tỏ mọi lẽ: Người thiếu nữ bị bắt là con nhà tử tế, có bố đi làm, lại nhân nhà có chứa trọ ngót mười học sinh nên người đội con gái, căn cứ vào điều 187 luật cảnh sát (
Bị buộc vào tội mại dâm lậu thuế là người đàn bà nào... vô cớ để cho một số đông đàn ông vào nhà khi mình là gái chưa chồng, hoặc đã có chồng nhưng mà chồng không có nhà, và không có một sinh kế hẳn hoi) đã có thể bắt nhầm phải một người lương thiện.
Nhưng bác sĩ Joyeux ngăn người giúp việc của mình lại:
- Ông chớ nên quá giàu tình cảm và quá tin... Nếu ông mà là quan tòa thì không một đứa kẻ cắp nào mà lại không oan uổng, vì đứa kẻ cắp lành nghề nào cũng biết lạy van khóc mếu, và kêu mình oan uổng. Người đàn bà bị bắt này là đáng nghi lắm, vì rằng một phụ nữ hoàn toàn lương thiện thì chẳng có đời nào lại vào săm...
- Nhưng mà người có đơn thưa đã khai mình là chồng chưa cưới...
- Tôi tưởng một người đàn bà biết tự trọng và hoàn toàn lương thiện thì chẳng có đời nào đi ngủ săm, dẫu rằng là đi với chồng chính thức nữa! Tuy nhiên đã có đơn khiếu nại ta cũng nên sẵn lòng tra xét cho kỹ. Để tôi hỏi ngạch cảnh sát xướng kỹ xem sao...
Rồi bác sĩ cầm đến ống điện thoại. Nửa giờ sau, bác sĩ đã có một tập giấy
lập bô trước bàn. Thì ra thiếu nữ bị bắt nọ đã vào bốn nhà săm khác nhau với bốn chàng thanh niên cũng khác nhau, trong khoảng mười một tháng nay. Trong biên bản, thiếu nữ ấy vào những săm nào, ở ngõ nào, phố nào, ngày nào, giờ nào, do thám tử nào dò xét, do những tên bồi nào làm chứng, những điều ấy kê khai một cách khá rành mạch. Những tên bồi săm vẫn rình mò những gái lương thiện quá dại dột để có thể xô đẩy những cô ả ngứa nghề ấy vào vòng trụy lạc, đã chẳng ngại gì giúp đỡ ban đội con gái bằng cái tư cách những tay chỉ điểm tập sự không lương!
Cho nên người đội con gái mang tập
lập bô sang cho ông Giám đốc nhà lục xì, đã cứng cỏi nhờ ông đốc Quỳnh thông ngôn lên:
- Bẩm quan lớn, nếu có kiện bắt trái phép con xin gọi ngay những tên bồi săm đã mục kích đến đây, làm chứng trước mặt người đệ đơn kiện.
Bác sĩ Joyeux kêu:
- Thôi, cảm ơn, được rồi.
Chàng thư sinh kia, hôm sau được yết kiến bác sĩ Joyeux.
- Ông nên rút đơn về thì hơn. Khi Sở Mật Thám đã làm một việc gì thì ít khi sở ấy để cho người khác kiện được. Tôi khuyên ông vậy là muốn ông tránh khỏi một sự lôi thôi to, vì ông có thể bị liên lụy về vụ kiện này...
Tuy đã bị xúc cảm mạnh, người thư sinh cũng đủ cái hùng hồn để phụng sự tình ái:
- Thưa Ngài, tôi không dám tin cái lẽ mại dâm lậu thuế, vì người ấy là vợ tôi.
- Thế giấy giá thú của vợ chồng ông đâu?
- Tôi xin lỗi... đó là vị hôn thê của tôi...
Bác sĩ Joyeux cắt ngay:
- Xin lỗi! Nếu quả đó là vị hôn thê của ông thật, thì ông đã làm một việc mà Sở Cảnh sát dung túng nhưng mà Luân Lý chẳng bao dung! Không ai lại đi ngủ săm với vợ chưa cưới như thế! Mà một người đàn bà đã có thể cùng ông vào một nơi ô uế như thế, thì cũng có thể làm cái việc ấy với những đàn ông khác nữa. Nếu ông không là người bố hay người đỡ đầu của thiếu nữ ấy thì ông chẳng có quyền gì đệ đơn kiện.
- Thưa Ngài, tôi xin cam đoan rằng người ấy không mại dâm...
- Sở Cảnh sát không những phải đàn áp nạn mại dâm lậu thuế mà còn phải ngăn ngừa những bệnh hoa liễu nữa. Không mại dâm, người ta có thể gieo rắc nọc phong tình cho kẻ khác được lắm.
Đến đây, thiếu niên đứng đờ người, cúi mặt xuống, hoàn toàn thất vọng.
Ông Giám đốc của phúc đường cũng động tâm, bèn an ủi:
- Nhưng mà ông cứ yên tâm. Người đàn bà của ông, nếu chưa mắc bệnh thì sẽ được tha, vì chưa phải đến lúc bị bắt làm kỹ nữ để mà ông phải lo xin xé giấy hộ. Còn nếu có bệnh thì chỉ bị giam cho đến lúc chữa khỏi bệnh thì rồi cũng được tha. Ông nên kiên tâm một chút...
- Thưa Ngài, một thiếu nữ bị bắt vào lục xì là đã đủ nhục nhã lắm. Vậy ra không còn cách gì xin tha ngay người ấy ra khỏi cái “mỏ vịt”?
Bác sĩ Joyeux dõng dạc:
- Có lắm. Nếu chính người bố hay người đỡ đầu của thiếu nữ ấy đem đơn đến đây kêu xin, và cam đoan với nhà nước là sẽ dạy dỗ và ngăn giữ thiếu nữ ấy trong con đường của thuần phong mỹ tục. Còn như ông, vị hôn phu thôi, thì không có quyền.
Thiếu niên đứng lặng im... Khi một cô chiêu của mình đi ngủ săm, rồi bị bắt vào lục xì, thì liệu có ông bố nào còn đủ can đảm vác cái mặt mo đến kêu xin điều gì trước bàn giấy nhà chuyên trách nữa! Cho nên người tình nhân xấu số ấy đành xin rút đơn.
Độ chừng dăm hôm sau - một thời gian đủ cho miếng kính mang về Phòng Vệ sinh Đốc lý và ống máu đem về viện Pasteur có thể lập “hồ sơ” xin tha bổng cho “bị cáo nhân” là thiếu nữ kia - nhà chuyên trách ký giấy cho thiếu nữ ra khỏi phúc đường.
Nhưng cuộc tình duyên vụng trộm ấy dắt đến hôn sự hay đến một cuộc dứt tình giữa chàng học sinh và cô con gái nhà chứa trọ kể trên, thì người ta cũng không biết nữa!
Trong đạo nghị định mà ông Thống sứ Rivet ký ngày 3 Février 1921 [4], cái điều nói về việc xin xé giấy của gái thanh lâu chỉ tóm tắt như thế này:
Điều thứ 8.
- Phàm bất cứ gái đĩ điếm nào, nếu muốn xin xóa tên trong sổ mại dâm đi, thì đều phải dẫn chứng cớ rằng đã có một sinh kế chắc chắn khác, hoặc là phải tỏ ra rằng mình được một người nào danh giá lương thiện muốn cần dùng đến, và người ấy phải đủ tư cách nuôi nổi mình.Việc xóa tên kia sẽ do nhà cầm quyền định đoạt, sau khi nghe tờ trình của viên cẩm Cảnh sát.Nhà “cầm quyền” đây là hoặc chính ông Đốc lý Hà thành, hoặc ông Giám đốc Phòng Vệ sinh của thành phố kiêm chức Giám đốc nhà Dispensaire.
Tôi không biết một người Nam, khi được ông cẩm Cảnh sát gọi đến hỏi những điều kiện cần cho việc xin xé giấy của một kỹ nữ, đã phải đáp ra làm sao... Nhưng mà tôi biết rõ rằng câu “đủ tư cách nuôi nổi” có ngụ nhiều ý nghĩa lắm.
Trước nhất là người đàn ông ấy phải lấy kỹ nữ ấy làm vợ, nghĩa là phải khai ngay giấy giá thú tại Tòa đốc lý đã. Mà muốn khai giấy giá thú ấy, thì phải có sinh kế hẳn hoi. Nếu là nhà buôn, phải trình môn bài. Nếu là công chức hoặc là làm việc sở tư, phải có giấy nhận thực (cái đó rất dễ). Nếu không đi làm, không buôn bán, thì phải có cái gì tỏ rằng mình có tài sản, có vốn liếng, để mà sẽ sống với vợ một cuộc đời lương thiện hẳn hoi. Nếu chưa có sự độc lập kinh tế nhưng có bố mẹ giàu, thì phải có giấy nhận thực của bố mẹ...
Thưa độc giả, đọc đến đây, chắc có ngài muốn kêu lên: “Như thế thì còn... bố ai dám có tư tưởng lấy vợ nhà thổ!” Thật thế đấy, nhưng mà nhà nước không thể dễ dãi quá được, vì được tự vị
Larousse [5] đã có những chữ: gigolo maquereau, souteneur... [6] Lấy vợ nhà thổ là khó một chút, nhưng mà lại “danh giá” lắm: Ông cẩm đứng “làm mối” ông Đốc lý đứng làm “chủ hôn”! Chỉ có điều khác đời là người mối ở đây chẳng khi nào lại để cho có thể bị nhầm về chú rể. Đi dạm hỏi “con gái” ông Thần Bạch My chẳng phải dễ (nếu có dễ) như hỏi con gái một vị hưu quan. Ông Thần Bạch My vốn thủ cựu nhất đời (xin đừng ai hiểu lầm) và cứ giữ mãi cái chủ trương này: người ta lấy đĩ làm vợ, chứ không ai lấy vợ để cho lại làm đĩ.
Và từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, các nhà cầm quyền cũng cùng một chủ trương kia.
Tôi không được, như trên đã nói, trông thấy một người đồng bào đi xin xé giấy cho gái thanh lâu... Nhưng mà bác sĩ Joyeux đã cho tôi được mục kích việc một người lính Tây muốn kết duyên với một kỹ nữ bản xứ.
Người lính này ở đạo binh thứ 9, Hà Nội [7] còn trẻ lắm. Tên anh ta là... thôi ta cứ tạm gọi là Untel [8]. Còn cô ả mà anh chàng xin xé giấy cho, Trần thị Thiên Kim (không có luật nào cấm nhà thổ đặt cho mình những tên hay như thế) cũng còn trẻ, mới phải cầm giấy chưa quá một năm, và là một hoa khôi của thanh lâu giới.
Hai người yêu nhau bắt đầu là trong một vũng bùn, cái đó đã cố nhiên. Có lẽ Untel cho rằng Thiên Kim tuy mọc trong bùn, nhưng mà là một bông hoa sen. Ái tình... một khi nó đã cất tiếng phải biết!
Untel, cũng như trăm nghìn kẻ nam nhi rộng lượng khác, một khi đã yêu thì không thể nào lại không ghen tuông. Ghen với một người đàn bà làm cái nghề “của chung mọi người” là vô lý lắm, nhưng ở đây, ta không thể nói chuyện nghĩa lý với Untel được! Thiên hạ đồn rằng không đêm nào, từ chín giờ đến mười một giờ, Untel từ trại ra, mà lại không đến nhà thanh lâu để ngồi một chỗ, lừ lừ nhìn những khách làng chơi, da vàng, da trắng, da đen, ám ảnh mụ chủ, càu nhàu với nhân tình, làm trở ngại cho sự “làm ăn buôn bán”. Đã có lần anh chàng si tình gây sự đánh nhau với những lính tráng khác. Không chịu nổi nữa, một hôm, Tú Bà 1937, chủ nhà ấy, xỉa xói vào mặt Untel, nói như thế này:
-
Phút moa la căng! Toa na ba đoa rét lê cẩm xà, đề răng dê lê dốt! Toa bố cu e mê en, nét xì bá? [9]
-
A lò, mè băng ta cẩm phăm! [10]
Thiên Kim cũng nói:
-
A mi! Ma ri loa a véc moa! [11]
Ồ, thì ra cái việc dễ như thế mà anh chàng nghĩ mãi không ra! Phải rồi, lấy quách thì thôi, chẳng còn sợ tổn thọ vì ghen tuông mãi. Hôm sau, Untel đến Sở Cảnh sát với một lá đơn...
Giá dụ như người khác, bằng lòng lấy hẳn, bằng lòng làm phép cưới ngay, thôi thì ông cẩm chẳng phải lôi thôi, chỉ việc làm tờ trình lên để quan Đốc lý ký một chữ là cả hai sẽ nên “lứa đôi giai ngẫu”. Nhưng Untel vốn tính nết khác thường. Cái máu ghen làm cho anh đa nghi. Anh xin xé giấy cho Thiên Kim để định ăn ở như vợ chồng với Thiên Kim, cũng như trăm nghìn binh lính khác với trăm nghìn đàn bà bản xứ khác, thế thôi, chứ đến chuyện làm phép cưới tại tòa Đốc lý là điều rất can hệ, thì anh chưa có thể quyết định ngay được! Không biết nên thế nào, viên cẩm xét việc này mời Untel đến nói chuyện với quan chánh Joyeux.
Khi nhận được cái danh thiếp xin vào, vì đã có tờ trình của Sở Cảnh sát báo trước, bác sĩ Joyeux cho người tùy phái ra nói:
- Sáng hôm nay, ông Giám đốc bận việc nên không tiếp khách.
Đến chiều, Untel lại đến. Anh ta bảo người tùy phái:
- Tôi là nhà binh, xin được phép nghỉ khó lắm, anh nói hộ cho ông Giám đốc nên cố bớt thời giờ tiếp tôi, cảm ơn.
Nhưng người tùy phái đã được dặn trước... Tuy ông Joyeux đương ngồi bên trong cánh cửa, người tùy phái cũng cứ nói:
- Nhưng ông ấy có ở phòng giấy đâu! Hôm nay ông ấy bận dạy học ở trường Cao đẳng. Chiều mai mời ông quay lại lần nữa.
Sau khi càu nhàu một cách vô công hiệu, Untel lại đành ra về. Khi thuật lại chuyện này, bác sĩ Joyeux cắt nghĩa cho tôi: “Tôi phải làm khó khăn phiền nhiễu cho họ để dò xét cái tâm lý họ ra sao. Nếu họ thành tâm yêu nhau thì phiền nhiễu đến bậc nào họ cũng cam lòng quay lại. Còn nếu họ không trở lại thì đó cũng là may cho họ, vì chưa chi họ đã nản một việc nhỏ, ắt họ cũng chẳng kiên tâm được việc lớn, nhất là khi hôn sự chỉ là một cuộc hỗn hợp của hai tính tình trái ngược phải dằn lòng chịu đựng lẫn nhau. Đa số binh lính lấy kỹ nữ làm vợ là vì say rượu, là vì cao hứng chốc lát... Như vậy, lấy nhau dễ, họ bỏ nhau cũng dễ, và chẳng mấy lúc ta lại thấy cô ả vừa lộn vòng lại phải quay đầu về con đường mại dâm”.
Bốn hôm sau nữa, Untel mới xin được phép mới đến Tòa đốc lý. Khi thấy cái mặt trẻ măng ấy, bác sĩ Joveux sơ ngay cho cái nông nổi của anh chàng... Nhưng Untel muốn chừng đã đi lục đạo nghị định Rivet.
- Thưa Ngài, bản chức không thể nào xóa tên ả ấy ngay được.
- Thưa ngài, hạng phụ nữ bản xứ liệu có đáng tin cậy lắm không mà nhà nước lại bắt người xin xé giấy phải làm ngay phép cưới? Chúng tôi cần phải hiểu nhau đã, và muốn hiểu nhau, cần phải được ăn ở với nhau ít lâu... Xin ngài châm trước cho, vì châm chước một đạo nghị định là sự vẫn có thể được.
Bác sĩ Joyeux bèn thương lượng:
- Hay là để bản chức châm trước thế này: tuy chưa được xóa tên hẳn, nhưng người đàn bà ấy sẽ được hưởng sự tự do tạm trong ba tháng, không phải đến phúc đường, không phải ở nhà thanh lâu, không phải tuân theo luật lệ quy định nghề mại dâm... Nếu sau ba tháng... tập sự, xin lỗi, nếu bản chức có thể nói được thế, mà xem chừng hai người lấy nhau được, thì sẽ đi khai giấy giá thú, và bản chức sẽ cho lệnh xóa tên hẳn.
Untel lắc đầu mà rằng:
- Chúng tôi xin là xin xé giấy hẳn.
Bác sĩ Joyeux:
- Nhà nước không thể làm vui lòng ông được.
Untel bèn đứng lên, giở đến giọng pháp luật:
- Thưa ngài, tôi có quyền xin xé giấy, và phải được, vì tôi nhớ ra rằng điều thứ 8 trong nghị định 3 Février 1921 [12] chỉ nói rằng một kỹ nữ có thể xin xé giấy được, khi có người nào danh giá cần dùng đến, và khi nào người danh giá ấy có đủ tư cách nuôi nổi gái ấy, thế thôi. Trong đạo nghị định không có buộc người xin xóa tên phải lấy hẳn gái đĩ làm vợ, thì chúng tôi muốn biết vì lẽ gì ngài cứ bắt tôi khai giá thú!
Bác sĩ Joyeux cười nhạt:
- Xin lỗi! Ông nhớ đạo luật ấy, bản chức cũng nhớ lắm. Nhưng mà ông quên điều này: ông quên ông là nhà binh! Ông lại không hiểu rằng có câu nói về “người xin xóa tên chỉ cần đủ tư cách nuôi nổi người đàn bà thôi”, ấy là vì nhà nước muốn rộng rãi đối với bố mẹ hay người đỡ đầu, để họ có thể đến xin cưới con gái hay người được che chở, để cho kỹ nữ ấy làm lại cuộc đời, thoát vòng trụy lạc... Một khi ông không là bố mẹ hay người đỡ đầu của người đàn bà tên là Thiên Kim này, ông lại không muốn cưới hẳn người ta làm vợ thì ông không có quyền gì xin xóa tên ấy trong sổ mại dâm! Bản chức cam đoan với ông như thế.
Untel đứng đờ người như chết đứng. Mồ hôi chảy ra đã ướt cả trán, anh chàng sau cùng phải xin lỗi ông Joyeux. Và xin về “nghĩ ngợi cho kỹ” để rồi sẽ đến... thụ giáo. Cái máu ghen, trước khiến anh đa nghi thì sau bắt anh phải quyết định. Nửa tháng sau, anh khai giá thú cho Thiên Kim trước tòa.
Bác sĩ Joyeux phân trần với tôi:
- Một người lính Pháp cưới một cô kỹ nữ bản xứ làm vợ theo đúng luật, vẫn biết thế cũng chẳng lợi gì cho nước Pháp, nhưng mà cũng đỡ được một mối hại về hoa liễu, đỡ được một người trong đạo binh gái mại dâm. Nếu quá dễ dãi với họ, thì chỉ vài tháng là anh đàn ông bỏ vợ, chị đàn bà lại quay về trụy lạc, nếu không bị chính anh chồng buộc mình phải mại dâm để nuôi thêm anh đĩ đực (gigolo) nữa.
Sau khi cáo biệt ông Chánh Joyeux, tôi sang với ông phó là ông Nguyễn Huy Quỳnh. Tôi đem cái việc cô ả đã trốn nhà lục xì năm năm rồi lại bị bắt, giữa lúc trong mình có trên ba trăm bạc [13] nữa. Sự này cũng đủ tỏ cái thanh liêm của người đội con gái ấy, vì khi ta có trong tay ba trăm đồng thì thiếu gì lương tâm cho ta mua! Ông Nguyễn Huy Quỳnh bảo tôi:
- Bắt được nhiều ả trong mình có rất nhiều tiền là sự rất thường. Những khi ấy, ông thanh tra Mas thường cứ phải phân bua cái số tiền với nhân viên nhà lục xì trước mặt cô ả bị bắt năm lần bảy lượt rất cẩn thận, vì ông ta sợ mang tiếng lắm, thận trọng lắm.
- Thưa ngài, thế người đàn bà ấy ra sao?
- Lại phải cầm giấy.
- Lại phải cầm giấy khi trong tay đã có hơn ba trăm bạc? - Tôi kinh ngạc hỏi thế.
- Chứ gì? Biết đâu đó chẳng là tiền kiếm được vì mại dâm lậu thuế! Ông tưởng hễ có tiền là người ta thôi được cái thói giăng hoa, thôi được cái máu... làm tiền?
- Thế người đàn bà ấy nếu quả thực đã lấy chồng?
- Nếu đúng như lời khai, ắt rồi người chồng sẽ phải đến nhận.
- Bằng không?
- Thì lại ở nhà thanh lâu, hay là cầm giấy riêng, cái đó được tự do!
- Nếu vậy, khi đã cầm giấy, thì khó lòng thoát khỏi bể trầm luân?
- Nếu không được bố mẹ hoặc họ hàng đến nhận.
Tôi đã ngậm ngùi cho những cô Kiều đời bây giờ, và phải nghĩ đến câu “tiền oan nghiệp chướng”, đến câu “quả báo luân hồi”, để khỏi phải “khéo nước mắt”...
Tương lai sẽ ra sao?
Từ năm 1928, vào ngày 20 Mars [14], Hội Nhân Quyền ở Pháp do ông Basch chủ tịch, đã nhóm họp tại hội quán Hội Văn học ở Paris, để kết án những đạo luật quy định nghề thanh lâu xưa nay. Bữa ấy có trên một nghìn người họp mặt. Ai cũng đồng ý cho rằng những luật thắt buộc mại dâm là trái với tôn chỉ bình đẳng của mọi người, bất luận đàn ông hay đàn bà, trước pháp luật, và những vụ bắt bớ của ban Cảnh sát xướng kỹ (
Police des Moeurs) thường là chuyên chế, chẳng những làm hại bọn kỹ nữ chính thức, mà thường còn làm hại bọn phụ nữ con nhà lương thiện nữa...
Cuộc biểu tình bữa ấy là để đồng thanh chuẩn y bản chương trình yêu cầu sau này:
“Nghiệm rằng: Việc quy định nghề xướng kỹ là một điều bất công, vì cái lệ ấy đã khiến cho một hạng người bị hắt ra ngoài pháp luật; sự giữ gìn vệ sinh cho công chúng chỉ là một điều hữu dũng vô thực, vì bọn đàn ông không bị kiểm soát: là một điều chuyên chế, vì chỉ một số rất ít đàn bà làm nghề ấy là bị khám xét mà thôi; là một điều nguy hiểm nữa vì công chúng một khi đã tin cậy ở nhà nước mà cho đàn bà mại dâm là chắc chắn, lành mạnh, thì họ càng dễ lây bệnh... Vậy yêu câu các nhà cầm quyền sửa đổi bộ luật dã man hiện thời thành một bộ thường luật [15]
và dùng hết cách đúng phép mà bài trừ nạn mại dâm ở các thành thị”.Thế là bữa ấy, mọi phong trào cải cách đã làm lung lay những thành kiến của phái người bảo thủ muốn bài trừ nạn mại dâm một cách nghiệt ngã, trong số đó có ông nguyên lão nghị viện Bérenger.
Cho đến năm 1937 - gần mười năm trời - vào thượng tuần tháng Février khi liệt quốc [16] có một cuộc hội nghị để bàn về cách bài trừ nạn buôn người và nạn mại dâm ở Viễn Đông, họp ở Bandoeng (Nam Dương quần đảo) [17] thì chính phủ Pháp mới tỏ rằng sẵn lòng cải cách cái chế độ pháp luật về mại dâm hiện hành ở mẫu quốc và các thuộc địa. Người đại diện cho chính phủ Pháp buổi ấy là ông Labrouquère, giáo sư trường Luật, Hà Nội.
Trong một bài diễn văn tỉ mỉ, giáo sư đã nói cho các nước biết rõ cái chính sách mà nước Pháp xưa nay vẫn dùng để đối phó với nạn mại dâm, ở Phi châu cũng như những thuộc địa Viễn Đông. Sau khi nhắc cho liệt quốc nhớ lại thái độ của các đại biểu Pháp ở Genève, mấy năm trước chủ trương rằng luật định mại dâm chỉ là thuộc vấn đề nội trị, giáo sư Labrouquère lại nói đến lòng chia sẻ cái quan niệm của những nước đã chủ trương rằng về phương diện quốc tế, luật thường phạm sẽ phải là điều trụ cột trong “chủ nghĩa thủ tiêu” (
L’abolitionnisme) Nhưng đến khoản thủ tiêu cái chế độ cũ ở các thuộc địa, thì giáo sư rất dè dặt lời nói.
“Việc ban hành chế độ thủ tiêu ở Đông Dương vấp phải những sự trở lực lớn là vì ở Đông Dương, những sổ sách về lý lịch, sinh, tử, giá thú chưa được rõ ràng, nền học thức sơ đẳng chưa được phổ thông, công cuộc y tế còn khuyết điểm, và sau cùng là vì dân chúng còn dốt nát quá. Bởi vậy, những phương pháp bài trừ nạn hoa liễu cũng phải tùy nghi châm chước cho hợp với trình độ người dân. Giáo sư Lavrouquère lại cắt nghĩa về sự ngạch y tế Đông Dương sửa soạn để bãi bỏ hẳn các nhà thanh lâu bằng cách mở thêm nhiều bệnh viện để cho bệnh nhân thuốc thang được dễ. Đông Dương có hy vọng rằng nếu cái trình độ sinh hoạt và tri thức của dân chúng mà tăng tiến thì nạn mại dâm cũng phải tháo lui. Một điều có thể tin chắc được, là một khi dự án Sellier mà được Nghị viện chuẩn y, thì cũng sẽ được thi hành ở các thuộc địa, và dự án ấy sẽ làm cho mọi cách bài trữ mại dâm thành ra duy nhất, thuận với dư luận quốc tế”.A.R.I.P. Février 1937 [18]
Ta cứ coi tin này đủ hiểu rằng chính phủ Pháp nay mai sẽ có một chính sách mới: dự án Sellier. Ông Sellier nguyên là một vị Thượng thư Bộ Vệ sinh [19], và đã thảo ra một dự án theo cái tinh lý của chủ nghĩa thủ tiêu (thủ tiêu chế độ cũ để thay vào bằng một chế độ mới) để tránh cho xã hội những sự bất công, những điều vô nhân đạo, trong cái sự bài trừ nạn mại dâm, các bệnh phong tình.
Ta nên biết rằng về phương diện này, so với các nước trên thế giới, thì nước Pháp là bảo thủ và chậm tiến nhất. Năm 1928, Hội Quốc Liên [20] đã quyết nghị ưng chuẩn việc đóng cửa các nhà thanh lâu. Hội “Phục hưng luân lý của công chúng Pháp” (
Ligue Française pour le relèvement de la moralilé publique) đã tuyên ngôn rằng: gần khắp các nước ở Âu, Mỹ đã văn minh tiến bộ, trong thế kỷ XIX đã phải mượn của nước Pháp bộ luật quy định nghề thanh lâu, thì họ đã đem cái bộ luật ấy mà vứt đi đã từ lâu rồi [21].
Vậy thủ tiêu chủ nghĩa là thế nào?
Căn cứ vào sự bình đẳng của đàn ông và đàn bà, chủ nghĩa thủ tiêu rất được những hội đảng giải phóng phụ nữ bênh vực, gào thét... Người đàn bà không thể cứ mãi mãi là “đứa nô lệ cho tình dục” của bọn buôn phấn bán son mà nhà nước công nhận và che chở; người đàn bà không thể cứ mãi mãi riêng chịu mọi sự truy tầm, khám xét, và bị giam cầm, những khi có bệnh! Kể ra thì ý kiến ấy cũng công bình và nhân đạo lắm, và muốn đạt được ý nguyện ấy, chính sách thủ tiêu gồm có những công việc mà mục đích là trừ bỏ những cái gì trở ngại cho sự tự do cuả phụ nữ, đại khái như: đóng cửa các nhà thanh lâu hoặc bất cứ những nơi nào gây ra trụy lạc; bài trừ bọn người sống về nghề hoa nguyệt (chủ săm, mụ giầu, ma cô, bồi dắt gái v.v...); chăm nom những xưởng kỹ nghệ dùng nhân công đàn bà, con gái, truy nã bọn buôn người xuất dương, vân vân... Nhà nước phải nêu gương sáng trước nhất, bằng cách thu hồi những luật lệ kiềm thúc. Không có những “đĩ có giấy” nữa, và không có những phúc đường dành riêng cho bọn kỹ nữ nữa. Ban cảnh sát xướng kỹ, do thế, cũng hết đường mà sống, về những tội phạm về mại dâm sẽ do tòa án trừng trị [22], ban cảnh sát thường bắt bớ mà thôi. Còn đối với nạn hoa liễu, thì cách chiến đâu là: Giáo dục về nam nữ [23] (
éducation sexuelle) bằng trường học, phim ảnh, diễn dàn, truyền đơn, yết thị...; cho công chúng được có cách chạy chữa bệnh phong tình rất dễ dàng; trừng trị rất nặng những kẻ, bất kể đàn ông hay đàn bà, đổ bệnh hoa liễu cho người khác, và bắt buộc phải chữa cho đến lúc khỏi hẳn; giấy nhận thực của thầy thuốc trước khi lấy vợ, lấy chồng, trước khi đi làm nghề vú em, v.v... Nghe qua cũng đủ biết “chủ nghĩa thủ tiêu” là rất hay về lý tưởng, nhưng mà đem thực hành được cũng không phải là điều dễ.
Vì bác sĩ Joyeux đã nói như thế này:
- “Đối với người nào muốn nói để lòe đời mà thôi, thì đó là một cách giải quyết vấn đề mại dâm rất nhã nhặn cho một nước, vì thực hành chính sách ấy thì một nước đâu phải đi đến một trình độ khá cao về tiến hóa và tổ chức, mà những nước đã theo chính sách ấy hiện giờ cũng chưa đi đến được một cách đích đáng và cho đủ đường; thực hành lý tưởng ấy nghĩa là cam đoan rằng nước mình không có nạn nghèo đói; rằng sổ Hộ tịch theo cái mực lên xuống hàng ngày, đã ghi chép được cả một cách chu đáo; rằng sổ sách, giấy má nhà nước là rất cẩn thận về cả mọi điều lặt vặt; rằng cái trình độ trí thức đã là phổ thông, người dân hiểu công quyền và thuộc pháp luật một cách tự đắc; rằng ngạch y tế có đủ bệnh viện, người làm, và thuốc men, một cách thừa thãi... Tóm lại, đó là tuyên ngôn rằng nước mình đã giàu mạnh, đã cực kỳ văn minh. Tôi tưởng rằng Đông Dương chưa đến trình độ ấy.
Muốn làm cho khôn khéo, và cho thành thực có kết quả, thì phải theo một chính sách nhũn nhặn hơn. Sở dĩ phải châm chước đi, ấy là vì đại đa số phụ nữ ở xứ này chênh lệch nhau quá, kể về từng khu vực riêng theo những hoàn cảnh thủy thổ, chính trị, cai trị và xã hội riêng; chỉ có một ít người trí thức là đã hoàn toàn Âu hóa, còn thì vẫn có những bộ lạc còn man di mọi rợ như người cổ xưa. Cái dân chúng ở thôn quê sản xuất ra vô số đàn bà mại dâm, thì vẫn còn vô học. Nếu có ít nhiều phụ nữ ở những nơi thành thị đã văn minh tiến bộ, thì đối lại, chín mươi chín phần trăm những đàn bà khác, hãy còn hèn kém đủ đường, nếu đem so với đàn ông. Đẻ con cái, nói ngay ở Hà Nội, mà cũng nhiều khi người ta quên khai sinh. Ngoài những công việc hàng ngày chỉ có vất vả và thụ động, đàn bà ở đây thường là ngu dốt đến bậc cũng không biết ở chung quanh mình có xảy ra những chuyện gì nữa. Sự túng kiết chung xoay quanh được với cái thả lỏng của luân thường đạo lý, với cái đức coi thường sự nam nữ giao cấu, với cái tính cẩu thả, thản nhiên.
Hai nữa, sự tổ chức về mặt cai trị, tư pháp, cảnh sát, và vệ sinh ở đây là chưa đủ dùng. Công quỹ không cho phép chi tiêu những số tiền to vào những việc cần thiết. Vì những sự xét nghiệm ấy, cái chính sách khôn khéo và hợp thời chính là sự châm chước cái luật quy định cũ bằng sự lượng thứ có nhân đạo đối với đám phụ nữ đương tiến hóa, để mà sửa soạn cho họ sẽ được có ngày đủ tư cách hưởng cái dự án Sellier mà Nghị viện sẽ chuẩn y.
Ở cái xứ này, người ta không thể đứng hẳn vào phái
thắt buộc (
règlementariste) cũng như không thể đứng hẳn vào phái
thủ tiêu (
abolitionniste), nhưng mà phải biết
tùy thời nghĩa là
tiến hóa. Điều cốt yếu là ta không nên đứng hẳn vào phái
‘không làm gì’ (
néantiste) nghĩa là không hề nhúc nhích trước cái họa ấy, để mà vin một cách lười biếng vào cái cớ là không lý thuyết nào có thể dắt đến kết quả mỹ mãn cả, vì hiện thời, chúng ta đã thấy rất nhiều điều tai hại của cái họa mại dâm”.
Những lẽ lời ấy rất dễ hiểu. Xứ này chưa đến cái trình độ đáng hưởng dự án Sellier một cách thuần túy. Vì lẽ bác sĩ Joyeux là thư ký của
Ligue prophylactique [24] và Ủy ban bài trừ hoa liễu ấy là do Phủ Toàn quyền đặt ra, cho nên khi ông Joyeux nói tức cũng như quan Toàn quyền nói. Cái chính sách đối phó với nạn mại dâm đã sẽ là chính sách: TÙY THỜI.
Hiện giờ, Phủ Toàn quyền còn đương nghiên cứu về những đạo luật đàn áp bọn người sống về nghề “nguyệt hoa ong bướm” và những nghị định đặt thêm bệnh viện, nam nữ học đường ngạch khán hộ mới để đi từng nhà một giảng dạy về nạn phong tình (
visiteuses sociales) ngạch cảnh sát vệ sinh (
police sanitaire) để một ngày kia có thể ban hành cái chủ nghĩa thủ tiêu thuần túy [25] (
abolitionnisme inlégral) cho phụ nữ Đông Dương. Người ta sẽ thực hành đúng cái chương trình của bác sĩ Le Roy des Barres.
Đến ngày ấy, trong xã hội Việt Nam sẽ còn sự thay đổi, nhiều cuộc “cách mệnh” nhiều vụ “loạn lạc”. Người ta sẽ bỏ nhà lục xì, giải tán ngạch đội con gái, đóng cửa những nhà săm. Tòa án trừng trị sẽ bỏ tù những gái ăn sương, bọn ma cô, những ngài đổ bệnh hoa liễu cho kẻ khác. Người ta sẽ dạy bảo những điều cần biết về nam nữ giao hợp ở các trường sơ học cho lũ trẻ con đương tuổi dậy thì!
Bỏ nhà lục xì, vì nó chỉ giam có độ hai trăm đàn bà, trong khi năm, sáu nghìn gái mại dâm lậu thuế khác tự do đổ bệnh phong tình trong dân.
Đóng cửa các nhà thanh lâu, vì theo ý Clémenseau, không phải chỉ riêng có gái cầm giấy hay đĩ lậu mới là mại dâm, thì không lý nào lại đầy ải họ ra ngoài xã hội!
Bãi bỏ ngạch “đội con gái” vì ngạch ấy là một sự đáng xấu hổ của những nước văn minh, nhiều cường quốc ngày nay đã bãi bỏ nó, và vì ở đây, ngạch ấy sẽ không có việc gì, nếu thành phố phải đóng cửa phúc đường. Bỏ tù bọn đàn ông khi họ có bệnh mà vẫn ngứa nghề, vì đó là một tội đáng phải trừng trị rất thẳng tay!
Giảng dạy cho trẻ con vấn đề nam nữ giao hợp, vì cái tính cả thẹn của bọn đạo đức “không phải đường” đã di truyền lại nhiều mối hại; vì không dạy trẻ con thì tự khắc rồi chúng cũng “biết”, và khi chúng không biết cho rõ ràng thì chúng sẽ hoặc mắc bệnh, hoặc bị suy đốn tinh thần vì thủ dâm.
Tóm lại một câu, dự án Sellier sẽ chữa lại cho xã hội nhiều sự bất công, vì không lý nào ta lại đành tâm nhìn cái cảnh hàng nghìn vạn người đàn bà mại dâm vì muốn khỏi chết đói, thì bị truy nã, bị hành hạ, bị bỏ tù, phải cầm giấy, khó lòng mà lấy nổi được một tấm chồng cho tử tế trong khi vô số người khác cũng mại dâm lậu thuế, mà làm quan cho chồng, mà đi xe hơi, ở nhà lầu, có quyền thế, có danh giá, được coi là bà lớn, là quận chúa, là phu nhân!
Nhưng mà muốn đến được cái chặng đường ấy thì xin những ai có tư tưởng xã hội, có bụng thương đời, trong máu còn đủ nhiệt độ để mà bất bình về những mối bất công, nên sốt sắng lên một chút. Những nhà viết báo, những ông dân biểu - nếu thật lòng muốn giải phóng cho phụ nữ nước nhà thoát khỏi chế độ mại dâm nô lệ - nên sửa soạn kêu đòi cho được cái luật Sellier, một cách cũng sốt sắng như các ngài vẫn kêu đòi Tự Do.
Vì rằng nếu không một ai nhúc nhích chút nào, thì các nhà cầm quyền ở đây cũng chẳng phải hấp tấp mà làm gì, và mỗi khi phải đáp lời, chính phủ lại sẽ đáp như đã vẫn thường đáp cho chúng ta, nghĩa là: “Dân An Nam chưa đủ tư cách”.
Nhưng biết đến ngày nào mới có những ông giải phóng phụ nữ chân chính ra đời?
Hay cái xã hội một nghìn lần khốn nạn này chỉ có thể có được những ông đầu cơ, coi công cuộc cải tạo xã hội cũng như sự nịnh hót những cái thị dục đê hèn của đàn bà, con gái, và dẫu là giả dối hay thành thực thì cũng đều là một bọn đắc tội với văn minh, với phong hóa, vì đáng lẽ phải cứu vớt giống yếu thoát vòng trụy lạc, họ không biết rằng họ đã xô đẩy bọn người đáng thương này, trước thì còn vào nạn “lãng mạn” và, sau cùng thì vào cái vũng bùn mại dâm?
1937Chú thích:[1] Nói tiếng Pháp “me xừ” nghĩa là ông, nhưng chỉ nói gọn có âm sau là xừ.
[2] Bằng tốt nghiệp trường cao đẳng tiểu học tương đương với tốt nghiệp trường phổ thông cơ sở ngày nay.
[3] Nay thường dịch là “méo mó nghề nghiệp”.
[4] 3 tháng Hai 1921
[5] Bộ từ điển nổi tiếng nhất của Pháp.
[6] Chỉ những hạng đàn ông ăn bám vào gái điếm hành nghề, nhờ nghề mại dâm của họ mà sống.
[7] Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 9 đóng tại Hà Nội.
[8] Tiếng Pháp dùng để gọi một người mà ta không muốn nhắc đến tên, có nghĩa là “một tên nào đấy, một kẻ nào đấy, mít, xoài nào đấy”.
[9] Đi ngay đi! Mày không có quyền cứ ngồi đấy để làm phiền người khác! Mày yêu cô ả lắm có phải không? (V.T.P)
[10] Vậy thì sao lại không lấy quách nó làm vợ!
[11] Bạn ơi, mình và tôi, chúng ta lấy nhau đi! (V.T.P).
[12] 3 tháng Hai 1921.
[13] Có thể mua được hơn mười lạng vàng thời ấy.
[14] 20 tháng Ba.
[15] Theo thường luật hay luật thường phạm (régime de droit commun) thì tội mại dâm sẽ bị truy tố trước tòa án trừng trị không ở trong tay bọn cảnh sát xướng kỹ và các phúc đường nữa (V.T.P).
[16] Các nước.
[17] Quần đảo lndonesia ngày nay.
[18] Hãng thông tấn A.R.l.P. tháng Hai 1937.
[19] Bộ trưởng Bộ Y tế.
[20] Hội các nước trên thế giới thành lập sau Đại chiến thứ nhất, như Liên hiệp quốc sau Đại chiến thứ hai vậy.
[21] Theo hội ấy, thì đây, các danh sách những nước không có nhà điếm với niên kỷ mà các nước ấy đóng cửa nhà thanh lâu: Đức (1927), Đan Mạch (1906), Anh (1901), Hung (1928), Na Uy (1888), Hòa Lan (1911), Ba Lan (1922), Thụy Điển (1901), Bulgarie (1912), Darizin, Esthonie, Finlande (1907), Lettonie (1913), Tiệp Khắc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Cuba, Australie, Bolivie, Nouvelle Zelande, République Dominicaine (V.T.P).
[22] Tòa án trừng trị xử sơ thẩm các vụ án hình sự.
[23] Nay gọi là “giáo dục giới tính”.
[24] Hội đoàn phòng bệnh.
[25] Dịch là “thủ tiêu triệt để” thì đúng hơn.
HẾT