àn kiến ùn ùn kéo đến nhà Thi. Chúng vây quanh anh. Thi hoảng sợ, không biết mình có phạm tội gì không mà bị kiến bao quanh như vậy. Anh la to:- Tôi có tội tình gì mà các ngươi đến bu quanh như vậy?Nghe anh lên tiếng, đàn kiến cười ngất. Chúng kết thành cái miệng cười đỏ như thuốc nhuộm nấu sôi. Chúng đồng thanh lên tiếng trấn an:- Chúng tôi đến đưa nhà thơ đến với một người thèm nghe thơ.Anh ngạc nhiên hết sức. Dễ gì đời này còn có kẻ thích thơ, chứ nói gì đến chuyện thèm nghe thơ. Quả là lạ? Suốt cả đời làm thơ, đây là lần đầu tiên anh được biết có kẻ thèm thơ. Lòng anh vui vui. Không vui sao được khi trên trần gian này còn có kẻ cần thơ. Nhiều lần làm xong bài thơ, đọc cho ai đó nghe, nhưng nào có ai để ý chứ nói gì đến chuyện thèm. Lần này, được đi đọc thơ chắc là vui lắm, sướng lắm. Không chờ đàn kiến nói thêm, anh đề nghị:- Hãy cho tôi đi gặp người thèm thơ đi!- Được thôi!Nói xong, đàn kiến kết thành chiếc võng đưa Thi đi. Chúng khiêng anh như khiêng một ông hoàng của nghệ thuật. Anh nằm yên, ngửa mặt lên trời, nhìn các vì sao di động. Bọn kiến đưa anh đến gặp Rớt. Ngạc nhiên, anh hỏi:- Sao lại đưa tôi đến đây? Đây là người thèm thơ tôi?Đàn kiến cười, dỗ ngọt Thi:- Đúng vậy. Chỉ có Rớt mới thèm thơ. Dễ gì có người thèm thơ như Rớt. Chắc nhà thơ biết ai là kẻ thèm thơ?- Dĩ nhiên là tôi biết. Nhưng, không lẽ người như Rớt mà lại thèm thơ sao?- Đúng là cô ấy thèm thơ hơn bất cứ ai trên đời này. Chỉ có người khổ đau tột cùng mới cần thơ như cần thứ linh dược để cứu rỗi mình. Rớt thèm làm người, nên thèm thơ là chuyện thường. May mà có kẻ thèm được làm người, nên mới thèm thơ. Hãy đọc cho cô ấy thưởng thức đi!Thi ngẫm lời bọn kiến có chỗ đúng. Anh thấy thơ của mình còn có chỗ để đọc là vui rồi. Còn có người nghe thơ, đó là điều hạnh phúc với Thi. Anh cất tiếng đọc. Lời thơ của anh kết tụ lời của nhân gian, kết tụ lời của cõi ta bà, kết tụ bởi âm hưởng từ cõi xa xăm, từ lời chân thật. Lời thơ như tiếng khóc, tiếng cười, như cả linh hồn thương đau, nguyện cầu an bình cho cả thế gian...Rớt nghe Thi đọc những bài thơ ca ngợi cô tiên, những lời thơ ca ngợi thân hình quỷ. Rớt nghe, nhưng cô không hiểu hết những ẩn dụ về cô. Cô chỉ cười nụ cười của quỷ trên gương mặt của tiên mang hình hài công chúa. Thấy Rớt chăm chú lắng nghe, Thi sung sướng ra mặt:- Tôi làm thơ nhiều lắm cô ạ! Làm để ca ngợi con người. Có người anh – người anh văn nghệ - trên cõi đời này đã khuyên tôi phải cầm bút sao cho xứng với con người của mình, xứng với cái tâm của mình. Có thể bây giờ, cô không thích thơ tôi, nhưng rồi cô sẽ thích.- Tôi thích nghe anh đọc mà. Nhưng, nhìn anh dở hơi thật! – Rớt e dè hỏi Thi – Anh không sợ tôi sao?Ngạc nhiên, Thi nói:- Sợ cô! Việc gì tôi phải sợ cô?Chỉ vào gương mặt của chính mình, Rớt nói:- Tôi là quỷ! Anh không sợ quỷ sao?Thi cười an ủi Rớt và như để an ủi cả chính mình:- Sợ quỷ ư? Tôi sợ cô ư? Cô có hại tôi đâu mà tôi phải sợ.Đưa tay chỉ lên trời, Rớt hỏi:- Thế tôi là tiên, anh có sợ không?Thi cũng cười:- Tôi cũng chẳng sợ đâu. Tiên với quỷ cũng là cô. Tôi chỉ thương cô thôi. Thương như thương một con người phải có mặt ở trần gian này. Tôi chỉ tội nghiệp cho con người thôi. Như tội nghiệp cho chính tôi chẳng hạn.Rớt gật đầu, nói nhỏ:- Ồ! Thế thì anh tốt quá!Thi nói giọng thành thật:- Tôi tốt ư? Cô không nghĩ rằng trên đời này còn có nhiều người tốt hơn tôi nữa kia. Chứ có riêng mình tôi đâu.Rớt lắc đầu, mỉm nụ cười như mỉa:- Tôi không tin. Anh không thấy bọn đàn ông bị cắt của quý kia không. Chúng đâu có tốt với tôi.Giọng trầm hẳn xuống, Thi chép miệng, nói:- Cô nghĩ thế là tội cho họ. Họ cũng là người, chắc có điểm nào đó tốt mà cô chưa thấy thôi.Vẫn nụ cười lộ vẻ khó chịu, Rớt nói:- Tốt mà chỉ muốn chiếm đoạt lấy công chúa Rớt? Tôi vẫn chưa tin là họ tốt.Thi lạc cả giọng như thể rằng anh đuối lý:- Không tin là tuỳ cô. Nhưng đối với tôi, họ chưa phải là người xấu. Họ chỉ có cái tội là...- Thôi! Anh đừng nói về họ nữa. – Ngừng một lát, Rớt nói tiếp - Anh tốt thật. Ước gì có nhiều người tốt như anh.Thấy Rớt bớt cau có, Thi cười an ủi Rớt:- Cô cứ tin là còn nhiều người tốt hơn cả tôi! Tôi tin ai cũng tốt, ai cũng thương yêu nhau thì khổ đau sẽ bớt ở thế gian này.Rớt ngạc nhiên:- Thế gian sẽ không còn khổ đau! Hay nhỉ! Ai nói với anh điều đó?Nghe Rớt như muốn nghe chuyện, Thi nói với giọng tự hào:- Anh tôi.Rớt lại hỏi:- Anh ấy là ai? Sao anh ấy nói điều tốt vậy?Thi cười vui, giọng đầy sự tự tin:- Anh ấy tên là Nhân. Anh ấy là nhà thơ.Rớt nghiêng đầu, nhướng đôi mắt, giọng ngạc nhiên:- Cũng là nhà thơ như anh?Với vẻ tự hào, Thi khẳng định:- Đúng! Anh ấy cũng là nhà thơ như tôi. Các nhà thơ thường thông cảm nhau lắm, hiểu nhau lắm. Họ nói về họ cũng là nói về người khác. Ở họ có nỗi đam mê công việc. Khát khao thế giới an bình, thế giới đại đồng.Rớt hỏi:- Chính anh Nhân nói điều ấy?Thi vui vì có kẻ muốn hiểu mình, muốn hiểu về các nhà thơ:- Vâng! Chính anh Nhân đã nói và nhiều nhà thơ khác cũng nói như vậy.Rớt chắp tay trước ngực lộ vẻ sung sướng:- Ôi! Thế thì tuyệt diệu quá! Chẳng cần tiên, chẳng cần quỷ cũng có thể sống cuộc sống tuyệt đẹp, phải không anh?Thi nói trong niềm sung sướng:- Đúng! Con người thương yêu nhau, thế giới sẽ đại đồng. Không cần chủ thuyết; không còn sự ganh ghét; không còn sự tị hiềm, nghi kỵ; không còn xảo trá, ích kỷ.Rớt chỉ vào mặt Thi cười:- Anh đúng là con người lạ lùng.Thi gật đầu, nói:- Cô cũng vậy. Cô cũng là con người.Rớt cười nói tiếp lời Thi:- Tôi nghe nói các nhà thơ như anh là những kẻ lập dị.Thi ngạc nhiên:- Tôi?Rớt chỉ vào gương mặt ửng hồng của Thi, vào đôi mắt sáng vui của Thi, nói:- Đúng là anh, chứ còn ai vô đây nữa! Không có việc gì làm mất sự tự do của anh.Thi nói:- Tôi có xâm phạm sự tự do của ai đâu. Tôi có tranh giành tự do của ai đâu. Tôi không xâm phạm, tôi không tranh giành với người khác, tất nhiên tôi có tự do.Rớt ngước nhìn trời, rồi nhìn đất, lại nhìn xung quanh, hỏi:- Mọi người đều như anh thì thế giới sẽ ra sao nhỉ?Ngập ngừng một lát, Thi mới lên tiếng:- Tôi cũng chẳng biết thế giới sẽ ra sao. Nhưng tôi nghĩ khổ đau do con người tạo ra, sung sướng cũng do con người tạo ra. Mà tự tạo ra thì còn oán trách ai mới được chứ?Rớt thảng thốt:- Tôi... Gương mặt tôi biến từ sung sướng ra khổ đau, nào tôi có tạo ra đâu. Ai? Ai bắt tôi phải chịu như thế. Anh hãy trả lời đi!Thi im lặng nhìn Rớt. Gương mặt Rớt dần dần biến đổi. Chưa kịp trả lời, anh bị Rớt nắm lấy cổ áo. Anh ú ớ. Trong khi đó, với đôi mắt giận dữ, Rớt gầm lên:- Hay chính anh đã tạo ra cho tôi?Thi dần lấy lại bình tĩnh:- Không phải tôi. Không ai tạo ra cả. Có lẽ chính là sự tình cờ, ngẫu nhiên chăng? Và từ đó, con người cứ bám vào đó để phân biệt sướng khổ.Rớt bớt giận, nhìn Thi, cười mỉa:- Anh thật dở hơi. Suốt ngày mơ mơ mộng mộng, suốt ngày cứ tình cờ, ngẫu nhiên. Tôi chẳng thèm nói chuyện với anh đâu.Thi cũng cười:- Ấy... ấy... Tôi nói là nói vậy. Làm sao tôi biết hết được cuộc đời này. Có lẽ đó là số phận. Nhiều người cũng cho là thế đấy.Rớt hỏi:- Nhưng số phận là cái gì?Thi chỉ vào người Rớt, rồi chỉ vào mình, nói:- Là như tôi, như cô đấy.Rớt trố mắt ngạc nhiên:- Ồ, hay nhỉ?Thấy Rớt hết giận, Thi lên tiếng như từng trải chuyện đời:- Vâng! Số phận con người có cái hay của nó. Nhiều tôn giáo đều nói về chuyện này. Tất cả đều quan tâm đến số phận của con người. Bởi con người biết đau khổ, buồn vui. Nói chung là có cả thất tình, lục dục nên con người có số phận. Và mỗi người có cái riêng của mỗi người, và đó chính là số phận của họ.Nghe Thi diễn thuyết một hồi, Rớt lên tiếng:- Anh đừng nói dông dài. Tôi chỉ cần anh cho biết anh nghĩ gì về số phận của tôi?Thi nhíu mắt một lát, rồi gật gật cái đầu ra điều đắc ý:- Số phận của ai, người ấy hiểu. Làm sao tôi hiểu trọn số phận của cô. Cô có hiểu số phận của tôi không?Nghe Thi trả lời như vậy, Rớt nhăn mặt cười:- Tôi... Tôi chịu anh. Anh cứ làm thơ cho anh, cho tôi, cho mọi người đi! Có lẽ số phận anh chỉ có làm thơ. Tôi chẳng cần anh thương hại tôi đâu. Anh cứ nhìn tôi thì rõ.Thi đưa mắt nhìn. Con quỷ Rớt trước mắt anh. Những vần thơ về quỷ trào ra trước mắt anh. Anh cũng chẳng biết vì sao nó trào dâng như vậy. Con quỷ Rớt nhìn anh chằm chằm, song anh không sợ. Anh cảm thấy bình thản một cách lạ lùng. Trán anh nhíu lên những nếp suy tư. Anh chẳng thấy gương mặt Rớt đẹp hay xấu. Trước mắt anh là con người, con người thèm khát được làm người. Anh cất tiếng đọc những vần thơ về Rớt...Rớt vẫn ngồi trước anh. Mặt cô đúng là mặt quỷ. Tội của cô đó sao? Ai không có tội trên cõi đời này? Dẫu một người cũng không? Ở Thi cảm nhận về Thánh Linh, về cõi niết bàn. Tất cả cũng là sự cảm nhận. Ai không có tội? Ai lên cõi niết bàn? Đối với Thi, anh chỉ biết, có tình thương yêu lẫn nhau, mới có thể biến con người thành Con Người. Có thể ngày nào đó, các quỷ ở địa ngục sẽ thành Thánh Thần ở cõi niết bàn. Ngày đó là ngày nào?Rớt lên tiếng hỏi:- Anh không sợ tôi? Thế mà đàn ông đều sợ tôi, anh biết không? Họ sợ con quỷ này mà!- Xin cô đừng nói thế! – Thi đáp lại – Chẳng có ai toàn mỹ đâu. Cô tưởng ai cũng đẹp à? Mấy ai đẹp cả dáng vẻ lẫn tâm hồn.- Nhưng ai cũng ghét gương mặt tôi. Tôi có tội tình gì đâu. Anh hãy giúp tôi được đẹp đi!- Tôi chẳng giúp gì cho cô được đâu.Giọng Rớt đầy hờn trách:- Anh là thằng đàn ông vô tích sự.Thi cười gượng, nói như mếu:- Nhiều người cũng nói như thế. Có lẽ, dưới con mắt họ, tôi chẳng làm được việc gì đem lợi về vật chất, tiền của. Không làm ra tiền thì coi như hỏng ở cõi đời này.Nghe Thi sắp khóc, đến lượt Rớt an ủi lại:- Anh cũng tội nghiệp đấy chứ! Tôi cứ tưởng mình tôi khổ. Ai dè anh cũng khổ vì thích làm thơ.Dù giọng Thi chùng xuống, nhưng Rớt vẫn nghe như đó là tiếng nói của thơ:- Cũng chẳng khổ. Mà cũng chẳng sướng. Được làm người thì sướng khổ có ích gì với cuộc đời đích thực. Toàn là sướng ư? Chỉ là sự mơ ước mù sa. Toàn khổ ư? Chỉ là sự tự đày đọa trong cõi sa mù. Được làm người là hạnh phúc lắm rồi. Cần gì phải tranh chấp cái khổ cái sướng.- Anh nói toàn chuyện đâu đâu! Ôi! Tôi cũng là người, sao tôi khổ thế? – Rớt ôm mặt – Tôi được làm người, phải không anh? Tại sao chúng nó cấm tôi làm người?Thi vỗ vào ngực, hình như những người làm thơ đôi lúc làm anh hùng bất đắc dĩ:- Kẻ nào cấm cô được làm người. Cô cứ làm người. Cô có quyền làm người.Khi đó đàn kiến lại ùn ùn trào dậy như lửa cuộn. Rớt chỉ đàn kiến la to:- Chúng nó kìa! Chúng nó cấm tôi làm người đấy! Chính lũ kiến, anh thấy không? Chúng nó cấm tôi làm người.Nhìn lũ kiến đang biến hóa Thi lên tiếng:- Lũ kiến! Ôi! Chúng nó tàn ác với cô thế sao?Rớt co mình, cong người, ôm đầu:- Vâng! Chính chúng đấy. Anh hãy đuổi chúng ra khỏi đây đi. Tôi sợ lắm.Thi đuổi bọn kiến. Nhưng lũ kiến lại khiêng Thi cao chạy xa bay khỏi Rớt. Chỉ còn lại một mình, Rớt khóc. Khóc ướt đẫm những bản thảo của Thi còn sót lại.Đàn kiến cứ đi về. Chúng đông như cát đỏ. Chúng khiêng một thằng người, nhưng đó không phải là Thi. Đàn kiến hỏi Rớt:- Rớt! Mày có biết ai đây không?Rớt nhìn kỹ. Đúng là thằng điên, thằng điên mà Rớt thường gặp.Thằng điên nhổm dậy, nhìn Rớt, cười. Nó nhe hàm răng cười. Áo quần trên người nó cũng cười với Rớt. Kể cả chân tay, đầu tóc nó cũng cười... Nó cười theo điêụ ca hằng ngày:- Ôi! Người buồn; ta vui. Người ta là giòng sông, là biển; còn ta là thuyền, là lá. Người ta tụng kinh Di đà về nước Chúa; ta tụng kinh Quan âm ở chốn trần ai... Ai cũng như ta thì mấy ai ở đời này là kẻ sướng? Ai cũng như ta thì mấy ai cười trong biển khổ? Ngày Phật giáng sinh, ta đã cười trong cõi nhân gian. Ngày Chúa bị đóng đinh trên thập tự, nước mắt ta hòa nước mắt chúng sinh. Người đời cho Phật, Chúa là hai, nhưng ta cho là một. Chúa sinh Phật. Phật sinh Chúa. Và con người sinh cả Phật, cả Chúa. Ai là người thì nên tin Chúa, Phật cùng ngôi... Hì hì... Chúa Phật cùng ngôi... Con người cùng ngôi Chúa Phật... Hì hì...Rớt không chịu nổi bài ca của thằng điên, nói:- Sao anh cười điệu ca ấy?Cũng chỉ nụ cười man khai, ngô nghê. Và đột nhiên, thằng điên bật khóc. Rớt lại hỏi:- Anh cũng biết khóc à?Thằng điên lại cười. Rồi khóc. Rồi im bặt. Mắt nó nhìn cõi xa xăm nào đó, rồi cất tiếng nói lớn:- Kìa! Cô thấy không? Đàn kiến kìa! Chúng đang kéo quân từ địa ngục đến niết bàn và từ niết bàn đến địa ngục. Chúng đang khiêng các linh hồn. Cô có nghe các linh hồn than khóc không? Cô có nghe các linh hồn cười hạnh phúc không?Rớt lắc đầu, mắt mở to nhìn theo ngón tay thằng điên.- Ở đâu? Tôi chẳng nghe gì cả!Thằng điên lại nhảy tưng tửng, hát điệu nhạc điên:- Ôi! Các linh hồn đang bị đày đọa từ cõi địa ngục. Chúng đang than khóc, nghiến răng trong hỏa ngục... Ôi! Tội cho chúng quá!... Chúng bị xiềng xích đời đời ở địa ngục... Và kìa! Các linh hồn đang chúc tụng vị đế vương ở trời cao bằng những bài ca vinh hiển của Chúa Phật... Cô... Cô thấy không? Các linh hồn chia làm hai phe đấy. Chúng chia phe đánh nhau đấy.Rớt dỏng tai nghe. Cô chỉ nghe tiếng lạo xạo của lũ kiến. Chỉ có tiếng của côn trùng đang ám ảnh Rớt. Cô đáp:- Tôi có nghe thấy gì đâu ngoài âm thanh của lũ kiến.Thằng điên nói như đồng nhập:- Cô không thấy sao? Tội nghiệp cho cô khi cô không được thấy các linh hồn chia làm hai phe đánh nhau. Cô có thích đánh nhau không?Nghe thằng điên nói lại chuyện đánh nhau, Rớt thấy sợ. Không lẽ trên cõi đời này người ta thích chuyện đánh nhau? Mà đánh nhau để được ích lợi gì chứ? Đánh nhau từ đời này sang đời khác để được cái gì, Rớt cũng chẳng biết. Cô chỉ biết, nếu đánh nhau thì ai cũng bị đau, bị thương tích, nếu nặng hơn là có thể chết người. Nghĩ đến chuyện có người chết, Rớt la lên:- Ôi! Tôi sợ đánh nhau lắm!Giọng thằng điên như một triết gia:- Thế mà con người bày trò đánh nhau để vui đấy.Rớt hoảng sợ, thốt:- Thật thế sao?Vẫn giọng điệu của một triết gia, nhưng lời lẽ của thằng điên có hơi hướm của người chết:- Thật! Thật như đàn kiến kéo quân từ địa ngục đến niết bàn và từ niết bàn đến địa ngục. Kìa, đàn kiến di động như con người đang di động. Kẻ thì kéo đến địa ngục. Kẻ thì kéo đến niết bàn. Còn cô, còn tôi sẽ đi về đâu, đố cô biết được?Nghe giọng của thằng điên có vẻ ma ám, Rớt nói:- Anh làm tôi sợ quá!Chỉ im lặng...Giờ thằng điên không lên tiếng. Chỉ nghe tiếng của đàn kiến hòa với tiếng gió. Như tiếng vọng ở chốn xa xôi nào đó, cuốn hút những mơ mộng, những trăn trở, Rớt không biết mình phải làm gì. Một lát sau, cô lên tiếng: - Anh sẽ đi về đâu?Thằng điên cười, nụ cười mang dáng dấp nụ cười của đứa trẻ bị bệnh đao:- Tôi không biết. Vì tôi có sợ gì đàn kiến đâu. Cô không thấy chúng khiêng bỏ tôi ở giữa cõi trần sao? Có thể tôi ở lưng chừng giữa niết bàn - địa ngục. Mặc chúng làm gì thì làm.- Anh đã vậy. Còn tôi, tôi...? Tôi sẽ đến niết bàn hay địa ngục?- Tôi không biết.- Anh không biết thật ư? Anh nhìn gương mặt tôi, anh đoán giúp tôi sẽ đi về đâu đi!Gương mặt con quỷ Rớt. Đúng là gương mặt con quỷ Rớt hiện ra. Gương mặt khao khát được làm người hiện ra, gương mặt đau đớn ê chề của con quỷ trinh trắng hiện ra.- Có lẽ tôi xuống địa ngục, phải không anh?- Không đâu! Gương mặt của cô có gì đáng nói. Cô phải lên niết bàn. Đúng là cô sẽ được lên cõi trời.- Anh nói dối.Và Rớt đã khóc. Cô đưa tay đấm vào ngực thằng điên. Nó chỉ cười nụ cười sơ khai.- Anh cười trên thân phận tôi?Thằng điên cũng cười.- Anh ghét tôi sao?Thằng điên tiếp tục cười.Quỷ cho thằng điên. Chắc nó bị quỷ thần ám vào người nên nói những chuyện như là có người ở thế giới bên kia. Nó nói chuyện niết bàn, địa ngục. Việc gì cũng cười. Đời đối với nó chỉ đáng giá có một nụ cười. Mà nụ cười điên, mới ngộ chứ. Nghĩ cũng tội cho nó thật. Suốt đời nó chỉ biết cười. Không cười, có lẽ nó đã chết từ lâu rồi.Thằng điên tiếp tục cười hát bài ca muôn thuở:- Hỡi các linh hồn ở niết bàn, ở địa ngục! Các người sao phân ra làm hai vậy? Các người sao tự tách ra làm hai vậy? Ngày phán xét, Phật sẽ ra đời. Quỷ dữ ở niết bàn sống sung sướng, phè phỡn bấy lâu nay sẽ bị nghiến răng đời đời. Thiên Thần bị đọa đày nơi địa ngục sẽ hát ca mừng Thiên Chúa. Hỡi các linh hồn! Các người hãy chọn đi! Hoặc các người làm Thiên Thần, hoặc các người làm quỷ dữ, hoặc các người làm con người.Điệp khúc của thằng điên chơi vơi, chơi vơi. Nó như những bài thơ Thi đọc ru Rớt ngủ. Giấc ngủ của cô bồng bềnh như thể đàn kiến kéo cô ném trên mặt sông. Bóng thằng điên, kể cả bóng Thi nhòa trước mắt Rớt. Chỉ có con sóng của giòng sông bồng bềnh, dập dìu đưa cô đến nơi vô định.Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy.Đàn kiến lại cắn xé cơ thể cô. Cô rùng mình. Cô lo sợ thân phận làm người...