Người kép già

     Chưa có việc làm, tôi thấy chán nản vô cùng. Những ngày nhàn rỗi đằng đẵng nối tiếp. Để khuây khỏa nỗi buồn thất nghiệp, tôi thường đến nhà các bạn chơi. Tôi hay đến Dụ nhất. Không phải tôi thân với anh hơn các bạn kia. Nhưng vì một lẽ khác. Vì ông Trạch. Người kép tuồng đã về già.
Ngày mới đến, tôi cũng không chú ý đến ông ta lắm. Con người gầy còm và xanh xao ấy, lúc nào cũng giữ một vẻ thầm kín và tư lự.
Dụ ghét ông ta lắm. Nói ra miệng, bằng giọng cay nghiệt:
- Ngày nào cũng phải cung 15 phân thuốc đấy. Mà chẳng được tích sự gì.
Như biết phận, ông chỉ thậm thụt trong gian buồng lụp sụp, ẩm thấp. Cứ tối đến lại leo lắt ánh đèn dầu lạc và tiếng “ro ro” rầu rĩ đưa ra.
Có một bận tôi đánh cờ với Dụ. Không hiểu vui sướng điều gì, có lẽ vì no phiện, ông Trạch hứng chí mần mấy câu tuồng cổ. Giọng ông khô khan nghe chán chường và rè rè như tiếng thuốc phiện chui qua nhĩ. Đang bực mình về nước bí, Dụ không còn nghĩ đến lựa lời. Anh gắt lên một câu rất trịch thượng.
- Gớm “cậu”! Làm gì mà ồn lên thế.
Tiếng “cậu” anh nói nhanh và nhỏ gần như không nghe rõ. Trên bộ mặt tái của ông thoáng qua một nét giận nhưng rồi lại bình thản ngay. Một lúc lâu ông mới cười khẩy một tiếng, không nói gì.
Người kép già ấy, mặt răn reo vì có tuổi, tái xanh vì giang hồ. Mắt lờ đờ vì khói thuốc phiện, vì bao đêm không ngủ. Nhưng tôi thấy ở ông ta một vẻ rất sắc sảo, cái sắc sảo của những con hát. Vậy mà con người từng trải ấy đã chịu thua kém nín nhịn một thằng cháu nhãi ranh.
Từ đấy những lúc vui lắm ông mới hát khe khẽ tay thẫn thờ gõ nhịp xuống phản. Còn thường thường ông nằm đườn ra, đầu gối lên chiếc ấm bì, tay vắt qua trán, chập chờn ngủ. Hoặc ngồi xếp bằng. Hai mắt ngao ngán nhìn vào một khoảng không, tư lự. Có lẽ óc ông lúc ấy đang đi trở ngược lại thời lừng lẫy, tưng bừng ánh sáng và âm nhạc thuở trước.
Xưa kia ông là một con hát nổi danh. Rạp nào đón được ông là một mối lợi lớn. Mỗi lần ông kép Trạch “thủ bản” trưng ra là người ta rồn rập đến xem rất đông. Những chủ rạp tranh nhau đón.
... Thế rồi, tuổi xuân qua, đem cả giọng hát trong trẻo của ông đi. Vả tuồng cổ cũng đến ngày không được ai chuộng nữa. Người ta đã bỏ rơi ông trong một xó nhà quê hẻo lánh, với bao nhiêu là thiếu thốn, là tủi cực. Đột nhiên tôi thấy thương con người thất thế. Người cùng cảnh - tôi cũng thất nghiệp. Tuy không bị ai hắt hủi song những lúc mẹ tôi buồn rầu nhìn qua đôi kính lão mà hỏi: “Con đã tìm được việc chưa?” Thì tôi thấy long se lại. Và một niềm bực dọc ray rứt ngấm ngầm trong tâm tôi. Tôi nghĩ đến cảnh nhà thiếu thốn.
Lân la làm quen, tôi được ông Trạch coi như bạn. Ông gần gấp ba tuổi tôi. Mỗi lần sang chơi, ông vui vẻ gọi tôi lại bên bàn đèn:
- Bác Triệu? Lại đây nói chuyện cho vui.
Ông có vẻ hợp tôi lắm. Bên bàn đèn thuốc phiện, tôi đi sâu mãi vào trong đời ông hơn. Cuộc đời khi trước ông lần lần kể lại. Ông vừa nói vừa khoa tay làm dáng điệu, mắt trợn trừng trợn trạc như khi ở sân khấu, theo thói quen của ông. Ông kể lại những chuyện oanh liệt khi xưa để trút bớt nỗi buồn bực đè nén trong lòng bấy lâu. Bằng một giọng hằn học ông thường nói:
- À sào! Có cái giả dại làm ngây đấy thôi. Chứ tôi còn hẹm cái nỗi gì ở đời này nữa, bác tính! Tôi đã sung sướng chán rồi. Giờ mình kiết nên hèn thế này thôi.
Cứ chập tối là tôi lần sang, nằm khểnh bên khay đèn hóng chuyện. Thấy thế Dụ thường giễu cợt:
-Thằng Triệu nó nghiện khói anh em ạ.
Tôi chỉ cười không nói gì.
Không ngờ ông bạn già tiều tụy của tôi đã có lần sang tận bên mẫu quốc phô diễn tài nghệ. Chuyện này ông kể lại cho tôi nghe, lúc đang đánh sái. Chợt ông ngửng lên, kiêu hãnh:
- Bác phải biết. Tôi đã có lần cùng anh em sang Tây hát rồi đấy nhé? (tiếng tây ông rằn mạnh). Năm ấy làng ta ba người được đi. Chánh hội Phùng là một, tôi là hai, Huyện Hốt là ba... Ấy, được Tri huyện về hát tuồng đấy.
Tôi cười ngạc nhiên:
- Hát tuồng mà được tri huyện?
- Ấy nó thế này? Sang bên ấy cứ hai ba tuần lễ mới đổi tích. Lần ấy, hát vở Đào Phi Phụng. Huyện Hốt năm bấy giờ mới độ mười ba, mười bốn, bầu bĩnh khôi ngô. Được sắm vai hoàng tử. Có một ông tây già đem lòng yêu quý. Xin hắn về làm con nuôi, cho ăn đi học. Về sau đỗ đạt được bổ Tri huyện mà!
Ông ngừng lại đưa chén sái lên miệng hà hơi. Đoạn, vê cho dài ra như con giun đen, bấm thành từng viên nhỏ. Ông thong thả nằm xuống người co như con tôm. Hút một chặp ba điếu mới đặt dọc tẩu xuống. Với tay lấy tích nước ngay đầu giường, tu một hụm. Ông xoay mình lại. Cặp mắt lim dim mơ màng. Tôi vẫn yên lặng chờ đợi. Bỗng ông thở một tiếng dài thườn thượt rồi nói tiếp:
- Anh em lớp ấy về, những người giải nghệ đều khá giả cả...
Ông đổi giọng chán chường:
- Nói bảo phụ tổ, chứ cái nghề này nó mạt lắm, bác ạ. Tôi đã mấy phen đứng chủ rạp hát. Trong tay kể có tiền nghìn. Vậy mà tay trắng lại hoàn tay trắng.
Bốn bề yên lặng. Một làn không khí nhạt nhẽo bao phủ chúng tôi. Bất giác, tôi quay lại nhìn cái bàn mộc trên để khám thờ tổ đã long sơn. Hai bên kê hai chiếc mặt nạ: ông Thiên, ông Địa. Trong ánh sáng tờ mờ của ngọn đèn dầu lạc, cái gì cũng có vẻ không hợp thời nữa, sắp chìm vào trong bóng tối của thời gian. Cái cảm giác này cũng giống như hôm nào, khi ông Trạch mở hòm khóa chuông khoe ảnh nhân tình - Tôi tò mò nhìn thấy mấy bộ râu đuôi ngựa mốc thếch, và dăm bộ áo tuồng cũ nát mà mùi hôi mốc xông lên.
Sự quen thuộc và thân mật cho tôi biết: mỗi ngày ông Trạch hút hết một cóng thuốc mười lăm phân. Đến lượt sái ba thì đủ nghiện.
Sau dần, tôi thấy rõ ràng nỗi túng thiếu của ông. Lắm hôm ông phải nướng diện lấy cao mới đủ. Người ông xọp đi, mặt phù lên, nước da vàng nhợt nhạt.
Bỗng bặt đi, tôi không thấy tiếng thuốc phiện rầu rĩ và ánh sáng vàng vọt trong buồng đưa ra nữa. Chỉ có tiếng vật mình vật mẩy và tiếng thở dài ảo não thay vào.
Một hôm ông Trạch gọi tôi. Nét mặt thảm hại, băn khoăn. Lúc lâu ông mới cất giọng lè nhè, kể lể:
- Chả nói giấu gì bác. Bà Trưởng - mẹ Dụ - không tư dùm tôi nữa. Mà tiền đẻ cháu gửi về thì không đủ.
Tôi bàn giúp:
- Hay là ông bắt bà nhà ta gửi thêm.
- Thế thì còn nói gì nữa. Nó khốn lắm cơ, bác ạ. Một mình đẻ cháu bóp chắt lắm mới đủ tiền nuôi các cháu. Gửi cho được đồng nào hay đồng ấy. Với lại nhờ vả thế này, tôi cũng đã xấu hổ lắm rồi. Nói ra sợ bác cười. Chứ không ai hiền lành thật thà như đẻ cháu.
Ông ngừng lại ho nhẹ mấy tiếng rồi buồn rầu kể tiếp:
- Tôi từ ngày theo nghệ tổ, đi đây đi đó đã nhiều, lấy vợ này thay vợ khác đã lắm. Tiền trăm bạc chục trong tay chi thường. Thế mà tịnh không gửi qua cho đẻ cháu lấy một xu hay một lá thư hỏi thăm. Đời tôi lúc bấy giờ tưởng như không có người vợ quê ấy nữa. Mê mải theo sở thích của mình, tôi bỏ lửng đẻ cháu ngót mười lăm năm trời, mười lăm năm trời, bác ạ?
Ông nghẹn ngào nói qua nước mắt:
- Còn đẻ cháu! Khốn nạn! Đẻ cháu có bao giờ tưởng chồng tệ bạc, suốt mấy mươi năm trời vẫn yên phận, thắt lưng buộc bụng tần tảo nuôi con... Mãi cho đến ngày già yếu, không đi hát được nữa, tôi mới trở lại với người vợ cũ. Đẻ cháu thấy tôi về cũng không ngạc nhiên, vẫn đon đả tươi cười, coi như chồng đi làm ăn xa, lâu lắm mới về mà thôi.
Ông ngừng lại thở hổn hển, thẫn thờ với chiếc khăn mặt nâu đen cáu, thấm nước mắt:
- Thế thì bác tính? Liệu tôi còn dám vác mặt lên ăn bám đẻ cháu cho nó đang tâm không?
Tôi cũng chẳng biết khuyên ông thế nào cho phải. Đành nín lặng. Còn ông thì có vẻ phân vân lưỡng lự. Một lúc lâu, ông mới hạ giọng thì thầm:
- Bác có tiền cho tôi giật tạm vài hào. Quả thật hai hôm nay chưa có thuốc.
À! Thì ra ông muốn hỏi vay tiền. Khốn nạn! Thảo nào ông phải kể lể dài dòng để lấy lòng thương của tôi. May lúc ấy tôi lại có đồng hai hào vội đưa cho ông “giật tạm”.
Một độ ông Trạch đi cả ngày không mấy lúc có nhà. Mới đầu tôi còn không biết đi đâu. Mãi sau, Dụ nói chuyện mới hay. Ông vẫn lang thang những nhà có bàn đến xin sái về nuốt. Năm thì mười họa, hôm nào có tiền, mới thấy ông mua được ít thuốc về. Ông nưng niu giấu diếm như sợ ai lấy. Đến bữa, ông mới thận trọng giở ra, nhúng đầu tăm vào mút, mút. Ông cười thảm hại bảo tôi:
- Thế này vừa đỡ tốn dầu vừa chóng đủ nghiện bác ạ.

II

Làng tôi, năm ấy vào đám không có tuồng. Không ngờ lại có cái may cho ông Trạch. “Làng đất tuồng không nhẽ đình đám bỏ tẻ ngắt”. Các cụ trong dân họp nhau lại lập một ban tuồng, đón ông Trạch dạy đàn em. Từ ngày ông lên chức “trùm”, ông có vẻ sung túc hẳn lên. Các cụ tai mặt, trong “hàng hội” ra vào luôn. Ông trùm rước bàn tĩnh ra nhà ngoài tiếp khách. Ban thờ tổ được ông chăm chút cẩn thận. Lúc nào cũng có mía hoặc kẹo trên đĩa cúng bên bát bình hương nghi ngút khói. Công việc xem ra thập phần hoàn hảo. Chỉ còn cổ động anh em trong làng tập nữa là xong. Việc này chừng khó khăn, ông trùm (mọi người đều gọi ông Trạch là trùm) thường tỏ vẻ lo âu. Ông hỏi tôi:
- Bác liệu xem có đông anh em tập không nào?
Tôi trả lời lấy lòng:
- Thế nào chẳng khá.
Im lặng suy nghĩ một lát, ông bàn tính:
- Hay là thế này! Bác giờ cũng rỗi rãi, ta tập chơi. Nhân thể rủ anh em cùng tập cho vui.
Tôi chẳng thích gì hát tuồng. Và biết các bạn mình cũng chẳng ai ưa. Nhưng không muốn làm cho ông thất vọng, tôi trả lời nước đôi!
- Vâng! Để rồi cháu hỏi chúng nó xem đã.
Ông khẩn khoản dặn đi dặn lại:
- Bác cố giúp hộ nhé?
Về sau hễ thấy tôi sang là ông đon đả mời mọc như khách quý. Mà lần nào cũng vậy, chỉ dăm ba câu chuyện “tào lao”! Ông hỏi ngay:
- Thế nào! Bác đã rủ đông anh em chưa?
Các bạn trong làng chẳng ai tập cả. Họ đều lắc đầu: “Tập tuồng! Cổ lắm! Không hợp thời nữa”. Nhưng tôi cũng trả lời để ông vui lòng:
- Cũng khá?
Ông trùm sung sướng lộ ra mặt. Ông ân cần mời tôi ăn một chiếc kẹo lạc. Ông dùng để “hãm” môi khi hút được vài điếu. Gọi nhã nhặn là thừa huệ tô. Ông nói liên miên, toàn chuyện tuồng cả.
Cặp môi thâm hoạt động lên:
- Nội vùng này tôi “cụp” vai Lưu Toàn Định trong vở Thất hiền quyền đấy bác ạ.
Ông ngừng lại rít một hơi thuốc lào. Tiếng lách tách reo ròn như vui sướng. Khói đặc ở mũi, ở mồm, cuồn cuộn bay ra, càng bốc lên cao càng mạnh và mờ nhạt. Ông thở mạnh một cách khoan khoái lên giọng thầy:
- Hát tuồng tiếng vậy mà khó đấy bác ạ. Có tập mới biết. Phải đủ, ái, ố, hỷ, nộ, ai, lạc mới thành một người kép hay.
- Khó thế, chúng tôi tập sao được?
- Ô! sao không tập được? Tôi mà bảo cho đến đầu đến đũa thì mấy chốc mà khá. (ông nịnh khéo) Không?... Bác tinh nhanh thế, tôi biết bác tập được mà!
- Cháu chỉ sợ lúc ra hát ngượng chết.
- Việc gì mà ngượng? Mình có hát nhà nghề đâu mà sợ. Đằng này mình chơi tài tử “a-ma-tơ” kia mà! Khi nào đình đám mới ra hát chơi mấy tối.
Ông hóm hỉnh liếc tôi:
- Cứ gọi là vô số gái cảm.
Đoạn ông cất tiếng cười kha khả.
Cách mấy hôm sau, đến ngày “thử hơi”. Hôm ấy ông trùm bận rộn suốt ngày. Phải mượn thêm một người làm đe sai bảo. Ông cho gọi tôi sang chơi. Hỏi những câu vẫn thường hỏi:
- Thế nào! Đã khá chưa? Thôi trăm sự nhờ bác cả.
Tôi trả lời cứng rắn:
- Được, cụ cứ tin ở tôi. Nhiều anh em tập mà.
Đâm lao phải theo lao, đến giờ tôi vẫn phải nói dối. Ông trùm giục rối rít:
- Thôi thế bác đi ngay hộ, bảo anh em đúng sáu giờ tối đến làm lễ tổ rồi ta “thử hơi”.
Tôi ra đến cửa, ông còn dặn với:
- Bác đi ngay hộ nhé... A, bác hãy lại xơi điếu thuốc lá đã.
Tôi cắm cổ đi, làm như không nghe tiếng.
Về nhà, tôi dặn mẹ tôi hễ có ai hỏi thì nói dối đi vắng. Hai ba lần ông trùm cho người nhà đến gọi, đều về không.
Chập tối tôi rủ mấy bạn nữa đi xem tập tuồng. Nhà Dụ mọi hôm đối với tôi lặng lẽ thân mật, tối ấy bỗng trở nên ồn ào, xa lạ, bóng người đứng xem lố nhố ngoài hiên, đen thẫm in cả lên bóng đèn “măng-sông” sáng lóa. Bên trong, trên hai dãy phản, các cụ “hàng hội” ngồi uống nước hút thuốc, nom rõ mồn một. Những bộ mặt hoan hỷ cười nói oang oang. Ông trùm ăn mặc chỉnh tề, lăng xăng chạy chỗ này chỗ khác. Trên mặt lộ vẻ lo âu. Chốc lại giục anh người làm:
- Anh sang gọi hộ lần nữa xem sao?
- Cháu đã hỏi mấy lần rồi, bà cụ đều bảo bác ấy đi vắng.
Ông trùm cau có gắt quẩn:
- Cái nhà bác Triệu thế thì còn ra cái gì nữa.
Một anh bạn lấy khuỷu tay huých tôi:
- Kìa lão trùm Trạch hỏi gì anh?
Tôi vội vàng bảo nhỏ hắn:
- Đừng nói to! Mặc ông ấy.
Bỗng cụ chánh hội - người đứng lập ra phường -đứng lên hướng ra ngoài, cất tiếng sang sảng:
- Làng ta là đất tuồng. Thế mà hội hè để tẻ ngắt. Sợ rằng hàng xứ người ta chê bai, nên các cụ bỏ tiền ra nuôi thầy dạy. Vậy anh em ai muốn tập cứ vào thử hơi.
Mọi người im lặng. Ông trùm nói thêm:
- Anh em cứ việc tập, không sợ phí tổn gì cả. Tiền nong đã có hàng hội bỏ ra.
Chùng chình một lát mới có năm, sáu người lớn và vài ba đứa trẻ độ mười bốn mười lăm ăn mặc lam lũ xin vào tập. Họ toàn là những người ngụ cư cả. Các cụ ồn ào bàn tán. Cụ thì bảo: Cứ cho tập, sau sẽ liệu. Cụ thì nhất định không bằng lòng cho dân “ngụ cư”. Hai tiếng ngụ cư các cụ nói bằng giọng vô cùng khinh bỉ. Ông trùm chán cảnh, rũ rượi ngồi một xó, hai mắt lờ đờ như tưởng lại những ngày túng thiếu. Rút lại phe các cụ không cho tập cứng lý hơn. Những người “ngụ cư” kia phải đuổi ra ngoài. Ông trùm đứng dậy cố vớt vát:
- Anh em trong làng vào tập đi chứ? Mấy khi đã có dịp may này.
Một anh trong bọn tôi lém lỉnh:
- Thưa cụ có đào không ạ?
- Có, hai cô kia.
Vừa nói, ông vừa vui vẻ chỉ hai cô con gái ngồi e lệ sau bóng tối cột nhà. Từ nãy vẫn không ai để ý. Nhìn kỹ thì té ra: một cô con ông Sáu Suyễn thịt lợn; và một cô con ông Quyền Run bán rau, ngày thường vẫn gánh hàng đi chợ, gầy gò và lem luốc. Tối ấy hai cô cũng đỏm dáng hơn ngày thường chút ít.
Chờ đã lâu, không thấy có ai, ông trùm xoay ra nói khích:
- Làng ta không ai dám tập à?
Vẫn anh bạn lúc nãy nói xen:
- Có! Có anh Triệu.
Ông trùm hấp tấp chạy lại phía chúng tôi, vồ vập hỏi:
- Đâu? Đâu? Bác Triệu đâu?
Tôi hốt hoảng bứt tay bạn, chạy vụt ra ngoài ngõ, lẩn vào trong bóng tối. Ông trùm đuổi theo tôi không kịp, đứng lại nguyền rủa:
- Thế có phải đồ chúng nó nhãi ranh không cơ chứ?
Tôi nghe rõ mồn một, vừa hối hận vừa thương ông và cái nghề của ông nữa.