Chương I
VỤ MẤT CẮP KỲ LẠ

     hằng Tý còng vừa bước qua chiếc cầu tre bắt gập ghềnh với cái tay vịnh bằng trúc, vừa đưa tay làm loa kêu réo ỏm tỏi. Nó kêu thằng bạn thân nhất của mình bằng một sự vội vã như có việc khẩn thiết lắm vậy. Tánh nó là như thế, nên thằng Sửu đen chẳng hơi đâu thắc mắc cái thằng vốn thông minh nhưng lại hay chết nhát. Tụi nó ở chung một làng nhưng lại khác xóm, vì vậy muốn qua lại với nhau phải chạy một mạch khoảng mấy trăm thước mới “nối sóng” được. Và cứ mỗi lần như thế, cuộc nói chuyện giữa hai thằng không bao giờ kết thúc sớm hơn bữa cơm trưa, hay mặt trời chưa khuất bóng sau rặng cây. Người lớn hai bên biết chuyện cũng mặc kệ, bởi hai đứa vốn thân nhau từ nhỏ và còn học cùng một lớp nữa chứ. Vậy cứ để tụi nhỏ thoải mái chuyện trò, còn hơn phải mất công tìm kiếm với lời quát mắng “không biết lo học hành”…
Tý còng và Sửu đen có nhiều sở thích giống nhau như: Tắm sông, thi nhảy kênh, chạy bộ, đu người trên các tàu dừa để sang bờ bên kia…
Nhưng có một điểm chung mà hai đứa vốn lấy làm tự hào là: chúng cùng yêu thích truyện trinh thám và lấy nhận vật Sherlock Holmes làm thần tượng cho mình. Chỉ bao nhiêu đó đủ khiến chuyện hàn huyên của chúng kéo dài lê thê, không biết đến bao giờ…
- Sửu ơi! Ra tao nói cho nghe chuyện này…
Vừa nhảy lên bờ kênh, tiếng thằng Tý còng đã oang oang. Nhưng nó hơi thất vọng vì không có tiếng trả lời nào. Có thể thằng Sửu đen chạy đi mua nước mắm về ăn cơm, vì nó không bao giờ quen được hương vị đậm mùi của lu mắm đồng nhà mình. Sửu mập từng tuyên bố, thà phải chạy một mạch mấy cây số còn hơn phải ăn chén nước mắm truyền thống của ông bà nội. Cái cố chấp ở nó lâu ngày thành quen, hễ thấy thằng Sửu vắng mặt thì y như rằng… đi mua nước mắm…
Thằng Tý còng vừa bước vào cửa đã phát hiện ra cái dáng lom khom của Sửu đen. Hóa ra nó không có đi mua nước mắm, mà đang mải mê bên mấy sợi thừng dùng để buộc trâu.
- Mày đang làm gì thế? Định chọi trâu chắc!
Sửu đen đang tập trung cao độ, nên không hay thằng bạn thân đang đứng cạnh bên. Đến khi thằng Tý lên tiếng, nó mới giật mình.
- Chọi cái đầu mày! Tao vừa nghiên cứu ra mấy cách cột thừng theo lối hướng đạo sinh. Coi nó vậy mà hay ra phết! Mày coi, vừa đơn giản lại rất hiệu quả. Chỉ với vài nút thắt đã thành một thòng lọng cứng chắc không sao tuột được. Cái này mà đem buộc vào bất cứ thứ gì thì tha hồ mà gỡ…
Thằng Tý còng nghe đến đây liền thọc bánh xe:
- Bộ mày chuyển nghề đi bắt heo hả? Ở không ghê! Công việc ngập đến cổ mà còn ở đó nghiên với cứu. Có một việc to tác vừa mới xảy ra sáng nay, cả xứ đều biết, duy chỉ có một người điết ngắt nên không hay.
- Ai vậy?
Tý còng khoái chí cười to:
- Là mày chứ ai vào đây.
 Nói đến đây nó liền ngồi xuống cạnh bên thằng Sửu đen, cầm lấy nuộc dây ra chiều suy tư nghĩ ngợi.
Thằng Sửu đen nhìn nó với vẻ bực bội ra mặt.
- Vừa thôi nghe! Tao nhịn mày đã đủ rồi đấy. Có muốn thử qua Thái Cực quyền không?
 Sửu đen đứng dậy ra bộ, trong khi thằng Tý còng vừa cười, vừa lui nhanh ra sau.
- Ấy, ấy! Mới đùa có một chút thì đã nổi cáu. Mày có nghe câu: Vũ phu là vũ biền không vậy? Tao thấy mày nên chờ dịp phô phang tài nghệ cho mọi người thấy thì hay hơn. Dù sao… dù sao… tao với mày cũng là bạn kia mà…
Sửu đen nghe đến đây liền cười xòa:
- Ai biểu mày thọc lét tao hoài vậy. Hôm nay cãi lộn thua ai nên đến đây gỡ gạc chứ gì?
Thằng Tý ra chiều khổ não, y như đã bị thằng Sửu bắt trúng tim đen.
- Ừ, thì có cãi nhau thật.
- Mày cãi với ai vậy?
Tý còng gãi gãi đầu như chợt quên chuyện gì.
- Tao cũng không nhớ nữa! Chỉ biết từ sáng đến giờ nói chuyện với mày là duy nhất…
Nó nói đến đây liền cười lớn rồi bỏ chạy…
Thằng Sửu đen nổi xung vì bị đùa dai nên lập tức đuổi theo sau. Hai đứa chạy một mạch qua một khoảng ruộng nhỏ thì vào đến đường vườn. Khu đất này thuộc sở hữu của gia đình ông Sáu, vốn nổi tiếng giàu có nhất vùng.
Căn nhà của ông Sáu được cất một trệt, một lầu, với mấy cửa sổ đón gió trông thật hách. Mọi người khi đi qua, nhìn căn nhà đều tấm tắc ngợi khen “đúng là nhà Sang giàu”. Họ nói như thế vì ông Sáu có tên gọi là Sang, nên lúc biến tấu thành chơi chữ nghe hay hay…
Khu đất ông Sáu có nhiều cây cổ thụ cao to, và cao nhất là cây gáo mà mỗi khi đi học về tụi nhỏ trong xóm vẫn nhìn nó để ước lượng khoảng đường về nhà. Hễ cứ thấy ngọn gáo là tụi nó biết chén cơm đã kề miệng.
Khi chạy đến đây thằng Tý còng liền chậm lại như quan sát điều gì đó. Động thái mập mờ của nó khiến Sửu đen sinh nghi. Nó nghĩ mình nên cẩn thận với thằng bạn ranh ma nhất lớp! Không phải từ sáng tới giờ nó liên tục bị nhai bần sao? Trái bần vốn chua, buổi sáng chưa ăn gì mà liên tục nhai mấy quả thì phải biết…
Nhưng lần này thái độ thằng Tý thật sự đứng đắn, khiến thằng Sửu tạm thời tin tưởng.
- Mày đang điều tra gì vậy? Có ma quỷ hiện hình giữa ban ngày ư?
- Ma với quỷ gì ở đây mậy. Ở đây chỉ có tao với mày, làm gì có ai mà ma với quỷ!
Thấy cơ hội đến, thằng Sửu đen liền ra tay:
- Thì tao đang nói con ma đứng cạnh mình mà…
Nét mặt căng thẳng của thằng Tý vỡ ra. Nó nhìn thằng Sửu đen cười khì:
- Mày trả thù tao đó hả? Thôi được rồi, tao nói cho mày chuyện này. Mày có nghe về cái đỉnh hương trầm bằng đồng đen ở nhà ông Sáu không?
Nét mặt thằng Sửu ngớ ra:
- Có nghe rồi sao? Nó có liên quan gì đến chuyện tao với mày. Của ông Sáu, ông Sáu và con cháu hưởng. Mắc mớ chi tao với mày phải quan tâm…
- Mày nói nghe dở ẹc! Dĩ nhiên của đó mà đem bán thì tao với mày muốn hửi cũng không được, huống hồ là sờ vào. Nhưng chuyện là cái đỉnh đồng đó hôm qua đã biến mất mà không ai biết bằng cách nào. Cảnh sát điều tra ở trên huyện xuống khám nghiệm hiện trường cũng chưa có kết luận…
Thằng Sửu đen đứng há hốc mồm ra nghe thằng bạn nói mà quên cả ngậm lại. Nó biết cái đỉnh hương trầm đó rất quý. Nghe đâu có lần giới mua bán đồ cổ xuống tận nhà ông Sáu, trả mua cái đỉnh đồng ấy với mấy chục cây vàng lận cơ. Nhưng nhà ông Sáu vốn giàu có, đâu có túng quẫn gì mà phải bán của gia truyền. Cái đỉnh hương trầm đó đến tay ông Sáu đã qua ba đời, và trở thành vật vô giá trước mắt các nhà mãi cổ. Có một lúc, chuyện về cái đỉnh hương trầm gây xôn xao dư luận trong làng. Nhưng bàn tới luận lui cũng là chuyện của người, đâu có liên quan tới mình nên mọi chuyện chóng quên. Thỉnh thoảng có người vui chuyện, thường lại nhắc đến cái đỉnh hương trầm như một tài sản đầy ước ao. Đại khái như: “Không cần nhiều, chỉ cái đỉnh hương trầm đã đủ”. “Ai vào làm rể nhà ấy, chỉ cần cái đỉnh hương trầm là đổi đời”… Họ nói như vậy, bởi ông Sáu có một cô con gái mình khoát đầy lụa nhưng không che giấu được thân phận “cóc tía”. Tuy được sinh trong cảnh gác vàng mà cô Lụa không có vóc hình của tiểu thư đài các. Nhưng tốt người đôi khi lại nhờ lụa. Không được đẹp người, nhưng cô Lụa vẫn được bao chàng trai săn đuổi bởi cái tài sản kếch xù treo làm của hồi môn…
Nhưng đó là chuyện của người lớn… thằng Sửu cho như vậy nên chẳng quan tâm. Cái làm nó chết ngộp là chuyện đỉnh hương trầm bỗng nhiên biến mất cơ! Như vậy nó và thằng Tý lại có dịp thể hiện khả năng phân tích để tìm ra bí ẩn đang treo trước mắt kia. Và biết đâu với cái tài chẳng kém Sherlock Holmes, hai đứa nó có thể lần ra kẻ đã nẫng mất đỉnh hương trầm…
Qua cơn thảng thốt thằng Sửu hỏi nhanh:
- Kẻ trộm vào nhà ư?
Tý còng ra vẻ chuyện nhiệp:
- Trộm thì nói làm gì! Cửa nẻo không hề bị mở. Nhà vắng người, chỉ có hai người già giữ của. Con cháu về dự giỗ bà con xa. Khi cảnh sát điều tra, chỉ thấy cửa bị khóa bên trong, không thể có trường hợp bên ngoài đột nhập vào. Với lại ông Sáu nuôi mấy con chó hung tợn, có mà điên mới xông vào để lãnh đủ…
Thằng Sửu ra dáng đăm chiêu với bao suy tính trong lòng.
- Cửa sổ có bị mở không? Mái nhà có dấu hiệu…
- Mày đang điều tra tao đó hả? Nếu cửa sổ và mái nhà có dấu vết cạy mở thì người ta đã có kết luận. Đằng này mọi sự vẫn y nguyên mà cái đỉnh hương đồng biến mất mới lạ chứ! Tao thấy trong việc này kẻ trộm như có phép độn thổ để vào nhà vậy…
- Mày làm như chuyện Tôn Ngộ Không là có thật vậy! Độn thổ, thăng thiên là những chuyện hư cấu trong văn học. Có bị “chập mạch” mới mà tin…
Mặt thằng Tý trở nên yếu xìu:
- Thì tao đang bị rối trí mới kéo mày ra đây chứ bộ. Người ta nói: “khôn độc không bằng ngốc đàn”
Giọng thằng Sửu đen trở nên giận dữ:
- Mày nói vậy hóa ra hai đứa mình là thằng ngốc ư? Dù sao tao với mày cũng từng khám phá ra nhiều việc mà cả làng không ai giải quyết nổi chứ bộ…
- Mày muốn nói chuyện cái giỏ cua của ông Tám biến mất tăm, không ai tìm được, cuối cùng hai đứa mình tìm ra phải không? Chuyện nhỏ vậy mà cũng nhớ! Thật ra lần đó tao với mày may mắn khi có con Ti Tô bên cạnh. Con chó đó đánh hơi cực tốt mới theo dấu được cái giỏ bị con Lu tha mất. Công đầu trong việc đó phải kể đến con Ti Tô…
Thằng Sửu đen cãi ngay:
- Nhưng tao mới là người đề xuất dùng con Ti Tô đánh hơi kia mà. Không có tao, con Ti Tô tự tìm chắc?
Tý còng đành nhượng bộ:
- Ừ, thì tụi mình cũng có công trong chuyện đó. Nhưng… việc đó nhỏ xíu, không đáng những bậc anh tài ra tay. Mày có giỏi hãy cùng tao phá cho được bí ẩn đỉnh hương trầm bị mất cơ. Như vậy tên tuổi hai đứa mình mới được tôn vinh một cách đàng hoàng trước bàn dân thiên hạ.
Sửu đen thấy khắp người mình gai gai. Ừ! Việc cái đỉnh hương đồng thật lôi cuốn, nếu như tụi nó phá được vụ này thì thích thật. Làm trai phải có chí lớn. Ai hơi đâu đi tìm giỏ cua, giỏ ốc…!
- Mày có tìm được dấu vết nào khả nghi không, Tý còng?
- Tìm được thì tao dẫn mày ra đây để làm gì? Nhà ông Sáu kín cổng cao tường, tao có vào mấy lần để bán sâu cho chim ăn. Nhà đó tường cao, lại có rào lưới, muốn leo vào rất khó, sau đó lại đối diện với mấy con chó. Tao thấy kẻ nào đánh cắp được đỉnh hương trầm quả là bậc thầy…
Thằng Sửu đen lên giọng bất bình:
- Bậc thầy cái khỉ mốc! Ai đời ăn trộm mà được phong chức “thầy” bao giờ. Tao thấy mày bị bó tay, mới khuất phục kẻ gian mà thôi…
Hai đứa vừa cãi nhau, vừa đi xung quanh quan sát căn nhà ông Sáu. Cuối cùng không tìm và suy luận được gì, cả hai đành tiu nghỉu kéo nhau về. Trên đường đi thằng Tý cứ mãi nghĩ nên không lên tiếng.
Sửu đen lại thấy việc này khó chịu nên trêu chọc cho bớt buồn:
- Mày bị câm hay sao mà chẳng nói gì hết vậy? Đừng tưởng tịt khẩu thì có thể phá án nghe.
Tý còng uể oải nói nhát gừng:
- Ngươi ta nói bất cứ việc gì cũng có nguyên nhân của nó… Trong việc này… thật không hiểu… kẻ gian thực hiện bằng cách nào… Mày không chịu nghĩ phụ tao, ở đó còn trêu chọc mãi thì làm sao phá được phá được vụ án.
- Cái gì cũng từ từ. Mày đừng nôn nóng mà mất khôn. Kẻ trộm không vào cửa trước thì vào cửa sau. Không trèo rào thì khoét vách. Không độn thổ thì thăng thiên…
Thằng Tý nghe đến đây liền cười lớn:
- Đấy nhé! Mày lại nói thăng thiên và độn thổ rồi đó. Nếu như bị chập mạch thì tao với mày là hai…
Thằng Sửu định cãi lại thì nhớ ra điều gì nên mồm lại há ra. Thằng Tý biết tính bạn nên dừng lại hỏi nhỏ:
- Mày nghĩ ra việc gì vậy? Nói tao nghe với.
- Tao đang nghĩ đến chuyện thăng thiên… Nhà ông Sáu có cửa sổ đón gió trên mái… Có khi nào… có khi nào kẻ trộm vào bằng đường này không?
Thằng Tý còng há hốc mồm:
- Mày muốn nói mấy cửa sổ trên mái nhà chứ gì? Trời ạ! Sao tao quên chuyện này mất. Nhưng cái cửa sổ đó ở trên cao, muốn leo vào rất khó… Mà nó hình dáng thực tế ra sao cũng khó quan sát được lắm… làm sao tao với mày có thể trèo lên đó để nhìn. Không khéo mấy con chó xực mất… của quý à nghe!
Thằng Sửu ra vẻ dứt khoát:
- Phải tìm cách thôi. Không biết cái cửa sổ như thế nào thì không có kế hoạch phá án được. Trước hết tao với mày phải biết chắc mấy cái cửa sổ đó có trèo vào được không. Sau đó mới tính tới khả năng kẻ trộm đột nhập bằng con đường này.
- Mày nói thì nghe hay đấy! Nhưng đừng có biểu tao đương đêm mà trèo lên nóc nhà là không được nghe…
- Nếu trèo không được, mày cũng phải trèo, vì mày là Tý còng mà. Khắp cái xứ này có ai leo trèo giỏi như mày đâu!
 Thằng Tý nghe đến đây vênh mặt lên tự đắc:
- Còn phải nói… Nhưng…
Như nhớ đến việc gì mặt nó vụt biến đổi.
- Nhưng cũng không được! Mày xúi tao trèo lên đó, lỡ như rơi xuống, mấy con chó xực mất cái… đái dầm thì nguy… Ê, tao không có ngu đâu nghen…
Thằng Sửu đen đành xuống nước năn nỉ bạn:
- Mày chịu khó chút đi. Có câu: đại nghĩa diệt thân… mà!
- Diệt cái đầu mày… Đại nghĩa thiệt thân thì có! Bỗng nhiên sao tao lại làm… anh hùng. Má tao mà biết, đem méc với má mày thì hai thằng ốm đòn nghe con…
Sửu đen vừa nghe đến đây liền phát hoảng:
- Ừ! Thôi bỏ kế hoạch đó đi. Má mày đánh chắc không đau bằng má tao đâu. Mẹ còng giơ cao lại đánh khẽ. Má tao một khi đã ra tay thì trâu cũng phải rống đó mày…
Thằng Sửu vừa nói, vừa ra dáng buồn bã thảm thương. Vậy kế hoạch của nó coi như thất bại toàn diện. Không lên được chỗ có cửa sổ thì không thể nào đoán định hư thực. Không thể nào…
Nó vừa nghĩ đến đây đã nghe thằng Tý reo lên:
- Tao nghĩ ra cách rồi! Không leo được lên đó thì dùng cách gián tiếp quan sát cũng có sao.
- Mày định đùa tao hả? Không lẽ lại bắt chó bắt mèo lên đó nhìn, rồi xuống nói cho tao với mày nghe…
Thằng Tý ra vẻ hí hửng, bất cần thái độ của bạn. Trong đầu nó như đang nhảy múa một kế hoạch mà khả năng thành công rất cao. Nó vừa suy tính, vừa tìm cách nói cho thằng Sửu nghe một cách ngắn gọn nhất.
- Không dùng mắt người quan sát được thì phải dùng mắt thần thôi…
Thằng Sửu đen như không tin vào tai mình. Nó nhìn thằng Tý ra vẻ nghi ngờ về chứng thần kinh thị giác của bản thân. Ở vùng quê này lấy đâu ra phương tiện như thằng Tý nói. Tụi nó đâu phải là Sherlock Holmes chính hiệu để có những phương tiện chuyên dụng của thám tử. Mà nếu như có một camera của máy tính thì cũng không có cách nào đem lên nóc nhà ông Sáu quan sát được…
- Mày bị điên rồi hả Tý còng?
- Tao không điên! Khả năng dùng mắt thần quan sát thay người là có thể…
- Nhưng lấy đâu ra máy tính để làm chuyện này. Trường học còn không có, huống chi…
Thằng Tý ra vẻ tự đắc:
- Tao không nói camera của máy tính, mà là camera của điện thoại di động cơ. Mình có thể dùng camera di động chụp hình, hoặc quan sát lại qua đoạn phim quay được.
Thằng Sửu thấy ngay vấn đề được gợi ý:
- Nhưng làm sao đem cái điện thoại lên trên ấy?
- Diều!
Thằng Tý còng đắc ý thốt lên.
- Chỉ có diều mới làm được chuyện đó!
- Nhưng mình không thể nào khống chế cho nó đúng tầm mong muốn được. Mà con diều phải to cơ! Như vậy lại càng khó điều khiển nó theo ý…
- Mày không cần phải lo - Tý còng nói với vẻ chắc chắn - Mình có thể sử dụng một dây để thả và một dây để điều khiển con diều. Cái khó trong việc này là tìm đâu ra một cái điện thoại di động thật nhẹ mới được…
Hai thằng mãi bàng bạc nên đến nhà lúc nào không hay. Thằng Sửu đen vừa đi dẹp mấy sợi thừng, vừa càu nhàu:
- Chuyện cái điện thoại mày nghĩ ra nên tự xoay xở lấy. Riêng phần tao sẽ lo phần con diều… Trời ơi! Con diều phải lớn cỡ nào mới cõng nổi cái điện thoại di động đây. Không biết cái điện thoại thường khi nặng khoảng bao nhiêu nữa…
Thằng Tý cũng đang lâm vào thế khó. Nó bất chợt nói ra như thế, chứ chưa biết tìm đâu ra cái điện thoại ấy nữa. Càng nghĩ càng quẫn mà tiếng rên rỉ của thằng bạn cứ vang bên tai. Nổi giận nó quát luôn:
- Chuyện dễ ợt mà cứ than vãn mãi. Mày cứ làm con diều to như chiếc đệm bàn dùng phơi lúa là được rồi. Nếu nó bắt gió bay cao, cứ việc nhảy theo níu lại là được rồi…
Nói đến đây thằng Tý lại tưởng ra cái cảnh ấy liền ôm bụng cười ha hả…
Thằng Sửu đen nhìn nó hồi lâu rồi cũng lăn ra cười. Có thể lắm chứ! Lúc này đang vào hè, gặp phải gió chướng, có khi con diều kéo nó lên trời mất…
Hai đứa trêu chọc nhau một lúc cũng không hết nỗi băn khoăn. Việc chiếc điện thoại cứ ám ảnh tâm trí tụi nó mãi mà vẫn không có cách giải quyết.
Bất chợt thằng Sửu “A” lên một tiếng. Nó vừa  nhớ ra nhỏ Ngọc học chung lớp với hai đứa. Nhà con bé ở chợ, lại sống nghề buôn bán, thế nào cũng sử dụng diện thoại để giao dịch… Nhưng… thường khi hai đứa nó cứ trêu con nhỏ là bé sún, khiến nó giận còn không hết, sao lại có chuyện cho mượn điện thoại…
- Tý còng này!
- Gì nữa đây ông con?
- Thường khi trong lớp mày là đứa dẻo miệng nhất phải không?
- Còn phải hỏi.
- Nhưng… tao lại không tin điều ấy!
- Ê! Nghi ngờ bạn bè là điều không tốt nghe. Tao đấu khẩu thắng mày hoài mà…
Thằng Sửu ra dáng cam chịu:
- Thắng tao đâu có gì oai… Mày có giỏi… có giỏi… thuyết phục…
Thằng Tý còng nhìn Sửu đen chờ đợi. Máu tự ái của nó dâng cao…
- Thuyết phục ai? Cái gì? Nói mau lên.
- Mày có tài thì đi thuyết phục nhỏ Ngọc sún cho mượn chiếc điện thoại mới ngon…
Tý còng nhìn bạn sửng sốt. Rồi nó chợt hiểu…
- Con nhỏ đó ghét cay, ghét đắng tao với mày! Ở đó mà cho mượn của. Quên chuyện đó đi!
- Nhưng mày vốn có tài hùng biện. Cố thuyết phục nó thử xem sao. Không có chiếc điện thoại kể như vụ này chìm xuồng…
Thằng Tý cũng ra dáng tiếc rẻ. Nhưng nghĩ đến chuyện đi tìm nhỏ Ngọc, mặt nó chưa chi đã nóng lên. Nếu nó không đi thì mọi chuyện vào ngõ cụt. Còn như đối mặt với nhỏ Ngọc thì… ôi thôi, tụi bạn mà biết được lại cười cho… thúi đầu… Nghĩ đến việc này nó hơi ân hận… Thường ngày trêu ghẹo Ngọc sún cho cố vào, bây giờ lúc cần nhờ vả lại rất khó mở lời…
Tiếng thằng Sửu đen vang lên bên tai, nó lại tưởng đâu đâu.
- Mày quyết định chưa! Nếu ok tao mới đi tìm vật liệu làm diều. Khi không mà làm con diều to tổ bố, biết dùng vào việc gì? Mày ra chợ được hai việc: Một là tìm được thứ cần tìm. Hai là được dịp tâm sự với người… đẹp… Còn hơn tao phải nai lưng ra làm diều, tìm dây để thả. So hai việc này, mày lời đứt đuôi…
Thằng Tý nghe nói hóa giận. Nó tức quá la lên:
- Lời cái đầu mày! Tao nhường cho đó… Đi ra chợ mà nói chuyện với Ngọc sún. Để tao làm diều cho…
Sửu đen nghe nó nói vậy liền thè lưỡi ra dài ngoằng:
- Tao làm gì có cái tài ăn nói trơn tru. Đem cả hai ra cho thiên hạ bình chọn, mày hơn đứt… đuôi nòng nọc…
Hết biết nói sao, Tý còng đành lãnh phần ra chợ tiếp chuyện với Ngọc sún. Nó nghĩ chuyến đi này   không biết có trót lọt! Hổng chừng phải “tam cố thảo lư” mới được người đẹp cho diện kiến đó nghe…