- 6 -

     à thế đấy, anh trở thành du đãng...
Giọng Trần Đại bùi ngùi. Khiến Tường Vi rơm rớm nước mắt. Nàng nhỏ nhẹ hỏi:
- Còn anh Lang?
- Anh bị bắt nhốt vào trại Tế Bần. Ít lâu sau báo chí loan tin anh ấy bị chết ở hàng rào kẽm gai vì anh ấy toan trốn. Nhưng bọn du đãng ở Tế Bần ra cho anh biết, Lang chống bọn giám thị, bị chúng nó bắn chết và quăng xác lên hàng rào kẽm gai rồi phao tin Lang trốn gọi lại không đứng nên chúng nó phải hạ. Báo chí không đá động gì, chính quyền cũng chẳng thèm ngó tới vụ thủ tiêu bỉ ổi này nên Lang chết rất oan ức.
- Tại sao anh Lang bị nhốt vào trại Tế Bần?
- Vụ tên kiểm lâm Xuân.
- Anh ấy giết nó?
- Không.
- Thế ai?
- Anh.
- Anh giết tên Xuân?
- Ừ, anh đã giết tên khốn nạn đó ở một phòng trà. Anh giết nó bằng con dao Lang. Anh đâm nó lút cán dao. Nó quỵ ngã ngay trên sàn nhảy. Lang dục anh chạy. Anh ấy chậm chân, lãnh đủ. Cảnh sát thộp anh Lang. vốn ghét mặt Lang, chúng nó tống anh vào trại Tế Bần hành hạ thật khốn nạn chứ không đưa ra Biện lý cuộc để tống Lang vô khám Chí Hòa chờ ngày ra tòa đền tội.
- Rồi anh hứng lấy trách nhiệm của Lang.
- Ừ. Anh đã bị cảnh sát “át giọng” đôi ba lần chỉ vì tội bênh vực người bị cảnh áp bức. Chúng nó lôi anh vào bót, đánh đấm anh rất tàn bạo. Nó gọi anh là cao bồi. Nó bảo anh mặc quần ống túm. Nó bắt anh vén ống quần hẹp lên đi tiểu. Vén sao nổi. Nó giật mạnh ống quần anh. Anh té nhào, trán đụng viên gạch.
Trần Đại cầm tay Tường Vi đặt lên trán mình.
- Vết sẹo hận thù đấy em ạ! Chúng nó chửi bới anh, để anh nhịn đói nhịn khát hai ngày liền. Chúng nó coi anh như chó, coi du đãng như chó ghẻ. Chúng nó xô đẩy anh xuống vực thẳm của hận thù. Và anh trở thành kẻ thù của cảnh sát. Chúng nó lùng anh, săn anh. Trong túi mỗi thằng cảnh sát đều có ảnh của anh.
Tường Vi thở dài:
- Ai cho cảnh sát ảnh của anh?
- Ba anh!
- Ba anh đối xử với anh như thế à?
- Ông ấy sợ sự nghiệp chính trị tương lai của ông bị đổ vỡ nên vội vàng từ anh và xin chú anh thanh toán anh.
- Chú anh làm gì?
- Làm lớn ở Bộ Nội vụ.
- Sao bảo anh đăng báo từ ba anh?
- Anh chưa đủ can đảm.
- Thế mà ba anh?
- Ông ấy lại thừa.
- Anh oán ghét gia đình lắm nhỉ? Còn hai cô em gái của anh.
Trần Đại xoay nghiêng mình.
- Anh cứ để chúng nó tin tưởng vào gia đình mà sống. Con gái nổi loạn thì nguy lắm. Rồi cũng chỉ đến làm điếm là cùng.
Tường Vi thấy người yêu của mình mang một tâm sự ủ ê hơn cả mình. Nàng cố nín khóc nhưng cố nín, tiếng nức nở vẫn buột khỏi miệng không làm sao ngăn cản nổi. Trần Đại vỗ về Tường Vi:
- Nín đi em, khóc sưng mắt hết đẹp! Hết mộng mơ nổi...
Tường Vi nghẹn ngào:
- Em không nín được anh ạ! Phải khóc mới bớt tủi buồn. Thưa anh, anh có hay về thăm hai cô em không ạ?
- Thỉnh thoảng anh leo rào về thăm hai đứa. Nhưng rồi anh lại leo ra vì anh không nỡ khuấy phá đời sống hèn mọn của chúng nó. Em thử tưởng tượng vào một đêm giao thừa, thằng con trai đi hoang lần về nhà ép tai vào cửa nghe hơi thở của người thân rồi lùi lủi bỏ đi lang thang trong đêm trừ tịch thì có buồn không?
- Thưa anh buồn lắm ạ!
- Ừ buồn lắm. Càng buồn hơn khi thằng đi hoang biết người thân yêu của mình đã quên hẳn nó...
- Các cô ấy giận anh?
Trần Đại buông một câu não nùng:
- Thế cũng xong em ạ!
Hắn dục khéo Tường Vi:
- Em ra máy lắp vài đĩa của Patti Page nghe đi em!
Tường Vi ngồi dậy. Nàng vuốt lại mớ tóc và bước ra chỗ giàn máy hát. Nàng loay quay kiếm đĩa của Patti Page. Tường Vi hỏi người yêu:
- Nghe bài nào trước hở anh?
- Tennessee Waltr! Anh thích bản valse này lắm.
Nhạc đã trổi. Tiếng của Patti Page làm căn phòng ấm hẳn lên. Trần Đại cố gắng chống tay ngồi dậy. Bây giờ, Tường Vi mới lại sực nhớ rằng người yêu của mình vẫn bị thương. Nàng nói:
- Anh còn đau lắm hở anh?
- Bớt rồi. Bớt từ lúc có em đến, có bàn tay êm dịu. Nỗi đau không phải viên đạn bắn trúng cẳng mà đau ở trong tim anh..
- Anh có đi bác sĩ không?
- Anh có bác sĩ quen.
- Cũng làm du đãng?
Trần Đại cười:
- Có thể thôi. Bác sĩ ở cái xã hội này là một thứ gì ghê gớm lắm. Ví dù ông ta có đi làm du đãng, chắc chẳng ai dám ngờ.
Trần Đại quay về chuyện học hành của Tường Vi:
- Em vẫn chăm chỉ đấy chứ em?
- Thưa anh vâng.
- Rán học hành nghe em.
Tường Vi không hỏi han gì nhưng Trần Đại cũng cứ giải thích:
- Em đừng nghĩ ngợi gì cả. Tuy anh làm du đãng nhưng anh không sống bất lương. Tiền anh kiếm cũng bằng những cách lương thiện, hợp nhân đạo. Em có tin rằng chúng mình sẽ lấy nhau không?
Tường Vi trả lời rất nhỏ:
- Thưa anh có ạ!
- Vậy chắc em không cần anh giải thích nhiều đâu nhỉ?
- Vâng ạ!
- Tường Vi.
- Dạ...
- Em có hối tiếc không?
- Thưa anh không.
- Có buồn khi biết yêu một thằng du đán g không?
- Anh không phải là du đãng, em nói lại. Anh không phải là du đãng. Anh chỉ là...
- Là gì?
-... Chỉ là kẻ bất mãn với cái xã hội thối tha này. Em cũng bất mãn và giá em là con trai, chắc em cũng phải làm thư anh. Vả lại mang tội du đãng. Du đãng là gì nhỉ? Anh, nhất định anh không phải là du đãng. Những kẻ xô anh vào con đường du đãng mới đáng phỉ nhổ.
Nghe người yêu biện hộ “tội lỗi” của mình, Trần Đại cảm thấy như có cơn mưa đại hạn tưới nước xuống tâm hồn cằn khô của hắn. Trần Đại nói:
- Cám ơn em.
Tường Vi đã ngồi bên người yêu. Nàng gục đầu vào lòng Trần Đại:
- Em sung sướng được yêu một du đãng như anh.
Trần Đại nâng Tường Vi dậy. Nhưng hắn yếu sức quá, đành để người yêu dùng thể xác mình làm chiếc gối.
- Mấy tháng nữa thi em nhỉ?
- Bốn anh ạ!
Trần Đại rút ba ngàn bạc của James Dan Hùng đưa hôm qua. Hắn đã cẩn thận nhét vào phong bì:
- Mai mốt chắc anh cũng chưa khỏi, em đóng tiền trường dùm anh nhé?
- Vâng ạ!
Trần Đại đưa phong bì đựng tiền cho Tường Vi:
- Em cầm lấy.
Tường Vi nói:
- Tháng nào anh cũng đưa thật nhiều, em tiêu không hết còn để dành vô số.
Trần Đại mỉm cười:
- Chịu khó để dành, một trăm năm sau sẽ thành triệu phú đấy em ạ!
Thấy người yêu không thắc mắc khoảng tiền “trợ cấp” hàng tháng Trần Đại đỡ lo. Hôm qua bác sĩ Niệm có dò hỏi chỗ ở của Tường Vi nhưng Trần Đại nhất định không trả lởi. Hắn sợ sự thực đổ bể, bác sĩ Niệm sẽ khinh hắn, Trần Đại không muốn ai khinh hắn cả. Ghét hắn, sợ hắn thì được. Chứ khinh hắn, chắc hắn sẽ rạch mặt ngay. Trần Đại cũng sợ Tường Vi biết rằng nàng đang sống, đang học bằng tiền của kẻ nàng ghê tởm. Có thể, Tường Vi từ chối. Thì Trần Đại lâm vào tình trạng bối rối. Vì, quả thật, hắn chưa đủ phương tiện giúp Tường Vi làm lại cuộc đời một cách đàng hoàng. Cho nên Tường Vi không thắc mắc, Trần Đại thở phào khoan khoái:
- Em ăn cơm chưa?
- Thưa anh rồi ạ.
- Ở đâu?
- Hùng đưa em đến Chí Tài.
- Chiều nay em có bận gì không?
Tường Vi lắc đầu:
- Không anh ạ!
- Thế thì ở đây chơi với anh nhé!
- Vâng, nhưng anh phải kể chuyện.
- Chuyện gì?
- Chuyện du đãng của anh và...
- Và gì đây?
- Và để em nắm bên anh cơ!
Tường Vi dứt lời, nhấc đầu khỏi lòng Trần Đại, nàng nằm dài trên nữa chiếc ghế bố, dang tay mời mọc người yêu:
- Nằm xuống đi anh...
Trần Đại ngoan ngoãn nghe lời Tường Vi.
- Kể chuyện đi anh!
Trần Đại luồn tay dưới gáy Tường Vi làm gối:
- Bắt đầu từ chỗ nào?
- Từ chỗ anh thay Lang chỉ huy bọn đàn em Chí Hòa.
Chồng đĩa Patti Page đã hết. Nhạc lúc đó là câu chuyện kể bằng giọng trầm ấm của Trần Đại...

 

Nửa tháng sau, vết thương ở chân Trần Đại khỏi. James Dean Hùng thuê một căn nhà gần chợ Thái Bình, đưa Trần Đại về đó cư ngụ, đồng thời đặt nơi đó làm “đại bản doanh”. Tony Hải có nhiệm vụ săn sóc Trần Đại.
Nghĩ tới tên đàn em bạc phước Bốn lơ xe, lòng Trần Đại đau như cắt. Không một lúc nào đông đủ bọn James Hùng, Năm Hòa Hưng, Quyền Tân Bịnh, Tony Hải mà Trần Đại không nhắc tới Bốn lơ xe bằng những lời đượm luyến tiếc, thương mến.
Trần Đại sai James Dean Hùng và Năm Hòa Hưng đi kiếm Bốn bù loong, tên đàn em mà trước khi chết, Bốn lơ xe đã gửi gấm Trần Đại. Khu bến xe đò Vũng Tàu, sau cái chết của Bốn lơ xe và sau khi du đãng bị “xúc” đi một mớ, đám du đãng lọt lưới mất đàn anh “chì” chỉ huy cơ hồ rắn mất đầu, chẳng đứa nào dám xuất hiện. Việc kiếm Bốn bù loong đâm ra khó khăn vô cùng. Nhưng rồi bọn James Dean Hùng cũng tìm được dấu vết của Bốn bù loong.
Thoạt đầu, Bốn bù loong trốn tránh. Sau Trần Đại phải đích thân tới, nhắc lại lời giăng dối của Bốn lơ xe cho nó nghe, Bốn bù loong mới chịu về nhập bọn với Trần Đại.
Vào đúng dịp đó, bên Khánh Hội, anh em phu khuân vác kho 18 đình công chống lại sự trung gian bóc lột của bọn cai thầu. Tên cai thầu lưu manh điển hình nhất là tên Lưu Cờ Phúc. Công nhân kho 18 tuy làm việc trực tiếp với Sở Dụng cụ, song lại qua trung gian cai thầu Lưu Cờ Phúc. Việc gọi công nhân đến làm và trả tiền cho công nhân đều giao cho cai thầu Phúc.
Cai thầu Phúc bóc mỗi tấn hàng 14 đồng. Hắn chỉ trả cho công nhân có 7 đồng 5 cắc. Như thế mỗi tấn hàng, Phúc đã bóc lột công nhân 6 đồng 5 cắc. Sự bóc lột trắng rợn này đã kéo dài hơn bảy năm rồi. Trong khi anh em công nhân làm quần quật, đổ mồ hôi, máu mắt thì cai thầu Phúc nhờ những thủ đoạn xảo trá, nhờ tung tiền đấm mõm nhà cầm quyền, đã bóc lột công nhân thê thảm và làm giầu trên mồ hôi, nước mắt của công nhân.
Thấy mình làm khốn khổ mà vợ con vẫn đói rách, anh em công nhân kho 18 khám phá ra sự bóc lột tàn nhẫn của tên cai thầu Phúc và bèn phát động cuộc tranh đấu đòi hỏi bãi bỏ tên cai thầu Phúc để làm trực tiếp với Sở Dụng cụ Cơ quan Mãi dịch Ngoại viện.
Cai thầu Phúc phản ứng ngay lập tức. Hắn sa thải luôn một lúc bảy công nhân. Mặc dầu bị trả thù anh công nhân kho 18 vẫn đình công. Cuộc đình công của anh em bị cai thầu Phúc dùng tay sai bộ hạ khủng bố tinh thần và đem một số công nhân khác vào thay thế muốn đập vỡ niêu cơm của công nhân kho 18.
Cuộc đấu tranh sơ khởi chưa đem tới một kết quả nào vì cai thầu Phúc được chính quyền và Liên đoàn của hắn che chở, bênh vực, cuộc đình công thứ hai của anh em công nhân kho 18 lại bùng nổ. Lần này cũng như lần trước, nguyện vọng của anh em vẫn là sự đòi hỏi hợp lý, hợp pháp và hợp tình. Anh em yêu cầu tiêu diệt chế độ cai thầu, yêu cầu được giao việc trực tiếp cho anh em và không được trả thù anh em bằng cách sa thải vô nhân đạo.
Cuộc đình công thứ hai, công nhân kho 18 đã báo trước để các cơ quan công quyền hiểu rõ mục đích tranh đấu của anh em hầu tránh mọi ngộ nhận đáng tiếc. Khi chính quyền ghi nhận ý chí cương quyết của anh em, thì anh em sẽ trở lại làm việc nhứ thường lệ.
Nhưng trong cuộc đình công thứ hai của công nhân kho 18, cai thầu Phúc thuê bọn du đãng Khánh Hội hành hung công nhân trước mặt nhân viên cộng lực. Mặt khác cai thầu Phúc thuê dân phu 70 đồng một ngày đến án ngữ tại kho 18 không cho xe Sở Dụng cụ chuyên hàng vào và tuyên bố tử thù kho 18.
Trần Đại đọc tin này trên báo. Hắn rất lưu ý đến chi tiết “cai thầu Phúc thuê du đãng Khánh Hội hành hung công nhân trước mặt nhân viên công lực”. Trần Đại cử James Dean Hùng và Năm Hòa Hưng sang Khánh Hội điều tra em cai thầu Phúc là tên nào và trùm du đãng Khánh Hội còn là thằng Sáu dữ không.
James Dean Hùng và Năm Hòa Hưng sang Khánh Hội. Hai đứa la cà ở bên đó mãi nửa đêm mới về. Trần Đại vẫn thức chờ tin tức. Hắn hỏi đàn em:
- Đúng bọn du đãng Khánh hội đánh công nhân đình công không?
- Đúng.
- Chú Hùng có hỏi thăm tên cai thầu Phúc chứ?
- Có
- Cho anh biết về thằng này...
- Nó là một thứ trùm bến tầu rất nhiều bộ hạ và thế lực. Riêng ở kho 18, nó làm chủ tịch chi đó, xếp sòng mà!
- Chú gặp hắn chưa?
- Rồi. Nó sống như ông vua trong cái biệt thự lộng lẫy. Anh em công nhân khổ như chó. Làm quần quật để nó bóc lột mồ hôi nước mắt.
Trần Đại hỏi Năm Hòa Hưng.
- Thằng nào nhận đánh mướn cho cai thầu Phúc?
- Năm lửa!
- Không phải thằng Sáu dữ à?
- Sáu dữ về quê, bị bệnh chết rồi. Đàn em nó thay nó chỉ huy bọn Khánh Hội. Tên nó là Năm: Năm lửa.
- Đánh mướn mỗi ngày bao nhiêu?
- Vài chục.
- Chú thấy Năm lửa thế nào?
- Nó đói quá anh ạ!
Trần Đại đập tay xuống bàn:
- Đói thì thiếu gì cách kiếm cơm mà lại đi nhận tiền của cai thầu Phúc khốn kiếp, đánh đập công nhân. Chú phải biết, anh tởm bọn cai thầu vô cùng. Ông cụ nhà anh làm chủ thầu, anh hiểu bọn cai thầu và công nhân lắm. Hồi trước, thỉnh thoảng xuống công trường chơi, anh thấy bọn cai thầu bợ đỡ ông cụ anh, át giọng công nhân không hết lời. Đấy là công nhân công trường. Còn ở thương cảng, chắc công nhân sống khốn nạn hơn. Vừa bị cai thầu bóc lột vừa bị chúng tung tiền thuê du đãng phá cuộc đấu tranh giành cơm no áo ấm. Anh đã đọc nhiều loạt bài phóng sự, điều tra về đời sống lao động bến tàu. Thấy thương công nhân quá. Anh em mình cần phải hỏi tội thằng Năm lửa. Nó đã phạm tội làm điếm nhục danh từ du đãng.
Trần Đại gọi Janles Dean Hùng tới ngồi cạnh mình:
- Cho xin điếu thuốc.
James Dean Hùng rút điếu “Havatampa” đưa cho Trần Đại. Nó quẹt diêm để Trần Đại mồi thuốc. Hít vài hơi, suy nghĩ chán. Trần Đại bảo James Dean Hùng:
- Muốn làm anh hùng bến tàu không?
- Như ai?
- Như Marlon Brando... Hùng coi “Sur le quais” chưa?
- Coi cả thảy mười bận.
Đôi mắt thèm ngủ của Trần Đại và James Dean Hùng cùng sáng rực một lúc. Trần Đại nói:
- Gặp địch thủ để rửa nhục rồi đấy Hùng ơi! Sao, chú dám chơi với các thế lực khốn kiếp của tên cai thầu Lưu Cờ Phúc không?
James Dean Hùng nhếch mép cười:
- Lâu nay chính nghĩa rõ rệt quá. Em đâu có ngán thế lực. Anh cho biết chương trình.
- Ô kê! Năm Hòa Hưng lại đây chúng mình bàn luôn.
Ba đứa châu đầu bàn kế hoặch chống cai thầu Phúc. Trần Đại vẽ lăng nhăng trên giấy. Vẽ mỏi tay rồi hắn mới nói:
- Việc đầu tiên là phải tìm cách “chiêu hồi” thằng Năm lửa. Nó “quy thuận” mình thì tính chuyện với cai thầu Phúc dễ như trở bàn tay. Công việc này, anh nhờ Năm Hòa Hưng và Bốn bù loong. Năm biết nhà nó chưa?
- Rồi ạ!
- Nửa đêm mai, chú tới nhà nó.
- Nếu nó không nghe mình?
- Tùy chú định cái số mạng ghẻ lở của nó.
Trần Đại giao công tác cho James Dean Hùng.
- Chú tìm anh em cho biết sắp “đánh lớn” ở Khánh Hội..
- Cần bao nhiêu mạng?
- Để mai quan sát coi bọn du đãng của cai thầu Phúc thuộc cỡ nào. Cứ báo động cho anh em biết là đủ rồi. Nếu quyết liệt mình kéo hết sang chiếm luôn cả bót cảnh sát mà cai trị khu thương cảng.
Câu nói khôi hài của Trần Đại khiến James Dean Hùng hăng máu. Nó bảo:
- Sẽ chơi bằng dao hay búa?
- Bằng dao.
Trần Đại vươn vai ngáp:
- Khuya rồi, chúng mình đi ngủ. Sáng mai bàn thêm.
Năm Hòa Hưng nhìn Trần Đại không chớp mắt. Trần Đại hất hàm:
- Năm muốn nói gì?
- Thưa anh, anh cũng xuất trận?
- Dĩ nhiên. Cùng đánh và cùng chết với anh em.
Năm Hòa Hưng bấm khẽ James Dean Hùng, Hùng hiểu ý, nói:
- Anh chưa khỏe hắn đâu...
- Sao chú biết?
- Người anh còn xanh lắm.
- Các chú yên tâm, anh không dùng dao đâu mà.
- Nhưng cảnh sát chưa quên mặt anh đâu!
Trần Đại cười lớn:
- Thôi được, sáng mai tính lại... Bây giờ các chú đi ngủ đi.

*

Từ trong một cái “Snack bar” rẻ tiền, Trần Đại ngồi uống bia nhìn ra. Những khuôn mặt công nhân hằn lên nỗi hận thù. Họ vẫn đình công vì yêu sách của họ không được giải quyết thỏa đáng. Cai thầu Lưu Cờ Phúc, tên cáo già của bến tầu, kẻ chuyên môn sống bằng mồ hôi nước mắt của công nhân, dễ chi chịu mất miếng mồi ngon. Dựa vào thế lực của Liên đoàn, cậy nhiều tiền tung ra đấm mồm cơ quan này, cơ quan khác, cai thầu Phúc không hề nao núng trước cuộc vùng lên đấu tranh đòi cơm áo và công bằng của công nhân kho 18.
Bỉ ổi hơn, cai thầu Phúc còn mướn du đãng hành hung công nhân cấm không cho công nhân đình công. Khí giới của người lao động trong nước dân chủ là đình công. Chính phủ không dám ngăn cản, thế mà cai thầu Phúc đã dám dựa vào thế lực của cái Liên đoàn của hắn, dựa thế lực của cơ quan an ninh địa phương, tung du đãng vào cuộc, đàn áp công nhân.
Chính mắt Trần Đại đã trông thấy cảnh đàn áp bỉ ổi này. Bọn du đãng Khánh Hội, dưới quyền chỉ huy của Năm lửa sinh sự và đánh đập công nhân, Trần Đại đã nghiến răng nuốt giận hờn. Sự thực ra như ban ngày. Trần Đại không còn ngần ngại gì nữa. Hắn sẽ ăn thua với cai thầu Phúc dù hắn chẳng có chút uy thế gì và cũng chẳng hưởng lợi lộc gì. Trần Đại và anh em hắn chỉ có tấm lòng và sự hận thù.
Lòng tên du đãng se lại khi nhìn những khuôn mặt hằn lên những nét tủi nhục, phẫn uất của anh em kho 18. Đã sống chui rúc trong cái xóm nghèo, đã có đàn em loại Năm Hòa Hưng và nhiều đàn em khốn nạn khắc. Trần Đại hiểu và chua sót cho kiếp sống bần hàn của giai cấp thợ thuyền.
Hắn biết, giờ phút này, khi anh em công nhân đang ngồi trước cửa kho 18 đình công để đòi sự công bình và tiêu diệt chế độ cai thầu bốc lột thì tại những khu xình lầy hôi thối như cầu Tân Thuận, Cầu Móng, Kho Năm, chợ Xóm Chiếu, dưới những mái nhà lá lụp sụp tồi tàn, vợ con của anh em mỏi mắt chờ tin tức. Chủ sẽ đuổi chồng con mình? Thì sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp, đói cơm, đói sữa. Chính phủ sẽ bênh vực chồng mình? Thì đời sống đỡ bị bóc lột, bát cơm đầy hơn, ngọn đền dầu sáng hơn...
Trần Đại mường tượng ra cảnh thất nghiệp. Hắn nghiến răng ken két. Cô chiêu đãi viên nhìn hắn rất lạ lùng. Cô ả gạ chuyện:
- Giận ai đó?
Trần Đại nóc cạn ly rượu bia:
- Giận tất cả.
- Tất cả là những ai?
- Là những thằng người, nhất là những thằng cai thầu!
Cô chiêu đãi viên tái mặt đi:
- Anh nói khe khẽ chứ...
Trần Đại vờ say:
- Khe khẽ cái gì, cai thầu là cái thớ gì...
Cô chiêu đãi viên lẳng lơ bịt miệng Trần Đại lại:
- Thương anh lắm em biểu anh nói khẽ chứ đó. Khu này là khu của Lưu Cờ Phúc. Nó làm cha khu này mà. Lính thân với nó lắm. Hó hé một chút, nó kêu lính xúc đi, đánh tơi người. Thả ra chỉ có nước bể phổi.
Trần Đại giả đò sợ sệt:
- Lưu Cờ Phúc là ai đó cô em?
- Là cai thầu.
- Nó ba đầu sáu tai hở?
- Đâu có, nó nhiều bộ hạ lắm. Thằng nào thằng ấy đâm người không biết gớm. Mấy bữa rày, anh em phu khuân vác làm reo không đi làm, nó mướn bọn du đãng Năm lửa tới đánh phu khuân vác có người hộc máu mồm.
Trần Đại ôm ngang bụng cô chiêu đãi viên, nghịch ngợm:
- Cưng này!
- Chi đó anh?
- Cưng chỉ dùm anh xem bọn lố nhố bên kia đường có thằng nào là du đãng không?
- Vô khối anh à!
- Thằng nào là cai thầu Phúc?
- Nó không có ở đây đâu.
- Nó ở đâu?
- Nó ở phòng gắn máy lạnh, đi xe Huê Kỳ chứ đâu thèm đứng đây.
- Cai thầu mà hách thế cơ à?
- Các thầy xếp mã tà còn ngán nó đó anh ạ?
Trần Đại buông cô chiêu đãi viên ra. Hắn nhìn thẳng vào mặt cô ả:
- Em sợ cai thầu Phúc không?
Cô chiêu đãi viên lắc đầu:
- Em ghét nó thì có.
Trần Đại ngắm kỹ cái “Snack bar” nghèo nàn, tồi tệ đến nỗi Mỹ chê, Tây ngán. Và “Snack bar” này biến thành quán cà phê túi. Rượu nặng nhất là bia. Trần Đại hỏi:
- Quán này của em hay em làm thuê?
- Của em.
- Em có muốn giết bọn Năm lửa không?
- Tụi nó phá em quá anh ơi! Đứa nào cũng có dao con chó sợ muốn chết, nghĩ gì chuyện hại nó.
Trần Đại suy tính một lát rồi nói:
- Anh định mượn cái quán của em để “chơi” cai thầu Phúc. Nhưng thôi, để em buôn bán.
Cô chiêu đãi viên nghe Trần Đại nói, toát mồ hôi. Cô ả thẫn thờ run cầm cập, há hốc miệng nhìn Trần Đại lầm lũi bước sang bên kia đường.