- 5 -

     gôi biệt thự nhỏ, xinh nằm giữa một khu phố thật lý tưởng. Đó là “căn nhà êm ấm” của gia đình họ Trần. Cậu Trần Đại sinh trưởng ở khung cảnh êm ấm và lý tưởng đó. Cha cậu làm chủ một hãng thầu lớn. Dĩ vãng của bất cứ một ông chủ thầu nào cũng đều giống nhau. Và giống nhau luôn cả lương tâm lẫn tâm hồn. Cha Trần Đại mải mê làm giàu ít khi có mặt ở nhà. Mẹ Trần Đại mãi mê yêu tiền, ít khi có mặt ở nhà luôn. Đại có hai người em gái. Hai cô em đã thay nhiệm vụ của cha mẹ để săn sóc anh.
Trần Đại không hiểu rõ lý do vắng mặt của cha mẹ. Cậu chỉ biết học và thi. Đậu tú tài nhất rồi trượt tú tài hai. Trượt hoài, Đại chán nản chuyển sang chương trình Việt bỡ ngỡ vô cùng. Thi hai lần đều vẫn rớt.
Một đêm, vừa tỉnh giấc, Trần Đại nghe thấy cha mẹ cãi nhau. Cha mẹ ít khi gặp nhau sao lại có chuyện để cãi nhau? Trần Đại tự hỏi thế. Cậu tò mò muốn biết sự im lặng đến buồn tẽ của gia đình mình. Trần Đại tung mềm bước khỏi giường. Cậu rón rén tới phòng cha, đứng cạnh cửa ra vào nghe chuyện.
Căn phòng tối om. Tiếng cha cậu nói tuy rất nhỏ nhưng vẫn rít lên âm điệu hằn học:
- Bà ngủ với thằng khốn nạn ấy mấy lần rồi?
- Tôi không biết.
- Thế ngày nào bà cũng bỏ nhà đi đâu?
- Tôi đi đánh bạc.
- Bà đi đánh bạc hả? Sướng quá nhỉ? Trong khi tôi quần quật ở công trường, dãi nắng dầm mưa thì bà đi đánh bạc!
- Ông dãi nắng dầm mưa luôn cả ban đêm nữa à? Cả Chủ nhật và những ngày lễ nữa à? Vợ ông, ông bỏ mặc. Con ông, ông không hề ngó ngàng...
- Tôi dãi nắng dầm mưa để làm gì bà biết không?
- Để bao mấy con vũ nữ, mấy con ca sĩ bằng tuổi con ông chứ để làm gì!
- Bà im mồm đi!
-Tôi không im.
- Bà đánh bạc bằng tiền của ai? Tiền của chó hả?
- Phải, tiền của chó. Ông chỉ là một thứ chó...
- Mày thì hơn gì tao, mày là con điếm!
- Mày là thằng ma cô.
Trần Đại co rúm người lại. Cậu không thể tưởng tượng được rằng cha mẹ cậu lại nguyền rủa nhau thậm tệ đến thế. Trần Đại đưa hai tay bưng kín mặt. Cậu muốn thét lên. Muốn đập phá. Nhưng chân cậu như bị xích chặt. Trong bóng tối Trần Đại giẫy giụa với sự thực phũ phàng. Trần Đại không thích nghe nữa. Khốn nỗi, tiếng the thé của mẹ cậu cơ hồ đạn rít xé màng tai cậu:
- Mày tưởng mày đẹp lắm hả? Mày có biết cái sự nghiệp này do ai tạo ra không?
Cha Trần Đại nín thinh. Mẹ cậu nói tiếp:
- Mày hồi tưởng lại đi, mười mấy năm về trước mầy là thằng nào. Mà mày nỡ lên mặt xỉ nhục tao là con điếm. Tao làm điếm cho ai hưởng? Cho cái sự nghiệp của mày chứ còn ai nữa. Mày đã dùng tao làm cái thang leo lên bậc danh vọng chủ thầu của mày thì tao có quyền đem tiền đi đánh bạc, mày hạch sách gì?
Cha Trần Đại gầm lên:
- Câm mồm đi!
Mẹ Trần Đại làm tới:
- Tao không câm...
- Tao sẽ kiếm thằng khốn nạn ấy giết chết nó.
Mẹ Trần Đại mỉa mai:
- Cái mã mày thì giết ai?
- Tao sẽ giết nó!
- Tao thách mày đấy.
Trần Đại lạnh toát. Mồ hôi ướt đầm đìa. Tay chân cậu run bần bật. Im lặng một lúc, mẹ Đại đay nghiến cha cậu:
- Mày là đứa phản bội. Sống với mày không thú vị gì cả thì dại gì tao không sống riêng cho cá nhân tao. Ừ, tao ngoại tình đấy, tao cắm sừng lên đầu mấy đấy, tao ngủ với giai đấy, mày giỏi làm gì tao?
- Tao sẽ tống cổ mày khỏi nhà này.
- Tao thách mày.
- Đồ điếm già.
- Đồ ăn cắp!
Cha Trần Đại xô đổ chiếc bàn ngủ. Mẹ cậu cười gằn:
- Mày cứ làm ầm lên đi, tao sẽ cho con cái mày nó biết rõ cái bộ mặt gian manh, bỉ ôi của mày.
- Mày la to nữa đi.
- Tao sợ gì mày.
- Đồ khốn nạn.
- Đồ cu ly.
- Mày cút khỏi phòng này cho sạch mắt tao.
Mẹ Trần Đại chửi tiếp:
- Quân chó má!
Trần Đại nghiến răng ken két. Cậu không chịu đựng nổi nữa. Trần Đại đá tung cái ghế gần chỗ cậu đứng. Cú đá rất mạnh, chiếc ghế văng xa, đụng vào tường. Đang lúc hăng tiết, Trần Đại không biết đau đớn. Cậu chạy về phòng minh, nằm gục mặc xuống gối khóc rưng rức. Cậu nghe rõ tiếng cửa mở, tiếng ô-tô rồ máy. Cha cậu lại bỏ đi...
Sáng hôm sau, Trần Đại dậy thật sớm. Cậu đi học như thường lệ nhưng đến trưa cậu không về nhà. Cả buổi chiều Trần Đại chui vào rạp chiếu bóng thường trực. Cậu ngồi hết xuất này sang xuất khác cố tìm hiểu xem cha cậu đã dùng cái thang mẹ cậu như thế nào để tạo nên sự nghiệp thầu khoán lẫy lừng hôm nay. Trần Đại chịu, chẳng hiểu nổi. Nhưng lòng cậu reo sôi một mối hận. Cậu nghĩ tới kẻ đã cắm sừng lên đầu cha cậu, kẻ mà cha cậu đã muốn giết và mẹ cậu bênh vực hết lời. Chính “thằng khốn nạn” này đã phá hoại hạnh phúc của gia đình Trần Đại. Cậu không thể tha thứ nó được. Trần Đại mường tượng ra một gã đàn ông phì nộn ôm ấp mẹ cậu, cậu thương hại cha vô cùng.
Bắt đầu từ buổi chiều hôm đó, Trần Đại tập hút thuốc. Cậu ghé vào một “Snack bar” uống bia và đốt thuốc. Thuốc mới hút thì sặc, bia mới uống thì cay. Rồi quen đi hết. Trần Đại đã kiếm được những liều thuốc an thần bằng cách uống bia và hút thuốc lá...

 

Trần Đại bỏ nhà một tuần lễ. Cậu tới sống với một người bạn chí thân đã thôi học và đang chỉ huy một bọn du đãng. Tên người bạn này là Lang. Lang rất ngạc nhiên khi thấy công tử Đại tới ở với mình. Hắn cố hỏi lý do song Trần Đại không chịu nói. Mãi tới lần say rượu, Trần Đại khóc sướt, nằm vật vả trên sàn gác, lải nhải câu “thằng khốn nạn, ông sẽ giết mày”, Lang mới hiểu bạn mình có một tâm sự u uẩn.
Khi Trần Đại tỉnh rượu, Lang dọ dẫm:
- Cậu đòi giết ai đấy?
Trần Đại đỏ hoe mắt:
- Đòi giết ai đâu?
- Cậu đừng giấu tớ, cậu có chuyện gì buồn cứ nói đi. Muốn giết thằng nào bảo tớ, tớ liệu cho.
Trần Đại thú thật:
- Tớ muốn giết một thằng...
- Thằng nào?
- Cậu hứa đừng cho ai biết nhé!
- Tớ hứa.
- Thằng nhân hình của mẹ tớ...!
Lang ngơ ngác:
- Cậu nói sao? Ai nhân tình, cái gì?
Trần Đại ôm lấy Lang, khóc nức nở. Lang vuốt ve bạn cơ hồ vuốt ve người tình nhân:
- Khóc à? Hèn thế Đại?
Trần Đại buông tay Lang, ngước đôi mắt mờ lệ:
- Tớ hèn quá. Tớ không dám ngờ... mẹ tớ...
- Mẹ cậu...?
- Mẹ tớ mê một thằng đàn ông khác.
Lang trợn trừng mắt:
- Thằng ấy láo lỉnh, quyến rũ mẹ cậu à?
- Chắc vậy.
- Cậu biết mặt nó chưa?
- Chưa.
- Cậu muốn giết nó không?
Trần Đại gật đầu. Lang nói:
- Cậu về nhà đi, để tớ giết nó cho.
Trần Đại nắm chặt cánh tay Lang:
- Cậu giúp tớ, để tớ giết nó mới hả dạ...
Lang cười khinh bạc:
- Công tử nhúng tay vào máu làm gì? Cậu không giết được kẻ thù của cha cậu đâu.
Trần Đại van nài:
- Tớ lạy cậu, Lang ơi!
- Không, tớ không để cậu giết người..
Trần Đại ngạc nhiên:
- Tại sao?
- Vì cậu không phải là du đãng...
- Cậu cho tớ làm du đãng đi!
- Không được.
- Tại sao?
- Làm du đãng hỏng mất tương lai. Cuộc đời của cậu đẹp lắm Đại ơi!
Trần Đại buông tay ra, hằn học:
- Đẹp gì, tớ tởm tương lai quá, nếu tương lai tớ...
Trần Đại không dám nói hết lời. Lang hỏi:
- Có chuyện gì uất ẩn đó?
Trần Đại buồn cực độ:
- Chuyện nhục! Mẹ tớ chửi ba tớ là thằng ma cô, ba tớ chửi mẹ tớ là con điếm. Ba tớ tố mẹ tớ là mê trai, mẹ tớ tố ba tớ mê gái, vân vân... Tớ đã chứng kiến cảnh ba mẹ tớ “tố khổ” nhau. Tớ không muốn sống ở căn nhà ô nhục đó nữa. Cậu cho tớ làm du đãng nhé!
- Làm du đãng đói chết.
- Bất cần.
- Bị cảnh sát bố ráp.
- Bất cần. Tớ phải làm du đãng để giết thằng nhân tình cửa mẹ tớ.
- Được rồi, cậu theo dõi nó đi. Rồi chúng mình tính sau.
Trần Đại lại mò về nhà. Cha cậu biệt tích từ hôm cãi nhau với mẹ cậu. Bây giờ thì Trần Đại không lạ lùng sự vắng mặt của cha cậu nữa. Trần Đại trở về sau một tuần lễ đi hoang. Mẹ cậu chỉ hỏi qua loa. Nhìn khuôn mặt lầm lì của cậu mẹ cậu chột dạ. Các em gái cậu vẫn không dám nói năng gì. Trần Đại theo dõi mẹ cậu từng bước. Bất cứ bà đi đâu, Trần Đại bén gót ngay. Chẳng khó khăn gì, Trần Đại đã kiếm được kẻ phá hoại hạnh phúc của gia đình cậu.
Tên khốn nạn là thẳng cán sự kiểm lâm. Tên nó là Xuân. Nó còn trẻ. Chỉ hơn Trần Đại chừng năm tuổi. Tình địch của cha cậu, không ngờ lại là một thanh niên đầy sinh lực! Điều tra lý lịch của tên khốn nạn này, Trần Đại biết thêm nhiều chi tiết không lấy gì làm đẹp đẻ của tên kiểm lâm Xuân. Mẹ tên Xuân, cả thảy có bốn đời chồng. Mụ là con đàn bà phốp pháp trông giống con mụ “đầu” ở các xóm nhỏ. Mụ trạc tuổi mẹ Trần Đại! Tên Xuân đi o bế gái già cỡ mẹ hắn và mẹ Trần Đại đi yêu một thằng trai bằng tuổi con mình. Tên Xuân được mẹ Trần Đại cung cấp tiền bạc. Hắn ăn chơi thả cửa và dùng tiền của gái già bao, để bao lại bọn gái trẻ. Mẹ Trần Đại mua cho hắn chiếc Dauphine. Tên Xuân không dám đứng tên mình sợ chính phủ bắt kê khai tài sản. Hắn làm kiểm lâm nhưng ở lì Sài gòn vì mẹ Trần Đại tung tiền xin xỏ hắn từ miền rừng heo hút gió về. Mẹ tên Xuân có cả mớ kinh nghiệm bòn tiền trai nên đã dạy hắn cách lừa gạt và bòn tiền gái già. Không hiểu hắn có bùa ngải chi mà mẹ Trần Đạt mết hắn thế?
Biết qua cuộc đời và sự nghiệp của tên kiểm lâm Xuân, Trần Đại xuống Chí Hòa tìm Lang. Hai người bạn trẻ bàn nhau lùa tên Xuân vào bẫy. Nhưng cuối cùng Trần Đại nói với Lang:
- Thằng này mình tớ hạ nổi, cậu để cái nhục của cha cho tớ rửa lấy.
Lang cười:
- Đồng ý. Chúng tớ làm hậu thuẫn.

 

Trần Đại theo mẹ tới một tòa “bin đinh” cho mướn nọ. Mẹ cậu vẫn không hay. Bà mở cửa thang máy lên lầu. Trần Đại phải tránh mặt: Cậu hỏi người gác thang máy, dúi vào tay nó mười đồng. Tên gác thang máy tình nguyện dẫn Trần Đại lên phòng của mẹ cậu. Trần Đại gạt đi. Tên gác thang máy nhìn cậu, dò dẫm rồi cười cợt rất khả ố. Khiến Trần Đại nổi nóng muốn sinh sự nhưng cậu đã nín.
Tới đúng căn phòng số 14, Trần Đại dừng lại. Cậu đứng sát cánh cửa nghe ngóng. Rõ ràng tiếng cười của mẹ cậu đang đùa rỡn với gã nhân tình trẻ tuổi. Tai Trần Đại nóng ran. Mối hận bốc từ từ. Cậu thò tay vào túi. Con dao con chó vẫn nằm yên trong túi Trần Đại. Trần Đại gõ cửa. Tiếng cười im bặt.
Một lát, ổ khóa lạo xạo. Trần Đại biết cửa sắp mở.
Nhưng cánh cửa chỉ hé một chút, tên kiểm lâm vừa hé đầu ra. Trần Đại tông cửa thật mạnh. Tên Xuân bị đẩy lui suýt ngã. Trần Đại khép cửa lại. Cậu nhìn tên kiểm lâm Xuân muốn tóe lửa mắt. Bất thình lình Trần Đại nhào tới, đấm liên tiếp hai ba trái. Tên đàng điếm Xuân lãnh đủ những quả đấm chứa nặng hận thù.
Mẹ Trần Đại mới kịp cởi áo dài. Bà ta mặc vội vô và can thiệp.
- Đại!
Trần Đại lờ đi, đang say đòn, cậu đấm tới tấp vào thân thể gã đàng kiểm. Hắn ta có trả miếng nhưng hắn ăn năm đòn trả chưa đầy một. Trần Đại đánh gã kiểm lâm Xuân hộc máu mồm, cậu dồn hắn sát tường. Trần Đại nghiến răng:
- Mày đã biết ai đánh mày chưa?
Gã kiểm lâm Xuân lắc đầu. Trần Đại kết tội:
- Mẹ mày dạy mày cách tán gái già hả? Con mẹ mày là một thứ đượi, nay chồng này mai chồng khác, là một thứ đàn bà chuyên đi phá hoại hạnh phúc của những người đàn bà khác. Mày nghĩ xem mày có bốn năm anh em mà mỗi đứa một bố! Mày mang trong người cái huyết thống nhớp nhơ ghê quá, hèn chi mày dám tán tỉnh một người đáng tuổi mẹ mày. Mày đã yêu mẹ mày, đã ăn ngủ với chính mẹ mày đây Xuân ạ! Tao phải giết mày...
Gã kiểm lâm Xuân chưa kịp mở mồm, mụ tình nhân của hắn đã the thé:
- Đại ơi! Mẹ xin con...
Trần Đại lắc đầu:
- Không mẹ con gì nữa. Mẹ đã đổ bùn nhơ vào cuộc đời các con của mẹ.
Gã kiểm lâm Xuân đã hiểu chuyện hắn toan chạy, Trần Đại chắn lối ra. Cậu móc dao bật lưởi sáng loáng:
- Tao phải giết mày, giết những quân có huyết thống nhớp nhơ như mày để xã hội bớt phải đề phòng. Thằng khốn nạn tao sắp giết mày, cần nói gì không?
Gã kiểm lâm Xuân nhìn mụ nhân tình già cầu cứu, Trần Đại hét:
- Mày có năm phút để giăng dối...
Gã kiểm lâm Xuân đưa cánh tay quệt ngang miệng. Máu ở miệng hắn vẫn ri rỉ chảy. Hắn lạy lục:
- Tôi xin... xin... cậu... Tôi trót dại...
Trần Đại ngứa mắt, cậu chộp lấy bình hoa ném thẳng vào tên khốn nạn. Nó tránh kịp. Cái bình hoa trúng tường, vỡ tan tành. Trần Đại hất hàm:
- Thí dụ tao tán tỉnh mẹ mày, ngủ với mẹ mày, mày có điên tiết không hở kiểm lâm Xuân?
Gã kiểm lâm Xuân lắc đầu. Trần Đại nguyền rủa:
- Đồ súc vật như mày đâu biết liêm xỉ để xấu hổ, để biết nhục. Dầu tao có tán mẹ mày thì mẹ mày lại bòn tiền của tao để nuôi mày ăn học thành tài. Và dẫu mày tán một bà già cỡ mẹ mày cũng để bòn tiền nuôi cả nhà mày, bòn tiền để lấy vợ chứ gì? Tao thật không ngờ xã hội bẩn thỉu như thế. Mày là thằng con trai trông cũng khá sáng sủa mà đành húc đầu vào cầu tiêu ăn đồ dơ bẩn. Mày lừa lọc người phá hạnh phúc của người. Thế mà mày lại làm công chức! Trách gì, chẳng ăn cắp của chánh phủ...
Trần Đại say sưa chửi tên kiểm lâm Xuân. Hắn đứng im chịu đau và nghe Trần Đại xỉ nhục. Trần Đại hỏi:
- Mày tán bà già này lâu chưa?
Gã kiểm lâm ấp úng:
- Dạ... Tôi... không... tán...
Trần Đại quát:
- Mày không tán sao bà già mê mệt mày?
- Tôi không biết.
- Tại sao mày không biết?
- Bà đến nhà bạn tôi đánh bạc rồi gặp tôi...
- Rồi mày theo bà già moi tiền hả?
- Dạ không.
- Thế tiền đâu mày mua xe Dauphine?
- Tôi ăn cắp của chính phủ hồi chưa về Sài gòn. Tôi ăn có với bọn đốn cây...
Trần Đại xô tung cái bàn. Mẹ cậu từ nãy vẫn nằm chết dí. Bây giờ bà mới sực tỉnh. Nhìn lưỡi dao sáng loáng, nhọn hoạt nằm trong tay Trần Đại, bà hết hồn. Vốn biết tính con mình nóng như lửa và nó nói thì làm liền, bà lo sợ cho số phận của gã tình nhân trẻ vô cùng. Bà nảy ra cách cứu hắn. Mẹ Trần Đại đứng lên khỏi giường. Lúc đó Trần Đại đã hoa dao:
- Mẩu thanh niên như mày, để sống thì chỉ nghĩ chuyện ăn cắp vô luân lý, vậy tao giết mày!
Trần Đại tiến lại chỗ tên Xuân. Hắn men theo tường lùi dần. Bỗng Trần Đại thấy mẹ mình bước sau. Cậu ngoảnh lại. Mẹ cậu rên rỉ:
- Mày định giết người hở?
Trần Đại trả lời cộc lốc:
- Phải.
- Mày giết mẹ mày trước đi...
- Tôi không có quyền giết mẹ.
- Ai có quyền?
- Mẹ tự hỏi lương tâm mẹ ấy!
Trần Đại vẫn tiến. Cậu nhất quyết giết tên khốn nạn đã hủy diệt tình mẫu tử của cậu. Nhưng thình lình, Trần Đại bị mẹ cậu ôm chặt. Bà cố dùng hết sức cầm chân con trai để tình nhân tẩu thoát. Tên kiểm lâm Xuân được dịp thoát thân, quên cả xỏ giầy, trốn gấp. Chờ cho hắn chạy xuống đường, mẹ Trần Đại mới buông đôi tay ra. Trần Đại không ngờ mẹ cậu khỏe thế. Trần Đại đã vùng vẫy mà cuối cùng đành mất con mồi.
Cậu nhìn mẹ cậu, mắt ngập căm hờn. Mẹ cậu hỏi:
- Con khinh mẹ lắm phải không?
Trần Đại nín thinh. Mẹ cậu nói tiếp:
- Mẹ biết con khinh mẹ lắm. Nhưng con khinh mẹ để kính trọng ba con à?
Trần Đại thở dồn dập. Mẹ cậu đi về phía giường, ngồi phịch xuống. Nước mắt bà ứa ra. Những giọt nước mắt của bà không đủ hiệu năng làm nguôi mối hờn của Trần Đại. Cậu hững hờ nói trống không:
- Thôi đừng khóc nữa...
Mẹ cậu kể lể:
- Mẹ đã làm gì nên tội?
- Ngủ với giai, với thằng hơn tuổi con mình vài ba năm không có tội à?
- Con để mẹ nói...
- Bà đừng xưng mẹ con nữa. Cứ coi tôi là người dưng nước lã. Tôi không có bố mẹ. Tôi không có bố mẹ... Vì bố mẹ tôi chỉ là...
Mẹ Trần Đại rít lên:
- Chỉ là thằng ma cô, con điếm phải không đứa giòng tôm kia?
- Tôi không biết.
Mẹ Trần Đại cười the thé:
- Đúng thế đấy con yêu dấu của mẹ ạ! Bố mày trước khi thành ông chủ thầu Trần Thành Công thì đã là thằng ma cô hèn hạ hơn cả những thằng ma cô trên đời này.
Trần Đại trừng mắt nhìn người mẹ yêu dấu:
- Còn mẹ?
Bà mẹ cười nửa miệng:
- Tao, tao chỉ là nạn nhân khốn khổ của cái sự nghiệp của ba mày...
Bà ta dứt câu, khuôn mặt bỗng trở nên sầu thảm vô cùng. Nước mắt bà ta muốn ứa ra. Nhưng lòng Trần Đại đã chai đá. Khoảnh khắc, sự sầu thảm của mẹ cậu chưa đủ làm nhũn mối hận thù. Trần Đại lững thững bước khỏi căn phòng, mặc kệ mẹ nặm vật xuống giường giãy giụa với tội lỗi.
Cả ngày hôm ấy, Trần Đại nắm bẹp trên căn gác sép của Lang ở khu Chí Hòa. Cậu mua một chai Whisky và một cân chả quế. Hai người bạn trẻ vừa uống rượu vừa chửi cuộc đời, Rồi say mèm... Trần Đại ôm mặt khóc sướt mướt như trẻ con bị đòn. Say rượu. Khóc. Nôn mửa. Căn gác hẹp chở chất hai tâm hồn vừa biết bất mãn. Trần Đại lăn lộn trên những vũng mửa. Khi tỉnh rượu, cậu mới thấy tởm cái con người cậu. Trần Đại đâu dám ngờ, một quãng thời gian chưa đủ để hiểu hết mọi khía cạnh của cuộc đời, cậu đã biến thành một kẻ bê tha, nhơ nhớp...
Trần Đại cầm gương soi. Râu ria mọc lởm chởm trên mép, trên cằm cậu cơ hồ những cái chông cắm vô trất tự trên miếng đất xấu. Trần Đại đã già đi. Lớn lên. Lớn lên trông sự tủi hổ. Cậu thở dài:
- Thế là đi “đoong” cái tương lai của cậu cả đẹp giai con nhà giàu.
Lang nghe lời tiếc hối của bạn, đau buốt tim gan. Bầy giờ Lang mới thấy tiếc tương lai. Thì đã muộn. Hắn an ủi Trần Đại:
- Cậu còn có đường về, tớ mới khốn nạn...
Nhưng Trần Đại cười khanh khách:
- Về làm chó gì? Tớ tởm cái tương lai do ông bà bô tớ định đoạt lắm. Tại sao chúng mình không tạo lấy tương lai nhỉ?
Lang rướn người lên:
- Cậu nói gì?
- Tớ nói chúng mình thử tạo lấy tương lai của mình xem có được không?
Lang buông xuôi đôi tay:
- Tạo bằng gì?
Trần Đại nói đùa:
- Bằng những cú đấm cú đá của cậu.
Lang tưởng thật, chợp lấy cơ hội đẹp:
- “Bắt địa” hả?
- Khởi đầu thế đó. “Bắt địa” của những thằng...
- Những thằng nào?
- Những thẳng như ông bố tớ!
Lang ngẩn người:
- Cậu thù hận gia đình đến độ ấy rồi sao?
Trần Đại mím môi. Đôi mắt cậu ngầu đỏ:
- Gia đình! Gia đình! Gia đình tớ... Trời ơi! biết ví nó với cái gì đây?
Lang thấy bạn buồn, thôi không nhắc chuyện “Bắt địa” nữa. Hắn nhìn những vũng mửa chưa khô nước, rầu rầu nói:
- Cậu nên nghĩ lại...
Trần Đại hỏi bạn:
- Nghĩ lại cái gì?
- Nghĩ lại chuyện gia đình...
Trần Đại gục đẩu lên trên đầu gối, chán nản:
- Gia đình tớ còn gì đâu mà nghĩ lại. Tớ chỉ thương em gái tớ. Về sau nếu thằng con trai nào yêu em tớ mà biết mẹ tớ...
Trần Đại nghiến răng:
- Trời ơi! Tớ tởm gia đình, tởm xã hội, tởm loài người, tởm tất cả...
Lang đưa cho bạn hiểu “Havatampa”.
- Này hút đi... “Havatampa” thơm tuyệt. Hút đi mà quên mọi sự. Từ nay cậu nên mua “Havatampa” mà hút.
Trần Đại đón điếu xi gà “Havatampa” Lang đã châm lửa sẵn. Cậu ngả lưng trên sàn gác gỗ hít thuốc và nhìn lũ thạch thùng xuôi nhau trên trần nhà. Im lặng một lúc lâu Trần Đại mới hỏi:
- Lang ơi! Cậu nói thật nhé!
- Ừ.
- Tại sao cậu đi làm du đãng?
- Bắt đầu bằng một chuyện bất bình.
- Như thế nào?
- Giản dị lắm.
- Giản dị như thế nào?
- Tớ bị pháp luật “áp giọng” một cách rất oan ức. Muốn chống lại, chỉ có cách làm du đãng dùng cái luật chân tay của mình. Xã hội này đầy rẫy những bất công mà tớ thấy pháp luật thường che chở cho những sự bất công nên tớ tởm xã hội, tớ đi hoang sống ngoài cái xã hội bất công khốn nạn này.
Trần Đại vừa nhả khói thuốc vừa suy nghĩ lời nói của Lang. Cậu hằng sống trong sự sa hoa nên chưa biết cái xã hội này bất công ở chỗ nào. Trần Đại ngồi dậy:
- Thật tình tớ chưa hiểu đời lắm.
- Sống đi rồi cậu sẽ hiểu. Đời còn vô số chuyện làm mình tủi nhục hơn.
- Tớ sẽ làm du đãng.
Lang ngăn bạn:
- Cần chó gì phải làm du đãng mới là sống. Du đãng là lối thoát cuối cùng, là giải pháp tầm thường của những thằng tầm thường cay cú cuộc đời...
Trần Đại nói:
- Tớ sẽ không tầm thường. Tại sao chúng ta cứ nghĩ chúng ta tầm thường nhỉ?
Lang mỉm cười:
- Cậu nghĩ xem có cuộc đời nào tẽ nhạt hơn cuộc đời một thằng du đãng không?
Trần Đại dụi mẩu thuốc xuống sàn gác:
- Có lẽ cậu không chịu làm nếp sống du đãng hào hùng.
- Làm bằng cách nào?
- Bằng cách coi mình phi thường chứ không tầm thường. Tại sao ta không sống khắc bọn du đãng cắc ké, không nghĩ khác bọn du đãng cắc ké? Tại sao mình cứ sợ cảnh sát mà không bắt cảnh sát phải sợ mình? Tại sao mình cứ sợ đời tởm mình mà mình không dám tởm đời? Tại sao, tại sao?
Đôi mắt Lang bỗng sáng ngời:
- Tuyệt quá! Ừ, mấy tháng nay tớ sống hèn quá. Chỉ đấm đá ẩm ương và bắt địa của những con địa rất hèn.
Trần Đại đứng hẳn lên, vươn vai:
- Nếu tớ làm du đãng, tớ cũng phải bắt đầu như thế. Cho quen. Rồi mới chuyển hướng.
Lang hỏi bạn:
- Bao giờ cậu thoát ly hẳn?
- Để tớ lo xong vài việt riêng đã.
- Bao giờ cậu lo xong?
- Chưa biết được. Tớ nhức đầu quá. Mới uống rượu mà ham “kin” nhiều, tai hại quá. Tớ về nhà nằm ít bữa. Cậu cần gì, lại nhà tớ nhé?
Trần Đại để nguyên bộ quần nhơ nhớp đã khô cứng về nhà. Cậu thiểu não như một tay chơi trứ danh vừa tiêu hết sự nghiệp. Trần Đại mở cửa phòng, gieo cái thể xác rã rời xuống giường. Cậu cố nhắm mắt. Nhưng đôi mắt bị ai căng ra, nhắm hết nổi...

 

Trần Đại uống nhiều rượu, bị gió nên từ cơn sốt nhẹ, bệnh cậu biến chứng khá nặng. Trần Đại mê mang trong những cơn sốt. Cậu gầy rạc đi, đôi mắt sâu hoắm dễ sợ. Lúc mê, Trần Đại khóc sướt mướt. Mẹ cậu mời bác sĩ đến tận nhà chữa cho cậu và săn sóc cậu tối ngày. Bà nghĩ rằng, nguyên do căn bệnh của Trần Đại là do bà tạo nên. Trần Đại đã khám phá ra sự thật bỉ ôi, cậu đau ốm và đâm ra chán đời, muốn phá hoại cái thể xác của mình, muốn hành hạ tâm hồn mình và muốn chôn vùi luôn cái quá khứ của mình.
Mấy hôm Trần Đại ốm, cha cậu có mặt ở nhà. Cha cậu chưa hề biết Trần Đại đã làm gì cho ông, đã nghĩ gì về ông. Ông cũng chưa hề biết Trần Đại đã vì ông đánh kiểm lâm Xuân một trận tơi bời, suýt nữa, nếu không bị mẹ bày mưu cho tên Xuân trốn, Trần Đại hăng tiết đã giết tên khốn nạn ấy rồi.
Chỉ có mẹ Trần Đại biết chuyện. Biết để ân hận. Bà luôn luôn gần gũi Trấn Đại, đợi những lúc Trần Đại tỉnh táo bà gợi chuyện đau khổ của bà nói cho Trần Đại nghe. Nhưng Trần Đại không muốn nghe nữa. Cậu giả vờ mệt mỏi, quay lưng vào tường... Nhưng lúc Trần Đại thiu thiu ngủ, mẹ cậu đặt bàn tay lên trán cậu, vuốt ve cho cậu. Khi quên lãng Trần Đại thấy bàn tay của mẹ êm ái quá, tha thiết quá. Song lúc chợt nhớ, chợt nhớ bàn tay của mẹ mình đã từng ôm ấp tên tình nhân trẻ tuổi mình, Trần Đại thấy ơn ớn, buồn mửa... Cậu đã phũ phàng hất mạnh tay mẹ cậu. Bà mẹ hơi ngạc nhiên rồi sự tủi hổ đang lên, ngấm ngầm tàn phá trái tim già. Nước mắt bà ứa ra, miệng lẩm bẩm:
- Đại ơi! Con thương mẹ...
Giọng cậu khẩn và ngập đầy sự sám hối của mẹ không những không làm Trần Đại cảm động mà cậu còn thấy tủi hổ thêm. Tới hôm qua Trần Đại khỏi bệnh, biết con mình sắp bỏ nhà đi lang thang, mẹ Trần Đại cố bắt cậu phải nói chuyện với bà. Trần Đại không thể làm ngơ được nữa. Mẹ cậu nói:
- Con định giết chết đời con hả?
Trần Đại lắc đầu:
- Đời con chết rồi còn đâu mà giết! Mẹ có biết ai giết đời con, đời hai đứa em gái của con không?
Mẹ Trần Đại nghiến răng nuốt lời nói của đứa con trai duy nhất:
- Con thù ghét mẹ lắm hở Đại?
- Con không thù ai cả, con thù con vì trót sinh ra đời...
- Mẹ chẳng muốn con tha thứ cho mẹ đâu...
Trần Đại quay mặt vô tường:
- Con lạy me, mẹ đừng nói gì với con nữa!
- Me cần nói với con.
- Con không muốn nghe.
- Con phải nghe để nay mai biết những hố bẫy mà tránh khi con thực sự bước xuống cuộc đời.
- Con không cần tránh. Con còn gì nữa đâu mẹ?
Mẹ Trần Đại sụt sùi khóc:
- Con lên án mẹ đi con!
- Con chả biết án gì mà lên cả.
- Thì con cứ bảo mẹ là...
Mẹ Trần Đại không dám nói tiếp. Bà gục mặt xuống giường nức nở. Trần Đại ngồi nhổm dậy. Cậu bước khỏi giường, toan thay quần áo đi phố. Nhưng mẹ cậu đã nắm lấy tay cậu:
- Con lại đi hở?
- Con ở nhà làm gì?
- Con còn ốm mà...
- Con ốm lâu rồi mẹ ạ!
Mẹ Trần Đại chỉ muốn con mình xỉ vả mình thậm tệ như hôm nào ở phòng số 14 “bin đinh”. Nhưng Trần Đại nói năng ngọt ngào. Bà mẹ cảm thấy sự ngọt ngào của con mình chua xót, cay đắng hơn cả những lời xỉ nhục. Bà dục Trần Đại:
- Con chửi vào mặt mẹ đi!
- Dạ, con không dám ạ!
Bỗng mẹ Trần Đại đổi giọng:
- Tao đáng tởm thế mà mày không dám chửi tao à?
Trần Đại nín thinh. Mẹ cậu không chịu nổi sự im lặng nghẹt thở này. Bà gầm lên để giải tỏa nỗi uất ức:
- Thằng ranh con đồ vong ân bội nghĩa! Mày tưởng cái thằng bố mày đẹp đẽ hơn con mẹ mày hả? Mày muốn tao kể cái lịch sử của thằng bố mày không?
Trần Đại đưa tay bịt tai:
- Thôi thôi, con nghe nhiều rồi, con sợ nghe lắm.
Mẹ cậu xỉa xói:
- Mày nghe chưa đủ đâu, mày cần nghe nữa rồi hãy chán đời cũng chưa muộn cơ mà!
Trần Đại gắt:
- Con không chán đời, tôi không chán đời, tôi tởm đời quá chừng... Mẹ đừng nói, tôi xin mẹ đừng nói thêm. Tôi sắp điên, tôi sắp giết người.
Mẹ Trần Đại không dám làm tới nữa. Bà ôm mặt, nước mắt ràn rụa. Tiếng bà yếu đuối dần:
- Đại!
-...
- Dù con khinh bỉ mẹ đến đâu, con cũng nên nghe mẹ nói vài câu đã.
- Đại!
-...
- Sống trên đời, ai chả có một lần phạm tội. Mẹ không dám đổ cái tội lỗi của mẹ cho ba con. Nhưng chính ba con đã mở cửa để mẹ bước xuống đường tội lỗi. Ba con mải mê với sự nghiệp; mải mê với bầy gái trẻ và quên hẳn mẹ. Mẹ chưa già, con biết chứ? Mẹ còn trẻ còn ham sống còn thèm khát đủ thứ. Vì mẹ là con người, con người tầm thường như những con người khác. Mẹ biết buồn tủi, biết ghen tức và biết trả thù. Một phút nông nổi, mẹ đã trả thù ba con, mẹ không ngờ lại gây thêm cả mối thù với con. Mẹ điên dại, mẹ mất trí. Nhưng đã trót lỡ, bãi đờm nhơ đã nhổ trên nền gạch hoa, đã làm bẩn nền gạch hoa. Mẹ đã làm bẩn cuộc đời mẹ, cuộc đời các con. Mẹ đáng chết, mẹ đáng chết.
Trần Đại đã buông đôi bàn tay bịt tai. Giọng nói của mẹ cậu dường như đang bò vào tai cậu. Thấm thía. Tự nhiên nước mắt Trần Đại ứa ra. Cậu cố gắng giữ những nỗi sầu hận cơ hồ không chịu đựng nổi nhưng giọt nước mắt ào ào mưa xuống tâm hồn.
- Đại!
Trần Đại nghẹn ngào. Cậu đứng chết đi một chỗ.
- Mẹ biết con kinh tởm mẹ lắm. Mẹ không chối cãi. Mẹ nhận mẹ đáng kinh tởm lắm con ạ! Me xin con một điều, một điều thôi...
Trần Đại thở dồn dập. Cổ họng vướng vít. Trần Đại gắng gượng:
- Điều gì mẹ nói đi!
Bà mẹ Trần Đại chùi nước mắt. Lớp phấn dày trên khuôn mặt về già trôi theo. Trần Đại thấy mẹ mình đáng thương xót. Cậu đâm ra hối hận. Hối hận vô vàn. Giá cậu đừng đến “bin đinh”. Đừng gặp tên kiểm lâm Xuân khốn nạn... Mẹ Trần Đại bớt tủi bà nhẹ nhàng nói:
- Con hứa nghe lời mẹ không đã, rồi mẹ mới dám nói.
“Mẹ mới dám nói”, câu nói như một mũi kim đâm vào tim Trần Đại khiến cậu lạnh cả người. Trần Đại gật đầu:
- Me nói đi!
- Con hứa nghe lời mẹ nhé!
- Vâng, con hứa.
- Từ nay con đừng bỏ nhà đi lang thang nữa. Con gầy rộc đi. Mẹ khổ lắm. Con hãy lo học hành, đỗ đạt. Về sau dùng cái tài của con đi vào sự nghiệp bằng cổng trước. Đi thẳng chứ không cúi lưng như ba con... Con nghe lời mẹ nhé!
Trần Đại mường tượng ra một đứa rượu say sưa, nôn mửa trên căn gác sép. Cái hình ảnh trác táng đó làm Trần Đại rùng mình. Cậu khe khẽ dáp:
- Thưa mẹ con hứa... nhưng...
- Nhưng gì con?
Trần Đại chưa dám trả lời, mẹ cậu đã nói:
- Mẹ hiểu ý con rồi, mẹ cũng sẽ hứa với con. Con muốn mẹ “đừng bỏ nhà đi” chứ gì? Mẹ hứa, mẹ hứa... Mẹ sẽ không bao giờ đi đâu nữa. Mẹ hứa sẽ làm vừa lòng con suốt đời. Con tin mẹ đi Đại ơi!
Mẹ Trần Đại xúc động quá đỗi, nước mắt lại trào ra đẫm ướt khuôn mặt về già.
Trần Đại nhìn mẹ, nhìn sắt mặt mẹ. Cậu chưa bao giờ nhìn tường tận khuôn mặt người mẹ thân yêu suốt quãng thời gian thơ ấu chưa bao giờ thấy sự khổ đau của mẹ gần gũi và làm mủi lòng cậu như bây giờ. Trên khuôn mặt mẹ, Đại nhìn rõ ràng từng vết nhăn lem nhem bụi phấn, dòng nước mắt loanh quanh quầng mắt đen sâ u.
Mẹ Trần Đại lại thốt lên trong cơn nghẹn ngào:
- Mẹ hứa... mẹ hứa...
Trần Đại ôm chầm lấy mẹ cậu, đôi bàn tay cậu phủ kín đôi vai của mẹ.
- Mẹ đừng hứa nữa... mẹ đừng hứa nữa... con sẽ ở nhà.
Sáng hôm sau, Trần Đại dậy sớm. Cậu tập thể dục dự định tổ chức lại cuộc sống. Đến 10 giờ, người làm mướn đợi mãi không thấy bà chủ dậy đưa tiền đi chợ. Chị ta nói với Trần Đại:
- Chắc bà mệt dậy trễ, cậu gọi dùm cháu.
- Mọi bận mẹ tôi dậy mấy giờ.
- Muộn lắm là 9 giờ.
- Để tôi gọi cho.
Trần Đại gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Cậu gõ mạnh hơn. Vẫn im lặng. Trần Đại hơi ngạc nhiên. Cậu gọi ầm ỹ. Nhưng mẹ cậu không lên tiếng, dường như mẹ cậu không ngủ ở nhà đêm qua. Tim Trần Đại đập mạnh. Sự uất nghẹn tự nhiên lôi kéo lên. Khoảnh khắc, Trần Đại quên mất nhưng lời hứa hẹn với mẹ hôm qua. Cậu mường tượng ra chiếu bạc, ngồi cạnh mẹ cậu, vuốt ve mẹ cậu là tên kiểm lâm Xuân bỉ ổi... Trần Đại lạnh toát. Bỗng Trần Đại hét lớn:
- Khốn nạn!
Hai đứa em gái cậu chạy tới hỏi anh:
- Anh giận gì thế anh?
Trần Đại không đáp đúng câu hỏi mà lại hỏi lại em:
- Ba đâu?
- Ba đi từ đêm hôm kia.
- Đêm qua mẹ có ở nhà không?
- Có, mẹ đi ngủ từ lúc 7 giờ tối anh ạ!
- Sao gõ cửa rầm rầm mẹ không dậy?
Đứa em gái tròn mắt, sợ sệt:
- Hay...
Trần Đại thộp lấy tay em:
- Hay gì?
Đứa em gái ứa nước mắt, lắc đầu:
- Sao em nghĩ dại dột quá anh ơi!
Trần Đại gắt:
- Nghĩ dại dột gì? Em nói mau cho anh nghe.
Đứa em gái nhìn anh rồi nhìn vào cánh cửa phòng đóng kín, ấp úng:
- Hay... hay...
- Hay gì?
Cô em gái út nắm tay chị:
- Trả lời anh Đại đi chị Thúy!
Thúy hốt hoảng, khuôn mặt nàng tái nhợt. Nàng ngó Trần Đại, đôi mắt rươm rướm lệ:
- Anh ạ!
Trần Đại ái ngại bảo em gái:
- Thúy muốn nói gì?
Thúy đưa cánh tay quệt nước mắt:
- Tối qua, trước khi đi ngủ, mẹ tới phòng chúng em ngồi mãi. Mẹ hỏi chuyện học hành, thi cử, khuyên chúng em ngoan ngoãn, cho mỗi đứa ngàn bạc. Lúc mẹ về phòng mẹ, em nói đùa với Thúy rằng hôm nay trời đi vắng, mẹ không đi đánh bạc, mẹ ở nhà mà còn săn sóc con gái mẹ nữa.
Thúy tiếp lời chị:
- Như một điềm gở anh ạ! Nên chị Thúy mới đoán hay..!
Thúy đau khổ:
- Hay... mẹ... trúng... gió...
Trần Đại rùng mình. Cậu bị một sức gì thôi thúc, Trần Đại dang chân đạp mạnh vào cửa phòng. Cánh cửa bật tung. Chiếc giường mẹ Trần Đại nằm buông màn. Qua tấm màn tuyn, dưới ánh đèn nê ông cả đêm không tắt, ba anh em Trần Đại thấy mẹ mình nằm rất thoải mái, Trần Đại chạy xô tới vén màn lên. Cậu nắm cánh tay mẹ, lay mạnh:
- Mẹ, mẹ, mẹ...
Thân hình của mẹ cậu chuyển động, nhưng miệng bà vẫn khép kín. Trần Đại gọi lớn:
- Mẹ, mẹ!
Hai cô em gái bắt đầu khóc nức nở. Bỗng Thúy thấy tuýp thuốc ngủ “Gardenal” dưới chiếc gối của mẹ lọt ra vì anh mình lay mạnh, Thúy rú lên:
- Anh!
Trần Đại đang chăm chú nhìn khuôn mặt mẹ, tâm hồn cậu xoáy chặt vào đôi mắt nhắm kín của mẹ, không để ý tới em gái. Thúy vồ lấy tuýp thuốc “Gardenal”. Nàng mở nắp ra, bóp đến bẹp cái tuýp rỗng nhảy vào giường ôm chặt lấy mẹ:
- Mẹ mẹ, tội tình gì mẹ phải tự tử hở mẹ?
Trần Đại lôi em gái đứng dậy. Nhưng Thúy cứ ôm chặt lấy mẹ. Thúy nghe thấy hai tiếng “tự tử” bắt chước chị ôm đầu mẹ khóc rưng rức. Trần Đại lòng dạ rối bời.
Thúy vừa khóc vừa nói:
- Mẹ uống thuốc ngủ tự tử rồi anh ơi!
Trần Đại hỏi vội:
- Gì. Thúy nói gì?
Thúy xòe bàn tay để Trần Đại biết mẹ mình đã uống hết tuýp “Gardenal”. Trần Đại la hoảng:
- Ối giời ơi!
Rồi ba anh em cùng ôm lấy mẹ, khóc như mưa. Trần Đại khóc một lát nhớ đến việc cần kíp. Cậu u té chạy ra phòng khách gọi dây nói cho một bác sĩ quen. Mười lăm phút sau, bác sĩ tới. Anh em Trần Đại theo dõi nét mặt của bác sĩ. Ba người nín thở, chờ đợi câu nói hoặc hy vọng, hoặc tuyệt vọng của bác sĩ.
Bác sĩ bắt mạch vài phút. Sau đó, ông lặng lẽ bước khỏi phòng, không nói năng. Trần Đại níu hỏi:
- Thưa bác sĩ...
Bác sĩ lắc đầu:
- Mẹ các chậu uống nhiều quá, uống từ chập tối nên...
Bác sĩ không muốn nói hết. Nhưng anh em Trần Đại hiểu. Ba người bỏ mặc bác sĩ về, nhảy lên giường ôm xác mẹ than thở. Trần Đại móc túi áo của mẹ. Cậu lôi ra được mẩu giấy ghi bằng bút chì. Nét viết run rẩy, vỏn vẹn mười chữ “Các con tha thứ cho mẹ và thương yêu nhau”. Trần Đại đút mẩu giấy vào miệng, nhai ngấu nghiến và nuốt vào bụng.

 

Mẹ Trần Đại chết. Bây giờ cậu mới hiểu tại sao mẹ mình nằng nặc đòi mình tha lỗi cho mẹ. Trần Đại hối hận. Thì sự đã rồi. Cậu chỉ còn biết thù hận. Mối thù hôm qua tưởng chừng sắp tiêu tan thì hôm nay lại tự kết đông đặc và to lớn hơn trong lòng Trần Đại. Cậu trách mình đã quá lý tưởng. Phải chi cậu biết cuộc đời là một đại dương tội lỗi, nhơ nhớp, người ta sống ngụp lặn trong cái đại dương tội lỗi đó trừ phi là Thánh nhân mới tránh nổi sự nhơ nhớp bám rêu vào tâm hồn mình. Mẹ cậu chỉ là một người đàn bà tầm thường... Trần Đại đau xót. Sự đau xót nghiến nát tâm tư cậu khiến cậu chết lịm trong nỗi hận sầu.
Đám tang của mẹ Trần Đại cử hành xong xuôi, Trần Đại nằm bẹp ở phòng mình. Cậu khóa kín cửa. Bữa ăn mới ra ăn qua loa rồi lại về phòng uống rượu và hút thuốc lá. Cha cậu coi chuyện tự tử của mẹ cậu dửng dưng. Ông cũng chẳng cần hỏi han, dặn dò hay an ủi con cái. Lo chôn cất vợ xong, ông tiếp tục công việc của ông: công việc o mèo, sống hú hí với bầy vợ trẻ măng.
Trong phòng kín, Trần Đại tưởng nhớ tới những lời cuối cùng của mẹ. Cậu nghiến răng muốt hận sầu và nuốt luôn cả lời hứa với mẹ. Mẹ cậu đã chết. Trần Đại không muốn làm lại cuộc đời với ai nữa. Cậu oán ghét cha cậu, cậu muốn giết chết tên kiểm lâm Xuân khốn nạn. Nửa tháng, sau ngày mẹ chết. Trần Đại quyết định mở tung cửa phòng, dứt khoát với dĩ vãng bằng cách xuống ở với Lang. Buổi sáng, nhằm lúc hai em đi học, Trần Đại thu xếp hành lý ra đi... bước tới phòng khách thì cha cậu về. Ông lạnh lùng hỏi:
- Mày đi đâu đây Đại?
Trần Đại thản nhiên:
- Con muốn bỏ căn nhà ô uế này!
Cha Trần Đại quắc mắt:
- Mày nói gì?
Trần Đại nhún vai:
- Ba ngạc nhiên hở? Hay ba vô tình không biết ai đã tạo ra sự ô uế cho gia đình ta. Để con nói cho ba nghe nhé!
Cha Trần Đại tròn đôi mắt. Ông ngạc nhiên đến nỗi mất trí. Đứng trơ trơ như một pho tượng, ông ấp úng:
- Mày... mày... bị... ma... ám à?
Trần Đại cười:
- Ma không ám đâu, nhưng cái chết của mẹ bắt con phải khui sự ô uế đút nút từ mười mấy năm nay.
Cha Trần Đại đã bớt ngạc nhiên. Ông nắm chặt đôi bàn tay, giận dữ:
- Thằng mất dạy, mày ăn nói với bố mày thế hả?
Trần Đại vẫn ngọt lời. Nhưng sự ngọt ngào của Trần Đại cơ hồ những miếng chanh vắt vào mụn nhọt tâm hồn của cha cậu:
- Con mất dạy hở ba? Ba có bao giờ dạy con đâu? Ba đã dạy con những gì nhỉ? Ba thử nhắc lại con nghe xem nào?
Cha Trần Đại dậm chân. Tiếng đế giầy đóng cá cồm cộp trên nền gạch:
- Tao nuôi mày từ bé đến giờ để nghe mày sỉa sói thế hả?
Trần Đại đặt chiếc va-li xuống ghế:
- Ba nuôi con à? Ai không biết ba nuôi con. Nhưng ba nuôi con bằng cơm ư? Nếu chỉ nuôi con bằng cơm, chắc con chẳng cần ba đâu. Ba cứ lấy vợ, cứ đẻ và quang đứa hài nhi ra đầu đường mà xem, vô số người sẽ đem đứa hài nhi về nuôi bằng cơm. Và nó cũng sẽ lớn. Chưa biết chừng nó còn sung sướng hơn nữa...
Cha Trần Đại ôm mặt nhăn nhó. Ông gieo tấm thân phì nộm xuống ghế than thở:
- Trời ơi! Tao không ngờ...
Trần Đại chộp luôn câu nói của cha, cậu hỏi:
- Ba không ngờ gì?
- Tao không ngờ mầy dám xỉ nhục cả tao.
- Con đâu xỉ nhục ba...
Bỗng Trần Đại đổi giọng. Cậu hằn học:
- Ba xứng đáng lắm thưa ba. Ba đừng tưởng con không biết sự xứng đáng của ba đâu. Con biết lắm, con biết rõ lắm...
Cha Trần Đại quát:
- Mầy biết gì?
Trần Đại lắc đầu. Nhưng cậu vẫn nói:
- Con biết nhiều lắm. Thưa ba, ba đã dùng mẹ làm cái thang leo lên sự nghiệp của ba như thế nào?
Cha Trần Đại giật mình đánh thót một cái. Ông chiếu thẳng đôi mắt toe lửa nhìn Trần Đại:
- Mày vừa nói gì?
Trần Đại bẻ bão tay răng rắc:
- Để con nhắc lại ba nghe: Thưa ba, ba đã dùng mẹ con làm cái thang leo lên sự nghiệp của ba như thế nào?
Cha Trần Đại hét vang nhà:
- Câm mồm đi!
Trần Đại mỉa mai:
- Tại sao ba lại bắt con câm mồm? Chuyện ấy chắc hay ho lắm ba nói đi ba.
Cha Trần Đại vớ cái tàn thuốc lá, ném mạnh vào tường.
Chiếc gạt tàn thuốc lá bằng thủy tinh vỡ tan tành, ông nghiến răng rít lên:
- Ai dạy mày thế!
Trần Đại nghĩ tới tuýp thuốc ngủ “Gardénal” nghĩ tới nguyên do đã thúc đẩy mẹ mình sa xuống hố sâu tội lỗi và phải kết thúc cuộc đời bằng cái chết thương tâm đó, lòng cậu sôi sục bất bình. Trần Đại to tiếng:
- Ai dạy con? Thì, ba có nhớ một đêm nào ba mẹ cãi nhau không? Ba bảo mẹ là con điếm, mẹ bảo ba là thằng ma cô. Anh em con là con của con điếm và thằng ma cô à? Ba đã dùng mẹ như một con điếm để tạo sự nghiệp. Rồi con điếm về già, ba bỏ bê con điếm, ba đi với những đứa con gái bằng tuổi con gái của ba để làm thang leo lên sự nghiệp cao hơn. Ba đi làm chính trị chẳng hạn. Rồi biết đâu nữa, khi tham vọng làm mờ mắt ba, ba chẳng dùng cả con gái của ba làm thang! Con tởm ba... Con gớm ba...
Cha Trần Đại ngồi lặng nghe con trai sỉa sói. Ông rống lên như con hổ trúng đạn:
- Câm mồm lại! Câm mồm lại!
Trần Đại bắn tiếp, bắn hăng cơ hồ người thợ săn biết con cọp đang giẫy giụa:
- Con không câm! Tôi không câm! Tôi thương mẹ tôi. Mẹ tôi đã chết tức tửi, chết khốn nạn vì gặp một người chồng như ba. Ba hãy can đảm nói đi! Ba đã dùng mẹ tôi để tạo sự nghiệp của ba như thế nào mà dám gọi mẹ tôi là con điếm?
Cha Trần Đại nghiến răng ken két. Ông hằn học hỏi:
- Mày muốn nói gì nữa nói hết đi rồi cút đi...
Trần Đại lạnh lùng:
- Ba chả cần đuổi. Tôi sẽ đi mà! Nhưng trước khi đi, tôi muốn biết ba đã dùng mẹ tôi để tạo sự nghiệp của ba bằng cách nào để mai mốt tôi có vợ tôi còn biết cách tránh.
Cha Trần Đại đập tay mạnh xuống mặt bàn:
- Mày hạch tao hả?
- Tôi đâu hạch ba...
- Ai xui mày ăn nói mất dạy thế?
Trần Đại đáp gọn lỏn:
- Ba!
Một tiếng gọn khô và sắc như một mũi dao đâm trúng trái tim địch thủ. Cha Trần Đại chết lịm, ngả lưng vào thành ghế. Ông thở dài:
- Tao không ngờ có đứa con khốn kiếp là mày!
Trần Đại hỏi:
- Ba hối hận lắm hở? Con cũng không hiểu tại sao con khốn kiếp như hôm nay. Con khốn kiếp hở ba? Tôi khốn kiếp à? Có lẽ tôi khốn kiếp thật. Tôi uống rượu say sưa đến phát mửa, tôi đã hút thuốc lá đến khét cả cổ. Không chừng tôi sẽ hút thuộc phiện nữa. Ba biết vì nguyên do nào không? Vì tôi là con của một con điếm và thằng ma cô! Tôi là con một thằng ma cô à? Ba có can đảm nhận ba là thằng ma cô không?
Cha Trần Đại đứng lên đạp tung cái bàn:
- Câm mồm đi!
Trần Đại đã lên cơn điên từ lúc gặp cha. Cậu đâu cần biết gì nữa. Cậu chỉ biết cái xã hội này tởm vô cùng và cậu đang ngoi ngóp sống trong đó. Cậu bất cần xã hội, bất cần cậu, bất cần cha cậu, bất cần hiện tại, bất cần tương lai của cậu. Cậu muốn làm loạn, muốn phá vở tan nát những tảng khối nhầy nhụa kết tụ trước mặt cậu.
Trần Đại hét vang:
- Tôi không câm, tôi không câm. Ba sợ à? Ba hèn nhát không dám nhận mình là thằng ma cô. Tôi, tôi thừa can đảm nhận mình là con trai của ba cơ mà.
Trần Đại mỉa mai:
- Ba yêu dấu, nào, mời ba can đảm lên một tí!
Cha Trần Đại nhào vô toan đập cậu. Nhưng Trần Đại đã né kịp.
Cha cậu bị hụt, loạng choạng xô vào ghế.
- Sao ba không dùng sức đó để đánh tên tình địch của ba?
Cha Trần Đại lồm cồm đứng dậy:
- Mày nói gì?
- Ba đừng đóng kịch nữa.
- Tao không đóng kịch đâu Trần Đại ạ! Tao thua mày rồi, mày là bố tao. Ôi! Cuộc đời...
- Ba cũng tởm cuộc đời à! Tôi không tin đâu! Ba đừng giả vờ.
Lợi dụng lúc Trần Đại đang nói, cha cậu đạp cậu một cái, ông la hét:
- Thằng khốn kiếp, biết có ngày hôm nay tao đã bóp mũi mày từ lúc lọt lòng.
Câu nói bất nhân của cha khiến Trần Đại nổi gai da thịt. Cậu lùi như muốn tránh một con thú dữ:
- Sao ba không bóp tôi chết đi? Tôi đâu muốn sống để hôm nay biết ba là một người hèn hạ!
Cha Trần Đại cười gàn:
- Tao hèn hả? Tao hèn như thế nào?
Trần Đại đáp:
- Ba biết mẹ cắm sừng lên đầu ba mà ba đành khoanh tay chịu nhục. Để chính tôi phải rửa nhục thay ba...
Cha Trần Đại sửng sốt:
- Mày đã gặp thằng ấy à?
- Phải, vì ba bỏ bê mẹ tôi, ba đi với lũ dưới bằng tuổi con gái ba. Mẹ tôi dại dột trả thù ba bằng cách đi với một thằng trẻ tuổi hơn tôi vài ba năm. Ba và mẹ ăn miếng trả miếng nhau, chúng tôi hứng chịu đau khổ tủi nhục. Nhưng tôi thương mẹ tôi. Trước khi chết, tôi đã hứa tha thứ mẹ tôi vì tôi biết mẹ tôi chỉ là nạn nhân của ba. Ba đã xô đẩy mẹ tôi xuống vực thẳm tội lỗi. Chỉ ghen vờ và mặc tình mẹ tôi càng ngày càng ngụp lặn dưới bùn sen. Sao ba tệ bạc thế. Hay ba hèn nhát! Ba nói đi, tôi banh tai nghe lời thú nhận của ba đây...
Cha Trần Đại dịu giọng:
- Được rồi, tao sẽ nói cho mày nghe. Bây giờ mày sẽ cho tao biết tên khốn nạn đó.
Trần Đại nắm chặt đôi bàn tay. Cậu cố bóp nát mối hận sầu:
- Tên nó là Xuân.
- Nó làm nghề gì?
- Kiểm lâm.
- Mày gặp nó ở đâu?
- Ở “bin đinh” X...
- Mày gặp mẹ mày đang...
Trần Đại bỗng ôm mặt khóc nức nở. Cậu vừa khóc vừa kể lể cơ hồ một đứa con nít sợ đòn khóc thú tội trước:
- Tôi đã đánh nó, suýt nữa tôi giết. Tôi sẽ giết thằng khốn nạn đó.
- Mày khá lắm!
Trần Đại quệt nước mắt, đay nghiến:
- Tôi không cần ông khen. Tôi tởm ông, ông hèn lắm... Thế mà ông lại là bố tôi.
Tự nhiên, cha Trần Đại nhìn cậu xót xa. Ông không la hét chửi bới Trần Đại nữa mà ôn tồn nói.
- Mày điên rồi hở con? Con điên rồi hay sao? Thôi đi nghỉ đi, ngủ xong cha con mình sẽ nói chuyện.
Nhưng Trần Đại đã tới chỗ đặt chiếc va-li, nhấc lên tay:
- Tôi không muốn mang ơn ba nữa. Tôi đi làm cuộc đời tôi.
Cha Trần Đại buồn rầu:
- Rồi con sẽ trở về...
Trần Đại bước tới cửa, ngoái cổ lại:
- Nhưng trở về không giống ba đâu!

 

Trần Đại xuống Chi Hòa. Đã có chìa khóa của Lang nên mặc dù Lang đi vắng, Trần Đại vẫn không bị đứng ngoài chờ. Cậu mở cửa quăng hành lý đau thương dưới chân cầu thang, leo lên căn gác sép nằm ngủ. Nhưng Trần Đại chẳng thể nhắm mắt nổi. Hình ảnh mẹ cậu, hình ảnh tuýp thuốc “Gardenal”, hình ảnh tên kiểm lâm Xuân, hình ảnh cha cậu hiện ra, quẩy lộn trong đôi mắt sưng vù ưu tư của cậu.
Chuyến xe lửa ra Trung ì ạch rời ngoại ô Sài gòn. Tiếng còi thét lên đay nghiến cõi lòng Trần Đại. Cậu vùng ngồi dậy. Thấy chai rượu “Ruhm” Hiệp Hòa Lang uống chưa quá nửa, Trần Đại vồ lấy mở nút tu. Rượu, chỉ có rượu mới quên được sầu đau. Trần Đại tu cho tới khi mềm môi, cạn hết chai và nằm vật trên sàn gác thở rống. Nước mắt cậu ứa ra chảy vòng vào miệng. Cay đắng.
Khi Lang về, trời đã chiều. Hắn mua đá cục ngâm nước rửa mặt cho bạn. Trần Đại tỉnh dần. Cổ họng cậu cháy khô. Đầu nhức như búa bổ. Cậu đút đá vô miệng, nhai rau ráu. Lang nhìn bạn thương hại:
- Lại có chuyện buồn phải không?
Trần Đại gật đầu!
- Ừ, buồn lắm. Buồn chỉ muốn say ngủ đi để quên, quên hết mọi chuyện trên đời.
- Nút rượu đã mở rồi, giọng chua chát hơn hôm nọ đấy nhé! Chuyện gì, kể đi, tớ nghe đây. Kể đi cho vơi tâm sự.
- Cậu không đọc báo à?
- Không.
- Mẹ tớ tự tử chết rồi!
Lang ngạc nhiên:
- Mẹ cậu tự tử?
Trần Đại nhìn qua khung cửa sổ nhỏ. Giọng cậu xa vắng:
- Ừ, bằng một tuýp “Gardenal”.
Im lặng, Lang nghe thấy tiếng nước mắt của bạn nhỏ giọt trên sàn gác gỗ. Hắn rút điếu “Havatampa” châm lửa xong đưa cho Trần Đại:
- Hút đi...
Trần Đại lặng lẽ đỡ điếu thuốc:
- Khổ nhất là trước khi mẹ tớ chết bà hối hận và bắt tớ hứa đừng bỏ nhà đi hoang.
- Cậu không hứa à?
- Mẹ tớ đâu còn nữa mà cần giữ lời hứa.
- Còn ba cậu?
Trần Đại ném điếu thuốc “Havatampa” chưa kịp hít một hơi nào vào vách ván:
- Ba tớ hở? Làm con có quyền lên án cha mẹ không cậu nhỉ?
Lang nói lảng:
- Cậu vừa bảo muốn say để quên, vậy uống rượu nữa nhé!
Trần Đại xua tay:
- Uống rồi lại tỉnh. Tỉnh lại nhớ những chuyện ghê tởm hận sầu vào tâm khảm mình. Tớ muốn giết người, giết hết người ở cái trái đất tội lỗi này.
Lang biết bạn mình sắp lên cơn. Hắn an ủi:
- Trời sẽ sáng mà.
- Cậu tin trời sẽ sáng?
- Chính cậu cần tin hơn tớ. Không tin cậu bỏ nhà đi hoang làm gì?
Trần Đại xoay người lại:
- Phải làm gì bây giờ?
Lang móc tiền trong túi ra đếm:
- Còn vài bò. Đi tìm sự quên lãng với tớ...
- Ở đâu?
- Ngã ba Chú Ía!
Trần Đại cười. Nụ cười méo xệch trên khuôn mặt vừa tỉnh rượu. Cậu hỏi:
- Liệu quên chóng không?
- Cậu đi thì biết. Cậu đói chưa?
- Đói meo.
- Ra đường ăn mì hay ăn cháo rồi đi ngã ba Chú Ía. Đời đã bẩn mình sạch làm chó gì! Cậu sẽ thấy đời cậu còn khối ý nghĩa. Chớ có bi quan. Lần này cậu nhất định ở với tớ chứ.
- Ừ.. Mai tớ đăng bảo từ ông bố.
Lang trố mắt:
- Sao không để ba cậu từ cậu?
Trần Đại lạnh lùng đáp:
- Ông ấy không có quyền từ tớ.
- Cậu cóc sợ người đời kết tội cậu ư?
- Tội gì?
- Tội con từ bố!
Trần Đại bĩu môi:
- Người đời là cái quái gì. Tớ tởm hết, tởm ráo... Tớ muốn dẫm nát lên đạo đức của người đời. Đạo đức chỉ là cái cánh cửa dầy, chắc, có khóa để che giấu sự thối nát. Đạo đức của gia đình tớ chẳng hạn...
Lang không muốn để cho Trần Đại hằn học nữa, hắn bảo bạn:
- Thôi xuống đường.
Hai người ra phố ăn cháo. Sau đó, Lang gọi chiếc xích lô máy xuốg ngả ba Chú Ía. Tối đó, Trần Đại ngủ với một cô gái điếm. Nửa đêm có tiếng lộn xộn, hình như cãi cọ nhau. Trần Đại lắng nghe. Tiếng người đàn ông:
- Bảo con Thơm bỏ rơi thằng đó đi!
Tiếng mụ đầu can:
- Đâu được, khách mới mà cha nội. Nó bao cả đêm, sộp ra phết.
- Nó lớn con không?
- Trai tân.
- Bảo nó cút về với mẹ nó đi, tôi trả tiền đền.
Trần Đại đang lộn mửa chuyện đời, muốn nổi loạn đập phá. Nghe tên khách làng chơi phách lối, cậu vén màn bước xuống đất. Cô gái điếm níu tay cậu:
- Đừng đi anh.
Trần Đại giật mạnh:
- Đừng gọi tao là anh. Cấm mày xưng em. Để tao xem thằng khốn nạn nào dám ăn nói hỗn thế?
Trần Đại xô cửa bước ra. Tiếng léo xéo chửi thề có mòi độc địa hơn. Thêm hai gã đàn ông đứng cười phụ họa. Ngửa mắt. Trần Đại hỏi:
- Thằng nào vừa nói hỗn vậy?
- Tôi đây, bồ tèo mà!
- Không ai bồ tèo với mày...
- Vậy anh muốn gì? Nhường nhau tí chứ? Độc quyền cả đêm à?
Tiếng gã đàn ông nghe quen quen. Trần Đại cố nhớ. Cậu đổi giọng:
- Xin lỗi, có phải giáo sư Linh đấy không?
Gã đàn ông mừng quýnh:
- Linh đây, bạn nào đó?
Linh là giáo sư triết, dạy lớp Trần Đại nổi tiếng đạo đức, đứng đắn. Trong lớp nữ sinh trêu chọc, ông ta chửi mắng um sùm. Cả trường bầu ông ta là nhà giáo mô phạm nhất, gương mẫu nhất của thời đại. Thế mà lúc này ông có mặt ở đây, đòi tranh giành được với học trò.
Trần Đại khạc một hãi đờm, nhỏ toẹt xuống đất:
- Giáo sư đạo đức Linh đấy à? Thầy nhận ra con không? Con là Trần Đại đây thầy yêu dấu ơi!
Giáo sư Linh ú ớ:
- Anh... anh... là... học... trò...
Trần Đại dằn giọng:
- Con là học trò ông đây. Tởm quá hở thầy, thầy trò mình đáng tởm hay cái xã hội này đáng tởm? Mai thầy đến lớp hơi trễ, thầy lại nói dối kẹt xe. Và thầy lại ba hoa chuyện đạo đức. Tôi đang nổi nóng đây, tôi thất vọng hết cả: gia đình, học đường, xã hội. Mai tôi làm du đãng, thầy đừng kết án tôi nhé! Thầy và cái mớ đạo đức của thầy xô tôi vào con đường du đãng đó. Bây giờ, thầy cút đi kẻo tôi giận tôi đập vỡ cái mặt gương mẫu của thầy! Cút đi, cút đi! Tôi tởm quá, tởm hết... Tôi tởm cha tôi, tôi tởm thầy tôi! Cút đi, vác cái mặt đạo đức của ông về mà khoe khoang với học trò. Đồ đạo đức giả...
Giáo sư Linh và hai bạn đồng nghiệp của ông lặng lẽ chuồn. Trần Đại nhìn theo, cười rống lên. Lang hay chuyện nhào ra:
- Mày điên thật rồi hở Đại?
Trần Đại nắm chặt lấy hay Lang:
- Tao điên rồi à? Tớ điên hở cậu?
- Mày cười như con chó dại tru ấy!
Trần Đại trợn mắt nhìn bạn, Lang thấy đôi mắt Trần Đại trông rất dễ sợ. Giây lát suy nghĩ, hắn thương Trần Đại vô bờ bến:
- Tại sao cậu lại tru lên thế?
- Tại tớ vừa gặp...
- Gặp ai?
- Gặp thầy giáo dạy triết lý!
Lang phá lên cười:
- Cậu lý tưởng quá, thầy giáo hay Tổng trưởng, Bộ trưởng thì cũng chỉ là những thằng người rất hèn, rất ba que xỏ lá. Chúng nó có đi ngả ba Chú Ía bẩn chứ chúng nó đâu có bẩn. Chủng nó vốn đã bẩn rồi mà...
Trần Đại chợt tỉnh ngộ:
- Thế à?
- Ừ.
- Thế mà tớ cứ tưởng những thằng dạy đạo đức, ưa nói chuyện đạo đức đều là những thằng đạo đức cả.
Lang nhổ bãi nước miếng xuống đất, văng tục:
- Mẹ kiếp, cái xã hội này là xã hội đạo đức giả xã hội ăn cắp xã hội khốn kiếp! Chúng nó, những thằng vỗ ngực bồm bộp khoe mình là trí thức mà còn chó má ở cái điểm dám lật thầy quý của chúng nó, cậu nên bắt chước những thằng chó má đó, nếu cậu muốn sống chung với chó má Đại ạ!
Trần Đại đá tung một cái vỏ dừa gần đó. Cậu hằn học:
- Tớ muốn làm người mới bỏ nhà ra đi. Tại sao cậu lại khuyên tớ sống chung với chó má?
Lang rút điếu “Havatampa” châm hút. Khói thơm tỏa ngát, quyến rủ vô cùng.
- Cậu làm một hơi chứ?
- Không, cậu trả lời tớ đi đã.
Lang hít một hơi thuốc thật dài. Hắn chậm rãi nói:
- Làm người thì phải biết chịu nhục.
- Bằng cách nào?
- Chán vạn cách. Hôm nọ cậu nói với tớ, quên rồi ư? Tại sao chúng mình không sống biệt lập một xã hội nhỉ?
- Xã hội?
- Xã hội du đãng. Chúng ta sẽ sống theo luật của chúng ta, chúng ta cóc bị ghê tởm bởi những hình ảnh què quặt ghẻ lở của xã hội loài người. Cậu đồng ý không?
- Ô kê.
- Chúng mình đặt ra một thứ luật: luật du đãng. Chúng mình rạch mặt bất cứ đứa nào nếu chúng mình xét thấy nó là thành phần chó má. Nhiều khi tớ tự hỏi sao chúng mình không đi lính? Nhưng đi lính đánh nhau với kẻ thù mà ở nhà bọn chó má cứ phè phỡn, cứ khạc đờm lên mặt xã hội thì cũng chẳng ích lợi gì. Làm du đãng thực tế hơn. Ghét thằng nào thịt thằng đó. Tớ không dám nghĩ chuyện cao xa, tớ nghĩ rất gần. Và tớ làm du đãng. Còn cậu, cậu định làm gì?
Trần Đại bước gần Lang, đỡ lấy điếu thuốc của bạn hít một hơi.
- Tớ sẽ làm du đãng.
- Sẽ là bao giờ?
- Là ngày mai, là khi mình rời cái xóm tội lỗi này.
Lang vỗ vai bạn:
- Lý tưởng quá Đại ơi! Tội lỗi chó gì. Xã hội đó thì phải nghĩ cách kiếm cơm. Mai chúng mình bàn lại cái mục đích du đãng nhé!
- Ừ. Trước hết tớ phải giết tên kiểm lâm Xuân!
- Càng hay.
Lang bỏ Trần Đại ngồi hút thuốc suy nghĩ. Hắn về nhà với em út hắn. Trần Đại ngồi nhìn đêm tối. Cậu không dám nghĩ chuyện gì nữa. Trước mặt, đằng sau, bên trái bên phải rặt những khối tảng nhơ nhớp án ngữ. Trần Đại thở dài. Rồi cậu cũng về phòng mình ôm ấp con gái điếm.