HỌC NGHỀ (tt)

     ăm giờ rưỡi chiều, trời vẫn còn sáng vào giữa tháng ba với khí hậu lành lạnh. Trên cây sồi rườm rà giương cành lá thành chiếc tàn rộng choán hết khoảng sân trước nhà xứ, chú chim cu đực nằm ấp trứng thay cho chị chim mái đang đứng bên tổ có lẽ đi ăn mới về. Cặp vợ chồng chim cu chọn cành lưng chừng nơi mấy nhánh nhỏ mọc tõe ra được che bởi một đám lá rậm đặt tổ từ năm ngoái. Chúng có cuộc đời khá thầm lặng ít khi kêu lên những tiếng gù gù. Chị mái bầu bĩnh nên trông có vẻ hơi sồ sề, cử điệu chậm chạp. Anh chồng mình thon, gọn gàng và nhanh nhẹn hơn lại rất thương vợ. Trong thời gian ấp trứng, anh đực siêng năng chu toàn bổn phận hơn chị mái; đi ăn về, anh nhảy ngay vô ổ, nhúc nhích cho trứng gọn vào lòng rồi chăm chăm chú chú nhìn qua kẽ lá hướng về khung trời rộng nghiêm trang như trầm tư suy tưởng. Chị chim mái đi ăn về thường loanh quanh một lúc mới nhảy vô ổ. Tổ chim cu sơ sài gồm ít cành nhỏ khô xếp gọn lại cho trứng khỏi rơi gợi liên tưởng đối nghịch với tổ loài chim di bé nhỏ, xinh xắn treo lủng lẳng trên cành cây cha Lành thường gặp ngày xưa khi vô rừng vác củi. Chim di lách chách mà làm tổ thật tài tình; hình dáng cái tổ tựa như trái bầu nước có cửa thông ngược từ dưới lên để chim con tránh mưa nắng. Hình ảnh đôi chim di xé lá cỏ đem về làm tổ luẩn quẩn nơi ý nghĩ cha Lành khi suy tư đến phương cách làm việc. Nào đâu ai dạy những con chim bé nhỏ ấy thực hiện được công trình lớn lao là cái tổ đầy vẻ mỹ thuật mà chính con người cũng không thể nào thực hiện nổi. Thế ra con chim tự nó đã được phú cho bản năng ấy; còn con người thì sao? Nếu khả năng đơn sơ của chiếc mỏ chim di đã có thể kết hợp những sợi lá thành một kỳ công là chiếc tổ mỹ thuật, chắc chắn rằng với sự kết hợp những khả năng nhỏ nhoi bình thường của nhiều người sẽ tạo được những kết quả chẳng phải là nhỏ. Như vậy, vấn đề chỉ là làm sao biết tận dụng những khả năng sẵn có nơi con người, điều động và liên kết sao cho hợp tình hợp lý. Lẽ đương nhiên, muốn điều động và kết hợp những con người khác biệt lại với nhau phải có mục đích để họ cùng muốn tiến tới, cùng muốn thực hiện, và như thế, vai trò người lãnh đạo chỉ là phân công, điều hành rồi kết hợp.
Tìm kiếm ra tài năng nơi những con người khác biệt lại cả là một vấn đề, và làm sao nhờ đúng người xử dụng khả năng chuyên môn của họ để giúp việc cộng đồng cũng không dễ chi. Biết bao nhiêu người gầy dựng cuộc sống bằng nghề tay trái trong khi khả năng chuyên môn lại chẳng được xử dụng tới... Chẳng hạn, đâu thiếu gì kỹ sư điện toán hay cơ khí mở cửa tiệm tạp hóa nơi đất nước này; có người học xong kỹ sư rồi về làm ghe đánh tôm hay làm khách sạn. Bài học hướng đạo về chương trình dài hạn và ngắn hạn lại trở về nơi tâm trí... nào làm mẫu ghi nhận các khả năng chuyên môn chẳng những của từng người mà còn của những người quen biết, liên hệ. Trưởng hướng đạo nhấn mạnh:
- Nguyên tắc đầu tiên là hỏi. Chúng ta muốn biết chỉ có cách hỏi và hỏi chứ không dự đoán để rồi trao việc nhầm người tức là tự chấp nhận phá đổ những chương trình thăng tiến; đó là điều quan trọng thứ nhất. Điểm thứ đến là không bao giờ nghĩ dùm hoặc trả lời dùm cho bất cứ ai. Ví dầu mình thấy người đó rất bận rộn nhưng chớ bao giờ 'say no' thay cho họ; hãy để họ tự trả lời dẫu rằng họ làm mười bốn công việc trong một ngày. Phải để họ nói, chúng ta chỉ cần hỏi... trưởng hướng đạo tiếp, có một câu danh ngôn: "Nếu bạn có công chuyện muốn hoàn thành mà phải nhờ đến người khác giúp, hãy nhờ những người bận rộn bởi những người này biết chia công việc ra để làm và khi họ đã nhận lời, chắc chắn họ sẽ hoàn thành. Những người rảnh rỗi nào họ có muốn làm gì đâu hèn chi không rảnh. Nhờ việc nhầm người là trao thành quả vào giữa cơn lốc xoáy để bị bung đi tứ tán..."
Nhìn chị chim mái chậm chạp bước vô ổ ấp trứng thay thế anh cu đực, cha Lành nhớ lại kinh nghiệm do cá tính hiếu động của mình mười năm về trước dẫn đến những kinh nghiệm điều hành được học hỏi nơi ngành hướng đạo tại Mỹ. Dĩ nhiên, khi một người thích chuyện gì thì họ dễ dàng xả thân để làm công việc đó dầu chỉ có được niềm vui nhỏ bé mà nhiều khi giá phải trả khá cao hoặc gặp phải những điều nản lòng không cách nào tránh thoát. Suốt sáu tháng trời liên lạc, dò hỏi, thày Lành đã được năm người chấp nhận sinh hoạt giúp thành lập thiếu đoàn, điều kiện không thể thiếu mặc dầu chỉ cần tối thiểu sáu em để ghi danh khai sanh thiếu đoàn gia nhập ngành sinh hoạt có tầm vóc quốc tế này cho trẻ em. Bẩy em trai gia nhập đoàn; trong đó năm em là con của năm thành viên điều hành. Tuy đã tham gia và mê hướng đạo nhưng đó là chuyện của ngày xưa ở Việt Nam, nơi đất Mỹ, hệ thống giấy tờ thành lập, khóa huấn luyện trưởng v.v... hoàn toàn khác hẳn khiến thày Lành bối rối như bố vợ bị đấm không biết phải xoay xở ra sao. Bí quá, thày bấm phôn hỏi văn phòng châu và được họ nhờ một trưởng lấy hẹn ghi danh gia nhập cũng như cho biết chương trình, ngày giờ, địa điểm của những sinh hoạt huấn luyện trưởng của châu hàng tháng và hàng năm.
Tiền đâu mua cờ, rồi nào khăn, đồng phục, phương tiện di chuyển cho thám du, trại v.v... Mọi khó khăn trong bước đầu thành lập cũng được giải quyết thỏa đáng nhưng áp lực sinh bởi những lời ong tiếng ve của một vài người có máu mặt nơi cộng đồng làm thày Lành nản chí đến độ muốn bỏ ngang thiếu đoàn nơi những ngày còn đang trong trứng nước.
- Tôi nản lắm rồi chị Nhung. Nào tôi có quảng cáo hay dụ dỗ gì đâu mà bị mang tiếng phá đoàn thiếu nhi của nhà thờ.
- Đó là chuyện nhỏ, thày đừng quan tâm. Trẻ em xôn xao vì thấy mấy đứa nhỏ hướng đạo mặc đồ đẹp hơn, coi bộ oai hơn. Điều này thày đã làm đúng; chính tôi cũng phải ngạc nhiên. Khi còn ở Việt Nam, tôi có giúp ấu nhi nhà thờ, nói chung, các em không cảm thấy hãnh diện vì đồng phục của đoàn thể mình có lẽ bởi được chấp thuận cho mặc tập thể. Đàng này, thày khuyến khích các em và đặt điều lệ phải thông qua cuộc khảo hạch mới được mang từng phần đồng phục trên người. Các em hãnh diện với bộ đồng phục vì một phần nào cảm thấy nó biểu hiệu công sức và sự hiểu biết của chính mình. Mới đầu tôi không hiểu lý do tại sao thày làm như thế mà còn có ý nghĩ thày hơi khó với mấy em. Bây giờ, tôi mới nhận ra rằng có những điều mình coi thường thì lại trở thành rất quan trọng. Chính ngay thằng nhỏ nhà tôi, bảo không nghe, tôi vô tình nói với nó: "Con là hướng đạo sinh mà không biết nghe lời má..." Vừa mới tới đó thì nó đã vội vàng: "Má, con hứa từ nay sẽ ngoan ngoãn nghe lời má" với thái độ trịnh trọng vì không muốn bị đụng chạm tới danh hiệu hướng đạo sinh mới được mang do công sức tự mình đã cố gắng. Thày đã tạo cho các em có được một mẫu người cao đẹp để theo đến nỗi phải cố gắng để bảo vệ dù chỉ là cái tên hiệu. Tôi nghĩ, chẳng có gì đáng cho mình cảm thấy phiền hà khi làm điều lợi ích. Cứ thực hiện công việc tốt lành, tin vào điều tốt mình làm, từ từ, không vội vã rồi thời gian sẽ chứng minh. Nếu việc mình làm thực sự là điều tốt lành, đem lại ích lợi thì thiên hạ sẽ theo...
Đúng là nhận định của mình thua một người đàn bà, cha Lành thầm nghĩ khi hình ảnh những ngày ấy theo tâm tưởng trở về. Lẽ đương nhiên, bất cứ ai cũng có thể lái tàu khi biển êm sóng lặng nhưng khi sóng gió nổi lên mới thấy đâu là khả năng, tính toán cần phải có của người thuyền trưởng. Đã phải đối diện với thăng trầm của cuộc đời, chị Nhung tự tạo cho mình năng lực chịu đựng và nhìn ra những điểm then chốt định hướng công việc dẫu chỉ là chuyện giúp trẻ em. Thế nên, dư luận hoặc điều ong tiếng ve đa số chỉ là môi trường thử thách khả năng người lãnh đạo. Ngược lại nếu biết nhận định, chúng sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển tiềm năng con người để đem trật tự giữa chốn lộn xộn, khuyến khích sự thăng tiến như leo ngọn núi không có đỉnh bởi khi đã tới đỉnh là bắt đầu xuống dốc. Từ nhận định này suy ra nhà lãnh đạo cũng là người nói lên niềm hy vọng đã được ấp ủ nơi những người khác từ bao lâu nay chưa được xác định rõ ràng, giải thích rành mạch cho họ biết điều mình nhận ra và khuyến khích người ta thực hiện.
Tất nhiên, tự con người đã không hoàn hảo sao có thể có được những chương trình hoàn hảo, và như vậy tiến trình thực hiện đương nhiên gặp những khó khăn bất trắc khó thể dự tính từ thuở ban đầu. Dẫu biết rằng sự việc lớn lao hay nhỏ bé nếu đem so sánh cơ cấu tạo thành thì cũng chỉ như một chương trình văn nghệ bao gồm các tiết mục nhỏ mà nhà lãnh đạo thực hiện công việc đóng vai đạo diễn chương trình trong đó có những mục phải cắt xén tới mức tối thiểu và đồng thời lại có mục phải cổ võ, thúc đẩy, hay quảng cáo tới mức tối đa. Nói cách khác, nhà lãnh đạo cần biết rõ ý dân muốn gì, ước mơ của họ ra sao, tiềm lực, khả năng nơi dân chúng thế nào, mình muốn gì, phương pháp điều hành, dùng người trong mỗi trường hợp dựa trên điều kiện nào để thực hiện những phần phụ thuộc và ráp nối cho phù hợp với hệ thống điều hành cũng như gia giảm hay điều động công việc cho hợp lý hợp tình.
Mọi người đều cảm thấy không ai cao vời hoặc khôn ngoan đủ để chúng ta có thể đặt số phận mình nơi tay của họ. Thế nên, chỉ có một điều mà ai đó có thể lãnh đạo chúng ta là để lại nơi chúng ta niềm tin tự hướng dẫn đời mình. Xét thế, vai trò lãnh đạo đâu phải người múa rối, đâu phải người hô lên cho kẻ khác biết mình thế nọ thế kia, hoặc tổ chức hội chợ, văn nghệ, rước phách, làm nhà thờ hay xây trường học. Những công việc này, ai cũng có thể làm được... Bởi thế, người gieo niềm tin tất nhiên là người lãnh đạo vì nếu không có niềm tin sẽ không ai muốn nghe. Lẽ thường, tự con người, không ai quan trọng hơn ai; cho nên, vấn đề được đặt ra có thể nói ai là người ra lệnh, ai là người nói kẻ khác nghe... Từ đó, công việc còn lại là làm thế nào để thực hiện chương trình thăng tiến theo niềm tin hướng dẫn.
Một điều coi bộ nhỏ nhoi ít được để ý tới nhưng ảnh hưởng lớn lao nơi mọi môi trường đó là đấng bề trên dễ dàng phục vụ nhưng không thể nào làm hài lòng hết mọi người. Ai cũng có thể nhận thấy, thực hiện chuyện lớn lao đã khó mà lãnh đạo sự thực hiện chuyện lớn lao lại càng khó hơn. Nhất là khi phải làm việc với những tầng lớp người không chuyên môn đồng thời kinh nghiệm và học thức quá cách biệt, người lãnh đạo dễ bị sa lầy vào hố quyền hành. Nhận thực điều này, chẳng lạ gì khi thấy nhiều người đã không dẫn dắt người khác đạt được mục tiêu cần tiến tới bởi nếu đứng trong thế thủ quyền uy, nhà lãnh đạo sẽ bị rơi vào lãng quên tầm thường, ấy là chưa nói tới kỹ thuật ra lệnh để có được sự tuân lệnh một cách vui vẻ.
Càng suy nghĩ, cha Lành càng cảm thấy cái nghề không bao giờ được dạy dỗ rắc rối lại bao gồm muôn mặt, lắm thứ điều kiện cần phải biết. Thiếu sự am hiểu cần thiết, người ta dễ đổ quanh cho những lý do không thực hoặc bám víu vào mộng tưởng được diễn tả bằng những chữ nếu... Thật ra, nếu những "điều kiện nếu" có thực đâu cần đến nhà lãnh đạo vì trường hợp này đã được gọi là thời thế tạo anh hùng. Nghĩ đến đây, cha Lành nhớ lại một lần nói chuyện với bác sĩ Định Long về vấn đề kỳ thị của người Mỹ. Nhận định qua lại, bác sĩ Định Long cuối cùng đưa ra nhận xét:
- Người ta cứ bảo dân Mỹ kỳ thị; dĩ nhiên, chẳng có dân tộc nào trên thế giới này lại không trọng nếp sống và văn hóa riêng cũng như đường lối, nề nếp làm việc của họ. Tuy nhiên, nói cho đúng, sự kỳ thị sinh ra từ mình hết. Thử hỏi xem những người làm việc siêng năng, tốt lành có bị ai kỳ thị không hay chỉ những người lười lại cứ hô ầm lên là bị kỳ thị. Không làm hoặc làm việc không được ai ngu gì mà thuê! Tôi thấy, nơi đất nước tự do cạnh tranh này, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra và như vậy mình thế nào thì lãnh phần thế ấy... Nếu không chịu khó đặt lại vấn đề chính mình mà cứ đổ lỗi tại kẻ khác, đó là điều bất công và muôn đời cũng chẳng có thể ngẩng đầu lên chứ đừng nói chi đến chuyện được chấp nhận. Mình là người lạ do đó nếu không có thực tài và không chứng minh được khả năng qua công việc làm sao người khác có thể phục. Cuộc đời này phải thực tế, và điều rõ ràng nhất khi làm việc với người Mỹ là nếu tất cả họ mù mà mình có một mắt, mình mới có thể được trọng vọng; chứ nếu họ chột mà mình có hai mắt cũng đừng hòng, chẳng ai thuê mình làm chủ họ đâu...
Lẽ đương nhiên, thời thế tạo anh hùng chỉ là một trong muôn ngàn trường hợp nào đâu ai mơ ước, nhưng điều kiện ắt có và đủ mà đa số những người nắm quyền hành trong tay hay bị lầm lẫn hoặc không nhận ra là chính vị thế của một người làm cho công việc cũng như lời nói của người đó có tầm ảnh hưởng tùy theo chức vị và đồng thời thường thì được thăng hoa quá sự thực. Chẳng hạn công việc nhỏ mọn quét nhà hay hút bụi thảm ai là người đã chưa bao giờ làm trong cuộc sống. Thế mà giả sử giáo hoàng hay tổng thống Mỹ cầm chiếc máy hút bụi làm những công việc thường ngày xưa đã phải làm, chắc chắn báo chí, truyền hình sẽ thi đua giành nhau đăng tin tức, thêm mắm thêm muối nào là khiêm nhường, bình dân... đổ vào muôn cá tính, đặc tính đao to búa lớn... Cuộc đời kể ra cũng lắm chuyện tréo cẳng ngỗng; người ta thích thực hiện những công trình lớn lao nhưng quên rằng chính những chuyện bình thường mới thực sự nói lên giá trị đích thực của mình. Giúp người nghèo ai cũng có thể làm và đâu cũng có người nghèo; thế tại sao mẹ Têrêsa cũng chỉ làm việc ấy lại được coi là thánh nhân, công đức, tiếng tăm lừng lẫy?
Không sách nào viết về những vấn đề nhỏ mọn nhưng thiết yếu này nơi vị thế lãnh đạo. Có chăng, đó là kinh nghiệm sống mà người lãnh đạo chỉ có một phương pháp duy nhất là tự mò mẫm, cố mở mắt vểnh tai may ra thâu nhận được. Chẳng nói chi đến những chuyện lớn lao, ngay chuyện tầm thường, người lãnh đạo nhiều khi không thể giải quyết theo thói thường. Ai không nhận ra càng ở vị thế cao bao nhiêu, người ta càng bị cô độc bấy nhiêu bởi không dễ chi có được người am hiểu và thông cảm. Buổi chiều sau cơm tối, các chú vừa đi dạo vừa nói chuyện quanh sân tòa giám mục; thấy Đức Cha Thuận vừa đi đâu về, các chú xáp lại chào hỏi. Thày Lành cũng mon men đến nghe...
- Nếu có ai hỏi các con về chuyện anh em sống với nhau ở chủng viện thế nào thì chỉ nên trả lời cho qua... Không nên kể những chuyện tỉ mỉ e người ta hiểu lầm... Đức Cha nhẹ nhàng dặn.
- Thưa Đức Cha, họ hỏi câu nào thì trả lời thế ấy chứ làm sao cho qua được... Vì muốn Đức Cha giải thích rõ hơn, thày Lành bạo miệng chen vô:
Thấy cần phải giải thích, Đức Cha chậm rãi kể:
- Có một bà kia coi bộ sang trọng đến gặp cha, thấy các chú đang đi dạo sau giờ học, bà ta hỏi:
- Thưa Đức Cha, nuôi các chú như vậy chắc Đức Cha phải tốn nhiều tiền lắm? Hình như bà ta muốn cho tiền chủng viện.
- Đức cha thấy các chú ngày nào cũng ăn ba bữa sáng, trưa và chiều, không thiếu bữa nào.
- Thế các chú sống với nhau có được hòa thuận không thưa Đức Cha?
- Bà có thể nhìn xem rõ ràng đó; Đức Cha chưa thấy có chú nào bị bể đầu sứt trán... Chú nào cũng hãy còn lành lặn nguyên vẹn...
Đức cha chỉ nói lên những sự kiện ai cũng có thể nhìn thấy để khỏi phải nói về điều người ta muốn biết, trả lời như không trả lời; thày Lành thầm nghĩ... Câu chuyện đơn giản thi thoảng trở lại trong thời gian hơn hai mươi năm bây giờ mới được sáng tỏ ý nghĩa khi cha Lành suy nghĩ về những trường hợp cần giữ kín miệng trong vị thế lãnh đạo... Thổ lộ tâm tình không đúng người, chỉ gây thêm rắc rối hoặc hiểu lầm... Người xưa nói đúng: vị thế càng cao càng lắm nỗi cô đơn khó chia sẻ.
Chẳng những điều khó chịu hay buồn bực do thực tại ngạo ngược tạo thành không nên nói ra mà lắm khi kết quả bất lợi do sự thiếu sót của người làm việc hay ý kiến non dại chung của ban điều hành cũng trở thành lầm lỗi mà nhà lãnh đạo đành chịu chấp nhận lãnh trách nhiệm. Nhà lãnh đạo chỉ có thể nói tôi bị đánh gục chứ không thể nói những người dưới tôi bị hạ gục... mặc dầu áp dụng câu nói "Một chính phủ mạnh là chính phủ không nắm giữ một vấn đề gì." Trao quyền và tôn trọng quyền hành nơi người khác để thực hiện công việc nhưng trách nhiệm và kết quả dù hay dù dở đều trở về nơi nhà lãnh đạo...
Công việc lớn lao cần biết điều động niềm tin dân chúng mà người trong vị thế lãnh đạo phải thực hiện là chuyện không thể tránh thoát. Đàng khác, những vấn đề không đáng nói nhiều khi cũng trở thành phiền hà sinh lắm chuyện bực mình nếu thiếu để ý cách tránh né. Trời mùa đông nơi thành phố Chicago tuyết phủ ngập đầy và đóng băng chỗ lồi chỗ lõm trơn trượt thế mà chiếc xe cà rệch cà tang cứ phải mù mịt phun khói xông xáo hết hang cùng ngõ hẻm này đến chốn chật chội khác, mang chả giò, nước uống, bánh kẹo cho các em tập vũ, kịch cũng như hát xướng. Anh trưởng ban văn nghệ chịu khó có thừa, lại đang là sinh viên năm thứ tư đại học, bỏ bê chuyện bài vở vì đam mê giúp chuẩn bị văn nghệ Giáng Sinh cho cộng đồng... Bố mẹ gửi tiền lo việc học hành, xe cộ, ăn uống cho mình cũng như cho các em, anh cắt đầu này, xén đầu kia mua nước, mua bánh, lại còn năn nỉ xin xỏ thêm nơi đâu chẳng biết những bữa ăn khuyến khích các đội ca vũ. Thế mà khi đem sổ chi phí hóa trang cho ba màn vũ, hai màn kịch và dụng cụ cần thiết, ban điều hành đổ xô hạch hỏi không chấp nhận chi tiền đủ số... Lần này qua lần khác, lúc bàn ra tán vô không ai đồng ý lãnh nhận trách nhiệm để rồi những lời ngọt ngào dụ dỗ, khích tướng cũng như hăm hở hứa giải quyết sòng phẳng điều kiện cần thiết dồn ép đến nỗi anh ta sợ không dám tham dự khi được mời họp. Nhưng nào có thoát, dù không hiện diện, anh cũng bị bầu vắng mặt ép buộc phải làm...
- Thưa thầy, họ nhất định bắt em phải làm văn nghệ giáng sinh mà em sợ lắm rồi. Lần nào cũng thế, họ cứ hứa bừa cho được việc nhưng tiền bạc không chi đủ làm em chịu không nổi.
- Không sao, em cứ không chấp nhận chiết tính chi phí, và đòi các trưởng bộ môn làm bản chiết tính từng mục trao cho ban hành giáo để có tiền xử dụng trước khi em chấp nhận điều hành. Nên nhớ, nói họ chi tiền ngay lập tức để tránh cảnh năn nỉ, hoạch họe; nắm tiền trong tay rồi hãy nhận; còn không, ai muốn làm gì thì làm hoặc là bãi bỏ.
Hơn tháng sau, anh sinh viên hí hửng gọi thày Lành vì công việc êm xuôi không bị phiền hà hoạch họe về vấn đề tiền bạc chuẩn bị văn nghệ nhưng lại gặp rắc rối nơi chuyện hát xướng.
- Thưa thầy, bà kỹ sư Tuấn gọi điện thoại nói với em rằng cha cứ bảo bà ấy phải hát mà em không biết tính toán thế nào bây giờ. Những lần trước, bà ấy đòi xếp chương trình hát vào phần đầu buổi văn nghệ; mà lần nào cũng thế, bà cố tình đi trễ làm lộn xộn không thể sắp xếp kịp thời nên cứ bị ngắt quãng làm thiên hạ la quá trời. Lần này bà ấy còn đòi cho con gái hát nữa phỏng có chết người không chứ...
- Bà ấy nói với em thế nào...
Bà ta nói kiểu này, thày thử nghe xem có mùi không; anh sinh viên lên giọng õng ẹo:
- Chú Tân à, thật là tôi không muốn tí nào nhưng mà cha cứ bảo tôi phải hát. Đã mấy lần từ chối mà cha nói quá làm tôi không biết thưa lại làm sao; cha còn bảo tôi gọi để chú biết mà sắp xếp chương trình. Chú coi, tôi năm nay cũng đã có tí tuổi rồi nào còn thiết tha gì đến văn nghệ với văn gừng nữa nhưng vì đức vâng lời đành phải hát cho trọn đạo nghĩa. Cha cũng nhắc tôi phải đem cả con gái đi cho nó hát nữa. Đấy, chú xem thế nào, vì cha nói quá, tôi không đành lòng chối từ.
Thày Lành cười đến chảy nước mắt, thầm nghĩ, anh chàng này mà đóng hề trên radio có lẽ đúng nghề hơn là học kỹ sư.
- Không những bà ấy muốn hát mà muốn con gái bà ta cũng được hát nữa. Nói số điện thoại, tôi sẽ gọi cho bà ta và yên trí, chuyện sẽ đâu vào đó. Khi nào nắm vững hết các tiết mục, nói cho tôi biết mình sẽ xếp chương trình cho hợp lý, hợp tình.
- Vâng, đây là số phôn của bà ta...
Ghi xong số phôn, thày Lành quay điện thoại gọi cho bà kỹ sư Tuấn...
- Chào thày, thày có khỏe không? Có chuyện gì đấy mà thày lại phải gọi tới con... Giọng bà ngọt ngào...
- Xin cảm ơn bà, tôi vẫn bình thường, vẫn mỗi ngày ba bữa và lo cày bài vở. Có một vấn đề tôi muốn thưa chuyện với bà là anh Tân vừa nói cho tôi biết cha muốn bà giúp trong chương trình văn nghệ giáng sinh...
- Vâng, thật khổ quá thày ạ, con già rồi nào hát hỏng có ra gì mà cha cứ bắt phải hát làm con chẳng biết ăn nói làm sao...
- Bà nói vậy chứ, người ta hãy còn đang xôn xao về giọng hát của bà kỳ văn nghệ năm ngoái. Cha nghĩ đúng đó, nếu bà mà không hát thì còn ai muốn đi coi văn nghệ văn gừng gì nữa.
- Thày mà không đi tu, ở ngoài khối cô chết mệt... Cha còn bảo phải đưa cháu Dung nhà con đi hát nữa.
- Đúng vậy, tôi cũng đã nghe qua, thật mẹ nào con nấy; mẹ hát hay tất nhiên con cũng hay hát nào có lạ gì... Có một điều tôi muốn nhờ bà giúp cho, nếu không chương trình văn nghệ sẽ bị bể hết, bể từ cha tới con...
- Vấn đề gì vậy thày, con có giúp được chi không?
- Chẳng những giúp mà ngoài bà ra không ai có thể giải quyết được. Bà thấy đó, người ta đi xem văn nghệ cứ hong hóng chờ bà hát xong là bỏ ra về theo như tôi biết những lần trước. Vì vậy, nếu bà hát vào những mục đầu của chương trình, người ta sẽ kéo nhau ra về hết đâu ai thèm coi tiếp... Như thế là bể hết công trình của cộng đoàn...
Vợ ông kỹ sư cười như nắc nẻ ra bộ sung sướng. Thày Lành cũng phải nín thở cười theo và tạ ơn trời vì môi không phải bôi mỡ mà ăn nói có thể lọt tai người nghe... Chưa hết cười vì thích thú bởi được phỉnh nịnh, bà kỹ sư bồi thêm:
- Vậy thày phải nói chú Tân xếp cho con gái của con hát trước rồi con hát sau.
- Vâng, chị ta sẽ hát mục thứ tư và bà làm ơn chịu khó ngồi chờ để hát trước khi chấm dứt hai mục; như vậy được không ạ?
- Dạ được thưa thày...
- Như vậy là hạnh phúc cho chúng tôi lắm rồi, không dám mơ ước chi hơn. Có điều, tôi sẽ cố gắng sắp xếp chương trình thật khít khao sao cho không có khoảng trống nên bà làm ơn đưa cô Dung đến thật đúng giờ. Nếu không, khi chương trình đã bắt đầu, mục nào qua cho qua luôn bởi đảo lộn ngược xuôi gây quá nhiều rắc rối như trong trường hợp văn nghệ những năm trước...
- Vâng, thưa thày, con sẽ đưa cháu đến trước giờ chương trình bắt đầu...
- Xin cảm ơn, chào bà.
- Con kính thày...
Cầu xin những sự khó chóng qua, thày Lành thở phào nhẹ nhõm... Và thế là năm ấy, anh sinh viên hả hê vì được cả đàng nọ lẫn đàng kia, vừa không bị phiền hà về vấn đề tiền bạc, vừa được khen là chương trình văn nghệ thành công rực rỡ. Nghe thiên hạ bàn tán, thày Lành thầm nghĩ: có gì mà rực rỡ, văn nghệ văn gừng chỉ ăn mặc đẹp và chương trình liên tục được kể là hay chứ nào có chi khó khăn. Chuyện đáng nói là vấn đề điều hành và sắp xếp nào ai biết đấy là đâu; rõ cuộc đời là thế, coi vậy nhưng không phải vậy. Thày nhớ lại lần nào đó nói chuyện với một anh bạn cũng bàn về văn nghệ. Anh bạn tâm sự:
- Có những đứa diễn viên đóng hai hoặc ba vai trong một chương trình văn nghệ, nào hát, nào kịch... mà nó lại hay làm ỏng làm eo lắm lúc mình phải năn nỉ muốn chết chỉ vì con bạn phải gió nào đó nói điều gì làm nó mất lòng giở chứng không thể đóng chung vai. Lúc ấy mình nghĩ, bây giờ ông năn nỉ đến độ muốn chắp tay lạy mày để được việc chứ khi đã xong văn nghệ văn gừng rồi mà mày õng ẹo ông chỉ cho một đá văng bố con đi...

 

Thực tế mà nói, làm lụng kiếm kế sinh nhai nào đâu dễ chi; chẳng thế sao có câu "Đồng tiền liền khúc ruột." Mặc dầu nhờ đức tin, nào đâu ai khó khăn gì với việc nhà Chúa nhưng điều kiện tối thiểu lại là nói sao cho lọt tai; mà không hiểu tại sao, cứ đụng đến tiền bạc thì đều sinh lắm tội. Thực trạng cuộc sống cho thấy, dân Chúa phải đối diện với lắm nỗi khó khăn trong cuộc đời nên cần nhiều sự cảm thông. Phải chăng khi người ta không được hài lòng thì sự rộng rãi cũng bị khép gọn lại... dầu chỉ là một đồng? Chẳng hiểu ất giáp gì nhưng e ngại vạ lây tới mình nên mới chỉ nghe nói về những lời kêu ca của giáo dân quen biết trong vụ thu tiền trung tâm được qui định mỗi gia đình đóng một đồng hàng tuần thời gian trước khi về làm việc với một cộng đồng người Việt, cha Lành đã phải vội nói bắn tiếng với những người quen biết trong những lần gặp gỡ xã giao: "Tôi không biết làm tiền mà chỉ biết tiêu... Tôi lại cũng không thích giữ dùm tiền bạc dù là của đoàn thể; thế nên, ai dại dột đưa tiền tôi giữ, thì cũng chỉ như trứng bỏ miệng ác; tôi tiêu hết ráng chịu."
Càng nghe lại càng sợ nhất là khi dò hỏi một số người thân quen về kinh nghiệm cũng như phương cách nào để làm việc với người Việt cho hiệu nghiệm hơn..., lời khuyên đa số được gom tóm trong một câu phát biểu: "Cha cứ làm những việc họ không làm được, còn những gì họ làm được đẩy hết cho họ làm là yên chuyện; người ta thích làm sao không để họ chịu trách nhiệm? Hơn nữa, linh mục đâu phải được truyền chức để quét sân, đóng cửa nhà thờ hay nấu bếp, giữ tiền. Cha chỉ cần lo việc thờ phượng, giải tội và thăm hỏi người ta là quá đủ. Nếu chẳng may giáo dân có chuyện cần kíp hay đại sự như xức dầu hoặc đám ma, đám cưới, giúp họ trong lúc bối rối chưa đủ sao; tội gì ôm rơm cho rặm bụng..."
Những ý kiến mộc mạc đến độ quê mùa qua lối phát biểu ăn ngay nói thật này giúp cha Lành cảm thấy an tâm... Chuyện gì chứ, dâng lễ, giải tội, thăm hỏi nào có chi đâu. Tuy nhiên, ngài nghĩ, cần phải phân định rõ cho mọi người trong cộng đồng biết đường hướng làm việc như thế nào, giới hạn nào thuộc về họ và mình chú trọng đến vấn đề gì. Hai tuần suy nghĩ để nói sao cho lọt tai đồng thời tránh bị hiểu lầm ngay từ buổi ban sơ... Cha Lành giảng ngày chủ nhật đầu tiên của nhiệm sở mới:
Quí ông bà anh chị em trong Đức Kitô,
Hôm nay là ngày Chủ Nhật đầu tiên tôi dâng Thánh Lễ với quí ông bà anh chị em, cũng có thể gọi là ngày tôi ra mắt với cộng đồng. Khi soạn giảng hơn hai tuần trước, Lời Chúa nơi bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe đã giúp tôi suy nghĩ rất nhiều: "Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết xem có đủ để hoàn tất không?" (Lc. 14:25-33) Qua ánh sáng Lời Chúa đến với chúng ta hôm nay, tôi muốn nói lên đường hướng và quan niệm làm việc cho cộng đồng chúng ta.
Trước hết, người xưa có câu: "Quan nhất thời, dân vạn đại." Là linh mục, tôi chỉ được sai về đây ít năm hay một thời gian làm việc với quí ông bà anh chị em để rồi sẽ được đổi đi nơi khác. Bởi thế cho nên, sự thăng tiến của cộng đồng như thế nào tùy thuộc vào sự làm việc của quí vị. Chính quí vị là những người kiến tạo danh dự của cộng đồng cũng như danh dự gia đình, cá nhân. Với cương vị của một linh mục, tôi có bổn phận chu toàn chức vị linh mục của mình, những công việc quí vị không làm được chẳng hạn dâng lễ, giải tội, nói chung, những việc phụng vụ và mục vụ. Những công việc liên hệ tới cuộc sống như giao tế, đình đám, mở lễ, văn nghệ, rước kiệu v.v... quí vị có thể làm được, xin quí vị góp tay thực hiện.
Đối với sự thực hiện những chương trình cũng như phát triển cộng đồng, hai vấn đề tối kỵ mà chúng ta nên tránh đó là bất cứ vấn đề nào đi ngược với đức tin Công Giáo và những gì làm bất lợi hay gây tai tiếng cho cộng đồng của chúng ta. Xin quí vị để ý hai vấn đề này. Tôi muốn nhắc lại: Tôi sẽ cùng quí vị thực hiện bất cứ điều mơ ước nào của quí vị nếu có thể để thăng tiến cộng đồng chúng ta nhưng những gì ngược với đức tin hoặc bất lợi cho danh dự cộng đồng, tôi sẽ cực lực phản đối.
Tôi được sinh ra từ một gia đình nghèo khổ, đã trải qua những thời kỳ ăn không đủ no. Tôi đã phải làm nhiều ngành nghề để kiếm miếng cơm manh áo như mọi người. Tôi biết giá trị mồ hôi nước mắt của tiền bạc. Tôi hiểu rất rõ cuộc sống lao động cực khổ của người nghèo. Tôi cũng hiểu thế nào là niềm đau của kẻ không có tiền lại còn bị những người khác khinh khi vì quần áo mình không được đẹp, không có tiền ăn nhậu để tiếp đãi bạn bè v.v... Những kinh nghiệm chua cay ấy giúp tôi nhận thức thêm được giá trị con người. Sự sống của chúng ta là hồng ân của Thiên Chúa, là sự chia sẻ chính bản thể của Ngài; thế nên giá trị con người không tùy thuộc vào nhà cửa, quần áo tiền bạc, mà là lối sống tốt lành để minh chứng sự hiện diện của Chúa nơi cuộc đời mình cũng như sự liên kết của mọi người thành một cộng đồng cùng nhau tôn vinh Chúa.
Bởi vậy, cộng đồng có bổn phận khích lệ và giúp đỡ mọi người thăng tiến về đời sống đạo đức và sự hòa thuận với nhau. Quí cụ ông, cụ bà được Chúa ban cho tuổi thọ như thế; với biết bao thăng trầm của những ngày tháng đã qua, chắc chắn rằng quí cụ có nhiều kinh nghiệm như những tiềm năng sẵn sàng xây dựng cộng đồng dân Chúa. Quí cụ sẽ giúp cho cộng đồng bằng cách nhìn vào thực tại nơi cuộc sống hiện giờ để nói lên những gì chúng ta cần được thăng tiến, những việc gì phải làm, đồng thời những khó khăn phải vượt qua cũng như những cố gắng hy sinh mà dân Chúa nơi cộng đồng cần phải có để đưa ra phương pháp huy động. Các bậc cha mẹ, quí vị thành niên, tương lai của thế hệ sắp tới được đặt nơi tầm tay quí vị. Những kết quả chúng ta lãnh nhận dù tốt xấu thế nào đều tùy thuộc vào sự làm việc của chúng ta. Quí vị là động lực chính yếu của cộng đồng dân Chúa. Danh dự của cộng đồng lên cao do quí vị tạo nên, hoặc có thế nào chăng nữa cũng do lối sống của quí vị; không ai có thể thay thế vai trò căn bản này. Mỗi người chúng ta là một phần tử kiến tạo cộng đồng. Chính vì danh dự của cộng đồng được tạo nên do lối sống, cách thức góp tay làm việc và sự liên kết chặt chẽ hay không giữa chúng ta với nhau, bổn phận của mỗi người là sống thế nào để đẹp lòng Chúa, được lòng người. Theo khía cạnh tâm lý, nếu con người mình thế nào, chúng ta sẽ nhìn thấy người khác như vậy. Từ nhận xét này, mỗi người có bổn phận nhận ra những hồng ân của Chúa chẳng những nơi chính mình mà còn nơi những người khác để tôn trọng và cùng giúp nhau thăng tiến cũng như xây dựng và giúp việc cộng đồng.
Tôi tích cực ủng hộ việc thành lập các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành. Tôi nghĩ, đoàn thể không nhất thiết phải nhiều người tham gia mà điều cần nhất là tấm lòng hăng say, nhiệt thành vì lợi ích cho đức tin và vinh danh Thiên Chúa. Khi cùng nhau thành lập đoàn thể, xin đừng đặt ra những điều lệ quá nặng nề khó có thể thực hiện mà sao cho những thành viên của đoàn thể dùng những điều lệ như dung môi để cùng nhau thực hành đức tin và đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Những đoàn thể có bổn phận kiến tạo môi trường để các hội viên, những người có ước vọng và thiện chí giống nhau cùng thăng tiến. Vì thế, sự phát triển các hội đoàn đóng góp tích cực vào sự phát triển cộng đồng, và do đó, đoàn thể là những năng lực của cộng đồng. Bởi vậy những hoạt động của các đoàn thể là hoạt động của cộng đồng và cộng đồng có bổn phận bảo trợ cũng như khuyến khích sự thăng tiến của các đoàn thể. Hơn nữa, các đoàn thể có bổn phận tương trợ lẫn nhau trong những biến cố trọng đại của các đoàn thể bạn. Với nhận thức này, những cố gắng, hy sinh và thiện chí của quí vị trong sinh hoạt đoàn thể góp phần xây dựng cộng đồng.
Riêng về Thánh Lễ, ngày Chủ Nhật chúng ta cùng dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho cộng đồng, những người còn sống cũng như đã qua đời. Những lễ cầu nguyện theo ý chỉ riêng sẽ được dâng vào những ngày thường. Nếu chẳng may có người trong cộng đồng qua đời, tôi sẽ dâng một lễ vào ngày Chủ Nhật gần nhất để mời mọi người cùng cầu nguyện cho linh hồn ấy.
Tất cả những công việc chúng ta thực hiện đều cần được qui về mục đích làm tăng trưởng đức tin Công Giáo cũng như vinh danh Thiên Chúa. Như thế chúng ta chu toàn trách nhiệm người tín hữu đồng thời thể hiện đức tin trong cuộc đời. Xin Chúa chúc lành nơi quí ông bà anh chị em.
Vừa giảng xong, giáo dân xì xèo; nơi này, chỗ kia những mái đầu chụm lại hình như có chuyện gì quan trọng lắm. Lúc xin rấng, những mái đầu càng chụm lại nhiều hơn vì được che chở bởi giọng hát ca đoàn. Thấy thế, cha Lành phần nào hơi ngại ngùng vì nghĩ rằng chính mặc cảm e sợ những phiền toái do điều ong tiếng ve xảy ra đây đó đã khiến mình quá đặt nặng vấn đề đôi khi có thể gây mối cách biệt giữa linh mục và giáo dân. Dầu chưa hiểu giáo dân bàn tán, thầm thì những gì nhưng nơi nét mặt họ tỏ dạng nghiêm trọng, ngài tự nghĩ có lẽ bài giảng đánh động khá nhiều nơi tâm hồn những người đang dự lễ.
Sau lễ, vài người vô nhà xứ...
- Chào quí ông bà, xin mời vào để tôi đi pha cà phê. Có ai thích uống trà hoặc nước ngọt không? Cha Lành vừa nói vừa đưa tay hướng về phòng khách.
- Xin cảm ơn cha, chúng con không khát. Cụ trùm Huân lễ phép.
- Cha để con làm cho... Chị trưởng đoàn thiếu nhi bước vô phía trong bếp.
- Mời quí ông bà ngồi. Lâu nay công việc làm ăn nơi dân chúng ra sao tại vùng này? Tôi nghe đâu tàu đánh bạc về làm khối người cháy túi... Kể cũng phiền, ai mà không có máu mê nhất là cờ bạc... Muốn tạo sự thân thiện và bạo dạn của giáo dân, cha Lành tạm dẹp sự nôn nóng tìm hiểu chuyện gì người ta đã xì xèo trong lúc lễ nên hỏi về chuyện tàu đánh bạc đang làm xôn xao dân chúng.
- Thưa cha, con xuống qua hai lần mà lần nào cũng phải xếp hàng chờ vào cửa. Không biết người đâu lắm thế. Cụ trùm Huân tiếp lời.
- Thế cụ có thử chút cho biết không?
- Thưa cha, lần đầu, con thấy người ta trúng đông trúng tây khiến tay chân ngứa ngáy. Mà khổ thiệt cha ạ, xuống tầu đánh bài tiền nó cứ cựa quạy trong túi... nên thấy ham. Có được mấy chục, đâu bốn mươi sáu bốn bẩy đồng đem đổi. Kéo được mấy cái, nó chạy ra đâu mười mấy đồng hăm nhăm xen. Thôi thì nào chuông kêu inh ỏi, tiền rơi leng keng, và chiếc đèn vàng trên nóc máy sáng lên chớp chớp thích... lắm... nghe bắt ham. Và rồi được nước ngon tay cứ tiếp tục bỏ kéo, bỏ kéo đến lúc sạch thì thôi; gớm, chỉ có một lúc mà nó ăn của mình mấy chục ngon ơ!
Giọng cụ trùm nhẹ nhàng chậm rãi đều đều kể...
- Ấy thưa cha, ngày xưa ông nhà con còn cầm cả mấy sào ruộng đánh bạc mà nào có biết tiếc xót gì, bà cụ trùm nói chen vô.
- Thế lần thứ hai cụ thắng hay thua?
- Lần trước thua mất bốn mươi mấy đồng về tiếc mãi, con càng nghĩ càng thấy mình già rồi mà còn dại. Mất mấy đêm liền con cứ trách mình rằng thèm tiết canh vịt mà không dám mua. Cha và các ông các bà tính xem, nào có mắc mỏ gì đâu, chỉ có tám đồng một con vịt trắng ngon lành về đánh tiết canh thì nhịn thèm nhịn nhạt thế mà đem nướng một lúc ngót năm chục bạc. Bởi vậy, lần sau xuống tàu con sợ thua không dám đem tiền theo.
- Thèm tiết canh vịt thì nói bà cụ sai con cháu đi mua về đánh chén chứ có gì đâu phải nhịn thèm nhịn nhạt. Vậy khi không có tiền trong túi cụ trùm có thấy gì chuyển động không? Cha Lành pha trò cho cụ nói tiếp.
- "Rêu rêu" lạy Chúa tôi có chứ thưa cha. Thấy hết người này thắng đến người kia được; mà cái của quỉ, mình đánh thì cứ thua nhưng đứng xem lại cứ thấy người ta trúng; thế là lòng ruột nó xốn lên, con cứ muốn chạy ngay về nhà đem tiền ra gỡ... Chúa tôi, cái của quỉ ấy sao nó hấp dẫn đến thế...
Vẫn giọng điệu nhẹ nhàng của bậc lão thành vậy mà ai nấy không nín được cười... Cụ trùm Huân kể chuyện thật có duyên và hấp dẫn...
- Thế mới biết tội bởi trong lòng mà ra... lặng yên đừng tham lam ngứa tay thì đâu mấy bữa tiết canh vịt tiêu tan... Cụ trùm kết luận với giọng tiếc rẻ.
- Để khi nào tiện dịp tôi cũng xuống thử xem thế nào... Cha Lành thêm vô.
- Đừng cha ạ, cha không nên xuống tầu đánh bài... Cụ trùm vội vàng lên tiếng.
- Thì cụ tính thử, cụ xuống được, mọi người xuống được nào có gì đâu mà nên với không nên... Cụ vừa tỏ ra tiếc rẻ tiền thua bài, mình mới định xuống tàu thử coi sao; cụ đã đổi giọng khuyên. Cha Lành cảm thấy lạ nên chậm rãi đặt vấn đề.
- Thưa cha, chúng con là người đời dù có thế nào chăng nữa cũng chỉ bị phiền hà trong giới hạn gia đình. Cha là người đi tu xuống tầu coi không được. Hơn nữa, người ngoài nhìn vào nghĩ cha là đại diện cho toàn thể chúng con mà chơi bài bạc thì còn gì là thể thống nữa... Giọng cụ trùm không còn vẻ hiền hòa, chấp nhận như trước nhưng đột nhiên biến đổi hẳn, giống kiểu hùng biện, gay gắt lên án...
- Con xuống mấy lần, tính ra thua hơn kém mất trăm bạc nghĩ mà dại... Như vậy, con cũng nghĩ cha không nên xuống tầu đánh bài... Cha mà xuống, coi bộ kẹt lắm... Ông Hiểu, phó nội vụ chen vào với giọng lo âu...
Mấy ông này kể cũng lạ; họ xuống tầu đánh bài thua thì không sao lại còn dám kể ra đương đường cho mọi người biết. Mình mới nói định xuống thì đã hung hăng ngăn cản rằng không nên, rằng kẹt... Những điều họ nên thì mình không nên nghĩa là thế nào. Tại sao họ làm được mình không được... Tại sao họ dễ dãi với chính họ mà lại tỏ ra khó khăn, cố chấp với mình... Những thắc mắc cứ thay phiên luẩn quẩn trong đầu cha Lành khiến ngài cảm thấy bất công do đó nói tiếp:
- Thì xuống tầu xem cho biết, cùng lắm đem theo dăm ba chục thử thời vận giải trí như quí ông đâu có sao...
- Con xin phép cha cho con nói. Thưa cha, con nghĩ cha không nên xuống tầu; giọng cụ trùm nhấn mạnh rõ ràng được phụ họa với mấy chiếc gân cổ ẩn hiện và cái đầu gật gù kèm theo nét mặt đăm chiêu ra chiều lo lắng. Như con đã trình với cha, chúng con là người đời, chúng con làm gì cũng được. Cha là người đi tu, dù cho xuống tầu tham quan thì cũng mang tiếng bài bạc. Người ta có biết đấy là đâu bởi ai xuống tầu mà không đánh bài...? Như vậy làm sao cha có thể giảng dạy con chiên bổn đạo, làm sao cha khuyên người ta đừng bài bạc, làm sao cha nhắc nhở người ta sống tốt lành hơn... Cha thử tính coi, khi cha đứng trên tòa giảng răn bảo giáo dân, chúng con ngồi dưới này nói cha cũng ăn chơi như chúng con thì còn thể thống gì nữa. Không, nhất định cha không nên xuống tầu... Cụ trùm nói câu cuối với đầy vẻ nghiêm trọng.
Mới lúc nãy, mỗi lần cụ lên tiếng là ai nấy đều không nín được cười mà bây giờ hình như ai ai cũng có vẻ căng thẳng theo những lời cụ phát biểu... Cụ dùng câu "Con xin phép cha..." trịnh trọng ngược hẳn lại thái độ thân thiện lúc mới gặp... Thế ra lối suy luận của giáo dân không đơn giản như mình nghĩ... Cha Lành vẫn cảm thấy có gì khúc mắc...
- Thời gian còn trong chủng viện, tôi cũng chơi bài cát tê, bài cào, xập xám, xì dách, xì phé với các thày bạn có sao đâu... Vả lại, xuống tầu cho biết thì có chi là quan trọng mà coi bộ cụ trùm lo âu nhiều thế.
- Thưa cha, người đời chúng con đều không ít thì nhiều dây máu cờ bạc. Mà khi đã ngồi vô sòng bạc rồi thì ai cũng như ai, ông cũng như thằng mà thằng cũng như ông. Nào là ông cháu, cha con chửi lộn nhau cũng chỉ vì bài bạc, nào là thua cay khát nước nên vay nợ bê bối lục đục gia đình. Thưa cha, nó còn lắm cảnh chướng tai gai mắt cha không thể tưởng tượng được... Mình ngồi như thế này, cụ trùm xoay người làm mẫu, con mẹ nào đó đứng ngoài cúi xuống đặt tiền để cả vú lên đầu mình; ấy là chuyện đánh bài theo như ngày xưa chúng con hay chơi xóc dĩa. Ở đây cha xem, mấy người bưng rượu bịt có tí đầu vú thỗn thễn phơi ra trông chướng mắt không chịu nổi; mà chẳng lẽ mình cứ nhắm mắt lại nên phải nhìn, có quay đi nơi khác thì lại đứa khác đang để ra sẵn ở đấy... Giọng cụ trùm nghiêm trang pha lắm vẻ khôi hài theo lối diễn tả làm mọi người không nín được cười... Đây là chuyện có thật chính con chứng kiến, cụ trùm tiếp tục. Lần thứ hai xuống tầu con gặp một cha đang đứng đánh tài sửu, có anh thanh niên khệnh khạng coi bộ uống rượu đã ngà ngà đi tới vỗ vai miệng xổ lời tục tĩu; con xin lỗi cha, anh ấy nói: "Đ. mẹ, cha đánh số bẩy đi, lần này nó trúng đấy;" thế thì còn phép tắc nào nữa không? Hơn nữa, cha xuống tầu, người ta không biết đấy là đâu cho rằng cha lấy tiền nhà thờ đánh bạc... Vả lại, bài bạc là một trong tứ đổ tường chính ngay giáo dân chúng con cũng không nên mà cha lại đam mê vào thì chúng con biết nghe ai... Dứt khoát con không phục chuyện cha xuống tầu...
Cụ trùm Huân dùng những tiếng "thô tục" cố ý gây ấn tượng xấu xa mong ngăn cản cha đừng xuống tàu đánh bạc. Đúng thật, gừng càng già càng cay! Yêu ai nên tốt, ghét ai nên xấu; cũng chỉ quanh đi quẩn lại dùng quặt quẹo vài tiếng nói. Mặc dầu chưa xuống tầu đánh bài nhưng cha Lành đã nghe khá nhiều người kể về sinh hoạt dưới đó, nào có ai thêm thắt những hoạt cảnh liên hệ như cụ trùm nói đâu!
Kể cũng ngược đời, cha Lành ngẫm nghĩ. Cụ trùm lấy kinh nghiệm riêng của cụ làm mẫu mực cho người khác nên nghĩ chuyện sẽ xảy tới cho người khác cũng như đã xảy ra với cụ. Thôi thì biết sao hơn, làm cha thì đừng làm dân... Ngài mỉm cười:
- Mới nghe cụ trùm nói về chuyện bài bạc kể cũng hấp dẫn đấy chứ phương chi đánh bài... Nhưng thôi, cụ đã nói thế để tôi nghĩ lại xem sao. Vấn đề tôi quan tâm nhất là không biết dân chúng ở đây thế nào. Mình mới về lạ nước lạ cái chẳng biết mô tê gì...
Thấy thuyết phục được cha nghĩ lại, cụ trùm tươi nét mặt đổi giọng dễ dãi:
- Dân ở đây thì có gì đâu cha, chiều chiều, cha lái xe vòng vòng quanh đường gặp ai thì hỏi dăm ba câu chuyện thế là thích lắm đấy. Kể ra họ cũng lạ và dễ tha thứ; mới ngày hôm qua mẹ chồng con dâu đánh nhau bể đầu phải vào nhà thương; hôm sau con dâu vào thăm là huề cả làng coi như không có chuyện gì; họ thế đấy. Nhưng những gì họ đã không ưa thì Chúa cũng chẳng khuyên can được... để rồi cha coi...
- Ban nãy, khi vừa mới nghe xong bài giảng của cha chúng con cảm thấy vừa mừng lại vừa lo khiến mấy người chung quanh xôn xao cả lên... Ông phó Hiểu chen vô khiến cha Lành chợt chột dạ nghĩ rằng bài giảng có điều gì đụng chạm đến dân chúng.
- Ông phó nói sao, chuyện gì mà lại vừa mừng, vừa lo?
- Thưa cha, chúng con mừng vì cảm thấy hãnh diện bởi cha mời gọi mọi người tham gia việc đạo, cổ võ đức tin, và làm sáng danh Chúa. Ngược lại, giọng ông có vẻ e ngại, chúng con lo vì thấy trách nhiệm của mình như cha nói quá nặng nề. Cha nói đúng, chuyện phần hồn, việc đạo đức và mục vụ là bổn phận của cha còn chuyện thăng tiến cộng đoàn là nhiệm vụ của chúng con, nhưng câu cha nhấn mạnh rằng danh dự cộng đoàn lên hay xuống đều tùy thuộc vào mỗi người chúng con do đó ai cũng sợ vì xưa nay mình không để ý, chẳng lo giúp gì những chuyện này...
Cụ trùm Huân vội vã ngắt lời ông phó,
- Thưa cha, con năm nay được Chúa ban cho cũng ngót ngoét bẩy chục, cả một đời theo đạo mà đây là lần đầu tiên con nghe thấy cha giảng về bổn phận thăng tiến cộng đoàn thuộc về mỗi người giáo dân nên con thấy hơi lạ. Cha là chủ chăn, là cha của mọi người nên ai nấy phải vâng lời vì vâng lời trọng hơn của lễ. Con nghĩ, mình theo đạo thì nhiệm vụ đầu tiên của mình là đi lễ lạy, đọc kinh sớm tối và cha bảo sao thì làm vậy. Các cha đã được ăn học nên biết hết mọi sự, giáo dân chỉ việc nghe lời thi hành nhiệm vụ người Công Giáo của mình để cho đâu vào đấy thì nào có gì đáng nói. Đàng này cha giảng trách nhiệm của chúng con là việc thăng tiến cộng đoàn chứ không phải của cha... Con thử hỏi nếu cha không nhúng tay vào, dân chúng cả một đám như rắn không đầu, ông nào cũng chỉ ý mình làm hơn thì sao có thể làm được gì. Con xin thí dụ, chẳng hạn việc mở lễ, dù chúng con có muốn mấy chăng nữa mà cha không chấp thuận, không hô hào, loan báo ở nhà thờ thì ai biết đấy là đâu...
- Cụ trùm nói có lý; một nước cần có vua hay tổng thống làm đầu; tỉnh cần có ông tỉnh trưởng; xứ thì có cha xứ; cộng đoàn có cha quản nhiệm nhưng những người đứng đầu chịu trách nhiệm như vua hay tổng thống làm sao có thì giờ để nghĩ về hết mọi vấn đề trong nước nên phải cần có các bộ, các ngành phụ giúp làm việc đưa ra những gì cần được cải tiến hoặc thay đổi. Cha được học về đạo nghĩa nên chỉ lo việc đạo nghĩa còn những việc đời làm sao cha có thể biết bằng người ta. Chẳng hạn, cụ trùm trồng rau xưa nay, cụ biết về trồng rau hơn tôi. Do đó, nếu cần chuyện gì liên hệ đến việc trồng rau thì phải hỏi cụ trùm chứ vâng lời trồng rau theo ý của cha thì chỉ đổ thóc giống ra mà ăn...
- Thưa cha, đâu có bao giờ thăng tiến cộng đoàn cần đến chuyện trồng rau mà con phải lo... Cụ trùm cố bênh vực ý nghĩ của mình.
- Tôi nói kinh nghiệm trồng rau chỉ là một thí dụ... Để tôi nói thí dụ khác, cụ trùm được mấy người con tất cả?
- Thưa cha, Chúa ban cho gia đình con được bẩy người, bốn trai ba gái...
- Xét như thế này, cả một đời người, hai cụ lo lắng, nuôi nấng dạy dỗ con cái và lo liệu gia thất cho bẩy người con bằng mày bằng mặt với đời. Tất nhiên, cụ trùm không những có nhiều kinh nghiệm về gia đình, về sự giáo dục con cái hơn tôi bởi tôi đâu có vợ con, làm sao tôi biết được những khó khăn trong đấng bậc vợ chồng cũng như dạy dỗ con cái bằng quí cụ... Tôi chỉ biết nào là "Già đòn non nhẽ, đánh khỏe phải chừa;" "Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi," v.v... toàn là lý thuyết... mà thời bây giờ áp dụng là đi ở tù... Vì vậy, muốn cho trẻ em trong cộng đồng ngoan ngoãn, các bậc làm cha mẹ phải lo dạy dỗ chúng trước chứ nếu chờ cha bảo mới dạy con thì có lẽ chúng đi hoang hết rồi còn đâu mà dạy...
- Chỉ có thế mà từ lúc cha giảng tới giờ con vẫn cứ ấm ức vì thấy nó có vẻ ngược với đức vâng lời...
- Cụ thấy không, nếu cụ không xuống tầu đánh bài, không trông thấy những cảnh chướng tai gai mắt ấy mà vâng lời cha theo xuống tầu thì cụ nghĩ thế nào?
- Cha giải nghĩa vậy mới đúng... Cụ trùm cười đắc chí đoạn nói tiếp, con xin lỗi cha nói câu này hơi ngạo nghịch nhưng cứ theo lời cha giảng thì đức vâng lời không phải chỉ là con nghe lời cha mà nhiều khi cha cũng cần nghe lời con... Xưa nay, con cứ nghĩ các cha phải biết hết mọi sự... mà lại quên rằng có những sự các cha không nên biết...
- Cụ nói đúng; mặc dầu giáo dân tôn trọng chức thánh nơi linh mục nhưng không phải vì thế mà để tất cả mọi công việc của cộng đồng cho một mình cha gánh chịu. Theo thói quen, người ta gọi linh mục bằng cha; tiếng cha có nghĩa người hướng dẫn phần thiêng liêng, cha phần hồn và đồng thời xưng con cho thuận lối nói. Quí ông bà thử nghĩ coi, tôi mới bốn mấy, dẫu cho có được ăn học đến đâu chẳng nữa cũng làm sao có nhiều kinh nghiệm sống bằng quí cụ ông cụ bà đã bẩy, tám mươi tuổi. Cho nên, nếu xét về việc thiêng liêng thì đó là nhiệm vụ của tôi. Còn những vấn đề sinh hoạt đạo, đời, giáo dân có bổn phận góp tay xây dựng để thăng tiến cộng đồng. Nói đến đây, cha Lành mỉm cười diễu, con khôn hơn cha thì nhà có phúc. Cụ trùm nghĩ như vậy có đúng không?
- Bây giờ con mới thấy mối lo như ông phó Hiểu nói... Vậy chứ sao con thấy có cha giảng vâng lời trọng hơn của lễ...
- Vâng lời tùy từng trường hợp vì dẫu sao chăng nữa, các cha cũng chỉ là những con người như quí ông bà. Chẳng hạn tôi muốn xuống tầu cho biết cơ sự ra sao để nhận định mà khuyên bảo dân chúng không nên đam mê. Quí ông bà thấy đó, tiền đâu người ta dám bỏ ra những bao nhiêu triệu để làm nên các tầu đánh bài to lớn như thế nếu không nắm chắc phần thắng trong tay. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra trước mắt từ ngày có tầu đánh bài đến giờ mà vẫn còn nhiều người đua nhau đòi hốt bạc của thiên hạ. Nào là nhảy xuống sông tự tử, nào là tan nát gia đình cũng chỉ vì bài bạc... Mấy ngày trước đây, tôi nghe thấy vợ chồng Tuẫn bỏ nhau. Chồng thì lo đi biển rả, được bao nhiêu, vợ ở nhà đem xuống tàu nướng sạch, chẳng những thế, lại còn vay mượn nợ nần hết chỗ nọ đến chỗ kia để gỡ gạc đến nỗi không ai cho mượn nữa sinh ra làm chuyện tồi bại để lấy tiền đánh bài... Thế nhưng, mới chỉ nói ra thì cụ Trùm đã cản...
- Cha mà mở rộng như vậy thì có gì phải lo... Cụ trùm nói vuốt đuôi trong khi cha Lành có linh cảm bị cụ phỉnh.
- Tôi chỉ tự so sánh mình với các cha đã giúp cộng đồng này từ mười mấy năm về trước. Các ngài có những tài năng đặc biệt mà tôi không thể nào theo bằng nhưng lại thấy tất cả những gì giáo dân ở đây kêu ca về các ngài tôi có đủ thế mới đáng sợ... Như vậy lấy lý do gì cụ trùm nói mở rộng với mở hẹp... Hay là cụ trùm phỉnh cha?
- Cha nói vậy oan cho con mà đó là con nói thật lòng. Cha xem, cha mới nói định xuống tầu đánh bài, con lo sợ quá sức, nói tới nói lui và cha đã đồng ý không xuống. Như thế là mở rộng... Cụ mỉm cười, cha lại còn nói con khôn hơn cha thì nhà có phúc... Đấy, con chỉ lặp lại lời của cha thôi.
- A... Cụ trùm hơn cha một cơ... Đúng là gừng càng già càng cay... Thế mà cụ dám nói là vâng lời trọng hơn của lễ...
Cụ trùm Huân đắc chí cười ha hả làm mọi người vui vẻ cười theo. Cụ đắc chí là phải vì cả đời lần đầu tiên được cha nói lên giữa thanh thiên bạch nhật mình hơn cha và cũng may mắn cụ có cơ hội dùng chính câu tục ngữ cha vừa nói ra để chứng minh lý của mình... Cụ cảm thấy giá trị mình vụt tăng lên đồng thời mối thân thiết bắt nguồn từ sự nhận ra được tôn trọng cũng như lối nói năng thông cảm của cha đã giúp cho cụ dám nhận định... Thế là cụ mạnh bạo đưa thêm ý kiến:
- Cha nói rằng thua tài này, kém khả năng kia nơi các cha khác tức là biết mình như thế nào; đó mới là chuyện khó. Mà chuyện khó nhất cha thông qua được thì những chuyện khác đâu có gì phải lo lắng. Cha còn cả ban hành giáo, nói theo bài giảng của cha thì cả một cộng đoàn làm việc tất nhiên không có gì để e ngại...
- Thật ra bởi mới về nên chưa biết gì do đó tôi không thể nói năng được gì. Chỉ biết một điều chắc chắn rằng sẽ còn nhiều việc phải thông qua... và có ra sao chăng nữa lại tùy giáo dân... Nếu họ đã muốn thì Chúa cũng chịu mà nếu họ đã không muốn thì chẳng có gì đáng nói... Giọng cha Lành trầm trầm chậm rãi chứa đựng nhiều ưu tư...
- Xin mời cha và quí vị dùng cà phê... Chị Duyên bưng khay đựng bình cà phê, đường, tách, đặt trên bàn với dáng mặt tươi vui kèm theo nụ cười. Cha với quí vị nói chuyện gì mà vui như tết thế?
- Cha mới về tới đã bị cụ trùm Huân hạ một không khiến mọi người cười đắc thắng. Cha Lành làm ra vẻ phân bua.
- Cha nói vậy oan cho con; con chỉ lặp lại câu tục ngữ cha nói... Cụ trùm được cha nhắc lại thành quả của mình nên có vẻ hài lòng.
- Câu gì vậy cha? Chị Duyên nhanh miệng.
- Tôi nhắc đến câu tục ngữ "Con khôn hơn cha thì nhà có phúc;" cụ trùm áp dụng theo ý nghĩa cha biết nghe lời phải trái của giáo dân thì cộng đồng có phúc...
- Cụ trùm từ bao lâu nay ít nói lắm mà, ai chả biết thế! Sao hôm nay coi bộ hùng biện ngược hẳn từ xưa tới giờ? Coi chừng ngày mai mưa lớn! Chị Duyên nhận xét.
- Đâu phải cụ trùm xưa nay ít nói mà không có cơ hội để nói. Chỉ có khi nào trúng tần số rồi thì đài mới phát thanh. Ông phó Hiểu tỏ vẻ am tường về cụ trùm.
- Ban nãy tôi có hỏi về đặc tính dân chúng ở đây; cụ trùm hình như nói chưa hết đã bị chuyển đề tài... Nào, mời cụ trùm, mời ông phó, chị Duyên dùng cà phê...
- Thưa cha, cụ trùm lên tiếng trong khi đưa tay lấy ly cà phê chừng như nếu phát biểu chậm e có người nói trước, nói chung chung, dân mình thì đâu chả thế; mặc dầu qua đây mười mấy năm đã có nhiều thay đổi do ảnh hưởng nếp sống  theo hoàn cảnh địa phương, tuy vậy vẫn có những cảnh cười ra nước mắt bởi thiếu hiểu biết luật lệ. Con còn nhớ ngày mới đến Mỹ được đâu hai năm, cậu Thân em ruột nhà con, lâu ngày ăn đồ đông lạnh mua ở chợ về mãi cũng xót ruột thành ra thèm tiết canh. Hôm ấy người làm cùng sở nói nhà họ ở bên nông trại nên cậu ấy nằn nì cho bằng được để đi theo mua ngay một con dê đực hí ha hí hửng đem về. Thời gian đó đi làm lương chỉ được có hai đồng rưỡi một giờ mà con dê những mười đồng... Khổ nỗi, ở nhà chính phủ nên chẳng có chỗ nào mà nhốt; thế là suốt buổi tối cậu ấy thôi thì nào lo kiếm cây cắm rào mãi ngoài khu rừng bởi e chó cắn dê, lại phải cắt cỏ vì sợ dê chết đói. Mấy ngày trời, từ thứ ba tới thứ sáu, tờ mờ sáng trước khi đi làm cậu ấy đã phải cắt cỏ, chiều về đến nhà lại cũng cắt cỏ cho dê ăn... Sáng thứ bẩy, sau khi cà phê cà pháo xong mấy anh em chúng con tề tựu đông đủ định bụng thịt dê cho kịp đánh chén vào bữa trưa...
- Thật là cứ mỗi lần nhớ đến vừa tiếc lại vừa buồn cười vì cái ngây ngô của mình... Cụ trùm Huân nhấp cà phê cho thông giọng nói tiếp. Chúng con bàn nhau lấy tiết nơi khu rừng rồi đem về phòng tắm làm lông và thui bằng cái bình ga hàn ống nước mượn của anh Chiến. Cha và ông phó nghĩ xem, con dê đực thì phải làm cho nó đổ mồ hôi mới thịt được chứ nếu không hoi ai mà ăn cho nổi. Bàn qua tính lại, các bố cho ngay con dê uống rượu và đem cột dây phía sau xe anh Chiến lái chầm chậm ngoài đường dòng dê chạy theo. Xe mới chạy được một khúc, không biết ở đâu hai chiếc xe cảnh sát chớp đèn sáng loáng tốp lại xì là xì lồ, bắt cả dê lẫn người... đem về bót nhốt mãi cho tới sáng thứ hai mới có người làm ở hội USCC đến thông dịch. Nghe người thông dịch về kể mới thấy bên này nó lắm luật lệ. Cha xem, anh Chiến lái xe chạy từ từ chứ đâu có nhanh gì mà nó bảo hành hạ con vật, đến nỗi mượn cớ cho dê tập thể dục nó cũng không chịu. Bí quá, anh ấy hỏi vậy người ta dắt chó chạy ngoài đường sao không ai bắt; anh ấy đau chân chạy không được nên phải dùng xe mà nó cũng chẳng tha. Rõ khổ, vừa mất tiền mua dê, mất công cắt cỏ, anh Chiến phải ngồi bót hai ngày, lại còn bị phạt một trăm đồng nữa mà miếng lông dê cũng chả được nói gì tới tiết canh...
Chị Duyên ôm bụng cười thở không được. Cha Lành nghĩ về cảnh mấy ông hăm he dao thớt băm tiết canh, xái tái rồi so sánh với những bộ mặt chưng hửng vì người và dê lên xe cảnh sát cũng không nín được cười...
- Thế tiền thì ai phải trả.
- Thì anh em hùng nhau trả dần chứ thời buổi đó nào ai có nổi lấy trăm bạc trong túi bao giờ.
- Ông Chiến có phải trả tiền không.
- Mọi người bàn nhau không bắt anh Chiến chịu vì đã phải ngồi bót hai ngày hai đêm nhưng anh ấy bằng lòng góp mười đồng gọi là tình huynh đệ chi binh...
- Chứ làm sao cảnh sát biết mà đến? Ông phó Hiểu tò mò.
- Sau này người trong hội USCC nói cho biết là mấy người Mỹ trông thấy nên gọi cảnh sát...
Thấy mọi người lắng tai chú ý nghe, cụ trùm Huân hứng chí tiếp tục; giọng cụ đều đều, nhẹ nhàng chứa đựng vẻ nhẫn nại khi kể cũng như trả lời những vấn nạn thế mà nói lên đầy đủ tính chất khôi hài...
- Còn cái ông cụ Dung nhà mình mới phiền; chuyện xảy ra cách đây ba bốn năm gì đó. Hai ông bà ăn tiền già, gom góp đâu được hơn chục ngàn đưa cho anh Thục đặt cọc mua căn nhà hiện đang ở trên đường Cordon... Cụ Dung vốn quen việc rẫy rờ ngày xưa nên có được miếng đất phía sau lấy làm thích lắm. Công nhận cụ chịu khó và liều thật, suốt cả tháng, ngày ngày lo chặt cây dọn cỏ. Ai đời nào cái cây sồi lớn gần một ôm ở phía sau nhà thế mà không hiểu cụ kiếm đâu được cái búa chặt cây, cả ngày chỉ thấy không chặt thì mài và rồi cụ hạ nó lăn kềnh ra giữa vườn, kể cũng giỏi, miếng vườn nhỏ thế mà không đụng chạm gì đến nhà và hàng rào. Mấy ngày sau, đợi cho cành cây khô, cụ gom rác rưởi lại một đống định châm lửa đốt... Nhìn thấy thế, anh Thục ra cản...
- Không được đâu, bố đốt xe cứu hỏa đến sẽ bị phạt...
- Cứu hỏa cứu nước gì, tao đốt mấy cái rác việc gì đến cứu hỏa.
- Nhưng mà phải báo cho họ biết mới được đốt, nếu không cảnh sát bắt phạt...
- Gì mà lắm luật lệ thế, tao làm bao nhiêu ở Việt Nam thì sao...
Tưởng như thế là yên vì thấy cụ nói xong vô nhà lấy nước uống trong khi anh Thục lái xe đi đón trẻ học giáo lý... Lúc về đến nhà đã thấy hai xe cứu hỏa đèn đỏ đèn vàng chớp nháy rối cả mắt lại thêm một xe cảnh sát tề tựu sẵn, người người nhốn nháo... Anh Thục biết chuyện không xong, chạy vội vô đàng sau thì thấy cụ Dung đang đứng ngớ ra trông thật tội nghiệp. Đống rác cháy gần hết được nhân viên cứu hỏa lấy vòi nước sau nhà xịt tắt ngấm... Biết ăn nói sao hơn, nhưng cũng may có anh cháu cụ Dung nhà gần đấy quen ông trưởng đội cứu hỏa chạy qua giải thích...
- Họ bảo đáng lý ra phải trả năm trăm nhưng không sao vì cháu quen. Họ chỉ cho giấy cảnh cáo...
- Những năm trăm cơ à, gì mà lắm thế! Cụ Dung gỡ gạc hầu trấn an sự lo sợ mấy ông mắt xanh làm phiền...
- Con đã nói với bố không đốt được, muốn đốt phải báo cho sở cứu hỏa... Anh Thục vẫn còn nhăn nhó khổ sở.
- Thì sao mày không báo...
- Con tưởng bố ngưng đốt định ngày mai gọi điện thoại báo cho họ rồi còn phải chờ họ trả lời chấp thuận hay không. Ai ngờ bố đốt sớm...
- Công nhận cỏ rác ở đây tốt thật, giá có con bê mà thui thì tuyệt...
- Thôi thôi bố ơi, bố mà thui bê là đi tù nữa chứ đừng nói chi phạt tiền...
- Tù gì, tao làm tội gì mà tù... Chúng mày chỉ hù bố... Cụ Dung vẫn còn cố vớt vát...
- Nói đến chuyện không hiểu luật lệ đã đành, cái tiếng Mỹ này thế mà khó học; cụ trùm vẫn nhẹ nhàng. Con dầu có tuổi rồi học chẳng được mà những ngày mới sang, sáng sáng cũng cứ phải cắp sách đi, trưa cắp sách về ngồi dương mắt ếch ra nhìn người ta nói, mặc dầu nhìn thì nhìn vậy còn tai lại chẳng khác gì vịt nghe sấm. Khi họ tập cho mình đọc chữ mới khó, uốn miệng đến trẹo quai hàm mà nó vẫn cứ trật. Nghĩ mà chết cười với cái anh Chủng, không đi học thì bị cúp tiền trợ cấp, học mãi không được anh ấy bày trò nói lái đi. Chữ người ta nói một đàng, anh ta đọc ra một nẻo thế mà lại được khen hay...
- Nói lái làm sao cụ trùm? Chị Duyên hỏi chêm vô.
- Thì chẳng hạn mâm đây, thớt đây, xắt tao ra là thứ hai, thứ năm và thứ bẩy; xé tan bà là tháng chín; nó băm bà là tháng mười một; đi xem bà là tháng mười hai...
Nghe cụ trùm kể về nỗi khó khăn học Anh ngữ khiến mọi người ôm bụng cười, cha Lành nhớ lại chuyện thuê hội trường Mỹ của một nhóm người Việt Công Giáo ở vùng nào đó miền Đông Bắc Mỹ. Mấy ông bà tổ chức chương trình văn nghệ cho ngày xum họp người Việt trong dịp tết ta tại hội trường của một nhà thờ Tin Lành. Chẳng biết ăn nói làm sao, lời người quen kể, cha con còn đang đờn địch tưng tưng thì ông từ nhà thờ đến đuổi ra để đóng cửa. Và thế rồi người này đổ tại người kia nhắng lên kèm theo những gương mặt bí xị vì chương trình chỉ mới diễn có một phần ba. Nhóm trẻ và mấy người xồn xồn không được "nhảy cỡn" đâm ra tức bực vì ngứa cẳng... càm ràm: "Học đến kỹ sư rồi mà chỉ ăn thì giỏi, nói chẳng nên hồn..." Mít nói tiếng Mỹ nó vậy đấy; anh ta kết luận.
- Tiếng Mỹ học thì thế đấy nhưng ma ranh người Việt mình có thừa, cụ trùm nói với giọng hãnh diện. Số là anh Chủng mua được miếng đất gần chân một ngọn đồi có dòng nước chảy qua ở phía cuối rồi kiếm đâu được mấy con vịt xiêm đem về định nuôi lớn lên đánh tiết canh. Chẳng ngờ sau này nó là bốn con vịt cái đến thời kỳ đẻ được mười mấy trứng. Hôm ấy thiếu người cắt cỏ ở khu khác nên anh bị chuyển đi bổ túc nơi một chiếc hồ ở công viên công cộng; có cả mười mấy con vịt xiêm vừa đực vừa cái mà chúng cứ chạy quẩn lấy người đòi ăn. Thấy mấy con vịt đực chạy loanh quanh trông đến thích mắt lại đang cần một con nhưng bắt thì không dám vì trong nhóm cắt cỏ chỉ có mỗi anh ta là người Việt nên định bụng cuối tuần đi bắt trộm. Đến hôm thứ bẩy, vừa lái xe tới thì trớ trêu có ngay một xe cảnh sát đậu chình ình không biết vì chuyện gì, anh ta nghĩ bụng, bỏ về cũng đã lỡ tốn công mà xông vào bắt vịt lỡ cảnh sát phạt thì phiền... Bí quá, anh ấy đến gặp ngay ông cảnh sát rở giọng ngọng trếu ngọng tráo bảo rằng anh ta có con vịt đực chạy theo mấy con vịt cái ở đây không biết làm sao mà đuổi nó về.
- Sao không bắt nó về? Người cảnh sát hỏi.
- Nhưng mà tôi sợ người khác bảo tôi ăn cắp.
- Mày bắt nó đi, tao coi cho... Thế là nhân viên công lực hăng hái canh chừng cho người ăn cắp lại còn tỏ vẻ tội nghiệp... Và từ đó anh Chủng mới có giống vịt xiêm thi thoảng lại tiết canh và tái vịt... Dân đây vậy đấy, giọng cụ trùm đều đều tiếp tục sau khi đổi giọng cho hợp vài câu đối đáp... Người ở đây nhiều mưu lắm chước nhưng giữ đạo rất đơn sơ, chỉ biết cha bảo sao nghe vậy chứ đọc kinh rang rang mà có chịu hiểu chi đâu. Cha và các ông các bà để ý mà coi; ai đời nào, kinh Trông Cậy họ đọc: "Xin Chúa chê, Chúa bỏ lời chúng con nguyện;" còn kinh Lạy Cha cũng chẳng cần suy nghĩ chi, chỉ quen thói "Xin Chúa để chúng con sa chước cám dỗ;" có người còn đọc "Xin cứ để chúng con sa chước cám dỗ." Bẩy Tội Bẩy Mối Có Bẩy Đức thì đọc "Thứ nhất khiêm nhường chớ kiêu ngạo; thứ hai rộng rãi chớ hà tiện; thứ ba giữ mình sạch sẽ trước khi dâm dục..." Mọi người cười phá lên thế mà cụ cứ lửng thửng nói tiếp: Đọc như vậy nào có được ơn ích gì. Từ từ rồi cha sẽ biết, lắm người làm dấu không nên hồn... đưa tay vỗ vào trán rồi lại đập liên hồi vào ngực vài cái, ấy là xong... trông quệch quạc không chịu được... giống như vẽ bùa. Xem họ bái quì mới ngượng ngạo làm sao... Người ta bái quì chân phải, đàng này không thèm để ý dù có người đã già rồi thế mà cứ chân phải đưa về phía trước nên xiên xiên xẹo xẹo chẳng ra đâu vào đâu... Ấy đạo hạnh thì thế đấy mà ăn nói lại ẩu tả gấp mấy lần... Cha và quí ông quí bà coi, có đời nào mà hôm ấy cha Thanh về nhà con chơi; chiều chiều, ngài ra bến tàu hóng gió biển nhân tiện muốn biết thêm dân chúng ở đây làm ăn ra sao. Cha và con đang đứng trên cầu gỗ để cột tàu thì bố con ông Duyệt lái ghe cặp bến sau khi cân tôm. Khi ông Duyệt xách thùng cá và thùng ghẹ lên cầu cha Thanh hỏi:
- Sao, chuyến này được khá không?
- Chẳng ăn thua gì cha ạ; con định ở ngoài biển thêm mấy ngày nữa nhưng thôi, về nghỉ...
- Thì đi biển rả lâu ngày nhớ con cháu cũng phải về xem chúng ra sao chứ...
- Nhớ gì con cháu đâu cha, nhớ con thì ít mà nhớ... vợ thì nhiều... Ô, con xin lỗi cha...
Giọng cụ trùm Huân vẫn đều đều kể mà không ai nhịn được cười... Tuy thế cụ vẫn không ngừng; người cười lại muốn nghe tiếp nên tiếng cười trở thành những nấc nghẹn đau cả cổ họng...
- Họ thế đấy, nói năng bạt mạng không biết kiêng nể gì ai. Có lần mấy ông cách mạng kháng chiến gì đó đi mời người tham dự buổi nói chuyện của ông học giả nào chẳng biết, về văn hóa văn học, họ đánh ngay câu trả lời:
- Học với hành cái gì, học thật còn chẳng ra gì huống chi học giả... Ông mò tôm bắt cá cần chi phải nhờ đến thứ học giả học giở đó...
- Cụ trùm có biệt tài kể chuyện; có lẽ khi nào làm văn nghệ cụ nên giúp một mục kể chuyện cho thêm phần hào hứng... Cha Lành buột miệng.
- Con già rồi làm văn nghệ văn gừng đâu có được thưa cha; giới trẻ bây giờ người ta tân tiến mới hợp thời. Hơn nữa, con chỉ kể lại những gì mắt thấy tai nghe ở quanh đây nào có chi lạ mà tài với giỏi...
- Điều này tôi nói thật tình mà. Tất cả những gì, khả năng nào mình có được đều là hồng ân Chúa ban cho nhưng ít người nhận ra mà trái lại hay cho đó là chuyện thường. Chẳng hạn, cũng những câu chuyện đó, tôi kể lại sẽ không ai cười trong khi cụ kể chẳng cần hoa hòe hoa sói thêm vô, có sao nói vậy mà chúng tôi không nín cười được. Cái tài nằm ở chỗ đó; có lẽ vì không để ý nên cụ chưa nhận ra chăng...
- Cha nói vậy để khuyến khích con thôi chứ đâu có ai nói thế bao giờ...
- Cụ trùm nói đúng, có thể đa số người ta cũng như cụ, có khi nào để ý đến chuyện này đâu. Chỉ có điều, nếu mình nhận ra những khả năng, tài vặt nơi mình là hồng ân Chúa ban cho và nếu có thể được, cố gắng phát triển rồi đem áp dụng trong những dịp thuận lợi giúp ích cho người khác, tặng cho họ đôi giây phút thoải mái vui tươi; đó là góp phần xây dựng cộng đồng... Khá nhiều người nói với tôi rằng họ sẵn sàng giúp nhưng không có khả năng hoặc chẳng biết giúp gì...
- Cha nói như thế sao nghe dễ dàng quá mà chúng con lại cứ cảm thấy nhiều khi vô tích sự mặc dầu muốn làm một chuyện gì cho cộng đồng này, ông phó Hiểu tiếp lời. Chẳng nói đâu xa, chính ngay con, làm phó chủ tịch mà có thấy việc chi để làm đâu... Thật ra, cái chức vị nghe oai lắm vì phó chủ tịch đại diện toàn dân, thế nhưng quanh đi quẩn lại chỉ thỉnh thoảng họp hành, khi nào rước phách thì tham gia tí tí... bởi có việc gì đâu mà làm...
Ông phó Hiểu đang nói lên thực trạng ít được chú ý nhưng có tầm mức liên hệ quan trọng đến điểm then chốt của nghề lãnh đạo. Dĩ nhiên, trong một cộng đồng có rất nhiều người với những khả năng khác biệt sẵn lòng tham gia giúp sức, mặc dầu cũng có nhiều khía cạnh cần được tìm hiểu để mời gọi họ làm việc như tính chất cá nhân, nhu cầu công việc... Thật cả một vấn đề phức tạp chợt hiện thoáng qua ý nghĩ... Cha Lành chậm rãi nâng ly cà phê, đôi mắt lộ vẻ đăm chiêu. Người lãnh đạo không phải là ông chủ mà là người thâu góp các tài năng sẵn có đặt vào môi trường sao cho hợp lý, hợp tình để thực hiện công việc. Một ông phó chủ tịch mà không biết phải làm gì thì chắc chắn ông ta đã không biết vai trò của mình như thế nào, khả năng mình ra sao. Như thế ông đâu có thể nhận ra khả năng người khác để nhờ vả những khi cần thiết... Có lẽ chính vì không biết chi nên người ta ham chuộng chức tước, danh vọng tầm thường, hão huyền... Chính họ không có thể tự nhận ra khả năng, cũng không ai nhìn thấy khả năng nơi họ để khuyến khích phát triển và xử dụng thì sao có thể nói đến người giúp việc, sự đóng góp xây dựng cộng đồng... Hèn chi có người cứ hiểu lầm hai tiếng đóng góp chỉ là đóng tiền... Mà đã không biết việc để thi hành thì lại càng không biết giải thích chi thu thế nào... Không giải thích được nhu cầu chi, ai sẵn lòng cho...
- Ông phó nói thế cũng phải, nhưng theo tôi nghĩ, hình như còn vài điểm nhỏ vô tình không được nhận ra để rồi mình không biết giá trị công việc cần thực hiện. Chẳng hạn nơi gia đình, quí ông bà biết mục đích của sự làm việc; đó là phương cách để kiếm tiền mưu sinh và nuôi sống gia đình. Có ngân quỹ, quí ông lại phải tính toán vấn đề chi tiêu cho hợp tình hợp lý, không phung phí để tránh những khi túng quẩn có thể xảy ra. Đó cũng là lý do tại sao có những người sắm nhà to, mua xe mắc tiền mà mình không làm như thế... Hơn nữa, có con cái, quí ông còn phải đặt vấn đề mình muốn cho con cái sau này ra sao nên tìm phương cách gầy dựng chúng. Tại sao có những vấn đề mình nghiêm cấm các con đồng thời lại có những trường hợp để con cái tự do quyết định. Chẳng những thế, quí ông bà còn đặt chương trình cho mười hay hai mươi năm sau cuộc đời mình sẽ như thế nào v.v... Cộng đồng dân Chúa cũng như một đại gia đình; có những công việc cấp thời cần giải quyết và đồng thời cần một phương thức sinh hoạt thăng tiến hướng về tương lai. Nơi một gia đình, người lo chuyện nọ, kẻ làm việc kia thì cộng đồng dân Chúa không thể thiếu các thành viên giúp đỡ để thực hiện những công việc đem lại lợi ích cho mọi người. Cộng đồng có nhiều công việc như giúp những người trẻ chuẩn bị hôn nhân, mục vụ, phụng vụ, giáo lý trẻ em v.v... do đó cần nhiều người với những khả năng chuyên môn để hoàn thành... Tất nhiên, quí vị nhận thấy rõ, cha không thể nào chu toàn hết mọi công việc nên vai trò của giáo dân rất quan trọng trong việc thăng tiến cộng đồng. Nhiều việc giáo dân có thể thực hiện được một cách dễ dàng nhưng cha lại không được chấp nhận làm chuyện đó. Thí dụ cụ thể nhất như chuyện xuống tàu đánh bạc cụ trùm vừa đưa ra, hoặc những trường hợp vì lợi ích phần hồn cho một số người ngại ngùng không muốn gặp cha, lại tùy hoàn cảnh và tùy trường hợp mà giáo dân có cơ hội khích lệ họ trở về với Chúa, giúp họ nhận thức thêm về đức tin v.v...
- Thưa cha, cụ trùm Huân lên tiếng, đức tin thì đi nhà thờ nghe các cha giảng dạy chứ chúng con nói thế nào được!
- Cụ trùm đi nhà thờ nghe cha giảng giải thêm đức tin nhưng chưa đủ. Trong trường hợp những người gặp hoàn cảnh rối rắm hôn nhân không đi nhà thờ sao có thể nghe cha giảng. Hơn nữa, cha đâu có thể đem trường hợp cá nhân ra nhà thờ mà mổ xẻ. Nếu làm như thế, đã chẳng sinh phúc lại nhiều khi sinh tội. Quí vị còn nhớ có lần cha Kình chỉ vì bực quá nói đụng đến ông gì đó ở đường Division "Tóc đã rụng hết thì liệu mà ăn mà nói kẻo còn mấy cái răng cũng đi theo" đã sinh muôn vàn phiền hà rồi hay sao! Những nố cha khó lòng gặp riêng tư để khuyên giải thì chỉ có giáo dân mới có thể làm được, dùng tình quen biết, bè bạn mà thực hiện sứ vụ tiên tri được lãnh nhận khi chịu Phép Rửa Tội. Quí vị thử nhớ lại coi, đức tin đâu phải là điều mình học được nơi sách vở, cũng không phải do ai nói cho mình biết mà do chính cuộc sống liên hệ cộng đồng. Sự truyền bá đức tin tự nơi cộng đồng, qua lối sống, sự tin tưởng lồng trong liên hệ giữa con người với con người khiến kẻ khác nhận biết đức tin. Đọc sách vở, nghe nói về đức tin nhưng không được kinh nghiệm thực tế cuộc đời minh chứng đức tin, đó chỉ là điều mình biết hoặc hiểu chứ không phải là đức tin. Đức tin là sự thể hiện minh chứng sự hiện diện của Chúa trong lối sống của một người chứ không phải lý thuyết người đó biết hay tuyên bố. Quí vị thấy rõ, phỏng chúng ta có chấp nhận được một người có cuộc sống chẳng ra gì huênh hoang về Chúa của họ không? Nếu có kẻ hợm hĩnh, miệng lưỡi lắt léo nói về điều ngay lành chân thật quí vị chắc chắn sẽ không cần để ý họ nói gì... Như vậy, chính lối sống của giáo dân trong liên hệ cộng đồng đang minh chứng đức tin Công Giáo cho mọi người chung quanh. Sự thăng tiến cộng đồng hay không tùy thuộc điểm then chốt này và những nghi thức rước kiệu, lễ lạy cũng bắt nguồn từ lối sống đức tin vào Chúa mà ra. Đồng ý rằng, những sinh hoạt tôn giáo biểu lộ đức tin nhưng không phải các sinh hoạt này tạo dựng đức tin mà chỉ khích lệ đức tin bởi vì đức tin là hồng ân Chúa ban cho từng người và đức tin của mình thế nào lại tùy mình. Chúng ta có bổn phận thể hiện đức tin qua lối sống; đó là sứ vụ chúng ta đã được lãnh nhận khi chịu phép rửa tội...
- Thưa cha, cứ theo như cha vừa nói, cụ trùm Huân có vẻ băn khoăn, thì từ xưa tới nay chúng con chưa sống đức tin sao? Vậy chứ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện không là sống đức tin thì chả lẽ chỉ là hình thức?
- Đồng ý với cụ là năng tham dự Thánh Lễ, đọc kinh thờ phượng Chúa là sự thể hiện đức tin trong cuộc sống nhưng chưa đủ. Như tôi vừa nói, đức tin cần phải được thể hiện qua cách ăn nói, đối xử, liên hệ. Thư thánh Giacôbê có đề cập đến (2:20): Đức tin không được thể hiện qua việc làm chỉ là vô dụng. Sống đạo không phải chỉ đọc kinh và đi nhà thờ mà thôi, cụ có thể nhận thấy ngay nơi mình ở, một số gia đình đi lễ hằng tuần rồi sống tách biệt, không tham gia chi hết với cộng đồng... để rồi cho rằng đạo nào cũng là đạo khi nói chuyện với những người khác... Thực ra, quan niệm như thế nói lên thiếu sự hiểu biết ít nhất là về đạo Công Giáo và càng không biết gì về các đạo khác. Đồng ý rằng chúng ta tôn trọng tự do tôn giáo của mọi người nhưng đạo Công Giáo không phải là đạo Phật hoặc đạo Thờ Ông Bà. Thế nên cho rằng đạo nào cũng là đạo có lẽ họ chỉ mang cái tên Công Giáo chứ chưa chắc đã có đức tin Công Giáo... Đó là lý do tại sao có câu "Theo đạo thì tin đạo, đừng tin kẻ có đạo."
- Con không ngờ vấn đề chẳng đơn giản chút nào; cụ trùm Huân nói với giọng ngập ngừng... Thú thực với cha, chính con là người hay dùng câu "Theo đạo thì tin đạo, đừng tin người có đạo" bởi đúng như cha nói, nhiều người con gặp nói về Chúa Mẹ thì tốt lành lắm lại còn lôi cả Chúa Mẹ ra mà thề nhưng không thể tin họ được... Vả lại, có lẽ đa số chúng con không hiểu rõ về đạo Công Giáo của mình nên cứ cho rằng đạo nào cũng như đạo nào vì suy luận đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành chứ đâu có đạo nào dạy làm điều ác...
- Có đạo dạy làm điều ác đấy cụ trùm ơi! Chị Duyên cắt ngang lời cụ trùm. Thế cụ đã nghe về đạo thờ quỉ đang hoành hành ở đất Mỹ này chưa?
- Thưa cha, ông phó Hiểu lên tiếng hỏi. Đạo thờ quỉ là để quỉ nhập vào mình giống như hồn nhập vào người lên đồng bên Phật giáo phải không cha?
- Nói chuyện kiểu này thì có lẽ quí vị và tôi chết đói mất thôi vì sẽ dây dưa sang nhiều vấn đề khác nữa mà chỉ còn có ba mươi phút tôi phải tới nhà cụ trùm Kiệm dùng cơm trưa. Tôi trả lời vắn tắt câu hỏi của ông phó như thế này: Đạo Phật do Đức Phật Buddha bên Ấn Độ sáng lập mà tiếng nhà quê gọi là ông Bụt truyền sang Việt Nam theo hai ngả Trung Hoa và Miến Điện hay Căm Bốt gì đó. Người theo kiểu cách từ Trung Hoa tu theo lối Đại Thừa còn lối kia gọi là Tiểu Thừa và mỗi thừa có luật kiêng cữ khác nhau; lối tu Tiểu Thừa có cuộc sống khắc khổ hơn Đại Thừa. Lên đồng không phải tự Phật Giáo mà đó là sản phẩm của thời kỳ suy sụp của Phật Giáo bên Trung Hoa vào khoảng đầu thế kỷ hai mươi. Trong thời kỳ này, "Phật Giáo đang rơi vào một tình trạng suy đồi trầm trọng. Những bậc cao tăng đạo hạnh thì ít nhưng các người mượn lốt áo tu hành như một nghề nghiệp để kiếm sống thì nhiều vô kể." (Làng Văn; số 107; 7, 1993; tr. 87). Phần lớn chùa chiền bên Trung Hoa ngày ấy không còn là những nơi có thanh quy mà chỉ là chốn tụ tập để làm tiền những người mê tín dị đoan, để cầu lộc hay cầu phước. Lên đồng là một trong những nghi thức đã được tạo ra như cúng kiếng, cầu đảo, cúng sao giải hạn v.v... Thực ra, Phật Giáo nguyên thủy chỉ là lý thuyết triết lý nhằm giải thoát con người khỏi mối ưu tư về những đau khổ cuộc đời như sinh, bệnh, lão, tử, mặc dầu không tuyên xưng rõ ràng có một Thượng Đế tuyệt đối... không có chuyện gọi hồn và lên đồng vì theo thuyết luân hồi, hồn đã chuyển sang kiếp khác sao còn có thể gọi và nhập được... Riêng đạo thờ quỉ tức là đạo thờ Satan có những điều lệ giết trẻ lấy máu tế quỉ trong trường hợp đặc biệt; bình thường, họ lấy máu súc vật như chó, mèo, dê vừa mới giết. Muốn gia nhập đạo này phải giết bố mẹ và người thân mình nhất. Có một điều đặc biệt, chỉ những ai chấp nhận cho quỉ có quyền hành trên mình, nghĩa là mình thần phục quỉ thì nó mới ảnh hưởng mình được. Còn không chấp nhận Satan có quyền trên mình, nó chẳng có thể làm chi mình hết. Điều này minh chứng quyền tự do của mỗi người chúng ta được Chúa ban cho rất quan trọng. Chính ngay Satan cũng không làm gì được ai nếu người đó không chấp nhận thần phục nó... Thôi, có lẽ để dịp khác nhiều giờ hơn mời cụ trùm và quí vị ghé nhà xứ mình nói chuyện tiếp... Bây giờ tôi phải sửa soạn tới nhà cụ trùm Kiệm, nếu không, mới lần đầu đã trễ chỉ bất lợi cho những công việc sau này...
- Thưa cha, vậy tại sao lại có nhiều người không chấp nhận quỉ mà nó vẫn nhập? Chị Duyên nói vội e không có cơ hội hỏi. Ngày xưa ở Việt Nam con được coi phim quỉ ám; nó nhập vào một linh mục đến nỗi ngài phải tự tử chết.
- Phim quỉ ám chỉ là loại có mục đích thương mại; chị thấy trên tivi đó, người ta ráp nối hình ảnh thế nào không được. Vấn đề quỉ nhập, chỉ những người tin vào nó, thần phục nó mới làm phiền được mà thôi; chính người bị quỉ nhập biết rõ họ đã làm gì để chấp nhận quỉ. Nói gì đâu xa, thời này chúng ta có cả tiền nhập nữa; không thế sao nói làm tôi đồng tiền... Thôi thôi để tôi dẹp mấy chiếc tách rồi còn đi cho kịp.
- Sao cha không mượn bà bếp nấu cơm khỏi phải đến nhà người ta ăn? Chị Duyên hỏi trong khi thu mấy tách cà phê, và cha tiễn mấy cụ ra cửa.
- Đây là cụ trùm Kiệm mời ăn trưa chứ không phải đến nhà cụ ăn thường xuyên. Hơn nữa, tiền thuê thơ ký làm việc còn chưa có lấy đâu mượn người làm bếp.
- Vậy chứ cả tuần rồi cha ăn ở đâu?
- Ai mời, ăn nhà nấy và thường thì McDonald và Hardee's vì mấy tiệm đó gần đây. Hôm nào lười lái xe thì ăn mì gói; bữa nào vui vui, trổ tài nấu bếp tự biên tự diễn.
- Cha nói gì tự biên tự diễn?
- Mình là đầu bếp, tự mình tiếp tân, sắp ly, sắp đĩa... rồi cũng chính mình là khách hàng không tự biên tự diễn thì còn ai vào đây! Vừa trả lời, cha Lành vừa bưng mấy chiếc tách vô bếp với chị Duyên.
- Cha cần phải có người nấu cơm, lỡ khi có chuyện cần kíp làm sao có giờ để nấu... Đi ăn nhà hàng vừa mất giờ vừa tốn tiền. Ra mấy tiệm McDonald hay Hardee's riết rồi xót ruột nuốt sao vô...
- Lâu dần cũng quen thôi, vả lại xưa nay sống với người Mỹ nên tôi không cảm thấy khác lạ. Có người nấu bếp nhiều khi lại gặp lắm cảnh phiền hà khó giải quyết. Đàng nào cũng thế, được đàng nọ thì mất đàng kia, không thể nào được tất cả mọi sự theo ý mình muốn bao giờ...
- Có người nấu ăn tiện lợi cho công việc của cha hơn chứ sao có thể gặp lắm cảnh phiền hà mà cha sợ?
- Thế chị chưa bao giờ nghe người ta nói "Bà bếp còn oai hơn má cha" sao?
- Đó là đối với người ngoài chứ đâu phải đối với cha.
- Nếu chỉ đối với người ngoài thì nói làm chi! Đối với cha ấy chứ! Cha Lành vừa pha xà bông rửa chén tách vừa kể. Tôi biết một cha ở vùng Ông Tạ, Sài Gòn ngày xưa thật là khổ sở với bà bếp. Vì bà nấu cơm cho ngài lâu rồi nên cho nghỉ thì cũng tội nghiệp nên cứ phải chấp nhận những cảnh trái tai gai mắt. Bà không muốn cho bất cứ ai gặp cha nhất là các chị hội Con Đức Mẹ. Cha thì đã già rồi chứ còn trẻ trung gì, ngài năm đó cỡ gần sáu chục tuổi. Bà bếp vào khoảng gần bẩy chục nhưng khổ nỗi lại lẩm cẩm kèm theo bịnh yên trí. Dạo đó tôi có dịp ghé thăm ngài và ở đó một tuần. Mới hôm đầu tiên bữa cơm có món cá bống kho tiêu ngon miệng, vô tình tôi lên tiếng khen lấy lòng. Bà vừa ra khỏi phòng ăn, cha xứ nói với tôi:
- Cậu vô tình làm khổ tôi rồi... khổ luôn cả cậu nữa.
- Thưa cha chuyện gì đã xảy ra?
- Cậu sẽ bị ăn cả tuần lễ cá bống kho tiêu... mà tôi thì đã ngấy lên tới cổ.
- Thưa cha...
- Ai mượn cậu khen lấy lòng! Những ngày đầu bà ấy làm cơm, tôi cũng vô tình khen món canh chua cá bông lau và thế rồi suốt cả tháng ngày nào cũng canh chua cá bông lau đến nỗi dù bà biết rõ tôi ăn không nổi mà vẫn còn yên trí là tôi chỉ thích món canh chua cá bông lau; bị như thế ba lần, tôi tởn mãi. Lần khác, một cha bạn về ở chơi một tuần, khen món thịt kho tộ và được luôn một tuần thịt kho tộ; giờ tới lượt cậu làm tôi bị vạ lây...
- Cha không nói cho bà ấy biết được à?
- Đâu phải tôi không nói nhưng nào có sửa đổi được gì với người đã mắc bệnh yên trí, có chăng chỉ thêm mất lòng. Đối với những người yên trí và có tính cố chấp chẳng lẽ mình cãi nhau với họ, thôi đành im lặng chịu trận cho xong. Thật ra, tôi biết cậu nghe thấy như vậy có vẻ ngỡ ngàng rồi đặt vấn đề tại sao cha không bảo, tại sao cha không nói... Tuy nhiên, không cha nào tránh thoát được những khó khăn đối với mấy người nấu ăn... Chẳng tật nọ cũng tật kia và chỉ có một đường giải quyết đó là im lặng chấp nhận, cố lờ đi như không có chuyện gì xảy ra...
- Sao các cha không thuê người khác? Tôi nhanh miệng hỏi.
- Tôi mới nói mà cậu đã vội quên; giọng ngài đầy vẻ nhẫn nhục, có kiếm người nào thì cũng gặp vài điểm khó khăn không thể tránh khỏi. Hơn nữa, không dễ chi kiếm được người nấu ăn phù hợp với cảnh nhà xứ... Gặp mấy người không biết giữ miệng lưỡi thì coi chừng con chiên bỏ đạo hết... vì các cha phải giải quyết cả trăm ngàn vấn đề nhưng lại không được nói cho người khác biết bởi đó là chuyện cá nhân hoặc những vấn đề nào đó dầu không quan trọng gì nhưng có thể làm giao động dân chúng. Cố gắng học đi, chừng nào cậu chịu chức linh mục sẽ có kinh nghiệm nhiều hơn và tha hồ mà giải quyết.
Và ngài đã nói đúng, suốt tuần đó không bữa nào là không có món cá bống kho tiêu...
- Thôi, con nghe thấy cha kể mà cũng sợ mấy bà nấu ăn nhà xứ. Mà sao các cha lại có thể chịu khó nhịn nhục vậy? Chị Duyên vẫn còn thắc mắc.
- Chẳng chịu cũng chẳng được; ông bà ta có câu "Trói lại mà đánh khen hay chịu đòn" chị không nhớ sao! Nói đến má cha, tôi còn biết chuyện một cha khác, hôm ấy mẹ ngài tới thăm... Bà cố thuộc gia đình khá giả, có con ăn đầy tớ ở Sài Gòn trong khi ngài lại đi tu cho địa phận Đàlạt. Chẳng hiểu có chuyện gì khiến các chú giúp lễ ở nhà xứ nô giỡn chạy rầm rập náo loạn cả lên mà cha lại bận họp hội đồng giáo xứ suốt cả buổi sáng mãi gần mười một giờ mới xong. Vừa về tới nhà xứ thấy bà cố đang răn đe mấy chú giúp lễ. Quay qua gặp ngài, bà cố than phiền về bà bếp thế nọ, thế kia... Nghe một lúc, cỡ gần nửa tiếng, ngài mới cất giọng khổ sở nói theo hơi thở:
- Má à, ở đây nếu con không hò hét, chê trách ai thì không ai có quyền hò hét chê trách người nào hết.
Buổi chiều hôm sau có chầu Thánh Thể ở nhà thờ, bà cố thấy mấy đứa trẻ không chịu giữ phép tắc lúc đọc kinh; ngứa mắt, bà nhéo tai cho mỗi đứa một cái đau điếng... Thế là nơi bữa cơm tối, bà cố kêu ca về mấy đứa trẻ ngỗ nghịch không biết trọng kính Chúa trong nhà thờ và quản giáo không có mặt để giữ trật tự đám trẻ... Bà cố nói quên cả ăn đến nỗi cha phải lên tiếng:
- Má à, con đâu phải là mấy ông quản giáo sao má cứ trách con! Con cũng nào phải là mấy đứa trẻ mà má la con dữ vậy...
Thế mà bà cố vẫn cứ lờ đi, nói tiếp:
- Cái thời này sắp đến ngày tận thế rồi nên chỗ nào cũng lộn xộn ngay cả trong nhà thờ... Kinh Thánh nói không sai, "Khi nào các con thấy thế giới này đảo lộn trật tự, trên trời có những điềm lạ, sấm chớp bên Đông nhẩy sang đàng Tây thì đó sắp đến ngày xét xử của thế giới..."
- Má à, cha nhắc bà cố lần nữa, mời má dùng cơm kẻo thức ăn nguội hết rồi. Kinh Thánh đâu có chỗ nào viết chớp bên Đông nhẩy sang đàng Tây...
- Các cha ngày xưa giảng như vậy. Kỳ đó tôi còn thời con gái, nghe các cha già giảng rằng chưa đến hai ngàn năm thì đã tận thế mà nay đã gần hết hai ngàn năm rồi...
- Má à, thôi má nói đủ rồi, mời má dùng cơm... Vậy chứ ai đang ngồi đây mà má nói các cha giảng chưa đến hai ngàn năm đã tận thế?
Bà cố định ở chơi một tuần nhưng vì "giảng" cha không nghe nên tức quá sáng hôm sau về lại Sài Gòn... Sự so sánh bà bếp với má cha bởi tự đó mà ra nhưng ít người biết vì thường người ta gọi má cha là bà cố...
- Cha kể vậy con cũng đủ sợ mấy bà "má cha" rồi. Thôi chào cha con về...
- Chào chị, cảm ơn chị đã giúp pha cà phê...

 

Buổi chiều, nhìn đoàn người từ khu chung cư tới nhà thờ trên lối nhỏ chắn ngang trước nhà xứ và chạy dọc theo cánh phải thánh đường, lòng cha Lành rộn lên niềm vui gặp lại được hình ảnh ngày nao nơi quê nhà; giáo dân lũ lượt tham dự rước kiệu trong những ngày lễ lớn... Nơi đất Mỹ mà được nhìn thấy những tà áo dài bay bay trước gió; mấy em nhỏ tốp năm, tốp ba vừa đi vừa nói, cười thong dong; gương mặt biểu lộ nét tươi vui theo đà chân bước là một niềm vui khó diễn tả; nó gợi lại ấn tượng ngày nao nơi đất Việt... kéo theo muôn ngàn tình cảm thân thương, hiền hòa giờ đã xa mà vết tích chỉ còn nằm trong trí nhớ... Có mấy cô chị cỡ chín, mười tuổi tay dắt em nhỏ, kiểu cách chăm sóc như bà mẹ tí hon dẫn đứa con ngây thơ tới nơi thờ phượng. Dân Việt chúng tôi, ngài thầm nghĩ, tình người được nuôi dưỡng từ tấm bé bằng những cách thể hiện tình yêu thương chị em với sự nâng đỡ bởi niềm tin. Bà mẹ nào đã khéo chọn cho con gái chiếc áo đầm mi nhon, hoặc những cánh áo dài xinh xắn quyện quanh chân chị chân em. Niềm vui tươi và ngây thơ của tuổi trẻ làm con đường im lìm trổi nét sinh động hòa nhịp với muôn màu sắc hàng vải. Gió hùa theo đùa cành lá, ngọn cỏ, vờn mái tóc, đem hương nhẹ của biển cả ngoài kia về làm dịu con nắng nực nội chiều hôm.
Về làm việc với cộng đồng nhỏ bé này được ba tuần, cứ chiều chiều nhìn đoàn người nối tiếp nhau tới nhà thờ, cha Lành lại cảm thấy lòng mình dạt dào niềm yêu thương gắn bó với dân Chúa. Những bước chân nhỏ bé kia đang từng bước biểu hiệu bao cố gắng đắp xây đức tin nơi toàn thể cộng đồng... Các em rời ghế nhà trường về tới nhà cỡ ba giờ, bốn giờ đã đang trên đường tới thánh đường đọc kinh cho kịp lễ vào lúc năm giờ chiều. Tuổi trẻ ham chơi mà biết lo lắng chuẩn bị dìu dắt nhau đi đọc kinh, dự lễ phải là kết quả của đức tin vững mạnh đang hoạt động nơi dân Chúa. Chẳng những thế, những bước chân của trẻ tới nhà thờ còn nói lên sự cố gắng để ý của cha mẹ chăm sóc thúc dục con cái trong việc thờ phượng. Lời cụ Tâm hôm nọ vọng lại: "Từ ngày cha về người ta đi lễ hằng ngày đông hơn và điều thích nhất là họ rước lễ cả nhà thờ." Câu nói đơn sơ nhưng khiến cha Lành ngỡ ngàng đồng thời cũng nhắc nhở ngài nên tìm hiểu tâm tình dân chúng để có cái nhìn phù hợp hầu mong giúp họ phát triển những gì cần thiết... Mới thoạt nghe cụ Tâm nói, ngài cho là thường vì giáo dân tham dự Thánh Lễ nào có chi lạ... Tuy nhiên, sự thắc mắc về lý do tại sao cụ đưa ra nhận xét nơi điểm này đã khiến cha Lành không dám coi nhẹ câu nói có vẻ bình dị ấy. Con dân Việt vốn ngoan đạo cớ sao cụ lại nói đến dự lễ và rước lễ? Vậy xưa nay con dân cộng đồng đi lễ ngày thường thế nào để giờ cụ cảm được niềm vui khi nhìn thấy người ta tham dự Thánh Lễ? Từ ngày được sai về, cha Lành chưa dám làm bất cứ chuyện gì mới, ngoại trừ hỏi ý kiến giáo dân và thay đổi giờ lễ chủ nhật cũng như ngày thường để họ có thể tham dự cho hợp giờ giấc hơn. Đàng khác, ban điều hành còn đang mải mê với sóng nước ngoài khơi kiếm của nuôi sống gia đình vì đang trong thời gian mở cửa hồ... Hằng ngày, cha Lành thường tới phòng áo cỡ nửa tiếng trước giờ lễ xem xét những gì cần chuẩn bị sau đó ra nhà thờ cùng với giáo dân đọc kinh đồng thời sẵn sàng chờ nếu có ai cần thì giải tội... Nào có chuyện chi to tát đáng kể!...
- Thưa cha, chúng con nhặt lá khô chung quanh nhà xứ được không?
Đang định bước qua văn phòng lấy cuốn kinh nhật tụng sau khi bật công tắc máy lạnh của nhà thờ, cha Lành nghe tiếng chuông reo ra mở cửa nhà xứ thì năm em gái cỡ chừng tám tới mười một tuổi đang đứng sẵn nhìn cha chờ câu trả lời trong khi một em lên tiếng hỏi khiến ngài hơi ngạc nhiên vì nhặt lá cây mộc lan cho sạch sân nhà xứ mà các em cũng phải hỏi ý kiến. Đã từ chiều hôm qua, ngài thấy quá nhiều lá mộc lan khô, chiếc nào chiếc nấy khá lớn rơi đầy nơi sân cỏ sau những cơn gió mạnh, định kiếm chiếc cào dọn cho sạch nhưng chưa kịp thì các em đến hỏi làm giúp...
- Sắp đến giờ đọc kinh rồi cha phải ra nhà thờ... Thế các con không định đọc kinh sao?
- Chúng con vẫn thường nhặt lá chung quanh nhà xứ trước khi lễ. Sau lễ chúng con phải về ăn cơm...
- Chúng con có biết chổi quét lá để đâu không? Chúng con cần những thứ gì nữa?
- Chúng con cần hai chiếc bao rác lớn và nước đá lạnh để uống...
- Các con nhớ đến giờ vô nhà thờ dự lễ nghe... Cha Lành đem ra hai bao đựng rác, bình nước lạnh và mấy chiếc ly, không quên dặn thêm các em trước khi ra nhà thờ.
Trời đương mùa nắng lại lắm gió khiến lá mộc lan rụng liên miên nên cứ hai ngày các em lại ghé qua nhặt lá cho sạch sân nhà xứ. Một hôm, đang lúc lễ, trong khi giáo dân đọc Thánh Thư và đáp ca thì nơi cuối nhà thờ có bóng mấy em gái phất phơ qua lại... nghĩ rằng những em đó đi lễ nhưng ham chơi không chịu vô nhà thờ, cha Lành sai chú giúp lễ xuống bảo các em nên vào ngồi nơi mấy hàng ghế. Thấy chú giúp lễ đi xuống dọc lối tường phía trái, mọi người thắc mắc nhìn theo nghĩ chắc có chuyện gì cần thiết xảy ra. Vừa khi chú bé xúng xính trong chiếc áo dài trắng xuống ngang mấy hàng ghế trên cùng gần gian cung thánh, cha Lành đã thấy hai em gái mở cửa kiếng phía trong bước vô hàng ghế gần cuối làm ngài chợt nhớ đó là mấy em nhỏ nhặt lá vô trễ cần phải rửa tay. Đồng thời sau đó các em lại ngoan ngoãn theo sau chú giúp lễ lên mấy hàng ghế trên...
Cảm thấy ăn năn vì đã không nhận ra các em nhặt lá đến nỗi nghĩ rằng mấy em nào đó nô đùa không chịu vô nhà thờ và sai chú giúp lễ nói khiến mọi người chú ý có thể gây nơi các em mặc cảm bị cha quở trách, cha Lành không biết phải giải quyết ra sao. Nếu chuyện lầm lẫn nào đó xảy ra trong trường hợp riêng biệt không ai biết tới thì chỉ cần vài lời giải thích nhỏ nhẹ là xong bởi nào ai chấp nhất với người đã biết mình lầm. Đàng này, mọi người trong nhà thờ đều thấy chú giúp lễ đi xuống cũng như các em theo lên... Thế rồi lỡ cha mẹ em nào đó không biết đấy là đâu nghĩ rằng con mình đã làm gì quá đến nỗi cha phải sai chú giúp lễ can thiệp như một sự răn đe rồi phiền trách các em thì hậu quả sẽ như thế nào... Các em rõ ràng bị oan vì sự lầm lẫn của cha; tất nhiên cha phải giải quyết... Cha Lành áy náy... Các em ngoan như thế và cho dù không phải lỗi của mình cũng thinh lặng chấp nhận sự nghĩ lầm của người khác không một lời biện minh, không tỏ thái độ chống đối... Mình đã sai, mình phải nói rằng sai... nhưng nói làm sao?... Có lần nghe ông cụ nào đó kể lại chuyện cha Yến, một linh mục có tuổi hiền từ nổi tiếng. Không hiểu hôm đó họp hành việc gì mà một ông trùm bất đồng ý kiến với cha. Dù cho lời qua tiếng lại giải thích nhưng ông trùm ra về với vẻ bất mãn. Ngay chiều cùng ngày, cha đi xe đạp tới nhà gặp ông trùm:
- Ông trùm giận tôi thật đấy à? Thôi, mọi sự có gì ông bỏ qua đi vì cha con mình giận nhau người ta sẽ cười cho.
Ông trùm nghe câu nói đơn giản và ngây thơ ấy không thể nào giận cha già Yến được nữa...
Nhớ lại chuyện này, cha Lành cảm thấy thơ thới vì đã có lối giải quyết. Và thế rồi ngay sau khi nói đôi lời cảm ơn mọi người đã tham dự Thánh Lễ, ngài tiếp:
- Riêng đối với mấy em gái nhặt lá khô quanh nhà xứ, cha đã nghĩ lầm các con nô nghịch vì quên không nhận ra các con vô trễ; từ nay các con nhớ vào nhà thờ sớm hơn. Cha cũng có lời khen các con bởi khi chú giúp lễ xuống nói, các con đã ngoan ngoãn không tỏ vẻ chống đối dù rằng không làm gì lầm lỗi. Tiện đây cha cũng có lời cảm ơn các con đã chịu khó, thay vì đi chơi mà lại giúp nhặt lá cho sạch nhà xứ.
Một trong mấy em nhặt lá đưa tay quệt nước mắt; không hiểu em khóc vì được cởi oan hay bởi cảm động vì được cha khen ngợi giữa nhà thờ? Cụ Lai gặp cha sau đó nói đôi lời an ủi:
- Cha đâu cần phải giải thích về chuyện mấy đứa con nít. Chúng nó làm ít thì chơi nhiều, đến giờ lễ rồi mà còn không chịu vô nhà thờ không bị quật cho là may.
- Cụ nói vậy chứ, các em còn nhỏ mà biết chịu khó giúp việc như thế chính thức phải khen thưởng... trong khi tôi đã hiểu lầm thì đó là lỗi tại tôi chứ nào phải tại các em...
- Cha mà làm như thế chúng nó sẽ được nê về sau khó dạy...
- Không sao đâu cụ, để rồi sau sẽ tính! Hiện giờ, các em còn tốt chán...
Miệng lo trả lời cụ Lai cho qua trong khi cha Lành nghĩ mình đã làm một việc đúng. Mặc dầu, là linh mục được giáo dân tôn trọng nhưng không phải vì thế mà có thể châm chước cho những sai lầm của mình. Trái lại, chấp nhận mình cũng có những sai lầm và dám thẳng thắn tuyên bố, người ta sẽ thông cảm và dễ tha thứ cho mình hơn. Đàng khác, nếu càng cố gắng che đậy hoặc biện minh cho sự sai lầm của mình, chắc chắn sẽ không được cảm phục mà có chăng chỉ đưa đến hậu quả tai hại không ai tin lời mình giảng dạy. Lúc chưa nói lời phân giải vì hiểu lầm mấy em, lòng mình bất an, áy náy; bây giờ, dầu có ai cho rằng nói lên mình đã lầm lẫn về mấy em là điều không nên thì sự thảnh thơi tâm hồn cũng đã quá đủ đền bù sự thiệt hại nếu có khi chấp nhận mình lầm lỗi. Lẽ đương nhiên, đã là người, đâu ai có thể tránh thoát được lỗi lầm. Bởi thế, vấn đề đáng được đặt ra lại là mình có nhận ra những điều không nên không phải của mình chăng để rồi từ đó tìm đường hướng cải thiện. Ngay nơi Thánh Lễ hay bất cứ nghi thức phụng vụ nào, bao giờ cũng được bắt đầu bằng sự xác nhận lỗi lầm của mình và xin Chúa cũng như mọi người tha thứ cho được xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh. Dù là trẻ em hay người lớn, linh mục hoặc giáo dân, mọi người đều phải được tôn trọng vì cùng là con cái Thiên Chúa. Xin được tha thứ lỗi lầm vì thiếu sót của mình chẳng những phạm đến Chúa, đến chính mình mà còn mang mối liên hệ phạm đến mọi phần tử Nước Trời, nhiệm thể Chúa Kitô là điều thiết yếu để sống xứng đáng hơn. Nếu chỉ một cái răng nhức đã gây liên hệ đến toàn bộ xác thân, cái đầu không suy nghĩ được, tay chân rụng rời ôm lấy miệng thì chấp nhận sự lầm lỗi để được tha thứ mang giá trị chữa lành toàn bộ Hội Thánh. Cha Lành đóng cửa nhà thờ lòng miên man với giá trị và ý nghĩa của sự thống hối đoạn từ từ bước vô hàng ghế ngồi đọc nốt phần kinh nhật tụng còn lại bởi mắc giải tội trước khi lễ.