Dịch giả:Huỳnh Phan Anh
Chương Hai

     nghĩ đầu tiên của Maigret là còng ông bạn về cơ quan, nhưng khi quay sang người tài xế, ông lại đổi ý.
- Đại lộ Rochechouart số mấy? - Ông hỏi Florentin.
- 55 bis... Tại sao thế?
- Tới 55 bis, đại lộ Rochechouart...
Chỉ cách mấy bước. Bất mãn vì phải ngừng sau một đoạn đường ngắn ngủn, anh tài xế càu nhàu trong kẽ răng.
Một bên là cửa tiệm một người lắp khung, bên kia là một quầy bán thuốc lá. Ở giữa, một ngõ cụt lát gạch không đều nơi người ta trông thấy một xe ba gác đẩy tay.
Cuối ngõ có hai xưởng lắp kính. Trong xưởng bên trái, một họa sĩ đang bận vẽ một cảnh nhà thờ Thánh Tâm hẳn nhiên là để bán cho khách du lịch. Ông ta sản xuất chúng hàng loạt cũng nên. Ông ta để tóc dài, râu cằm màu muối tiêu và thắt một chiếc cà vạt to tướng như mấy ông họa sĩ vô tài thời 1900.
Florentin móc ra xâu chìa khóa từ trong túi, mở cửa xưởng vẽ bên phải và Maigret cảm thấy oán hận ông ta đã làm hỏng đi những kỷ niệm thời trẻ của mình.
Trước khi người bạn học cũ tới, ông đã không hề nghĩ về trường trung học ở Moulins khi quan sát con ruồi đang đậu một cách ương ngạnh nơi góc cao phía trái của trang giấy đó sao?
Những chàng trai khác của lớp ông đã nên danh phận gì rồi? Ông đã không hề gặp lại một ai. Crochet, con trai của một công chứng viên hẳn đã thay cha nơi văn phòng của ông. Orban, hiền lành và mập khỏe, đã nói sẽ theo ngành y. Những người khác thì hẳn đã đi xa, tìm đến vùng trời nào khác trên đất Pháp hay ở nước ngoài.
Tại sao trong đám bạn, Florentin lại là người ông gặp trong những tình huống khó chịu như thế này?
Ông nhớ tới cửa hàng bánh ngọt mặc dù ông không thường bước vào đó. Bọn học sinh khác, tiền túi nhiều hơn, vẫn tập hợp nơi đó để ăn kem và bánh ngọt trong một bối cảnh lộng lẫy với những tấm gương và đá hoa, trong một bầu không khí ấm nóng và ngọt ngào. Với các bà trong thành phố, một cái bánh dứt khoát không ngon nếu nó không đến từ cửa hàng bánh ngọt của gia đình Florentin.
Giờ đây ông khám phá một nơi bán đồ cũ đầy bụi bặm và những khung kính hẳn nhiên là không được lau rửa bao giờ, chỉ có một thứ ánh sáng mờ nhạt xuyên qua.
- Tao xin lỗi về sự lộn xộn, lôi thôi...
Trong trường hợp này cụm từ người buôn đồ cổ có vẻ khoa trương quá đáng. Đồ đạc mà Florentin mua lại, chẳng ai biết từ đâu, chủ yếu là đồ cũ thiếu hẳn phong cách lẫn giá trị. Ông ta bằng lòng với việc phục chế chúng, đánh bóng chúng, tạo cho chúng một dáng vẻ hấp dẫn hơn đôi chút.
- Mày theo cái nghề này lâu chưa?
- Ba năm.
- Trước đó?
- Tao ở trong ngành xuất khẩu...
- Xuất khẩu cái gì?
- Gần như tất cả mọi thứ... Đặc biệt đến các nước châu Phi...
- Và trước đó nữa?
Bấy giờ với vẻ mặt xấu hổ, Florentin thì thầm:
- Mày biết, tao đã thử gần như tất cả... Tao không muốn trở thành người làm bánh và kết thúc cuộc đời tao tại Moulins... Chị tao đã lấy một người làm bánh và họ tiếp tục công việc...
Maigret nhớ đến người chị với bộ ngực nở nang sau quầy hàng màu trắng, ông đã không si tình nàng chút chút đó sao? Nàng tươi mát và vui vẻ, như mẹ nàng mà nàng rất giống.
- Tại Paris, không dễ gì giữ mình cho vẹn toàn. Tao đã nhiều phen thăng trầm...
Maigret đã biết nhiều kẻ từng lên voi xuống chó lên trong những áp phe phi thường và sụp đổ ngay sau đó như những tòa lâu đài bằng giấy bồi và họ không ngừng lướt qua các song sắt nhà tù. Những con người luôn kêu gọi bạn một phần hùn hàng trăm nghìn frăng để xây dựng một bến cảng tại một đất nước xa xôi và cuối cùng đành phải bằng lòng với một trăm frăng để khỏi bị tống ra khỏi cửa căn nhà thuê.
Florentin đã gặp Josée. Với cái xưởng của ông ta như thế, điều hiển nhiên là ông ta không sống bằng đồ đạc bán được.
Maigret đẩy một cánh cửa mở hé và khám phá một gian phòng chật chội, không cửa sổ, với một cái giường sắt, một cái chậu rửa mặt và một cái tủ khập khiễng.
- Mày ngủ ở đây à?
- Chỉ ngày thứ năm thôi...
Ngày thứ năm còn thuộc về ai nữa? Người duy nhất, mỗi tuần một lần, qua đêm tại đường Notre Dame de Lorette.
- Fernand Courcel - Florentin giải thích - Hắn là bạn của Josée trước tao... Mười năm trước, hắn đã đến với nàng và họ cùng ra phố... Bây giờ thì hắn ít tự do hơn, nhưng chiều thứ năm hắn có một lý do để ở lại Paris.
Maigret nhìn các góc phòng, mở những ngăn kéo, những cái tủ không theo kiểu nào mà lớp vécni đã biến mất. Ông không thể nói đúng ra mình tìm kiếm cái gì. Một chi tiết khiến ông lo nghĩ.
- Mày đã nói với tao là Josée không có tài khoản trong ngân hàng à?
- Đúng. Dù sao đó là theo chỗ tao biết.
- Nàng dè chừng các ngân hàng lắm à?
- Có chuyện đó... Nhất là nàng không muốn người ta biết được các khoản thu nhập của mình, vì chuyện thuế má ấy mà...
Maigret khám phá một ống tẩu cũ kỹ.
- Lúc này mày hút ống tẩu à?
- Ở nhà nàng thì không... Nàng không thích mùi... Tao chỉ hút ở đây thôi...
Một bộ comlê xanh treo trong một cái tủ quê kệch, cùng những cái quần mặc lúc lao động. Mấy cái áo sơ mi, ba hoặc bốn và ngoài một đôi giày vải đế gai, phủ đầy mạt cưa, chỉ có độc một đôi giầy.
Cô nàng phóng đãng nhớp nhúa Joséphine Papet hẳn phải có tiền. Nàng có hà tiện lắm không? Nàng có dè chừng Florentin, kẻ dám nhanh chóng ăn của nàng đến đồng xu cuối cùng?
Ông không tìm ra được điều gì đáng kể và ông hầu như hối tiếc đã đến đây, bởi cuối cùng ông chỉ thấy thương hại người bạn học cũ của mình. Từ ngoài cửa, dường như ông trông thấy một mẩu giấy trên một cái tủ. Ông trở lại, bước lên một chiếc ghế rồi lại bước xuống, tay cầm một cái gói hình chữ nhật bọc bằng giấy báo.
Mồ hôi đổ giọt trên trán của Florentin.
Tờ báo mở ra, ông Cảnh sát trưởng phát hiện một hộp bánh quy bằng sắt tây, hãy còn nhãn hiệu màu đỏ và vàng. Khi ông mở nó ra, dưới mắt ông là những xấp giấy bạc một trăm frăng.
- Đó là tiền dành dụm của tao...
Maigret nhìn ông ta như thể không nghe ông ta nói gì. Ông ngồi trước bàn thợ để đếm những xấp giấy bạc. Có bốn mươi tám tờ.
- Mày có thường ăn bánh quy không?
- Thỉnh thoảng...
- Mày có thể cho tao xem một cái hộp khác không?
- Lúc này tao nghĩ rằng không có...
- Tao đã trông thấy hai cái, cùng nhãn hiệu, ở đường Notre Dame de Lorette...
- Dĩ nhiên tao đã lấy nó ở đó...
Ông ta luôn nói dối, vì bản năng hay vì thích đùa. Ông ta có nhu cầu kể những câu chuyện và chúng càng khó tin bao nhiêu thì ông ta càng tỏ ra táo bạo bấy nhiêu. Duy lần này tiền đặt quá to.
- Tao hiểu vì sao mày đã đến cơ quan tao ở Quai des Orfèvres gặp tao vào lúc năm giờ...
- Tao đã lưỡng lự... Tao sợ người ta buộc tội tao.
- Mày đã đến đây...
Ông ta vẫn chối, nhưng ông ta đã bắt đầu lúng túng.
- Mày có muốn tao đi hỏi ông họa sĩ ở bên cạnh không?
- Hãy nghe đây, Maigret...
Môi ông ta run run. Chừng như ông ta sắp khóc và trông chẳng đẹp tí nào.
- Tao biết rằng không phải lúc nào tao cũng nói sự thật. Chuyện này quá sức tao. Mày còn nhớ những câu chuyện tao bịa để giúp vui các bạn... Hôm nay tao van mày hãy tin tớ: Không phải tao là người đã giết Josée và đúng là tao đang ở trong tủ treo áo khi chuyện đó xảy ra...
Cái nhìn của ông ta có vẻ cảm động, nhưng ông ta đã không quen đóng kịch là gì?
- Nếu tao giết thì tao đã không đến nói chuyện với mày...
- Vậy thì tại sao mày không nói lên sự thật cho tao nghe?
- Sự thật nào?
Ông ta bắt đầu câu giờ. Ông ta quanh co.
- Vào lúc ba giờ chiều hôm nay, cái hộp sắt tây hãy còn ở đường Notre Dame de Lorette. Đúng không?
- Đúng...
- Rồi sao?
- Thật dễ hiểu... Josée không còn quan hệ với gia đình nàng... Người chị độc nhất của nàng thì ở Maroc nơi ông chồng đang trồng cam quít...
- Mày đã lợi dụng điều đó để ôm tiền đi chứ gì?
- Mày nói sống sượng quá, nhưng tao vẫn tự đặt mình vào chỗ của mày... Cuối cùng tao không làm hại ai cả... Tao sẽ trở thành cái gì đây khi không có nàng?...
Maigret nhìn ông ta đăm đăm, bị giằng co giữa những tình cảm mâu thuẫn nhau.
- Mày đến đây...
Trời nóng bức, ông thấy khát, ông thấy mệt mỏi, bất mãn với mình lẫn người khác.
Khi rời khoảng sân, ông ngập ngừng, cuối cùng xô người bạn học cũ vào quầy bán thuốc lá.
- Hai cái đờ-mi. - Ông gọi.
- Mày có tin tao không?
- Chốc nữa chúng ta sẽ trở lại chuyện đó...
Maigret uống hai cái đờ-mi. Sau đó ông tìm một chiếc tắc xi. Đó là lúc xe cộ đông đúc và họ phải mất nửa tiếng mới đến được Sở Cảnh sát Tư pháp. Bầu trời xanh ngát, trĩu nặng, các thềm quán cà phê đều đông kín và người ta thấy nhiều người đàn ông chỉ mặc áo sơ mi, áo vét trên cánh tay.
Ông trở về phòng làm việc của mình khi nắng đã dịu và bầu không khí đã mát lại.
- Mày hãy ngồi xuống đi... Mày có thể hút thuốc...
- Cám ơn... Mày biết không, tao cảm thấy buồn cười làm sao trong tình huống phải đối mặt với một người bạn học cũ...
- Tao cũng thế. - Maigret vừa lẩm bẩm vừa nhồi thuốc vào ống tẩu.
- Cảm giác của mày thì khác...
- Quả thực...
- Mày phê phán tao nghiêm khắc lắm, phải không? Có lẽ mày cho tao là tên thô bỉ...
- Tao không phê phán mày. Tao thử tìm hiểu thôi.
- Tao yêu nàng...
- À!
- Tao không cho đây là mối tình lớn và tụi tao không nghĩ tụi tao là Roméo và Juliette...
- Quả thực tao chẳng thấy Roméo nào lại trốn trong tủ treo áo... Mày vẫn thường làm việc đó hả?
- Chỉ ba bốn lần thôi, khi có ai bất chợt đến...
- Các ông đó biết có mày trên đời này không?
- Đương nhiên là không...
- Mày không bao giờ gặp họ sao?
- Tao đã trông thấy họ... Tao muốn biết mặt mũi họ ra sao và tao đã đợi họ ở ngoài đường... Mày thấy là tao nói chuyện rất thẳng thắn với mày...
- Mày không có ý định dọa phát giác họ đấy chứ? Tao giả định họ là chồng, là cha trong gia đình...
- Tao xin thề với mày...
- Mày hãy ngưng việc thề thốt đi, được không?
- Được rồi. Nhưng biết nói sao khi mày không tin tao...
- Sự thật...
- Tao không dọa phát giác ai trong bọn họ cả. Tao bằng lòng với cuộc sống nhỏ nhoi, khiêm tốn của tụi tao... Tao không còn trẻ nữa. Tao đã lặn lội đó đây quá nhiều và tao chỉ mong được sống yên thân và bình lặng... Josée đã đem lại cho tao sự thoải mái và dành cho tao những chăm sóc nho nhỏ...
- Có phải chính mày đã đề nghị nàng mua một chiếc xe không?
- Tụi tao cùng nghĩ tới chuyện đó... Có thể tao đã nói điều đó trước chăng?...
- Ngày Chủ nhật hai người đi đâu?
- Bất luận đâu, vào thung lũng Chevreuse vào rừng Fontainebleau, thỉnh thoảng - hiếm khi hơn, ra bờ biển...
- Mày biết nàng cất tiền ở đâu chứ?
- Nàng không giấu chuyện đó với tao... Nàng tin tưởng hoàn toàn... Mày nói đi, Maigret, vì lý do gì tao phải giết nàng chứ?
- Hãy giả định rằng nàng đã mệt mỏi với mày...
- Sự thật ngược lại. Nếu nàng dành dụm, đó là để một ngày nào đó hai đứa tao có thể về sống tại miền quê... Mày hãy tự đặt mình vào chỗ của tao...
Maigret không khỏi nhăn mặt.
- Mày có một khẩu súng lục chứ?
- Có một khẩu súng lục đã cũ trong tủ nhỏ đầu giường. Tao đã tìm thấy nó trong một món đồ mà tao đã mua trong lần người ta bán công khai cách đây hơn hai năm.
- Với những viên đạn của nó chứ?
- Nó được nạp đạn, đúng rồi...
- Và mày đã mang nó tới đường Notre Dame de Lorette, phải không?
- Josée thì nhát gan và để cho nàng yên lòng, tao đã để nó trong tủ nhỏ đầu giường...
- Vũ khí đó đã biến mất...
- Tao biết... Tao cũng đã tìm nó...
- Tại sao?
- Ngốc thật, tao đã hiểu ra... Tất cả những gì tao làm, tất cả những gì tao kể đều ngốc cả... Tao thành thật quá... Lẽ ra tao nên gọi dây nói tới đồn cảnh sát ở phường và chờ đợi thì tốt hơn... Tao có thể kể bất luận chuyện gì, rằng tao vừa mới tới và trông thấy nàng đã chết...
- Tao đã hỏi mày một câu... Tại sao mày đi tìm khẩu súng lục?
- Để thủ tiêu nó... Tao có thể ném nó xuống cống hoặc xuống sông Seine... Khi nó thuộc về tao, người ta không khỏi buộc tội tao... Và mày thấy tao có lý chứ, bởi chính mày...
- Tao vẫn chưa buộc tội mày mà...
- Nhưng mày đưa tao về đây và mày không tin những gì tao nói... Có phải tao đang trong tình trạng bị bắt giữ không?
Maigret nhìn ông ta, ngập ngừng. Ông có vẻ trầm trọng, đăm chiêu.
- Không. - Cuối cùng ông buột miệng.
Ông đánh liều, ông biết thế, nhưng ông cảm thấy mình không có can đảm hành động cách nào khác.
- Mày định làm gì khi bước ra khỏi nơi này.
- Dù sao tao vẫn phải ăn một chút gì đó... Sau đó tao sẽ đi ngủ...
- Ở đâu nào?
Florentin ngập ngừng.
- Tao không biết... Tao nghĩ tốt hơn hết là tao đừng tới đường Notre Dame de Lorette...
Có phải đó là vì vô ý thức?
- Có lẽ tao buộc phải ngủ ở đại lộ Rochechouart...
Trong gian phòng nhỏ không cửa sổ, ở cuối xưởng, trên một chiếc giường không có cả tấm ra mà chỉ độc một cái chăn xám cũ kỹ và xù xì.
Maigret đứng dậy và bước vào phòng thanh tra. Ông đứng sau Lapointe, đợi anh kết thúc cuộc điện đàm.
- Tôi có một người trong phòng tôi, một người cao và gầy... Ông ta cỡ tuổi tôi, trông bệ rạc. Ông ta ở cuối một cái sân, số 55 bis đại lộ Rochechouart... Tôi không biết ông ta sẽ làm gì và đi đâu khi rời khỏi nơi này... Tôi muốn anh đừng mất dấu ông ta... Ban đêm anh hãy thu xếp với một bạn đồng sự... Và sáng mai, một người khác tiếp tục công việc.
- Không nên để ông ta biết mình bị theo dõi, đúng không, thưa sếp?
- Tốt hơn hết là ông ta không nên biết, nhưng điều đó cũng không quan trọng lắm đâu... Ông ta tinh ma như một con khỉ và thế nào ông ta cũng ngờ chuyện đó thôi...
- Được rồi, thưa xếp... Tôi sẽ đợi ông ta trong hành lang...
- Tôi chỉ nói chuyện với ông ta vài phút nữa thôi.
Khi Maigret đẩy cửa bước vào, Florentin vội vàng lùi lại và cố giữ vẻ tự nhiên.
- Mày nghe chứ?
Florentin ngập ngừng, cuối cùng kéo dãn cái miệng rộng của ông ta ra trong một nụ cười trông khá thảm hại.
- Mày làm gì ở vào chỗ của tớ?
- Mày đã nghe rồi chứ?
- Không đầy đủ...
- Một trong những viên thanh tra của tao sẽ theo dõi mày. Nếu mày thử tìm cách lủi trốn, tao báo cho mày biết là tao sẽ gửi dấu hiệu nhận dạng của mày cho toàn ngành cảnh sát và tao sẽ nhốt mày...
- Tại sao mày lại nói với tao như thế, Maigret?
Ông Cảnh sát trưởng suýt yêu cầu ông ta đừng gọi mình bằng tên và đừng xưng hô mày tao với ông nữa. Ông không có can đảm làm chuyện đó.
- Mày định đi đâu?
- Bao giờ?...
- Mày ngờ rằng có một cuộc điều tra và mày sẽ bị tình nghi... Nếu mày đã giấu tiền không kỹ đó là vì mày không có thì giờ để tìm ra một chỗ tốt hơn để cất một cách an toàn... Và mày đã nghĩ đến việc gặp tao, phải không?
- Không... Trước tiên tao định đến cảnh sát...
- Chứ không phải định rời nước Pháp trong khi người ta khám phá xác chết à?
- Chỉ một giây phút...
- Điều gì ngăn cản mày trong việc đó?
- Người ta có thể xem việc trốn chạy của tao là một bằng cớ tội ác của tao và tao sẽ bị dẫn độ... Sau đó tao có ý nghĩ tới đồn cảnh sát phường, rồi bất chợt tao nhớ đến mày... Tao vẫn thường đọc thấy tên mày trên báo... Mày là người duy nhất trong cả lớp đã trở thành gần như nổi tiếng.
Maigret nhìn ông ta, vẫn với vẻ chăm chú như thể người bạn học cũ của ông đang đặt ra cho ông một bài toán nan giải.
- Người ta cho rằng mày không tin vào những cái vẻ bên ngoài và mày luôn đi tới tận cùng sự thật... Vì vậy mà tao hy vọng mày sẽ hiểu... Tao bắt đầu tự hỏi mình có lẩm cẩm không... Mày hãy nói thật rằng mày tin tao có tội...
- Tao đã nói với mày rằng tao không tin gì cả...
- Lẽ ra tao không nên mang tiền đi... Ý tưởng đã đến với tao vào phút chót, khi tao đã ở ngoài cửa...
- Thôi mày đi được rồi...
Hai người đang đứng và Florentin ngập ngừng trong việc đưa bàn tay ra. Có thể để tránh cái cử chỉ đó mà Maigret rút chiếc mù soa từ trong túi và chấm mồ hôi.
- Ngày mai tao sẽ gặp mày chứ?
- Có thể...
- Chào nhé, Maigret
- Chào...
Ông không nhìn Florentin bước xuống cầu thang với Lapointe đang bước theo.
Ông cảm thấy không hài lòng với mình mà không có lý do xác đáng. Với mình lẫn với người. Người ta đã làm hỏng một ngày của ông cho đến năm giờ chiều hãy còn dễ chịu làm sao trong sự uể oải của nó.
Mớ hồ sơ vẫn nằm trên bàn của ông, chờ ông xem và ghi chú. Con ruồi đã biến mất, có thể vì hờn dỗi mà nó đã bay đi.
Ông gọi số của mình, ở đại lộ Richard-Lenoir.
- Em đấy à?
Một thói kỳ quặc, bởi ông đã nhận ra ngay giọng vợ ông.
- Anh không về dùng cơm chiều à?
Bà vẫn có thói quen như thế đến đỗi nó biến thành phản xạ đầu tiên khi ông gọi dây nói về nhà.
- Đúng là anh đang sửa soạn về đây. Có gì ăn không em?... Tốt... Tốt lắm... Trong nửa tiếng nữa nhé?...
Ông vào phòng thanh tra nơi chỉ còn ít người trong nhóm. Ông ngồi vào chỗ của Janvier, viết mấy chữ để yêu cầu anh gọi dây nói cho ông ngay khi anh trở về.
Ông vẫn còn thấy khó chịu. Đây không phải là một vụ như bao nhiêu vụ khác và việc Florentin là một thứ bạn thời thiếu niên không dàn xếp được gì.
Có những con người khác, những người đàn ông luống tuổi đang giữ những địa vị ít nhiều quan trọng. Mỗi người, về phía mình, đang sống một cuộc sống bình thường, yên ổn trong gia đình.
Trừ một ngày trong tuần! Trừ một số giờ họ trải qua trong căn hộ êm đềm của Joséplline Papet.
Sáng mai, các tờ nhật báo sẽ xông vào câu chuyện và họ sẽ bắt đầu run sợ.
Ông thoáng có ý tìm đến trụ sở Ban căn cước để hỏi xem Moers đã thu được kết quả gì chưa. Cuối cùng ông nhún vai và chụp lấy mũ của mình.
- Hẹn ngày mai, các bạn...
- Ngày mai, thưa sếp...
Ông bước đi trong đám đông đến Châtelet và nối đuôi chờ xe buýt.
Trông thấy ông, bà Maigret đã biết ngay ỉà ông đang có chuyện bực mình và bà không khỏi nhìn ông dò hỏi.
- Một câu chuyện bực mình, ông vừa càu nhàu vừa bước vào nhà tắm để rửa tay.
Sau đó, ông cởi áo vét, nới lỏng cà vạt.
- Một người bạn cũ bị kẹt cứng trong một tình huống rất khó khăn... Chưa kể hắn sẽ không được cảm tình của một ai...
- Một vụ giết người?
- Phát đạn súng lục... Người đàn bà đã chết...
- Ghen tuông à?
- Không... Không phải nếu chính hắn là người nổ súng...
- Không chắc là hắn đấy chứ?
- Ngồi vào bàn đi. - Ông thở dài như đã nói quá nhiều về chuyện này.
Mọi cánh cửa sổ đều mở, ánh sáng vàng vọt bởi mặt trời lặn. Có món gà giò nấu rau thơm, phủ măng tây mà bà Maigret làm ngon tuyệt.
Bà mặc một chiếc áo dài vải bông lấm chấm hoa mà bà rất thích khi bà ở nhà và điều đó tạo cho bữa ăn chiều một vẻ thân mật đậm đà.
- Chiều nay anh có phải đi đâu không?
- Có lẽ không. Anh đang đợi một cú điện thoại của Janvier.
Chuông điện thoại reo đúng lúc ông kê muỗng vào nửa quả dưa tây.
- Alô, đúng... Tôi đang nghe cậu đây, Janvier... Cậu từ cơ quan về đấy hả?... Cậu có tìm ra được điều gì không?
- Gần như không, thưa sếp... Trước tiên tôi đã hỏi chuyện hai nhà buôn ở tầng trệt... Bên trái là một cửa tiệm bán quần áo lót của phụ nữ, tiệm Eliane... Quần áo lót của phụ nữ thì khó tìm ở đâu khác ngoài Monmartre... Dường như du khách rất thích vào đó... Hai cô gái, một cô tóc vàng và một cô tóc nâu, đi đi lại lại trong đó... Khi tôi mô tả Florentin và người chết, họ nhận ra ngay... Josée cũng là một khách hàng của tiệm này mặc dù cô ta chẳng ưa gì loại quần áo lót kiểu cách... Dường như cô ta là một người đàn bà quyến rũ, trầm tĩnh, vui tính với dáng vẻ của một phụ nữ tiểu tư sản đỏm dáng và dễ thương... Họ biết Florentin sống với cô ta và họ cũng rất yêu cô ta... Họ còn thấy cô ta có vẻ quý phái... Một thứ quý phái sa sút, theo lời họ... Họ phần nào căm ghét Josée bởi họ đã trông thấy cô ta có lần ra phố với ông tình nhân ngày thứ tư...
- Frangois Paré hả? Người ở Bộ Công chánh, phải không?
- Chắc thế... Như vậy, họ biết ông ta đến thăm ai mỗi tuần, gần như luôn luôn vào cùng giờ... Ông ta lái một chiếc Citron đen và lúc nào ông ta cũng tìm một chỗ đậu một cách khó khăn... Luôn luôn ông ta mang tới một hộp bánh...
- Hai cô gái còn biết những người tình khác chứ?
- Họ chỉ biết ông ngày thứ năm, người kỳ cựu nhất... Từ nhiều năm rồi ông đến đường Notre Dame de Lorette và họ có cảm giác ông ta đã sống nhiều tuần lễ trong căn hộ cách đây lâu lắm rồi... Họ gọi ông ta là ông to con... Ông ta có khuôn mặt bé con, tròn trịa và hồng hào, với đôi mắt sáng... Gần như hằng tuần, ông ta đều ra phố với cô ta để đi ăn và dĩ nhiên sau đó đi xem hát... Tối hôm đó hẳn ông ta phải ngủ trong căn hộ, bởi có hôm ông đã chỉ lại lên đường rất muộn vào buổi sáng.
Maigret xem những ghi chép của mình.
- Đó là Fernad Courcel, ở thành phố Rouen... Ông ta có nhiều văn phòng tại Paris, đại lộ Voltaire... Còn những người khác thì sao?
- Họ không nói gì về những người khác và họ tin rằng chính Florentin là người bị lừa dối...
- Rồi sao nữa?
- Cửa hàng bên phải là Tiệm Giày Martin... Tiệm này tối tăm và rất sâu... Việc bày hàng không cho phép người ta nhìn những gì đang xảy ra ngoài đường nếu không đứng sau cửa kính...
- Cậu cứ nói tiếp.
- “Ở tầng một bên trái, một nha sĩ... Ông ta không biết gì... Ông ta đã từng chăm sóc cho Josée bốn năm trước. Cô ta tới ba lần để trám răng... Bên phải, một đôi vợ chồng già gần như không bao giờ ra ngoài... ông chồng từng làm việc cho Ngân hàng Pháp, tôi không biết với chức vụ gì... Người con gái đã lập gia đình, vẫn cùng chồng và hai con đến thăm họ mỗi chủ nhật. Căn hộ nhìn xuống sân, lúc này không có ai... Những người thuê đang ở Ý từ một tháng nay... Người chồng và người vợ làm việc trong ngành nhà hàng...
Tầng hai... Một bà may áo coọc xê theo sự đặt hàng của từng người... có hai cô gái làm việc với bà... Họ thậm chí không biết có Josée Papet trên đời này...
Bên kia thềm nghỉ của cầu thang, một người đàn bà với ba con, đứa lớn nhất chỉ mới lên năm... Ở đây khá ồn. Đúng là phải hét lên mới nghe được với những tiếng ầm ĩ của trẻ con...
Thật ghê tởm, bà ấy đã nói với tôi. Tôi đã viết thư cho ông chủ... Ông xã tôi không muốn nhưng tôi vẫn cứ viết... Ông ấy không muốn có chuyện lôi thôi. Người ta không thể làm cái nghề đó trong một ngôi nhà tử tế, đàng hoàng, nơi có nhiều trẻ con... Gần như mỗi ngày đều có một ông và tôi nhận ra họ qua cách nhận chuông của họ.
Ông ‘xi cà que’ đến rất sớm vào ngày thứ Bảy, ngay sau bữa ăn trưa... Người ta dễ dàng nhận ra bước chân ông ta... Ngoài ra ông ta nhấn chuông có nhịp có nhàng. Con người ngốc nghếch đến tội nghiệp! Có thể ông ta nghĩ mình là người độc nhất...”.
- Cậu không biết thêm điều gì khác về con người đó?
- Ông ta tuổi trạc năm mươi và đi tắc xi đến...
- Còn người tóc hung?
- Đó là một người mới... Hắn chỉ tới lui căn hộ từ vài tuần nay... Hắn trẻ hơn tất cả những người khác, khoảng từ ba mươi đến ba mươi lăm tuổi và hắn bước lên cầu thang bốn bậc một...
- Hắn có chìa khóa không?
- Dạ không. Không ai có chìa khóa cả, trừ Florentin mà người thuê nhà ở tầng hai gọi là tên ma cô hạng sang. Bà này bảo bà thích bọn ma cô ở Pigalle hơn, ít ra bọn chúng dễ gặp nguy hiểm và dù sao chúng cũng chẳng ích gì... trong khi con người này có vẻ thuộc gia đình đàng hoàng và chắc chắn có học thức...
Maigret không khỏi mỉm cười đồng thời tiếc rẻ đã không đích thân hỏi chuyện tất cả mọi người.
- “Bên phải, không ai chịu trả lời tôi cả... Ở tầng bốn, tôi đã rơi vào một cảnh cãi vã của một đôi vợ chồng.
- Nếu em không nói cho tôi biết là em đã đi đâu và gặp ai... - Anh chồng hét lên.
- Tôi vẫn còn cái quyền đi mua sắm mà không cần phải kể cho anh biết tên mọi cửa hàng mà tôi đã bước vào chứ, không được à? Hay là tôi phải mang về cho anh giấy chứng nhận của những nhà buôn?
- Em không nói với tôi là em phải mất trọn buổi chiều để mua một đôi giày đó chứ?... Hãy trả lời câu hỏi của tôi... Ai?
- Ai cái gì nào?
- Em đã gặp ai?”
- Tôi thấy tốt hơn cả là nên chuồn êm - Janvier kết luận - Ở phía đối diện có một bà lão. Trong khu phố này thật có lắm người già. Bà ta chẳng biết gì. Bà ta hơi điếc và chỗ ở của bà ta có mùi hôi dầu... Tôi đánh liều thử gặp bà gác cổng... Bà này đã nhìn tôi bằng đôi mắt loài cá của bà và tôi chẳng cạy ra được điều gì...
- Tôi cũng thế thôi, nếu điều này có thể an ủi cậu. Duy có điều là theo bà ta, không có ai bước lên trong khoảng từ ba đến bốn giờ...
- Bà ta có chắc chắn điều đó không ạ?
- Bà ta bảo thế. Bà ta còn quả quyết là bà ta đã không rời khỏi chỗ của bà ta và không thể có người đi qua phía trước mà bà ta không biết... Bà ta sẵn sàng lặp lại điều đó, ngay trong phiên tòa...
- Bây giờ tôi phải làm gì, thưa sếp?
- Cậu hãy về nhà và sáng mai tôi sẽ gặp lại cậu tại cơ quan...
- Chúc sếp ngủ ngon...
Maigret vừa gác máy và sắp sửa tìm đến nửa quả dưa tây của mình thì chuông điện thoại lại reo vang. Lần này là Lapointe. Một giọng sôi nổi.
- Tôi đã liên lạc từ một khắc đồng hồ rồi nhưng đường dây bận rộn luôn. Trước đó tôi đã thử gọi về cơ quan... Tôi đang gọi sếp từ quầy bán thuốc lá nơi góc phố... Có tin mới, thưa sếp...
- Cậu nói đi...
- “Khi chúng tôi rời Sở Cảnh sát Tư pháp, ông ta biết rõ tôi đang theo dõi ông ta và khi bước xuống cầu thang, ông ta còn quay lại nháy mắt với tôi...
Trên vỉa hè tôi bước theo ông ta cách ba hoặc bốn mét. Tới quảng trường Dauphine, ông ta có vẻ ngập ngừng, rồi đi về phía quán bia Dauphine... ông ta có vẻ đợi tôi. Thấy tôi không bước lại gần, ông ta đi về phía tôi.
- Bởi tôi sắp uống một ly, ông ta nói. Tôi không có lý do gì để không mời anh uống một cốc...
Ông ta có vẻ chế giễu tôi. Đó là một người đóng vai khôi hài. Tôi đáp là tôi không bao giờ uống trong lúc công tác và ông ta đã vào một mình... Tôi trông thấy ông ta uống liền ba hay bốn ly cô nhắc, tôi không biết chính xác...
Rồi, sau khi yên trí rằng tôi vẫn còn đó và nháy mắt với tôi lần nữa, ông ta đi về phía cầu Mới. Vào giờ đó, đường sá trở nên ùn tắc, hầu hết các tài xế đều nhận kèn inh ỏi...
Chúng tôi đang kẻ trước người sau đến gần mé sông thì bất ngờ tôi thấy ông ta leo lên lan can cầu và nhảy xuống sông Seine. Chuyện xảy ra nhanh đến đỗi chỉ vài người đi đường, những người ở gần ông ta nhất, trông thấy...
Tôi thấy ông ta nổi lên, cách một chiếc sà lan đang neo lại gần ba mét và trong lúc đám đông ùa tới thì xảy ra một chuyện gần như khôi hài. Người chủ sà lan chụp một cây sào dài và nặng rồi đưa ra một đầu cho Florentin... Ông này bám vào cái móc và được kéo lên khỏi mặt nước.
Một nhân viên cảnh sát chạy tới và cúi xuống người chết đuối giả mạo... Tôi đã có thể thoát đi, đến bờ, lấy chiếc thuyền...
Có nhiều người hiếu kỳ ở khắp nơi như thể đây là chuyện quan trọng lắm.
Tôi thấy tốt hơn hết là đừng xen vào và cứ đứng xa mà theo dõi. Giả dụ có một anh nhà báo, có lẽ ta cũng không cần gây chú ý cho hắn làm gì... Tôi làm thế có đúng không, thưa sếp?...”.
- Cậu đã làm rất đúng... Ngoài ra tôi báo cho cậu biết là Florentin không gặp nguy hiểm gì đâu bởi thời chúng tôi còn đi tắm sông, ông ta là người bơi giỏi nhất trong bọn... Sau đó chuyện gì xảy ra?
- “Người chủ xà lan đã mời ông ta một ly rượu, không ngờ rằng kẻ chết đuối của mình vừa mới nốc ba hoặc bốn ly... Sau đó nhân viên cảnh sát đã đưa Florentin về đồn cảnh sát phường Halles...
Tôi không vào đó vì lý do đã nói với xếp rồi... Họ đã phải lấy tên tuổi, địa chỉ và hỏi ông ta vài câu. Khi bước ra ngoài ông ta không thấy tôi bởi lúc đó tôi đang ăn một cái săn uých trong quán giải khát bình dân phía đối diện... Trông ông ta có vẻ cung kính, vai phủ cái chăn cũ mà cảnh sát đã trao cho ông ta...
Ông ta gọi một chiếc tắc xi và về nhà... Ông ta thay quần áo... Tôi có thể trông thấy ông ta trong xưởng qua các cửa kính... Ông ta ra ngoài và trông thấy tôi... Ông ta lại nháy mắt và nhăn nhó với tôi một cách buồn cười, rồi ông ta đi tới quảng trường Blanche và bước vào một tiệm ăn...
Ông ta đã trở về cách đây nửa tiếng sau khi mua một tờ nhật báo và khi tôi rời ngõ hẻm thì ông ta đang nằm trên giường đọc báo...”.
Maigret lắng nghe câu chuyện, không khỏi ngỡ ngàng.
- Cậu dùng bữa chiều chưa?
- Tôi đã ăn một cái săn uých. Tôi đang ở quầy hàng và tôi sẽ ăn một hoặc hai cái nữa... Torrence sẽ thay tôi vào hai giờ sáng...
- Tốt lắm... - Maigret thở dài.
- Nếu có gì thay đổi, tôi gọi sếp chứ?
- Vào bất luận giờ nào...
Ông suýt quên quả dưa tây của mình. Hoàng hôn tràn ngập căn hộ và ông đứng ăn trước cửa sổ trong lúc bà Maigret dọn bàn ăn.
Hiển nhiên là Florentin không có ý định tự tử. Bởi một tay bơi giỏi thì khó mà chết đuối dưới sông Seine giữa tháng sáu trước hằng trăm kẻ chứng kiến. Và cách một chiếc sà lan vài mét nữa chứ!
Vì lý do gì người bạn học cũ của ông lại nhảy xuống nước? Để mọi người tin rằng ông ta đang tuyệt vọng vì những nghi ngờ mà người ta trút lên ông ta chăng?
Bà Maigret hỏi:
- Lapointe khỏe chứ anh?
Maigret mỉm cười. Ông quá hiểu ý bà. Bà không bao giờ hỏi trực tiếp về công việc của ông nhưng có lúc bà giúp ông trong cơn hoạn nạn.
- Cậu ấy vẫn khỏe. Cậu ấy còn phải thả bộ mấy tiếng đồng hồ nữa trong một cái sân ở đại lộ Rochechouart...
- Vì người bạn thời trung học của anh phải không?
- Ờ... Hắn vừa tấu hài cho người qua lại ở cầu Mới xem khi bất ngờ nhảy xuống sông Seine...
- Anh không tin rằng hắn tự tử à?
- Anh chắc chắn điều ngược lại...
Florentin có lợi gì khi làm cho thiên hạ chú ý đến mình? Hắn muốn người ta kể chuyện mình trên báo chăng? Không thể hiểu được.
- Hay là chúng ta đi một vòng hóng mát đi nhé?
Đèn đường đã thắp sáng mặc đù trời vẫn chưa tối. Không phải chỉ có họ dạo bước dọc vỉa hè một cách thong dong, thoải mái chỉ để tận hưởng cái mát dịu sau một ngày nóng bức.
Họ ngủ vào lúc mười một giờ. Sáng ngày hôm sau, mặt trời đã xuất hiện, không khí đã ấm áp. Một mùi hắc ín nhẹ nhàng bốc lên từ mặt đường, mùi của mùa hạ, khi hắc ín bắt đầu mềm.
Có mặt tại phòng làm việc, Maigret đã phải giải quyết một chồng thư tín kếch sù, rồi đến báo cáo. Các báo phát hành buổi sáng đề cập sơ nét về án mạng ở đường Notre Dame de Lorette và ông tóm lược vắn tắt những gì ông hiểu được.
- Ông ấy không thú nhận à?
- Dạ không.
- Các cậu có bằng cớ chống lại ông ta không?
- Những suy đoán...
Ông thấy không cần nói thêm rằng Florentin là bạn học thời trung học của ông.
Khi ông trở lại phòng làm việc, đó là để gọi Janvier.
- Dứt khoát Joséphine Papet có bốn người khách thường xuyên... Hai người trong số đó, Frangois Paré và người tên Courcel, đã được xác định và tôi sẽ phụ trách họ ngay sáng nay... Còn cậu, cậu lo hai người kia... Hãy hỏi những người bên cạnh, những nhà buôn trong phường, hãy hỏi tất cả những gì cậu muốn nhưng hãy mang tên và địa chỉ của họ đến tôi...
Janvier không khỏi mỉm cười, bởi chính Maigret cũng hiểu đó là một việc gần như bất khả.
- Tôi tin nơi cậu đấy.
- Dạ.
Sau đó, Maigret gọi bác sĩ pháp y. Bất hạnh thay đó không phải là Paul, ông bác sĩ già tốt bụng nữa, khi ăn tối ngoài phố, ông vẫn có một sự thích thú ranh mãnh là kể những chuyện mổ xác của mình bằng thực đơn.
- Ông không tìm ra viên đạn sao, bác sĩ?
Ông này bắt đầu đọc cho Maigret nghe báo cáo mà ông ta đã nhọc công viết. Joséphine Papet là một cô gái lành mạnh tràn đầy sức khỏe. Mọi cơ quan của cô ta đều trong tình trạng tuyệt hảo và cô ta chăm sóc con người cô ta một cách đặc biệt.
Về phát súng, nó được bắn đi trong khoảng cách không đầy một mét nhưng lại hơn năm mươi phân.
- Viên đạn nằm ở dưới sọ theo một đường bắn hơi chếch lên...
Maigret bất giác mường tượng dáng người cao của Florentin. Có cần phải tin rằng ông ta đã ngồi trong lúc nổ súng?
Ông nêu câu hỏi:
- Có phải một kẻ nào đang ngồi...
- Không... tôi không nói về góc độ như thế... Tôi nói nó hơi chếch lên... Tôi đã gửi viên đạn tới Gasfinne- Renette để giám định. Theo tôi, cô ta không bị bắn từ một khẩu súng tự động mà từ một khẩu súng lục có ổ đạn kiểu khá xưa...
- Cái chết đến ngay à?
- Theo tôi, từ hai mươi đến ba mươi giây...
- Do đó mà người ta đã không thể cứu cô ta được, phải không?
- Chắc chắn rồi...
- Cám ơn bác sĩ...
Torrence đã trở về. Một người khác, tên Dieudonné, đã đến thay anh.
- Ông ta làm gì?
- “Ông ta dậy lúc bảy giờ rưỡi, cạo râu, rửa ráy qua loa, đi dép đến uống hai ly cà phê, ăn mấy cái bánh sừng trâu nơi quầy bán thuốc lá trong góc. Ông ta có vẻ ngập ngừng và trở ra mà không sử dụng máy.
Nhiều lần ông ta quay lại để quan sát tôi. Tôi không biết bình thưởng ông ta ra sao nhưng tôi thấy ông ta có vẻ mệt mỏi, ngã lòng...
Tại sạp báo ở quảng trường Blanche, ông ta mua mấy tờ báo ngày và ông ta đứng trên vỉa hè đọc lướt qua hai, ba tờ...
Cuối cùng ông ta trở về nhà... Dieudonné đến... Tôi bàn giao và về đây...”.
- Ông ta không có nói chuyện với ai chứ?
- “Dạ không... Đúng hơn là có, nhưng không thể gọi thế là nói chuyện được... Trong lúc ông ta đi mua báo thì ông họa sĩ ở bên cạnh đến... Tôi không biết ông này ngủ ở đâu nhưng chắc chắn không phải trong xưởng của ông ta... Florentin hỏi:
- Khỏe chứ?
Và ông họa sĩ lặp lại đúng hai từ đó rồi dò xét tôi một cách kỳ dị. Chắc ông ta tự hỏi Florentin và tôi đang làm gì trong sân ông ta. Ông ta cũng lộ vẻ tò mò y như thế khi Dieuclonné đến thay chỗ tôi...”.
Maigret lấy nón và ra ngoài sân. Lẽ ra ông có thể gọi một thanh tra cùng đi với mình và lấy một trong những chiếc xe đen đậu thành hàng dọc theo các tòa nhà.
Ông thích đi bộ hơn, qua cầu Saint Michel và đi về phía đại lộ Saint Germain. Ông chưa có dịp vào Bộ Công chánh và ông ngập ngừng giữa các cầu thang khác nhau, mỗi cầu thang mang một chữ riêng.
- Ông tìm chi ạ?
- Phòng đường sông.
- Cầu thang C, tận phía trên...
Ông không thấy thang máy. Cầu thang ở đây cũng xam xám như ở cơ quan ông. Ở mỗi tầng đều có những mũi tên đen vẽ trên các bức tường cùng tên những phòng, ban dọc các hành lang.
Khi lên tới tầng ba, ông khám phá một mũi tên chỉ đúng nơi ông tìm, đẩy một cánh cửa trên đó ghi dòng chữ: Mời vào khỏi gõ cửa.
Có bốn viên chức, hai người đang làm việc trong phòng, ngăn cách với khách bằng một cái lan can.
Trên các bức tường có những tấm bản đồ đã ố vàng, như xưa kia tại trường trung học ở Moulins.
- Ông cần chi?
- Tôi muốn nói chuyện với ông Paré.
- Ông là ai đấy ạ?
Ông ngập ngừng. Vì không muốn làm thương tổn vị trưởng phòng có thể là một con người chính trực, ông không chìa ra tấm thiếp của mình.
- Tôi là Maigret...
Viên chức trẻ nhíu cậu, nhìn ông chăm chú hơn và cuối cùng vừa dời bước vừa nhún vai.
Anh ta chỉ vắng mặt trong khoảnh khắc và khi trở lại, anh ta mở một cánh cửa nhỏ.
- Ông Paré tiếp ông ngay.
Anh ta đẩy một cánh cửa và ông Cảnh sát trưởng đứng trước một người đàn ông luống tuổi, cao lớn và thật đường bệ, đang đứng và chỉ cho ông một chiếc ghế không thiếu vẻ trịnh trọng.
- Tôi đang đợi ông đây, ông Maigret.
Một tờ nhật báo phát hành buổi sáng đang nằm trên bàn viết của ông ta. Đến lượt ông ta cũng ngồi xuống một cách chậm chạp và đầy lễ nghi, rồi đặt hai cánh tay lên chỗ tỳ tay của chiếc ghế bành.
- Tôi không cần phải nói với ông rằng tôi đang trong một tình huống rất khó chịu...
Ông ta không mỉm cười. Hẳn ông ta ít khi mỉm cười. Đó là một con người trầm tĩnh và quân bình luôn cân nhắc từng từ, từng câu của mình.