Ngậm Ngùi …

      hị không có cái đẹp "sắc nước hương trời”, chị chỉ sở hữu nét duyên dáng ít người con gái nông thôn thuở đó có được: cao ráo, mặn mòi, nhất là trên khuôn mặt trái soan nâu dòn ấy, đôi mắt to đen …lúc nào cũng ngụt ngùi sương khói như chở hồn thiên hạ.
Chiều tan trường, nhìn dáng chị đạp xe, giấu nụ cười tinh khôi sau vành nón lá, lắm anh cùng trường mê mệt.
Đất nước thống nhất, phong trào Thanh Niên cháy lên bừng bừng như ngọn lửa giữa nắng tháng tư, chị tham gia đoàn thể Thanh niên và được bầu làm Cán sự ấp. Một anh du kích xã nhờ Xã đoàn "đánh tiếng” xin cưới chị. Hai người chưa có khoảng thời gian ngắn để tìm hiểu nhau, nhưng chị phải cúi đầu vâng lời mẹ – vì những người từ "cứ” bước ra, (không biết có được công cán gì chưa, miễn thấy mũ tai bèo và khăn rằn quấn cổ) luôn là thần tượng được gia đình của các thành phần bị mệnh danh "Tiểu tư sản học sinh” ngưỡng mộ.
Đám cưới "đời mới” hay còn gọi là lễ "tuyên hôn” được diễn ra, khi trái tim con gái của chị hãy còn khắc đậm bóng hình anh Sĩ quan trong Chi khu đang học tập cải tạo xa.
Chị lấy chồng năm tròn mười bảy tuổi.
Qua rồi tháng tư bỏng rát, đến tháng bảy mưa sùi sụt – khi ngọn lửa phong trào lắng dần! Chị rời đoàn Thanh niên, bắt đầu lo vun đắp cho gia đình bé mọn của mình. Gia tài chỉ là vài công đất mẹ chị chia, trên đó cất cái chòi tranh nhỏ xíu. Anh du kích ngày nào hào hoa lồng lộng trong mắt bao nữ Thanh niên của xã, nay trở thành kẻ nát rượu, sáng xỉn chiều say.
Chưa lo được gì cho "túp lều lí tưởng” thì đứa con trai lớn chào đời. Rồi tiếp tục đứa thứ hai, thứ ba, thứ tư… cứ đứa này cách đứa kia vài năm, lần lượt ra đời và lớn lên trong thiếu thốn. Một con bươi cho nhiều con mổ, đã vắt kiệt sức chị đến không ngờ! Cô gái duyên dáng năm xưa làm đắm say biết bao trái tim trai trẻ, sau mười năm gặp lại – người phụ nữ tuy tuổi chưa già, nhưng thân hình đã quắt queo tiều tụy.
Cái "bỏ vào miệng” lo còn chưa đủ thì làm sao nói đến chuyện học hành? Những đứa con lớn lên trong nỗi thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu cả cái chữ… Chúng theo cha làm phụ hồ bữa có bữa không – làm một đồng, nướng vào cuộc nhậu đồng mốt…
Những đứa con trai cũng tập tành làm "đệ tử Lưu Linh”.
Sự túng quẩn thường là nguyên nhân gây cãi vã của hai vợ chồng. Một lần quá bức bách, sau một bữa rượu, người chồng uống gần nửa chai thuốc trừ sâu. Dù được những Y, Bác sĩ cố cứu chữa, giành giật từng phút giây với tử thần – tuy qua cơn nguy kịch,nhưng tinh thần và thể xác anh tồn đọng những di chứng trong thời gian dài… Thế là, đôi vai chị lại oằn thêm gánh nặng ưu tư.
Như trăng đến rằm thì tròn - những đứa con tuy ít học hành, nhưng cũng đến tuổi thành gia thất. Đó là nỗi ám ảnh của những bậc làm cha mẹ, lỡ gắn đời mình với kiếp NGHÈO!
Có lẽ đến lúc này tình thương vợ con sống lại trong anh, hay những lời chê trách của hàng xóm, làm anh thức tỉnh?! anh dần bớt rượu và thường ngồi tư lự bên chiếc bàn gỗ rách, thầm hối tiếc … thời đã qua! Cám cảnh, một người quen giới thiệu anh lên Sài gòn làm bảo vệ cho một Công ty nhỏ chuyên mua bán đồ Điện máy.
Trừ chi phí ăn ở, chiều hai chín Tết anh về đưa vợ một triệu rưỡi – tháng lương đầu tiên của mình. Hạnh phúc le lói trong căn nhà bé nhỏ, đôi mắt chị ánh lên niềm vui – chị không nghĩ đến chuyện lo chữa căn bệnh đang mang trong người, mà đau đáu nghĩ đến tấm vợ tấm chồng cho con cái. Láng giềng thầm mừng cho gia đình anh chị!
Chiều mồng hai Tết, chị lo bữa cơm cúng sớm, để cả nhà sum vầy rồi chị tiễn anh trở lại Thành phố tiếp tục công việc.
Tối, từ nhà người chị cả ra về trên tay chị còn cầm hai đòn bánh tét để sáng cúng mồng ba – vừa băng qua đường thì chiếc xe máy do một thanh niên nhậu xỉn chạy với tốc độ cao, tông vào chị. Chị chết ngay trên đường đi cấp cứu.
Tôi cắn chặt môi, kìm dòng nước mắt: phút giây tẩn liệm, quần áo cũ mới của chị chưa được ba bộ! người ta phải quấn thêm nhiều đòn "con cúi” bằng rơm để chèn cho chặt hòm; nhưng trong chiếc túi áo bà ba bê bết máu - chị đang mặc - qua lớp khăn mỏng là một triệu rưỡi đồng gồm ba tờ năm trăm ngàn còn nguyên y nếp gấp, thẳng băng!

*

Thằng Út Tửng sang nhà tôi mời - chiều nay Ba nó làm lễ cúng giáp năm cho mẹ.
Tôi giật mình. Thấm thoát, chị ra đi đến nay đã tròn 12 tháng. Tôi nhìn bàn lên thờ em trai tôi, tấm ảnh mới toanh sau làn khói hương mỏng mảnh, chợt thở dài:
– Cũng mới hôm nào thôi… bây giờ đã sáu mươi ngày rồi hở Hùng?!!!
PHAN NGỌC HẢI
Quê nhà, một buổi chiều!