huở ấy chim chóc còn biết nói, hoa sen nở đủ một năm mười hai mùa. Trên đỉnh núi cao nhất của Bô-lô-ven có ba anh em không cha không mẹ, tự dưng sinh giữa cõi trần. Anh con đầu lòng là
Khạ1 suốt ngày đóng khố trỉa rẫy, lam lũ nuôi em nên nắng cháy tóc, người đen thủi. Hai em khôn lớn, anh cho chú hai Lào theo dòng sông Nạm-khoỏng tìm chốn làm ăn. Dọc bờ sông bùn lầy khó lội, chú Lào mới nghĩ ra mặc quần một ống và cất nhà sàn cao ráo. Chú ba Việt xuống núi đi về biển Đông. Gặp nơi đất tốt gần biển, muối ngấm vào da nên người trắng trẻo mặn mà, ai cũng gọi là người ngọc...
- Họ đi luôn hở chú?
- Rồi họ trở về. Dưới chân Bô-lô-ven có dãy Núi- Hoa, chín mươi chín giống hoa nở đều năm sắc, trông xa tưởng cái cầu vồng. Con hổ già ở đấy ăn nhụy hoa tu mới thành tinh, làm chúa muôn loài. Chỉ có loài người không chịu thần phục. Anh Khạ đem chông bẫy cung tên đánh nó ba ngày không thắng. Chú hai Lào đem giáo mác voi ngựa đánh nó chín ngày không thắng...
- Thế người Việt thắng hở chú?
- Không thắng. Chú ba Việt đem súng đồng xe trận đánh nó chín mươi chín ngày ròng rã: Tục truyền rằng, hoa trên núi bay lên trời thành mây ngũ sắc, núi lở lăn xuống thành đảo giữa sông Nạm-khoỏng, Hổ-tinh vẫn không thua...
Con voi cưa ngà bước từng bước nhẩn nha dọc bờ đầm, dứ dứ chân tránh chỗ đất lún. Đàn trâu ăn rong trên bãi cỏ dạt ra tránh voi, mõ treo cổ réo dồn lốc cốc. Người kể chuyện ngồi trên gáy voi, lắc lư theo nhịp chân voi, đưa chai rượu lên miệng tu luôn mấy ngụm. Anh rút chiếc búa sắt có mấu gài ở thắt lưng, gõ nhẹ lên đầu voi, hô
“đơk” thúc đi nhanh.
Cô gái trẻ ngồi trong bành giữa những kiện hàng chất bề bộn, lên tiếng giục:
- Rồi sao nữa, hở chú Xẩy?
- Đến đâu rồi nhỉ? Ờ ờ... từng người một không thắng nổi Hổ-tinh. Họ bèn góp thịt tươi Bô-lô-ven, cá ngon Nạm-khoỏng và muối trắng biển Đông, lập đàn tế đức Như-lai. Phật-tổ thương họ lòng thành bèn ứng mộng dạy họ đánh hổ. Ba anh em cùng đánh một lần sẽ thắng. Chông bẫy giữ bốn chân, giáo mác chặt đứt gân, súng đồng bắn giữa trán. Đánh nhau chín trăm chín mươi chín ngày đêm - mày nhớ đấy, nghĩa là ngót một nghìn ngày - Hổ-tinh mới ngã gục. Phật hóa kiếp nó thành hòn núi giống con hổ chầu, ta ngày nay gọi là Núi-quỷ...
Cô gái thò đầu ra khỏi mui bành, nhìn theo cánh tay chú Xẩy. Hòn Núi-quỷ nằm cuối dãy Núi-hoa như tạc hình con hổ phủ phục, giữa trán xoáy một cái hốc sâu hoắm. Dòng thác trắng xóa lừ đáy hốc vọt ra như nguồn óc tủy không cạn trong thân hình con thú dữ.
Đồn Pháp dựng đỏ loét giữa hai tai hổ, chấp chới lá cờ tam tài tí xíu. Cô gái rờn rợn người. Trên đồn Núi- Quỷ có lão quan hai Pháp mắt xanh lè hệt mắt mèo. Sáng nay đi qua đồn, cô bị đôi mắt tròn xoe sâu như vực thác ấy nhìn như hai mũi dùi chọc vào ngực. Mèo là dòng dõi hổ...
- Chú Xẩy ạ... ông quan hai Mắt-mèo trên đồn là giống hổ đầu thai hở?
- Bậy, nó cũng là người.
- Sao ông ấy trông ác thế?
Xẩy lại lấy chai rượu tu một hơi. Anh vuốt đôi túm râu ngạnh trê ướt sũng rượu, đảo mắt lờ đờ:
- Nó là đế quốc lại chả ác!
Ngẫm nghĩ một lúc anh tiếp:
- Mày là con ông cụ Phun tao mới nói thật. Năm xưa bộ đội ông Xu-pha-nu-vông đánh Pháp ở Thà-khẹt, năm kia bộ đội Việt lên giúp ông Xi-thôn, tao cũng làm nhiều học nhiều. Trước tao ở Thà-khẹt, sau trốn tránh nhiều nơi rồi mới về đây. Tao làm... è, đến khi vỡ lở hết tao mới chạy sang ở làng Na-bua đi buôn. Pháp nó lùng hết chỗ trốn. Biết được tao nó cắt tai xẻo mũi ngay.
- Thế mà cháu cứ tưởng... Sao lại vỡ lở hở chú?
Xẩy lác lư cái đầu húi ngắn, ngán ngẩm:
- Mày chỉ biết đú đởn thôi Bua Kham ạ. Nói mày cũng không hiểu... Bát canh măng đưa lên miệng húp tưởng ngọt, ai ngờ lại bỏng môi. Đùng đùng đánh Nam dẹp Bắc, bộ đội đuổi Pháp chạy như vịt, nhưng dân làng chẳng hiểu cái chi chi. Nói của đáng tội, cũng đánh trống họp làng, tổ chức mặt trận It-xa-la, lấy con trai vào du kích đấy. Nhưng chỉ có vỏ, không có ruột. Đến khi thằng Pháp nó càn nó quét, nó vùi nó dập, bộ đội rút đi biến, dân làng sấp mặt chịu đòn. Lại oán bộ đội, oán cán bộ mới chết chứ. Tan rã hết... Đấy, cán bộ như cha mày cũng phải trốn biệt tăm, để mẹ mày gần lòa còn phải làm quần quật kiếm miếng ăn, để mày lêu lổng đàn đúm, nay đi phố, mai trẩy hội. Thương ông cụ bà cụ đã hai thứ tóc còn lận đận...
Nong nóng mặt, Kham cúi nhìn bộ cánh diêm dúa của mình, nhìn chiếc nhẫn vàng mặt ngọc trên ngón tay, chiếc thắt lưng bạc quanh lưng. Kham vào chơi hội trong thành Pạc-xê đêm qua, sáng nay về lại quên không rửa kỹ phấn son trên mặt... Nghĩ bụng thấy tức, Kham hỏi vặn khiêu khích:
- Thế chú sao không tìm theo It-xa-la đi?
- Còn đâu nữa mà theo. Họ tản lạc vào núi, ăn lá cây biến thành người rừng cả rồi. Có kẻ ra hàng, dẫn Pháp đi bắt bạn hữu. Tao ngoài ba mươi mà như ông lão, vợ con chết cả, tao buồn tao khổ một mình. May còn được con voi nó chịu thương chịu khó nuôi tao... À, mày định lấy thằng Phủi phải không?
- Không, không! Ai bảo chú...
- Chối làm gì. Mày nhận của nó bao nhiêu áo quần vàng bạc rồi. Kéo nhau đi chơi bao nhiêu hội hè. Cũng may chưa kịp chửa hoang với cái thằng gián điệp ấy, đẻ ra vài đứa gián điệp con cho nó đẹp mặt cha mẹ mày!
Kham uất nghẹn cổ, trách mình không về bộ với cánh bạn gái. Lại đi nhờ voi cái nhà bác dở dở ương ương này, để lão tạt cho sượng mặt. Cô nhổm dậy, nắm cánh tay Xẩy day mạnh, run giọng:
- Tôi không thèm đi nhờ! Ông để tôi xuống! Dừng lại!
Một súc ni-lông trật rơi lừ trên bành xuống đất. Xẩy thúc mạnh gót chân:
“Âu”. Con voi cưa ngà bước lùi lại, quờ vòi nhặt gói hàng đưa rướn lên. Xẩy thản nhiên trao lại cho Kham:
- Xếp gọn một tý rồi hãy xuống. Rừng này lắm ma
phỉ-lộộc đấy. Xuống đi.
Kham lạnh toát từ đầu đến chân, ngã ngồi trên những kiện vải. Muốn khóc to nhưng sợ Xẩy châm chọc, Kham cố nén, chỉ nấc khẽ trong cuống họng. Xẩy vớ chai rượu tu ồng ộc, mắt chạy tia máu hung dữ. Một dòng rượu tràn qua khóe miệng chảy ròng ròng ra áo đứt thành trăm giọt nước mắt lăn nhanh trên lần vải bạc màu.
Ném cái chai không xuống tảng đá bên đường đánh xoảng, Xẩy cười khanh khách, điên dại:
- Mày mách thằng Phủi báo Pháp đi. Bắt ông đi, nước Lào của ông còn mất, kể gì thằng say rượu này. Đưa ông vào tù, bắn chém ông đi cho ông trọn nghĩa lớn với anh em đồng chí, ông lên Niết-bàn với cụ Côm- ma-đam, với Ôông-kẹo
2.
Rồi đột ngột Xẩy úp mặt trong hai bàn tay, òa khóc. Tiếng khóc nặng nề, hồng hộc như tiếng con lợn rừng quẫy chết trên vũng máu. Mấy cành cây sà ngang quất vào mui bành, kéo sồn sột như những móng tay cào cấu tuyệt vọng.
Con voi vẫn lừng lũng đếm bước trên đường rừng, chỉ hơi phe phẩy đôi tai rách khi nghe những tiếng lạ của chủ.
Suốt buổi Xẩy ngồi lặng trên cổ voi và Kham nem nép trong bành, không ai nói rằng. Tức Xẩy, nhưng Kham không dám nặng lời. Xẩy về ở làng Na-bua đã hơn hai năm nay, thường kín đáo giúp đỡ mẹ Kham và tự xưng là bạn cũ của cha Kham ngày trước. Kham kính nể Xẩy vào bậc cha chú, chỉ sợ những lúc Xẩy say rượu ngồi thừ ra nói lảm nhảm như thầy cúng gọi ma. Mãi đến nay Kham mới biết tông tích của con người kỳ quái nọ.
Về gần đến Na-bua, Xẩy bỗng giật mình, vớ khẩu súng kíp dựng trong góc bành. Cành lá bên đường sột soạt. Nòng súng lăm lăm chĩa vào chỗ động. Một người nhô đầu ra khỏi bụi rậm, gọi khẽ:
- Chú Xẩy! Vào trong này. Phò Phun đã về.
Xẩy nghi ngờ nhìn người gọi, một anh con trai mặt lang, đeo khẩu trường Mát mất lưỡi lê:
- Mày dám gặp ông cụ à? Thật không Đeng?
- Ông ấy nhắn gọi cháu ra... Cháu sợ.
Xẩy dẫm mạnh trên gáy voi, thúc nó quỳ bốn chân. Anh nhẩy xuống, vớ sợi dây rừng khoanh chân ra hiệu cho nó đứng yên, rồi lật đật chui vào rừng. Đeng đỡ Kham đang lúng túng trèo xuống voi.
Nghe tin cha về, Kham vừa mừng vừa sợ. Từ ngày bộ đội Lào - Việt rút đi ra, Pháp chiếm lại làng Na-bua và đặt
phò bạn (lý trưởng) lên thay trưởng thôn của It-xa-la, cha Kham phải trốn biệt đã hai năm nay.
Phò-bạn bảo ông cụ theo It-xa-la chết đói chết bệnh rồi. Nhưng gần đây cha Kham lén gửi thư về báo tin vẫn khoẻ mạnh.
Không biết ông cụ nghe ai mách mà viết trong thư: “Con Kham dạo này hư hỏng, bà phải răn dạy nó, cấm không đi lại với thằng Phủi”. Thực tình Kham chỉ ham chơi hội hè, đua đòi diện sắm với chị em, chứ có phải nhân tình của Phủi đâu... Theo Đeng, cô gái thấp thỏm không yên.
Đeng cũng nơm nớp sợ. Anh chàng nhỉnh hơn Kham một tuổi, mê Kham từ lâu. Trót nhận khẩu súng làm chân tự vệ làng cho Pháp, Đeng chỉ bắn hươu nai chứ không bắn It-xa-la. Nhưng khi Phò Phun nhắn gọi ra thì Đeng khiếp đảm, sợ It-xa-la bắt giết. Chần chừ ba bốn hôm nay Đeng mới đón Xẩy cùng đi đỡ đòn hộ.
- Anh đợi tôi với!
Kham hối hả vục nước suối rửa phấn son trên mặt. Đeng giấu khẩu súng vào bụi rậm, rồi lại chép miệng lôi súng ra, khoác lên vai, gãi gãi đầu lo lắng. Phò Phun là cha Kham, muốn tránh mặt cũng không được.
Vừa tạnh mưa trời lại nắng hoe, cái nắng ẩm nguy hiểm của vùng rừng nước độc. Mặt đất nhây nhớp bùn xông mùi nồng nồng khó thở. Rặng cây cà-đon rủ cành trên dòng nước suối vắng giữa rừng.
Tiến ngồi tựa gốc cây, mắt ngơ ngác nhìn mà không thấy rõ trước mặt. Những luồng giá buốt chạy vút qua xương sống, xóc lên đầu nhoi nhói. Sốt rét đến nơi rồi. Đôi lúc Tiến cố định thần nhìn những khuôn mặt chung quanh, chỉ được phút chốc lại chập chờn như bị một màn sương tỏa kín.
Những khuôn mặt mới trông đã nhớ dai. Mặt ông cụ Phun rỗ hoa quắc thước, tóc lốm đốm hoa râm. Mặt anh Xẩy đỏ lừ men rượu, râu ngạnh trê bướng Bỉnh. Mặt Đeng lang vằn vèo, non choẹt. Rồi né về sau một tý là khuôn mặt trái xoan phinh phính, môi dính tí sáp đỏ của cô con gái ông Phun. Tiến ghét cô ả này từ phút đầu, liệt thầm vào hạng gái đĩ thõa. Mặt mũi sáng sủa thế kia mà đi son phấn như con điếm thập thành.
Xẩy đang hoa tay chém xuống không khí:
- Không đánh cũng mất nước. Mà đánh thắng cũng mất nước. Phò biết vì sao không? Tôi biết... è, để tôi nói! Mà thôi, Phò về làng ở với tôi, con voi buôn chuyến đủ nuôi chúng mình ngày hai bữa rượu...
Phò Phun cáu kỉnh ngắt lời:
- Anh say rồi. Rửa mặt cái đã rồi tôi bảo. Đi đi!
Xẩy lè nhè mấy câu nữa rồi xuống suối vốc nước uống ừng ực. Đeng kéo tay Phò Phun, nhắc lại đến lần thứ ba, giọng nằn nì:
- Phò ạ, trả súng cho Pháp cháu tiếc lắm. Cứ giữ súng bắn lợn bắn hổ, bắn cả Pháp nữa chứ sợ gì.
Tiến khẽ lắc đầu, chán không thể tả được. Cơn sốt rét âm ỉ đục trong người từ sáng đến giờ, nhưng anh cố chịu để gặp mặt những người dân Na-bua đầu tiên dám tiếp xúc với It-xa-la.
Tiến cùng đi với Phò Phun về gây cơ sở làng Na- bua đã hai mươi ngày ròng. Phò Phun là người làng, dễ ăn nói hơn Tiến nhiều. Nhưng thậm thụt mãi Phò mới men đến gần được một bà cụ ra suối quẩy nước, nhắn gọi Đeng ra gặp. Cậu con rể tập sự của Phò dùng dằng mãi mới dám ra. May sao y lại đón thêm được Xẩy và Kham đi thành phố về.
Vỗ vào tai cố xua tiếng ù ù ong ong khi xa khi gần, Tiến lắng nghe câu chuyện, và nghĩ chua chát: những phần tử ưu tú của làng Na-bua đấy! Một làng trước đây vài năm có sáu tổ du kích, gần năm mươi hội viên It- xa-la, lại nổi tiếng sốt sắng ủng hộ bộ đội... đến nay còn sót lại một anh con buôn bất đắc chí say rượu bí tỉ, một gã con trai vác súng Pháp chống lại kháng chiến, một ả ăn chơi đàng điếm...
Đeng buồn rầu kể, giọng chưa vỡ hẳn nên nửa đực nửa cái:
- Dân làng họ ghét bộ đội lắm Phò ạ. Dạo trước quân lính ông Xổm-chít lấy voi chở gạo không kịp, chĩa súng bắn lên trời dọa dân. Rồi bộ dội Việt của ông gì... à ông Linh, kéo vào đóng giữa sân chùa thấy sư ông đến cứ đứng chỉ trỏ cười cợt. Giá lúc ta thắng thì không sao. Giờ ta thua, bọn gián điệp nó đục khoét lòng người. Thằng Lek dựng đứng lên: bộ đội Việt giết dân, cướp của, hiếp dâm...
Xẩy lại chém bàn tay ngắt lời Đeng:
- Mày trẻ con biết gì. Người Việt họ xấu lắm.
- Chú tin lời gián điệp à?
- Tao không tin ai sất. Đến cán bộ như tao còn bị hành hạ nữa là dân. Hồi ở Cham-pa-xắc tao làm trưởng thôn It-xa-la đây, mà thằng Linh tát tao giữa mặt, bảo tao là gián điệp, chỉ vì kiếm thuyền đò không đủ số cho nó. Chó đ... mẹ cái thằng quỷ ác.
Tiến giật mình ngồi thẳng người lên. Cơn sốt đứng lại. Tiến vụt nhớ đến hôm bàn với Sơn-Linh phân công bộ đội về các làng, Linh nhất định đẩy Tiến về Na-bua, cái làng ghét người Việt nổi tiếng trong vùng. Riêng Linh không chịu nhận phụ trách một làng nào cả: “Mày tính cả trung đội chỉ còn mỗi mình tao là chân chạy, phụ trách chung...” nến thấy cũng có lý. Giờ mới vỡ lẽ anh chàng đã từng tác oai tác phúc ở vùng này như ông chúa địa phương, nay không dám chiềng mặt nhân dân!
Trong nhiều năm xây dựng cơ sở Lào, Tiến đã hứng vạ cho người khác không phải ít. Nhưng giờ đây Tiến ngấy lắm rồi. Không cho ở bộ đội tập trung thì thôi, Tiến tìm cách về Việt Nam. Xin nghỉ phép rồi cáo bệnh không lên Lào nữa, nhảy vào chủ lực liên khu 5...
Trong một loáng, anh tiếc cay tiếc đắng đã nhường phiên về phép luân lưu của mình cho đồng chí khác.
Tự nguyện ở lại chiến trường để cầm súng chiến đấu mặt đối mặt với kẻ thù, Tiến lại một lần nữa phải trở về với nhiệm vụ giành dân mà anh ghét.
Giọng Xẩy vẫn nặng như đeo đá:
- Đời cha tôi đi phu làm đường, bị thằng cai lục lộ người Việt đánh dập phổi, về ốm nặng xuýt chết. Đến đời tôi cầm súng đánh Pháp từ năm 1946, vợ con Pháp giết sạch, thế mà một thằng Việt oắt con nó tát giữa mặt! Phò hiểu tôi đấy. Kiếp này không đánh được Pháp, đầu thai kiếp sau tôi vẫn còn đánh. Người Lào không phải con giun. Nhưng đánh chung với người Việt thì uổng công, cũng mất nước thôi Phò ạ.
- Này anh Xẩy...
- Phò để tôi nói. Tôi nghiệm thấy người Việt còn yếu nên họ lấy lòng ta. Đến khi thắng thế họ chẳng khác gì Nhật đâu. Đất Lào mầu mỡ lắm, đời nào họ chịu buông. Hết Pháp đến Nhật, lại đến Pháp rỏi sang tay Việt. Thay thầy đổi chủ bao nhiêu lần mới thôi? Phò để yên nào. Người Lào phải đánh Pháp, đuổi Việt, tự mình giành lại đất nước kia!
Từ lúc xuống voi vào rừng đến giờ, cô con gái Phò Phun vẫn ngồi thin thít một góc. Gặp cha chưa kịp mừng, Kham đã bị một câu hỏi xiết cạnh như roi mây: “Mày đi đánh đĩ Pạc-xê về đấy à”? Kham không dám nói, không đám khóc, không dám cựa quậy mạnh, chỉ ngồi lặng cá như bụt gỗ.
Rồi dần dần Kham nhận thấy có một người cũng im lặng như mình, là anh thanh niên lạ mặt ngồi sau lưng cha. Đầu tóc bù xù, mắt vàng xọe, mặc Phạ-xà-lùng vá nhiều chỗ. Hai tai dùi thủng, có lẽ là người Khạ. Còn trẻ lắm. Nước da bớt xạm nắng thì cũng đẹp trai. Anh ta ngồi nghe bàn cãi, thỉnh thoảng lại rùng mình mím môi, run tay. Đôi lúc hàm răng dưới lập cập, anh nghiến răng để khỏi đánh đàn mồm. Vì sợ hãi, hay là quen tật? Cũng là “người rừng” như cha Kham. Nghe đồn mãi người rừng ăn lá cây, tóc dài răng nhọn, giờ Kham mới gặp. Thì ra Pháp với Phò- bạn nói dối...
Kìa anh ta ngồi thẳng người, nắm tay như muốn đấm rồi mở bàn tay, dặng hắng. Anh nói chen vào, dằn từng tiếng. Kham chú ý nghe.
- Bà con ạ, cho tôi xin có ý kiến.
Phò Phun giật mình quay lại, hốt hoảng. Tiến ra mặt thì hỏng bét. Phò đã bảo anh là chỉ nghe mà đừng nói, vì tính Xẩy rất liều. Hắn ta thù Linh rồi ghét lây sang anh em Việt, ghét cả giống người Việt. Nhỡ xô xát thì nguy. Nhưng chậm mất rồi, Xẩy đã ngửng đầu lên, niềm nở:
-
Thố! Mải nói chuyện quên cả anh em đồng chí. Anh mới về cồng tác tôi chưa quen, xin lỗi nhé.
- Vâng, tôi mới về huyện ta.
- Anh nói giọng hơi cứng. Hình như người ở Bô-lô-ven phải không?
Phò Phun thầm khen Tiến thạo tiếng Lào đến nỗi Xẩy không nhận ra là người Việt. Phò gạt khéo:
- Rồi sau này ta làm quen. Giờ xem anh góp ý kiến thế nào?
Tiến lặng im một phút, tự nhắc thầm: “Không được nóng!” vừa rồi những câu phỉ báng của Xẩy đã xúc phạm đến lòng tự hào dân tộc, làm anh hết sức bực tức. Trong công tác dân vận, Tiến đã nhiều lần nghe người Lào chửi bộ dội Việt, thậm chí còn rình chém đầu nộp Pháp, vì địch không ngừng khoét sâu cừu thị giữa hai dân tộc. Rồi oán thù dần dần cởi gút, lại cũng chính người Lào ấy ôm anh em Việt, khóc ròng hối hận.
Nhưng lần này Tiến đã sẵn bi quan vì không thoát kiếp “đầu khăn đít khố” như anh thường chê bai, nên đâm ra giận Xẩy gấp đôi. Cố giữ giọng ôn tồn, Tiến chậm rãi nhắc mấy câu trong một bài thơ căm thù:
- Tôi nói điều này chắc anh Xẩy đã biết. Mỗi khi nhớ lại ngày 21-3, lòng người Lào chảy máu, nước mắt người Việt tuôn dài không cạn...
Câu nói vô tình như xé lại vết sẹo trong lòng Xẩy. Ngày 21 tháng 3 năm 1946 Pháp làm cỏ thành Thà-khẹt, máu dân Lào và Việt kiều chảy thành suối trên đường phố, xác lềnh bềnh trôi trên sông
Nạm-Khoỏng. Xác vợ và con trai Xẩy giờ đã tan rã từng khúc xương ngoài biển Đông...
- Thù truyền kiếp lấy máu mà rửa. Người Lào không cam chịu mất nước. Người Việt cũng không cúi đầu làm trâu ngựa. Không thắng được Pháp phen này, thì ba nước Lào, Việt, Khơ-me đều chịu số phận Thà- khẹt năm xưa cả thôi. Rồi ai sống sót cũng sống kiếp ma quỷ. Nào được sống cho ra người!
Anh Xẩy ạ, năm 1949 Pháp đốt những làng nào ở Xây-thả-von chắc anh còn nhớ. Hai trăm rưởi trâu bị bắn trên đồng làng Thông-nọi. Xương còn rải trắng. Mỗi chuyến càn quét, Pháp mang về hàng xâu tai người, có cả tai đàn bà trẻ con... Rồi đến bây giờ, mỗi năm dân làng Na-bua đi phu mất ba bốn tháng, nộp thuế bằng hai mươi lần năm 1946, gạo làm ra thừa mứa mà vẫn không được ăn no. Những cảnh ấy bên Việt Nam còn ghê gớm hơn... Thế thì ai là kẻ thù hở anh Xẩy?
Bốn đôi mắt trừng trừng nhìn Tiến. Xẩy vặn nát một đoạn gỗ mục trong bàn tay, thở hộc một tiếng đau đớn.
Tiến ngừng nói, từng sợi gân khớp xương nhức buốt. Những làn hơi thở nóng bỏng từ đâu phả vào đầu và điện từng luồng lạnh ngắt chớp trong xương sống. Loáng thoáng trong óc anh những câu thơ bài hát Lào kêu gọi đánh Pháp, những lời mộc mạc nhưng rung chuyển lòng người dân yêu nước. Và những cảnh sống thực ở Việt Nam mà Tiến đã sống từ nạn đói 1945 đến những cuộc oanh tạc ngày tiến quân lên Lào, cũng vun vút hiện ra rồi biến rất nhanh, với một sức gợi cảm phi thường.
Hít một hơi dài, Tiến lạ.i nói tiếp, không giấu mình là người Việt nữa:
- Người Việt chúng tôi khổ vì Pháp trăm chiều, nên đánh Pháp không sợ chết, sợ khổ. Nhân dân Lào cần đến, chúng tôi cũng sang giúp đỡ. Ba nước chúng ta như ba ông đầu rau, có chụm lại mới khỏi đổ cái nền độc lập đun trên bếp, mới còn hột cơm mà ăn. Anh Xẩy đừng nghĩ bộ đội Việt Nam sang cướp nước Lào. Nước chúng tôi còn mất, đồng bào chúng tôi còn khổ, còn cần bộ đội đánh Pháp, đời nào lại nghĩ chuyện mang quân đi cướp nước của ai. Riêng tôi cũng có gia đình, cũng muốn đánh giặc bên Việt Nam cho gần gũi, nếu ai bảo tôi đi tranh đất Lào nhất định không bao giờ tôi đi...
Một mảng mây đỏ ngầu lan nhanh trước mặt Tiến. Anh quờ tay tháo tấm chăn vải xi-ta, xốc tung ra. Tay run lẩy bẩy. Rét ghê gớm. Anh mỉm cười, thốt ra một câu chua chát mà trải qua ba năm dân vận ở Lào anh chưa hề nói:
- Anh Xẩy ạ, nếu thật tình nhân dân Lào không cần nữa... chúng tôi về ngay... về... tất cả...
Trời đất quay tít. Tiến tựa ngả lưng vào thân cây, duỗi hai chân trên đất bùn nhầy nhụa. Anh lịm dần, rơi đầu xuống vực thẳm đen ngòm... Trong bóng tối, mẹ Tiến mở to mắt nhìn con: “Con về với mẹ...” Anh thiếp hẳn, người nóng như lò than.
Phò Phun cuống quýt buộc hai đầu võng lên cây, cùng với Đeng xốc Tiến đặt nằm trên vóng, đắp chăn kín. Kham xoa gần hết hộp cao con hổ trên trán và chân tay anh.
Đeng ngồi bên cạnh Kham, ngơ ngác không hiểu đầu đuôi ra sao. Kham quay lại thì thào:
- Anh này là người Việt.
- Sao cô biết?
- Anh nói đấy: người Việt chúng tôi, chúng tôi về nước, không hiểu à?
Đeng xưa nay vốn chậm hiểu. Nghe Kham nói vỡ lẽ. Đeng ừ ừ lấy lệ, rồi lại thèm thuồng ngắm cô gái đẹp nhất và khó tán tỉnh nhất làng Na-bua. Trong khi ấy, Kham nhìn anh bộ đội Việt nằm mê man trên võng, nghĩ thương thương, Kham chưa biết người ta xấu tốt ra sao, nhưng vẫn thấy mủi lòng. Kể ra làm người rừng cũng khổ quá thật. Kham chỉ ngạc nhiên một điều: anh Việt xỏ tai này nói tiếng Lào, không kém gì người Lào, chỉ khác giọng một tý. Chắc anh học giỏi lắm...
Phò Phun kéo Xẩy ra một góc xa. Xẩy ngồi đăm chiêu, hai tay bó gối. Đầu gối Xẩy trổ chàm xanh vằn vện như vẩy cá theo tục cổ.
Phò nói hơi nặng nề:
- Lâu ngày không gặp anh, tôi không ngờ... không ngờ anh đổi tính nết nhiều quá.
- Phò bảo tính nết tôi thế nào?
Giọng ông cụ càng gay gắt, khinh bỉ:
- Anh chưa biết à? Anh chỉ lo đi buôn làm giàu. Anh rượu chè be bét. Anh học thuộc lòng lời thằng Pháp, chửi người Việt cướp nước Lào. Anh quên tổ quốc rồi chứ thế nào nữa! Hồi còn trẻ anh tu đến chức hòa thượng, ra chùa làm cán bộ It-xa-la, mà nay nên người bệ rạc!
Xẩy từ từ ngước đôi mắt hằn vệt máu:
- Không đâu Phò ạ. Phò đừng chửi tôi quên tổ quốc mà oan... Phò quá tin người Việt mất rồi.
- Anh bảo tôi già gần trót đời còn dại chứ gì?
Bá! Tôi không dại đâu. Tôi hiểu người Việt nên mới tin. Mấy năm tôi hoạt động với họ còn lạ gì. Họ xa nhà cửa, xa đất nước tổ tiên, qua đây giúp mình còn phải nghe chửi. Sống nằm rừng, chết chôn rừng, khổ hết chỗ nói. Gặp mùa đói kém, họ nhường gạo cho bộ đội It-xa-la, ăn măng trừ bữa. Thế mà anh mở miệng bảo họ đi cướp nước. Ở bên nước họ sướng gấp mười cơ đấy, tội gì sang nước Lào nhịn đói đi xâm lược!
- Thế sao lại hống hách, đánh đầu đá miệng người ta? Có hơn gì thằng Pháp không?
- Một con cá thối anh đòi vất cả lờ hay sao? Bộ đội It-xa-la cũng có kẻ xấu, bất cứ Việt hay Lào, ai có tội cứ trị, nhưng chớ hắt ốc cả rổ như thế. Anh bảo ông cụ anh bị người Việt đánh. Chứ thằng cai lục lộ người Lào nó có đánh người không? Lính Lào theo Pháp nó có bắn giết cả bố mẹ nó không? Anh theo cứu quốc từ Thà-khẹt đến giờ mà còn lú lẫn như trẻ con!
Cái lối nửa giải thích nửa mắng mỏ của ông cụ It- xa-la làm cho Xẩy tỉnh người hẳn. Anh biết Phò Phun lấy tình đồng chí cũ nói với anh, nên không giận. Nghe cũng có lý. Từ ngày bị Linh đánh, Xẩy đâm ra tin lời bọn tề và gián điệp. Những chuyện đồn đại về bộ đội Việt anh cũng cho là đúng sự thực. Lại thêm hai năm đứt liên lạc, một mình một voi đi buôn, anh quên dần những ngày hoạt động cũ, chỉ còn nhớ cái tát bỏng cháy trên má, như một vết dấu sắt nung đỏ...
Phò Phun dịu giọng nói tiếp, vẻ buồn hiện trên khuôn mặt rỗ và hốc hác:
- Tôi già rồi anh Xẩy ạ. Anh tin lời tôi nói. Mình để mất nước thì khổ nhục thân mình, lại còn mang tội đời đời nữa đấy. Nợ kiếp này đến kiếp sau phải trả, hết chịu thân trâu ngựa lại sa vào địa ngục mất thôi. Trót sinh giữa cảnh nước nhà nguy khốn, lê nào ngoảnh mặt làm ngơ, kiếm ngày hai bữa rượu làm vui cho đành?
Xẩy lặng lẽ đứng dậy, hổ thẹn không biết nói sao cho xuôi.
Anh đến bên võng, lật chăn ngắm khuôn mặt rất trẻ của anh Việt xỏ tai nằm thiêm thiếp. Người Việt sang giúp Lào thật bụng hay không, Xẩy chưa dám tin hẳn. Nhưng riêng anh Việt này không ai có thể cho là người dối trá. Những lời anh nói ban nãy, như sợi dây thắt ruột Xẩy từng đoạn, khó lòng quên được. Anh khẽ hỏi Phò Phun, hất hàm về phía võng:
- Đến đây làm gì?
- Xây dựng cơ sở Na-bua đấy. Anh này nhiều kinh nghiệm, tính thật thà.
- Thế còn Phò?
- Tôi ở cơ quan mặt trận huyện. Thỉnh thoảng tạt về thôi, bận lắm.
Xẩy ngần ngừ một lúc rồi buông sõng: “Cũng được”. Anh gọi Đeng và Kham ra đường, đánh voi về làng.
Tiến ốm li bì, luôn mấy ngày chìm trong mê hoảng. Thuốc men hết sạch. Nằm liệt trên tấm võng chật, mảnh ni-lông căng trên đầu không đủ che mưa nắng, Tiến cảm thấy hơi lạnh hun hút của thần chết phả từng luồng trên mặt. Sau một lúc tỉnh chập chờn, Tiến nhắm mắt thiếp đi với một ý nghĩ cuối cùng trong trí: “Thế là hết”. Nhưng rồi anh lại tỉnh, và ngạc nhiên thấy mình còn sống dai dẳng.
Cái chết ở đây không như cảnh hy sinh của người lính chủ lực khi xung trận. Nó âm thầm, nặng nề và dai như đỉa. Bệnh, đói, khí hậu độc, tất cả như con đỉa lớn hút dần mỗi ngày một ít sức sống, phủ dần trên thân mồi ngày một mảnh vải liệm. Và cái phút người lính đường rừng gục lả trong một nơi hoang vắng nào, đó chỉ là bước thắng cuối cùng của cái chết bám theo anh hàng mấy năm không nhả...
Những hình ảnh thân thiết níu tay nhau vờn dưới mi mắt Tiến. Gia đình. Bạn bè. Căn nhà ổ chuột cạnh nhà ga Nam Định. Nơi trú ngụ sau nạn đói 1945, ngôi nhà nhỏ ở Bình Định, lá dừa rơi vắt ngang cành lựu trước cửa. Nhưng hằn nổi trên những hình ảnh xa gần lay động ấy, đôi mắt mẹ đêm ngày nhìn Tiến. Mắt đen hiền hậu, nhiều lúc ướt nhòa thương xót.
Nhớ lại thuở bé, Tiến chỉ còn hai kỷ niệm: đòn vọt của bố và đôi mắt của mẹ. Suốt đời quần quật bên máy tiện không thoát cánh nghèo túng, bố Tiến bực chí thường đánh chửi vợ con sau bữa rượu chiều, rồi lăn quay ra ngủ. Mẹ ôm Tiến ngồi lặng hàng giờ.
Không khóc. Tiến mếu máo một lúc rồi lại đùa nghịch, soi bóng mình trong mắt mẹ. Nhìn kỹ, thấy đầu mình giống quả trứng dưới bóng hàng mi dài và cong, chân tay méo mó đi cả, Tiến cười hi hí. Chơi chán thì ngủ luôn trong tay mẹ...
Người mẹ lam lũ chiều chồng nuông con, người mẹ yêu quý nhất đời ấy đá chết trong trận mưa bom kinh khủng năm 1947, khi Tiến còn làm liên lạc đại đội ở Khánh Hòa. Được tin mẹ chết, Tiến khóc ngất và bỏ cơm mấy ngày. Mãi đến nay, tim Tiến lại như ứa từng giọt máu mỗi khi nghĩ đến mẹ.
Nỗi nhớ quê hương lâu nay đã sắc đọng lại, giờ bùng cháy hừng hực. Nằm trong rừng xứ lạ, Tiến thèm nghe tiếng hát giã gạo đêm trăng, thèm một bát canh cua bốc khói, thèm mẩu chuyện dí dỏm bóng gió với cô gái Việt vùng đóng quân. Dù khổ dù sướng, sống giữa đồng bào mình vẫn hơn. Nếu khỏi bệnh, Tiến sẽ tìm cách về Việt Nam...
Y tá trung đội 8 đến săn sóc Tiến vài hôm, cho ít thuốc viên và dựng giúp anh một cái lán lợp lá chuối tránh mưa. Vượt qua cơn sốt rét biến chứng, Tiến dần dần bình phục.
Phò Phun suốt ngày băng rừng đi tìm họ hàng, bà con, dùng tình nghĩa lôi kéo họ. Tối đến, Phò về đưa cho Tiến một nắm xôi nguội và ít mắm
pa-đẹc lẫn vỏ trấu, kể lại kết quả công việc trong ngày.
Một tối Tiến rất ngạc nhiên khi thấy ông cụ lấy ra một hộp sữa, tươi cười:
- Xẩy nó gửi biếu con.
Theo lời ông cụ thì Xẩy đã bắt đầu tin anh em Việt. Đối với Tiến, Xẩy có cám tình rõ rệt.
- Đối với Linh thì sao hở Phò?
- Chưa hơn gì. Phò bảo anh Linh sửa chữa tiến bộ rồi. Hắn vẫn nhất quyết: đánh Pháp chung với người Việt thì được, nhưng gặp Linh hắn bắn chết ngay.
Tiến thở dài. Nào Linh đã chịu sửa chữa tiến bộ gì đâu: Vẫn cái thói xem trời bằng vung, coi người như rác. Phò Phun trịnh trọng nói tiếp:
- Oan gia nên cởi mà không nên thắt. Ở đâu cũng có kẻ tốt người xấu, chặt trăm cái cọc dựng lên không thể bảng đầu. Mà người tốt cũng lắm khi sai lầm, ví như voi bốn chân mà còn có khi trượt. Con đừng giận lão Xẩy. Hắn đứt liên lạc đã lâu, bị lạc hậu rồi, con phải dẫn dắt hắn theo. Cả làng Na-bua này cũng vậy.
Tiến gượng cười:
- Chỉ sợ nói họ không nghe thôi.
- Nói mãi họ cũng lọt tai. Xưa đức Thích-ca dạy thầy A-nan-đa rằng: “Cầm cá tay ắt phải tanh, cầm hương tay ắt phải thơm, thân cận kẻ dữ thì nhiễm nghiệp ác, thân cận kẻ thiện ắt hưởng đức lành.” Con ở gần bên, cố lấy điều ngay lẽ phải khuyên nhủ họ.
Sau những câu chuyện na ná như thế với Phò Phun, Tiến thường suy nghĩ rất lâu, và dằn vặt một mình. Nếu không có ông cụ It-xa-la này, chắc Tiến đã bỏ về huyện chữa bệnh và xin đổi công tác rồi. Nhưng Phò Phun tin ở Tiến, tin bộ đội Việt một cách mộc mạc và sâu sắc. Trước mắt Phò, Tiến là người thay mặt cho một dân tộc và một quân đội anh hùng, giúp đỡ nhân dân Lào hết sức vô tư. Tiến biết thế, và không dám hở thắc mắc của mình cho Phò biết, chỉ băn khoăn tự hỏi: “Nên về hay nên ở?”
Đến khi Tiến khỏe hẳn, Phò Phun bàn giao lại cơ sở để đi nơi khác. Tiến miễn cưỡng nhận nhiệm vụ một phần vì thói quen phục tùng tổ chức của người lính, nhưng nguyên nhân chính là anh không dám - và không nỡ - phụ lòng tin cậy của người cán bộ lão thành này. Anh tự an ủi bằng một câu mẹ anh thường nhắc: “Số mình nó thế”.
Từ đó trong chiếc lán lụp xụp giữa rừng vắng thường có những cuộc họp nhỏ ba bốn người. Xẩy và Tiến dần dần làm thân với nhau.
-----------------------------------------------------------(1) Một dân tộc thiểu số Lào, nguồn gốc Khơme.(2) Hai lãnh tụ chống Pháp ở Hạ Lào từ 1910 đến 1936