Dịch giả: Cô Liêu
Chương VI

     ến sáng thì cảnh vật đã thay đổi. Giữa một biển hơi man mác nổi lên từng cái đảo lấm tấm sáng. Graber ngồi gần cửa sổ, dán mắt vào cửa kính. Y nhìn không chán mắt đồng ruộng với luống cày đều đặn hiện ra từng rạch đen giữa làn tuyết trắng, đồng cỏ bắt đầu mọc cỏ xanh dờn xen lẫn với từng đốm tuyết như bông nõn. Không có hầm hố do bom đạn đào lên, không có dấu vết tàn phá đổ nát. Một cánh đồng phẳng phiu nhẵn nhụi. Không có hầm núp, không có công sự pháo đài, chỉ có miền thôn dã xinh tươi.
Làng thứ nhất xuất hiện. Nhà thờ với con gà thếp vàng trên nóc, trường học với cái chong chóng chầm chậm xoay. Một quán ăn với mấy nông dân, những căn nhà cửa mở, cô gái quê cầm chổi quét lá vàng, tia nắng thứ nhất rọi vào hàng ngàn cửa sổ kính còn nguyên vẹn, trại ấp sơn phết choang chóe như đồ chơi con nít, cây cối nguyên vẹn không dấu vết bom đạn, phố xá đầy học sinh. Đã từ bao lâu Graber không hề trông thấy một đứa trẻ con. Y thở nhẹ nhàng, lòng ấm lạ.
Y đang chờ đợi những cảnh tượng như thế những cái mà y muốn thấy lại, giản dị, yên lành, bền vững.
Một sĩ quan ngồi phía cửa sổ bên kia cũng bảo y:
- Ở đây cái gì cũng khác, phải không anh?
Graber cảm động trả lời:
- Vâng khác lắm.
Dần dần sương mù tỏa khắp. Chân trời xuất hiện từng khu rừng. Mắt có thể nhìn ra những khoảng rộng xa hơn. Đường dây thép vẫn chạy theo con tầu ở hai bên đường sắt. Từng chùm dây cất bổng lên trời rồi bất thần một cột thép hiện ra, chùm dây hạ xuống một cách phũ phàng - bản ký ghi âm một khúc hợp tấu yên lặng vô biên. Đàn chim tung cánh bay vù đi rồi tụ lại trên dây thép ở một nơi khác xa hơn một chút. Đồng quê yên tĩnh. Tiếng súng gầm ngoài măt trận đã yên. Không thấy bóng dáng một chiếc phi cơ nào. Graber có cảm tưởng như mình ra đi cả mấy tuần nay. Những khuôn mặt bạn bè bắt đầu mờ dần trong trí nhớ.
- Hôm nay là thứ mấy nhỉ?
- Thứ tư
- Ừ nhỉ, hôm qua là thứ ba. Không biết chúng ta có được uống cà phê không?
- Sao lại không? Ở đây đời sống vẫn như xưa.
Một vài người lấy bánh ra ăn. Graber vẫn đợi, y muốn dùng với cà phê. Y nghĩ đến những bữa ăn sáng thời bình, bà mẹ bày trên bàn phủ khăn tinh tươm nào là mật ong, bánh, sữa nóng, chung quanh bình cà phê. Ngoài hiên chim yến hót líu lo, mặt trời vuốt ve bỗng hương diệp dưới cửa sổ. Y thường lấy ngón tay vò nát mấy chiếc lá dày dặn màu xanh đậm để mùi thơm kỳ lạ gợi lên cảm tưởng những xứ xa lạ. Trong mấy năm gần đây, y đi không thiếu gì cảnh lạ xứ xa, nhưng trong hoàn cảnh khác hẳn điều mong ước. Y trở lại gần cửa sổ toa tầu, bây giờ y tin tưởng hơn trước. Thợ thuyền đang làm việc, ngẩng đầu lên nhìn xe hỏa đi qua. Trong chỗ vài người đàn bà đầu bịt khăn sặc sỡ. Viên hạ sĩ hạ cửa kính xuống giơ tay vẫy. Không ai trả lời. Y ngượng ngập lẩm bẩm: “Đồ ngốc! Thay kệ các người”.
Vài phút sau, họ đi qua một cánh đồng có một toán vừa đàn ông lẫn đàn bà đang làm việc. Anh hạ sĩ vươn người ra vẫy tay lia lịa. Họ thản nhiên mặc kệ. Anh ta chua chát mà rằng: “Mình hy sinh xương máu ngoài mặt trận cho những người như thế đó”.
- Có lẽ họ là tù binh hay công nhân ngoại quốc.
- Trong bọn có nhiều đàn bà, ít ra họ cũng trả lời mình chứ.
- Có lẽ họ là đàn bà Nga hay Ba Lan.
- Trông bề ngoài không phải người ngoại quốc. Vả chăng, thế nào cũng có người Đức.
- Chuyến tầu này chỉ chở thương binh. Đáng ra người ta phải xúc động khi thấy thương binh chớ!
- Họ là những người ngu si, chân lấm tay bùn chỉ biết chăn vịt nuôi heo.
Anh ta kéo cửa kính kêu “sầm”.
Anh thợ sửa khóa nói:
- Ở miền Cologne chúng tôi, người ta không tệ bạc đến thế.

*

Con tầu vẫn đi miết. Đến một đường hầm tầu dừng lại hai giờ. Trong toa không có đèn, mọi người chịu cảnh tối như đêm dày. Mặc dù đã quen ở dưới hầm tối, họ cũng thấy lòng nao núng bồi hồi, ai nấy im lặng. Trong tối lập lòe đóm đỏ thuốc lá.
“Hẳn là máy có gì trục trặc”.
Mọi người lắng tai nghe nhưng không có tiếng máy bay mà cũng không có tiếng nổ.
Anh thợ khóa hỏi Graber:
- Anh đã đến Rothenbourg chưa?
- Hình như đó là một tỉnh già nua lắm.
- Anh ta đến thăm rồi à?
- Chưa. Thế còn anh?
- Chưa. Mà tôi đến đây làm gì?
Anh mặt chuột xen vào:
- Giá anh xin phép đi Bá Linh thì hơn, ít khi được phép nghỉ. Đến Bá Linh chơi thú vị hơn đi chỗ khác.
- Tôi không muốn đi chơi, mà khách sạn đắt đỏ lắm. Tôi muốn về thăm nhà.
Tầu chuyển bánh.
“À, có thế chứ! Tôi tưởng chúng mình bị chôn sống ở đây!”
Trong tối đã hiện ra vài vết sáng. Sáng thêm. Rồi thình lình cảnh vật hiện ra, xinh tươi hơn cách đây hai giờ. Mọi người chạy xô về phía cửa sổ. Họ theo bản năng đưa mắt tìm vết tích bom đạn. Không có gì dấu vết tàn phá. Buổi sáng tinh sương làm họ say sưa như rượu êm nồng.
Vài giờ sau tầu dừng lại ở một ga. Anh lùn bước xuống, kế theo là anh hạ sĩ và hai người khác. Trời tối sầm lại. Mây xanh từ hướng tây nổi lên. Lần thứ nhất Graber nhận thấy địa hạt này quen thuộc với mình. Y không nhận ra một cái nhà, một ngọn đồi hay một cái làng nào quen thuộc, nhưng toàn thể phong cảnh này đối với y không có gì xa lạ. Kỷ niệm từ xa xưa tràn đến với vẻ quyến luyến mãnh liệt. Cảnh vật hiện ra với những nét mờ tỏ, trí nhớ hiện lên với những nét mông lung, hầu như y mơ màng lúc trở về chứ không sống lúc trở về, nhưng chính cái vũ trụ thấy lại ấy, chính những hình ảnh không thực ấy vấn vít cõi lòng với sức mạnh hơn bao giờ.
Dần dần tên các ga trở nên quen thuộc. Y thấy lại những thị trấn trước kia đã qua chơi. Trí nhớ làm cho khí trời trong sáng, ngát hương rừng sim, rừng thông, rừng cỏ. Tỉnh nhà không còn xa, Graber khóa chặt ba-lô và đợi những căn nhà đầu tiên xuất hiện.

*

Tầu dừng lại. Nhiều người bước xuống. Graber nhìn xuống sân ga. Người ta hô tên tỉnh nhà.
Anh thợ khóa bảo y:
- Thôi về nhà chơi thỏa thích nhé!
- Chưa đến nơi mà, ga ở trung tâm thành phố cơ!
- Có lẽ mới dời ra đây. Anh thử hỏi xem.
Nhiều quân nhân đã leo lên, ba-lô làm nghẽn cả lối. Bấy giờ y nghe tiếng một nhân viên hỏa xa nói:
- Hành khách đi Werden, xin mời xuống!
Y vội ném ba-lô lên vai, chen qua đám đông đến hỏi:
- Tầu không đi xa hơn nữa sao?
Người ấy ra vẻ mỏi mệt ngước mắt nhìn y:
- Ông đi Werden à?
- Vâng.
- Ông đi về phía trái qua đường rầy xe buýt.
Graber đi quanh xe lửa sang bên kia thì thấy một căn nhà gỗ mới sơn dầu hắc trước đây chưa trông thấy. Xe buýt đậu ở phía sau. Y đến gần người tài xế.
- Xe đi Werden à?
- Vâng.
- Tầu không vào tỉnh nữa à?
- Không
- Sao vậy?
- Vì không vào tỉnh nữa.
Graber nhìn người tài xế, và hiểu rằng hỏi nữa cũng vô ích, không biết gì hơn. Y thong thả leo lên xe ngồi vào một góc. Trời tối xuống, cặp đường rây còn có vẻ mới, nom sáng bóng lượn vòng sang phía đông thành phố Werden. Tầu chuyển bánh, Graber ngồi nép vào một góc xe. Y nghĩ thầm tuy không tin hẳn: “Có lẽ người ta cẩn thận sửa lại cho đường rây chạy ra ngã khác”.
Đến lượt xe buýt bắt đầu nổ máy. Chiếc xe đã cũ lắm sửa đi sửa lại nhiều lần. Nhiều xe Mercedes vượt qua. Xe chở các sĩ quan Bộ Tham mưu và sĩ quan Mật vụ. Hành khách yên lặng nhìn họ. Không ai nói một câu nào, chỉ có tiếng la hét vui vẻ của gái nhỏ chạy giữa hai hàng ghế. Con bé tóc vàng, đeo một cái nơ lam. Nó chừng hai tuổi.
Bắt đầu trông thấy phố xá, nhà cửa còn nguyên vẹn không bị hư hại. Graber thở nhẹ nhàng. Chiếc xe lắc lư đi độ một trăm thước nữa thì dừng lại.
- Xuống đi.
- Đây là đâu? - Graber hỏi người bên cạnh.
- Đường Bramsche.
- Đến đây thôi à?
- Đến đây thôi.
Mọi người xuống, Graber nói:
- Tôi về nghỉ phép. Đã hai năm, giờ tôi mới về đây.
- Ông ở đâu?
- 18, đường Haken.
- Ở bên phố cũ à?
- Phải. Đường Louise, gần nhà thờ Thánh Catherine.
- À!
Người ấy ngẩng mặt lên nhìn trời tối
- Ông biết đường chứ?
- Dĩ nhiên. Ai mà quên đường về.
- Ừ phải. Thôi chúc ông may mắn.
- Cảm ơn!
Graber bước vào đường Bramsche. Y nhìn nhà cửa, lòng e ngại. Không cái nào bị hư hại. Y nhìn cửa sổ. Tối thui.
Y nghĩ thầm: Phòng không thụ động. Y thất vọng, nhưng vội cho là mình ngu muội, vì vẫn yên chí là trở về sẽ thấy thành phố sáng trưng như ngày trước. Y rảo bước đi, qua một tiệm bánh không thấy dấu vết một chiếc bánh mì nào. Khách qua đường nhìn vào tủ kính chỉ thấy một bình hoa giấy. Rồi đến một tiệm tạp hóa chỉ có những hộp với thùng rỗng không.
Xa xa, y nhận ra là liệm đồ da. Lúc còn bé y tấm tắc khen ngợi con ngựa nhồi rơm thắng một bộ yên cương màu hung. Lại gần tủ kính coi thì thấy con ngựa vẫn đấy nhưng bộ yên cương đã biến mất. Y cũng thấy con chó lớn nằm yên ngậm một tiếng sủa yên lặng, thuở nhỏ, mươi năm về trước đã có lần y nổi “máu anh hùng” dám vuốt ve nó. Như vậy là không có gì thay đổi cả, thành phố vẫn nguyên vẹn như lúc ra đi. Gặp một người qua đường y chào một tiếng vui vẻ. Mãi sau mới có tiếng trả lời:
- Chào ông!
Giầy móng sắt đập vang trên hè. Trong vài phút nữa y sẽ xỏ chân vào đôi dép trong nhà, để tắm nước nóng, xức nước hoa, rồi mặc sơ-mi sạch sẽ. Y rảo bước đi mau hơn, đường phố như một tấm thảm thần.
Bây giờ y mới ngửi thấy mùi khói, làm y đứng dừng lại. Không phải mùi khói quen thuộc củi gỗ hay lò sưởi. Mùi khói một đám cháy. Nhìn xung quanh thì thấy những căn nhà đen thui, mái còn nguyên, đứng sững trong trời tối.
Hết con đường ấy là một công trường nhỏ trồng nhiều cầy to. Mùi khói hắc càng thêm mạnh, mùi khói hình như bám vào cành cây. Y định tìm xem ở đâu ra. Hình như nó bám ở khắp cả mọi nơi, khác nào trời mưa than tro xuống thành phố.
Ở một góc phố hiện ra căn nhà bị tàn phá thứ nhất. Y xúc động mạnh mẽ. Đã hai năm nay y sống giữa những cảnh đổ nát đã nhiều, nhưng lúc này y chăm chú nhìn đống gạch vụn như lần đầu trông thấy một căn nhà trúng bom.
Y thầm nghĩ: chỉ có một căn. Một căn nhà lẻ loi. Các nhà khác không sao. Đi qua một căn nhà đổ y thở mấy hơi dài. Mùi khói dai dẳng hẳn là ở căn nhà này, nom có vẻ đã đổ hư từ lâu. Có lẽ bị trúng bom lạc, như thỉnh thoảng vẫn xảy ra khi oanh tạc cơ đi ném bom về.
Y tìm tên đường phố: đường Brême. À, nếu vậy thì đườ!!!15100_9.htm!!! Đã xem 30094 lần.