ong hạn cải tạo lao động, tôi về lại Ban nông nghiệp báo.Dưới gốc đa, Phan Quang, mới lên trưởng ban sau cuộc đánh phá xét lại và chuyến đi Bắc Kinh xức dầu thánh; Hữu Thọ hay “lính dù Kong Le” (chỗ nào đảng uỷ cần đánh dẹp thì phái anh ta đến) một nhát nhảy mấy bậc lên ghế phó trưởng ban dưới Phan Quang, phổ biến ba quyết định của Ban biên tập và đảng uỷ về tôi:1) Không được ký tên Trần Đĩnh2) Chỉ viết nông nghiệp, cụ thể là lúa, bèo, phân bón, lợn gà… Không được viết anh hùng, chiến sĩ thi đua và cấp uỷ cao. Bởi lẽ không đủ tư cách tiếp cận các vị.3) Không được gần thanh niên, “bởi lẽ sẽ đầu độc họ”.Đã có những ban phổ biến điều 3 này rất ngặt. Trưởng ban văn hoá Đức Thi họp ban đe hẳn hoi. Nguyễn Hồng Nam, anh hoạ sĩ trẻ đã bảo lại tôi.Mấy chục năm sau, trong một lần gặp mặt anh chị em về hưu của báo, Hồng Nam lại kể lại chuyện này. “Nghe kỷ luật như thế thì rất sợ nhưng thế nào tất cả bọn trẻ lại cứ thích gần anh Trần Đĩnh, hay thật!”Trong đầu không ít người, tôi đã thành một bóng ma đáng sợ, kiểu bóng ma từng ám ảnh thế giới của Marx. Đảng đâu hiểu đảng cứ giáng kỷ luật vào tôi, tôi lại yên lòng. Tôi thành tâm mong chia sẻ phần nào đau khổ của các anh chị trong tù. Muốn giữ tiết nghĩa với anh chị em chứ không nhằm lấy lại tin cậy của đảng.Tôi về báo được ba ngày thì Nguyễn Trung Thành, vụ trưởng bảo vệ Ban tổ chức trung ương điện thoại mời chiều lên gặp. Gác hai trường Tây con Albert Sarraut cũ.Trung Thành thân mật nói:- Anh Thọ nói mời anh lên để nhắn anh rằng anh là điển hình của trí thức(!), Đảng cần giúp cho anh tiến bộ. Có anh - thôi, nói tên ra, anh Vũ Khiêu có quen anh đấy, nói viết hàng nghìn trang lý luận mà anh Thọ có bảo là điển hình trí thức đâu. Hôm nay gặp để hỏi xem anh có khó khăn gì thì xin anh nói ra, đảng sẽ cùng với anh giải quyết.Tín hiệu quá rõ: “vẫn là lợi khí của Đảng nhưng phải lòng dạ trong, tư tưởng sáng”. Lòng dạ trong là gì hãy tự hiểu lấy.Và Vũ Khiêu, người khai viết hàng nghìn trang lý luận cũng đã khoe với tôi thành tích ông báo với đảng như thế. Tôi khai cung về, ông đã hỏi sao đi lâu thế, có nói gì về ông ta không. Tôi phải cao giọng lên “Không ai đụng gì đến ông một câu nào”, ông mới thôi liếm mép, một dấu hiệu lo lắng.Trả lời Trung Thành, tôi nói:- Xin cảm ơn anh Thọ và anh anh Thành ạ. Tôi thật tình không có khó khăn gì. Duy Chính Yên chỉ là nghe tôi thôi mà gánh nặng gia đình lại nặng, lương ít thì Đảng nên chú ý giúp anh ấy… Nhưng tôi có thắc mắc thôi, anh có cần biết không?Trung Thành cười nhã nhặn. Hiền lành nữa.- Anh có muốn tôi nói dối không anh Thành? - tôi hỏi - Thí dụ nói rằng nhờ đi cải tạo tôi đã sáng ra, nhận thấy mình sai… Nhưng anh Thành ạ, anh bảo tôi nói dối tôi cũng không nói đâu. Vậy bây giờ tôi nói thắc mắc của tôi ra để anh nghe. Cũng là những điều anh đã biết vì ở trong biên bản cả rồi. Chỉ là nhắc lại ở một mức độ cao hơn thôi. Thứ nhất, Đảng tiếp tục tha hoá, biến chất, đảng viên càng ngậm miệng ăn tiền. Thứ hai Trung ương vẫn chưa hiểu kinh tế, sản xuất tiếp tục trì trệ, chủ yếu nhờ vào chi viện bên ngoài. Thứ ba, về sinh hoạt vật chất, Bộ chính trị xa cách với nhân dân quá xá.Im một lát, Trung Thành khẽ nói:- Điều anh nói đầu tiên, Đảng đang sửa. Sẽ thanh toán những phần tử cơ hội chủ nghĩa thoái hoá. Về kinh tế, Đảng đang đề ra nhiều chính sách mới đấy. Còn cái thứ ba thì lôi thôi lắm, anh Đĩnh ạ. Bên bảo vệ đặt ra quá nhiều quy định này nọ, anh Nguyễn Chí Thanh bực lắm, họ đặt ra nhiều cái cứ như bó chân bó tay các anh Bộ chính trị lại.Suýt buột ra “Tôi không thích gà rán mà vợ cứ rán thì tôi…”, nhưng tôi lại nói:- Tôi chỉ là chân thành góp ý với Đảng, tôi nói lại là không có khó khăn gì. Cảm ơn anh Thọ và anh.Trung Thành tiễn tôi đi hết hành lang dài trên gác, qua những lớp học Tây con ngày xưa nay thành trụ sở ban bệ của Trung ương đảng. Tự nhiên tôi nghĩ thì cũng như Bác (Hồ) có qua việc vào đảng cộng sản Pháp rồi mới làm Chủ tịch Việt Nam dân chủ cộng hoà.Đến đầu cầu thang, bắt tay tôi, Nguyễn Trung Thành nói:- Anh Trần Đĩnh, gặp anh tôi học được nhiều…Tôi đã nghĩ lâu đến câu này. Giả dối ư? Chẳng lẽ lại khiêm tốn đến thế? Duy cầm chắc một điều là không thể vờ ra nét mặt chất phác hiền hậu này lúc ấy. Phải hơn hai chục năm sau, anh có đơn đề nghị Trung ương minh oan cho chúng tôi, tôi mới hiểu đằng sau câu anh nói hôm tiễn tôi ấy là một gốc nhân bản chưa bị giết chết ở anh.Thú thật lúc ấy tôi không ngờ cuộc gặp này là ý Lê Đức Thọ cho đò đón tôi qua sông sang bờ quan quyền. Không ngờ vì không bao giờ tôi xếp tôi vào thứ được nhân sự của đảng nhòm đến. Rồi cũng vì cái tạng không tính được thua cho đời. Nếu có thì tính đến chuyện được thua ở nhân phẩm… Sau này nhiều bạn bảo tôi ông Sáu ưu ái ông quá. Đã không bắt ông lại còn luôn luôn cho người đón ông, ông mà “chuyển biến” thì đường mây rong ruổi phải biết.Nhưng làm sao được? Tôi đã lỡ thấy cái thứ vô giá, không thể mặc cả.Đảng thường xuyên dạy đảng viên có ý thức đảng, có ý thức kỷ luật tức là làm tất cả những gì đảng bảo. Hay buông mình hoàn toàn cho đảng. Rồi dần mất cả ranh giới với nịnh người lãnh đạo. Nịnh nọt, bợ đỡ mà vẫn tưởng mình hăng hái, trung thành, tu dưỡng đạo đức.Sau đó chừng nửa tháng, Chính Yên mặt đau khổ bảo tôi:- Mình vừa lên anh Thọ, anh ấy rất cáu, bảo về nói với thằng Trần Đĩnh là nó láo lắm, không ai chịu được nó nữa đâu.Rồi Nguyễn Hữu Chỉnh cũng sửng sốt bảo tôi:- Ủa, Trần Đĩnh, làm gì để ông già cáu thế chứ?- Này, - tôi hỏi Chỉnh sang chuyện khác. - Đi Paris cùng với ông Lê, ông ấy có nhắc tới chuyện xin giấy vào sứ quán Liên Xô ăn bơ sữa và an ninh đang xem xét chuyện ấy nữa không?- Ô, bây giờ thân lắm, - Chỉnh hỉ hả nói.Dưới ô Lê Đức Thọ, ngựa một tàu đã xuất ngoại đều tuấn mã. Bi kịch của tôi là đã không biết may cho mệnh số mình bằng cái thước đo của ông Sáu Thọ!Nghe Chỉnh tôi nhớ lại hình ảnh anh bứt tóc giậm chân kêu thất thanh: “Ai định hại tôi đây?”Ở Paris về, Nguyễn Thành Lê đi một Peugeot mầu đỏ ớt, thứ hàng cả Hà Nội thèm. Một sáng đến cơ quan, tôi thấy mấy người xúm quanh Lê bàn tán râm ran. Khom lưng xuống thật thấp, Hữu Thọ trầm trồ:- Anh phải mách cho bọn tôi biết nơi sơn với chứ, chết, chết… sơn lại mà nom y như mới nguyên thế này cơ chứ.Phải thấy cái miệng nhành ra “chết, chết” thán phục. Ý là vào tay anh cái rác cũng hoá quý vật!Tôi đến bên cả cái đám đang rực lửa thán phục xe sơn lại mà như mới:- Anh Lê, anh đánh cược không? Xe vẫn đi anh để cho ai, chắc thế, còn cái này cũng Paris về nhưng mới đập hòm. Anh cho xem biển số xe ở giấy chứng nhận xe thì biết, nếu xe mới thật, anh mất cái này cho tôi còn xe sơn lại thì tôi mất cho anh cái giống như cái đấy.Tôi chỉ cần tố xì như thế! Dàn hợp hót liền tan. Tôi đã góp phần giữ vệ sinh công cộng.Viết nông nghiệp tôi ký Trần Đồng Áng. Lê Điền duyệt bài nói: “Ký thế này người ta lại kêu là ông trêu ghẹo, thôi thì ký Trần Đồng nhé”.Tôi nói:- Thì Trần Đồng bí thư khu Vĩnh Linh lại kêu tôi cướp lănh đạo của ông ấy. Thôi, ký Trần Áng vậy. Có biết áng là gì không? Về Thuỷ Nguyên trẻ con nó vẫn bảo “bu đang ở áng…”. Rồi tôi ký thêm Bản Quyên, cái tên sau hay dùng cho việc dịch.Sau những ngày tháng lận đận, vì cái gì không rõ, có thể vì cách nhìn mới mà một hành tinh xa nào đó gửi đến tôi qua khối chữ mới đúc óng ánh bảy sắc cầu vồng, tôi chợt thấy tôi giàu con mắt. Khải thị từ giây phút nào? Nhưng có thể coi lần dưới đây là lần phát hiện đầu tiên.Năm 1973 lên hợp tác xã Ngọc Nham, huyện Yên Thế viết cây lạc trồng thí nghiệm theo chỉ dẫn của chuyên gia Trung Quốc, tôi đạp xe ngược sông máng vào đất Cụ Đề, vùng đồn điền Chesnay và Tartarin chiếm sau khi dẹp Đề Thám. Hoang vu. Những đồi sim mua tít tắp xù lên lớp lông tiền sử. Con sông đào phồng ưỡn lên như chăng ra một câu đố thuỷ tinh khiến tôi phải đi xuống bờ nước. Cúi đầu toan vốc nước rửa mặt liền dừng sững. Rồi quỳ xuống bàng hoàng: giữa hai bờ vách đá trắng uy nghi, trên nền vần vụ mây bông nguyên thuỷ, Chúa đang nghiêm trang, thương cảm nhìn tôi. Đôi mắt đau đáu, vòi vọi, mặt Chúa vừa lạ vừa thân quen, vừa muốn tôi khóc vì lỗi lầm lại vừa muốn tôi ôm lấy Người nhận về lời khen. Và cũng thình lình Chúa tan biến: hai vách đá trắng là hai mái đầu bạc của tôi. Chúa vừa mới mượn bộ mặt bốn chục tuổi của tôi để cho tôi chiêm ngưỡng Người.Một sợi tóc bạc rụng. Tôi cầm lên soi. Cuộc đời in vivo - trong cơ thể tối tăm nhếch nhác của tôi rút vào thành cuộc đời in vitro - trong cái ống nghiệm thấu suốt nhỏ mọn này ư? Năng lượng nào đúc nên khối tinh khiết đầy ứ này? Tự hỏi rồi thầm mừng cho cái nguồn trắng tượng trưng cho sự giàu có vô dụng của chính mình.Một chuyện cũng lại dính đến Thượng đế! Lần đầu cải tạo lao động xong, đi viết nông nghiệp, tôi về xã Hải Anh, Hải Hậu, nơi có Cầu Mái và Chùa trăm cửa. Chủ tịch xã là người từng ở trong trung đội lính bảo vệ Văn phòng Quốc hội và đóng trong dẫy nhà phụ ở bên phải lối từ cổng Uỷ ban khoa học xã hội đi vào, trông chéo vào nhà Hoàng Minh Chính cạnh nhà sư Thiện Chiếu, có thể đã để ý tôi hay ra vào nhà Chính. Một chiều muộn, ở Hải Anh, tôi tới thăm Nhà thờ xứ Đông Biên gồm có cả một toà Nhà Dòng nguy nga. Tôi bỗng rất buồn: thấy rõ triển vọng thâm u, tiêu điều của khu vực tôn nghiêm bắt đầu hoang vắng này. Một tảng băng Bắc cực sẽ tan vào hư không. Có một hàng rào sắt ôm bọc lấy một bức tượng Đức Mẹ. Tôi đến cạnh đứng lặng lẽ, thấy rõ sương vần vụ dâng đầy quanh mình, quyến luyến, che chở. Chợt thấy thiên nhiên đang tự thể hiện về dạng uyên nguyên để cho tôi chiêm nghiệm bản thể của thiên nhiên và sự sống. Bồng bềnh thế đó, không hình không bóng thế đó! Mà cai quản, sai khiến tất cả dó. Mà dạ con của vạn vật đó…Vừa hay một cánh hồng bạch trồng quanh bệ tượng Đức Mẹ bong ra, khẽ thở dài lìa đài hoa, buông mình: một con thuyền lênh đênh giữa vô lợi vô hại. Thì đồng thời một hạt sương đậu xuống má tôi. Thiên nhiên vừa chấm lên tôi một giọt nước dung nạp. Từ ngày có hơi nước ban sơ cho quả đất này, qua hàng tỉ tỉ tỉ xoay vần biến hoá cạn - khô, khô - cạn, vấy bẩn - lọc sạch, lọc sạch - vấy bẩn, giọt nước đầu tay ấy của Thượng đế bữa nay chọn mặt tôi làm bãi đáp.Tôi cũng qua nó lần đầu tiên cảm thụ đầy mình chiều dài biền biệt của sát na, chiều sâu không đáy của đơn chiếc.Chả biết có phải vì thế không mà ở trong tù đọc bài ký về xã Hải Anh, Châu nhận ra đó là tôi viết - khi ra tù anh bảo tôi.… Lần ấy, đến Ngọc Nham ở nhà Nhuận, chủ nhiệm hợp tác xã mà tôi thấy vẫn quanh quất đâu đó bóng Đề Thám. Mẹ Nhuận chỉ cái sân trước nhà bảo tôi: ngày trước cụ Đề thường về đây, bố tôi, ông thằng này (chỉ Nhuận) vẫn rải chiếu cho Cụ ngồi ở ngay chính chỗ này, đây cái sân đây. Bốn người lính theo hầu Cụ Đề ôm bốn cây súng rõ thật là dài ngồi xoay lưng cả vào Cụ Đề rồi ngoảnh hết các ngọn súng ra tứ phương thế này che rõ là thật kín cho Cụ. Cụ thường bảo trẻ con chúng tôi xoè tay ra rồi cho một kẽm mua bánh đúc. Đấy, ở đầu làng nhìn sang bên kia sông, trên quả núi vẫn còn cái đồn Tây xây đánh Cụ nay đổ nát đấy.Tiền khởi nghĩa, vợ chồng bà lão là cơ sở của du kích, như bố mẹ bà lão là cơ sở của Cụ Đề. Cải cách ruộng đất, Nhuận thành “Quốc Dân Đảng đội lốt bí thư chi bộ Cộng sản” bị đội trói gô lại bắt quỳ. Anh không chịu. Du kích cứ báng súng ghè vào đầu gối anh. Gia đình này cơ sở cách mạng, ba đời, từ Cụ Đề, không có biết quỳ, - anh bò lồm ngồm dậy nói.Trước khi dời đi, tôi ôm lấy bà cụ ở dưới gốc cây hoè xưa lính Cụ Đề vẫn quàng nón áo và bao gạo vào đó, nói:- Cụ cho cháu lấy tí hơi Cụ Đề…Rồi tôi mở bàn tay cụ ra, xoa xoa các ngón tay tôi vào đó. Tôi thật sự bồi hồi đoán xưa cụ Đề cho tiền thế nào chả đã chạm tay vào đây.Một chiều ở đấy, tôi đạp xe thăm Nguyên Hồng. Anh lại đang ở Hải Phòng, - anh là chủ tịch Hội nhà văn dưới đó. Chị Nguyên Hồng giữ tôi lại. Giết gà. Tôi rất ân hận. Anh chị quá nghèo, tôi đã vạc một miếng vào tài sản anh chị. Đêm mưa to. Khó ngủ. Nhớ lại đêm nào mấy đứa Hà Xuân Trường, Như Phong, Địch Dũng và tôi ngủ ở cái phản này. Địch Dũng và tôi có mỗi cái chăn mỏng. Chăn dầy dành cho hai gã “lão thiềng”.Đời là tình cờ. Một hôm tôi và Vũ Hạnh Hiên ngồi ở quán cà phê cô Minh, Lý Thường Kiệt - Quang Trung thì một bà đi vào. Cao, trắng ngời, sang trọng, ví đầm. Bà cầm tách cà phê loay hoay tìm chỗ - quán quá đông. Tôi vội mời bà ngồi cùng bàn. Merci - cảm ơn, - bà thân mật đáp. Một Việt kiều, tôi thầm nghĩ. Bà mở ví lấy ra bao Tam Đảo, thứ thuốc lá gần mạt hạng lúc đó. Tôi vội mời bà Điện Biên, cao hơn một hào vừa mua theo tiêu chuẩn công đoàn một tháng hai bao tám hào.Bà cầm lấy một điếu:- Merci encore, j’en prends une, volontiers - Cảm ơn nữa, tôi sẵn sàng hút một điếu.Rồi tiếp luôn, vẫn bằng tiếng của tổng thống Pompidou:- Anh là nhà văn và bạn của Nguyễn Tuân, đúng chứ, mais c’ est vrai, oui, tôi thấy? Lâu lắm tôi không gặp ông ta.- Tôi là Trần Đĩnh, tôi mới gặp ông ta vài ngày trước.- Tôi là Hoàng Thị Thế.- A, (tôi buột reo lên). Ah, la fille de notre héro national, grand salut!! A, con gái của anh hùng dân tộc, chào kính!. Còn tôi, tôi là cháu cụ Đề Tít. Cụ bà đẻ ra ông nội tôi là em ruột cụ Đề Tít.Đến lượt bà reo:- Tôi biết cụ Đề Tít, bạn của bố tôi. Khi cụ chết ở chỗ lưu đày, tôi biết. Thi hài được đưa về quê. Hải Dương nhỉ?Chuyện thân mật hơn lên nhờ hai Cụ Đề quá cố. Bà chợt hỏi tôi sinh năm nào. Tôi vừa đáp, bà nói luôn.- Năm 1967, anh gặp chuyện lôi thôi lớn đấy.- Je frôlais la príson. Tôi sượt qua nhà tù.- Mais on ne vous laisse pas encore tranquille, tenez - vous le pour dit, - Nhưng người ta chưa để anh yên đâu, hãy nhớ lấy, tuy dễ chịu hơn, hoà bình rồi mà. Tới 1979, cái việc khiến anh khốn nạn sẽ rõ ra… nhưng sẽ không có gì thay đổi cho anh. Khoan, đúng! 1979, Việt Nam lại có chiến tranh. Nhưng anh nhớ lấy, anh đâu vẫn đấy… (Sau này Trung Quốc nện ta, Mao sai lòi ra; còn tôi chống Mao trước Đảng thì vẫn sao y bản cũ).… Anh có một con gái, một thôi. Nó giống anh từ mũi xuống. Anh đang sống ở một túp nhà tranh, có một mảnh vườn, vous habitez dans une paillote avec un tout petit jardin.Tôi nói:- Vraiment sorcier, quoi. Kìa, như thần!- Tôi nhìn thấy một bóng trắng đằng sau anh, một bóng phù hộ, che chở anh, une ombre blanche, une ombre providentielle…- Mais c’ est maman! Là mẹ tôi đấy! - Sởn da gà lên tôi vội nói - Quên, còn cô em gái chết mười bảy tuổi, bà cô. Nhưng sao bà biết? Comment vous savez ca?- Je lis ca dans les astres, tôi đọc ở các vì sao.Bà cho biết mỗi tháng bà được phụ cấp một trăm đồng. Bà có một con gái, như tôi. Đúng, bà đã đóng phim. Con gái ở Pháp vẫn có thư cho bà nhưng người ta chặn mất cả. Người ta không muốn chúng ta liên hệ với nước ngoài, dù mẹ con. Mẹ con cũng không nên tin nhau mù quáng. Il faut voir le monde avec des yeux… quoi, phải nhìn thế giới với các con mắt, sao nhỉ…?- Des yeux marxistes… Mais prendre garde: marxistes et non marsiens. Nhìn với con mắt mác-xít, nhưng cần chú ý: mắt mác-xít chứ không phải mắt người Sao Hoả.Bà Thế chĩa ngón tay “phê phán” ngoay ngoáy vào tôi.Chuyện lan man rất vui, chợt tôi nghĩ liệu Đề Thám và Bà Ba có lấy tử vi cho người con gái yêu khi sinh ra cô không? Tôi hỏi:- Xin lỗi, nếu bà cho phép? Tại sao bố mẹ bà đặt tên bà là Thế?Bà mở to mắt, rất ngạc nhiên- Vâng, thế là thay! Phải chăng các cụ có ý để cho con gái lớn lên sẽ thay mẹ làm tướng không? Mais avaient - ils eu, vos parents, l’intention de vous faire la remplacante de notre célèbre commandante Bà Ba?Bà úp hai tay lên ngực, rất cảm động:- Lần đầu tiên có người hỏi tôi thế. Mà đúng, nên nghĩ là các cụ đã có ý ấy, dù tôi chỉ là một người thua cuộc. Anh là một người làm vườn lớn, vườn ký ức của tôi đẹp lên nhiều nhờ anh, mon jardin de souvenirs a été embelli beaucoup grace à vous.Bà mở ví. Tôi nói laissez - moi, để tôi.Bà ra cửa, ngoắt quay rất nhanh lại, cười thật thân, thật tươi nói:- Dès la première vue, je te trouve déjà très sympa, très, très, tout de suite, tu sais, mais tiens, viens me voir, tu as pris mon adresse, au revoir - Ngay phút đầu tiên tớ đã thấy mến đằng ấy, ngay lập tức, rất rất, cậu biết đấy, nhưng này, đến thăm tớ đấy, cậu đã ghi địa chỉ, Trương Định, chào tạm biệt.Sau đó, nhiều lần tôi đến bà. Không Trương Định mà Khu Văn Chương. Tiều tuỵ đi nhanh hơn, mấy tháng thêm một nấc thiểu não trông thấy. Hết mặt hoa da phấn, hết sang trọng. Và vẫn không có những bức thư con gái gửi cho vì bị “interceptées” - chặn lại. Nghe chữ intercepter, tôi nghĩ ngay tới máy bay tiêm kích P51 Mustang của Mỹ hồi Thế chiến 2 mà tôi còn bé đã rất kính nể. Ngày một chiếc bánh mì hai lạng hai lai cô hàng xóm xếp hàng hay chen hàng mua hộ. Tôi thường thấy những mẩu bánh mốc trên bàn, những hòn đá vặn vẹo ở lòng suối cạn hay những gót guốc mộc gẫy bẩn. Bà hay nói đến chiến tranh thế giới thứ ba:- Sẽ là một cuộc chiến tranh nguyên tử, giống người tồi tàn này khó tránh được sự huỷ diệt…. - Thì thào như một mong mỏi, một nguyện cầu…Hôm ấy tôi đến xẩm chiều, trời âm u mà mất điện. Bà đầu tóc bù xù rối, muối tiêu, tóc xác xơ với màu xám xỉn có lúc làm tôi ngỡ bà đội một mớ ngải cứu khô cong rã rượi, hai bàn chân buông thõng, không giầy không tất, sàn láng xi măng anh ánh lạnh. Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu, ôi Nguyễn Gia Thiều. Gót chân kia đã chạy ở vạt rừng Yên Thế chưa?Bắt tay bà, cổ tôi nghèn nghẹn. Bà nói có một lãnh tụ nào nói điện khí hoá phải đi trước một bước, nhưng nó với ông ta đi trước xa quá… bỏ chúng ta lại với bóng tối khắp nơi, de l’ ombre partout…- Lê-nin… Lê-nin nói thế, - tôi nói.- Lê-nin, qui ca, ce mec, - thằng cha ấy là ai? - Bà nhún vai.Mới hôm nào tôi kể chuyện tôi đến một nơi gọi là Ngọc Nham, nơi ấy Cụ Đề ngày xưa hay về. Ngồi xếp bằng ở chiếu rải giữa sân, bốn xung quanh là bốn người lính súng dài lắm chĩa ra bốn phía… Bà cụ chủ nhà lúc ấy bé hay được Cụ Đề cho một kẽm… Khi rời Ngọc Nham, đứng dưới gốc cây hoè Cụ Đề từng cúi xuống để vào sân nhà, tôi ôm lấy bà cụ chủ nhà nói: “Cụ cho cháu xin tí mùi Cụ Đề ạ…”Hoàng Thị Thế chợt thẳng người lên:- Anh giữ gìn rất tốt mẩu vườn ký ức của tôi. - Rồi lập cập giơ hai tay gầy ra níu lấy tôi. - Qua anh tôi cũng lại như ngửi thấy mùi bố tôi… Tôi thoáng nghĩ bà nói như thế vì có lẽ bà chả có mấy ký ức về bố.Tối nay, trước khi về, tôi nói:- Nếu là chính phủ, tôi sẽ mời bà đến ở một biệt thự nhỏ gần đám điện ảnh trên đường Hoàng Hoa Thám. Chỗ ấy đa nghĩa với bà.Bụng nghĩ nói tiếng Pháp thì mày tao chi tớ, về với tiếng Việt lại phải bà!Hoàng Thị Thế nhìn tôi, chờ đợi. Tôi thấp giọng:- Ở khúc đường vành đai cổ xưa nhất và thân thiện này của Hà Nội, bà được sống chung với bố, với nghề xưa.Tôi ân hận. Mắt con gái Đề Thám chợt như lạc chìm vào đâu. Rồi tôi lại yên lòng. Ít ra có nơi để chìm vào.Tôi chào rồi ra cửa. Xuống thang thì nghe tiếng Hoàng Thị Thế gọi theo:- Attention aux marches de l’ escalier, Đĩnh! Ce mec qui faisait grand tapage sur l’ électrification nous laissait tous submerger dans l’ ombre. Cẩn thận bậc thang, Đĩnh. Cái cha làm ỏm tỏi lên về điện khí hoá kia bỏ chúng ta chìm hoàn toàn trong bóng tối.Toan gọi đùa lại:- Parce que son plan d’ electrification électrocute toute lumière, - vì điện khí hoá của ông ta giật chết hết mọi ánh sáng.Mở khoá xe ở cạnh cầu thang tối om dưới nhà, tôi vẩn vơ nghĩ nếu Cụ Đề và Bà Ba sống những thập niên chống phát xít, trên căn cứ địa Yên Thế có John, có Thomas sĩ quan tình báo Mỹ OSS huấn luyện rồi cùng tiến quân đánh Nhật ở Bố Hạ? Thì tháng 9 năm 1945, Hoàng Thị Thế đã là đại sứ đầu tiên của Việt Nam trình quốc thư tại Hoa Kỳ? Nay chẳng ai đỡ đần cho bà ngồi êm ả khóc những ngày xa, sống trong đùm bọc thương yêu của Hùm Thiêng Yên Thế. Đứa con gái viết thư gửi mẹ thì Pháp cho đi nhưng Việt Nam không cho tới. Đề Thám đâu hay cháu ngoại mình lại được Tây yêu và bị ta ghét…