háng 5 năm 1959, đoàn báo Việt Nam sang thăm Trung Quốc, tôi gia nhập đoàn.
Một sáng vào Trung Nam Hải. Trung Quốc “giải phóng” Tây Tạng. Dalai Latma ngồi bò yak trốn sang Ấn Độ, cổ tay đeo chiếc Rolex do Tổng thống Roosevelt tặng, thời cờ năm sao chưa cắm trên đất Lhassa. Phong nhã, đẹp, Chu Ân Lai lên án và giải thích chính nghĩa của Trung Quốc. Đều khách nước ngoài, phần lớn là các “nhà cách mạng” thường trú Bắc Kinh.
Mãi sau tôi mới hiểu lớp thực khách Xuân Thu Chiến Quốc đời mới này sẵn sàng hô vang khẩu hiệu đại loạn của Bắc Kinh. Ở các hội nghị Á Phi chống xét lại, ở Hà Nội, các chân gỗ không chằng không rễ chuyên đánh trống trận bằng mồm xúi thiên hạ loạn li tơi bời này thuần chỉ có tác dụng thổi ống đu đủ và rồi đều bị quẳng vào sọt rác hết.
Thình lình Mao hiện ra. Cao lớn, trắng hồng, từ tốn. Đi như khẽ xê dịch, kiểu như biết mình càng chậm thì người ta càng được ngắm nghía và người ta càng thích. Thong thả ngả người ra ghế, một chỏm tóc sau gáy liền vổng ngay đuôi gà, nếp tóc nhờn bết của những người ít tắm gội và nằm là chính.
Hai bàn tay đặt trên thành ghế thật đẹp. Tôi nghĩ ngay tới các tối chủ nhật, Trung Nam Hải thường đón các cháu nữ sinh Trường Múa đến khiêu vũ cùng chủ tịch. Hồng Linh nói các bạn đi về bảo Chủ tịch thích ôm eo chứ không đỡ lưng.
Mao nói. Ngồi nói. Nói ngọng vì giọng Hồ Nam. N thành L, R thành L. Thí dụ Hội phụ lữ Việt lam lổi lận, - Hội phụ nữ Việt Nam nổi giận. Và s thành x.
Hôm ấy Mao mở miệng chửi xà-lù (tiếng Pháp: salaud, salopard: đồ đểu - BT) thủ tướng Ấn Độ. Dám cho Dalai Latma đến sống nhờ trên đất Ấn Độ mà không bắt giao nộp Bắc Kinh.
- Nie he lu, ta xi xen mo len? Ta xi ban len ban gui dì, ban liu mang ban len xi tì… (Đúng ra phải là Nie he lu, ta shi shen mo ren? Ta shi ban ren ban gui dì, ta shi ban liu mang ban ren shi di… Nehru là người thế nào? Hắn là nửa người nửa quỷ, nửa nhân sĩ nửa lưu manh).
Trước đó không lâu Bắc Kinh ca ngợi vị nhân sĩ này là đồng tác giả với Indonesia của năm nguyên tắc chung sống hoà bình. Khi xấp mặt thì bạn lớn đều hoá ra súc vật hay côn đồ.
Định cắm cho cái kim vào đít Khruschev và nay ôn tồn, thư thả rủa Nehru thế mà vẫn kêu gọi toàn thế giới đoàn kết lại. Tôi bắt đầu ngán ông. Đơn giản từ khi tôi bập vào bài tố cáo tội ác Stalin, từ lúc Mao công khai nói ra mẹo ác nhử rắn của ông… Không đến gần ông để chụp ảnh. Chả biết Việt Nam bé tẹo thì ông coi ra cái gì, tự nhiên vận vào đất nước mà thấy sờ sợ. Bỗng nhớ Cụ Hồ đã nói ai sai thì sai chứ Mao Chủ tịch và Stalin thì không thể nào sai được.
Sau đó chúng tôi xuống miền Nam. Thăm nhà Tôn Trung Sơn và Lỗ Tấn ở Thượng Hải, thăm mộ Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh. Ông lập nên Trung Hoa Dân Quốc với tấm hộ chiếu công dân Hoa Kỳ ở trong túi - ngày nay người ta sẽ la làng lên là ông “diễn biến hoà bình”, “tay sai đế quốc Mỹ”.
Rời Thiệu Hưng quê Lỗ Tấn, chiếc Mercedes thẳng chiếu núi Cối Kê mờ xa phóng đi. Trên xe Thép Mới bảo tôi:
- Tao thích thơ mày, tao lăng-xê lên báo nhưng Ồng Kễnh gọi bảo thơ Trần Đĩnh là kiểu Trần Dần, không được, tao đành thích thơ mày ở trong bụng vậy. Khen vệ tinh nhân tạo đầu tiên mà mày viết “Con người ném gương lên treo giữa các vì sao, ngửng đầu soi thấy mình đẹp quá” thì Kễnh không xài được. Con người chung chung là đếch được, chiến thắng vô sản lớn thế mà lại cho con người trừu tượng vào… (Kễnh là Tố Hữu).
Phản ứng tức thì của tôi là tôi đếch cần Kễnh. Ơ kìa, ngày nào tai tôi nghe Kễnh bị Trường Chinh nhận xét mặt như hai ngón tay chéo lại học đòi ngậm píp như Nguyễn Tuân…
Báo Nhân Dân vừa đăng một bài thơ của tôi viết về những cao ốc mới mọc. “Xây những ban công giữa trời và những vườn hoa trong óc…”. Dưới chân cao ốc mới, một bà đẩy xe nôi. “Anh cúi thơm má chú, rồi hôn vào gót chân, mai kia qua gót chú, anh hôn các tinh cầu…” và Kễnh lắc.
Người chỉ dịu đi khi thăm vùng chè Long Tỉnh. Những nương chè hai bên con suối Hổ Chạy - từng hõm sâu dưới dòng nước, dấu vết chân con hổ chạy để lại. Trên đỉnh đồi um tùm cây, một quán trà thô sơ kiểu cổ. Người phục vụ múc lên một bát sứ nước suối Hổ Chạy chìa ra trước mặt chúng tôi. Như có một sức thần bí ở lòng bát, tự nhiên mặt nước phồng nổi lên thành một mặt kính sáng quắc che đèn pha xe hơi. Người phục vụ đặt lên trên chỗ nước doi cao nhất một đồng hào thiếc. Nó nổi và lênh đênh ngao du. Mặt nước có thêm cái nhũ hoa bỗng biến thành một bầu vú lung linh…
Mấy hôm sau, viếng mộ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương, một phó tổng biên tập báo ta hỏi bạn nhà báo Trung Quốc ở cạnh: “Chắc đồng chí liệt sĩ đây cũng quê ở Hồ Nam?”.
Kiểu ở ta thì Nguyễn Thái Học quê Nam Đàn.

*

Chia tay với đoàn báo về nước ở Nam Ninh, tôi ngược Bắc Kinh cũng với chánh văn phòng Nhân Dân nhật báo.
Mấy hôm sau đến Văn Nghệ báo, cơ quan của Văn Liên (Hội liên hiệp văn học nghệ thuật) cũng quanh quẩn Nhân Dân nhật báo ở Vương Phủ Tỉnh thực tập.
Tôi muốn đi sâu tìm hiểu văn học Trung Quốc và nhất là qua nó nhìn rõ hơn động thái chính trị của đảng. Tại sao đảng lại hay cho sóng gió nổi lên trước ở trong văn nghệ?
Tại đây tôi đã được thấy mặt các đại bút đại danh Trung Quốc nhấm, nghe không? Kèm một tấm ảnh đề ở lưng: “Xa xôi trăm dặm mẹ gửi lòng yêu thương của mẹ và các em vào bức ảnh này. Ban tặng Trần Đĩnh”.
Tôi nặng lời dặn đầu. Nhẹ lời sau. Thuốc lá mán dầy cộp và nhơm nhớp nhựa tôi quấn hai ba lá thành một điếu xì gà gộc dài hai chục phân tây còn nguyên các cánh hoa cỏ, những cánh hoa li ti trắng như những mã số khói loằng ngoằng một loài chim mật ghi tri thức tông truyền mà tôi nuốt trộm. Còn những “vì sao sáng” thành hết Nam Tào, Bắc Đẩu và tôi thì sẵn sàng hy sinh mình cho các ánh sáng thiêng liêng đó. Đôi khi dựng ra những kịch bản ảo rất hiểm nghèo để tập xả thân.
Một nếp quen gần thành kỷ luật của thời hoạt động chui lủi là mỗi người một bí danh. Cái bí danh hết sức hấp dẫn, ai cũng loay hoay cả tháng kén tìm cho mình một cái: nó cho anh một vận hội mới, nó cho ta sang trang, đổi đời thay phận cơ mà.
Chả hiểu sao tôi dứt khoát không bí bầu gì cho mình cái danh nào cả. Tuy đôi khi cảm thấy bên sườn trống chếnh thật!
Dạo đó ở Ateka, an toàn khu không nói tới giai cấp với chủ nghĩa xã hội. “Giấc ngủ mười năm” của Cụ Hồ mượn tên Trần Lực chỉ viết đến kháng chiến thắng lợi và đất nước hạnh phúc chung chung. Ai rồ mà lại nói chủ nghĩa xã hội, cải cách ruộng đất, thủ tiêu giai cấp? Để cho dân bỏ vào tề hết à? Về danh nghĩa Đảng đã giải tán, hoạt động trong bóng tối che chắn của chính quyền do đảng nắm chặt. Nội san của đảng cũng chỉ nói đến “tổ chức” hay “đoàn thể” và người ta đã đăng lên đó một chuyện vui: khi tuyên thệ trước ảnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Xít, “hội viên” bần cố nông vừa thôi chui “cổng mù” và mới được “đoàn thể” kết nạp đã “bẩm thưa mấy ông Tây rậm râu!”
Có thể nói lúc đó, Atêka chưa gò ép dữ. Mà còn cho tôi hưởng một không khí dân chủ, thoải mái nhất định. Dạy triết cho anh em quanh văn phòng trung ương, gồm cả báo đảng, đến quy luật lượng đổi chất đổi, Trường Chinh giải thích bằng cái thực tiễn dễ bập nhất vào đầu, cái thực tiễn đang quá ư khan hiếm và là mơ ước rộn rạo của hầu hết. Tức là giao hợp. Những cái nhún nhảy vào ra (nhiều anh em ở đây chưa có vợ nhưng có thể tưởng tượng ra, cái này không phải học mà). Trường Chinh rào trước, ấy là số lượng, số lượng nhiều đến mức nào thì người khoái rủn tỉ lên và lúc ấy là chất đổi. Mọi người cười rầm. Ngỡ chữ “rủn tỉ” chỉ kẻ phàm mới nói. Riêng cái cười Trường Chinh lúc ấy còn ngụ thêm ý: này, đừng tưởng tôi kém cạnh đâu đấy nhé. Chả lẽ tôi lại kê khai ra?
Đám cưới Võ, người cần vụ Trường Chinh, tôi dự đến trót cho tới khi Trường Chinh bảo hai vợ chồng mới cưới về. “Này, tôi bảo về nhưng mà giữ sức khỏe đấy nhá!”. Cười thú vị xong quay lại bảo tôi, khách còn lại cuối cùng ở “phòng khách” nhà anh: Thì cũng dặn sách vở giáo điều thế thôi chứ tôi ấy à, mai bà Minh đây (chỉ vào vợ) đẻ tối nay tôi vẫn jusqu’ au bout - đến cùng” (giơ ngón tay trỏ lên bấm vào gốc làm chừng). Trường Chinh kể một chuyện khiến tôi cảm thêm anh. Pháp đánh vào căn cứ địa chân Núi Hồng, giữa lúc Trường Chinh ở Bắc Cạn bị Pháp nhảy dù và anh đã bị kẹt trong một hầm “tăng sê” có mái ở giữa thị xã đầy lính Pháp. Lính đã đứng ở miệng hầm gọi xuống: “Ra đi, các quan trông thấy cả rồi…”. Trường Chinh bảo hai mẹ con một bà cùng nấp ở dưới hầm: “Bà ra là chúng hiếp cả hai mẹ con rồi giết…”. Anh đã cho hết giấy tờ trong người nhai nát rồi nuốt, chuẩn bị hô hai khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm. (Lúc ấy chưa phú quý nên chưa có lệ lễ nghĩa hô Hồ Chủ tịch muôn năm!) Đợi đêm tối Trường Chinh xuyên rừng mò về chân Núi Hồng thì Trung ương đã dạt cả sang Bắc Sơn - Đình Cả. Pháp theo sát nút. Linh hồn của kháng chiến thoát trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng con chó béc-giê thuộc Tiểu đoàn 51 tiền thân Trung đoàn Thủ đô, con nuôi báo Sự Thật tặng Cụ Hồ đã bị hổ vồ.
Trong khi trên đường sang Bắc Sơn, nơi đã được Văn Cao cho sắc chàm pha màu gió, buồn tình, bọn Phan Kế An bắn súng cao su phá tổ ong rừng và cả đoàn của Thường vụ Trung ương chạy Tây liền bị ong rừng đuổi đánh. Lê Văn Lương - trưởng ban đảng vụ kiêm công việc như thường trực Ban bí thư bây giờ - chui đầu vào một bao tải thoát nạn phần nào. Hoàng Quốc Việt bị nặng nhất. Ông cứ vừa thúc ngựa tế vừa tế đứa nào mất dạy, vô kỷ luật… và ong theo luồng gió hút cứ nhè ông. (Sử sách xưa chép chuyện quân khởi nghĩa Lam Sơn chạy trốn phải rúc vào bụi rậm, quân Minh lao giáo theo chứ nay sử cách mạng cấm ghi mặt trái của chiến thắng…) Qua trận ong, Thường vụ Trung ương đảng vừa sang tới Bắc Sơn thì Pháp nhảy dù tại trận và đổ quân từ Lạng Sơn xuống. Thường vụ lại vội lui giật trở về chân Núi Hồng. Thời gian này, Cụ Hồ gọn nhẹ ra đi cấp tốc, bỏ rơi đại tá hàng binh Đức, Nguyễn Dân được lệnh hộ tống Cụ. Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng ở dưới quyền chỉ huy của viên đại tá nước ngoài này. Thời ấy ý thức “vô sản một nhà” còn mạnh nên hàng binh được phong đại tá và giao trọng trách phò Chủ tịch nước chạy giặc.
Thoát hiểm ở Bắc Cạn về, vừa hay gặp lại Trung ương dạt sang Bắc Sơn quay lui, Trường Chinh ngồi ngay ở bên đường (đầy vết giày đinh Pháp) suy nghĩ. Địch vây lùng như nhìn thấy mọi ngả tung toé chạy giặc của đầu não kháng chiến. Tình hình quá nước sôi lửa bỏng. Nhưng đám Thép Mới, Phạm Văn Khoa, Triện Triệu… vẫn cứ đùa tán ầm ầm. Trường Chinh nghiêm giọng gọi Thép Mới đến:
- Anh Hồng, thích vui vẻ trẻ trung thì anh có thể về Hà Nội!
Thép Mới nghiêm mặt đáp:
- Thưa anh, tôi nghĩ làm cách mạng thì dù tình huống nào ta cũng phải lạc quan vui vẻ chứ anh?
Trường Chinh lặng một lát rồi nói:
- Anh nói đúng nhưng tôi đang cần yên tĩnh, các anh giúp tôi ra xa ngoài kia tán có được không?
Tổng bí thư bớt không gian tư duy chính trị để chia cho cấp dưới không gian du hí. Lúc ấy chế độ trứng nước, người hiếm của kiệm, ngày mai vẫn là ẩn số lớn, lợi ích vật chất không hơn thua nhau mấy, lương lậu chưa có, cơm ăn áo mặc cơ bản bình đẳng, đảng chưa thể ngoài điều lệ lại giấm ớt phụ gia 19 điều cấm với đảng viên. (Và qua việc đảng viên vui nhận 19 khoản cấm đoán vô lý, đủ thấy lợi đã đến với đảng viên lớn tới mức nào).
Tấm áo sang nhất lúc đó ở căn cứ địa là hai chiếc blu-dông Mỹ bằng gabácđin, chiến lợi phẩm Trung đoàn Thủ đô biếu Cụ Hồ và Trường Chinh. Cụ còn có khoản rượu thuốc do Lang Bách, cũng lão thành cách mạng, bạn thân của Kỳ Vân, dưới trướng Nguyễn Lương Bằng pha chế. Lang Bách mang rượu đến tiến Cụ thường hay qua toà soạn báo Sự Thật tán gẫu. Có khi còn hỏi: “Có cậu nào muốn thử không, tớ sớt cho một tí? Một chén thôi là có thể bỏ cơm cả ngày!” Không anh nào dám sớt lấy một ít rượu thiêng.
Cho đến đầu năm 1949 Atêka vẫn chưa có bệnh viện. Trường Chinh đi công việc qua Đại Từ thường mua thuốc chống sốt rét quinacrin dân tản cư bán lẻ trên mẹt ở bên đường rồi về trao cho văn phòng trung ương phát cho người ốm.
Phải nói đến một thiết chế rất đặc biệt: “Nhà hạnh phúc”, một hai gian nhà dành riêng cho người ở cơ quan tiếp vợ hay chồng ở nơi khác đến.
Nhà hạnh phúc ra đời có lẽ là nhờ Trường Chinh. Một hôm anh lắc đầu nói với chúng tôi: “Ai lại anh Dương Đức Hiền, Tổng thư ký đảng Dân Chủ đến thăm vợ ở Phụ Vận (đảng đoàn Hội phụ nữ) mà phải đưa nhau ra rừng, một cụ phụ lão bắt gặp cứ kêu khắp bản lên là ôi thương tụi cán bộ quá, đè nhau ở lưng đồi thế kia. Nghe đâu anh Hiền lại còn ngóc đầu “chào cụ!” nữa chứ, cho đúng kỷ luật dân vận đi thưa gặp chào! Vì thế “Nhà hạnh phúc” bèn xuất hiện.
Một dạo chúng tôi ở Đồi A1, chung với ban kiểm tra của Trần Đăng Ninh và ban kinh tài của Nguyễn Lương Bằng. Tắm giếng, giỡn nhau cách tôi năm mét, Ninh hay bóp vú Sao Đỏ rồi kêu: “Béo nhỉ! Lấy vợ không? Thôi, lấy đi, nằm với vợ mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát”.
Một sáng mưa, trên đỉnh đồi nhìn xuống bếp dưới chân đồi, chúng tôi thấy Dương Đức Hiền đang ngồi xổm sưởi bèn vội xuống mời lên nhưng Hiền từ chối. Hôm ấy có việc thỉnh thị Trường Chinh, anh ghé bếp báo đảng lánh mưa. Tổng bí thư Đảng cộng sản trao việc cho Tổng thư ký Đảng Dân Chủ, còn lương thì tài vụ của Nguyễn Lương Bằng cấp. Cấp cả văn phòng phẩm - bao nhiêu giấy, mấy ngòi bút sắt, bút chì… Chả ai thấy Đảng Dân Chủ là chuyện cây kiểng sất cả.
Thép Mới nổi tiếng ở Atêka về phương châm anh tự đặt ra để răn mình: “mù, què, câm, điếc”. Cưỡng lại kỷ luật đang bắt đầu đi vào nề nếp sau khi cuốn “Bàn về tu dưỡng của người cộng sản” của Lưu Thiếu Kỳ được dịch và học tập rộng rãi. Quyển tu dưỡng đảng viên này dạy đảng viên tuyệt đối trung thành với đảng cùng gìn giữ kỷ luật, tóm lại hãy quên cá nhân đi. Tôi nhớ nhất chuyện một số người hỏi Lê-nin vào Đảng Xã Hội Dân Chủ Nga của Plékhanov rồi phá nó để lập Đảng Cộng sản Bolsevich thì có là chống đảng không, Lưu Thiếu Kỳ giải thích: không, bởi đó là Lê-nin còn anh thì chống đảng vì không là Lê-nin!
Một sáng sớm, Thép Mới và tôi, đứa chai rượu, đứa chai tương (tuột mất nút lá chuối, tôi phải bịt bằng ngón tay cái) đi đến một quán thịt chó trên đường sang Bộ tổng tư lệnh. Chợt có tiếng vó ngựa trước mặt. Thép Mới đánh nhoáng đã rúc vào bụi mua ven đường đầy sương long lanh. Một người cưỡi ngựa đi tới, mắt đen quăng quắc nhìn tôi đứng đực ngó lại ông vì tôi mải để ý đến bộ ria mép chải chuốt đen ánh, hệt một vật trang sức trên mặt. Ngựa khuất, Thép Mới ở trong bụi mua chui ra:
- Xừ Hoàng Quốc Việt… Tổ sư chụp mũ. Hắc lắm. Tao gọi cái điếu cày là ba-dô-ca mà xừ đến đâu cũng đem ra nhiếc: “Giai cấp công nhân đổ máu với nước mắt ra mới chế được thứ vũ khí lợi hại thế mà có người ví là cái điếu cày!”.
Lúc ấy tôi mới thấy ở đầu bản phía trước trắng muốt nguy nga một cây mai đang rộ hoa. Màu mai trắng ngỡ như đang bọc kín lấy cái bản này vào trong một vùng khí riêng thuần khiết. Chợt nghĩ dân bản này chắc phải là nghệ sĩ hết. Mới biết dựng lên bản kỳ, cây cờ của bản, quá đẹp này.
***
Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: “À, cái Z tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy Z. đến nữa. “Chắc máy Cụ yếu!”, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, gu của cụ.
Hồi đó, nhiều cộng tác viên tên tuổi như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Xuân Thuỷ, chủ nhiệm báo Cứu Quốc. v.… hay lui tới Sự Thật. Cái tiền sảnh kề bên Tổng bí thư này là nơi các vị được nói năng thoải mái nhất, không sợ lộ bí mật, bô báo. Có mấy vị thường kể chuyện học ở Liên Xô.
Một hôm đi tắt về báo, qua sau dẫy chuồng xí của Văn phòng Tổng bí thư, tôi nghe thấy tiếng Lê Đạt, thư ký văn hoá văn nghệ của Trường Chinh láu táu nói rất to ở trong đó. Lát sau, tôi hỏi Đạt: “Cao đàm khoát luận gì trong chuồng xí thế mày?”. Đạt cười: “À, ngồi cạnh ông Thận, ông ấy hỏi ý kiến về bài Trần Văn Giàu viết về nhất nguyên, nhị nguyên trong triết học ở trên báo chúng mày…”
Nên chú thích: chuồng xí là một dẫy ba ngăn có liếp nứa che chắn từ vai xuống cho nên nếu ai đó cần “lên gân” thì thường phải quay mặt đi cho người ngồi bên không thấy mình đang quá vất vả vận dụng nội lực. Ít nhất đó cũng là chỗ không dung túng cho người ta che giấu hẳn thái độ.
Đầu 1949, Trường Chinh tuyển thư ký phụ trách văn hoá văn nghệ. Lê Đạt học ở trường luật được đưa về. Vừa tới trướng phủ, vừa nhất kiến Tổng bí thư, Đạt đã liền trái ý. Để thử sức thư ký mới, Trường Chinh đưa cho Lê Đạt quyển Le culte de l’ homme của Jacques Ducour, cộng sản Pháp:
- Ông này bàn về thờ phụng con người, anh đọc xong nói lại nhận xét của anh với tôi.
Hai hôm sau Đạt nói:
- Thưa anh, tôi thấy không nên dùng chữ thờ phụng con người.
- Vì sao?
- Tôi cũng chưa nói được rõ nhưng có lẽ nên nói tu dưỡng, vun xới, vun trồng gì đó.
Đang cần thờ phụng con người, Trường Chinh nạp ngay kẻ lần đầu ngỏ lời đã nói trái. Qua mười năm, có kim chỉ nam, ông đánh tơi tả kẻ muốn vun trồng con người, dám nói đến nhân văn.
Lâu về sau, một lần nhắc lại chuyện này, Đạt nói:
- Lúc mình chả có gì giúp nước mấy thì các ông ấy dùng. Lúc mình có nhiều cái để giúp thì các ông ấy nện.
Trở lại chuyện mấy vị lý luận sừng sỏ Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn… của đảng hay tạt Sự Thật tán. Cán bộ nói chung thường độc thân, vấn đề sinh lý nổi lên ám ảnh.
Một bữa, một vị (cho miễn nói tên) nói chuyện khi học ở Liên Xô cua gái Liên Xô thế nào. Này, tóc màu gì thì lông ở chỗ ấy cũng mầu ấy, thế chứ, có đứa như nghịch đem cả một cái mai cua bể luộc đỏ au úp vào… Rồi lại nói Ông Bác chỉ tìm nạ dòng. “Sao lại thế?” Thấy bác dại, chúng tôi kêu lên. Thì được giải thích: “Thế là Bác khôn, nạ dòng thì đỡ rày rà hậu sự …”
 
Nhiều vị thèm lấy vợ bé. Nêu cả danh tính các đối tượng trong mơ ra. Rồi kể tiếu lâm. Những chuyện làm giậm giật hết chân tay đã thành một mục giải trí công cộng. Hội nghị hễ nghỉ giải lao lại tán chuyện tiếu lâm. Ngay tại hội trường.
Họp Quốc hội, đại biểu mắc màn ngủ liền nhau trên sạp nứa dài chừng mươi mười lăm mét, khuya Nguyễn Hữu Đang vào lầm màn linh mục T., thân sĩ kháng chiến nổi tiếng. Nguyễn Hữu Đang kêu lên: “Ối giời, thảo nào mời ra làm cố vấn tối cao. Cao quá kìa!” Linh mục cười: “Mấy hôm họp Quốc hội được 'văn hoá cao' có cá thịt vào bụng nó mới vô kỷ luật thế”.
“Văn hoá cao” nghĩa là ăn có thịt cá. Đến mức khốn nạn nào đó, cờ soái văn hoá nhảy sang cắm vào miếng thịt.
Tố Hữu một trưa dậy ra suối giặt quần đùi. Ca cẩm với Kim Lân:
- Xuân Diệu nó mó máy mà tuột bu nó mất xích, hư Ba Kim, Lão Xá, Mao Thuẫn, Tào Ngu, Hạ Diễn. Báo đều kỳ mời các vị đến chỉ giáo tình hình và kế hoạch bài vở.
Mỗi khi Lão Xá nói tôi lại ngỡ ông đang trình tấu mẫu chuẩn tiếng Bắc Kinh ông cất gửi tại Viện đo lường quốc gia. Nhìn ông và Ba Kim, tôi cố mường tượng ra dấu vết nước Anh, nước Pháp hồi các ông bên đó, dạy học bên đó. Không thấy. Lão Xá nom quá sơ sài. Thì cũng không một dấu vết nào cho thấy những ngày tháng đen tối khốn đốn mai hậu của các ông. Ai ngờ nổi sau này Lão Xá bị Hồng Vệ Binh đánh chết quẳng xác ra ven một cái hồ ông hằng yêu mến. Ông nằm bên hồ, phủ một tấm chăn. Người ta mời vợ ông ra. Bà toan vén chăn nhìn mặt chồng lần cuối thì người ta đẩy bà ra:
- Xem có phải đúng là giầy chồng bà không? - Đúng! Thế hả, được rồi.
Nhìn chồng lần cuối không được, chôn cất chồng không xong. Ai ngờ được, trong mười năm giam cầm, hành hạ, Ba Kim sẽ nhảy tưng tưng, giơ tay hét “Đả đảo Ba Kim” để rồi sau này, hồi tưởng lại, ông phải kêu lên rằng ông có ăn cháo lú đâu mà có thể há mồm hô đả đảo ngay chính mỉnh, có thể cam tâm để cho kẻ khác tước đoạt mất quyền làm người của mình mà không hề có chút mảy may nào phản ứng…
Diệp Quần, một nữ biên tập viên coi mảng điện ảnh, hay tha tôi đến đại sứ quán Liên Xô xem phim chiếu nội bộ và chả thứ gì lưu lại ấn tượng mạnh bằng bà biên tập viên văn nghệ hết sức Tây phương. Tân kỳ, trẻ, xinh xắn và rất diễn viên, rất diện. Toàn giầy da kiểu escarpin đế mỏng mầu sô cô la, đỏ, nâu, trắng… Sau này nghe vợ Lâm Bưu là Diệp Quần, tôi giật mình: ngay ngày ấy tôi đã ngờ chị là vợ một cốp to lắm. Cung cách sang trọng, điệu đà một cách hào sảng và tự tin như vậy ở Bắc Kinh là phải có một bối cảnh chính trị lớn như thế nào.
Tôi có hai anh bạn thân là biên tập viên của báo.
Một hôm hai anh nói mai chi bộ các anh nghe Chu Dương, Bộ trưởng tuyên truyền trung ương đảng truyền đạt một chỉ thị quan trọng của Chủ tịch. Tôi đề nghị cho tôi nghe boóng.
Các anh nói sẽ xin ý kiến đảng uỷ tờ báo. Chiều các anh bảo tôi trên Bộ tuyên truyền trung ương đảng nói không nên vì tôi là đảng viên nước ngoài. Nhưng hứa sẽ cho tôi biết tinh thần chỉ thị.
Hai hôm sau, giờ cơm trưa, hai anh và tôi ra phố. Hai anh lộ ra cho hay cái chỉ thị có thể gọi là chỉ thị “bom nguyên tử ném thì ném, không sợ!” Chủ tịch nói chúng nó cứ doạ bom nguyên tử. Hòng buộc chân trói tay chúng ta lại mà. Việc gì phải sợ? Vì Mỹ dẫu cho có ném xuống một nghìn quả bom nguyên tử, dẫu trái đất có bị tan hoang đi nữa thì ít nhất cũng còn sót lại một huyện dân Trung Quốc, huyện dân ấy sẽ đi ương lại giống người trên quả đất này…
Tôi rợn người. Sợ cái tính toán chi li này hơn cả sợ bom nguyên tử. Cũng thoáng một chút ghen tị: thế ra Trung Quốc sẽ được đi cấy tái giá lại giống người trên quả đất. Trong khi những Lào, An-ba-ni thì trống huếch trống hoác còn Việt Nam may lắm trời cho sót lại vài ba anh đực rựa vô dụng vì teo hết nhẵn hai hột tinh hoàn.
Chỗ nghe, nghe sang tai, ở gần cửa hàng quốc tế, kiểu cửa hàng cạnh Phú Gia, Hồ Gươm Hà Nội. Chỗ này đường bảy tám chục mét rộng, thoáng đãng, gần Vương Phủ Tỉnh mà tôi thấy ngạt thở. Ở cửa hàng này tôi hay bị người coi cổng đẩy ra, nghi tôi đồng bào cải trang giả làm nước ngoài vào mua lậu gấm với nhung đem ra bán lại. Một lần tôi bảo anh ta: “Người Trung quốc chúng ta không có thói xấu nhận vơ là người nước ngoài đâu đấy nhớ!” Anh ta ngẩn ra nhìn tôi. Tôi vào lượn một vòng quay ra nói: “Kan, mei mai shen mo! Trông đấy, không mua cái gì cả”. (Kỳ thật không có tiền).
Hôm nay nhìn nó tôi nghĩ mai kia toàn thế giới đều Triệu, Lý, Trương, Vương cả với nhau thì hết sợ lầm đồng bào với dị bào.
Chuyện “chỉ thị quan trọng” này về nước tôi có nói với Nguyễn Tuân. Tuân bảo các nhà văn ta cũng được nghe Hoài Thanh truyền đạt là cho dẫu Mỹ có ném đến một nghìn quả bom nguyên tử xuống cũng không sợ. Tuân bèn giơ tay hỏi thưa anh con số một nghìn là anh phát triển lên hay vốn sẵn như thế ạ, thì Hoài Thanh đỏ mặt nói tôi nghe truyền đạt của trung ương, có ghi sổ cả đây. Rồi Tuân bình:
- Này cái hệ thống loa dọc nhà này xem ra thông suốt đáo để. Xa có đến năm nghìn, đến thế không? Ừ, xa có đến năm nghìn cây lô mếch mà họ truyền đạt cấm có sai lấy cho nhau một con zê-rô…
Hai anh bạn ở Văn Nghệ báo đã giúp tôi gặp Lâm Mặc Hàm, phó bí thư đảng đoàn Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc; Hạ Kính Chi,
phó tổng biên tập Văn Nghệ báo và Trương Quang Niên, cây bút lý luận quan trọng của báo, thường ký tên Mã Tiền Tốt. Ông đã cùng quân Tưởng vào Việt Nam ngả Lào Cai năm 1945, “cờ đỏ đầy Hà Nội lúc bấy giờ, đẹp lắm”, ông bảo tôi.
Các ông có lòng mời tôi dạo Di Hoà Viên. Trưa lên quả núi có Phật Hương Các, vào một khách sạn ngồi ăn ngoài trời ngắm cảnh hồ nước, núi rừng…
Lúc bấy giờ công xã nhân dân đã mạt kỳ. Nhưng “phong trào thơ xã viên” vẫn được nuôi. Mỗi lao động mỗi sáng ra đồng đều phải nộp đủ chỉ tiêu bao nhiêu bài thơ (tuỳ đảng uỷ mỗi công xã đặt). Không nộp đủ thì về, ngày ấy không công điểm. Các báo ra xã luận ca ngợi thiên tài thơ ca của nông dân. Thi nhau đăng thơ xã viên mà đặc điểm là rất giống nhau. Ta là Ngọc Hoàng, Ta là Đại địa, Ta làm nên tất cả… Ta là Lão Thiên, ta là Long Vương, ta đào núi, ta lấp biển. Ta là Đại hải, ta là Thái dương, ta không sợ thánh thần cùng ma quỷ… Nếu là nhà thơ nhóc con thì Ta là Na Tra…
Tức là một tập hợp bách khoa toàn thư văn vần dành riêng cho một từ TA để cho toàn dân định nghĩa. Ta là tinh tú, ta là sao chổi, ta là nguyên tử, ta là sấm, ta là sét… Tựu chung vơ lấy mọi sức mạnh tự nhiên, siêu nhiên. Có một nét không ai dám ví tới. Đó là không bao giờ nhận mình là đảng, là Chủ tịch, là ta bảo đảng tiến, ta vẫy đảng đi. v.v… Còn được một chữ sợ làm trần cho mọi vi vu bay bổng. Nhận mình là thiên địa rồi tự hào vì sức mạnh đó, ấy là lãng mạn cách mạng. Còn sau đó ta theo ngọn cờ đào, ta theo Chủ
tịch, ta san núi, ta dịch sông, ta là người lính tốt của Mao Chủ tịch thì đó là chủ nghĩa hiện thực cách mạng. Mao để ra phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực cách mạng kết hợp với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng là nhằm phang chết tươi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Stalin bắt Gorki soạn thảo.
Chúng tôi hôm ấy đả phá sai lầm trong văn học nhưng không ai dám nói đến chữ tả khuynh. Chữ ấy vẫn còn hào quang chói loà và thiêng liêng của nó. Đặng Tiểu Bình chưa ra mắt để tổng kết cách mạng Trung quốc chủ yếu là tả khuynh và thật ra chính tả khuynh có hại hơn hữu. Lâm Mặc Hàm bạo nhất thì hôm ấy nói:
- Proletkul, trò văn hoá vô sản nực cười đã chết giấp ở Liên Xô từ những năm 20 thế mà người ta lại đào mồ cho trỗi dậy ghê gớm như thế này ở Trung Quốc thì đáng sợ thật…
Hôm ấy chúng tôi đúng là cùng một lứa chân trời phủ nhận. Đến Cách mạng văn hoá cả ba ông đều điêu đứng. Tôi sớm hơn.
Nhưng rồi cả ba lại tái xuất giang hồ khi Đặng hạ Mao xuống. Hạ Kính Chi lên thay Vương Mông làm bộ trưởng văn hoá sau vụ 4 tháng 6 năm 1989 tàn sát sinh viên ở Thiên An Môn. Vương Mông phái tự do của Triệu Tử Dương, Hạ Kính Chi phái bảo thủ của Dương Thượng Côn. Tới khi Dương Thượng Côn xuống thì Hạ Kính Chi lại thôi bộ trưởng. Dương phản đối Đặng Tiểu Bình, phản đối Đặng đưa Giang Trạch Dân là dân sự lên chứ không phải nhà binh.
Nên nói một ít đến Vương Mông. Năm 1957, ông viết truyện “có một người trẻ tuổi đến vụ tổ chức”. Bị phê phán tơi bời. Bôi nhọ, đả kích công tác tổ chức của đảng… Đang ầm ầm thì Mao phán là tôi đã đọc, quyển sách tốt đấy, in ra có sao. In nhưng người liền biệt tích. Miền tây xa thẳm hàng chục năm trời chăn cừu cuốc đất cho tới khi Đặng Tiểu Bình trỗi dậy hú hồn cho sống lại tất cả xét lại, hữu, đi đường tư bản tái xuất giang hồ. Hồ Diệu Bang thảo kế hoạch nhân sự mới: Vương Mông làm bộ trưởng văn hoá…
Những Hồ Phong, Lâm Ngữ Đường, Hồ Thích, Lý Tông Ngô, Du Bình Bá… phản động đều được sạch sẽ trở lại. Hồ Phong làm cố vấn cho Bộ văn hoá, nghe đâu tiền lương truy lĩnh và bồi thường danh dự nhiều quá xá. Thấy đảng sòng phẳng, ăn tiêu ra người lớn, Hoa kiều mạnh bạo rót tiền và chất xám về…

*

Di Hoà Viên về, tôi viết thư cho Trường Chinh. Nhận xét đảng ta hay bắt chước Trung Quốc mà Trung Quốc thì rất tả khuynh…
Trường Chinh trả lời. Tự tay anh viết chữ Trung Quốc (rất đẹp) trên phong bì. Cảm ơn tôi. Đề nghị tôi nghiên cứu thêm mấy vấn đề như văn nghệ sĩ đi vào thực tế, chủ nghĩa hiện thực cách mạng kết hợp chủ nghĩa lãng mạn cách mạng. Nói đã chuyển thư tôi sang Tố Hữu để anh ấy nghiên cứu. Cuối thư viết tôi phê bình đảng ta “tắp lắp của Trung Quốc nhiều là rất
đúng”. Nguyên nhân vì sùng bái nước ngoài, vì trình độ lý luận thấp và vì kém tổng kết kinh nghiệm.
Tôi không nghiên cứu hai vấn đề anh đề nghị. Thấy vô bổ.
Lúc đó tôi chưa biết Trường Chinh đã bàn giao quyền Tổng bí thư cho Lê Duẩn. Nghĩa là anh có thể nghĩ tôi phê ta tắp lắp Trung Quốc quá xá là nói móc anh - như nhiều thân tín cũ của anh đã quay giáo - nhưng anh tin tôi lòng thành yêu mến anh và hơn nữa biết tôi không phải thứ người cạnh khoé.
Tháng 8, nhận bằng tốt nghiệp, chuẩn bị về nước. Quá bịn rịn. Không chỉ với Linh còn ở lại thêm vài tháng mà bịn rịn với cảnh với người Trung Quốc.
Chi bộ họp phiên cuối cùng rồi giải tán. Nhận xét tôi phải hết sức cảnh giác tư tưởng lập trường, về nước tôi rất dễ phục vụ giai cấp tư sản như “bọn” Nhân Văn - Giai Phẩm. Rất tức nhưng cố nín.
Nhà trường biết tôi không có thứ đựng đồ đạc, chăn màn, sách vở đã mua cho một thùng gỗ thông vừa đập hòm xong.
Ra ga tiễn tôi có Hồng Linh, hai bạn biên tập viên và một chị ở văn phòng Văn Nghệ báo. Chụp ảnh ở sân trường…
Các anh chị, tôi không thể nào quên. Giả như những năm sau đó các anh chị có hô lạc điệu đi nữa, tôi cũng chẳng giảm tình. Nói thế thôi chứ
chắc chắn các anh chị đều không thoát cảnh nạn nhân. Từ ngày chúng ta quen biết nhau và thường loanh quanh vùng Vương Phủ Tỉnh mỗi trưa, tôi đã biết các anh đứng ở đâu trong bảy “phản” mà cách mạng văn hoá phải tiễu trừ rồi.
Trên tàu gặp vợ chồng Hồ Bản Anh, phân xã trưởng Tân Hoa Xã Hà Nội. Nửa tháng sau, Hoàng Tùng chiêu đãi họ, tôi dự. Bản Anh ố to một tiếng và như tụt mất cả kính trắng kêu lên:
- Thế ra là người Việt Nam? Tôi cứ tưởng người Trung Quốc!… Chui cha…, tiếng Trung Quốc nói đẹp quá, shuo di ken piao liang… Lại tưởng người Trung Quốc chứ…
Piao liang là đẹp.
Có thể tôi đẹp tiếng nói. Nhưng đẹp lời thì không.
Hai năm sau, tôi lao đao: ngọng lời Mao Chủ tịch. Người đã thành đại giáo chủ, đầu tàu-gió-đông. Con chiên xóm đạo lẻ thường sùng đạo hơn con chiên thành thị thì phải.

Hiệu đính và Biên tập: - Ngô Nhân Dụng, Đinh Quang Anh Thái và Võ Ngàn Sông.
Chương 31

     ôi đã cơ bản nói hết ý nghĩ và nhận định của tôi về Đảng. Gan góc này nhờ một phần nghĩ đến bạn bè tù đau khổ hơn: tôi sẵn lòng chung hưởng cảnh ngộ của các bạn, tôi đang nhờ các bạn để nâng bản thân lên. Nhờ câu của Trần Châu: “Họ sợ tinh thần chúng mình!”, nói với tôi một sáng ở sân báo Nhân Dân khi đám xét lại đã bị đánh tan tác, chỉ còn hai anh em chúng tôi ở lại đó. Còn nữa. Nietzsche nói khi đau khổ người ta nhìn thấu sự vật, Tôi đã nghĩ về câu này và thay tôi nhìn thấu rồi đấy. Nghĩa là tôi đúng. Phản đối Mao là quá đúng chứ! Phản đối bạo lực là quá hay chứ! Cách mạng Văn hoá yểm hộ tôi rất mạnh kia. Đấy, chiến hữu chí cốt đã cùng cực man rợ chưa, đấy, Đảng chỉ có lợi ích nhân dân mà nay dìm dân dìm nhau trong máu.
Tôi biết mấu chốt khai cung là tránh chi tiết, chi tiết làm nên nhân vật văn học mà. Khai cung cũng thế. Nhưng đôi khi tôi thoáng có ý trả hận. Khai thật ý nghĩ về Đảng - cố nhiên với một thái độ ra vẻ ân hận - cũng là một cách trút giận.
Tôi đã khai và ký vào biên bản rằng tôi nghĩ Đảng đã tha hoá, biến chất, aliéné (viết cả chữ Tây vào biên bản). Bởi hai nguyên nhân:
Một, đảng không cốt trung thực, chỉ cốt nhất trí. Đảng coi nhất trí với đảng là đạo đức quyết định tất cả. Thì sẽ đi tới tiêu chuẩn lô gích này: mày bụng dạ cứt đái ra sao tao bất cần, miễn mày nghe tao là mày sạch sẽ, thơm tho, còn ngược lại thì mày toi. Nhất trí, khoản đạo đức xem ra dễ phấn đấu để đạt tới nhanh nhất này mở đường cho dối trá trổ tài. Lẫn lộn nhất trí với trung thành là nguy hiểm. Và nếu cứ trung thành là đúng thì đã không có chữ ngu trung.
Hai, người phụ trách đơn vị, từ tổ trưởng lên đến uỷ viên trung ương quyết định lương cho cấp dưới. Chế độ này chính là nền móng vật chất của “nhất trí”, “ngậm miệng ăn tiền”, chủ nghĩa Mác-xít thành “chủ nghĩa mác- mít” - cái nồi cơm (tiếng Pháp: marmite) hay chủ nghĩa cơ hội và nịnh bợ.
Tôi nói tôi không thích chiến tranh. Không tất yếu phải đánh Mỹ. Đất nước phải thống nhất, đúng, nhưng có thể lấy thời gian thay cho máu chảy đầu rơi mà thống nhất không?
Tôi đã phê bình một số uỷ viên Bộ chính trị đạo đức giả, liêm khiết vờ, tả khuynh. Người ta hỏi anh đã đặt cho Nghị quyết 9 một cái tên? À, có, là la neuvième dodécaphonie - Loảng xoảng hưởng số 9, vì nghe chướng, ngược với Giao hưởng số 9. Tôi bảo khi chịu “điểm chỉ làm bố dượng tinh thần của Loảng xoảng hưởng số 9”, Trường Chinh đã nhận lấy vai trò mẹ Mao thay cho Duẩn để Duẩn rút khỏi cái tiếng tăm bắt đầu nghe không hay này. Trước cơn động đất chính trị bên Trung Quốc và tâm trạng hoang mang của cán bộ đảng viên, Duẩn bắt đầu nói đến vài sai sót của Mao. Vì thế tôi dự đoán và nhận định với vài anh em như Phạm Viết là để giữ uy tín cho mình, Lê Duẩn rồi sẽ sớm bỏ Trung Quốc, sẽ phải đưa các Mao-nhều ra khỏi Trung ương. (Ôi, ngây ngô).
Tôi không bao giờ nhận anh em và tôi đã lập tổ chức cũng như có âm mưu lật đổ hay làm gián điệp, tay sai của Liên Xô.
Nhưng nhiều khi bị vặn hỏi về hoạt động gián điệp của anh em, (“Anh đến Phạm Viết thấy trà uống nhiều thế mà không lạ ư? Liên Xô cho mới nhiều thế chứ!”) tôi không thể không sửng sốt. Nhưng tôi đã nói: “Nếu biết tiếng Nga thì tôi cũng làm gián điệp. Để làm gì à? Để cho bên ngoài biết thực trạng mà giúp ta thoát khỏi kìm kẹp của Mao”.
Người ta bảo vẽ sơ đồ tổ chức. Tôi vẽ. Hôm sau, Tuấn xem và nói thôi. Đúng, dê đực mà đẻ thì chúng tôi mới vẽ ra được cái sơ đồ suy luận ra ấy!
Có hai điều khai xong tôi khóc. Khóc thật lòng.
Một là tôi đã có những ý nghĩ hỗn láo với Cụ Hồ. Cho rằng Cụ đã thua Mao nhưng lại nống Mao-ít lên cho mà tha hồ hợm hĩnh đi vào chủ nghĩa dân tộc sô-vanh ngạo mạn, coi thiên hạ như bèo bọt. Ở Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua, Cụ mặc quần áo cánh, mặt đỏ au ra ca ngợi chính phủ ta anh hùng nhất vì bao nhiêu năm mà không thay đổi luôn như các nước khác. Nhìn cái dáng thanh thản tối ấy của cụ, tôi nghĩ cụ có ý mượn tích Gia Cát Lượng đánh cờ trên thành để cho thấy thế trận nhàn trong khi dân lao đao, khốn khổ bỏ cha.
Hai là nói tôi chán nhân dân ta vì “nhân dân ta anh hùng - không sợ bom đạn” nhưng lại thua Thằng Hèn. Hèn vì nhân dân ta khiếp sợ quyền lực, khuất phục từ tổ trưởng trở đi.
Tôi đã khóc vì thấy như mình thoá mạ bố mẹ. Sao lại bảo nhân dân ta hèn?
Nhưng nhận xét dân ta hèn trước hết là từ thể nghiệm bản thân. Tôi được tiếng ngay thẳng, dũng cảm thế nhưng tôi cũng đã nhiều phen sợ và đầu hàng bạo lực. Còn xung quanh, trong cán bộ, đảng viên? Tôi thấy người ta quá dễ dàng “sáng ra” để được ùa theo quyền lực, dù quyền lực ấy dối trá, nhổ rồi lại liếm.
Tôi đã nói tôi như bị “thất tình” với Trường Chinh. Với cả Cụ Hồ. Tôi từng coi hai vị là tấm gương trung thực. Rồi hai “vì sao sáng” như lời mẹ tôi bảo tôi ngoan để học tập thì nay hai “vì sao sáng” ấy đã mờ tối đi ở trong tôi từ Nghị quyết 9.
Trong “khai cung” tôi đã nói thật hết - của phần mình - chính là để tỏ cho họ thấy con người tôi nó như thế nào. Tôi đã nghĩ nhiều về nguy hại của “nhất trí”, khuôn đúc trí lự a dua, vơ vào, chỉ cốt được khen là trung thành, nhất trí không cần biến hoá, phát triển. Nghĩ như bị ám về tai hoạ năng lực lãnh đạo ngày một teo đi đến mức sau này, một lần Đào Năng An hỏi sao lãnh đạo cứ ngày một kém, tôi đã bật nói ngay:
- Do nguyên tắc tuyển người thay thế lãnh đạo phải theo cung bậc giáng thoái hoá, nghĩa là không tìm người kế tiếp ở trong những cái đầu ngang hàng mà đi đôn lên ở trong đám tay quân hầu đày tớ chuyên ăn theo, nói leo tức là trung thành, bởi đảng không cần năng lực mà chỉ cần ai giỏi bám theo vết xe cũ cho nên kết quả tất yếu sẽ là tay chân thay thế đầu như hiện nay rồi mai kia thay thế tay chân là đuôi. Sau đuôi đến gì vén lên sẽ thấy…
Tuấn, Côn còn bắt tôi khai “thủ đoạn bôi nhọ, hạ thấp uy thế Mao Chủ tịch”.
- Anh đọc báo của bạn chăm lắm mà…
- Vâng, chăm. Nhưng các anh hỏi để làm gì? - tôi hỏi.
- Trên ban muốn nghiên cứu thủ đoạn hạ uy tín lãnh tụ của anh.
A, hay là muốn bao che cả cho Trung Nam Hải? Tôi thầm thấy sướng là sẽ được nói lại chính những điều đảng viên Trung Quốc chửi lãnh tụ của họ.
- À, cái này dễ, - tôi nói. Nhân Dân nhật báo Trung Quốc một dạo đăng công khai các bài bọn xét lại phản động chửi Mao Chủ tịch, đại khái như loạt tạp văn của Đặng Thác trong nhóm “Thôn ba nhà” để công luận phê phán họ. Tôi đọc rồi đem kể thật rộng cho mọi người. Chẳng hạn bài “Bệnh hay quên”. Một người thời xưa đần độn hay quên. Vợ chán quá bảo đi kiếm thày mà học. Cưỡi ngựa, đeo cung tên đi nhưng giữa đường buồn ị. Tụt xuống ngựa ngồi vào ven đường thì chợt thấy mũi tên ở túi tên mình rơi ra. Bèn hốt hoảng kêu:
- Chí nguy! Kẻ thù rình rập. Kẻ thù mọi ngả. Âm mưu khắp nơi.
Định chạy trốn thì trông thấy con ngựa. Mừng quá kêu lên:
- A, cơ hội thuận lợi không bao giờ cạn.
Vội leo lên ngựa thì giẫm phải bãi cứt của mình. Than:
- Bài học lớn đây. Đừng bao giờ chủ quan cho là địch hết hãm hại…
Ngựa quen đường cũ quay về. Thấy chồng ở trước cửa, chị vợ rủa:
- Gã ngu độn kia, sao mới đi đã về hả?
Anh ta trả lời:
- Nương tử ơi nương tử, cớ sao ta mới gặp nương tử lần đầu mà nương tử lại nặng lời với ta?
Đặng Thác viết ngày xưa các cụ chữa bệnh hay quên bằng đánh một cái gậy vào đầu cho ngất đi rồi hắt một chậu máu chó vào mặt. Tỉnh lại được thì tốt không thì thôi. Ngày nay văn minh hơn, chữa bằng sốc điện. Tỉnh lại còn nói được tiếng người thì có thể cho tiếp tục phục vụ.
Tôi còn kể cho Tuấn một bài nữa. Một cái khe có một thân cây bắc làm cầu. Một gã đã qua được nửa cầu thì thình lình tụt xuống hai tay ôm lấy cây cầu, co chân lên, nhắm mắt lại mà giẫy mà hét: “Ôi thậm cấp chí nguy, chí nguy, kẻ thù tứ phía, âm mưu chúng bao phủ đen ngòm, hãy chống trả…”. Thật ra cái khe sâu có một mét và trời vẫn nắng, đời vẫn bình thường.
Khi tôi giải thích:
- Ý là chửi Cụ Mao cường điệu đấu tranh địch - ta, nhìn đâu cũng ra địch để kêu gọi chiến tranh, bạo lực.
Nom cáu ra mặt, chắc chạm nọc, Tuấn ngắt:
- Thôi, anh chả cần phải thêm thắt!
Sau này khi Hồng vệ binh đến nhà vây bắt, Đặng Thác đã nhảy lầu. Lúc ấy ông là phó bí thư Bắc Kinh. Nguyên Tổng biên tập Nhân Dân nhật báo, sử gia Đặng Thác chủ trương dân chủ ngôn luận rồi bị kỷ luật sau phong trào chống phái hữu. Bành Chân, bí thư Bắc Kinh kéo ông ở báo đảng về.
Có mấy cái mánh giúp tôi vượt qua được thử thách khai cung. Trước hết, như đã nói, tôi luôn muốn được chia sẻ cùng bạn bè đang tù. Nghĩ đến anh chị em là cách tự động viên không được sa ngã. Thậm chí còn tự dặn sẵn sàng theo anh em vào tù - mà điều này có khi lại làm cho tôi khuây khoả. Rồi những lời các nhà văn nói về dũng cảm.
Tình cờ trước khi đi khai cung, tôi đọc The green hills of Africa, Những đồi xanh châu Phi (hay Across the river and into the trees?) của Hemingway. Ông viết trong đó: Nếu không bị đi đày ở Xi-bia, Dostoievski có khi cũng chỉ là một nhà văn loàng xoàng nhưng rồi ông đã đau khổ. Thì đúng như Đốt từng nói trước đó: Muốn viết hay, phải đau khổ, đau khổ, đau khổ. (Lúc đọc câu này, tôi đã ngán ngẩm nghĩ mình thì đau khổ cái gì để mà viết được hay đây?. Hemingway viết trong Đồi xanh châu Phi: Nhà văn rèn luyện trong bất công như lưỡi kiếm. (Như thế này tôi đã được trui rèn như lưỡi kiếm chưa? - Tôi tự hỏi).. Và một câu nữa ở một quyển khác cũng của Hemingway - hình như trong Những hòn đảo trong hải lưu - “Dũng cảm là trang nhã trước khó khăn…”. và một mẩu trong dã sử xứ Daghestan: “Người ta hỏi: Trong thế gian cái gì ghê tởm nhất, gớm ghiếc nhất? - Một người run rẩy vì sợ. Người ta lại hỏi: Trong thế gian, cái gì ghê tởm nhất và gớm ghiếc nhất? - Một người run rẩy vì sợ…”. Tôi đã thường nhắc thầm lại trong đầu những câu này và tự xét đã run rẩy chưa? Chúng là những người bạn rất hữu ích.
Nhưng phải nói rằng còn có cả câu của Lê Đức Thọ: “Tớ nói cậu có ghi đây, cậu không làm sao cả, nếu cậu làm sao thì cậu cứ viết thư chất vấn tớ tại sao là người cộng sản tớ lại nói năng bất nhất?”. Và tôi nghĩ Lê Đức Thọ đã nói là dao chém cột.
Rằm trung thu, Trần Trung Tá lên xem tình hình khai cung của tôi. Chiều hôm ấy, Tá và tôi ra một ven đồi ngồi chuyện.
Ven đồi trước mặt, một dãy hồng, quả lúc lỉu, xanh câng câng như bằng sắt tây khiến tôi nghĩ đến bối cảnh trang trí sân khấu với màu vàng tà dương thoi thóp buồn trong Cậu Vania của Tchekhov tôi xem ở Bắc Kinh. Rồi tự nhiên nhớ con gái suýt bật nấc lên. Tá nói Hà Nội đang có vụ phê phán quyển Cái Gốc của Nguyễn Thành Long. Bài này xuyên tạc đất nước ta hết nhẵn đàn ông, mọi sự vào tay đàn bà tất. Tôi nói thế thì tội quá cho Long. Hội phụ nữ và Bác Hồ ca ngợi phụ nữ ba đảm đang, trung hậu, kiên cường, Long tin cậy nghe theo. Nay quay ra bảo anh ấy có dụng ý xấu mà đánh là oan cho anh ấy vô cùng. Tá nói anh bảo như thế nhưng với nghiệp vụ của mình, chúng tôi cứ phải cảnh giác, soi vào từng chữ.
- Anh là bạn thân của Nguyễn Thành Long? - Tá hỏi.
- Rất thân, tôi đáp. Anh ấy bị là vì quá tốt với Đảng. Hội phụ nữ và Bác Hồ bảo sao là cứ thế hưởng ứng… Tôi viết Bất Khuất cho Nguyễn Đức Thuận chắc các anh cũng soi từng chữ đấy nhỉ? - Tôi đùa.
Lúc ấy chưa nghĩ người ta ngờ tôi đã xúi Long. Cũng không biết người ta xếp loại tôi là phần tử xét lại hoạt động trong giới văn nghệ và Long, chốn tôi thường tới lui đã bị tôi tác động.
Tá ra về mấy hôm rồi tôi mới sực nhớ một lần Tuấn, Côn bảo tôi:
- Anh “hoạt động” trong văn nghệ sĩ gớm lắm!
Lại thấy họ đã đánh giá sai.

*

Trời đã lạnh, tôi nhận được chăn mỏng, quần áo. Và một giấy của Công đoàn báo Nhân Dân chứng nhận tôi là chồng Hồng Linh để tôi ký vào cho Hồng Linh được phá thai. Khi đi thẩm vấn rẽ qua chào Linh, tôi đã dặn Linh làm gì nếu xảy ra chuyện này. Chỉ có thể một con, hoàn cảnh của tôi, ai biết thế nào mà đẻ thêm! Linh đã từ Mai Dịch đi xích lô đến tận Chợ Bưởi để nạo thai. Chiều xích lô về. Rét run trên đoạn về dài dặc vắng ngắt.
Cung hỏi đã vãn. Tôi mượn xe đạp Côn đi chơi loanh quanh một sáng chủ nhật. Tình cờ đến Hoàng Xá, Quốc Oai lại vồ phải vợ chồng Trần Các đi thăm con sơ tán. Các níu tôi lại ở một quán nước. Anh cho một tin rất hay: Mỹ sẽ ngừng ném bom và ta thì sẽ ngừng đưa quân vào.
- Có đi có lại thế mới được chứ! - tôi buột miệng nói
Các hấp tấp nói:
- Có, ta phải ngừng đưa quân vào mà.
Các không giấu được mừng khi nói đàm phán có thể thành. Cũng rất mừng, tôi bảo anh:
- Đàm phán là tốt. Đánh Mỹ mà đằng lưng, đại hậu phương rối như canh hẹ và còn chưa biết lành dữ ra sao. Cứ ôm lấy ông anh đa sự này có ngày khốn.
Các nhay nháy mắt ờ ờ tán thành. Bốn năm sau, 1972, anh bảo tôi ở bến tàu điện Bờ Hồ khi tôi đang đi với Lê Đạt: Ông chống Mao là đúng, tôi tin lão ta là tôi sai. Nhưng tôi trung thực tôi nhận tôi sai. Họ không nhận sai là họ kém tôi…
Về lại Cần Kiệm, tôi bảo ngay Tuấn, Côn là sắp ngừng bom. Tháng 8 ngừng từ Quỳnh Lưu ra. Tháng 11 thì ngừng hẳn từ vĩ tuyến 17. Không nói đổi lại ta ngừng đưa quân vào, làm như ta thắng. Thế mà Tuấn nhếch mép mỉa mai:
- Ông ghê thật, vừa chạy đi một tý mà đã có tin giật gân. Khéo tin đồn nhảm đấy.
Tôi cười:
- Lạ nhỉ, báo tin Mỹ chịu ngừng bom là tôi báo tin thắng lợi chứ? Chiến tranh không ra ngoài Bắc, ngoài Bắc mới xây dựng chủ nghĩa xã hội được.
Bụng biết thóp Tuấn mắc nặng quan điểm không đàm phán với đế quốc của Mao.
Hôm sau Tuấn bảo tôi viết một bản nhận xét Hồng Hà. Tôi đã viết. Viết cả chuyện năm 1964, một sáng Thái Duy tức Trần Đình Vân đến báo tôi anh sắp đi Bê thì tình cờ Hồng Hà qua phòng khách. Vừa đi Trung Quốc với Hoàng Tùng về, thấy Thái Duy, Hồng Hà rẽ vào. Thái Duy nói anh ở nước bạn về chắc là phải có thuốc lá Bắc Kinh mời anh em chứ. Hà đưa ra bao Tam Đảo. Thái Duy lấy hai điếu rồi nói:
- Tôi hút một còn một để về triển lãm cho anh em Cứu Quốc biết anh Hồng Hà gương mẫu đến thế nào, đi nước bạn mà cứ hút thuốc ta.
Hồng Hà đi rồi, Thái Duy nói cha này vờ gỉỏi lắm. Trên rừng anh em đã nói hễ đến sông suối nào phải lội thì cha xắn quần nhanh nhất, hô lội to nhất nhưng bao giờ cũng qua sau cùng.
Thế nào mấy hôm sau, đài phát thanh nhắc đến Hồng Hà, nhà báo của đoàn đàm phán ta ở Paris. Tuấn cười hỏi tôi:
- Lẽ ra là ai, anh có biết không?
- Là tôi, - tôi nói.
- Sao anh biết?
- À, anh Thọ bảo tôi từ năm 1966.
Lúc ấy chưa biết tờ nhận xét của tôi đã đôn Hồng Hà vào trúng long mạch “nhất trí” mà Đảng cần. Người mà khóc trước đảng bộ và cảm ơn Mao Chủ tịch đã mở mắt ra cho nhìn thấy cách mạng thì đáng quý lắm. Giá như tôi khen anh thì chắc Đảng vất anh vào sọt. Mao Chủ tịch dạy đó: kẻ địch chửi ta là khen ta đúng, kẻ địch khen ta là chửi ta sai.
Tuấn lại nói:
- Anh Chính Yên hay kêu tiếc cho anh. Chúng tôi bảo anh Chính Yên là anh tiếc một, Đảng tiếc mười.
Tôi thấy hả. Phải tiếc chứ!
Có một dạo, cơm chiều xong tôi hay ra con đường một ngả lên đường 32 đến Phố Gạch, một ngả về Quốc Oai. Thường thấy một người vung cái vợt nan giang tay dẹp đè sóng luá.
Tôi nghĩ thời nguyên thuỷ không chừng những người mới rời đời vượn vẫn hay từ trên đỉnh núi kia, cho nay ngồi 108 vị La Hán, xuống đây, cánh đồng là đầm lầy, các vị bắt rắn nước xé ăn… Thế là chợt ngửi ra mùi nguyên thuỷ. Mênh mang, thăm thẳm… vương trên mặt các vị La hán. Một hôm, người vợt châu chấu hỏi tôi:
- Sao ngày nào cũng cứ ngồi nói chuyện mãi với nhau như thế chứ anh? Chuyện gì sẵn mà nói không cạn thế?
- Với nhau nào nhỉ?
- Đấy, anh nói, một bác nghe, một bác viết hí hoáy.
- À, tôi báo cáo tình hình nước ngoài, tôi ở bên đó về.
- Trước anh đã có một anh cũng ngồi nói như thế. Anh ấy ấy thở dài lắm. Tối toàn nằm vắt tay lên trán thở dài. Tình hình nước nào mà phải thở dài?
Tôi cười, không đáp.
Lại nói:
- Chúng tôi xung quanh thấy cứ bên nói, bên ghi cả tháng lạ quá nên để ý. Không phải tham ô. Càng không phải Việt gian. Là cái gì thế anh? (Cười rất hồn nhiên).
Tôi hỏi lại:
- Thế theo bác thì là gì?
- … Anh ấy à… Anh đừng giận nhá…, có nhẽ là làm giặc.
Thấy cái giọng chợt mượt mà, con mắt nhìn chợt cợt ghẹo, tôi đùa lại:
- Thế thì tôi ăn củ đậu mất.
- Không, không… Các cụ nói làm giặc với ăn cướp chứ không nói ăn giặc làm cướp. Xưa ở đây có một ông giỏi chữ làm giặc rất nổi tiếng rồi bị chém.
Tôi nghĩ: À, Cao Bá Quát, ông vợt châu chấu ca ngợi “giặc châu chấu”.
Đến đây phải quay về. Không nên kéo dài đề tài này.
Đồng lúa đang tối xẫm xuống, êm ả. Cứ thấy vui vui. Chả lẽ vì được coi là giặc? Đúng, chỉ nói ăn cướp, còn nói làm giặc. Làm ăn, hai chữ hay đi với nhau nhưng ở đây rẽ ra và nghĩa có khác. Sắc thái ngôn ngữ hay quá. Làm giặc là hành động có cả chí hướng tinh thần còn ăn cướp thì mục đích chỉ là ăn!
Nhưng vừa leo lên con đường đất đỏ rộng thênh thang cả một sườn đồi với những rãnh ngoằn ngoèo rất sâu dẫn vào làng, tôi chợt nhận ra mình vui chính là vì hai câu thơ cuối cùng của Cao Bá Quát chúng cựa quậy trong vô thức sau khi được chữ làm giặc của ông vợt châu chấu gọi nó dậy:
Ba hồi trống giục đù cha kiếp
Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời
Tìm ra gốc vui thì lại rơm rớm nước mắt… Hai câu chửi triết học nhất tổng kết nhân sinh đắng cay; hai câu chửi tục tĩu, khinh mạn, mà khoan dung, trong kiếp người nhất, hiện đại nhất… Đối thật là hay với cái kiêu kỳ sang trọng:
Thập tải giao luân cầu cổ kiếm,
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
Mười năm giao lưu xa gần cầu mong kiếm cổ,
Một đời cúi đầu vái hoa mai.
Đi một lúc lại thấy họ Cao là người sớm nhạy bén với Tây phương như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ… Cao Bá Quát tự phê phán tích cực hơn. Phủ nhận chữ nghĩa của mình sau khi đi Singapore: Hướng tích văn chương đẳng nhi hí. (Xem lại văn chương ngang trò trẻ).
Ừ, hình như Cao Bá Quát khởi nghĩa ở Chương Mỹ.
Bữa đầu sơ tán bom Mỹ, Phan Kế An đưa tôi về đó tìm chỗ chạy cho cả vợ con An. An và tôi vào một khu vườn rộng, nắng chấp chới. Cồ cộ bay xè xè, trẻ con reo. Cồ cộ bay cao, cồ cộ bay cao và tôi rớm nước mắt, con gái tôi mới nửa tháng, nó sẽ là bạn của những cháu cởi truồng nhảy quẫng theo cánh cồ cộ vàng thẫm màu nghệ già, cái màu khiến các con cồ cộ lần đầu lọt vào mắt tôi hoá thành những sinh vật thời nguyên thuỷ, cái màu rừng hoang lạ của Gaughin. Mấy hôm sau xe com măng ca cơ quan đưa vợ con tôi về đây, chuyện duy nhất tôi hưởng. Xì xào ngay:
- Chống Cụ Mao mà Tamtam vẫn cứ cưng thế…
Tamtam tiếng Pháp là cái trống, được mượn chỉ Hoàng Tùng.
Đại khái như thế những ý nghĩ vụn của tôi những khi rỗi rãi thư nhàn tại cái nơi giam lỏng tôi…
Sau này hồi 1972, đi thăm vợ con sơ tán ở Chợ Bùng, quê Phùng Khắc Khoan, hay tắt lối qua mấy quả núi đá và một ngôi chùa rất dã sử - đúng hơn, mấy hòn non bộ phóng đại lên hàng tỉ tỉ lần - ở Yên Sơn, Quốc Oai tôi lại cứ nghĩ Cao Bá Quát có lẽ bị tử hình ở gần đây. Rồi không ngờ thế nào Trần Châu tù về lại đến ở hẳn đấy hơn ba mươi chín năm và rồi nằm xuống mãi mãi ở cạnh ngôi chùa hoang vắng, thanh bạch, hư vô đến nỗi làm cho ta chỉ có nhìn nó thôi mà đã ngỡ nhập thiền và biến đi đâu mất - Chùa Ngoài. Quá hay chữ Ngoài…
Tháng 5-2012, ngồi trên xe cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai về chốn quê thứ hai của anh, tôi chỉ nắm bàn chân trái của anh: xù xì, mốc meo… Tôi muốn lường được hết gian truân anh đã trải. Những năm gần đây, hễ cầm phone là anh lại nói:
- Đĩnh., mình vui lắm… Chả lẽ nói là như ra đời lần thứ hai.
Tôi hiểu. Anh là bên chính. Bên tà đang tháo chạy. Anh li bì. Con mắt nhắm nghiền. Mê rồi. Thở bình ô xi. Còn có trí tuệ hiện ra ở hàng lông mày bạc trắng hơi nhíu lại nghĩ ngợi một mình kia. Anh hay nói những lúc khó khăn mình đều có Đĩnh.
Nhưng lần này anh không thấy tôi ở bên cạnh. Mà ai bảo đây là khó khăn?
Anh Châu, thôi vĩnh biệt. Chúng mình đi với nhau như thế là trọn đời đấy.