Dịch giả: Khanh Khanh
Chương 3

     ả ngôi làng cũng được quấn một làn sương mỏng. Có lẽ do giữa làng có một ngọn suối chảy qua, một ngọn suối bắt nguồn từ những dãy núi cao. Thiên nhiên nơi này còn trong sáng và tuyệt đẹp, không khí và nước còn trong vắt. Nếu bầu trời trên kia bây giờ mang màu xanh biếc và ánh nắng ấm áp hơn, bức tranh an bình quả thật sẽ thành hoàn hảo. Nhưng hiện thời quanh chúng tôi là sương khói. Vô vàn dải sương mỏng đang lãng đãng trôi dọc những con đường, những con ngõ hẹp.
Làn sương làm nhạt nhòa những mặt tiền nhà tuyệt đẹp. Nó lướt là là qua các khuôn cửa kính, phủ kín cả ngọn giếng đứng giữa làng.
Tôi dừng lại bên khu giếng, cho Gaston Lacre xuống xe.
- Nếu ông cần đến tôi, ông Singlair. - Người đàn ông ngoảnh đầu vào phía trong xe và nói - Ông cứ cho tôi biết.
- Chắc chắn rồi.
Gaston Lacre bỏ đi thật nhanh, như thể ông ta vui mừng khi không phải ở bên tôi nữa.
Khách sạn nhỏ trông đẹp như hình trên bưu thiếp. Cả ở đây tường ngoài cũng được lát gạch trần sáng màu. Thỉnh thoảng lại có khoảng tường bị dây nho phủ kín. Elsass vốn nổi tiếng toàn lục địa về nho.
Một cây bồ đề đứng trước nhà. Hai chiếc ghế băng sơn trắng đang là chỗ nằm nghỉ của ba con mèo rất đẹp.
Ngôi làng nằm an bình trong yên tĩnh. Chỉ từ xa có vẳng lại tiếng búa đập. Chắc đó là khu lò rèn.
Trước mặt tôi đã là cánh cửa ra vào, phần bên trên được chia thành hai khung kính nhỏ. Tôi mở nó ra.
Một dải hành lang hẹp hiện lên. Phía bên phải là lối ra quán ăn, bên trái là một phòng tiếp tân nhỏ. Có ai đó đang huýt sáo, từ trong bếp bay ra mùi jambon rán và mùi dưa chua khiến tôi không khỏi ứa nước bọt.
Tôi bước vào quán ăn.
Ông chủ khách sạn đang nâng một chiếc thùng lớn. Người đàn ông to lớn đã xắn tay áo lên cao. Nhìn thấy tôi, ông ta cười, đặt thùng lên quầy.
- Chà, ông đến thật đúng lúc đấy, ông Singlair?
- Tại sao?
- Ông có biết trong này chứa gì không?
Ông chủ vỗ tay hai lần lên trên thùng.
- Bia?
- Không, ông tưởng tượng chuyện gì vậy? Đây là lứa rượu non đầu, giống nho Lông Trắng, ông biết rồi đấy. Nó còn chưa trong, nhưng uống cùng thứ bánh hành của chúng tôi thì tuyệt. Ông có muốn thử không? Tôi mời.
- Vâng, rất thích.
Ông chủ tóc den đi qua một khuôn cửa ngách vào trong bếp. Tôi ngồi xuống bàn. Tấm khăn trải bốc mùi thơm mới giặt. Vải in ca-rô màu nâu và xanh lá. Những lọ hoa nho nhỏ với những bó hoa thu đặt bên trên trông rất hợp.
Người ta có thể sống thật thoải mái và có một đợt nghỉ phép mùa thu tuyệt vời ở nơi đây. Tôi cũng muốn như vậy lắm, nếu không có ngôi nhà khốn kiếp cùng những tiếng thét la kỳ quái trong căn phòng trống đó. Dòng duy nghĩ của tôi lại xoay quanh nó, trong khi ánh mắt thì xuyên qua cửa sổ, nhìn trân trối lên quầng lá đang chợt tối lại của cây bồ đề.
Tiếng chân ông chủ khiến tôi giật mình tỉnh lại. Ông ta có mang theo cả phần mình. Bánh hành mới nướng được chia trên hai đĩa, và rượu vang non óng ánh như sữa màu xanh phớt trong hai chiếc cốc vại bằng sứ.
- Chúc sức khỏe ông! - Người đàn ông nói và nâng cốc.
Chúng tôi uống đồng thời. Tôi nhăn mặt một thoáng, bởi rượu vang non gây ấn tượng ban đầu hơi chua. Nhưng tôi đã nhầm. Lắng nghe cảm nhận kỹ hơn, tôi nhè nhẹ “cắn cắn” nó trong cổ họng và thấy mùi vị rất hài hòa. Tôi gật đầu, vẻ hài lòng.
- Ổn chứ?
- Vâng, tôi cũng chóng làm quen.
Người đàn ông cười lớn. Ông đặt tay lên tay áo tôi.
- Ông biết không, ai mới uống nó lần đầu cũng nói vậy. Nhưng ông Singlair, chỉ sau một cốc là ông sẽ bị thuyết phục cho xem. Nếu ăn kèm bánh hành mới nướng thì niềm vui sướng sẽ hoàn hảo. Ít nhất thì dân Elsass chúng tôi cũng nghĩ như vậy.
Ông chủ quả không nói dối. Món bánh hành đi thẳng từ lò ra là một niềm vui thật sự cho vị giác. Dân thành phố thật chỉ biết đờ người vì ngạc nhiên.
- Thế nào?
- Tuyệt, ngon tuyệt.
Ông chủ vui vẻ gật đầu.
- Tôi đã nói mà. Mẹ tôi và vợ tôi nổi tiếng toàn vùng Elsass vì món bánh hành. Tôi có thể thề là không nơi nào có thứ ngon hơn.
- Chắc chắn tôi sẽ không phản đối đâu.
- Tôi vừa nhai vừa nói. Tôi nói thật, bởi món bánh thật sự xuất sắc.
Vì chỉ có mình tôi ngồi trong quán nên ông chủ nán lại bên bàn. Tởi chắc chắn ông muốn nói chuyện, mặc dù cho tới nay ông chưa hề biểu lộ dù chỉ một lời.
Chỉ tới khi tôi nuốt xong miếng bánh cuối cùng trên dĩa, người đàn ông mới rụt rè lên tiếng, cúi thấp người về phía trước.
- Ông Singlair, ông đã vào trong cái nhà đó chứ?
- Vâng.
- Thế nào?
Tôi uống một ngụm vang.
- Ý ông muốn nói sao?
- Ông có nghe thấy tiếng thét không?
- Có.
Ông chủ quán ngả người ra lưng ghế, mồ hôi chợt túa ra.
- Khốn kiếp. - Ông ta thì thào - Tất cả đều nghe thấy. Dân trong làng ai cũng biết. Có những người thậm chí thức cả đêm chỉ để nghe xem tiếng thét có còn tiếp tục không. Thật là chuyện mâu thuẫn. Ai cũng chờ nghe tiếng thét, mà ai cũng sợ nó.
- Ông đã lần nào tới đó chưa?
Người đàn ông giật mình.
- Trời đất ơi, không. Không thể đòi hỏi tôi làm điều đó được. Không đời nào tôi bước chân qua ngưỡng cửa của nó. Không, tôi không làm đâu!
- Thế người trong làng nói sao?
- Nói là nhà đó có ma.
- Xin lỗi, nhưng tôi chẳng nhìn thấy con ma nào cả.
Người đàn ông nhìn tôi trân trân.
- Kìa ông, ma đâu có hiện hình. Ông Singlair, ông... ông làm sao nhìn thấy chúng. Có lẽ cảm thấy... - Người đàn ông thì thào - Nhưng chỉ thế thôi.
- Ông nói cũng đúng.
Ông chủ uống cạn cốc, đưa tay lau miệng.
- Đã mấy năm nay chúng tôi tìm lời giải thích mà không thấy. Khi ngôi nhà bị bỏ hoang là nó bắt đầu kêu.
- Ý ông muốn nói khi trường khiêu vũ bị đóng cửa?
- Đúng.
- Thế trước đó thì không?
Người đàn ông nhún vai.
- Không, ông Singlair. Tôi không nghe thấy nói. Tôi chẳng thể chỉ dẫn được điều gì. Tất cả chúng tôi dĩ nhiên muốn nó chấm dứt. Ông là niềm hy vọng cuối cùng của chúng tôi. Cả ông Piccard cũng rất tin vào ông.
- Piccard là ai vậy?
- Ông ấy là người làng này, Ông ấy có học thần học, tôn giáo học rồi về Strassbourg dạy học. Trước đây hai tuần, khi về làng nghỉ phép, ông ấy nghe thấy tiếng thét và nói rằng sẽ lo giải thích chuyện này. Piccard nói rằng ông ấy có biết một người quen xử lý những chuyện như thế.
- Có phải là cha đạo Abbé Bloch?
- Cũng có lẽ, ông ấy không nói rõ tên. Ông cũng đã nói chuyện qua với ông Piccard.
- Nhưng ngắn quá, mà chỉ qua điện thoại.
- Thế thì ít thật. - Ông chủ gật đầu đồng tình.
Tôi uống thêm một ngụm rượu vang, rồi giữ cốc trong tay và hỏi ông chủ khách sạn:
- Thật ra tôi có ý định nói chuyện với ông Piccard. Chúng tôi hẹn gặp nhau trong khách sạn này. Anh ta đã đến chưa và có hỏi tin về tôi không?
- Chưa, chưa đến.
Tôi nhìn đồng hồ.
- Đã quá hẹn nửa giờ rồi.
- Thường khi ông ấy không trễ hẹn như thế đâu.
Tôi nhìn ông chủ.
- Ông nói nghiêm chỉnh chứ?
- Vâng, dĩ nhiên.
- Vậy thì bây giờ anh ấy có thể ở đâu?
- Chuyện đó thì đơn giản. Chỉ có một khả năng thôi. Ông ấy ở trong nhà cha mẹ. Thường ngày nó không có người ở. Ông Piccard không chịu cho ai thuê cả. Thỉnh thoảng chỉ có một người đàn bà đến dọn dẹp, vào những lúc ông Piccard đi vắng. Ông thử tới đó xem xem.
- Tốt lắm. Ngôi nhà đó ở đâu?
- Rất dễ tìm. Ông cứ đi thẳng tới nhà thờ. Phía bên phải, dọc theo bờ tường là ngôi nhà.
- Có phải đó là nhà của cha đạo?
- Không, không phải. - Ánh mắt ông chủ khách sạn ngả màu thề thốt, bí mật - Tôi chẳng muốn nhận xét những người khác sau lưng họ, ông Singlair, nhưng Pierre Piccard có tính hay quên. - Người đàn ông vừa nói vừa gõ gõ lên trán - Chẳng phải ông ấy kém thông minh đâu, mà do ông ấy suy nghĩ quá nhiều. Trong đầu bao giờ cũng có những chuyện khác. Chắc ông hiểu tôi, ông Singlair?
- Vâng, tôi cũng vậy.
- Tôi không nói thế đâu nhé.
- Ông đừng lo. - Tôi nói và đứng dậy, kéo ghế ra sau - Chắc trong làng này thì tôi đi bộ cũng được.
- Dĩ nhiên rồi.
- Cám ơn ông, ta sẽ gặp lại nhau sau.
Tôi rời khách sạn. Lúc còn ngồi trong quán tôi đã để ý đến ánh sáng bên ngoài. Mặt trời tháng mười đã xua tan gần hết lớp sương.
Tôi đi bộ qua một làng quê thanh vắng, lắng nghe tiếng róc rách của con suối nhỏ vẫn còn chưa bị xây bờ kè mà uốn lượn theo dòng tự nhiên của nó như từ ngàn năm trước. Trên đường, tôi hầu như chẳng gặp ai.
Rồi con đường dẫn tôi đi ngang một trường học. Mọi cửa sổ đều mở toang để đón nắng. Tôi nghe tiếng người nói, tiếng hát. Ở xứ sở này có vẻ như cả trẻ con cũng còn rất thích tới trường.
Những bụi cây mọc cao lên dọc hai bên con đường nhỏ và tỏa những quầng lá của chúng ra như những bàn tay che chở. Qua những khoảng thưa cây, khách bộ hành có thể nhìn thấy những triền đồi trồng nho. Mùa thu hoạch nho đã bắt đầu.
Tôi nhìn thấy khoảng tường, nhìn thấy nhà thờ với tháp chuông sơn trắng kiêu hãnh vươn lên trời cao.
Tôi đi dọc bờ tường. Chẳng bao lâu, con đường uốn sang phải. Một bụi cây lớn thoáng che tầm nhìn của tôi, thế rồi xuất hiện ngôi nhà nhỏ và một khoảng sân hẹp đằng trước. Một vùng sân được lát bằng những viên đá nhỏ, xám và vuông.
Ngôi nhà khiến tôi thích thú. Nó hơi bị nghiêng và có vẻ rất cổ. Cả ở đây, khung gỗ cũng ánh lên lờ mờ dưới lớp cây leo phủ bên trên. Những cành nho tạo thành một lớp rèm dày, kéo lên tới mái.
Đường dẫn lên cửa ra vào là ba bậc thang bằng đá. Các bậc thang tương đối cao và đã mòn nhiều.
Cánh cửa gỗ được quét màu đỏ thẫm, nhưng lớp sơn chưa đủ dày để che hẳn màu xanh bên dưới. Một vài cành nho mọc uốn quanh góc cửa, lá che khuất nút chuông.
Một ngọn gió thổi tới, mang theo hơi thở mát lành của núi rừng.
Khi tiếng chuông nhà thờ bất chợt vang lên, tôi nhìn xuống đồng hồ.
Mười hai giờ trưa!
Còn có nơi nào thanh vắng hơn chỗ này?
Đã gắng nhìn qua khuôn cửa sổ nhỏ mà không kết quả, tôi bấm chuông. Khi tiếng chuông thứ ba chìm bẵng vào yên lặng, tôi bắt đầu thấy lo lắng.
Mặc dù biết Pierre Piccard chưa lâu, nhưng nghe chuyện qua điện thoại tôi đã có cảm giác đó là một người đáng tin cậy. Việc anh ta thất hẹn thật khó giải thích.
Hay chúng tôi đã hiểu lầm nhau?
Cảm giác bất an trong tôi lớn thêm. Dù tôi chẳng phải thuộc loại người ưa nghi ngờ, nhưng nghề nghiệp đã dạy cho tôi biết cảnh giác. Tôi không thể xua đuổi được cảm giác bất an đó, dù đang đứng giữa một miền đất thanh bình đẹp tuyệt vời.
Tôi đặt tay lên nắm đấm cửa, trong lòng thừa biết người dân ở những làng quê nhỏ ít khi đóng cửa nhà. Họ đã quen như vậy từ xa xưa và không ai nghĩ tới chuyện thay đổi thói quen đó.
Cả cửa ra vào của ngôi nhà này cũng mở.
Đầu ngón chân tôi đẩy nó vào trong. Chầm chậm, cánh cửa mở ra, để lộ một khoảng hành lang hẹp với những bức tường thẫm màu. Tôi ngửi thấy là ngôi nhà thường bị để vắng. Nó là cái mùi tiêu biểu của khoảng không gian không được lấp đầy bằng sự sống, một cái mùi rất khó định nghĩa, nhưng rõ ràng hiện hữu và dai dẳng thấm vào từng viên gạch trên tường. Cũng có lẽ một phần bởi nó lạnh. Nhiều nhà xứ này bây giờ đã bắt đầu đốt lò vì nhiệt độ về đêm đã khá thấp.
Phía bên phải là một dãy phòng với những khuôn cửa thấp. Tôi phải rụt đầu khi bước qua ngưỡng cửa. Những ván gỗ lát sàn kêu lên dưới chân tôi. Gỗ đã cũ và mềm. Ở một vài chỗ có bốc nhẹ mùi xà phòng đánh bóng sàn.
Tôi bước vào căn phòng đầu tiên.
Đó là nhà bếp.
Nó không được trang hoàng hiện đại, mà để nguyên như từ thời cũ. Một phong cách lại trở thành mode mấy năm trở lại đây. Bếp vẫn còn được đun bằng than. Cái tủ được làm bằng gỗ thẫm màu, chao đèn trên trần phòng có những đường hoa văn mềm mại.
Không thấy Pierre Piccard đâu.
Ngôi nhà thở.
Nó thở ra một vẻ tĩnh lặng nặng nề, bất bình thường. Sự tĩnh lặng như đang tỏa ra từ mỗi khoảng tường và tóm lấy tôi.
Khi ra lại hành lang, tôi đi đến bên cầu thang, đứng lại.
Những bậc thang hẹp dẫn lên trên. Khúc cuối hành lang lầu một có khuôn cửa sổ nhỏ. Một chút ánh mặt trời đang hắt qua đó vào nhà. Rồi chỉ một thoáng sau đó, khuôn cửa thoắt chìm trong ánh lờ mờ. Chắc mặt trời ngoài kia lại bị mây che khuất.
Tôi ở lại dưới tầng trệt, đi ngang qua cầu thang, nhìn thấy một cánh cửa khác.
Cửa mở hé.
Tôi mở rộng nó ra. Xuất hiện một căn phòng tối. Sau đó vài giây mắt tôi mới nhận ra những dãy kệ thật cao, đựng đầy sách vở. Rèm bên hai khuôn cửa sổ đều được kéo kín.
Đứng ở ngoài, tôi thấy căn phòng không có người. Phòng còn có một bàn viết, nó cũng được làm bằng một thứ gỗ thẫm màu, trông rất đồ sộ và được kê đứng trước các kệ sách.
Tôi đi thẳng về hướng cái bàn.
Mặt bàn để ngổn ngang sách và giấy viết. Tôi đi vòng sang phía trái bàn, nhìn thấy một chiếc ghế có lưng dựa rất cao. Đúng lúc đã bật đèn pin, chuẩn bị xem chỗ sách trên bàn thì tôi khựng lại.
Phía bên kia có cái gì đang nhô lên từ nền phòng.
Hai vật thể thẫm màu, trông lờ mờ trong bóng tối. Chỉ khi tiến thêm một bước về hướng nó, tôi mới nhìn được rõ hơn.
Đó là hai chiếc giày dựng đứng. Và trong giày là hai bàn chân người.
Chúng là chân của người đàn ông đang nằm ngửa trên nền phòng, bất động.
Pierre Piccard.