Xuất xứ của truyện ngắn MÂY NÚI SAPA(Viết khi đến Sa Pa lần đầu, hè 1961) Có lẽ, mà chắc chắn là thế, chẳng bao giờ em được đọc những dòng này, bởi một lẽ giản đơn là lá thư sẽ không được gửi đi, cũng như bao điều anh hằng giữ mà không nói với em. Để cho em yên lòng mà đi xa, mà bay xa… Tuy vậy, anh cứ viết. Mai sau, có bao giờ anh còn gặp lại những cảm xúc hôm nay? Anh sẽ giữ lại một kỉ niệm cho mai sau, kỉ niệm về mối tình em đã dành cho anh, lặng lẽ mà mạnh dạn, kín đáo mà bồng bột, êm đềm và e lệ. Trong tình yêu, cả trong cuộc đời, anh là kẻ vừa cao kì, vừa khờ khạo lẫn ngu ngơ. Mà em thì thơ ngây như một giấc mơ tuổi nhỏ. Đêm nay, anh đang ở xa em hơn năm trăm cây số và cách gần nghìn rưởi thước bề cao. Trời mát lạnh như vào sáng sớm cuối thu dưới xuôi. Gió nhẹ ve vuốt và gợi nhớ. Giờ này, ở nơi thành phố nồng nực và đầy bụi kia, có mộng đẹp nào ướp thơm giấc ngủ của em? Có lúc, anh bắc ghế ngồi nơi hành lang gác trọ nhìn lên đỉnh Phăng-xi-păng, điểm cao nhất trên Tổ quốc chúng ta. Những lớp mây trắng xốp như bông quây lấy cái đỉnh nhô mờ xanh; và từ dưới lòng thung khí núi bốc lên nhẹ nhõm từ từ, rất từ từ hầu như không xê dịch, màu trắng trinh bạch lửng lơ trên nền xanh của cây núi và da trời, cuối cùng như đều đọng lại ở chỏm núi tột cùng kia, để lại từng dải dài mây trắng ven sườn núi. Màn mây trắng nhẹ tưởng như sờ đến là tan, đứng trong đó người ta chỉ thấy mờ mờ sương khói. Anh chợt có một sự liên tưởng khá buồn cười: dường như con đường đi đến tình yêu cũng mơ hồ, nhiều khi không tự thấy; và những vệt mây lưu lại rõ hình lên từ xa kia chính là hình ảnh những vết kỉ niệm đượm lên khi nhìn lại từ mai sau, bất biến mà xao động. Nhưng còn đỉnh? Anh đã không hướng em lên đỉnh vì chính anh không định được hướng, phải vậy không? Vì sao nhỉ? Anh không muốn tìm câu giải đáp lúc này. Mà tìm để làm chi! Cạnh phòng anh trọ có một cặp vợ chồng mới cưới. Hưởng tuần trăng mật nơi này là một sự lựa chọn không xoàng. Hạnh phúc của họ có thể nhìn thấy qua vẻ dè dặt của người chồng và trong dáng dịu dàng pha chút e thẹn của người vợ. Con đường đưa họ đến đây ra sao? Anh thử hình dung ra em và anh… mà chỉ nhoà nhòa nhân ảnh. Mấy hôm nay, anh sống thanh thản; nhưng sao chỉ mới bốn ngày mà đã cảm thấy lâu thế vậy? Ở một nơi như thế này! Hồi chiều cùng một người mới quen đi dạo loanh quanh, qua một vách đá bên đường anh bạn khắc tên mình lưu niệm. Anh chỉ đứng nhìn mà như đọc thấy dòng tên em cạnh tên anh trên những nét 7/7/ 1961 mà anh ta vừa vạch hằn vào đá. Là kỉ niệm thì như thế đã đủ rồi, phải không em? Vách đá không thể giữ những gì mà lòng người ta có thể giữ. Ngày mai anh sẽ giã từ nơi đây, một chút lưu luyến, - lần đầu tiên được thưởng thức cái mát lạnh mang màu ôn đới, song không có gì ràng rịt. Lúc này, ngồi đây anh cảm thấy đang được tắm trong cái khí vị thanh tân của khí trời, của mây núi, của cỏ cây, cả của những quả đào mà cũng là lần đầu anh được nếm. Rồi đây, lên Hà Nội bù đầu trong mấy tháng rực nắng hè theo lệnh điều động, cái khí vị này sẽ như một thứ trạm nhớ thỉnh thoảng ghé về. Hoài niệm, nói đúng hơn là hoài vương, chẳng phải bao giờ cũng là yếu mềm. Anh sẽ không hoài vương cái ngày em đi xa… (Bức thư không viết xong)