SÔNG PHỐ

 
Tôi ở bên bờ sông Phố. Con sông nhỏ khiêm nhường len lỏi chảy giữa mấy giải núi đồi và đồng bằng hẹp của huyện Hương Sơn. Nước sông trong xanh, trừ mùa lũ. Sông nom hiền hoà song nhúng tay vào cảm thấy ngay rằng nó không hề lặng lẽ. Con sông sinh ra trong dãy Giăng Màn (Trường sơn) từ những dòng suối cực nhọc trườn theo những lạch quanh queo đầy sỏi to và cả đá tảng, nơi có những con tôm to cỡ ngón tay út người lớn và một loại cá hình như không có ở nơi nào khác, gọi là cá mát, thường dài chừng hai gang tay, ngày trước người ta thường kẹp dọc bằng hai thanh nứa nướng lên đem bán chợ hoặc bán rao các làng ; cá ấy mà kho nước mắm rắc tiêu thì một lần ăn có thể thành nỗi nhớ. Sông Phố chia đôi cái huyện bán sơn địa từ tây sang đông, ra khỏi huyện gặp sông Sâu hợp thành sông La thơ mộng, một phụ lưu của con sông Lam hùng tráng. Hội nhập với biển cả, hầu hết các dòng sông miền Trung đều vội vã. Màu xanh cây đại ngàn và màu xanh biển khơi vẫy nhau chẳng để chúng nhẩn nha.
Tuổi thơ tôi gắn với con sông Phố. Nó là gương soi của tôi. Nó là cái nôi du hí của tôi. Nó là tâm hồn tôi. Tôi vẫy vùng trong lòng nó, cảm nhận cái sức sống không ngừng, không mỏi của nó hướng về biển rộng.  Anh tôi bảo: “Mi như con cá, khéo lại lặn luôn dưới đó”.  Không! Nếu là cá, tôi chẳng đời nào chịu nằm yên dưới đáy sông.
Tiếng sông trôi trong đêm thanh vắng khi thầm thĩ, khi rào rạt, vọng không gian và vọng thời gian. Những chuyến đò dọc một thời xuôi chợ tỉnh, tiếng thuyền rẽ nước làm nền, tiếng chèo khua làm nhịp cho những câu hát đò đưa:
“Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở
Anh đến bến đò thì đó đã sang sông
Anh đến em thì em đã lấy chồng
Em yêu anh như rứa, hỏi mặn nồng đấy chi?”.
-“Anh nờ! Hoa đến thì, thì hoa phải nở
Đò đã đầy thì đò phải sang sông
Duyên đến em thì em phải lấy chồng
Em yêu anh được rứa, đã mặn nồng chớ chi!"
Có khi khuya lắng tưởng chừng vạn vật đều đã ngủ mê mệt, chợt mơ hồ nghe xao động tiếng gươm khua, trận chiến nghĩa quân Lê Lợi-Nguyễn Tuấn Thiện từ động Tiên Hoa (làng Phúc Đậu) kéo ra phục binh tiêu diệt giặc Minh trên đoạn sông dưới chân Rú Vằng (Kim Sơn).
Nhiều đêm tôi nằm trên gò đất cạnh sông ngắm trời sao thầm nghe sông rì rào chuyện cũ.
Ngày xưa, một nho sĩ rời bỏ một miền trù phú xứ Bắc, rời bỏ thị thành, từ chối ân huệ của chúa Trịnh, ngược dòng sông này tìm về quê mẹ tích đức và trau dồi tài năng trở thành lương y đúng nghĩa, để lại cho đời một kho y đức và y thuật.
Ngày xưa, có vị Chưởng quân xuất thân dân cày của miền sông Phố cho lập xưởng rèn hướng dẫn các thợ lành nghề chế những khẩu súng trường dựa theo những khẩu tước được của kẻ địch. Ông bất đắc dĩ rời cái cày để trở thành tướng lĩnh trụ cột của quân Cần vương Phan Đình Phùng.
Ngày xưa, có anh học trò nghèo mang lều chõng xuôi sông này đi thi hương trường Nghệ đỗ cử nhân, rồi vào kinh thi hội và thi đình đỗ Hoàng giáp.
Ngày xưa,  những ngày sau Cách mạng tháng Tám, có những người trai chân đất, với gậy gộc, giáo mác và mấy khẩu súng táp nham, men sông này ngược lên biên giới Việt-Lào tiến đánh một đồn binh giặc. Và, một người đã ngã xuống, người liệt sĩ đầu tiên của miền Bắc kháng chiến chống Pháp.
Ngày xưa, một trong “mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” đã gánh nước sông này, những gánh nước cuối cùng cho mẹ, trước khi lên đường trở lại trận địa chống chiến tranh phá hoại của Mĩ và không bao giờ trở lại.
Ngày xưa, những bến sông bình thản và hắt hiu chiều chiều các cô gái ra gánh nước hay giặt giũ trắng cả một khúc ven sông.
Ngày xưa...
Sông Phố vẫn là sông Phố tự thuở nào đêm ngày tuôn nước về đông. Dấu tích lịch sử ở lại. Kí  ức tuổi thơ, kỉ niệm đời người ở lại. Và đói nghèo quẩn quanh. Sông có mang theo ước mơ của con người?
Con ngưòi lưu vực sông lầm lũi sống, cực nhọc sống, mặc nhiên sống. Dăm ba năm một lần hoảng kinh: nước sông dâng ngập xóm làng băng băng, cuồn cuộn cuốn theo những gì không lánh kịp, hoặc không lánh được, cả cây cối, cả hoa màu, cả vật nuôi, thậm chí cả nguyên ngôi nhà gỗ, và cả người! (Ngôi nhà tranh của cha mẹ tôi ngự lưng đồi con đã có lần nước lũ mò lên đến nửa cột cái).
-Này, cô bé! Cô mơ ước gì đây?
-Sông ơi! Sông có mong người ta gắn bó với mình mãi không?
Ven sông  có những vùng “trù phú”, vườn tược, ruộng đồng,... Những bãi dâu, bãi màu  phơi phới trải dài nâng bước chân khách bộ hành, những chiều nắng xế. Nhất là những nương dâu ngút mắt bên sông. Hái dâu, chăn tằm, dệt lụa, nghe thật thích. Thích như một chị từng nổi tiếng, nổi tiếng vì nhan sắc, càng nổi tiếng hơn vì những tấm lụa chị dệt nên, một thời...
Ờ, một thời! Sướng vui nhỏ nhoi, kì vọng lụn vụn. Bao giờ...?
Nhà máy in bóng xuống dòng sông. Và...
Công trình kiềm chế cơn hung dữ của sông. Và...
Tôi gom tình thân thương, lòng ước vọng xung quanh con sông Phố gửi vào bài văn dự thi
“viết về quê hương” dành cho học sinh trung học.
-Nhưng cô bé ơi! Giờ cô ít ngắm dòng sông, bãi bờ,... Mắt cô hay dõi ra xa.
Đường số Tám, con đường liên quốc gia băng qua huyện, nay ít lượn theo triền sông, thênh thang, láng bêtông nhựa, con đường thiên lí từng vào loại đẹp nhất nước. Xe nhớn, xe bé cứ là vi vu. Nhưng con đường có vẻ lạc lõng một cách đáng thương. Chỉ có thị trấn-huyện lị ngự bên hữu ngạn sông rõ là “thay da đổi thịt” theo, nhưng mang cái kệch cỡm của anh trọc phú và cái xô bồ của cung cách làm ăn vặt và xổi, kể cả buôn lậu xuyên biên giới. Hôm kia, một chiéc xe con sang trọng đi từ một nơi xa về vượt cầu Tam Soa,-cửa ngõ vào huyện Hương Sơn, lon thon chạy. Xe lướt đi một đỗi, giây giây lại lăn bánh chầm chậm. Người ngồi sau tay lái đang thẩm lại cảnh cũ, đường xưa. Đến một khúc đường gần sát vào sông Phố, người ấy dừng xe xuống bến khoả tay vào nước sông, khum hai bàn tay chụm lại múc nước toan đưa lên rửa mặt nhưng rồi lại thả ra. Nước sông nhìn vẫn trong suốt mà mặt người nay đã khác, ngộ nhỡ...!  Dường như người ta đang dọn đường cho một vụ “vinh qui”  kiểu mới.
Tôi cũng đã một lần vinh qui nhỏ, nhỏ tí ti. Ấy là lần tôi lên tỉnh lĩnh giải cuộc thi viết về quê hương. Tôi được giải nhì. Bài của tôi được một tờ báo trung ương đăng lại, như một sự khích lệ, như một ân huệ.
Nhưng, tôi thi vào đại học trượt. Mấy hôm liền không nghe tiếng sông chảy.
-Này, cô bé! Cô nghĩ là sông sẽ mừng ư?
-Tôi đã định mang theo hình bóng sông vào trường đại học. Tôi đâu dễ rời xa sông. Bây giờ thì tôi muốn ra đi mà chẳng hẹn gì với sông cả.
Và tôi đã ra đi. Một nhà văn về thăm quê bên dòng sông Phố ; đã lâu lắm, sau cái lần được tiếng là nhà văn. Ông gặp tôi ở bến sông. Nhà văn sững người. Cái nhìn của ông chỉ khác cái nhìn của đám con trai mỗi khi họ gặp tôi ở chỗ “một chút bề trên”, một chút thôi. Rồi hỏi thăm đường. Rồi lân la chuyện trò. Tôi chưa gặp ai giỏi chuyện như thế, kể cả người thầy giáo mà suýt nữa nếu không vì rất kính mến thì tôi đã yêu.. Nhà văn về quê chỉ hơn một ngày nhưng đã kịp biết tình cảnh của tôi, nhất là đã có thể bảo: “Em có khiếu viết văn đấy. Được dìu dắt thì có thể bay cao, bay xa”. Ông là nhà văn số một tại địa phương ông đang công tác, ông cho tôi biết vậy chẳng phải để khoe khoang, -khoe với một con bé nhà quê thì được ích chi! Ông quen biết rộng, người ta rất nể ông. Vậy là tôi đi với ông.  Gác ngoài tai tiếng lào thào của sông Phố.  “Cha hắn ngày trước cũng thích léng phéng với gái tơ. Mẹ hắn lừa lúc gã nằm võng mới cuốn chặt võng lại tẩn cho một trận”.-Cha tôi thủng thẳng bảo. “Ông chỉ thành kiến vớ vẩn. Chuyện ấy là dưới thời Pháp. Bây giờ là thời nào? Anh ta lại là nhà văn”.-Mẹ tôi nói, chẳng thủng thẳng chút nào.
Tôi qua đò sông Phố, cùng ông nhà văn. Tôi nghiêng người lấy tay vã nước lên mặt. Nước sông mát lạnh không làm dịu bớt cái chộn rộn trong tôi lúc đó.
x  x  x
Hôm nay tôi lại ngồi bên sông Phố.
-Này cô bé! Chẳng phải là  “nước đi ra biển lại mưa về nguồn” đâu nhỉ?
-Có thể tìm lại chính mình ở đâu?
-Thế cô đánh rơi ở đâu?
Ở đâu nhỉ? Tôi đã có những giờ phút tưởng chừng như mọc cánh. Ông nhà văn quả có tài giao thiệp. Ông quen các quan chức; ông quen các doanh nhân có thế lực; ông quen cả những người thường nhưng “tiềm năng”.  Em hãy làm tạm chỗ này. Để sinh sống và để có vốn sống. Vốn sống là điều cốt tử của nhà văn. Tương lai của em, cái chính là viết văn, vượt lên cái đích kiếm sống đời thường. Làm nhà văn tôn vinh quê hương hơn mọi thứ “nhà” khác. Tranh thủ mà viết!  Tôi viết như lên cơn. Ông tận tình chỉ vẽ. Bài của tôi được đăng. Ban đầu trên tờ báo địa phương ông làm biên tập viên. Rồi cả trên báo trung ương, ông đưa lên. Rồi tôi được giải thưởng trong một cuộc thi truyện ngắn của một tờ báo phát hành rộng. Truyện về một người con gái rời quê hương đi xa, lòng vẫn đau đáu dòng sông tuổi nhỏ, nhưng cương quyết không lơi hoài bão, không quay đầu lại. Vậy là được giải. Tên tôi cùng hàng với tên một số nhà văn có “mác”. Ông khao tôi trong phòng riêng của ông trên gác xép toà soạn; mình ông ở đó. Thỉnh thoảng ông mới về nhà, ngay trong thành phố. “Anh cần khoảng sống riêng”. Tôi xưng “cháu” gọi “chú”, ông bảo văn nghệ sĩ là không  nệ tuổi tác.
Hôm đó, tôi say vinh quang, tôi say men rượu, tôi say lời thổ lộ tâm tình. “Vợ anh chỉ được mỗi cái nấu ăn ngon. Kẻ nào nói đàn bà giữ đàn ông qua cái dạ dày chẳng phải là nhà văn. Anh nổi tiếng mà rất cô đơn. Anh cần người có thể hiểu mình, người cùng điệu tâm hồn. Vậy mới có tình yêu đích thực, mới thăng hoa tình yêu...”. Và tôi đã dâng hiến. Ít lâu sau, tôi đến thấy cửa phòng “anh” khóa ngoài. Thường thì phòng khoá trong, thò tay qua lỗ khoét trên cửa. Tôi nâng tấm che lỗ khoá nhòm vào. “Thần tượng” của tôi đang “đi thực tế” cảm hứng tình yêu tột độ vào “công đoạn” cuối với cô gái mà mấy hôm trước đã giới thiệu với tôi là em họ. Cảnh cao trào “chuyện ấy”, người ngoài cuộc thấy “khủng khiếp” làm sao! Sàn gỗ dưới chân tôi dập dềnh như ván lót con đò ngang sông Phố hôm tôi ra đi.
-Tôi có để rơi không nhỉ?
-Cô bé ơi! Hãy phả nước sông vào người. Đánh mất mình như để rơi một món đồ chẳng dễ đâu, nếu còn biết ân hận. Không còn như cũ lại là chuyện khác. Phải vậy thôi. Sông cũng không còn như xưa...
Có phải chuyện vắng những chuyến đò dọc, con sông trầm mặc và cô quạnh hẳn đi? -Thời “tốc độ chóng mặt” ai còn xuôi ngược trên những con thuyền gỗ chèo chống bằng tay nữa! Hãy thôi mơ màng chuyện cũ!
Hay là chuyện lở bồi? –Cũng là lẽ thường, kể cả chuyện hơi khác thường nơi cái vực sâu hút dưới chân rú Vằng, cái vực mà ngày trước truyền lại rằng nó thông với cái “hốc thuồng luồng” giờ đã cạn trong một làng cách chừng nửa cây số, nay nhô lên một bãi nổi như là mô hình thu nhỏ của chuyện “biển Đông biến thành nương dâu”.
Chuyện là con người đang muốn bớt thụ động đi. Người ta đang tính đắp một cái đập...
Một cái đập! Tôi từng mơ một công trình cải tạo sông Phố và một cơ ngơi thuỷ điện.
Song, tôi cũng muốn sông không mất đi cảnh sắc hoang sơ vốn là một phần của duyên dáng sông Phố.
-Này cô bé! Cô đâu còn mang tâm hồn hoang sơ?
Giữa vùng hoang vu gần đầu nguồn sông Phố, khu nghỉ dưỡng Nác Sốt (Nước Nóng) đang như là một mầm hoa lệ...
Phải! Hoa lệ hoá, văn minh hoá, và vân vân. Nhưng cầu trời đừng “hoá” những cái như sân gôn, chẳng hạn! Từ lâu, người Nhật thà mỗi cuối tuần đáp máy bay sang châu Âu chơi gôn chứ không đành xây sân gôn trên đất nước họ.
Tôi về bên sông Phố.
Dẫu rồi ra tôi sẽ xa sông Phố...
Hải Phòng, 4/2004 – 11/2008