Dịch giả : Vũ Minh Thiều
Chương 7

Chúng tôi gặp ông thân sinh của Diên Tôn rồi. Ông sống một mình trong một túp lều, ở cuối dãy nhà thấp. Listonbing là một thị trấn ở phía tây miền Kansas, trên ngọn đồi liền với dốc thoải núi. Khi chúng tôi hỏi thăm ở ngoài ga, mọi người đều biết ông, nói về ông vẻ kính trọng.
Nhân viên ngồi ở chỗ bán vé, mặc áo sơ mi trần, vừa nhai kẹo, vừa chỉ đường cho chúng tôi. Chúng tôi đi theo con đường độc nhất ở thị trấn này và sau khi đi được một trăm thước, chúng tôi tìm thấy ngôi nhà nhỏ bằng gỗ nơi ông sinh thân Diên Tôn ở.
Cửa mở rộng, mặc dù tiết trời tháng tư còn rất mát ở vùng này. Ông ngồi trước một bàn gỗ thô sơ ở giữa phòng. Ăn mặc thật kỳ cục. Ông mặc chiếc áo dài lụa và đang đọc một quyển sách bằng tiếng Trung Hoa.
Khi ông trông thấy chúng tôi, ông đứng dậy lễ phép mỉm cười. Râu ông dài và trắng xoá. Tóc ông bạc như tuyết đã lâu không cắt. Ông rất gầy nhưng cặp mắt thật lớn. Chưa bao giờ tôi thấy ông giống Diên tôn như lúc này. Tôi chạy lại ôm lấy ông cụ.
Ba Ba! Ông làm gì ở đây?
Ông ngẩng đầu lên và nhận ra tôi, nhưng không chút gì tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông giữ tôi trong vòng tay ông, rồi với giọng dịu dàng, ông nói:
Ta ốm ở trên tàu và đến nơi này thì họ đưa ta xuống. Vì vậy ta phải ở đây. Ở đây cũng vậy đi chỗ khác cũng chẳng hơn gì!
Đời sống của Diên Tôn và tôi ở Bắc Kinh vào thời kỳ trước chiến tranh bùng nổ thật ích kỷ! Chúng tôi biết như vậy nhưng hàng giờ, hàng phút, cố bám lấy cái hạnh phúc mà chúng tôi biết trước là sẽ mất. chúng tôi vẫn nghĩ rằng đời sống ở Mỹ sung sướng  như thần tiên. Chúng tôi nhận được vài bức thư của ông cụ, lời lẽ thân mật trong đó ông quả quyết rằng ông sung sướng  và không cần ai phải quan tâm.
Bị biết bao nỗi lo âu dồn dập, mạo hiểm với trăm ngàn nỗi nguy nan của chiến tranh, vì vậy chúng tôi không sao săn sóc ông tươm tất được!
Ba Ba nhìn Lê Ni và tôi hỏi:
Ông có còn nhớ cháu nội không?
Ông cụ giơ bàn tay lớn, gầy guộc ra và tôi ra hiệu cho Lê Ni tiến lên.
Ông cụ hỏi:
Con trai của Diên Tôn phải không?
Vâng, chính thế.
Ông cụ nói lẩm bẩm:
Phải! Phải rồi! Ngồi đây cháu nội.
Tôi ngồi xuống  chiếc ghế đẩu, còn Lê Ni ngồi trên thành bàn, vì không còn ghế nào khác.
Ba Ba, ông sống cách nào?
Họ đem thức ăn đến cho ta…Có một người đàn bà đến thu xếp và giặt giũ. Ta cũng chẳng cần tiền. Người ở đây hào phóng lắm!
Chính ông cụ cũng không biết nay ông đang ở đâu. Từ ở trên tàu xuống, ông đã đau ốm và bối rối, và có người đã cho hiến ông túp lều này.
Ông vừa nói vừa rút ở ngăn kéo ra một hộp nhỏ bọc một miếng lụa vàng.
Ông mở cho tôi xem có năm tờ một Mỹ kim. Rồi ông lại gói bọc lại, để vào chỗ cũ.
Lê Ni và tôi nhìn nhau. Chúng tôi đồng ý và quyết định đưa Ba Ba về nhà chúng tôi, không chờ đợi nữa.
Mỗi ngày có hai chuyến tàu, một về phía tây, một về phía đông. Sửa soạn gấp, chúng tôi còn có thể đi chuyến về phía đông.
Ông đã ăn chưa?
Ông cụ trả lời:
Có lẽ ăn rồi.
Ông ăn những gì?
Ông chậm chạp đứng dậy, đi về phía tủ lạnh kê ở góc nhà. Ông mở tủ: tôi thấy một chai sữa còn một nửa, một ít bơ, ba quả trứng và một khúc dồi nhỏ.
Lê Ni đứng ngoài thềm ngắm cánh đồng lớn đây đó có vài thung lũng và nói:
Thôi chúng ta đi.
Tôi quay lại ông cụ:
Ông có muốn về ở với chúng con không?
Ông cụ đã quay về chỗ cũ. Ông gấp cẩn thận quyển sách bằng tiếng Trung Hoa bọc vải.
Ông cụ hỏi:
Các con có thật tình muốn như thế không?
Chúng con hết lòng muốn ông về.
Vậy Diên Tôn đâu?
Vẫn ở Bắc Kinh.
Anh ấy có cùng về không?
Không, con cũng mong anh ấy đến sau.
Lê Ni nói:
Kìa, có ai đến.
Một người đàn ông tiến về phía chúng tôi, đi những bước dài. Gã đã đến cửa nhà, gã không còn trẻ, nhưng có dáng điệu một người dân miền Tây, vai vuông, tóc hung vàng như cát, màu da nâu vì gió đồng.
Gã nói giọng thẳng thắn:
Tôi đến xem có chuyện gì, tất phải săn sóc ông bạn láng giềng của tôi.
Tôi hỏi gã:
Nhà này có phải của ông không?
Vâng, đây cũng thuộc về trang trại của tôi.
Ông hào hiệp lắm đã để cho ông bố chồng tôi ở nhờ.
Gã nói vẻ nghiêm trang:
Tôi không biết ta phải nghĩ thế nào về những kẻ bỏ rơi một ông già bơ vơ giữa đường như thế này?
Chúng tôi không ngờ rằng…
Tôi bỗng im. Biết cắt nghĩa với gã thế nào, về Bắc Kinh, về nước Trung Hoa? Có khác gì nói chuyện về một hành tinh xa lạ đâu?
Nay đã tìm thấy ông cụ, chúng tôi định đưa ông về nhà chúng tôi. Tôi là bà Diên Tôn và đây là con trai tôi, Lê Ni.
Tôi tên Sam.
Gã nhìn Lê Ni, chắc chắn nghĩ rằng nó không có vẻ như những người khác. Gã phải tự hỏi chúng tôi là người thế nào.
Gã hỏi tôi:
Bà ở đâu?
Vermont.
Ông nhà đâu?
Tôi ngập ngừng. nếu tôi nói thật rằng Diên Tôn ở Trung Quốc thì họ sẽ ngờ vực cô tôi.
Tôi trả lời:
Chồng tôi ở ngoại quốc.
Sam dựa người vào khung cửa và chú ý nhìn chúng tôi hơn. Rồi gã nói với ông cụ:
Ông bạn già, ông có biết bà và cậu thiếu niên này không?
Ông cụ gật đầu, vẻ bình tĩnh:
Đó là vợ của Diên Tôn, con trai tôi và cháu nội tôi.
Ông có muốn đi với bà và cậu ấy không?
Tôi sẽ đi với họ.
Ông không phải đi nếu thấy không cần. Tôi sẽ chăm nom nếu ông ở lại.
Tôi muốn đi.
Được, trong trường hợp này…
Gã do dự.
Tôi nói:
Nếu sửa soạn kịp, chúng ta còn chuyến tàu tối
Tôi đi lấy xe, mười lăm phút sau trở lại đón.
Sam bước những bước dài. Lúc này tôi thấy Lê Ni có vẻ bối rối. Nó ngắm ông nội. Tôi nói:
Có gì thế?
Mẹ để ông đi mà ăn mặc kỳ cụ như thế này à?
Ông cụ nhìn bộ quần áo mình.
Ông nói:
Cái áo dài này đẹp lắm. Ta mua ở Bắc Kinh áo vừa ấm vừa mềm mại
Lê Ni kêu lên:
Mẹ!
Tôi nói xen vào:
Thưa ông, chúng con sẽ mang áo đi, nhưng con thiết tưởng ông nên mặc áo khoác dạ. Người Mỹ không quen nhìn người ăn mặc không giống họ.
Ông cụ hiền hậu không nói gì. Sau bức màn nhỏ, Lê Ni thấy có treo một bộ quần áo màu xám đậm – bộ áo ông cụ mặc lúc rời khỏi Bắc kinh – và chiếc áo khoác dạ màu thẫm chính Diên Tôn mua ở tiệm may người Anh trong khu phố sứ quán. Nhưng quần áo này trông như còn mới nguyên.
Ông cụ bằng lòng để cho Lê Ni khoác áo giúp, chúng tôi tìm thấy cả chiếc mũ dạ đen của ông. Ông để yên cho chúng tôi ngắm nghía ông. Tôi tự hỏi ông có nghĩ ngợi gì khác không, chỉ biết ông thản nhiên bằng lòng đi với chúng tôi.
Có tiếng động cơ và bụi tung bay, chúng tôi biết Sam tới. Tôi khoá va li. Lê Ni dẫn ông ra xe. Sam nhảy xuống và trong khoảnh khắc chúng tôi đã ngồi yên ổn trong một chiếc xe khổng lồ màu đỏ.
Tôi nói:
Chưa bao giờ tôi thấy có chiếc xe giống xe này.
Tôi ngồi đàng trước với Sam. Lê Ni ngồi sau với ông. Sam trả lời:
Tôi đặt làm riêng cho tôi.
Gã lái xe chạy nhanh, và tôi yên lặng. Tôi không quen đi xe mau. Đã nhiều năm tôi chỉ đi xe kéo hoặc xe ngựa. chúng tôi đến vừa kịp giờ tàu. Có Lê Ni và Sam đỡ, ông cụ bước lên toa dễ dàng.
Sam cầm tay tôi và nói:
Xin tạm biệt bà. Nếu được, bà viết cho vài chữ để biết tin ông cụ.
Xin vâng.
Cả ba chúng tôi ngồi một phòng riêng trên tàu. Sam bắt tay xong tôi thấy còn đau.
°
Mạch đã cuốc vườn và cày thửa ruộng. Năm nay, tôi cố biến vĩnh viễn thửa đất của chúng tôi thành cánh đồng cỏ, theo ý tôi đồng cỏ hợp với vùng chúng tôi hơn vì mùa tươi đẹp ở đây ngắn ngủi lắm. Đã một thế kỷ nay, người ta khai khẩn đất đai nằm xen giữa các núi non để thử trồng lúa. Và trồng lúa cũng không được tốt.
Dần dần có cảm tưởng chắc chắn rằng không bao giờ tôi còn được trở lại ngôi nhà ở Bắc Kinh nữa! Hình ảnh ngôi nhà đó phải biến mất đi trong óc tôi, mặc dù bao thế kỷ ngôi nhà vẫn tồn tại, có tường bao vây với một cửa cổng bằng gỗ bách hương, những gióng ngang trên cửa cổng bằng đồng đỏ. Người yêu của tôi, mỗi ngày qua cửa cổng đó biết bao lần, nhưng sợi dây liên lạc ràng buộc tôi với nơi đó nay đành phải dứt  bỏ. Tôi đã trở về quê hương của tổ tiên tôi rồi!
Có lẽ tôi phải đọc cho ông thân Diên Tôn nghe bức thư của chàng chăng? Tôi không thể chịu đựng được với ý nghĩ chia xẻ niềm riêng tư bí mật của mình, tất nhiên vậy. Ngày hôm nay 15 tháng 5 kỷ niệm ngày hôn lễ của chúng tôi. Cả buổi sáng và buổi chiều, tôi ở ngoài đồng gieo hạt cỏ, trong khi bác Mạch quét dọn vựa thóc và vắt sữa bò. Tính đến ngày hôm nay, tôi lấy Diên Tôn đã hai mươi năm. Sau đó tôi sang Trung Hoa với chàng và bị lôi cuốn vào nhịp sống nửa tỉnh nửa mê của cái tổ ong vĩ đại này. Tôi cảm thấy dễ thở cũng như mọi người ở đây. Tôi không rõ vì lý do gì có nhiều du khách qua thăm Bắc Kinh rồi ở luôn đó cho đến ngày giã từ cõi đời.
Nhưng nay, tôi nghĩ mọi vật phải đổi thay, ngay ở cái thành phố ngày xưa đó. Nó đã thoát ra khỏi cái trạng thái hôn mê lâu ngày. Cả một dân tộc đã giật mình tỉnh dậy, chắc chắn họ không muốn có tôi ở đó. Nhưng tôi không thể tin rằng chị bạn thân Tô Muội không còn yêu mến tôi nữa. Chúng tôi cùng cho con chúng tôi bú một thời, chúng tôi vui đùa, trò chuyện với nhau luôn luôn; nói chuyện về giá trứng, hoa quả, cá mú mỗi lần đi chợ về. Làm sao có thể tin được bà cụ Lý lại không còn thương mến tôi, bà thường bắt tôi ngồi cạnh bà để bà vuốt ve bàn tay cơ chứ?
Cả hai người đều là bạn thân thiết, tôi luôn luôn yêu mến họ, và trái lại tin chắc họ phải yêu mến tôi. Có lẽ họ cũng bảo tôi như Diên Tôn viết trong thư: Anh yêu em, và mãi mãi yêu em, nhưng…
Khi tình yêu vẫn còn, có chỗ nào dành cho những chữ "nhưng" được không? Đó là câu mà tôi không sao trả lời được. Và sự yên lặng đã ngăn cách chúng tôi.
Khi tôi ở đồng cỏ về để sửa soạn bữa ăn, thì ông thân sinh Diên Tôn đang ngồi ngoài hiên trước cửa bếp sưởi ấm với những tia nắng cuối ngày. Ông vẫn mặc áo dài lụa, ngày ngày đọc đi đọc lại mấy quyển sách Tàu, ít khi chuyện trò. Bác sĩ Bạch ở thung lũng, bảo có lẽ khi ông cụ sống lẻ loi trong túp lều ở Listonbing nên dễ bị đau ốm.
Ông Bạch là vị bác sĩ giỏi, tốt bụng. Thân người cao lớn, tính tình ngay thẳng. Tuy vậy tôi chưa biết rõ ông lắm.
Ông bảo:
Phải săn sóc sức khoẻ ông cụ. Bà cứ tiếp tục trông nom ông, như hàng ngày bà vẫn làm là đủ rồi.
Ông Bạch không hấp tấp, ít nói. Do tôi mời ông đến thăm ông cụ, vì tôi không hiểu sao ông lại thay đổi đến thế. Trông ông khác hẳn xưa. Ở Bắc Kinh ông được coi là một người thâm thuý, sáng suốt, học thức uyên thâm. Khi tôi với Diên Tôn đến thăm, tôi thấy ông vừa dễ thương vừa oai nghiêm. Vấn đề gì, ông cũng thấu đáo, giảng giải cách tự nhiên chẳng cần phải khiên cung. Tính tình ôn hậu khoan hoà đến tinh vi mà đất nước Trung Hoa đã ban cho những ai đã hiến mình cho xứ sở thì ở ông cụ có thể nói đã đến tột bực.
Ngay buổi tối đầu tiên ở nhà ông ở Bắc Kinh, tôi phải kêu lên:
Anh Diên Tôn, em phải làm thế nào để vui lòng cha được?
Em yêu, em không cần phải gắng sức. Ông cụ vui vẻ vì thấy em giản dị. Ngay ông cũng không ép mình bao giờ. Chỉ  cần giữ nguyên bản tính ngay thẳng là sống với nhau dễ chịu rồi.
Ông cụ vẫn giữ nguyên bản tính tự nhiên và sự lễ phép hơi cổ. Không nói dài dòng, ông giảng dạy cho Lê Ni biết lễ nghi mà con tôi đã quên từ khi theo học trường Mỹ. Ông cụ không ngồi vào bàn trước tôi. ông lưu ý nói cho tôi biết khi ông ra ngoài đi chơi một vòng trong rừng phong và cũng không quên báo cho tôi biết khi về. Ông thích đi dạo quanh các bụi dương xỉ đang trải những tàu lá đẹp như ngọc thạch dưới tàn cây lớn.
Khi Lê Ni ở trường về muộn vì còn chơi banh, ông cụ vào bếp để được gần tôi nói chuyện. Nhưng không phải là chuyện xưa. Sự hăng hái không còn nữa, trí óc của ông đã đến lúc cần phải nghỉ ngơi. Ông thuộc loại người hiền hậu, dễ thương, sống giản dị. hàng ngày ăn uống sao ông cũng vui vẻ. Tôi không ngờ rằng chính ông không hiểu hiện ông đang ở đâu. Tôi thấy như có đôi khi ông quêN không rõ tôi là ai nữa, có lúc ông trông ngắm Lê Ni vẻ trầm ngâm. Tôi cảm thấy như ông tự hỏi có phải đó là Diên Tôn hay con trai của Diên Tôn…Như vậy mà đưa ông xem bức thư của Diên Tôn quả là quá tàn nhẫn!
Buổi tối nay, sau bữa ăn chiều, Lê Ni đi coi chiếu bóng với bạn. Tôi vẫn cho phép con tôi đi chơi ngày thứ bảy. Tôi thắp đèn, lấy đồ khâu đan, rồi ngồi vào bàn. Ông cụ vẫn ngồi ở ghế bành. Đan áo cho Lê Ni, tôi không sao không nghĩ đến Diên Tôn được!
Đây là lần đầu, từ ngày chúng tôi xa cách nhau tôi không được chàng một tặng vật gì vào ngày kỷ niệm hôn lễ chúng tôi. trước kia, chàng vẫn cố thu xếp để ngày hôm đó tôi nhận được một bức thư của chàng và như vậy để nhắc nhở lòng chàng yêu mến tôi. Tất cả bức thư đó còn giữ nguyên vẹn trong một chiếc hộp gỗ trầm hương và để trong phòng riêng của tôi. Những năm trước tôi đem ra đọc lại tin tưởng rằng sự xa  cách cũng có hạn kỳ. Nhưng tối nay, không rõ tôi còn có can đảm đọc lại những thư cũ không.
Ngồi ở ghế bành, ông cụ yên lặng nhìn tôi. Tôi không thể để ông cụ nhìn mình không nói năng gì, nên gợi chuyện:
Ông còn nhớ ngày hôn lễ của ông không?
Ta còn nhớ bà tên là Ái Lan, họ Hàn. Đó là một người vợ hiền, một người đàn bà can đảm.
Hôn lễ của ông cử hành ra sao?
Cặp mắt mơ màng, ông cụ nghĩ ngợi:
Ta không còn nhớ. Lúc đó ta là cố vấn của một vị thiếu niên là Hoàng đế. Ông Hàn như bạn của ta có nói về bà với ta. Ông thấy ta sống cô độc và ông có một người em gái ít tuổi hơn ta. Đó là bà.
Thế ông có yêu mến bà không?
Lại yên lặng. Tôi trông ngắm ông cụ ngồi trên chiếc ghế bành của cha tôi ngày xưa, tay chắp lên đầu gối, ánh đèn lóng lánh trên chiếc áo dài lụa đỏ, chiếu sáng bộ râu và mớ tóc trắng bạc của ông cụ. Cặp mắt đen lánh của ông phản ánh sự bối rối. Ông cố gắng để nhớ lại những ngày xa xưa…
Điều đó không cần cha ạ. Lâu quá rồi!
Không phải ta chối từ không nói cho con nghe. Ta còn đang lục tìm ký ức. Ta tưởng như hồi đó ta mê đắm lắm, nhưng lại mê đắm một người đàn bà khác. Chính người đó làm ta phải nghĩ ngợi.
Một thiếu nữ Trung Hoa – tôi giả vờ hỏi ông, như không biết sự thực.
Không phải là người Trung Hoa. Nhưng ta không còn nhớ được tên bà ta nữa.
Ôi! Có thể thế được không? Tôi để tuột rơi kim đan. Yêu thương một người nào và quên cả tên họ người đó sao! Có thể nào một ngày kia Diên Tôn cũng quên tên tôi chăng?
Ông cụ nói tiếp:
Ta cảm thấy cô độc vì người kia – mà ta quên mất tên – từ chối tình yêu của ta. Vì vậy khi ông Hàn Như nói chuyện về em gái ông, ta thấy lấy một thiếu nữ Trung Hoa lúc này thật phải, vì bà ta có thể giúp giập ta trong công việc giao thiệp với người Tàu.
Tôi tiếp tục đan áo:
Thật lạ, một thiếu nữ Trung Hoa vào tuổi này lại chưa lập gia đình sao?
Ông cụ như tìm được sự hoạt bát thời xưa:
Nàng đã đính hôn, nhưng vị hôn phu chết lúc nàng còn nhỏ. Lúc ta cưới nàng đúng hai mươi lăm tuổi, còn ta ba mươi.
Bà thuận lấy một người ngoại quốc, như thế có gì lạ không?
Tôi như mở trí nhớ ông cụ vì vậy tôi đã được nghe câu chuyện. Tôi muốn biết về mẹ của Diên Tôn. Trong ngôi nhà ở Bắc Kinh, tôi không thấy có bức chân dung nào. Còn Diên Tôn rất yêu thương mẹ, nhưng với một tình yêu đau đớn, tôi cũng không hiểu vì sao.
Bầu trời đêm không trăng thật thanh tịnh. Lại ở trong ngôi nhà yên tĩnh, tôi không thấy một vật gì trở ngại trong khi ông cụ nói chuyện giản dị như một đứa trẻ thơ, lúc nói tiếng Anh, lúc tiếng Tàu. Những âm diệu cổ xưa của tiếng Trung Hoa nghe thật vui tai trong gian phòng ấm cúng.
Đây là câu chuyện kể cho tôi nghe khi ông ngồi trước mặt tôi, hai bàn tay thuôn dài và trắng chắp lại, mắt nhìn thẳng hoặc có lúc nhìn qua cửa sổ, mỗi lúc mỗi tối dần và ông như sống lại những năm sôi nổi của tuổi trẻ.
Hôn lễ cử hành theo nghi lễ cổ xưa của Phật giáo. Cha mẹ Ái Lan đã chết và người anh cả là Hàn Như là trưởng tộc. Nàng ở nhà anh trai và tiếp tục học hành.
Thưa ông, bà có đẹp không?
Ông cụ nghĩ một lúc trước khi trả lời:
Không đẹp, nhưng đôi khi ta thấy bà khá đẹp, nhất là khi bà ngâm cho ta nghe nhiều bài cổ thi bà ưa thích. Bà gảy đàn tì bà khá hay, giọng hát dịu dàng, buồn bã. Buổi tôi, khi bà gảy đàn, nước mắt lại ràn rụa chảy. Ta vẫn tự hỏi, không hiểu sao bà lại khổ?
Sau khi sinh Diên Tôn, bà có sung sướng  không?
Nét u buồn thoáng hiện trên mặt ông cụ:
Gọi là hạnh phúc, ta không rõ có đúng không? Bà thay đổi tính tình. Bà cũng không ngâm thơ và gảy đàn tỳ bà nữa. Trái lại bà chăm chú đến cuộc cách mệnh xảy ra, mà trước kia bà không hề lưu tâm. Trước khi sanh hạ Diên Tôn ta thấy như chưa bao giờ bà đọc một tờ báo. Nhưng sau, bà bắt đầu đọc sách mới và tạp chí. Bà giao thiệp mật thiết với Tôn Dật Tiên. Ta còn nhớ đó là nguyên nhân nhiều vụ xích mích giữa hai ta.
Thưa ông, con nghĩ ông đâu có tính hay gây  gỗ?
Ta không ưa Tôn Dật Tiên. Không bao giờ ta tín nhiệm ông ta. Thời đó ta làm cố vấn cho triều đình con có rõ không, và ta cho rằng chính thể cổ xưa thích hợp hơn cả. Vả nữa, Tôn Dật Tiên không có một nền tảng học thức cổ điển. Ông ta chỉ có vốn học ở các trường Dòng.
Tôi lấy làm lạ sao ông cụ nói hay đến thế! Con người lỗi lạc tôi đã biết từ xưa nay như lại tái sinh. Tôi đặt đồ đan xuống để lắng nghe ông nói.
Ông tiếp tục:
Ta không còn muốn nhìn nhận con người đó làm vợ mình, một người đàn bà đã quên lãng tập tục ngàn xưa. Như tất cả phụ nữ Trung Hoa ở giai cấp bà, không bao giờ rời xa nhà. Nhưng khi con chúng ta lớn khôn một chút, bà luôn luôn đi ra ngoài. Bà dự các cuộc hội họp để nghe Tôn Dật Tiên diễn thuyết. Ông ta chỉ là một kẻ giàu lỏi, con một nông dân miền Nam, ta đã nhiều lần bảo cho bà biết thế! Sau này bà trở nên quật cường.
Nói tới đây ông yên lặng.
Bà trách ông điều gì?
Ông nhìn tôi, vẻ đau thương, môi dưới bắt đầu run run:
Bà quy tội cho ta muốn duy trì nền đế chế để giữ địa vị của mình. Bà coi ta như ngoại nhân, nói rằng hai dân tộc không sao hiểu được nhau và ta chỉ trung thành với Mỹ thôi. Xưa kia bà dịu dàng và dễ tính bao nhiêu thì nay bà trở nên tàn ác khó khăn bấy nhiêu. Và cho rằng từ trước đến nay không bao giờ ta yêu thương bà thật sự.
Đó chính là nguyên nhân sự thay đổi thái độ của bà. Bà thương yêu, nhưng cảm thấy không được yêu lại, vì vậy bà bỏ gia đình đi tìm ở nơi khác chăng?
Tôi không có can đảm nói rõ ra điều ông cụ không để ý đến. Lòng người đàn bà bừng dậy khi trông thấy con mình khôn lớn. Đứa trẻ kia, một phần thuộc màu da trắng, bà đã mang nặng đẻ đau mà không rõ rồi đây số phận nó sẽ ra sao. Nó sẽ ở đâu? Nếu cha nó quyết định mang nó về xứ sở của bố, thì bà sẽ mất hết tình yêu. Vì vậy cần phải làm sao cho đứa trẻ nhìn nhận quê hương mẹ nó và với mục đích này bà muốn góp phần của mình vào sự phục hưng đất nước Trung Hoa.
Tôi hiểu rằng cách giảng giải của tôi quá sơ lược. Cố nhiên bà Ái Lan nghĩ rằng bà hành động để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào và đối với mối hận ngàn xưa nay bà quyết tâm san phẳng. Người ta lăng mạ xứ sở bà, sự hiện diện người ngoại quốc lại là một mối đe doạ…Nhưng tôi biết rằng về phần phụ nữ chúng tôi, còn có những động cơ thầm kín khác. Bà muốn giữ con bà.
Khi mẹ chết Diên Tôn mấy tuổi?
Ông cụ trả lời tôi một cách mau lẹ, làm tôi lạ lùng:
Bà ta không chết vì bệnh lao mà do bị giết.
Bị giết cách nào?
Chúng tôi nhìn nhau và cặp mắt của ông có một vẻ gì làm tôi sợ hãi.
Tôi thấy ông run run:
Ta đã báo cho bà biết trước ta không thể bảo vệ bà được, vậy đừng nên cố chấp. Bà tham gia  làm cách mạng, con đã hiểu chưa? Bà gia nhập bọn họ.
Ồ! Không đâu!
Có, có mà! Thoạt đầu bà giao thiệp mật thiết với bà vợ của Tôn Dật Tiên. Hai người đàm luận với nhau hàng giờ, có khi ở ngay nhà ta. Cuối cùng ta phải cấm. Ta sợ cho ta và Diên Tôn. Ta bảo: nếu bà gặp gỡ bọn họ, không thể tụ họp ở nhà ta hay trước mặt con ta được. Bà phản đối như ném lưỡi dao vào mặt ta: Thật sao?
Tôi tưởng như nghe thấy tiếng nói người đàn bà đó, như bà ta đứng trước mặt tôi.
Ồ, thưa cha, thế rồi sao?
Bà bỏ nhà đi và ta không bao giờ gặp nữa.
Bà chết à?
Không, chưa  chết. Ta gặp anh của bà và cả hai chúng ta cùng đi tìm kiếm. Nhưng ông ta không muốn cho ta biết nàng ở đâu. Ông bảo ta: Tốt hơn là chú nên quên đi. Bà cùng ở với bọn họ ở miền Nam giữa cuộc cách mạng sôi nổi.
Diên Tôn có còn gặp lại bà nữa không?
Trong khi ông cụ nói, tôi nghĩ đến Diên Tôn. Tôi thấy chàng khôn lớn rồi, sống một mình với bố trong ngôi nhà rộng thênh thang và có lẽ nhớ đến mẹ luôn. Có đứa trẻ nào chẳng tơ tưởng đến mẹ mình?
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc trong một cô nhi viện ở New York, chuyên tiếp nhận trẻ gái bỏ hoang. Những chiếc giường nhỏ, chiếc nôi song song xếp trong nhiều phòng đầy trẻ bị bỏ rơi, bị phản bội. Ban ngày chúng nô chơi, cười đùa. Đêm đến tiếng khóc thổn thức của chúng thường làm tôi tỉnh giấc. Khi một đứa trong cơn mê, thì thầm gọi mẹ thì những đứa trẻ khác cùng bừng dậy khóc và kêu mẹ, mẹ…Làm sao lấp kín được cái hố sâu sầu muộn đó? Chưa bao giờ tôi quên tiếng kêu la của con trẻ vào ban đêm và tôi liên tưởng đến Diên Tôn bé nhỏ, một mình trong căn nhà lớn với người bố xa lạ cùng kêu gọi mẹ giữa tiếng thổn thức.
Ông cụ trả lời:
Có, Diên Tôn còn gặp lại mẹ. đối với vấn đề này, bà xử sự rất xứng đáng. Bà không muốn nhìn mặt con thầm kín, nhưng bà yêu cầu Diên Tôn đến gặp bà.
Thế ông ưng thuận sao?
Không ngay lúc đó. Ta không muốn bà ảnh hưởng đến đứa nhỏ. Bà hứa hẹn không truyền dạy tư tưởng của bà cho nó. Vì vậy ta cho phép. Bà đến Bắc Kinh chỉ với mục đích thăm con trong ngôi nhà thờ tổ mà thôi.
Bà gặp Diên Tôn trong một vài giờ hay trong nhiều ngày liền?
Cái đó còn tuỳ thuộc việc của bà đối với bọn họ. Bà đặt bọn họ lên trên hết.
Ôi! Đứa trẻ chắc phải cảm thấy điều này. Diên Tôn là một người rất dễ cảm xúc.
Ông cụ nói:
Điều làm ta không hài lòng là đứa bé rất thích ở ngôi nhà thờ tổ của mẹ nó. Nó trở về nhà ta một cách miễn cưỡng. Ta nghĩ rằng bọn tôi tớ và tất cả nhà cho nó nhiều quà bánh và nuông chiều đủ cách. Chắc con đã rõ những việc đó.
Tôi biết lắm. Gia đình Trung Hoa cổ thường trọng con trai. Họ đặt tất cả tin tưởng vào chúng, ôm ấp, nuông chiều, nịnh hót chúng vì chúng kế tiếp giống nòi. Họ vùi chôn chúng trong bể tình yêu đương từ ngàn xưa để lại. Riêng chỉ có đứa nào đầy đủ nghị lực mới thoát được ảnh hưởng đó thôi.
Tôi cho rằng đứa con gái nhỏ của tôi thật trẻ khác thường! Nhưng tiếc rằng nó lại  là gái. Tên nó là Lư An. Tôi cố không nghĩ đến con tôi. Tôi trông thấy biết bao đứa trẻ con, nhưng không đứa nào giống nó. Nó là con đầu lòng. Diên Tôn với tâm tính người dân Trung Hoa chính tông, thất vọng thấy nó là gái. Nhìn mặt chàng lúc vào nhà hộ sinh thăm, tôi rõ ngay. Tôi đặt đứa bé vào lòng bàn tay tôi và nói:
Đây con anh.
Lúc đó tôi sung sướng, yêu thương tất cả những gì liên hệ đến đời sống của tôi – yêu chồng tôi, yêu ngôi nhà của chúng tôi, yêu Bắc Kinh và cả nước Trung Hoa.
Chàng ngồi đầu giường tôi và nghiêm nghị ngắm đứa trẻ. Tôi thấy chàng cố gắng che đậy sự thất vọng của chàng.
Chàng nói:
Nó nhỏ bé quá!
Tôi phản đối, tức giận:
Trái lại, anh Diên Tôn ạ, nó cân được tám liu, lại kháu khỉnh nữa
Chàng lẩm bẩm, mắt đăm đăm nhìn khuôn mặt tròn nhỏ đang ngủ
Kháu khỉnh…
Tất nhiên rồi!
Thường thường về vấn đề gì, tôi cũng nhượng bộ chàng; nhưng tôi bỗng cảm thấy rằng về con gái tôi, thì không bao giờ nhượng bộ chàng được! Nó sẽ đẹp, khoẻ mạnh và thông minh. Quả vậy nó như lời tôi tiên đoán, cho đến khi chết vào tuổi lên năm.
Chao ôi! Thật tôi không muốn nhớ đến cái chết đó nữa.
Chắc ông mệt, mời ông đi nghỉ.
Để hôm khác ta lại nói chuyện. Ta đã nói hết đâu? Ta chưa kể cho con biết trường hợp nào mẹ của Diên Tôn chết.
Chắc phải là một cái chết kinh khủng. Nhìn cặp mắt mơ màng của ông cụ đang đăm đăm nhìn bóng tối ngoài cửa sổ, mũi nhăn lại, mặt nhợt nhạt và môi mím chặt, tôi đoán ra việc này.
Người ta bắn bỏ bà ấy đấy!
Người ông lại run rẩy.
Tho6i ông đừng nói, đừng nghĩ đến chuyện này nữa.
Ông tiếp tục nói, như không nghe thấy tôi:
Bà bị mật vụ của chính phủ Quốc Dân Đảng bắt năm 1930 ở Nam Kinh. Bà sống lẻ loi một mình. Bà không theo bà Tôn Dật Tiên trong các cuộc trường chinh. Không hiểu vì lý do gì, ta không rõ, bà được lệnh ở lại, có lẽ để do thám. Họ bắt bà vào lúc đang ngủ vào một buổi sáng giá lạnh mùa xuân trước rạng đông. Họ bắt bà đi mặc quần áo ngủ rồi dẫn tới tháp Trống. Tại đấy họ bắn bà không buộc băng đen vào mắt.
Tại sao ông biết?
Bà có nuôi một người vú già, và người này đến báo cho ta.
Ông yên lặng. Thân hình ông như co quắp. Mắt ông nhắm lại.
Ông, ông mệt quá rồi!
Tôi dẫn ông về phòng, ngồi gần cho đến lúc ông ngủ.
Tôi tiếc không hỏi xem Diên Tôn có biết mẹ chàng chết không. Tôi nghĩ có lẽ họ cũng nói cho chàng biết. Người Trung Hoa nói chuyện cho nhau biết hết. Có bí mật nào có thể giấu được ở đất Trung Hoa đâu? Diên Tôn phải biết, tôi tin như vậy.