Dịch giả : Vũ Minh Thiều
Chương 1
Nguyên tác: Letters from Peking

Tiểu thuyết tự sự

Do gởi một cách bí mật quanh co, một bức thư đến tận tay Ely – riêng chỉ viết bức thư đã làm nguy hại đến đời sống của Diên Tôn, chồng nàng, mà nàng lại không rõ có còn được gặp lại?
Xa cách chàng vì hố sâu của giống nòi khác biệt, cùng những sự ngăn cấm của cuộc cách mạng. Ely vẫn trung thành với tình yêu. Bình tĩnh bề ngoài, nàng săn sóc công việc trang trại ở Vermont, nhưng bức thư bí ẩn, nội tâm bi thảm xa vắng chồng, âm thầm giày vò nàng đêm ngày.
Trong cảnh bốn mùa thay đổi theo một nhịp độ bất di bất dịch đã xảy ra câu chuyện dưới đây, tự thuật lại lòng can đảm tận tuỵ của một thiếu phụ đi đến một kết luận vừa lạ lùng, vừa không sao tránh được!
Hai mươi lăm tháng chín năm 1950. tôi viết bức thư này ở thung lũng Vermont, nơi tôi sinh thành, sống trải qua cả tuổi thơ ấu. Sau rời nơi đây, lựa chọn xứ sở của người tôi yêu, bên kia bờ đại dương. Nhưng chiến tranh bùng nổ và người ta coi tôi như một kẻ xa lạ, không đếm xỉa gì đến tình yêu của tôi nữa. Bởi vậy, tôi lại trở về chốn cũ.
Cách đây nửa tiếng, tôi xuống đồi, theo con đường đất quen, dưới vòm những cây phong lá vàng đỏ, để đón người đưa thư. Ở nơi núi non hẻo lánh này, mỗi tuần gã qua ba lần. Những ngày đó tôi dậy sớm, cảm thấy lòng bối rối. Tôi thường hy vọng nhận được lá thư từ Bắc Kinh, thư của Diên Tôn. Buổi sáng hôm nay, tôi nhận được lá thư đó. Đã nhiều tháng tôi không được tin chàng. Gã đưa thư lấy phong thư ở túi vải, chìa ra và bảo tôi:
Đây, bức thư bà chờ đợi.
Tôi để cho gã đi khuất, sau còn một mình trên con đường, dưới bóng những cây phong khoác áo thu đỏ ối, bóc phong thư đọc tôi rõ ngay tin vẫn chờ đợi, vì vậy tôi không sửng sốt chút nào. Có hành động nào của Diên Tôn có thể làm cho tôi ngạc nhiên, phật ý hay buồn phiền đâu? Tôi đã yêu chàng và nay vẫn yêu. Mãi mãi tôi vẫn yêu chàng.
Tôi đọc đi đọc lại bức thư, trong cảnh yên tĩnh của buổi sáng mùa thu. Không một làn gió và những lá vàng đỏ nhẹ nhàng rơi quanh tôi, tưởng như nghe thấy tiếng nói của Diên Tôn, đọc những lời chàng viết trong thư:
Em yêu quý của anh,
Đầu tiên, trước khi nói với em như anh bắt buộc phải nói, em tin rằng anh chỉ yêu có em. Mặc dù sau đây, anh làm gì nữa, em đừng quên rằng em mới là người yêu của anh. Nếu sau này, em không nhận được thư của anh, em nên biết hàng ngày anh vẫn viết cho em, viết tận đáy lòng.
Đọc những lời này, tôi đã đoán được những dòng tiếp theo. Đọc hết bức thư, tiếng nói của Diên Tôn còn văng vẳng bên tai, tôi trở về đường cũ. Ngôi nhà vắng lặng khi Lê Ni đi học, nhưng cảnh yên tĩnh này hợp với tâm tính tôi. tôi vào phòng, ngồi ở bàn và viết. Cất bức thư vào ngăn bàn và khoá kỹ, tôi muốn quên hẳn bức thư. Ít ra cũng quên cho đến khi lòng đỡ tê tái. Vì vậy giãi bày tình cảm trên mặt giấy cảm thấy nhẹ được sầu tự vì ở đây chẳng còn ai để tỏ nỗi niềm mình được nữa!
Sáng nay, buổi mai bừng dậy như thường lệ. Những nông dân, chòm xóm của tôi bắt đầu làm việc từ rạng đông, tối đến ngủ ngay theo tục lệ Trung Hoa. Nhưng Diên Tôn lại ưa thích giờ yên tĩnh khi mọi người ngủ, vì vậy tôi cũng tập thói quen thức khuya như chàng.
Tôi rất ưa thích buổi thức khuya như vậy trong ngôi nhà chúng tôi kiến trúc theo kiểu Trung Hoa. Tối đến, tất cả tiếng động ngoài phố đều ngừng bặt và qua bức tường ngăn thấp, vọng đến tiếng nỉ non của chiếc hồ cầm. Đó là ông Hứa, láng giềng của chúng tôi, vốn buôn tơ lụa lại hay kéo nhị hồ. Về mùa hạ, Diên Tôn và tôi ngồi dưới bóng cây dương, gần hồ cá vàng,cả Lê Ni cũng ngồi đấy, cho đến giờ này thì Lê Ni không được phép thức nữa. Lê Ni là con một của chúng tôi.
Con gái khác của chúng tôi chết từ lúc còn thơ ấu. Buổi sáng, con bé cười đùa, và buổi chiều thì không còn nữa. Tôi không biết bệnh tật nào khiến con tôi chết. Mối phiền muộn này như quả báo tình yêu của tôi đối với Diên Tôn và  cũng do việc này tôi quyết định theo chàng sang Trung Hoa.
Trong thời gian tưởng như vô tận, chúng tôi sống với nhau không có đứa con nào. Thấy Diên Tôn sầu muộn quá, tôi phải quên nỗi ưu tư của mình. Luôn luôn chàng khóc thương đứa trẻ xấu số. qua nhiều tháng, chàng thức trọng đêm, ăn uống ít, đến nỗi người chàng vốn mảnh khảnh, nay chỉ còn bộ xương. Tôi phải nuốt lệ lắng nghe lời than vãn của chàng.
Chàng bảo tôi:
Đáng lẽ anh phải ở quê em mới đúng. Có lẽ ở Mỹ con chúng ta không chết. Anh có lỗi với em nhiều quá!
Tôi dựa đầu vào ngực chàng:
Anh đi đâu, em cũng theo anh.
Chàng nhìn tôi, vẻ lạ lùng:
Đó là sự khác biệt giữa người đàn bà Mỹ và Trung Hoa. Em nặng tình vợ chồng hơn tình mẫu tử.
Tôi nói với chàng:
Gần anh, em chỉ là người vợ. Anh cũng biết rằng ở Mỹ, anh có được sung sướng  đâu?
Hồi đó đoán như vậy, đến nay tôi cho là đúng. Nếu ở Bắc kinh có đôi khi tôi tưởng nhớ đến những dãy núi trong sáng và không khí tinh khiết miền Vermont thì ở đây cũng không phải là tôi không sung sướng. Thành phố này là một hạt trân châu nạm kim cương, năm tháng và lịch sử đã mài giũa bóng loáng. Dân cư vui vẻ và lễ phép. Tôi tưởng tượng sẽ sống qua nhiều năm ở đây trong cảnh an lạc và sau một đời sống lâu dài gần Diên Tôn, chúng tôi sẽ an nghỉ giấc ngàn thu cạnh nhau mãi mãi.
Vậy mà nay tôi lại trở về thôn xóm này ở miền Vermont, sống trong một trang trại vắng vẻ với con trai chúng tôi, Lê Ni nay đã mười bảy tuổi. Tôi cảm thấy không bao giờ còn gặp Diên Tôn nữa.
Ngày ngày trôi qua giống nhau. Tôi trở dậy lúc sáu giờ sáng giúp Mạch vắt sữa bốn con bò, đặt thùng sữa ở cửa vựa thóc để cho xe qua đó lấy. rồi tôi quay vào nhà, với một thùng thiếc đầy sữa nữa để làm bữa sáng cho Lê Ni. Tôi làm việc như thói quen từ thuở nhỏ trên thửa đất này, trước là của ông tôi, sau để lại cho cha tôi và từ nay là gia sản của tôi.
Xưa kia cha tôi rất ưa thích sáng chế nho nhỏ. Ông làm qua loa công việc trong trại, còn để thời giờ chế "máy móc" như ông thường nói. Một vài sự sáng chết của ông cũng đáng gọi là thành công như máy rửa trứng chẳng hạn. chúng tôi sống về hoa màu trong trại và có số tiền mặt của  cha tôi thừa hưởng từ ông tôi để lại. cha tôi đã qua đời khi Diên Tôn và tôi lấy nhau. Lúc này chỉ còn mẹ tôi một mình ở trại. Sau mẹ tôi lại mất trước khi tôi sinh Lê Ni và để lại trang trại. Khi tôi ở Bắc Kinh, Mạch trông nom trang trại cho tôi, và nay thường ngày bác vẫn lại chơi như xưa. Sau Diên Tôn và tôi nhận thấy phải xa nhau, cuối cùng tôi trở về chốn cũ.
Sáng nay Lê Ni xuống, hai má hồng đỏ vì khí trời mát mẻ ban đêm, nó ngủ thường để cửa sổ mở. Nó hôn tôi và nói:
Chào mẹ.
Tôi trả lời:
Chào con.
Diên Tôn rất lưu ý đến lễ nghi này.
Chàng thường giảng giải cho con:
Khi con đi đâu, con phải xin phép cha mẹ nói cho người biết con đến nơi nào, lúc về con phải trình diện và hỏi thăm sức khoẻ người. Đó là lòng hiếu thảo.
Lê Ni hỏi tôi:
Sáng nay mẹ có dễ chịu không?
Khá lắm, cảm ơn con.
Chúng tôi mỉm cười, cùng liên tưởng đến Diên Tôn. Lê Ni giống bố như hệt. So với tuổi thì nó lớn. Gương mặt nhìn nghiêng thật đẹp, với đường nét mạnh dạn. Tóc và mắt đen nhánh, da nhẵn như xoa kem, làn da đó tưởng như chỉ có thể con cháu người Tàu mới có. Vậy mà Lê Ni lại là người Mỹ, vì nó chỉ còn một phần tư dòng huyết Trung Hoa. Thân hình nó chẳng có gì giống người phương Đông. Bộ xương lớn, chân tay đẹp nhưng nó không có dáng điệu sang trọng của bố.
Con ngồi đây điểm tâm xong đã.
Đối với Lê Ni, bữa sáng nó ăn như hổ báo. Nó trộn bánh lúa mạch với đường đỏ và sữa. Diên Tôn không muốn dùng đường trắng, vì vậy chúng tôi vẫn ăn đường đỏ của người Trung Hoa.
Nó xin tôi như thường lệ.
Thưa mẹ, cho con ba quả trứng.
Rất may chúng tôi có nuôi gà. Nếu tôi phải mua trứng, mua thịt để vừa ý con, chắc cái vốn nhỏ bé của tôi chẳng mấy lúc mà tiêu tan. Tôi chưa thể nói "con tôi" vì Lê Ni là con chung của Diên Tôn và tôi. Tôi chưa biết đến mức nào bức thư mới thay đổi đời sống tôi nữa.
Cửa sổ phòng ăn trông ra đường và ở ghế danh dự con tôi ngồi. Lê Ni có thể trông thấy xe nhà trường đến đón. Thoạt đầu ghế đó bỏ trống dành đợi ngày Diên Tôn về. Khi chúng tôi chia tay nhau trên bến Thượng Hải, chàng nghĩ có thể về quy tụ với nhau trong vòng ba tháng tới. Nhưng thời gian trôi chảy, không thấy chàng về, thư từ mỗi lúc một thưa. Lê Ni quyết định ngồi chỗ của bố trong khi chờ đợi, để dễ trông ra đường, còn tôi cũng chẳng thuận, chẳng chối từ.
Có lẽ riêng tôi hiểu rằng bức thư đã lên đường. Lê Ni bỗng kêu lên:
Kìa xe đến.
Sau khi ngấu nghiến ba quả trứng và bánh, nó cầm áo khoác, mũ và nói với tôi:
Chào mẹ!
Chào con!
Khi muốn bắt chước các trẻ con Mỹ ở Thượng Hải, Lê Ni gọi tôi là mom hay ma, Diên Tôn phản đối kịch liệt. Chàng nói nghiêm nghị:
Mẹ là một danh từ rất hay. Ta yêu cầu con dùng chữ đó.
Chàng nói với  con bằng tiếng Trung Hoa như mỗi khi chàng dạy dỗ con và Lê Ni vâng lời chàng ngay.
Còn một mình trong ngôi nhà yên lặng, tôi đi rửa bát đĩa, rồi lên dọng giường màn. Phòng tôi trước kia là phòng của cha mẹ tôi, chiếm cả chính diện của ngôi nhà. Năm chiếc cửa sổ trông ra một phong cảnh thay đổi hàng giờ, hàng ngày. Sáng nay, lúc tôi dậy, một vầng trăng đỏ, rộng và tròn ngả xuống sau những rặng núi cây cối um tùm. Ánh trăng lướt ngang in hình đen xẫm và nhọn hoắt, những cây bách hướng lên những tảng đá xám. Tôi mến chuộng sự yên lặng dưới các bức tường ngăn thấp ở Bắc Kinh, những còn yêu cả cảnh trí này.
Tôi dọn dẹp xong chiếc giường rủ trướng của tôi, rồi lấy khăn lau bàn giấy, tủ đến mặt lò sưởi. Đôi khi tôi lấy làm lạ sao công việc lại nhẹ nhàng thế, còn ở Trung Hoa tôi tưởng ít nhất cũng phải năm người làm. Diên Tôn không muốn tự tay tôi làm. Thật ra tôi có hai bàn tay khá đẹp. Đó cũng chính là ý nghĩ đầu tiên của chàng:
Em có hai bàn tay thật đẹp!
Tôi ngẩn ngơ hỏi chàng:
Thật vậy sao?
Tôi thú thật, cũng không đến nỗi quá ngẩn ngơ đâu, nhưng tôi muốn chàng nhắc lại:
Đàn bà Mỹ ít người có bàn tay đẹp. Đó là điều anh nhận xét, mẹ anh người Trung Hoa có hai bàn tay cũng thật đẹp!
Có lẽ chàng bắt đầu yêu tôi vì hai bàn tay của tôi nên nhắc nhở đến bàn tay của mẹ chàng. Nhưng nay tôi còn hiểu làm sao được nữa?
Đã gần ba tháng, tôi không nhận được thư của Diên Tôn. Bức thư nhận được sáng nay gửi từ Hương cảng, chữ ngoài bì do một người lạ đề.
Diên Tôn viết:
Anh không muốn em băn khoăn, nếu thư từ của anh mỗi lúc một vắng. Anh không thể nói em rõ do cách nào bức thư này đến tay em. Em hãy dùng địa chỉ ghi ngoài bì thư trả lời anh. Có lẽ trước nhiều tháng nữa, anh không thể viết thư cho em được.
Trước cuộc biến động với Nhật Bản, chúng tôi chưa bao giờ xa nhau. Khi nhận thấy chắc chắn rằng những tỉnh miền Bắc sẽ mất, không sao chống trả được, Diên Tôn muốn tôi đưa Lê Ni đi Trùng Khánh trước khi đường hoả xa Hán Khẩu gián đoạn.
Tôi kêu lên:
Em không cùng đi với anh được sao?
Lúc nào được, anh sẽ để em theo ngay. Anh chỉ có thể đi, khi nào trường Đại học được lệnh di chuyển.
Ở địa vị khoa trường của trường đại học, chàng có nhiều trách nhiệm. Nhận thấy chàng có lý và tôi đi Trùnh Khánh cùng với Lê Ni. Đó chẳng phải là một cuộc hành trình thư thái gì. Đoàn tàu chật ních người lánh nạn, họ bám cả lên nóc toa. Ở Hán Khẩu, bọn nhà giàu và đoàn tuỳ tùng chiếm cứ tất cả khách sạn. Cố khai thác cái uy thế còn lại người da trắng, tôi may mắn được một góc phòng cho hai mẹ con, rồi hết lời nói năng và trả bớt túi tiền mới thuê được hai chỗ trên chiếc tàu nhỏ ngược những dòng thác hiểm nghèo của sông Dương Tử để đi Trùng Khánh.
Ở đó một vài tháng sau Diên Tôn mới tới kịp. Ôi! Còn sung sướng  nào bằng được gặp mặt người yêu! Chàng tới, người gầy hơn trước, trông tưởng như cao lớn hơn. Nhưng chàng vui vẻ vì đưa được các giáo sư và sinh viên đến nơi đến chốn. Những thân hào trong thành phố đều mở cửa ngôi nhà tráng lệ của tổ tiên đón tiếp chàng.
Khi ôm chàng trong tay, thấy chàng run, tôi biết rằng chàng đã kiệt sức vì công việc.
Tôi nói:
Ở đây, anh có thể nghỉ ngơi được rồi đấy!
Chàng đi vòng quanh xem ngôi nhà mới tôi sửa soạn đón chàng. Tôi vốn ưa thích căn phòng rộng lớn. Khi tìm thấy trang trại này ở vùng ngoại ô Trùng Khánh, quyết định thuê với điều kiện là chủ nhà bằng lòng để tôi phá mấy bức tường ngăn thành ba căn phòng nhỏ. Diên Tôn tán thành sự thay đổi này. Chúng tôi không mang được đồ đạc ở Bắc Kinh đi, nhưng tôi tin có thể mua được đủ vật dụng cần thiết, trong các tiệm nhỏ ở Trùng Khánh, người thợ Trung Hoa đâu có thiếu hoa tay và mỹ thuật. diên Tôn ngồi trong một chiếc ghế bành bằng mây có đệm và ngả đầu ra sau.
Chàng thở dài và nhắm mắt lại.
Em thật có nghệ thuật tái tạo khung cảnh gia đình đó. Thật là thần tiên!
Tôi không sao cầm được giọt lệ và phải ngưng viết…