Dịch giả : Vũ Minh Thiều
Chương 13

Lê Ni sẽ về tối nay. Buồng của nó đã sửa soạn xong, tường sơn màu vàng nhạt, bàn ghế đánh bóng, giường trải đệm mới, trên lò sưởi tôi đặt một chiếc bình cắm những quả đỏ và dưới miệng ống khói lò, có sẵn nhiều khúc củi để nhóm lửa. Đêm qua, tuyết lại rơi và con tôi muốn đi trượt tuyết, nên tôi bôi mỡ vào đôi  giày trượt và đặt ở hành lang gần bếp. Tôi sửa soạn các thứ xong sớm quá, và thời gian lại kéo dài, kim đồng hồ như không nhúc nhích. Tôi đã nghĩ đến việc trồng một cây thông vào chậu nhưng cuối cùng lại thôi, trung thành với tục lệ từ thuở còn nhỏ, năm nào cũng vậy, tôi cùng cha ra bờ dốc có nhiều cây chặt một cành thông cắm vào lọ dịp lễ Giáng sinh. Từ nay điều cần thiết là phải tôn trọng tập quán gia đình. Tập quán đó nối hiện tại vbdĩ vãng hướng cả về tương lai nữa. Nếu bà mẹ Diên Tôn biết liên kết được gia đình với ngôi nhà của ông cụ, và tạo một chỗ cho Diên Tôn thì đâu Diên Tôn phải khôn lớn lên trong cảnh hiu quạnh? Nhưng cũng có lẽ vì ông cụ phản đối việc này, hoặc bà cảm thấy như mình bị vong bản vì đã kết hôn với một người ngoại quốc, đến nỗi bà phải bỏ ông đi làm cách mạng. Nhưng cuộc cách mạng lại là kết quả của nỗi thất vọng. Tôi cần bằng đủ mọi cách tránh cho Lê Ni rơi vào hố sâu thất vọng. Nó cần phải nhìn nhận nước Mỹ là tổ quốc của nó. Nếu không nó trở thành người phẫn trí bỏ nơi đây mà đi rồi không biết đi về đâu.
Buổi tối chờ đợi mãi cũng đến. Núi non che khuất cảnh mặt trời lặn, bầu trời nhuộm một màu đỏ ngay trên các đỉnh núi phủ tuyết. Ông cụ cũng cảm thấy cảnh nhà nhộn nhịp. Ông bảo tôi mặc cho ông chiếc áo Tàu đẹp nhất, bằng sa tanh đỏ thẫm, đính khuy vàng và ngồi trong ghế bành gần cửa sổ phòng, tay ông đặt lên đầu chiếc can hình đầu rồng. Thường ngày ông vẫn dùng chiếc can mây, đầu tròn bóng, nhưng tối nay ông nhớ còn chiếc can đầu rồng. Với bộ râu dài, mớ tóc trắng, da mặt nhăn nheo, trông ông giống một  bậc kỳ lão Trung Hoa. Riêng chỉ cái mũi cong nhắc nhở giống Escot thôi.
Tôi trang hoàng cửa bằng một cành thông và một bó ôrô mà tôi buộc vào một chiếc búa đồng, và tôi ngồi ở đó để chờ.
Trong bóng tranh tối tranh sáng buổi hoàng hôn, tôi nhận thấy đèn pha xe hơi chiếu. Chiếc xe ngừng lại. Bỗng tôi cảm thấy như không còn sức lực gì nữa, và tôi phải dựa người vào khung cửa. Cùng lúc ấy, chiếc búa đập mạnh vào miếng đồng. Tôi vừa xoay quả nắm, cửa bỗng mở ra và trước mắt tôi hiện ra hai gã cao lớn. một là Lê Ni, và người kia là Sam.
Sam nói đầu tiên:
Chào bà Mạc Lê. Tôi có ý đi cùng với Lê Ni đến đây thăm ông bạn già. Bà có thể đuổi tôi ra cổng nếu không muốn có tôi trong lễ Giáng Sinh này.
Cặp mắt xanh của chàng lóng lánh. Sam giơ tay quàng cổ tôi và đặt một chiếc hôn kêu vào má tôi. Trong lúc đang ấp úng nói lời chúc tụng thì mắt vẫn không rời Lê Ni, người cao và mảnh, tóc đen mướt, đứng mỉm cười chờ tôi. Bỗng Sam cảm thấy chàng đứng chiếm nhiều chỗ quá nên lùi lại. Lê Ni liền tiến lên, nắm bàn tay tôi vào hai bàn tay nó và hôn vào má:
Kính chào mẹ.
Nó cúi mắt nhìn tôi và tôi ngẩng đầu lên nhìn con tôi. Tôi vội nói:
Xin mời vào, xin mời vào. Vào đây cho ấm. Lê Ni ngày mai trời đẹp trượt tuyết được đấy.
Con trai tôi nhìn xung quanh nó. Trên bàn tôi thắp tất cả đèn và nến. tôi bày khăn bàn, khăn ăn đẹp nhất và các đồ cũ bằng bạc của mẹ tôi. Ở giữa bàn có một bình cắm ôrô.
Tôi hỏi Lê Ni:
Con có thấy có gì thay đổi ở nhà không?
Nó yên lặng gật đầu trả lời. phải, nó thấy nhà cửa thay đổi, vì chính nó cũng thay đổi. Và tôi đoán, nó còn e sợ cả tôi, mẹ nó. Và nghĩ như vậy, tôi thấy lòng xót xa. Chắc nó sợ rằng tôi không muốn nhìn nhận nó là một thanh niên trưởng thành từ ngày mẹ con xa cách. Để khỏi phải coi mãi là đứa trẻ con, hình như nó muốn không phải là con tôi nữa! Tôi thoáng nhận thấy và thật là đau đớn!
Xin mời các người về phòng của mình. Lê Ni, phòng của con đã xếp đặt xong cả. Còn ông Sam, xin dành ông ở nơi phòng khách. Tôi rất sung sướng  thấy ông đến vào dịp Giáng Sinh.
Quả thật tôi sung sướng. Phản ứng đầu tiên của tôi là giận hờn, sao lại có người xa lạ đi cùng con tôi. Nhưng tôi biết rằng Lê Ni muốn như vậy để khỏi phải  chạm trán riêng với mẹ nó. Tôi không nên đòi hỏi nhiều ở đứa con trai lớn trầm lặng ấy.
Sam hỏi tôi, giọng sốt sắng:
Thế còn ông cụ, có khá không?
Tôi trả lời, ước mong ông cụ vẫn còn nhớ Sam:
Chắc ông cụ rất sung sướng  được gặp ông.
Chúng tôi lên gác. Sam vào phòng ông cụ, còn Lê Ni về phòng nó.
Sam kêu lên:
Đây rồi! Đây rồi!
Chàng nhảy xổ đến, thân hình cao lớn và nắm lấy tay ông già, còn ông cụ lại nhìn chàng vẻ giận dữ.
Sam nói lớn, giọng âu yếm.
Thế ra ông ngự ở đây như một vị hoàng đế Trung Hoa! Ông có mạnh khoẻ không?
Chàng kéo ghế ngồi trước mặt ông già.
Ông cụ trả lời thận trọng.
Tôi dễ chịu.
Ông nhìn tôi vẻ van lơn, rồi nói với Sam, giọng dịu dàng:
Con có phải là cháu ta không?
Sam bật cười:
Không phải! Không phải! ông không còn nhớ tôi sao? Tôi là người đã dẫn ông về ngôi nhà nhỏ trong trại của tôi đó mà. Hai chúng ta là bạn thiết với nhau mà!
Cụ hất đầu tỏ vẻ xác nhận. Ông gõ đầu can hai ba lần xuống chiếc thảm, rồi rụt rè nói:
Sam, à ông bạn Sam.
Sam kêu lên  vui vẻ:
Đúng rồi! Ông bạn già tôi vẫn còn sung sức.
Tôi rất ước ao được gặp Lê  Ni. Riêng với con tôi, tôi ôm chặt nó vào cánh tay, một lúc lâu, chẳng cần đòi hỏi gì nữa. Nhưng giữa lúc tôi sắp đi ra cửa phòng, Sam giữ tôi lại. Chàng nói:
Thưa bà, xin bà đừng giận nếu tôi được khuyên bà cứ để Lê Ni yên một lúc. Tự hắn sẽ phải đến tìm mẹ.
Ông nói có lý.
Tôi chỉ còn biết ngồi chờ.
Sau Lê Ni đến tìm chúng tôi. Nó thay quần áo, quần nâu,áo len mỏng, một bộ mới tôi chưa biết, và đeo cà vạt đỏ. Tóc chải diêm dúa. Thật là một thanh niên, một thanh niên rất đẹp trai.
Nó nói và quỳ xuống gần ông cụ, như một người cháu nội Trung Hoa hiếu đễ, trước khi cầm tay ông nói:
Thưa ông, ông có mạnh không?
Ông cụ nhìn cháu vẻ suy nghĩ:
Con có phải là Diên Tôn, con trai ta không?
Bẩm là cháu nội của ông.
Hai người nhìn nhau tận mặt và lần thứ nhất tôi thấy hai ông cháu đối diện nhau và giống nhau quá! Những đường nét của Lê Ni già dặn đi giống người Escot hơn là Trung Hoa…
Ông cụ nhắc lại:
Cháu nội của ông.
Rồi bỗng ông cụ cúi xuống hôn vào trán Lê Ni. Cảm động đến chảy nước mắt, Lê Ni cầm tay ông cụ áp vào má mình và nói:
Con rất sung sướng  ở đây nội ơi!
°
Bữa ăn tối của ngày Giáng Sinh thật vui. Sam và Lê Ni bắt cổ tay nhau kết thành ghế công kênh ông cụ xuống và đặt ngồi vào bàn. Nhà tôi như vẻ hội hè và muốn cho hợp cảnh, tôi mặc chiếc áo nhung màu thạch lựu, mà từ  buổi tối cuối cùng đi với Diên Tôn đến nay chưa mặc lần nào. Lúc đó ở Thượng Hải. Diên Tôn và tôi cùng khiêu vũ ở khách sạn Át Tô vvtg mặc chiếc áo này, chiếc áo độc nhất tôi còn giữ lại trong những năm chiến tranh. Chúng tôi nhảy, má áp má, định trong một vài giờ chung vui với người Âu tụ họp trong khách sạn mà một số lớn sắp rời xứ sở này mãi mãi, xứ sở họ yêu mến nhưng chẳng phải là tổ quốc của họ. Diên Tôn biết chàng ở lại đây, còn tôi sẽ đi, phần tôi, tôi cũng biết vậy.
Khi tôi xuống nhà, Sam và Lê Ni đứng dậy lạ lùng nhìn.
Tôi bỗng như một người khách lạ đối với họ. Và như vậy tôi cảm thấy vui, vì Lê Ni không còn coi tôi như mẹ nó, nên đỡ e sợ. Tôi để Lê Ni ngồi chỗ danh dự đầu bàn, ông cụ ngồi bên tay phải tôi, để dễ dàng gắp thức ăn cho ông. Lê Ni bỗng trở nên rất vui và nói chuyện luôn. Trái lại, Sam lại yên lặng rụt rè. Họ ăn ngon miệng và tôi trông họ vui vẻ, sung sướng  có khách dự tiệc, hãnh diện với món thịt cừu quay xen thêm hạt đậu, khoai chiên vàng, đĩa sa lách..Tôi cũng không quên mứt táo Lê  Ni ưa thích, có thêm phó mát trắng và cà phê rất nóng.
Bữa ăn xong, chúng tôi đặt ông cụ sang phòng khách, trong một chiếc ghế bành gần lò sưởi. tôi ngồi phía bên kia lò, trong khi Sam và Lê Ni đẩy chiếc ghế dài bọc lụa vàng. Chiếc kẻng ở cổng có ai đập vang lên, Lê Ni quay lại phía tôi hỏi:
Mẹ mời ai?
Không. Mẹ tự hỏi ai đến thăm chúng ta vào giờ này nữa?
Tôi ra mở cửa. Gặp bác sĩ Bạch tay cầm bó hồng. Tôi  cảm ơn chàng.
Tôi nói:
Xin mời ông vào. Chúng tôi đang ngồi sưởi ở lò.
Tôi cắm hoa vào một chiếc bình sứ cổ. Ông cụ đã ngủ thiếp.
Tôi hỏi Bạch:
Có nên dẫn ông cụ lên phòng ngủ không?
Ông có vẻ khoan khoái ở đây…ở trên gác chưa chắc ông đã ngủ được ngon giấc như ở đây.
Ngồi giữa hai người Lê Ni không nói gì, thỉnh thoảng nhìn tôi vẻ lạ lùng. Tôi bỗng cảm thấy vu, đã lâu lắm chưa bao giờ như thế. Buổi tối càng rộn ràng. Bạch xuống bếp pha cà phê, vì chàng không uống thứ gì khác. Lê Ni đi lấy rượu để Sam và nó uống. Câu chuyện mỗi lúc mỗi vui.
Cái cảm tưởng từ nay thuộc hẳn về xứ sở này không lúc nào rời trí óc tôi nữa. tôi thấy mình đỡ lẻ loi, dần dần có thể quên Bắc Kinh, và về lâu dài có lẽ quên cả Diên Tôn nữa. đã lâu lắm tôi không cười đùa, mà tối nay lại vui cười. Mỗi nó ntheo cách riêng đều muốn tôi chú ý. Sam bộp chộp, đặc tính người miền Tây, lại dũng mãnh nữa, Bạch buồn rầu, châm biếm và kín đáo, còn  Lê Ni vừa chăm chú vào cảnh trí, và trông coi củi lửa lò sưởi.
Sam tuyên bố:
Cách mệnh diễn biến không sao lường được, và cũng không sao tránh được, đúng vậy! Chúng ta đổi lốt như rắn.
Tôi lấy làm lạ nghe chàng nói không kéo dài giọng như người miền Tây. Nay tôi mới rõ tâm trạng của Sam.
Bác sĩ Bạch hút thuốc lá, hít một hơi dài nói:
Trong lịch sử chưa có một cuộc cách mệnh nào chứng minh được bằng kết quả nó. Trong cuộc xung đột bao giờ người ta cũng để lạc mất mục đích chính và chỉ ít kẻ thận trọng lại hay lợi dụng tình trạng vô trật tự bước lên thang danh vọng.
Sam nhấn mạnh:
và nơi vẫn không sao ngăn được các cuộc cách mệnh cứ bùng nổ. sự nhẫn nại cũng có giới hạn thôi. Hãy thí dụ nước Trung Hoa, còn ai biết việc gì xảy ra ở đó nữa?
tất cả luồng gió của châu Á như ùa thổi vào căn phòng kín và ấm áp. Tôi như bị đưa bya bổng qua bờ các biển cả. nhưng sau với ý chí cương quyết tôi lại trở về chỗ cũ. Tôi nói:
Xin đừng nói về nước Trung Hoa nữa. Xin đừng bao giờ đả động đến. Còn ai biết việc gì xảy ra ở đó đâu?
Lê Ni ngẩng mặt lên và mắt chúng tôi gặp nhau. Tôi biết phải nói sự thật cho nó rõ. Sự vui vẻ của buổi tối nay như vậy là bị đứt quãng.
Lúc ra về Bạch cầm tay tôi một lúc. Tôi khẽ nói vẻ ngờ nghệch:
Xin cảm ơn về bó hồng tuyệt đẹp!
Chàng nói nhỏ:
khi tôi trông thấy bông hồng đẹp là tôi nghĩ ngay đến bà.
Chàng phải cố gắng lắm mới nói với tôi lời này được, nhưng tôi cũng không thể thưởng chàng ngay nụ cười. Tim tôi đập rất mạnh. Biết làm thế nào cho Lê Ni rõ câu chuyện này mà không hờn giận cha nó.
Khi Lê Ni và Sam chia tay nhau ở bậc thang, tôi bảo nó:
Con ở lại phòng mẹ. Hai mẹ con ta chưa nói chuyện được với nhau. Con đốt lò đi rồi ta ngồi nói chuyện.
Tôi ngồi vào chiếc ghế bành cũ bọc nhung đỏ của bà tôi ở Boston để lại. Lê Ni ngồi xuống một chiếc ghế bành khác, đối diện tôi sau khi đốt lò xong.
Tôi bảo nó.
Con thay đổi nhiều. Mẹ trông thấy lạ đấy!
Khuôn mặt của nó mất vẻ bầu bĩnh tuổi thơ. Nếu tôi trôngty Lê Ni lần đầu, thật tôi khó đoán ra nguồn gốc của nó, Tây Ban Nha, Ý hay Brazil?
Con ưa thích môn gì ở đại học?
Toán. Toán và âm nhạc.
Lê Ni vốn yêu nhạc. có lẽ tính ưa thích này di truyền ở tôi. Lúc thiếu thời tôi ngồi hàng giờ đánh dương cầm trong phòng khách nhỏ, nhưng từ khi ở Trung Hoa về đây, tôi không sao chơi nhạc lại được nữa.
Lê Ni, đó là một sự hoà hợp rất tốt đẹp. Đức Khổng Tử cho đó là điều cần thiết cho một người đàn ông tân tiến văn minh.
Nhạc và toán cùng bắt buộc bằng một sự chính xác, cùng một cố gắng trừu tượng. con thích khoa học.
Cha con sẽ vui lòng lắm, Lê Ni ạ.
Lê Ni không trả lời. không bao giờ nó trả lời khi tôi nói về cha nó.
Tôi nói giọng bỡn cợt nhẹ nhàng:
Thế còn cô em gái của Boven?
Lê Ni không nhìn tôi. Mắt nó đăm đăm nhìn ngọn lửa.
À! Mẹ muốn biết gì về cô ta?
Nàng có đẹp không?
Không đẹp, nhưng xinh.
Nâu hay vàng?
Tóc vàng và tính tình thư thái lắm.
Nàng vừa ý con lắm sao?
Con không biết.
Hay là con không muốn biết. Con không muốn đau khổ nữa chứ gì?
Yên lặng giữa chúng tôi.
Lê Ni, mẹ muốn nói về cha con.
Nó đành ngẩng đầu lên:
Mẹ có nhận được lá thư nào không?
Không phải mới đây…và không phải của cha con. Nhưng mẹ có nhận được một lá thư…có vẻ hơi lạ lùng. Mẹ cần phải nói đầu đuôi cho con rõ.
Tôi kể lại từ đầu – cuộc gặp gỡ, tình yêu của chúng tôi, đời sống ở Bắc Kinh tâm đầu ý hiệp ra sao.
Ít có những cuộc kết hôn như vậy.
Lê Ni có vẻ sắc sảo quá.
Ý mẹ muốn thế nào?
Mẹ muốn con biết. không phải cha con, không phải mẹ là người chịu trách nhiệm việc xảy ra. Nếu không có tai biến lớn lao chia hai nhân loại thành hai phe thì chúng ta chắc còn ở ngôi nhà tại Bắc Kinh.
Và như vậy tại sao nay lại không ở đó?
Con biết điều này. Vì mẹ là người Mỹ, và cha con chỉ có một nửa. Hố sâu mở ra dưới chân chúng ta đã chia ly hai ngả.
Cha con có thể rời đất Trung Hoa đi mà.
Không, không thể được.
Tại sao?
Lê Ni nhấn mạnh, và giọng nó tỏ vẻ oán giận.
Mẹ phải đứng về phía cha con, vì cha con không có ở đây để tự bào chữa lấy. nếu con có ý đổ lỗi cho một người nào, thì người đó phải là ông nội con. Chính ông đã kết hôn với một người đàn bà Trung Hoa lại không yêu bà. Đó là lỗi đầu tiên. Biết chồng không yêu mình, bà đã hiến thân cho xứ sở, coi như đó là bổn phận. Đời  cha ăn mặn, đời con khát nước. Lê Ni, con đã thấy chưa?
Lê Ni khẽ hỏi tôi:
Thế bà nội con có yêu ông nội không?
Mẹ chắc chắn có. Bà yêu ông cụ nhưng ông con đã không đáp lại tình yêu này. Không gì dữ dội bằng mối tình bị khinh miệt.
nó nói thật tàn bạo:
Thì cha con chẳng ruồng bỏ mẹ là gì?
Tôi phản đối kịch liệt:
Cha con không ruồng bỏ mẹ. Làm sao như thế được, khi bố mẹ yêu nhau đến như vậy? Tình yêu với bố còn có sự phi thường nữa. Giờ đây mẹ có thể cho con xem lá thư.
Tôi đứng dậy, mở khoá và chìa lá thư cho con tôi. Nó đọc hai lần, chăm chú rồi gấp lại, bỏ vào  bì, đặt lên chiếc bàn nhỏ cạnh nó.
Xin cảm ơn mẹ.
Mẹ đã ưng thuận. đây mẹ sẽ cho con xem thư của người đàn bà ấy.
tôi đưa cho con tôi thư của Mai Lan. Nó thản nhiên đọc, rồi  vội vàng trả lại:
Con không hiểu sao chao con lại cho người đàn bà ấy vào nhà chúng ta?
Giọng nói của con tôi nghiêm khắc quá không chịu được!
Chúng ta không rõ đến mức nào, có thể cha con bị bó buộc.
trong trường hợp này, con lại càng không hiểu tại sao cha con ở lại Bắc Kinh, nếu thật tình cha con yêu chúng ta.
Con không yêu cha con lắm, nên không tha thứ cho người.
Cũng có thể đúng.
Nó bỗng đứng dậy, đến gần cửa sổ và nhìn lơ đãng vào bóng đêm. Qua ánh đèn, tôi thấy tuyết rơi. Ngọn lửa trong lò bỗng sáng xanh, một thanh củi rơi lụi xuống đống tro.
Lê Ni quay về phía tôi:
Con cũng có điều muốn nói với mẹ. Câu chuyện của con với A Lệ đã suýt làm con trở về Bắc Kinh. Con nghĩ rằng nếu người ta hắt hủi con vì bà nội của con là người Trung Hoa thì hơn hết là nên sống ở đất Trung Hoa. Nhưng nay không bao giờ con trở lại đấy nữa. Con sẽ ở lại với mẹ. con quyết định tổ quốc con là ở đây.
Ồ! Lê Ni! Con đừng vội chống đối cha con như thế!
Nó trả lời:
Con không làm điều gì chống đối cha con, con chỉ lựa chọn là ở với mẹ thôi.
Nó cúi xuống hôn tôi và đi ra.
Tôi biết con tôi. Nó không bao giờ quyết định việc gì hấp tấp. nó cũng bị sâu xé giữa hai xứ sở, giữa cha nó và tôi. Và nay, chính tôi và quê hương tôi nó đã lựa chọn. Ôi! Diên Tôn, anh hãy tha thứ cho em! Em nhiệt thành ao ước anh có những con trai khác nữa. có phải em có lỗi đã cướp mất con trai chúng ta không? Nay Lê Ni đã tự làm chủ bản thân. Con nó có quyền định đoạt như khi em theo anh đi Bắc Kinh, và khi anh từ chối trở về với em ở đây. Chính ở thung lũng Vermont này sau em cảm thấy là nơi ở cuối cùng của mình.
Tôi ngồi lâu mãi trước ngọn lửa gần tàn. Tôi thấy đỡ được một gánh nặng. Ở xứ sở của tôi, tôi không còn lẻ loi nữa. Con trai ở gần tôi. Một ngày kia tôi sẽ tìm lại được hạnh phúc.
°
năm tháng trôi qua, Lê Ni đã học xong đại học. Sam đến thăm tôi hai lần. Chàng khuyên tôi nên ly dị. ngày hôm nay từ New York chàng đi máy bay đến. Chàng nói chỉ cần đến một tiếng đồng hồ thôi vì không hiểu có việc gì chờ đợi chúng tôi. Chúng tôi có đánh điện bảo Lê Ni về ngay, trong khi Sam cứ thúc đẩy tôi, tức giận và vội vàng.
Ely, cần phải ly dị. Chàng Bắc Kinh kia không thể còn là là chồng bà được nữa rồi.
Không bao giờ tôi xin ly dị, Diên Tôn yêu tôi.
Trừ phi bà coi sự ruồng bỏ ấy là  tình yêu?
Sam nói lớn tiếng và tôi cũng nói lớn:
Diên Tôn không bao giờ bỏ tôi và tôi cũng không bỏ chàng. Chúng tôi xa cách nhau vì thời cuộc và vì lịch sử.
Ông ta có thể trở về với bà được tại sao lại không về?
Có lẽ, nhưng chàng không cảm thấy như ở nhà mình. Muốn như vậy phải để cả tâm trí vào nữa. Ở đấy và ở đây, chàng cũng buồn đến chết mà thôi!
Bà vẫn yêu ông ta?
Sam nhìn vẻ dữ tợn, làm tôi lúng túng:
Chàng kêu lên.
Ra bà không hiểu tôi định tâm cầu hôn bà à?
Ồ! Không! Ông Sam, không! Không!
Chúng tôi nhìn nhau như hai kẻ thù, gần nghẹn thở. Sam cúi xuống gần sát môi thì tôi gạt ra:
Không…
Bà khinh tôi sao?
Không, không, không phải thế…
Ngay lúc này, chúng tôi nghe thấy tiếng động, có lẽ ông cụ ngã trên phòng ngay trên đầu chúng tôi. Thoạt đầu tiếng chiếc can rơi trên sàn gác, rồi tiếng người ngã rất nhẹ nhàng, vì ông cụ quá gầy đến nỗi chúng tôi không nghe rõ nữa nếu ông cụ không kêu lên một tiếng hãi hùng.
Tôi chạy lên cầu thang. Sam chạy theo bén gót. Ông cụ nằm soài  trên sàn gác. Đầu ông đập vào viên đá ở lò sưởi. Ông cụ đã chết.
°
khi đưa đám về Sam định ở lại với chúng tôi. Bạch và chàng đã lo liệu tất cả.
Lê Ni vừa về đúng lúc làm lễ. Một thiếu nữ cao lớn đi cùng với con tôi, một thiếu nữ có cử chỉ điềm đạm và có vẻ yêu kiều.
Lê Ni nói với tôi:
Con xin giới thiệu với mẹ, đây là Mary Boven.
Thật kỳ, tôi không biết đến cả tiểu tự của cô.
Tôi muốn ôm lấy nàng. Tôi ngả về phía nàng và đặt môi vào má nàng.
Cô có vẻ là một bà Mary.
Nàng mỉm cười trả lời tôi.
Con cũng không phải là một nàng Mark độc ác nữa.
À! Lê Ni như vậy là may mắn lắm, vì đàn bà sinh ra có phải ai cũng  với là Mary vừa là Mark được đâu?
Hai trẻ yêu nhau, thoáng quatg đã biết! Tôi thật sung sướng. Tôi cầm tay hai người và đi xen ở giữa cùng lên phòng ông cụ yên nghỉ. Ông mặc chiếc áo dài Tàu màu xanh, nằm trên chiếc nệm trắng, chân đi giày nhung đen. Dưới bàn tay ông, đặt trên ngực tôi để quyển sách  cũ của ông: Những cuộc biến thiên.
Mary nhìn ông cụ và nói nhỏ:
Trông ông thật đẹp! Em chỉ muốn được nghe tiếng ông nói.
Nàng cầm tay Lê Ni và áp vào má mình. từ lúc này tôi yêu nàng như con đẻ của tôi.
Buổi chiều, một vài người láng giềng đến nhập bọn với chúng tôi. Và dưới gốc thông ở sườn núi đàng sau nhà, chúng tôi chôn cất ông cụ. Mạch đã đào huyệt từ sáng, chúng tôi lấy cành thông che đậy, trong lúc đó bà Mạch lo bữa ăn phụ - jambon luộc, vì jambon nướng lò không ra gì,theo ý kiến bà – thêm bánh, nước trà và cà phê.
Không trung yên lặng, bầu trời mờ mịt. Mục sư đọc nhiều đoạn trong Tân ước mà tôi đã chỉ cho ông vì ông nội Lê Ni quả quyết rằng đoạn này bắt nguồn từ đức độ người Á Đông và có lẽ ở chính ngay với bản thân đức Khổng Tử.
Ông cụ nói: Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Jesus đã đọc lời của đức Khổng tử và của đức Phật Thích ca. Nếu ta tin những lời dân gian đồn đại thì thuở niên thiếu Người đã từng viếng Nepal rồi.
Phúc Âm vang lên trong không trung thanh tịnh, nghe thật êm dịu nhân từ. Rồi chúng tôi về nhà. Cả Lê Ni và tôi không khóc, vì cái chết sau một đời sống lâu dài không làm buồn rầu. Bà Mạch bận rộn, chiếc áo lụa đen của bà bị tấm vải trắng mang trước ngực che mất cả, và chúng tôi đón mọi người vào phòng khách. Họ uống giải khát, nói chuyện khẽ và sau đó dần dần rút lui cả.
Bạch đến gần tôi. Chàng nhìn tôi và bảo cần phải nghỉ ngơi vì thấy tôi xanh xao.
Chàng hỏi tôi:
Bà có để tang không?
Không, không…
Chàng nói gấp rút:
Xin đừng để tang một ai cả…
Tôi không thể cắt nghĩa chàng rõ, với ông cụ mất đi, thì cũng mất cả cái biểu hiện dĩ vãng của tôi. Ông cụ như sợi giây liên lạc với nhiều năm sung sướng  của tôi, với thành phố yêu mến, với ngôi nhà mà tôi tưởng lập được một gia đình thật hạnh phúc. Và sự săn sóc của Bạch an ủi tôi nhiều. mỉm cười với chàng và thấy như chàng muốn ôm hôn tôi. Ý muốn chàng hiển hiện trong cặp mắt màu xám. Tôi chưa sẵn sàng chưa thể đáp ứng lại ngay được! Riêng chỉ nghĩ đến môi một người đàn ông chạm đến, tôi thấy không chịu được rồi!
Và như vậy, ngày trôi qua. Trước khi đi Sam đến ban thưởng cho tôi một cái nắm tay thật mạnh.
Xin tin cho tôi biết ngay bất cứ bà thấy cần điều gì. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng.
Bỗng chàng cúi xuống và hôn vào môi tôi. Tôi lùi lại và suýt ngã.
Chàng gầm gừ:
Bà thấy nghịch ý sao?
Tôi thành thật trả lời:
Quả vậy!
Tôi sẽ không xử sự như vậy nữa.
Chàng đi. Tôi hối hận đã làm mếch lòng chàng, nhưng tôi không muốn người ta hôn mình một cách bất ngờ như thế. Thời niên thiếu của tôi đã qua, đối với một người đàn bà trưởng thành, một cái hôn là tất cả hay là chẳng nghĩa gì?
Tôi qua một tối yên lặng ngoài hiên, cùng với Mary và Lê Ni, ngày mai hai người cũng đi. Hai người như săn đón không muốn tôi phải cô đơn. Tôi cũng không biết nói sao cho họ biết điều đó không cần với tôi. thật ra, tôi có một vài điều lo ngại vẩn vơ. Ở đây tôi không có ai là xóm giềng gần và đêm đến, khu rừng biến đổi một cách dị thường. Khi ánh tà dương xuyên qua các cây lớn bao  bọc quanh chiếu hẳn đến bụi dương xỉ bên dưới, cả khu rừng sáng tỏ nhiều màu. Nhưng đêm xuống mau lẹ và rừng trở nên thù nghịch, với nhiều hình bóng đáng sợ.
Tôi vẩn vơ nghĩ đến khu rừng này dài trên bốn mươi lăm cây số, trong có nhiều đầm lầy và bãi cát động, đã có nhiều người đi săn bị mất tích. Một nhà nữ bác học đã lạc trong rừng phía gần nhà tôi. Tôi không thể hiểu mình có thể sống một mình ở đây được không?
Lê Ni nói:
Thi xong hết mấy kỳ sau đó Mary và con lấy nhau và về ở đây với mẹ.
Đó là lần đầu tiên con tôi nói về cuộc hôn nhân trước mặt tôi.
Nếu các con kết hôn, mẹ sung sướng  lắm, chẳng còn gì mà sợ hãi nữa.
Mary quả quyết:
Chúng con sẽ lấy nhau, điều đó chắc chắn mẹ ạ.
Lê Ni thở dài.
Nhưng bao giờ…
Anh chờ đợi điều gì?
Bỗng tôi nhớ đến A Lệ.
Và nói thêm:
Hoạ chăng chỉ còn gia đình Mary vì lẽ gì muốn dời ngày cưới lại thôi.
Con chỉ còn người anh sinh đôi là George. Cha mẹ chúng con mất khi chúng con còn bé, bà chúng con nuôi. Và bà cũng mất rồi.
Thật là điều đáng lưu ý, xem tới mức độ nào mình có ác ý. Vì quyền lợi của con tôi, tôi sung sướng  được biết ba người vô tội đã nằm dưới mồ.
À, nếu vậy chúng con muốn làm lễ cưới ngày nào cũng được, ở ngay ngôi nhà này, mà trước kia mẹ đã lấy cha Lê Ni, mẹ rất sung sướng  về việc này.
Lê Ni nói:
Xin cám ơn mẹ.
Con tôi đứng dậy và lại cầm tay Mary.
Em có muốn cử hành hôn lễ vào ngày 18 tháng 6, đó là ngày kỷ niệm sinh nhật mười chín tuổi của anh không?
Nàng mỉm cười trả lời:
Vâng.
Ánh trăng chiếu sáng mớ tóc vàng của nàng và mặt Lê Ni. Tôi thấy hai trẻ là đôi lứa đẹp nhất trên đời và trong lòngtg hối tiếc không có Diên Tôn ở đây để chứng kiến. Tôi không thể còn như xưa liên lạc với chàng bằng tư tưởng. Tôi tập trung ý chí để tưởng nhớ chàng ở xa đang chiêm ngưỡng người thanh niên xinh đẹp, da mịn màng như ngà, con chúng tôi và Mary, một thiếu nữ cao, tóc vàng,dịu hiền..Tôi không sao gợi nhớ được hình bóng chàng, tâm trí tôi như vấp phải một chướng ngại vật gì không sao hiểu được ở đây.
Ngày 18 tháng 6 tới sẽ sẵn sàng chờ các con..
Một giờ sau tôi lên gác ngủ, để hai con tôi ở ngoài hiên. Tôi tưởng như Diên Tôn gần biến mất trong đời mình. Chàng không còn nữa, riêng chỉ còn để lại cho tôi đứa con trai này.
Tôi không có máu đồng cốt chút nào, bởi tôi là người rất thực tế. Diên Tôn cho tôi là người nội trợ giỏi vào bậc nhất. Suốt ngày tôi mê mải công việc nhà cửa, vườn tược và cũng lại hay đãng trí về lời ăn tiếng nói, về sự đùa cợt của người ta. Tôi không phải là đàn bà  trí thức thuần tuý. Bản tính không mơ mộng và chưa bao giờ tôi có một ảo tưởng nào.
Vậy mà, buổi tối nọ, vào lúc hai giờ mười lăm sáng, tôi quả quyết là đã trông thấy Diên Tôn. Đã năm tuần nay tôi ở nhà một mình, từ ngày Mary và Lê Ni rời tôi vào hôm sau đám tang ông cụ. Bà con xóm giềng ở thung lũng thường lại thăm hỏi tôi luôn, điều đó cũng được an ủi.
Mạch đến đây từ sớm đến xế chiều mới về. lấy cớ mang cơm trưa cho chồng, bà Mạch nhảy lại nhà tôi, để thăm tôi nhân thể. Bà nấn ná ở lại để kể lể tính nết dữ dằn của chồng. Bà không muốn tin rằng đời con người ta và người đàn ông không thay đổi và chính người đàn bà phải phục tòng, nếu họ không muốn có sự tan vỡ. Nay tôi biết hết những tật hư của Mạch. Tôi biết Mạch ngủ ngáy rống như bò, và đáng lẽ để hàm răng giả vào một ly nước ban đêm, hắn cứ bướng bỉnh đặt lên chiếc bàn ngủ, và ở đấy nó nhe một nụ cười ghê rợn, bà Mạch không dám nhìn vào đấy nữa.
Mục sư cũng lại thăm tôi, cả bà Môn Huê, giáo viên trường tiểu học nữa. Bạch lại hai lần vào lúc điểm tâm, trong khi chàng đi thăm bệnh o ngoài, để xem có điều gì sầu muộn không.
Ngày hôm qua chàng còn hỏi tôi, giữa lúc tôi đang bận nhổ cỏ ở các luống dâu mới cấy dưới hiên nhà:
Bà có cảm thấy sung sướng  không?
Tôi trả lời:
Tôi không sung sướng  cũng không khổ sở. Tôi ở trong một trạng thái hoàn toàn bình tĩnh.
Chàng ngẩng cặp lông mày đen lên và nói:
Suốt đời như thế sao?
Chắc không thế. Hãy cho là một trạng thái giao thời giữa dĩ vãng và tương lai.
Bà có thấy quá cô đơn không?
Làm sao tôi thấy lẻ loi một mình được khi sắp có hôn lễ trong nhà này?
Tối qua, mệt quá nằm xuống tôi ngủ ngay. Khi tôi tỉnh giấc như thường đêm nào cũng vậy, vừa đúng hai giờ mười lăm sáng. Từ ngày chia ly, mỗi lần tỉnh giấc, tôi thắp đèn ngay và lấy sách đọc. Tôi vừa mới đọc thì cảm thấy như có ai đến. Tôi không sợ hãi chút nào, nhưng lạ lùng quá. Ngẩng mắt lên, tôi trông thấy Diên Tôn đứng trong phòng, trước cánh cửa đóng. Trông chàng buồn, gầy và già đi nhiều. Chàng để râu và cắt tóc ngắn, chàng không mặc áo dài như giai cấp trung lưu, nhưng mặc bộ đồng phục màu xám, giống như đồng phục của sinh viên, áo ngắn cài khuy đến tận cổ. Chàng nghiêm nghị mỉm cười, mắt long lanh. Tôi tưởng như chàng giơ tay ra phía tôi, nhưng tôi không chắc, nên nhảy xuống giường và kêu lên:
Ôi! Diên Tôn! Diên Tôn, anh yêu của em!
Vẻ mặt chàng bỗng trở nên thảm thương quá và khi tôi nhảy ra ôm chàng thì chàng biến mất. Sàn gác lạnh làm giá buốt chân tôi, và tôi quay vào giường run rẩy, kinh hoàng. Tôi đã trông thấy Diên Tôn. Tôi trông thấy chàng như hiện nay. Tôi tin chắc như vậy. Không phải một giấc mơ, cũng không phải một sự huyền hoặc, vì tôi trông thấy chàng rõ như ngày chúng tôi chia tay nhau trên bến Thượng Hải, trước làn khói ở sông bốc lên ngăn cách chúng tôi mãi mãi.
Sau khi xa cách, chàng viết cho tôi: Em đi chẳng khác gì người ta  cưa cụt chân tay anh.
Nay chàng để râu và cắt tóc ngắn, chàng mặc đồng phục mà chàng rất ghét, dù sinh viên của chàng có lấy thế làm hãnh diện đi nữa! Chàng nói Đồng phục của tù nhân. Tôi chưa bao giờ thấy chàng ăn mặc như thế. Như vậy không phải là sống trong giấc mơ.
Tôi không sao ngủ lại được. Tôi xuống nhà, đi vẩn vơ khắp các phòng cho tới lúc rạng đông ló rạng sau dãy núi. Tôi không hiểu ý nghĩa giấc mơ. Có phải là sống hay chết? Tại sao cuối cùng chàng nhìn tôi một cách đau thương như thế? Còn bao giờ tôi biết được về điều này nữa.