Chương ba
Cuộc gặp gỡ trong đêm tối

Tối hôm ấy, Khôi, Việt ngồi yên trên giường chờ cho người trong nhà ngủ hết mới nhẹ nhàng leo qua cửa sổ, rón rén lần về phía sân sau. Cổng phía trước đã đóng kín, và vì muốn đề phòng trộm đạo nên dượng Tư, chồng dì Hạnh, còn cẩn thận chốt thêm một gióng ngang rất chắc. Duy chỉ có phía sau, đôi bạn biết một chỗ có thể thoát ra được bằng cách leo lên cây mít mọc gần phía hàng rào rồi chuyền cành chìa ra ngoài tụt xuống. Khôi Việt đã có dịp thử cách ấy một lần, nhân một dịp họ chơi bóng với nhau. Quả bóng tung bổng bắn ra ngoài hàng rào găng, và vì không muốn chạy vòng ra để nhặt, họ leo lên cây nhảy ra ngoài. Tuy nhiên khi muốn leo trở lên cần phải có một đoạn dây. Đôi bạn đã sắp sẵn đoạn dây ấy ngay từ sau bữa cơm chiều. Việc vượt rào ra khỏi nhà ban đêm gây băn khoăn cho cả hai anh em. Nếu dì Hạnh biết được, dì sẽ buồn lắm. Ban ngày dì cho phép hai anh em được tự do muốn đi chơi đâu cũng được, miễn là nói cho dì biết đi đâu để dì yên bụng. Nhưng ban đêm dù có xin phép chắc chắn là dì không cho rồi. Dì Hạnh chưa quên câu chuyện rắc rối của vụ hè năm trước, Khôi, Việt đã nói dối xin đi cắm trại để theo dõi một tên trùm buôn lậu, gây xúc động cho bao nhiêu người. Tuổi trẻ hay liều lĩnh dại dột. Dì Hạnh biết thế, nên tuy chiều cháu, nhưng sự chiều chuộng của dì chỉ có giới hạn. Khôi, Việt cũng biết thế. Đôi bạn rất quí mến dì, nên cuộc lẻn đi chơi ban đêm làm họ áy náy không yên.
Ánh trăng thượng tuần soi sáng mơ hồ trên cảnh vật. Khoảng sân sau nhà dì Hạnh, ánh trăng bị dãy nhà trên che khuất, hắt xuống từng khoảng sáng tối mập mờ. Việt cầm chiếc đèn bấm, còn Khôi cầm đoạn dây thừng lần mò tiến về phía chuồng trâu, chỗ sát với hàng rào găng. Đứng lại nghe ngóng Khôi Việt thấy trên nhà yên vắng. Dượng Tư chắc đã ngủ mệt, còn dì Hạnh, hẳn dì không ngờ gì cả. Trong chuồng trâu, hơi thở phì phò của con vật nghe thật rõ. Khôi thì thào:
- Chúng mình đi thôi chứ?
Việt gật đầu:
- Ừ, đi.
Tới gốc cây mít, đôi bạn lần lượt leo lên, Khôi buộc một đầu dây vào cành cây chĩa ra ngoài rồi theo dây tụt xuống. Tiếp đến Việt, cả hai vượt rào ra ngoài một cách dễ dàng. Lát nữa, khi trở về họ sẽ lại dùng đoạn dây ấy leo lên. Hai anh em đứng lại gần nhau nghe ngóng lần nữa. Ngoài tiếng động quen thuộc từ chuồng trâu vẳng ra do sừng trâu va chạm vào gióng gỗ, hoặc tiếng đập đuôi đuổi muỗi của con vật, tất cả đều như chìm trong vắng lặng mênh mông của đồng quê. Chợt có tiếng sột soạt ở gần đấy và tiếng rít khẽ nổi lên, Việt quay lại thấy con Vện đang chui rào lách ra. Biết nó đòi theo và để nó khỏi sủa, Việt đành để cho nó cùng đi.
Dưới ánh trăng cây cỏ ruộng vườn long lanh như tráng bạc. Việt có cảm tưởng như đang đi trong một cảnh sắc thần tiên. Từ sau vụ hè năm ngoái Việt chưa có dịp nào lại đi chơi dưới trăng như thế này. Anh nhớ lại hôm cùng Khôi lần mò theo dấu người lạ, đuổi cho tới cửa bể. Lúc ấy cũng chỉ có hai anh em với con Vện, dấn mình trong cuộc mạo hiểm, và quang cảnh tối hôm ấy, cũng chẳng khác bây giờ.
Trong khi Việt mải nhớ kỷ niệm cũ thì Khôi cũng nghĩ đến những điều khác. Khôi không quay về dĩ vãng. Anh sống với hiện tại và để tâm đến việc mình đang làm. Anh thắc mắc bảo bạn:
- Chưa chắc tối nay “hắn” đã đến Việt ạ.
Việt đáp gọn:
- Tớ cũng nghĩ thế!
Khôi tiếp:
- Cho dù hắn không tới, chúng mình cũng cứ tiếp tục rình đến khi nào bắt gặp mới thôi.
Việt cười:
- Chắc lúc chạm trán với tụi mình, hắn ngạc nhiên lắm đấy nhỉ!
- Hẳn rồi. Tớ muốn được biết hắn vào trong lều của bọn mình để làm gì.
Câu chuyện trao đổi giữa đôi bạn chỉ có thế. Đi ở ngoài trời thanh vắng không ai muốn nói nhiều, và hình như chân bước thấy mau hơn. Không lâu, Khôi, Việt đã vượt qua con đường liên quận, tới khúc đường mòn xuyên qua vườn dừa.
Túp lều của bọn trẻ im lìm dưới ánh trăng, Việt rọi đèn vào bên trong bảo bạn:
- Không có ai cả. Hắn chưa đến!
Khôi lặng lẽ kéo bạn lại ngồi trên tảng đá gần một bụi cây. Chỗ ấy khuất ánh trăng, tối đen, nên không sợ lộ. Từ đó nhìn ra, tầm mắt của đôi bạn có thể thấy con lạch ở phía trước. Giòng nước trắng xoá thỉnh thoảng bị một con cá nhảy lên đớp mồi khua động.
Khôi móc túi lấy chiếc kẹo chia cho bạn:
- Trời hãy còn sớm. Chúng mình ngồi đây tới khuya nếu không thấy gì lạ sẽ về, chờ đến tối mai lại rình nữa.
Việt không trả lời. Anh biết tính Khôi khi đã quyết định việc gì ít khi chịu bỏ cuộc. Nếu có chuyện lạ như các bạn dự đoán, Việt mong cho nó chóng kết thúc, vì không thể cứ tối nào cũng lẻn nhà đi như thế này được.
Khôi tiếp:
- Ngồi đây, nếu có ai tới chúng ta sẽ biết ngay. Lúc ấy mình sẽ nấp vào bụi xem hắn làm những trò gì.
Việt đáp:
- Ừ.
Và Việt tự hỏi cuộc rình rập tối nay có đáng công không. Hồi trưa Việt còn thấy náo nức, tin chắc có chuyện lạ, nhưng bây giờ anh không thấy hy vọng gì. Có lẽ tại Việt áy náy vì sự đi chơi đêm, mà không được dì Hạnh cho phép nên cảm thấy chán nản, buồn ngủ. Anh nghĩ sang chuyện Lê Vinh, thắc mắc về thái độ kín đáo của anh ta. Đối với Việt, Lê Vinh quả là con người kỳ lạ, đầy bí mật, nhưng cũng rất nhiều thiện cảm. Mải nghĩ lan man, Việt chợt giựt mình thấy Khôi đập nhẹ vào tay:
- Có động, Việt ạ!
Việt nín thở lắng nghe. Có tiếng bước chân đang tới, giẫm sột soạt trên đám lá khô. Khôi rời chỗ ngồi, kéo Việt nấp vào trong bụi. Cả hai nằm nép người, chờ đợi.
Không lâu có ánh đèn bấm chiếu sáng quét một đường dài trên cỏ rồi vụt tắt. Một bóng người hiện ra. Dưới ánh trăng Khôi, Việt nhận thấy bóng đó là một thiếu niên mảnh khảnh, tay cầm đèn bấm, tay mang một gói nhỏ.
Trong khi Khôi, Việt lặng thinh theo dõi, thiếu niên lại túp lều gỗ bấm đèn soi bên trong, đoạn bước vào.
Nghe tiếng mở nắp hộp. Khôi thầm bảo Việt:
- Hắn trả lại chỗ kẹo cho tụi mình.
Rồi thiếu niên trở ra, tay không cầm gói giấy nữa, nhưng còn giữ lại vài chiếc kẹo. Hắn đến ngồi trên tảng đá, chỗ Khôi, Việt vừa ngồi, lặng lẽ bóc kẹo ra ăn.
Tất cả chỉ có thế, Việt thấy uổng công quá. Rõ chán! Lặn lội từ nhà ra để gặp một thiếu niên hiền lành ngồi nhai kẹo ngắm trăng. Nếu Bạch Liên biết chuyện, tất sẽ cười vào mũi hai người chế riễu:
- Ồ! Cuộc mạo hiểm của hai anh kỳ thú nhỉ!
Hình như Khôi cũng bất mãn như Việt. Anh vùng dậy quát:
- Anh ngồi làm gì ở đây?
Tiếng quát của Khôi làm thiếu niên giựt mình hoảng sợ vùng chạy vào trong bóng tối. Kể ra làm cho hắn hoảng hốt như thế cũng tội nghiệp thật, nên Việt vội đuổi theo nói:
- Chúng tôi không làm gì anh đâu. Đừng sợ.
Im lặng. Rồi có tiếng hỏi:
- Có phải các anh là những người thường tới đây chơi không?
Khôi đáp:
- Phải. Túp lều này của chúng tôi, và chúng tôi muốn biết đêm anh tới đây làm gì. Chúng tôi không ăn thịt anh đâu, Nếu anh còn kẹo đem ra cho chúng tôi ăn với.
Giọng nói niềm nở của Khôi làm cho thiếu niên yên dạ. Hắn ló ra khỏi chỗ nấp đến gần Khôi Việt, nói:
- Tôi khhông biết đây là lều riêng của các anh. Tôi đến trả chỗ kẹo tôi trót ăn mất. Đáng lẽ tôi đem trả từ bữa qua, nhưng vì bị ngăn trở nên bây giờ mới tới được.
Khôi đáp:
- Không sao.
Và anh chạy vào trong lều. Việt chỉ theo Khôi bảo thiếu niên:
- Anh ấy tên là Khôi. Còn tôi tên Việt. Chúng tôi ở dưới ấp Xuân Lộc. Còn anh là ai?
Thiếu niên chỉ sang cái trại bên kia bờ lạch nói:
- Tôi tên là Tuấn, mới về ở cái trại bên kia.
Khôi trở ra với chiếc hộp thiếc:
- Nếu vậy thì anh là người vẫn tập đờn hàng ngày đó chứ gì! Tụi tôi có nghe nói về anh. Hình như ít khi anh ra ngoài thì phải.
- Vâng, ít lắm. Vì tôi không được phép. Chỉ thỉnh thoảng lẻn đi một lát vào buổi tối thôi.
Khôi, Việt kiếm chỗ và ra dấu cho Tuấn cùng ngồi xuống. Dưới ánh trăng đôi bạn thấy Tuấn là một thiếu niên cùng trạc tuổi. Tuấn nhỏ người như Việt nhưng mảnh khảnh yếu ớt hơn nhiều. Tóc Tuấn đen mượt và khuôn mặt trắng trẻo thanh tú như con gái. Xét chung thì Tuấn có vẻ hiền lành nhưng trông dáng của Tuấn, Việt cảm thấy có cái gì trội hơn mình.
Có lẽ Khôi cũng cảm thấy như vậy, hoặc giả anh thỏa mãn về chỗ kẹo Tuấn trả lại, nên chìa chiếc hộp ra dễ dãi bảo:
- Anh ăn kẹo đi. Tại sao ban ngày anh không được phép đi chơi?
- Cha nuôi tôi không cho. Ông kiểm soát tôi rất ngặt. Hai anh chưa biết, ông độc tài lắm.
Việt nói:
- Tôi tưởng ông là cha đẻ anh chứ?
Tuấn lắc đầu:
- Không, ba má tôi mất cả rồi. Đây chỉ là cha nuôi tôi thôi. Ông là bạn thân với ba má tôi khi xưa, nên khi ba má tôi chết, ông đem tôi về ở với ông.
Khôi gặng:
- Ở với ông, anh có được sung sướng không?
- Chỉ không được vui thôi. Cha nuôi tôi có một người con gái. Chị đã lớn, tính thật dễ chịu, khác hẳn tính cha. Nhưng ít khi chịu về nhà,vì chị đang làm việc trên Saigon. Cha nuôi tôi rất thương tôi song vì ít lâu nay ông bệnh, nên buồn. Trước kia ông chơi đàn rất giỏi. Bây giờ không chơi được, ông muốn truyền tài nghệ lại cho tôi.
Việt hỏi:
- Anh có thích nhạc không?
- Trước kia tôi ham lắm, có lẽ vì xưa kia ba tôi cũng là nhạc sĩ. Nhưng bây giờ suốt ngày luyện tập dưới sự khắc nghiệt của cha nuôi, tôi thấy ngán quá. Chẳng bao giờ ông vừa ý về những cố gắng của tôi cả. Hơn nữa ngoài giờ học tập liên miên, tôi chẳng được chơi giỡn, giải trí lúc nào cả. Vì vậy, tôi mới phải lén ra ngoài vào buổi tối, lang thang cho đỡ buồn.
- Anh có thường đến chỗ lều này không?
- Mới có một lần thôi. Cách đây mấy hôm, đứng trong trại tôi lấy ống nhòm ra coi thấy các anh chơi ở bên này vui quá.
Tôi muốn biết rõ chỗ các anh chơi như thế nào nên tối tôi mò sang. Vào trong lều tôi thấy có hộp kẹo. Đáng lẽ tôi không được quyền lấy, nhưng thấy kẹo ngon quá, tôi lấy đại ăn. Tôi có mang theo miếng giò tính để ăn, song thấy kẹo nên để lại. Chắc các anh có thấy.
Khôi gật:
- Phải, nhưng thiu rồi.
Tuấn tiếp:
- Chắc khi thấy miếng giò trong hộp, và mất chỗ kẹo các anh giận lắm. Tôi thành thực xin lỗi. Giờ các anh đã hiểu rõ tôi rồi, tôi mong các anh vui lòng nhận tôi là bạn, cho tôi nhập bọn với các anh.
Khôi, Việt nhìn nhau. Lời đề nghị của Tuấn làm họ suy nghĩ. Tuấn quả là một thiếu niên đáng mến. Tuy nhỏ người, tuổi cũng không hơn gì Khôi, Việt nhưng lời lẽ diễn tả của Tuấn thật rành rẽ, như một người lớn. Tuấn lại đã tâm sự về hoàn cảnh của anh. Ai nỡ nhẫn tâm không nhận một người bạn có tâm sự đau buồn như thế.
Khôi liền bảo Việt:
- Tớ chắc Dũng bằng lòng để Tuấn đến đây chơi với tụi mình.
Việt gật đầu:
- Nếu tụi mình bằng lòng thì Dũng nó cũng bằng lòng. Còn về phần Bạch Liên thì khỏi lo. Cô ta có ra đây buổi tối bao giờ đâu.
Quay sang Tuấn Khôi nói:
- Chúng tôi vui lòng nhận anh vào bọn. Anh có thể đến đây chơi lúc nào tuỳ ý. Những bánh kẹo anh thấy trong hộp này anh cứ lấy ra xài tự nhiên, và nếu có thể, thì anh góp phần vào.
- Tôi có thể góp tiền để các anh mua dùm được. Chị Mỹ Dung có cho tôi một số tiền nhỏ hôm chị về thăm nhà.
Khôi hỏi:
- Chị Mỹ Dung là con gái của cha nuôi anh ấy hả?
- Phải. chị thương tôi lắm. Nếu các anh gặp chị, chắc các anh có cảm tình ngay.
Im lặng một lát, Tuấn ngập ngừng tiếp:
- Cám ơn các anh đã nhận tôi là bạn. Các anh là… những người bạn đầu tiên trong đời tôi.
Để nén xúc cảm, Khôi quơ một hòn đá, ném đi thật xa. Việt thì chiếu đèn bấm vẽ thành đường sáng ngoằn ngoèo vào bóng tối. Đoạn cả hai nói cho Tuấn biết về tình hình ở trong vùng: Về cửa hàng bà Hương Mỹ, và những chiếc cúp bạc của con trai bà, về dì Hạnh với dượng Tư ở ấp Xuân Lộc v.v…
Tuấn cảm thấy sung sướng vô hạn. Ba anh em ngồi trò chuyện thân mật với nhau một lúc lâu thì vầng trăng đã xế. Biết đêm đã muộn, Khôi bảo Tuấn:
- Chúng ta nên chia tay nhau kẻo khuya rồi. Để chúng tôi đưa anh về.
Bọn trẻ trở xuống bờ lạch, qua cầu sang nhà Tuấn.
Khôi hỏi:
- Tối mai, Tuấn có ra đây chơi nữa không?
Tuấn đáp:
- Tôi chưa biết. Nếu các anh có đó, tôi sẽ cố sang với các anh.
- Vậy hẹn nhau đến tối ngày mai nhé! Chúng tôi sẽ rủ cả Dũng nữa.
- Xin y hẹn!
Việt hơi mệt, nhưng cũng rất bằng lòng về người bạn mới. Tới sát hàng rào, Tuấn vạch một lổ hổng bảo:
- Tuấn chui vào trong vườn bằng lối này. Thôi, cám ơn các anh và…
Tuấn chưa kịp nói hết câu để từ giã các bạn thì Khôi đã kéo cánh tay của anh ta ra dấu đừng nói:
- Suỵt!
Nghe ngóng, rồi Khôi thì thào:
- Có người đang đến.

*

Cả ba đứng lắng nghe. Quả nhiên có tiếng nói rì rào và tiếng chân bước từ xa tới gần.
Tuấn luống cuống:
- Tôi phải chuồn ngay kẻo lỡ có ai trông thấy.
Khôi bỏ tay bạn:
- Phải đấy, chui vào đi. Nhớ đến tối mốt nhé!
Tuấn gật đầu và biến nhanh qua hàng rào.
Tiếng nói nghe đã rõ. Khôi, Việt lủi vào một bụi cây bên vệ đường. Khôi nói nhỏ vào tai bạn:
- Chúng mình cũng đừng cho ai thấy. Chắc đây là bọn người đi bắt chuột đồng, hoặc đi đơm cá đêm, chờ cho họ đi khỏi chúng mình hãy ra.
Vừa lúc ấy Khôi Việt thấy bóng hai người đi tới. Có tiếng người đàn ông nói:
- Tao sẽ vắng mặt mấy hôm, vì có chuyện cần kíp phải đi. Mầy hãy lo cất kỹ chiếc bao bố này, và đừng có táy máy mở ra mà tao vặn cổ. Chừng nào trở về tao sẽ lấy mang đi.
Tiếng người con trai trả lời:
- Thế còn số tiền?
Giọng nói của hắn làm Việt giật mình. Anh nhận ra được giọng của ai.
Người đàn ông nói:
- Tiền tao sẽ trả cho mầy khi tao về lấy bao hàng này đem đi. Mầy cứ thi hành đúng lời tao dặn là được.
Ngắt lời, hai bóng đen cùng vượt khỏi chỗ Khôi, Việt nấp và khuất dạng trong bóng tối. Đôi bạn ngồi im chờ một lát, đoạn Khôi nói:
- Cậu biết ai đó không?
Việt đáp:
- Tớ không biết người đàn ông, nhưng anh con trai thì tớ ngờ là thằng Chín Đầu Bò.
Khôi nhổm lên:
- Tớ cũng nghĩ thế. Chúng mình theo xem.
Việt quên hẳn cơn mệt, cả hai đều muốn biết đích xác xem có phải Chín Đầu Bò đang đi với bóng đen lạ mặt không. Theo sau, Khôi, Việt vẫn thấy họ rầm rì nói chuyện, nhưng vì không dám tới gần nên nghe không rõ.
Con đường mòn quẹo qua chỗ Lê Vinh cắm giá vẽ, rồi chia hai, một ngả đi thẳng, một ngả ngược lên đường liên quận.
Hai bóng đen ngừng lại ở chỗ đó. Khôi, Việt vội nấp vào một chỗ, nghe ngóng. Lần này tiếng chân trở về có một người. Chắc hẳn hai đồng loã đã chia tay nhau, và một đã lên đường về quận Nhà bè. Kẻ ở lại chỉ có thể là Chín Đầu Bò, đang trở về nhà.
Khôi, Việt rời khỏi chỗ nấp, theo sát bóng còn lại.
Khôi, Việt chưa biết sẽ làm gì, thì vì gặp một quãng gồ ghề, Khôi vấp chân ngã xuống đất.
- Oái! …
Trong lúc ngã, Khôi vô tình kêu lên, bóng đen đi trước giật mình ngừng lại, hỏi:
- Ai đó?
Khôi vùng ngay dậy kéo Việt nấp vào vệ đường. Lần này cả hai nhận rõ ra Chín Đầu Bò.
Im lặng một lát kkhông nghe trả lời, Chín Đầu Bò lại hỏi:
- Phải chú Hai đó không?
Khôi nắm tay cùng bạn im tiếng. Chín Đầu Bò nổi giọng tức giận:
- Ai đó, nói đi.
Hắn tiến về phía Khôi, Việt nấp, nhớn nhác tìm kiếm. Thình lình Khôi rời khỏi chỗ bình tĩnh nói:
- Ê, Chín! Khôi, Việt đây.
Chín Đầu Bò thốt lên lời thô tục. Hắn tiến về phía Khôi, Việt tay cầm một chiếc gậy lớn.
Khôi cúi nhặt một hòn đá. Việt làm theo và đứng bên cạnh bạn.
Chín Đầu Bò chùn lại lưỡng lự:
- Tụi bây làm gì ở đây giờ này?
Khôi hỏi lại:
- Thế còn mày?
- Việc tao kệ tao, việc gì đến tụi bây. Bộ tụi bây theo rình tao hả?
Khôi đáp lại:
- Rình hay không, mày hỏi làm gì!
- Tao sẽ mét lại với ông bà Tư là quá nữa đêm còn gặp tụi bây ở đây.
Khôi cười gằn:
- Thì tao sẽ kể cho mọi người biết tụi tao đã thấy chuyện gì!
Việt biết Chín Đầu Bò giận lắm. Hắn là một thiếu niên vạm vỡ tính khí cục cằn thô lỗ, và rất ghét Khôi, vì Khôi hay đương đầu lại với hắn.
Bất chợt, hắn vung gậy xông vào Khôi. Nhanh như chớp Khôi tránh khỏi và ném theo hòn đá.
- Ối!
Bị hòn đá, Chín Đầu Bò kêu lên, nhưng không bỏ cuộc. Hắn xông vào lần nữa, và cả hắn lẫn Khôi ôm cứng lấy nhau lăn xuống đất.
Việt đành bỏ cục đá của mình đi, xông vào trợ lực cho bạn. Anh ngăn kịp nắm tay Chín Đầu Bò khi hắn sắp đấm vào mặt Khôi. Một cuộc hỗn chiến tay ba diễn ra trong đêm tối. Chín Đầu Bò rất khoẻ. Nếu là ban ngày, Khôi, Việt chắc sẽ thắng thế nhờ sự tránh né nhanh nhẹn. Nhưng ban đêm vật lộn sát nhau đôi bạn không địch nổi với sức mạnh của hắn.
Hắn vật được Khôi nằm xuống đất, đè cứng đầu gối trên ngực Khôi, và chỉ cần một tay cũng đủ hất Việt văng ra xa.
Việt luôn luôn xông vào cố giúp cho bạn vùng dậy, nhưng vô hiệu. Anh bắt đầu thấm mệt, thở hổn hển. Nếu để Chín Đầu Bò nắm được và vật ngã xuống đất, thì cả hai chắc sẽ bị hắn đánh nhừ tử.
Tình thế đang thất vọng thì bỗng nhiên có ánh đèn chiếu thẳng vào mặt cả ba người và tiếng hỏi:
- Có chuyện gì thế này?
Việt nhận ra tiếng Lê Vinh. Một tay nắm tay Việt, một tay nắm vai Chín Đầu Bò, Lê Vinh kéo cả hai đứng lên.
Thừa cơ, Khôi cũng nhỏm mình dậy, và nhận được Lê Vinh, Khôi ngạc nhiên kêu:
- Ủa, anh!
Lê Vinh thản nhiên nói:
- Phải, tôi đây. Cũng may là các chú gặp tôi, chứ nếu gặp cảnh sát thì các chú bị điệu về bót cả rồi. Hai chú này tôi biết, nhưng còn chú này là ai? Sao lại sinh sự đánh nhau?
Chín Đầu Bò càu nhàu:
- Tôi tên Chín. Chúng nó đánh tôi trước!
Khôi cãi ;
- Mầy nói láo. Mầy đánh tao trước.
Lê Vinh tiếp:
- Tôi không cần biết ai đánh trước, vì tôi đã bảo là tôi không có phận sự phân giải. Có điều các chú đến đây vật lộn làm tôi mất ngủ.
Quay sang Chín Đầu Bò, Lê Vinh sẵng giọng:
- Chú ở đâu?
- Nhà tôi ở đằng kia.
- Nếu vậy chú nên về ngay. Và tôi khuyên chú ban đêm đừng có lảng vảng ở nơi đây nữa.
Chín Đầu Bò cự nự:
- Tôi… đi đơm cá…
- Tôi không cần biết chú làm gì. Đã bảo về đi mà!
Chín Đầu Bò cắm cổ lủi mất. Nghe tiếng chân hắn đi xa rồi, Lê Vinh mới nói:
- Hừ, đi bắt cá vào giờ này kể cũng lạ thật! Còn hai chú, đáng lẽ giờ này hai chú đang ngủ mới phải chứ!
Việt phân trần:
- Dạ chúng em định về ngủ thì gặp thằng ấy.
Khôi thêm ;
- Nó đi với một người đàn ông lạ và em dám chắc không phải họ đi đơm cá.
Lê Vinh gật đầu:
- Hẳn rồi, cả vùng này toàn trại, ấp chăn nuôi và giồng cây ăn trái, có thể họ đi bắt trộm gà vịt hoặc hái trộm trái cây cũng nên. Nhưng việc đó không dính dáng gì đến mình. Tôi buồn ngủ lắm rồi. Thôi các chú về đi.
Khôi, Việt chào quay đi, mới được vài bước Lê Vinh đã gọi lại, chỉ vào ngôi nhà của Tuấn hỏi:
- Các chú có quen với ai trong nhà này không nhỉ?
Đôi bạn muốn dấu kín chuyện của Tuấn, nên Khôi đáp:
- Không, tụi em kkhông quen ai ở đấy cả.
- Thế à, vậy chào các chú nhé.

*

Khôi, Việt trở về ấp Xuân Lộc, đầu óc tối đặc vì buồn ngủ. Tuy vậy dọc đường Khôi cũng nói ;
- Tớ chắc thằng Chín Đầu Bò với người đàn ông ấy đi hái trộm trái ở vườn nào đó.
Việt đáp:
- Tớ cũng nghĩ thế. Cái bao bố mà người kia giao cho thằng Chín cất, chắc phải đầy cam hay xoài ở trong đó, chớ không lẽ lại đưa bao bố đi để đựng cá. Nhưng có điều tớ lấy làm lạ, là tại sao hắn không đem đi luôn với hắn nhỉ?
- Ừ, lạ thật!
Đi một quãng, đến lượt Việt thắc mắc:
- Không hiểu anh Lê Vinh muốn hỏi thăm gia đình Tuấn có ý chi?
Khôi đáp:
- Tớ cũng đang thắc mắc về điểm ấy. Còn thằng Chín Đầu Bò nó sẽ biết tay tớ. Hồi nãy may mà nó chưa uýnh trúng mặt tớ một cái nào, nhưng nó đè trên ngực tớ đau quá.
Chuyện đến đó thì hai anh em cũng vừa tới nhà. Họ leo dây lên cây mít, trở về buồng rồi ngủ một giấc tới sáng.
Hôm sau dì Hạnh lấy làm ngạc nhiên thấy Khôi, Việt dậy muộn. Cũng may dì Hạnh bận việc nên không để ý gì. Thấy họ ngủ trễ, dì chỉ đánh thức họ dậy ăn điểm tâm.
Khôi Việt hãy còn ngái ngủ khi ra dùng bữa sáng. Riêng Khôi vẫn còn thấy đau trên ngực. Vì vậy sáng hôm ấy hai anh em đều ở nhà, giúp đỡ dì Hạnh những công việc lặt vặt trong nhà khiến dì Hạnh rất hài lòng.
Đến trưa Khôi, Việt được biết một tin buồn. Sáng hôm ấy dượng Tư có việc lên quận Nhà Bè, khi về dượng cho biết:
- Trên quận vừa có một vụ trộm. Hai cháu biết nhà bà Hương Mỹ chớ?
Khôi Việt gật đầu:
- Thưa dượng có.
- Bà Hương Mỹ có một người con trai làm Thiếu uý Không Quân. Anh ta có để lại cho mẹ đâu chừng năm sáu chiếc cúp bạc…
Khôi cải chính:
- Thưa dượng những bảy cái cơ ạ, và đẹp kinh khủng!
Dượng Tư bùi ngùi nói:
- Tội nghiệp bà Hương, tối qua có kẻ vô nhà lấy trộm hết những thứ đó rồi!...