San Jose. Tháng 2/1992. Một đêm... Chúng tôi ba người ngồi quanh chiếu rượu tại nhà Phương Trâm & Hoàng Anh Tuấn. Trời đã tối hẳn. Màu vàng của chậu hoa mai, hai bên là hai chậu hoa cúc, làm rộ lên vẻ tươi thắm đặc biệt cho căn phòng khách. Trên bàn thờ Phật, một cây nhang đang cháy dở, cắm giữa chiếc bát hương, tỏa ra cái mùi trang nghiêm ấm áp. Không khí Tết Nguyên Đán vừa trôi qua hai tuần trước đó vẫn còn nồng đượm chung quanh. Trần Minh Quang cười: "Ông bà nhà này ăn Tết kỹ quá! Đến bây giờ mà trên bàn thờ vẫn còn đầy bánh mứt!" Từ căn bếp sát phòng khách, tiếng Phương Trâm vọng ra: "Ăn Tết lớn mà!" Tôi gật đầu: "Phải rồi! Càng xa quê hương, mình càng cần phải ăn Tết lớn để con cháu có một ấn tượng rõ ràng về ngày Tết." Khi ấy, Hoàng Anh Tuấn vừa quỳ gối bày ly, chén trước mặt chúng tôi, vừa ngẩng lên nói với Trần Minh Quang: "Tối hôm qua mình ăn Tết nhà Thu Vân & Trần Nghi Hoàng. Hôm nay ăn Tết nhà Phương Trâm & Hoàng Anh Tuấn. Cả làng cứ vậy mà vui vẻ!" Trần Nghi Hoàng cao giọng hỏi: "Anh em biết là chúng mình đang ăn Tết kiểu gì không?" Tôi cười: "Thì kiểu Việt Nam chứ chẳng lẽ là kiểu Mỹ?" Trần Nghi Hoàng giải thích: "Thực ra chúng mình đang ăn Tết kiểu sắc tộc, nghĩa là hôm nay cả bọn kéo nhau đến nhà này, ngày mai kéo sang nhà khác mà ăn. Vòng vòng cho hết tháng Giêng mới gọi là hết Tết." Hoàng Anh Tuấn bật cười ha hả: "Gớm thật! Trần Nghi Hoàng lúc này ‘lậm sắc tộc’ kỹ quá nên đến cả việc ăn Tết cũng phải có tên gọi là kiểu Thượng hay kiểu Kinh!" Tìm cho mình một thế ngồi thoải mái xong, tôi quay đọc vu vơ cho Âu Cơ đang dựa bên cạnh nghe: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" Trần Minh Quang đọc tiếp: "Tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà" Hoàng Anh Tuấn góp luôn: "Tháng Tư thì đậu đã già Ta đi ta hái về nhà phơi khô." Bấy giờ đến lượt Trần Nghi Hoàng: "Tháng Năm đi tậu trâu bò"... Nhưng đến câu kế thì chàng "tịt" và mọi người chẳng ai nhớ nổi nên cùng nhìn nhau mà cười. Cuộc rượu bắt đầu. Trần Nghi Hoàng kể giữa mọi người: "Ngày hôm nay dạy học trò xong, ‘nàng’ xuống tiệm sách tâm sự với tôi rằng sao nghe hụt hẫng buồn bã trong lòng quá! Thoạt tiên gọi điện thoại đến anh Quang mời đi uống café, sau đổi ý đòi đến nhà anh Hoàng Anh Tuấn uống rượu." Hoàng Anh Tuấn bày tỏ: "Đôi khi không thể nói là mình không cần bạn. Con người vốn dĩ trơ trọi cô đơn trong vũ trụ. Càng cô đơn hơn với những tên nghệ sĩ như bọn mình." Tôi cười, thú nhận: "Nguyên nhân của sự bất an trong lòng em hôm nay là như thế này. Đêm qua tại cuộc rượu nhà em, khi bàn về chữ ‘độc’ trong văn chương hải ngoại, em có nghe anh Tuấn bảo: ‘Ở đây, về phái nữ, Hoàng Dược Thảo đang được xem là người có lối viết cay độc nhất. Nhưng đối với tôi, Trần Thị Bông Giấy độc hơn. Hoàng Dược Thảo tuy có độc nhưng cũng còn có tí châm biếm dí dỏm chen vào làm cho câu văn nhẹ bớt. Trần Thị Bông Giấy không như vậy. Thẳng thừng. Băng băng. Thế mới độc!'" Hoàng Anh Tuấn kêu lên: "Anh biết là Thu Vân khựng sau câu ấy. Đêm qua về anh nói ngay với chị Trâm điều nhận xét đó. Anh bảo, tâm hồn Thu Vân không độc, nhưng ngòi bút độc." Và anh gật đầu tiếp: "Những đau khổ quá nhiều mà em đã trải qua trong đời làm cho ngòi bút em có caractère là vì thế. Đâu phải ai cũng được cái may mắn đó. Ví dụ như một người làm thơ tình hay, là bởi vì hắn đã trải qua nhiều mối tình say đắm cũng như đau khổ. Chứ nếu một tên chẳng hề biết yêu là gì, nội cái chuyện đọc bài thơ tình sợ còn không có, nói chi đến việc làm hay, làm dở?" Tôi nhìn Hoàng Anh Tuấn. Trong cái nghĩa tri giao, hiểu nhau, đôi khi chỉ cần một câu nói cũng đủ. Tôi kể với anh: "Trần Nghi Hoàng đã từng nhận xét về em như đêm qua anh Tuấn nhận xét. Giả thử một người nào khác nếu được anh gán cho chữ ‘độc’ hẳn sẽ lấy làm đắc ý, bởi vì đó cũng là một biểu lộ cho sự thành công của ngòi bút. Nhưng với em, thẳng thắn mà nói, luôn luôn em muốn làm điều tốt, muốn nghĩ đến việc tốt và luôn luôn vẫn tin rằng không gì qua được đạo đức. Vậy mà ngòi bút phóng ra, tại sao lại hàm tính cách độc? Em không hiểu, nên bị dày vò suy nghĩ nhiều về sự kiện ấy." Trần Minh Quang nhận định: "Biết Thu Vân khá lâu, thấy có một đặc điểm là Thu Vân rất thành thật, y hệt một đứa trẻ!" Trần Nghi Hoàng tiếp ngay câu nói: "Anh Quang nói đúng! Với Thu Vân, mọi sự chỉ có hai mặt, trắng hoặc đen, chứ không thể lèng èng nửa đen nửa trắng. Ngòi bút xuất phát từ một phía đứng đã chọn, chân thành như một sự thật được biểu lộ mà con người thường có khuynh hướng chối bỏ. Chữ ‘độc’ chỉ là như vậy, không phải với cái nghĩa Thu Vân mang ác tính, muốn viết điều xấu để hại kẻ nào." Tôi xoay xoay ly rượu trong tay, trình bày tiếp: "Sự bất an trong tâm hồn em suốt ngày hôm nay cũng xuất phát từ một nguyên nhân khác. Đêm qua, khi bàn luận về phong trào No Hồ mới nổi dậy trong cộng đồng người Việt tại San Jose mấy lúc gần đây, nói về sự tranh đấu, Đằng Sơn có bảo em: 'Những người đầy đủ vật chất như chị đâu bao giờ muốn đấu tranh cho kẻ khác'. Câu ấy rõ ràng Đằng Sơn chỉ muốn ám chỉ đến khía cạnh vật chất, không có nghĩa gì quan trọng cả. Nhưng với em, hai chữ ‘đầy đủ’ đã gợi cho em một niềm khắc khoải bấy lâu vẫn núp ẩn trong lòng. Bây giờ bỗng dưng mà bảo rằng mình phải từ bỏ tất cả những cái gì mình tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt thì quả là vô lý. Nhưng giả thử trong tâm tư một người có một lý tưởng nào đó, nhất là lý tưởng về nhân loại, xã hội, thì vật chất cỡ nào cũng không nghĩa lý gì với người ấy, nói chi đến ba cái vật chất nhỏ mọn như em đang sở hữu. Vậy, nếu đặt cái nghĩa đầy đủ theo mặt vật chất thì có gì là quan trọng? Còn nói theo mặt tinh thần, thế nào mới thật là ‘đầy đủ’? Riêng em trả lời rằng không bao giờ em thấy đầy đủ cả. Bao giờ em cũng vẫn chỉ nhận ra sự tầm thường thiếu sót của nội tâm mình. Và đó chính là một trong những điều khắc khoải lớn nhất của em." Hoàng Anh Tuấn hỏi tôi, cách mai mỉa: "Đến bây giờ mà Thu Vân không biết rằng Đằng Sơn chỉ là con người khoái ‘nổ’ cái miệng cho hơn kẻ khác mà thật thì giá trị chẳng có mấy tí, thuyết thì nhiều nhưng hành lại chẳng có bao nhiêu, hay sao?" Trần Minh Quang phát biểu: "Con người ai cũng có cái hay cái dở. Đằng Sơn cũng vậy." Hoàng Anh Tuấn gật đầu: "Đúng! Nhưng nếu nói về lý tưởng, một người làm điều gì đó mà không cần ai biết đến, tôi chịu! Đằng Sơn không thuộc mẫu này. Hắn là type không thực sự có lý tưởng, nhưng những cái gì hắn làm từ trước đến nay thì cứ muốn khua chuông gõ mõ cho thật lớn để thiên hạ biết đến. Thời buổi này, thiếu gì những kẻ như vậy." Hoàng Anh Tuấn nói thêm: "Điểm tâm lý ấy, tôi nghĩ phát sinh từ mặc cảm thua kém của hắn mà ra." Rồi anh quay sang nói riêng với tôi: "Trần Quảng Nam ‘được’ Tôi bật cười: "Em sợ rằng không đồng ý với anh về điểm Trần Quảng Nam ‘được’ hơn Đằng Sơn! Trần Quảng Nam ‘bựa’ hơn, ‘play boy’ hơn thì đúng! Một mặt, trong ý nghĩ riêng, em nhận định rằng Trần Quảng Nam tự tin về chính mình hơn. Hắn không có sự cân nhắc tính toán về đối tượng giao thiệp, không cần biết người kia là ai, có nổi danh hay không, như Đằng Sơn đã có. Tuy nhiên cũng trên mặt khác, ví dụ mặt tình yêu hay gia đình, em tin rằng Đằng Sơn có ý thức trách nhiệm và đạo đức hơn Trần Quảng Nam..." Trần Nghi Hoàng cũng cười: "Đằng Sơn là người có bản chất rất tốt. Bảo rằng hắn có lý tưởng thì không hẳn sai. Chỉ có điều, theo tôi nhận xét, Đằng Sơn chưa có sự trưởng thành trong cái gọi là lý tưởng của hắn." Với vẻ mặt nghiêm trang và quan trọng một cách bất ngờ, Trần Minh Quang nhìn thẳng Trần Nghi Hoàng, gằn giọng: "Nếu anh nói như vậy thì tôi xin trình bày điều này: tôi biết anh đã 14 năm, có nhiều giai đoạn tôi thấy anh cũng rất tầm thường, không ra làm sao cả!" Trần Nghi Hoàng kêu to: "Tôi tầm thường chứ! Đâu bao giờ tôi chối nhận điều ấy? Bây giờ tôi cũng vẫn tầm thường mà!" Giọng nói Trần Minh Quang nhuốm phần hằn học: "Anh có muốn tôi nêu lên những cái tầm thường của anh không?" Trần Nghi Hoàng càng cao giọng: "Thì nêu! Tôi có việc gì đâu mà phải sợ!" Đột nhiên, tôi cảm được cái ý hiềm khích nào đó của Trần Minh Quang về Trần Nghi Hoàng. Từ khi mới đi vào đời Trần Nghi Hoàng, tôi đã ghi nhận rõ rệt sự quý trọng của chàng dành cho Trần Minh Quang mà chàng giao thiệp thân tình từ rất lâu trước khi gặp tôi. Tuy nhiên, qua nhiều ngày tháng, một điều tôi phải viết rằng, trên nhiều mặt của hai chữ "tình bạn" Trần Nghi Hoàng thường tỏ ra thân quí, năm năm chung sống đã cho tôi cảm biết được sự không may của chàng trên khía cạnh này. Chàng không có bạn thân. Đúng hơn, chàng không có "tay" giao thiệp với bạn chí tình, tâm huyết. Đại đa số lớp bạn chung quanh chàng hầu như chỉ đáng gọi là "bè" chứ không phải "bạn". Nghĩa là, nếu chàng "giống" họ thì được, bằng "khác" họ, nhất là khác trên chiều hướng "nổi bật hơn, độc đáo hơn", chàng sẽ bị loại trừ, hiềm khích ngay. Hoàng Anh Tuấn cả cười: "Thằng nào bảo mình ghê tức là thằng ấy dở nhất. Nếu có ghê thật, nên để trong lòng, đừng gào to cho mọi người biết." Tôi tiếp ngay câu nói: "Thực ra Trần Nghi Hoàng rất tầm thường, tôi cũng rất tầm thường, mọi người đều tầm thường. Nhưng tất cả đều phải sống nhờ vào cái tầm thường ấy." Khuôn mặt Trần Minh Quang vẫn chưa hết bực bội: "Con người ta ai cũng có nhiều giai đoạn. Có những giai đoạn rất hay và cũng có những giai đoạn rất dở." Tôi cười: "Tôi đồng ý với anh Quang điều ấy. Nhưng riêng Trần Nghi Hoàng, tôi thấy lúc nào cũng dở, bởi vì Trần Nghi Hoàng không biết khai thác sở trường, chỉ dùng sở đoản. Sở đoản của Trần Nghi Hoàng chính là sự thích nói thật những cái gì xấu xa mà thiên hạ ưa che giấu. Nôm na là thích phê bình những điều trái tai gai mắt mà thiên hạ cố tình lờ đi!" Trần Nghi Hoàng lắc đầu nói với tôi: "Bố đâu có phê bình ai? Bố chỉ đưa ra những nhận xét của riêng bố. Điều ấy có thể sai và có thể đúng. Chỉ khác là khi nói lên nhận xét, bố cố gắng nói cho chính xác càng nhiều phần trăm sự thật càng hay." Từ dưới bếp, Phương Trâm mang lên thêm những dĩa thức ăn. Tôi ái ngại nói cùng chị: "Bọn em đến đây chơi với anh chị mà chị cứ lúc tha lúc thúc mãi dưới ấy, tội quá!" Phương Trâm cười: "Thu Vân đừng lo! Mình không biết uống rượu, làm món mồi để các anh chị nhậu cũng vui!" Tôi thích cái cười biểu lộ một tâm tư rộng rãi của chị. Dáng dấp Phương Trâm nhỏ nhắn, gầy mỏng, khuôn mặt còn nhiều nét son trẻ. Chị không thuộc type phụ nữ thoạt nhìn người ta đã thấy ngay được sự cảm mến. Nhưng càng giao thiệp càng thấy quí tấm lòng cởi mở, bộc trực của chị. Đó là mẫu đàn bà của một nghệ sĩ. Một người vợ biết và hiểu được qui luật "buông để mà nắm" đối với chồng, nhất là người chồng kỳ hồ lang bạt như Hoàng Anh Tuấn. Trên khía cạnh này, tôi tự thấy mình thua xa chị. Và cũng vì lẽ đó mà tình cảm mến cho chị ngày một nảy nở trong tôi. Hoàng Anh Tuấn đưa chai rượu về phía tôi. Tôi cảm ơn anh và nói: "Ngày hôm nay em thấy tâm hồn bất an khủng khiếp. Lâu lắm rồi, em mới bị như vậy." Trần Nghi Hoàng nhận định: "Anh Tuấn biết Thu Vân là con người rất kiêu ngạo với những nỗi khổ tâm riêng. Vậy mà hôm nay gọi đến anh chị, phải kể là Thu Vân quí anh chị lắm." Tôi gật: "Đúng vậy. Có những ân tình cả đời em không quên được. Ân tình của anh Tuấn đối với em và Trần Nghi Hoàng chính là trong những ngày cơ hàn nhất của bọn em, anh vẫn thường điện thoại đến hỏi thăm xem có đủ tiền mua sữa cho Âu Cơ hay không. Một lẽ khác, từ anh, em học được những điều giá trị. Anh đi trước, thấy nhiều hiểu rộng, nhưng thay vì trịch thượng lên mặt kẻ cả như hầu hết các văn nghệ sĩ Việt Nam thuộc thế hệ già, anh lại tỏ ra thân tình đồng điệu. Em quí anh vì hai lẽ đó." Hoàng Anh Tuấn cả cười: "Thu Vân làm anh tự dưng thấy mình quan trọng hẳn. Mình chơi với nhau bằng tấm tình chân thật thì mới bền. Cái bọn nghệ sĩ nhiều tên cũng điếm lắm! Nhưng điếm gì thì điếm, chẳng thể nào qua được với tấm lòng chân thật đâu em." Tôi bày tỏ: "Đúng vậy anh ạ! Thời đại nào cũng có rất nhiều kẻ khôn. Mình chẳng nên tự hào là kẻ đi trước để lên mặt cho rằng tất cả mọi kẻ đi sau đều chẳng ai bằng mình cả." Hoàng Anh Tuấn dáng người vừa tầm, khuôn mặt nhiều nét độc đáo. Anh có cái lối vừa cầm ly rượu trên tay, vừa trò chuyện, thỉnh thoảng nhấp từng ngụm nhỏ và gần như ăn rất ít. Giọng nói anh trầm trầm, cách nói dễ dãi. Tuy nhiên, đàng sau những bề ngoài ấm áp ấy, tôi mường tượng một nỗi cô đơn và không toại ý trong sâu thẳm trái tim anh. Dù rằng anh vẫn thường nói với tôi: "Bây giờ đã sáu mươi tuổi, anh mới thấy mọi sự trên đời không có gì là quan trọng. Tất cả đối với anh đều lạnh!", nhưng tôi vẫn không tin rằng anh "hoàn toàn lạnh". Cái tâm tư nghệ sĩ vẫn còn biết rung động vì những điều tai nghe mắt thấy và nụ cười anh lắm khi rõ ràng cay đắng xót xa. Tuy nhiên, anh biết dằn xuống mọi chuyện, không xốc nổi nữa như trong thời tuổi trẻ. Sự kiện về cái phản ứng trầm tĩnh của anh trước mặt người đàn ông đòi bắn anh trong một buổi ra mắt sách của nữ văn sĩ Hoàng Thị Đáo Tiệp ở San Jose đã là một chứng minh cụ thể. Ở lớp sáu mươi hoặc già hơn nữa, nhiều người vẫn còn cầu danh hám lợi. Riêng anh chọn thái độ sống tàng tàng, ai biết thì biết, không cũng chẳng cần, anh vẫn là Hoàng Anh Tuấn! Bên cạnh tôi, tiếng Trần Nghi Hoàng vang lên: "Đêm qua, trên đường chở Trần Ngọc Phong, tức Phong râu, đến nhà tôi uống rượu, tôi có nói với anh ấy: 'Trong ba người cùng tên Phong ở Dalat năm xưa gặp lại tại đây, tôi thấy Thu Vân chỉ tỏ ra quí anh và Phong 302. Còn Hoàng Khởi Phong thì rõ ràng là Thu Vân coi thường dù rằng nếu có dịp, vẫn giao thiệp và trò chuyện', tức thì Phong Râu đáp ngay: 'Tôi biết tại sao Thu Vân coi thường Hoàng Khởi Phong. Bởi vì Hoàng Khởi Phong ham danh mà để lộ ra ngoài quá!...'" Mọi người trong chiếu rượu chờ nghe đoạn kế. Trần Nghi Hoàng kể: "Tôi nói với Phong Râu: 'Thực ra, danh thì thằng nào mà chẳng ham...'" Hoàng Anh Tuấn ngắt lời: "Đúng, nhưng đừng tỏ ra lố bịch!" Trần Nghi Hoàng tiếp: "...'chính tôi cũng vậy. Nhưng mà tôi chọn cái danh phải ngon, tự mình tạo ra nó chứ chẳng cần nhờ ai tạo cả. Không thì thôi! Hoàng Khởi Phong bị cái khuyết điểm là thích chơi với người nổi tiếng, ưa viết bài khen người nổi tiếng để được người nổi tiếng viết bài khen lại'. Và đêm qua, cũng chính Phong Râu xác nhận điều ấy không phải chỉ ở đây, mà từ Việt Nam, Hoàng Khởi Phong đã có." Tôi cười: "Anh Phong Râu đã từng chứng kiến vụ này của em: Năm xưa ở Dalat có anh chàng tên Thanh Trang. Anh này là tác giả bài hát nổi tiếng Duyên Thề, khi ấy mới du học ở Mỹ về với cái bằng Master kinh tế hay gì gì mà em không rõ, lại đang là Trung úy huấn luyện viên trường Võ Bị Dalat. Năm đó em 23 tuổi. Sở dĩ biết Thanh Trang là bởi vì anh ta thuê tầng lầu trên ngôi biệt thự của bà chị cả em, sát ngay hồ Than Thở. Một lần em lên Dalat chơi, ở lại nhà bà chị, Thanh Trang gặp, tỏ ra ve vãn, nhưng em thẳng thắn cự tuyệt. Từ khi ấy anh ta vì xấu hổ mà đâm ra ‘thù’, hễ có dịp là cứ tìm cách xỉa xói em. Một bữa tại nhà Phong Râu, trong cuộc trò chuyện nhiều người, Thanh Trang chỉ thẳng mặt em mà nói: ‘Cô này đúng là một thứ Thúy Kiều!'’ Em hơi khựng, hỏi lại Thanh Trang: ‘Anh bảo tôi là một thứ Thúy Kiều, điểm nào dẫn chứng?’ Thanh Trang trả lời: ‘Thúy Kiều nửa đêm dám phá rào qua tình tự với Kim Trọng vườn bên cạnh. Cô cũng từng bẻ ổ khóa vào nhà, chứng tỏ là một con người dám đạp lên mọi luân lý đạo đức để tiến tới mục đích riêng.’ Khi ấy, em thấy nổi giận ngay vì sự lý luận quái đản của anh ta. Em hỏi Thanh Trang: ‘Có phải anh muốn nói đến cái lần anh đứng trên lầu chứng kiến việc tôi bẻ khóa vào nhà bà chị? Vậy tôi hỏi anh, chiều hôm đó, đi cùng hai đứa học trò từ Sàigòn lên Dalat, đến nhà mới hay rằng bà chị cũng từ Dalat về Sàigòn trong cùng ngày, mang theo chìa khóa, anh bảo tôi phải làm gì? Chẳng lẽ anh muốn tôi ngu ngốc chịu đứng ngoài vườn lạnh lẽo cả tháng trời để chờ bà chị về mở cửa? Còn mục đích vào nhà để ăn trộm, làm chuyện bậy bạ, hay vào để khỏi bị lạnh, để sống bình thường (vì đó là nhà chị ruột tôi, tôi đã từng nhiều lần ở lại), anh há chẳng phân biệt được hay sao? Tôi ngạc nhiên vì cái cấp bằng đại học của anh đó!' Trước nay Thanh Trang đã quen lối câng câng cáo cáo, khắp Dalat đều biết. Anh ta không ngờ em phản ứng dữ quá nên cứ đứng ngẩn ra. Em lại bồi tiếp: ‘Anh đã ví tôi vô đạo đức như Thúy Kiều, vậy xin hỏi, còn anh thế nào? Trong khi biết bao người cỡ tuổi anh, có khi trẻ hơn, ở lại quê nhà đi lính, đánh giặc, chết bỏ, thì anh may mắn nhờ gia đình có tiền chạy chọt đút lót sao đó mà du học Mỹ, lấy được cái bằng Master đem về, tưởng là ngon, đi đâu cũng khoe ầm lên, ra cái điều hãnh diện lắm. Thậm chí lần đầu gặp tôi tại nhà bà chị, anh cũng đem cái bằng Master ra mà khoe! Ừ, thì anh là bạn chị tôi, xem tôi như em út trong nhà, khoe cũng được đi. Nhưng tôi hỏi anh, đám học trò Quốc Gia Nghĩa Tử, con nít mới lớn như Trần Quảng Nam, Mai Viết Khánh lên Dalat thăm tôi, lần đầu anh biết họ, tại sao anh cũng vội vàng mời họ lên phòng với mục đích trưng ra cái bằng Master cho họ thấy? Có phải là lố bịch không?’ Rồi em kết luận với Thanh Trang: ‘Anh lớn hơn tôi có lẽ ngoài chục tuổi, tôi xin bảo anh điều này: trước khi mình muốn chửi người khác thì phải nhìn lại xem mình có ngon không đã rồi hãy chửi!’ Thanh Trang ngồi im không cãi được với em một chữ. Còn anh Phong Râu và các anh khác, toàn là giáo sư huấn luyện viên trường đại học Chiến Tranh Chính Trị, nín cười quay mặt chỗ khác. Ngày hôm sau gặp em tại nhà hàng Mékong, Phong Râu nói: ‘Cho đáng đời cái thằng ấy. Nó vẫn quen thói coi trời bằng vung! Đêm qua anh phải giả vờ đi uống nước để khỏi phải nhìn cái mặt thộn dài ra của nó!'" Sau câu chuyện kể của tôi, cả chiếu rượu ồ lên cười khoái trá. Hoàng Anh Tuấn quay sang Trần Minh Quang, gật gật: "Nếu dùng theo ngôn ngữ Việt Nam thì quả thật Thu Vân là con người đáo để!" Trần Minh Quang đồng ý: "Ừ đúng! Chữ ‘đáo để’ dùng rất hay trong trường hợp này!" Hoàng Anh Tuấn nhìn về phía tôi: "Nếu bây giờ có thằng nào nó bảo em là một thứ Thúy Kiều, phải chăng em sẽ cười vào mũi nó mà nghĩ: ‘Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, cỡ như anh đã chắc gì được tôi nhìn nhỏi đến?’ Nhưng ngày đó, mới 23 tuổi, nghe câu ấy, phản ứng em đơn giản: ‘Tao đàng hoàng mà mày bảo tao Thúy Kiều thì tao phải hạ mày cho mày biết!’. Khác nhau chỉ là vấn đề tuổi tác. Như anh bây giờ, gặp cái thằng bằng mình mà nó đòi hơn, anh mặc kệ. Đến như cái thằng thua xa mình cả chục bậc, đòi hơn, anh lại càng mặc kệ! Việc gì mà mình tức với nó? Mình có đủ bản lãnh để chấp nhận sự im lặng." Tôi tiếp ngay câu nói Hoàng Anh Tuấn: "Và im lặng cũng chính là một hình thức biểu tỏ sự khinh bỉ!" Trần Nghi Hoàng bình phẩm trong một cái cười nhẹ: "Con người đã từng đáo để từ năm 23 tuổi, vậy mà bây giờ có lúc lại dễ dàng xao động vì chỉ một câu nói bình thường nào đó, kể cũng lạ!" Hoàng Anh Tuấn nhìn tôi an ủi: "Thu Vân hãy cứ nên nghĩ rằng mình đang được thụ hưởng tất cả những cái gì xảy ra trong đời sống. Việc mình làm, cứ làm, nhưng đừng xem những lời phẩm bình của bất cứ ai là quan trọng. Nên nhìn mọi sự như trò đùa, như cỏ rác, Thu Vân sẽ thấy thú vị lắm!" Tôi cười: "Em cảm ơn anh Tuấn. Khi ở lớp tuổi hai mươi, gặp câu chuyện kiểu Thanh Trang, ‘máu du côn’ của em dễ dàng nổi dậy. Bây giờ ở lớp bốn mươi, nghe anh bảo em có ngòi bút ‘độc’, cả đêm em tự dày vò suy nghĩ. Vậy thì khi sáu mươi như anh hiện tại, em mong rằng mình sẽ nhìn mọi sự trong đời với đôi mắt hiền lành nhẹ nhõm. Muốn đạt được điều ấy, từ bây giờ em phải cố lòng luyện tập ‘công phu chịu đựng’, phải không anh?" Chú thích:(°) Xin đọc bài "Điểm Một Bài Điểm Sách" của ông Nhật Viên, đăng trên Thế Kỷ 21 số 29 tháng 9/1991 trong mục Trao Đổi, một bài viết 'bình tĩnh', - chữ của ông Hoàng Thụy An - khách quan và đứng đắn.