Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose. Tiếng còi xe cứu thương rít lên từ xa như một hồi chuông báo tử rồi tắt dần trong đêm tối. Tôi nghe xôn xao trong dạ. Thành phố này, ngày cũng như đêm, luôn luôn con người vẫn chực chờ những điều không bình lặng. Một phát súng nổ, một cú điện thoại xa lạ, một hồi còi báo động, một tiếng kêu cứu... cái gì cũng có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào và ở bất cứ nơi đâu. Hai câu thơ Trần Nghi Hoàng cứ trở đi trở lại trong óc: "Giấc ngủ xứ người không tiếng nổ Mà sao ta cứ giật mình luôn?..." Ngoài ngã tư Số Hai & William không còn bóng dáng cô gái giang hồ nào nữa. Nơi bàn viết, tiếng gõ từ 10 ngón tay Trần Nghi Hoàng trên hàng phím computer nghe đều đều như một điệp khúc buồn vang vọng giữa khuya. Phải rồi, cái không gian tĩnh lặng này, mỗi đêm tôi thường quen thuộc. Vậy mà đêm nay, sao lạ kỳ một nỗi, sự bất an gây nên từ tiếng còi xe cứu thương vẫn cứ còn vây khốn tâm tư? San Jose . Tháng 8/1991. Một buổi tối... Đợi cho đứa học trò cuối cùng của tôi đứng lên khỏi ghế đàn dương cầm, Trần Nghi Hoàng nói:
"Bố biết em không có thì giờ rảnh để theo dõi báo chí Việt ngữ, nhưng lần này có bài hay lắm, em nên biết."
Tôi hỏi chuyện liên quan tới ai? Chàng chìa cho tôi thấy tờ tạp chí Thế Kỷ 21 số 28, tháng 8/1991 với trang báo đã lật sẵn, và nói:
"Bài này Như Hạnh–Hoàng Thụy An viết quất Vũ Thế Ngọc tơi tả! Để bố đọc em nghe."
Rồi chàng đọc rõ ràng từ đầu đến cuối bài Điểm Sách với cái tựa
Đọc Bồ Đề Đạt Ma Tuyệt Quán Luận Của Vũ Thế Ngọc, ký tên Hoàng Thụy An.
Dứt văn bản, Trần Nghi Hoàng phê bình:
"Vũ Thế Ngọc bị cú này nặng thiệt nhưng mà cũng đáng lắm! Hắn có cái tật cẩu thả, làm việc gì cũng cẩu thả. Nhiều lần bố nhắc nhở hắn sửa cho kỹ các bài viết mà hắn chẳng chịu nghe, chứng nào tật nấy!"
[Tôi biết Vũ Thế Ngọc kể từ ngày làm vợ Trần Nghi Hoàng. Sự giao thiệp giữa anh và Trần Nghi Hoàng được xếp vào hàng thân, nhưng mức độ quen biết giữa anh với tôi thì vẫn luôn luôn xã giao xa cách. Vẻ bề ngoài khinh khỉnh và những câu nói vô tình mà tôi nhiều lần nghe anh tỏ bày về phụ nữ qua các cuộc chuyện trò với Trần Nghi Hoàng, đã tạo cho tôi cảm nghĩ rằng anh rất xem thường đàn bà. Tuy nhiên, cũng nhiều lần, tôi nghe Trần Nghi Hoàng kể:
"Vũ Thế Ngọc từng nói với anh Nguyễn Công Hoan rằng, Trần Nghi Hoàng may vì gặp cô vợ hiểu thấu được tâm tư mình. Chứ nhiều người đàn ông trên xứ Mỹ, thất nghiệp chừng hai tháng là vợ đuổi ra khỏi nhà ngay, nói gì đến chuyện cảm thông tâm tư, hoài bão..."]
Tôi nhìn Trần Nghi Hoàng, thấy chàng thở dài:
"Bố thương Vũ Thế Ngọc lắm chứ. Hắn là một tên chơi với bạn rất có tình. Bề ngoài hắn trông khệnh khạng như vậy mà tấm lòng rất ‘được’, đặc biệt là đối với bố. Nhưng về mặt viết lách thì hắn ẩu quá, can không nổi, bây giờ lãnh ‘cái búa’ cũng đáng!"
Trong lối nói của Trần Nghi Hoàng về anh, tôi cảm nhận rõ rệt tính chất vừa giận vừa thương.
[Tuy rằng giữa tôi với Vũ Thế Ngọc, sự giao thiệp chỉ giới hạn trên cương vị hời hợt lịch sự, nhưng những cái gì anh từng "làm" cho tôi và Trần Nghi Hoàng, tôi nhớ rất rõ. Dạo mới thành hôn, hai chúng tôi sống trong cảnh
"nghèo khủng khiếp", Vũ Thế Ngọc là người vẫn thường xuyên lui tới viếng thăm. Một lần, chúng tôi kẹt tiền nhà, 11 giờ đêm, chính tay anh đem đến giúp 100 đồng ngày hôm sau nộp cho bà chủ. Nhiều lần, khi Âu Cơ bệnh, cũng chỉ anh (và Hoàng Anh Tuấn) là hai người bạn điện thoại đến hỏi thăm rất ân cần. Thời gian Trần Nghi Hoàng làm thư ký đánh máy cho tờ nhật báo Đông Nam Á, nhân bài viết của tôi về Đào Văn Bình, một trận bút chiến được Đào Văn Bình mở ra nhằm chống lại cá nhân tôi, đăng nhiều ngày trên báo ấy. Dịp này, cũng chính Vũ Thế Ngọc là người đầu tiên tự ý
"đứng về phía" tôi để viết bài công kích lại nhóm Đào Văn Bình. Những việc như vậy, đối với ai khác có lẽ chỉ bình thường, nhưng với tôi, chúng mang một ý nghĩa rất cao, nhất là ngay trên xứ Mỹ, con người thường có thói quen định giá trị bằng bề ngoài vật chất và bỏ lơ bao chuyện ân tình].
Tôi nghe Trần Nghi Hoàng nói:
"Vũ Thế Ngọc và Như Hạnh–Hoàng Thụy An đều là bạn bố. Về sở học chuyên môn, Hoàng Thụy An cao hơn Vũ Thế Ngọc, nhưng về chuyện giao thiệp vì Vũ Thế Ngọc ‘biết người biết ta’ hơn Như Hạnh rất nhiều. Như Hạnh là anh chàng tính toán quá kỹ, lại luôn tính phần lợi cho mình mà không màng đến sự thua thiệt của kẻ khác."
Tôi bày tỏ:
"Con người hơn kém nhau ở cái đạo đức, chứ còn giỏi thì người xưa đã nói
‘cao nhân tất hữu cao nhân trị’ mà!"
Trần Nghi Hoàng gật:
"Nếu xét về mặt quen biết lâu năm, giữa bố và Như Hạnh có điều này nhiều hơn với Vũ Thế Ngọc. Nhưng nếu xét về nghĩa khí giang hồ trong tình người và tình bằng hữu thì theo bố, Vũ Thế Ngọc đáng được nghĩ tới mà không phải là Như Hạnh. Chính vì điều đó nên dẫu rằng thân với cả hai, lòng riêng bố vẫn có phần nặng hơn cho Vũ Thế Ngọc."
Trần Nghi Hoàng tiếp:
"Bài viết đăng trên tờ Thế Kỷ 21 của Như Hạnh-Hoàng Thụy An đúng là một bài chửi rủa mạt sát Vũ Thế Ngọc theo kiểu hàng tôm hàng cá! Nhưng biết đâu nhờ cú này mà Vũ Thế Ngọc ‘tỉnh táo’ hơn. Em không biết Vũ Thế Ngọc đâu. Hắn rất dễ thương, nhưng phải chơi lâu mới thấy điều ấy. Còn thoạt gặp, dễ ‘nực’ hắn lắm. Trong việc viết lách, đã cẩu thả thì chớ, lại còn cái tật ưa ‘nổ’, tỏ ra mình là tay biết nhiều hiểu rộng, thêm cái tánh ưa nói ngang, trong đám đông ai bảo có thì hắn phải bảo không, ai bảo không thì hắn ưa bảo có!"
Bỗng dưng, Trần Nghi Hoàng bật cười, lúc đầu nhỏ, sau càng lúc càng lớn. Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao. Dứt cơn cười, chàng giải thích:
"Để bố chứng minh cho em nghe về cái tật ưa khoái tỏ ra hiểu biết hơn người của Vũ Thế Ngọc. Một lần đã lâu, trên nhà Từ Hiếu Côn có cuộc nhậu gồm Vũ Thế Ngọc, Trần Lam Giang, bố, Từ Hiếu Côn và vài ba người nữa. Câu chuyện vòng vòng một hồi xong đưa đến đề tài con cọp. Mỗi người đều nêu lên những huyền thoại hay hiểu biết riêng về cọp. Sau cùng tất cả (trừ Vũ Thế Ngọc ngồi im không nói) đều đồng ý với dữ kiện nước miếng cọp rất độc, những mụt măng rừng lỡ đã dính nước miếng cọp, người dân núi hái về ăn, có thể chết. Vũ Thế Ngọc lúc ấy tỉnh bơ nói:
‘Tôi đã có thử bằng cách lấy râu cọp cắm vào một mụt măng để cho thúi, rồi đem nấu lên, ăn, thấy có chết gì đâu!’ Lúc đó, mới quen Vũ Thế Ngọc, chưa hiểu tính hắn, nên bố bực.
Tự nhiên bố thấy thích ‘đâm hơi’, bèn cắt ngang câu chuyện cọp mà kể qua chuyện khác. Bố nói giữa mọi người:
Hồi tôi còn ở Santa Barbara, có quen một thằng nhỏ tên Dũng, biệt danh Dũng nổ. Năm ấy Dũng nổ mới 17 tuổi mà cái gì nó cũng nói là đã biết hết. Đi lính thì nói là từng đi Nhảy Dù 5 năm, Thủy Quân Lục Chiến 5 năm, Biệt Động Quân 5 năm. Lại còn đi buôn lậu 5 năm ở Lào nữa chứ!... Nghĩa là, nếu để làm tất cả mọi chuyện đó, Dũng nổ phải mất đến ba lần số tuổi 17 của nó khi ấy mới đúng. Một bữa ngồi với nhau, Dũng nổ vẫn ‘bổn cũ soạn lại’. Đám bạn bè quen thì tất cả đã biết tánh nó nên chẳng ai buồn sửa lưng. Nhưng bữa đó có thằng mới, tên Vọi. Thằng Vọi này ngày xưa từng là Thủy Quân Lục Chiến thứ thiệt, ai cũng biết, bèn quay sang hỏi Dũng nổ: ‘Ê! Hồi đó đi Biệt Động Quân, mày có dự trận Hạ Lào không?’ Dũng nổ đáp ngay: ‘Có chứ!’ Thằng Vọi hỏi tiếp: ‘Vậy, chắc mày có đóng ở làng Lèo Tôn?’ Thằng kia làm ra vẻ bất cần: ‘Ối! Tưởng gì chứ làng Lèo Tôn thì tao rành lắm. Tao đóng ở đó cả năm trong lúc trận đánh đang diễn ra hăng nhất!’ Rồi Dũng nổ hỏi thằng Vọi: ‘Ủa, mà sao mày biết làng Lèo Tôn? Bộ mày cũng đóng đó sao?’ Thằng Vọi thản nhiên trả lời: ‘Không! Tao làm gì dám đóng ở đó. Lèo Tôn là cái làng chỉ dành riêng cho mày đóng thôi!’ Lúc đó cả bọn đều cười ồ, rũ ra mà cười, lăn lộn mà cười, còn thằng Dũng nổ không biết có hiểu không, cũng ngây mặt cười theo... Khi bố kể dứt câu chuyện Lèo Tôn của thằng Dũng nổ, cả đám Từ Hiếu Côn, Trần Lam Giang, Vũ Thế Ngọc đột nhiên có một phút im lặng rất ư là mặc niệm. Khuôn mặt Vũ Thế Ngọc hơi sượng một chút, nhưng lại thấy tỉnh bơ ngay."
Tôi cũng rũ ra cười theo câu chuyện kể của Trần Nghi Hoàng. Xong, nói:
"Em công nhận Vũ Thế Ngọc viết cẩu thả sơ hở thật, nhất là trên lãnh vực nghiên cứu, người viết cần phải có một tầm hiểu biết rộng và công phu tìm tòi kỹ lưỡng về vấn đề đang chọn trước khi cho ra đời tác phẩm. Vũ Thế Ngọc chưa đạt đúng mức định giá như vậy."
Trần Nghi Hoàng tiếp lời ngay:
"Đúng! Nhưng bài viết của Như Hạnh cũng bết quá! Để phê bình bài người khác mà hắn dùng toàn những danh từ thô lỗ cục cằn thì có khác nào vạch cho thiên hạ thấy sự thấp kém, thiếu tự trọng của hắn. Cái lối viết của Như Hạnh làm cho người đọc mang cảm giác là giữa Như Hạnh và Vũ Thế Ngọc có thù hằn gì nhau, chứ không phải là một bài phê bình đứng đắn về một tác phẩm chữ nghĩa."
Chàng gật:
"Bố rất hiểu Như Hạnh, cái ưu và khuyết của hắn, bố nắm rất rõ. Nhưng đã lỡ là bạn hắn, dẫu bất bình giùm cho một thằng bạn khác, bố cũng khó lòng ‘quất’ Như Hạnh mà không bị mang tiếng là bất nghĩa."
Tôi bật nói:
"Nếu em là đàn ông, có lẽ em sẽ tìm Như Hạnh, đánh một trận cho bỏ cái tật kiêu ngạo!"
Trần Nghi Hoàng cười:
"Cần gì đàn ông! Em là đàn bà, đánh mới đã!"
"Nghĩa là sao?"
"Nghĩa là em viết bài dạy dỗ hắn, cho hắn biết rằng trên đời không phải chỉ mình hắn mới có khả năng dạy dỗ kẻ khác, như hắn đã dạy dỗ Vũ Thế Ngọc trong bài viết."
Và Trần Nghi Hoàng tiếp:
"Cao nhân tất hữu cao nhân trị mà!"
Với tôi, Trần Nghi Hoàng có điểm đáng yêu là chàng tỏ ra rất trân trọng và tin tưởng khả năng viết lách của tôi, dù rằng luôn luôn tôi vẫn minh định với chàng, không bao giờ tôi dám nghĩ mình là
"một tay viết." [Một lần trong câu chuyện luận bàn về văn chương, tôi nói:
"Một nhà văn phải là người có đam mê dữ dội trong việc viết lách, phải có khí phách, phải biết trân trọng để đừng bẻ cong cây bút, phải có tác phẩm và nhất là tác phẩm phải chuyên chở được đến cho độc giả những giá trị nào đó về con người và đời sống." Vì vậy, hai chữ "
nhà văn" với ý nghĩa rất lớn, tôi không dám mơ tưởng đến.]
Tôi nói với Trần Nghi Hoàng:
"Trong đời, em vẫn chủ trương
phù suy chứ
không phù thịnh. Bố có đồng ý cho em viết bài phê bình lại bài điểm sách của Như Hạnh–Hoàng Thụy An không?"
Trần Nghi Hoàng kêu lên:
"Sao lại không? Chính bố đề nghị với em như vậy mà!"
Nói là làm, chàng đem một xấp giấy trắng đến đặt lên bàn viết tôi, bày tỏ:
"Như Hạnh là tên cực kỳ kiêu ngạo. Luôn luôn hắn cho mình là tay giỏi nhất trên đời. Trong các câu chuyện với bố, hắn thường tỏ vẻ miệt thị khinh thường trình độ kém cỏi của những nhà viết nghiên cứu người Việt Nam. Điểm kiêu ngạo của hắn, theo bố, một phần hắn có giỏi thật, nhưng phần lớn còn lại là do giới tu sĩ Phật giáo và giới viết lách miền Nam Cali đã tâng bốc cái bằng Tiến sĩ Phật giáo đại học Harvard của hắn một cách quá đáng. Lần này hắn bị đàn bà đánh thì mới gọi là chuyện ‘nực cười hi hữu’. Nhưng hắn là phải vậy. Phải có người cho hắn thấy hắn còn tầm thường lắm, học nhiều kiếp nữa mới mong đạt được cái độ
‘học giả thật sự‘ mà hắn thường thậm xưng."
Vậy là bài biết
Thử Đọc Một Đoạn Trong Một Bài Gọi Là ‘Nghiên Cứu’ Của Ông Như Hạnh–Hoàng Thụy An, ký tên Trần Thị Bông Giấy, ra đời.
Thoạt tiên, bài này được Trần Nghi Hoàng gửi cho báo Thế Kỷ 21, đúng cách "đáp lời" bài viết của Hoàng Thụy An đã đăng trên tờ tạp chí ấy, nhưng Nguyễn Xuân Hoàng, tổng thư ký Thế Kỷ 21 từ chối đăng, thành ra Trần Nghi Hoàng rút về đăng trên Văn Uyển Bộ Mới, Số Mùa Đông 1991 do chính chàng và tôi chủ trương.
°
*
THỬ ĐỌC MỘT ĐOẠN TRONG MỘT BÀI GỌI LÀ
"NGHIÊN CỨU" CỦA ÔNG NHƯ HẠNH-
HOÀNG THỤY AN
LỜI TÁC GIẢ:
Mục đích của bài viết này rất minh bạch, không nhằm bênh vực ông Vũ Thế Ngọc từ sau sự tấn công bởi bài điểm sách Đọc Bồ Đề Đạt Ma Tuyệt Quán Luận Của Vũ Thế Ngọc do ông Hoàng Thụy An (tức Như Hạnh) viết và đăng trên Thế Kỷ 21 số 28, tháng 8/1991. Nhưng bởi vì nhận thấy rằng tư cách, văn phong và ngay cả sự hiểu biết về Phật Giáo của ông Như Hạnh–Hoàng Thụy An cũng có nhiều điều cần phải được phê bình, nên bài sau đây mới được viết ra. Với một người có kiến thức a, b, c về Phật giáo như tôi mà cũng đã nhìn thấy những sơ hở của ông Như Hạnh-Hoàng Thụy An trong vấn đề Phật giáo, nói gì đến các bậc thức giả hiểu biết sâu xa, làm sao có thể bị mê muội bởi những hào nhoáng của bằng cấp mà ông Như Hạnh-Hoàng Thụy An thường đưa ra để lòe người khác? Bài này thoạt tiên được gửi cho tạp chí Thế Kỷ 21, nhưng đã bị từ chối không đăng, dù rằng ông Nguyễn Xuân Hoàng, tổng thư ký của tạp chí Thế Kỷ 21 đã xác nhận qua điện thoại với Trần Nghi Hoàng rằng "...bài viết rất hay, nhất là đoạn nói về Vinitaruci. Nhưng bởi vì chúng tôi đã thương lượng với ông Như Hạnh-Hoàng Thụy An để nhờ ông này giúp cho vài việc trong vấn đề dịch thuật, vì vậy, khi đăng bài viết của ông Nhật Viên (Thế Kỷ 21 số 29 tháng 9/1991) đã là một điều sứt mẻ đối với ông Như Hạnh-Hoàng Thụy An rồi, dù rằng ban biên tập đã cắt đi rất nhiều đoạn trong bài ấy. Bây giờ nếu đăng thêm bài của chị Trần Thị Bông Giấy thì thật là kẹt cho chúng tôi (tạp chí Thế Kỷ 21)..." Ngoài một số chức năng "to lớn" như thông tin, bình luận, nghiên cứu về chính trị, văn học, lịch sử.v.v... này nọ, báo chí đương nhiên còn phải có vai trò phản ảnh công luận (trừ những tờ báo hội đoàn hay đảng phái). Vì vậy, không nên lập ra một "võ đài" để rồi trói tay võ sĩ các phe khác, "thảy" lên đó cho võ sĩ phe mình tự do hạ thủ. Như vậy, quả là thiếu công bình và chẳng đàng hoàng chút nào. Nếu không lầm thì tạp chí Thế Kỷ 21 chủ trương xây dựng một nền văn hóa với những tiêu chuẩn tiến bộ để theo kịp trào lưu chung của văn minh nhân loại trong thế kỷ sắp tới. Và trong quá khứ từ xưa đến nay của sinh hoạt văn học Việt Nam, tinh thần bè phái phe nhóm đã quá nặng nề rõ rệt. Không lẽ chủ trương của Thế Kỷ 21 là muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam của thế kỷ tương lai vẫn trên căn bản bè phái phe nhóm hay sao? Nếu vậy, xin đề nghị đổi tên tạp chí Thế Kỷ 21 thành ra Thế Kỷ 11, 12, 13... gì đó, có lẽ thích hợp hơn! Một người quen trong giới cầm bút có nói với tôi rằng: "Thế Kỷ 21 là nơi qui tụ của một nhóm quân phiệt văn nghệ vừa già vừa trẻ." Bây giờ thì tôi đã hiểu ra câu nói ấy... °
*
Đọc trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 28 tháng 8/1991, thấy có bài điểm sách
Đọc Bồ Đề Đạt Ma Tuyệt Quán Luận Của Vũ Thế Ngọc (Đọc BĐĐMTQLCVTN), ký tên Hoàng Thụy An. Nhân vì bài viết mang nặng tính chất mạt sát nguyền rủa ngoài phần phê bình trong lãnh vực chuyên môn, và cũng vì cả hai ông Hoàng Thụy An và Vũ Thế Ngọc đều là chỗ quen biết với gia đình chúng tôi, nên tôi xin được có một ít nhận xét về bài viết và về tác giả Hoàng Thụy An.
Đã từ lâu, ông Hoàng Thụy An là bạn thân thiết của Trần Nghi Hoàng, chồng tôi. Điều này, nhiều người trong giới bạn bè chung quanh đã biết. Tuy chưa hề có dịp gặp ông Hoàng Thụy An nhưng qua những nhận xét của Trần Nghi Hoàng, ông
"Hoàng Thụy An là một nhà trí thức trẻ tuổi nhưng uyên bác về Phật Giáo, lại khiêm cung, an nhiên tự tại..." nên tôi cũng đã có nhiều hảo cảm dành cho ông. Cho đến mùa Giáng Sinh năm 1989, khi ông Hoàng Thụy An từ Boston qua thăm và ở lại trong gia đình chúng tôi hơn một tuần lễ sau bốn năm ông và Trần Nghi Hoàng không gặp mặt, dẫu vẫn thư từ, điện thoại liên lạc, ông đã vô tình làm tan biến đi những mối hảo cảm mà tôi đã có cho ông.
Trong một buổi tiệc tại nhà tôi, giữa một số đông bạn bè quen biết gồm các khuôn mặt như tiến sĩ Đằng Sơn, luật sư Nguyễn Hữu Liêm, anh Trần Minh Quang... và vài người khác (buổi tiệc này tôi quyết định không mời Vũ Thế Ngọc vì được Trần Nghi Hoàng cho biết rằng ông Hoàng Thụy An chẳng có chút cảm nghĩ tốt nào về Vũ Thế Ngọc, dầu rằng hai ông từng đã biết nhau từ thuở còn ở đại học Vạn Hạnh Sàigòn), ông Hoàng Thụy An đã huênh hoang tuyên bố
: "Trong gia đình tôi có bốn anh em trai. Tôi lớn nhất. Ba người em tôi đều là những tay rất giỏi, thông làu một lúc hai, ba thứ ngôn ngữ. Một người tốt nghiệp luật học, hai người kia là tu sĩ Phật Giáo. Nhưng lấy cái học vấn hiểu biết của cả ba người cộng lại rồi nhân đôi, cũng không bằng nửa ngón tay út của tôi!" (Vừa nói, ông Hoàng Thụy An vừa giơ cao bàn tay phải có ngón cái và ngón út đang chụm lại.)
Ngay khi ấy, tôi thốt sững người vì sự kiêu ngạo quá độ của ông Hoàng Thụy An, lại không khỏi nhớ đến một câu nói để đời của Cao Bá Quát:
"Trong thiên hạ có bốn bồ chữ. Mình ta chiếm hai bồ. Anh ta Cao Bá Đạt và bạn ta Nguyễn Văn Siêu chiếm một bồ. Còn một bồ phân chia cho khắp thiên hạ." Cùng một ý nghĩ khác nẩy sinh trong óc:
"Không biết ông Hoàng Thụy An có được tài hoa bằng Cao Bá Quát hay không, chứ còn sự kiêu ngạo và tự hãnh về mình, quả thật ông Hoàng Thụy An đã cao hơn Cao Bá Quát một bậc!" Trong những buổi đàm đạo tại nhà tôi, ông Hoàng Thụy An thường có thái độ miệt thị những nghề nghiệp khác, ngay cả "nghề" cầm bút nếu như người viết không viết về những đề tài nghiên cứu "nặng ký" (như ông) mà chỉ
làm thơ, viết văn lặt vặt (chữ của ông thường dùng). Nói về giới tu sĩ Phật Giáo, ông có thói quen tỏ ra trịch thượng, cho rằng không bất cứ tu sĩ Phật Giáo Việt Nam nào có thể có kiến thức Phật Giáo bằng ông!
Một lần khác, cũng trong dịp Giáng Sinh 1989, vợ chồng tôi mời ông Hoàng Thụy An và ông thi sĩ Phạm Việt Cường ra quán dùng cơm trưa. Khi ấy mới 11 giờ và những người hiện diện ai cũng biết phải đến 11:30 tôi mới có thể đi cùng sau khi xong một lớp dạy. Tuy nhiên, ông Hoàng Thụy An lại nằng nặc đòi Trần Nghi Hoàng và Phạm Việt Cường ra quán trước với ông. Trần Nghi Hoàng từ chối lời đòi hỏi này. Thế là cả hai ông Hoàng Thụy An và Phạm Việt Cường bỏ đi với lời hẹn sẽ chờ chúng tôi đến dùng cơm chung. Nửa tiếng đồng hồ sau đó, khi hiện diện ở quán ăn, tôi thốt đỏ bừng mặt vì xấu hổ mà nhận ra một bữa ăn đã tàn và công việc duy nhất còn lại của tôi (người đứng ra mời) là lẳng lặng móc ví trả tiền bữa ăn của hai vị khách quí hóa nhưng lại chẳng có chút lịch sự tối thiểu nào đối với một người bạn, hơn nữa, với người đàn bà vợ của bạn. Tôi nghe ông Hoàng Thụy An lúng túng giải thích:
“Tôi vẫn có tính xấu đói, nên xin lỗi đã ăn trước anh chị!” Tình thật mà viết, cảm nghĩ ngạc nhiên vẫn đeo đuổi lấy tôi. Với kiến thức rất thô thiển về Phật Giáo nói chung và Thiền học nói riêng, tôi cũng biết rằng, hai môn này dạy cho con người lấy lý trí chế ngự dục vọng chứ không phải để dục vọng lấn áp lý trí. Vì vậy tôi khó thể tưởng tượng được một "học giả" uyên thâm về Phật Giáo, thông làu về Thiền Tông, đã từng dịch và viết nhiều sách giảng giải về Thiền định như ông Hoàng Thụy An mà lại thiếu ý chí đến độ không thể chế ngự được cơn đói nhất thời trong vài khắc đồng hồ!?
Tuy vậy, chẳng riêng gì tôi, mà chính Trần Nghi Hoàng, một người tỏ ra rất hiểu biết và quí trọng ông Hoàng Thụy An, khi nhận xét về ông trong kỳ gặp gỡ mùa Giáng Sinh 1989, cũng đã nói:
"Không ngờ Hoàng Thụy An thay đổi nhiều quá sau bốn năm không gặp, hơn nữa là sau khi hắn giật được cái mảnh bằng tiến sĩ tại đại học Harvard!..." Quả thật ông Hoàng Thụy An là một người có bằng cấp cao và một sở học dồi dào. Theo như lý lịch ông kê khai trên một tờ nguyệt san thì ông
"đã tốt nghiệp tiến sĩ tôn giáo tỷ giáo tại Harvard chuyên về ngành Duy Thức Học." Thời gian tôi được quen ông cũng là thời gian Trần Nghi Hoàng và tôi chủ trương tờ Văn Uyển, một tạp chí văn hóa xuất bản hai tháng một lần tại San Jose. Ông Hoàng Thụy An là một trong vài người viết thường trực cho báo chúng tôi. Tuy vậy các bài khảo luận, nghiên cứu với những đề tài "quá thâm sâu" về Phật Giáo của ông đăng trên Văn Uyển (số 1, 2, 3, 4; kể từ số 5 trở đi, do bởi bản tính kiêu ngạo quá độ đến trở thành phiền toái cho người khác khiến Trần Nghi Hoàng quyết định không đăng bài viết của ông nữa) thực sự vẫn không làm tan biến đi trong tôi những cảm nghĩ về ông, ở trên tôi đã viết.
Mới đây, qua bài điểm sách Đọc BĐĐMTQLCVTN của ông Hoàng Thụy An đăng trên Thế Kỷ 21 số 28 tháng 8/1991, cùng một bài khác với tựa đề
Nhận Định Về Cái Gọi Là Truyền Thống Thiền Việt Nam cũng của ông, dưới bút hiệu Như Hạnh, đăng trên tạp chí Giao Điểm số 3 ra ngày 15/5/1991, xuất bản tại Santa Ana (sẽ xin trình bày ở phần sau), tôi thấy rằng những nhận xét của mình về ông Hoàng Thụy An trong lần gặp gỡ thứ nhất chẳng sai chút nào cả:
hợm hĩnh, kiêu ngạo, tự hãnh về mình đến độ mục hạ vô nhân! Nói về bài điểm sách đăng trên Thế Kỷ 21, tôi nhận rằng, xét về mặt học thuật thì quả là ông Hoàng Thụy An đã đưa ra được những điểm đúng trong sự việc tác giả Vũ Thế Ngọc tỏ ra không cẩn trọng đối với tác phẩm của mình trên nhiều khía cạnh. Nhưng xét về văn phong của một "nhà phê bình", hơn nữa là của một học giả uyên thâm thì ngôn ngữ ông Hoàng Thụy An dùng trong toàn bài đã làm giảm đi rất nhiều giá trị ngoại tại của chính ông.
Trong bài điểm sách, ông Hoàng Thụy An đã viết:
"Tôi không bao giờ nghĩ mình có đủ can đảm để đọc cho hết một cuốn ‘sách’ của Vũ Thế Ngọc..." và
"...Đọc và điểm cuốn sách của Vũ Thế Ngọc quả tình phí đi mất mấy tiếng đồng hồ của đời tôi..." Tuy nhiên, nếu đọc toàn bài điểm sách, chẳng bất cứ ai có thể tin được rằng ông "không có đủ can đảm" và chỉ
"phí đi mất mấy tiếng đồng hồ của đời" ông thôi, mà chính ông đã năm lần bảy lượt đọc cho hết cuốn sách của Vũ Thế Ngọc, cũng như đã bỏ mất hằng nhiều ngày trời mới làm được đầy đủ cái công việc
"lội qua bãi rác" của ông Vũ Thế Ngọc (chữ ông HThụy An dùng) để vạch lá tìm sâu một cách vô cùng tỉ mỉ.
Người xưa bảo
"Văn là người". Vậy, trong bài điểm sách đã đăng trên Thế Kỷ 21 số 28, liệu ông Hoàng Thụy An có che giấu được độc giả cái cá chất thâm (độc) sâu (hiểm) trong con người ông bằng giọng văn nguyền rủa miệt thị ông Vũ Thế Ngọc với những câu thế này chăng:
"...Thú thực cảm giác đầu tiên của tôi khi nhìn thấy tựa đề Bồ Đề Đạt Ma Tuyệt Quán Luận là nó có một cái gì khôi hài. Những ai nghiên cứu văn học Thiền một cách đứng đắn đều biết các học giả, nhất là Nhật Bản, đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt nghiên cứu về sử tính của nhân vật có cái tên Bồ Đề Đạt Ma, và hầu như đã đồng ý về tính cách hoang đường phi lịch sử của các truyền thuyết về nhân vật này. Tuy nhiên, đối với đám con cháu rơi rớt của Thiền Suzuki còn sót lại trong cộng đồng người Việt, vạch ra cho họ rằng Bồ Đề Đạt Ma chỉ là một huyền thoại, đương nhiên họ sẽ bướng bỉnh không chịu chấp nhận, giống y như thể lũ trẻ con sẽ không bao giờ chịu tin rằng Superman, Zorro và Tarzan là không có thật vậy. Vũ Thế Ngọc cũng thuộc nhóm này, cho nên ông mới ngoan cố tiếp tục bám lấy cái tên Bồ Đề Đạt Ma kia. Hơn nữa, tôi cũng thông cảm là ông muốn dùng cái tên Bồ Đề Đạt Ma để cho cuốn sách của ông hấp dẫn hơn về mặt thương mại (...)" "...Tôi không bao giờ nghĩ mình có đủ can đảm để đọc hết một cuốn ‘sách’ của Vũ Thế Ngọc. Tôi đã có dịp lật qua những trước tác khác của Vũ Thế Ngọc: tất cả đều chỉ là những cóp chép lố bịch, lộ liễu của người khác, xen lẫn với những thêm thắt ngốc nghếch, vớ vẩn của ông. Đôi khi, Vũ Thế Ngọc thậm chí còn ‘xerox’ nguyên từng chương trong sách của người khác vào làm của riêng ông. Lối viết văn của ông thì cũng chỉ rập khuôn nhai lại những sáo ngữ rẻ tiền của những cây viết ba xu khác: phương trời viễn mộng, mùa thu xanh, hoa vàng, mây trắng. v.v... Nói tóm, những cái gọi là tác phẩm của Vũ Thế Ngọc chỉ là những góp nhặt rác rến, nửa phân nửa cỏ. Tôi có nhiều việc quan trọng và hữu ích để làm hơn là phí thì giờ để đọc sách của Vũ Thế Ngọc (...)" "...Cảm giác của tôi khi đọc xong bản dịch của Vũ Thế Ngọc là cho rằng ông ta không đủ tư cách cả về mặt trí thức lẫn đạo đức để làm công việc này. Ngoài việc thiếu thành thật và gian lận ra, Vũ Thế Ngọc còn chứng tỏ rằng ông không có một chút kiến thức sơ đẳng nào về Thiền học. Về mặt ngôn ngữ thì ông chỉ ở trình độ bập bẹ cả Hán ngữ lẫn Anh ngữ. Vì nếu như ông chỉ dựa vào bản Anh ngữ để dịch, có lẽ bản dịch Việt ngữ của ông cũng không đến nỗi tồi tệ như thế. Có nhiều chỗ ông ú ớ với nguyên tác Hán văn một cách rõ rệt, song, thay vì tham khảo bản Anh ngữ, mà có lẽ ông cũng không đọc nổi, ông lại cương tầm bậy ra. Như đã đề cập, trong sách của nhóm học giả Nhật Bản có in kèm bản dịch Nhật ngữ của Yanagida. Bản dịch này tuy không hoàn hảo (không bản dịch nào hoàn hảo cả), song Yanagida đã dịch một cách rất sát nghĩa, ông lại dùng một thứ Nhật ngữ hết sức giản dị và trong sáng. Nếu Vũ Thế Ngọc biết tiếng Nhật, như ông thường ‘cố ý’ gây cho độc giả cái ấn tượng ấy, ông chỉ cần tham khảo bản dịch của Yanagida, hẳn cũng đã giúp ông tránh được nhiều lỗi lầm ngốc nghếch. Trước khi phân tích các sai lầm trong bản dịch của Vũ Thế Ngọc, tôi xin nêu ra một điểm cuối cùng: trong phần Phụ Lục của cuốn sách Bồ Đề Đạt Ma Tuyệt Quán Luận, như một ‘bonus’ cho những người đã khổ công lội qua bãi rác của ông, Vũ Thế Ngọc có in kèm nguyên bản Phạn Văn Tâm Kinh lấy ra từ một cuốn sách của Edward Conze mà Vũ Thế Ngọc cũng không chịu nêu xuất xứ. (...)" "...Đọc và điểm cuốn sách này của Vũ Thế Ngọc quả tình phí mất mấy tiếng đồng hồ của đời tôi. Song tôi đã từng thấy những người được cộng đồng người Việt, và nhất là cộng đồng Phật giáo, xem là những bậc đại học giả, đại tư tưởng gia, đã trích dẫn cuốn sách này một cách nghiêm nghị, không hề nhìn ra được những sai lầm láo lếu của nó. Những người này mà còn như thế, huống hồ các độc giả ít hiểu biết hơn. Sự ngưỡng mộ tư tưởng hay đạo học Đông phương giữa người Việt Nam là điều đáng mừng. Song giới độc giả này đã lại chỉ được cung cấp cho những cái gọi là các khảo cứu về Thiền Tông, Đại Thừa, Mật Tông, song thật ra chỉ là những bôi bác láo lếu của mấy ông kỹ sư điện, luật sư, thợ trồng răng... chẳng có chút kiến thức đứng đắn nào cả..." Cứ vậy, trong toàn bài điểm sách, ông Hoàng Thụy An đã dùng một thứ ngôn ngữ nguyền rủa phỉ báng để nói về một tác phẩm và một tác giả, chứ không phải dùng ngôn ngữ phê bình đứng đắn của một học giả "thứ thiệt" (như ông thường tự xưng với Trần Nghi Hoàng và bạn hữu) (°) Một độc giả dù vô tâm đến chừng nào chăng nữa, sau khi đọc bài ĐBĐĐMTQLCVTN do ông viết, cũng sẽ không tránh được câu hỏi rằng "Phải chăng cá nhân ông Hoàng Thụy An đã có điều gì đố kỵ thù hiềm ông Vũ Thế Ngọc nên trong bài điểm sách mới thấy ông phô bày đầy tính chất sân si như thế?"
Có thể là ông Hoàng Thụy An sẽ nói rằng, đối với một người
"thiếu thành thật và lừa bịp" như ông Vũ Thế Ngọc (chữ của ông Hoàng Thụy An) thì ông không cần phải dùng một thứ ngôn ngữ đàng hoàng. Ông Hoàng Thụy An có quyền xem thường ông Vũ Thế Ngọc nhưng không có quyền xem thường độc giả, bởi bài viết của ông thay vì chỉ là một lá thư nguyền rủa gửi riêng đến ông Vũ Thế Ngọc thì lại được đăng trên một tờ tạp chí. Tôi xin nhắc lại một câu viết của ông trong bài Điểm Sách:
"...Người viết về một vấn đề trí thức phải quan niệm rằng việc làm của mình chỉ là một chia xẻ và đóng góp công trình thật sự của mình với những người cùng ngành và với người đọc. Người viết khảo cứu ít nhất phải có cái đạo đức tối thiểu là sự thành thật với chính mình và sự kính trọng độc giả..." Vậy xin hỏi ông Hoàng Thụy An có đã quan niệm bài Điểm Sách của ông đăng trên Thế Kỷ 21 số 28 là một chia xẻ với ông Vũ Thế Ngọc nói riêng và độc giả nói chung không? Cũng như, xin hỏi ông đã có được cái đạo đức tối thiểu là sự kính trọng độc giả chăng?
Để kết luận phần này, theo tôi, về mặt kiến thức "quá thâm sâu" của ông Hoàng Thụy An thì tôi chưa bàn đến, nhưng về mặt phong cách của một người cầm bút (đặc biệt trong bài Đọc BĐĐMTQL của VTN), ông rõ ràng đã tỏ ra như
một người không có căn bản tốt về giáo dục °
*
Nói về cuốn BĐĐMTQLCVTN, ông Hoàng Thụy An đã
“bươi những đống rác" của ông Vũ Thế Ngọc (chữ của ông Hoàng Thụy An) một cách tận tình. Vậy không biết có khi nào ông thử nhìn lại xem trong chính mình có bao nhiêu
"đống rác" hay chăng?
Ở đây, xin thử nhìn lại kiến thức thâm sâu về Phật Giáo của ông Hoàng Thụy An trong một bài viết khác (cũng của ông) dưới bút hiệu Như Hạnh, mang tựa đề
Nhận Định Lại Cái Gọi Là Truyền Thống Thiền Việt Nam (NĐLCGLTTTVN) đăng trên tờ Giao Điểm số 3, ra ngày 15/5/1991, xuất bản tại Santa Ana. (Nguyên tựa đề có ba chữ
"Cái Gọi Là" rất xách mé đã đủ biểu lộ được hoàn toàn văn phong "học giả" của ông Như Hạnh –tức Hoàng Thụy An– như thế nào rồi!).
Trong bài viết dài gần 8 trang khổ lớn, ngoài những lý luận và dẫn chứng về chuyên môn mà tôi không dám lạm bàn, đã có một đoạn khiến tôi khá hoang mang về trình độ hiểu biết Phật Giáo của ông Như Hạnh. Tôi xin trích ra dưới đây:
"Tiểu sử của Vinitaruci được Thiền Uyển Tập Anh ghi lại như sau: 'Thiền sư Vinitaruci của chùa Pháp Vân, làng Cổ Châu, tỉnh Long Biên, là người Nam Ấn Độ. Sư thuộc dòng Brahmin (tăng lữ). Kể từ khi còn trẻ, sư đã có hoài bão vượt lên trên thế giới thế tục. Sư đi khắp Ấn Độ để tìm tâm ấn của Phật. Song, không gặp được nhân duyên với Phật pháp ở Ấn Độ, sư mới chống tích trượng đi sang Đông Á. Vào năm Đại Kiến (Dajian) thứ 6 (574), Nhâm Ngọ, đời nhà Tấn (Xin), Vinitaruci tới Trường An (kinh đô của Bắc Trung Hoa) đúng vào thời Chu Vũ Đế đang tiêu diệt Phật Giáo. Sư mới đi đến đất Nghiệp (kinh đô của Nam Trung Hoa), lúc ấy Tam Tổ Tăng Xán (Sengcan) để lánh những xáo trộn chính trị, đã đem y bát của mình đến ẩn trên núi Tư Không (Sikong). Khi Vinitaruci gặp Tăng Xán và thấy cử chỉ siêu nhiên của ngài, sư nẩy lòng kính trọng sâu xa. Ba lần sư đến đứng khoanh tay trước mặt Tăng Xán. Tăng Xán chỉ ngồi im nhắm mắt không nói gì cả. Trong khi đứng đó suy nghĩ, tâm thức Vinitaruci bừng vỡ ra, tựa như hiểu được điều gì, bèn cúi lạy ba lần. Tăng Xán chỉ gật đầu ba lần. Vinitaruci lui lại ba bước và nói: 'Đệ tử đến đây vào lúc không tiện lắm, nhưng xin Thượng Tọa rủ lòng từ bi cho đệ tử được phụng sự bên Ngài.' Tăng Xán nói: 'Ông nên đi ngay về phương Nam để thu nhận môn đồ. Ông ở lại đây lâu không tiện lắm đâu.' Vinitaruci bèn từ biệt Tăng Xán và đi đến chùa Chế Chỉ ở Quảng Châu. Sư ở lại đó khoảng 6 năm và dịch kinh Gayasirsa (Tượng Đầu Tinh Xá), Nghiệp Báo Sai Biệt kinh và một số kinh khác. Vào tháng 3 năm thứ hai, Canh Tí, thuộc kỷ nguyên Đại Tượng (Daxiang) (580) đời nhà Chu, sư đến nước ta và ngụ ở chùa Pháp Vân. Sư dịch Daranisutra (kinh Tổng Trì) một quyển." Tiếp đó, ông Như Hạnh viết:
"Đọc qua đoạn tiểu sử trên, chưa cần phải đi sâu vào những chi tiết lịch sử, chúng ta đã có thể nhìn thấy ngay đây là một ngụy tạo đầy những mâu thuẫn. Vấn đề liên hệ đến sự thực lịch sử về Vinitaruci và sự kiện rằng Vinitaruci không hề đặt chân đến Việt Nam đã được Tuệ Hạnh phân tích rất kỹ và rất chính xác trong bài viết của cô. Ở đây, chúng tôi chỉ xin bổ sung thêm một vài điểm sai lầm về mặt văn học và lịch sử như sau: 1/ Lối vấn đáp theo kiểu "Tổ sư Thiền" giữa Tăng Xán và Viniraruci như trong tiểu sử ông ghi lại chỉ xuất hiện khoảng thế kỷ 9 hay 10, không thể nào xảy ra được ở thế kỷ thứ 6 như Thiền Uyển Tập Anh ghi lại. 2/ Thế kỷ thứ 6 là thế kỷ cực thịnh của tư tưởng Phật Giáo Ấn Độ. Nếu như Vinitaruci xuất thân như thế rồi lại đi khắp Ấn Độ mà không tìm được thầy để học Phật Giáo, lại phải lặn lội qua tận Trung Hoa để học với người Trung Hoa -mà người Ấn Độ vốn khinh thường- là một điều sỉ nhục trí thông minh của bất cứ ai hiểu biết đôi chút về văn hóa Ấn Độ. Nhất là, theo Thiền Uyển Tập Anh, Vinita- ruci lại thuộc dòng Brahmin. Chúng ta thừa biết - ngay cho đến ngày nay, đối với những người Ấn thuộc giai cấp này, tất cả những người ngoại quốc đều là outcastes, tiếp xúc với họ bị coi như là một sự ô nhiễm. Đành rằng có những nhà truyền giáo Ấn Độ qua truyền Phật Giáo tại Trung Hoa và tiếp xúc với người Trung Hoa, và những nhà truyền giáo này chịu ảnh hưởng tinh thần phá bỏ giai cấp của Đức Phật, nhưng thường thường họ là những bậc thầy hoặc là những thượng khách của vua chúa. Chuyện một nhà sư Ấn trong thời Phật Giáo cực thịnh nhất ở Ấn Độ qua Trung Hoa học với người Trung Hoa về một ngành Phật Giáo mà họ không biết đến và không đời nào chấp nhận là một điều phi lý cùng cực không thể nào tin được." °
*
Về tiểu sử của Vinitaruci và phần ông Như Hạnh lý luận về thời tính xuất hiện của lối vấn đáp theo kiểu "Tổ sư Thiền", tôi xin miễn bàn, vì nó thuộc phạm trù chuyên môn khoa học. Nhưng đọc phần hai của đoạn trích dẫn trên, tôi xin nhấn mạnh những điểm sau đây:
a/ Trong bài điểm cuốn BĐĐMTQLCVTN, ông Như Hạnh–Hoàng Thụy An đã có ít nhất ba lần chê bai ông Vũ Thế Ngọc viết
"mà không hề chịu nêu ra xuất xứ." Vậy với đoạn vừa dẫn trên, ông Như Hạnh đã
dựa vào đâu để cho rằng người Ấn Độ khinh thường người Trung Hoa mà
không thấy ông dẫn chứng? Nếu ông Như Hạnh chỉ dựa vào
"đôi chút kiến thức về văn hóa Ấn Độ" để lý luận như vậy, quả là ông đã sỉ nhục văn hóa Ấn Độ một cách khá hàm hồ!
b/ Chi tiết về Vinitaruci thuộc dòng Brahmin không nói lên được điều gì cả trong việc Vinitaruci qua Trung Hoa học đạo hay không. Đức Phật trước khi đi tu đã từng là một Hoàng tử. Khi cắt tóc đi tu, Ngài đâu còn khư khư ôm cái "chức" Hoàng tử. Và khi đắc đạo thành Phật rồi, Ngài đâu chỉ dành lòng từ bi của Ngài cho giới quí tộc, tăng lữ mà bỏ quên giới cùng đinh nghèo khổ?
c/ Ở đây, tôi không so sánh Vinitaruci với Đức Phật, nhưng chỉ muốn ghi nhận rằng, Vinitaruci là một tu sĩ ngay từ
"lúc còn trẻ đã có hoài bão vượt lên trên thế giới thế tục". Ngay thời ấy, Ấn Độ là một nước cực thịnh về Phật Giáo (theo bài viết của ông Như Hạnh), trong khi ở Trung Hoa thì đạo Phật đang bị Chu Vũ Đế tiêu diệt. Biết đâu Vinitaruci chẳng đã phát tâm mà qua Trung Hoa để hoằng pháp, rồi tình cờ gặp ngài Tăng Xán và ngưỡng mộ phong thái siêu nhiên của Ngài nên ba lần cúi lạy xin được làm đệ tử?
Hẳn nhiên, một người am hiểu rộng rãi về Phật Giáo như ông Như Hạnh cũng biết rằng, một trong những mục tiêu đầu tiên của một tu sĩ Phật Giáo là
tiến tới cái tâm vô phân biệt và phải cắt đứt mọi hồng trần tục lụy. Sự kiện thuộc dòng Brahmin hay không, tôi nghĩ chẳng phải là điều quan trọng chi đối với Vinitaruci, bởi vì ông là một người từ lúc trẻ đã
"có hoài bão vượt lên trên thế giới thế tục. Sư đi khắp Ấn Độ để tìm tâm ấn của Phật. Song không gặp được nhân duyên với Phật pháp ở Ấn, sư mới chống tích trượng đi sang Đông Á." Và khi ông Như Hạnh lý luận:
"Đành rằng có những nhà truyền giáo Ấn Độ qua truyền Phật giáo tại Trung Hoa, và những nhà truyền giáo này chịu ảnh hưởng tinh thần phá bỏ giai cấp của Đức Phật, nhưng thường thường họ là những thượng khách của vua chúa. Chuyện một nhà sư Ấn trong thời Phật Giáo cực thịnh nhất ở Ấn Độ qua Trung Hoa học với người Trung Hoa về một ngành Phật Giáo mà họ không biết đến và không đời nào chấp nhận là một điều phi lý cùng cực không thể nào tin được" thì tôi nhận ra rằng đầu óc ông quả thật không được bình thường cho lắm! Bởi vì, ông xác nhận là có
"một số" những nhà truyền giáo Ấn Độ qua Trung Hoa truyền bá Phật Giáo và có tinh thần không phân biệt giai cấp của Đức Phật, nhưng riêng ông Vinitaruci thì ông "cấm" không cho mang tinh thần không phân biệt giai cấp này. Tăng Xán là một Thiền sư Trung Hoa có đạo hạnh cao. Vinitaruci là một sư Ấn dâng đời cho khát khao chân lý giác ngộ. Vinitaruci gặp Tăng Xán rồi ngưỡng phục, tôn làm thầy thì có chi là lạ? Có chi là phi lý cùng cực không thể tin được như ông Như Hạnh đã viết?
Và chuyện Phật Giáo có thêm một ngành mới (Thiền Tông) thì đối với những Phật tử say mê chân lý giác ngộ như Vinitaruci (chắc chắn là không có tính đố kỵ tỵ hiềm giống như ông Như Hạnh!), hẳn nhiên Vinitaruci phải tìm chứng rồi mới quyết định chấp nhận hay không chứ? Và Vinitaruci đã chứng ngộ được.
d/ Đọc bài ông Hoàng Thụy An (tức Như Hạnh) điểm cuốn BĐĐMTQLCVTN, ai cũng thấy là dường như ông có hiềm thù gì với ông Vũ Thế Ngọc!? Vũ Thế Ngọc và Hoàng Thụy An là hai người đang sống cùng một thời, có hiềm thù cũng là chuyện thường tình. Nhưng Vinitaruci là một nhân vật mà trong sách vở ghi lại là đã sống cách đây hơn cả ngàn năm (theo Thiền Uyển Tập Anh, Vinitaruci sang Việt Nam năm 580), cớ sao ông Như Hạnh cũng hiềm thù mà nỡ "cấm" ông ta hấp thụ được tinh thần không phân biệt giai cấp của Đức Phật, tức là cấm Vinitaruci đi đến được trên con đường giác ngộ?
Tóm lại, đọc bài điểm sách ĐBĐĐMTQLCVTN của ông Hoàng Thụy An (tức Như Hạnh) và bài NĐVCGLTTTVN của ông Như Hạnh (tức Hoàng Thụy An) qua các đoạn vừa trích, tôi đâm nghi ngờ tư cách học giả và những suy luận của ông Hoàng Thụy An - Như Hạnh về Phật Giáo, đồng thời cũng hoang mang với
"phương pháp viết nghiên cứu đúng tiêu chuẩn quốc tế" của ông Như Hạnh - Hoàng Thụy An.
Hay phải chăng lập luận cho rằng người Ấn Độ khinh bỉ người Trung Hoa và nhất là người Ấn Độ thuộc dòng Brahmin thì dù đã trở nên một tu sĩ Phật Giáo cũng "phải khinh bỉ" tất cả những người khác giai cấp và khác chủng tộc với mình là
do ông Như Hạnh-Hoàng Thụy An "cương tầm bậy" (chữ của ông Hoàng Thụy An)
ra? Dĩ nhiên ông Như Hạnh – Hoàng Thụy An phải biết câu chuyện Lục Tổ Huệ Năng và Thần Tú? Thần Tú là một nhà sư làu thông kinh luật điển cố (giống như ông Như Hạnh – Hoàng Thụy An) và Huệ Năng là một nhà sư dốt, không biết chữ. Vậy mà cuối cùng Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã trao y bát cho Huệ Năng mà không trao cho Thần Tú. Như vậy cho thấy rằng
"sự làu thông kinh điển" và
"giác ngộ được Phật tính" là hai việc hoàn toàn khác biệt.
Tôi muốn kể cho ông Như Hạnh - Hoàng Thụy An nghe một câu chuyện mà có lẽ ông đã thuộc lòng (như thói quen ông vẫn thuộc lòng những kinh điển Phật Giáo) nhưng
không chắc gì hiểu được ý nghĩa thâm sâu của nó. Đó là chuyện về một tiền thân của Đức Phật: Bồ Tát Thường Bất Khinh:
"Sataparibhuta là một vị Bồ Tát hồi thời quá khứ. Thuở xưa, vào hồi Tượng Pháp trong ba thời pháp (Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp) của Đức Phật Oai Âm Vương đầu tiên (vì kế đó có hai vạn Đức Phật liên tiếp nhau ra đời đồng hiệu Oai Âm Vương), có vị Bồ Tát Tỳ Kheo mà người ta đặt tên là Sataparibhuta, tức Thường Bất Khinh, là vì vị này hễ gặp ai trong Tứ Chúng (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di) thì đều xá bái và nói rằng: 'Tôi chẳng dám khinh khi ngài vì ngài sẽ thành Phật.' Hàng Tứ Chúng, những kẻ thượng mạn lấy làm bất bình vì sự thọ ký ấy, họ chửi mắng Ngài, đánh đập Ngài. Song Ngài vẫn chịu với những sự ấy, mà miệng thì cứ nói: 'Tôi chẳng dám khinh ngài vì ngài sẽ thành Phật.' Thường Bất Khinh Bồ Tát nhờ được nghe kinh Pháp Hoa giảng bởi vô số Phật, nên đắc quả Phật, tức là Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn những kẻ chửi đánh ngài Thường Bất Khinh thì khi Phật Thích Ca giáng thế, sinh ra làm đệ tử của Phật, chịu Phật giáo hóa cho." °
*
Thuộc làu kinh điển, hiểu nghĩa từng chữ nhưng không hiểu kinh điển nói gì thì cũng chỉ vô ích, giống như con vẹt học nói tiếng người, người nói sao vẹt nói y như vậy. Dưới mắt một kẻ phàm phu tục tử như tôi, sự học rộng biết nhiều của một bậc "trí thức con vẹt" nhiều khi không đáng kể gì so với một người làm ruộng quê mùa dốt nát mà sức lao động mồ hôi nước mắt của họ đổ ra đã đem lại được cho xã hội những hạt gạo giá trị thực sự.
Ông Như Hạnh – Hoàng Thụy An là một người biết rất nhiều kinh điển Phật Giáo, nhưng giá như ông chịu ghìm bớt cái ngã mạn kiêu ngạo của mình, dẹp bỏ tham sân si, lục dục, thất tình, thì tôi nghĩ, biết đâu trong tiến trình, sẽ chẳng
có ngày ông trưởng thành để trở nên một người thực sự có lợi ích cho Phật Giáo nói riêng và cho xã hội nói chung?!
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose. Từ đầu đường William vang lên một điệu hát rất buồn: "À á! I am just a poor man! I am just a poor man!"... Trần Nghi Hoàng quay lại nói với tôi: "Ai hát mà nghe thê thảm quá?" Tôi gật đầu, nhìn ra ngoài cửa sổ. Một người đàn ông cao lớn, khoác trên mình chiếc áo choàng dài kiểu Mễ Tây Cơ, đang gò lưng đẩy chiếc xe thùng bốn bánh, trong có chứa đầy những vỏ chai bia, vỏ lon nước ngọt. Cái dáng người đàn ông trông thật cô đơn nghèo khổ. Câu hát "À á! I am just a poor man!" được lập đi lập lại không ngớt giữa đêm. Những chiếc vỏ chai theo từng vòng quay của bốn chiếc bánh khua lên rổn rảng. Trong không gian, sương xám đã đầy. Tiếng khua vang vang giống như tiếng trống bập bùng trong một điệu Blue buồn thảm. Điệu nhạc chỉ riêng người Mỹ da đen mới diễn tả được trọn vẹn với con người –và Thượng Đế –nỗi đau khổ mà chủng loại của họ đã cưu mang. Cái dáng gò lưng đẩy chiếc xe của người đàn ông nhỏ dần trên con đường William rồi khuất hẳn đàng sau một ngã tư kế tiếp. Bên tai tôi, điệp khúc buồn vẫn mơ hồ vọng lại từ xa. Đường phố không còn nghe thêm tiếng động nào đặc biệt. Nơi vệ đường Số Hai, những cột đèn vàng đứng lặng im tựa như đang say ngủ. Và trong hồn, tôi bỗng nghe xôn xao thức dậy một tình cảm lãng mạn nào của thuở ngày xưa...