- I -
Cô Gái Chăn Vịt

Chờ hoài mà cơn mưa từ chiều vẫn chưa dứt, bà Tư Bường quá sốt ruột nên lấy cái thúng xúc lúa đội lên đầu và bước nhanh ra ngoài. Chú Tư bệnh đang nằm từ trong nhìn thấy, chú kêu lên:
– Bà đi đâu giữa trời mưa lớn như thế này?
Bà Tư nói với lại:
– Tôi đi kiếm con Hai!
Bà vừa nói vừa cố chạy nhanh, bởi bà biết, nếu chậm chân thì thế nào cũng bị ông ngăn cản. Ông Tư ngồi dậy không nổi, nhưng vẫn cố gượng dậy và bị ngã mấy lượt, trước khi gào được mấy tiếng đứt đoạn:
– Bà... đừng... đi...
Hình như ông muốn nói thêm điều gì đó, nhưng sức cạn, nên đành lịm đi...
Trong khi ấy, bà Tư cố chịu từng cơn gió thổi đưa những hạt mưa như roi quật vào người, trân mình chịu trận và đi nhanh hơn. Bởi bà biết, chậm giây phút nào thì tính mạng con gái bà sẽ nguy thêm.
Con đường làng thường ngày rất dễ đi, nhưng sao hôm nay bà đi cứ ngã lên ngã xuống và đi mãi mà chưa thấy tới đích đến của bà là cái chòi chăn vịt nằm sâu trong ruộng lúa cách mặt đường hơn năm trăm thước. Con Xinh, con gái bà ở đó chăn vịt mướn từ sáng sớm, đáng lẽ đã về nhà từ trước khi mặt trời lặn, vậy mà bây giờ đã quá nửa đêm rồi...
Thường khi việc Xinh về nhà trễ cũng vẫn có xảy ra, nhưng trễ một vài tiếng thôi, chứ không cả buổi như thế này. Vả lại lúc chiều tối, trong cơn mưa lớn bà đã nghe như có tiếng khóc thét của ai đó giống như giọng của con gái mình, khiến bà sợ điếng hồn!
Linh tính như báo cho bà Tư biết con gái mình đang gặp chuyện gì đó bất an. Bà khá hồi hộp khi bước tới gần chòi vịt. Bà hy vọng Xinh đang mắc mưa lạnh cóng trong đó...
Tuy nhiên, khi bà đưa hẳn đầu vào trong chòi nhìn và lên tiếng gọi:
– Xinh ơi, má đây con!
Trong căn chòi vắng tanh, chẳng có tiếng con gái trả lời. Nghĩ là Xinh có thể ngủ quên, bà bước hẳn vào chòi. Căn chòi chỉ có mấy thước vuông, nên chỉ cần quơ tay là có thể đụng vào bất cứ ai trong đó. Trên chiếc sạp tre ọp ẹp trống không!
– Hai ơi!
Bà Tư thảng thốt gọi to, rồi lẩm bẩm trong sợ hãi:
– Con đâu rồi, Xinh ơi!
Trong cơn hoảng loạn, một tay của bà Tư chạm phải một bộ quần áo vương vãi trên sạp tre, bà hốt hoảng cầm lên, mặc dù không nhìn thấy, nhưng linh tính của người mẹ cho bà biết đó là quần áo của Xinh.
– Xinh ơi!
Bà Tư tiếc là mình không mang theo đuốc để soi cho rõ, nhưng quýnh quá bà quơ tay khắp căn chòi, mò luôn dưới cái sạp và sau đó chạy ra ngoài, cứ thế vừa chạy vừa gào hầu như khắp chung quanh căn chòi. Bà lội, lặn xuống mấy cái ao bên cạnh, rồi càng lúc càng mở rộng phạm vi tìm kiếm ra khá xa căn chòi. Vẫn chẳng có tăm hơi gì của Xinh!
Cho mãi tới rạng sáng...
Khi mấy người đi bắt cá sớm phát hiện ra bà Tư nằm ngất trên bờ ruộng thì họ giật mình bảo nhau:
– Vợ của Tư Bường đây mà!
Họ giúp đưa bà về nhà trong tình trạng lạnh cóng và mê man. Tám Đốt, một trong hai người cứu được bà Tư, nói với Tư Bường lúc ấy đang nằm sốt cao trên giường:
– Chẳng biết bà ấy đi đâu mà nằm dài trên bờ ruộng gần trại vịt của cai tổng Tài, tôi mà không cứu kịp lát nữa nhập thổ thì toi mạng đó!
Thấy Tư Bường không dậy nổi, họ đành phải gọi thêm vài chị nữa ở gần qua giúp. Lát sau bà Tư tỉnh lại, đầu tiên bà gào lên:
– Xinh ơi, con ở đâu?
Khi thấy có đông người chung quanh, bà lại gào to hơn nữa:
– Làm ơn kiếm giùm con Xinh, nó mất rồi. Nó bị nguy rồi mà quần áo còn đây...
Bà gần như kiệt sức, mọi người phải xúm lại cấp cứu lần nữa. Lúc này ông Tư Bường mới gắng gượng nói:
– Đừng tìm... con Xinh ở nhà ông...
Ông ta chỉ nói được bấy nhiêu đó rồi cổ bị nghẹn lại, không thốt thành lời nữa...
Bà Ba Trầu, ngườt làm lâu năm trong nhà cai tổng Tài, đã nhạy cảm, buột miệng nói:
– Hay là bị thằng Paul, con lão cai tổng?
Tám Đối cũng ồ lên:
– Đúng rồi! Có thể lắm...
Bà Tư hồi tỉnh, nghe vậy bà lại càng sợ hơn:
– Phải rồi, vậy mà tôi nghĩ không ra. Hồi sáng này trước khi đi làm, con Xinh còn nói là nó muốn xin nghỉ việc mà ông cai không cho, nhất là thằng Paul hăm dọa nếu con Xinh nghỉ thì nó sẽ tới tận nhà cho người khiêng đi!
Tám Đối là người thẳng tính, nghe vậy nổi nóng liền:
– Nó là con chủ chứ phải ông trời đâu mà muốn làm gì thì làm! Mà con Xinh làm ăn công, chứ đâu phải ở đợ có mượn nợ nhà nó đâu!
Chỉ thấy Tư Bường quay mặt đi chỗ khác, nhẹ thở dài...
– Chị Tư ráng khỏe lại đi, rồi còn tới nhà cai tổng Tài kiếm con Xinh. Vụ này xem ra lành ít dữ nhiều rồi!
Tất cả đều lo lắng cho số phận Xinh, cô gái mười bảy, tuy làm công ở đợ nhưng nhan sắc hơn người. Tuy vậy họ cũng chẳng làm gì hơn ngoài than vắn thở dài... bởi nhà cai tổng Tài có thế lực nhất ở vùng này, lại ở ác không ai bằng, mà xưa nay làng này chưa ai dám tố cáo hay ra mặt phản đối. Chỉ vì lão ta có được thằng con rể làm mật thám cho Tây, có súng, có quyền bắt người thủ tiêu mà không ai dám chống đối!
Bà Tư nghĩ quẫn trí, chỉ biết kêu trời:
– Trời ơi, làm sao cứu con tôi đây!
Bà gượng đứng dậy, tiện tay chụp cây mác vót ở vách nhà đưa /ln cổ, khiến cho mọi người đều hốt hoảng:
– Đừng, chị Tư!
Tư Bường cũng tỉnh người, ông ta chồm tới giật cây mác trong tay vợ:
– Bà có chết thì hãy cho tôi một dao trước đi! Trời ơi...
Ông ảo não gục xuống. Lát sau, ông thều thào nói chỉ cho vợ nghe thôi:
– Tội là ở tôi... hôm qua tôi bảo con Xinh tới nhà cai tổng mượn tiền...
Bà Tư la lên:
– Sao ông làm chuyện đó! Vậy là ông đem con làm mồi cho sói lang ăn rồi, ông ơi là ông!
Tư Bường gục mặt trong lòng bàn tay:
– Chỉ bởi... tiền nợ bên Hai Tửng quá hạn quá lâu rồi, mình không trả thì tới mùa này người ta đâu có cho lấy lúa. Rồi có đâu tiền mua thuốc trị bệnh cho bà...
Bà Tư gào lên:
– Ông cứ để cho tôi chết, chứ đâu đem con mình dâng cho hùm beo như vậy! Trời ơi, con gái tôi...
Bà như điên lên, chụp vội cây mác lần nữa rồi chạy bay ra ngoài. Tám Đối lao theo ngăn lại:
– Không được đâu chị Tư. Chuyện gì cũng phải từ từ rồi tính. Chị mà tới đó sinh sự thì chưa làm gì được ai đã bị đám đầu trâu mặt ngựa ở đó sát hại chị rồi!
– Tôi chết cũng được, miễn là cứu được con tôi thôi!
Tám Đối phải giải thích thêm:
– Cứu con Xinh thì tôi và bà con đây đều muốn làm như chị vậy, nhưng mình thế cô sức yếu, lại không có bằng chứng gì cả thì làm sao xông vào nhà đó được. Chi bằng nhờ chị Ba Trầu đây...
Bà Ba Trầu sốt sắng:
– Để tôi lo cho. Tôi trước đây ở hầu hạ mụ cai tổng, nay tuy nghỉ rồi, nhưng lâu lâu tôi cũng có ghé thăm, đem tặng mụ ta trầu cau, là món mụ ta rất mê. Sẵn tôi vừa hái trầu tươi, cau ngon, lát nữa tôi sẽ giả vờ đem tới và ở chơi lâu lâụ. tiện thể tôi dò la coi thằng Paul có ở nhà không. Nó mà có nhà tức là nó đang làm chuyện mờ ám gì đó...
Ba Tư nghe lời, nhưng vẫn nói thêm:
– Nếu con Xinh mà có chuyện gì thì tôi thề là sẽ ăn thua đủ với chúng nó!
Bà Ba Trầu về nhà lấy theo giỏ trầu cau tươi và ngay trưa hôm đó, bà qua nhà cai tổng Tài. Mụ cai chữ nghĩa không đầy lá mít, nhưng rất khoái nghe chuyện Tàu như Thuyết Đường, Tây Du Ký... do người khác đọc. Khi bà Ba Trầu bước vào thì mụ không ngẩng lên, đã hỏi:
– Đứa nào tới giờ này vậy bay?
Ba Trầu vốn đã quen tính mụ ta, nên lên tiếng liền:
– Dạ, biết giờ ghiền trầu của bà nên kịp thời Ba Trầu này có mặt!
Con Tám Nỉ đang đọc đến hồi gay cấn, phải ngừng lại để cho bà chủ nói chuyện. Nếu gặp ai khác mà cắt ngang như vậy ắt sẽ bị la cho một trận, nhưng Ba Trầu thì khác. Hôm nay mụ cai có ý đợi không riêng gì trầu, cau tươi, mà còn một chuyện khác nữa, nên bà bật ngồi dậy ngay, xua tay đuổi con Nỉ ra ngoài. Mụ ta kêu Ba Trầu lại gần:
– Mày lại đây tao hỏi cái này.
Mụ ta ghé sát tai đứa đầy tớ cũ của mình, hỏi rất khẽ:
– Mày biết gì về vợ chồng thằng Tư Bường không?
Được gãi đúng chỗ ngứa, nên Ba Trầu quên giữ ý, la lên suýt nữa đã lộ chuyện:
– Ồ may quá, đúng rồi!
Mụ cai ngạc nhiên:
– Mày nói đúng cái gì? Mày chưa nghe tao hỏi hết mà?
Ba Trầu kịp sửa lại:
– Dạ con muốn nói là con có quen với vợ chồng đó. Bà hỏi con mừng quá, vì con có thể...
– Tao muốn qua nhà gặp tụi đó, mày dẫn tao đi.
Ba Trầu ngạc nhiên:
– Để làm gì bà? Nhà họ nghèo rớt mồng tơi, làm sao đủ sức tiếp bà!
– Thì cứ dẫn tao đi, tao muốn nói chuyện với họ. Mà theo mày thì tụi nó có xứng làm sui gia nhà tao không?
Câu hỏi làm cho Ba Trầu ngơ ngác:
– Bà nói...
Mụ cai nói rõ hơn:
– Tao muốn làm sui với nhà đó!
– Thưa bà... chắc con nhỏ Xinh làm bà hài lòng?
Mụ cai trố mắt nhìn Ba Trầu:
– Mày nói con Xinh nào?
– Dạ, con nhỏ con gái của vợ chồng Tư Bường, tức con nhỏ ở chăn vịt cho bà dó!
Mụ cai như bị phỏng lửa:
– Mày có điên không Ba Trầu? Tao thế này mà đi cưới con nhỏ chăn vịt hả?
– Thì... thì con gái của Tư Bường chính là con nhỏ đó! Vợ chồng họ chỉ có một đứa con gái duy nhất đó thôi!
– Không phải! Thằng Paul đưa về một đứa con gái đẹp như tiên, nói là con gái của Tư Bường nào đó. Con nhỏ đó đâu phải là đứa chăn vịt!
– Vậy con đó ở đâu?
Mụ cai có vẻ không hài lòng:
– Nó là con dâu tương lai của tao, sao mày kêu con này con nọ?
Rồi mụ ngoe nguẩy bỏ đi vào trong ngay. Ba Trầu quay sang mấy đứa giúp việc hỏi khéo:
– Mấy bữa nay mấy đứa có thấy ai về nhà này không? Con nhỏ đó đó...
Sáu Mi là đứa lanh lợi, lắm mồm nhất trong nhà, đã như được khai thông mạch chảy:
– Chỉ mới sáng nay thôi, chứ đâu phải mấy ngày. Cậu Paul dẫn về một cô gái đẹp mê hồn, lúc đầu là cai tưởng là gái Sài Gòn, nhưng khi hỏi ra thì cậu Paul nói cô ta là người ở xử này, con của Tư Bường!
– Bộ mấy người không biết con Xinh con gái Tư Bường, đứa chăn vịt cho nhà bà cai lâu nay hay sao?
Sáu Mi lắc đầu:
– Mấy năm rồi không gặp mặt nó, nhưng không phải là không nhớ. Đằng này con nhỏ đi với cậu Paul không phải là con Xinh, bởi nó đẹp và sang trọng như một tiểu thư, tôi cứ tưởng Tư Bường còn có đứa con gái khác!
Ba Trầu lẩm bẩm:
– Kỳ vậy? Không lẽ...
Vừa khi ấy bà nghe có tiếng oang oang của Hai Paul:
– Đứa nào ở đó, lấy cho cô Xinh đôi dép coi!
Ba Trầu nhìn ra ngoài sân thì thấy một cô gái mặc nguyên bộ đồ màu vàng rực rỡ đang đi cạnh Paul. Bà thốt lên:
– Con Xinh thật mà!
Bà là chỗ thân tình với nhà Tư Bường, hầu như gặp mặt Xinh hằng ngày, nên bà đâu có lạ gì con nhỏ... Nhưng sao bữa nay nó lại ăn mặc diêm dúa, lại có cử chỉ thái độ không giống với đứa con chân chất thật thà của Tư Bường chút nào?
Thấy chưa có ai nghe lời mình, Paul lại hét to:
– Đứa nào đó, bảo lấy đôi dép cho cô Xinh mang sao còn ở đó!
Sáu Mi nhanh nhảu lên tiếng:
– Dạ, cậu Hai để con lấy.
Lúc này Paul đã ẵm Xinh trên tay bước vào phòng, nơi Ba Trầu và mấy người đang nói chuyện.
– Xinh! Dì Ba nè...
Thấy Xinh giương mắt nhìn mình mà không chào hỏi, Ba Trầu lên tiếng, nhưng cô gái vẫn tỉnh như không, trái lại còn hỏi Paul:
– Ai mà ăn nói trịch thượng vậy?
Paul có nhớ Ba Trầu, nhưng anh ta muốn lấy oai với người đẹp, nên quát lớn:
Bà nhà quê này Ià ai vậy?
Ba Trầu đáp ngay:
– Tôi là Ba Trầu đây cậu Hai, lúc trước nhiều năm tôi ở đây hầu hạ bà...
– Ai cho bà vào đây ăn nói linh tinh vậy, đi ra.
Cô gái còn bồi thêm:
– Nhà anh sang trọng vậy mà cho mấy bà già trầu quê mùa vào chi cho mất giá trị! Nếu bà ấy là người làm thì đuổi cổ đi!
Bất ngờ quá đỗi, bà Ba Trầu tức nghẹn lên tới cổ, bà run run:
– Xinh, mày... mày...
Paul quát một tiếng nữa:
– Đuổi cổ bà này ra mau, tụi bay đâu!
Mấy tay vốn bám theo Paul để được cà phê thuốc lá, lúc nào cũng có mặt gần đó, hai tên bước tới hất hàm bảo:
– Bà già kia, ra chưa!
Tên đó là Sáu Thẹo, vốn ở sát nhà bà, nên Ba Trần quắc mắt nhìn hắn:
– Mày hỗn với tao hả Thẹo!
Nhưng Sáu Thẹo không màng tới bà, hắn bước xốc ngang người bà cùng với tên kia kéo lê bà ra ngoài. Bà Trầu la ầm lên:
– Mày ăn cơm thừa cá cặn của hắn phải không Thẹo! Đồ côn đồ, đồ...
Trước sự việc đó, Xinh vẫn bình thản. Ba Trầu tức lắm, nhưng đã bị Sáu Thẹo bụm miệng, nên không còn la lối nữa. Mãi khi ra tới ngoài, bất ngờ bà nghe Thẹo nói khẽ:
– Dì Ba về đi, chọc giận thằng điên đó nó bắn dì chết mà không ai dám can đâu!
– Thẹo, mày...
Thẹo lại nói nhanh:
– Cả nhà nó đang điên, dì về đi!
Ba Trầu vẫn cố nhìn Xinh và nói:
– Còn con Xinh...
– Con đó cũng điên, dì mặc nó!
Ba Trầu chẳng còn cách nào hơn, nên tần ngần một lúc rồi mới chịu đi...
Bà đi thẳng về nhà vợ chồng Tư Bường, vừa tức vừa kể lại mọi việc.
Tư Bường đang mệt mà nghe bà Ba Trầu kể chuyện ông cũng phải bật dậy:
– Cô nói sao, con Xinh tôi...
Chú bị mệt nên ho một tràng dài, rồi thều thào:
– Nó... nó làm sao?
– Không phải là nó nữa! Nó nhìn tôi như người lạ.....
Bà Tư tỉnh nãy giờ, nhưng do không còn sức nên bà chỉ im lặng lắng nghe, tới đây bà cũng như ông, không còn chịu đựng nổi, đã lên tiếng:
– Con gái tôi chưa bao giờ như vậy cả. Chắc nó bị.....
Ba Trầu phải nói rõ hơn:
– Chính thằng Sáu Thẹo nó nói cả nhà bên đó đều điên hết rồi! Cả con Xinh nữa...
– Nhưng có đúng là họ bắt cóc con Xinh của tôi không?
– Thì tôi chạm mặt nó, đúng là nó, nhưng chẳng hiểu sao nó ăn mặc như gái thành thị và thái độ xấc xược chẳng khác đám con nhà giàu hay bọn gái làng chơi.
Bà Tư la lên:
– Chị không được nói về con tôi như vậy!
Nhưng bà Ba Trầu vẫn nói:
– Tôi nhìn ánh mắt của nó thấy khác thường lắm. Có thể là bị ép buộc hoặc bị..... quỷ ám hay ma hớp hồn sao đó!
Bà Tư hốt hoảng:
– Còn gì con tôi, trời ơi!
Ba Trầu hỏi:
– Nếu bây giờ bên đó qua tính hỏi cười con Xinh cho thằng Hai Paul, chị chịu không?
– Không! Không đời nào!
Nhưng chú Tư thì lại nói:
– Người ta có lòng thì cũng tốt. Nhất là bây giờ mình biết được nó đang an toàn và còn thay đổi đời nữa...
Bà Tư vẫn la lên:
– Tôi biết tính con gái tôi, nó không bao giờ chịu sống trong cái nhà đó!
Ba Trầu bàn thêm:
– Theo tôi thì trong vụ này không chỉ bên nhà cai tổng Tài muốn, mà hình như con Xinh cũng thuận nữa. Biết đâu chuyện nó biến mất khỏi trại chăn vịt là do chính nó...
Một lần nữa, bà Tư gào lên:
– Không phải! Con gái tôi nó bị hại, có thể là...
Bà định nói nữa, nhưng bất chợt hai mắt trợn trừng, người run lên vì cơn lạnh phát ra đột ngột!
Bà quá uất ức, nên bất kể tình trạng sức khỏe của mình đã lao ra cửa, miệng thì cứ gào tên con.
Bà cũng không ngờ người nhà của cai tổng lại hết sức dễ dãi, không hạch hỏi lôi thôi gì khi bà xưng tên mình ra. Họ còn mở cửa cho vào trong một cách nhanh chóng.
Chỉ có khi bà lên tiếng hỏi Xinh ở đâu thì mọi người chỉ nhìn nhau mà không đáp. Bà phải hỏi lớn tiếng mấy lượt nữa thì mới có tiếng ai đó nói từ trong vọng ra:
– Cứ cho bà ta vào gặp đi!
Và bà gặp được con trong căn phòng kín, chẳng một ai chứng kiến. Họ gặp nhau khoảng hơn nửa giờ. Chẳng hiểu đã nói với nhau những gì, chỉ thấy khi trở ra thì bà Tư như người mất hồn...
Bà chết lên chết xuống bởi thái độ của con. Khi gặp bà, Xinh đã chẳng những không nhìn mà con lớn tiếng xua đuổi. Mà không phải xua đuổi suông, cô còn tỏ ra sợ hãi khi nhìn thấy mẹ mình!
Bà Tư đau khổ tột cùng, bà bước ra khỏi nhà cai tổng Tài mà bước đi không muốn nổi. Bà không tin sự thể lại như thế. Bởi vậy gần một giờ sau đó, bà đi mà chẳng biết là mình đi đâu.
– Nè cô...
Có ai đó gọi, bà Tư cũng chẳng buồn ngoái lại nhìn, đến khi có bàn tay người chạm vào vai mình lúc ấy bà mới dừng bước. Giọng một ông cụ hiền từ:
– Sắc mặt xanh, bước đi loạng choạng thế này, chẳng phải là người sắp chết ư?
Bà Tư chợt phá lên cười:
– Chết? Thì chết chứ còn sống làm gì nữa! Làm cách nào cho tôi chết đi!
Ông lão rõ ràng không phải người làng này, bằng chứng là ông ta nhìn bà Tư hoàn toàn xa lạ, và ngược lại bà Tư Bường cũng dửng dưng trước ông ta.
– Bà nói muốn tìm cái chết?
– Ông có không, cho tôi với!
Bà Tư vừa dứt lời thì đột nhiên bước nhanh tới như có ai đẩy đi, giọng ông lão vẫn bám theo phía sau:
– Bà sẽ được toại nguyện ngay thôi!
Một lát sau, bỗng trước mắt hiện ra căn chòi chăn vịt, khiến bà Tư hoàn hồn, bà ngơ ngác:
– Sao lại ở đây?
Ông lão vẫn giọng trầm tĩnh:
– Có phải bà muốn chết không?
Lúc này bà Tư đã tỉnh táo hẳn, bà nhớ ra mọi chuyện:
– Con gái tôi, Xinh ơi!
Ông lão đứng ngoài cửa bảo bà:
– Bà bước vào mà gặp con gái!
Bà Tư reo lên:
– Con tôi đâu?
– Bà biết mình mất con là ở chỗ nào?
Chỉ tay vào chòi, bà đáp ngay:
– Ở trong này!
– Vậy sao không vào đó mà tìm nó!
Lời ông vừa dứt thì bà Tư đã như bị ai xô, ngã nhào vào trong. Người bà đè lên một vật mà vừa chạm phải, bà đã kêu lên:
– Bộ đồ của con tôi!
Ông lão lại lên tiếng:
– Đâu chỉ là bộ quần áo!
Khi ấy, bỗng bà Tư la lớn:
– Con... con Xinh!
Lúc đầu chỉ là bộ quần áo, nhưng sau lời của ông lão, bà Tư cảm giác là mình đang ôm cả thân thể của ai đó!
Người mẹ đã nuôi con mình từ lúc lọt lòng đến nay nó đã hơn mười bảy tuổi thì làm sao bà lầm thân thể nó với ai khác được, mặc dù lúc ấy trong chòi vịt không có chút ánh sáng nào.
– Xinh!
Ông lão vẫn chậm rãi nói:
– Nó chết rồi, bà có muốn đi theo nó thì cứ nằm xuống đó, lát nữa ắt sẽ toại nguyện.
Ông dứt lời thì im bặt. Tưởng ông chờ mình trả lời, nên bà Tư vội lên tiếng:
– Tôi sẽ chết theo con tôi!
Bà nói xong nằm xuống ngay bên cạnh con. Tay bà sờ sang chỗ lỗ mũi và một lần nữa, bà hét lên:
– Trời ơi!
Không còn hơi thở nơi Xinh, có nghĩa là...
– Ông ơi, cứu con tôi!
Bà gào lên rát cổ họng mà chẳng nghe ông lão trả lời. Bởi khi ấy ông ta đã đi mất rồi...
– Ông ơi! Con ơi...
Bà lịm đi...
Lúc tỉnh lại thì mặt trời bên ngoài đã lên khá cao. Chợt nghe có người nói chuyện gần đó, bà Tư kêu lớn:
– Ai ngoài đó, làm ơn giúp con tôi với!
Mấy người đi cấy lúa nghe kêu thì bâu lại chòi vịt nhìn vào. Họ ngạc nhiên khi thấy bà Tư nằm trong đó, hai tay đang ôm cứng một bộ quần áo. Một người hỏi:
– Ủa, bà Tư sao lại ngủ trong đó? Bộ được cai tổng mướn làm thay con Xinh hả?
Nghe hỏi bà Tư mới hoàn hồn, nhìn lại vật mình ôm trong tay. Bà kinh hãi kêu Iên:
– Con tôi đâu?
Bảy Lý là người ở gần nhà cai tổng Tài, có nghe thoáng qua chuyện của Xinh nên lên tiếng:
– Nó đang ở nhà bà cai tổng, sao dì ra đây tìm?
Bà Tư xua tay lia lịa:
– Không phải! Đừng nói bậy!
Bỗng người thứ hai cùng đi với Bảy Lý vội lên tiếng:
– Bộ mấy bà không hay chuyện gì sao? Sáng nay người ta phát hiện ông cai tổng bị giết chết, có lính đang làm ồn ào ngoài đó!
Bảy Lý kinh ngạc:
– Sáng nay tôi đi sớm nên đâu có để ý. Mà ai giết ông ta?
– Con Hai Xinh con Tư Bường!
Bà Tư đang nằm, vội bật dậy:
– Lại nói bậy nữa rồi! Con gái tôi nó đang nằm ngủ với tôi ở đây mà.
Bà vừa nói vừa đưa tay sờ soạng, khi cầm bộ quần áo lên thì lại la lớn:
– Ai bắt con tôi đi đâu rồi?
Lúc này trời sáng nên có thể nhìn khắp chòi không sót chỗ nào. Chẳng hề có dấu vết gì của Xinh, Bà Tư lại càng hốt hoảng:
– Nó đâu rồi?
Người kia đáp:
– Nghe nói giết chết ông cai tổng là nó bỏ trốn biệt rồi. Chắc là giờ này làng lính đang tới nhà bà để lục soát, sao bà còn ở đây? Bộ tính trốn hả?
Bà Tư phớt lờ lời nói của họ, bà cứ tìm kiếm hoài tung tích con mình.
Đến khi chợt nghe ra chuyện người nọ nói, bà thảng thốt kêu lên:
– Con Xinh giết ai?
Khi nghe rõ lại, bà vùng chạy ra ngoài. Bảy Lý nói với theo:
– Dì chạy về nhà đi, người ta đang đi tìm bắt con Xinh đó!
Như người bị mộng du, bà Tư nhắm hướng nhà mình, nhưng khi chạy tới nơi mà cũng không nhớ quẹo vào, phải có người kêu lớn:
– Dì Tư, nhà đây mà!
Khi bà vào nhà thì quả là có hương quản Lân và cả chục người lính làng đang vây quanh ngôi nhà. Họ vừa thấy bà đã la lên:
– Bà giấu con Xinh ở đâu?
Bất ngờ, bà hỏi ngược lại:
– Mấy người bắt con tôi đem đi đâu?
Hương quản Lân quát lớn:
– Con mẹ già mồm! Tôi hỏi bà giấu con nhỏ giết người ở đâu? Không khai báo thì khi về nhà làng, bị kẹp hai bàn tay nát nhừ thì cũng phải khai thôi!
Ông Tư nãy bị hạch hỏi nãy giờ, bị luôn mấy thoi của Hương quản Lân rồi, nên sợ sệt nói vọng ra:
– Bà biết nó ở đâu thì chỉ đi, kẻo họ đánh chết bây giờ!
Làm sao bà biết? Bởi vậy sau đó bọn lính lệ đã trói gô cả hai ông bà già bệnh tật lại, khiêng như khiêng heo về nhà làng. Ở đó chẳng cần hỏi han gì thêm, hương quản Lân đã cho nhốt hai người vào cái nhà kho bít bùng, nóng như lò nung!
Suốt ngày hôm đó, chỉ một lần vào buổi chiều, họ đưa vào hai tô cơm với hai miếng khô cá nguội ngắt. Quá đói nên ông Tư còn ráng gặm vài miếng, còn bà thì tuyệt nhiên không. Bà đã không ăn mà còn gào khóc, chửi bới om sòm.
Mà thật ra cũng vô ích thôi, bởi nhà làng giờ đó không còn ai làm việc.
Chỉ có một anh hương tuần lo việc trật tự, nhưng biết được hai tội phạm là người già, chẳng sợ họ bỏ trốn, nên anh ta cũng bỏ về ngủ với vợ luôn.
Nửa đêm...
Trong lúc chập chờn, bỗng bà Tư nghe có tiếng ai đó nói rất khẽ bên tai:
– Má đưa tay ra đây con đưa cái này!
Rõ ràng là giọng của Hai Xinh! Bà Tư mừng hơn bắt được vàng:
– Con hả Hai? Trời ơi, cứu ba má ra với con!
– Con không thể vào trong đó được, nhưng con sẽ chờ ba má ở khúc sông lớn vào rạng sáng hôm nay. Họ sẽ đưa ba má tới đó...
Bà Tư hốt hoảng:
– Họ đưa đi đâu?
Giọng Xinh nhỏ hơn lúc nãy, chứng tỏ cô đang lùi bước lại:
– Giải lên tỉnh. Má cứ cầm lấy vật con mới đưa và giấu cho kỹ, đừng để họ thấy. Họ sắp tới rồi đó, con chờ ba má!
Quả nhiên, sau đó chừng mười lăm phút thì cả lũ làng lính kéo tới. Có giọng oang oang của Hai Paul, anh ta quát:
– Sao chưa đưa tụi nó ra, cờn đợi gì nữa!
Có tiếng dạ của hương quản Lân. Tên này tuổi đáng cha chú của Paul, vậy mà lại răm rắp nghe lời và còn lễ phép nói:
– Cậu hai cứ về nghỉ, chuyện này để tôi lo...
Paul vẫn lớn lối:
– Tôi phải đích thân tính vụ này mới được. Phải trước tiên thủ tiêu hai con khỉ già này, rồi sau đó truy lùng con quỷ cái kia cho bằng được.
– Dạ, tụi này sẽ làm ngay. Tôi đã cho đón các ngả đường sông, đường bộ, nó chẳng còn chạy đâu được nữa!
– Vậy sao cả ngày rồi vẫn chưa bắt được nó?
Hương quản Lân ấp úng:
– Dạ..... việc này...
Paul hét lên:
– Ngày mai lên gặp thằng Ba thì mấy ông liệu mà giữ cái đầu!
Ba Dữ là anh rể của hắn, tay mật thám nổi tiếng là ác nhân, giết người không gớm tay. Chỉ cần dọa tên hắn ra thì cả lũ đều sợ xanh mặt. Hương quản Lân riu ríu:
– Dạ, cậu Hai yên tâm... Cậu Hai cứ về nhà nghỉ, tụi này sẽ hoàn thành nhiệm vụ!
Khi chúng mở cửa nhà kho ra thì đã thấy vợ chồng Tư Bường nằm thẳng cẳng, có lẽ vì kiệt sức, hoặc cũng có thể do quá sợ hãi. Quản Lân hét thuộc hạ:
– Khiêng tụi nó ném xuống xuồng mau lên!
Vợ chồng Tư Bường như hai cái xác chết, nên dẫu bị khiêng cũng chằng kêu la gì. Tuy vậy Paul căn dặn:
– Tụi bây lấy nùi giẻ nhét thêm vào miệng chúng, phòng khi... hành sự chúng la hét lôi thôi.
Đích thân hương quản Lân lấy hai nùi giẻ dơ nhét vào miệng hai nạn nhân. Chỉ mấy phút sau thì cuộc áp giải bắt đầu. Ban đêm, đường sông vắng vẻ, nên việc chở hai phạm nhân đã bị bịt miệng diễn ra êm xuôi.
Mười phút sau thì ra tới ngã ba sông lớn.
Quản Lân nháy mắt cho hai tên thuộc hạ. Bọn này hiểu ý nên chúng đứa chụp hai tay, đứa nắm hai chân của ông Tư trước rồi nhất loạt ném ông xuống dòng sông đang chảy xiết! Rồi tới phiên bà Tư cũng thế. Chỉ trong vòng chưa đầy một phút, bọn ác nhân đã giải quyết xong hai con người vô tội!
Dòng sông đêm vẫn cuồng nộ chảy xiết, có lẽ đưa hai con người lương thiện kia ra rất xa khi trời sáng...
Nhưng...
Khi cả bọn chưa kịp quay xuồng lại, thì chợt một tên đứng đầu mũi la lên:
– Ai nắm chân tôi vậy? Ai...
Hắn ta chưa dứt lời thì đã nghe ùm một cái, cả thân thể hắn ngã nhào xuống nước. Hương quản Lân hốt hoảng la lớn:
– Đưa dầm cho nó nắm mau lên!
Tên đứng gần vội dưa mái dầm xuống nước, và tới lượt hắn cũng nhào theo luôn! Đoán là có điều chẳng ổn hương quản Lân vội hò hét mấy tên còn lại:
– Tụi bay mau bơi xuồng vào bờ! Mau lên...
Hắn còn đang la hét thì tới phiên chân trái của hắn bị một bàn tay của ai tứ dưới nước thò lên, nắm chặt và kéo mạnh!
Sau hương quản, còn lại hai tên nữa, chúng hốt hoảng bơi xuồng nhanh vào bờ. Nhưng khi xuồng còn cách bờ hơn chục thước thì chiếc xuồng bỗng lật ngang, và chẳng còn thấy tên nào bò lên!
Dòng sông hình như chảy mạnh hơn, cuồng nộ hơn, và trong phút chốc có một cơn gió mạnh thổi lên. Rồi một tràng cười man dại vang lên bay theo gió đi rất xa...
Người tỉnh lại đầu tiên là bà Tư Bường. Nhìn sang thấy chồng mình còn nằm đó, bà hốt hoảng kêu lên:
– Chúng tôi chết hay sống?
Một giọng người già cất lên:
– Bà đâu có sợ chết phải không? Vậy thì bà đã toại nguyện...
Nghe giọng nói quen quen, bà Tư nhìn lại và vô cùng ngạc nhiên khi thấy đó là ông lão ở chòi vịt hôm trước.
– Ông... sao lại ở đây? Còn con tôi đâu?
– Bà chỉ nghĩ đến con mà không cần sự sống chết của chồng? Ông ta đã chết, để cho bà sống đó!
Bà Tư gào lên:
– Tôi muốn chết theo con tôi thôi!
Bà đưa tay sờ lên mũi ông chồng và yên tâm khi biết ông còn thở. Nhìn quanh lần nữa, bất chợt bà nhận ra có một đứa con gái đứng quay lưng lại, nó mặc bộ đồ mà vừa nhìn thấy bà đã nhận ra ngay:
– Đứa này... nó là con Hai của tôi!
Cô gái quay lại, và quả nhiên đó là Xinh mà bà Tư đã gặp ở nhà cai tổng Tài. Bà mừng quính:
– Nó đây mà, Xinh ơi!
Bà lao tới thì gặp ngay sự ngăn cản của ông lão:
– Bà chạm vào nó là cả bà và nó đều chết hết! Bà nhận ra nó rồi phải không? Nhưng nó không hề là con bà!
Bà Tư không chịu nổi cách nói của ông lão, nên la lớn:
– Hãy để con tôi nó nhìn mẹ. Xinh, con hãy lên tiếng đi!
Nhưng một lần nữa giống như bữa trước, cô gái lắc đầu:
– Bà đâu phải là má tôi!
Rồi cô ta bước thẳng vào nhà trong. Bà Tư gọi với theo:
– Con Hai, má đây mà!
Bà định bước theo, nhưng chân vấp phải vật gì đó ngã chúi tới trước.
Nhìn lại, bà hốt hoảng:
– Ai nằm đây?
Ông lão giờ mới cất giọng nghiêm túc:
– Bà thấy rồi đó, đứa con gái kia không phải là con bà. Nó làm xong việc mà con gái bà muốn nó làm, còn giờ thì nó... chết.
Chưa hiểu sự tình, nên bà Tư kêu lên:
– Không được để con tôi chết!
Bà nhìn kỹ lại xem, có phải con gái bà đây không?
Lúc này bà Tư mới nhìn xuống xác người nằm dưới chân, rõ ràng đó là Hai Xinh!
– Con ơi!
Ông lão thở dài:
– Nếu vợ chồng bà không nhờ vật trong túi áo kia thì đã chết khi bị chúng nó xô xuống sông rồi. Bà xem nó còn hay không?
Lúc này bà Tư mới chợt nhớ lại, bà chụp tay lên túi áo và reo lên:
– Nó còn đây!
Bà tiện tay móc ra, và sau khi mở lớp vải gói bà không khỏi sững sờ, bởi đó là cái mặt dây chuyền hình Phật làm bằng vỏ gáo dừa mà tự tay bà làm cho con đeo khi nó lên ba tuổi. Nhà người ta giàu có mua cho con dây chuyền vàng bạc, còn bà chỉ có thể cho con đeo thứ như thế này. Nhưng lạ là từ khi đeo vật này, Xinh lại rất thích và không hề rời ra. Và kỳ diệu thay, có lần do lau mình, vướng khăn đứt dây làm tượng Phật rơi ra, thế là Xinh bị bệnh suốt mấy ngày!
Từ đó nó không bao giờ dám để mặt dây chuyền ấy xa mình. Vậy mà...
Giọng ông lão như một lời giải thích:
– Cô ấy buộc phải lột tượng Phật ra, trong khi biết làm như vậy là có thể sẽ không còn giữ được thân xác cho đến khi gặp lại cha mẹ, nhưng vì sự an nguy của ông bà nên cô ấy đã phải mạo hiểm. Cũng may, Phật trời còn thương nên giờ đây...
Ông nói tới đó thì vội đứng lên, dợm bỏ đi thì bà Tư gọi giật lại:
– Tôi phải làm sao với con đây?
Ông lão nhẹ thở dài:
– Tôi cũng chỉ là người làm giúp cháu nó, chuyện duy nhất là báo tin và đưa cô ấy tới bên ông bà. Còn những gì tiếp theo thì tôi không có quyền biết...
Cũng như cô gái lúc nãy, cô ấy cũng chỉ giúp cô Xinh làm xong việc, rồi trở lại với kiếp riêng của mình. Chúng tôi hết nhiệm vụ nên xin phép ông bà, tôi phải đi...
Ông nói dứt lời thì như làn khói, biến mất.
Ôm xác con mình, bà Tư gào lên:
– Con ơi, Hai ơi?
Ông Tư cũng đã tỉnh hẳn, ông bật dậy khi nhìn thấy xác con và ông kêu thét lên:
– Ba hại con rồi Hai ơi?
Bà Tư ngạc nhiên:
– Ông nói vậy là sao?
Giọng ông trầm xuống:
– Bà nhớ đứa sinh đôi với con Xinh ngày trước không?
Bà Tư giật mình:
– Nó ra đời chỉ được hơn một tháng thì đã bị người ta ăn cắp mang đi mất, nó là con Đẹp, tên do chính tôi đặt mà!
– Thật ra... nó không bị bắt cóc! Nó đã...
Bà Tư như bị điện giật, bà sửng sốt nhìn ông:
– Chứ nó ở đâu? Mà sao từ nào đến giờ ông không nói cho tôi biết?
Ông gần như suy sụp:
– Chỉ vì tôi... hối hận!
– Ông đã làm gì nó? Bây giờ nó ở đâu?
– Chính tôi đã... bán nó cho người ta!
Trời đánh cũng không làm cho bà Tư choáng váng bằng nghe tin này! Bà run lẩy bẩy:
– Trời ơi... ông ơi là ông! Ông Tư Bường ơi...
Bà lạnh cả người, trong khi chồng vẫn run giọng kể:
– Bà có nhớ ngày đó tôi nợ nần quá nhiều do cờ bạc không? Chính từ đó...
Bà Tư rên rỉ:
– Tôi đã biết mà... thế nào rồi ông cũng làm chuyện bậy bạ! Nhưng đâu có ngờ...
Ông Tư chừng như đã hối hận tột cùng, nên giọng ông đầy nước mắt:
– Tôi bán con cho một người không con, tội thì có tội, nhưng cũng giải quyết được thực tế lúc đó. Bởi bà nghĩ coi, với cái nghèo rớt mồng tơi như vợ chồng mình lúc ấy thì làm sao nuôi nổi một lúc hai đứa con! Chỉ có điều là tội ác của tôi không dừng lại ở đó, đầu năm nay khi nợ lúa của mình với Hai Tửng quá hạn trả đã lâu nếu không trả thì có thể bị người ta thưa ở tù rục xương! Nên tôi đã...
Bà lại run giọng hỏi:
– Ông đã làm gì nữa?
– Thì...
Ông không dám nói thẳng phải ngập ngừng một lúc:
– Ông cai tổng gặp tôi nhân chuyến ông ta đi thăm đồng, và cũng xui cho con Hai...
Chợt hiểu, bà gào lên:
– Ông bán con Xinh luôn cho nhà đó?
Ông Tư ôm mặt khóc nức nở:
– Tôi không bán mà họ ép tôi phải bán!
– Trời ơi!
Giọng ông ta vẫn đều đều:
– Con Xinh ở chăn vịt cho nhà đó từ lâu nhưng cai tổng Tài không hề gặp nó, cho nên bữa đó vừa trông thấy nó, lão ta đã sáng con mắt lên, run giọng hỏi tôi nó là con nhà ai? Sau khi tôi nói nó là con mình thì lão ta vỗ vai tôi bảo:
“Nếu mày chịu cho con nhỏ về hầu hạ tao thì tao trả giùm mày món nợ lúa của Hai Tửng!”. Lúc đầu tôi không chịu, nhưng sau đó nghĩ con gái mình dẫu sao cũng đã là thân ở đợ rồi thì ở chăn vịt với ở đợ phục vụ trong nhà họ cũng có khác gì đâu! Vậy là tôi chịu. Nhưng dặn con Xinh là không được nói cho bà biết, vẫn cứ ngày ngày ra chòi vịt rồi lén tới nhà cai tổng mà làm việc. Chẳng ngờ cai tổng Tài sinh tâm...
Bà Tư hốt hoảng:
– Ông ta đã làm gì con Xinh?
– Tôi cũng không rõ... nhưng đêm hôm đó tôi đang nằm ngủ thì cái vong của con Xinh hiện về, báo cho biết là nó đã... chết dưới bàn tay thô bạo của cai tổng Tài! Tôi sợ điếng hồn, chạy đi tìm nó thì cai tổng Tài giấu giếm, chối tội.
Sợ bà biết chuyện, nên tôi chạy vội qua chỗ mà ngày trước tôi cho con Đẹp, năn nỉ người ta cho tôi mượn con nhỏ mấy bữa. Mục đích của tôi là nhờ con nhỏ đó đóng thế vai con Xinh, vì hai đứa giống nhau như khuôn đúc, để giúp bà yên lòng. Nó sẽ làm được, bởi từ khi lớn lên con đó tâm thần không bình thường lúc tỉnh, lúc điên khùng... Nhưng khi tôi qua tới nơi thì nghe nói con nhỏ đã đi đâu mất. Cho tới khi tôi nghe bà nói nó ở nhà cai tổng Tài. Chẳng hiểu là thế nào?
Bà Tư đay nghiến:
– Ông giết con, hết đứa này tới đứa khác, nay ông sắp giết tới tôi nữa rồi!
Tôi sẽ chết để cho ông được sống mà tiếp tục lún sâu vào tội lỗi! Sau này có chết ông cũng không còn mặt mũi nào mà gặp con cái nữa!
Bà nói xong gục xuống ôm xác của Xinh. Bỗng bà bật dậy, kêu lên:
– Nó... còn sống!
Cái xác lúc nãy tạnh ngắt, bây giờ tự dưng có hơi ấm trở lại! Tuy nhiên, nó vẫn bất động. Bà Tư nắm lấy tay con lắc mạnh:
– Tỉnh dậy đi con, Xinh ơi!
Bà gọi lạc cả giọng mà Xinh vẫn trơ trơ. Chợt bà nhìn thấy trong tay con có mảnh giấy nhỏ mà nãy giờ Xinh cầm chặt. Gở mảnh giấy ra, trên đó chỉ có bốn chữ mà bà Tư không đọc được, phải đưa qua cho ông:
– Ông coi trong này viết cái gì nè!
Ông Tư Bường đọc nhanh và giật mình:
– Hãy cứu em Đẹp!
Ông Tư buông tờ giấy xuống, thất thần:
– Họ làm gì con nhỏ rồi!
Chẳng cần nghe vợ hỏi, ông phóng nhanh ra cửa, mặc dù hai chân còn yếu vì bệnh tật lâu ngày, nhưng như có một sức mạnh phi thường nào đó trợ giúp, ông đã chạy một mạch mà không thấy mệt! Khi đến nơi thì đúng vào lúc có cả chục người, trong số đó có Hai Paul và Ba Dữ, con và rể cai tổng Tài, đang nắm đầu tóc của Đẹp vừa hét lớn:
– Mày giết cha tao phải không?
Tiếng hét lớn đó là của Ba Dữ, lúc ấy trên tay hắn đang lăm lăm khẩu súng lục với ngón tay đặt trong cò. Paul thì nói thêm vào:
– Nó chứ còn ai. Khi tôi bước vào phòng thì thấy nó vừa chạy ra, còn ba thì đã gục xuống sàn nhà!
Ba Dữ lên đạn, vừa hét lần nữa:
– Tao hỏi lại, mày giết ba tao phải không?
Đẹp vẫn im lặng với ánh mắt đang lạc thần. Hình như cô không ý thức được là người ta sắp sửa bắn mình, nên dẫu họng súng đang chĩa về mình, cô vẫn xem như không! Tên Ba Dữ thì không như thế, hắn bắt đầu đưa cơn say máu lên đến cao độ và ngón tay của hần ấn vào cò súng mà đôi mắt không chớp!
Đoàng!
Phát súng nổ! Nhưng viên đạn thay vì ghim vào đầu cô gái, đã ghim thẳng vào một bên vai của một người khác:
Tư Bường!
Lão vừa kịp tới và cũng kịp lao vào che ngang trước mặt con gái, đồng thời gào lên:
– Chính tao đã giết! Chính tao...
Lão đau đớn bởi viên đạn, nhưng vẫn cố che trước mặt con. Tên Ba Dữ như con thú đang vồ mồi mà bị chặn ngang, hắn hét to:
– Thằng này là ai?
Paul đứng cạnh đó vội lên tiếng:
– Thằng này là ba của con này!
– Chính nó đã giết ba?
Tư Bường cố nói thật lớn:
– Chính tao đã giết tên háo sắc đó!
Một phát súng thứ hai nổ vang! Và Tư Bường gục xuống, trong lúc cô gái hoảng loạn gào lên, vừa chạy đi.
Ba Dữ sau khi nổ hai phát súng hạ được người thì có vẻ thỏa mãn:
– Được rồi, chỉ cần hạ được kẻ đã giết ba là xong!
Hắn ra lệnh cho thuộc hạ rút lui, không truy đuổi theo cô gái. Trong khi đó thì Paul đứng yên một lúc, rồi anh ta bước theo hướng Đẹp vừa chạy. Quả nhiên chỉ vài trăm bước chân hắn đã bắt gặp cô gái nằm gục ở một bụi cây.
Đứng nhìn cô gái một lúc, rồi bằng động tác nhẹ nhàng, hắn đỡ cô dậy âu yếm:
– Tội nghiệp cưng quá...
Thật tình, từ lúc được cha hứa giao cho riêng con nhỏ này, tuy thấy cô ta khờ khạo, nhưng sắc đẹp mặn mà của cô đã hớp hồn anh ta ngay từ phút đó! Kế xảy ra vụ cha mình bị giết, cả nhà ai cũng đổ vấy cho cô ta giết người, lòng Paul hoang mang... Cho đến lúc nãy, khi nghe Tư Bường nhận là ông ta đã giết người, thì Paul thở phào nhẹ nhõm. Anh tự hỏi, sao mình không lấy cô gái này làm vợ? Thứ nhất, khó tìm nhan sắc nào qua nổi cô gái hoa đồng cỏ nội này, thứ hai anh ta ăn chơi nhiều, gặp và lấy không biết bao nhiêu là gái làng chơi, gái làm tiền và cả những đứa con gái ham tiền, chanh chua đanh đá rồi, thấy chán!
Cái anh ta cần lúc này là mẫu con gái như thế này...
Không cần suy nghĩ gì thêm, Paul bế xốc Đẹp lên tay và quyết định đưa về nhà...
Bà cai tổng tuy có khó chịu, nhưng sau khi nghe cả Paul và Ba Dữ tường thuật chuyện Tư Bường nhận mình là thủ phạm, rồi bị Ba Dữ trừng trị thì bà cũng nguôi giận.
Bà chỉ nói với Paul:
– Muốn cười nó thì tao cũng cho, nhưng không được làm đám cưới và cũng không được cho nó có mối liên hệ gì với nhà Tư Bường...
Paul đồng ý ngay. Anh ta còn nói riêng với mẹ:
– Con này là đứa con song sinh với đứa ở đợ chăn vịt nhà mình. Mà con nghe nói...
Anh ta hạ thấp giọng, nói chỉ cho mình mẹ nghe:
– Con nghe nói chính ba đã... hại chết con nhỏ chăn vịt, cho nên...
Bà cai tổng lắc đầu ngao ngán:
– Tao còn lạ gì cái tính của ông ấy. Nhưng mà thôi, mọi việc cũng đã xong rồi.
Họ chấp nhận cho Đẹp ở lại như trước đó mấy ngày. Lạ một điều là kể từ khi chứng kiến cảnh ông Tư bị bắn chết, hình như cô ta đã thay đổi. Cô đã tỉnh lại, không còn điên khùng như trước đây... Tuy chấp nhận ở lại nhà đó, nhưng cô ta suốt ngày không nói chuyện với ai, cũng không nhắc gì tới chuyện riêng tư. Nhất là chuyện nhà Tư Bường, hầu như cô gái không có chút gì trong đầu...
Bi kịch nhà Tư Bường là bi kịch lớn, nhưng ở vào thời mà cái ác luôn ngự trị và lộng hành bởi những kẻ có quyền thế thuộc cường hào ác bá nông thôn, thì việc dù lớn đến mấy rồi cũng chìm xuống, qua mau... Sau khi Tư Bường chết thì mấy bữa sau bà Tư cũng chết theo do quá đau buồn, kiệt sức.
Mà cũng có thể nói là bà đã theo con gái thương yêu nhất của mình:
Hai Xinh.
Hôm đó, sau hơn một đêm ôm xác Xinh gào khóc, sáng hôm sau người ta thấy bà Tư nằm chết bên cạnh xác con và chồng. Chẳng biết ai đã đem xác ông Tư về đây từ lúc nào, đặt nằm song song với vợ....
Chẳng còn ai trong nhà để chứng kiến việc diễn ra sau đó... Bởi khi người hàng xóm thương tình đem chôn xác họ thì chỉ thấy có xác vợ chồng Tư Bường.
Còn xác của Xinh thì chẳng thấy đâu, mặc dù khi chết, bà Tư vẫn ôm xác con trong lòng...
Chỗ cái xác Hai Xinh nằm vẫn còn lại bộ quần áo của cô, và nếu ai nhìn kỹ sẽ thấy dưới đất còn có một tượng Phật làm bằng gáo dừa... Chính cái tượng đó đã làm nên điều kỳ diệu sau này. Sau đêm chôn xác vừa xong ngôi nhà của ông bà Tư chẳng còn một ai, vậy mà vẫn sáng đèn!
Lúc đầu người quanh xóm tưởng đèn cũ còn lại, nên họ nghĩ khi cháy hết dầu nó sẽ tự động tắt. Nào ngờ sang đêm sau ngọn đèn vẫn cháy. Và nhiều đêm sau nữa, ánh sáng đó vẫn còn trong ngôi nhà bỏ hoang.
Người ta đồn ngôi nhà ấy có ma!
Việc Paul lấy vợ và ở nhà, không đi lăng nhăng nữa đã là một việc lạ.
Nhưng còn lạ hơn nữa là anh ta tự dưng đâm ra hiền, ngoan, không hung hăng như trước. Chính bà cai tổng cũng phải ngạc nhiên:
– Mày sao vậy Paul? Bộ con nhỏ đó nó hớp hồn mày rồi hả?
Paul không giải thích, nhưng rõ ràng anh ta đã thay đổi lớn. Đẹp tuy không đanh đá, dữ dằn, nhưng ánh mắt của cô lúc nào như cũng có thần, có lửa, khiến chẳng riêng gì Paul, mà ngay cả bà cai tổng, vốn tối ngày cái miệng không ngớt la người này mắng người kia mà cũng phải e dè, ít khi dám nhìn vào mắt con dâu!
Một lần bà hỏi riêng Paul:
– Con đó nó có cái gì hấp dẫn đâu mà mày mê dữ vậy?
Câu hỏi đó thường khi thì Paut chỉ ậm ừ hoặc trả lời chiếu lệ, nhưng lần này anh sừng sộ lại mẹ mình:
– Con không muốn má có ý nghĩ về cô ấy như vậy!
Bà cai ngạc nhiên:
– Mày dám ăn nói với tao vậy hả Paul?
Paul tỉnh bơ:
– Vợ con thì để con lo, má cứ lo chuyện của mình đi! Mà con cũng cho má biết, từ nay con sẽ dọn ra căn phố ngoài chợ ở, con cũng quản lý luôn dãy phố cho mướn ngoài đó và cái nhà máy bánh kẹo. Má đừng bận tâm tới những thứ đó nữa!
Bà cai lồng lộn lên:
– Mày dám vậy hả Paul? Cha mày mới nằm xuống có mấy bữa mà mày đã... đã...
Bà uất ức đến nghẹn cả họng. Trong lúc Paul vẫn điềm nhiên:
– Lâu nay con chỉ lo ăn chơi, không dính tới chuyện quản lý tài sản này, bây giờ đã đến lúc con trực tiếp lo cho tương lai của mình.
– Mày... mày...
Bà có bệnh tim, nên mỗi khi giận lên là làm bà mệt. Paul không lạ gì chuyện ấy nhưng anh ta vẫn thản nhiên bỏ đi trong khi mẹ mình gục xuống đó, thở hơi lên. Cũng may, có mấy đứa hầu đỡ bà vào phòng cấp cứu.
Bà ngất đi có lẽ cũng khá lâu, đến khi tỉnh lại thì vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một cô gái đang ngồi cạnh giường. Một cô gái lạ.
– Cô là ai mà sao vào đây?
Bà cai định gọi mấy đứa ở để hỏi thì cô gái kia đã lên tiếng:
– Bà đừng hỏi, con là Sáu Na, được cậu Hai mướn về để phục vụ bà.
Bà cai còn chưa hết giận thằng con, nên xẵng giọng:
– Nó còn muốn tôi chết chứ thương yêu gì mà chăm sóc!
Nhưng cô gái đã khéo léo nói:
– Bà đừng lo, con trai mê vợ trẻ thì có gì lạ đâu. Chừng vài tháng nữa là chán thôi. Nhất là khi chị ta có bầu, treo mỏ thì cậu Hai sẽ quay về thôi.
– Tôi còn cầu cho nó đi luôn cho đỡ chướng mắt. Mà con vợ nó nữa, thứ bơ vơ, mới được cưng yêu mà đã xúi chồng ra riêng rồi, bất kể đạo lý con dâu!
Cô gái tên Sáu Na có vẻ sành tâm lý:
– Trẻ lòng non dạ mà bà. Ai bảo bà cưới cho cậu Hai làm chi, bây giờ phải chịu...
Bà cai “xí” một tiếng lớn:
– Ai mà cưới đồ đó!
Sáu Na tỏ ra sành chuyện:
– Hồi mấy tuần trước chính bà tuyên bố muốn qua nhà cô ta để hỏi cưới cho cậu Hai mà!
Chợt giật mình, bà cai hỏi lại:
– Cô ở đâu mà rành chuyện dữ vậy?
– Chẳng riêng gì con, mà người ở xứ này ai mà chẳng biết bà muốn làm sui gia với nhà Tư Bường! Bây giờ toại nguyện rồi, sao bà...
Bà cai chặn ngang:
– Cô không biết rõ thì đừng xen vào chuyện nhà tôi!
Nàng ta vẫn nói:
– Con chỉ muốn giúp bà thôi. Hiện nay cậu Hai đã dẫn vợ ra riêng, còn cô Ba thì theo chồng ở Sài Gòn, vậy nếu không ai chăm sóc thì liệu bà có chống chọi nổi với bệnh tim ngày càng nặng không? Có phải hiện nay mỗi khi giận lên là bà phát mệt không? Và còn nữa, nửa đêm bà thường khó thở, nếu không có người đỡ dậy thì bà có thể chết luôn trong giấc ngủ!
Thấy cô ta nói đúng hết những bệnh trong người mình, bà cai kinh ngạc:
– Sao cô biết?
Sáu Na nhẹ giọng:
– Thật ra trước khi được cậu Hai mướn, con đã tìm hiểu về nhà này, về bà. Lúc đầu con từ chối, bởi con ngại ông cai và cậu Hai. Nhưng giờ đây cả hai người đó đều không còn ở nhà, cho nên con mới...
Thật ra trong lòng bà cai lúc này đang hụt hẫng, sau khi thằng con trai duy nhất dám tách ra riêng khi cha nó vừa chết đang làm cho bà đau đớn... Bởi vậy, cô gái này xuất hiện thật là đúng lúc. Bà không ngần ngại nói:
– Dẫu chưa biết lai lịch cô, nhưng nếu cô thật lòng thì tôi cần có cô giúp đỡ.
Cô gái nhanh nhảu:
– Con sẽ làm hết sức mình để bà hài lòng, nhưng tốt nhất là bà đừng để con gặp cậu Hai. Con sợ....
– Được rồi, tôi sẽ không cho nó biết. Mà con yên tâm, nó ra chợ ở rồi, không về nữa đâu.
Sự thân thiện nhanh chóng đó chính bà cai tổng cũng không ngờ. Bà cảm thấy gần gũi và tin tưởng cô ta...
Đêm đó, bà còn gợi ý:
– Hay là con ngủ lại trong phòng này với ta. Như con biết đó, bệnh của ta lâu nay cứ nửa đêm là phát lên. Ông ấy còn sống tuy không giúp được gì nhiều, nhưng trong những lúc như vậy cũng khiến cho ta yên tâm hơn.
Bà tha thiết quá nên Sáu Na mới nhận lời. Tuy nhiên cô nói:
– Cái tật của con khi ngủ hay nghiến răng, e bà ngủ không được. Vậy bà cho phép con ngủ ở gian phòng bên trong kia, con thấy có cánh cửa ăn thông qua...
Bà cai tổng giật mình! Thật ra đó là phòng chứa tiền, mỗi khi thu tiền lúa ruộng về, mọi thứ đều dồn vào đó rồi kiểm lại từ từ... Tuy lúc này tiền đã được cho vào tủ sắt khóa cẩn thận, nhưng người ngoài làm sao cho vào đó ngủ được!
Bà hơi ngần ngại:
– Phòng đó thật ra...
Bà chưa nói dứt lời thì Sáu Na đã nói:
– Cũng không sao. Thôi, để con bắc ghế bố ra ngoài cửa ngủ, khi nào bà có cần gì thì con có mặt ngay!
Sau mấy giây suy nghĩ, bà cai quyết định ngay:
– Mà cũng không sao, con cứ vào đó ngủ. Chỉ có điều do là phòng cất đồ riêng, nên có hơi chật và không có cửa sổ, e con ngủ sẽ hơi bí.
Na hí hửng:
– Con ngủ cực quen rồi, nên có được căn phòng ấy đã là tốt lắm!
Thấy Na không đem theo quần áo chi, bà ái ngại:
– Rồi làm sao con có đồ thay?
Bà bảo mấy đửa ở sang phòng của Paul, tìm được hai bộ đồ ngủ rất mới đem về. Bà ngắm nhìn rồi nói:
– Có thể thằng Paul mới mua cho con vợ nó. Vậy con lấy mặc tạm đi, rồi mai ra chợ sắm một số đồ mới.
Sáu Na mặc vào và thật bất ngờ, bộ đồ ngủ vừa y, chẳng khác nào quần áo của mình. Bà cai cũng ngạc nhiên:
– Vậy ra con với vợ thằng Paul cùng cỡ với nhau.
Mấy đứa ở khác thấy cô gái lạ được trọng dụng ngay thì có ý so bì. Bọn họ bàn với nhau:
– Không khéo mai mốt bà chủ cưới luôn cô này cho cậu Hai lắm à!
Nhờ có Na ngủ với bà cai nên đêm hôm đó, đám tôi tớ khác được yên giấc, chằng phải bị gọi giật dậy lúc nửa đêm như trước đây! Mà bà cai cũng vậy, bà ngủ một giấc ngon lành, mãi đến gần chín giờ sáng hôm sau...
Việc đầu tiên của bà cai là gọi Sáu Na:
– Con dậy chưa Sáu?
Chẳng nghe đáp, đích thân bà cai phải bước vào phòng nhỏ và... bà há hốc mồm ra, điếng hồn khi nhìn thấy một xác người treo lơ lửng giữa phòng!
– Bớ...
Bà chỉ kêu được đúng một tiếng rồi đứng chết lặng.
Phải khá lâu sau, bà mới ráng bò lê ra ngoài và ú ớ la lên. Lúc tôi tớ bâu lại và nhìn kỹ thì có người thảng thốt kêu:
– Con Hai Xinh đây mà!
Bà cai kinh hãi:
– Sao sao nó lại ở đây?
Một đứa giúp việc rành chuyện:
– Nó bị mất tích từ trước khi ba má nó chết, mọi người đã kiếm nó tứ tung, không ngờ lại ở đây! Mà sao nó lại...
Bà cai tổng vẫn chưa tin:
– Vậy còn con Sáu đâu?
– Sáu nào? Đây là con Xinh, con Tư Bường, con nhỏ chăn vịt...
Bà cai nhớ lại chuyện đêm qua, bà vẫn quả quyết:
– Nó đòi ngủ trong phòng đó, lúc nửa đêm nó còn ra đỡ tao dậy...
Chợt nghĩ tới cái két sắt trong phòng, bà hối hả chạy vào, nhưng khi nhìn thấy cái xác còn đó thì dội ra, bà giục một đứa làm công:
– Mày chạy vào coi cái tủ sắt của tao có... có bị gì không?
Đứa ở chạy vào nhìn rồi hốt hoảng kêu lên:
– Cửa tủ mở tung bà ơi!
– Trời ơi!
Bà cai hét lên và bất kể sợ sệt, bà tung cửa phòng chạy vào và đứng khựng lại trước cái tủ sắt đựng tiền bạc, nữ trang chỉ còn lại tủ trống không!
Và chẳng hiểu sao, lúc ấy có khá đông người lạ mặt xuất hiện. Một người dõng dạc nói:
– Chúng tôi nhận được lời tố cáo ở đây có xảy ra án mạng, vậy mọi người hãy bước ra để chúng tôi khám hiện trường!
Bà cai đã ngất lịm...
Dù Ba Dữ có thế lực, nhưng người đứng ra điều tra nội vụ lại là một đối thủ cạnh tranh quyền lực trực tiếp của anh ta, nên vụ việc không thể xếp lại theo như yêu cầu của Ba Dữ. Bà cai là người bị bắt giữ đầu tiên, sau đó tới Hai Paul.
Ánh Nguyệt, con gái bà cai phải về nhà lo quản lý. Chị ta giống y tính của mẹ, đanh đá, hung ác, nên xưa nay không được ai ưa. Và dù có sợ oai Ba Dữ nhưng lần này mọi người thảy đều tỏ thái độ ra mặt. Họ bảo nhỏ với nhau:
– Để coi con quỷ cái này nó làm sao trong vụ này! Tôi vái cho...
Cái xác của Xinh đúng ra phải được quàn lại vài hôm để chờ điều tra, nhưng chỉ đến chiều hôm đó thì nó bốc mùi thối không chịu nổi, nên Ánh Nguyệt yêu cầu cho chôn ngay. Buộc lòng nhà chức trách chấp nhận cho chôn trên mảnh vườn sau nhà, để nếu cần thì có thể bốc mộ lên khám nghiệm lại.
Xác chôn chưa đầy hai mươi bốn giờ đã phải bốc lên theo yêu cầu của pháp y. Bởi người ta nhận được lời tố cáo là Hai Xinh đã chết do bị bức tử sau khi bị.... cưỡng hiếp!
Kết quả kiểm tra đã minh chứng cho điều đó!
Mà trong nhà cai tổng Tài lúc xảy ra án mạng đâu có ai là đàn ông ngoài Hai Paul? Cho dù Paul chối tội nói rằng mình dẫn vợ mới cưới về sống ở ngôi nhà ngoài chợ, nhưng khi gọi cô Đẹp ra đối chứng thì chẳng tìm thấy cô nàng.
Do vậy, nhân viên điều tra đã kết luận:
Paul đã dụ dỗ, cưỡng bức nạn nhân, rồi với sự tiếp tay của mẹ, đem xác vào phòng riêng, ngụy tạo cảnh treo cổ tự tử!
Chi tiết bà cai cung cấp thêm về một cô gái tên Sáu Na vào ở giúp việc lại càng cho thấy là bà ta nói dối, bởi chẳng tìm thấy một chứng cớ nào về sự hiện diện của một người như vậy.
Hội đủ các yếu tố lại, việc nhóm điều tra kết luận hai thủ phạm chính là Paul và bà cai tổng được sự đồng tình cao. Nhưng những bất lợi cho nhà cai tổng Tài chưa dừng lại ở đó. Sáng hôm sau nữa bỗng thật bất ngờ, người ta bắt gặp Ánh Nguyệt đang cầm cuốc đào ngôi mộ mới chôn của Hai Xinh! Hỏi tại sao làm vậy thì Nguyệt quắc mắt lên, nói khiến ai cũng sửng sốt:
– Phải diệt nó tận gốc! Tôi phải thiêu đất nó ra thành tro mới hả dạ!
Dĩ nhiên là nàng ta bị bắt giữ. Như vậy nhà cai tổng Tài cho đến lúc đó toàn bộ đã ở trong tù. Người còn lại duy nhất bên ngoài lại chỉ là chàng rể. Ba Dữ thường khi hét la lửa, bỗng dưng lại xếp vó, co càng. Ai hỏi gì về vụ việc thì anh ta chỉ lắc đầu đáp gọn:
– Tôi không biết!
Anh ta nghĩ là mình đứng ngoài cuộc vụ này. Tuy nhiên, đối thủ của anh ta là một tay còn hiểm ác gấp bội, anh ta đã cố moi ra chuyện Ba Dữ bắn chết Tư Bường mà không có một bằng chứng nào. Do vậy, cuối cùng Ba Dữ cũng bị cách chức và nặng nề hơn, còn bị bắt giam về tội giết người!
– Luật trời chăng?
Một tháng sau...
Diễn biến quá đột ngột, đến nỗi những người quen biết với gia đình cai tổng Tài cũng không thể ngờ được! Cái tin cả mấy người nhà cai tổng lúc bị giam trong khám đã chết gần như cùng một lúc, đã làm rúng động thiên hạ!
Bà cai, Paul và vợ chồng Ánh Nguyệt đều bị giam riêng bốn phòng khác nhau của khám lớn. Đến nửa đêm hôm đó, bạn tù phát hiện là cả bốn người họ đều tự treo cổ và chết tự lúc nào rồi!
Một dòng họ nổi tiếng, những con người giàu nứt đố đổ vách một thời, lại chết lạ thường, hầu như bị xóa sổ khỏi thế gian này mà không để lại chút hoài nghi nào trong thiên hạ? Điều này là như vậy, và rồi cung phôi pha trong tâm trí mọi người. Chỉ bởi đơn giản, những con người ấy khi sống đã gây quá nhiều tai tiếng, tội ác ngập đầu... Âu cũng là luật đời:
Gieo gì gặt nấy!
Vào một ngày cuốt thu.
Tại ngôi nhà của vợ chồng Tư Bường. Nhà vốn vắng chủ từ khi chủ nhà chết, bỗng có sự xuất hiện của một người. Người đó là Đẹp, cô em gái song sinh với Hai Xinh. Người mà giờ đây trên danh nghĩa là kẻ duy nhất còn lại của dòng họ cai tổng Tài, để quản lý số tài sản khổng lồ của họ.
Cô nàng trở về nhà thật lặng lẽ, hầu như chẳng một ai hay biết. Cô đốt hương lên bàn thờ cha mẹ do chính cô mang vật dụng về tạo dựng lên, và khấn rất tôn kính:
– Con bất hiếu Nguyễn thị Xinh mà cha mẹ vẫn thường gọi là con Hai, con Hai Xinh, xin cúi đầu tạ tội cùng vong linh cha mẹ! Chính vì con mà cha mẹ phải mạng vong, và cũng vì con mà đứa em song sinh của con cũng phải mất mạng để con được ẩn trong lốt nó mà tiếp tục sống. Mạng con giờ đây là của ba người, đúng ra con không được quyền nhận, nhưng số trời như vậy, con xin làm theo...
Cô khấn vừa xong thì một người nữa xuất hiện. Đó là ông lão mà cha mẹ cô đã gặp trước khi chết. Ông lặng lẽ lạy trước bàn thờ rồi quay sang cô gái:
– Ta thay mặt người được cha con giao con, đã nuôi con khôn lớn từ khi người ấy qua đời. Ta cũng không biết sự thể ra thế này, chỉ làm theo những gì lương tâm mách bảo. Ta cũng không hề biết chuyện đã làm vừa rồi... Chẳng hiểu ta đã góp một phần vào cái chết của cha mẹ con hay không, khi chính ta đã tới và dẫn dắt họ....
Cô gái chặn ngang lời ông:
– Ông không hề có lỗi trong vụ này. Mọi thứ là do con, do Hai Xinh này khiến ông như vậy. Chính ông đã giúp cho con một phần trong việc báo oán.
Nếu không có ông thì chưa chắc ngày nay mọi việc được như vậy. Một lần nữa, con cám ơn và xin ông nhận cho một lạy này...
Cô sụp lạy rồi vái vong linh cha mẹ mình:
– Thưa ba má, ông lão này tuy với con không cùng chung máu mủ, nhưng ông đã thương con, nuôi dưỡng con khôn lớn, nên con kêu ông bằng ông ngoại, và con xem ông như ông ngoại ruột của mình. Ông không còn ai là thân nhân, do vậy từ nay ông sẽ ở đây cùng hủ hỉ với ba má, và nhờ ông mà con đỡ tủi thân trong những ngày sắp tới...
Cũng từ đó, trong ngôi nhà lá rách nát của vợ chồng Tư Bường, có hai người mới tới ở. Mới, nhưng họ không lạ với chòm xóm. Mà trái lại, họ được mọi người yêu thương.
Thấy Đẹp quá giống chị mình, nên mọi người đều gọi cô là Xinh. Cô chỉ cười và nói:
– Con chính là Xinh, nhưng từ nay con thích được gọi bằng thứ hơn. Cứ gọi con là con Hai.
Người ta lại gọi một cách trìu mến hơn:
Nàng Hai.