Trong giai đoạn 1954-1955, tuy ông Diệm có nhiều kẻ thù nhưng tướng Nguyễn Văn Hinh vẫn là đối thủ nguy hiểm nhất trên cả hai mặt chính trị lẫn quân sự. Trước hết, trên mặt chính trị, tướng Hinh có tư cách hợp pháp của một vị Tổng Tham mưu trưởng của quân đội quốc gia, khác hẳn với những giáo phái võ trang không được chính thức thừa nhận; ông lại có Quốc trưởng Bảo Đại nâng đỡ và người Pháp yểm trợ. Trên mặt quân sự, ông có một số thuộc cấp từ cấp tá đến cấp úy nắm giữ những nhiệm sở có quân nhân tác chiến, ông lại điều động được các cơ quan tình báo và an ninh với sự hợp tác hữu hiệu của cơ quan tình báo Pháp, và cuối cùng ông lại vận dụng được một số những bộ phận võ trang của một vài giáo phái. Cho nên, nếu không kể những yếu tố khác thì về mặt tương quan lực lượng, rõ ràng việc lật đổ Thủ tướng Diệm không lấy gì làm khó. Tuy nhiên, như đã trình bày ở chương IV, đã có những yếu tố khác chi phối tình hình miền Nam lúc bấy giờ làm cho Tướng Hinh phải từ bỏ ý định dùng bạo lực lật đổ ông Diệm mà tôi có thể tóm tắt trong một ngoại lực duy nhất là sự yểm trợ tối đa và vô điều kiện của Hoa Kỳ trên cả hai mặt chính trị lẫn quân sự. Những công hàm Washington-Paris, những Lansdale, Foster Dulles, những 300 triệu Mỹ kim quân viện..., chính những hoạt động và những nhân sự đó chứ không phải cái nội các nhiều nhiệt tâm nhưng còn tê liệt, cái chiến khu Đông của chúng tôi, hay cái công điện của ông Ngô Đình Cẩn từ miền Trung đánh vào, đã giúp cho ông Diệm loại trừ được kẻ thù nguy hiểm nhất này. Tướng Hinh ra đi, cả thế cờ của Pháp và Bảo Đại sụp đổ. Vì tướng Hinh, bằng xương bằng thịt, là đại diện cho sức mạnh chính trị của Pháp và Bảo Đại tại Việt Nam lúc bấy giờ. Sự sụp đổ đó được biểu hiện rõ ràng nhất trong sự tan hàng tâm lý của lực lượng quân đội thuộc xu hướng của Tướng Hinh. Tướng Vận ở Nha Trang trốn vào Sài Gòn rồi biệt tích luôn. Đại tá Trương Văn Xương, Tư lệnh Quân khu Hai, người đã từng gây khốn khổ cho ông Ngô Đình Cẩn và ông Đại biểu Chính phủ miền Trung cũng trốn vào Nam. Tại Đà Lạt, đội Ngự Lâm Quân do tướng Nguyễn Văn Vỹ điều động bị ông Phan Xứng và Thiếu tá Nguyễn Chánh Thi phần nào tê liệt hóa. Đại tá Linh Quang Viên, Tư lệnh Quân khu Ba ở Ban Mê Thuột, tuy là một phần tữ quốc gia đối lập với ông Diệm nhưng lại không theo Pháp và không phục Tướng Hinh, cuối cùng cũng hợp tác với Chính phủ. Đại tá Vòng-A-Sang người Nùng, thuộc hạ của tướng Vanuxem, di cư vào Nam và đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn Nùng ở Phan Rí, thấy tình hình bất lợi cũng tuyên thệ thi hành kỷ luật của quân đội. Thế là sau khi Tướng Hinh ra đi, không kể tại miền Trung Trung Việt mà tướng Hinh không có một cơ sở vững mạnh nào, toàn bộ vùng Duyên Hải và Cao Nguyên Trung phần trở thành hậu thuẫn vững chắc cho ông Diệm để tiến hành những vận động cuối cùng quét sạch tàn dư của chế độ Pháp thuộc. Trung tá Nguyễn Quang Hoành từ Phan Thiết được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu Hai, Thiếu tá Thái Quang Hoàng được lệnh giải tán chiến khu Đông về làm Tỉnh tướng Bình Thuận, ông Hồ Trần Chánh, một đảng viên Đại Việt từng ủng hộ chiến khu Đông, được chúng tôi đề nghị làm Tỉnh trưởng Ninh Thuận. Trung tá Phạm Văn Đổng, tuy chưa bao giờ ủng hộ ông Diệm nhưng cũng khôn ngoan chưa bao giờ tỏ ra chống đối Chính phủ, được cử làm Tư lệnh Phân khu Duyên Hải. Chúng tôi mỗi người được thăng một cấp vì đã bảo vệ được miền Trung: Hoành và Đổng lên Đại tá, Hoàng và tôi lên Trung tá. Và tuy còn ở trong dinh Thủ tướng, tôi đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh phó Phân khu Duyên Hải, còn Đại tá Lễ thì sẵn sàng để nhận chức Tổng giám đốc Cảnh Sát Công An một khi đuổi được Bình Xuyên ra khỏi định chế này. Song song với và chính vì việc tướng Hinh ra đi, Lansdale đã vừa dùng tiền bạc vừa sử dụng lý luận để lôi kéo thêm được tướng Nguyễn Giác Ngộ của Hòa Hảo và tướng Nguyễn Thành Phương của Cao Đài đem lực lượng của họ về hợp tác với Chính phủ. Lansdale còn sử dụng kỹ thuật địch vận để dẫn dụ được Đại tá Thái Hoàng Minh, Tham mưu trưởng của lực lượng Bình Xuyên, đứng lên chống Bảy Viễn. Tuy việc phản bội của Thái Hoàng Minh bị lộ và cuối cùng bị Bảy Viễn thủ tiêu, nhưng cái chết của ông ta đã gây một chấn động tâm lý sâu đậm trong hàng ngũ của lực lượng Bình Xuyên. Tuy nhiên, dù ngần đó biến cố thuận lợi đã làm cho “Mặt trận Thống Nhất” của các giáo phái bị phân hóa và suy giảm sức mạnh rất nhiều, nhưng trong mùa Xuân năm 1955, ông Diệm vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì Thủ tướng Pháp Edgar Faure vẫn còn muốn xây dựng lại uy thế cho Quốc trưởng Bảo Đại để mong lật ngược thế cờ. Pháp vẫn còn muốn lợi dụng những lực lượng thù nghịch với ông Diệm còn sót lại như toàn bộ Bình Xuyên, như Hòa Hảo của Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên, Lê Quang Vinh, như Cao Đài của Hộ pháp Phạm Công Tắc, như tướng Vỹ và một thiểu số Ngự Lâm Quân còn trung thành với Bảo Đại. Đặc biệt trong quân đội, mặc dù Thiếu tướng Lê Văn Tỵ đã được ông Diệm bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng nhưng vẫn còn nhiều sĩ quan cấp tá cao cấp chưa muốn hợp tác với ông Diệm như các Đại tá Trần Văn Đôn, Trần Văn Minh, Lê Văn Kim, các Trung tá Nguyễn Khánh, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Văn Là, Trần Tử Oai... Như vậy thì riêng tại miền Nam, đặc biệt tại Sài Gòn-Chợ Lớn và vùng phụ cận, đứng trên mặt thuần túy vũ lực (vốn là yếu tố quyết định trong sự hỗn loạn của tình thế lúc bấy giờ) thì phe Chính phủ và phe đối lập quả thật ngang ngửa. Từ đầu Xuân 1955, lực lượng Bình Xuyên tiếp tục gây hấn, khiêu khích đô thành, tấn công những đơn vị của quân đội quốc gia đi lẻ tẻ và bắn súng cối vào dinh Độc Lập để chuẩn bị cho âm mưu đảo chánh Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ngày 30/4/1955, sau khi thuyết phục được tướng Lê Văn Tỵ và một nhóm sĩ quan thuộc cấp cũ của tướng Hinh, tướng Nguyễn Văn Vỹ bèn vào dinh Độc Lập buộc ông Diệm phải đi Pháp ngay tức khắc theo lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại, đồng thời tướng Vỹ ra lệnh cho đội Ngự Lâm Quân từ Đà Lạt di chuyển về Sài Gòn và thông báo cho Trung tá Đỗ Cao Trí, một bạn thân của Vỹ, biết. Trung tá Trí là Tư lệnh lực lượng Nhảy Dù, đang hành quân tiểu trừ Bình Xuyên, nhưng thâm tâm vẫn muốn lật đổ ông Diệm. Cũng trong ngày 30/4 đó, “Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng” ra đời tại Tòa Đô Chánh Sài Gòn. Đây là một lực lượng chính trị quần chúng được chuẩn bị từ trước để làm hậu thuận đấu tranh cho ông Diệm. Hội đồng này do ông Nguyễn Bảo Toàn, một lãnh tụ Hòa Hảo làm chủ tịch, ông Hồ Hán Sơn, một viên chức của Cao Đài, làm phó chủ tịch và ông Nhị Lang (hiện ở Mỹ), thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng và cũng là một phụ tá của tướng Trình Minh Thế làm Tổng thư ký. Thành viên của Hội Đồng gồm nhiều thành phần đại diện cho mọi tầng lớp quần chúng mà đa số là thân hữu của ông Diệm, ngoài ra còn có một số do tôi tổ chức từ Phân khu Duyên Hải vào để đại diện cho miền Trung mà người cầm đầu là giáo sư Hà Huy Liêm (trường trung học Võ Tánh), đang làm Ủy viên Tuyên Nghiên Huấn của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia tỉnh Khánh Hòa. Chủ tịch Nguyễn Bảo Toàn là nhân vật uy tín nhất của Phật Giáo Hòa Hảo lúc bấy giờ. Ông là một nhà cách mạng lão thành từng bôn ba qua Pháp, Tàu, Nhật để đấu tranh cho nền độc lập quê hương. Ngay từ năm 1947, khi Pháp định thương thuyết với cựu hoàng Bảo Đại, ông Toàn đã cùng với cụ Nguyễn Hải Thần và ông Nguyễn Tường Tam thành lập “Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia” đòi hỏi Pháp chỉ thương thuyết với các lực lượng dân tộc mà thôi chứ không phải với Bảo Đại hay với Hồ Chí Minh. Từ ngày dấn thân hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Bảo Toàn luôn luôn chủ trương một nước Việt Nam độc lập theo chế độ Cộng Hòa với một hình thức sinh hoạt hoàn toàn dân chủ. Ông quan niệm sinh họat chính trị của quốc gia phải hoàn toàn dân chủ mới đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và mới có thể chiến thắng được Cộng Sản, do đó ông quyết tâm ủng hộ ông Diệm và truất phế Bảo Đại, mặc dù lúc bấy giờ tính mạng của ông có thể vì thế mà bị nguy hiểm. Ngày 30, trong lúc tướng Vỹ và nhóm sĩ quan thân Pháp vào dinh Độc Lập ép buộc Thủ tướng Diệm phải đi Pháp (nghĩa là đi không trở về), thì tại tòa Đô Chánh Sài Gòn, “Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng” cũng thảo luận sôi nổi và Hội nghị ra tuyên ngôn truất phế Bảo Đại, ủy cho chí sĩ Ngô Đình Diệm tạm thời lãnh đạo quốc gia trong lúc chờ đợi Hiến Pháp và Quốc hội định đoạt quy chế tương lai cho đất nước. Họp xong, Hội đồng đi bộ qua dinh Độc Lập để trao tuyên ngôn cho Thủ tướng Diệm. Không ngờ khi đến nơi thì lại chạm trán với tướng Vỹ và các “sĩ quan phản loạn” đang làm áp lực ông Diệm. (Có thể cuộc đụng độ này là do dinh Độc Lập kịp thời thông báo cho Hội đồng để đến tăng cường). Thấy tướng Vỹ, tướng Trình Minh Thế (và hình như có cả tướng Nguyễn Thành Phương) bèn bắt giữ tướng Vỹ trong lúc ông Nhị Lang đưa súng lục ra hăm dọa tướng Vỹ. Thủ tướng Diệm sợ tái mặt, vội vã kéo tướng Vỹ vào phòng riêng để bảo vệ sinh mạng cho tướng Vỹ, đồng thời yêu cầu Hội đồng đừng bắt hoặc giết tướng Vỹ. Không phải ông Diệm thương xót gì tướng Vỹ nhưng nếu tướng Vỹ bị giết thì ắt hẵn những lực lượng yểm trợ tướng Vỹ, vì tình chiến hữu, sẽ không tha thứ cho ông. Huống hồ gì Trung tá Đỗ Cao Trí lại gọi điện thoại cho ông Diệm đòi thả tự do cho tướng Vỹ ngay nếu không thì Trí sẽ tấn công dinh Độc Lập. Cuối cùng, Hội đồng đạt được một thỏa hiệp chung là bắt tướng Vỹ phải ký giấy xin quy hàng Hội Đồng và hòa mình với nhân dân để đấu tranh cho đất nước, đổi lại Hội Đồng sẽ trả tự do cho ông ta. Tướng Vỹ đồng ý ra về và trong thâm tâm định phản bội lại lời cam kết đó, nhưng phần vì Ngự Lâm Quân, chủ lực của ông ta đã bắt tay với quân đội, phần vì phản ứng quyết liệt của lực lượng của tướng Trình Minh Thế nên tướng Vỹ đành chịu thất bại. Trong lúc tướng Vỹ hoạt động ở Sài Gòn để lật đổ ông Diệm thì tướng Nguyễn Văn Hinh ở Pháp cũng trên đường trở về Việt Nam để dự định giúp tướng Vỹ lật ngược thế cờ. Nhưng vì tướng Vỹ đã thất bại, lại vì tình hình mỗi ngày một thuận lợi cho ông Diệm cho nên tướng Hinh bay đến Nam Vang thì dừng lại và bay ngược về Pháp. Về hành động rút súng và lột lon tướng Vỹ của Nhị Lang, tướng Trần Văn Đôn trong hồi ký “Việt Nam Nhân Chứng” (tr. 125, 126) ghi nhận rằng “vì hành động quá khích của Nhị Lang và Hồ Hán Sơn mà tình thế trở nên rối rắm”. Còn nhà văn Lê Nhật Thăng trên tạp chí “Ánh Sáng Dân Tộc” (số 2, ngày 15/11/1989) trong loạt bài “Thái Lân và Trần Minh Thế”, khi phê bình cuốn “Phong Trào Kháng Chiến Trần Minh Thế” đến đoạn ông Nhị Lang khoe khoang: “tôi nhanh nhẹn rút súng colt 45 trong chiếc cặp ra chĩa thẳng vào người tướng Vỹ và ra lệnh giơ tay lên không tôi bắn” đã mỉa mai ông Nhị Lang rằng: “Ông Thái Lân ơi, mỗi khi nhìn thấy ảnh mình đang rút súng đe doạ một sĩ quan có thấy bẽ bàng vô duyên không? Tôi xin nói để Nhị Lang biết nếu ông nổ súng là đám sĩ quan ở phòng bên cạnh sẽ xé xác ông ngay lập tức, may cho ông lắm đó. Chúng ta thấy Diệm che chở cho Vỹ, trách mắng Nhị Lang và xác định quyền uy của mình. Không biết Nhị Lang có biết vậy không? Tôi thiết nghĩ Diệm Nhu đã có kế sách nào đó để đối phó tình hình rối beng mà hành động trật búa, tài khôn của Nhị Lang chỉ làm Diệm thêm nhức đầu”. Như vậy hành động ngang tàng nhưng vô chính trị của ông Nhị Lang chỉ phản ảnh thái độ “luồng gió bẻ măng”, dựa thế các tướng Trình Minh Thế và Nguyễn Thành Phương đang có mặt mới dám rút súng làm oai mà không biết rằng hành động đó có thể đưa đến tai họa cho cả hai ông Diệm Nhu. -o0o- Trong những ngày sôi động tại Sài Gòn mà bạo lực có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, ông Diệm không những đã lo sợ cho tương lai chính trị của ông mà con lo cho chính bản thân ông nữa. Chỉ quen đấu tranh theo kiểu quan trường, ông rất e ngại về súng đạn. Chỉ quen dựa vào những thế lực ngoại bang (như Pháp, Nhật, Mỹ, Vatican), vận dụng chính trị và cũng cố địa vị, ông thiếu tự tin khi phải đối phó với những quân nhân như Nguyễn Văn Vỹ, Trần Đình Lan, Đỗ Cao Trí …mà vũ lực là lý luận. Nhưng điều làm cho ông lo sợ nhất là bức tường đồng để ông nương dựa là Hoa Kỳ sẽ có thể bỏ rơi ông, vì không những ông chấp chánh được là nhờ sự ủng hộ của Hoa Kỳ mà còn nhờ chính cả những hoạt động tình báo và quân sự của Lansdale. Cho đến khi cả Đại tá Lansdale lẫn Đặc sứ Collins liên tục tái bảo đảm với ông là chính sách Mỹ đã quyết định yểm trợ miền Nam do ông lãnh đạo, ông mới thật sự an lòng để đối phó với tình thế. Thật vậy, một ngày trước buổi chạm trán với tướng Vỹ ở dinh Độc Lập, Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles đã thông báo cho Đại sứ Pháp Couve de Murville ở Hoa Thịnh Đốn, cũng như Đại sứ Mỹ Dillon đã thông báo cho Thủ tướng Pháp Edgar Faure ở Paris về quyết tâm của Mỹ nhất định ủng hộ ông Diệm vô điều kiện [1]. Kết quả cụ thể làm ông Diệm yên tâm nhất là cuối cùng, dưới áp lực của Mỹ, chính Pháp đã tiếp tế đạn dược cho quân đội để dẹp phiến loạn Bình Xuyên trong khi chờ đợi một chương trình quân viện dồi dào hơn sau này. Sau thất bại của tướng Nguyễn Văn Vỹ, quân đội mặc nhiên trở thành một lực lượng trọng yếu nhất trí ủng hộ ông Diệm. Thật ra, từ trước tại Sài Gòn, chỉ có hai sĩ quan cao cấp và có vị trí then chốt thật sự ủng hộ ông Diệm mà thôi, đó là Đại tá Dương Văn Minh và Trung tá Phạm Xuân Chiểu. Đại tá Dương Văn Minh giữ chức Quân Trấn trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn, còn Trung tá Phạm Xuân Chiểu giữ chức Tham mưu trưởng Quân khu I dưới quyền Đại tá Trần Văn Minh. Ông Dương Văn Minh tuy xuất thân từ trường võ bị của Pháp ở Tông (Bắc Việt), tuy phục vụ trong quân đội Pháp nhưng ông vẫn giữ bản chất và phong độ của một người Việt Nam thuần túy, vẫn nặng tình tự với dân tộc quê hương. Người Pháp và tướng Hinh vốn không ưa ông Dương Văn Minh nên không giao cho ông chức vụ chỉ huy có quân sĩ, có đơn vị, để ngăn ngừa hậu họa. Còn ông Phạm Xuân Chiểu là một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, sau khi bỏ học trường thuốc ở Hà Nội vì biến cố Nhật đảo chánh Pháp 9-3-1945, bèn vào học trường Võ bị Yên Bái do người Nhật tổ chức, rồi qua Trung Hoa học trường Võ bị Hoàng Phố. Ở đây, ông gặp một nữ đảng viên của “Cách Mạng Đồng Minh Hội” của cụ Nguyễn Hải Thần, hai người trở thành vợ chồng và đều là nhân vật tham gia cách mạng, có tinh thần chống Cộng rất cao. Mấy năm sau ông về Phát Diệm và được mời giữ chức chỉ huy tiểu đoàn 2 trong lực lượng Tự Vệ của giáo phận này rồi trở thành sĩ quan quân đội quốc gia. Với thành tích đó nên ông Phạm Xuân Chiểu đã hết lòng ủng hộ ông Diệm. Hai sĩ quan này, nhất là ông Dương Văn Minh, đã ủng hộ và hoạt động đắc lực cho ông Diệm ngay từ phút đầu, ngay từ khi tướng Hinh chống đối ông Diệm. Ngoài ra, cũng phải nói một trong những lý do ông Minh ủng hộ ông Diệm là vì người bạn thân của ông là ông Nguyễn Ngọc Thơ cũng là người bạn quý của ông Diệm. Hai ông Dương Văn Minh và Phạm Xuân Chiểu đều ở Sài Gòn, đều biết rõ vị trí, âm mưu hoạt động và những kế hoạch chuyển quân của Bình Xuyên và Pháp nên đã giúp đỡ rất hữu hiệu ông Diệm trong vấn đề đối phó với quân của Lê Văn Viễn. Ngoài ra, ông Diệm còn có Đại tá Mai Hữu Xuân, một sĩ quan nhiều thủ đoạn và giỏi về tình báo ủng hộ. Ông Mai Hữu Xuân trước kia là một phần tử thân Pháp, từng là Tổng Giám đốc Công An và lúc bấy giờ là Giám đốc An ninh Quân đội, nhưng quan trọng hơn cả, ông Xuân vốn là kẻ thù của Bình Xuyên. Ký giả Lucien Bodart trong cuốn “La Guerre d’Indochine” mô tả hai ông Bảy Viễn và Mai Hữu Xuân là hai lãnh chúa tại Chợ Lớn và Sài Gòn, hai kẻ thù không đội trời chung, nay gặp cơ hội ông Diệm đánh Bình Xuyên, Mai Hữu Xuân trở nên đồng minh của ông Diệm. Sự ủng hộ của ông Mai Hữu Xuân và Nha An Ninh Quân Đội lúc bấy giờ quả là một đóng góp tình báo hết sức lớn lao cho việc tấn công và tiêu diệt Bình Xuyên để củng cố địa vị ông Diệm. Nói rõ ra, hai ông Dương Văn Minh và Phạm Xuân Chiểu ủng hộ ông Diệm là vì quốc gia dân tộc, vì tin tưởng ông Diệm là nhà lãnh đạo chống Pháp, chống Cộng, có thể cứu được miền Nam, trong lúc ông Mai Hữu Xuân về với ông Diệm chỉ vì hoàn cảnh, và nhất là vì lý do cá nhân muốn trả mối thù cũ với Bình Xuyên. Dù sao thì điều đó cũng là một may mắn rất lớn cho ông Diệm. Trong những ngày đầu của tháng Năm năm 1955, quân đội quốc gia phối hợp với quân của tướng Trình Minh Thế đánh bật được quân Bình Xuyên qua bên kia cầu chữ Y. Tướng Thế trong khi đứng trên cầu Tân Thuận để quan sát địa hình đã bị một viên đạn bắn lén từ sau lưng trúng thái dương và không cứu sống được. Ngày 9 tháng 5, Bình Xuyên bị đánh bật ra khỏi Sài Gòn và Chợ Lớn nên rút về vùng bùn lầy Rừng Sát sau khi đã đốt cháy nhiều phố xá, nhà cửa ở khu Nancy. Đại tá Dương Văn Minh được Thủ tướng Diệm cử giữ chức Tư lệnh chiến dịch Rừng Sát, và chẳng bao lâu, ông tiêu diệt toàn bộ quân Bình Xuyên. Bảy Viễn và bộ hạ thân tín là Lai Văn Sang và Lai Hữu Tài phải trốn qua Pháp. Cùng lúc đó, Đại tá Nguyễn Ngọc Lễ cũng đã nắm vững được Nha Tổng Giám đốc Công an Cảnh sát Việt Nam, và củng cố được lực lượng Công an Cảnh sát Đô thành mà trước đó vốn nằm dưới sự điều động của Lai Văn Sang. Đánh tan quân Bình Xuyên, Đại tá Dương Văn Minh dẫn đầu đoàn quân đắc thắng tiến về thủ đô trên con đường Catinat để vào dinh Độc Lập giữa tiếng hoan hô vang dội của dân chúng. Thủ tướng Ngô Đình Diệm đứng tại thềm dinh Độc Lập đón chào người anh hùng chiến thắng Rừng Sát. Ông ôm hôn Đại tá Dương Văn Minh rồi một nữ sinh choàng vòng hoa cho Đại tá. Mấy ngày sau, Thủ tướng Diệm vinh thăng Đại tá Minh lên Thiếu tướng, báo chí Sài Gòn đề cao Dương Văn Minh là “Anh hùng Rừng Sát”. Riêng ông Ngô Đình Nhu, tuy vui mừng sung sướng thấy kẻ thù bị tiêu diệt, vẫn tỏ ra bất mãn với báo chí và dư luận khi Dương Văn Minh được đề cao là “anh hùng”. Ông Nhu nói với nhiều người, nhất là những người thân tín ở trong dinh, rằng: “cả nước Việt Nam chỉ có một anh hùng mà thôi, đó là anh hùng Ngô Đình Diệm”. Phải nói rõ rằng từ sau vụ thất bại của tướng Vỹ tại dinh Độc Lập, toàn thể quân đội đã đứng hẳn về phe ông Diệm và từ đó ông Diệm mới thật sự vững vàng trên ngôi vị. Robert Shaplen cũng như học giả Douglas Pike đã nói: “Cho đến khi quân đội ủng hộ ông Diệm, (trước đó) ông ta không có cách gì để thực thi được uy quyền của chính phủ” (until the Army opted for him, Diem had no means of enforcing a governmental order).[2] Tiêu diệt được Bình Xuyên là Thủ tướng Diệm thu đạt thêm được một thắng lợi to lớn, một thắng lợi quyết định tương lai sắp tới huy hoàng của ông. Thắng lợi của ông Diệm đối với Bình Xuyên cũng như đối với tướng Hinh, tướng Vỹ là biểu hiện thắng lợi của ảnh hưởng Mỹ đối với ảnh hưởng Pháp trong ván bài Đông Dương. Trong khi Sài Gòn và Rừng Sát đang mịt mù khói lửa thì hội đàm giữa Pháp và Mỹ diễn ra tại Paris từ ngày 7 đến 12/5/1955. Ngoại trưởng Mỹ, ông Foster Dulles, đòi hỏi Pháp phải trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, phải rút toàn bộ quân viễn chinh Pháp (90.000) về nước. Chương trình Pháp rút quân về nước gồm 3 giai đoạn: Một: Ngày 20/5/1955, quân đội Pháp phải bắt đầu rút ra khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn, tập trung về Vũng Tàu. Hai: ngày 2/7/1955, quân đội Việt Nam hoàn toàn chấm dứt sự phụ thuộc vào Bộ Tư lệnh Pháp tại Đông Dương. Ba: ngày 28/4/1956 người lính cuối cùng của quân đội viễn chinh Pháp vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam [3]. Thế là nhờ quân đội, nhờ người Mỹ, từ nay ông Diệm bước lên đài danh vọng quyền quý tột đỉnh trong cuộc đời chính trị của ông. Sau chiến thắng Rừng Sát, một buổi lễ long trọng, hào hùng và cảm động đã được tổ chức tại Bộ Tổng tham mưu. Đại tá Trần Văn Đôn, Tham mưu trưởng quân đội, đại diện cho toàn thể quân đội Việt Nam đốt phù hiệu và cấp hiệu cũ để chấm dứt mối liên hệ với dĩ vãng, một dĩ vãng chua xót và đau thương. Quân đội Việt Nam từ nay là quân đội của một quốc gia độc lập để làm tròn sứ mạng của nó là bảo vệ giang sơn và cùng với toàn dân làm chủ đất nước. Trong suốt gần 100 năm Pháp thuộc, chúng ta đã có 2 lần được nghe những lời tuyên bố về một nước Việt Nam độc lập: Vua Bảo Đại tuyên bố ngày 9/3/1945 và ông Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 2/9/1945. Nhưng 2 lần đó chỉ có giá trị của một lời tuyên bố vì trên thực tế quân đội Nhật và Pháp vẫn còn đó. Nhưng ngày 28/4/1956, nghĩa là gần 2 năm sau Hiệp ước Genève, chữ Độc Lập mới thực sự có ý nghĩa và cuộc đấu tranh giành độc lập mới thực sự chấm dứt. Vì vào ngày đó, người lính Pháp cuối cùng, biểu tượng cụ thể cho chính sách và kỷ nguyên thực dân của Pháp, vĩnh viễn rời khỏi đất nước thân yêu. Ném một cái nhìn toàn diện và chân thực để soát xét lại quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc, ta phải, một lần nữa, xác định cho rõ ràng rằng lực lượng đã lãnh đạo, đã tổ chức và đã tiến hành cuộc đấu tranh này cho đến ngày thắng lợi, chính là toàn bộ dân tộc ta. Những đứa con yêu xuất sắc của đất nước như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Trần Cao Vân, Trương Công Định, Phan Đình Phùng, Phan Thanh Giản, Phan Bội Châu của những ngày đầu; những Phạm Hồng Thái, Phạm Thái Học, Huỳnh Phú Sổ, Lý Đông A, Trương Tử Anh, Nguyễn Hải Thần... đã cùng với toàn dân hy sinh xương máu trong giai đoạn trực đối sống mái với kẻ thù để dồn chúng vào đường tuyệt lộ. Cuối đoạn đường và về phía những người không Cộng Sản là một Bảo Đại nhọc nhằn xây viên đá cho một Ngô Đình Diệm đàng hoàng bước lên khóa lại cánh cửa tủi nhục của giai đoạn Pháp thuộc, và mở toang cánh cửa Độc Lập cho đất nước quê hương. Hang vạn anh hùng và liệt nữ vô danh đã âm thầm nằm xuống. Ánh sáng vinh quang của họ cũng phải rực rỡ như ánh sáng vinh quang của những lãnh tụ khác, tấm lòng son sắt của họ cũng phải được tôn vinh như tấm lòng son sắt của những anh hùng khác. Tuy nhiên, nếu ngày 28/4/1956 đã chấm dứt phong trào giải thực trên đất nước Việt Nam thì ngày đó cũng sẽ là ngày mở đầu cho phong trào Tân Đế Quốc, nếu những nhà lãnh đạo của đất nước ta không khôn khéo và quyết tâm bảo vệ được hai chữ Độc Lập và Chủ Quyền. Vì ở một mặt nào đó, nếu chúng ta đã ghi nhận với ít nhiều thiện cảm những Eisenhower, Foster Dulles, Buttinger, Fishel, Lansdale, v.v... đã giúp chúng ta bằng cách áp lực người Pháp phải rời khỏi Việt Nam, thì ở một mặt khác chúng ta không thể không đau lòng vì họ đã thô bạo và vụng về can thiệp vào Việt Nam qua một cá nhân Ngô Đình Diệm thay vì bằng sức mạnh thực sự của toàn khối dân tộc ta. Vì rõ ràng trong một cuộc chiến tranh dành độc lập và sau đó sẽ kéo theo một cuộc đấu tranh chống Cộng Sản thì chính nghĩa và sức mạnh nằm trong lòng quần chúng chứ không nằm ở giai tầng lãnh đạo, lại càng không nằm ở một cá nhân, một gia đình, một phe nhóm. Lá bài Ngô Đình Diệm đúng là giải quyết được tình hình lúc đó. Nhưng là một giải quyết giai đoạn và tức thời chứ không trường kỳ và toàn diện. Mà hệ quả rõ ràng nhất là cuối cùng, chúng ta đành để Cộng Sản chiếm hết nửa phần của đất nước. Sức mạnh và chính nghĩa của dân tộc đã không được vận dụng đúng đắn thì lấy gì mà đương đầu với Cộng Sản. -o0o- Sau chiến thắng Bình Xuyên, những đối thủ còn lại của Thủ tướng Diệm tại miền Nam chỉ là lực lượng yếu kém và phân hóa. Về phía Cao Đài có Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc với một đơn vị Hộ vệ quân khoảng 300 tay súng. Theo một kế hoạch của ông Ngô Đình Nhu, tướng Cao Đài bị mua chuộc Nguyễn Thành Phương dẫn đơn vị cũ đến Tây Ninh tước khí giới đám Hộ Vệ quân này, bắt giữ hai người con gái của Giáo chủ Cao Đài với tội “tham nhũng và bóc lột đồng bào”. Giáo chủ Phạm Công Tắc và một số bộ hạ thân tín trốn được qua Cao Miên và kéo dài cuộc đời lưu vong cho đến lúc ông tạ thế. Về phía Hòa Hảo võ trang thì còn ba nhóm: Trần Văn Soái (tức Năm Lửa), Lâm Thành Nguyên và Lê Quang Vinh (thường được gọi là Ba Cụt). Cả ba nhóm này có căn cứ và có địa bàn hoạt động tại miền Hậu Giang. Vào giữa năm 1956, tướng Dương Văn Minh hành quân mở chiến dịch càn quét những căn cứ này. Trần Văn Soái và Lâm Thành Nguyên chống cự không nổi nên phải xin về quy hàng với Chính phủ. Riêng lực lượng Lê Quang Vinh với kỹ thuật du kích chiến để tránh hỏa lực hùng hậu của quân đội, đã cầm cự được khá lâu nhưng cuối cùng cũng bị bắt và xử tử. Theo thông cáo chính thức của Chính phủ Diệm thì tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh bị một tiểu đội Bảo An bắt được tại Chắc Cà Đao (Long Xuyên) cùng với năm tên hộ vệ. Trong một buổi lễ trao lệnh kỳ và huy chương, đại biểu Chính phủ đưa tặng một triệu đồng cho Liên Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn, Liên Đội đã có binh sĩ bắt được Lê Quang Vinh. Nhưng lúc bấy giờ nhiều người, đặc biệt là tướng Dương Văn Minh và Bộ Tham mưu của ông ta biết rằng, bắt được Lê Quang Vinh là nhờ ông Nguyễn Ngọc Thơ lừa Ba Cụt đến điều đình trong lúc lính Bảo An đã bố trí 1 cuộc phục kích tinh vi nên mới bắt được người chiến sĩ nổi tiếng gan dạ và có tài đánh du kích đất miền Tây. Nếu không bị lừa thì làm sao một tiểu đội Bảo An có thể bắt được tướng Hòa Hảo đa mưu túc trí cùng với 5 hộ vệ quân của ông ta. Sự thật thì ông Thơ chỉ muốn lừa ông Lê Quang Vinh về để đầu hàng Chính phủ cho yên miền Tây, nơi quê hương của ông, không ngờ ông Diệm phản lại những lời đã hứa, ra lệnh cho Tòa án xử tử ông Lê Quang Vinh. Sau cách mạng ngày 1/11/1963 ông Thơ cho tôi biết sở dĩ ông Lê Quang Vinh bị bắt ngày 13/4/1956 mà Tòa án Quân sự và Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn cứ xét đi phúc lại (đến 4 lần) cho đến ngày 6/7/1956, Tòa án Quân sự Cần Thơ mới xét xử một lần chót là vì ông Diệm đã nhiều lần dụ ông Lê Quang Vinh theo đạo Công giáo mà ông nằng nặc không theo. Nếu theo đạo Công giáo thì ông Lê Quang Vinh sẽ được rửa tội trong một buổi lễ long trọng tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và sẽ được trọng thưởng và tất nhiên sẽ được tha mạng. Nhưng vị tướng “Mạnh Hoạch” vùng linh địa Thất Sơn nhất định giữ lấy nền đạo của Đức Thầy, vị Giáo chủ mà ông vô cùng ngưỡng mộ và kính phục. Do đó ông ta đã bị ông Diệm ra lệnh cho Tòa án Quân sự Cần Thơ phải: “Tuyên án tử hình, tước đoạt binh quyền và tịch thu tài sản”. Tướng Lê Quang Vinh bị hành quyết ngày 13/7/1956 tại nghĩa địa Cần Thơ. Lúc chết ông mới 32 tuổi, trối trăn dặn vợ nuôi con cái nên người và xin được chôn tại núi Sam, Châu Đốc. Phải chăng vì cái chết của ông Lê Quang Vinh mà từ sau khi rời bỏ chính quyền, (vào thời mà Tôn giáo Hòa Hảo được phục hồi), cựu Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ ở luôn Sài Gòn cho đến khi qua đời, không giám trở về Long Xuyên nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ông có một ngôi biệt thư vô cùng huy hoàng và 100 mẫu ruộng. Dẹp yên được hai ông Năm Lửa và Lâm Thành Nguyên, diệt được tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh là chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động đối lập võ trang nguy hiểm tại miền Nam trừ những toán võ trang lẻ tẻ không đáng kể. Toàn bộ chiến dịch này được gọi là “đánh dẹp Giáo phái”. Sau này, ông Nguyễn Long Thành Nam, một nhân vật Hòa Hảo có thẩm quyền về các vấn đề Giáo phái đã đánh giá như sau (Phật giáo Hòa Hảo trong Giòng Lịch sử Dân tộc, tr 593-594): Ông Ngô Đình Diệm đã tự hào dẹp được các “lãnh chúa giáo phái”, nhưng sau đó, chính thể của ông cũng là một kiểu lãnh chúa giáo phái. Các “lãnh chúa giáo phái” trước kia chỉ có quyền hành giới hạn tại từng địa phương, trái lại chế độ lãnh chúa giáo phái mới này oai quyền bao trùm trên toàn cả nước trong mọi địa hạt, chứ không chỉ riêng về quân sự như các lực lượng võ trang giáo phái trước kia. Có người nói rằng ông Ngô Đình Diệm tuy có độc tài độc tôn, nhưng đó là lòng yêu nước, muốn cứu nước, muốn làm tròn sứ mạng lịch sử của người chiến sĩ yêu nước trong một tình trạng rối ren, cho nên phải cứng tay lái để lãnh đạo quốc gia. Lập luận này không được chứng minh bằng thực tế và thành quả. Sự ủng hộ của một thành phần thiểu số trong dân chúng không thể gọi là thành quả của chế độ, khi đem đối chiếu với sự bất mãn và đau khổ của thành phần đại đa số. Các thành quả nhất thời và ngắn hạn không thể xem là thành công của chế độ, khi đem đối chiếu với những hậu quả lớn lao và lâu dài mà chế độ ấy đã gây ra cho quốc gia và dân chúng. Người ta cũng hay nói đến “độc tài sáng suốt”. Từ ngữ này không có nghĩa trong thời đại dân chủ. Không thể có một nhà độc tài sáng suốt trong thế giới phức tạp ngày nay. Lý thuyết tự do dân chủ không chấp nhận chế độ độc tài, và không cho rằng nhà độc tài có thể sáng suốt được. Ông Ngô Đình Diệm đã dẹp các giáo phái và như thế có hẳn là ông không có tinh thần giáo phái không? nếu định nghĩa giáo phái thoát ra từ từ ngữ Sectarism, thì rõ ràng là ông Diệm cũng rất nặng tinh thần giáo phái. Trong một xã hội đa tôn giáo như Việt Nam không thể có quốc giáo, cũng không thể chấp nhận ưu thế chính trị của bất cứ tôn giáo nào. Do đó, chánh quyền không thể nằm trong tay một tôn giáo, hoặc điều khiển, lãnh đạo bởi một tôn giáo. Thực tế chánh trị dưới chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa đã biểu lộ rõ ràng ưu thế của Công giáo. Tổng thống Ngô Đình Diệm là một tín đồ Công giáo, chánh sách cai trị của ông tạo ưu thế cho tôn giáo của ông, đưa các tôn giáo khác vào vị trí thất thế. Và như thế, là một tình trạng Sectarism, hoặc gọi là bè phái, hoặc gọi là giáo phái. Ông Diệm đã nêu cao khẩu hiểu “Dẹp lãnh chúa, dẹp giáo phái”, nhưng khi ông nắm quyền cai trị, chế độ của ông lại trở thành một chế độ mang đầy đủ tính chất của lãnh chúa và giáo phái trên một bình diện cao hơn, là bình diện toàn quốc, thay vì bình diện địa phương như trước ông. Tuy nhiên, tại miền Trung, vấn đề trở thành phức tạp và khó khăn hơn nhiều vì những lực lượng chống đối ông Diệm không phải là tay sai của Pháp mà là những đảng Cách mạng đã từng xả thân đấu tranh vừa chống Cộng vừa chống Pháp, và đã có lúc ủng hộ ông Diệm trong và sau những nỗ lực vận động nắm chính quyền của ông. Tuy nhiên, cuối cùng, chiến khu Ba Lòng ở Quảng Trị của Đảng Đại Việt bị đánh tan. Chiến khu Nam Ngãi của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị ông Diệm ra lệnh cho sư đoàn Nùng càn quét dã man trong những năm 1955-1956 ở các quận Quế Sơn, Tiên Phước, Duy Xuyên nhưng vẫn không tiêu diệt được lực lượng có quá nhiều kinh nghiệm chiến trường và lòng yêu nước sắt đá này. Ông Ngô Đình Cẩn phải dùng thủ đoạn “Đoàn kết thỏa hợp” mới lôi kéo được đơn vị võ trang gần 2.000 tay súng về hợp tác để rồi sau đó cấp lãnh đạo chính trị, quân sự của họ đều bị tù đày. Ngoài ra phải kể đến vua Bảo Đại, người đã bổ nhiệm ông Diệm làm thủ tướng, người đã từng một thời được ông Diệm tung hô vạn tuế khi ông còn làm quan Nam triều. Với Bảo Đại, ông Diệm đã phải dùng đến những hình thức đấu tranh có vẻ dân chủ hơn qua một cuộc trưng cầu dân ý (23/10/1955) để biểu diễn cho Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ lúc bấy giờ đang thẩm định khả năng chính trị của ông. Ý nghĩa của cuộc truất phế này đã được ông Đoàn Thêm phân tích rõ ràng trong cuốn Những Ngày Chưa Quên nhưng tôi cũng xin sẽ bổ túc và triển khai trong chương VI vì những oái oăm lịch sử của biến cố này. Như vậy, từ năm 1956, ông Diệm là một Tổng thống hợp hiến và hợp pháp của một quốc gia Việt Nam theo chế độ Cộng Hòa (dù ngày 26/10/1955 mới chỉ ban hành Hiến ước tạm thời), có cường quốc số một thế giới là Hoa Kỳ ủng hộ và có đại đa số dân chúng miền Nam Việt Nam sẵn lòng sống chết với ông. Thực dân Pháp đã biến mất, chính quyền Cộng sản miền Bắc là mối đe dọa minh nhiên và tức thời, cho nên toàn dân đoàn kết nhất trí sau lưng ông để đương đầu với mối họa mới. Công việc đầu tiên là cải tổ hai định chế lớn chi phối sinh hoạt quốc gia: bộ máy công quyền và bộ máy quân đội. Với sự yểm trợ về ngân quỹ và kế hoạch của Mỹ, ông biến quân đội Việt Nam Cộng Hòa thành một thứ quân đội Hoa Kỳ bản xứ, ít nhất là trên mặt hình thức và điều hành. Hệ thống tổ chức, quân phong, quân kỷ, quân nhu, quân dụng cho đến những chi tiết nhỏ nhặt như cách chào, đôi giày, khẩu phần ăn,... đều đến từ và rập theo khuôn mẫu Hoa Kỳ. Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa ra đời, hiến pháp có 1 điều bất hủ rất phản dân chủ là “Tổng thống lãnh đạo quốc gia” cũng đã quy định tính cách phân quyền và xác định những định chế ở thượng tầng để quản trị đất nước. Viện trợ Hoa Kỳ và sự yểm trợ của các nước trong thế giới tự do đã nâng uy tín của ông lên cao, kết quả cuộc trưng cầu dân ý với tỷ số phiếu thắng 98.16% (kết quả chính thức của Bộ Nội vụ: 5.721.735 phiếu cho ông Diệm trên 5.828.907 tổng số phiếu) đã, dù sao, xác định sự kiện toàn dân sẵn sàng hợp tác với ông. Quả thật, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã nắm được đầy đủ yếu tố Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa, tức là cả thời, cả thế và cả lực, đã nắm được cơ hội ngàn vàng để đưa quê hương xứ sở đến phú cường và hùng mạnh. Lịch sử và dân tộc chỉ cần ông quyết liệt khước từ mọi liên hệ xấu xa với quá khứ, chỉ cần ông thành thật đặt quyền lợi tổ quốc trên quyền lợi gia đình, chỉ cần ông thực hiện dân chủ và đoàn kết thực sự, thì chỉ với ba điều kiện đó mà thôi, ông Diệm đã trở thành anh hùng dân tộc, cứu tinh dân tộc rồi. Đau xót thay, ông đã không những không tôn trọng ba điều kiện đó mà chính ông và thành phần lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước là các anh em ông, cũng không ý thức được điều này. Cho nên bánh xe lịch sử đã quay lại nghiền nát ông, cho nên dân tộc đã đứng lên khước từ chế độ ông. Hệ quả đó không phải chỉ chấm dứt khi chế độ ông bị tiêu diệt mà còn kéo dài cho đến mùa Xuân năm 1975, điều mà tôi sẽ nói ở các chương sau. -o0o- Trở lại ngày 19/11/1954, sau khi tướng Nguyễn Văn Hinh từ giã Việt Nam về Pháp, tướng Vận trốn khỏi Nha Trang, và miền Trung đã hoàn toàn tự chủ, tự quản, tôi rời Sài Gòn về Nha Trang giữ chức Tư lệnh phó Phân khu Duyên Hải dưới quyền của Đại tá Phạm Văn Đổng. Trước khi rời phòng của ông Võ Văn Hải trong dinh Độc Lập, nơi mà Đại tá Lễ và tôi đã tạm trú gần hai tháng trời, bác sĩ Bùi Kiện Tín, lúc bấy giờ đã là Bộ trưởng Bộ Thông tin, trao cho tôi một xấp tài liệu nói về điều lệ, mục đích và hệ thống tổ chức của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia để nhờ tôi về tổ chức Phong trào này tại các tỉnh thuộc quyền tôi trách nhiệm. Bác sĩ Tín trình bày cho tôi biết việc tổ chức Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia là do sáng kiến của các ông Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, Trần Quốc Bửu, Bùi Kiện Tín... muốn đưa ra một phong trào nhân dân làm hậu thuẫn chính trị cho ông Diệm. Theo bác sĩ Tín thì phong trào này ủng hộ chế độ ở mặt nổi và đảng Cần Lao Nhân Vị thì điều động phong trào ở mặt chìm, cũng như Việt Minh là đoàn thể mặt nổi mà đằng sau thì có đảng Cộng Sản Đông Dương chỉ đạo trong 10 năm kháng Pháp. Lúc bấy giờ, vẫn còn một số người Pháp ở Việt Nam mà đa số có liên hệ đến mạng lưới tình báo Pháp để yểm trợ cho các tổ chức chống đối Thủ tướng Diệm. Ở Nha Trang vẫn còn Tòa Đại diện Pháp, vẫn còn sĩ quan cố vấn ở các trường hải quân và không quân, vẫn còn một tiểu đoàn Sénégalais đóng ở Colona gần phi trường. Tại Cam Ranh, cách Nha Trang 50 cây số, vẫn còn hải quân Pháp và cơ quan y tế thuộc quân đội Pháp. Vì người Pháp còn hiện diện và còn ngấm ngầm phá hoại Thủ tướng Diệm nên các Tỉnh trưởng, Trưởng ty, Công chức Việt Nam vẫn còn e sợ người Pháp. (Như Tỉnh trưởng Nguyễn Trân ở Khánh Hòa, mỗi lần tôi tổ chức biểu tình chống Pháp thì ông lại tìm cớ đi Phan Rang hoặc đi Sài Gòn để lẩn tránh; hoặc như Phó tỉnh trưởng Lưu Văn Châm, khi nghe Trung tá Thái Quang Hoàng, Tỉnh trưởng Bình Thuận, đọc diễn văn đả kích người Pháp thì lắc đầu tỏ vẻ sợ sệt). Vì kẻ thù trực tiếp và thực sự của ông Diệm lúc bấy giờ là người Pháp, mà các giới chức dân sự địa phương lại vẫn còn e dè nên tôi phải lấy quân đội làm chủ lực nòng cốt và phát động để đi tiên phong trong việc xây dựng Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, với hy vọng có thể gây được sự phấn khởi và tin tưởng cho phía dân sự cũng như quần chúng. Đại tá Phạm Văn Đổng, vị chỉ huy trực tiếp của tôi vốn là một sĩ quan thân Pháp nhưng ông là một người khôn ngoan thâm trầm cho nên vẫn để tôi hoạt động chính trị, hoạt động tổ chức Phong trào mà không can thiệp ngăn cấm, ông Đổng chọn thái độ đứng ngoài chính trị và chỉ lo hoạt động quân sự thuần túy. Chẳng bao lâu, tôi đã tạo dựng được một phong trào chính trị rầm rộ trong hàng ngũ quân nhân tại Nha Trang với những cơ cấu nhịp nhàng. Thấy anh em quân nhân gồm có hàng vạn người hăng say hoạt động cho Phong trào với những buổi học tập, xuống đường, những buổi công tác xã hội, lại thấy anh em quân nhân rất dứt khoát thái độ khi đi tháo gỡ những bảng hiểu, tên phố, tên đường, tên cơ quan bằng tiếng Pháp, còn các cổng trại đơn vị quân đội thì treo đầy những biểu ngữ “Bài Phong”, “Đả Thực”, “Diệt Cộng”, những biểu ngữ hoan nghênh Thủ tướng Diệm cùng với cờ quốc gia và cờ Phong trào hiên ngang tung bay trước gió, các “ông dân sự” và quần chúng bấy giờ mới bớt sợ người Pháp. Có hậu thuẫn quân đội rồi và thấy quần chúng bắt đầu giác ngộ rồi, tôi bèn bắt đầu phát động Phong trào Cách Mạng Quốc Gia về phía dân sự. Lúc bấy giờ, trong giới trí thức và công chức tại Nha Trang đã có một số người tin tưởng vào Thủ tướng Diệm và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia như các bác sĩ Nguyễn Đình Kình, Đỗ Cao Minh (hiện ở Pháp), giáo sư Hà Huy Liêm,... tôi bèn mời ông Võ Văn Trưng, Trưởng ty học chánh, làm Chủ tịch Tỉnh bộ Phong trào ở Khánh Hòa và Nha Trang. Phong trào phát triển nhanh chóng làm cho ngân quỹ trở nên dồi dào, do đó mà chẳng mấy chốc trụ sở Tỉnh bộ Phong trào được dựng lên và mang lại niềm tin cụ thể cho đồng bào, công chức và cán bộ. Đã thế, giáo sư Hà Huy Liêm (trường trung học Võ Tánh, Nha Trang) và kỹ sư Nguyễn Mạnh Hoàn (hiện ở California), những ủy viên tuyên nghiên huấn của phong trào lại là những nhân vật có kinh nghiệm đấu tranh, có tài hùng biện động viên và kích thích được quần chúng trong các buổi thuyết trình hoặc biểu tình, nên khí thế của Phong trào mỗi ngày càng một tăng, tổ chức của Phong trào một ngày càng trưởng thành trên cả hai mặt lượng lẫn phẩm. Tôi có thể nói mà không ngại ngùng rằng ngoại trừ thời Việt Minh mới cướp chính quyền năm 1945, chưa khi nào tỉnh Khánh Hòa và thị xã Nha Trang có một phong trào chính trị bừng bừng lửa cách mạng như thời 1955, 1956, dưới ngọn cờ của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia do tôi lãnh đạo tại miền thùy dương cát trắng, dù nơi đó dân chúng vốn hiền hòa và không hiếu động. Một vài kỷ niệm mà tôi nhắc lại sau đây tuy chỉ có tính cách địa phương, không gây được những chấn động to lớn, nhưng quả thật đã là những chứng tích cách mạng của một phong trào nhân dân mà động cơ thúc đẩy lớn lao và duy nhất là tình cảm giải phóng sau những năm dài áp bức. Những kỷ niệm đó bây giờ chỉ là những vang bóng của một thời xa xưa nhưng chắc chắn vẫn còn là những âm vang rộn ràng trong lòng những chiến hữu của tôi hiện còn sống nơi hải ngoại hay kẹt lại trong nước, mà tôi vẫn luôn ghi nhớ rằng không có họ thì không thể có được cao trào cách mạng đó. Nào là lúc vận động quần chúng tấn công đơn vị Tây Đen Sénégalais ở Colona, khiến Pháp đặt toàn căn cứ trong tình trạng báo động tác chiến và dùng xe cứu hỏa và quân khuyển để phản công lại khiến một số học sinh bị thương. Nào là lúc bao vây Trụ sở Ủy Hội Quốc Tế để cuối cùng huy động dân chúng xông vào trụ sở ném đá gây thương tích trầm trọng cho hai đại tá Việt Cộng (đi điều tra về việc cán bộ ở Phú Yên bị dân chúng nổi lên giết chết), khiến họ phải nhờ máy bay Pháp trốn về Sài Gòn tức khắc. Tôi cũng muốn nhắc lại vụ Phong trào cầm đầu đoàn biểu tình kéo đến khách sạn Beau Rivage để áp lực sĩ quan Pháp phải giữ thái độ khách quan, và buộc các thành viên Ấn Độ và Ba Lan phải gửi một cái chổi và cục đá và một bản án ra Hà Nội cho ông Hồ Chí Minh. Và chắc chắn các chiến hữu cũ của tôi cùng đồng bào ở Nha Trang không thể nào quên được lễ tưởng niệm tướng Trình Minh Thế tại công viên trước ga xe lửa của thành phố Nha Trang, một buổi lễ vừa cảm động vừa hào hùng để tôn vinh người chiến sĩ cách mạng thực sự hy sinh cho tổ quốc tại cầu Tân Thuận Sài Gòn. Sau buổi tưởng niệm, toàn thể quân dân đã đồng thanh yêu cầu ông tỉnh trưởng Nguyễn Trân đổi tên công viên thành ra công trường Trình Minh Thế và nhờ vậy mà tên tuổi cũng như hình bóng của vị lãnh tụ Cao Đài Liên Minh, xuất thân từ núi Bà Đen (Tây Ninh), đã sống với người dân Nha Trang tại miền đất thùy dương cho đến tháng 4/1975. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được dòng nước mắt của vị đại diện Cao Đài khi đọc diễn văn ca ngợi người anh hùng áo vải, 5 năm trời thân cô thế yếu mà dám đương đầu với hai kẻ thù của dân tộc: Cộng Sản và Thực Dân, người anh hùng đã chết tức tưởi trong một trường hợp mà cho đến ngày nay vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn của lịch sử. Sở dĩ cái chết của tướng Thế cho đến ngày nay vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn của lịch sử vì chưa có một chứng nhân nào hay một nhà viết sử nào chứng minh được một cách xác quyết kẻ nào, hay tổ chức nào, đã chủ trương giết tướng Thế. Ký giả Brown (trong The New Face of War) cho rằng cái chết của tướng Thế ở vào một trường hợp có thể đưa đến nhiều nghi vấn về một vụ ám sát. Ông Nhị Lang (trong hồi ký: Phong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế) thì gán cho tướng Mai Hữu Xuân đã giết tướng Thế. Còn tướng CIA Lansdale, người bạn chí thiết của tướng Thế, người đã lôi kéo ông về với ông Diệm, thì không nói ai là kẻ chủ mưu giết tướng Thế. Trong hồi ký In The Midst of War, Lansdale kể lại rằng ngày 3/5/1955, ông đang ngồi trong dinh Độc Lập, trong lúc ông ta đang tỏ lời giận dữ Tổng thống Diệm vì ông Diệm có những lời lẽ khinh mạn và vong ân đối với tướng Thế thì bỗng ông Nhu đi vào cho biết tướng Thế đã từ trần trên tàu Tân Thuận trong lúc đang chỉ huy trận tấn công Bình Xuyên. Nghe được tin này, ông Diệm khóc và xin lỗi Lansdale. Lansdale nắm vai ông Diệm và ngỏ lời an ủi. Lansdale là bạn chí thân của tướng Thế, lại là một nhân vật CIA tài ba vậy mà không điều tra nổi ai đã ám hại vị tướng Cao Đài Liên Minh. Trong lúc đó thì dư luận Sài Gòn lại cho rằng ông Ngô Đình Nhu là kẻ chủ mưu giết tướng Thế. Sở dĩ có dư luận ấy vì Nhu nổi tiếng là người thủ đoạn “ăn cháo đá bát” và đã phản bội lại bạn bè từ sau khi cầm được chính quyền, huống gì ông Nhu lại không muốn bất kỳ ai có thể trở thành anh hùng để có thể qua mặt được anh em ông Diệm. Về phần tôi thì đoán rằng cái chết của tướng Thế chỉ có thể là do người Pháp chủ mưu. Tôi đoán vậy vì lúc bấy giờ chỉ có một đơn vị quân đội Pháp đang đóng rất gần nơi tướng Thế chỉ huy, ngoài đơn vị đó ra không còn một lực lượng quân sự nào khác nữa (tướng Thế bị một viên đạn xuyên từ tai này sang tai kia). Người Pháp hết sức căm thù tướng Thế vì trải 5 năm kháng chiến, tướng Thế đã nhiều phen làm đảo điên người Pháp, đặc biệt vụ bỏ bom tại Nhà hát lớn Sài Gòn ngày 9/2/1952 sát hại hơn 50 người cả Pháp lẫn Việt. Cũng vì cảm phục tấm lòng yêu nước, ý chí cao cả và hành động gan dạ của người chiến sĩ Cao Đài Liên Minh nên tôi đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm hết sức long trọng để tôn vinh vị anh hùng núi Bà Đen 5 năm nằm gai nếm mật. Cũng từ đó trước mặt tôi, trên bàn giấy tại văn phòng Tư lệnh Phân Khu Duyên Hải (Nha Trang), chân dung tướng Trình Minh Thế đã thay chổ chân dung thủ tướng Ngô Đình Diệm. Cuối cùng, tôi muốn kể lại chuyện trực diện ngăn cấm viên Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương lúc đó là Đại tướng Jacquot, không được di chuyển trong lãnh thổ Phân khu Duyên Hải, dù lúc bấy giờ quân đội Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào Bộ Tư lệnh Pháp. Nguyên vị tướng Tổng Tư lệnh này muốn đi kinh lý thăm các đơn vị khác đóng ở Nha Trang và Cam Ranh. Từ Đà Lạt xuống, tướng Jacquot đi xe mang cờ tam tài và cờ hiệu 4 sao, có một trung đội nhảy dù Pháp và một Đại úy chỉ huy hộ tống. Nhưng đến Tháp Chàm thì đoàn xe bị Trung úy Trần Văn Đại bố trí một đại đội chặn lại và bắt ông ta phải quay lui (Trung úy Đại nay là Đại tá, hiện ở Mỹ). Quả là một việc hết sức bất ngờ và mất thể diện cho quân đội Pháp, vì vậy tướng Jacquot giận lắm nhưng không giám ra lệnh nổ súng nên cuối cùng, tuy ông ta đã đổi từ thái độ trịch thượng hùng hổ đến ôn hòa năn nỉ, nhưng ông vẫn bị khước từ không thể tiếp tục lộ trình. Trung úy Đại cho ông ta biết Trung úy đang làm theo lệnh của tôi, nghĩa là thể hiện ý chí của cao trào cách mạng của quân dân vùng duyên hải, rằng tất cả người Pháp, dù ở bất cứ tư thế nào cũng phải chịu luật “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Ngày hôm sau, tôi nhận được công điện của Tổng Tham mưu Việt Nam (do Đại tá Trần Văn Đôn ký) khiển trách tôi tại sao lại vô lễ với vị Đại tướng “Tổng Tư lênh quân đội Liên Hiệp Pháp”. Tôi liền đánh công điện trả lời không ngại ngùng: “Tôi chỉ biết có một vị Tổng Tư lệnh là Thiếu tướng Lê văn Tỵ mà thôi”. Sau này, khi Thủ tướng Diệm đến Nha Trang có hỏi lại tôi về vấn đề đó, vấn đề mà tướng Jacquot khi về Sài Gòn đã đến dinh Độc Lập trách móc thủ tướng, tôi bèn trình bày: “Thưa Cụ, chúng tôi coi người Pháp là kẻ thù vì họ phá rối Cụ, họ muốn lật đổ Cụ tức là chống lại dân tộc Việt Nam, thì chúng tôi đương đầu với họ là lẽ tất nhiên. Tôi làm cho tướng Jacquot suy nghĩ và hy vọng nhờ đó mà ảnh hưởng phần nào đến đường lối chính trị của người Pháp”. Ông Diệm gật gù nở nụ cười thỏa mãn. Tôi nhắc lại vài hoạt động “Bài Phong, Đả Thực, Diệt Cộng” tại vùng Phân khu Duyên Hải đó là vì muốn nhắc lại sự đóng góp của dân và quân vùng này cho sự thành công của ông Diệm khi ông phải đương đầu với ba kẻ thù của ông ta mà cũng là kẻ thù của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Đã đành rằng “Chiến khu Đông” đặt tại Phan Rang và những hoạt động của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia vùng Duyên Hải không có tầm vóc đủ lớn để có ảnh hưởng chính trị sâu đậm bằng những biến cố xảy ra ngay tại thủ đô Sài Gòn, nhưng âm vang của nó như là một biểu hiện ý chí của quần chúng có làm cho quân dân toàn quốc lên tinh thần, có làm họ quyết liệt hơn trong việc ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diệm hay không; thái độ của ba anh em ông Diệm sau đó mấy tháng đối với Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia tại Nha Trang sẽ chứng minh điều này. Những hoạt động đó, dù bây giờ chỉ còn là kỷ niệm trong tận đáy cùng của ký ức, và dù ký ức đó đang phai nhạt dần vì năm tháng và vì đời sống ly hương nơi đất người, tôi vẫn muốn trang trải lên trang sách này để một lần trong đời được tạ ơn và tạ tội với các đồng chí bạn bè ngày xưa trong Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia miền duyên hải. Nếu cuộc biểu tình do bà Ngô Đình Nhu tổ chức vào năm 1956 đã được nhóm bồi bút của ông Diệm sau đó (và đến tận bây giờ) tâng bốc lên đến tột đỉnh những gì mà ngôn ngữ ma quái có thể diễn tả được, thì tại sao tôi lại không chân thành viết ra đây như viết về những anh hùng lặng lẽ nhưng sừng sững, những nỗ lực không đo lường được bằng ngôn ngữ của các bạn bè đồng chí của tôi. Tại Sài Gòn, bà Nhu có ông anh chồng làm tổng thống với một bộ máy công quyền, có cả bóng lẫn hình đồ sộ của Mỹ đè nặng trên tình hình chính trị Việt Nam lúc bấy giờ, có sẵn cả một khối lượng của người Công giáo di cư để làm hậu thuẫn. Còn tại Khánh Hòa, nơi mà cái tên Ngô Đình Diệm nghe không kêu bằng và không được biết bằng tên của ông Hồ Chí Minh, nơi mà phong trào phải tự lực cánh sinh không có được một hậu thuẫn hay yểm trợ nào, nơi mà đảng Con Ó của tướng Hinh và quyền lực của đại tá Trương Văn Xương đang tê liệt hóa ông Ngô Đình Cẩn và các thuộc hạ người Công giáo tại miền Trung, và nơi mà người dân chỉ biết dùng lòng yêu nước chân thành để phân định thời cuộc và đo lường lòng người... thì những hoạt động của chúng tôi, ở một kích thước nào đó, quả thật là không thể đo lường được bằng ngôn ngữ mà chỉ có thể kể lại như những hoài niệm mà thôi. Tôi cần viết ra đây những hoài niệm đó là cũng để tạ tội với những anh em Đại Việt tỉnh bộ Phan Rang do ông Hồ Trần Chính cầm đầu, và những Phật tử bốn tỉnh đã vì thấy chuyện tôi làm, nghe lời tôi hô hào khích động mà dấn thân hoạt động hăng say để rồi sau đó mấy năm lại thành nạn nhân của đảng Cần Lao phóng tay phát động chính sách chia rẽ kỳ thị. Viết ra đây để tạ tội với nhóm các bác sĩ trong Quân y viện Nguyễn Huệ, những giáo sư Võ Tánh như các ông Lê Tá, Nguyễn Mậu, Võ Hồng... những giáo sư Bồ Đề như các ông Lê Bá Chẩn, Ưng Thi, Quách Tấn chỉ vì mấy năm sau chống đối ông Diệm (có người còn giám tổ chức buổi kịch “Tần Thủy Hoàng” để lên án ông Diệm) mà, lúc bấy giờ, đang quá say mê lãnh tụ Ngô Đình Diệm, tôi đã nghĩ rằng những vị ấy là Việt gian. Nhưng rõ ràng là họ đã sáng suốt hơn tôi, đã nhìn xa thấy rộng hơn tôi. (Giáo sư Lê Tá, hiệu trưởng trường Võ Tánh Nha Trang, bị đổi vào Phan Thiết khác với ông Lê Tá tỉnh trưởng Phú Yên. Hai cụ Lê Tá hiện sống ở Mỹ và đều là những nhân chứng của thời đại. Còn gia đình Cụ Lê Bá Chẩn, ngoài việc dạy học ở trường Bồ Đề, còn là Phó Tỉnh trưởng Nha Trang, bị ông Tỉnh trưởng Nguyễn Trân gán cho cái tội “Cộng Sản” mặc dù ai cũng biết Cụ Chẩn đã từng là kẻ thù của Cộng Sản). Xây dựng xong cả thượng tầng lẫn hạ tầng cơ sở của Phong Trào Cách Mạng Quốc gia tại Khánh Hòa để làm thí điểm gương mẫu, tôi bèn đi khắp bốn tỉnh thuộc phân khu Duyên Hải, từ Phú Yên đến Bình Thuận, để thành lập các tỉnh bộ khác của Phong trào cho những tỉnh đó. Dân chúng bốn tỉnh miền cực Nam Trung Việt cũng như dân chúng trên toàn quốc sau gần 10 năm chiến chinh khói lửa dưới chế độ cũ đã chán nản chiến tranh, đã mất niềm tin vào những lời hứa hẹn, bỗng bừng dậy nhìn về chân trời mới, một chân trời vinh quang và rất nhiều hy vọng nhờ khí thế cách mạng đang dâng tràn từ thành thị đến thôn quê. Khí thế đó có được nội dung cách mạng là nhờ ý thức và tâm chất của những người như ông Lê Tá, nguyên Tỉnh trưởng Phú Yên, ông Hồ Trần Chánh, bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, bác sĩ Đỗ Cao Minh... những bằng hữu và chiến hữu đã cùng tôi hoạt động cho Phong Trào Cách Mạng Quốc gia, và đã trở nên hội viên Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng hay Dân biểu Quốc Hội sau này. (Ba nhân vật trên hiện sống ở hải ngoại). Sau khi hoàn thành việc xây dựng bộ phận chủ yếu cho Phong trào tại bốn tỉnh miền Duyên Hải, tôi trở lại Nha Trang để trong một buổi đại hội quân dân chính gồm trên ba ngàn đại diện tham dự, tôi hô hào thực hiện một cuộc cách mạng dân tộc do lãnh tụ Ngô Đình Diệm lãnh đạo để đương đầu với cuộc cách mạng vô sản chuyên chính ở miền Bắc do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo. Giữa hội trường đằng đằng chính khí mà khuôn mặt mỗi người đều biểu lộ một niềm tin sắt thép, tôi cho đồng bào biết rằng lãnh tụ Ngô Đình Diệm đã từng cởi áo từ quan, đã từng hoạt động cách mạng chống Pháp, chống Cộng ngay thời 1930, một nhân vật chân thành yêu nước yêu dân, chỉ đặt quyền lợi tổ quốc và dân tộc trên phe phái, tôn giáo riêng tư... Tôi đã mang tấm lòng son sắt của người cán bộ trung kiên, của người từng là chiến hữu của lãnh tụ Ngô Đình Diệm từ 1942, tôi thề sống chết với ông, và nếu ông phản bội quốc dân, tôi sẽ là người đầu tiên đảo chánh ông. Riêng với anh em quân đội, tôi thề sẽ thực hiện đúng khẩu hiệu “Huynh đệ chi binh” mà tôi đã nêu ra để đưa cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đến thành công. Trước lời thề sắt đá của tôi, hội trường như nổ tung bởi những tràng pháo tay vang dội. Rất đông sĩ quan và binh sĩ quá hăng say và cảm động đã đứng bật dậy hô to khẩu hiệu “Bài Phong, Đả Thực, Diệt Cộng”, khẩu hiệu “Ngô Đình Diệm muôn năm” và “Hoan hô Trung tá Đỗ Mậu”... Không khí hội trường như không khí hội nghị Diên Hồng của cha ông thủa trước, mà những đồng chí cũ của tôi là tướng Trần Văn Minh (Không Quân), tướng Nguyễn văn Thịnh (Pháo Binh), tướng Vũ Đức Nhuận (An Ninh Quân Đội), Đại tá Hà Quang Giác, Đại tá Đỗ Khắc Mai... (hiện sống tại hải ngoại) đã là những chiến sĩ tiền phong đầy ắp lòng yêu nước và lửa cách mạng. Thật vậy, lòng yêu nước và lửa cách mạng đó của quân dân bốn tỉnh Duyên Hải đã vang dội về Huế và vào Sài Gòn làm cho chủ tịch Phong Trào Cách Mạng Quốc gia Trung ương là ông Trần Chánh Thành, và ông Hà Đức Minh, đại diện đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Nhu, phải đến Nha Trang quan sát và nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn này. Ông Ngô Đình Cẩn gửi thư yêu cầu tôi sát nhập phong trào miền duyên hải vào phong trào miền Trung và ủy nhiệm tôi làm đại diện chính trị cho ông ta. Ông Nguyễn Đôn Duyến, đại diện Chính phủ, phái người vào mời tôi ra Huế thuyết trình về cuộc đời của Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ngày 7/7/1955, tôi ra Huế thuyết trình về đề tài “Chí sĩ Ngô Đình Diệm với chính nghĩa quốc gia”. Dân chúng và công chức kinh thành Huế vốn nghe tiếng tôi là cán bộ kỳ cựu và trung kiên của ông Diệm nên kéo nhau đến nghe tôi nói về cuộc đời của ông tại Hội trường Morin. Họ đứng chật hội trường và còn tràn ra các đường phố chung quanh. Vì Huế là địa phương biết khá rõ về dĩ vãng của ông Diệm, biết cả điều xấu lẫn điều tốt, biết cả sở trường lẫn sở đoản, cho nên nội dung bài thuyết trình của tôi gồm hai phần rõ rệt: Phần thứ nhất nhằm so sánh con người của ông Ngô Đình Diệm và con người của ông Hồ Chí Minh, nhưng đặc biệt chỉ nhấn mạnh vai trò Cộng sản quốc tế của ông Hồ Chí Minh và đề cao tư cách “Cách mạng quốc gia” của ông Diệm; Phần thứ hai tôi xác định vai trò và vị trí tất yếu của ông Diệm trong cuộc đấu tranh Quốc-Cộng sắp tới giữa hai miền Nam Bắc. Vì vậy, sau lời giới thiệu rất ân cần và tâm huyết của Giáo sư Võ Thu Tịnh, giám đốc Nha Thông tin Trung Việt (hiện sống ở Pháp), tôi đã cố tình bỏ qua những điều tiêu cực của chính cá nhân ông Diệm cũng như của tình hình chính trị tổng quát để chỉ nhằm đề cao ông Diệm như là một môn đồ Khổng Mạnh đầy đủ Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, như là một tín đồ Chúa Kitô bác ái, công bằng. Bài thuyết trình sau đó được ông Ngô Đình Cẩn cho phát thanh lại trên đài phát thanh Huế đến 7 đêm liền, được Bộ Thông tin Sài Gòn cho in thành sách phát cho các tỉnh để làm tài liệu học tập và, hân hạnh nhất cho tôi, là năm 1958 được Tổng thống Diệm gọi vào Dinh Độc lập để khen ngợi và cảm ơn sau khi ông đã đọc xong tập “Chí sĩ Ngô Đình Diệm với chính nghĩa Quốc gia”. Nhưng nếu sự lưu tâm của các ông Ngô Đình Cẩn, Trần Chánh Thành trên đây là một khích lệ cho tôi trong việc xây dựng Phong trào Cách mạng Quốc gia vùng Duyên hải thì chuyến viếng thăm Nha Trang của Thủ tướng Diệm sau đó mới thực sự là phần thưởng tinh thần và tình cảm giá trị hơn. Thủ tướng Diệm, từ ngày bị tướng Nguyễn Văn Hinh chống đối, đã tự giam mình trong khuôn viên Dinh Độc lập, nhưng ngay sau khi đánh tan quân Bình Xuyên ở rừng Sát và mặc dù công việc đa đoan, ông đã quyết định đi kinh lý mà địa điểm đầu tiên là Nha Trang, nơi tôi đang chịu trách nhiệm. Khi Thủ tướng Diệm đến Nha Trang, mặc dầu tôi chỉ là Tư lênh phó nhưng đại tá Phạm Văn Đổng vẫn đề nghị tôi, với tư cách Chủ tịch Phong trào Cách mạng Quốc gia vùng Duyên hải, đại diện cho quân dân đọc diễn văn chào mừng Thủ tướng. Tôi tổ chức một buổi mít-tinh của dân chúng và quân đội tại một công viên sát bờ biển để nghênh đón ông Diệm. Tôi muốn mượn cảnh trời cao biển rộng, cảnh bạch nhật thanh thiên, thay mặt quân dân Nha Trang đưa cao lời thề chết sống với Ông để thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, xây dựng đời sống mới ấm no hạnh phúc cho đồng bào sau 100 năm quê hương đắm chìm trong nô lệ dưới gót giầy sắt của thực dân. Có lẽ Đại tá Đổng và nhiều nhân chứng đã không quên có những bà già, trẻ em 15, 16 tuổi đã đến ôm chầm lấy vị Thủ tướng khả kính ngỏ lời hân hoan được thấy tận mắt nhà lãnh đạo vì dân vì nước. Tôi còn nhớ ông Diệm đã nhìn tôi rơm rớm nước mắt như muốn chia sẻ nỗi cảm động hân hoan của ông. Sau buổi lễ đón chào, ông Diệm không chịu về tòa Tỉnh trưởng ăn cơm trưa mà lại đòi về ăn cơm chung với các sĩ quan ở Câu lạc bộ. Ngồi giữa Đại tá Linh Quang Viên, Tư lệnh Vùng Ba, và Đại tá Đổng, Tư lệnh Phân khu Duyên hải, và trước độ 60 sĩ quan, ông Diệm nói với các sĩ quan hiện diện là ông rất biết ơn quân đội đã ủng hộ ông, đã hy sinh cho ông. Ông hứa sẽ trung thành với dân tộc và đưa nước nhà đến bến bờ vinh quang. Sau khi thăm Nha Trang, ông bảo tôi cùng đi theo ông lên Đà Lạt để tiếp tục chuyến kinh lý của ông. Cử chỉ ưu ái đó làm tôi cảm động. Đến Đà Lạt, ông cho biết sẽ thăng tôi lên đại tá và sẽ bổ nhiệm làm Tư lệnh Phân khu Duyên hải thay cho đại tá Phạm Văn Đổng giữ chức Tư lệnh Sư đoàn Nùng (Sư đoàn 3) ở Phan Rí. Còn ông Thái Quang Hoàng lên chức thiếu tướng và sẽ giữ chức Tư lệnh Quân khu III thay cho đại tá Linh Quang Viên. Sau này tôi mới biết việc thăng cấp cho tôi và Thái Quang Hoàng... nằm trong chủ trương tưởng thưởng chung cho những người cả dân sự lẫn quân sự đã từng ủng hộ ông Diệm từ những ngày đầu và trong những ngày ông gặp khó khăn đối phó những kẻ thù thực dân và phong kiến. Chủ trương đó do các ông Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, Trần Ngọc Liên... đề nghị lên ông Diệm. Mỗi người có công đều được thăng một cấp, ví dụ như ông Nguyễn Đôn Duyến, nguyên đốc sự hạng nhì được thăng lên đốc sự hạng nhất; như ông Võ Như Nguyện (hiện ở Pháp), từ Chánh thanh tra Công an hạng ba lên Chánh thanh tra Công an hạng nhì. Về vụ thăng thưởng, đến năm 1964, khi tướng Nguyễn Khánh làm Thủ tướng, ông hủy bỏ những nghị định thăng cấp cũ làm cho một số người vô cùng bất mãn. (Vị giáo sư Hán học Võ Như Nguyện biết rõ vấn đề này và có đến phàn nàn với tôi tại Sài Gòn). Như vậy, từ nay, nhiệm vụ của tôi trên toàn Phân khu Duyên hải (gồm bốn tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) sẽ gồm không những giữ gìn an ninh địa phương này mà còn về mặt chính trị, phải xây dựng cho quần chúng một ý thức chính trị vững mạnh mà nội dung là chống Cộng và ủng hộ chế độ Cộng Hoà. Trước 1945, tôi có qua lại Nha Trang vài lần trong các chuyến đi công tác cho ông Diệm khi còn hoạt động cho phong trào Cường Để. Lúc bấy giờ, đầu óc còn suy tư về những hoạt động cách mạng bí mật và nguy hiểm, và lại tuổi trẻ nên tôi chưa nghĩ đến việc an cư lạc nghiệp cho gia đình. Nhưng từ năm 1953, khi được đổi về miền thùy dương gió hiền cát trắng, làm đại diện cho Quân khu II, tôi có nhiều thì giờ quan sát dân tình cảnh trí tỉnh Khánh Hòa, và tôi có ý định sẽ chọn tỉnh lỵ Nha Trang làm quê hương. Ý định này trở thành quyết định vì sau ngày chia cắt đất nước vào tháng 7 năm 1954, tôi linh cảm thấy ngày trở lại nơi chôn nhau cắt rốn vùng tả ngạn sông Gianh quả thật là xa vời. Sau những năm lê gót khắp mọi nẻo miền đất nước, tôi thấy Nha Trang quả là nơi đất lành cho chim đậu, có thể làm nơi sinh sống vĩnh viễn cho vợ con, làm nơi thừa lương cho mình khi tuổi đã về chiều. Tôi say mê Nha Trang, quyến luyến Nha Trang vì Nha Trang không khép kín u trầm như cố đô Huế, không cô đơn lạnh lùng như Đà Lạt, không náo nhiệt xô bồ như Sài Gòn. Tôi yêu Nha Trang vì cảnh non nước trời mây tình tứ. Nha Trang sống động mà không suồng sã, mộng mơ mà không sầu não, một thành phố trung bình nhưng thanh lịch như là nhà thơ Quách Tấn đã mô tả sau đây: [4] Nhắn ai viếng cảnh Nha Trang, Muốn tìm dấu cũ thì sang Tháp Bà. Muốn trông trời biển bao la, Con thuyền nho nhỏ bơi ra Hòn Chồng. Muốn xem cá lạ biển Đông, Xuống tòa Hải Học trong vùng Trường Tây. Muốn vui cùng nước, cùng mây, Mây trùm suối ngõ, nước vầy suối tiên. Ba Hồ làm thú thiên nhiên, Qua Sơn là chốn thần tiên đi về. Lòng mong nương bóng Bồ Đề, Lên chùa Hải Đức gần kề Nha Trang. Nha Trang trăng ngọc gió trầm, Anh về Bình Định lệ dầm nhớ thương. Trách ai rắp nẻo ngăn đường, Non song gởi gấm can trường lại em. Hòn Chữ chưa chìm, Hòn Trầm chưa ngã, Ngoài còn Vạn Giã, Trong còn Cam Lâm, Vẫn còn trăng ngọc gió trầm, Nghìn thu nghĩa nặng tình thâm mãi còn. Ngay trước cả thời chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, phong cảnh Nha Trang đã nổi tiếng là tình tứ với hàng dương liễu dịu dàng trên một bờ biển cát trắng nước xanh, dân tình Nha Trang đã nổi tiếng là hiền hòa đôn hậu, chỉ biết khai thác đất cha biển mẹ làm phương kế sinh nhai. Vào đầu thế kỷ thứ 19, khi nhà bác học Yersin đến định cư tại đây thành lập viện Pasteur để nghiên cứu thêm về vi trùng học trên các bệnh của miền nhiệt đới, thì Nha Trang được chỉnh trang lại vừa đủ như một cô gái quê xinh đẹp điểm thêm một chút phấn hồng để trở thành một thành phố có hấp lực lôi cuốn khách nhàn du. Nhưng từ khi đất nước qua phân, ông Diệm về nước, thì Nha Trang bỗng vươn mình và trở thành một “thành trì cách mạng” sôi động đến nỗi ông Ngô Đình Nhu, cha đẻ và là lãnh tụ đảng Cần Lao Nhân Vị, phải đích thân đến đây để tổ chức việc thành lập Quân ủy Trung Ương của đảng. Thật vậy, lúc bấy giờ, chỉ độ một tuần sau ngày thành lập nền Cộng hòa (26-10-1955), cuộc truất phế Bảo Đại còn đang làm cho một số dân chúng miền Trung xao động, miền Hậu Giang còn khói lửa mịt mù, tân nội các còn chập chững đối phó với bao nhiêu việc trọng đại... thế mà ông Nhu đã bỏ thủ đô vội vã đến Nha Trang để xúc tiến công tác này trong vùng trách nhiệm của tôi. Quả là một vinh dự cho Nha Trang và cho riêng tôi. Không ai được biết đảng Cần Lao được thành lập vào lúc nào ngoại trừ một thiểu số rất nhỏ nòng cốt của Đảng này, nhưng ai cũng biết là từ lúc chưa nắm được chính quyền, ông Nhu đã cổ xúy và nhiều lần đề cập đến một đảng bí mật làm rường cột cho chế độ. Là một người nghiên cứu và chịu ảnh hưởng phần nào lý thuyết của Mao Trạch Đông, ông Nhu cũng chủ trương quản trị và lãnh đạo quốc gia theo phương trình Lãnh tụ Đảng - Nhà nước - Nhân dân, nhưng điều mà ông Nhu không ngờ tới là ông đã theo mô thức này một cách quá lý thuyết nên sau này thực tế đã cắt miền Nam thành hai vùng chính trị khác nhau, lúc thì có ranh giới rõ ràng lúc thì lẫn lộn vào với nhau với nhiều mâu thuẫn sâu đậm: Hai lãnh tụ Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn, hai đảng Cần Lao miền Trung và Trung Ương, hai nhà nước có hai bộ máy công quyền với những nhân sự và phương thức quản trị khác nhau, và hai loại nhân dân chạy theo hay chống lại chế độ. (Sẽ nói rõ hơn trong chương IX: Đảng Cần Lao). Tôi nhận lãnh nhiệm vụ Tư lệnh Phân khu Duyên hải được độ hai tháng thì hai Trung úy Lê Quang Tung và Nguyễn Văn Châu từ Huế vào gặp tôi cho biết hai Cậu (lúc bấy giờ hai ông Tung và Châu gọi hai ông Nhu và Cẩn bằng Cậu) phái họ vào Nha Trang để thảo luận với tôi về việc tiến hành thành lập Quân ủy Trung Ương của Đảng Cần Lao. Tôi hỏi vì sao không lập ở Sài Gòn để cho gần Trung Ương của đảng, hoặc ở Huế cho đông nhân sự nòng cốt trung kiên mà lại ở Nha Trang, thì ông Châu trả lời vì “thượng cấp và anh em đều công nhận quân nhân Nha Trang có trình độ giác ngộ chính trị sâu, có tinh thành đấu tranh cao, lại trung thành triệt để với lãnh tụ Ngô Đình Diệm”. Rồi họ không tiếc lời khen tôi là người có công lớn trong việc xây dựng “thành trì cách mạng” tại bốn tỉnh duyên hải miền Trung để làm thí điểm. Điều làm tôi thắc mắc lúc đó là tôi không biết gì về đường lối và sách lược chính trị của Đảng Cần Lao, lại càng không biết gì về vai trò và nhiệm vụ của bộ phận quân ủy trong sách lược của Đảng cũng như trong sách lược chung của quốc gia. Như vậy ba lý do mà họ trả lời trên kia thật ra chỉ gồm lại trong điều cuối mà còn bị giới hạn nữa, nghĩa là không phải toàn quân, toàn dân trong Nha Trang mà chỉ “cán bộ trung thành triệt để với lãnh tụ Ngô Đình Diệm”. Vì tôi chỉ thấy đó là tiêu chuẩn duy nhất để nhận diện và kết nạp đảng viên nên sau ba ngày hội họp và đúc kết thành quả, khi toàn thể anh em bầu tôi là Chủ tịch Quân ủy đảng Cần Lao, tôi liền viện ra một số lý do, công cũng như tư, để nhất quyết từ chối chức vụ này cũng như từ chối bất kỳ chức vụ nào trong Trung ương Quân ủy. Cuối cùng, khi có sự can thiệp của ông Nhu và nhất là chính vì sự hiện diện đặc biệt của ông, nên tôi đành phải nhận chức ủy viên Trung Ương cũng như Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, Tư lệnh Quân khu II và đại tá Tôn Thất Xứng (vắng mặt trong buổi họp!). Chủ tịch Quân ủy do Trung úy Nguyễn Văn Châu (sau này là Giám đốc Nha Chiến tranh Tâm lý, hiện sống ở Pháp) và Phó Chủ tịch do Trung úy Lê Quang Tung (sau này là Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt) đảm nhiệm. Đó là hai sĩ quan trẻ có những điểm chung rất nổi tiếng trong quân đội về tinh thần địa phương quá khích, về thái độ mộ đạo cuồng tín, và về quyết tâm phục tùng vô điều kiện mệnh lệnh của anh em ông Ngô Đình Diệm mà từ nay tất cả quân nhân của Quân đội - từ Đại tướng đến binh nhì - sẽ bị chi phối về mặt lập trường chính trị và sẽ bị điều khiển về mặt công tác chính trị. Sau buổi họp, ông Nhu trở lại Sài Gòn, các đồng chí về nhiệm sở cũ. Kết quả của buổi họp và hình thức cũng như nội dung của buổi họp không gây được một xúc cảm đặc biệt nào ngoại trừ cái tình cảm to lớn mà tôi đã có từ lâu là dân tộc ta, suốt cả thế kỷ này, đã chịu biết bao thống khổ điêu linh, nay được sống và được tham dự vào công cuộc xây dựng một nền Cộng hòa có tự do, có dân chủ và có phúc lợi cho toàn dân. Có quân ủy hay không có quân ủy, có đảng hay không có đảng, thì ông Diệm cũng được sức mạnh của dân yểm trợ để ông thực hiện những ước mơ tối thiểu và chính đáng của họ. Từ nay, hết rồi những tủi nhục của quá khứ. Từ nay, trong vận hội mới, những ai đã lầm đường theo Tây theo Cộng để sát hại đồng bào sẽ được tha thứ lỗi lầm như lời bác ái của Chúa dạy; những ai đã nuôi căm thù vì bị áp bức đàn áp trong chế độ cũ, sẽ quên hết oán thù như lời hỉ xả của Phật dạy, để người người nắm tay nhau vun xới cho trăm hoa đua nở khắp xóm làng, chào mừng chế độ Ngô Đình Diệm khai mở một cuộc cách mạng cho quê hương dân tộc.
[1] William Henderson, South Vietnam Finds Itself, trong “Foreign Affairs” (số XXXV) và Christian Science Monitor (Số ngày 30-4-55). [2] Douglas Pike, Vietcong, tr. 58 [3] Joseph Buttinger, Vietnam A Vietnam, A Political History, tr. 411, 412 và “The New York Times” (số ngày 30-5-55). [4] Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, tr. 154, 157.
[1] William Henderson, South Vietnam Finds Itself, trong “Foreign Affairs” (số XXXV) và Christian Science Monitor (Số ngày 30-4-55). [2] Douglas Pike, Vietcong, tr. 58 [3] Joseph Buttinger, Vietnam A Vietnam, A Political History, tr. 411, 412 và “The New York Times” (số ngày 30-5-55). [4] Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, tr. 154, 157.