Sự kiện đạo luật Gia Đình được thông qua đã mang lại một sự tái phối trí quan trọng trong cơ cấu lãnh đạo tối cao của gia tộc Ngô Đình, nghĩa là cũng của chế độ. Hơn ai hết, bà Nhu đã nắm được ý nghĩa và giá trị của thắng lợi then chốt này, không phải thắng lợi vì đã áp lực cho người anh rể phải bỏ nước ra đi để cho chị ruột mình là bà Trần Thị Lệ Chi từ nay có thể ung dung sống cuộc đời vương giả với người tình mắt xanh mũi lõ, mà thắng lợi đó có tầm vóc chính trị sâu sắc tại quốc hội với các bạn đồng viện, và quan trọng hơn cả là, từ nay, bà có đầy đủ uy quyền để tham dự vào những quyết định quan trọng của bộ não chế độ.Cho nên sau Đạo Luật Gia Đình, bà Nhu bèn xúc tiến việc thành lập Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới. Ngày 20 tháng 5 năm 1958, tại nghị trường Quốc hội, bà Nhu chính thức kêu gọi đoàn viên của Liên Đoàn Công Chức (một tổ chức do ông Nhu thành lập) hãy cho vợ của họ tham gia Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới.Tuy những văn kiện chính thức của phong trào – trên mặt lý thuyết – có một nội dung tương đối tiến bộ, nhưng chính sự tiến bộ đó cũng không phản ảnh được thực trạng Việt Nam lúc bấy giờ, đó là chưa nói đến chương trình hành động của Phong Trào thì lại càng không phù hợp với những nhu cầu cấp thiết của xứ sở trong giai đoạn đó. Nhưng điểm thất bại lớn nhất của Phong Trào không phải chỉ vì tính chất lý thuyết thiếu thực tế đó mà đặc biệt vì người khai sinh ra nó, tuy là một người có quyền lực lớn lao nhưng lại không có đủ đức độ và khả năng lãnh đạo để thúc đẩy cho Phong trào hoạt động.Cho nên Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới ở cấp trung ương chỉ gồm phu nhân của các vị Bộ trưởng, Dân biểu và Tổng giám đốc mà không thấy sự tham dự của vợ các vị giáo sư Trung Đại học hoặc các nhà làm văn hóa. Về phía quân đội cũng chỉ thấy vợ của tướng Nguyễn Văn Là, vợ của Đại tá Cao Văn Viên và vợ của Đại tá Tạ Xuân Thuận mà thôi. Trong khi phát triển phong trào ra miền Trung, bà Nhu đã bị ông Cẩn cản trở mạnh mẽ đến nỗi cuối cùng đích thân ông Diệm phải can thiệp và còn cam kết sẽ sa thải bác sĩ Trần Kim Tuyến khỏi chức vụ Giám đốc sở Nghiên cứu Chính Trị như một điều kiện thương thảo, “Chú Cẩn” mới chịu để cho Phong trào thành lập cơ sở tại một số tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… mà chủ tịch tỉnh bộ, dĩ nhiên, lại là các bà Tỉnh trưởng với ủy ban trung ương gồm các bà Trưởng ty, các bà Tiểu khu trưởng và vợ một vài vị thương gia giàu có.Trên mặt quần chúng, rõ ràng phong trào này không được hưởng ứng của nhân dân vì hình bóng bà Nhu, người sáng lập và lãnh đạo phong trào, đã không gây được niềm tin và sự thương kính của đồng bào. Đó là chưa nói đến bản chất “chính quyền” của phong trào này trên mặt nhân sự, từ thượng tầng trung ương đến hạ tầng cơ sở. Trong số những bà tham dự vào phong trào này, ít bà ý thức được đúng đắn nhiệm vụ xã hội và chính trị của đoàn thể mình, mà đa số hoặc vì nghe theo lời chồng để bảo đảm sự an toàn điạ vị của chồng, và số còn lại thì bám theo oai lực của bà Nhu để có chút danh gì với thiên hạ.Trong nhiệm kỳ thứ nhì của quốc hội vào tháng 8 năm 1959, trong lúc hai ông Phan Khắc Sửu và Phan Quang Đán dù đã đắc cử hàng đầu tại Sài Gòn mà vẫn trắng trợn bị xóa tên, thì Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới lại có tới 9 bà đắc cử Dân biểu: Các bà Ngô Đình Nhu, Hồ Thị Chi, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Thị Xuân Lan, Phan Thị Nguyệt Minh, Nguyễn Thị Vinh, Huỳnh Ngọc Nữ và Ngô Thị Hoa (chín nữ Dân biểu trong tổng số 123 Dân biểu của một quốc gia 15 triệu dân quả thật là quá nhiều và đã nói lên cái áp lực nặng nề của bà Nhu khi ta so sánh với chỉ 20 nữ đại biểu trên gần 500 vị dân cử của lưỡng viện quốc hội trong một quốc gia dân chủ 270 triệu dân mà phái nữ đã được giải phóng tối đa như tại Hoa Kỳ). Trong một phúc trình tôi nhận được từ miền Trung, cán bộ của nha An Ninh Quân Đội đã báo cáo về một luận điệu tuyên truyền mới của Việt Cộng gồm 4 chữ “âm thịnh dương suy” để đánh mạnh vào niềm tin thần bí của quần chúng thôn quê về sự sụp đổ tất yếu của chế độ khi quá nhiều đàn bà thứ “gà mái gáy” trong chính quyền và quốc hội.Người ta không thấy Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới có những hoạt động thiết thực và lâu dài nào để đóng góp cho công cuộc cứu nước và dựng nước mà chỉ thấy những hoạt động tượng trưng, nặng phần trình diễn, để được quay phim tuyên truyền một cách rất phản tác dụng. Thỉnh thoảng ta lại thấy các bà đi phát gạo phát tiền sau các vụ hỏa hoạn, khi mà các anh em trong các đoàn Hướng Đạo, trong Gia Đình Phật Tử hoặc các bộ phận y tế đã khai quang an toàn và sạch sẽ các đổ vỡ khổ đau. Vào dịp Tết, các bà lại đến Quân Y Viện phát quà cho thương bệnh binh, nhưng mỉa mai và đau đớn thay, trong khi đi làm “công tác xã hội” thì các bà vẫn ăn diện sang trọng, điểm trang lộng lẫy bên cạnh các thân thể què quặt và những thảm trạng nghiệt ngã của các nạn nhân. Tình cảnh mỉa mai và đau đớn của những quân nhân thương phế này đã biến thành tình cảm uất hận và họ đã gọi những công tác “từ thiện” này của Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới là công tác “xoa dầu cù là”. Ngoài những công tác phô trương phải có này thì nhiệm vụ tối quan trọng của các bà là phải có mặt đông đủ tại phòng Đại Sảnh của phủ Tổng thống, trong cái không khí mát rượi từ những máy điều hòa không khí lớn, để nghe bà chủ tịch Ngô Đình Nhu đọc diễn văn hay ban huấn từ về những “thành quả cách mạng” của chế độ như chủ trương nam nữ bình quyền để giải phóng phụ nữ, chủ trương cộng đồng đồng tiến để cải tiến dân sinh, và nhất là để cải chính dư luận đã chỉ trích cá nhân bà nói riêng và chế độ Ngô Đình Diệm nói chung. Những buổi hội họp này lên đến cao điểm vào ngày lễ Hai Bà Trưng, khi mà ít nhất trên mặt hình thức, các bà chiêm ngưỡng bà Nhu phát huy tối đa uy quyền danh vọng của mình trong chiếc ghế bành vàng với lọng xanh lọng đỏ, cờ vàng cờ tím trên khán đài danh dự.Thành quả thực sự của Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới do bà Nhu tạo dựng là một tập thể vào khoảng 100 bà trong gần 8 triệu phụ nữ Việt Nam tính khắp cả nước, mà quyền cũng như quý đều thuộc giai tầng thượng lưu xã hội, cách biệt hẳn với thành phần phụ nữ hạ lưu và chị em sinh viên học sinh vốn chiếm tuyệt đại đa số trong quần chúng miền Nam. Lại càng cách biệt hẳn và đối nghịch với giai cấp phụ nữ ở thôn quê, vốn trọng lễ nghĩa và có tâm tình mộc mạc, nên phong trào này chỉ đào sâu thêm hố chia rẽ giữa chính quyền và quần chúng, giữa thành thị và thôn quê, giữa người giàu và kẻ nghèo… tạo điều kiện thuận tiện cho cán bộ Cộng Sản tuyên truyền xúi giục chồng, cha, anh, em đào ngũ theo Mặt Trận hay ở lại làm nội tuyến trong quân đội hoặc trong bộ máy công quyền.Cũng phải nhận rằng có một số rất hiếm các bà gia nhập phong trào này hoặc vì bị bắt buộc hoặc vì quả thật muốn đóng góp cho xã hội. Nhưng cơ cấu tổ chức của phong trào, vị trí chính trị xã hội của phong trào và hiện thực xã hội miền Nam lúc bấy giờ không cho phép phong trào này hiện diện, lại càng không dung thứ cho phong trào này phát triển. Nhưng đứng trên những yếu tố đó, nếu bà Nhu biết giữ phong cách dung và hòa của người phụ nữ Việt Nam, biết giữ lối hành xử tiết và nghĩa của người phụ nữ Việt Nam, và nhất là biết thông cảm, chia sẻ với tâm tình và nhiệm vụ đích thực của một phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ, thì đã làm gì có một cái quái thai như phong trào đó, vô tình tạo thêm một nhược điểm lớn cho một chế độ đang bại hoại đi sâu vào những đợt khủng hoảng sắp tới.Sau Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới mà chức năng và hoạt động của nó luôn luôn đã là một đề tài đàm tiếu của quần chúng, bà Nhu thừa thắng xông lên để khai sinh hai tổ chức mới: đoàn thể Thanh Nữ Cộng Hòa và lực lượng Phụ Nữ Bán Quân Sự.Theo lời tuyên bố của bà Nhu thì mục đích của lực lượng này là “để sát cánh chia sẻ hiểm nguy gian lao với các chiến sĩ trên chiến trường”, và chỉ tiêu nhân sự phải đạt là 1.500 phụ nữ có võ trang như đạo Nữ Quân Nhân của vợ Năm Lửa trước kia. Những lời tuyên bố đó, nếu không phải là những bộc phát chính trị nông nổi lúc đầu thì cũng là một lời ngụy ngôn để mị dân và ve vãn giới quân nhân vì quả thật từ ngày thành lập tổ chức này, chúng ta chưa bao giờ thấy những đoàn viên Thanh Nữ Cộng Hòa ra tiền tuyến chia bùi sẻ ngọt với anh em binh sĩ. Cũng may là họ không được gởi ra nơi chiến địa vì nếu họ đến thì đơn vị nào được chiếu cố lại phải mất công chia quân bảo vệ cho họ. Đó là chưa nói đến việc làm công phẫn lực lượng Nữ Quân nhân, bộ phận âm thầm nhưng hiệu dụng của quân đội Việt Nam Cọng Hòa.Trong suốt mấy năm hiện diện, hai tổ chức này chỉ làm hai loại công tác: mặc đồng phục diễn hành vào những ngày lễ lớn, và tập cơ bản thao diễn hoặc tác xạ tại vận động trường Hoa Lư hoặc vườn chơi Thị Nghè. Chỉ có vậy thôi nhưng lúc nào cũng được bà Nhu đề cao như là một thành quả của cuộc Cách mạng Nhân vị nhằm giải phóng phụ nữ. Chi phí cho “đoàn quân” này chắc chắn là do ngân quỹ quốc gia đài thọ, và sự vô dụng trơ trẽn của nó, lẽ tất nhiên, chế độ phải gánh chịu.Điều đặc biệt là trong các buổi thực tập tác xạ mà có ái nữ của ông bà Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy tham dự thì thế nào cô ta cũng là đệ nhất thiện xạ, và thế nào chỉ nội tuần sau, Bộ Thông Tin của chế độ lại cho trình chiếu dung nhan của cô Lệ Thủy trên khắp các màn ảnh chiếu bóng của Đô Thành. Tôi không tin rằng chỉ tham dự những buổi huấn luyện bữa có bữa không mà Lệ Thủy lại có thể trở thành thiện xạ, nhưng điều đó nếu có cũng không đáng buồn cười. Điều buồn cười và lố lăng là từ những sinh hoạt vô ích và hài hước như thế, Bộ thông tin của chế độ (hẳn vì phải làm hài lòng ông bà Cố và ông Bác Tổng thống) đã cho trình chiếu khắp nơi hình ảnh đó khi mà cả nước đều biết chắc chắn và rõ ràng rằng sau những buổi trình diễn như thế, cô Lệ Thủy lại đi học trường đầm bằng xe Mercedes có cận vệ hộ tống, và thỉnh thoảng lại ngao du nước ngoài chứ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện “sát cánh chia sẻ nguy hiểm gian lao với chiến sĩ trên chiến trường”.Cũng từ ngày bà Nhu chủ trương chuyện biểu dương con gái của mình thì những tin đồn về thái độ kênh kiệu của Lệ Thủy trong lớp học, tin Lệ Thủy thi hỏng vào trường Y Khoa đến nỗi ông bà Cố vấn phải làm áp lực với ông Khoa trưởng để cô ta được thu nhận, tin Lệ Thủy khinh thường con trai Việt Nam… được lan truyền trong quần chúng thủ đô và dân làm báo. Những tin này không biết xác thực đến đâu, nhưng sự loan truyền của loại tin này đã nói lên rất nhiều cái tình cảm quần chúng đối với gia đình họ Ngô: tình cảm công phẫn và khinh bỉ một gia đình đứng đầu quốc gia mà đức hạnh thì thua người dân dã bình thường.Vì quan niệm sai lầm về việc xây dựng uy tín và quyền lực, vì xem thường óc phê phán và truyền thống đạo đức Đông Phương cho nên những việc làm của bà Nhu càng ngày càng làm cho bà bị quần chúng và chính giới căm thù. Không phải nhờ cái áo hở ngực, cái ghế bọc lụa vàng có lọng che, cuốn phim trình chiếu trên màn ảnh hay các bài diễn văn đầy những huyễn từ hoa mỹ mà người ta có thể xây dựng được sự kính trọng và cảm phục, để từ đó đi đến sự hợp tác và thương mến. Cũng không phải nhờ cái thế em dâu Tổng thống, Đệ nhất phu nhân, Dân biểu quốc hội, hay thủ lãnh Thanh Nữ Cộng Hòa mà người ta có thể xây dựng được uy tín và niềm tin, để từ đó phát động những chủ trương của mình. Chính vì không biết như thế, chính vì trước hết tự bản chất ngạo mạn và ham danh vọng, rồi sau đó vì được nâng niu bởi những lời tâng bốc nịnh bợ, nên bà Nhu đã trở thành một loại ác phụ trước mặt nhân dân Việt Nam, trở thành một thứ “Rồng cái” (Dragon Lady) trước mặt công luận thế giới.Cai trị cốt lấy nhân tâm làm đầu. Nhất là cai trị để chống Cộng Sản thì phải lấy sự thu phục nhân tâm làm quốc sách, bà Nhu và cả gia đình họ Ngô xem thường quy luật gia bảo này của lịch sử cách mạng Việt nên bị dân tộc khước từ là chuyện sẽ phải xảy ra.Ngoài ba tổ chức chính trị ồn ào trống rỗng nói trên, bà Nhu còn thành lập các ký nhi viện để giúp phụ nữ gởi con nhỏ trong giờ làm việc. Cũng như những chương trình khác, chương tình ký nhi viện cũng đi vào thất bại và tạo thêm mâu thuẫn với quần chúng vì tính cách thiếu căn bản của nó và vì cái cung cách hành xử của bà Nhu.Trước hết, Việt Nam của cuối thập niên 50 chưa phải là một nước phát triển kinh tế sung mãn để vận dụng một khối nhân lực khổng lồ đến nỗi phải động viên phụ nữ vào làm ở các cơ sở kỹ nghệ hay dịch vụ thương mãi tại các đô thị. Truyền thống gia đình Việt Nam và hoàn cảnh xã hội Việt Nam cũng khuyến khích và cho phép một người mẹ bận việc đi xa, dù là đi rất xa và lâu, gởi con cho người thân của mình hoặc bên nội hoặc bên ngoại (trong cái hệ thống khắng khít của đại gia đình Việt Nam), chứ không bao giờ gởi con cho người lạ. Túng lắm thì gởi con cho hàng xóm quen thân chứ có bao giờ tình mẫu tử của một phụ nữ Đông phương lại bị đứt đoạn để vì việc gởi con mà ray rứt suốt cả ngày xa cách. Tình thì không đúng mà lý lại càng sai, cho nên các ký nhi viện của bà Nhu bảo trợ xây cất, sau những buổi khánh thành quay phim ồn ào, trở thành vườn hoang nhà trống, hay kho hàng kho gạo của thành phố nếu cơ sở chưa đến nỗi suy sụp vì thời gian và sự vô dụng.Vì không lấy mục tiêu phục vụ quần chúng là chính mà chỉ chuộng hình thức làm những việc để mình nổi danh, cho nên cả chương trình ký nhi viện được hâm nóng lên mấy tháng cho thời sự nhắc nhở rồi sau đó đi vào quên lãng. Kiểu áo hở cổ do bà Nhu đề xướng cũng là một ví dụ điển hình của quan niệm này. Nghĩa là cũng bắt nguồn từ sự háo danh mà không đếm xỉa gì đến quan niệm thẩm mỹ có tính đạo đức của truyền thống Việt Nam, vốn lấy sự kín đáo làm nét đẹp, lấy sự dịu dàng làm sức mạnh quyến rũ mà xác tín rõ ràng nhất là trong nước, dù chiếc áo đã kinh qua nhiều biến đổi vẫn giữ lại cổ áo để che vai che ngực, và ngoài nước, đã đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi trình diễn thời trang quốc tế tại Nhật Bản, Tân Gia Ba, Vọng Các… Cho nên “kiểu áo bà Nhu”, trừ một vài bà trong Trung ương của Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới, một số các cô gái bán Bar, còn thì không thấy ai mặc. Chị em phụ nữ tẩy chay không mặc không phải chỉ vì mặc nó thì bị bạn bè xem là chạy theo “mode bà Nhu” vốn chẳng phải là một lời khen thưởng, mà còn vì tính cách trơ trẽn thiếu thẩm mỹ của nó.Từ việc biến lễ Hai Bà Trưng thành ra một lễ Quốc Khánh thứ nhì, đến việc xây tượng Hai Bà Trưng ở công trường Mê Linh Sài Gòn có khuôn mặt giống mẹ con mình, đến đạo luật Gia Đình, đến việc tổ chức Phụ Nữ Liên Đới, Thanh Nữ Cộng Hòa, Phụ Nữ Bán Quân Sự, đến việc thành lập ký nhi viện, đến việc đề xướng kiểu áo dài hở vai… bà Nhu đã phản ảnh đầy đủ một tâm hồn Tây phương nổi loạn mà bà tưởng là cách mạng tiến bộ, hoàn toàn mất bản chất dân tộc và sống cách biệt với hiện thực của quê hương.Về tượng Hai Bà Trưng, ta thấy chẳng những nhà Ngô xúc phạm đến hai vị anh thư liệt nữ Dân Tộc mà còn cao ngạo một cách vô văn hóa nên đã gây phẫn nộ cho toàn dân.Do đó, sau này, ngày 2–11–1963 không phải chỉ sinh viên và thanh niên chặt cổ và hạ bệ bức tượng giả mạo đó kéo đi khắp Sài Gòn để hạ nhục mẹ con Ngô Đình Nhu như tôi sẽ nói rõ ở một chương sau, mà thi sĩ Đông Hồ và học giả Nguyễn Hiến Lê cũng phải lên tiếng việc làm phạm thượng của người đàn bà mà Đại tá Thi và Trung tá Đông gọi là “đĩ thõa trong dinh Độc Lập”.Trong Hồi ký “Đời Viết Văn Của Tôi” (tr. 200, 201). Học giả Nguyễn Hiến Lê trong đoạn phê bình thơ thi sĩ Đông Hồ đã viết:… Nhưng tôi thích nhất hai bài thơ luật “Tượng Ai Đâu Phải Tượng Bà Trưng” (trên báo Bút Hoa, ngày 1- 4 -1964): I Tượng ai đâu phải tượng bà Trưng Tóc uốn lưng eo kiểu lố lăng Đón gió lại qua người ưỡn ẹo Chờ chim Nam Bắc dáng tung tăng Khuynh thành mặt đó y con ả, Điêu khắc tay ai khéo cái thằng! Chót vót đứng cao càng ngã nặng Có ngày gãy cổ đứt ngang lưng. II Đây một hình xưa nhục nước non Thay hai hình mới đứng thon von Mình ni lông xát lưng eo thắt Ngực xú chiêng nâng vú nở tròn. Tưởng đứng hiên ngang em với chị Hóa ra dìu dắt mẹ cùng con Dòng sông Bến Nghé, dòng sông Hát Lưu xú lưu phương tiếng để còn.Cả hai bài đều cực tả vẻ điếm đàng của hai mẹ con nhà Ngô. Hai cặp luận đề hay: mạt sát nhà Ngô và kẻ điêu khắc: mặt đó y con ả, tay ai khéo cái thằng (bài I). Hai tiếng dắt díu với cảnh mẹ con Ngô Đình Nhu lúc đó bơ vơ ở Mỹ hay ở Âu (bài II). Hai câu kết cảm xúc triền miên.Phong cách và hành xử, ngôn ngữ và tâm trạng, hoạt động và chủ trương của bà Nhu đã là một tháp ngà ồn ào và cao ngạo giữa một đất nước đang bị Cộng Sản đe dọa và giữa một dân tộc chưa lành vết đau quá khứ thì lại bị vết thương của hiện tại. Phê phán về bà, ông Nguyễn Thái, cựu Giám đốc Việt Tấn Xã, đã phải than là thiếu gì công tác cấp bách phải làm để cứu chữa một ngôi nhà đang sụp đổ mà bà Nhu lại bày ra những trò hề cho quyền lợi riêng tư và cho thỏa mãn tham vọng dương danh lãnh tụ của mình!Trong trường hợp của bà Nhu, quan niệm xã hội học “hoàn cảnh tạo ra con người” đã chứng tỏ hoàn toàn đúng. Bà Nhu sinh trưởng trong một gia đình trưởng giả mà người trong gia đình chỉ nói tiếng Pháp với nhau, mà bà mẹ thì giao du thân mật với hạng thượng lưu Việt, Pháp, Nhật, mà một bà chị có chồng danh giá thì vẫn công khai ngoại tình với một người đàn ông ngoại quốc, mà một người em trai (Trần Văn Khiêm) thì đàng điếm chơi bời, và sau 1975 qua Mỹ, đã nổi điên giết cả cha mẹ, nghĩa là một gia đình Tây hơn cả Tây. Bà Nhu lại là một nữ sinh tồi tệ của một trường đầm ở Hà Nội, đang theo học giữa Trung học thì bỏ ngang (tài liệu của ký giả Stanley Karnow) khi lấy chồng thì lấy một cậu Ấm xuất thân từ một gia đình phong kiến quan liêu, làm công chức ngạch Pháp. Bà lại càng kiêu căng lộng hành vì chồng bà lớn hơn bà những 14 tuổi, mang mặc cảm quá nửa chừng xuân nên phải hết sức nâng niu chiều chuộng bà để khỏi mất hạnh phúc gia đình. Đã thế, gia đình chồng nhờ “thời thế tạo anh hùng”, đã nắm được quyền lãnh đạo quốc gia, nâng vợ chồng bà lên thành quốc sư và quý phi (lời của ông Đoàn Thêm), để bà có cơ hội khuynh loát đất nước. Được nặn đúc từ một gia đình như thế, lại có quyền hành tuyệt đối trong tay vào lúc thời thế loạn ly, cho nên tâm hồn của bà là tâm hồn của một kẻ đắc thế và muốn tận dụng uy quyền, thế lực, danh vọng của mình để thỏa mãn những bản năng và ẩn ức tâm lý luôn luôn sắp tung nổ. Thật vậy, cứ nhìn buổi sinh hoạt ngày 13 tháng Chạp năm 1957 của Quốc hội thì thấy rõ. Khi thảo luận về luật Gia Đình, Dân biểu Bùi Quang Út lễ độ yêu cầu bà làm sáng tỏ một vài điều nhưng bà không thèm tôn trọng các nguyên tắc thảo luận nghị trường, và mặc dù bà cũng chỉ là một Dân biểu nhưng lại lên giọng áp đảo ông Út ngay: “Tôi không đến đây để trả lời ông Bùi Quang Út. Những điều luật trong dự luật sẽ có quốc hội trả lời”. Trong một buổi sinh hoạt khác, ngày 27–5–1958, khi Quốc hội đã bị áp lực của anh bà và chồng bà biểu quyết và thông qua đạo luật xong, với cung cách và ngôn ngữ của một lãnh tụ, bà Nhu tuyên bố:Tôi muốn nhắc nhở cho các ông Dân biểu biết rằng cuộc cách mạng chính trị, xã hội, kinh tế của chúng ta đã hoàn thành chỉ trong thời gian 3 năm (sic). Đó là một kỷ lục mà chúng ta phải tự hào. Vì thế tôi yêu cầu các ông hãy tha thứ các lời công kích vô liêm sỉ của những kẻ dốt nát đã nói những lời bẩn thỉu. [1]Hành động ngạo mạn, cử chỉ khiêu khích, ngôn ngữ trịch thượng như thế mà không những chỉ chồng bà ca ngợi và khuyến khích mà chính ông Diệm cũng bênh vực cho bà, tiếp tay gây thêm phẫn uất trong quần chúng. Theo ông Đoàn Thêm thì Tổng thống Diệm thường nói: “Bà Nhu có làm gì đâu mà thiên hạ cứ hay dèm pha nói xấu bà”.Ngoài những thành tích lẫy lừng nhưng tác hại trên đây, bà Nhu còn đưa ra những đạo luật mà cựu Đổng lý Văn phòng Bộ phủ Tổng thống và các ký giả ngoại quốc gọi là những đạo luật “khét tiếng” để bảo vệ luân lý, bảo vệ thuần phong mỹ tục. Bà đã thúc giục, ép buộc Quốc hội phải biểu quyết gấp rút đạo luật chỉ trong vòng hai tuần lễ. Đó là một đạo luật nhằm tiêu diệt các tệ đoan xã hội từ lâu đã bám gốc vào xã hội ta. Nội dung của đạo luật này không phải là hoàn toàn sai tuy có những điều quái đản như cấm trai gái cầm tay nhau đi ngoài đường, cấm ngừa thai bằng những biện pháp không tự nhiên (ảnh hưởng của giáo luật Vatican), cấm thi sắc đẹp, cấm đấu võ nơi công cộng, cấm đá gà vào những dịp Tết v.v… mà bất cứ ai vi phạm sẽ bị trừng phạt rất nặng nề. Điều đáng nói là tính cách quyết liệt và thúc bách của nó để thay đổi ngay liền hầu hết những sinh hoạt thông thường của người dân từ cả hàng ngàn năm nay mà không có một kế hoạch chuẩn bị chu đáo và tiệm tiến trước. Nhất là đạo luật không đặt nặng vấn đề giáo hóa như một cách thế cải sửa mà lại đặt trừng phạt như là phương pháp chữa trị. Nghĩa là dùng bạo lực để pháp trị chứ không phải dùng giáo dục để nhân trị. Nhất là bạo lực đó và hệ thống pháp trị đó lại được giao cho một bộ máy công quyền mà tập đoàn Cần Lao đang thao túng thì chỉ gây ra lạm dụng quyền thế để hà hiếp người dân mà thôi.Những đạo luật vô hiệu và vô dụng lại thất nhân tâm như thế mà người anh chồng làm Tổng thống và người chồng làm Cố vấn chính trị cho Tổng thống không dám lên tiếng ngăn cản [2] cho nên giới trí thức và quần chúng Sài Gòn đã cho rằng chính những đạo luật chống tệ đoan xã hội này của bà Nhu “chỉ làm nổi bật thêm lên cái tư cách đạo đức giả của bà ta mà thôi” [3].Vì cái tư cách đạo đức giả đó của bà Nhu mà Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông (hai lãnh tụ của cuộc đảo chánh ngày 11–11–1960) mới gọi bà ta là “phản dân hại nước”, là “đĩ điếm trong dinh Độc Lập”, những lời tuyên bố được Võ Văn Hải, Chánh văn phòng Tổng thống Diệm, xác nhận khi ra thương thảo với phe đảo chánh. Tôi tiếc rằng Võ Văn Hải đã chết nên thiếu mất một nhân chứng biết rõ nhiều chuyện thâm cung bí sử của bà Nhu. Tôi biết rằng Võ Văn Hải đã kể cho nhiều người trong dinh Độc Lập như bác sĩ Bùi Kiện Tín chẳng hạn, biết việc bà Nhu giao du thân mật với viên Đại sứ Ấn Độ trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến ngay dưới văn phòng của ông Nhu. Hải cũng có cả xấp ảnh của bà Nhu tại biệt điện và tại bờ biển Nha Trang và bờ biển Hòn Chồng chụp vợ chồng người Mỹ Gregory và một người Mỹ bạn thân của bà do dân chúng Nha Trang lén chụp được và gửi cho Hải (mong bác sĩ Bùi Kiện Tín đừng vì những ngại ngùng chính trị hoặc vì tình cảm mà không nói lên sự thật, vì chính bác sĩ đã từng lo buồn cho Tổng thống Diệm mỗi khi nhìn thấy những tấm ảnh đồi trụy này. Nếu bác sĩ Tín vì một lý do nào đó mà không muốn làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử trên thì xin cứ hỏi Cựu Hoàng Bảo Đại hay ông Trần Văn Đôn thì biết rõ cái đạo đức của bà Nhu như thế nào). Đại sứ Ba Lan, ông Maneli, trong tác phẩm War of The Vanquished cũng ghi nhận dư luận Sài Gòn cho rằng bà Nhu là một thứ Lucretia Borgia Đông Nam Á, có liên hệ thân mật với Đại sứ Ấn Độ.Và trong lúc bà Nhu áp lực Quốc hội để thông qua đạo luật trong sạch hóa xã hội này thì mỉa mai thay cho chế độ và đau đớn thay cho dân tộc, em trai của bà là ông Trần Văn Khiêm vẫn chơi bời trác táng và làm tiền các thương gia, em chồng là ông Ngô Đình Luyện mỗi lần từ Luân Đôn về Sài Gòn vẫn đêm đêm rượu chè như các tuỳ viên trong dinh Độc Lập đều biết (xem hồi ký Đỗ Thọ); thì chính chồng mình là ông Ngô Đình Nhu vẫn không những hút thuốc phiện hàng ngày mà sau này còn làm giàu nhờ buôn bán thuốc phiện nữa!Như những hoạt động nặng phần trình diễn chính trị mà thiếu hẳn nội dung xã hội và không được nghiên cứu một cách nghiêm túc, đạo luật Bảo Vệ Thuần Phong Mỹ Tục của bà Nhu chỉ làm cho xã hội tạm mất đi cái bề ngoài xấu xa nhưng bên trong thì các tệ đoan đó lại phát triển mạnh mẽ hơn và tinh vi hơn. Các hình thức cờ bạc, hút sách, dâm ô đan kết lại thành những hệ thống chặt chẽ và chìm mà nhiều địa phương còn có nhân viên chính quyền tham dự, các hình thức mua dâm và bán dâm không còn công khai nữa và bắt đầu phát triển một cách có tổ chức và “thượng lưu” hơn, đặc biệt nạn du đãng gia tăng một cách đáng sợ đến nỗi ông Diệm cũng phải lo âu để tâm đến.Thật thế, dù Tổng thống hô hào trong sạch hóa xã hội, dù bà Nhu đưa ra luật Bảo Vệ Luân Lý, cấm nhảy đầm… mà nạn mua dâm bán dâm vẫn tràn ngập, chứng cớ là đêm 18–1–1959, hai ngàn nam nữ thanh niên bị bắt trong Đô Thành vì tội mãi dâm (xem “Hai Mươi Năm Qua” của Đoàn Thêm trang 246).Cuối năm 1960, trước sự bành trướng đáng ngại của nạn du đãng cướp bóc, Tổng thống Diệm đã cho thành lập một Hội đồng Liên bộ để giải quyết tệ trạng này. Hội đồng Liên bộ gồm có các ông Nguyễn Quang Trình (Giáo dục), Huỳnh Hữu Nghĩa (Lao động), Trần Chánh Thành (Thông tin), Nguyễn Sĩ (Tư pháp), Trần Trung Dung (Quốc phòng) và ba cơ quan an ninh là tướng Nguyễn Văn Là (Công an), Lê Nguyên Phu (Hiến binh) và tôi (An ninh quân đội) dưới sự điều hợp của Bộ trưởng Nội vụ là ông Lâm Lễ Trinh (hầu hết các vị trên đây đều có mặt tại hải ngoại hiện nay, trừ ba ông Trần Trung Dung, Nguyễn Sĩ, Trần Chánh Thành). Nhiều ý kiến được đưa ra thảo luận và cuối cùng đi đến kết quả sử dụng những biện pháp mạnh: lùng bắt và nhốt (nhưng không truy tố) thanh niên du đãng vào các lao xá. Tôi còn nhớ trong buổi họp liên bộ đó, ông Trần Chánh Thành đã có một lời phát biểu lạ lùng. Trong phần phân tích các nguyên nhân, ông cho rằng sở dĩ có nạn thanh niên du đãng là lỗi tại chánh quyền, lỗi tại người lớn, nếu người lớn gương mẫu thì thanh thiếu niên sẽ noi theo. Lúc đó, tôi quên hỏi ông ta để biết có phải ông muốn ám chỉ bà Nhu và các thành viên trong gia tộc Ngô Đình không?Nhưng dù luật Bảo Vệ Luân Lý của bà Nhu được thi hành với các biện pháp và các phương tiện chế tài do Hội đồng Liên bộ hỗ trợ, và dù với sự quan tâm của Tổng thống Diệm, nạn du đãng và tệ trạng xã hội mỗi ngày một gia tăng (đến nỗi ngay sau ngày cách mạng 1–11–63 thành công, tướng Mai Hữu Xuân, với tư cách Đô trưởng Sài Gòn Chợ Lớn, đã phải đề nghị đem mấy ngàn thanh niên du đãng xuống trại cải tạo Thủ Đức, một số khác chuyển vào trung tâm huấn luyện Quang Trung. Còn một số ít độ hơn 100 tên du đãng hạng nặng thuộc loại bất khả trị thì bị đày ra Côn Đảo). Cũng từ mùa hè năm 1963, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước nhà, các đề thi Trung học và Tú tài được một tổ chức đem bán cho các thí sinh mở đầu cho tệ nạn tiết lộ và buôn bán đề thi kéo dài cho đến dưới thời Thiệu.Nạn mãi dâm lén lút, nạn du đãng lộng hành, phong trào buôn bán đề thi là những tệ đoan phát xuất từ tầng lớp thanh thiếu niên mà nguyên do chủ yếu là vì đạo luật Bảo Vệ Thuần Phong Mỹ Tục của bà Nhu đã không điều nghiên kỹ càng, và phần áp dụng đã không phù hợp với thực tế Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng một lý do khác không kém phần quan trọng nữa là làm sao thanh thiếu niên có thể chịu đựng không phản kháng, khi mà người mẹ đẻ ra đạo luật đó, và những ông Cố, ông Cậu, những đoàn viên của đảng Cần Lao lại là những người đầu tiên dẫm nát lên đạo luật đó.Thượng bất minh, Hạ tắc loạn, có lẽ đó là điều mà ông Trần Chánh Thành muốn nói trong buổi họp liên bộ đầu tiên, buổi họp để giải quyết những hệ quả tác hại của một người đàn bà cũng tác hại không kém.Ông Trần Văn Lý, người đã từng là bạn thân và đồng chí của nhà Ngô, đã cho tôi biết rằng năm 1943, khi ông Ngô Đình Khôi và ông Ngô Đình Thục đi Hà Nội cưới cô Trần Thị Lệ Xuân cho ông Nhu thì vì đoạn đường Huế–Hà Nội quá xa nên họ đã phải ngừng xe và nghỉ lại đêm tại Hà Tĩnh, trong dinh Tuần Vũ của ông Lý. Trong dịp này, vì sợ ông Lý chê cười nên hai ông Khôi và Thục phải tâm sự phân trần với ông Lý như sau: “Gia đình chúng tôi nào có muốn rước “ngựa cái” về nhà để phá hoại gia phong, huống chi Cụ tôi ngày xưa với các ông Trần Văn Thông, Thân Trọng Huề vốn chống đối nhau thì làm sao có thể kết làm thông gia được. Nhưng vì chú Nhu quá mê con gái ông Trần Văn Chương nên chúng tôi đành phải chịu khổ tâm mà chiều lòng chú ấy” (ghi chú: ông Trần Văn Thông là một vị Tổng đốc, ông nội của bà Nhu, còn ông Thân Trọng Huề ông ngoại của bà Nhu, là một Thượng thư Nam triều cùng thời với cụ Ngô Đình Khả). Có lẽ lúc mới cưới bà Nhu, gia đình không ưa nên ông Diệm đã có lúc ném cái gạt tàn vào người bà ta như nhiều người đã biết.Viết về bà Nhu, ông Đoàn Thêm có một đoạn phân tách sâu sắc như sau:“… Không những bà ấy cứ tin rằng bà phải làm nếu không thì chẳng ai làm một số việc mà bà coi là tối cần: như huy động phụ nữ vào công việc chung. Nhưng họ phàn nàn: thái độ của bà làm hại chánh sách; giả thử bà dễ dãi, nhún nhường mềm dẻo thì may ra cũng được tin theo phần nào, ít ra không bị ghen ghét lắm. Nhưng bà nói quá mạnh, có vẻ coi thường hết mọi người nên dù hành động có ưu điểm gì chăng nữa cũng không thể đổi ngược chiều công luận.Nguyên do sâu xa nhất và đích thực nhất của nỗi ác cảm chung của sự mâu thuẫn giữa lối sinh hoạt của bà và ý niệm thắm thiết về sắc đẹp của nhiều người đàn ông nước Việt: người đẹp mà muốn khỏe và hách nữa thì quá lắm không chịu nổi. Nên dù phải hay trái, người đàn bà Việt Nam muốn sống theo gương đàn bà tiền phong (avant-garde) Âu-Mỹ, tất chưa thể được yên thân trên một đất nước mà nhiều người còn ghê sợ những Võ Hậu và những Từ Hi”[4].Là một nhà luật học, là một nhà làm văn hóa, lại vừa là một chứng nhân của thời đại, ông Đoàn Thêm chẳng những đã chê ông Diệm là quan liêu phong kiến, bất tài bệnh hoạn, chỉ đáng làm quan Nam triều, chỉ đáng làm Tổng thanh tra, ông còn lên án bà Nhu là một thứ Từ Hi, Võ Hậu, thế mà giọng văn của ông vẫn rất linh hoạt nhẹ nhàng. Phần tôi vốn là quân nhân, nên xin nói thẳng rằng nếu gia đình họ Ngô không rước “ngựa cái” hay “rồng cái” về nhà, hoặc nếu bà Nhu khiêm cung đức hạnh và không tham quyền háo danh trong thời gian ông Diệm cầm quyền thì may ra ông Diệm còn sống sót vào năm 1963 để họ Ngô khỏi bị ô danh muôn đời. Và tôi cũng tin rằng nếu không có bà Nhu khuynh loát trong dinh Độc Lập, không làm Đệ Nhất phu nhân thì có lẽ miền Nam Việt Nam đã không đến nỗi rối loạn đưa đến thắng lợi dễ dàng cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Khốn nỗi bà Nhu lại là “mẫu nghi thiên hạ” nên thảm họa mới xảy đến cho nhân dân miền Nam như bác sĩ Dương Tấn Tươi đã mượn tiếng cười chua chát để trách oán bà Nhu:Dưới triều đại Ngô Đình Diệm, người ta cố tận dụng lối tuyên truyền để trình bày một gia đình như là đáng tiêu biểu cho cả một dân tộc. Tuy có sự đảm bảo của bài đường luật, chữ phết vàng trên bảng sơn đen bóng loáng nhưng nào ai dấu được sự hạ giá quá chán chường. Cũng như đem một người đàn bà thiếu đức hạnh sơ đẳng của phụ nữ Việt Nam lên chức mẫu nghi thiên hạ thì có gì mỉa mai hơn [5].Ngoài ra nhiều người ngoại quốc còn lên án vợ chồng Ngô Đình Nhu một cách quyết liệt hơn. Đồng một quan điểm với những ký giả danh tiếng như Malcolm Brown và Sergliano, giáo sư Buttinger, người bạn của ông Diệm viết rằng:Đối với quần chúng Việt Nam nói chung và giới trí thức nói riêng thì những cố gắng để kiểm soát nền đạo lý công cộng và cá nhân của dân chúng làm tăng thêm một cách gay gắt điều ám thị về bà Nhu vốn đã được coi như là người thiếu đức hạnh. Tại miền Nam Việt Nam, vợ chồng Nhu là hai nhân vật bị dân chúng oán ghét nhất. Không có điều gì mà vợ chồng Nhu không dám làm: rình rập cộng sự viên, bắt bớ một cách độc đoán những người tình nghi là đối lập, vu khống và xuyên tạc họ trắng trợn. Tất nhiên khó mà thu lượm được những bằng chứng tham nhũng của vợ chồng Nhu nhưng ai ai cũng biết họ đã bóc lột những số tiền vô cùng to lớn của thương gia Hoa Kiều và Việt Nam, những kẻ xin môn bài xuất nhập cảng, xin đấu thầu cho chính phủ. Lạm dụng quyền hành, hối mại quyền thế, dĩ công vi tư, tham nhũng, khinh miệt thuộc cấp và bất chấp nhu cầu của nhân dân, nhà Ngô đã làm gương cho Bộ trưởng, Dân biểu, Tướng lãnh, Tỉnh trưởng, Xã trưởng những kẻ mà nhà Ngô sử dụng như công cụ. Đồng ý với những việc làm xấu xa đó, những tay sai của nhà Ngô cũng mua lấy sự khinh bỉ vừa của cả quan thầy vừa của cả nhân dân [6].Đã mang bản chất con người hư đốn, đã bẩm sinh là thứ đàn bà Lucretia Borgia, đã sớm hư thân mất nết từ thời còn là học sinh trường trung học Albert Sarraut như ký giả Karnow đã mô tả mà sinh viên Hà Thành thời bấy giờ nhiều người biết rõ, thì Trần Thị Lệ Xuân tức Đệ Nhất Phu Nhân thời Đệ Nhất Cộng Hòa làm sao có thể trở thành người đàn bà đức hạnh được.Thật thế, sau khi Ngô triều bị lật đổ, bà Ngô Đình Nhu sống đời một sương phụ âm thầm và cô đơn tại ngoại ô thành phố La Mã nhưng vẫn bị rất nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi không buông tha cho bà cái tội dâm loạn và tham quyền đưa đến việc sụp đổ miền Nam và cái chết của ba anh em Ngô Đình. Những nhà văn nhà báo đó cũng không quên nhắc đến những thủ đoạn của bà Nhu mê hoặc người anh Tổng thống độc thân mà vì “mở miệng mắc quai”, ông Tổng thống đành để cho người em dâu tội lỗi tha hồ lộng quyền, thao túng chánh tình và xã hội miền Nam.Dưới đây là những tài liệu mới ra đời tại hải ngoại viết bởi những nhân chứng và nhà văn tên tuổi:- Cuốn “Đệ nhất phu nhân” của học giả Hoàng Trọng Miên, tác giả cuốn “Văn học toàn thư”.- Cuốn “Những bí ẩn lịch sử dưới chế độ Ngô Đình Diệm” của ông Lê Trọng Văn vốn là đặc vụ của ông Ngô Đình Nhu.- Bài báo “Đây ngôi biệt thự mùa hè của bà Nhu tại Đà Lạt” có lời phê phán chế độ Diệm và bà Nhu của hai nhà văn học lớn là học giả Nguyễn Hiến Lê và thi sĩ Đông Hồ (tạp chí Tia Sáng, Houston, số 26 tháng 8 năm 1988).- Bài báo “Trương Đình Cát và Hà Như Chi” của Trung tướng Nguyễn Chánh Thi (tạp chí “Ánh Sáng Dân Tộc” Fresno số 1 tháng 5 năm 1989).(Xin xem thêm hai bài báo ở phần Phụ Lục)-o0o-Hoạt động của bà Nhu còn nhiều loại thất nhân tâm làm hại cho chế độ và làm lợi cho Cộng Sản đó vẫn cứ tiếp tục và lên đến cao điểm trong chuyến công du giải độc nhân biến cố Phật giáo mà tôi sẽ đề cập sau này. Bây giờ xin nói về ông Ngô Đình Nhu, người được xem như là bộ óc của chế độ, và nếu không có ngày 1–11–63 thì sẽ là kẻ thừa kế đương nhiên chức vụ Tổng thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.Quả thật từ khi quen biết ông vào những ngày đầu của thập niên 40, cho đến thời kỳ ông oai danh tột đỉnh những năm đầu thập niên 60, tôi chưa bao giờ có được sự cảm mến và tín phục con người của ông Nhu. Dù đã có lúc ông đến tận ngôi nhà nghèo nàn của tôi tại cửa Đông Ba (Huế) để khen tặng, dù trong quá trình hơn 20 năm hoạt động với ông Diệm đã có nhiều dịp cho ông và tôi chia sẻ những thành công và thất bại chung… nhưng chưa bao giờ, và không bao giờ, ông Nhu tạo được nơi tôi một ấn tượng tốt của một cấp lãnh đạo hữu tài hữu đức. Báo chí dưới chế độ Diệm và sau này một vài tờ báo hải ngoại thuộc phần tử hoài Ngô trong phong trào gọi là Phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm chủ xướng, đã huyền thoại hóa con người ông Nhu và tô vẽ cho ông những kích thước không bao giờ có thật. Có lẽ vì biết ông quá rõ, và biết từ thời ông còn là một công chức của Pháp, nên tôi đã không bị chức vụ và bằng cấp của ông mê hoặc từ đầu như một số người khác. Do đó tôi đã thấy nơi ông một loại “chính khách xa lông” rất tiêu biểu: khi chưa có quyền thì ve vãn vận động đấu tranh chắp vá, khi nương theo sự thành công địa vị của người anh mà bước vào nắm quyền hành thì cũng lại tiếp tục cái kỹ thuật mượn sức người khác để củng cố sức mình mà đánh phá mọi lực lượng đối lập. Đó là loại chính trị vận dụng thiếu cơ bản và thiếu chiều sâu để tính chuyện lâu dài, chứ tự ông Nhu, tôi không thấy ông thành công trong việc xây dựng một chủ lực cho chính mình để làm rường cột cho chế độ, và để tiến hành cuộc cách mạng xã hội cần thiết cho miền Nam lúc bấy giờ. Tôi thấy rõ rằng triết lý đấu tranh của ông là tìm cách hủy diệt địch mà không đặt trọng tâm vào việc xây dựng sức mạnh của ta trong khi đáng lẽ phải tiến hành cả hai nhiệm vụ đó một cách song hành.Cho nên ông đã nhờ Mỹ bảo vệ để chống Pháp mà nắm chính quyền, rồi lại phản Mỹ để hợp tác với Pháp, và cuối cùng vào năm 1963, nhờ Pháp để thương thảo với Cộng Sản Hà Nội. Trong nước thì ông thẳng tay đàn áp thủ tiêu đối lập, còn cái gọi là chủ lực đảng Cần Lao Công Giáo thì chỉ khai sinh cho có rồi hoặc vì bất tài, hoặc vì không có chủ ý nên đã để cho nó trở thành một thứ quái vật xổng chuồng cắn phá cả nhân dân lẫn chế độ.Chủ nghĩa Nhân Vị, đảng Cần Lao và Hiến Pháp VNCH được xem như là những tác phẩm chính yếu của ông thì như tôi đã đề cập trong những chương trước, chỉ là những sản phẩm trí thức bệnh hoạn, chắp vá từ nhiều lý thuyết Tây phương khác nhau và từ nhiều tiền lệ lịch sử khác nhau. Sở dĩ có sự chắp vá chính trị ấu trĩ đó là vì ông Nhu quan niệm cần có một thể chế độc tài, một chủ trương cai trị độc tài, và tập trung quyền lực vào một giai cấp lãnh đạo độc tôn để trước là chống Cộng và sau là cho tên tuổi của dòng họ Ngô Đình vào bảng vàng bia đá của lịch sử.Nhưng từ cơ bản, chủ trương chống Cộng và xây dựng đất nước bằng độc tài (nhất là độc tài kiểu Thiên Chúa giáo Trung Cổ) và độc tôn (loại độc tôn quân chủ phong kiến) đã là những quan niệm chiến lược sai lầm lớn để đối đầu với chiến tranh nhân dân của Cộng Sản và để đi tìm sự yểm trợ có điều kiện của những nước Tây phương lấy dân chủ tự do làm nguyên lý chỉ đạo quốc gia. Quan trọng hơn cả, độc tôn và độc tài là đi ngược với xu thế thời đại và ước vọng của dân ta sau cả trăm năm dài ngoại thuộc. Dân tộc xả thân vì đất nước hơn một thế kỷ không phải để cuối cùng lại chui vào chu kỳ nô lệ đen tối cũ.Vì vậy, ba tác phẩm đó của ông Nhu vừa không nhất quán giữa nội dung và hình thức, vừa không hiệu dụng trong thực tế, và vừa gây tác hại cho sinh lực quốc gia. Cho nên dân tộc đã dõng dạc khước từ và cuối cùng đã quyết liệt trừng phạt. Tên tuổi của dòng họ Ngô Đình có đi vào lịch sử thật nhưng đi bằng ngả sau và được ghi tiếp theo vào danh sách của những phản thần, bạo chúa Lê Long Đỉnh, Trần Ích Tắc, Khải Định, v.v…Có chính quyền trong tay, có đảng Công Giáo Cần Lao làm chủ lực, có Hiến pháp và Quốc Hội làm một thứ chiêu bài bảo đảm, có Mỹ và Vatican yểm trợ… lại có Cộng Sản Hà Nội để biện minh cho hành động, có hoàn cảnh chậm tiến của quốc gia để bào chữa cho lỗi lầm, thế mà ông Nhu đã làm được gì cho quê hương đất nước trong suốt 9 năm cầm quyền, hay ngược lại, đã tiêu diệt sức mạnh của dân tộc và chính nghĩa của quốc gia để đẩy miền Nam đến nhanh hơn và gần hơn bờ vực thẳm của ngày 30 tháng 4 năm 1975? Tôi xin lấy một số công tác độc đáo và được nhóm sử gia hoài Ngô tự hào để phân tách về giá trị đích thực của ông Nhu.Chỉ một thời gian ngắn sau khi ông Diệm làm Tổng thống, ông Nhu bắt đầu tổ chức những lực lượng ngoại vi có tính quần chúng để yểm trợ cho chính quyền. Đây là một công thức cổ điển về đấu tranh đã được các đảng Cộng Sản Nga và đảng Quốc Xã Đức thiết kế để điều động và lãnh đạo quần chúng. Để bảo đảm sự hiệu dụng của công thức này, điều kiện tiên quyết là các tổ chức này phải do một bộ phận của đảng chủ lực (hay là đảng cầm quyền) bí mật phát động và kiểm soát mới có khả năng tạo được sức hút rộng rãi trên mọi tầng lớp quần chúng, và đến khi cần thiết có thể phát khởi những cao trào nhân dân.Hai tổ chức Liên Đoàn Công Chức Cách Mạng Quốc Gia và Thanh Niên Cộng Hòa do ông Nhu mang nặng đẻ đau, tuy đã cố gắng bắt chước mô thức này, nhưng vì quá thô kệch và vụng về nên trở thành trò hề chính trị cho quần chúng và gánh nặng tài chánh cho quốc gia. Thật vậy, trước hết là về mặt căn cước chính trị của các tổ chức này, ai cũng biết là của chính quyền chứ không do nhân dân tự phát, vì đảng Cần Lao của ông Nhu chỉ được giao cho nhiệm vụ khủng bố tranh đoạt quyền lợi thay vì tiến hành những tổ chức căn bản trong nhân dân. Vì đã là của chính quyền chứ không phải của đảng thì cái yếu tố thứ hai là bí mật điều động và kiểm soát cũng không còn nữa. Lộ liễu đến cả trong cái danh xưng của tổ chức là “Công Chức Cách Mạng” nên trọng điểm thứ hai của tổ chức là nội dung chính trị của nó cũng trở thành rỗng tuếch. Ta hãy nghe ông Võ Phiến, một nhà văn dân tộc phê phán như sau:Thật là lạ lùng: Công chức và cách mạng là hai thái cực mâu thuẫn, một bên thì chấp nhận cúi mình theo kỷ luật, một bên thì muốn phá tung những câu thúc, những cái cũ kỹ. Như thế thì làm sao công chức với cách mạng có thể đi đôi với nhau được mà lại thành lập “Liên Đoàn Công Chức Cách Mạng Quốc Gia” [7].Cũng vậy lực lượng Thanh Niên Cộng Hòa mà cấp lãnh đạo từ trung ương đến tận các cơ sở tỉnh quận toàn là người của chính quyền, hoặc lố lăng thân chính, đã không thu hút được thành phần thanh niên trẻ có nhiệt tâm và có tinh thần cộng hòa với những ước vọng hiến thân cho tự do và dân chủ thật sự. Cho nên, bên trong những bộ đồng phục xanh của những công chức “sớm vác ô đi tối vác về”, ta không tìm được những ngọn lửa bừng bừng lòng yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam từ ruộng đồng đến giảng đường đại học, từ công trường xưởng thợ đến núi đỏ rừng xanh. Ngược lại ta chỉ tìm thấy rất nhiều vẻ già nua thư lại, nét cam chịu phục tòng của những người mang thân phận làm cho hết chuyện qua ngày.Điều thê thảm là bộ óc của chế độ lại đặt rất nhiều kỳ vọng và tin tưởng vào những bộ phận đấu tranh như thế để bảo vệ chế độ Cộng Hòa và xây dựng Cách Mạng Nhân Vị:… Nhưng ông Nhu đã tin và tin thật vào những bộ đồng phục màu xanh. Bộ đồ đó lại không có phép lạ biến ông chủ sự hay người thư ký thành một phần tử đấu tranh. Bắt mặc thì mặc, xếp hàng thì xếp hàng, giơ tay thì giơ tay. Người tùy phái của tôi vừa cười rũ vừa thay đồ vừa tủm tỉm xin phép “đi thanh niên”, rồi một lúc sau về lại trút vỏ thanh niên, lại đưa giấy và mở cửa cho khách, hút thuốc và đọc báo: anh ta cũng chẳng biết mình cách mạng ở chỗ nào. Nhưng cố vấn Ngô Đình Nhu, học giả kiêm chính trị gia, đã tỏ vẻ hài lòng về sự thành công của mình khi đứng nhìn diễn hành hàng ngàn bộ đồ xanh. Tổ chức của ông có giúp được chút nào cho chế độ được đứng vững hay không? [8].Xuất phát từ chính quyền, mục tiêu chính trị là bảo vệ chế độ, đối tượng kết nạp là thành phần ngoan ngoãn phục tùng, cho nên hoạt động của các tổ chức ngoại vi này không còn gì khác hơn là đi diễn hành, đi hoan hô đả đảo, mà không có một xác tín chính trị nào về nền Cộng Hòa và về cuộc cách mạng. Mà không có cũng là phải vì nền Cộng Hòa mà họ đang uể oải xây dựng có phải là nền Cộng Hòa chân thực đâu; cuộc cách mạng mà lãnh tụ của họ đang chủ xướng có phải là một cuộc cách mạng vì họ và cho họ đâu.Cũng vì vậy mà ngày 15 tháng 8 năm 1963, khi vị Tổng thủ lãnh Ngô Đình Nhu kêu gọi đoàn viên Thanh Niên Cộng Hòa “làm rạng tỏ chính sách” bằng cách phản ứng quyết liệt với lực lượng sinh viên và Phật tử trong biến cố đàn áp Phật giáo thì đại đa số đoàn viên chẳng những đã không có phản ứng gì hết mà còn rã ngũ để đứng về phía lực lượng bị đàn áp đang đấu tranh. Phải đợi cho đến ngày 1–11–1963, khi tiếng súng cách mạng đáp tiếng gọi của nhân dân nổ lớn, nổ mạnh vào dinh Gia Long thì người thanh niên gọi là “Thanh Niên Cộng Hòa” mới hành xử thực sự một cách Cộng Hòa khi họ dõng dạc khước từ lời kêu cứu khẩn cấp của ông Tổng giám đốc Thanh niên Cao Xuân Vỹ và Trung tá Trần Văn Phước, thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hòa Đô Thành, đang nuôi ảo vọng tổ chức một lực lượng phản đảo chánh. Thật vậy, yếu tính của một nền Cộng Hòa là gì nếu không phải là dân chủ, là quyền làm chủ đất nước của người dân qua các định chế dân cử. Trong bộ đồng phục màu xanh từ mấy năm qua, họ chỉ là một bộ phận tôi tớ chứ có ngày nào được tự do chọn lựa, tự do nói lên ước nguyện của mình đâu! Và ngày 1–11–63 đã cho họ cơ hội dõng dạc nói lên tiếng nói phản ánh ước nguyện của họ đó. Cho nên chính trong ngày lịch sử đó họ mới thật sự cùng với thanh niên cả nước trở thành những thanh niên cộng hòa trên cả hai mặt tâm thức lẫn hành động.Sự thất bại trong việc tổ chức Liên Đoàn Công Chức Cách Mạng Quốc Gia và lực lượng Thanh Niên Cộng Hòa, hai cánh tay nối dài của chế độ, để đi vào quần chúng do vị cố vấn Tổng thống tổ chức và điều hành, đã nói lên rất đủ kiến thức và khả năng của ông Nhu về mặt đấu tranh chính trị. Đó là cái kiến thức và khả năng làm những công tác biểu dương bên ngoài mà không có một thực chất sâu sắc ở bên trong. Mà ngay cả nhiệm vụ biểu dương đó cũng mang tính chất hài hước chứ không có tác dụng nào đối với nhân dân Việt Nam, đối với đồng minh Hoa Kỳ, và nhất là đối với kẻ thù Cộng Sản Hà Nội nếu không muốn nói là đã có phản tác dụng nguy hại cho chính chế độ vậy.Đó là nói về sự thất bại của hai tổ chức cơ hữu của chế độ. Còn để thực sự đối kháng với kẻ thù trên mặt trận quân sự chính trị, ông Ngô Đình Nhu đã đích thân điều khiển việc thực hiện chương trình Ấp Chiến Lược, một chương trình được nâng lên hàng quốc sách.Nói cho đúng, quan niệm chiến lược nhằm thiết kế những đơn vị hành chánh có võ trang tại thôn quê để tự bảo vệ và được huấn luyện chính trị để từ đó đan vào nhau thành một hàng rào vừa phòng ngự vừa tấn công là sáng kiến của ông Robert Thompson, một chuyên viên chống du kích người Anh. Sáng kiến này đã được thực hiện hữu hiệu tại Mã Lai và chận đứng cũng như tiêu diệt quân phiến loạn Mã–Cộng, cho nên chính quyền Kennedy đã xem đó như một sách lược quan trọng khả dĩ có thể công phá được loại chiến tranh du kích của Cộng Sản tại chiến trường Việt Nam.Và cũng nói cho thật đúng thì “Ấp Chiến Lược” không phải là một phát minh mới mẻ lạ lùng gì đối với nhân dân Việt Nam. Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhân dân và triều đình của nước ta đã biết rào làng, lập đoàn tuần canh, cổ súy ý thức làng xã để đối phó với giặc cướp, với quân xâm lăng và với cả sự hà khắc của thiên nhiên nữa. Lũy tre gai góc và rậm rạp đã là những chiến lũy thiên tạo vững chắc, đoàn tuần canh siêng năng đã là những cán bộ quân sự minh mẫn và nhiệt tình; hội làng, lễ đình, tế thần đã là những sinh hoạt văn hóa chính trị nuôi dưỡng ý thức và khả năng đề kháng của xóm làng Việt Nam. Trong cuộc chiến Pháp–Việt (1945–1954), Việt Minh đã thiết lập tại Bắc Việt những làng chiến đấu để chận đứng những chiến dịch càn quét của quân đội cơ giới Pháp và nhiều khi gây tổn thất nặng nề cho đoàn quân thực dân viễn chinh. Dưới chế độ vua Bảo Đại, các Thủ hiến Phan Văn Giáo và Trần Văn Lý cũng đã xây dựng một hệ thống phòng thủ tại miền Trung bằng các làng Hương Vệ để bảo đảm an ninh cho vùng nông thôn Trung Việt.Cho nên nói rằng ông Nhu là “cha đẻ” của chính sách Ấp Chiến Lược như bộ máy tuyên truyền của chế độ vẫn thường rêu rao, là một sự bịp bợm ấu trĩ và đầy trào phúng. Ngay cả chính sách này, lúc được Hoa Kỳ đề nghị, cũng đã từng bị ông Nhu đả kích kịch liệt [9]. Mãi cho đến khi tình hình an ninh tại nông thôn trở nên tồi tệ hơn và nhất là khi Hoa Kỳ chịu tháo khoán một ngân quỹ lớn lao, ông Nhu mới chấp thuận thực hiện chính sách này và thêm vào đó một mớ ý niệm “tam túc, tam giác” cho quốc sách Ấp Chiến Lược có vẻ có một triết lý chính trị riêng, để tỏ ra mình cũng có một lý thuyết chống lại chiến tranh nhân dân của Cộng Sản.Với một chủ thuyết chỉ đạo lai căng nửa Mỹ nửa Việt như thế, cho nên khi biến thành hành động cụ thể để đi vào thực tế Việt Nam, “quốc sách” ấp chiến lược đã trở thành một mối họa cho nhân dân, và trở thành (một lần nữa) nhược điểm lớn của chế độ cho kẻ thù khai thác đánh phá.Hai yếu tố lớn làm thui chột quốc sách này, như thường lệ, vẫn là thứ nhất, óc chủ quan nặng lý thuyết của ông Ngô Đình Nhu, và thứ hai là bộ máy nhân sự để thực hiện quốc sách này lại chuộng hình thức, tham lợi lộc và ưa nịnh hót vốn là đặc tính cố hữu của Cần Lao Công Giáo.Trước hết, trên mặt địa lý nhân văn, ruộng đồng miền Nam rộng mênh mông, cò bay thẳng cánh nên gia cư không quần tụ lại thành thôn xóm khắng khít như nông thôn miền Bắc, do đó đi từ nhà này đến nhà nọ nhiều khi cách xa bốn năm cây số, hai ba con kênh. Đất đai miền Nam lại phì nhiêu màu mỡ nên người dân làm ăn thư thả, tâm hồn phóng khoáng và tính tình bộc trực; họ ghét sự câu thúc trên cả hai mặt tâm lý lẫn vật lý, họ thích sống phóng khoáng trong cảnh trời cao đất rộng để đập vỡ một xị đế theo giọng vọng cổ lên bổng xuống trầm… Vì vậy tập trung họ trong một ấp xa xôi có rào, có hào, có cắm chông, có vọng gác đã là một điều phản tâm lý, lại kiểm soát gắt gao giấy tờ, kiểm soát thời giờ và hoạt động nông tác của họ thì quả thật là thất nhân tâm. Huống gì bắt họ rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn, mồ mả cha ông, khung cảnh quen thuộc mà họ đã lớn lên thì không khác gì tước đoạt mất cái phần hồn quý giá của họ. Đã thế, mặc dù “chương trình Ấp Chiến Lược” có một ngân quỹ dồi dào do ngân sách viện trợ Mỹ đài thọ, chính quyền địa phương vẫn buộc dân chúng phải góp nạp vật liệu như tranh tre, mây nứa, phải đóng góp mấy ngày công một tháng để đắp đất cắm chông mà không được trả một chút tiền nhỏ nào cả. Ông Ngô Đình Nhu lại hạ lệnh cho thuộc cấp phải huy động tối đa tài lực của quần chúng nông thôn để đạt cho được chỉ tiêu lý thuyết và làm đẹp những con số thống kê của thành tích chính phủ, nên các Tỉnh trưởng, Quận trưởng lại được cơ hội chính thức và hợp pháp để làm giàu trên nỗi uất hận của đồng bào.Họ tổ chức các dịch vụ buôn bán, các cơ sở làm ăn, các đường dây kiểm soát để vơ vét tiền bạc của những nông dân bị xung công vào công tác “ấp chiến lược”. Điển hình là Quận Thái, quận trưởng quận Điện Bàn và cũng là một cán bộ Cần Lao Công Giáo nổi tiếng hung thần tại tỉnh Quảng Nam (Quận Thái hiện sống tại Hoa Kỳ). Y làm chủ 5 lò gạch gần tỉnh lỵ Quảng Nam nên đã bắt dân chúng đến làm việc không công tại lò gạch trong khuôn khổ xây dựng ấp chiến lược. Số gạch sản xuất ra được y đem bán lại cho chính quyền với giá cao để chia sẻ với cấp trên hầu y có thể tiếp tục dịch vụ béo bổ này.Và rồi các ấp chiến lược cũng được xây xong trên sự công phẫn của đồng bào, và rồi nông dân cũng phải cúi đầu nghẹn ngào từ bỏ ngôi nhà thân thiết để dồn vào cư ngụ trong vòng rào kẽm gai. Đợt hai của chương trình là chính trị hóa và võ trang các đơn vị hành chánh đó để mong nó biến thành những pháo đài chống du kích Việt Cộng. Tuy nhiên vì bước thứ nhất đã đạp vào bùn thì bước thứ hai chỉ làm lún sâu thêm sự sa lầy của cả chính sách. Cán bộ giảng huấn chính trị thì không có gì hơn ngoài những luận điệu chống Cộng hàm hồ thiếu đối chiếu với những thực tế khách quan, và những hứa hẹn xây trường xây bệnh xá mà không bao giờ có thầy, có thuốc. Hơn nữa tác phong chính quyền của họ chỉ làm cho họ xa cách quần chúng đang âm thầm so sánh với tác phong của những cán bộ Cộng Sản nằm vùng gương mẫu; đó là chưa nói đến trong suốt 10 năm kháng Pháp, quần chúng nông thôn Nam bộ đã không thiếu gì bà con quyến thuộc tham gia kháng chiến, bây giờ bắt họ phải lên án anh em, vợ chồng, cha con là “Cộng Sản khát máu ác ôn” thì làm sao họ tin được, họ theo được. Đến kế hoạch võ trang cho ấp thì lại càng quái dị vì nó hoàn toàn phản lại mọi nguyên tắc sơ đẳng nhất của khoa học chiến tranh và quy luật về an ninh phòng ngự. Xây dựng một công sự phòng thủ cố định mà lại không trang bị đầy đủ hỏa lực để bảo vệ nó: Hai tiểu đội địa phương quân trong ấp với súng carbine lỗi thời và một ít lựu đạn loại ném tay thì làm sao cầm cự lâu dài với chiến thuật lấy nhiều đánh ít của Việt Cộng để có thể đợi quân cứu viện. Đã thế, vị trí các ấp không được thiết kế theo tiêu chuẩn bố phòng trận địa để có thể phối trí cứu ứng nhau mà còn phải tùy thuộc vào các điều kiện canh tác, cho nên chiến thuật công đồn đả viện của Việt Cộng đã một thời được khai thác tối đa vì vẫn còn hiệu dụng. Cũng như chiến thuật trực thăng vận, hay thiết vận M113, chỉ sau một thời gian điều nghiên và thăm dò, hệ thống Ấp Chiến Lược trở thành những con mồi ngon cho Việt Cộng trên cả hai phương diện tuyên truyền dân vận cũng như tiêu hao lực lượng quân đội quốc gia.Nguyệt san Thức Tỉnh số 42 năm 1980 xuất bản tại Los Angeles, Hoa Kỳ (do một viên cựu Quận trưởng quận Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên làm chủ nhiệm) cũng đã công nhận chương trình ấp chiến lược là một thất bại chiến lược nặng nề của chính phủ Diệm, nhưng lại quy lỗi cho cán bộ hạ tầng mà không phê phán những sai lầm về đường hướng lãnh đạo và kế hoạch thiết trí của ông Ngô Đình Nhu. Trong lúc đó thì ông Rufus Phillip, cố vấn đặc trách về Ấp Chiến Lược, lại xác quyết rằng “chương trình Ấp Chiến Lược hoàn toàn thất bại tại vùng châu thổ sông Mê Kông mà chủ yếu là vì lãnh đạo sai, kế hoạch kém”[11].Chỉ sống và biết rằng những con số thống kê và những báo cáo êm tai, (mà điển hình là việc ban thưởng công đầu cho Trung tá Khánh, người Thiên Chúa giáo Phú Cam Huế, đã hoàn thành vượt chỉ tiêu công tác xây dựng Ấp Chiến Lược tại Ninh Thuận như tôi đã kể trong một chương trước), ông Ngô Đình Nhu rõ ràng chỉ là một nhà cai trị không có trí và không có tài nhưng lại có rất nhiều ngạo mạn và rất nhiều độc đoán mà “tất cả nhân chứng đều đã cho thấy mưu sĩ Ngô Đình Nhu sống biệt lập trong tháp ngà, xa rời thực tế nông thôn mà cứ đinh ninh rằng chương trình Ấp Chiến Lược là một thành công lớn vì những sĩ quan nịnh hót, những công chức khiếp nhược hàng tháng đã báo cáo cho ông ta như thế” [12]. Ngay cả Đại sứ Ba Lan Maneli cũng chê bai việc thực hiện chương trình Ấp Chiến Lược của ông Nhu.Georges Chaffard, sau khi chỉ trích Ngô Đình Nhu là nhà độc tài đã thiết lập chương trình Ấp Chiến Lược làm cho dân chúng căm thù chế độ, còn cho biết trong một chuyến tham quan các Ấp Chiến Lược do chính phủ tổ chức cho một số Đại sứ ngoại quốc tại Sài Gòn do Giáo sư Bửu Hội hướng dẫn, Đại sứ Ba Lan, ông Mieczyslaw Maneli đã... dùng vai để thử sức chịu đựng của hàng rào che chở Ấp Chiến Lược rồi quay lại phía một viên chức Việt Nam mà hỏi: “Như thế mà ông tin tưởng có thể chận đứng được Việt Cộng hay sao?”. Bằng tay không, Maneli nhổ một cái cọc rồi ném vào chân người công chức chính phủ đang ngẩn ngơ. (Maneli éprouve de l’épaule la solidité de la palissade protégeant un hameau, puis se tournant vers le responsible Vietnamien: “Est ce avec celà que vous croyez arrêter les Vietcongs?” A pleine main, il arrache un pieu et le jette aux pieds du fonctionnaire médusé). Les Deux Guerres du Vietnam, tr. 296-297.Cựu Tỉnh trưởng Nguyễn Trân, một tín đồ Thiên Chúa giáo, lại vốn là bà con của nhà Ngô, cũng đã kết tội rất nặng nề chính sách “Ấp Chiến Lược” trong cuốn hồi ký “Công và Tội” của ông ta:… Bị dân chúng chống đối mạnh khắp nơi, Tổng thống ngưng việc làm các Khu Trù mật sau khi đã lập xong 26 khu để thay thế bằng chính sách Ấp Chiến Lược. Dân chúng trên toàn quốc bị bắt buộc phải nạp tre và đi dân công để xây hàng rào xung quanh ấp và đào hào bên ngoài để không cho Cộng Sản tuyên truyền cho dân và dân khỏi tiếp tế cho Cộng Sản.Tại miền Trung, theo tài liệu chính thức, Ngô Đình Cẩn bắt dân chúng góp mỗi người từ 1000 đồng tới 1500 đồng để mua tre, kẽm gai và đi dân công từ 10 tới 15 ngày để làm hàng rào, đào hào, giăng kẽm gai.Tại miền Nam, với 80% xã thôn bị Cộng Sản kiểm soát, các Quận trưởng phải mở những cuộc hành quân để bắt dân phục dịch và vợ con phải đem cơm nước cho họ.Chính sách đó hoàn toàn thất bại trên nguyên tắc cũng như trên thực tế. Trên nguyên tắc, không có cách nào phân biệt giữa người dân thường với Cộng Sản. Gom dân vào bên trong Ấp Chiến Lược tức là gom cả cán bộ Cộng Sản vào với họ vì môi trường hoạt động của Cộng Sản là dân. Chúng không tuyên truyền Cộng Sản công khai, mà khai thác sự công phẫn của dân chúng chống Khu Trù mật và Ấp Chiến Lược bắt dân chúng phải phục dịch khốn khổ.Cưỡng bách dân chúng phá hoại mùa màng để lập Khu Trù mật với tánh nóng nảy phi lý của Tổng thống Diệm như trường hợp tỉnh Cần Thơ chỉ làm cho dân chúng thù ghét ông như thể một Tần Thủy Hoàng. (“Công và Tội”, tr. 332-333).Ông Nguyễn Trân còn viết thêm:Sách “A Death in November” của Tiến sĩ Ellen Hammer viết đầy thiện cảm với Tổng thống Diệm như sau này tôi sẽ tình bày, đã tường thuật rằng một ngày Xuân 1963, ba Ủy viên trong Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến là Gordon Cox người Gia Nã Đại, Ramchundur Goburdhum, người Ấn Độ và Mieczyslaw Maneli, người Ba Lan, đã đi với Đại sứ Bửu Hội thăm một Ấp Chiến Lược ở Cao Nguyên.Maneli đi trên đầu nhọn các cây hàng rào của ấp, lấy tay lắc xem có chắc không. “Không có chắc lắm!” Maneli vừa cười vừa nói, “thằng con nhỏ của tôi ở Warsaw có thể xô ngã. Chính phủ có chắc tin sẽ dùng hàng rào này để ngăn cản du kích không?” (“Công và Tội”, sđd, tr. 333-334).Toàn bộ chương trình Ấp Chiến Lược chỉ làm tổn hao công quỹ quốc gia và tạo thêm gánh nặng cho quân đội mà hai mục tiêu chính vẫn hoàn toàn không đạt được: mục tiêu bảo vệ an ninh và bồi dưỡng chính trị cho dân thì chỉ làm cho dân thêm lo âu bất mãn; mục tiêu cô lập cán bộ Cộng Sản ra khỏi dân thì chỉ làm cho cán bộ Việt Cộng len lỏi vào được sống trong Ấp để dễ dàng làm nội tuyến và địch vận (sau này, dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, phải nhờ đến cả một chiến dịch Phượng Hoàng do người Mỹ điều khiển mới phần nào phát hiện và tiêu diệt được sự xâm nhập quá sâu này của cán bộ Việt Cộng tại nông thôn từ thời Diệm).Lấy hai thất bại của công tác xây dựng lực lượng quần chúng ngoại vi (Liên Đoàn Công Chức Cách Mạng Quốc Gia và Lực Lượng Thanh Niên Cộng Hòa) và quốc sách Ấp Chiến Lược để phân tích, tôi chỉ muốn định lại cho đúng giá trị của ông Ngô Đình Nhu. Hai công tác đó tiêu biểu cho chức năng và khả năng của một nhà lãnh đạo trong giai đoạn đáng lẽ phải vươn lên đó của đất nước. Nhưng vì khả năng thì thấp kém mà vẫn tự cao tự đại, chức năng thì không nắm vững mà vẫn hống hách độc quyền, nên ta có thể kết luận rằng chính sự thất bại của ông Nhu đã soi lủng cái nền móng sức mạnh của quốc gia và dân tộc, để sau này, những chế độ tiếp theo có xây dựng được gì thì cũng sụp đổ mà thôi.Chương trình Ấp chiến lược làm khổ dân như thế, làm lợi cho Cộng Sản như thế, thế mà sau khi lật đổ chế độ Diệm, Tướng lãnh cho phá hủy để lấy lại lòng dân lại bị Cần Lao Công Giáo kết tội là phá hoại, giúp Việt Cộng phát triển.-o0o-Trên mặt đối ngoại vào những năm đầu của chế độ, nhờ đã được bảo trợ bởi cây dù ngoại giao của Hoa Kỳ nên nhiệm vụ của chính quyền chỉ còn là khai dụng những liên hệ tốt đẹp với các quốc gia trong vòng ảnh hưởng của Mỹ để tiếp nhận các viện trợ phát triển mà thôi. Nhưng đứng về mặt an ninh quốc gia thì sự can thiệp dứt khoát của Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã là một bảo đảm vững chắc cho sự sống còn và lớn mạnh của quốc gia. Nhưng sự vững chắc đó chấm dứt khi thế liên kết chiến lược với hai quốc gia trong bán đảo Đông Dương là Lào và Cao Miên bị đổ vỡ mà nguyên nhân sâu xa (một lần nữa) lại là sự yếu kém ý thức chính trị và tính ngạo mạn của anh em họ Ngô.Nguyên ông Norodom Sihanouk, Quốc trưởng Cao Miên, vốn là một nhân vật háo thắng, quyền biến, nhiều thủ đoạn và không thân thiện với Việt Nam vì những mâu thuẫn lịch sử trong quá khứ giữa hai nước, nhưng lập trường căn bản của ông Sihanouk vẫn là lập trường chống Cộng và thân Tây phương.Ngay sau khi Hiệp Ước Genève 1954 thành hình, ông Sihanouk vẫn thường đòi hỏi sửa đổi lại biên giới Miên Việt để dành lại một số đất đai mà các Vua nhà Nguyễn đã chiếm đoạt của Cao Miên. Ông Sihanouk thường cho quân đội quấy phá vùng biên giới nên năm 1956, ông Nhu đã phải sang Phnom Penh viếng thăm thân hữu ông Sihanouk mong giải hòa.Hai bên đã thỏa thuận sẽ thiết lập một mối giao hảo tốt đẹp giữa hai nước và mặc nhiên công nhận thỏa ước Dupré, do vị Tổng đốc Pháp tại Nam Kỳ và Miên hoàng Norodom ký năm 1873 về biên giới Việt–Miên. Cao Miên không thừa nhận chính quyền Bắc Việt nên không có quan hệ ngoại giao với Hà Nội và tôn trọng hiệp ước Genève 1954, Cao Miên chỉ thiết lập bang giao với Việt Nam Cộng Hòa ở cấp bực đặc sứ mà thôi (ministre plénipotentiaire).Nếu sau những thỏa thuận ngoại giao đó mà chế độ Diệm biết khai thác mối giao hảo để xây dựng một thế liên minh chính trị quân sự “môi hở răng lạnh” với Cao Miên, hoặc ngay cả nếu biết dùng những thủ đoạn phi ngoại giao (như mua chuộc) để duy trì mối thân hữu với cá nhân ông hoàng Sihanouk thì có lẽ miền Nam sau này đã không điêu đứng vì các mật khu ven biên của Việt Cộng.Nhưng vì không có được tầm nhìn chiến lược lâu dài, không có ý thức cụ thể được sự mâu thuẫn trầm trọng có tính lịch sử của hai dân tộc, lại cao ngạo xem thường Cao Miên trong cung cách của một đại quốc phong kiến, nên anh em ông Diệm đã làm cho ông Sihanouk trở thành kẻ thù của chế độ, và từ đó, của cả miền Nam Việt Nam. Dù cho hành động đó có phát xuất từ lòng kính trọng tiền nhân thực sự (?) hay từ ngu dốt về lịch sử đi nữa thì cũng không thể biện minh được cho sự vụng về ngoại giao và những thiệt hại chiến lược sau này. Trình diễn chuyện chiêm bái đền thờ tiền nhân mà làm nguy hại tổ quốc thì trình diễn làm gì, huống hồ nếu quả thật có yêu nước thì việc chiêm bái đó vẫn có thể làm âm thầm mà không có ai hay biết. Chính hành động phản ngoại giao đầu tiên này của ông Ngô Trọng Hiếu đã làm cho ông Sihanouk bất mãn với chính phủ Sài Gòn và dân chúng Cao Miên tăng thêm ác cảm với dân tộc ta.Mấy tháng sau đó, khi ông Sihanouk đáp lời mời của chính phủ Sài Gòn qua thăm viếng thân hữu Việt Nam, trong buổi hội kiến tại dinh Độc Lập, ông Diệm lại có thái độ trịnh thượng trong cách đối xử, và tỏ vẻ lạnh lùng với ông Sihanouk làm chạm tự ái vị Hoàng tử nhiều tham vọng này. Là nguyên thủ của một vương quốc mà thế quyền và giáo quyền đã như hình với bóng, ông Sihanouk được toàn dân Cao Miên ngưỡng mộ và kính trọng như một vị Thần, thế mà lại bị người lân bang khinh thường, chẳng trách sau này ông Sihanouk đã xuống tay hạ độc thủ Việt Nam Cọng Hòa bằng cách dung dưỡng cho Việt Cộng lập mật khu an toàn.Cụ Hoàng Văn Chí, trong tác phẩm “Duy Văn Sử Quan” (tr. 96), cũng đã phê phán nặng nề thất bại ngoại giao đó như sau:Có một câu hỏi cần được nêu lên: Tại sao ông Diệm lại hách đối với Sihanouk, trong khi ông Diệm chỉ là một cựu quan lại và Sihanouk là một cựu quốc vương? Xin thưa là tại có hai lý do:- Ông Diệm là quan lại, xuất thân trong một gia đình ba đời làm quan, mà quan lại thường tự coi mình là “dân chi phụ mẫu”, thường có thái độ hách dịch đối với bất cứ ai. Vì biết như vậy nên năm 1945, Nhật không dám cử ông làm Thủ tướng, mặc dầu ông ráo riết vận động.- Hai là ông có mặc cảm tự tôn, khinh miệt tất cả những chủng tộc khác, kể cả người Miên và những thiểu số trong nước vì họ không có văn hóa Hán tộc, không phải là con cháu ông Thần Nông bên tàu.Mang cái bệnh “mục hạ vô nhân” từ trong bản chất, ông Diệm tuy gọi là môn đồ Nho học mà vẫn không nhớ chủ trương của Khổng Minh Đông hòa Tôn Quyền để Bắc phạt Tào Tháo. Đọc lại sách xưa, ta thấy kẻ tài trí như Khổng Minh mà vẫn phải nhờ đến kế cưới em của Tôn Quyền cho Lưu Bị để cầu hòa mong được tạm yên phương Đông hầu đối phó với phương Bắc. Còn ông Nhu xuất thân từ Tây học mà không học được bài học của tướng De Gaulle, của Nhật hoàng Hirohito. Tổng thống De Gaulle, vị anh hùng cứu quốc của Pháp, sau khi trở lại chính quyền vào năm 1958 đã biết để tự ái quốc gia, tự ái cá nhân qua một bên, đích thân sang Đức để bắt tay hòa hiếu với kẻ láng giềng cựu thù vì ông biết sự nhún nhường đó có lợi cho quê hương dân tộc ông. Cũng như Nhật hoàng Hirohito khi tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vào tháng 8 năm 1945, đã thống thiết kêu gọi nhân dân hãy vì tương lai xứ sở mà đổi căm hờn thành nhẫn nhục, cứ tạm ẩn nhẫn dưới gót giày sắt của kẻ chiến thắng là Mac Arthur để âm thầm xây dựng đất nước.Tự cho mình là kẻ mạnh nước lớn, anh em ông Diệm khinh bạc vị Quốc trưởng Cao Miên mà không nhớ chuyện ngụ ngôn ấu trĩ về con chuột nhắt có thể cứu được mạng sống chúa sơn lâm sa lưới, chuyện con kiến có thể làm đau đớn chú voi khổng lồ.Tổng thống và đại sứ thì vụng về trong việc giao tế, ông Nhu lại còn nuôi dưỡng, giúp đỡ những kẻ thù của ông Sihanouk là Sam Sary và Sơn Ngọc Thành trong âm mưu lật đổ chính phủ đương nhiệm. Sam Sary và Sơn Ngọc Thành là hai nhân vật không có uy tín, không có thực lực, lại không có khả năng đấu tranh chính trị, thế mà ông Nhu lại mù quáng tin tưởng vào hai nhân vật đó nên định đầu tư để tính kế lâu dài. Ông Nhu tin tưởng nên ồ ạt xuất quỹ mật yểm trợ mà không điều nghiên kỹ lưỡng, không có kế hoạch khoa học, không có nhân sự giỏi để thi hành nên chẳng bao lâu Sam Sary bị ông Sihanouk bắt và thảm sát, còn Sơn Ngọc Thành thì sống vương giả tại Sài Gòn, không gây được tiếng vang nào.Sự yếu kém của ông Nhu về khả năng phân tích chính trị cũng như về khả năng tổ chức đã không những làm phí phạm ngân quỹ quốc gia mà trên mặt chính trị quốc tế còn gây thêm một kẻ đáng lẽ là bạn thì lại trở thành thù thiên thu.Thật thế, vào cuối năm 1964, nhân tướng Nguyễn Khánh lúc bấy giờ là Thủ tướng chính phủ chỉ định tôi đi Thái Lan để quan sát tổ chức kháng chiến chống ông Sihanouk của Sơn Ngọc Thành, tôi được biết rõ uy tín và thực lực của Sơn Ngọc Thành đối với ông Sihanouk chỉ như trứng chọi với đá, không có một triển vọng nào làm cho ông Sihanouk phải quan tâm như lịch sử đã chứng minh. Sự yếu kém của Sơn Ngọc Thành càng nổi bật khi ông ta làm Thủ tướng mấy tháng dưới chế độ Lon Nol.Tại Bangkok, trong các dịp thảo luận với Thủ tướng Thái Lan Thanon Kiitikachon, cũng như trong các buổi họp với cơ quan Tình báo Trung ương Thái, tôi rất thất vọng khi chính phủ Thái cho biết rằng Sơn Ngọc Thành chẳng có thực lực gì. Lực lượng võ trang của Sơn Ngọc Thành chỉ gồm độ hai trung đội đóng trên một vùng đất an toàn ở biên giới Thái–Miên và hoạt động chỉ gồm việc giúp đỡ cảnh sát Thái trong các công tác biên phòng.Sau đó, Sơn Ngọc Thành mời tôi đến thăm Bộ tham mưu của ông ta. Đó là một ngôi nhà có vườn tược rậm rạp ở ngoại ô Bangkok, mà lúc tôi đến thì có độ sáu nhân viên đang làm việc bếp núc vệ sinh. Kho vũ khí có khoảng mười khẩu súng cũ, và các tài liệu tình báo và hành quân thì không có gì ngoài một bản đồ Đông Dương treo trên tường và một radio nhỏ. Họ chỉ điện thoại để liên lạc với giới chức tình báo Thái mà không có máy truyền tin viễn liên để liên lạc với các đơn vị hành quân, không có cả xe cộ để khi cần có thể di chuyển.Sơn Ngọc Thành cho biết đó là Tổng Hành Dinh của ông ta, nơi mà Ngô Đình Nhu đã liên lạc để yểm trợ mong đánh bại quân đội Cao Miên, lật đổ Sihanouk! Năm 1959, Đáp Chuồn là Tỉnh trưởng tỉnh Siem–Reap, cai trị tỉnh này như một lãnh chúa quân phiệt có khuynh hướng chính trị cực hữu và có tham vọng lật đổ ông Sihanouk. Tuy biết rõ ý đồ và những âm mưu này nhưng ông Sihanouk chưa có cơ hội thanh toán kẻ nội thù vì chưa có chứng cứ cụ thể. Chỉ biết như thế mà chưa chịu điều nghiên kỹ càng, ông Nhu đã liên lạc và tặng một trăm ký vàng để nhờ Đáp Chuồn lật đổ ông Sihanouk. Nhưng bao nhiêu âm mưu của Việt Nam Cọng Hòa và Đáp Chuồn đều bị ông Sihanouk theo dõi chặt chẽ cho nên khi Đáp Chuồn khởi sự đảo chánh, ông Sihanouk bèn đem quân tấn công Siem – Reap, bắt và xử bắn Đáp Chuồn tại chỗ, hai sĩ quan truyền tin VNCH được ông Nhu bí mật phái đến làm việc cho Đáp Chuồn để liên lạc với Sài Gòn đều bị xử tử. Sau đó, ông Sihanouk bèn họp báo chí quốc tế trưng bày bằng cớ để lên án VNCH và Mỹ, mặc dù Hoa Kỳ, theo hồi ký của cựu Giám đốc CIA William Colby, đã khuyên ông Nhu không nên có hành động phiêu lưu nguy hiểm đối với Cao Miên.Cũng cần nói thêm rằng trước khi xảy ra vụ Đáp Chuồn, Hà Nội và Bắc Kinh chưa có đại diện ngoại giao tại Cao Miên trong lúc VNCH có Tòa Đại sứ. Nhưng sau vụ đảo chánh hụt này của Đáp Chuồn, Đại sứ Ngô Trọng Hiếu bị trục xuất và, tuy hai quốc gia chưa hoàn toàn đoạn giao nhưng hai tòa đại sứ ở Phnom Penh và Sài Gòn đã phải ngưng hoạt động, tạo cơ hội thuận tiện cho cán bộ tình báo và dân vận của Việt Cộng xâm nhập và kiểm soát cộng đồng Việt kiều đông đảo tại xứ Chùa Tháp. Và cũng từ đó, ông Sihanouk bắt đầu chính thức có những liên hệ thân hữu với Hà Nội và Bắc Kinh mà kết quả cụ thể đầu tiên là để mặc cho Việt Cộng lập khu hậu cần an toàn trên đất Miên, và lấy đất Miên làm bàn đạp để tấn công VNCH, tạo cho quân đội VNCH một mặt trận gay go từ vùng Ba Biên Giới đến tận Hà Tiên.Trong biến cố này, có ba lý do thất bại rất ấu trĩ mà ông Nhu và cộng sự viên vì chủ quan, mù quáng nên không chịu nghiên cứu và đánh giá đúng đắn.Thứ nhất là trên mặt tương quan lực lượng quân sự, Đáp Chuồn đã đơn phương chủ quan phản loạn mà không tạo thế liên kết với các đơn vị quân đội thuộc các binh chủng khác và các tỉnh khác… Là một phần tử quân phiệt cực hữu, Đáp Chuồn chỉ nghĩ đến giải pháp đảo chánh quân sự mà không đếm xỉa đến khía cạnh chính trị quan trọng của nó, và ngay cả trên mặt thuần túy quân sự này thì một lực lượng của tỉnh Siem–Reap làm sao có thể đương đầu được với lực lượng của thủ đô Phnom Penh chứ đừng nói đến của cả nước. Lực lượng phản loạn chưa xuất phát ra khỏi tỉnh đã bị tiêu diệt ngay là vì thế.Thứ hai là trên mặt an ninh và tình báo mà thái độ và lập trường của Đáp Chuồn đã từ lâu biến ông ta thành một đối tượng bị theo dõi và canh chừng chặt chẽ bởi cơ quan Tình báo Trung ương Cao Miên. Đó là chưa nói đến Cao Miên vốn là một trong những ngã tư gián điệp quốc tế với những màng lưới tình báo dày đặc của Nga Sô và Trung Cộng, Pháp và Bắc Việt vốn là những kẻ thù của Việt Nam Cọng Hòa. Cho nên chính Nga Sô và Pháp đã thông báo đầy đủ cho ông Sihanouk biết mọi âm mưu và hoạt động của chính phủ Diệm trong vụ Đáp Chuồn để tạo thế ly gián giữa hai quốc gia đáng lẽ là đồng minh chiến lược này. Do đó, trước khi âm mưu đảo chánh bắt đầu, ông Sihanouk đã huy động được các lực lượng quân đội về bao vây chuẩn bị dẹp loạn tại ngoại ô Siem–Reap là vì thế.Thứ ba là trên mặt chính trị, ông Sihanouk đang được lòng dân vì các chính sách khôn khéo về chính trị, tôn giáo và kinh tế của ông ta, khôn khéo kiểm soát lại được các lực lượng chính trị đối lập trong nước cũng như tạo được một thế đứng vững chãi và thân hữu trên mặt quốc tế. Do đó mọi kế hoạch khuynh đảo ông Sihanouk trước hết phải bắt đầu bằng cách đánh tan cái thế nhân dân và quốc tế mới tạo được những yểm trợ cần thiết khi phát động cuộc đảo chánh. Không đặt nặng yếu tố chính trị như yếu tố tất yếu, Đáp Chuồn trở nên hoàn toàn cô lập trước, trong, và sau cuộc đảo chánh đến nỗi bị bắt mà không một ai can thiệp, đến nỗi bị giết và Việt Nam Cọng Hòa bị tố cáo mà không phản ứng được một lời nào.Ba lý do minh nhiên như thế mà ông Nhu và Bộ tham mưu của ông không thấy được để đối phó, lại chỉ lo đầu tư 100 ký vàng và chính sách ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa vào một phần tử hữu dũng vô mưu thì chỉ có thể kết luận rằng đầu óc Ngô Đình Nhu chủ quan, lý thuyết, vô ý thức chính trị.Cũng nhân dịp này, tôi còn muốn nói thêm rằng việc anh em ông Diệm đặc cử ông Ngô Trọng Hiếu làm đại sứ tại Cao Miên và hợp tác với Đáp Chuồn trong âm mưu lật đổ ông Sihanouk là một lỗi lầm vô cùng tai hại. Ông Ngô Trọng Hiếu vốn là dân Pháp (tên thật là Paulus Hiếu, sau đổi thành họ Ngô… cho hợp thời) và có rất nhiều liên hệ mật thiết với nhiều bạn bè người Việt thân Pháp. Dù vì thời thế và vì lợi danh ông Hiếu đã hết sức trung thành với anh em ông Diệm, nhưng làm sao ông có thể giữ kín đáo một vài bí mật chính trị trước các bạn bè mà ông vẫn tưởng họ không còn làm việc cho người Pháp nữa. Riêng trong công tác hỗ trợ Đáp Chuồn lật đổ ông Sihanouk, dùng ai cũng được nhưng không bao giờ nên dùng ông Ngô Trọng Hiếu làm đại sứ tại Cao Miên và giao cho ông ta điều khiển một hoạt động nặng phần gián điệp trên một khu vực mà tình báo gián điệp của Pháp hoạt động rất đắc lực. Tướng Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông và các nhân vật đảng phái từng lưu vong trên đất Cao Miên, đã từng thấy rất rõ những hoạt động tình báo gián điệp quốc tế, đặc biệt là của Pháp, thì chắc sẽ đồng ý với tôi về trường hợp của Ngô Trọng Hiếu. Hơn nữa, vì là dân Pháp cũ mà nay được anh em ông Diệm trọng dụng nên ông Hiếu phải cần tỏ ra “Bảo Hoàng hơn Vua”, phải tận tụy lập công cho nên ông đã có những hành động thiếu khôn ngoan rất phản tác dụng. Ngoài cái vụng về đi chiêm bái đền thờ Trương Minh Giảng như đã nói ở trên, ông Hiếu còn công khai giao du với Đáp Chuồn, đi săn bắn với Đáp Chuồn, nghĩa là ông đã “lạy ông tôi ở bụi này”. Chỉ điều đó mà thôi đã đủ làm cho ông Sihanouk nghi ngờ và đủ để cho điệp viên quốc tế theo dõi. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trong tác phẩm Tìm hiểu sự giao thiệp giữa Việt Nam và Campuchia cũng cho biết chính người Pháp đã biết được kế hoạch đảo chánh của Đáp Chuồn và VNCH nên đã báo cáo cho ông Sihanouk. Nhận định tình hình thiếu ý thức chính trị sâu sắc, phát động công tác với một kế hoạch cẩu thả, và sử dụng nhân sự không theo tiêu chuẩn an ninh đã là ba yếu tố nổi bật nhất nơi con người Ngô Đình Nhu. Vì không phải chỉ riêng vụ Đáp Chuồn mà từ nay Cao Miên trở thành một kẻ thù dung dưỡng cho Việt Cộng đe dọa sườn phía Tây của Việt Nam Cộng Hòa, một kẻ thù giúp đỡ nhóm Fulro lãnh đạo người Thượng khuấy phá miền Cao Nguyên, vấn đề Lào mà tôi sẽ trình bày sau đây lại thêm một lần nữa chứng tỏ sự kém cỏi chính trị của ông Ngô Đình Nhu đã là yếu tố giúp Hà Nội củng cố đường mòn Hồ Chí Minh sau này.Từ khi Hiệp định Genève 1954 ra đời để phân định Việt Nam thành hai miền với biên cương địa lý chính trị rõ ràng, và nhất là kể từ năm 1956, khi cuộc tổng tuyển cử quy định trong Hiệp Ước để thống nhất đất nước không thành hình thì Hà Nội quyết định phải mở một hành lang để chuyển vận quân sĩ và khí giới vào miền Nam chuẩn bị cuộc chiến đấu đương đầu với chính quyền Ngô Đình Diệm.Hành lang đó gồm ba hệ thống: xâm nhập bằng đường biển, xâm nhập bằng cách băng vĩ tuyến 17 ở thượng lưu phía Tây sông Bến Hải và xâm nhập bằng cách men vào vùng biên giới Lào–Việt để vượt Trường Sơn vào Nam. Trong ba hệ thống đó thì đường biên giới Lào–Việt là dễ dàng nhất, an toàn nhất và lưu lượng vận chuyển lớn nhất. Vì vậy ngay từ khi chữ ký chưa ráo mực trên bản Hiệp Ước, Hà Nội đã phối hợp kế hoạch với lực lượng Cộng Sản Pathet Lào để chuẩn bị đại công tác chiến lược này.Trong khi chính phủ Hoàng gia Lào và VNCH thiết lập những bang giao hữu nghị và ký kết những hiệp ước hợp tác lâu dài thì Hà Nội bắt đầu gởi cán bộ lên Lào, phát động một cuộc đấu tranh chính trị nội bộ trong lòng Pathet Lào để chi phối và lãnh đạo lực lượng này. Họ thúc đẩy lực lượng này tỏ thái độ cứng rắn trong mọi cuộc thương thuyết với phe hữu phái Lào để phá hoại tất cả mọi liên minh chính trị của một chính phủ liên hiệp. Từ năm 1958, khi hữu phái Lào bắt đầu tỏ thái độ chống Cộng một cách rõ rệt thì Hà Nội cũng tăng phái những lực lượng võ trang hùng hậu lên Lào để yểm trợ, đến nỗi vào tháng Giêng năm 1959, chính phủ Hoàng gia Lào phải đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc để yêu cầu Hà Nội rút quân về.Tháng 5 năm 1959, mọi nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho nội tình nước Lào hoàn toàn tê liệt, và trước sự căng thẳng của một chính biến có võ lực, phe Pathet Lào quyết định rút vào rừng lập chiến khu. Những cuộc chạm súng không thể tránh được trong cuộc rút quân này đã giúp Hà Nội thêm cái cớ để tung quân giải vây Pathet Lào, đang bị quân đội Hoàng gia truy kích. Từ đó Hà Nội bắt đầu hoàn toàn chi phối Pathet Lào. Các cán bộ Cộng Sản lai Lào, hoặc biết tiếng Lào, hoặc đã chiến đấu tại Lào trong cuộc chiến tranh Pháp–Việt (1945–1954) được điều động gởi qua Lào để nắm những chức vụ chính trị và quân sự then chốt trong lực lượng Pathet Lào, và biến nó thành một bộ phận của đảng Cộng Sản Việt Nam. Không những thế, Hà Nội còn di chuyển những đơn vị quân đội thuần túy Việt Nam vào trong nội địa của Lào ven biên giới, lấy cớ là những cuộc hành quân thao dượt biên phòng.Tháng 8 năm 1960, khi Đại úy Khong Le tổ chức và phát động lực lượng trung lập để làm cuộc đảo chánh, cán bộ Hà Nội cũng đã tìm cách xâm nhập được vào cả lực lượng này để khuynh loát và tạo ra những cuộc xung đột tại biên giới để công phá quân đội Hoàng gia Lào và các lực lượng người Mèo do Mỹ huấn luyện và võ trang.Trong khi Hà Nội phát động một chính sách làm lũng đoạn tình hình nước Lào để cuối cùng đặt được những nền móng chính trị, quân sự tại đây thì chính quyền Sài Gòn đã làm được những gì?Từ 1954 đến tháng 7 năm 1962, VNCH chỉ đặt trọng tâm vào công tác phát triển tình hữu nghị Lào–Việt trong các lãnh vực kinh tế, kiều cư và thỏa thuận về vị trí đường biên giới. Tòa đại sứ Việt Nam tại Lào xin mở được nhiều lãnh sự quán và vận động ngoại giao để đạo luật của chính phủ Lào cấm người ngoại quốc làm một số nghề (tháng 8–1960) đặc biệt không áp dụng cho kiều dân Việt Nam… Nói tóm lại chỉ là những hoạt động ngoại giao thông thường của hai quốc gia bang giao với nhau trong thời bình. Dựa vào thế chính trị quân sự vô cùng thuận lợi lại vắng mặt VNCH, từ đó Hà Nội như vào chỗ không người, tạo áp lực cần thiết để làm tê liệt sức mạnh của quốc gia nhỏ bé này, và bắt đầu tiến hành việc củng cố đường mòn Hồ Chí Minh để yểm trợ cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam cũng vừa ra đời tại miền Nam Việt Nam. Hành động “lẫy” này chỉ tô đậm thêm cho tính cách phong kiến và mù quáng của anh em nhà Ngô mà không thấy những tác hại chính trị cho quốc gia mình.Xét lại toàn bộ tình hình nước Lào kể từ năm 1954, ta thấy bắt đầu Pathet Lào chỉ là một lực lượng phiến loạn bất hợp pháp và rất nhỏ yếu khi so sánh với lực lượng chính trị quân sự hùng mạnh hơn của chính phủ hoàng gia Lào, thế mà Bắc Việt đã biết nắm lấy và điều khiển để biến nó thành lực lượng của mình, sử dụng nó như một vũ khí hiệu dụng để vừa chống lại chính phủ thiên hữu Lào, vừa khuấy phá miền Nam. Trong lúc đó thì tuy VNCH ở vào thế rất thuận lợi hơn trên đất Lào ngay từ đầu mà đã không nhìn thấy được những biến chuyển tương lai do Pathet Lào và Hà Nội gây ra, không biết yểm trợ đúng cách và đúng lúc cho chính phủ Hoàng gia Lào giữ vững thế lực để làm thế ỷ dốc, mà chỉ giao thiệp với Lào bằng những hoạt động thời bình và bằng những phương thức hành chánh ngoại giao thông thường. Đã không có ý niệm “tiên liệu và dự phòng” lại không có một sách lược khôn ngoan để ảnh hưởng chính phủ thiên hữu Lào hầu giúp họ có hiệu năng hơn trong công cuộc chống Cộng chung, ông Cẩn và ông Nhu lại chỉ đưa cán bộ của mình vào hoạt động trên đất Lào để mua thuốc phiện sống, để buôn thuốc phiện lậu, việc mà tôi sẽ nói rõ trong mục “Tham Nhũng” sau này.Tai hại hơn nữa là sau khi Hoàng thân Souvanna Phouma, Thủ tướng chính phủ liên hiệp Lào, công nhận chế độ Bắc Việt, anh em ông Diệm lại lấy một quyết định sai lầm là bãi bỏ tòa đại sứ VNCH tại Vạn Tượng, chấm dứt mọi hoạt động trên đất Lào và làm mất khả năng theo dõi tình thế một vùng đất tối cần thiết cho công cuộc đối phó với Hà Nội về phương diện quân sự và tình báo. Cho nên từ đó, Hà Nội đã đổ quân lực võ khí vào miền Nam bằng đường mòn Hồ Chí Minh. Còn nhớ một tướng lãnh Pháp từ thời còn đô hộ Đông Dương đã từng nói: “Qui tient Boloven, tiendra l’Indochine” (Ai chiếm được Hạ Lào là chiếm được Đông Dương) để thấy sinh mạng miền Nam Việt Nam liên hệ mật thiết với Lào như thế nào. Anh em ông Diệm, đặc biệt là “chiến lược gia” Ngô Đình Nhu – như lời tâng bốc so sánh ông ta với Trương Lương của một nhóm bồi bút dưới chế độ Đệ I Cộng Hòa vẫn thường xưng tụng – rõ ràng đã không có một ý thức chính trị tổng quát về tình hình Đông Dương, lại thiển cận trong khả năng nhận định tình hình nên đã lấy những quyết định chính trị sai lầm, đẩy VNCH vào cái thế “môi hở răng lạnh” nguy hiểm. Cho nên Việt Nam Cọng Hòa không phải đã bị chết vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng không phải từ ngày chế độ Nguyễn Văn Thiệu biến tham nhũng thành quốc sách, mà phải tính từ ngày người cán binh Cộng Sản Hà Nội cuốc miếng đất đầu tiên khai mở đường mòn Hồ Chí Minh, hậu thân của “Đường giây ông Cụ” được thiết lập từ năm 1956.Lát cuốc đó đáng lẽ không có được, không bao giờ có được, nếu ông Ngô Đình Nhu không chủ quan, cao ngạo và biết rằng chuyện an nguy đất nước là chuyện của mọi người chứ không phải là chuyện của một gia đình. Nhất là gia đình họ Ngô!Cũng như những lộng hành và phản luân lý của bà Nhu, những sai lầm và tội ác của ông Nhu đã được nhân dân ghi bằng máu lệ vào những trang sử để đời. Những trang sử máu lệ đó tôi sẽ tiếp tục ghi thêm vào tập sách này để cái huyền thoại mà các “sử gia hoài Ngô” đang cố xây đắp phải bị lột trần, tan rã.Huyền thoại về một Ngô Đình Nhu sáng suốt, một Ngô Đình Nhu mưu lược quả thật có hiện hữu trong tâm hồn của một số phần tử Cần Lao Công Giáo, nhưng không phải vì khả năng có thực. Nếu Ngô Đình Nhu quả thật có sáng suốt, có mưu lược và có được kẻ khác dựng ra một huyền thoại thì đó là hoàn toàn nhờ vào sự bệnh hoạn tâm thần đã đẻ ra một ý thức bạo động và một khả năng áp bức thất thường mà hàng triệu nạn nhân đã từng là nhân chứng hứng chịu. Thật vậy:Ngô Đình Nhu chỉ có cái thực tài là tổ chức màng lưới do thám để những tổ cán bộ của ông ta trong quân đội và trong cơ quan chính quyền rình mò, theo dõi, báo cáo những kẻ có ý chống đối chế độ, và thăng thưởng cho những kẻ trung thành với mình. Hệ thống đó chỉ có nhiệm vụ bảo vệ chế độ với một mục đích quá hẹp hòi, vì thế chế độ Ngô Đình Diệm đã mất đi sự ủng hộ của nhân dân [15]. Chỉ có tài làm mật thám công an mà lại được đứng trong cương vị lãnh đạo quốc gia, trách gì sinh lực quốc gia không tiêu tán và sinh mệnh tổ quốc không nghiêng ngả?Ông Ngô Đình Nhu là cột trụ cật ruột và khắn khít mà ông Diệm đã tin cậy để dựa vào kiến thức lẫn khả năng của người em hầu hành xử nhiệm vụ Tổng thống mà cai trị đất nước. Mỗi lần ông Nhu đi vắng khỏi dinh Độc Lập là ông Diệm băn khoăn không an tâm, mỗi lần ông Nhu giận hờn bỏ đi Cao Nguyên săn bắn cả tuần lễ là ông Diệm thấp thỏm lo âu. Hầu như mọi chính sách, mọi buổi họp Hội Đồng Nội Các, mọi bài diễn văn, mọi lời tuyên bố… ông Diệm đều thảo luận và hội ý trước với ông Nhu rồi mới lấy quyết định. Vai trò và ảnh hưởng của ông Nhu bao trùm như thế thì tài lãnh đạo trị nước của ông Diệm như thế nào?Suốt hơn 20 năm trời làm việc với ông, trước cũng như sau khi nắm chính quyền, trong hoạn nạn cũng như lúc thành công, tôi nhận thấy điểm nổi bật nơi con người ông Diệm là bầu nhiệt tâm trong công việc, nhưng cái nhiệt tâm đó có đem lại thành quả gì không thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Tôi không còn nhớ vào năm nào đó khi mới lên làm Tổng thống, ông đã thực sự gây xúc động sâu xa trong lòng tôi khi ông ra lệnh cho phi cơ của Không quân thả dù rau khoai xuống cho dân hai tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường để họ trồng trọt lại sau trận lũ đã cuốn trôi hết hoa màu, nông phẩm của địa phương. Dù số lượng rau thả dù xuống bị bầm dập hư hao gần hết, và dù rau khoai không phải là nông phẩm thiết yếu nhất để giải quyết những thiếu hụt thực phẩm của hai tỉnh này lúc bấy giờ, nhưng thái độ thực tế và quyền biến phát xuất từ tâm thành đó đã làm cho tôi nhớ lại những kỷ niệm ban đầu, ngày tôi mới gặp ông trong ngôi nhà còn đìu hiu tại Phú Cam Huế, khi mà Quyền, Lực, Danh, Lợi đều chưa bao vây và tác hại ông.Ông Diệm là người có tiểu kế giỏi mà không có đại mưu hay, ưa soi mói vào tiểu tiết một cách quá độ đến nỗi trở thành lẩm cẩm. Đã thế, ông lại không có khả năng diễn đạt bằng lời cũng như bằng chữ cho nên nói năng lúng túng, phân tích vấn đề một cách không có hệ thống, và thích nói dài, nói dai không cho người đối thoại góp ý hay ngay cả trả lời những câu hỏi do chính ông đặt ra.Trí não ông Diệm không quen lý hội sự gì trừu tượng và tổng quát. Ông chỉ ưa việc cụ thể mà ông hình dung được rõ mới chịu là cần, ông xét định về từng trường hợp và từng công tác dễ hơn là về toàn diện vấn đề. Ông có thể chỉ làm được một tổng thanh tra tẳn mẳn, sục sạo như viên kỹ sư Bigorne thời Pháp thuộc: Giá ông làm tổng thanh tra như Bigorne không chừng làm được việc hơn một Tổng thống [16].Hạ một ông Tổng thống được nhóm người Công giáo Cần Lao coi như thánh thần xuống hàng tổng thanh tra chưa đủ, Đoàn Thêm còn phê bình ông Diệm:Là thứ người có đầu óc bệnh hoạn, mà toàn thân là một khối vững chắc nặng nề, đầy chặt nên khó cởi mở, co tròn và chìm lặng vào trong thì dễ hơn là phơi bày rộng rãi ra ngoài [17].Ông Đoàn Thêm cho rằng ông Diệm vì quen làm quan lâu năm, quen không khí triều đình quan liêu nên chỉ có tài làm quan Nam triều hơn là làm Tổng thống một nước Cộng Hòa kiểu dân chủ Tây phương.Còn ông Hồ Sĩ Khuê, một cộng sự viên về những vấn đề chiến lược quốc gia cho ông Diệm khoảng thời gian đầu thập niên 50’, trong tác phẩm “Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng” đã nhận xét về ông Diệm như sau: Dùng tôn giáo để chống Cộng (trang 152); phong kiến (trang 157), quả giao (trang 160), óc kỳ thị (trang 163), bị ảnh hưởng mạnh của ông anh (trang 168), chưa có đủ tầm vóc lãnh tụ quốc gia, càng không có tầm vóc lãnh tụ quốc tế… không nhìn đúng các vấn đề chính yếu của đất nước (trang 262). Nhân sinh quan hẹp hòi… không dám tin ai khác và thường ngờ vực mọi người (trang 262), bản chất quan lại không gột sạch được… quan liêu gia đình (trang 263), mặc cảm đố kỵ người Nam Kỳ (trang 264), được Mỹ bồng lên (trang 275), không có phong độ bậc lương đống (trang 279), cảnh sát trị… gia đình trị (trang 329).Về con người của ông Diệm, trên mặt cá tính cũng như trí tuệ, nếu tổng hợp lại tất cả những mô tả và phê bình khác nhau của những cộng sự viên đã từng làm việc với ông, của những chánh khách Việt cùng ngoại quốc đã từng tiếp xúc với ông, của những ký giả và tác giả đã từng nghiên cứu về ông, từ Đoàn Thêm đến Joseph Buttinger, từ Bảo Đại đến Robert Shaplen, từ Đỗ Thọ đến Bernard Fall, từ Nguyễn Thái đến Frances Fitzgerald, từ Trần Văn Đôn đến Cabot Lodge… thì tất cả đều có những cái nhìn dưới những khía cạnh khác nhau, nhưng có một điểm mà tất cả đều ngầm đồng ý với nhau là miền Nam quả thật bất hạnh vì đã bị lãnh đạo bởi một nhân vật mà tài trí đã là con số không trước ông Hồ Chí Minh. Ngay nếu Việt Nam trong thời thanh bình, ông Diệm cũng không đóng nổi vai trò của một nhà cai trị huống gì tổ quốc đang bị đe dọa trong cảnh lâm nguy dầu sôi lửa bỏng.Tôi không lấy thành bại để luận anh hùng vì tâm thức và đạo đức của ông Diệm không thuộc loại anh hùng, mà tôi chỉ muốn lấy kết quả của một số sự việc mà ông đã làm để đo lường tài năng của ông. Đó là khu trù mật, kế hoạch nối Cao Nguyên với Đồng Bằng, và đường xe lửa xuyên Việt v.v…Chương trình Khu Trù Mật được thành lập nhằm yểm trợ kế hoạch Cải Cách Điền Địa mà như tôi đã trình bày trong chương trước, một kế hoạch chỉ thành công trên giấy tờ và cho một thiểu số đại và trung điền chủ tại miền Nam, còn tiểu địa chủ và nhất là đại đa số tá điền nông dân thì phẫn uất vì không làm chủ được một mảnh ruộng riêng của mình nên có nhiều trường hợp mức thu hoạch còn kém hơn cả thời Tây thuộc địa.Trên lý thuyết, Khu Trù Mật được xem như là những đơn vị hành chánh nông nghiệp nhằm quy tụ nông dân thành từng khu để bảo vệ, yểm trợ và phát triển. Trên mặt xã hội, Khu Trù Mật còn là gạch nối giữa thành thị và thôn quê mà qua đó các sinh hoạt và phát triển tiến bộ của đô thị sẽ đổ về nông thôn.Như tất cả mọi sản phẩm lý thuyết của chế độ, phần kế hoạch và những biểu hiện hình thức bao giờ cũng bắt đầu rất đẹp và quyến rũ. Nhưng trên thực tế, dù chương trình này do chính vị Tổng thống điều động và theo dõi kiểm soát từng chi tiết một, kết quả vẫn trở nên bi thảm. Sự thất bại bi thảm của nó, ngoài những lý do dễ hiểu là không nghiên cứu kỹ càng để đi sát với thực tế, là chuộng hình thức nặng về lượng hơn là về phẩm, là cán bộ thừa hành lo hối hả trồng cây hôm nay để ngày mai Tổng thống đi kinh lý khen thưởng hơn là thực sự phát triển chậm nhưng chắc… Còn có một lý do khác là sự can thiệp quá độ của ông Diệm, người đích thân điều khiển chương trình một cách độc đoán mà lại không đủ hoặc không lưu tâm đến những kiến thức chuyên môn cần thiết cho một chương trình bao gồm cả bốn lãnh vực nông nghiệp, xã hội, quốc phòng và nhân tâm.Đưa việc này lên hàng trọng tâm công tác, ông Diệm bắt ngừng xây cất các cư xá công chức, để dành tiền xổ số cho các khu. Ông đi kinh lý ngắm địa thế, tìm vị trí cấp ngân khoản với một vẻ hăng say tin tưởng khiến nhà chức trách địa phương, vốn nòi nhạy cảm, vội thi đua “lập Khu mà cốt để lập công”. Nên tới giữa năm 1959 đã có 25 Khu thành lập. 25 thị trấn hoàn thành trong thời gian kỷ lục chưa đầy hai năm, được coi như một kết quả không ngờ.Nhưng ông Tổng thống cũng không ngờ những phản ứng trong dân gian. Lời ta thán và đơn khiếu nại tới ông mỗi ngày một nhiều: bị đe dọa nên phải rời nhà, bị thiếu thốn về mọi mặt, thay vì được trợ cấp, công nhu bị biển thủ, kinh phí bị phóng đại, tài sản bị xâm phạm…Ông cho điều tra: sự oán trách không phải là vô căn cứ, nhiều khu được dựng lên quá hấp tấp, dân chúng chưa hiểu rõ thiện chí của chính quyền, sự giúp đỡ không đền bù các thiệt hại và vấn đề quan trọng nhất là sinh kế chưa có giải pháp thích ứng: nhà nông không thể tiếp tục công việc hàng ngày khi ruộng vườn ở xa khu mới. Ông phải ra lệnh tạm đình. Nhưng rồi chương trình Khu Trù Mật cũng đã làm tốn không biết bao nhiêu công quỹ và làm khổ sở cho dân gian [18]. Thất bại lớn nhất khi đình chỉ kế hoạch này là sự giao động trong quần chúng. Sinh hoạt nông nghiệp vốn có tính định kỳ, theo thời tiết, theo giống lúa, và theo loại đất, cho nên tự ngàn xưa, chính những hoạt động canh tác đã qui định những sinh hoạt nhân văn khác của thôn xã như hội hè, đình đám, cưới hỏi, lễ lạc,… Chỉ cần làm xáo trộn chu kỳ sinh hoạt này là làm xáo trộn luôn nếp sống của người dân, trên cả hai mặt nghề nghiệp cũng như phong cách.Xin lấy trường hợp điển hình của một Khu Trù Mật thành công nhất để thấy cái lợi của một Khu Trù Mật không bù lại được cái hại to lớn và dây chuyền của những hệ quả gây ra:Khi tôi tới gần, Khu Trù Mật Vị Thanh (nơi mà Tổng thống Diệm đã cho khánh thành rầm rộ) trông thật là rộng rãi, đồ sộ khi so sánh với các làng mạc dọc đường. Viên chỉ huy chương trình Khu Trù Mật địa phương, Thiếu tá Trần Cửu Thiên, giới thiệu nào là trường học, nhà thương, trụ điện để đưa điện về cho nông dân lần đầu tiên trong đời họ. Ông ta cũng cho tôi biết là nông dân sẽ có nhiều lợi tức. Ông ta khoe khoang là đã hoàn thành Khu Trù Mật chỉ trong vòng có năm mươi ngày theo lệnh của Tổng thống Diệm, và Khu Trù Mật là một kiến trúc gương mẫu để làm vui lòng những nhà lập pháp Hoa Kỳ đến viếng thăm Việt Nam. Nhưng trong thực tế lại là một đại họa.Đại họa là vì nông dân bị bắt buộc phải bỏ làng mạc cũ, bỏ cả mồ mả cha ông, bỏ cả tập tục cổ truyền để tập trung về Khu. Tai hại hơn nữa là Thiếu tá Thiên đã phải theo lệnh Tổng thống để huy động 20 ngàn người để xây dựng một Khu chỉ để cho 6 ngàn người ở. Số 14 ngàn người kia phải bỏ công việc đồng áng để làm việc mà không được trả tiền công. Thiên bảo rằng bắt họ làm công không trả tiền là để tập cho họ làm bổn phận công dân (sic). Trái lại, đối với nông dân thì những công tác cộng đồng như thế là hình thức “cưỡng bách lao động” nên dù lúc đó họ chưa theo Việt Cộng họ cũng đã tỏ ra bất mãn với chế độ Diệm [19].Thật vậy, thất bại về phát triển nông nghiệp của chương trình này không phải là tác hại lớn nhất, chính tác hại sâu đậm và lâu dài lại có kích thước chính trị, đối nội cũng như đối ngoại. Đối nội là xác định với quần chúng nông thôn sự bất lực của chính quyền trước một lãnh vực quan trọng cho miền Nam là vấn đề phát triển nông nghiệp, và đẩy cái quần chúng lớn lao đó về phía kẻ thù Việt Cộng; đối ngoại là làm mất sự tín nhiệm của chính quyền và nhân dân Hoa Kỳ về khả năng tự cứu và tự cường của Việt Nam Cộng Hòa.Một phần tư tỉ Mỹ kim mỗi năm đối với Hoa Kỳ thì chẳng thấm thía vào đâu nhưng với năm năm đầu của chế độ Diệm, tiền viện trợ của Mỹ đủ để trang trải không những 100% chi phí quân sự và 80% chi phí dân sự của chính phủ Sài Gòn, mà còn để trả nợ thiếu hụt về ngoại thương 178 triệu Mỹ kim. Hoa Kỳ lúc đầu hy vọng rằng số nợ ngoại thương sẽ dần dần trả hết, không ngờ nó cứ mỗi ngày một gia tăng vì phải trả thêm tốn phí của người Mỹ. Và mặc dù lúa gạo là nguồn lợi quốc gia to lớn nhất, năm 1959, VN vẫn phải nhập cảng 20 triệu Mỹ kim thực phẩm trong chương trình thực phẩm cho Hòa Bình.Dưới chế độ Diệm, trừ chương trình định cư cho người Công Giáo di cư từ Bắc vào, tất cả các công tác khác như khu Trù Mật, như dinh điền, như hợp tác xã nông nghiệp… đều thất bại nặng nề [20].Không được dân chúng yểm trợ, bị người Mỹ khám phá những thất thoát và hà lạm công quỹ nên kiểm soát gắt gao việc chi thu; năng xuất không đạt được chỉ tiêu, làm vướng bận thêm khả năng tác chiến của quân đội… nên cuối cùng, toàn bộ chương trình khu Trù Mật bị sụp đổ, và các khu gọi là Trù Mật bị rã ra và tan loãng vào sự mênh mông của ruộng đồng miền Nam.Chương trình khu Trù Mật chủ yếu nhắm vào miền Nam vốn là vựa lúa của nước ta. Riêng tại miền Trung, nhất là từ Phú Yên trở ra, nông nghiệp không phải là khu vực kinh tế chính trong kế sách phát triển quốc gia. Hải sản của miền Duyên Hải và lâm sản của vùng Cao Nguyên cần được phối hợp với nhau trong hệ thống lưu thông trên cả hai mặt sản phẩm lẫn tiền tệ. Do đó, một kế hoạch chỉnh trang và tân lập các trục giao thông để nối liền hai miền địa dư của đất nước được thiết kế. Và vì miền Trung có một vị thế đặc biệt, có một dân tình cũng đặc biệt không kém trong cuộc chiến Pháp–Việt mà những mật khu ngày xưa của Việt Minh vẫn chưa được khám phá ra và tiêu hủy, mà những tổ cán bộ Cộng Sản nằm vùng đã bắt đầu khuấy động mạnh… nên kế hoạch này phần lớn do quân đội đảm trách.Công tác đầu tiên là xây dựng trục lộ Kontum–Quảng Nam. Công tác này được ủy nhiệm cho Đại úy Trần Văn Kha (sau này là Đại tá và hiện nay đang ở California, Hoa Kỳ) phụ trách với chức vụ chỉ huy trưởng công trường. Nhưng mặc dầu đã hết sức cố gắng và đã có lần phúc trình về điều kiện an ninh không thuận tiện, ông Kha cũng không thể nào hoàn tất nổi công tác này. Một đại đội công binh với những trang bị dụng cụ hiện đại cho việc xây dựng kiều lộ và hai đại đội Bảo an có nhiệm vụ bảo vệ công trường bị Việt Cộng tấn công gây thiệt hại nặng nề, nhất là về mặt nhân lực. Cuối cùng, công tác phải bị bãi bỏ và công trường thì bị bỏ hoang cho mưa nắng tàn phá.Kế hoạch lớn nhằm “nối Cao Nguyên với Duyên Hải” bị gẫy đổ chỉ vì tính chủ quan phiến diện trong lý luận và vì phương pháp làm việc độc quyền rất luộm thuộm của ông Diệm. Thật vậy, đường Kontum–Quảng Nam là một trục lộ gai góc, chạy song song với sườn phía Đông rất hiểm trở của dãy Trường Sơn và đâm chéo về hướng Đông Bắc xuyên qua các núi đá trước khi đổ vào địa phận tỉnh Quảng Nam, tất cả kéo dài gần 200 cây số. Nếu ông Diệm cho điều nghiên cẩn thận toàn bộ công tác này trước khi bắt đầu thì sẽ thấy rằng tình hình an ninh tại hai tỉnh này không tốt đẹp chút nào, dân tình cũng như các điều kiện kinh tế không thuận tiện và khả năng giới hạn của công binh cũng như của các lực lượng bảo vệ cơ hữu của địa phương sẽ không đủ sức để duy trì nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ một trục lộ vừa cô lập vừa dễ bị phá, vừa dài như thế.Nhưng vì Tổng thống muốn là Trời muốn, và Tổng thống muốn là Tổng thống làm liền không cần lòng dân, không cần tình thế, không cần phương tiện… cho nên kết quả mới thảm hại.Riêng đường xe lửa Xuyên Việt thì quyết định của ông Diệm dành một ngân khoản quá lớn và điều động một lực lượng nhân sự quá nhiều để ưu tiên tái thiết toàn bộ hệ thống đã bị nhiều người ngăn cản vì sợ sẽ khó bảo vệ trục đường sắt quá dài đó một khi chiến tranh tái phát. Ngay trong hội nghị Liên Bộ (1960) mà tôi đã đề cập trong chương trước (khi thảo luận về vấn đề bài trừ nạn du đãng), trong dịp trình bày tổng quát tình hình an ninh, tôi đã lưu ý hội nghị (để gián tiếp nhờ họ giúp tôi thuyết phục ông Diệm về mức độ phá hoại càng lúc càng gia tăng của Việt Cộng mà mỗi lần tôi trình bày thì ông lại gạt đi vì cho là tôi bi thảm hóa vấn đề) về khả năng và ý đồ của Việt Cộng muốn cắt đứt đường xe lửa nối liền hai miền Trung và Nam.Để phản đề nghị, một số chuyên viên có trình bày với ông Diệm về việc sử dụng ngân khoản lớn lao đó cho hai dự án: hoặc là phát triển một hệ thống thương thuyền vừa an ninh hơn vừa vận chuyển được nhiều hơn; hoặc là tái thiết quốc lộ số 1 chạy từ Quảng Trị đến Tây Ninh để khuyến khích ngành vận tải bằng xe đò [21].Cả hai dự án này đều lấy yếu tố an ninh làm chính vì thực tế Việt Nam là một nước đang lâm chiến với một kẻ thù mà phá hoại, đột kích là sở trường số một. Cả hai dự án này cũng đều đặt tính khả thi làm điều kiện tiên quyết để khả dĩ duy trì được mạch sống kinh tế cho cả hai miền Trung và Nam. Nhưng ông Diệm đều không đồng ý và gạt bỏ đi. Khi ông đã có chủ ý làm đường xe lửa Xuyên Việt vì (trong giai đoạn đó thì) dễ dàng hơn và chóng hoàn tất hơn, thì chủ ý đó đã trở thành một ám ảnh thôi thúc, đủ sức đánh phá mọi lý luận hợp lý và khả thi nhất, dù lý luận đó có là lý luận tổng hợp của những chuyên viên về an ninh, về kinh tế, về giao thông, biết nhiều và nắm vững tình hình thực tế hơn ông.Đường xe lửa Sài Gòn–Đông Hà được ông Diệm khánh thành trọng thể tại Quy Nhơn ngày 7 tháng 8 năm 1959. Nhưng chỉ gần hai năm sau, giữa năm 1961, đường xe lửa Xuyên Việt bị chặt ra nhiều khúc vì những cuộc tấn công, đặt mìn, phá hoại đường rầy của du kích Việt Cộng.Việc tái thiết đường xe lửa từ Sài Gòn đến Đông Hà đã làm thiệt hại nặng nề về cả tài chánh lẫn nhân mạng. Hàng ngày, trên mỗi chuyến tàu, một tiểu đoàn thiết vận “bảo vệ hỏa xa” được phái theo hộ tống các đoàn tàu. Đại tá Nguyễn Văn Tự (hiện nay ở Mỹ), lúc bấy giờ là Thiếu tá chỉ huy công tác bảo vệ đường hỏa xa, thường đến phàn nàn với tôi về nhiệm vụ khó khăn, thiếu phương tiện và nhân sự để nhờ tôi can thiệp với cấp trên tìm biện pháp đối phó. Nhưng cũng như bao nhiêu chính sách, kế hoạch, chương trình, công tác khác của ông Diệm, không còn biện pháp nào để cải tiến những thất bại có tính cách cơ bản khi ông đã chủ quan cho mình là đúng, ngoài phương pháp chịu đựng những thiệt hại cho đến khi thời gian bắt nó phải tê liệt hoặc tự hủy.Tôi đoán ông Diệm muốn trở thành một Nguyễn Công Trứ từng khai phá vùng Kim Sơn, Tiền Hải (Ninh Bình) nhưng tiếc thay ông lại không có tâm hồn và tài năng của Nguyễn Công Trứ:Ngay từ những ngày đầu, chính cá nhân của Tổng thống Diệm và quan niệm chính trị của ông đã làm giảm thiểu hiệu năng của chính quyền.Là sản phẩm của một gia đình vừa cuồng tín theo Thiên Chúa giáo vừa mang nặng tính phong kiến của giai cấp quan lại thống trị, ông Diệm là một người độc đoán cố chấp, thơ lại đa nghi và câu nệ về phương diện luân lý. Tinh thần của ông Diệm được mô tả như tinh thần của các lãnh chúa Y Pha Nho thời Trung Cổ (Spanish Inquisitor).Bộ máy chính trị của ông Diệm đúng là một định chế gia đình trị, được tổ chức cứng ngắc và có đặc tính trung ương tập quyền quá độ.Theo bảng lượng giá của tình báo Mỹ thì tình hình được mô tả như sau: “Tổng thống Diệm vẫn tiếp tục là nhà cai trị không thể chối cãi được của miền Nam, tất cả những vấn đề trọng đại và những vấn đề thứ yếu đều do chính ông ta quyết định.”Mặc dù cổ võ một chính phủ dân chủ và đại nghị nhưng ông Diệm tin rằng người Việt Nam cũng tin rằng ông phải cai trị một cách cứng rắn, ít nhất là trong giai đoạn an ninh quốc gia bị đe dọa.Ông cũng tin rằng đất nước chưa thể có đối lập chính trị nếu sự đối lập này làm cản trở và tiêu hao những nỗ lực của chính phủ trong việc thiết lập một nền cai trị vững chắc. Ông vẫn là một khuôn mặt có phần nào khắt khe và xa cách đối với hầu hết người Việt, do đó không khơi dậy được sự nồng nhiệt rộng rãi nào trong lòng quần chúng.Chế độ Diệm phản ánh quan niệm của ông ta: Bộ mặt chính phủ đại nghị vẫn được duy trì nhưng trên thực tế, chính phủ đã cai trị một cách hoàn toàn độc đoán.Quyền lập pháp của quốc hội bị giới hạn chặt chẽ, quyền tư pháp không được phát triển và lệ thuộc vào hành pháp. Thành phần nhân sự của hành pháp lại không ai khác hơn là những thuộc hạ của ông Diệm.Trầm trọng hơn nữa, các chương trình của ông Diệm nhằm gia tăng an ninh ở nông thôn đã được thực hiện một cách tồi tệ đến nỗi thay vì tạo được sự phân cách giữa quân phiến loạn và nông dân thì ngược lại, lại tạo ra sự phân cách giữa nông dân và chánh quyền, hậu quả là an ninh đáng lẽ được gia tăng thì lại bị suy giảm.Chương trình Dân Sự Vụ được quan niệm như để tạo dựng mối cảm thông giữa chính phủ Sài Gòn và dân quê đã không đạt được mục tiêu đó khi ông Diệm đưa toàn người Bắc di cư và tín đồ Thiên Chúa giáo về thôn ấp. Đối với dân quê, các đoàn Dân Sự Vụ ấy đã là những kẻ ngoại cuộc.Chương trình Cải Cách Điền Địa thay vì phân phối đất cho người nghèo chung cuộc thì chỉ đã lấy lại những gì mà nông dân đã được Việt Minh cấp phát để đem trả lại cho điền chủ. Năm 1960, 15% dân số vẫn còn chiếm hữu 75% đất đai.Ông Diệm đã giải tán các hội đồng dân cử theo truyền thống ở thôn xã vì sợ Cộng Sản nắm quyền hành ở đó. Rồi ông thay thế cơ cấu nhân dân đó bằng những kẻ ngoại cuộc được chỉ định, đó là những người Bắc di cư và các tín đồ Công giáo trung thành với ông ta.Trong chiến dịch gọi là Tố Cộng bắt đầu từ mùa Hè năm 1955, từ 50.000 người đến 100.000 người bị nhốt vào trại tập trung, trong số những kẻ bị giam cầm rất nhiều người không có liên hệ gì đến Cộng Sản.Tổng thống Diệm cũng ban hành những chương trình để tái cư dân chúng để gia tăng an ninh, nhưng những thứ đó lại chỉ có phản ứng bất lợi mà thôi. Người Thượng thiểu số bị bắt buộc rời quê cha đất tổ ở Cao Nguyên Trung phần để đến định cư tại các vùng ổn cố và an ninh hơn, lại gia nhập vào quân đội của Việt Cộng; dân quê bị dời khỏi hương ấp của tổ tiên để xây các làng mới theo chương trình dinh điền, đã trở nên căm thù chính phủ Sài Gòn.Dù nói là lo lắng về an ninh, ông Diệm không làm gì cả để tăng cường cảnh sát và tình báo ở nông thôn. Lực lượng bán quân sự, dân vệ và bảo an thì không được trang bị, không được huấn luyện đầy đủ, và về mặt chỉ huy thì rất tồi tệ.Sự bạo tàn, cướp bóc và vô kỷ luật của nhân viên chính quyền đã thúc đẩy dân làng hưởng ứng một cách công khai các cuộc chống đối chính phủ. Trước những thất bại ngày một gia tăng của chính phủ Diệm, vào tháng Giêng năm 1960, Tòa Đại sứ Mỹ – trong “bản Tường trình đặc biệt về tình hình nội an ở Việt Nam” – đã đi đến kết luận:Tình hình có thể tóm lược trong nhận định sau đây: Chính phủ đã đi đến chỗ đối đãi với dân chúng bằng con mắt nghi kỵ, đàn áp để đổi lấy sự thờ ơ, thụ động và oán ghét của quần chúng.Ý thức về liên đới giữa chính quyền và nhân dân là yếu tố cơ bản thì đã không còn nữa. Nhân dân đã không còn đồng hóa bản chất của mình và bản chất của chính quyền.[23]Bản Tường trình đã nêu rõ ràng sự thờ ơ và bất mãn ngày một gia tăng trong dân quê đã là nguyên nhân chính của sự nổi loạn tại miền Nam.Phần trích dẫn trên đây là những nhận định dựa vào thực tế khách quan của năm 1960 bằng cái nhìn có hệ thống của một người Mỹ nghiên cứu về vấn đề Việt Nam hầu đóng góp vào chính sách của Mỹ tại nước ta, một chính sách vẫn còn thuận lợi cho miền Nam nói chung và ông Diệm nói riêng, dù tình hình đã có nhiều dấu hiệu bi quan.Tuy cái nhìn đó đã mô tả đúng và đúc kết được những thất bại cũng như tương lai đen tối của chế độ Diệm nhưng cũng chưa truy tầm được tận gốc rễ những lý do thật sự của các thất bại đó. Lý do thật sự đó là gì nếu không phải xuất phát từ tư cách và khả năng lãnh đạo của sáu anh em nhà Ngô.Hoàn cảnh xã hội, tâm thức tôn giáo, giáo dục gia đình đã đúc kết thành sáu nhân vật chỉ biết bám chặt lấy quyền lực để độc tôn, độc tài khuynh loát quốc gia, sáu nhân vật tự trao cho mình cái nhiệm vụ dẫn dắt dân tộc Việt mà không thèm đếm xỉa đến lòng dân thế nước.Đứng trên quan điểm lịch sử Tây phương, ta có thể giải thích bằng sự vận động tất yếu của lịch sử về sự khủng hoảng lãnh đạo của đất nước trong giai đoạn này. Nhưng đứng trên sử quan Đông phương thì ta chỉ thấy đó là cơ duyên nhân quả của vận nước trong sự tuần hoàn biến dịch của vũ trụ và nhân sinh, mà cũng như quá trình biến thiên lịch sử của các quốc gia khác, phải có những triều đại bạo ác ra đời trước khi quê hương và dân tộc bước vào chu kỳ tươi sáng mới của tương lai. Ta phải có chế độ Ngô Đình Diệm thì mới có ngày 30 tháng 4 năm 1975 để cho Cộng Sản có cơ hội quét sạch, quét hết những rác rớm tàn dư lịch sử của các chế độ ngoại thuộc kể từ ngày Pháp đánh vô Đà Nẵng cho đến ngày Cộng Sản thống nhất Việt Nam. Và ta phải có ngày 30 tháng 4 năm 1975 để bộ mặt lỗi thời và bất lực của Cộng Sản Hà Nội lộ diện thì dân tộc mới có cơ hội vùng lên viết trang sử mới sau này. Mười sáu thất bại chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội của chế độ Diệm đã được tôi đề cập trong hai chương vừa qua, tuy không ồn ào tiếng súng như trên chiến địa, nhưng chính chúng lại là những yếu tố mở đường cho các thất bại quân sự máu đổ xương rơi kể từ năm 1960 mà tôi sẽ đề cập trong chương tiếp theo. Thật vậy, vì chính trị điều động mức độ và bản chất của chiến sự, nên những thất bại chính trị của chế độ đã dĩ nhiên kéo theo những thảm bại về quân sự trong một cuộc chiến mà đối thủ Cộng Sản đã biết phối hợp cả hai yếu tố này một cách tinh khôn và hữu hiệu. Chú thích:[1] Nguyễn Thái, Is South Vietnam Viable?, tr. 185, 186.[2] Malcolm Browne, The New Face of War, tr. 70.[3] Joseph Buttinger, Vietnam A Political History, tr. 447. [4] Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, tr. 109, 110.[5] Dương Tấn Tươi, Cười, Nguyên Nhân và Thực Chất, tr. 333.[6] Joseph Buttinger, Vietnam A Political History, tr. 447, 448. [7] Võ Phiến, Đất Nước Quê Hương, tr. 116.[8] Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, tr. 119, 120. [9] Robert Shaplen, The Lost Revolution, tr. 165-169. [10] Joseph Buttinger, Vietnam, A Political History, tr. 463; và David Halberstam, The Making of a Quagmire, tr. 172.[11] David Halberstam, The Making of a Quagmire, tr.172.[12] George Chaffard, Les Deux Guerres du Vietnam, tr. 310. [13] Nguyễn Ngọc Huy, Tìm Hiểu Mối Bang Giao Giữa Việt Nam với Trung Hoa, Cam Bốt và Lào, tr. 78. [14] Nguyễn Ngọc Huy, Tìm Hiểu Mối Bang Giao Giữa Việt Nam với Trung Hoa, Cam Bốt và Lào, tr. 53, 54. [15] Stanley Karnow, Vietnam,A History, tr. 265.[16] Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, tr. 200.[17] Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, tr. 200. [18] Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, tr. 199.[19] Stanley Karnow, Vietnam, A History, tr. 231.[20] Frances Fitzgerald, Fire in the Lake, tr. 101-104. [21] Dưới thời Đệ II Cộng Hòa, ngành hải vận cũng như ngành xe đò đều được khai thác trở thành những sinh hoạt huyết mạch để lưu thông hàng hóa một cách an toàn và hữu hiệu. [22] Neil Sheehan, The Pentagon Papers, tr. 70, 72.[23] Neil Sheehan, The Pentagon Papers, tr. 70, 72.