Phần I

Hạnh phúc chỉ là một giấc mơ
và nỗi đau mới là thực
(Voltaire)
 
Cô cứ tưởng cô còn chúa lắm đấy à! Đừng lắm mồm nữa! Hết thời rồi! G...i...à r...ồ...i...! Đồ đĩ!!!
Giọng Khánh kéo dài nhềnh nhệch, vẻ mỉa mai kèm theo cái bĩu môi, làm tôi không thể nào nghĩ được đấy là anh nói đùa. Mà lần này quả thật Khánh đã không đùa. Cứ xem thái độ cảu Khánh thì biết. Đã ba tháng nay rồi, Khánh không bao giờ ở nhà ngày chủ nhật, ngày nghỉ duy nhất của gia đình tôi, ngày duy nhất trong tuần vợ chồng tôi và cháu Ngọc được xun họp bên nhau. Mỗi lần anh trở về vào đêm khuya ngày chủ nhật hay sáng sớm ngày hôm sau, người anh sặc nồng mùi rượu. Mặc cho tôi có nói gì, thủ thỉ tâm tình hay quát mắng con, quở trách anh ầm ỹ cả lên, anh cũng chỉ lầm lũi đi vào nhà, chuẩn bị cho một tuần làm việc vất vả. Có nói chăng cũng vài từ cụt lủn, không giải thích, không phân bua trình bày, không thanh minh những lời buộc tội. Anh mặc kệ, cứ như không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì hết. Và lần này... Khánh đã buông ra câu nói đó.
Đã qua đi một tuần rồi mà lời nói của Khánh vẫn cứ văng vẳng bên tai tôi. Tôi không thể nào tin được dù đó là sự thật. Thường khi tiếp xúc, mọi người vẫn nhận xét tôi thuộc loại "phổi bò". Thực tế, trong cuộc sống, tôi là vậy, nhưng những gì thuộc về tình cảm, tôi vẫn hay đắm đuối, mơ mộng và cũng hay suy nghĩ lắm. Phải chăng vì thế mà tôi thấy cuộc đời thật khó trọn vẹn. Tôi đã quá quen và chịu đựng những lời chửi rủa, những trận đòn của Lâm. Tôi đã đau khổ và sợ hãi. Nhưng với Khánh lại khác. Sống với nhau gần mười lăm năm trời, cuộc sống vợ chồng cũng có những lúc xô xát. Điều đó mấy ai tránh khỏi. Nhưng quả thật tôi chưa bao giờ nghe Khánh nói những lời nhục mạ tôi. Chúng tôi tuy có những điểm không tương đồng, trong suy nghĩ có nhiều khập khiễng nhưng Khánh không thuộc những người đàn ông thích hành hạ vợ bằng hành động vũ phu hay lời nói phũ phàng. Vậy mà nay! Điều gì đã dẫn Khánh tới cách cư xử khác đi với tôi như vậy? Cái gì đã làm cho Khánh từ chỗ yêu thương, tôn trọng tôi đến có thái độ và lời nói coi thường tôi như vậy? Từ ba tháng nay, tôi đã mơ hồ một điều gì đó qua tình cảm phần nào phai nhạt của Khánh. Thái độ của Khánh vào trưa chủ nhật vừa qua và lời nói của anh như thêm một giọt làm tràn cốc nước. Bình thường, chúng tôi vẫn tranh cãi nhau và bao giờ Khánh cũng nói thật ít, với những lời cộc lốc, nhưng mỗi lần như vậy anh vẫn bình tĩnh. Nhưng lần này, câu nói của Khánh đã thật sự chạm vào lòng tự ái của tôi. Tôi cảm thấy hẫng hụt, chua xót. Đất dưới chân tôi như muốn đổ sụp xuống. Tôi bỗng câm lặng.
Nếu câu nói đó phát ra từ miệng Lâm, tôi lại không cảm thấy đau như thế. Với Khánh, tôi đã làm gì nên tội? Hơn chục năm trời gắn bó bên nhau, Khánh quá hiểu tôi. Tôi đã từ chối tất cả để quyết định về sống với anh, một người không nhà cửa, không nghề nghiệp ổn định, không tiền bạc, không chỗ dựa... Và từ ngày sống cùng nhau, suốt từ sáng đến tối, tôi chỉ biết có làm việc. Tôi đã chẳng còn nghĩ được tí gì về tôi nữa. Tôi đã không còn thời gian cho những thú vui, giải trí mà mình thường thích nữa. Sau khi sinh con, tôi đã dành hết cuộc đời còn  lại của mình cho chồng, cho con. Từ ngày yêu rồi lấy Khánh, tôi gần như không giấu Khánh một điều gì cả, Khánh hiểu lắm chứ.
Lý do gì khiến Khánh làm nhục tôi như vậy? Có lúc trong quẫn bách và uất ức, tôi từng phải thốt lên: “Trời ơi! Khánh mà cũng nghĩ và nói với tôi như vậy sao?”. Tôi như không còn tin vào chính tai mình nữa. Không! Có lẽ tôi nghe nhầm! Có lẽ tuổi tác và công việc mệt mỏi, nhàm chán hàng ngày không còn cho tôi đủ minh mẫn, tỉnh táo để bình tĩnh nói chuyện cùng Khánh nữa rồi! Vậy có lẽ lỗi đó là tại tôi? À mà không! Đúng là chồng tôi đã mạt sát tôi thật sự và thái độ của anh quả thật không bình thường. Tôi đã phần nào linh cảm những chuyện như thế này một ngày nào đó sẽ xảy ra nhưng không phải là bây giờ, vào thời điểm này.
Tôi không khóc mà nước mắt cứ chảy tràn hai gò má. Tim nhói đau. Tôi cảm thấy mình dường như không đủ không khí để thở trong căn hộ bé nhỏ, ngột ngạt này được nữa. Vậy mà tôi vẫn phải sống, phải làm việc, phải lo lắng, phải kiếm tiền…
Suốt một tuần liền, tôi như một cái bóng lẳng lặng, vật vờ, chán nản. Tính tôi là vậy, khi tức lên chỉ muốn nói ngay cho đã, nhưng khi không nói được, tôi mới thấy đau. Một nỗi đau đớn khôn cùng. Khi cơn giận đã lắng đọng trong lòng, vò xé tâm can, tôi trở nên bình lặng và không muốn nói năng gì. Giờ đây cuộc sống của tôi với Khánh sẽ đi đến đâu, tiếp diễn như thế nào? Tôi đã mường tượng. Con gái tôi thấy mẹ buồn cũng mất đi nét hồn nhiên, vui vẻ vốn có của mình. Suốt một tuần liền, cuộc sống của ba chúng tôi vẫn trôi qua như mọi ngày chỉ có điều tôi và Khánh không ai nói dù nửa lời với nhau, trừ khi cần cho công việc. Khánh không hề xin lỗi. Đôi lúc tôi tự hỏi tại sao Khánh lại tiếc lời xin lỗi với người anh đã từng yêu thương, sống hàng ngày bên canhhj anh, cùng anh chia sẻ ngọt bùi, cay đắng. Còn với tôi, câu nói của Khánh mời nặng nề làm sao. Tôi biết mình là một phụ nữ lầm lỗi, nhưng những gì tôi làm hay quyết định đều vì một ình yêu chân thật, xuất phát tự đáy lòng. Tôi không bao giờ vụ lợi, không màng vật chất. Tôi quý trọng cuộc sống tình cảm và tôi cũng là người phụ nữ quá nhạy cảm, tình cảm và yếu đuối. Điều đó Khánh hiểu và đã rất tôn trọng. Vậy tại sao? Tại sao?
Tôi hoàn toàn cảm thấy mình bất lực. Chưa bao giờ tôi bị rơi vào một trạng thái như vậy. Cay đắng, mơ hồ… Sau bữa ăn trưa, thấy không khí ảm đạm trong nhà, cháu Ngọc xin phép đến nhà bạn chơi. Tôi đồng ý cho cháu đi mà chạnh lòng nghĩ đến những cuộc dạo chơi trước đây của cả gia đình, cũng vào chiều chủ nhật như thế này.
Trong khi Khánh ngồi vắt chéo hai chân lên bàn xem ti vi, bất chừng tôi mở tủ, lấy chiếc áo ấm khoác thêm vào người rồi cứ thế bước thẳng về phía cửa. Tôi ra khỏi nhà mà chưa định thần được sẽ đi đâu.
Tự nhiên, theo thói quen, tôi nhảy lên tàu điện ngầm đi đến vườn hoa Luxembourg. Mặc dù đã qua đông, thời tiết vẫn còn lạnh. Tuy nhiên đã có những ngày trời hửng nắng. Những tia nắng bắt đầu mững rỡ rọi xuống.
Không khí và cảnh vật ở vườn hoa Luxembourg thật tuyệt vời! Liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Du:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Tôi thấy mình thật sự xa lạ, lạc lõng giữa chốn phù hoa này. Cảnh đẹp nơi đây và nỗi lòng tôi là một sự trái ngược hoàn toàn…
Mới đầu xuân, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc. Những mầm non mới nhú, vụt rạo rực, tràn trề nhựa sống. Cảnh mùa xuân có thể nhận rõ từng ngày một. Các loại hoa đủ màu sắc bỗng òa tươi trong nắng sớm. Ánh sáng chan hòa làm cho vạn vật đầy tin tưởng. Hương hoa thơm, khí ấm., cuộc sống tràn trề. Trong vườn hoa, nhờ có cát nên không có vết bùn sau những cơn mưa, và nhờ có mưa nên không có bụi trên lá. Cảnh vườn Luxembourg là cảnh yên lặng của thiên nhiên tràn ngập hạnh phúc, thật giàu sang mà cũng thật là trinh bạch.
Trên những khe lá cuối vườn, trên những cây anh đào, những bông hoa huệ nở to vẫn còn vương lại hương thơm, những con chim sơn ca bắt đầu hót. Nếu như trong suốt mùa đông, chúng yên lặng, thì giờ đây, khi tia nắng mặt trời rọi xuống, chúng lại hót cùng với những ngọn gió đung đưa một cách khẽ khàng, với hy vọng của mùa hè tới. Khóm cây, luống cảnh trao đổi hưpng thơm và tia sáng. Trên tán lá mấy cây sung, chích chòe huyên náo, chim sẻ tung hoành. Chim gõ kiến leo dọc thân cây dẻ, mổ lách cách trên vỏ cây. Hoa cẩm chướng có mùi thơm nồng nồng. Ánh sáng đầu xuân rọi trên những đóa hoa kim cương, làm cho nó sáng rực lên như những ngọn đèn. Quanh các luống kim hương, vô số bướm chập chờn trông như những vẹt sáng lập lòe của những đóa hoa đèn ấy. Những tia nắng xuân cũng làm cho các bức tượng bán thân như tươi tắn hơn và không còn phải khoác trên mình tấm có tuyết lạnh lẽo nữa.
Bất chợt, tôi nhớ về bài “Hoài niệm về ngày khai trường” của A-na-tôn Phơ-răng-xơ, nhà văn Pháp thế kỷ XI. Một bài văn rất hay mà tôi đã từng đọc bằng tiếng Pháp cho các sinh viên lớp của Lâm. Bài văn có nhắc đến cảnh đẹp vườn hoa Luxembourg: “Hàng năm, cứ mỗi độ trời thu xao động và lá úa vàng trên cành cây run rẩy, nhắc lại cho tôi những gì, tôi xin kể cho các bạn nghe. Tôi thấy một cậu bé, tay thọc vào túi, vai đeo cặp, vừa đi học vừa nhảy nhót như một ocn chim. Đã hai mươi lăm năm nay, cũng độ ấy, chưa tới tám giờ, cậu bé đó đã đi qua vườn hoa Luxembourg xinh đẹp để đến lớp học. Lòng cậu hơi buồn, vì là ngày khai trường. Nhưng cậu vội vàng, lưng đeo sách, túi bỏ con quay. Cứ nghĩ đến chuyện gặp lại các bàn bè là cậu thấy như mở cờ trong bụng. Cậu phải kể biết bao nhiêu chuyện, phải nghe biết bao nhiêu điều. Được tái ngộ cùng bạn bè thì vui thú biết bao”.
Từ xa, tôi nhìn thấy các ông bà già khoác tay nhau đi trên những lối mòn.
 Của công viên trông thật tình tứ. Và kia nữa, những em bé mới chào đời được mấy tháng cũng được đi dạo công viên, trong những chiếc xe đẩy, cùng với những ông bố bà mẹ trẻ. Biết bao trẻ em khác đã biết đi, biêt chạy, vừa nhảy tung tăng trên các bãi cát nhỏ, vừa ném cát vào người bạn…
Tự nhiên, tôi thấy thương bé Ngọc vô hạn. Một ước mơ giản dị được cùng chông con dạo chơi như bao người vợ khác vào ngày nghier lẽ nào tôi chẳng còn bao giờ được thực hiện nữa.
Tôi chẳng còn thấy hứng thú gì để ngắm cảnh như mọi lần nữa, tôi tìm một góc vắng, yên tĩnh để ngồi. Hy vọng thiên nhiên sẽ làm cho lòng tôi phần nào dịu bớt nỗi đau. Mắt đăm đắm nhìn vào khoảng không vô tận và biết bao kỷ niệm của quá khứ cứ hiển hiện về…
°
Ngày ấy cách đây cũng đã lâu lắm rồi, khi tôi còn là một cô bé nhỏ nhắn, tinh ngịch, suốt ngày cùng lũ bạn ném cát, chơi chuyền, chơi chọi gà… trên bãi biển Đồ Sơn.
Cũng như những người bạn cùng thời, cùng tuổi, tuổi thiếu niên của tôi trôi qua trong những năm tháng chiến đấu chống Mỹ ác liệt của nhân dân Việt Nam.
Nhà có hai chị em gái. Chị tôi, tên là Linh, lớn hơn tôi ba tuổi nhưng điềm đạm, nhẹ nhàng, và chín chắn. Tôi là con út, được cả nhà nuông chiều nên hay đành hanh cùng chị Linh tôi. Chiều chiều, chúng tôi thường đi bộ ra bãi biển. Những ngày nghỉ học, chúng tôi theo bố mẹ đi thuyền đánh cá. Ban đêm, trên biển mới thấy cái mênh mông, vĩ đại của thiên nhiên biết nhường nào! Mùa hè khi gió thổi nhẹ, hai chị em tôi ngồi sát mạn thuyền, thả tay mơn man làn nước mát. Tôi bạo dạn hơn còn thả cả hai chân khua khua theo làn nước. Thỉnh thoảng, bố tôi lại nướng mực, mùi thơm phảng phất bay trong gió. Sau mỗi mẻ lưới được cất lên, chị em tôi lại sung sướng xếp cá vào khoang rồi lại lăn ra nằm cạnh mẹ. Tôi hay sợ ma, sợ bóng tối, lần nào cũng tranh phần nằm ở giữa. Dẫu mới học hết lớp bảy nhưng mẹ tôi thuộc vanh vách Truyện Kiều và rất nhiều truyện cổ tích. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ dừa, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa,v.v… Tôi còn nhớ năm lên bảy tuổi, tôi vẫn còn được mẹ ru ngủ bằng những câu hát Kiều. Rồi  chẳng hiểu tự lúc nào, tôi nhớ như in những câu chuyện mẹ tôi kể, những vần thơ hay trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Khi mẹ tôi kể đến đoạn Tấm trèo lên cây cau để hái quả xuống cúng giỗ bố, mẹ ghẻ Tấm ở dưới đẵn gốc cau và Tấm đã ngã xuống ao chết đuối, tôi đã khóc. Giọng mẹ từ từ, nhè  nhẹ kể đoạn Thạch Sanh được phép xử tội Lý Thông, nhưng bằng tấm lòng nhân ái của mình, Thạch Sanh tha bổng cho Lý Thông, kẻ đã âm mưu giết mình. “Trước mặt mọi người, chàng kể hết đầu đuôi chuyện của mình, từ chuyện kết bạn với Lý Thông đến chuyện chém trăn tinh, giết đại bàng, cứu công chúa, bị Lý Thông lấp cửa hang và cuối cùng bị bắt oan vào ngục thất. Mọi người bấy giờ mới hiểu ra mọi sự. Vua sai bắt giam hai mẹ con Lý Thông, lại giao cho Thạch Sanh xét xử. Chàng không giết mà tha cho chúng về quê làm ăn. Nhưng về đến nửa đường thì chúng bị sét đánh chết, rồi bị hóa kiếp thành bọ hung”. Cũng từ đó, tôi phân biệt điều thiện, điều ác. Tấm lòng nhân hậu, dịu dàng, bao dung của mẹ đã dần dần đi vào tâm hồn thơ ấu của tôi. Vậy mà khi tôi hieur ra sự đời, muốn đáp đền công ơn bố mẹ tôi – những người đã sinh thành, nuôi dưỡng tôi, thì bố mẹ tôi đã vĩnh viễn đi xa. Chị tôi giống mẹ nhiều hơn, đặc biệt về tính cách. Tôi giống bố tôi, người dong dỏng cao, tính tình hệt bố, chỉ còn may được thừa hưởng ở mẹ tôi khuôn mặt trái xoan và các đường nét. Bố tôi là một người đàn ông cương nghị, thẳng thắn nhưng gàn. Một con người đầy cá tính, bướng bỉnh và nóng.
Hai năm sau khi đế quốc Mỹ leo thang ra bắn phá miền Bắc, bố tôi đã nhập ngũ, theo tiếng gọi của chiến trường miền Nam nóng bỏng. Sau ngày bố tôi đi xa, cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, chúng tôi chẳng còn có dịp được theo thuyền đánh cá ban đêm, được dạo chơi trên bãi biển mỗi chiều, mỗi tối. Sau những giờ học ở trường, chị em tôi cùng bạn bè ở khối phố Đồ Sơn tham gia trực chiến. Con gái miền biển mà tôi cứ nước da trắng hồng. Mặc cho công việc vất vả của xóm chài, mặc cho lửa đạn chiến tranh, tôi sống vô tư, sôi nổi cùng trang lứ tuổi 17.
Từ ngày thi xong tốt nghiệp phổ thông và đỗ vào trường Sư phạm 10+3 của tỉnh, chị tôi sống nội trú tại trường, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Mọi việc ở nhà, tôi phải cáng đáng hết vì mẹ tôi phải lo kiếm tiền nuôi cả nhà. Thỉnh thoảng, mẹ tôi lại dúi nhẹ ngón tay trỏ vào trán tôi nói:
Này con Linh là nó hiền đấy nhé, chứ phải tôi, mỗi lần cô đành hanh là tôi đánh cho rõ đau rồi.
Tôi biết mẹ tôi nói vậy là mắng yêu thôi chứ thực tình mẹ yêu cả hai chị em tôi lắm và mẹ rất ui vì kết quả học tập ở trường của tôi. Tôi học giỏi đều các môn và thích cả văn lẫn toán. Có lần ngồi nói chuyện cùng mẹ về nghề nghiệp tương lai, tôi nói rằng tôi thích sau khi tốt nghiệp phổ thông, thi vào trường Đại học Hàng hải để trở thành thủy thủ, cuộc sống lênh đênh mạn tàu. Mẹ tôi từ ngày lấy chồng, gắn bó với biển, yêu biển vô cùng. Nhưng được chứng kiến tận mắt những nguy hiểm có thể đến với những người làm những nghề liên quan đến biển, mẹ tôi hoàn toàn không muốn con gái lại tiếp tục theo nghề sông biển.
Ngày bố con còn ở nhà, mỗi lần ngồi nói chuyện về tương lai nghề nghiệp của các con, bố con chỉ ao ước các con sau này theo đuổi nghề y hay nghề dạy học. Chị Linh con đã vào trường sư phạm rồi. Để thỏa mãn nguyện vọng của bố, con nên thi vào trường Đại học Y xem sao – Mẹ tôi thủ thỉ.
Ôi! Con sợ thấy máu lắm mẹ ơi! Hơn nữa, ban đêm trong bệnh viện nhỡ có người chết thì con biết trốn vào đâu. Mẹ không thấy là con sợ ma, bóng đêm đến mức nào ư? Hay là con thi vào trường Đại học Tổng hợp, khoa Văn, cô Nga dạy văn lớp con vẫn khuyên con như vậy. Cô ấy nói rằng, nếu con không đi vào nghề văn thì thật tiếc.
Con phải biết mình con ạ. Con là một đứa con gái mạnh dạn, bề ngoài tỏ ra cứng rắn nhưng bên trong lại hết sức mềm yếu. Tính con lại mơ mộng, lãng mạn. Mẹ sợ nghiệp văn sẽ mang lại cho con điều đau khổ. Mẹ thấy sợ…
Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại lời nói năm nào của mẹ, lòng tôi không khỏi thổn thức. Mẹ tôi tuy ít học nhưng lại là một người phụ nữ mẫn cảm đến kỳ lạ. Mẹ hiểu thấu tâm can của từng đứa con. Mẹ đã từng cho tôi những lời khuyên bổ ích và chí tình. Vậy mà tôi đã bỏ qua những lời khuyên ấy. Tôi đã nghĩ rằng tôi quyết định đúng và làm theo tiếng gọi của trái tim. Chuyện riêng tư của tôi đã làm cho mẹ tôi hao mòn sức lực. Đã bao lần, tôi thầm nhủ: “Mẹ ơi, mẹ hãy tha lỗi cho con, đứa con hư của mẹ. Chắc mẹ đã cạn hết nước mắt vì cuộc đời con. Giờ đây con ân hận biết chừng nào!”.
 
°
 
Năm 1970, sau khi tốt nghiệp phổ thông cấp III và thi vào đại học, tôi được chọn đi học tại Liên Xô. Niềm vui khôn xiết. Bố tôi ở chiến trường xa xôi, nóng bỏng, nơi bom đạn khôn ngừng rơi, nếu biết được tin này chắc sẽ mừng lắm. Ra đi, tôi nhớ gia đình, bạn bè, quê hương lắm nhất là lúc đất nước đang trong lửa đạn chiến tranh. Mặc dù có họ hàng, làng xóm bên cạnh, mẹ tôi vẫn tháng ngày lẻ loi, đơn chiếc. Nghĩ tới đó, lòng tôi quặn nhớ. Cũng may chị Linh tôi vừa tốt nghiệp trường Sư phạm 10+3 và được phân về dạy gần nhà.
Những ngày đầu tiên trên đất nước bạn, tôi đã khóc rất nhiều. Ở Liên Xô, tôi được học về ngôn ngữ tại trường Đại học Tổng hợp Lê-nen-grat.
Lê-nen-grat không những là thủ đô văn hóa mà còn là một thành phố đẹp, thơ mộng. Thành phố này được coi như cửa sổ của nước Nga, mở ra các nước Châu Âu. Rất nhiều kiến trúc sư nước ngoài đã thiết kế ở đây những tòa nhà kiểu kiến trúc ba-rốc hay cổ điển. Nhiều người nói rằng kiến trúc của thành phố Lê-nin-grat rất giống kiến trúc của thành phố Pa-ri – thủ đô nước Pháp, một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Từ năm 1741 đến năm 1762, trong vòng hai mươic năm dưới thời Nữ hoàng Ê-le-da-bét Đệ Nhất, con gái Pi-ốt Đại đế, nhà kiến trúc sư người Ý Ra-stre-li đã xây dựng ở đây nhiều lâu đài theo kiểu rô-cô-cô nổi tiếng, trong đó có Cung điện Mùa Đông.
Trước đây, dưới thời Nga hoàng, thành phố này có tên là Xanh Pê-téc-bua, là thủ đô của đất nước. Năm 1918, Lê-nin đã quyết định chọn Ma-xcơ-va là thủ đô của Liên Xô và năm 1924, sau khi Lê-nin mất, Xanh Pê-téc-bua được đổi tên thành Lê-nin-grat để tưởng nhớ tới Lê-nin, người đã có công sáng lập ra Liên Xô vĩ đại.
Tháng 9 năm 1991, Lê-nin-grat lại trở về với tên cũ Xanh Pê-téc-bua, là thành phố quan trọng thứ hai của nước Nga, sau Ma-xcơ-va. Thành phố có 2.500.000 dân.
Thành phố Xanh Pê-téc-bua nằm gần vùng đông bằng châu thổ sông Nê-va, trải dài trên một vùng gồm nhiều đảo, phía đông biển Ban-tích. Ngày nay, thành phố này là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất nước Nga. Vua Pi-ốt Đại đế đã thành lập Viện Hàn lâm khoa học ở đây vào năm 1725 (năm 1934, viện chuyển về Ma-xcơ-va). Trường Đại học Tổng hợp nơi đây được thành lập từ năm 1819. Tại thành phố này còn nhiều bảo tàng và thư viện.
Năm đầu tiên, chúng tôi được học tiếng Nga. Tất cả sinh viên vào học khoa Ngôn ngữ đều phải bắt đầu bằng tiếng Nga. Những ngày đầu, tôi thấy lo bởi cũng như nhiều sinh viên Việt Nam khác, ba năm học phổ thông cấp III, chúng tôi có được học ngoại ngữ nhưng vì chiến tranh nên những giờ học tiếng Trung Quốc hay tiếng Nga chúng tôi chỉ coi là cưỡi ngựa xem hoa.
Ở trường cấp III, tôi được làm quen với tiếng Trung Quốc. Nhưng tiếng Trung Quốc với tiếng Nga là hai hệ ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt. Những ngày đầu tiên học tiếng Nga, chúng tôi phải bò ra để học phát âm. Giáo viên của chúng tôi toàn là người Nga vì vậy chúng tôi phải căng tai ra nghe nhưng cũng chỉ như “vịt nghe sấm”. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bi quan và lo lắng trong học tập như thời kỳ đó. Nhưng rồi thời gian, sự cố gắng, chịu khó của bản thân cùng với sự động viên, giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô giáo, của bạn bè, tôi đã vượt qua được giai đoạn phát âm khó khăn. Thường các bạn sinh viên năm thứ hai đến giúp chúng tôi sửa các lỗi trong khi đọc.
Ban đầu do mải học và còn ngại ngần, tôi đã không để ý, nhưng dần dần, sự quan tâm, nhiệt tình của Nam, một sinh viên năm thứ hai đang học khoa tiếng Pháp, đã làm tôi không thể thờ ơ Nam được nữa… Nam không cao to, người tầm thước, nhưng đẹp trai kiểu thư sinh. Đôi mắt sáng, thông minh nhưng buồn. Khi biết Nam là người Kiến An, tôi càng có cảm tình.
Sau những giờ học, Nam lại đến bên tôi, giúp tôi học tiếng Nga. Nam là một trong những sinh viên ưu tú của khoa tiếng Pháp cả về phương diện học tập lẫn công tác đoàn thanh niên khối lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Lê-nin-grat. Ở khối năm thứ nhất, tôi cũng được các bạn tín nhiệm bầu vào ban chấp hành chi đoàn. Nhờ có sự động viên của Nam, tôi đã mạnh dạn dần lên trong học tập và công tác. Tôi đã vượt qua được kỳ thi sát hạch tiếng Nga và được chuyển sang khoa Ngôn ngữ, học bộ môn tiếng Pháp. Có lẽ người mừng nhất là Nam. Còn tôi, lúc đó lại thấy có phần nào nuối tiếc vì không được học tiếng Anh như một số bạn cùng khóa. Những lúc bên nhau, chúng tôi cùng kể cho nhau nghe về gia đình, bè bạn, về những ngôi trường cũ nơi chúng tôi đã từng học tập, về những trận đánh bom ác liệt của Mỹ xuống quê hương thân yêu. Cũng như những sinh viên Việt Nam đang học ở nước ngoài những năm đó, Nam và tôi hăm hở, nhiệt tình tham gia vào các phong trào ủng hộ cuộc khàng chiến của nhân dân Việt Nam và phản đối cuộc chiến tranh chủ nghĩa của đế quốc Mỹ.
Thành phố Lê-nin-grat hướng ra sông Nê-va và biển Trắng bằng một loạt hệ thống kênh đào vì thế trông thật nên thơ. Những ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi cùng tham quan viện bảo tàng E-mi-ta-gio, một trong những bảo tàng quan trọng trên thế giới, gồm sáu tòa nhà lộng lẫy nhìn ra phía sông Nê-va. Bảo tàng này có tới không dưới ba triệu đồ vật, tranh ảnh… Có lúc chúng tôi tới tham quan tu viện A-lếc-xan-đơ-rơ Nép-xky hay pháo đài Pi-ốt và Pôn, Bộ Tư lệnh Hải quân, nhà thờ Xanh I-sắc, nhà thờ Đức Bà Ka-dan hay khu thương mại của thành phố… Tôi nhớ không quên những ngày sương mù bao phủ cả thành phố Lê-nin-grat, những bức tượng đồng chiến mã, lá hoa rực rỡ của các công viên khi mùa hè hay mùa thu đến, nhớ những phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử… Những buổi chiều thu mát mẻ hay những ngày cuối xuân, khi những tia nắng ấm làm tan đi cái giá lạnh của mùa đông, tôi và Nam lại tay trong tay dạo chơi và nói cho nhau nghe chuyện lớp, chuyện trường, chuyện bè bạn. Rồi tình yêu đến với chúng tôi tự bao giờ cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng chúng tôi yêu nhau say đắm, yêu tha thiết và mối tính đầu nồng thắm.
Sau những giờ lên lớp, chúng tôi cùng nhau đi thư viện. Học một ngôn ngữ thông qua một ngôn ngữ khác mới được học một năm quả thật không dễ. Nếu như ở trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội  hày trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, chúng tôi đã có thể được học tiếng Anh hay tiếng Pháp trực tiếp từ tiếng mẹ đẻ của mình và như vậy quá trình tiếp thu sẽ nhanh và đỡ vất vả hơn. Nhưng nói như thế không có nghĩa là chất lượng học tập của những sinh viên học các ngôn ngữ khác thông qua tiếng Nga lại kém hơn nhưng sinh viên học ngoại ngữ trong nước, bởi hiệu quả quá trình đào tạo lại phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Cũng may, các giáo viên người Nga ở khoa Ngôn ngữ, ngoài khả năng sư phạm và kiến thức chuyên môn còn là những người rất tâm lý. Họ hiểu nỗi lo lắng của chúng tôi nên giảng dạy rất tận tâm và cẩn thận. Tôi cứ nhớ mãi một lần khi đọc chữ “t” của tiếng Pháp, tôi lại đọc giống như chữ “t” của tiếng Nga, được viết là “m”. Có nghĩa là chúng tôi thường đọc mềm đi chữ “t”. Mỗi lần như vậy cô giáo Svét-la-na lại bảo tôi:
Lan, em chú ý đọc chứ “t”, đừng thành chữ “ch”!
Vâng, thưa cô!
Tôi đáp lại lời cô giáo mà hai tai cứ nóng rần rật, mặt tôi đỏ phừng lên vì ngượng. Cũng vì phụ âm này mà ngay ngày hôm trước tôi và Nam đã cãi nhau và lúc đó tôi cứ nằng nặc cho là mình đúng nên át Nam để bắt anh phải công nhận theo tôi:
Em chú ý khi phát âm chữ “t” trong tiếng Pháp nhé. – Nam nhẹ nhàng bảo tôi sau khi nghe tôi đọc xong một bài khóa ngắn.
Em đực thế là đúng, anh sai thì có. Ê, ê, không biết đọc mà  cũng đòi làm thầy người ta! – Tôi phản ứng ngay lập tức.
Nếu em cho là mình đúng, ngày mai trong giờ tiếng Pháp, em thử hỏi cô giáo dạy em xem.
Em không cần hỏi, em biết là em đúng. Em đúng! Anh sai! Anh phải công nhận ngay đi không là em búng cho đỏ tai lên đấy.
Vậy là Nam chịu thua. Mà đâu phải chỉ có một lần như vậy.Nam chững chạc, tự tin nhưng lại rất hiền. Nam hay nhường tôi nên có lẽ vì vậy mà tôi cứ tự cho phép mình lấn lướt anh.
Nam kể cho tôi nghe rằng, ở quê, anh còn mẹ và hai em gái. Mẹ anh làm ruộng và hai em còn đi học. Mẹ anh vất vả quanh năm. Hàng ngày mẹ dậy từ sớm, trước khi mặt trời còn lâu mới mọc. Mẹ mở cửa chuông trâu, dắt trâu ra và cùng với chiếc cày trên vai, mẹ đi ra ruộng. Mẹ không chỉ đảm đang những công việc của người mẹ mà còn phải làm tất cả các việc của người đàn ông trong gia đình. Nhiều lần anh bảo mẹ là việc cày, bừa, mẹ cứ để mặc anh, nhưng mẹ muốn dành thời gian cho anh ngủ thêm một chút bởi ban đêm, anh đã học đến tận khuya. Cứ như vạy, mẹ chưa được một phút nghỉ ngơi. Công việc thật là vất vả, nhưng không vất vả thì làm sao mà nuôi nổi ba đứa con cùng ăn học. Anh mồ côi bố lúc anh mới lên mười tuổi và mẹ anh ở vậy nuôi các con. Chính vì thế anh càng thương mẹ. Anh nói rằng anh chỉ mong chiến tranh chóng qua đi, anh học xong để sớm được trở về quê hương, đất nước, được ngã vào lòng mẹ như ngày nào anh còn tuổi ấu thơ. Mẹ anh vất vả đã nhiều mà chưa có được một ngày sung sướng. Anh kể về người bố thường kể cho anh nghe những trận đánh thời chống Pháp mà ông tham gia. Cuộc sống của nhân dân Việt Nam và đặc biệt cảu những người bộ đội, dân công… trong chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thật gian khổ. Bố anh đã cùng đồng đội sống nhiều năm trong rừng sâu, núi thẳm, ăn sắn, ngô thay cơm và nhiều khi không có muối. Bằng tất cả nghị lực, tình yêu nước và lòng dũng cảm, bố anh đã vượt qua được nỗi buồn nhớ, cuộc sống nguy hiểm, vất vả mọi bề trong cuộc đời người chiến sỹ. Trong khi đó cũng có một số người, không chịu nổi, đã đào ngũ, trở về Hà Nội hoặc các thành phố khác…
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bố anh được trở về trong niềm vui vô hạn và tình yêu thương của vợ cin, họ hàng,làng xóm. Tuy nhìn bề ngoài lành lặn, nhưg bố anh phải mang trong mình căn bệnh sốt rét. Bố anh bị bệnh sốt rét vì những năm tháng phải sống trong rừng. Sau khi hai đứa em gái sinh đôi của anh ra đời được ba năm, bệnh sốt rét của bố anh bị nặng thêm và ông đã qua đời.
Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại, Nam thấy nhói đau. Anh không thể nào quên được làn da tái mét của bố mình và những cơn đau hành hạ ông cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Anh đã nghĩ rằng lúc đó nếu làm bất cứ điều gì để có thể cất được gánh nặng đó cho bố, anh không nề hà, do dự. Sự ra đi vĩnh viễn của bố anh đã để lại trong anh một vết thương lòng.
Khi biết bố tôi còn chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị nóng bỏng, Nam càng thương tôi và nhắc nhở tôi thường xuyên viết thư thăm bố, mẹ và chị gái. Hoàn cảnh gia đình có những nét chung càng gắn bó chúng tôi với nhau hơn.
Những ngày nghỉ học, chúng tôi cùng đọc và trao đổi về một cuốn sách hay, hoặc cùng các bạn tham gia các hoạt động thể thao. Nam thích bóng bàn, còn tôi lại chơi bóng chuyền.
Hồi còn ở nhà, tôi thường cùng các bạn chơi bóng chuyền trên bãi biển Đồ Sơn. Mỗi khi quả bóng bị đập quá đà, rơi xuống nước, tôi nhanh như sóc bơi ra xa để lấy bằng được. Tuy là con gái nhưng tôi cũng như một số bạn nữ cùng lớp hồi học ở trường phổ thông cấp II và cấp III, rất nghịch ngợm. Chúng tôi cũng chơi các trò chọi gà hay đánh khăng chẳng kém gì đám con trai. Học đến lớp bảy rồi mà  chúng tôi chẳng biết ngượng là gì cả. Đi học về, cả con trai và con gái cùng để sách vở, quần áo trên bờ, nhảy tùm xuống nước cùng bơi, cùng đùa nghịch ném cát, té nước vào nhau. Mỗi lần về muộn, bị mẹ mắng, tôi lại tìm cách chống chế rồi vội vàng làm gì đó cho mẹ tôi vui và quên đi tội nghịch ngợm của tôi. Tôi hay nghĩ nhưng chẳng bao giờ nghĩ ngợi được lâu điều gì cả. Mọi cái chóng đến rồi cũng chóng qua đi. Tôi không để bụng, không nhập tâm lâu những gì khồn đáng nhớ. Có điều gì khúc mắc, tôi muốn được giải quyết ngay để rồi được trở về trạng thái vô tư, sôi nổi vốn có của mình. Nam gần như ngược lại. Anh là một con nhg]ời sống có chiều sâu, giỏi chịu đựng đến khủng khiếp. Anh sống tình cảm và rất nội tâm. Những gì mà nói ra sẽ mang lại điều buồn hay suy nghĩ cho người thân, bè bạn, anh giữ kín trong lòng, anh tự chịu đựng một mình. Ngược lại khi có niềm vui, anh không ngại ngần, chia sẻ. Anh nói với tôi, có điều gì làm tôi buồn thì hãy cho anh được san sẻ. Nếu khả năng anh có thể giải quyết hay giúp tôi được dù một chút cỏn con, anh sẽ hết lòng. Bên anh, tôi cảm thấy mình được bao bọc, che chở. Anh bao giờ cũng nhận phần khó về mình. Mặc dầu chỉ hơn tôi hai tuổi nhưng anh thật chững chạc. Một lần, tôi hỏi anh:
Em cứ hay giở thói đành hanh với anh vậy, anh có chán không?
Nếu em biết mình như vậy thì anh tin em sẽ hạn chế được số lần. Còn anh, anh yêu em cả cái hay lẫn cái chưa hay của em và anh không bao giờ thấy chán.
Anh có thấy hạnh phúc khi ở bên em không?
Anh thật sự là người hạnh phúc. Nỗi bất hạnh lớn nhất của anh là nhìn thấy em bất hạnh, vì chúng mình…
Tháng 5 năm 1972, khi tôi chuẩn bị kết thúc năm học thứ nhất, một tin sét đánh đến với tôi sau giờ tan học. Thực ra, gia đình tôi đã giấu bặt tin đau đớn đó. Thông qua Tuấn, em của bạn tôi hồi học cùng phổ thông, một lưu học sinh vừa đến thành phố Lê-nin-grat để học, tôi được biết bố tôi đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh tại mặt trận Quảng Trị vào giữa năm 1971.
Từ ngày được sang Liên Xô học tập, tôi đã viết khá nhiều thư cho bố tôi và thỉnh thoảng cũng nhận được thư của bố tôi. Mỗi lần nhận được thư bố, thư mẹ hay thư chị gái, lòng tôi vô cùng sung sướng. Bố tôi rất vui vì kết quả học tập của tôi và thường động viên tôi nhiều. Cũng có lúc tôi băn khoăn tự hỏi sao lâu rồi không nhận được thư bố tôi. Khi tôi nói chuyện cùng Nam, anh lại bảo tôi rằng, chiến trường Miền Nam đang từng ngày từng giờ nóng bỏng vì bom đạn, việc liên lạc quả thật không dễ.
Khi nhận được tin, tôi chết lặng… Những kỷ niệm thời thơ ấu cứ hiển hiện về, và trỗi dậy trong tôi. Thời gian chị em tôi được sum họp với bố mẹ trong tuổi thơ thật là êm đềm nhưng lại mau qua biết bao. Vì yêu chị em tôi, bố mẹ tôi đã không nề quản điều gì. Mệ tôi đã bao thâu đêm suốt sáng, săn sóc tôi từng ly từng tý khi tôi còn nhỏ, dành cả kho tàng tình cảm âu yếm cho tâm hồn non nớt của tôi. Còn về phần bố tôi? Bố tôi luôn luôn tìm phương nghĩ kế để kiếm tiền để có thể đáp ứng mọi nhu cầu của chị em tôi. Có lúc tôi nghĩ tới điều đó và tự hỏi làm sao mà báo đền cho được. Tôi nhớ những đêm cả gia đình tôi quây quần quanh bếp lửa chỏ trong khoang thuyền đánh cá, giữa biển khơi, để cùng nướng mực, nướng cá, có lúc là nướng khoai lang…, nhớ những ngày tôi tập chèo thuyền cúng bố tôi. Vì tôi sức còn yếu mà sóng lại to nên tôi muốn cho thuyền đi hướng này, nó lại quay sang hướng khác. Khi mượn được chiếc thuyền máy, bố tôi dạy tôi cách điều khiển tay lái. Thấy tôi nhanh nhẹn, mạnh dạn và hiểu nhanh, bố tôi lấy làm tự hào lắm. Tôi nghe bố tôi nói với mẹ tôi:
Sau này nếu phải tiếp tục nghề sông biển, chắc cái Lan sẽ vững vàng hơn cái Linh nhiều. Nó nghịch ngợm nhưng lại tỏ vẻ mạnh dạn, cứng cỏi.
Ông cứ nói gở! con gái thì phải cố mà học để có được công việc đỡ lênh đênh, nguy hiểm hơn chứ. Báu gì cái nghề đánh cá của ông? Ông chẳng từng nói là thích cho các con đi vào những nghề làm điều thiện như nghề y, nghề dạy học đó sao.
Ừ thì tôi cứ nói vậy. Nhưng suy cho cùng, nghề gì chẳng là nghề, miễn là giỏi, cso tâm và ham mê làm việc. Hơn nữa, nghề đánh cá của tôi là nghề gia truyền, đã ba đời rồi còn gì.
Tôi nghe bố tôi cự lại lời của mẹ tôi nhưng cứ giả vờ như không nghe thấy. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại, tôi thấy bố quả là có lý. Mặc dù việc học hành đã đưa tôi rẽ sang một bước ngoặt khác nhưng tôi thấy dù làm nghề gì, công việc gì, cái cơ bản là nắm chắc tay nghề. Chẳng thế mà ông cha ta vẫn thường bảo một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Quả thật đàn ông bao giờ cũng nhìn xa trông rộng. Tôi còn nhớ, khi tôi đang học ở Liên Xô, trong một bức thư gửi tôi, những lời lẽ của bố tôi chan chưa tình cảm: “…Lan ơi, con có biết không? Khi con chưa yêu bố thì bố đã yêu con rồi, và mẹ con có lẽ còn yêu con hơn nữa. Cả bố mẹ đều yêu con khi con mới chỉ biết yêu bầu sữa mẹ. Bố sẽ mãi yêu con và mong con chóng khôn lớn trưởng thành và cũng mãi mãi yêu bố mẹ. Nhưng bố mẹ chỉ yêu các con khi các con biết yêu mến bổn phận và cố gắng làm tròn bổn phận đó. Muốn có tương lai tốt đẹp và có công việc ổn định, vững vàng, chỉ cần có hai điều là yêu thương và làm việc. Khi con học hành tử tế và làm vui lòng các thầy cô giáo, con sẽ cảm thấy thanh thản, khoan khoái hơn. Mọi tiến bộ đều nhờ ở sự làm việc. Nếu không làm việc, con người chẳng khác gì loài vật, những loài vật lười biếng, vì trên thế gian này vẫn còn những loài vật nêu gương cần cù như con ong, cái kiến…”. Đó là lá thư cuối cùng bố viết cho tôi.
°
 
Tôi lặng người nhớ lại và nỗi đau như đang lắng sâu vào lòng. Suốt hai ngày đêm, tôi nằm bẹp trên giường, đầu đau nhức nhối, người tôi như lên cơn sốt. Tôi phải nghỉ học và chẳng muốn ăn uống gì cả. Nam cũng nghỉ học cùng tôi. Anh không rời tôi nửa bước, lo cho sức khỏe của tôi. Những lúc đó, anh tìm cách động viên an ủi tôi, chăm cho tôi ăn và pha nước cam cho tôi uống. Tôi nghĩ đến hoàn cảnh của anh nên cũng thấy mình cần phải có nghị lực hơn. Rồi tôi hồi phục dần. Tôi tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia trong tình cảm với Nam, với bạn bè, thầy cô và những người yêu mến. Tôi hình dung nỗi đau xé ruột của mẹ tôi. Bao năm tháng mẹ vẫn một mình nhưng còn có niềm hy vọng sẽ có ngày được đón bố tôi trở về. Vậy là hết! “Mẹ ơi, mẹ chờ con nhé, con sẽ về cùng mẹ và chẳng bao giờ đi đâu nữa hết, con sẽ an ủi mẹ để những tháng ngày còn lại của mẹ, mẹ đỡ cô đơn, buồn tủi! Chờ con nhé nghe mẹ!”. Tôi nói thầm với mình như vậy.
Giờ đây mỗi lần nghĩ lại tình cảm và ý chí của mình lúc đó, tôi thấy hổ thẹn, ân hận. Tôi đã nghĩ được như thế. Vậy mà trong thực tế, tôi đã làm được gì cho mẹ tôi? Chẳng những là không mà ngược lại còn làm cho mẹ tôi phải suy nghĩ, buồn đau quá nhiều vì tôi.
Mẹ tôi là một cô gái xinh đẹp, người bé nhỏ, nhưng khuôn mặt trái xoan, làn da trắng mịn. Mẹ sinh ra trong một gia đình truyền thống gia phong, không quen nghề nông cũng chẳng biết gì về nghề ngư. Ông ngoại tôi làm nghề dạy học, còn bà ngoại tôi là thợ may tài ba của thành phố cảng Hải Phòng. Sau khi lấy bố tôi, con một gia đình làm nghề đánh cá, mẹ tôi đã bỏ học và từ đó gắn bó đời mình với nghề của gia đình nhà chồng. Bố tôi thoáng đãng, tự do trong suy nghĩ bao nhiêu thì mẹ tôi lai muốn giữ một cuộc sống nền nếp, gia phong cho gia đình, con cái bầy nhiêu. Dẫu bố mẹ tôi trái ngược về tính cách như vậy nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy bố mẹ tôi cãi cọ hay to tiếng với nhau. Có lẽ cũng có những lúc như vậy nhưng cả hai, đặc biệt là mẹ tôi, đều đã biết kiềm chế trước mặt con cái. Thi thoảng, tôi thấy mẹ tôi buồn, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhưng mẹ tôi đã nhanh chóng xóa tan phút giây đó để rồi vui với các con, bình thường hóa cuộc sống với bố tôi. Mẹ tôi luôn nói với chị em tôi: “Gái có công, chồng chẳng phụ” hoặc “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi nhỏ lửa, một đời không khê”… Quả thật mẹ tôi đã sống đúng như những gì mình đã nói. Bố tôi nóng tính, có những lúc nào đó ông giận và quát mắng chúng tôi. Dù biết bố tôi đúng hay sai đến mười mươi, trước mặt chúng tôi, bao giờ mẹ tôi cũng đứng về phía bố tôi. Sau đó, mẹ tôi mới lựa lời nói cho bố tôi hiểu nếu thấy ông sai.
Mẹ tôi là vậy! thế mà tôi lại chẳng thừa hưởng được cái đức tính đó. Những lúc mẹ tôi góp ý cho tôi về chuyện chồng con, tôi đã nghĩ rằng nền giáo dục truyền thống mà mẹ tôi được thừa hưởng lại có một khoảng cách quá lớn với cách suy nghĩ của tôi. Và tôi đã cho rằng lúc đó tôi cũng là người lớn lại đưpcj đào tạo ở một nước châu Âu… Tính tình chị Linh tôi giống mẹ nhiều hơn. Chị không có gì nổi trội nhưng cho đến nay, cuộc sống gia đình chị thật yên bình, êm ấm và có vẻ hạnh phúc. Tôi thầm cảm phục và cảm ơn chị ấy. Cũng may, mẹ tôi, trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, luôn có vợ chồng, con cái chị ấy bên cạnh. Chị ấy đã động viên an ủi mẹ tôi rất nhiều.
Ai cũng bảo tôi với mẹ tôi giống nhau như hai giọt nước nếu chỉ nhìn vào khuôn mặt của hai người. Tôi đã từng vui sướng và tự hào vì điều đó, để rồi giờ đây lại thấy lòng hối hận vì đã làm cho giọt nước kia chóng khô. Tôi thấy mình thật là đáng trách. Tôi không có được cái dịu dàng, nữ tính của mẹ mặc dù tôi cũng là người phụ nữ rất tình cảm, ưa cuộc sống tình cảm và cũng rất đắm đuối vì con.
 
°
Tôi tiếp tục lên năm thứ hai. Cùng với thời gian và sự nỗ lực phấn đấu, chúng tôi đã sử dụng được khá tốt cả tiếng Nga và tiếng Pháp, nhưng tiếng Nga vẫn tốt hơn về mặt khẩu ngữ vì mỗi lần đi du lịch hay đi chợ mua bán, chúng tôi vẫn theo dõi tin tức về cuộc chiến đang diễn ra trên quê hương, đất nước. Cuối năm 1972, thành phố Hải Phòng của chúng tôi đã bị tàn phá đến khủng khiếp vì những trận bom B.52 của giặc Mỹ. Chúng tôi thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề. Cùng với Nam, tôi tích cực tham gia vào những hoạt động của khoa, công tác của đoàn thanh niên lưu học sinh tại Nga do Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-xcơ-va chỉ đạo. Dẫu số tiền học bổng thật ít ỏi, chúng tôi cũng cùng nhau đóng góp gửi về Việt Nam ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tháng 5 năm 1973, chúng tôi nhảy lên sung sướng khi nghe tin Hiệp định Pa-ri về chiến tranh Việt Nam đã được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Đế quốc Mỹ đã tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, cả nước đang tập trung cho chiến trường miền Nam.
Một tuần sau khi nhận được tin thắng lợi đó, sinh viên Việt Nam ở bộ môn tiếng Pháp của chúng tôi cùng nhau tổ chức một buổi dạ hội, có tên là “Đêm dạ hội Việt Nam”. Chương trình của chúng tôi gồm ba phần: bắt đầu là giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam, tiếp đến là một số tiết mục văn nghệ và sau cùng là mời thầy cô giáo và các bạn Nga cũng như các bạn sinh viên các nước khác cùng thưởng thức một số món ăn Việt Nam do chúng tôi tự làm lấy như bánh phồng tôm, nem, nộm…
Là bí thư Liên chi đoàn, Nam trong vai trò trưởng ban tổ chức. Còn tôi được các bạn chỉ định lên giới thiệu Việt Nam qua tấm bản đồ. Lúc đầu tôi cũng thấy lo sợ và hơi run vì phải trình bày bằng tiếng Pháp, nhưng đến lúc thấy mọi người chăm chú lắng nghe, tôi như được động viên và lấy dần khí thế. Sau khi trình bày xong, tôi được cử tọa vỗ tay nồng nhiệt. Mấy bạn người Li-bi đã nói với tôi rằng, bài nói của tôi rõ ràng, khúc chiết và dễ theo dõi. Hầu hết giáo viên và sinh viên các nước trên thế giới có mặt hôm đó đều mừng cho chiến thắng của Việt Nam và họ nói, nhờ chúng tôi mà họ biết rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam nên càng khâm phục. Các tiết mục văn nghệ của chúng tôi cũng thu hút không kém sự chú ý của khán giả. Đặc biệt là điệu múa sạp vô cùng rôm rả. Gần cuối điệu múa, các bạn các nước cũng vào nhảy với chúng tôi. Tuy cso những lúc họ dẫm phải sạp do chưa quen nhưng thật là vui. Cuối cùng, phần thưởng thức các món ăn Việt Nam, chúng tôi không ngờ họ lại thích món nem ( chả giò ) đến thế. Vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Sau đó sinh viên các nước bạn cồn muốn ở lại để nhảy đầm nữa. Các bạn Việt Nam ai cũng mệt nhoài vì phần thì lo chuẩn bị, phần thì sợ kết quả buổi dạ hội không được như mong muốn. Vậy mà sau đêm đó, chúng tôi ai cũng phấn khởi vì thành công: một buổi dạ hội thật có ý nghĩa.
Liên chi đoàn chúng tôi đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-xcơ-va khen ngợi.
Nam và tôi vẫn luôn bên nhau. Nam thường đọc nhiều và rất nhớ. Mỗi lần có dịp đến cùng tôi, anh kể cho tôi nghe nhiều thông tin bổ ích về tình hình trong nước và các nước trên thế giới. Từ ngày bố tôi mất, Nam như chiều chuộng tôi hơn. Có lẽ anh muốn bù đắp phần nào tình phụ tử thiếu hụt trong tôi. Còn tôi, tôi vẫn không bỏ được thói đỏng đảnh, “ bắt nạt” anh. Mỗi lần như vậy, nhìn đôi mắt anh đượm vẻ buồn, tôi thấy thương thương, tội tội nhưng trong lòng lại lấy làm mãn nguyện. Giờ đây nghĩ lại, tôi biết anh cũng là người đàn ông cứng cỏi, có chính kiến nhưng anh nhường tôi có lẽ vì tính tình tôi tỏ ra còn trẻ con quá, hiếu thắng quá. Tôi đã nghĩ rằng mình thật may mắn khi có anh. Dù cá tính trái ngược nhưng chúng tôi hợp nhau đến từng chi tiết, từng quan diểm về học hành, phấn đấu nghề nghiệp và sự nghiệp tương lai. Bạn bè ai cũng mừng cho chúng tôi và từng nói: “Thật đẹp đôi”.
tôi được. Khi tôi bước vào năm học cuối cùng thì cũng là lúc Nam tốt nghiệp cử nhân. Anh tốt nghiệp vào loại xuất sắc. Nam là người luôn chấp hành kỷ luật của khoa, cảu trường, cảu Đại sứ quán Việt Nam, vì vậy dù yêu tôi và rất buồn khi phải xa người yêu nhưng anh cũng đã quyết định không xin kéo dài thời gian ở Liên Xô, à về nước đúng hạn. Tuần nào anh cũng viết thư đều đặn cho tôi. Thư anh viết thường không dài, câu văn không bay bướm, nhưng chứa đựng tình cảm sâu lắng, thủy chung, hiền hậu. Anh kể cho tôi nghe cuộc gặp gỡ giữa anh với mẹ và hai em gái anh ngày đầu tiên anh về thật vảm động. Mẹ anh vui lắm, bảo em anh đi nấu ngay cho anh một nồi xôi xéo vì hồi ở nhà anh rất thích món ăn đó mà suốt những năm ở Liên Xô anh đâu cso được ăn. Mẹ anh vội vàng nấu một ấm nước chè xanh, rồi bảo các em anh đi mời bà con chòm xóm sang uống nước mừng anh về.
Ngay ngày hôm sau anh đến thăm mẹ tôi và gia đình chị tôi. Mẹ tôi đã có cảm tình với anh ngay từ lần đầu gặp gỡ. Anh chị tôi cũng thấy quý mến anh.
Sau hai tháng về nước, Nam được nhận ngay vào một cơ quan đối ngoại của nhà nước.
Thời gian đầu của năm học cuối cùng, tôi thấy thời gian trôi qua thật chậm chạp. Có lẽ Nam đã quá lo lắng cho tôi, nên vắng anh, tôi thấy hẫng hụt vô cùng. Rồi năm học đó cuối cùng cũng trôi qua. Ngày tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Lê-nin-grat là ngày sung sướng nhất đối với tôi, tôi được nhận bằng loại ưu: Bằng đỏ (theo cách gọi của sinh viên Việt Nam học ở Liên Xô ngày đó).