Thật sự tôi không dám quay về quá khứ cái mà người ta gọi là thuyền nhân. Chỉ có những người thật sự đã vượt biển Đông mới có sự sợ hãi và cảm xúc mạnh khi nhìn thấy những tấm hình, hay những bức tượng trên đài kỷ niệm, hay những bài ca, videos đầy nước mắt. Cuốn Paris by Night "30 Năm Viễn Xứ" mà vợ tôi mua với tác phẩm “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển” mở đầu của chương trình do Như Quỳnh trình diễn cùng với như bối cảnh cha lìa con, chồng lìa vợ, … trong một đêm khuya thanh vắng ở một góc nào của cửa biển. Lời ca, tiếng hát, và bối cảnh cứ đập mạnh vào đầu óc tôi, khơi dậy tiềm thức sâu thăm thẳm kia đã nằm yên lặng hơn ba mươi năm. Tôi chỉ xem đoạn đầu thôi, nhưng rồi tôi phải vội vả bỏ đi nơi khác. Bởi lẽ, hình như dòng nước mắt muốn chựt trào ra mà tôi sợ tôi không ngăn kịp. Tôi không muốn lòng tôi phải tiếp tục nặng trĩu với những u sầu nầy bởi vì tôi phải còn lo bương bãi hằng ngày với cuộc sống ở nơi đất khách quê người. Cứ cho là tôi quên đi quá khứ chứ nếu không tôi vẫn tiếp tục nhớ những cô gái mang thai bất dắt dĩ với những tên hải tặc dã man. Cứ không tôi vẫn nhớ thảm cảnh của người cậu thân yêu rớt xuống biển đông vô tận bởi cái dao răng để dùng chặt nước đá nghiệt ngã. Cứ không tôi vẫn nhớ những năm tháng vô tận đứng ngồi chờ những thùng nước sắp dài ròng rọc trong trại tị nạn. Tôi vẫn nghĩ, tôi là người đại phước trong cuộc vượt biển kinh hoàng nầy. Tôi và gia đình tới bến một cách bình an, vô sự. Những năm tháng dài đăng đẳng, con tôi chưa đầy thôi nôi khi vừa lên đảo. Vừa lúc mười tám tháng, Mẫn, con gái đầu lòng của tôi, mắc phải bịnh viêm phổi (double pneumonia). Tôi nghĩ rằng nó phải vong mạng ở trên bán đảo Malaysia nầy cũng nhưng trăm đứa trẻ khác, đứa thì mắc phải sốt xuất huyết, đứa thì bị viêm phổi, đứa thì bị sốt rét,…. Nói cho đúng ra những chứng bệnh này không là những chứng bệnh nan y theo y học hiện đại, mà là điều kiện y tế không có. Cái phước lại đến với tôi. Trong thời kỳ nguy kịch, tôi được lịnh đi nước thứ ba. Và con tôi kịp thời chửa trị. Mặc dù sự may mắn đến vói tôi trong những ngày tháng đó, nhưng nó không có nghĩa là tôi quên được những niềm đau và uất hận của những thuyền nhân khác. Những gì tai nghe mắt thấy vẫn hình như muôn đời nằm kín trong tiềm thức tôi cho dầu tôi không muốn làm chứng nhân của bi kịch nầy. Những ngày trong trại tị nạn tôi bao giờ cũng ấp ủ một niềm tin mãnh liệt rằng "Cuối đường hầm là cây xanh bóng mát, cuối đêm dài là ánh sáng của rạng đông". Ánh sáng bây giờ của tôi đã quá trưa, không còn là rạng đông nữa. Nhưng tôi hy vọng nó vẫn muôn đời là ánh sáng rạng đông của thế hệ sau. Một dịp tình cờ ai lại nhắc, Ác mộng biển đông khắc khoải lòng. Năm dài tháng vắn mong phai nhạt, Sao ai nhắc lại chuyện đau thương. Tác giả: Trương Văn Tú San Jose, CA 14 Tháng 2, 2009