Tôi nhìn qua hàng rào dây kẽm gai, từ trong một trại tị nạn dẫy đầy người và hơi ngạt. Mặc dù là vậy, nhưng tôi cảm thấy thoải mái hơn vì mặt trời cũng đã ngả bóng, lại thêm chiếc lều tị nạn của tôi nó nằm sát dọc bờ biển, gió biển chầm chậm thổi vào. Màn đêm đang phủ xuống, bên cạnh lều tôi cách khoảng hơn mười bước là một bàn thờ Phật Bà. Bàn thờ hướng về biển Đông, nơi mà người ta nghĩ rằng có thể cầu vái linh thiêng hơn. Hương khói ngút ngàn, nhất là vào ngày mồng một và ngày rằm. Người đến cầu xin cho mình thì nhiều; còn người thành tâm cầu nguyện và có được tâm Phật thì chắc có lẽ ít lắm. Trước mắt tôi là biển cả mênh mông. Vùng biển cả nầy đã một lần tôi và gia đình tôi cùng các em lênh đênh trên ấy. Bây giờ thì tôi có cảm giác ớn lạnh nếu tôi đi trở lại với chiếc thuyền con 45 mã lực chứa hai trăm mấy người chen chúc trên ấy. Bây giờ tôi không thấy biển cả là đẹp, là thơ mộng nữa! mà là một sự khủng khiếp, và kinh hoàng …. Đêm bây giờ buông xuống; sóng vỗ ì ạch vào bờ. Tôi lấy làm lạ là tại sao những đợt sóng lại phát ra những ánh sáng. Ánh sáng tôi biết chắc rằng không phải bởi vừng trăng trên đầu vì tôi biết hôm nay không có ánh trăng nào cả. Có người bảo tôi bởi vì nước biển mặn. Điều nầy có lẽ đúng bỡi lẽ chất muối của biển là tinh thể khối hoàn hảo của sodium chloride (NaCl) tạo thành ánh sáng hay dạ quang (luminescene), và có lẽ bởi những nhân tố khác. Từng đợt, từng đợt sóng phát ra nguồn sáng xanh rợn. Chiếc tàu mang số VT206 chở đầy dân vượt biển mà ngày hôm trước họ cũng vất vả nhảy vào bờ cũng như tôi trong vài tháng trước, vẫn còn nằm dài trên bãi cát. Phần sau chiếc đuôi tàu thì chìm lỉm dưới mặt biển. Nhưng phần đầu chiếc tàu thì vẫn còn ngoi ngóp trên mặt cát. Chiếc tàu bị huỷ hoại sau khi các thuyền nhân đã lên bãi. Họ làm thế để tránh chính quyền địa phương kéo ngược họ ra biển. Số mệnh của những thuyền nhân vượt biển nầy không biết ra sao, nhưng trước mắt họ vẫn còn ở ngoài bãi nằm rãi rác và cách chiếc tàu của họ khoảng 200m. Người ta không biết số mệnh mình sẽ ra sao khi bắt đầu cuộc phiêu lưu mà biển cả sẽ sẵn sàng nuốt chửng mạng sống họ; nhưng trước mắt là cuộc sống khốn khổ, cùng cực, và khủng bố của một chế độ với chính sách hà khắc của một chính quyền mới. Họ phải ra đi dù không biết mạng sống của họ sẽ phải thế nào đi nữa. Nhiều người đã phải bỏ mạng vì tìm tự do, và vì cuộc sống an lành. Họ đã làm mồi ngon cho biển cả, và đàn cá mập đói khát. Họ còn những cái không ngờ là họ sẽ là miếng mồi ngon cho bọn cướp biển Thái Lan nữa; cũng sẽ là đối tượng của bọn cướp biển Thái Lan làm ô nhục danh tiết, đôi khi lại phải mang cả chứng bịnh phong tình, hoa liễu một cách đắc dĩ và với những cái bào thai nghiệt ngã phải trụt đi để thôi nó sẽ mang vào ngàn năm ác mộng trong cuộc đời. (Tỉ lệ người bị mắc phải phong tình trong trại tị nạn gia tăng theo môi trường sinh hoạt trong trại. Thống kê này căn cứ theo lời của nhân viên y tế Liên Hiệp Quốc ở trại và nơi khác.) Một câu chuyện của Khổng Phu Tử làm tôi nhớ lại khi ông ta đi ngang một rừng hoang thì thấy một thiếu phụ đang khóc lóc với ba cái mộ xanh. Ông ta mới hỏi người thiếu phụ “Tại sao bà khóc thê thảm vậy? Mà lại lăn từ mộ nầy qua mộ khác?” Bà ta trả lời: “Đây là mộ của ba chồng tôi, còn đây là mộ của chồng tôi”. Phu Tử lại hỏi tiếp: “Làm sao họ lại chết?”. Bà goá phụ trả lời: “Họ đều bị cọp vật chết.” Phu Tử lại hỏi tiếp: “ Thế còn cái mộ mới xanh kia là của ai?” Bà goá phụ trả lời: “Đấy là cái mồ của con trai tôi.” Phu Tử lấy làm lạ lại hỏi tiếp: “Thế tại sao hắn lại chết?” Bà góa phụ lại trả lời: “Con tôi cũng bị cọp vật chết.” Phu Tử lại lấy làm lạ, không ngăn được sự thắc mắc và tò mò nên lại hỏi tiếp: “ Thế bà đã biết vậy tại sao không ra ngoài thành thị mà ở, mà lại ở nơi rừng thiêng, cọp dữ như thế nầy?” Bà goá phụ lại trả lời: “Ông không biết ở ngoài ấy đầy sự khủng bố, hành hạ, đói khát, thuế má, …. của các quan huyện, chính quyền. Gia đình tôi ở nơi thâm sơn cùng cốc nầy đây với cọp dữ nhưng mà vẫn thấy yên tâm hơn.” Câu chuyện cho thấy đấy là lý do của những người vượt biển. Chính sách hà khắc vẫn còn hơn con cọp dữ. Chiếc ghe vượt biển VT206, sau cả tháng trời ở ngoài bãi, các thuyền nhân của ghe nầy lại bị lôi lên chiếc ghe đánh cá khác và bị đưa trở ra ngoài biển do chính quyền địa phương Mã Lai, bởi lẽ chiếc VT206 nầy không còn sử dụng được nữa. Chiếc ghe đánh cá “mới” nầy chắc có lẽ được để lại do những người vượt biển khác(?). Với số tàu VT tôi nghĩ chiếc ghe chắc phải phát xuất từ Vũng Tàu. Nếu thật là vậy, thì ít nhất họ phải cơ cực lênh đênh trên mặt biển hơn 10 ngày mới đến được nơi nầy. Một lần nữa họ lại phải lênh đênh trôi trên mặt biển vớI chiếc ghe cá “mới”. Duy nhứt chỉ còn một người bị bịnh đang nằm ở bệnh viện nếu không hắn cũng phải cùng số phận như những người khác. Vài hôm sau, căn cứ theo lời của nhân viên Cao Ủy Liên Hiệp Quốc cho biết chiếc ghe nầy đã được tàu Ý vớt đi và tất cả những thuyền nhân này sẽ được định cư ở Ý. Người đang ở lại trong trại tị nạn đang được chữa trị nầy cũng sẽ được xum họp với gia đình một ngày gần đây. Thật sự tôi không hiểu tại sao họ lại đẩy những người tị nạn nầy ra biển rồi lại được tàu Ý vớt được. Phải chăng đây là một sự sắp sẵn của chính quyền địa phương, hay là một sự may mắn ngẫu nhiên? Dầu sao, tôi thành tâm chúc phúc cho họ với những điều may mắn tốt lành và mong đó là sự thật. Trương Văn Tú Cherating Camp, Kuantan, Malaysia 20 Tháng 7, 1979