Dịch giả: DOÃN ĐIỀN
Chương IV
KHỦNG BỐ. ĐE DỌA

Trong bếp hết sức lộn xộn. Xoong, chảo, bàn ghế chổng chơ, nghiêng đổ. Những mảnh vỡ của bát đĩa rải rác khắp nền. Những tấm tranh bị giật rách khỏi vách gỗ...
Cánh cửa ra vào ở phòng nhỏ tồi tàn của lán Gămbađu hé mở. Ti-đu nhẹ nhàng ẩy cửa vào. Một cảnh tượng hoang vắng, đau thương... Giường ván xộc xệch, quần áo, chăn gối tung tóe bừa bãi. Còn Gămbađu thì nằm vật xuống nền, im lìm bất động; tay chân bị trói bằng những sợi đây ni-lông mảnh nhưng chắc, giống như những sợi dây căng tăng bạt khi cắm trại.
- Thật khốn khổ!- Ma-đi chép miệng. Có lẽ anh ấy chết rồi!
Nha-phơ-rông cúi xuống, áp tai vào ngực người bị hại.
- Không, anh ấy còn thở... chỉ ngất đi thôi. Mau lên, cầm con dao lại đây!
Tông-đuy rút con dao con nhiều lưỡi trong túi quần ra, cắt đứt sợi dây trói. Gămbađu vẫn không động đậy. Ma-đi tát vào hai bên má anh mấy cái, còn Nha-phơ-rông thì đắp chiếc khăn ướt lên trán anh.
Sau đó, Gămbađu mở mắt ra, ngây dại nhìn ra xung quanh.
- Anh đừng sợ! Chúng tôi là những người bạn của anh ở nhà trọ Ca-bơ-rét đến đây!- Ma-đi nói.
Dường như anh ta không nghe được gì. Phải mười phút sau, Gămbađu mới lấy lại được trí nhớ. Tông-đuy và La Ghiơ đỡ anh dậy. Anh lảo đảo, thân thể mềm nhũn, môi trên sưng vù và tím bầm. Bỗng nhiên nét mặt anh tỏ vẻ kinh hoàng. Anh lầm bầm: "Thằng khùng! Thằng khùng! Nó đâu rồi?"
Anh ngước mắt lên vách ván của phòng anh:
- Đồ khùng!...
Nhóm thiếu niên, học sinh nhìn nhau:
- Đứa nào khùng?... Kẻ hành hung anh phải không?
- Con chó của tôi, con chó mà ngày xưa tôi đã...
Anh bò bằng bốn chân trên sàn nhà nhặt hai mảnh của một tấm ảnh bị xé rách, giật từ vách xuống, tấm ảnh của một con chó.
Anh lật đi lật lại hai nửa tấm ảnh bị xé mà rên rĩ:
- Đúng là nó tìm cái này đây.
Ma-đi hỏi:
- Anh nói về người nào thế?
- Về cái tên đã gây ra cho tôi tình trạng này đây. Bài thơ, tôi giấu sau tấm ảnh con chó kia phía trên giường nằm của tôi.
Anh thở dài:
- Ôi! Giá như tối qua tôi đưa cho các bạn tờ giấy chép bài thơ đó!
- Có ai biết là anh đã giấu nó trong lán của anh không?
- Không ai biết cả. Bản gốc đã bị lấy mất cách đây mười lăm năm cùng với những giấy tờ khác do tên cướp trang trại của chú tôi hồi đó.
Ti-đu nói:
- Thế sự việc này có hai vấn đề cần đặt ra. Một là tên cướp đó đã giữ bài thơ và giải được mã, thế thì hắn đến đây làm gì? Hai là ngày trước hắn đã lấy được và thấy đó là một tờ giấy không có gì quan trọng, và hắn không có nghi ngờ gì cả. Thế làm sao hắn lại biết anh đã sao chép lại bài thơ đó và anh đang giữ?
Gămbađu lắc đầu. Chính anh cũng chẳng biết gì cả. Tông-đuy hỏi:
- Tên đã hành hung anh, dáng dấp ra làm sao?
- Hơi cao, to lớn hơn tôi. Nó bịt một chiếc mùi soa dưới con mắt trở xuống, không thể nào nhận được mặt nó.
- Lúc đó là mấy giờ?
- Mười hai giờ rưỡi đêm.
- Anh có nói cho ai ở trong làng hay ở nơi khác biết về bài thơ đó không? 
- Tôi đã bảo với các bạn rồi là tôi chưa hề cho ai biết ngoài các bạn ra.
- Khi tên lạ mặt đó đến, hắn có nói gì với anh không?
- Không. Hắn đánh ngay tôi một cú, vật tôi xuống đất rồi trói tôi lại. Tôi chỉ nghe được tiếng lục soát khắp nhà tôi rồi tôi ngất đi, chẳng còn biết gì nữa.
Ma-đi nói:
- Cần phải trình cảnh sát.
Nghe đến "cảnh sát", Gămbađu rùng mình.
- Không... không... không cảnh sát cánh siếc gì cả.
- Tại sao vậy? - Ti-đu hỏi - Anh có điều gì liên lụy à?
- Không, chẳng có gì cả... nhưng tôi làm cái lán này trên đất công mà không có giấy phép. Tôi biết ông lý trưởng muốn cái lán của tôi phải dỡ bỏ. Nếu cảnh sát điều tra vụ này thì nhân thể lý trưởng buộc tôi phải dỡ lán... Thế thì tôi lại phải khai ra bài thơ Ca ngợi mặt trăng nữa... Không, tôi không trình cảnh sát đâu.
- Được được! - Ti-đu nói để anh yên lòng vì thấy anh đã đến độ nổi nóng - Anh cứ yên tâm, chúng tôi sẽ giữ bí mật tuyệt đối cho anh.
Rồi cậu nói thêm:
- Vậy thì anh có muốn chúng tôi giúp gì anh không?
Gămbađu không trả lời. Ngồi xổm trên sàn anh lại nhìn những mảnh giấy rách của tấm ảnh. Rồi anh ngẩng đầu lên:
- Vâng, các bạn giúp tôi với.
- Vậy thì để bắt đầu, chúng ta hãy dọn dẹp lại nhà cửa đã. Ma-đi nói.
Ngồi trên chiếc ghế đẩu, Gămbađu lặng lẽ nhìn mọi người xếp lại gọn gàng hai gian phòng. Công việc đó không phải là ít. Ma-đi thu dọn lại xoong nồi, bát đĩa trong khi đó thì Nha-phơ-rông là tay tháo vát nhất trong bọn leo lên mái tôn để dựng lại ống khói của bếp lò.
Khi mọi người đã làm xong việc đâu vào đấy, Ti-đu tuyên bố:
- Bây giờ chúng ta hãy chép lại bài thơ để giải mã có được không?
Gămbađu giơ hai tay lên trời như thể người ta ép anh làm một việc bất đắc dĩ. Tuy nhiên anh cũng rời chiếc ghế đẩu đi tìm bút chì và giấy viết nhưng chẳng thấy.
- Tôi đã có đây rồi - Nha-phơ-rông vừa nói vừa rút từ túi áo ra cuốn sổ tay và chiếc bút bi.
Gămbađu ngồi vào bàn, tay run run không viết được. Anh ấp úng:
- Tôi ... tôi không tài nào viết nổi, ai viết hộ đi.
- Thế thì anh đọc, tôi chép cho - Nha-phơ-rông dịu dàng nói với anh.
Gămbađu chậm rãi đọc, để vừa nhớ lại từng câu, từng chữ và cũng để cho Nha-phơ-rông viết kịp. Khi bài chính tả đã viết xong, Nha-phơ-rông đút sổ tay vào túi và nói:
- Anh cứ bình tĩnh, không ai còn có thể đến lấy trộm của chúng tôi được... Việc này, anh có thể tin ở chúng tôi.
Thấy Gămbađu còn băn khoăn, Ma-đi bèn hỏi:
- Anh có cần gì không? Chẳng hạn anh đã có gì ăn chưa?
- Tôi không đói. Tôi xoay xở được mà. Bây giờ cứ để tôi một mình ở đây.
Những người "Bạn đồng hành" không nói gì thêm, sợ bất thần anh lại nổi nóng vì họ thấy  tay anh đã nắm chặt tay lại. Vả lại họ cũng vội trở về nhà trọ Ca-bơ-rêt để giải mã bài thơ vô nghĩa đó.
- A lê hấp! Chúng ta bắt tay vào ngay đi! Ti-đu sốt sắng nói khi đã về đến nhà trọ - Các cậu nghe kỹ đây. Theo tớ thì cứ cho là những chữ cái đầu tiên của mỗi câu thơ tức là những chữ viết bằng mực đỏ trong bản gốc sẽ lập thành một câu. Nào tớ nhắc lại là chữ cái thường gặp nhất trong bài là chữ "e", sau đó là chữ "s". Ta lấy chữ "g" biểu thị cho chữ "e" và chữ "u” biểu thị cho chữ "s".
Nha-phơ-rông cắt ngang:
- Nói cách khác là những chữ cái đầu dòng phải xê dịch lên hai nấc trong thứ tự bảng chữ cái abc... phải không?
Cậu rút bút bi ra và xé một tờ giấy trắng trong sổ tay, xê dịch những chữ viết hoa đầu dòng lên hai nấc trong bảng Thứ tự an-pha-bê thì được một dãy chữ cái của hai mươi bốn câu thơ như sau:
F.U.N.F.M.E.T.E.R.A.M.O.S.T.E.N.D.E.S.P.R.O.N.S.
Tờ giấy được chuyền tay từ người này đến người khác. Chẳng có một ai, ngay cả Ma-đi dù sáng suốt nhất cũng không thể xếp những chữ cái đó để thành một câu có nghĩa:
La Ghiơ gợi ý:
- Chúng ta thử đọc ngược từ dưới lên xem sao?
Chao ôi! Nó vẫn thế, những chữ đó chẳng có ý nghĩa gì cả.
Đã quá trưa, mọi người mới nhận ra là quên cả việc chuẩn bị cho bữa ăn; Ma-đi tuyên bố:
- Muộn rồi, chúng ta đi ăn quán!
Họ bước vào phòng ăn và thấy hôm nay có thêm khách ngồi ở hai bàn mới. Một bàn là gia đình gồm bố mẹ và hai đứa con; còn bàn kia chỉ có độc một người đàn ông; người này ném một cái nhìn hết sức kỳ dị vào bọn trẻ khi họ bước vào.
Nha-phơ-rông nói cộc lốc rất khẽ:
- Lại vị nào mới đến thế này nhỉ? Một đại diện nhà buôn chắc?
- Không lẽ - Ma-đi nói - ông này không có cái dáng đó. Những khách buôn thường ăn mặc lịch sự để tiếp xúc với bạn hàng chứ!
Suốt cả buổi ăn đám học sinh kín đáo quan sát con người đó. Ông ta có bộ mặt buồn buồn, khó ở.
Vợ chồng, con cái gia đình kia sau khi ăn xong đứng lên, bước ra xe con, lên đường ngay về hướng Garon-Thượng; còn người đàn ông kia còn ngồi nán lại trước đĩa thức ăn tráng miệng với anh mắt mơ hồ. Bọn trẻ cũng ngồi lại, chờ cho ông ta đứng lên trước. Ông ta không bước ra khỏi quán ăn mà lại leo lên cầu thang về phòng nghỉ. Thế là Nha-phơ-rông liền hỏi bà chủ quán:
- Bà lại có một khách đến nghỉ trọ?
- Ông ấy đến từ tối qua. Một con người thật tội nghiệp. Ông đến đây để tìm sự khuây khỏa ở nông thôn. Ông ấy đã kể cho tôi nghe là vợ ông vừa chết, vì thế thần kinh ông bị chấn thương. Tên ông ấy là Sác-chi-ê.
- Bà có biết ông ấy làm nghề gì không?
- Từ khi bỏ lệ ghi phiếu trọ thì chúng tôi không biết. Đối với khách hàng, họ nói với chúng tôi thế nào thì chúng tôi biết vậy. Còn anh, anh nghĩ gì nếu ai cũng biết bí mật về nghề nghiệp của người khác?
Nha-phơ-rông không nài hỏi nữa. Hai nhà địa chất, hay mạo danh là địa chất, đã rời khỏi phòng ăn. Đến lượt mình, những người "Bạn đồng hành" cũng đứng lên để di thăm Gămbađu. Họ thấy anh ta đang nằm dài trên giường, đôi mắt mơ màng. Thấy họ đến, anh bật dậy sốt sắng hỏi:
- Thế nào? Các bạn tìm ra chưa?
- Chưa! Ti-đu đáp. Chúng tôi đã thử đủ cách. Có thể anh nhầm. Bài thơ về mặt trăng đó không có vẻ gì là một bức thư cả... hay là nó khó dịch, chúng ta phải nhờ đến nghiệp vụ chuyên môn?
- Nhất thiết đừng làm thế - Gămbađu phản đối - Các anh đừng để cho ai xem cái đó.
Rồi anh nói thêm:
- Có đúng là mới có một người đến nghỉ trọ ở quán ăn không? Một người đàn ông độc thân chứ?... Còn người cắm trại căng lều vải, vẫn ở đó chứ? Ở đấy anh ta vừa quan sát được hồ, lại vừa quan sát được cái lán của tôi phải không?
Nhũng người "Bạn đồng hành" không biết nên trả lời ra sao. Gămbađu coi tất cả những người lạ đến địa phương này đều là kẻ thù hết. Phải chăng cái đó đã thành tiềm thức? Thế nhưng sự việc hiển nhiên đã xảy ra. Một người lạ mặt đã trói anh, phá phách lều lán của anh.
Tông-đuy đã chất vấn anh một số câu khác. Có thật chú anh là một người giàu không? Trang trại và ruộng vườn đắm chìm dưới đáy hồ có một giá trị to lớn lắm phải không?... Anh chỉ lắc đầu mà không trả lời.
Vậy là những người "Bạn đồng hành" cùng con chó rời khỏi túp lều, làm một cuộc dạo chơi quanh vùng. Vẫn theo đường cũ, họ đi qua trước tăng bạt mà họ đã quan tâm đến. Người chủ của nó nằm dài bên ngoài tăng, trên một cái đệm hơi bằng cao su cạnh một giá vẽ.
Người đàn ông giật mình khi nghe tiếng động. Anh nhổm dậy ngay và phản đối:
- Các anh không thể cùng con chó của các anh đi dạo một nơi khác được ư? Đây là lần thứ hai các anh cố tình qua đây? Các anh coi tôi là một con vật lạ lùng lắm có phải không?
Sự trách cứ đó đã chọc tức Nha-phơ-rông làm cho cậu hết sức bực bội nên cậu cũng nóng nảy đối đáp lại:
- Nếu người ta thích ở tách biệt thì nên đừng ở sát đường đi. Người ta nên cắm lều bạt ở trong rừng cây, vì rừng có phải là hiếm hoi gì cho cam?
Người đàn ông cân nhắc điều gì đó rồi lại nằm xuống cái đệm hơi bằng cao su.
Khi đi đã xa, Ma-đi còn quay mặt lại và thấy người đó nhìn theo họ.
Về đến trại thì vừa đúng sáu giờ. Ma-đi sắp sửa mở cửa thì con Ka-phi xông vào trước đánh hơi. Có vật gì đó trăng trắng chuồi qua dưới cửa. Ma-đi cúi xuống, nhặt lên một mẫu bìa cứng bằng cỡ tấm danh danh thiếp nhưng không có tên, mà chỉ có địa chỉ. Cô đọc to mấy dòng chữ ghi trên đó:
"Hãy để cho Gămbađu được yên. Hắn là một thằng điên. Nếu không nghe, các anh sẽ phải trả giá đắt?"