Dịch giả: Sa môn Thích Huyền Dung
- 1 -

Tội từ tâm khởi
Cũng từ tâm diệt
Tội diệt tâm không
Cả hai đều hết
Nguyện nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng ba chướng tiêu trừ.  Nguyện tân duyên, cựu duyên, oan trái duyên, mọi duyên giải thoát.
Tựa
Con người là trung tâm điểm.  Hoạt động của con người chi phối hết thảy.  Cho nên muốn xây dựng một xã hôi mới, trước hết phải đối mới chính con người.
Đó là điều mà khi nào nói đến đạo Phật ta cũng phải nhớ, bởi vì đạo Phật là đạo căn bản, chú trọng đến cái căn bản là con người.  Cho nên hầu hết phương pháp đạo Phật đều thiết lập trên sự xác nhận ấy.  Thí dụ phương pháp sám hối là một.
Sám hối nghĩa là tự giác, đổi mới, để đi đến địa vị hoàn nhân: một nhân cách hoàn toàn viên mãn, mới mẻ.  Mà con người đã là trung tâm điểm thì con người phải mới đã, xã hội, gia đình của con người mới.  Còn con người bị bỏ rơi, thì cái gì vào tay con người ấy cũng nguy hiểm; và kết quả, con người đã cũ, thì gia đình xã hội con người ấy dù được gọi hạnh phúc, cũng chỉ là đau khổ trá hình.
Cho nên sám hối là phương pháp cần thiết giúp cho những người thành thật muốn tự đổi mới, muốn xây dựng một xã hội an lạc.
Nhưng muốn sám hối phải làm sao?  Phải có sự tự giác ở trong và phải có sự quy hướng ở ngoài giúp thêm.
Sự tự giác ở trong hệ trong là 4 điều này:
1. Tàm quí: thấy nhân cách thấp kém là tự sỉ nhục.
2. Yếm ly: thấy thân mệnh là vật đáng hy sinh.
3. Bồ đề tâm: lập chí cứu người cứu vật.
4. Quán thân Phật: đó là một hoàn nhân mà ta phải thực hiện cho kỳ được.
Sự quy hướng ở ngoài thì không ngoài Tam Bảo:
1. Phật Đà: đấng giác ngộ thật sự.
2. Đạt Ma: sự thật của vạn vật.
3. Tăng Già: người thật hành sự thật.
Đức Phật từng dạy: "ngã ở đâu chống ở đó" và dạy: "tội từ tâm sinh phải do tâm diệt."
Cho nên sám hối thì trong phải có các tâm thù thắng, ngoài phải cầu các đấng đại giác.  Cầu nguyện các đấng đại giác là cầu sự chứng minh của các vị hoàn nhân để giúp cho ta bền chí hoàn thành cái địa vị ấy.  Còn sự cầu đảo chỉ là cầu đảo...
Do những điều trình bày trên, bây giờ ta có thể thấy sám hối là phương pháp cần thiết cho tất cả mọi người ở trong mọi trường hợp.  Một xã hội an lạc có thể thật hiện dễ dàng, nếu tất cả mọi người đều có chút tự giác trong mỗi một hành động, rằng "có hợp lý không?"
Và trong ba tạng Tháng giáo, bộ thủy sám phổ thông nhất là vì thế.
Nhận thấy sự quan hệ ấy nên trong kỳ an cư năm 2512, pháp hữu tôi, thầy giảng sư Thích Huyền Dung, vừa hành sám vừa phiên dịch bộ Thủy Sám nầy ra quốc ngữ.  Khi hoàn thành rồi, có hai pháp hữu Trí Đức và Trí Nghiễm khảo duyệt.  Thật là một công đức viên mãn.  Tôi nhất tâm tùy hỷ nên viết mấy hàng để giới thiệu tính cách hệ trọng của phương pháp sám hối và bộ Thủy Sám nầy.
Ngày kỷ niệm xuất gia của Bổn Sư năm 1513
Thích Trí Quang
Duyên khởi
Thiết nghĩ ngoài những kinh, luật, luận của Thánh giáo đã phiên dịch, nhiều sách vở của hiền nhân chế tác về sau đều do nơi sự cảm ứng mà làm ra.  Nếu riêng từng phẩm loại mà nói, thì không dễ gì kể ra cho hết được.  Ngay như bản linh văn này mà gọi là Thủy Sám, tôi xin nói rõ căn do.
Thuở xưa về triều vua Đường Ý Tôn có một vị quốc sư hiệu là Ngộ Đạt, tên là Tri Huyền.  Lúc chưa hiển đạt, ngài thường gặp gỡ nhà sư ở đất kinh sư trong một ngôi chùa nọ.  Nhà sư ấy mắc bị Ca la ma (bịnh cùi) ai cũng gớm, chỉ có ngài Tri Huyền là gần gũi hỏi han, không hề nhàm chán.  Nhân khi chia tay, nhà sư vì quá cảm kích phong thái của ngài Tri Huyền mới dặn rằng:
- Sau này có nạn chi ông nên qua núi Cửu Lũng tại Bành Châu đất Tây Thục tìm tôi và nhớ trên núi ấy có hai cây tùng làm dấu chỗ tôi trú ngụ.
Sau đó ngài Ngộ Đạt quốc sư đến ở chùa An Quốc thì đạo đức của ngài càng vang khắp.  Vua Ý Tôn thân hành đến pháp tịch nghe ngài giảng đạo.  Nhân đó vua mới ân tứ rất hậu cho ngài cái pháp toạ bằng gỗ trầm hương và từ đó trên đầu gối của ngài bỗng nhiên mọc mụn ghẻ tựa như mặt người, đau nhức khôn xiết!  Ngài cho mời tất cả các bậc danh y, nhưng không ai chữa được.  Nhân ngài nhớ lại lời dặn trước bèn đi vào núi mà tìm.
Trên đường đi, trời đã mờ tối, trong khoảnh âm u mây bay khói tỏa mịt mù, ngài nhìn xem bốn phía, bỗng thấy dạng hai cây tùng ngài mới tin rằng lời ước hẹn xưa kia không sai.  Ngài liền đi ngay đến chỗ đó, quả nhiên thấy lầu vàng điện ngọc lộng lẫy nguy nga, ánh quang minh chói rọi khắp nơi.  Trước cửa nhà sư đang đứng chờ đón ngài một cách thân mật.
Nhân ở lại đêm, ngài Ngộ Đạt mới tỏ hết tâm sự đau khổ của mình.  Nhà sư ấy nói:
- Không hề gì đâu, dưới núi này có một cái suối, sáng ngài rửa mụn ghẻ ấy khỏi ngay.
Mờ sáng hôm sau một chú tiểu đồng dẫn ngài ra ngoài suối.  Ngài vừa bụm nước lên rửa thì mụn ghẻ kêu lên:
- Đừng rửa vội.  Ông học nhiều biết rộng đã khảo cứu các sách cổ kim mà có từng đọc đến chuyện Viên Áng, Tiều Thố chép trong bộ Tây Hán chưa?
- Tôi có đọc.
- Ông đã đọc rồi có lẽ nào lại không biết chuyện Viên Áng giết Tiều Thố vậy.  Thố bị chém ở chợ phía Đông oan ức biết dường nào.  Đời đời tôi tìm cách báo thù ông, song đã mười kiếp ông làm bực cao tăng, giới luật tinh nghiêm, nên tôi chưa tiện bề báo oán được.  Nay vì ông được nhà vua quá yêu chuộng nên khởi tâm danh lợi làm tổn giới đức, tôi mới báo thù được ông.  Nay nhờ ngày Ca Nhã Ca tôn giả lấy nước pháp tam muội rửa oán cho tôi rồi, từ đây trở đi tôi không còn báo oán ông nữa.
Ngài Ngộ Đạt nghe qua hoảng sợ liền vội vàng bụm nước dội rửa mụn ghẻ làm nhức nhối tận xương tủy, chết giấc hồi lâu mới tỉnh.  Khi tỉnh lại thì không thấy mụn ghẻ ấy nữa.  Nhân đó ngài mới biết thánh hiền ẩn tích kẻ phàm tình không thể lường được.  Ngài muốn trở lên lạy tạ vị sư, nhưng ngó ngoảnh lại thì ngôi bửu điện kia đã biến mất tự bao giờ.  Vì thế ngài bèn lập một cái thảo am ngay chỗ ấy và sau trở thành một ngôi chùa.  Đến năm Chí Đạo triều nhà Tống mới sắc hiệu là "Chí Đức Thiền Tự".  Có một vị cao tăng làm bài ký sự ghi chép việc này rõ ràng.
Khi đó ngài Ngộ Đạt nghĩ đến nỗi oan trái đã bao đời nếu không gặp thánh nhân thì do đâu giải khỏi được.  Vì cảm niệm cái ơn tế độ lạ lùng ấy, ngài mới thuật ra pháp sám này để mai chiều lễ tụng, sau truyền bá khắp thiên hạ.
Ba quyển sám đây tức là bài văn của ngài làm ra lúc đó vậy.
Nghĩa chính của bài văn này là lấy nước tam muội rửa sạch nghiệp oan nên mới đặt tên là Thủy Sám.  Lại ngài Ngộ Đạt cũng vì cảm điềm dị ứng của đức Ca Nhã Ca nên dùng tên ấy mà đặt tên bộ sám văn này để đáp cái thâm ân kia.
Nay tôi kể rõ sự thật và nêu công của tiên đức để cho những người đọc bộ sám văn nầy, hoặc lễ hoặc tụng đều biết được sự tích của tiên hiền vì lẽ nhân quả tuy nhiều kiếp cũng không sai chạy.
(Bài này tôi cố tìm tên tác giả mà không thấy).
Phần nghi lễ
Cúng hương tán Phật
Nguyện thử diệu hương vân,
Biến mãn thập phương giới.
Cúng dường nhất thế Phật,
Tôn pháp chư Bồ Tát.
Vô biên Thanh Văn chúng,
Cập nhất thế Thánh Hiền
Duyên khởi quang minh đài,
Xứng tánh tác Phật sự.
Phổ huân chư chúng sanh,
Giai phát Bồ đề tâm
Viễn ly chư vọng nghiệp,
Viên thành vô thượng đạo.
(Xá 3 xá rồi đọc bài kỳ nguyện)
Kệ tán dương Phật Bảo
Pháp vương vô thượng tôn
Tam giới vô luân thất
Thiên nhơn chi Đạo Sư
Tứ sanh chi Từ Phụ
Ư nhứt niệm quy y
Năng diệt tam kỳ nghiệp
Xưng dương nhược tán thán
Ức kiếp mạc năng tận.
Kỳ nguyện
Tư thời đệ tử chúng đẳng phúng tụng kinh chú, xưng tán Hồng Danh, tập thử công đức, nguyện thập phương thường trú Tam Bảo, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đại bi hội thượng Phật Bồ Tát, từ bi gia hộ Phật tử... pháp danh... phiền não đoạn diệt, nghiệp chướng tiêu trừ, thường hoạch kiết tường, vĩnh ly khổ ách.  Phổ nguyện: âm siêu dương giới, hải yến hà thanh, pháp giới chúng sinh, tề thành Phật đạo.
(đứng dậy cắm hương lên lư rồi chắp tay đứng thẳng và niệm lớn)
Quán tưởng
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,
Ngã thử đạo tràng như Đế châu,
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.
- Chí tâm đảnh lễ: nam mô tận hư không, biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trụ Tam Bảo. (1 lạy)
- Chí tâm đảnh lễ: nam mô Ta Bà Giáo Chủ, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 lạy)
- Chí tâm đảnh lễ: nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 lạy)
Tán dương chi
Dương chi tịnh thủy,
Biến sái tam thiên,
Tánh không bát đức lợi nhơn thiên,
Pháp giới quảng tăng diên...
Diệt tội tiêu khiên,
Hỏa diệm hoá Hồng liên.
Nam mô Thanh Lương Địa Bồ Tát (3 lần)
Chú Đại Bi
Nam mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát (3 lần)
Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni.
Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da.  Nam mô a rị da.  Bà lô kiết đế thước bát ra da.  Bồ đề tát đỏa bà da.  Ma ha tát đỏa bà da.  Ma ha ca lô ni ca da.  Án tát bàn ra phạt duệ.  Số đát na đát tỏa. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da.  Bà lô kiết đế thất phật ra lăng đà bà.  Nam mô na ra cẩn trì.  Hê rị ma ha bàn đa sa mế.  Tát bà a tha đậu thâu bằng.  A thệ dựng.  Tát bà tát đa, na ma bà dà.  Ma phạt đạt đậu.  Đát điệt tha.  Án, a bà lô hê, lô ca đế.  Ca ra đế, ca ra đế.  Di hê rị.  Ma ha bồ đề tát đỏa.  Tát bà tát bà.  Ma ra ma ra, ma hê ma hê rị đà dựng.  Cu lô cu lô kiết mông.  Độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế.  Đà ra đà ra.  Địa rị ni.  Thất phật ra da, dá ra dá ra, mạ mạ phạt mạ ra.  Mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na.  A ra sâm phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm.  Phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị.  Ta ra ta ra, tất rị tất rị.  Tô rô tô rô.  Bồ đề dạ bồ đề dạ.  Bồ đà dạ bồ đà dạ.  Di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na.  Ba dạ ma na, ta bà ha.  Tất đà dạ, ta bà ha.  Ma ha tất đà dạ, ta bà ha.  Tất đà du nghệ.  Thất bàn ra dạ, ta bà ha.  Na ra cẩn trì, ta bà ha.  Ma ra na ra, ta bà ha.  Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha.  Ta bà ma ha a tất đà dạ, ta bà ha.  Ba đà ma kiết tất đà dạ, ta bà ha.  Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha.  Ma bà lị thắng kiết ra dạ, ta bà ha.  Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da.  Nam mô a rị da, bà lô kiết đế.  Thước bàn ra dạ, ta bà ha.  Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha. (3 lần)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
Khai kinh kệ
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa.
Từ Bi Tam Muội Thủy Sám
Pháp từ bi thủy sám
(quyển thượng)
Tất cả chư Phật, thương xót chúng sinh, nói pháp lập đàn Thủy Sám.  Chúng sinh vì nghiệp cấu nặng nề nên không một ai tránh khỏi tội lỗi.  Những kẻ phàm phu bị màn vô minh che lấp, gần gũi bạn ác, phiền não loạn tâm, tính không hiểu biết, nên cứ buông lòng tự thị, không tin tưởng mười phương chư Phật, không tin tôn pháp cùng các bậc thánh tăng, bất hiếu cha mẹ, không kính nhường bà con.  Tuổi trẻ phóng túng, kiêu căng ngạo mạn, đối với các vật quí báu, các thứ ca nhạc, các sắc đẹp trai gái thường sinh tâm tham luyến, ý khởi phiền não, lân la với người hư, tập tành theo bạn ác, không biết chừa đổi.  Hoặc giết hại các giống sinh linh, hoặc uống rượu mê man mất hết trí tuệ, rồi thường cùng với chúng sinh tạo nghiệp phá giới.  Những tội lỗi ở quá khứ, cùng tội ác ở hiện tại, ngày nay chí thành xin sám hối hết thảy, còn các tội lỗi về sau không dám làm nữa.
Bởi thế hôm nay chúng con dốc lòng thành kính quy y hết thảy các đức Phật, các vị đại Bồ Tát, Bích Chi, La Hán, Phạm Vương Đế Thích, Thiên long bát bộ và tất cả thánh chúng trong mười phương hư không thế giới cầu xin dũ lòng chứng giám.
Lễ Phật và Bồ Tát
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật,
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Nam mô A Di Đà Phật,
Nam mô Di Lặc Phật,
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật,
Nam mô Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật,
Nam mô Ca Sa Tràng Phật,
Nam mô Sư Tử Hống Phật,
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát,
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát,
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát,
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát,
Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát,
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.
Đảnh lễ các đức Phật rồi, lại đến sám hối.  Nhưng muốn lễ sám trước phải kính lễ Tam Bảo, vì Tam Bảo là bạn lành, là ruộng phúc của tất cả chúng sinh.  Nếu qui hướng Tam Bảo thì diệt được vô lượng tội, thêm được vô lượng phúc khiến người làm đạo thoát khổ sinh tử, được vui giải thoát.  Vì vậy cho nên chúng con tên là...
Quy y hết thảy chư Phật trong mười phương hư không thế giới. (1 lạy)
Quy y hết thảy tôn Pháp trong mười phương hư không thế giới. (1 lạy)
Quy y hết thảy thánh Tăng trong mười phương hư không thế giới. (1 lạy)
Sở dĩ ngày nay chúng con sám hối, chính vì từ vô thỉ nhẫn lại, còn ở địa vị phàm phu bất cứ sang hèn, tội lỗi không lường: hoặc do ba nghiệp gây nên tội lỗi, hoặc bởi sáu căn gây nên tội lỗi, hoặc vì nội tâm vọng tưởng, hoặc vì ngoại cảnh mê hoặc sinh lòng nhiễm trước.
Như thế cho đến mười điều ác nghiệp, tám vạn bốn ngàn trần lao.  Những tội lỗi ấy tuy nhiều vô lượng, nhưng không ngoài ba điều: phiền não, nghiệp chướng, quả báo ba ác pháp này, là pháp chướng ngại thánh đạo, ngăn trở quả báo tốt đẹp nhân thiên.  Thế nên kinh gọi là ba chướng, vì vậy chư Phật, Bồ Tát dạy làm những pháp phương tiện sám hối trừ diệt.  Ba chướng ấy diệt thì sáu căn, mười ác, cho đến tám vạn bốn ngàn trần lao thảy đều thanh tịnh.
Hôm nay chúng con tên là..., đem hết lòng thành, vận tâm thù thắng sám hối ba chướng.  Muốn diệt ba chướng phải dùng những tâm niệm này: trước phải phát bảy tâm thù thắng làm phương tiện, sau mới trừ diệt.
Một là tâm tủi hổ; hai là tâm e sợ; ba là tâm chán xa; bốn là tâm bồ đề; năm là tâm oán thân bình đẳng; sáu là tâm nghĩ báo ân Phật; bảy là tâm quán xét tội tính vốn không.
Thứ nhứt tâm tủi hổ, là tự nghĩ ta với đức Thích Ca đồng là phàm phu, mà đức Thế Tôn đã thành đạo đến nay trải qua nhiều số kiếp như cát bụi, chúng ta thì lại còn cùng nhau say đắm lục trần trôi lăn trong vòng sinh tử, chưa biết bao giờ ra khỏi.  Như thế thật là đáng thẹn đáng hổ nhất trong thiên hạ.
Thứ hai tâm e sợ, đã làm phàm phu thì thân, khẩu, ý nghiệp thường thuận ưng với tội lỗi.  Bởi nhân duyên ấy sau khi chết phải đoạ vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh chịu khổ vô cùng.  Như thế thật là đáng kinh đáng sợ.
Thứ ba tâm chán xa, là chúng ta thường cùng nhau quán sát trong đường sinh tử, chỉ là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, hư giả như bọt nước nổi, tan, xoay vần qua lại như bánh xe lăn; còn thêm sinh, già, bịnh, chết, tám khổ, nung nấu không dừng.  Chúng ta xem xét ngay trong thân thể, từ đầu đến chân có 36 thứ: tóc, lông, răng, móng, ghèn, nước mắt, nước mũi, nước miếng, gàu, mồ hôi, đại tiện, tiểu tiện, da dày, da mỏng, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, mỡ chài, mỡ nước, óc, màng, lá lách, thận, tim, phổi, gan, mật, ruột dạ dày, đàm đỏ, đàm trắng, sinh tạng, thục tạng, thường bài tiết ra chín lỗ.  Nên trong kinh nói: thân này là chỗ chứa các khổ não, đầy dẫy bất tịnh, nên kẻ trí giả chẳng hề yêu dấu.  Trong vòng sinh tử đã có những cái xấu xa như thế, thực là đáng lo đáng chán!
Thứ tư phát tâm Bồ đề.  Kinh nói: "Nên muốn thân Phật vì thân Phật tức là pháp thân.  Pháp thân ấy do vô lượng công đức trí tuệ sinh ra, do tu sáu pháp ba la mật sinh ra, do từ bi hỉ xả sinh ra, do tu 37 pháp trợ bồ đề sinh ra.  Do những công đức trí tuệ ấy sinh ra thân Như Lai.  Muốn được thân đó thì phải phát tâm Bồ đề, cầu được nhất thiết chủng trí, thường, lạc, ngã, tịnh, chứng quả Tát Bà Nhã thanh tịnhh Phật độ, thành tựu chúng sinh, chẳng tiếc thân mạng tài sản.
Thứ năm tâm oán thân bình đẳng, là đối với tất cả chúng sinh, mở lòng từ bi không phân nhân ngã.  Vì nếu còn thấy kẻ oán khác với người thân, tức còn có sự phân biệt.  Bởi có phân biệt mới có chấp trước, bởi có chấp trước mới sinh phiền não, bởi sinh phiền não mới tạo nghiệp dữ, bởi tạo nghiệp dữ mới chịu quả báo.
Thứ sáu tâm nghĩ báo ân Phật.  Đức Như Lai từ vô lượng kiếp đã vì chúng ta mà bỏ cả đầu, mắt, tủy, não, tay chân, xương thịt, quốc thành, vợ con, voi ngựa, thất bảo, tu hành khổ hạnh.  Ơn ấy, đức ấy thật khó báo đền.  Vì vậy kinh nói: Giả sử đầu đội vai mang, trải qua số kiếp như hằng hà sa, cũng khó đền đáp ơn Phật.  Chúng ta muốn đền đáp công ơn của đức Như Lai, trong đời này phải dũng mãnh, tinh tiến, gắng chịu khổ nhọc không tiếc thân mệnh, gây dựng Tam Bảo, hoằng dương giáo pháp đại thừa, hóa độ chúng sinh, đồng vào ngôi Chính Giác.
Thứ bảy tâm quán xét tội tính không thật, là tội không tự tính, do nhân duyên sinh, do điên đảo thành, đã do nhân duyên sinh thì cũng do nhân duyên diệt.  Nhân duyên sinh tội tức là gần gũi bạn ác, gây nghiệp vô cùng.  Nhân duyên diệt tội tức là ngày nay tịnh tâm sám hối.  Thế nên kinh dạy: "Tội tính không phải ở trong, không phải ở ngoài, không ở chặng giữa.  Nên biết tội tính vốn không."
Khởi bảy thứ tâm như trên ấy rồi, lại duyên tưởng đến mười phương chư Phật cùng các hiền thánh.  Cung kính chấp tay phơi bày tâm can tỏ lòng cầu khẩn hổ thẹn sám hối.  Sám hối như thế, tội nào không diệt, phúc nào không sinh.  Nếu không hết lòng sám hối, cứ lần lữa biếng nhác, tình tự buông lung thì chỉ khổ nhọc cho mình, chứ không ích lợi gì cả.  Vả lại mạng người vô thường như quay bó đuốc.  Khi hơi thở không trở lại thì thân này đồng như tro đất, khổ báo trong ba đường, chính mình phải chịu, không thể nhờ tiền tài, của báu lo để thoát khỏi, ở mãi trong cảnh mịt mù không có kỳ hạn ân xá, riêng mình chịu khổ, không ai thay thế.
Đừng cho rằng trong đời này ta không gây tội, mà không ân cần cầu sám hối, vì trong kinh nói: "Kẻ phàm phu mỗi khi động chân cất bước là đã có tội."  Lại trong những đời quá khứ đã gây nên nhiều điều ác nghiệp, không thể kể xiết, nó thường theo dõi như bóng theo hình.  Nếu không sám hối thì tội ác càng ngày càng sâu.  Nên biết rằng hễ che dấu tội lỗi mình, thì Phật còn không dung cho, tỏ bày để sám hối thì ngài Tịnh Danh kính chuộng.  Bởi thế nên biết chúng sinh bị chìm đắm mãi trong bể khổ cũng do thói hay che dấu tội lỗi.  Vì vậy ngày nay chúng con xin phát lộ sám hối, không dám che dấu.
Ba chướng: một là phiền não, hai là nghiệp chướng, ba là quả báo.  Ba thứ chướng này làm nhân cho nhau, như do phiền não mới sinh ác nghiệp, do ác nghiệp mà phải chịu khổ báo.  Vì thế ngày nay chúng con xin hết lòng sám hối.
Thứ nhất sám hối các nghiệp chướng phiền não, vì những phiền não ấy đều do ý gây ra, vì khi ý nghiệp phát khởi, thì thân nghiệp, khẩu nghiệp theo đó phát động.  Ý nghiệp có tham lam, có giận dữ, có ngu muội; bởi ngu muội mới sinh tà kiến mà gây lắm việc ác.  Vì vậy kinh nói: "Ba nghiệp tham, sân, si làm cho chúng sinh đoạ lạc trong ba đường: địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, chịu khổ vô cùng.  Nếu được làm người cũng phải chịu những ác báo phiền não: nghèo nàn, túng thiếu, côi cút lại thêm tính nết hung hăng càn bướng, ngu độn, không biết phải quấy.
Ý nghiệp đã gây nhiều ác quả như thế, nên ngày nay chúng con dốc lòng đem hết thân mệnh nương về chư Phật, cầu xin sám hối.
Những phiền não ấy, chư Phật, Bồ Tát, các bậc thánh nhân, đã thấu tỏ chân lý, đủ mọi điều quở trách.  Gọi phiền não này là oán gia, vì phiền não làm dứt mất tuệ căn, tuệ mạng của chúng sinh; cũng gọi phiền não này là giặc cướp, vì cướp mất các pháp lành của chúng sinh; cũng gọi phiền não này là cái thác chảy mạnh, vì lôi cuốn chúng sinh vào bể khổ sinh tử; cũng gọi phiền não này là xiềng xích, vì ràng buộc chúng sinh trong ngục sinh tử không khi nào ra khỏi, cứ phải quanh quẩn mãi trong sáu nẻo bốn loài, gây nghiệp ác vô cùng, chịu quả khổ không ngớt.  Thế mới biết những hoạn họa ấy đều do phiền não mà ra.  Cho nên ngày nay vận tâm tăng thượng cầu xin sám hối.
Từ vô thỉ đến nay, chúng con hoặc chịu quả báo trong sáu đường, hễ có tâm thức, thường ôm mối ngu hoặc đầy dẫy tâm can, hoặc nhân mầm tam độc tạo nên tất cả tội, hoặc nhân tam lậu  tạo nên tất cả tội, hoặc nhân tam khổ tạo nên tất cả tội, hoặc duyên tam đảo tạo nên tất cả tội, hoặc tham tam hữu tạo nên tất cả tội.  Những tội như thế vô lượng vô biên não loạn tất cả bốn loài chúng sinh trong sáu đường.  Ngày nay hổ thẹn đều xin sám hối.
Lại nữa chúng con từ vô thỉ nhẫn lại, hoặc nhân bốn trụ tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn lưu tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn thủ tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn chấp tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn duyên tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn đại tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn móc phọc tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn tham tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bốn sinh tạo nên tất cả tội.
Những tội như thế vô lượng vô biên, não loạn tất cả chúng sinh trong sáu đường.  Ngày nay hổ thẹn, đều xin sám hối.
Lại nữa chúng con từ vô thỉ nhẫn lại, hoặc nhân năm món trụ tạo nên tất cả tội, hoặc nhân năm món cái tạo nên tất cả tội, hoặc nhân năm món xan tạo nên tất cả tội, hoặc nhân năm món kiến tạo nên tất cả tội, hoặc nhân năm tâm tạo nên tất cả tội.  Những phiền não như thế vô lượng vô biên, não loạn tất cả chúng sinh trong sáu đường, ngày nay tỏ bày cầu xin sám hối.
Lại nữa chúng con từ vô thỉ nhẫn lại, hoặc nhân sáu căn tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu thức tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu tưởng tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu thụ tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu hành tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu ái tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu nghi tạo nên tất cả tội.  Những phiền não như thế vô lượng vô biên, não loạn tất cả chúng sinh trong sáu đường, ngày nay hổ thẹn tỏ bày, cầu xin sám hối.
Lại nữa chúng con từ vô thỉ nhẫn lại, hoặc nhân bảy món lậu tạo nên tất cả tội, hoặc nhân bảy món sử tạo nên tất cả tộ, hoặc nhân tám món đảo tạo nên tất cả tội, hoặc nhân tám món cấu tạo nên tất cả tội, hoặc nhân tám khổ tạo nên tất cả tội.  Những phiền não như thế vô lượng vô biên, não loạn tất cả chúng sinh trong sáu đường, ngày nay tỏ bày, cầu xin sám hối.
Lại nữa chúng con từ vô thỉ nhẫn lại, hoặc nhân chín não tạo nên tất cả tội, hoặc nhân chín kiết tạo nên tất cả tội, hoặc nhân chín duyên tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười phiền não tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười một biến sử tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười hai nhập tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười sáu tri kiến tạo nên tất cả tội, hoặc nhân mười tám giới tạo nên tất cả tội, hoặc nhân hai mươi lăm ngã tạo nên tất cả tội, hoặc nhân sáu mươi hai kiến tạo nên tất cả tội, hoặc nhân chín mươi tám sử tạo nên tất cả tội, hoặc nhân một trăm tám phiền não của kiến hoặc tư hoặc, đêm ngày bập bùng mở cửa hữu lậu gây nên tất cả tội, não loạn thánh hiền và bốn loài chúng sinh, đầy dẫy ba cõi, tràn khắp sáu đường, không còn chỗ trốn lánh.  Ngày nay hết lòng cầu khẩn, hướng về mười phương chư Phật, tôn Pháp, thánh chúng, hổ thẹn giải bày đều xin sám hối.
Nguyện nhờ công đức sám hối tất cả phiền não ba độc, chúng con nguyện đời đời kiếp kiếp được ba thứ trí tuệ, ba món sáng tỏ, diệt được ba khổ, đầy đủ ba nguyện.  Lại nguyện nhờ công đức đã sám hối tất cả phiền não vì bốn món thức... chúng con... đời đời kiếp kiếp được mở rộng bốn tâm bình đẳng, lập bốn tín nguyện, diệt bốn đường ác, được bón vô uý.  Nguyện nhờ công đức đã sám hối tất cả phiền não vì năm món cái... chúng con... đời đời kiếp kiếp, qua khỏi được năm đường, dựng được năm căn, năm thứ tịnh nhãn, thành tựu năm phần pháp thân.  Lại nguyện nhờ công đức đã sám hối tất cả phiền não của sáu thụ... chúng con... đời đời kiếp kiếp được đầy đủ sáu món thần thông, sáu phép lục độ, không bị sáu trần mê hoặc, thường làm được sáu diệu hạnh.  Lại nguyện nhờ công đức đã sám hối tất cả phiền não vì bảy lậu, tám cấu, chín kiết, mười triền... chúng con... đời đời kiếp kiếp được ngồi trên  hoa thất tịnh, được tắm người bát giải, đủ trí cứu đoạn, thành tựu hạnh thập địa.
Lại nguyện nhờ công đức đã sám hối tất cả phiền não vì mười một biến sử, mười hai nhập, mười tám giới... chúng con... đời đời kiếp kiếp được hiểu mười một món không, tâm thường nương những món không ấy, tự tại chuyển nói mười hai hành pháp luân, đầy đủ mười tám món bất cộng pháp, vô lượng công đức đều viên mãn.
Phát nguyện xong, chí tâm kính lễ chư Phật.
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật
Nam mô Bổn Sư Thích
Nam Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật
Nam mô Long Tự Tại Vương Phật
Nam mô Bảo Thắng Phật
Nam mô Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật
Nam mô Ca Sa Tràng Phật
Nam mô Sư Tử Hống Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát
Nam mô Địa Tạng Bồ Tát
Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.
Đảnh lễ chư Phật rồi kết lại sám hối.
Phép sám hối chính là sửa đổi sự lỗi lầm đã qua, diệt ác làm lành.  Người đời ai không lỗi, như bậc hữu học lỡ mất chính niệm còn bị phiền não nổi lên, bực La Hán có lúc kết tập phát khởi cũng còn phạm phải những nghiệp thân, khẩu, ý huống kẻ phàm phu sao khỏi tội lỗi.  Những người có trí biết trước, liền ăn năn hối lỗi, còn kẻ ngu si dấu diếm nên tội thêm tràn đầy, chất chứa lâu ngày không biết khi nào tỏ ngộ.  Nếu biết hổ thẹn giải bày sám hối không những diệt được tội lỗi, còn thêm vô lượng công đức, gây dựng quả vị Niết bàn vi diệu của Như Lai.  Muốn thật hành phép sám hối, trước hết, thân phải nghiêm trang tề chỉnh, chiêm ngưỡng tôn trọng, tâm phải khởi ý cung kính, theo pháp quán tưởng, hết lòng cầu khẩn, để tâm suy nghĩ hai điều: thứ nhất phải suy nghĩ thân mệnh khó giữ thường còn, một khi tan nát không biết đến bao giờ được lại.  Nếu không gặp chư Phật cùng các bậc hiền thánh, lại gặp phải bạn ác, tạo thêm nhiều tội nghiệp, sẽ bị đoạ lạc chốn hiểm hang sâu.  Thứ hai phải tự nghĩ ngày nay ta tuy gặp chánh pháp Như Lai, lại không biết vì Phật pháp nối dõi giống thánh, tẩy sạch ba nghiệp thân, khẩu, ý, để cư xử theo thiện pháp.  Lại riêng làm việc ác, cố ý che đậy, nói người khác không biết, kẻ kia không thấy dấu kín trong lòng ngang nhiên không hổ thẹn.  Như thế thật là một điều hết sức ngu hoặc trong thiên hạ.
Mười phương chư Phật, chư đại Bồ Tát cùng các vị thiên thần, lúc nào lại không dùng thiên nhãn thanh tịnh, mà soi thấy hết những tội ác của chúng ta gây tạo.
Vả lại, các thần linh ở chốn u minh ghi chép tội phúc không sai một mảy may nào.  Nói đến những người đã làm nên tội lỗi, sau khi chết rồi bị ngục tốt đầu trâu thâu bắt tần hồn đem nạp trước mặt Diêm Vương để tra xét điều phải trái.  Bấy giờ tất cả kẻ oán cừu đang làm chứng nói: "Người trước kia mổ ta, giết ta, nấu, hầm, rang nướng ta,..." hoặc nói: "Trước kia ngươi cướp bóc lấy hết tiền bạc ta, ly gián quyến thuộc ta, ngày nay ta mới có dịp ở trước ngươi làm chứng cớ rõ ràng đâu còn dấu diếm", chỉ đành cam chịu những tội lỗi trước.
Trong kinh nói rõ: ở địa ngục không bao giờ xử oan.  Người nào ngày thường gây những tội gì, tuy đã quên mất, nhưng đến khi chết rồi, tất cả hình tướng ấy do các nghiẹp ác độc tạo nên từ trước đều hiện ra, nói: "xưa kia ngươi ở bên ta tạo những tội ác như thế, nay làm sao dấu diếm được?"  Lúc đó tội nhân không còn chỗ nào che đậy.  Ngay lúc ấy Diêm Vương nghiến răng quở trách rồi cho vào địa ngục, trải vô lượng kiếp chẳng hòng thoát khỏi.  Việc đó chẳng phải xa lạ mà cũng không quan hệ gì với người, chính tự mình tạo tự mình phải chịu, dù chí thân như cha con, một khi quả báo đối đầu, cũng không thay thế cho nhau được.
Vậy nay chúng ta cùng được làm thân người khoẻ mạnh không bệnh tật, nên gắng sức tu hành tranh đua cùng thọ mệnh, khi đại nạn xẩy đến, hối hận không kịp.  Bởi thế chúng con dốc lòng, cầu xin sám hối.
Từ vô thỉ đến nay, chúng con bị vô minh che khuất tâm trí, do phiền não tạo các nghiệp ác trong ba đời.  Hoặc say đắm dục lạc sinh ra phiền não ham muốn, hoặc giận dữ bực tức sinh ra phiền não hãm hại, hoặc tâm trí tối tăm sinh ra phiền não không hiểu rõ, hoặc ngã mạn tự cao sinh ra phiền não ngạo nghễ, hoặc nghi ngờ chánh đạo sinh ra phiền não do dự, hoặc bác không nhân không quả sinh ra phiền não tà kiến, hoặc không biết thân cảnh do nhân duyên giả hợp sinh ra phiền não chấp ngã, hoặc mê làn trong ba đời sinh ra phiền não chấp thường chấp đoạn, hoặc gần gũi tà pháp sinh ra phiền não kiến thủ, hoặc theo lầm tà sư sinh ra phiền não giới thủ, cho đến do tất cả bốn món chấp thành ra phiền não chấp trước sai lầm... ngày nay chí thành, đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, bởi có tính bo bo lẫn tiếc, sinh ra phiền não keo bẩn, bởi không thấu nhiếp sáu căn, sinh ra phiền não buông lung, bởi để tâm làm những việc xấu xa ác độc, sinh ra phiền não bất nhẫn, bởi biếng nhác trễ nãi sinh ra phiền não không siêng năng, bởi hay ngờ vực lo nghĩ bông lông, sinh ra phiền não giác quán, bởi xúc cảnh mê hoặc sinh ra phiền não không hiểu biết, bởi theo tám thói xấu ở đời sinh ra phiền não nhân ngã, bởi dối trá khen trước mặt, chê sau lưng sinh ra phiền não tâm không ngay thẳng, bởi thô cứng khó dạy sinh ra phiền não không điều hòa, bởi dễ giận khó vui sinh ra phiền não uất hận, bởi hay ghen ghét đâm thọc sinh ra phiền não thâm độc, bởi trái với thánh đạo sinh ra phiền não chấp tướng, bởi không biết pháp tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo sinh ra phiền não điên đảo, bởi cứ theo chiều sinh tử không diệt được mười hai nhân duyên sinh ra phiền não luân chuyển, cho đến do vô minh trụ địa, từ vô thỉ khởi ra hằng sa phiền não, khởi tứ trụ địa, gây thành khổ quả trong ba cõi.  Khổ quả phiền não vô lượng vô biên, não loạn hiền thánh, bốn loài chúng sanh trong sáu nẻo.  Ngày nay giải bày trước mười phương chư Phật, tôn Pháp, thánh chúng, đều xin sám hối.
Nguyện nhờ công đức đã sám hối những phiền não tham, sân, si do ý nghiệp khởi ra, đời đời kiếp kiếp bẻ tràng kiêu mạn, khô nước ái dục, tắt lửa sân hận, phá tối ngu si, nhổ gốc nghi hoặc, xé lưới tà kiến, biết rõ ba cõi như ngục tù, tứ đại như rắn độc, ngũ ấm như kẻ thù, lục nhập rỗng không, dối trá thân thiện, siêng tu tám món thánh đạo, dứt nguồn vô minh nhắm thẳng Niết bàn không hề dừng nghỉ, luôn luôn để tâm làm theo ba mươi bảy phẩm trợ đạo, cùng mười phép ba la mật thường được hiện tiền.
Sám hối phát nguyện rồi, hết lòng tin tưởng kính lễ thường trụ Tam Bảo.