Phần V

Về nhà để ăn tối, Công nhìn chiếc gàu mên cơm xách mà người nấu cơm tháng vừa cho người mang đến, nhìn gàu mên cơm như thuở bé chàng nhìn tô thuốc Bắc mà mẹ chàng kề vào miệng chẳng những lúc ốm đau.
Ăn là một khoái lạc. Và khi con người đang có một mối sầu lớn, họ sợ tất cả mọi khoái lạc trên đời.
Chàng đã đỡ xốn xang, cái xốn xang của những ngày qua.
Chàng vừa gây đổ vỡ và lòng chàng đã nhẹ phần nào. Nhưng đổ vỡ ấy kéo theo đổ vỡ của những xây dựng trong lòng chàng.
Giờ thì lòng chàng rỗng không, sau những ngày nô nức phấn khởi, nô nức hy vọng tương lai, nô nức viễn ảnh hạnh phúc.
Niềm đau bây giờ không xốn xang dữ dội nhưng êm ái thấm rêm cả tâm hồn chàng.
Tắm rửa xong, Công ngồi lại bàn ăn, uống khai vị bằng một ly nước đá chanh. Đêm hôm qua, vào giờ phút nầy, chàng ra khỏi đồn biên giới. Lúc ấy, giữa Nhan và chàng vẫn còn một cây cầu. Cây cầu tuy mong manh nhưng có hi vọng được sửa chữa.
Giờ thì đã hết rồi. Chiếc cầu hoàn toàn gãy đổ do cuộc phá hoại của chàng. Lúc giựt mìn cho đổ chiếc cầu đó, tâm trạng của chàng giống hệt tâm trạng của một người dân bắt buộc phải tự đốt chính nhà mình trong một cuộc tiêu thổ trước sự xâm lăng của giặc ngoài.
Hắn đau không biết bao nhiêu, nhưng không thể không hành động, và hành động xong, lòng hắn rã rời, đứng chết sững mà nhìn công trình phá hoại của hắn nằm chồng lên công trình xây dựng của hắn.
Sau những phút thẫn thờ, hắn vẫn còn đau, nhưng thêm vào đó nỗi ngậm ngùi thương tiếc, niềm đau lắng lần xuống nhưng luyến tiếc dâng trào lên.
Giờ thì đã hết rồi!
Công lấy cơm ra ăn, nhưng nuốt không trôi, đành buông đũa.
Đoạn chàng lại thay đồ mát ra, mặc y phục làm việc vào rồi thả bộ ra chợ. Bước vào một hiệu chạp phô khách trú, làm bộ mua một gói thuốc điếu và một bao diêm, Công đứng trước quầy nói vài câu ngắn với người đờn bà Việt-Nam, vợ chủ hiệu:
Tôi cần gặp Tư Đặng tối mai, vào giờ nầy tại đây.
Dạ.
Hắn phải tới trước tôi độ một tiếng đồng hồ để không ai thấy chúng tôi vào đây một lượt…
Dạ.
Hắn vô buồng trong lúc không có ai.
Dạ.
Rồi đợi tôi trong ấy.
Dạ.
Kín miệng nhé! Thôi chào thiếm.
Tư Đặng là người điềm chì bí mật đã cho tin để Công phục kích Tám Huỳnh đêm rồi.
Họ chỉ gặp nhau một cách trinh thám thế nầy thôi. Công muốn cho hắn hay tin... chẳng lành và nhờ hắn điều tra xem bọn can thiệp là bọn nào.
Nhìn cảnh buôn bán, Công nhớ Sàigòn và bỗng có ý muốn xin thuyên chuyển về thủ đô. Chàng mong nhịp sống quay cuồng ở đó sẽ giúp chàng quên.
Bỗng bị vỗ vai thình lình, Công giựt mình day lại thì thấy đó là ông Ngộ, giáo viên hưu trí, bạn cờ tướng của chàng.
Chàng mừng rỡ hết sức vì ông nầy có thể giúp chàng qua được cái đêm đáng sợ nầy. Những đêm sau, niềm đau sẽ vợi đi phần nào rồi.
Công bỏ ngay ý định xin thuyên chuyển về Sàigòn. Trong một đô thị lớn, thiên hạ tuy đông hàng triệu dân, nhưng chàng sẽ trơ trọi giữa rừng người thờ ơ ấy.
Ở đây, ít ra cũng có tình, tình người với người, tình nầy cho chàng ảo giác rằng chàng không cô độc lắm trên đường đời.
°
°
Đây là đêm thứ ba mà Nhan trằn trọc mãi cho đến lúc gà gáy chập đầu. Hai mắt nàng sưng húp, và sợ bà dì hỏi nguyên do, nàng cáo bịnh không ăn uống gì cả từ buổi chiều hội kiến lần cuối cùng với Công.
Nhan đau, tủi, hận và lo sợ cho tánh mạng của cha nàng. Ông Tám ra đi đã được một tháng rồi. Thường thì ông chỉ vắng nhà lâu lắm là hai tuần lễ thôi.
Sự về trễ bất thường trong chuyến nầy đã làm cho Nhan lo sợ trước phát giác của Công. Giờ nỗi lo sợ ấy biến thành sự hoảng hốt.
Nếu biết chỗ thì dầu nguy hiểm thế nào, chắc nàng cũng đã xông pha để tới đó cho đỡ phải xốn xang không biết đến ngày nào mới thoát khỏi nỗi lo sợ rất khó chịu nầy.
Sức tưởng tượng của tuổi trẻ đã vẽ vời ra lắm thảm kịch đau thương, Nhan hình dung tất cả những thảm kịch ấy và càng tưởng tượng hão, Nhan càng sợ, càng sầu, càng khóc.
Bỗng có tiếng gõ cửa trước. Nhan vội kéo mền lên trùm kín cả mặt, cả đầu. Cô gái vừa trưởng thành nầy vẫn còn tính con nít là sợ ma và sợ trộm, và phản ứng cũng con nít lắm, nàng làm như hễ trùm mền kín mít là không gì động tới nàng được.
Nhan nín khe tới không dám thở, cứ lo thở thì “hắn” biết có nàng trong nhà. Chỉ có tiếng trái tim của nàng đập mạnh là nàng không làm sao mà đậy cho nó im được.
“Hắn” lại gõ cửa. Lần thử nhì nầy “hắn” gõ mạnh hơn. Nhan suy luận rằng đây là cướp hoặc kẻ sát nhơn chớ không phải ma. Nếu là ma nó đã vào nhà được như chơi, có đâu lại phải kêu gọi.
Cướp hay sát nhơn gì mặc kệ, hễ chúng nó ngỡ nhà đi vắng cả thì chúng nó bỏ cuộc, để trở lại đây đêm sau. Mà đêm sau nàng sẽ ngủ dưới nhà bếp với bà dì hoặc xin bà dì lên đây mà ngủ với nàng.
“Hắn” lại gõ cửa lần thứ ba, còn mạnh hơn lần thứ nhì nữa, và Nhan càng cố nín thở.
Nàng tự hỏi có nên mở cửa sau, thoát ra ngoài để kêu cứu hay không? Nhưng nó, hoặc chúng nó có thể đông lắm, và có thể đã đặt người chận cửa sau rồi.
Hai ơi!
“Trời! Nhan kêu thầm lên. Nó lại biết thứ của mình! Mà là tiếng đờn bà nữa chớ! Thôi chắc là ma rồi! Cướp gì lại đờn bà! Còn đờn bà lương thiện đâu có mạo hiểm đi đâu giờ nầy! Chết! Nó trêu cho mình sợ chơi một lúc rồi tàng hình lách qua kẽ cửa mà vào đây”
Toàn thân Nhan run rẩy lên như bị sốt rét.
Nhan ơi! Dì đây con!
Bỗng Nhan giựt nẩy mình. Nàng chợt nhận ra giọng của “dì Năm”. Dì Năm là một người đờn bà trạc bốn mươi, khá xinh đẹp, lời ăn tiếng nói rất khôn ngoan và tướng người rất oanh liệt.
Dì được cha nàng giới thiệu với nàng cách đây bốn năm như là một người thật tín cẩn để bà nầy liên lạc với nàng, những khi cha nàng vắng mặt lâu ngày, hoặc đến thăm coi nàng được yên ổn hay không, hoặc mang tiền bạc đến.
Nhan có cảm giác rằng dì Năm là nhơn tình của cha nàng. Ông Tám không tục huyền, nhưng ông cũng chưa già thì rất có thể ông có nhơn tình.
Về sau, khi biết được bí mật của cha, nàng còn đoán thêm rằng dì Năm là đồng đảng của cha nàng.
Tuy nhiên Nhan chưa dám lên tiếng vội, mặc dầu linh tính nàng như báo trước rằng dì Năm đem tin dữ đến, cái tin mà Nhan rất sợ, nhưng cần phải biết.
Nhan à! Dì Năm đây mà con, con không nhận ra tiếng dì sao?
Bây giờ Nhan mới dám ngồi dậy, tuột xuống đất rồi đi chơn không, rón rén bước nhẹ ra ngoài.
Nhan!
Dạ.
À, con đã nghe, dì đây mà!
Dì Năm đó hả dì?
Ừ! Dì đây chớ ai.
Gì đó dì?
Mở cửa cái đã.
Nhan mở cửa mà cố ý không thắp đèn. Nàng he hé cánh cửa đã mở dòm ra ngoài, thấy dạng dạng cái dáng quen thuộc của bóng người đờn bà ấy, mới dám mở bét cửa ra.
Để con thắp đèn.
Đừng. Nghe đây.
Dạ, gì đó dì.
Ba đau nặng.
Nhan vừa chết điếng, vừa mừng rỡ. Quả cha nàng đã bị thương trong trận đánh mà Công đã cho nàng biết. Nhưng ông không chết. Có thể vết thương nặng lắm, nhưng dầu sao cũng còn hy vọng.
Nàng bối rối, quính quíu hỏi:
Có sao không dì?
Không đến đỗi gì. Nhưng ba con cần gặp con.
Hiện ba ở đâu?
Ở trong rừng xa lắm. Con phải đi ngay với dì, đừng đợi sáng thiên hạ chú ý.
Con gà đầu tiên đã gáy chặn đầu khi nãy, có lẽ ở xa nên không gây được tiếng vang. Chính nó cũng nín đi sau hồi gáy quá sớm đó. Nghĩa là giờ nầy còn khuya lắm.
Để con cho bà dì hay.
Không nên.
Nhưng nếu không cho hay, sáng ra thấy mất con, bà sẽ làm tở mở lên thì rầy rà lắm.
À phải, con nói đúng.
Nhan kéo dì Năm vào trong rồi đóng cửa trước lại. Hai dì cháu mò mẫm vào buồng rồi nàng mở cửa sau chạy một mình xuống nhà bếp để đánh thức và mời bà dì lên.
Họ cứ nói chuyện trong bóng tối ở buồng trong của nhà trên, nơi dùng làm phòng ăn của các ngôi nhà lai căng kiểu nầy. Bà dì nhận ra tiếng nói của dì Năm nhưng dè dặt nói:
Dầu sao cũng để sáng hãy đi chớ.
Bà không lo thân gái dậm trường của Nhan mà bà lo một sự phản bội nào của người bạn của cháu trai bà. Dì Năm và Nhan không thể nói sự thật cho bà biết được, nên gạt ngang:
Có chuyện cần lắm, dì cứ tin nơi cháu.
Bà đừng lo, cháu biết là dì Năm tốt. Vả lại có chuyện cần lắm.
Hai người ra đi bằng ngõ trước để đánh lạc hướng tò mò của bà dì nhưng vẫn tạt vào rừng phía sau như ông Tám Huỳnh hôm nọ.
Sau nhà là một cánh đồng trống, kế đó rừng chồi lúp xúp rồi tới gì đó nữa Nhan không biết vì từ bé đến giờ nàng chưa băng qua cánh đồng trống sau nhà lần nào.
Rừng chồi nầy chỉ mỏng thôi và họ theo đường mòn đi không tàn một điếu thuốc là đã ra khỏi đó rồi.
Bấy giờ trời đã rạng đông, Nhan ngạc nhiên lắm mà thấy sau rừng chồi là những đám đất được trồng tỉa săn sóc, từ thuở giờ vì là con gái, lại con một, nàng không hề được vào đây, cứ ngỡ thế giới văn minh dừng lại nơi ven rừng chồi, sau đó là man rợ với những thú dữ, những cổ thụ vạn niên.
Sau cánh đồng được canh tác, là xóm làng đông hằng hai ba mươi nếp nhà tranh. Hỏi ra nàng mới biết đây là xóm ngoài của một làng ở trong kia, làng nầy gồm đến bốn ấp lại gồm hai ba xóm như thế nầy.
Họ sẽ qua làng nầy mà không ghé xóm nào hết để đến một làng ở trong nữa là làng của dì Năm.
Đây cũng là một khám phá mới lạ của Nhan. Những năm đầu dì Năm lui tới nhà nàng, nàng đinh ninh rằng dì Năm ở Saigon vì ông Tám cứ nói là đi Saigon khi nào ông cần vắng nhà, mà hễ ông đi Saigon độ ba bốn hôm, thì dì Năm nầy tới thăm nàng.
Năm ngoái, bí mật của ông Tám bị phát giác riêng đối với nàng, thì nàng lại tưởng tượng rằng dì Năm ở một chợ quận nào đó trong tỉnh.
Thì ra làng của dì năm là cái trạm trên đường ra biên giới tìm cha nàng và dì là một liên lạc viên của cha nàng.
Bấy giờ những tia nắng đầu tiên đã bị đầu lá đầu cỏ ướt sương phản chiếu lóng lánh. Chắc ý rằng không ai rình nghe họ cả vì người nông phu làm lụng gần họ nhứt cũng đứng cách xa đó hơn hai trăm thước, Nhan mới dám mở miệng hỏi:
Con lo quá dì ơi, bịnh trạng thật của ba con như thế nào dì?
Ba bị đạn nơi vai. Đạn đã ra, nhưng vết thương làm độc.
Trời! Ba có bị mất máu nhiều lắm hay không dì?
Chắc là có, nhưng khi dì tới nơi thì vết thương đã được băng bó từ lâu. Ba xanh lắm.
Yếu lắm không dì?
Người nào khác có lẽ đã nguy. Nhưng ba rất tráng kiện.
Và bấy giờ dì Năm nầy mới thấy đôi mắt sưng húp của Nhan, dì ngạc nhiên hỏi:
Hình như con đã khóc nhiều lắm?
Dạ.
Có gì không yên ở nhà? Chuyến nầy dì khó ở, nên không có ra thăm con được nên không hay gì hết.
Con chiêm bao thấy ba lâm nạn.
Thật à?
Dạ, con chiêm bao liên tiếp mấy đêm liền.
Nhan đã tiên liệu phải có câu hỏi nầy lúc thấy trời hừng sáng và đã bịa sẵn câu trả lời khá ổn nó khiến cho người dì Năm nầy càng tin tưởng nơi những điều thần bí mà dì đã vốn tin tưởng từ lâu.
Nhan lại hỏi lại câu hỏi khi nãy:
Dì nói ba đang ở xa lắm, vậy không phải ở nhà dì sao?
Không Ba ờ trong rừng sâu, cho người về gọi dì. Hiện người ấy đang ở nhà dì, hắn ở đó hôm nay để đưa con theo lời ba con dặn. Dì còn yếu nên không theo được, nhưng con đừng lo, hắn là người tín cẩn của ba.
Vài nông dân nhận ra dì Năm. Họ chào hỏi dì nhưng không biết Nhan là ai. Nhan đã mặc bộ bà ba vải Xiêm cũ nhứt của nàng, đội nón lá để che bớt gương mặt học trò ở chợ, quá trắng trẻo trong khung cảnh nầy, nhưng vẫn không khỏi bị họ chú ý và tò mò có ý muốn tìm biết.
Hai dì cháu đã chậm bước hơn hồi khuya nhiều lắm vì người dì đau ốm mới khỏi, còn cô cháu thì không quen đi bộ xa, nên cả hai chưa chi đã mệt.
Gầu chín giờ sáng họ mới tới xóm của dì Năm.
Dì Năm sống một mình trong một nếp nhà ngói nhỏ ba căn xông, tức không chái. Có lẽ dì là một góa phụ không con hay có con gái lớn đã đi lấy chồng rồi.
Một người đờn ông dưới bốn mươi, tay mặt được băng bó sơ sài đang nằn dài trên ván bên trái mà ngáy pho pho.
Dì Năm gọi:
Chú Tư ơi!
Hắn giựt mình chồi dậy, dụi mắt lia lịa. Râu hắn có lẽ nửa tháng rồi không được cạo lần nào, nên trông hắn dữ tợn lạ.
Chú có nấu cơm chớ? Dì Năm hỏi.
Dạ có.
Cám ơn. Đây là con của anh.
À, cháu.
Chào chú. Ba con thế nào chú?
Chớ chị không có kể cho cháu nghe à?
Có nhưng mà... ơ... dì kể không rõ lắm.
Cứ theo lối xưng hô thì dì Năm là vợ không chánh thức của cha nàng rồi không còn ngờ gì nữa. Nhan không thấy điều gì không ổn trong vụ nầy nên mặc nhận ngay tình trạng đó.
Để ăn cơm rồi hãy hay.
Ừ, dì Năm nói, dì cháu tôi chưa ăn gì hết. Chú đã lót dạ rồi chớ?
Đợi chị không được tôi đã ăn trước.
Dì Năm dọn cơm ở nhà bếp, trên một bộ ván hai bằng gỗ tạp.
“Chú Tư” ấy mặc dầu đã ăn rồi, vẫn theo họ xuống đây.
Chu nói:
Ba cần gặp mặt cháu để nhờ cháu một việc. Ăn cơm rồi, ta nên lên đường ngay. À, chị Tám, chị dở chú cháu tôi một mo cơm, một gói mắm với lại cho một bầu nước nghen chị.
Ừ.
Nhan nóng lòng hỏi:
Nhưng làm sao mà ba cháu bị thương?
Trận đánh lớn lắm và dữ dội lắm. Bên “mình” bị phục kích bất ngờ nên thua.
Tiếng “mình” của miền Nam có nghĩa là “ta” của miền Bắc. Nghe tiếng ấy, Nhan rất khó chịu vì bị bỏ vào một giỏ với những người buôn lậu.
Nhưng cả tên ấy và người dì ghẻ của nàng đều không dè rằng nàng không đồng ý với ông Tám.
Liệu ba cháu có hề gì không chú?
Anh Tám nói vết thương thì không sao nhưng sự nhiễm độc có thể nguy cho tánh mạng của ảnh. Hiện ảnh nóng li bì.
Trời!
Nhan ăn vội vàng rồi chính tay nàng lo chuẩn bị những thứ mà “chú Tư” đã đòi hỏi: cơm mo, bầu nước.
Xong đâu đó, họ ra khỏi làng.
Băng các ngã tắt trong rừng, họ chỉ phải đi bộ mười tám cây số thôi. Nhưng Nhan không quen đi bộ cứ đòi nghỉ mãi, nên cho tới lúc trời sụp tối họ mới đến nơi.
Nhan bỡ ngỡ hết sức mà nhìn những ngọn đèn leo lét trên tha la cao. Nàng nhìn lối kiến trúc nhà cửa trong ánh sáng lờ mờ của một đống lửa un muỗi thì đoán biết đã vượt biên giới Việt-Miên rồi.
Theo “chú Tư”, Nhan trèo thang để lên tha la và lên tới nơi nàng mới nghe tiếng rên hư hừ của ông Tám.
Tám Huỳnh nằm lim dim mà rên, Nhan đã vào nhà rồi mà ông không hay. Dưới ánh đèn dầu hôi, Nhan nhìn gương mặt hốc hác bơ phờ của cha mà thương đứt ruột. Nàng đưa tay sờ lên trán cha rồi thút thít khóc.
Ông Tám chừng như nửa tỉnh nửa mê, giựt mình và mở mắt ra, ông nhìn trân trối thiếu nữ đang ngồi cạnh ông, một hồi lâu, tỉnh hẳn ông mới chợt nhận ra đứa con yêu quí của ông.
Ba! Nhan gọi nho nhỏ.
Con! Con tới đã lâu chưa?
Nhan khóc tấm tức tấm tưởi và đáp:
Con chỉ mới đến nơi thôi. Ba nghe trong mình thế nào ba?
Hiện giờ thì chưa sao. Mới sốt dữ từ trưa đến giờ thôi, nhưng sẽ nặng nếu không có thuốc.
Làm sao ba? Hay là ba cứ ra mặt, về nằm nhà thương rồi ra sao thì ra.
Không thể được. Ba gọi con lên để nhờ con mấy việc quan trọng nầy mà mấy chú ở đây không làm được, dì Năm cũng không.
Tám Huỳnh vừa nói vừa thò tay vào túi áo trong lấy ra bốm ghim giấy một trăm đồng. Tiền công của mấy người còn sống sót, chú đã phát cả rồi, lại dùng một phần tiền công của chú để đưa họ thuê người thay thế cho những người vắn số để tải hàng lần thứ nhì. Còn lại bao nhiêu chú trao hết cho con mà dặn:
Con về chợ, tìm cách mua cho được thuốc trụ sinh. Giá nào cũng mua. Con biết hể dám xài tiền thì gì mua cũng được. Còn lại bao nhiêu, con đưa hết cho thầy chích dạo Mẫn, nhờ thầy đến đây săn sóc ba. Dì Năm con sẽ đưa đường thầy. Còn tiền ăn của con thì mượn đỡ trong tiền công của mấy cộng tác viên tử nạn của ba, số tiền mà ba sẽ tìm vợ con họ để trao lại và hiện giờ chú Tư đang giữ. Chú ấy sẽ giao tiền con khi đưa con trở về tới nhà dì Năm.
Việc thứ nhì khó khăn hơn nhiều, và biết tánh ý con, ba lo con không nhận; ba muốn nhờ con tải hàng thay cho ba.
Tải hàng?
Ừ, dầu sao cũng phải đưa hàng đến nơi, không mong trả lại họ vì họ đã đi mất rồi. Bỏ hàng tức là cướp hàng - họ sẽ nghĩ như thế - và sự trừng phạt sẽ kinh hồn, không trốn ở đâu mà thoát khỏi họ cả.
Con nghĩ ba nên thừa dịp nầy mà trốn luôn.
Ba đã nói không trốn đi đâu mà thoát được cả kia mà, phương chi đã trót nhận tiền công thì tội càng nặng hơn.
Người nhận hàng sẽ không dám nhận nếu kẻ giao hàng lạ mặt. Con cũng lạ mặt, nhưng có bằng cớ con là con của ba, họ sẽ tin. Con về nhà lấy bức ảnh con chụp chung với ba và bà dì đưa cho họ coi. Đây, nhà cửa và tên họ người ấy, con học thuộc lòng rồi đốt ngay tại đây.
Tám Huỳnh lại trao cho con một mảnh giấy mà khi sáng sợ chết thình lình, chú đã ghi địa chỉ người nhận hàng.
Con chỉ có mặt trong đoàn để bảo đảm rằng đoàn không phải là nhân viên khiêu khích của Quan thuế, còn thì mọi việc đều do chú Tư cán đáng cả.
Con khỏi phải sợ bị tấn công thình lình như ba. Đoàn rất thạo tránh mặt quan binh. Chỉ khi nào bị phục kích mới lâm nguy. Mà muốn phục kích họ phải có tin tức.
Người trong đoàn không thể phản bội bằng cách thông tin cho họ vì cộng sự viên của ba, đến phút chót mới biết công việc mình phải làm.
Phản bội vừa rồi mà do bọn giao hàng cho ba ở biên giới, một người trong bọn đó, ba sẽ biết người nào nhưng chưa biết.
Vậy con bằng lòng nhận công việc thứ nhì chớ?
Hưởng thụ khí bẩm của cha, Nhan thuộc hạng người quyết định lẹ làng. Mặc dầu rất không muốn, nhưng biết không còn cách nào khác, nàng nhận ngay. Nàng chỉ còn băn khoăn về sức khỏe của cha thôi.
Nhưng Tám Huỳnh trước khi mê sảng trở lại, đã biện luận: “Ba chết hay sống gì cũng đều do con mau chân hay không”.
Nói rồi ông không còn biết gì nữa và Nhan đành lau lệ theo “chú Tư” mà lên đường nội trong đêm đó.
Đêm nay Nhan mới an lòng mà vĩnh biệt xóm Miên nầy với mấy tha la xơ xác và những người dân nghèo khổ không thể tưởng tượng được.
Trở lại đây với thuốc men và người thầy tiêm thuốc dạo mà nàng đã mua chuộc sự phiêu lưu mạo hiểm bằng một số tiền khá to, nhưng hai ngàn đồng trong một tuần lễ, với lời hứa thưởng thêm về sau, khi người bịnh hết sốt, Nhan nấn ná ở lại với cha ba ngày.
Trong những lúc ngắn ngủi tỉnh táo, Tám Huỳnh đã nài nỉ con gái giao hàng ngay vì chú thấy thời tiết rất thuận tiện, trời đã bắt đầu mưa.
Nhưng Nhan cả quyết không chịu lên đường. Nàng định cha nàng có bề gì thì nàng sẽ bỏ trôi tắt cả chớ không dại mà nhúng tay vào chàm trong khi cha nàng hấp hối trên nếp tha la hẻo lánh nầy.
Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau đó thì Tám Huỳnh hết sốt nhưng phải mười hai tiếng nữa chú mới tỉnh hẳn.
Tỉnh hẳn nhưng vẫn còn yếu lắm. Tuy nhiên sự thoát nạn của chú đã rõ. Nhan không còn lý do ở lại nữa.
Đêm nay là đêm mồng năm tháng năm.
Trời tối mịt, ngửa bàn tay lên không thấy. Không trung giống như một bồn mực Tàu khồng lồ.
Sở dĩ họ dẫn hàng một theo lối người da đỏ mà tiến được trong rừng sâu là nhờ một lối soi đường mà chỉ có người thành thạo việc băng rừng ban đêm mới biết xử dụng.
Người đi sau nhắm vào một vệt sáng mờ mờ, nhỏ bằng bàn tay hiện lên trên lưng của kẻ đi trước mà nối bước.
Vệt sáng ấy mang hình một lá cây, mà quả nó là lá cây thật. Người ở rừng đặt tên nó là lá dán vì nó có tánh cách rít, dán lên vải được. Ngoài tánh cách ấy, lá dán chứa khá nhiều chất lân tinh ửng sáng lên trong bóng tối.
Bò cũng được dán lá sau mông và mấy kiện hàng thì được dán bằng hai lá đâu ngọn lại với nhau, phòng khi gặp nạn, bò chết hàng rơi, họ sẽ tìm thầy hàng được đễ dàng.
Họ dẫn hàng một mà tiến lên. Trong đêm tối, ai ở gần đâu đó sẽ ngạc nhiên mà thấy mấy mươi vệt sáng mờ di động như là những bóng đèn ma.
Chính “chú Tư”, cộng sự viên thâm niên nhứt và tín cẩn nhứt của Tám Huỳnh dẫn đầu đoàn tải hàng đêm nay vì chú là người độc nhứt thạo nẻo, ngoài Tám Huỳnh ra.
Nhan đi giữa đoàn, sau lưng nàng là một cộng sự viên sống sót. Người ấy có phận sự bảo vệ nàng nếu rủi ro có sự phản trắc của bọn phu mới mộ, toàn là người đàng Thổ cả.
Đêm nay họ chỉ có hai tay súng thôi, nhưng lại vững tin được an ninh hơn vì họ có kẻ tùng đảng là sự tối trời và đám mưa rỉ rả đã bắt đầu rơi.
Đêm nay, không thể có kẻ phản bội trong đoàn để mật báo với Quan thuế. Bọn phu Cao Miên có phản trắc cũng chỉ để cướp hàng thôi, nhưng chúng không được võ trang, và do chủ nhà tuyển lựa kỹ càng. Chủ nhà là người của Thạch Poul, được Thạch Poul dặn dò phải giúp đỡ tận tình bọn tải hàng.
Thỉnh thoảng chớp nhoáng lên giúp họ trông thấy nhau, trông thấy cảnh vật chung quanh, nhưng họ lại rất sợ thứ ánh sáng phù du nầy. Thà cứ đi trong bóng tối, quen được với bóng tối, thấy vệt lá càng về khuya càng sáng hơn, chớ sau một cái chớp lòe ngắn ngủi mấy giây đồng hồ, họ bị lòa mắt, như đui hẳn đến năm bảy phút đồng hồ.
Bấy giờ mưa đã nặng hột. Nhan có mang áo tơi theo. Đó là thứ áo tơi bằng nhựa, mỏng dánh màu mè lòe loẹt mà các nữ sinh rất ưa, nhưng chỉ che được mưa thưa trên một quảng đường ngắn từ trường đến nhà.
Gặp phải mưa rừng đầu mùa, loại áo đó chẳng những không giúp ích gì được mà còn làm cho kẻ mặc nó lạnh thêm.
Có những đám mưa đầu mùa có vẻ khoái trá trút xuống tất cả hằn học của một tháng chuyển khó khăn. Không gian như ngập lụt: nước trước mặt nước sau lưng, nước dưới chơn, nước trên đầu.
Thêm vào có một trận cuồng phong có thể thổi bay cả bò nữa, khiến Nhan phải bám chặt vào nơi dây cột bành hàng hóa vào lưng bò ràng xuống bụng con vật.
Cả đoàn không ai hiểu nhờ may mắn nào mà họ chưa bị nạn vì thỉnh thoảng một cây to tróc gốc ngã xuống tuôn lá rừng nghe ồ ồ như nước thác đổ. Cây cối chỉ ngã trước mặt họ và sau lưng họ thôi. Thật là phước bảy mươi đời.
Đường đi đã khó lại càng khó thêm vì những thân cây ngã phải tránh nếu … thấy được. Bằng không thấy được là kẻ đi đầu phải ngã quay ra.
Nhan lạnh run cầm cập và mặc dầu nước tuôn xối xả xuống người nàng, nàng nghe khát khô cả cổ họng. Trong chuyến đi nầy, không ai vị nể nàng cả và nàng phải theo đúng tốc độ của đoàn, thành thử nàng mệt lả sau hai tiếng đồng hồ xông pha.
Nhan nghĩ rằng nếu nàng ngất đi, chắc họ sẽ cột nàng lên lưng bò rồi cứ tiến chớ không nghỉ phút nào cả.
May quá, gió đã hạ mà mưa cũng nhẹ hột lần. Vệt sáng trên lưng của người đi trước, khi nãy bị màn mưa xóa mờ đi, giờ đã khá rõ, kẻ đi sau đã hết phải trố mắt mà dòm, khổ sở vô cùng vì làm thế tức là mở cửa cho nước mặc sức mà tưới vào mắt họ.
Lá ủ trong rừng hút nước rất mau, nhưng họ vẫn còn nghe phèm phẹp dưới chơn mỗi khi hạ bước xuống.
Man khê, suối dại sanh ra thình lình. Bất kỳ chỗ trũng nào cũng góp nước bốn phương cả để đưa đi đâu không biết và những con suối “nhảy dù” ấy sẽ chảy suốt đêm để ngày mai lại, không còn lưu dấu vết nào trên đời nầy cả.
Nhiều con suối sâu không thể tưởng tượng được, sâu ngập mất đầu người. Ấy, lúc ráo người đi rừng gặp những cuộc đất trũng, họ xuống dốc, lên dốc mà không hề nghĩ rằng khi chỗ ấy mà đọng nước thì vô phương vượt qua.
Nước suối lại chảy mạnh ghê người, có biết lội cũng không mong lội ngang được.
Thành thử đoàn phải tránh, phải đi vòng, phải tiến quanh co theo những nẽo đường định sẵn trong hành trình và nhiều lúc “chú Tư” phải dừng bước lại rất lâu để định hướng.
Họ khởi hành vào lúc sụp tối, định nửa đêm sẽ đến địa điểm gặp người nhận hàng, nhưng cứ tình trạng nầy, “chú Tư” lo tới sáng vẫn còn lẩn quẩn trong rừng. Chú đã mất tự tin và nhiều lần tự hỏi thầm không biết đoàn còn ở trên con đường phải theo hay không.
Những ngọn đèm ma leo lét là những chiếc lá dán ấy, đang tiến phất phơ thì bỗng nghe hô to:
Đứng lại, ai đó?
Đồng thời cả đoàn nghe tiếng lên đạn, cách họ chỉ độ mươi thước thôi.
Bọn phu đàng Thổ thuở giờ chưa hề thấy cây súng lần nào nên bình tĩnh được. Cũng may, nếu không, chúng đã bỏ chạy cả, đã chẳng ai dẫn bò, mà bên kia sanh nghi chắc đã nổ súng.
Ba người Việt, Nhan và hai tay buôn lậu có súng, đang lạnh bỗng nghe băng giá đổ lên xương sống của họ. Họ rợn cả người, mọc ốc cùng mình. Hai tay súng, làm thế nào đương cự với mấy mươi vũ khí mà họ đoán ra sự hiện hữu, bằng vào tiếng lên đạn trong đêm.
Cũng không thể tẩu thoát được vì kẻ thù đang đứng gần sát họ, hơn thế, đang bao vây họ.
Ai?
Tiếng quát vang dậy trong rừng sâu, rồi từ bốn phương dội lại, nghe như hàng trăm người hát.
“Chú tư” cỏ cảm giác rằng đó là một giọng quen quen. Nhưng dầu sao, chú cũng còn có một đường là tạm “ra mặt” cái đã, rồi hẵng hay, tùy cơ mà ứng biến.
Ai?
Chúng tôi, người ngay!
Người ngay sao lại băng rừng đêm tối?
Tiếng “ngay” có hai nghĩa: đối với công quyền, ngay là lính tráng, đối với cường đạo, ngay là buôn lậu, là lũ cướp đường.
Đối với lính tráng, kẻ băng rừng ban đêm là bọn cường san, đối với lũ lục lâm thì người băng rừng ban đêm là người của công quyền. Thành ra những câu hắn đáp ấy chưa cho bên nào biết bên nào, thuộc hạng người nào cả.
Bỗng “chú Tư” nhận ra giọng Thạch Poul, chú kêu lớn:
Bọn Tám Huỳnh đây mà ông Thạch ơi!
Bọn chú Tám thật à?
Dạ thật.
Chú ấy đâu?
Còn nằm ở xóm mà ông gởi hôm nọ.
Sao không đợi chú ấy khỏi hẳn bịnh?
Tôi không biết, tại anh Tám ảnh nóng đưa hàng đi. Có lẽ Saigon trông đợi.
Có gì làm bằng cớ?
Ông không tin tôi à?
Tin sao được. Các anh có thể giết chú Tám để đoạt hàng. Mà như vậy tôi có bổn phận trừ khử các anh.
Thạch Poul nói thế nhưng ai cũng phải hiểu là: “Mà như vậy, tôi có quyền cướp hàng nầy vì các anh phản bạn.”
“Chú Tư” bối rối hết sức. Chú nói:
Có mấy người phu mới mướn, toàn là người … người … người một nước với ông, vậy ông cứ...
Chú ta suýt dùng tiếng “Đàng Thổ” là danh từ làm mích lòng Thạch Poul.
… Vậy ông cứ hỏi họ xem “chú Tám” có bị bọn tôi thủ tiêu hay không.
Không thể tin bọn đó được, mặc dầu chúng là đồng bào của tôi, vì biết đâu, các anh lại không mua chuộc chúng bằng những hứa hẹn tốt đẹp mà láo khoét nào đó.
Thạch Poul có lẽ muốn bắt bí bọn tải hàng để có cớ mà cưỡng đoạt hàng hóa. Và sau, có gặp Tám Huỳnh, hắn sẽ viện lẽ ngộ nhận để giải thích sự cướp giựt của hắn.
“Chú Tư” càng bối rối hơn, nhứt là khi chú nghe Thạch Poul hô:
Chuẩn bị.
Hãy khoan, ông Thạch ơi! Tôi còn bằng cớ nầy. Có cô hai đây, con ruột của anh Tám tôi, xin ông xem, nếu như mà cô ấy giống anh Tám tôi thì cho chúng tôi đi, bằng không thì chừng đó sẽ hay.
Thạch Poul làm thinh và nín lặng rất lâu trong bóng đêm. Có lẽ hắn đang suy nghĩ. Nếu quả có thiếu nữ vừa được nói đến mà là con của Tám Huỳnh thì hỏng cả ý định của hắn, hắn không thể nói là ngộ nhận được nữa. Nhưng người ta đã mời, không xem lại càng có lỗi. Đoạt mà không chịu kiểm soát là cướp giựt rồi.
Sự im lặng của hắn kéo dài ra, Nhan chỉ hồi hộp sơ sơ thôi. Kẻ kia là ai, nàng không đoán được, nhưng cứ nghe mấy câu đối thoại, nàng đoán được rằng kẻ ấy nể cha nàng lắm.
Bấy giờ Thạch Poul mới lên tiếng:
Nếu quả như thế, xin mời cô ấy bước ra đây. Tôi không thể bỏ thế sẵn sàng chiến đấu của tôi.
Nói xong hắn bấm đèn bin nhưng không rọi vào đoàn tải hàng mà chỉ làm hiệu thế rồi tắt mất. Trong bóng tối, hắn nói lớn, nhưng giọng dịu hơn giọng dùng để nói chuyện với chú Tư luc nãy:
Mời cô bước tới ba mươi bước.
Thấy rõ hắn đã dời chỗ đứng sau khi bật đèn và tắt đèn ngay. Rất kinh nghiệm, hắn cẩn thận vô cùng. Bị lộ tung tích vì lửa đèn mà chính tay hắn thắp lên, hắn phải hành động như thế là khôn lanh đúng mức, không kẻ làm liều nào mà ám hại hắn được cả.
Bấy giờ Nhan mới phát sợ lên. Nàng không sợ kẻ kia nhưng mà rợn người khi nghĩ rằng mình phải đứng giữa hai lằn súng của hai bên. Vạn nhứt một sự hiểu lầm nào của bất kỳ bên nào xảy ra, cũng đưa nàng qua thế giới khác cả, tan xương nát thịt dưới hằng trăm viên đạn.
Bấy giờ tất cả can trường của một tên giang hồ mã thượng được truyền lại đứa con thừa tự nầy, thừa tự sự nghiệp vật chất lẫn tinh thần.
Run sợ, nhưng Nhan quả quyết bước ra. Nàng nói lớn:
Tôi ra đây!
Ừ, mời cô ra.
Một, hai, ba, bốn… Nhan ngập ngừng trong mấy bước đầu, nhưng sau đó nàng đi tự nhiên.
… Năm, sáu, bảy, tám… Nhánh chết bị đạp kêu răng rắc bên trong cảnh lặng nầy mà mưa gió đều ngưng như để nín thở đếm bước đi của Nhan. …Chín, mười, mười một, mười hai…
Vạn vật nín thở, người của đôi bên cũng nín thở mà chính kẻ đang bước ra cũng nín thở.
Đã đủ số ba mươi rồi.
Nhan nói lớn lên xong là ngồi xuống ngay. Đây cũng là sự lanh trí thừa tự cửa Tám Huỳnh.
Nếu hai bên bắn nhau, nàng sẽ nằm luôn. Giờ ngã ngay xuống đất, người ta nghe động, chớ không êm được như ngồi. Ngồi đã lặng lẽ, đã tránh được ngay những lằn đạn cao mà giây lát có nằm cũng sẽ lặng lẽ.
Cám ơn cô! Bây giờ mời cô bước trái qua năm bước. Anh em đàng ta, nếu có gì bất trắc đừng đợi lịnh tôi, đừng sợ trúng tôi, bốn chục cây súng cứ bắn bừa qua bên kia.
Thạch Poul quả là một tay lợi hại. Hắn đoán bên kia có lẽ chĩa súng nhắm theo hướng đi của cô gái. Họ có thể hy sinh cô nầy để hạ chàng. Chàng mà bị hạ thì cả bọn cướp có thể vở tan.
Vì thế mà hắn không đứng đợi tại nơi mà Nhan phải đi tới.
Giờ có lẽ họ vẫn còn theo dấu Nhan lúc nàng bước trái đi nơi khác để chĩa súng tìm chàng, nhưng chàng đã ra cái lịnh ác liệt kia cho chúng sợ rồi. Vả đã hỏng kế hoạch một lần, họ đâu ngờ là lần nầy vẫn chưa phải là lần hai người đó nhìn mặt nhau, nên không chuẩn bị nữa.
Nhan đã đến nơi thứ nhì, giựt nẩy mình mà nghe kẻ kia đã đứng ngay trước mặt nàng.
Hắn nói nho nhỏ:
Xin lỗi cô!
Rồi bấm đèn bin rọi ngay mặt Nhan. Bị chói Nhan phải nhắm mắt lại. Có lẽ học được tánh nịnh đầm lúc theo Tây, hắn đưa bàn tay xòe ra lọc bớt ánh sáng và nói:
Cô mở mắt ra được rồi, đã hết chói.
Nhan ngước lên nhìn vì kẻ kia to lớn quá sức và sợ hãi mà thấy gương mặt của hắn hung tợn quá, mặc dầu hắn đang cố lấy một diện thái duyên dáng và hiền lành.
Nàng run vì còn lạnh hay sợ không rõ.
Thạch Poul nhìn sững thiếu nữ mạo hiểm nầy rất lâu. Từ mấy năm nay, hắn đã đoạn tuyệt hẳn với thế giới văn minh, không hề thấy đờn bà con gái dễ coi chớ đừng nói đẹp.
Trong cuộc sống khô cằn ấy, một thiếu nữ xoàng xoàng, đối với hắn cũng đã là tiên nga rồi, phương chi Nhan là một nhan sắc đáng kể.
“Chú Tư” hồi hộp lắm. Chú độ rằng hắn động lòng. Hắn rất có thể cướp cô gái nầy. Mà cướp Nhan tức là khai chiến với Tám Huỳnh. Đã khai chiến, hắn liều và sẽ cướp luôn hàng hóa.
Nhưng hồi hộp nhứt không phải là Nhan, không phải là chú Tư mà chính là - kỳ dị thay - Thạch Poul.
Lần đầu tiên trong đời hắn, hắn rung động trước một mỹ nhơn. Từ thuở giờ hắn chỉ thèm khát họ thôi.
Lâu lắm… im lặng… Gió mưa như cũng nín thở chờ đợi cái gì...
Nhưng cái gì đó, không xảy ra.
Thạch Poul nói:
Quả cô giống chú Tám lắm. Nhưng sao lại đi về hướng đồn bót?
Vậy à? Trời ơi! Tôi nào có biết!
Chỉ còn bốn cây số nữa là đến đồn biên giới trên đường Vòng Chàm.
Chết rồi! Trời ơi! Chú Tư chú ấy dẫn đường!
Anh Tư à! Thạch Poul gọi to lên.
Dạ.
Lại đây tôi hỏi.
Dạ.
Chú Tư không nghe những câu đối thoại trên, nên bước tới và phập phồng trong bụng lắm. Khi chú đến gần đó, Thạch Poul hỏi:
Anh có chắc là đi đúng đường lắm hay không?
Dạ, tôi cứ nghe ngờ ngợ không vững lòng lắm. Đám mưa to vừa rồi đẻ ra nhiều con suối thình lình mà bọn tôi phải đi vòng để tránh, thành thử …
Thôi được tôi nghi anh định phản nhưng hỏi sơ, anh đáp như vậy là tôi biết anh thành thật Anh đã lầm đường rồi đó. Bây giờ khởi hành ngay đi kẻo không kịp đêm ray. Nè, đi đường nầy!
Nhan và chú Tư nhẹ nhõm trong người.
Cám ơn ông. Chú Tư nói
Cám ơn ông. Nhan cũng bắt chước nói theo.
Không có gì mà cám ơn cô à. Tôi với chú Tám là chỗ quen biết với nhau. Thôi, giã từ cô.
Giã từ ông.
Mong còn gặp lại nhau.
Nhan đã xây lưng nhưng chưa đi. Tuy thế nàng không đáp lại ước vọng của Thạch Poul. Đây là chuyến đầu, mà cũng là chuyến chót của nàng, nàng quyết như vậy và không mong gặp lại bất kỳ nhơn vật nào của giới lục lâm cả.
Đoàn lại lên đường và mười vệt sáng mờ như mười ngọn đèn ma gần lụn vất vưởng bay trong gió.
Sau lưng họ, Thạch Poul đứng nhìn theo rất lâu mà không thấy gì cả. Hắn muốn xé bóng đêm ra, hắn muốn rượt theo những người vừa thoát khỏi tay hắn.
Hai hôm sau cả bọn đều trở về xóm tha la một cách bình an, nhưng không có cô con gái của chú Tám.
Nhan viết cho cha ba chữ để ông ấy an lòng và trở về nhà bằng xe đò, sau khi giao hàng xong, nàng băng bụi ra lộ lớn mà đón xe.
Chú tư “lập bo” lại cho chú Tám nghe các chi tiết trong chuyến đi đó, không quên kể lúc lạc đường gặp Thạch Poul chỉ nẻo cho.
Chú Tám rất cảm động mà nghe tên tướng cướp lỗ mãng ấy lại làm một cử chỉ đẹp thứ nhì nữa.
Chú Tám nghe trong người đã thật khỏe, nên giải tán ba đồng đảng kia, chỉ lưu chú Tư lại cho có bạn với chú ta thôi.
Vả chú cần ăn uống sung sướng để lấy lại sức, và chú Tư sẽ làm cho chú vài món ăn sạch sẽ ngon lành, như gà ướp nướng chẳng hạn.
Chú không thể về làng dì Năm ngay với vết thương khả nghi, vết thương tố cáo của chú, và định nấn ná tại đây cho kỳ lành hẳn hẵng hay.
Qua ngày thứ ba, hai chú đương giải trí bằng cách đánh cờ chó ngay dưới chơn thang tha la thì cả hai đều giựt mình mà nghe ai gọi thình lình từ ven rừng:
Chào chú Tám.
Xóm nầy là một cái gò trọc, rừng rú bao quanh, người Cao Miên thường chọn đất lập xóm như vậy.
Kẻ gọi chú Tám đã vẹt khối lá xanh mà leo lên giốc gò. Thì ra, đó là Thạch Poul.
Chú Tám mừng rỡ hết sức, bỏ cuộc chơi, đứng lên toan chạy ra đón khách. Nhưng hắn đã mau chơn chạy trước đến trước mặt chú và hỏi:
Thưa chú, bữa nay chú đã nghe đỡ?
Ừ, đỡ nhiều, cám ơn em lắm. Qua nghe thằng Tư đây nó kể lại…
Nhưng Thạch Poul đánh trống lấp:
Cầu trời cho chú mau lành. Cháu trở lại đây thăm chú lần chót rồi cháu đi khỏi nơi nầy một con trăng.
Vậy à?
Chú Tám hơi ngạc nhiên mà thấy Thạch Poul hôm nay lễ phép như một người Việt-Nam có giáo dục, chớ không phải chỉ nể vừa chừng một người Cao-Miên như hôm nọ nữa.
Cháu định đến ăn cơm với chú một bữa để chia tay đây.
Thạch Poul có xách theo một giỏ bằng mây trong đựng gì lu bù đậy bằng lá chuối. Hắn vừa nói vừa dở lá ra thì họ thấy mười phong bánh bồn lập và hai gói trà Tàu.
Thạch Poul dở một lớp lá nữa thì lòi ra nào là bánh hỏi, nào thịt quay, nước mắm ớt đựng trong ve nhỏ và một chai rượu đế.
Dưới tất cả các thư ấy là một cây Colt 12 to tướng.
Hắn lấy súng ra trước hết trao cho Tám Huỳnh mà nói:
Cháu xin tặng chú để hộ thân.
Trời, cám ơn em không biết bao nhiêu. Em cho anh món nầy, bằng như cho hằng trăm ngàn đồng.
Xin chú cứ gọi cháu là cháu đi mà.
Hắn trải lá ngay trên sân cát rồi dọn bánh hỏi thịt quay ra. Nước mắm thì hắn thắt một thứ dĩa bằng lá cây để rót vào dĩa ấy.
Hắn nói:
Đồng bào của cháu luộm thuộm lắm, họ không có lấy một cái dĩa để tạm mượn. Chú có cần nấu nước uống trà phải nhờ họ đi mua nồi đất vì nhà họ chỉ có một cái nồi độc nhứt để nấu cơm mà thôi. Ở đây chắc chú sẽ buồn miệng. Vậy có bánh in bồn lập.
Em chu đáo lắm.
Họ cùng ăn bóc như người Cao Miên, rượu thì họ ngửa mặt lên trời há miệng ra mà rót vào đó như người Nga, hoặc như những tay uống rượu cừ cửa ta, họ làm thế và gọi đùa là “đổ dế” tức đổ nước vào hang cho dế cơm trồi ra để bắt.
Chủ nhà cũng được mời chung đám với họ. Bữa ăn vui vẻ hết sức, trong đó có lối ba người chết thèm, hai người Việt-Nam chỉ được ăn muối hơn một tuần lễ rồi, và một ngươi chủ nhà Cao Miên mà từ lúc lọt lòng mẹ tới giờ mới được nếm vị thịt quay lần đầu.
Nếu không gì bí mật lắm, Tám Huỳnh hỏi, thì em định đi đâu?
Dạ cháu làm ăn ở giữa Mộc Hóa và Soài Riêng. Chắc chắn sẽ được một trăm con trâu.
Giàu to.
Dạ cũng gần bạc triệu.
Bảnh quá! Qua giải nghệ để theo em được không?
Họ cười xòa với nhau, nhưng rồi Thạch Poul nghiêm sắc mặt lại mà nói:
Đây là chuyến làm ăn cuối cùng trong đời cháu. Nếu được một trăm con trâu đó, cháu sẽ giải nghệ ngay.
Thật à?
Không muốn cũng không được vì có lịnh.
Có lịnh?
Dạ lịnh không nói ra, mà cháu phải nghe.
Hơi lạ!
Rồi chú sẽ rõ.
Tám Huỳnh ngỡ tiếng “rồi” chỉ một tương lai xa, nên không hỏi tới cho biết.
Có một chi tiết nầy hơi lạ là hôm nay Thạch Poul không uống một giọt rượu, hắn là một tay cự phách của cái dân tộc mà “có ba xu rượu vào thì ông trời tôi cũng không sợ”. Thế mà…
Coi kìa, nãy giờ không thấy em uống, uống đi chớ để mừng anh.
Dạ cháu đã thề bỏ rượu.
Qua ngạc nhiên lắm.
Rồi chú sẽ rõ.
Họ ăn uống hồi mười giờ sáng. Ăn xong, ai nấy đều lên tha la để đánh một giấc tới xế mới dậy.
Khi Tám Huỳnh mở mắt ra thì nghe ve kêu vang trời ngoài kia. Dễ thường có đến hàng muôn con ve hay sao mà cuộc hòa tấu của chúng lại ồn đến thế.
Thạch Poul đã thức đâu hồi nào, đã rửa mặt xong nên trông hắn tươi tỉnh lắm. Hắn nói:
Cháu muốn thưa với chú một câu chuyện riêng.
Vậy à?
Tám Huỳnh ngồi dậy rồi lấy súng nhét vào túi quần, cây colt 12 mà Thạch Poul vừa biếu rồi nói
Như thế ta ra ngoài rừng.
Dạ, cháu cũng định đề nghị như vậy. Chú mang súng theo là phải.
Còn em?
Dạ cháu có hằng chục tay súng, chúng ở ngoài ấy từ sớm đến giờ.
Vậy à?
Họ tuột thang rồi chẫm rãi đi ra ven rừng. Thạch Poul đã khai mào lúc xuống tới lưng chừng dốc:
Thưa chú Tám. Cháu biết lễ giáo của người Việt Nam lắm...
Em giỏi đa.
Và phục lễ giáo ấy lắm.
Cám ơn em.
Nhưng theo lối sống của cháu, không thế nào cháu làm đúng lễ giáo đó được.
Cố nhiên.
Lắm khi cháu buộc lòng có vẻ thô lổ, xin chú biết cho.
Không hề gì.
Tám Huỳnh rất lấy làm kỳ, không hiểu sao tên cướp man rợ nầy hôm nay lại đâm ra văn hoa lễ phép quá.
Họ đã vào rừng. Nhìn lên một tổ rồng treo lơ lửng ở một cành sao, Thạch Poul hỏi:
Thưa chú, chú sống trong rừng mãi như cháu được không?
Không.
Cháu cũng không! Buồn lắm. Cháu muốn ra.
Cũng tốt.
Cháu muốn “làm lại cuộc đời”.
Hắn nói rồi cười hề hề và thêm:
Cháu nghe trong cải lương họ nói như vậy hay quá nên cháu bắt chước.
Em sành tiếng Việt Nam lắm.
Chẳng nói giấu gì chú, cháu muốn lập gia đình.
Cũng tốt.
Thạch Poul làm thinh rất lâu sau câu nầy. Mũi giày hắn bươi đất, bươi cỏ lia lịa rồi không ngước lên, hắn gọi:
Chú Tám ơi!
Gì em?
Cháu muốn… xin cầu hôn… xin cưới cô con gái của chú.
Tên tướng cướp hét ra sấm sét và đã sát hại hàng trăm người nầy, giọng hắn run run, và tay hắn cũng run rẩy khi hắn phải thốt ra cái câu mà chính hắn cũng thấy là quá táo bạo đó.
Biết xem người, hắn đoán đúng được rằng Nhan không phải lá gái tầm thường, không phải để làm vợ những kẻ như hắn.
Tám Huỳnh kinh ngạc hết sức nên cũng không nói gì được sau lời cầu hôn “ba gai” cửa gã cường đồ.
Đã trót nói, Thạch Poul đâm bạo, và đưa ra bửu bối mà hắn xem là rất linh nghíệm:
Thưa chú, cháu không làm đúng lễ giáo Việt-Nam được như đã trình bày khi nãy. Xín chú biết cho.
Cháu định cưới cô ấy bằng một trăm con trâu mà cháu sẽ mang về trao tận tay chú. Thưa chú, chú khỏi lo cháu phản trắc, vì cháu giao trâu trước hoặc giao một lúc với sự rước dâu.
Một trăm con trâu! Một triệu đồng bạc! Tám Huỳnh thấy ngay rằng đó là số tiền chú mơ uớc để hoàn lương, quá đầy đủ, hoàn lương đúng theo sở vọng của Nhan.
Nhưng mỉa mai thay, chú hoàn lương bằng cách xô con chú vào đường bất lương!
Nhưng dầu chú có nhẫn tâm như thế, Nhan cũng sẽ không chịu nào! Chú tám tức giận cho tên tướng cướp trèo đèo nầy lắm. Hắn không biết phận hắn, vói cao quá, khiến chú rất khổ tâm. Chú đã thọ ơn nặng của hắn đến hai lần thì khó lòng mà gạt bỏ ngay lời đề nghị của hắn, còn xem xét kỹ thì làm sao mà xem hết cho được khi có sự chênh lệch rất to giữa nếp sống của hắn và phong thế của con chú.
Em có biết rằng chuyện ấy rất khó hay không? Chú Tám hỏi sau một lúc ngại ngùng.
Dạ cháu biết.
Nó chỉ quen ở chợ.
Thế nên cháu mới quyết định bỏ nghề như đã nói trong bữa ăn. Cái lịnh mà cháu đã ám chỉ ấy là lịnh của chú và của cô con chú.
Nó lại có học, học nhiều lắm, đối với bọn ta.
Dạ cháu biết. Và cũng vì thế mà cháu thề bỏ rượu. Thưa chú, chắc chắn cô ấy sẽ không ưng lấy cháu, nhưng cháu hy vọng vào áp lực của chú.
Em bắt tôi làm áp lực?
Dạ, chớ còn biết thế nào nữa.
Và chính em làm áp lực với tôi bằng một trăm con trâu?
Cháu không dám. Đó là lễ cưới.
Tám Huỳnh giận run. Nhưng chú cố trấn tỉnh và cố thông cảm với quan điểm của tên tướng cướp vì quanh đây có đến hai mươi tay súng của hắn.
Kể ra thì hắn không thể làm đúng lễ giáo hơn thật đó. Còn nói trèo đèo thì khối người khác cũng trèo đèo như hắn mà còn không có một trăm con trâu để bù cho sự chênh lệnh quá rõ ràng.
Chủ hỏi:
Nếu con tôi nó ngoan cố và tôi không giúp được em thì sao?
Thì cũng cứ như trước chớ không vì thế mà cháu dám phiền chú. Cháu yêu cô ấy thật tình, chắc chú đã đoán biết. Chớ nếu chỉ thèm muốn cô ấy mà thôi thì đêm đó, cháu đã cướp cô ấy dễ dàng và cướp luôn cả hàng hóa nữa. Tổ chức của chú, cũng đáng ghê thật đó, nhưng cũng khó làm gì được cháu.
Cháu yêu thật tình và nếu không được, cháu sẽ khổ đau y như trong cải lương mà cháu thấy là rất đẹp. Cháu muốn làm một người sung sướng, còn như không được toại nguyện thì làm một người đau khổ như trong cải lương. Cộc đời buồn hiu của cháu sẽ hay, ngộ hơn, nhờ mối đau thương giữa rừng sâu ấy.
Tám Huỳnh suýt bật cười. Trong khi nhiều thanh niên ta muốn thủ ở ngoài đời thật những vai kép hát bóng Âu Mỹ thì thanh niên Cao Miên nầy lại muốn thủ ở ngoài đời thật những vai kép cải lương Việt Nam. Đó là mặc cảm của kẻ kém cỏi hơn người.
Chú Tám cố nén cười và nói:
Cám ơn lòng biết điều của em và vì thế mà tôi sẽ cố gắng thuyết phục con tôi.
Cháu tin là chú sẽ cố gắng!
Tám Huỳnh thương xót tên nầy, không nỡ dứt khoát ngay, chớ chú biết rằng không được và không có định thuyết phục Nhan.
Xin cáo biệt chú vậy và tháng sau ta sẽ gặp nhau. Cháu sẽ đưa trâu về đây, báo tin chú hay và nếu việc đó mà thành thì cháu sẽ giao trâu cho chú tại nơi mà chú chỉ định.
Từ giã em, và một lần nữa, cám ơn hai bận cứu nguy của em.
Không có gì đáng kể thưa chú, Chú Tám ơi, cháu còn một chuyện nầy…
Ừ, em cứ nói.
Thà là mất lòng truớc mà được lòng sau.
Đừng.ngại.
Trong giới của ta, ta quen dè dặt, nên bị méo mó vì nghề. Vậy nếu thành thì cháu sẽ giao trâu cùng lúc rước dâu. Như thế ai cũng khỏi phải sợ ai bội ước.
Em nói đúng. Thôi, giã từ.
Chúc chú mau lành bịnh.
Họ bắt tay nhau rồi Thạch Poul biến mất trong rừng dày.
Tám Huỳnh còn ở lại xóm Tha la đến mười ngày mới dám tính chuyện về làng. Vết thương tuy chưa lành hẳn, nhưng đã kéo da non và không cần băng bó nữa, chú mặc áo vào là không còn ai biết chú đã bị đạn nơi vai.
Chú thưởng tiền người chủ nhà đã cho chú đùm đậu, rồi giã từ chú Tư để chú nầy về với vợ con, đoạn chú lên đường về xóm của dì Năm nằm dưỡng thân năm ba bữa nữa.