Chương 1

 
- Thư đây! Ai ra nhận thư!
Tiếng người phát thư vang lanh lảnh ở cổng. Thiều đẩy chiếc xe lăn lại gần bên cửa, nói lớn:
- Bác quăng dùm qua cổng đi bác.
- Có tiếng động của chiếc xe đạp lọc cọc sang căn nhà khác. Thiều dướn cổ nhìn qua cửa sổ: hai ba lá thơ nằm chập lên nhau, đè lên cả những chiếc lá khô của cây trứng cá vàng một góc sân. Một cơn gió nhẹ chợt thoảng qua đẩy những chiếc bì thư xa nhau hơn. Mắt Thiều như dán chặt vào những mẩu giấy đó. Chắc thế nào cũng có thư của Thục! Thiều chép miệng thầm lo nếu cơn mưa đổ xuống bất thần chắc thế nào cũng sẽ cuốn trôi mấy phong thơ một cách phũ phàng như cuốn những chiếc lá khô. Nhưng Thiều không biết làm cách nào, chiếc xe lăn của Thiều không thể lăn xuống mấy bậc tam cấp nếu không có bàn tay phụ lực của người khác. Thiều nhìn xuống đôi chân mình bất giác thở dài… nỗi buồn vẫn thường bất chợt kéo đến như thế! Khuôn mặt người con gái thoáng chuyển biến từ trạng thái hồn nhiên sang nét buồn vời vợi! Dòng ý nghĩ như bị che mờ bởi những hình ảnh cũ mà tiềm thức vẫn luôn luôn lưu giữ bởi vì đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được.
Cách đây ba năm Thiều đang là một cô gái mười lăm yêu đời như các thiếu nữ cùng tuổi. Vốn sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Thiều và các người em kế, Thục rất được cha mẹ nuông chiều. Tuy cách nhau một tuổi nhưng Thiều và Thục lại rất giống nhau, nhất là về khuôn mặt, hai chị em cùng học một trường, một lớp. Nhiều khi đi học cả hai ăn mặc giống nhau, ngay cả đến thầy giáo hoặc bạn bè cũng nhầm lẫn. Thục lớn con nhưng mặc dầu nhỏ hơn chị mà Thục cao lớn bằng Thiều nếu không muốn nói là cao hơn một chút đỉnh. Cuộc đời hoàn toàn được nhìn qua một lăng kính mày hồng tuyệt diệu. Thiều đã nhiều lần ngẫm nghĩ thấy mình thật là người có phước, được sinh trong gia đình có bậc cha mẹ thương yêu và lo lắng cho con, bạn bè quý mến, việc học hành không có gì trở ngại.
Nhưng ở đời mấy ai mà học được chữ ngờ! Đúng năm Thiều mười lăm tuổi, nhân một chuyến đi nghỉ mát ở Đà Lạt, gia đình Thiều đã bị tai nạn. Chiếc xe do ông Thanh, ba Thiều lái, đã đâm phải một chiếc xe hàng chạy ngược chiều! Kết quả thật là thê thảm! Bà Thanh chết ngay tại chỗ, Thiều bị thương nặng. Riêng ông Thanh và Thục nhờ một sự may mắn đặc biệt đã thoát chết và bình an vô sự, chỉ bị xây xát sơ sài. Phần Thiều, tuy tai nạn không gây một thương tích gì bên ngoài, nhưng tác dụng của tai nạn đã làm cô gái bị đau thần kinh một thời gian, và vết thương ở xương sống đã có một hậu quả thương tâm: Thiều bị liệt cả hai chân. Ngày đầu tiên được biết kể từ đây mình không còn được như người bình thường nữa, Thiều đã ngất đi và muốn chìm đắm luôn vào giấc ngủ thiên thu. Nhưng Thiều làm sao cãi lại với định mệnh? Từ một thiếu nữ đang yêu đời và ham sống, tung tăng đi giữa cuộc đời, Thiều trở thành một bóng mờ tật nguyền đứng bên lề đường của đời sống nhìn những bon chen của thiên hạ. Thoạt đầu, Thiều đã nghĩ tới việc tìm cái chết! Thiều tự cảm thấy mình không thể thích nghi với con người mới của mình được. Nhưng ông Thanh rất vốn hiểu con, đã an ủi Thiều nhiều. Ông tìm cách làm cho Thiều vui, ngoài những giờ làm việc, ông ngồi cạnh con gái kể chuyện đời cho con xao lãng nỗi buồn. Ông Thanh mua rất nhiều sách để Thiều đọc giải trí vì ông biết rằng ngoài việc đọc sách, Thiều còn biết làm gì để mua vui? Ngày tháng qua đi trong sự tẻ nhạt. Sau tai nạn, Thục xin lên Đà Lạt trọ học ỏ nhà bà dì ruột. Ông Thanh bằng lòng vì bây giờ ông không muốn làm buồn lòng một đứa con nào cả. Ông chỉ có hai mặt con thì Thiều đã thành tàn phế. Chính ông Thanh đã chạy chữa hết cách cho Thiều mà tình trạng vẫn không có gì khá hơn. Cách đây một năm, nhận thấy Thiều đã bắt đầu nhàm chán với sách vở, ông Thanh nhờ thầy về dạy cho Thiều học Guitar. Mục đích của ông là để Thiều đỡ thấy trống trải khi thời gian trôi qua buồn tênh mà không có gì tiêu khiển. Thoạt đầu Thiều không thích mấy nhưng dần dần, Thiều cảm thấy đàn là một thú tuyệt vời và Thiều bắt đầu tiến triển thấy rõ trong việc học…
Tiếng mở cổng lách cách làm Thiều giật mình thoát khỏi cơn hồi tưởng. Hoạt, ông thầy dạy đàn cho Thiều vừa đến. Tuy mang tiếng là “thầy” nhưng Hoạt còn rất trẻ, mới 23 tuổi. Và hiện đang theo học năm thứ năm ở trường Kiến Trúc. Hoạt là con một người bạn khá thân của ba Thiều. Gọi là mướn thầy dạy thật, nhưng chính ra là Hoạt tình nguyện dạy Thiều. Những giờ học êm đềm bên người còn gái nhỏ đã tạo ra trong Hoạt một cảm nghĩ đẹp về thiếu nữ. Hoạt cầm lấy mấy phong thư dứ dứ trong tay trêu Thiều:
- Mua lại không, anh bán!
Thiều lắc đầu cười dễ thương:
- Ai mà thèm mua, nhưng anh Hoạt trả đây không thôi Thiều mét ạ.
- Mét ai nè?
- Mét vú Năm.
Hoạt bước đến bên Thiều, đặt ba lá thơ lên thành chiếc xe lăn:
- Đây, sợ quá! Chưa thấy cô học trò nào mà dám bắt nạt thầy như Thiều đấy.
Thiều cầm ba lá thư, liếc sơ qua. Một lá thư mang con dấu bưu điện Đà Lạt, của Thiều, một lá thư của một đại diện gởi ông Thanh và một lá thư nữa từ Mỹ gửi về! Lá thư đề tên Thiều, nhưng không phải là Đỗ Ngọc Thiều, mà là Trần Mỹ Thiều và một số nhà lạ. Chắc là ông đưa thư già lẩm cẩm đã đưa lầm thư. Vốn thấy tên Thiều quen ngày nào cũng thường có thư Thiều gởi, ông ta nhìn lầm tên một người khác ông ta quăng đại thư vào nhà. Thiều nhét đại hai lá thư của Thiều và lá thư lạc vào dưới nệm xe, rồi gọi Hoạt lúc đó đang lấy đàn phía trong:
- Anh Hoạt ơi!
Hoạt chạy ra, tay cầm cây guitar cũ kỹ:
- Gì đó Thiều.
- Anh để dùm lá thư của ba lên tủ buffet hộ Thiều.
Hoạt cầm lá thư để lên tủ, dằn dưới chiếc gạt tàn rồi xách ghế đến ngồi bên Thiều. Hoạt nó:
- Hôm nay Thiều đàn và hát cho anh nghe thử coi cô học trò của anh đã tiến bộ đến đâu rồi.
Thiều nũng nịu lắc đầu:
- Thôi không chịu đâu, anh Hoạt cứ dụ Thiều hát hoài. Bữa nay anh hát cho Thiều nghe một lần đi!
Hoạt dỗ:
- Đâu phải anh dụ Thiều, nhưng học trò thì phải nghe lời thầy chứ. Ai đời cứ ăn hiếp anh hoài.
Thiều vẫn lắc lắc đầu. Hoạt nhìn mái tóc dài của cô gái chảy dịu dàng xuống bờ vai thon thả. Một niềm thương cảm dào dạt dâng lên làm Hoạt muốn nghẹn tiếng. Những ngày gần gũi bên Thiều đã đem Hoạt đến càng ngày càng gần với Thiều hơn. Thiều có những ước vọng thật đơn sơ và dễ thương mà không bao giờ thực hiện được. Có lần Thiều nói vơi Hoạt: “Thiều ao ước bây giờ có phép màu nào chữa lành cho Thiều khỏi bị bệnh hai chân, chắc Thiều sẽ bắt anh Hoạt dẫn Thiều đi phố một bữa cho đã đời. Mấy năm nay cứ giam mình trong nhà, trên chiếc xe lăn tay này, Thiều thèm được biết mặt phố xá quá”. Những lúc Thiều tâm sự như thế Hoạt chỉ biết an ủi Thiều là một ngày gần đây thế nào y học cũng sẽ chữa lành được cho Thiều. Từ những tình cảm nhỏ nhoi đó, Hoạt tìm được nơi Thiều những ý sống rất lạ khác hẳn những thiếu nữ đồng tuổi với Thiều đang ngày đêm nhan nhản ngoài phố. Có lẽ bởi vì Thiều sống thu hẹp trong một thế giới chỉ toàn là sách vở và mộng mơ, với những ước vọng hoàn toàn khó có trong thực tế! Nhiều khi Hoạt đã ngồi cả giờ đồng hồ đăm đăm nhìn Thiều đàn. Khuôn mặt hơi dài dài với đôi mắt to tròn dễ thương của Thiều, lâu ngày đã sâu vào tâm khảm người con trai. Vốn là con duy nhất của một thầu khoán, Hoạt trưởng thành trong những điều kiện hết sức dễ dàng cho một người con trai thành công trên đường đời! Đã có nhiều người con gái đến với Hoạt nhưng họ đều chỉ là những chiếc bóng mờ thoáng qua rồi mất hút! Ngày đầu ông Thanh ngỏ ý muốn nhờ Hoạt tìm dùm một người dạy đờn cho con ông. Hoạt đã hăng hái nói:
- Thưa bác, nếu bác và cô Thiều bằng lòng, cháy sẽ đến chỉ cho Thiều học.
Và từ đó những giờ rỗi rảnh Hoạt đều dành cho Thiều.
- Anh Hoạt, đàn đi chứ!
Thiều kêu lên đầy giận dỗi. Hoạt cười:
- Ừ thì đàn! Hôm nay Thiều nghe bản gì để tập.
Thiều lật lật tập nhạc:
- Tùy anh Hoạt vậy! Mấy bản trong này Thiều tập gần hết cả rồi.
Hoạt nói:
- Thôi, để anh tập cho Thiều bản này.
Hoạt lôi trong tập giấy mang theo một bản nhạc còn mới đặt trước mặt. Thiều cầm tờ nhạc lên xem. Đó là một nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn phổ theo thơ của Trịnh Cung mang một tựa đề rất lạ: “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”. Thiều nói:
- Tựa bản nhạc này hay quá hả anh!
Hoạt gật đầu:
- Ừ, nhưng nhạc và lời còn hay hơn nữa.
Thiều ngước nhìn Hoạt:
- Anh hát cho Thiều nghe đi.
Họa so dây và bắt đầu hát. Giọng Hoạt thật ấm vang lên trong căn phòng như một dòng nước chảy êm đềm qua từng khe đá nhỏ của một mạch nước trong vắt. Thiều tựa đầu vào thành xe, tay chống cằm nhìn ra cửa sổ. Lời nhạc rót vào tai… “Ừ! Thôi em về, chiều mưa giông tới, bây giờ anh vui…”
Lời ca Hoạt đã dứt, căn phòng rơi vào một sự im lặng bàng hoàng. Chừng như âm thanh ấm ngọt của Hoạt vẫn còn ngự trị đâu đó… Cơn gió bên ngoài khung cửa sổ làm lay bức rèm màu thiên thanh. Lá cây trứng cá rụng tơi tả chợt bị cuốn lên theo với một làn bụi mỏng bay là là rồi rơi xuống ở một vị trí khác nhau. Hoạt nói:
- Thiều nghĩ gì đó?
Thiều lắc đầu:
- Không anh ạ. Thiều chả nghĩ gì nhưng bản nhạc hay quá anh nhỉ.
Hoạt gật đầu:
- Ừ, anh thích. Lát anh về để bàn này lại Thiều mượn nha. Ở nhà Thiều tập lấy một mình.
Hoạt đứng lên cất cây đàn. Rồi đến bên Thiều. Trời bỗng kéo mây đen u ám. Có lẽ lại sắp mưa. Thiều chép miệng:
- Sắp mưa rồi đó anh Hoạt.
Hoạt nhìn qua chấn song cửa. Hàng cây dầu cao lớn bên ngoài hàng rào chao động mạnh tạo nên âm thanh xào xạc. những tàn lá rậm rạp cao ngất nghểu ngã qua ngã lại theo chiều gió. Có lẽ sắp mưa thật, mà mưa to nữa là khác. Sài Gòn mà mưa chả có gì thơ mộng cả nhưng chả hiểu sao Hoạt lại thích những cơn mưa của Sài Gòn. Cái quang cảnh nôn nao của những bộ hành trên lề đường mong về đến nhà trước khi cơn mưa kéo đến luôn luôn là một cái gì đó kích thích Hoạt nhìn ngắm hoài mà không chán mắt. Nhà Hoạt nằm ở một ngã ba gần đường Phan Đình Phùng. Những hôm mưa Hoạt thường đứng bên cửa kính trên lầu ba nhìn xuống đường, xe cộ và người ướt lướt thướt. Những chiếc áo che mưa đủ màu sắc trên đường phố là một bức tranh linh hoạt mà khó có một họa sỹ nào diễn đạt lại được qua nét bút! Từ lầu cao Hoạt nhìn những hạt mưa nhỏ li ti đan vào nhau, những sợi mưa đan thành hàng thẳng nhưng thỉnh thoảng có những sợi đi lạc, bay xiên trong không trung một cách lẻ loi trông thật tội nghiệp! Nhiều lúc Hoạt thấy mình mơ mộng và lẩm cẩm như con gái. Chính các bạn bè của Hoạt cũng thường phê bình như vậy. Bản chất con người Hoạt chỉ thích những gì mong manh yếu đuối, như những sợi mưa đan trên nền trời đục. Chính vì thế mà Hoạt không thể nào ưa được những người bạn gái của Hoạt, những thiếu nữ với các loại quần áo bắt mắt nhưng thiếu nét thùy mị mỏng manh mà Hoạt luôn luôn tìm kiếm khi vừa quen với bất cứ cô gái nào. Chỉ nơi Thiều, ngay lần đầu tiên gặp gỡ, Hoạt đã thấy nơi thiếu nữ tật nguyền này một cái gì không trường tồn. Dường như sương, dường như khói, sương sẽ bay và khói sẽ tan, Thiều mỏng như tờ giấy và nhẹ như hạt mưa! Nói chuyện với Thiều, nghe Thiều tâm sự, Hoạt lại càng thấy ở Thiều mối bất an đối với cuộc sống. Có lẽ Thiều rất cần một sự che chở, và Hoạt thật tình rất muốn che chở cho Thiều. Nhưng tự Hoạt không tự làm được điều đó. Còn Thiều, đã chắc gì Thiều bằng lòng cho Hoạt tạo với Thiều một liên lạc bền vững? Hay chỉ là gián đoạn? Phải nói là Hoạt không thể nào hiểu được người con gái đó. Thiều như một con ốc thu mình trong lớp vỏ cứng. Và Hoạt bất lực đứng nhìn.
Cơn mưa ào xuống thật mạnh. Cây trứng cá rũ mình đứng dưới cơn mưa thịnh nộ của trời đất. Một ít bụi mưa tạt qua cửa sổ bay vào đậu lấm tấm trên tóc Thiều. Hoạt kêu lên:
- Chết! Mưa ướt Thiều hết. Để anh đưa Thiều qua bên này tránh mưa nhé.
Thiều lắc đầu:
- Thôi khỏi anh à? Kệ, để Thiều ngồi đây hứng chút bụi mưa chứ. Với lại Thiều thích nhìn mưa.
Hoạt lơ đãng:
- Thiều thích mưa à?
Thiều gật nhẹ:
- Dạ, thích anh. Hồi nhỏ Thiều đi học, mỗi khi mưa tụi bạn Thiều càu nhàu dữ lắm. Tụi nó chê mưa dơ, đường trơn lại ướt áo quần, ướt sách vở. Còn Thiều, Thiều lại thích trời mưa. Nhiều hôm nhìn qua cửa lớp ngắm mưa, thầy giáo đến sát bên bàn mà Thiều không hay.
Hoạt nhìn Thiều. Trong lúc say sưa diễn tả niềm đam mê của mình, trông Thiều lôi cuốn lạ lùng.
- Anh Hoạt biết không? Thiều thích nhất là đi dưới trời mưa. Mỗi khi mưa tạt vào mặt mình, tuy đau thật nhưng thú ghê.
- Vậy Thiều đã đi dưới mưa nhiều chưa?
- Nhiều chứ anh. Hồi Thiều chưa bị tai nạn đó.
Âm thanh chùng xuống ở những tiếng cuối cùng rồi đôi môi Thiều như khép kín. Ánh mắt trĩu nặng nỗi buồn vô bờ bến mà không bao giờ ai có thể mang dùm đi để trả lại cho Thiều tuổi hồn nhiên vô tư. Hoạt im lặng tôn trọng nỗi buồn cố hữu đó của Thiều. Mưa vẫn rơi nhanh và mạnh. Bên ngoài khung cửa của gian phòng là gió và mưa. Bên trong gian phòng, hai người trẻ tuổi lặng ngồi bên nhau. Sư im lặng kéo dài…