Chương 2

Chị đỏ Đương không có vẻ đợi Tết. Chị không biết trông chờ, mong ước, thì nghe làm sao được sự vần vụ mầu sắc của không gian, thấy làm sao được nỗi rộn ràng của thời tiết. Chị đỏ Đương gói bánh, giã giò, và nhờ những công việc này, chị biết rằng sắp Tết.
Hôm chạy một mạch từ nhà lên báo với chị tin anh tôi về, tôi vẫn thấy chị đỏ Đương ngồi yên lặng nấu bánh.
- Chị đỏ ạ, anh em đã về đấy. Chị xuống nhà em ngay đi!
Nói xong, tôi đặt vào bàn tay chị hai chiếc bánh trứng gà, nói là quà của... anh tôi biếu chị. Lần đầu tiên, tôi thấy người thiếu phụ ấy buồn bã rõ rệt, lần đầu tiên đang vui, tôi bỗng thấy lòng mình rạo rực, thắc mắc vì tôi trót lỡ lời.
Chị đỏ Đương không nói, không nhìn tôi, đôi mắt hướng cả về phía lửa cháy như người tính toán một điều gì. Sợ chị không bằng lòng, tôi hỏi gặng:
- Chị đỏ giận em à?
Chị đỏ Đương ngoảnh lên nhìn tôi, mỉm cười gượng gạo:
- Không, chị không giận, nhưng chị không muốn lên.
- Chị chê nhà em chật à?
- Không phải, nhưng chị không muốn lên.
- Thế thì em bảo anh em... đến với chị vậy!
Chị đỏ Đương sặc lên cười. Tiếng cười dữ dội quá, lạnh lẽo quá, vì nó đột nhiên, vì chưa bao giờ chị đỏ Đương cười như thế hết.
Ra đến ngõ, tôi còn quay với lại:
- Chị Đương đừng giận em nhé!
Có tiếng đáp lửng lơ:
- Không!

*

Tôi ngồi lọt vào giữa đám đông người nhà quây quần trên chiếc phản ngựa đặt hỏa lò, vì hôm đó là sáng mùng một Tết. Anh tôi hỏi tôi:
- Lâu nay bé học có khá không?
Tôi đáp:
- Em học cũng được anh ạ. Nhưng em có chuyện này muốn nói với anh...
Mẹ tôi mỉm cười, nói xen vào:
- Nó muốn nói đến con đỏ Đương ở làng bên đấy. Con ấy nó đã có chồng rồi, nhưng thằng va đi Tân... khí giới đã mấy năm nay không thấy về.
Sợ có sự dèm pha không tốt cho người tôi yêu mến, tôi nói trước:
- Chị ấy tốt đáo để. Anh cứ lấy đi, đến lúc chồng chị ấy về thì đã... xong rồi!
Anh Hai tôi ngồi yên lặng. Mãi sau anh mới chậm rãi:
- Cứ kể ra lấy vợ nhà quê cũng tốt. Đỡ được mẹ. Nhẹ cả cho mình.
Ngay chiều hôm ấy, lấy chỗ tình quen biết, tôi đến mừng tuổi chị đỏ Đương và nhân tiện để anh tôi xem mặt chị. Thấy chúng tôi đến, chị đỏ Đương luống cuống cầm gậy ra đánh chó, rồi quên cả chào hỏi khách, chị cứ nắm lấy tay tôi mà yên lặng.
Cảnh nhà chị đỏ Đương thanh bạch quá, Tết đến càng làm thanh bạch thêm. Mấy que hương đen ngậm ngùi cháy trên bàn thờ vắng vẻ, vài bông hoa giấy trơ trẽn thò ra ngoài chiếc bình sứ, không đủ điểm sáng sự u tịch đã có từ nhiều đời.
Chị đỏ Đương sống bên một người chị gái lỡ thời, tàn tật, thiếu hạnh phúc sum vầy, nhưng lại giàu lòng nhân đức. Hai tâm hồn ấy, một đã bị sa thải khỏi cảnh hoa nắng của đời, và một còn mang nặng cái dĩ vãng tình duyên không đẹp, đã ghé lại bên nhau, như bóng chiều nghiêng xuống túp lều rách, và cùng cảm hiểu nhau trong thứ tiếng nói thầm kín của đau thương.
Chị đỏ Đương có thật để lòng rung động trong buổi sơ ngộ với anh tôi hay không, tôi không dám chắc. Nhưng bảo rằng người con gái ấy đã để thoáng lẫn ý nghĩ muốn lập một gia đình thứ hai, tôi đã có một nhận xét không quá sai lệch. Điều khiến chị đỏ Đương dùng dằng trước ngưỡng cửa cuộc sống mới, do chính là cái hình bóng chỉ còn là hình bóng thường run run ở một nơi mà chị mơ hồ đoán là xa lắm, có thế thôi.
Anh Hai tôi thì đã nếm mùi ăn chơi ở Hà Nội. Anh đã biết qua thế nào là chán nản, cái cảm giác tẻ ngắt, vô vị, rớt lại sau những buổi tiệc đời, sau những cái xoay lưng hung tàn của mấy người con gái. Rồi giữa lúc lòng anh rộn cảm sự hoang vắng, u tịch, anh tự nhiên nghĩ đến gia đình, cứu cánh của những tâm hồn bị ruồng bỏ.
Lần ấy, anh tôi nói trước:
- Năm mới, nhân dịp được về chơi, tôi đến mừng tuổi cô.
Chi đỏ Đương cúi mặt xuống, giọng nói run run:
- Cảm ơn anh...
Chị đỏ Đương chỉ nói được có thế, rồi bỏ tôi đi têm trầu, pha nước. Tôi đứng lấp ló sau thân cây cột, mỉm cười với anh tôi, đôi mắt nhìn anh dò hỏi...
Ra về, thấy tôi xoắn xuýt đến chuyện cưới chị đỏ Đương, anh tôi gắt nhưng với vẻ hiền hậu:
- Trẻ con... thì biết gì!
Cách đấy ít lâu, theo lời yêu cầu của anh tôi, mẹ tôi sang bên nhà chị đỏ Đương dạm ngõ. Lễ ăn hỏi thật là đơn giản với những người thoạt sinh ra đã sống một cách đơn giản. Chị đỏ Đương trốn biệt vào trong buồng, nghe qua kẽ vách, và nhìn trộm cũng qua đó.
Tiếng người anh chị đỏ Đương hỏi:
- Bây giờ thì cô định thế nào? Có bà bên làng sang bỏ trầu đấy.