Chương 3

Một buổi tối mùa đông. Giời rét buốt. Bên ngoài, gió thổi vù vù. Cách dăm phút lại có luồng gió mạnh lùa qua khe cửa chớp, kéo dài ra, nhỏ dần, rồi lặng hẳn trong sự tịch mịch của đêm đông. Tuy mới tám giờ mà ngoài phố đã ít người qua lại. Qua một lần mây u ám, ánh giăng lờ mờ chiếu xuống, vừa đủ sức sáng cho ta nhìn thấy lối đi và hai dẫy nhà hai bên đường.
Trước lò sưởi, trên một chiếc ghế thấp, Thọ đang ngồi xem chuyện "Đoạn Tuyệt". Khi xem đến chỗ Loan vô ý giết chồng, chàng thở dài, đặt sách lên đùi, cằm tì vào hai bàn tay ấp lấy má, mắt đăm đăm nhìn những ngọn lửa nhấp nhô, lém dần những thanh củi khô màu trắng hay vàng nhạt. Lửa lém đến đâu, củi đen đến đấy, cháy dần, rồi những mảnh than hồng từ từ lở ra rơi xuống.
Thọ nghĩ "Nhất Linh khéo lôi thôi lắm. Cái tài của ông chỉ làm cho ta thêm buồn. Sự thực ở đời đã làm cho ta phải ngang tai chướng mắt, uất ức khó chịu. Nay xem truyện ông, tưởng để mua vui trong chốc lát, ai ngờ lại thấy vẽ ra trước mắt những cảnh ta muốn quên đi. Loan phải lấy Thân, ta đã ức thay. Loan bị mẹ chồng đay nghiến, chị em chồng diếc móc. Ôi! Mỉa mai! Những cảnh ấy ta đã thấy diễn ra nhiều lần trước mắt ta. Thế còn chưa đủ khổ ư? Còn phải ôn lại trong truyện nữa ư? Rồi.. vì Loan sơ ý mà chồng Loan chết... Chồng Loan chết! Loan mang tiếng giết chồng! Thân Loan rồi sẽ ra sao? Cuộc đời đầy giẫy những sự xấu xa. Ta chán nản. Ta muốn gặp trong truyện những cảnh êm đềm hơn, những tình cao thượng hơn, để quên trong chốc lát những cái thấp kém của cuộc đời thật... Nhưng nào có được! Các ông viết tiểu thuyết lại cứ muốn chụp lấy những cái thấp kém ấy...".
Bên ngoài có tiếng gõ cửa. Thằng nhỏ mở ra. Một luồng gió thổi mạnh vào, khiến Thọ rùng mình ngoảnh ra. Chàng ngạc nhiên nhìn hai thiếu nữ vừa tiến đến vừa lấy tay che mắt vì chói đèn. Hai thiếu nữ mặc quần cẩm nhung trắng, áo nhung đen. Thọ nhận ngay ra là hai chị em Nhung. Chàng bảo thằng nhỏ để hai cái ghế sát vào lò sưởi, mời hai nàng ngồi vào cho ấm, rồi hỏi:
- Giời rét thế này mà hai cô cũng chịu khó đi chơi.
Phượng nói:
- Thưa ông, vì việc cần nên chúng tôi phải đi.
- Việc gì mà cần thế ạ.
- Thưa ông, chúng tôi mới nhận được giây thép ở Hà Nội gửi lên, nói bác chúng tôi yếu nặng. Tôi đến xin phép ông cho em Nhung nghỉ mấy ngày, vì mai chúng tôi phải về Hà Nội sớm.
- Vâng.
Thọ bảo pha cà phê và với hộp thuốc lá trên bàn mời chị em Nhung. Trong khi ấy, Nhung ngẩng nhìn bức tranh than vẽ chân dung một thiếu nữ treo trên lò sưởi. Thọ nhìn Nhung và nói:
- Em gái tôi đấy, hiện đang học năm thứ hai trường nữ sư phạm.
- Vâng. Con trông giống thầy lắm.
Phượng cũng ngẩng lên nhìn rồi nói:
- Cô ấy tươi nhỉ! Chắc là vui tính lắm?
- Cũng vui tính như cô.
Phượng cười, rồi cúi xuống cho thêm củi vào lò sưởi. Củi nỏ, bén lửa ngay, nổ lách tách, những mảnh than hồng nhỏ tí bay lên.
Thằng nhỏ bưng cà phê đến. Thọ mời Phượng và Nhung. Phượng cầm quyển Đoạn Tuyệt, dở xem mấy trang, rồi hỏi Thọ:
- Ông xem xong chưa, cho tôi mượn ít lâu.
- Vâng. Cô cứ lấy.
- Tôi đã đọc trong Phong Hóa rồi, bây giờ muốn xem lại.
Phượng im lặng một lúc, rồi nói, có vẻ bùi ngùi:
- Cái hạnh phúc của người con gái, thật ở cả tay người chồng.
- Chính thế. Bây giờ chắc cô kén chọn kỹ lắm.
Phượng im lặng, nhìn ngọn lửa rỡn nhau trong lò sưởi, và tưởng đến một cuộc đời êm ấm.
Chuông đồng hồ thong thả buông chín tiếng. Phượng và Nhung đứng dậy xin về. Thọ sai thằng nhỏ cầm đèn đưa hai nàng. Phượng nói:
- Cám ơn ông. Chúng tôi đi xe đến.
Cửa vừa mở, đèn xe cũng bật lên, máy xe chạy sình sịch. Chị em Nhung chào Thọ lên xe.

°°°

Một tuần lễ sau, cũng vào khoảng tám giờ tối, Thọ đang ngồi chấm bài thì Quảng đến. Thọ hỏi:
- Hôm nay thứ hai, sao anh lại ở đây? Anh nghỉ học ư?
- Thưa thầy, con xin phép nghỉ một ngày, vì con có một việc phải trình thầy.
Thọ chỉ vào một chiếc ghế, bảo Quảng:
- Anh ngồi chơi. Có việc gì thế?
Quảng thong thả lấy ở túi ra một phong thư, đặt lên bàn, trước mặt Thọ:
- Thầy xem thư này thì rõ đầu đuôi câu chuyện.
Thọ lấy thư ra xem:
Anh Quảng,
Tôi thấy anh phải đuổi, tôi rất thương. Tôi cũng toan xin cho anh, nhưng vì ông giáo Thọ không phải là người tốt, nên tôi lại thôi. Ông ấy dạo này rất ê chệ: ai lại thầy giáo đi chim học trò bao giờ.
Tối hôm nọ, hai chị em con Nhung đến chơi nhà ông ấy lâu lắm. Chúng nó hư cả nút.
Tôi muốn báo thù hộ anh. Vậy khi anh còn học ở Vĩnh Yên, anh thấy Thọ và Nhung đối với nhau thế nào, anh kể rõ cho tôi biết. Khi đã có chứng từ trong tay, tôi sẽ viết bài đăng báo, thế nào "anh" cũng phải đổi đi nơi khác, mà "chị" cũng xấu hổ.
Nếu việc thành, tôi sẽ thưởng tiền cho anh sau. Anh viết thư về cho tôi thì đề:
Monsieur Nguyễn Đức Hùng
Secréiaire des Résidences
Vĩnh Yên
Xem xong thư, Thọ sẽ thở dài. Chàng không ngờ lại có chuyện ấy, nhất là thấy Hùng đối với mình vẫn vui vẻ hòa nhã như thường. Lạ! Nào Thọ có làm gì mất lòng Hùng đâu? Chắc hẳn chỉ vì ghen. Thấy Nhung không yêu mình, cho là Nhung yêu Thọ, nên Hùng muốn bêu xấu hai người cho bõ ghét.
Thọ hỏi Quảng:
- Thế anh đã giả nhời ông Hùng chưa?
- Thưa thầy, đã. Hôm qua con nhận được thư thì con giả nhời ngay. Con nói vắn tắt: chị Nhung là người học trò chăm chỉ đứng đắn, thầy là một ông giáo đáng được mọi người kính trọng, ông phán Hùng ở ngoài không biết, không được nghi ngờ. Sau con lại sợ ông ấy tìm cách khác, nên con phải xin phép về báo thầy biết trước để thầy đề phòng.
- Anh tốt lắm. Tôi đuổi anh, mà anh vẫn nghĩ đến tôi, tấm lòng anh rất đáng quý. Tôi cảm ơn anh. Nhưng anh cứ yên tâm. Họ không làm gì nổi tôi đâu, vì sự thực bao giờ cũng vẫn thắng.
Quảng vui vẻ chào Thọ lui ra.
Thọ cất phong thư của Quảng mới đưa cho vào ngăn kéo, rồi lấy thuốc lá hút. Chàng buồn cười về cái cử chỉ của Hùng. Nhưng chàng sẽ không lấy làm lạ, nếu chàng được rõ câu chuyện của Hùng và Bình nói với nhau trên đường Tam Đảo, ngay buổi chiều hôm sau khi Nhung đến nhà chàng.
Buổi chiều hôm ấy, sau khi ở tòa ra, Hùng rảo bước trên con đường Tam Đảo, Bình đã đứng đợi ở dốc Định Trung. Hai người sánh vai nhau đi, nhưng không ai nói gì. Đằng xa dãy núi Tam Đảo bị mây phủ kín: hai bên cánh đồng trơ trụi gốc rạ lởm chởm; ngang trời, vài con chim bay uể oải đến một nơi xa. Buổi chiều đông gợi trong tâm hồn ta một nỗi buồn khó tả.
Bình và Hùng rẽ vào một con đường nhỏ bên phải, khuất khúc trong những bụi cây con cằn cỗi. Đến cửa chùa Hà Tiên, hai người ngồi nghỉ trên bờ giếng. Nước giếng chùa Hà có tiếng là trong và ngọt. ở vùng đấy đã có câu ví: "Trong như nước giếng chùa Hà". Tuy giếng ấy cách tỉnh l��ững ba cây số, mà các nhà phong lưu và cầu kỳ cũng cho người lấy nước về để pha chè, vì họ cho rằng: pha chè bằng nước ấy thì hương chè tăng lên bội phần.
Bình và Hùng cùng nhìn xuống giếng. Trên mặt nước im lặng và trong vắt, bóng hai người lồ lộ. Hùng mơ màng tưởng tượng như đứng bên cạnh Nhung, Bình ước ao bóng Hùng hóa ra bóng Thọ. Nàng sẽ thở dài, rồi mỉm cười chua chát, hỏi Hùng:
- Tối hôm qua anh có biết chuyện gì không?
- Không. Chuyện gì thế em?
- Buồn cười lắm. Tối hôm qua, chị em con Nhung đi ô tô đến nhà Thọ.
- Nhung con cụ Tuần ấy à?
- Phải. Nhung con cụ Tuần, đến nhà ông giáo Thọ, lúc ấy đã khuya.
Hùng lộ vẻ bực tức.
Chàng lẩm bẩm một mình:
- Hừ! Thế thì lạ thực!
Bình chăm chú nhìn Hùng:
- Người ta yêu nhau mặc người ta, việc gì đến mình mà phải hậm hực.
- Vẫn là mặc người ta. Nhưng ai lại nhố nhăng như thế. Một cô con gái cụ Tuần.
- Và một ông giáo...!
Hai người lặng im một lúc, mỗi người nhìn về một ngả. Lúc ấy giời đã gần tối. Cảnh chiều rất tịch mịch. Bỗng trong chùa Hà Tiên, tiếng chuông vang động, thong thả, ngân nga, dứt tiếng nọ đến tiếng kia, rồi dần dần liên tiếp nhau đổ hồi. Bình hỏi:
- Anh định làm thế nào? Ai lại để họ tự do quá như thế được.
- Làm thế nào? Chỉ có một cách là đăng báo để bêu xấu họ... Nhưng...
- Nhưng làm sao?
- Nhưng nếu cụ Tuần biết thì khốn!
- Biết thế nào được. Ai dại gì mà đăng báo nói xấu người ta lại ký tên thật.
Rồi như chợt nghĩ ra một ý kiến gì hay, Bình vui vẻ nói tiếp:
- Phải rồi. Thằng Quảng mới bị Thọ đuổi, bây giờ học ở Việt Trì. Anh viết thư lên hỏi nó về cách cử chỉ của Thọ và Nhung ở trong lớp. Nó ghét Thọ, chắc có gì nó chẳng nói ra cho hết. Dù không có gì, nó cũng sẽ bịa đặt ra. Anh hứa sẽ cho nó tiền và bảo nó viết thư giả lời anh. Chứng cớ đã nắm chắc trong tay, dù cụ Tuần có biết cũng chẳng làm gì nổi...
Hùng gật đầu khen phải. Hai người dắt tay nhau về. Giới đã tối. Những làng xóm, cây cối, và những dẫy núi đằng xa còn lờ mờ in bóng lên nền trời trắng xám.
Trước khi chia tay, Bình còn dặn Hùng:
- Anh viết thư ngay đi nhé.
Buổi tối hôm ấy, cơm xong. Hùng viết ngay thư cho Quảng. Chàng vui vẻ gập thư lại, bỏ vào phong bì. Chàng yên trí rằng thế nào chàng cũng đạt được mục đích: bức thư trả lời của Quảng sẽ kể rõ cho chàng biết bao cái xấu xa của Nhung và Thọ.
Hùng nghĩ: Thọ phải đổi, cô ả tuyệt vọng, biết đâu không phải là một dịp tốt cho mình. Thọ đi, Nhung sẽ buồn tẻ, chán nản. Biết đâu nàng sẽ không bị lời đường mật của ta cám dỗ, và âu yếm ta như khi nàng âu yếm Thọ: Phải! trong lúc chán nản, người ta dễ siêu lòng lắm. Biết đâu rồi bao cái "biết đâu" ấy đưa lại trong trí tưởng tượng của Hùng những hình ảnh êm dịu: nào khi cùng Nhung sánh vai trên đồi Định Trung, mơ màng nhìn những áng mây chờn vờn trên đỉnh núi, mà lặng lẽ yên hưởng những phút đầm ấm man mác của tình yêu; nào khi cùng ai ngồi trên bờ giếng chùa Hà, soi gương mặt nước, rồi âu yếm đặt môi lên trên má phơn phớt hồng của người mình hằng mơ tưởng...
Hùng lại nghĩ đến món tiền hồi môn của Nhung, món tiền có thể lên tới hàng vạn được. Chàng sung sướng với những ý nghĩ của mình.
Nhưng Hùng sẽ thấy những sự mơ tưởng chỉ là những sự mơ tưởng, nghĩa là không bao giờ thành sự thực được, khi chàng đã nhận được thư giả lời của Quảng. Chàng sẽ thất vọng, sẽ thấy mình khổ sở đau đớn trong cảnh vui của người khác.
Cũng đêm ấy, Bình thấy băn khoăn. Bao ý nghĩ vẩn vơ bận tâm hồn nàng. Sau khi Hùng đã đăng báo, có lẽ Thọ phải đổi thực. Lúc ấy nàng sẽ vì nhớ Thọ mà đau khổ hơn bây giờ. Thà rằng Thọ không yêu nhưng ngày nào nàng cũng được trông thấy mặt, thấy dáng điệu của người mình mơ tưởng. Rồi nàng lại lẩm bẩm một mình: "Thôi, đi cho khuất mắt...".

°°°

Trong lớp Thọ có một người học trò tên là Thanh, mặt mũi sáng sủa nhanh nhẹn. Thanh ít khi thuộc bài. Nhưng Thọ biết Thanh không phải là người kém trí khôn, vì mỗi khi Thọ bắt Thanh đứng học bài trong lớp, thì chỉ một lúc là Thanh thuộc ngay. Thọ thường mắng nhiếc Thanh là người lười biếng; Thanh chỉ đứng cúi mặt rơm rớm nước mắt. Mà Thanh lại hay nghỉ và lần nào nghỉ cũng không xin phép.
Một hôm Thanh nghỉ học, Thọ hỏi thăm học trò trong lớp xem có ai biết rõ nhà Thanh không. Một người đứng lên nói:
- Thưa thầy, nhà anh Thanh nghèo lắm. Anh ấy chỉ còn có mẹ đã ngoài sáu mươi tuổi. Mẹ anh ấy bán bún. Đêm nào anh ấy cũng phải xay bún đến tận 12 giờ khuya. Sáng ngày anh lại phải dậy sớm để giúp mẹ. Bởi thế nên không mấy khi anh thuộc bài vì không có thì giờ học. Những khi anh nghỉ học là nhà anh có phường buôn đến trọ, anh phải ở nhà bận việc.
Thọ thấy Nhung nhìn mình, sẽ thở dài, có lẽ Nhung ái ngại cho tình cảnh của Thanh.
Hai ngày hôm sau, lúc cụ Thanh đang lúi húi thổi cơm trong bếp, một người đàn ông vào khoảng ba mươi tuổi, mặc quần áo nâu, vào chào cụ. Cụ Thanh quay ra:
- Tôi không dám. Bác hỏi gì thế?
- Thưa cụ, con là Ba, con đến xin ở giúp việc cụ.
- Nhà tôi có việc gì đâu, mà làm gì có tiền để giả công bác.
- Thưa cụ, con không dám lấy tiền công. Con chỉ đến giúp việc cụ để cậu Thanh có thì giờ học tập. Những lúc nhàn rỗi, con sẽ vào rừng kiếm củi về bán, để thêm tiền giúp cụ làm hàng.
Cụ Thanh rất lấy làm lạ, không hiểu sao lại có người rỗi công việc đến thế. Lúc Thanh ở trường về, thấy mẹ nói chuyện, cũng ngạc nhiên Thanh suy nghĩ một lúc rồi hỏi anh Ba:
- Chắc có ai thuê tiền anh để đến ở nhà tôi.
Ba cười:
- Cậu nói dở. Tôi thấy cậu bận học, không có ai giúp, chứ ai lại thừa tiền thuê người đến làm công cho người khác bao giờ.
Thanh lặng im, nghi ngờ.
Thực ra Ba đã nói dối Thanh và đã giữ trọn lời hứa với Thọ vì trước khi cho Ba đến ở với cụ Thanh, Thọ đã dặn hắn không được nói rõ cho ai biết là chàng thuê hắn. Mỗi tháng Thọ...

°°°

Từ ngày có Ba, Thanh không phải làm việc nhà nữa, học hành chăm chỉ, nên tấn tới trông thấy. Thấy Thanh như thế, Thọ rất vui lòng.
Một buổi sáng, học trò vào lớp, vừa ngồi yên chỗ, bỗng Thanh đứng dậy, mang một chồng sách lên bàn giấy Thọ, khoanh tay nói:
- Thưa thầy con không biết sách của ai để ở chỗ con. Vậy con đem lên để trình thầy.
Thọ dở ra xem, thấy toàn sách của học trò lớp nhất dùng, và mới mua cả. Thọ hỏi xem những sách ấy của ai, nhưng không ai nhận. Chàng nhìn một lượt học trò trong lớp, thấy mặt Nhung hơi ửng đỏ. Thọ bảo Thanh:
- Sách này không ai nhận vậy anh có quyền giữ lấy để dùng.
Thanh đem chồng sách về chỗ. Chàng chắc có người thấy chàng không có sách dùng, nên mua cho chàng. Người ấy và người cho Ba đến ở nhà chàng có lẽ là một. Mà người ấy chỉ là người trong lớp học của chàng: thầy giáo chàng hay một người trong bạn học. Thanh vừa cảm động, vừa thẹn, thẹn vì cũng một kiếp người mà mình phải để cho người khác phải thương hại và giúp đỡ. Cái nghèo là cái khổ. Các bạn Thanh cũng chỉ là người như Thanh, hơn Thanh chỉ ở chỗ sinh trưởng vào nơi phú quý. ấy thế mà có nhiều kẻ khinh Thanh, nhìn Thanh bằng đôi con mắt kiêu ngạo. Thanh thấy nhiều con nhà giầu lười biếng chơi bời, thì chàng tiếc thay đời họ và thương hại họ không biết hưởng sự may mắn của mình. Nếu ở vào địa vị họ có lẽ Thanh đã học ở một trường khá cao.
Rồi Thanh lại nghĩ đến người đã kín đáo giúp mình. Người làm ơn không cần kể ơn, nhưng kẻ chịu ơn không thể quên được.
Thanh muốn biết ân nhân của mình là ai để tìm cách báo đền. Nhưng chàng lại nghĩ: người giúp ta đã không muốn cho ta biết mặt, thì ta dò biết để làm gì. Người ấy cho ta sách, cho ta thì giờ học tập, tức là muốn ta trở nên người khá. Vậy muốn tỏ lòng biết ơn ân nhân của ta, ta phải hết sức làm việc. Về sau ta khá, ta sẽ tùy tài tùy sức giúp đỡ mọi người.
Thanh còn nghĩ lan man nữa, nếu Thọ không gọi chàng lên bảng đọc bài.
Thanh đã có sách in, không phải chép bài nữa nên càng có nhiều thì giờ để học. Trong vòng nửa tháng giời, Thanh đã bước được một bước khá dài trong sự học. Bị liệt vào hạng kém nhất lớp từ trước đến giờ, Thanh lần lượt vượt hết các bạn một cách nhanh chóng không ai ngờ. Chàng chỉ còn kém có Nhung.
Nhung cũng gắng sức hơn trước, vì sợ Thanh vượt mình. Những khi đọc bài và những kỳ thi viết trong lớp. Nhung bao giờ cũng được nhiều điểm hơn Thanh, vì ngoài bài Thọ cho, Nhung còn học thêm ở các sách khác.
Nhung không lấy thế làm thích, vì nàng biết mình hơn Thanh chỉ tại có nhiều sách hơn; nàng cho thế là không công bằng: "Những sách ta cho Thanh trước chỉ đủ dùng để chàng vượt chúng bạn, nhưng chưa đủ để chàng ganh sức với ta. Vậy ta lại phải mua cho chàng những sách mà ta đã có".
Quả nhiên một hôm, đang ngồi trong lớp, Thanh nhận được giấy báo ra nhà giây thép lĩnh hàng. Thanh ngạc nhiên khi mở gói ra thấy có mấy quyển sách chàng thường ước ao. Thanh hỏi ông ký sở giây thép:
- Thưa ông, dạo này có nhiều người gửi mua sách ở Hà Nội không ạ?
- Không. Hôm nọ cô Nhung gửi thư đảm bảo về nhà in Viễn Đông, nhưng chưa thấy gửi gì lên cả.
Thanh hơi đỏ mặt. Chàng không ngờ người chàng chịu ơn lại là Nhung. Thành ra bao vẻ đẹp nết hay, Nhung đều có cả.

°°°

Hai mươi sáu tháng chạp. Những nụ đào đỏ thắm, những lộc non mơn mởn trên cành, và những hoa mận trắng toát báo cho ta biết sắp đến ngày xuân đầm ấm, sáng sủa, vui tươi. Lúc này là lúc học trò nghĩ đến cách tỏ tình lưu luyến thầy và biết ơn thầy bằng những cân mứt ngũ vị, những bao chè tầu, con gà sống thiến, vài chục quả cam, mươi gói thuốc lá hoặc sang hơn nữa, một chai rượu mùi hay một hộp thuốc lá thơm.
Lúc này cũng là một dịp cho nhiều cậu học trò xoay tiền của nhà để tiêu vặt. Phải. Về xin cha mẹ một đồng nói là để góp tiền lễ tết thầy giáo, thực ra mươi cậu góp nhau mỗi cậu năm hào, mua vài chục cam và mấy bao chè đến tết thầy cho đủ lệ vì các cậu cho đó là một cái lệ, còn năm hào bỏ túi để ăn quà dần. Làm thế rất như vậy là dối thầy, dối cha mẹ.
Buổi tối hôm ấy, Thọ còn đang ăn cơm, đã thấy một cậu học trò vào, hai tay bưng cái khay trên có hai bao chè. Cậu đặt khay chè trên bàn khoanh tay nói:
- Thưa thầy ngày tết sắp đến, gọi là một chút lòng thành kính biếu thầy, xin thầy nhận cho.
Thọ nhìn dáng điệu khúm núm kính cẩn của cậu bé, bật cười:
- Anh có lòng tốt, tôi cám ơn anh, nhà nước giả tiền công tôi, chứ tôi có dạy giúp anh đâu, mà tết với nhất.
- Thưa thầy con lòng thành...
- Tôi vẫn biết anh lòng thành, nhưng tôi cũng lấy sự thực đối với anh. Anh đem về. Anh đến chơi với tôi như thế là đủ lắm rồi.
Cậu bé không biết nói thế nào đành lặng lẽ bưng khay chè ra. Cửa chưa kịp khép, một cậu khác đã bước vào. Thọ hỏi:
- Gì thế? Anh Thăng?
Thăng đặt một chai rượu mùi lên bàn:
- Thưa thầy nhân ngày Tết Nguyên Đán, thầy con sai con đem biếu thầy chai rượu.
Thọ lại từ chối, không lấy. Thăng cau có nói:
- Thưa thầy, thầy con sai con mang biếu thầy. Con không dám đem về.
- Nhưng tôi sai anh đem về. Anh không vâng lời tôi sao?
Thăng dơm dớm nước mắt, rồi không hiểu nghĩ thế nào, cậu chạy vội về, để mặc chai rượu với thầy giáo, và khi vội vàng, quên cả chào thầy.
Thăng ra; mười cậu khác vào, cậu bé nhất bưng một quả sơn đỏ để lên bàn. Cậu nhớn nhất mở nắp quả ra. Thọ trông thấy đầy một quả cam. Cậu học trò đặt thêm vào đấy một chiếc phong bì đỏ, rồi chắp tay nói:
- Thưa thầy, nhân ngày Tết Nguyên Đán, chúng con gọi có lễ mọn đến biếu thầy cho phải phép...
Thọ cầm chiếc phong bì đỏ mở ra, thấy trong có tám đồng bạc và một tờ giấy biên tên rành mạch mười cậu học trò:
Trần Đình Anh
Nguyễn Quốc Khuê
Phạm Văn Chất
Cát Văn Hùng
Nguyễn Văn Lân
Trần Quốc Thanh
Nguyễn Văn Vinh
Trần Văn Hanh
Đào Duy Ngữ
Nguyễn Khắc Hiếu
Thọ mỉm cười, trông bọn học trò cúi gầm mặt xuống. Thỉnh thoảng lại nhìn trộm thầy. Thọ nói:
- Tôi cám ơn các anh.
Rồi chàng gọi bếp xếp cam ra, và đưa cho mỗi người một điếu thuốc lá. Các cậu học trò hí hởn chào thầy đi ra. Thọ sai bếp đóng cửa lại, và ai gọi cũng không được mở.
Ngày hôm sau là ngày 27 tháng chạp. Còn một hôm nay nữa là học trò được nghỉ tết. Sau khi đã cho học trò ngồi xuống, Thọ nghiêm nghị nói:
- Tôi quên chưa dặn các anh là tôi không muốn ai đến lễ tết tôi cả. Các anh có lòng trọng tôi, quý tôi thì nên chịu khó làm việc. Thấy các anh chăm chỉ tấn tới là tôi được vui lòng.
Các học trò lấm lét nhìn nhau. Chỉ mười cậu biếu cam thầy hôm qua là vui sướng vì đã riêng được cái hân hạnh thầy nhận lễ.
Hết buổi sáng đến buổi chiều, học trò vẫn học tập như thường. Giờ ra chơi vào, còn một bài đọc thuộc lòng nữa là hết ngày. Một cậu học trò cầm giấy đứng lên, mặt gay đỏ, đến gần thầy giáo, sẽ nói, giọng hơi run:
- Thưa thầy, nhân dịp hết năm, thầy cho phép chúng con đọc mấy lời chúc thầy.
- Anh đưa giấy cho tôi xem.
Rồi Thọ cầm lấy tờ giấy của người học trò đưa cho, để lên bàn, nói:
- Thế này cũng là đủ. Thôi anh về chỗ.
Các cậu học trò nhìn nhau, thất vọng. Thọ gọi mấy người đọc bài, không ai thuộc cả. Nhưng Thọ không phạt ai. Chàng cho phép ai có chuyện gì hay thì kể cho anh em bạn nghe.
Hồi trống tan học vừa dứt thì thằng bếp nhà Thọ bưng vào lớp một thúng cam. Thọ vừa chia cho mỗi người một quả, rồi cầm một quả vừa bóc vừa nói:
- Còn dăm phút nữa thì thầy trò ta sẽ tạm từ biệt nhau trong mười ngày. Vậy các anh cùng ăn cam với tôi cho vui.
Thầy trò cùng nhau vui vẻ ăn cam nói chuyện. Ai nấy đều cảm thấy tình lưu luyến dằng buộc mọi người. Rồi Thọ mừng tuổi Anh, Khuê, Chất, Hùng, Lân, Thanh, Vinh, Hanh, Ngữ, Hiếu mỗi người một đồng bạc để tiêu tết. Không ai dám nhận nhưng Thọ ép phải cầm.
Buổi tối hôm ấy, Nhung và các chị em bạn gái đến nhà Thọ.
Nhung nói
- Thưa thầy ngày mai thầy đã về ăn tết. Chúng con ở xa, mồng một tết không thể đến chúc mừng thầy được, vậy bây giờ chúng con xin đến chào thầy.
- Tôi cám ơn các chị. Các chị đến chơi thế này tôi cảm động lắm. Các chị ngồi chơi.
Rồi Thọ gọi bếp rót nước. Nhung nói:
- Thưa thầy, thầy về ăn tết ở đâu, cho chúng con biết để chúng con gửi giấy về chúc mừng thầy cho phải đạo.
Thọ lấy ở ngăn kéo ra một tờ danh thiếp đưa cho Nhung. Nhung hai tay đỡ lấy, nhìn mấy chữ:
Nguyễn Văn Thọ
175, Route Mandarine
HaNoi
rồi bỏ vào túi. Thọ cười nói:
- Nhà tôi không có đàn bà, thành ra không có giầu mời các chị.
Nhung cũng cười:
- Chúng con không ai biết ăn giầu ạ...
Một cô sẽ nói:
- Chị ấy răng trắng...
Ngồi chơi một lúc, các cô học trò chào thầy ra về.

°°°

Ba mươi tháng chạp. Thọ đang đứng ngắm mấy dò hoa thủy tiên sắp nở thì Bích, em gái chàng tay cầm một mảnh giấy, vừa ở ngoài cửa bước vào, vừa nói:
- Anh giáo! Anh có giấy gọi ra giây thép lĩnh hàng đây này.
- ở đâu gửi về thế?
- ở Vĩnh Yên.
Thọ cầm lấy giấy Bích đưa cho, nói nhỏ một mình: "Cái gì của ai gửi cho thế này..." Chàng đứng suy nghĩ một lúc, rồi hỏi em:
- Mấy giờ rồi, cô Bích?
- Gần mười một giờ, anh có thể lĩnh ngay được đấy.
Thọ lấy mũ đội, soi gương, nắn lại cái ca vát, rồi lên xe đến nhà giây thép. Trong khi ấy Bích đứng vuốt những bông hoa cúc vàng và trắng giồng trong chậu, để lại cành đào cắm trong bình cho ngay, rồi nàng lấy rổ quất ra, chọn những quả đẹp để điểm thêm vào hai cây quất giồng trong thống. Đứng trước một cây quất. Bích nghiêng đầu về bên trái, sang bên phải, ngắm nghía xem chỗ nào nên thêm quả vào, chỗ nào nên tỉa bớt đi. Nghĩ đến lúc anh về, sẽ khen mình khéo, Bích mỉm cười, khoan khoái.
Thọ về. Bích chạy ra cửa đỡ lấy cái gói bọc giấy nâu ở tay anh:
- Em cởi ra, anh nhé?
Rồi nàng lấy kéo cắt đứt các sợi giây gai đỏ chằng ngang dọc, mở gói ra. Hết lượt giấy nâu, đến một lần giấy màu hồng, rồi đến lần giấy bóng. Bích reo lên:
- Ô này! Anh giáo! Đẹp không?
Rồi nàng giơ lên một cái áo len trắng, một tập mùi xoa lụa, và một phong thư. Bích đưa thư cho Thọ. Thọ mở ra xem:
Thưa thầy,
Nhân dịp tết Nguyên Đán, con gửi về kính biếu thầy chiếc áo len và ít khăn mùi xoa, tự tay con làm, gọi tỏ lòng biết ơn thầy. Xin thầy vui lòng nhận, con được đội ơn.
Năm mới sắp đến, con kính chúc hai cụ trường thọ, thầy vinh an, bảo quyến mọi sự hay.
Nay kính
Trần Tuyết Nhung
Trong khi Thọ xem thư, Bích dở áo ra ngắm. áo đan rất đẹp, và rất công phu, bằng thứ len tốt nhỏ sợi. Nàng lại đếm tất cả được sáu cái mùi xoa, giở từng cái một ra xem. ở một góc, cái nào cũng có ba chữ N.V.T thêu bằng chỉ màu lam, quấn lấy nhau rất đẹp. Bích nghĩ: "N.V.T là Nguyễn Văn Thọ hay là gì đây không biết...?" Rồi nàng dằng lấy cái thư Thọ đang cầm ở tay:
- Cho em xem mấy...
Xem xong thư, Bích nói:
- à ra của học trò anh, em lại cứ tưởng của cô nhân tình nào của anh ở Vĩnh Yên. Chữ đẹp thế này, đan khéo thêu giỏi, mà lại tên là Nhung, chắc hẳn người đẹp lắm, phải không anh?
- Đẹp cũng như Bích.
Thấy anh nói đến sắc đẹp của mình, Bích hơi đỏ mặt.
- Thế bao nhiêu tuổi?
- Đẻ trước Bích một năm.
- Nghĩa là mười bẩy tuổi và đẻ sau anh ba năm. Nhưng con ai, anh có biết không?
- Cô hỏi làm gì mà kỹ thế. Con một cụ Tuần về hưu trí.
- Khá nhỉ...
Bích láu lỉnh nhìn anh:
- Anh cho em xin mấy chiếc mùi xoa nhé?
- Đấy cô muốn lấy mấy cái thì lấy.
- Đùa đấy. Trong mùi xoa có thêu tên, em lấy làm gì. Anh mặc thử áo em xem có vừa không.
Không hiểu muốn chiều ý em, hay vì một ý nghĩ gì khác, Thọ từ từ cởi áo ngoài, áo ghi lê, và mặc chiếc áo len của Nhung gửi cho. Bích ngắm đằng trước, trông đằng sau, rồi tươi cười nói:
- Vừa lắm anh ạ. Đo người trước hay sao mà đẹp thế.
- Cô chỉ nói lém...
Rồi tự nhiên, mặt Thọ nóng bừng.
Bích nhìn anh mỉm cười...

°°°

Thọ đang thiu thiu ngủ, bỗng tiếng pháo làm chàng giật mình tỉnh dậy. Tiếng pháo nổ ran khắp mọi nơi, trước còn thưa, rồi mau dần, rồi liên tiếp nhau không dứt.
Bích vén màn lên, gọi Thọ:
- Anh giáo, dậy mà xem, lễ giao thừa, nụ thủy tiên vừa bắt đầu chúm chím.
- Sang năm mới cô nói văn vẻ quá.
Bích cười. Thọ ngồi dậy. Trên ban thờ, dưới ánh sáng rực rỡ của đèn nến, những đồ thờ bằng đồng lấp lánh. Miệng con xấu trên nắp đỉnh lặng lẽ tuôn khói. Làn khói xanh phơn phớt trắng bốc lên, tỏa ra, thơm ngát.
Bích nhẹ nhàng đặt hai cốc thủy tiên lên ban thờ, rồi thắp thêm hương xạ.
Trên chiếc sập gụ giải chiếc chiếu hoa cạp điều, kê trước ban thờ, cụ giáo lễ rất thong thả; rồi quỳ giữa sập, cụ kính cẩn khấn. Khấn xong cụ lại lễ. Tiếng pháo nổ vang lên, mùi pháo khét xông vào tận trong nhà. Pháo tuy khét, nhưng đem lại cho ta cái hương vị ngày tết.
Xong việc ở nhà, cụ giáo ra đình làm lễ giao thừa, vì cụ thuộc về làng Quang Hoa. Cụ bà thì xuất hành.
Thọ và Bích lại đi ngủ.
Bốn bề im lặng.
Trên ban thờ đèn nến vẫn sáng, khói trầm vẫn tuôn lên, lan rộng ra, tan dần, biến mất.
Giời chưa sáng, đã lại một tràng pháo nổ vang; tràng khác tiếp theo, rồi tứ phía tiếng pháo gọi nhau, chào nhau, ganh nhau.
Tiếng pháo thưa dần; trời sáng rõ.
Bích dậy sớm để trang điểm. Bộ áo kiểu mới làm tăng vẻ đẹp của nàng, vẻ đẹp lộng lẫy và ngây thơ. Nàng hớn hở mừng tuổi cha mẹ, rồi đến đánh thức Thọ:
- Năm mới, anh ngủ trưa không sợ giông cả năm ư?
Thọ mở mắt, thấy Bích đứng trước màn, vẻ mặt vui tươi, chàng mỉm miệng nói:
- Cô Bích thêm lên một tuổi trông đẹp quá. Năm mới tôi chúc cô có nhiều người đến hỏi. Cô tha hồ mà chọn.
Bích nũng nịu:
- Anh chỉ thế...
Rồi trông thấy cái áo len trắng Thọ mặc - áo của Nhung gửi cho hôm qua - Bích vội nói:
- à quên, năm mới em chúc anh sẽ gặp một bạn gái óng ả, đan giỏi, thêu khéo, chữ tốt, có cái tên đẹp và...
- Và là con một cụ Tuần hưu trí. Hết nói chứ?
Bích cười ròn:
- Phải lắm...
Thọ dậy. Ngoài phòng tiếp khách. Bích đã bầy sẵn đĩa hạt dưa, các thứ mứt, các thứ rượu mùi và hộp thuốc lá. Giữa bàn, trong một chiếc bình pha lê trong vắt, hoa hải đường đỏ thắm và hoa hồng bạch trắng toát xen nhau, khoe sắc đẹp.
- Hoa mua bao giờ mà đẹp thế?
- Đêm qua me xuất hành, xin lộc ở chùa Nam Đồng về đấy, anh ạ.
Ngày mồng một tết sáng sủa, đầm ấm, vui tươi với những bông đào mong manh tươi thắm, những hoa thủy tiên trắng toát điểm nhị vàng, những hoa cúc vàng trắng, mềm mại sặc, sỡ, những cây quất xanh rờn điểm nhiều quả xanh, vàng, đỏ.
Thọ cảm thấy tâm hồn phơi phới; nhưng đối với chàng, ngày tết bây giờ không giống ngày tết mươi năm về trước. Phải, mươi năm về trước. Thọ thấy ngày tết đầy những vẻ thiêng liêng huyền bí; cha mẹ chàng nghiêm trang kính cẩn, dè dặt lời nói, chàng phải giữ gìn ý tứ, sợ một cử chỉ, một việc làm có thể có ảnh hưởng trong suốt một năm; chàng phải khăn áo chỉnh tề, chúc mừng cha mẹ, phải đứng đắn như người lớn. Ngày nay thì khác hẳn. Ngày tết chỉ là một ngày xuân đầm ấm hơn cả các ngày xuân, một ngày nhộn nhịp tưng bừng, một ngày phiền phức bởi những sự thù tiếp, một ngày khó chịu inh tai bởi những câu chúc mừng vô vị và bỗng không, một ngày dạ dầy phải nôn nao bởi những rượu mùi, mứt, thuốc lá.
Nhưng dẫu sao, mỗi lần xuân đến, cảnh vật tốt tươi vẫn đem lại cho ta những cảm tình êm đẹp.
Mồng bảy tháng giêng. Những cánh hoa đào đã bắt đầu nhẹ nhàng rơi trên mặt tủ, hay là là bay xuống dưới đất. Cảnh Tết chỉ còn lại ở những bông hoa dần kém sắc tươi. Thọ sắp sửa cho Bích vào trường, rồi năm giờ chiều hôm ấy, chàng đi chuyến xe hỏa cuối cùng lên Vĩnh Yên. Đến nơi Thọ đã thấy Đình và Tân đứng đón mình ở sân ga. Đình và Tân là hai ông giáo dạy lớp nhì. Trước khi về nghỉ Tết, Tân và Đình đã nói với Thọ là sang năm mới, cùng đến ở chung với chàng, Đình hóa vợ; Tân có vợ, nhưng vợ bận việc ở nhà quê, không thể đi theo được. Trước kia, cũng như Thọ, hai người lập hai gia đình không đàn bà, chỉ một thầy một tớ. Những gia đình như thế, ai có qua mới trải được những cái vui và những cái buồn của nó. Vui là vui ở chỗ được tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, muốn thức đến bao giờ thì thức, không có người can ngăn bó buộc, không phải bận bịu, đến vợ con, không phải lo phiền đến những khi con sài vợ yếu. Nhưng tâm hồn ai không có những lúc rạo rực.
Ai không một đôi khi cảm thấy lời mình trơ trọi, trống trải cô đơn? Những lúc đó, ta mới biết đến sự cần phải có một người bạn chí thiết, một người yêu, một tấm linh hồn êm dịu có thể làm cho đời ta được êm dịu.
Thế là từ tối hôm ấy, nhà Thọ thêm Tân và Đình. Ba người hợp ý nhau lắm. Họ lập lệ: Thọ anh cả, nhiều công việc ngoài trường, được miễn việc ở nhà; Đình, em thứ hai, thạo về khoa ăn uống trông nom sai bảo thằng bếp; Tân em út, giữ sổ chi thu và làm thủ quỹ. Mỗi khi ai muốn ngỏ ý gì thì nói ra. Nếu bằng lòng theo ý bạn thì Thọ phải nói: "Một", Đình nói: "Hai", Tân: nói "Ba". Ai không bằng lòng thì im. Nếu một người không bằng lòng, hai người kia phải chịu theo.
Rồi Tân thu luôn tiền, gọi thằng bếp giao tiền chợ ngày mai; Đình dặn nó các thức phải mua.
Đồng hồ vừa điểm mười hai tiếng.
Thọ gọi thằng bếp lên hỏi:
- Còn gà không?
- Bẩm còn.
- Mua hành chưa?
- Đã ạ.
- Hạt tiêu?
- Bẩm có.
Rồi Thọ mỉm cười nói:
- Cháo gà...
Đình gật đầu!
- Hai.
Tân ngẫm nghĩ một lúc:
- ừ thì: ba.
ý muốn của Thọ đã được hai bạn theo, thằng bếp xuống nhà dưới bắt gà.
Thọ, Đình và Tân chấm bài và soạn bài để mai đi dạy học.