Bài 9
Nguyễn ĐứC MậU và CHí PHèO MấT TíCH

( Trò chuyện với Lê Lựu)
Cứ ngỡ là Chí Phèo đã chết rồi, chết từ ngày ông Nam Cao vẫn còn đang sống. Chí chết là hết chuyện! Nào ngờ bàn dân thiên hạ vẫn xôn xao kể chuyện Chí. Chí lấy vợ, Chí đi học bên Tây, Chí làm nghiên cứu sinh, Chí nhảy lên ghế lãnh đạo ở phường, ở xã... Tên gọi, có thể khác, hình dáng cũng có thể khác, mặt mũi có khi lại còn đẹp trai nữa. Nhưng vẫn là anh Chí đó thôi. Thời đại đổi mới thì Chí cũng phải đổi mới. Rạch mặt ăn vạ là chuyện cũ rồi. Chuyện ấy chỉ tồn tại ở thời Bá Kiến. Có cả một cái truyện kể về những việc đó.
Chuyện Hậu Chí Phèo của Phạm Thành do Nhà xuất bản Thanh niên ấn loát. Cuốn sách chưa ráo mực, và người đọc cũng chưa kịp nhận ra gương mặt Chí, chưa biết xếp anh Chí Hậu ấy vào đâu, thì lại một anh Chí nữa ra đời. Lần này Chí ngật ngưỡng xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết dày chút vui, ai ngờ bố con lại chửi nhau. Rồi không sống nổi ở nhà, ông lão ra chợ cắt tóc, rồi ở luôn ngoài lều chợ. Sau ông chết vì cảm. Y thấy đời chẳng còn gì nữa, sống bất lực ở làng, không còn ai thân thiết, y lại bỏ làng ra đi. Đi đâu? Chẳng ai biết, Chỉ có những lời đồn không rõ thực hư. Căn nhà dột nát của y xưa, giờ lại có một cặp vợ chồng du thủ du thực đến ở. Đời chẳng bao giờ hết những thằng Chí Phèo.
Đấy anh Chí của Nguyễn Đức Mậu với cái lai lịch như thế đã khật khưỡng ra đời và đang chịu sự phán quyết của công chúng rộng rãi. Trong lúc chờ đợi các nhà phê bình khả kính lên tiếng định đoạt số phận của anh ta, thì chúng tôi - Trần Đăng Khoa và Lê Lựu - hai anh nông dân đồng bãi Hải Hưng, cũng là người cùng giai cấp với Chí, đang ngồi uống bia lai rai trong quán Gió, Hồ Tây. Câu chuyện loanh quanh thế nào lại xoay về số phận của Chí. Đây là cuộc đối thoại hoàn toàn ngẫu hứng.
Lê Lựu: Với con mắt của một nhà thơ và người đọc văn xuôi cũng vào loại sành, ông nói tôi xem, giữa thơ và văn Nguyễn Đức Mậu có gì liên quan đến nhau? Hay nói cách khác, với giọng thơ hồn hậu, chất phác, giàu cảm xúc, khi chuyển sang văn xuôi, Nguyễn Đức Mậu đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?,
Trần Đăng Khoa: Trước hết, tôi chỉ là thằng làm thơ chay, không phải dân văn xuôi, càng không phải là người sành văn xuôi. Tôi phải nói ngay thế, không phải để biện hộ cho những ý kiến ngớ ngẩn của mình, mà đơn giản hơn, chỉ muốn bác hiểu rằng, tiếng nói của tôi không có giá trị gì, nó chỉ là tiếng đế trong một cuộc hát đôi. Bác hát, tôi đế. Hát một mình, không có đàn sáo, trống phách, e bác cũng buồn. Câu hỏi của bác, chỉ có Nguyễn Đức Mậu mới có thể trả lời được. Bởi chẳng ai hiểu công việc cực nhọc của nhà văn bằng chính nhà văn. Nhưng tiếc là Nguyễn Đức Mậu không có mặt ở quán Gió này, nên bằng cách cảm nhận của một người quan sát, một người vốn sẵn yêu Nguyễn Đức Mậu, hay ngắm nghía cái khí cốt của anh ở phía xa xa, tôi có thể nói ngay rằng: Nguyễn Đức Mậu trước hết là một thi sĩ. ở cái nhà số 4 Lý Nam Đế của ta, có rất nhiều người tài. Đấy là những nhà thơ khoác áo lính. Còn Nguyễn Đức Mậu là người lính khoác áo thi sĩ. Nếu chọn một nhà thơ số một của lính, tôi nhắc lại là nhà thơ của lính thì người đầu tiên tôi nghĩ đến là Nguyễn Đức Mậu. Thơ anh đậm chất lính hơn cả. Ngay cả ở tập mới nhất gần đây, tập Từ hạ vào thu, thì những bài thơ vào loại hay cũng vẫn là những bài viết về lính.
Còn nhớ năm 1976, Nguyễn Đức Mậu xuống chơi trại văn Vân Hồ, và do một phút cao hứng nào đó anh tuyên bố sẽ viết văn xuôi. Tôi không biết bác hồi đó thế nào, chứ mấy ông văn xuôi, vào cỡ gồng của ta bấy giờ, như Nguyễn Khắc Trường, Xuân Đức, Chu Lai hồi ấy hốt hoảng lắm, vì cái niêu cơm vốn dĩ mỏng manh, dễ vỡ như cáị đồ hàng mã của mình, có nguy cơ bị tước đoạt. Và ngay sáng hôm sau, Nguyễn Đức Mậu đã mang đến một chùm truyện ngắn: Một đêm viết đến năm cái truyện, quả là khủng khiếp. Mọi người chưa kịp bàng hoàng thì chính Nguyễn Đức Mậu đã bàng hoàng trước, khi anh quay lại ngắm năm ngọn tháp Ai Cập mà mình vừa mới nặn ra đêm qua, Quái, sao truyện của mình tìm mãi chẳng thấy có cái gạch đầu dòng nào cả! Nhà thơ vốn dĩ rất giỏi diễn tả tâm hồn tình cảm con người, nhưng ít khi dựng cả một thằng người có xương, có thịt, có hình dáng - diện mạo, tâm lý, với cả ngôn ngữ, tính cách, và tính cách con người nhiều khi lại được biểu hiện qua những đoạn đối thoại mà Nguyễn Đức Mậu gọi là những cái gạch đầu dòng. Đến nay, Nguyễn Đức Mậu đã thuần thục đường văn, đã là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết và hàng chục truyện ngắn, nhưng xem ra những cái gạch đầu dòng này, đối với anh, hình như vẫn là một cái gì rất đỗi bí hiểm. Văn chương vốn dĩ lạ vậy. Có những cái tưởng như vặt vãnh, tưởng như rất đơn giản, thế mà càng khám phá lại càng chẳng hiểu nó ra làm sao...
Lê Lựu: Thế ra chú vẫn là cái thằng láu cá, vẫn đi vòng vèo, đi phía rìa ngoài, phía những gì đã qua, chứ không phải bây giờ. Tớ cứ muốn bắn thẳng, tớ hỏi chú, cái thằng Chí ấy, nó có nên chuyện không?
Trần Đăng Khoa: Nên chứ! Thì nó đã thành một cuốn tiểu thuyết dày dặn mà bác đang cầm trên tay đó thôi. Nhưng tôi những mụốn khẳng định với bác rằng Nguyễn Đức Mậu là một thi sĩ, và hơn thế, một thi sĩ có tài. Văn anh réo rắt, trầm bổng. Đúng là văn của một thi sĩ. Nghĩa là văn có nhạc điệu. Thỉnh thoảng anh lại giật mình, đánh rơi ra cả một mảng thơ. Hãy nghe anh tả biển: Con cò bước dè dặt trên mép sóng lăn tăn. Thỉnh thoảng cái mỏ dài và nhọn của nó lại mổ vào biển cả. Hay anh tả muỗi trong Chuyện riêng của sư trưởng, một cái truyện vào loại hay của Nguyễn Đức Mậu; từng được giải thưởng Văn nghệ quân đội: Tiếng muỗi căng từng sợi mỏng trong đêm, Nguyễn Đức Mậu rất tâm đắc với câu văn này. Nhưng tôi nghĩ, đây là một câu thơ. Thơ hay nữa là đằng khác. Cánh văn xuôi thuần tuý, tôi tin họ sẽ không viết thế. Còn thằng Chí Phèo thì tôi hiểu nó làm sao bằng bác được. Vì bác là ông văn xuôi. Bác thấy thằng Chí trong cuốn sách này nó như thế nào, nó thuộc loại người nào, có thể chơi được không?
Lê Lựu: Thế nghĩa là chú cũng coi tôi như một thằng Chí trong văn xuôi. Nghĩ mà buồn, ông Nam Cao đã có một thằng Chí Phèo sừng sững ra thế rồi, những thằng Chí khác khó mà vượt qua được. Thôi, hãy cứ nói cụ thể về cuốn sách này. Theo mình, với sự nhợt nhạt của những trang văn, với sự hời hợt của những tính cách, với sự nông nổi của những thân phận trong những sáng tác của cánh văn xuôi chúng mình, thì đây là một cuốn sách đọc lôi cuốn, có văn, có truyện. Làm được như thế cũng là khó, cũng là sự gắng vượt của một người làm thơ kiêm văn xuôi.
Trần Đăng Khoa: Thực ra, Nguyễn Đức Mậu thua ông Nam Cao thì có gì mà bác phải buồn, ông Nam Cao chết từ năm 1953, trước khi có Hội nhà văn chúng ta. Từ bấy đến nay, chúng ta có cả một đội ngũ hội viên hùng hậu, đông đến hơn 600 người, mà nào đã có ai vượt qua được mặt ông ấy. Đấy là một thiên tài, cũng là niềm tự hào của cả dân tộc ta ở thế kỷ này. Và tôi trộm nghĩ, xét về tài, ông Nam Cao nhà mình cũng chẳng thua gì ông Sêkhôp, ông Lỗ Tấn. Văn chương Nam Cao cũng rất gần với văn chương ông Tây, ông Tầu này, nhưng khoảng cách tầm cỡ thì hình như vẫn còn xa nhau lắm. Sở dĩ có cái khoảng cách ấy, cũng là vì ở chỗ, Lỗ Tấn và Sêkhôp qua 1 tâm đến nỗi đau ở cõi tinh thần, còn Nam Cao lại phải để tâm trí nhiều đến cái bụng. Đọc ông ấy, trang nào cũng, thấy đói. Mà văn học chỉ luẩn quẩn xung quanh miếng ăn, cũng khó mà lớn được...
Lê Lựu: à, ra cái chú mày vừa đi học Tây về...
Trần Đăng Khoa: Đâu phải thế, Tây thật còn chẳng ăn ai, huống hồ cái thằng Tây rởm. Dẫn ông Tây, ông Tầu, bác lại bảo tôi chuộng ngoại. Thôi thì ta quay về nội vậy. Bác rỗi thì cứ đọc lại ông Nguyễn Du ấy, ông ấy rất lớn, có thể sánh với Tagor hay với bất cứ đỉnh tháp nào của thế giới, thế mà bác có thấy ông ấy cho cô Kiều ăn một miếng nào đâu, Ngày xưa các cụ nhà mình cũng ghê gớm lắm chứ. Họ nghĩ đến cõi tinh thần hơn nghĩ đến cái dạ dày rất nhiều. Nhưng mà thôi, ta hãy trở lại bác Nguyễn Đức Mậu và thằng Chí Phèo của bác ấy. Theo bác đánh giá, cuốn sách này đứng ở vị trí nào trong văn chương chúng ta hôm nay?
Lê Lựu: Tôi với chú, mỗi người vẫn chỉ là một. Cách đánh giá của tôi, chưa chắc chú bằng lòng, huống hồ tôi lại đánh giá thay cho nhiều người khác. Đây là ý kiến của riêng tôi. Tôi rất mừng về sự lao động nghiêm túc, cật lực, để tạo ra được một cuốn sách như tôi đã nói ở trên. Nó là một cuốn sách hay.
Trần Đăng Khoa: Ông văn xuôi chính hiệu đã khen thế thì tôi chẳng dám cãi đâu. Chỉ xin, nhắc thầm bác Mậu một chi tiết nhỏ thôi. ấy là cái đoạn bác tả mẹ Lý Mão bị rắn cắn chết. Bà cụ đi móc cua ở đồng nước ngập trắng. Khi bị rắn cắn, bà gục xuống bờ ruộng. Cái nón trắng chúi sấp xuống nước. Cứ như bác Mậu tả thế thì đó là rắn nước, cắn chỉ ngứa chứ không chết được người. Rắn độc thường chỉ ở những nơi khô ráo. Bác Mậu là người quê, sao lại nhầm lẫn sơ đẳng đến vậy. Nhưng thôi, bác đã khen thế, không khéo Chí Phèo có thể làm ứng cử viên hoa hậu, văn chương năm nay...
Lê Lựu: Không chỉ thằng Chí Phèo, mà là tất cả những ông, những bà, những anh, những chị trong các cuốn sách khác đều có thể là ứng cử viên. Còn nó có trở thành hoa hậu văn chương hay không, phải nhờ vào sự đánh giá công minh của bạn đọc rộng rãi...
Trần Đăng Khoa: Thế có nghĩa là theo ý riêng bác, Chí Phèo đã là một anh chàng hoàn chỉnh?
Lê Lựu: Khái niệm về hoàn chỉnh, hay toàn bích, còn một khoảng cách. Tôi muốn nói một nhà thơ viết văn xuôi rất khó tạo dựng được những tính cách chính xác, lô-gích, những nhân vật hoàn chỉnh như những anh chuyên nghề văn, ấy là chưa kể những khiếm khuyết về ngôn ngữ, đôi chỗ ngôn ngữ hôm nay lắp vào miệng nhân vật hôm qua, hay cách nói khái niệm theo kiểu cơ quan, công chức gắn vào mồm những thằng đầu đường xó chợ như cái thằng Chí Phèo. Nhưng tôi tin rằng, với cách sống giản dị, cần mẫn, sự đằm mình trong không khí nhà quê, nơi Nguyễn Đức Mậu gửi gắm nhiều tình cảm sâu xa của mình, chắc chắn nếu còn viết văn anh sẽ khắc phục được những nhược điểm mà tôi vừa bàn đến,
Trần Đăng Khoa: Sở dĩ, có cái gọi là nhược điểm như bác vừa nói, tôi nghĩ, cũng là tại bác Nguyễn Đức Mậu của chúng ta thông minh quá, mà cái thằng Chí Phèo thì lại đần độn dớ dẩn, nên bác Mậu cứ phải dìu dắt, chỉ dẫn. Vì vậy mà ở trang nào, tôi cũng thấy thấp thoáng bóng bác Mậu đi bên thằng Chí Phèo. Phải nói bác Mậu là một nhà chỉ huy cần mẫn và sâu sát dân chúng. Thành công của cuốn sách này là nó cứ làm ta nhớ đến ông Nam Cao và thằng Chí Phèo làng Vũ Đại ngật ngưỡng bước bên miệng vực. ở cái khoảng cách mỏng manh giữa thú và người. Hình như Nguyễn Đức Mậu viết cuốn sách này cũng là vì sự ám ảnh của nỗi nhớ ấy. Bởi vậy anh đã đề trong cuốn sách: Kính tặng hương hồn nhà văn Nam Cao. Dưới đó còn có thêm bốn câu thơ:
Chí Phèo sống, Nam Cao đã khuất
Nào có dài chi một kiếp người
Nhà văn chết, nhân vật từ trang sách
Vẫn ngày ngày lăn lóc giữa trần ai...
Vì sức sống của Chí Phèo, chúng ta nâng cốc chúc mừng ông Nam Cao và chúc mừng cả anh Chí của Nguyễn Đức Mậu nữa. Mong rằng giữa chốn trần ai, anh Chí của bác Mậu sẽ không mất tích.
Quán Gió, Hồ Tây 4-1993