Chương VIII

Hơi thở hổn hển, đầu tóc nước chảy ròng ròng, nút áo chưa gài kịp, Kha cắm đầu chạy biến, vừa đụng đầu Bụng, hắn quát to.
- Chạy mau, chết giờ đa!
Không hỏi nửa lời, Bụng ta ôm bụng chạy theo Kha. Đến góc đường Phước Hải, hắn ngó ngoái lại phía sau không thấy ai rượt theo nữa. Kha chậm chân lại để gài nút và dây nịt, sau đó hai người đổ ra Nhà Thờ, đến Ngã Sáu rồi đi thẳng xuống biển. Lần này chúng thong thả như đôi bạn dạo mát sau bữa ăn chiều. Không ai bảo ai, họ cùng tiến đến, ngồi lên cái ghế đá nghỉ cho đỡ mệt. Vừa mới hơi lại hồn, Bụng đã hỏi dồn Kha:
- Sao vậy chớ? Kể lại đầu đuôi nghe coi? Sao đầu tóc mày ướt mềm như là mới tắm ra vậy, hở?
- Thì tắm chứ sao! Đã thấy rõ ràng mà còn hỏi.
Kha trả lời trống trơn, không thèm xưng em cũng chẳng kêu Đại ca chi hết.
- Chà! Bảnh dữ! Trả lời Anh Hai mày kiểu đó hả? Tao đứng ngoài trời canh cho mày tắm hả? Tao làm đầy tớ cho mày chắc? Muốn làm cha tao hả?
Bụng gặn lại, mắt lòng sòng sọc. Kha cũng không vừa, mai mỉa:
- Canh cho tôi! Canh mà người ta vô nhà anh không hay biết gì hết vậy à? Nếu tôi không lanh có phải họ chụp đầu tôi rồi không? Anh ưng tôi vô tù phải không?
- Ủa, người lớn về thiệt sao mày?
- Bộ tôi nói chơi chắc? Ba người luôn. Cho anh hay. Anh canh kiểu gì vậy chớ? Hay là anh muốn hại thằng này?
- Tầm bậy! Hại mày để làm cái gì? Tao thèm thuốc quá, chạy lại cái quá chỗ góc đường mua vài điếu, ai ngờ đâu... Thiệt mà, tao đi có nửa phút chớ mấy... Họ đi ngã gì mà lẹ quá vậy cà?
Trông nét mặt hầm hầm của Kha, Bụng gãi gãi cái đầu sói của mình, cười cười làm lành, nhưng Kha vô còn cay cú lắm, bĩu môi:
- Anh muốn biết họ vô ngả nào thì chạy lại nhà hỏi họ là biết liền...
- Thôi mà em! Tao quả có sơ xuất chút chút mà thôi, bỏ qua đi em...
- Bỏ qua... bỏ qua... hừ! Nếu thằng này vô tù thì ai nuôi cơm đây? Nói dễ nghe quá!
- Thì tao đã xin lỗi mày rồi đó  cằn nhằn hoài - - Bụng đổi giọng - Dầu sao, mình cũng thoát được rồi mà. Này, em Kha. Được bao nhiêu tiền?
- Tiền bạc gì? - Kha cộc lốc nói.
- Coi! Thì hồi trưa mày ra. Tao thấy túi quần mày cồm cộm, tao nghĩ là bộn tiền, mà không đi nữa thì chắc cũng có vài món nho nhỏ chớ? Không lẽ hai đứa bỏ công cả ngày trời rồi mà chịu tuột dù sao?
Kha vẫn không mở miệng. Bụng hết kiên nhẫn nổi, la lên:
- Sao? Sao mày không nói gì hết vậy? Mày tưởng tao đui không thấy chắc? Hay là mày tính để ăn lẻ một mình? Nói đại ra coi.
Kha như chợt tỉnh:
- Có tiền chớ sao, mà tại anh không hỏi rõ: ai biết đâu mà trả lời. Có tiền thiệt, mà tiền tụi nhỏ đưa cho tôi, chớ không phải là tiền tôi ăn cắp.
“Tiền nào không là tiền, cái thằng ngốc này”. Bụng nghĩ thầm và đồi giận làm vui, đon đả:
- Thiệt anh phục lăn em. Em nói làm sao mà tui nó chịu đưa tiền cho em, hay thiệt! Số dách thiệt!
Kha liền cải chinh:
- Anh lầm rồi! Tui nó đưa tiền để tôi đi mua đồ này kia cho tụi nó chớ đâu phải đưa cho mình xài?
Bụng rụng rời ngồi lặng đi một giây. Kha thản nhiên nói tiếp:
- Cho nên tôi mua búp bê cho tụi nó…
- Thôi đừng dài dòng, tao hỏi thiệt mày: mày mua con búp bê bao nhiêu? Con chó hết bao nhiêu? Còn lại bao nhiêu? Đưa ra đây: chia hai xài cho rồi, mệt lắm, đừng cãi cọ lôi thôi.
- Ai nói với anh tôi mua con chó? Nghe đây nè: không tốn một xu con, hiểu không? Tụi nó đưa tôi 2350$, tôi mua con búp bê 1100$, đi xe 40$, vị chi là 1140$, còn lại 1210$ cả thảy... con chó thì tôi bắt ngoài đường...
Ba Bụng làm một con tính nhẩm rất nhanh, nói liền:
- Vậy thì anh em mình mỗi đứa được 600$ xài đỡ.
Kha trợn mắt:
- Anh nói gì vậy? Tiền đâu mà mỗi đứa 600$? Tiền của con nít mà anh tính biểu tôi ăn lường nữa sao?
- Vậy chớ mày tính làm gì tiền đó? Để cúng chùa hả?
- Không, không có cúng kiến gì hết. Tôi trả lại tụi nó rồi. Anh không tin thì anh lục túi tôi đi: có đồng nào anh cứ lấy. tôi không có thèm nói gian đâu.
Ba Bụng há miệng toan kêu mà không thành tiếng. Gã gần muốn ngã gục xuống ghế đá vì thất vọng. Trời ơi! Nghĩa đệ của Ba Bụng đã hành động như học trò Đức Khổng Tử bên Tàu. Uổng công thu nạp quá đi, trời đất ơi! Hắn không cần lục xét làm chi, ngó bộ mặt Kha là biết rồi, vả lại, túi Kha bây giờ lép xẹp! Tuy vậy, Bụng muốn dò xem ý tứ thằng em kết nghĩa ra sao:
- Tao thiệt lạ lùng, không hiểu mày làm vậy để làm chi? Có lợi lộc gì đâu?
- Anh đừng hỏi...
Bụng cáu lên bất ngờ:
- Tao có quyền hỏi. Tao mất nhiều thì giờ vì mày... mày phải giải thích.
Kha cười buồn:
- Tôi không có ý nói là anh không có quyền hỏi: tôi muốn nói là ảnh đừng hỏi vô ích, vì chính tôi, tôi cũng không hiểu tại sao tôi làm vậy, như thể là có mạ nhập vô mình tôi, xui khiến vậy, anh Ba à!
Bụng không ngờ chút nào về những lời thành thật của Kha, nhưng cố vớt vát:
- Nhà đó có gì tốt không?
- Thiếu gì, anh. Thấy bắt mê. Đồ xưa. đồ bằng bạc, bằng đồng đủ thứ...
Bụng rên rỉ:
- Trời ơi!t Trời ơi! Thiệt mày hại tao...
Kha thong thả lấy cái lược trong túi chải đầu, rồi hỏi:
- Tôi hại anh hồi nào đâu? Cho anh hay tôi phải đập cửa kiếng phòng tắm mà nhảy ra, chảy máu tay đây nè. Mà đến nông nổi này là tại ai, anh nói coi!
- Tại tao chắc?
- Chớ gì nữa! Tôi hỏi anh đây: tôi có ưng vô không? Không! Chính anh một hai bắt tôi vô mà, anh nhớ lại coi? Anh còn trách móc nỗi gì?
Ba Bụng nghẹn họng, không cãi được, dịu giọng:
- Thôi bỏ qua đi em. Anh em mình đi kiếm cái gì nhậu đỡ, anh còn chút đỉnh tiền đây, không sao. Rồi sẽ tính cách khác, đừng lo.
Hai người khoác tay nhau bước đi, thân mật. Được ba bước, Kha bỗng đổi ý:
- Anh Ba ơi! Có lẽ chúng ta nên chia tay thì hơn...
- Hả? Em nói gì bậy bạ vậy? Sao lại chia tay nhau? Sao lại chia tay?
- Tại vì tôi xét thấy không thể... như anh được
- Ai nói vậy? Ở đời không có gì khó hết, ăn thua là mình phải cố gắng, thử...
- Thì thử rồi đó mà không được, cố gắng vô ích...
- Đừng lo, anh sẽ giúp em... Mày giận dai quá. Tao xin lỗi rồi mà...
- Cảm ơn anh Ba, không được đâu. Tôi biết là không được, anh Ba à!
- Kha! Mày có được tỉnh táo không? - Ba Bụng nhìn kỹ vào mặt bạn, lo lắng hỏi - Tao nghĩ là mày sợ quá, mất hồn chớ gì?
- Không, tôi rất tỉnh táo, tôi hết sợ rồi. Chưa khi nào tôi tỉnh táo như tối nay. Anh Ba ơi! Tha lỗi cho tôi! Anh phải hiểu giùm tôi...
- Hiểu cái cốc khô! Thôi đừng giở giọng tiểu thuyết ba xu. Nghe lời tao rồi sau này làm ăn khá. Tao sẽ đi Sài gòn với mày một chuyến cho biết với người ta, trong đó vui lắm. Cái gì tao đã hứa là tao giữ lời. Thế nào tao cũng đưa mày đi Sài gòn. Bộ mày hết ham đi Sài gòn rồi sao? Em Kha...
Bụng tưởng là đem cái mồi Sài gòn ra thì Kha sẽ xiêu lòng. nào ngờ Kha phản ứng khác hẳn Bụng tưởng. Giọng buồn rầu, Kha nói:
- Dạ, tôi hết ham đi Sài gòn rồi, anh Ba à!
Ba Bụng xung thiên nộ khí, hét lên:
- Còn lời thề trung thành cho tới chết, mày tính sao? Trung thành vậy đó hả? Chưa gì mày đã tính bỏ tao...
Kha cúi đầu yên lặng. Bụng tấn công tiếp:
- Con người ta ở đời chỉ có chữ Tín là đáng trọng. Mày quên câu quân tử nhất ngôn sao? Như vậy thì còn nên người sao được?
Kha năn nỉ:
- Anh Ba! Tôi biết là tôi sai lời, không trọng chữ Tín với anh, anh tha lỗi cho tôi. Tôi cũng không muốn làm người quân tử. Thà làm một người thường thường mà... Tôi không bỏ anh đâu, sau này, anh cần gì tôi sẽ giúp anh, mà giúp trong công việc khác kìa... chớ còn... Thật đó, anh Ba! Không được, thà tôi nghèo đói, thà tôi... Xin lỗi anh Ba...
Ba Bụng nghe rưng rưng trong lòng. Lần thứ nhất hắn xúc động vì những lời lẽ chân thành của đàn em: nhìn kỹ mặt Kha, hắn biết khó mà lay chuyển nổi ý định của Kha, cái mồi Sài gòn, chữ Tín đều vô hiệu lực. Kha có lý, hắn không có quyền lôi thêm một kẻ khác xuống bùn nhơ. Mình hắn đủ rồi... Ba Bụng cất giọng buồn bã:
- Em Kha! Em nói phải! Anh không ép em đâu. Nghề ăn trộm có tốt lành gì, chẳng qua...
Im bặt nửa chừng, Bụng ho khan năm sáu tiếng. Hắn có tật hễ xúc động là ho khan. Kha ái ngại nhìn Bụng, hỏi nho nhỏ:
- Anh Ba! Anh không giận em chớ? Anh hiểu cho em chớ?
- Không đâu. Qua rất phục em. Qua rất hiểu em!
Hai người chia tay. Ba Bụng đi không muốn nổi. Còn Kha? Kha cũng buồn chút chút - Có cuộc chia tay nào mà không một chút bùi ngùi? - Nhưng chỉ năm phút sau là Kha vui lại ngay. Vì hắn nghĩ đến những khuôn mặt sáng ngời xinh đẹp của ba đứa trẻ, nhất là nhớ câu chúng nói về hắn lúc chiều: "Cậu không có tướng như vậy! Cậu chỉ có vẻ buồn buồn, cậu dễ thương mà”.
"Cậu dễ thương” - Kha thốt lên nhỏ nhỏ. Phải, từ nay Kha sẽ cố gắng để được dễ thương, tuy gã không được cái diễm phúc có những đứa cháu dễ thương như vậy.
À! Mà biết chừng đâu? Có một ngày kia, tu tỉnh làm ăn đàng hoàng, gã sẽ mạnh bạo gõ cửa nhà ba đứa - dĩ nhiên lựa lúc cha mẹ chúng vắng nhà - vô thăm mà nói: "ông cậu giả của các cháu đây!" cùng với rất nhiều quà dưới nách.
Biết chừng, có một ngày gã dám đối mặt với người lớn cũng nên. Nghĩ đến đây, Kha bất giác cười khan lên, vui vẻ. Gã tự hứa sẽ bằng mọi cách trở nên người lương thiện, và coi cho được khuôn mặt cậu ruột lũ trẻ thử ra sao.
Kha cất giọng rè rè hát:
Có một con quỷ dễ thương
Nó mới hồi hương...