Dịch giả: Hải Triều
- 21 -
Tuổi già

Vị Bất tử, tâm trí xúc động vì những tư tưởng lớn, đi đi lại lại trong văn phòng đêm. Một thứ âm nhạc nội tâm dìu dặt vang lên trong hồn người, một ban nhạc vô hình vĩ đại dường như đang tấu nhạc cho riêng người thưởng thức.
Những kẻ bất mãn? Không sao. Ở đâu cũng có những kẻ bất mãn, thời nào cũng có những kẻ bất mãn. Sẽ không bao giờ hết được những kẻ bất mãn.
Kiểm điểm lại quá trình tiến hóa không mấy phức tạp lắm của lịch sử nhân loại, Stalin biết rằng với thời gian, con người sẽ tha thứ tất cả, sẽ quên hết, hơn thế nữa, sẽ nhớ lại những cái xấu như những cái tốt. Con người đều như Lady Anne, nàng sương phụ trong vở kịch Richard III của Shakespeare. Cơn giận của họ ngắn ngủi, chóng tàn, ý chí của họ không kiên cường, trí nhớ của họ yếu kém – và bao giờ con người cũng vui lòng thuận phục hoàn toàn kẻ thắng.
Chính vì vậy Stalin nghĩ rằng y phải sống cho đến chín mười tuổi – bởi vì cuộc chiến đấu chưa chấm dứt, cuộc xây dựng chưa hoàn thành và ở đời này không có người nào thay thế được y.
Sống để phát động và để thắng cuộc chiến tranh cuối cùng. Sống để tiêu diệt bọn địa cầu xã hội Tây phương như loài sâu bọ, để giết hết tất cả những kẻ chưa chịu thua trận trên thế giới. Sau đó, tất nhiên tăng cao năng suất lao động đến mức độ kỷ lục, giải quyết những vấn đề kinh tế. Chỉ có ý, Stalin, biết con đường đưa nhân loại đến hạnh phúc, biết cách nắm cổ nhân loại đi vào hạnh phúc như nắm cổ một con chó mù dí vào đĩa sữa – “Đó, ăn đi.”
Và sau đó?
Trước đây có một người đích thực là người – người đó là Bonaparte. Người này đã không thèm để ý gì đến những lời sủa bậy của bọn Jacobin, đã tự tuyên bố mình là Hoàng đế. Và Bonaparte làm vậy là đúng.
Danh từ “Hoàng đế” không có gì là xấu cả. Danh từ ấy cũng chỉ có nghĩa là “Lãnh tụ, Chỉ huy”.
“Hoàng đế Địa cầu”. Nghe được đấy chứ?
Đối với tư tưởng cộng sản thế giới, việc xưng danh Hoàng đế không có gì là mâu thuẫn.
Stalin vẫn bước đi trong phòng, ban nhạc vẫn tấu nhạc.
Sống đến chín mươi tuổi và từ nay đến đó, rất có thể họ sẽ tìm ra được một thứ thuốc, hoặc những biện pháp nào đó làm cho y trở thành bất tử. Liệu có thể như thế không? Không, chắc không kịp đâu.
Nhưng bỏ nhân loại lại cho ai? Ai sẽ kế tục lo lắng cho nhân loại? Chúng sẽ làm hỏng hết cho mà coi.
Sẽ có nhiều cơ sở vĩ đại nữa được dựng lên vì Stalin. Kỹ thuật khoa học sẽ có thể giúp sức vào việc tuyên truyền chủ nghĩa. Ta sẽ có thể gọi cách đó là cách tuyên truyền bằng đài kỷ niệm. Sẽ đặt một đài kỷ niệm trên đỉnh núi Kazbek, một đài khác ở trên đỉnh núi Elbrus – đầu của mình sẽ vĩnh viễn cao hơn mây trắng. Đến lúc đó mình sẽ có thể chết được. Người vĩ đại nhất những người vĩ đại, vĩ nhân của những vĩ nhân, thiên tài vô song trong lịch sử trái đất.
Bỗng dưng Stalin dừng lại.
Ở trên cao kia thì sao? Trên trái đất này không có ai bằng được Stalin, điều đó đúng rồi, nhưng còn ở trên kia?
Y lại bước đi, nhưng giờ đây những bước đi của y chậm hơn, nặng hơn trước.
Thỉnh thoảng, vấn đề chưa được giải quyết đó lại trở về ám ảnh tâm trí Stalin.
Thật ra, vấn đề đó chẳng có gì mơ hồ. Tất cả những gì cần chứng minh đều đã được chứng minh đầy đủ từ lâu, những gì dựng chặn ở giữa đường đều đã bị dẹp đi, bị chứng minh là sai bậy. Đã chứng minh rằng vật chất không hề bị tiêu diệt và cũng không hề được sinh ra. Đã chứng minh rằng vũ trụ này vô biên. Đã chứng minh rằng đời sống bắt đầu một cách dễ dàng ở trong khoảng không ấm áp. Đã chứng minh rằng người ta không thể chứng minh được sự hiện hữu của Chúa Trời, sự đã sống thật của Jesus Christ. Đã chứng minh rằng tất cả những phép lạ, những tiên tri, những sự kiện tinh thần không có vật chất đều là những chuyện bà già lẩm cẩm.
Nhưng sự cấu tạo của linh hồn, những gì ta yêu ghét, những gì ta quen đều được thực hiện trong tuổi trẻ, không phải sau tuổi trẻ. Trong thời gian gần đây những ký ức về tuổi thơ xưa đã trở thành mạnh mẽ trong tâm trí Stalin.
Cho đến số tuổi mười chín y đã sống trong tinh thần Cựu ước và Tân ước, sống với Cựu ước và Tân ước, sống với cuộc sống của những vị Thánh Gia Tô và lịch sử đạo Gia Tô. Y giúp lễ trong nhà thờ, hát trong ban đồng ca, và y thích hát bài ca của Stroikin nhan đề: “Giờ đây các người đã được tha thứ”. Ngay cả bây giờ y vẫn có thể hát bài đó không sai một âm giai. Cũng không biết bao nhiêu lần trong khoảng mười một năm học ở trường nhà Dòng và trong Tu viện, y từng đến gần những pho tượng và nhìn vào những đôi mắt huyền bí ấy. Y ra lệnh cho bức hình chụp y những năm đó phải in vào tập Tiểu sử ấn hành nhân lễ Kỷ niệm Sinh nhật năm nay của y. Djugashvili, tốt nghiệp Chủng học viện. Trong bức hình ấy y là một gã thiếu niên mới lớn, khuôn mặt mệt mỏi vì những giờ cầu nguyện dài, bận chiếc áo dòng xám kín cổ, mái tóc dài rẽ đường ngôi nghiêm khắc ở giữa, vẻ mặt khắc khổ dọn mình cho cuộc sống tu hành khổ hạnh, những sợi tóc y dính dầu đèn phủ xuống tận hai tai, chỉ có đôi mắt và đôi lông mày hơi nhíu lại cho người ta thoáng thấy gã tu sinh ngoan ngoãn ấy sẽ có ngày trở thành một nhân vật quốc tế.
Linh mục Abakumov, vị Thanh tra của Tòa Tổng Giám mục, người đã trục xuất Djugashvili ra khỏi tu viện, được chính Stalin ra lệnh để yên không được chạm đến. Để cho ông già ấy sống nốt những ngày còn lại trong đời ổng.
Và trong ngày mùng ba thành băng ở quanh gốc cây sồi bị chặt đổ, bám trắng những đầu mái giáo đường gần sụp đổ hoàn toàn, băng đá cũng bám trên những khung sắt cửa sổ, trên những sợi dây điện chạy ngang và trên hàng rào bao quanh khu sắp xây cất tòa nhà chọc trời dưới chân đồi.