Chương 5

Tôi đã đi lang thang khắp phố Đà Lạt trong mấy ngày liền cố ý tìm cô bé. Nhưng tôi vẫn không tìm ra địa chỉ "chỗ khác" là chỗ nào để có thể gặp được em. Tôi tự nhủ thôi hãy quên cô bé khùng đó đi. Coi như "trò chơi giết thì giờ" chấm dứt. Bây giờ tôi phải lo làm việc để bù cho khoảng thời gian đã lười biếng rong chơi.
Sáng nay tôi quyết định ở nhà, ngồi vào bàn và viết một vở kịch mới. Đã có một đoàn cải lương ở Saigon đặt tôi viết một vở kịch rồi họ sẽ chuyển thể thành tuồng cải lương. Đề tài họ yêu cầu là chuyện tình thời vua chúa. Có như vậy họ mới lôi kéo được người xem rời vidéo để đến với sân khấu.
Trên bàn là mấy cuốn sách lịch sử Việt Nam, tôi mới nhờ Đăng mượn ở thư viện trường đại học. Tôi đọc lướt qua các triều đại. Đến nhà Tiền - Lê, tôi nhớ đã có người viết một vở kịch về vua Lê Đại Hành, một minh quân. Tôi muốn viết tiếp người con của ông ta là Lê Long Đĩnh, một bạo chúa tàn ác và hoang dâm vô độ.
Đang mải chú tâm suy nghĩ xây dựng các nhân vật cho vở kịch, tôi nghe có tiếng gõ cửa. Vì lười biếng, tôi nói:
- Xin đẩy cửa vào.
Bác quản gia đẩy cửa bước vào.
- Mời cậu qua phòng khách, bà chủ muốn gặp cậu.
Tôi ngạc nhiên đứng dậy. Tôi ở đây gần một tháng, chưa bao giờ tôi được gặp bà chủ. Tôi có nghe Đăng nói bà hiện ở Saigon. Chẳng lẽ bà mới lên đây ngay hôm nay?
Tôi theo bác quản gia vào phòng khách. Phòng này hằng ngày thường đóng cửa và tôi cũng chưa bước chân vào. Phòng rộng, trang trí rất trang nhã. Một ngọn đèn chùm bằng đồng từ trần nhà buông xuống. Một chiếc đàn piano nắp đậy kín ở gần cửa sổ mở rộng. Trên tường treo mấy bức tranh sơn mài khổ lớn. Ở góc nhà có một cầu thang lên lầu. Phòng không có bụi bặm và mùi ẩm mốc. Chắc hàng ngày bác quản gia đều có quét dọn.
Tôi ngồi xuống bộ ghế salon bọc nỉ màu nâu. Trên bàn nhỏ có một bình hoa lớn cắm đầy hoa bất tử. Bác quản gia rót trà mời tôi và nói:
- Cậu ngồi đợi một chút. Bà chủ ở trên lầu sắp xuống.
Bác quản gia bước ra khỏi phòng. Tôi gõ tay xuống mặt kính bàn và ngắm nhìn bức tranh sơn mài trước mặt. Tranh vẽ một hồ sen nở đầy sen hồng, dưới một tán lá sen màu xanh ngọc có đôi vịt trắng đang đùa nghịch.
- Chào cậu.
Tôi quay lại nhìn người đàn bà đi xuống cầu thang. Bà mặc áo sơ mi vải sô màu mỡ gà và quần tây đen. Tôi nhớ loáng thoáng hình như đã gặp bà một lần ở đâu đó. Đúng rồi! Tôi đã thấy bà đứng ở hành lang nhà hàng Palace khi réo gọi cô bé đang bới tìm ngoài sân cỏ.
Người đàn bà ngồi xuống ghế đối diện với tôi. Có lẽ nhờ nước da trắng nên khuôn mặt bà ít phấn son. Chỉ có một lớp son mỏng màu cánh sen trên đôi môi. Bà rót trà vào tách rồi bưng lên uống nhấp giọng.
- Cậu ở đây thấy dễ chịu chứ?
- Cám ơn bà. Nhờ bà cho ở trọ mà tôi đã viết xong vở kịch.
- Tôi có nghe Đăng nói chuyện đó.
- Bà đã gặp Đăng?
- Không. Đăng đã phone cho tôi biết.
Sợ mình nhìn lầm bà chủ nhà này với người đàn bà ở nhà hàng Palace, tôi hỏi:
- Bà mới lên Đà Lạt ngày hôm nay?
- Tôi lên đây hơn một tuần rồi.
- Ồ! Vậy sao bà không ở đây?
- Tôi ở nhà người em vui hơn. Chắc cậu cũng biết chuyện gia đình tôi?
Tôi gật đầu nói:
- Xin chia buồn cùng bà.
Người đàn bà chớp mắt, thở dài:
- Rồi mọi chuyện cũng qua đi. Hôm nay tôi về đây để chuẩn bị đón một người khách từ Saigon lên mua nhà. Tôi hỏi thật cậu, ở đây gần một th'ang, cậu có gặp ma lần nào không?
Tôi cười đáp:
- Tôi rất mong được gặp ma mà lại không được gặp.
Người đàn bà mỉm cười:
- Vậy mà tin đồn đã làm tôi khó bán ngôi nhà này. Nếu khách đến mua có hỏi chuyện, cậu cũng nói như vậy nhé.
- Nếu có tiền tôi sẽ mua ngôi nhà này.
- Cậu nhất quyết muốn gặp ma à?
- Không. Tôi sẽ "kinh doanh ma". Mỗi tối tôi sẽ bán vé cho những ai muốn vào đây xem ma thật. Chắc bà cũng biết phim video ma quái người ta rất thích xem.
Người đàn bà bật cười, phô hàm răng trắng đều.
- Cậu có đầu óc kinh doanh khá đấy. Nếu không bán được nhà, tôi sẽ hợp tác kinh doanh "ma" với cậu. Cậu đã lên trên lầu chưa?
- Bà có người quản gia quá tốt. Bác ấy chỉ cho tôi ở phòng tạm trú hay xuống nhà bác chơi, chứ tuyệt đối không cho tôi vào các phòng khác.
Người đàn bà gật đầu tỏ vẻ hài lòng.
- Có như vậy tôi mới tin và giao cho bác ấy trông coi ngôi nhà. Bây giờ tôi mời cậu lên lầu coi căn phòng người ta đồn có ma.
Tôi theo người đàn bà bước lên lầu. Bà tra khóa vào ổ, mở cửa một căn phòng. Phòng hơi tối vì quét vôi màu xanh lá cây. Bà chủ phải mở toang cánh cửa sổ và cột lại tấm màn che màu xanh lá cây cho nắng ùa vào. Sàn phòng phủ một tấm thảm dày cũng màu xanh lá cây.
- Đây là phòng của chồng tôi. Ông ấy đã tự tử tại đây.
Tôi nhìn quanh mấy bức tường tìm xem có treo hình ông chủ và tôi chỉ thấy có treo đầu một con cọp nhồi rơm. Trên kệ sách có khung hình nhỏ, tôi bước gần đến xem và nhận ra người đàn ông râu ria xồm xoàm trong ảnh là nhà văn Hemingway. Tôi hỏi bà chủ:
- Ông nhà thích đọc truyện của Hemingway?
- Cậu xem trong kệ sách toàn truyện của Hemingway. Chồng tôi đã chịu ảnh hưởng nặng nhà văn đó. Ông ấy cũng thích đi săn, đi câu cá, uống rượu mạnh và cuối cùng tự tử bằng súng săn giống như Hemingway.
Tôi rút một cuốn sách trong kệ. "Cuộc sống hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber". Tên một tập truyện ngắn nổi tiếng của Hemingway viết về những cuộc đi săn ở Châu Phi vànhững cái chết. Tôi nói:
- Khi đã xem ai là thần tượng, người ta thường bắt chước sống theo và chết theo thần tượng đó. Bà có biết ông nhà có ý định tự tử?
Người đàn bà cúi đầu di di mũi dày trên sàn nhà:
- Ông ấy tự tử khi tôi đang ở Saigon. Chỉ có đứa con tôi hay biết vì nó ở phòng kế bên.
- Lan Hương à?
Người đàn bà nhíu mày nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Cậu cũng nghe người ta nói về nó?
- Không phải đã nghe nói mà chính tôi đã gặp Lan Hương.
Tôi kể lại cho người đàn bà nghe lần đầu tôi đã gặp Lan Hương ở đâu và chúng tôi đã cùng trò chơi tìm kiếm một cái gì đã mất.
Người đàn bà thở dài.
- Tôi có nghe bà vú nói gần đây nó thường trò chuyện với một người thanh niên. Tôi đã ra lệnh cho bà vú ngăn cấm nó không được trò chuyện tiếp. Tôi không ngờ thanh niên đó là cậu. Vậy tôi nói cho cậu biết con tôi đã bị khủng hoảng tinh thần từ khi chứng kiến cái chết bi thảm của ba nó. Tôi đã nhờ nhiều bác sĩ chữa trị cho nó nhưng không có kết quả. Tôi đã xin được giấy phép đưa nó sang Pháp chữa bệnh. Đợi bán xong ngôi nhà này, chúng tôi sẽ đi.
- Tôi nghĩ cô bé không bị bệnh tâm thần mà em bị thiếu một cái gì đó.
- Nếu nó nói cho tôi biết nó thiếu cái gì, tôi sẵn sàng mua cho nó với bất cứ giá nào.
- Cái cô bé thiếu có thể không dùng tiền mua được.
Người đàn bà lắc đầu:
- Vậy tôi đành chịu thua.
- Có thể cô bé cần một người bạn chẳng hạn.
- Ở Saigon cũng như ở nhà em tôi, mấy đứa cùng trang lứa với nó thiếu gì, nhưng nó không chịu kết bạn và nô đùa với ai.
- Một người bạn là một người phải hiểu cô bé.
- Bà vú đi theo nó còn hiểu rõ nó hơn tôi. Bà ấy đã chăm sóc nó từ khi nó mới sinh và không rời nó nửa bước khi nó bị bệnh.
- Nhưng một người bạn không phải là một người thân trong gia đình. Nếu bà đồng ý, tôi xin nhận làm bạn của cô bé. Gần gũi em, tôi tin mình sẽ hiểu được điều mà em đang thiếu.
Người đàn bà cắn môi suy nghĩ:
- Tôi ngại nó chỉ làm phiền cậu. Nếu cậu có ý giúp nó, tôi rất mừng. Với đầu óc nhạy bén của cậu, biết đâu cậu sẽ hiểu nó hơn chúng tôi.
- Hôm nay cô bé có theo bà đến đây?
- Tôi không dám dẫn nó đến đây. Tôi sợ khi thấy lại ngôi nhà cũ, căn phòng cũ, nó sẽ nhớ lại cái chết của ba nó và bệnh sẽ nặng hơn.
- Vậy tôi có thể gặp lại cô bé ở đâu?
- Tôi sẽ cho cậu điạ chỉ chỗ chúng tôi đang ở.
Có tiếng còi xe hơi kêu vang bên dưới rồi bác quản gia bước lên lầu báo tin:
- Thưa bà, có khách đến.
- Tôi sẽ xuống ngay.
Bác quản gia bước xuống cầu thang trước. Tôi và người đàn bà đi theo sau. Tôi nói:
- Xin bà cho biết địa chỉ. Tôi muốn đến thăm cô bé ngay bây giờ.
- Cậu cần gặp nó gấp vậy à?
- Vâng, rất cần, trước khi quá muộn.
- Đươc rồi. Chiều nay tôi cho sẽ cho xe đến đón cậu lúc 4 giờ. Tôi cũng cần phải nói chuyện trước với nó.

Truyện Tình nhỏ làm sao quên Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 <ợc nhiều chuyện đã quên.
- Nhưng em có quên cái gì đâu?
- Vậy chứ em đã đánh mất cái gì?
- Em đã đánh mất...
Cô bé cúi đầu, cắn môi. Tôi nói:
- Đừng suy nghĩ nữa. Em hãy đạp đi.
Cô bé nhấn mạnh bàn đạp. Chiếc pédalo lúc lắc. Em chưa đạp đều chân nên chiếc pédalo cứ quay vòng một chỗ. Tôi thản nhiên móc túi lấy thuốc hút, mặc cho em xoay xở. Em có đổ mồ hôi may ra mới nhớ được điều em đã quên.
Đạp được một lúc, trán em đã lấm tấm những giọt mồ hôi. Tôi lấy khăn tay lau trán em và nói:
- Thôi em nghỉ đi. Tới phiên tôi đạp.
Tôi kéo tay lái lên, chiếc pédalo từ từ chạy về phía bên phải. Trước mặt tôi là nhà hàng Thủy Tạ ngập trong nắng chiều. Cô bé ngả đầu vào lưng ghế. Gió thổi làm tóc em bay lòa xòa ở hai mang tai. Đột nhiên em chồm tới trước và chỉ tay xuống mặt hồ:
- Nó kìa.
Tôi vội giữ chặt vai cô bé, sợ em ngã xuống hồ rồi nhìn theo ngón tay em chỉ. Mặt hồ phẳng lặng, nước xanh đậm, tôi không trông thấy gì.
- Ông đạp lùi lại đi. Nó đã nằm ở phía dưới pédalo.
Tôi đạp ngược bàn đạp cho pédalo lùi lại một đoạn.
Cô bé chỉ tay vào chỗ bọt nước trắng xóa do guồng pédalo khuấy động:
- Nó đó. Ông vớt giùm em đi.
Một nhánh rong đang trôi vật vờ trong bọt nước. Tôi lái pédalo lách qua một bên rồi cúi xuống vớt nhánh rong lên. Tôi đưa nhánh rong sũng nước cho cô bé:
- Nó đấy à?
Cô bé im lặng, lật qua lật lại nhánh rong dài trong lòng bàn tay. Rồi em lắc đầu ném nhánh rong xuống hồ:
- Ông vớt lầm rồi. Nó không phải là nhánh rong. Nó nằm ở phía dưới nhánh rong.
Tôi thở dài ngao ngán:
- Phía dưới nhánh rong là đáy hồ. Nếu nó nằm ở đó chắc phải lặn xuống dưới mới tìm thấy được.
Đột nhiên cô bé xô tôi thật mạnh. May mà tôi nắm kịp cái cánh của con thiên nga pédalo, nếu không chắc tôi đã ngã nhào xuống hồ. Cô bé vừa tiếp tục xô đẩy tôi vừa nói:
- Ông lặn xuống dưới đó tìm kiếm đi. Ông đã hứa giúp em mà.
Tôi giữ chặt hai tay cô bé. Biết em đang "lên cơn", tôi cố gắng nói ôn tồn:
- Đừng giỡn nhỏ. Tôi không biết bơi. Hãy đợi hôm nào người ta xả hết nước hồ, tôi sẽ đi xuống dưới đó tìm giúp em.
Tôi buông tay cô bé ra. Em ngồi xuống ghế thở hổn hển:
- Vậy bao giờ người ta mới xả nước hồ?
- Năm mười năm gì đó, người ta xả nước hồ một lần để làm vệ sinh hồ.
Mặt cô bé buồn thiu:
- Phải chờ đợi năm mười năm nữa chắc em đã chết.
Tôi nói đùa:
- Em đừng lo. Người có đôi tai dài như em sẽ sống đến trăm tuổi.
- Một ngày không thở, ông chịu nổi không?
- Đừng nói một ngày, một phút tôi chịu cũng không nổi.
- Em cũng vậy. Nếu không tìm ra cái đó.
- A! Vậy tôi biết em đánh mất cái gì rồi.
- Ông nói nó là cái gì?
- Không khí. Chỉ thiếu nó một phút là người ta không chịu nổi.
Và để làm trò hề cho em cười, tôi đưa hai tay ra phía trước chụp bắt. Rồi tôi nắm chặt hai bàn tay mình, đặt lên hai bàn tay em.
- Tôi đã bắt được nó rồi. Này em hãy giữ chặt lấy, không nó bay mất.
Tôi xòe hai bàn tay ra. Hai bàn tay cô bé vẫn hững hờ mở rộng, không nắm lại hưởng ứng trò hề của tôi. Em nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu.
- Em đã nói nó không ở trên trời, nó nằm trên mặt đất. Mà không chừng ông nói đúng. Nó nằm dưới đáy hồ này.
Cô bé nhìn chăm chăm xuống mặt hồ rộng. Sợ em lao ẩu xuống đáy hồ, tôi phải đặt một tay lên vai em đề phòng. Biết tánh em đã nghĩ đến cái gì là nghĩ đến "chết" cái đó, tôi giả đò coi đồng hồ rồi nói:
- Đã hết giờ thuê pédalo rồi. Chúng ta vào bờ.
Tôi ấn tay lái xuống cho pédalo quẹo trái rồi đạp thật nhanh vào bờ. Tôi muốn rời xa cái đáy hồ đang lởn vởn trong đầu em.
Nắng chiều đã nhạt khi chúng tôi leo lên cầu gỗ. Tôi dắt cô bé băng qua đường, đi bên lề trái về hướng trung tâm thành phố. Tôi ngại không dám bắt em đi dọc theo bờ hồ dù bên ấy mát hơn, nhưng lại giúp em dễ dàng liên tưởng đến đáy hồ hơn.
Tôi muốn dắt cô bé đi xem phim cho đầu óc em bớt căng thẳng. Nhưng khổ nỗi đi qua ba rạp chiếu bóng đều thấy quảng cáo chiếu phim quyền cước Hong Kong, chẳng thích hợp với em. Tôi đành dắt em đi dạo xem các cửa hàng.
Đèn đường và đèn các cửa hàng đã bật sáng. Khi đi ngang qua một hiệu sách, tôi kéo cô bé cùng bước vào. Tôi muốn mua một cuốn tiểu thuyết để đọc, đồng thời mua tặng cô bé một quyển sách để làm kỷ niệm. Trong khi tôi mải nhìn lên kệ sách để tìm một cuốn truyện ưng ý thì cô bé vẫn ngó lơ đi chỗ khác. Tôi nắm tay em, hỏi:
- Em thích cuốn sách nào? Tôi sẽ mua tặng em.
Cô bé lắc đầu:
- Em không thích sách.
- Tại sao vậy?
- Má nói ba em chết cũng tại sách.
Tôi nghe mà rùng mình, vội keó cô bé bước đi. Ngang qua tủ kính, cô bé đứng lại nhìn những đồ bách hóa bày bên trong. Tôi hỏi:
- Em muốn mua món gì?
Cô bé lắc đầu. Nhưng tôi vẫn gọi cô bán hàng lại, nhờ cô lấy một kẹp tóc bày trong tủ kính. Tôi cài cái kẹp lên mái tóc em và nói:
- Tôi tặng em.
Cô bé vuốt vuốt cái kẹp tóc nói:
- Tại sao ông lại tặng em cái kẹp này?
- Tại em nói cái em đã đánh mất có màu xanh lá cây. Biết đâu cái kẹp tóc màu xanh lá cây này chính là cái mà em đã đánh mất.
Cô bé liền chỉ một hộp quẹt gaz trong tủ kính:
- Cái đó cũng màu xanh lá cây. Vậy ông hãy mua tặng em luôn.
Tôi cười nhăn nhó:
- Được thôi.
May thay trong tủ kính không còn món hàng gì màu xanh lá cây. Nếu không thì tôi.... rỗng túi. Và mặc dù tôi đã trả tiền đầy đủ, cô bán hàng vẫn ngơ ngác nhìn chúng tôi như những kẻ thiếu nợ.
Vừa bước ra cửa hiệu sách, tôi gặp Hạnh và Liên bước vào. Hai người chắc vừa đi tập kịch về. Hạnh nói:
- Sao chiều này anh không đến xem tụi em tập màn cuối?
- Tôi đang bận viết một vở kịch mới.
Liên cười nói:
- Vậy tụi em sắp có kịch để diễn tiếp rồi. Bây giờ tụi em xin đãi "tác giả" một chầu bún bò Huế.
Tôi chỉ cô bé đang đứng một mình bên lề đường nhìn xe cộ qua lại:
- Cho tôi mời cô bạn nhỏ kia đi cùng được không?
Hạnh nhìn cô bé, hỏi:
- Ai vậy?
- Em không nhận ra cô nhỏ em đã gặp một lần ở đồi cù?
Hạnh trợn mắt nói:
- Con nhỏ "mát" đó à! Nó mau lớn quá vậy?
Tôi cười nói:
- Cô bé ấy không "mát" đâu. Cô ấy vừa làm cho tôi "mát" thì có. Để tôi gọi cô bé cùng đi ăn cho vui.
Tôi bước đến chỗ cô bé đứng, vỗ vai em và nói:
- Có người mời chúng ta đi ăn bún bò Huế, em đi không?
Cô bé vẫn nhìn xe cộ và hỏi:
- Ai vậy?
- Những người bạn đóng kịch của tôi.
Cô bé quay qua nhìn tôi, hỏi:
- Ông cũng biết đóng kịch à?
- Không. Tôi viết kịch. Bây giờ chúng ta cùng đi ăn với bọn họ cho vui.
- Ông hãy đi ăn với họ đi. Em không thích ăn bún bò Huế.
Tôi lắc đầu, đi trở lại chỗ hai cô bạn gái và ngỏ lời xin lỗi họ. Hạnh nắm tay Liên kéo đi:
- Ông ấy không thèm đi với tụi mình đâu. Đã có cô con gái của bà tỉ phú rồi.
Nàng quay qua hỏi "móc" tôi:
- Đấy có phải là vở kịch mới của ông?
- Ồ! Không phải vậy...
Tôi muốn giải thích cho Hạnh hiểu nhưng hai người đã bước đi thật nhanh. Tôi lắc đầu, đi đến chỗ cô bé đứng.
- Thôi chúng ta đi ăn cơm bình dân. Sắp đến giờ xe đến đón em về rồi.
Cô bé quay lại nhìn tôi, nói:
- Em không thích ăn cơm bình dân.
Tôi bực mình, gắt:
- Vậy em thích ăn gì?
- Bún bò Huế.
Tôi gãi đầu, vò tai:
- Vậy sao hồi nãy em nói không thích ăn.
Cô bé bật quẹt gas tôi mới mua tặng em. Em đưa hộp quẹt lên ngang mặt tôi, như muốn đốt lửa cho tôi mồi thuốc.
- Em không thích ăn bún bò Huế với người lạ. Còn với ông thì khác.
Tôi vừa thò tay vào túi áo rút ra được một điếu thuốc thì cô bé tắt quẹt gaz:
- Em đâu có bật quẹt cho ông mồi thuốc. Em chỉ tò mò muốn biết mặt ông khi nhăn nhó ra sao.
--!!tach_noi_dung!!--


Nguồn: Thời áo trắng
Được bạn: Thành Viên VNthuquan đưa lên
vào ngày: 27 tháng 12 năm 2003

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--