Chương Năm
Đồng dao của Thôn nữ

1
Trở về thăm gia đình chưa được ba ngày, vào buổi trưa ngày hôm sau, khi ăn cơm nước xong xuôi, bà bác họ của anh ghé thăm. Bà thì
thầm với mẹ anh một hồi, rồi gọi anh tới, bảo:
- Này, anh cả Quý! Về phép kỳ này, anh sẽ đi xa phải không?
- Thưa bác... Đại đội trưởng ngập ngừng.
- Vậy, anh có biết rằng là con trai của dòng họ Lê Sỹ, trước khi đi xa, anh phải có nghĩa vụ gì với mẹ của anh không? Giọng của bà
bác họ chùng xuống - Tôi không có chữ nghĩa nhiều như mẹ anh, như anh, nhưng tôi nghĩ là anh nên hiểu chúng tôi, những mụ già
góa chồng ở thôn quê này. Anh cũng biết đấy, chúng tôi vất vả đẻ ra các anh, rồi nuôi các anh, cho các anh ăn học. Lớn lên, các anh
trở thành người của nhà nước, do nhà nước sai khiến. Chúng tôi chẳng đòi hỏi gì ở anh sất, ngoài việc anh phải cho chúng tôi một đứa
cháu nội, vậy thôi. Anh lớn rồi, nghĩ thế nào thì nghĩ.
Đại đội trưởng im lặng. Đây là lần thứ hai, sau mẹ anh, bà bác họ chính thức đề nghị anh cưới vợ, trước khi lên đường. Đây là việc hết
sức nhạy cảm đối với anh. Cưới vợ vào thời buổi chiến tranh này, không phải là việc khó, chẳng tốn kém sính lễ gì, nhưng đại đội
trưởng vẫn cảm thấy có một cái gì đó sống sít, chụp giựt. Chỉ riêng ở làng anh đã có hơn năm mươi đám cưới được tiến hành một cách
vội vàng đột ngột như thế. Còn anh, anh không muốn chuyện trăm năm lại được quyết định một cách chốc lát, đơn giản như vậy.
- Thôi, anh đừng băn khoăn nữa. - Bà bác họ tiếp tục - Anh muốn cưới vợ trong xã cũng được, ngoài xã cũng được. Anh muốn ai,
chúng tôi sẽ cưới cho anh người ấy. Nghe tin anh về, lát nữa, cái Xuyến sẽ ghé thăm anh. Nó thuộc vào loại người mắn đẻ, chăm làm và
đẹp nhất làng đấy. Nếu anh lấy được nó thì mẹ chồng nàng dâu sẽ tâm đầu ý hợp. Tôi nghĩ, ở làng này, không có đứa nào hơn được nó
đâu.
Xuyến, cô gái mà bác trưởng họ vừa nhắc là con thứ của cụ hương Đoàn. Năm nay, cô hai mươi tuổi, bằng tuổi anh. Cô khỏe mạnh,
nhanh nhẹn và khá tháo vát. Đã có thời cô làm công nhân tại công trường đá Hệ Dưỡng, nhưng không biết vì sao lại bỏ về nhà. Đối với
dân làng, cô không có điều tiếng gì cả. Buổi chiều, trên đường đi cấy về, cô ghé thăm mẹ anh và được bà giữ ở lại ăn cơm. Qua tình
cảm và thái độ của mẹ, anh hiểu rằng cô là người được bà chọn làm con dâu.
- Em chào anh Quý! Xuyến ngả nón khi bước vào sân, lên tiếng - Anh mới được về chơi ạ?
- Vâng, tôi mới về! - Đại đội trưởng đang sửa lại chiếc rổ sảo cho mẹ, đứng dậy, vui vẻ - Mời cô Xuyến vào trong nhà xơi nước. Ông
cụ đằng nhà vẫn khỏe chứ, cô?
Xuyến bước theo đại đội trưởng vào trong nhà. Trong lúc anh đang tráng li, rót nước, thì cô ngồi xuống góc chiếc ghế tựa, tay vẫn ôm
nón.
- Bố em vẫn khỏe anh Quý ạ! - Cô trả lời khẽ khàng, mắt vẫn không rời anh. Cái nhìn của cô sắc lẹm, làm cho đại đội trưởng sững sờ -
Về phép kỳ này, anh Quý lấy vợ chứ?
- Ôi, tôi khổ sở với các cụ... Cứ nhắc lấy vợ hoài, làm cho tôi có cảm tưởng rằng các cụ chẳng còn việc gì để mà làm nữa. Thôi, không
nói tới chuyện đó nữa. Mời cô Xuyến dùng nước.
- Không nhắc tới chuyện đó làm sao được! - Xuyến đỡ lấy li nước từ tay anh, nói - Các anh suy nghĩ khác, các cụ suy nghĩ khác. Đất
có lề, quê có thói...
- Đúng thế! - Đại đội trưởng thừa nhận - Lề và thói không phải ngày một ngày hai mà có. Cũng không phải ngày một ngày hai mà mất
đi, thế mới nguy.
- Nguy cái gì cơ ạ? Cưới vợ sao lại nguy ạ? - Sau một thoáng ngơ ngác, giọng cô trở lại vui vẻ - Em nói thật nhá, ở làng ta, anh thấy vừa
mắt ai, em làm mối cho.
- Ôi, cô Xuyến! Cô thật tốt. Nhưng ai mà dám lấy tôi? Cô chẳng nghe người ta nói rằng dòng họ nhà tôi là dòng họ chết yểu à?
- Ôi dào, anh hơi đâu mà nghĩ tới chuyện thiên hạ. - Xuyến gạt đi - Bây giờ ở làng quê, con gái vô khối. Anh chỉ cần quơ một cái là
được cả chục cô. - Nói rồi, Xuyến lại liếc mắt nhìn anh. Cái nhìn sượt qua như một tia chớp, làm cho đại đội trưởng rùng mình - Anh
chẳng nghe người ta nói sao? "Việt Nam dân chủ cộng hòa, đàn ông phân phối đàn bà tự do".
Đại đội trưởng cười ra nước mắt. Miệng lưỡi thế gian, chẳng có gì bịt được cả. Hai người đang nói chuyện với nhau, thì mẹ anh vừa vớt
bèo từ ngoài ao trở về. Mới trông thấy bà, Xuyến bỏ nón vào góc nhà, đon đả chạy ra giằng lấy rổ bèo nặng, nước còn chảy tong tong.
- Bác để cháu! - Xuyến nói.
Bà Son để cho Xuyến đỡ lấy rổ bèo, rồi đứng thẳng người lên, tay khẽ đấm lưng:
- Cháu mới đi cấy về đấy à? Liệu năm nay tổ cấy có thể đảm bảo cấy xong trươc tết không? - Bà Son hỏi.
- Dạ, cháu mới đi cấy về bác ạ! - Xuyến nhanh nhảu trả lời, mắt đảo quanh tìm cái thớt để băm bèo - Năm nay rét sớm, không biết có
cấy xong trước tết được không. Tổ cày cũng ì ạch lắm bác ạ!
Xuyến đang định chạy băm bèo thì Bà Son bước tới, giữ tay cô lại:
- Cháu cứ để đấy cho các. - Bà nói - Vào trong nhà uống nước nói chuyện với thằng Quý. Cái thằng đã hai mươi tuổi rồi mà còn dại
lắm!
Xuyến đứng lại chuyện trò với mẹ anh một lát rồi mới quay vào trong nhà nhưng không nói chuyện gì cả. Thỉnh thoảng, cô lại liếc nhìn
anh, vành tai đỏ rựng lên. Đại đội trưởng cảm thấy bối rối trước cái nhìn hớp hồn của cô. Của đáng tội, anh có ý nghĩ rằng: nếu như
phải cưới vợ đợt này, thì cô sẽ là người anh có thể chấp nhận được.
Vừa ngồi với đại đội trưởng được một lát thì đám con gái trong làng kéo tới. Xuyến đứng dậy, chào mẹ anh ra về, nhưng bà giữ cô lại.
Bà kiếm cớ nhờ cô nấu giúp nước mời khách, rồi giữ cô ở lại ăn cơm.
Có tới cả chục cô gái trẻ trong làng bước vào trong nhà, ngồi chật hết cả giường, phản nhà anh. Họ chỉ tay về phía Xuyến, to nhỏ với
nhau những điều gì đó. Một cô gái tên là Hương, người xóm Đồi, đánh tiếng:
- Kỳ này anh Quý về, có nệm ấm của công trường đá rồi nhé! Tụi em, con gái quê mùa, gầy gò, rách rưới, chắc chắn chẳng vừa mắt
anh đâu, anh Quý nhỉ?
Hương vừa dứt lời, đám con gái cười rộ lên làm cho đại đội trưởng lúng túng. Câu nói của Hương rõ ràng là nhằm vào Xuyến - Người
mà theo họ, có hạnh kiểm chẳng ra gì.
- Cái con này, miệng lưỡi gì mà như có nọc rắn ấy! - Một cô gái trong bọn đánh vào vai Hương nhắc khéo - Mày làm anh Quý giận rồi
kìa.
- Tín ngôn bất mỹ, phải vậy không anh Quý? - Vẫn Hương nói.
- Lại nho nhe nữa, - Đại đội trưởng lên tiếng - Thôi nào, mời các cô uống nước đi. Nói rồi, anh trao nước cho từng cô gái một.
- Tụi em trong bụng toàn những nước thôi, anh Quý ạ! - Cô gái nhỏ bé nhất trong đám nói - Tụi em đến đây là để nghe anh kể chuyện
chiến đấu chống bọn sài lang cơ.
- Tôi đã đánh được trần nào đâu mà kể.
- Anh không đánh trận mà lại được phong trung úy à? Tụi em không tin. Chẳng ai tin cả, phải không, tụi mày?
- Đúng đấy. Chẳng ai tin cả. Các cô gái đồng thanh nói.
- Thôi, đừng phá anh Quý nữa. - Hương nói một cách trịnh trọng - Tụi em mới đi làm thủy lợi về, nghe tụi cái Mai, cái Màn trực chiến
nói anh đã về, nên tụi em đến thăm, chào anh thôi, kẻo rồi đây, anh đi, tụi em lại không được gặp.
- Là người trong làng với nhau, tại sao không gặp được?
- Tụi em ở đội thủy lợi, anh Quý à. Hương kể - Hiện tụi em đang đắp đê tận Đế, Viến ấy. Bây giờ, các anh đi hết, chỉ còn tụi con gái
chúng em sống với nhau thôi. Cày, bừa cũng tụi em. Trực chiến cũng tụi em. Đắp đê, chống úng cũng tụi em. Cái gì cũng qua tay tụi
em tất cả. Không khéo rồi quê ta biến thành "nữ quốc" ấy!
Đại đội trưởng thở dài:
- Trai thời loạn. Biết làm sao được.
- Vâng, tụi em hiểu lắm chứ, nên có kêu ca gì đâu. Chỉ mong các anh đi cho khỏe, sớm giải phóng miền Nam, rồi về làng với tụi em
cày cấy cho vui, thế thôi. Bây giờ chào anh, tụi em phải đi họp chi đoàn. Nếu chưa phải đi làm ngay, lúc nào rảnh rỗi, tụi em sẽ lại đến
quấy phá anh cho vui.
Hương vừa nói dứt lời, các cô gái cùng đứng dậy, tíu tít chào anh, rồi ra về. Đại đội trưởng tiễn các cô ra ngõ, lòng thấy bâng khuâng.
Anh cứ đứng ngây người nhìn các cô bá vai nhau bước, hơi thở trở nên nghèn nghẹn. Quê hương anh hầu như đã vắt kiệt sức rồi. Tất
cả để chiến thắng! Câu nói ấy không chỉ là khẩu hiệu, mà còn là khát vọng muôn đời của mọi người dân ở quê anh. Nó đã trở thành
một tố chất làm nên phẩm giá của người nông dân Bắc Bộ. Nó trở thành một luật lệ không thành văn, buộc mọi người phải sống theo
phẩm chất ấy, nếu không muốn bị sỉ nhục. Đại đội trưởng chợt lặng người khi nghe thấy tiếng đồng dao của một cô gái nào đó cất lên:
Thời chiến tranh
Đời con gái
Rẻ như bèo,
Thấy đàn ông
Bụng ỏng
Cũng chạy theo
Xin làm vợ
Được làm vợ
Rồi buồn khổ
Rồi phiền lòng.
Trai vắng bóng
Gái thì đông
Thời chiến tranh,
Đời con gái
Rẻ như bèo...
Lời đồng dao đau buồn cứ lởn vởn trong gió lạnh, làm cho đại đội trưởng chết lặng người. Nước mắt anh cứ chực trào ra. Lời hát sao
mà thương tâm thế. Nghe xót xa như có ai đó xát muối vào vết thương trong lòng anh. Lúc anh quay trở vào nhà thì gặp Xuyến, tay
xách ấm nước sôi, đứng sững nơi bậu cửa, nhìn về phía anh, vẻ mặt trở nên buồn tủi. Đại đội trưởng cảm nhận được nỗi buồn sâu lắng
ấy của cô...
Tối hôm ấy, Xuyến ở lại ăn cơm cùng gia đình anh, rồi ở chơi tới gần chín giờ khuya mới về. Mẹ anh và bà bác họ yêu cầu anh phải
đưa Xuyến về đến tận nhà. Đại đội trưởng vào trong buồng, lấy đèn pin, không quên khoác theo chiếc áo bạt, rồi tiễn cô đi.
Trời rét căm căm. Mưa phùn và gió bấc ào ạt thổi. Những lúc gió giật mạnh, xô Xuyến dạt vào người anh. Xuyến đi chân không. Cô
bước từng bước rón rén trên con đường trải đá dăm, hai tay kẹp vào nách cho ấm. Gió vẫn rít từng cơn. Hàng tre bên đường cọ vào
nhau ken két, nghe như tiếng nghiến răng của trời đất. Đại đội trưởng kéo cô vào sát mình cho đỡ rét, rồi choàng chiếc áo bạt lên người
cô. Sự âu yếm của anh làm cô sững người lại. Cô nắm chặt hai bàn tay anh, rồi quay người lại. Cô ngửa mặt lên nhìn anh, thổn thức.
Đại đội trưởng cảm nhận rõ hơi thở nồng ấm, phập phồng của cô tỏa sát môi mình.
- Anh Quý! - Xuyến khẽ kêu lên, giọng lạc đi.
- Gì cơ? - Anh hỏi. Nhưng Xuyến không nói nữa.
Trong khoảnh khắc ấy, bản năng đàn ông của anh được cơ thể rừng rực ở người con gái đánh thức, trỗi dậy. Anh ghì chặt lấy cô, rồi từ
từ hôn lên cặp môi nóng bỏng chờ đợi. Xuyến rùng mình sung sướng, rồi hôn lại anh một cách cuồng nhiệt. Cô kéo bàn tay anh đặt lên
ngực mình. Đại đội trưởng run lên vì cảm xúc trước sự cám dỗ ma quỷ của cô. Anh khám phá cơ thể cô như khám phá một điều gì đó
mới mẻ và đầy bí ẩn. Đại đội trưởng chợt rụt tay lại khi nhận ra mình đã đi quá xa, đã không kiểm soát được việc làm đáng ra phải
kiểm soát.
- Đừng sợ, anh Quý. Xuyến khích lệ khi nhận ra sự đắn đo vừa xảy ra ở trong anh - Em không tạo cớ để ràng buộc anh đâu. Ráng lên!
Đại đội trưởng vẫn ôm cô, rất muốn cô, nhưng anh không thể nào vượt qua được cái luân lý ngàn đời của quê anh. Nó không cho phép
anh biến cô trở thành đàn bà, trước khi tổ chức lễ thành hôn.
- Ta về thôi em, Xuyến! - Đại đội trưởng buông cô ra, khẽ nói - Em là một người rất tốt. Anh không thể...
Xuyến ngơ ngác nhìn anh. Câu nói của anh như một gáo nước lạnh hắt vào người cô. Cô hất tung chiếc áo bạt xuống đất, dang tay tát
anh một cái nảy lửa, rồi òa khóc, bỏ chạy.
Đại đội trưởng đứng sững sờ nhìn theo cô, lòng trở nên rối bời, lo lắng.
2
Phải tới hơn mười một giờ đêm, đại đội trưởng Lê Sỹ Quý mới về đến nhà. Đèn vẫn còn sáng, tuy đã được vặn nhỏ xuống. Qua ánh
sáng yếu ớt, anh nhìn thấy Thắng ngồi thu lu trên chiếc ghế tựa, chờ anh. So với ngày anh đi, nó có vẻ cao hơn, nhưng gầy hơn. Có thể
Thắng nhận được tin anh về, nên đã cuốc bộ suốt hai mươi cây số từ trường cấp ba Hoa Lư, ở tận Ngô Đồng, về thăm anh.
Đại đội trưởng vừa bước lên vỉa hè, Thắng đã đứng vụt dậy, bước ra đón anh. Nó nhìn anh với vẻ thân thương, trìu mến.
- Anh tiễn khách gì mà lâu thế? Em chờ gần hai tiếng đồng hồ! Thắng nói với vẻ không bằng lòng.
- Tiễn khách thì nhanh, nhưng tao cứ tha thẩn một mình ở ngoài đê ấy. Không hiểu vì sao tối nay tao thấy buồn nẫu ruột.
- Trời rét thế này mà anh vẫn lang thang ở ngoài đê, em chịu anh đấy! - Ngừng một lát, Thắng nói tiếp - Mẹ bảo, anh về phép kỳ này
rồi đi Nam, phải không?
- ừ, mà sao?
- Em biết ngay mà... Và mẹ cũng đốc anh cưới vợ chứ?
- Thì các cụ cứ đốc luôn miệng.
- Nhưng ý anh thế nào?
- Mày để tao ngồi xuống ghế đã chứ? - Đại đội trưởng trách cứ.
- Xin lỗi anh, em thật đoảng quá.
Cả hai người cùng ngồi xuống ghế, đối diện nhau. Sau khi uống một hớp nước, đại đội trưởng khẽ trút một tiếng thở dài:
- Về việc xây dựng gia đình, tao thấy lúng túng quá. Cũng có khi phải nghe lời các cụ thôi..
- Nhưng... Với ai?
- Chậc... Đại đội trưởng ấp úng.
- Với người anh vừa tiễn chân ấy à?
- Thì sao? Em thấy có nên không?
Thắng im lặng nhìn xuống đất. Một lát sau, nó ngửng lên nhìn anh. Dường như nó đã nhận ra được phần nào ý định buông xuôi cuộc
đời của anh.
- Nếu ở vào cương vị anh, thì em sẽ không cưới vợ!
Đại đội trưởng chờ đợi ở Thắng câu trả lời khác với nội dung ấy. Anh cảm thấy băn khoăn trước sự việc vừa xảy ra với Xuyến ở ngoài
đê.
Thắng đứng dậy, rón rén bước vào sát cửa buồng, xem mẹ còn thức không. Biết được bà đã ngủ say, nó quay trở lại, ngồi sát bên anh,
nói nhỏ:
- Em chẳng có ý định cản trở chuyện riêng tư của anh, nhưng em nghĩ anh không nên cưới vợ vào lúc này. Dục tốc bất thành. Anh cứ
nhìn cuộc đời của mẹ và bà bác trưởng họ xem...
Đại đội trưởng thở sâu. Anh cảm thấy băn khoăn trước câu nói của Thắng. Cái thằng, tuy nhỏ tuổi mà đã nhìn xa trông rộng. Còn anh,
xem ra lại chẳng có tính quyết đoán một chút nào.
- Chuyện riêng của anh thì chỉ có anh mới quyết định được. Các cụ bao giờ cũng muốn con cái nghe theo mình và muốn nhìn thấy
những kết quả ngay tức thì. Về mặt này các cụ nhà mình chẳng rút ra được điều gì từ ngay cuộc đời mình.
- Có lẽ mày đúng! - Sau một hồi suy nghĩ, anh nói.
Kể từ cái đêm hôm ấy, đại đại đội trưởng luôn tìm mọi cách thoái thác chuyện lập gia đình. Dĩ nhiên là mẹ anh và bà con họ hàng rất
buồn, nhưng họ đều phải chấp nhận quyết định của anh. Nghe tin ấy, tất cả các cô gái trong làng anh đều cảm thấy sung sướng. Đơn
giản là họ không muốn ai nẫng mất anh trung úy đẹp trai vào lúc này.
Cũng từ bữa ấy, đại đội trưởng không gặp lại Xuyến nữa, cho đến sát cái ngày anh lên đường, cô mới ghé thăm anh. Hình như cô vẫn
còn giận anh, sau cái đêm hôm ấy.
- Xuyến uống nước đi. - Đại đội trưởng rót nước ra ly, bưng mời Xuyến. Cô đỡ lấy li nước, nhưng lại đặt xuống bàn, không nói không
rằng. Thỉnh thoảng, cô lại đưa mắt nhìn anh. Cái nhìn của cô vừa xót xa, ân hận và cũng đầy oán trách.
- Xuyến buồn tôi lắm phải không? - Đại đội trưởng băn khoăn hỏi.
Xuyến lắc đầu, mắt nhòa lệ. Đại dội trưởng nắm lấy bàn tay cô, vẻ ân hận:
- Đừng trách tôi, Xuyến. Thực lòng, lúc đầu tôi cũng có ý định là sẽ cưới vợ trong đợt về phép này và người tôi định ngỏ lời cầu hôn
chính là em. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi thấy việc ấy chẳng đi đến đâu, khi nhìn thấy cuộc đời của chính mẹ tôi. Chiến tranh thì càng
ngày càng trở nên ác liệt. Sinh mạng con người thật mỏng manh trước đạn bom. Tôi cảm thấy không đành lòng, nếu ràng buộc cuộc
đời với em, để rồi lại đẩy em vào cái vòng luẩn quẩn như mẹ tôi đang sống. Vì lẽ đó mà quan hệ giữa chúng ta không thể tiến triển hơn
được. Tôi thành thật xin lỗi em...
- Anh chẳng có lỗi gì cả. - Xuyến lau nước mắt, nói - Là con trai, anh có quyền như thế. Và em cũng không dám đòi hỏi những gì hơn
ở anh. Có thể một lúc nào đó, nghĩ lại những gì xảy ra vào buổi tối hôm rồi, anh sẽ coi thường em, vì em là một đứa con gái mất nết,
sống buông thả. Em bị anh đối xử như thế là đáng đời. Em cũng xin lỗi anh vì đã có những hành động xúc phạm đến anh.
- Xuyến, em đừng tự dằn vặt mình nữa. Em chẳng hề có lỗi trong chuyện này.
Sau lời an ủi của đại đội trưởng, hai người chẳng nói thêm một điều gì nữa. Cả Xuyến và cả anh đều cảm thấy không khí thật ảm đạm,
nặng nề.
- Ngày mai, anh đi rồi phải không, anh Quý? - Sau cùng, Xuyến phá vỡ sự bế tắc.
- ừ, - Đại đội trưởng gật đầu - Tôi đi lúc tám giờ.
Xuyến thở dài, nhìn anh bứt rứt:
- Lúc đó thì em lại chẳng còn ở nhà để tiễn anh đi nữa. Ngay sau khi ngồi đây với anh, ra về, em phải gánh dong đi chợ Già bán.
Không được tiễn anh đi, em rất buồn.
Đại đội trưởng nhìn Xuyến, lòng se lại. Một lần nữa, anh lại cầm lấy tay cô, an ủi:
- Đừng buồn, Xuyến ạ. Em là một cô bé đã để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu. Có thể nói là người dễ mến nhất mà tôi được gặp từ
trước đến giờ.
Xuyến vẫn ngồi im không nói. Sau một hồi đắn đo, cô quyết định thổ lộ với anh những điều đang đè nặng trong lòng, những điều mà
theo cô, anh cần phải được nghe trước lúc ra đi.
- Thật lòng, em rất yêu anh, anh Quý ạ! Em rất muốn được làm vợ anh. Nhưng đến giờ thì em nhận ra ý nghĩ của mình thật hão
huyền...
- Xuyến, em đừng nói nữa. Tôi không muốn nghe những lời như thế! - Bằng một cử chỉ âu yếm, đại đội trưởng bịt miệng cô lại - Im
ngay!
Xuyến nhẹ nhàng gỡ tay anh ra, rồi giữ rịt lấy. Sau cùng, cô đứng dậy, nhưng vẫn không buông tay anh:
- Thôi em về đây! Đi mạnh khỏe, anh Quý nhé! Đừng quên em.. Giọng cô trở nên lạc đi - Nếu sau này trở về, anh không chê, thì đến
với em...
- Không, tôi không bao giờ có thể quên được em! - Đại đội trưởng nói như rên rỉ.
- Anh có thể đưa em về được không?
- Tất nhiên, Xuyến ạ! Anh sẽ đưa em đi!
Đại đội trưởng lấy đèn pin đưa cô về. Trời vẫn rét. Ra khỏi làng, gió thổi càng mạnh hơn. Xuyến nép vào người anh cho đỡ lạnh. Hai
người đi tới đoạn đê lần trước chia tay nhau, Xuyến đứng lại.
- Thôi, anh về đi. Cảm ơn anh! - Cô nói, rồi buông tay anh ra, quay người, bước vội.
Đại đội trưởng đứng nhìn theo cho tới khi bóng Xuyến chìm hẳn trong màn đêm buốt giá.
3
Đại đội trưởng đã kể cho Bảy Tâm nghe tất cả mọi chuyện diễn ra trong lần đi phép cuối cùng của mình. Anh kể bằng một nỗi buồn
chân thành, thống thiết. Câu chuyện của anh làm Bảy Tâm mủi lòng. Cô cảm thấy như mình phạm vào một lỗi lầm nào đó thật đáng
trách, vì đã yêu anh. Lẽ ra, cô không nên hỏi anh câu chuyện vừa rồi. Đúng là không nên. Cô chỉ cần biết là anh đã yêu cô, yêu thật
lòng, thế là đủ. Còn quá khứ của anh xảy ra như thế nào, cô không cần phải biết, không nên biết. Thế mà, ma quỷ xui khiến thế nào,
cô lại đi hỏi chuyện anh. Và cũng tại anh nữa. Tại sao, anh không biết nói dối cô? Giá như anh cứ nói là anh chưa từng yêu ai, ngoại
trừ cô, như thế sẽ an ủi cô biết bao nhiêu. Đằng này, cô lại muốn biết sự thật và cô đã được nghe nó, để rồi lại dằn vặt, lại tự vấn lương
tâm về sự sai, đúng trong quan hệ yêu đương của mình.
Đại đội trưởng băn khoăn bởi dáng vẻ trầm mặc của người yêu. Anh nhận ra là mình đã thật thà một cách đần độn. Không phải ai cũng
có thể dung nạp được hết sự thật, mặc dù rất khao khát nó. Chén nước đã đổ xuống đất rồi, làm sao có thể hốt lại được nữa. Điều anh
cảm thấy yên lòng là đã rất thành thật với Bảy Tâm. Anh tôn trọng cô và tôn trọng tình yêu của anh.
- Anh đã làm em buồn phải không, em yêu? - Đại đội trưởng hỏi.
- Đúng là em cũng hơi buồn, anh thân yêu ạ! - Bảy Tâm sẽ sàng, nói - Nhưng em cảm ơn anh vì đã không nói dối em. Chính điều này
làm cho em sung sướng... Đại đội trưởng yêu quý của em, - Bảy Tâm ngả đầu vào vai anh, giọng cô trở nên ấm áp - Khi đã yêu anh, có
nghĩa là em chấp nhận tất cả: quá khứ, hiện tại và cả tương lai của anh. Thậm chí, em chấp nhận cả cái đáng nguyền rủa nhất là chiến
tranh bắt chúng ta phải chia lìa. Điều làm em sợ nhất là anh không thật lòng yêu em. Nhưng chỉ cần nhìn vào mắt anh là em không còn
sợ nữa.
Đại đội trưởng kéo người yêu ngồi vào sát bên mình. Những ngón tay chai sạn của anh vuốt nhẹ lên mái tóc ướt mèm sương đêm của
cô. Anh thấy lòng mình trở nên thanh thản, hạnh phúc. Tình yêu của cô đã làm cho anh nguôi dần những nỗi đau, vất vả sau những
tháng năm chiến đấu đằng đ1/2ng. Anh thầm cảm ơn số phận đã đem tình yêu của cô đến với anh trong những tháng ngày này.
- Những điều em vừa nói làm anh thật sung sướng, thương mến ạ! - Đại đội trưởng chỉ nói được có thế.
Bảy Tâm đan chặt bàn tay mình vào tay anh. Mắt cô trở nên mơ màng như đang nhìn vào một nơi nào đó thật xa xăm.
- Anh Quý à, - Bảy Tâm thỏ thẻ - Kể từ bữa gặp anh, đêm nào em cũng mơ thấy anh. Có bữa, em thấy anh đi tìm em trong một cánh
rừng nào đó xa lạ lắm. Em đã cất tiếng gọi anh, nhưng anh lại không nghe thấy. Em gọi anh đến khản cả tiếng mà anh vẫn cứ đi. Anh
đi như một kẻ mộng du. Đi lang thang như gió. Bực quá, em òa khóc. Đúng lúc đó, em tỉnh dậy. Xung quanh em vẫn là cánh rừng
tràm chết và tiếng bom pháo nổ rầm rầm ở phía xa. Suốt từ đó tới sáng, em không ngủ lại được nữa. Tâm hồn em trở nên trống rỗng,
xác xơ. Những lúc như thế, em chỉ cầu mong mình ngủ được một giấc thật sâu, thật dài, để rồi khi tỉnh dậy, chiến tranh đã chấm dứt và
người nằm bên em vẫn là anh... Nói rồi, Bảy Tâm quay lại, nhìn thẳng vào mắt anh. Cái nhìn của cô ánh lên niềm khao khát - Anh yêu,
anh có mong muốn như thế không? Có mơ ước giống như em không?
Đại đội trưởng mỉm cười, khẽ gật đầu:
- Có, Bảy Tâm ạ! - Anh nói - Trong giấc ngủ của mình, anh cũng thường mơ thấy em. Có điều giấc mơ của anh không được đẹp như
thế. Mấy năm qua, đánh nhau, anh đã từng nhìn thấy nhiều máu, vậy mà lúc mơ vẫn chỉ thấy máu, thấy chết chóc. Mới hôm rồi, anh
mơ thấy mình bị địch bắn, chết trôi trên sông đầy máu. Rồi thì anh nhìn thấy em mặc đồ tang, dắt theo một đứa trẻ bước lẫm chẫm. Em
kêu hồn anh lên nhận mặt con. Anh nghe rất rõ tiếng em, nhưng không sao bơi tới được. Dòng nước triều cứ cuốn anh đi. Nhưng anh
cũng đã nhìn thấy con. Nó rất giống anh. Giống lắm. Rồi thì anh cũng khóc. Anh khóc vì sung sướng!
- Chẳng lẽ anh cũng mơ thấy vậy sao, anh Quý? người mơ ta bảo mơ thấy máu là xui lắm đó!
- Sinh dữ, tử lành! Các cụ đã nói như thế. Giấc mơ của anh là dự báo của điều lành, tiếng sấm lành, em ạ!
- Anh cũng tin vậy sao?
- ở đời, có những niềm tin hay vận vào người, em ạ. Dường như nó có cái gì đó huyền bí, thật khó lý giải.
- Có thể em chưa đủ kinh nghiệm sống để có thể tin được như anh, nhưng nhất định em sẽ sinh cho anh một đứa con trai. Thề có trời
chứng dám, không ai có thể ngăn cản được em thực hiện ý định ấy. Anh thân yêu của em, có điều, chưa phải lúc này.
- Cảm ơn em! Anh rất cảm ơn em! - Đại đội trưởng nói, rồi nhẹ nhàng hôn lên cặp môi hé mở của người yêu. Bảy Tâm đu người lên cổ
anh, đón nhận nụ hôn nồng cháy ấy. Hai người hôn nhau thật lâu. Hôn như thể sau đó, họ không còn có điều kiện nào để hôn nhau
được nữa.
Một tiếng chim thảng thốt, đột ngột rơi giữa trời đêm, làm cho đại đội trưởng sực tỉnh. Anh nói với Bảy Tâm:
- Em yêu, hãy chợp mắt lấy một chút, em ạ. Trời sắp sáng rồi!
Bảy Tâm lắc đầu, mơ màng:
- Em chẳng buồn ngủ một chút xíu nào, anh thân yêu ạ! Em chỉ mong được thức mãi như thế này bên cạnh anh.
4
Hôm ấy là một ngày thật yên bình. Suốt cả buổi sáng, hầu như không có tiếng đạn bom. Đã lâu lắm rồi, đại đội trưởng mới thấy một
buổi sáng yên lành như thế. Bầu trời cứ trong leo lẻo. Rừng tràm nở trắng hoa. Thỉnh thoảng lại có một đàn hạc trắng chừng vài chục
con bay tắt qua rừng về phía biển. Đại đội trưởng bỗng giật mình khi nhận ra rằng mùa xuân đã đến. Nó đến theo sự điều khiển bí hiểm
của tạo hóa muôn đời.
Là một người không hiểu biết nhiều về dịch lý, nhưng đại đội trưởng nhận thấy sự hiện diện của sao Thái Dương Quan Hỏa đã điều
khiển cho đất trời trong trẻo, vạn vật nảy nở, giao hòa. Sự chuyển vận của thiên khí đã đánh thức, làm bật dậy những khả năng thần bí
trong từng con người và làm nảy lộc những chồi cây.
Thế nhưng đại đội trưởng vẫn cảm thấy sự thanh bình ấy có một cái gì đó thật mong manh, không bền vững. Nó giống như sự giả tạo,
vay mượn, không có thật giữa những năm tháng chiến tranh này.
Đại đội trưởng đăm chiêu nhìn ngắm Bảy Tâm đang ngồi giặt giũ bên giếng. Cô xắn áo lên quá khuỷu tay, tóc kẹp ngược, để lộ ra
chiếc cổ cao trắng ngần, quyến rũ. Vẻ mặt cô hây hây, sống động lạ thường. Tình yêu đã làm cho dung nhan của cô thay đổi không
ngờ. Nó làm cho ánh mắt cô thêm long lanh, lộng lẫy... Đại đội trưởng cảm thấy thật đau lòng nếu như, một trong hai người, anh hoặc
cô, phải từ giã cuộc đời này vì chiến tranh thảm khốc. Cách đây hơn một năm, tại cùng Tam Giác Sắt, đại đội trưởng đã từng nhìn thấy
không dưới một chục cô gái, thuộc liên đội Năm - Thanh niên xung phong, tuổi đời hơn hớn như Bảy Tâm, đang vui đùa sau một ngày
tải đạn vất vả, thì bom rơi xuống... Hàng chục sinh mạng bị bom tốc hết cả quần áo, nằm chồng lên nhau, quằn quại, tan nát. Họ chết
mà mắt vẫn mở to, ngơ ngác nhìn trời... Đại đội trưởng không bao giờ có thể quên được trận tập kích hóa học của địch vào Lò Chén,
Bình Dương, đã xóa sạch một đơn vị phối thuộc với các anh. Nỗi đau ấy đã làm anh ngơ ngác cả tháng trời.
Đại đội trưởng cắn môi, ngửa mặt nhìn lên trời, lòng quặn thắt. Nếu như anh không thể tránh khỏi những đường đạn của số phận, thì
anh cũng chỉ cầu xin đấng thiêng liêng cho Bảy Tâm được sống. Nếu như một người có cuộc đời như cô mà phải chết, thì trái đất
chẳng nên có làm gì.
- Ơ, cha này, đang yêu, làm sao mặt mày trông như thằng chết trôi ấy thế? - Ba Trần đang huýt sáo, nhìn thấy vẻ mặt thất thần của đại
đội trưởng, trố mắt kinh ngạc, hỏi.
- Ông vừa đi đâu về mà có vẻ phởn chí thế?
- Nhìn lớp trẻ yêu nhau, tôi bỗng thấy chạnh lòng, tản bộ một chút cho đỡ tủi. - Ba Trần nói với vẻ tưng tửng, rồi tháo dép ngồi xuống,
đối diện với đại đội trưởng - Đồng chí xã đội phó yêu quý của chúng ta đầu rồi?
- Vừa mới thấy giặt đồ ở đâu đó!
Ba Trần đủng đỉnh:
- Mới bữa nào, con nhỏ còn héo quắt như mèo ốm, vậy mà bữa nay, trông xoan ra phết. Cả nhỏ Thi cũng vậy. Các cụ nói cấm có sai.
Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó.
- Ông chỉ được cái nói năng phũ phàng! Đại đội trưởng nói rồi vươn tay đấm vào vai bạn.
- Lời nói thật thường không đẹp, đúng không? - Ba Trần nói xong, cười lớn.
Hai người đang nói chuyện vui thì Bảy Tâm từ trong nhà tắm bước ra. Cô vận bộ đồ đen đã cũ, cổ áo hình trái tim, được may rất vừa
vặn. Trông thấy Ba Trần, cô khẽ nhoẻn miệng cười, gật đầu chào.
- Hai anh vừa nói lén gì em đấy? - Cô hỏi, trong lúc đang chải tóc.
- Tôi vừa tặng gã đại dội trưởng yêu quý của em một câu ca dao rất tuyệt - Ba Trần nói.
- Ca dao? - Bảy Tâm trố mắt hỏi lại - Anh Ba đọc cho em nghe đi!
Sau một thoáng lưỡng lự, Ba Trần đọc thật to:
- Cầm vàng còn sợ vàng rơi, lấy được cô Bảy, đời đời ấm no!
- Cái anh này! - Cô nói, mặt đỏ rựng lên - Mấy anh chỉ nhạo em không hà.
Ba Trần sung sướng, cười ngất. Bảy Tâm bẽn lẽn cười theo. Cô vấn lại chiếc khăn rằn trên đầu, quay về phía người yêu, hỏi:
- Anh ơi! Anh xem giúp em mấy giờ rồi?
- Mới có tám giờ thôi, em ạ! - Đại đội trưởng vén tay áo, xem đồng hồ, rồi nói - Có gì không, em?
- Theo hợp đồng thì vào khoảng bảy giờ sáng nay, anh Ba Thạnh, cán bộ kinh tài xã, phải có mặt tại đây. Vậy mà, tới giờ này ảnh vẫn
chưa về, em lo lắm!
- Trời ơi! - Ba Trần kêu lên - Tưởng chuyện gì chớ chuyện ấy, hơi sức đâu mà lo. Thời buổi chiến tranh, hẹn hò làm sao mà đúng giờ
được?
- Em cũng biết thế, nhưng không hiểu tại sao em thấy bồn chồn trong người lắm! Chỉ sợ rằng ảnh có chuyện gì...
Thế nhưng Ba Thạnh đã không về. Bảy Tâm và Năm Thi đã chờ anh hết ngày hôm ấy, rồi đến ngày hôm sau nữa, vẫn bặt tăm hơi.
- Anh Ba không về, mình tính sao đây, chị Bảy? - Năm Thi lo lắng hỏi.
Bảy Tâm cắn đuôi tóc, im lặng. Cô nhận thấy tình hình thật trớ trêu. Ngay từ lúc Ba Thạnh tình nguyện xin về Gò Quao, gặp chú Tư
Mới, để xin một ít thủy lôi, cô đã cảm thấy không thật yên lòng. Lúc đó, cô đã định không cử anh đi nữa, nhưng anh cứ nằng nặc, nhất
quyết xin đi, làm cô phải mềm lòng. Cô tự dằn vặt, oán trách mình là tại sao không có can đảm hơn, để giữ anh ở lại? Cô biết đánh giặc
trong lúc này là rất cần thiết, nhưng phát triển và giữ gìn lực lượng cũng cần thiết không kém. Không có lực lượng thì làm sao đánh
được quân thù?
Mới ngày nào đây thôi, khi xã đội còn đông đủ, cô đã dẫn tiểu đội nữ bao vây, bắn tỉa, bức hàng cả một trung đội bảo an của địch ở ấp
xóm Mới - Khuya về, các cô sung sướng chuyện trò, bày vẽ ăn uống suốt đêm. Rồi thì Tết Mậu Thân đến, cô dẫn đầu cả đoàn xuồng
trên ba chục chiếc của xã lên tận Tú Mía - Lục Sơn chở hàng cho Quân khu đánh địch. Xuồng từ các nơi tập trung về Ba Hồ chật ních
cả dòng kênh... Tiếng cười con gái ríu ran tỏa trong rừng tràm, bay xa cả hàng cây số. Vùng giải phóng rộng thênh thang. Bộ đội, dân
công gặp nhau trên đường hành quân, hát hò ầm ĩ. Tiếng máy đuôi tôm nổ ròn rã, át cả tiếng người. Vậy mà bây giờ vắng hoe, vắng
ngắt. Đi đâu cũng chỉ thấy đồn bót của quân thù.
Chiến tranh đã đốn ngã đồng đội của cô từng người một. Mười mấy anh chị em bây giờ chỉ còn có hai. Nghĩ đến nỗi đau này, Bảy Tâm
lại không dằn lòng nổi. Cô bật khóc làm cho Năm Thi cũng bật khóc theo.
- Tình hình này, tụi mình phải trở về bám xã thôi, Năm à! - Sau cùng, Bảy Tâm lau nước mắt, nói - Còn một người cũng đánh. Biết chết
cũng đánh. Cứ thế này, đến ngày chiến thắng, biết ăn nói làm sao?
Năm Thi hỉ mũi, rồi hỏi:
- Chị tính, chừng nào về?
- Ráng chờ thêm một ngày nữa, Năm ạ. Lúc nào mấy anh trinh sát nhận vũ khí về, chuẩn vị rút đi, tụi mình cũng đi luôn.
- Chuyện của chị với anh Quý ra sao rồi? ảnh đã nói gì với chị chưa?
Bảy Tâm ấp úng:
- Rồi, Năm ạ! Nói rồi... ảnh rất yêu tôi và tôi cũng yêu ảnh.
- Về xã rồi, làm sao chị gặp ảnh được nữa?
- Biết làm sao được? Chiến tranh là thế! Tơ duyên do trời.
Năm Thi buồn bã, bẻ ngón tay, rồi nói:
- Bữa sáng hôm rồi, anh Phan Lâm đã ướm hỏi em là sau này hòa bình, có dám theo ảnh về làm dâu ngoài Bắc không? Em bảo dám.
Thế là mặt mũi ảnh đỏ lên, chân tay cứ run bần bật. Hình như em cũng đã thương ảnh...
Bảy Tâm nắm lấy tay bạn, an ủi. Cô nhận thấy tình yêu thời chiến tranh mới khổ sở và tội nghiệp làm sao.
Hai người chờ tiếp đến ngày thứ ba, khi các chiến sĩ trinh sát đi nhận vũ khí ở kho 14 trở lại căn cứ, Bảy Tâm quyết định về xã.
Ngay sau bữa cơm trưa ăn chung với bộ đội, Bảy Tâm nói với Năm Thi chuẩn bị đồ đạc, s1/2n sàng ra đi. Sau đó, cô lên gặp đại đội
trưởng để chia tay. Vừa bước tới căn hầm chỉ huy, cô bỗng thụt người lại khi nhìn thấy anh đang ngồi trước tấm bản đồ, miệng cắn bút
chì, suy nghĩ căng thẳng. Thoáng thấy bóng cô, đại đội trưởng vẫy tay, kêu cô lại, sửng sốt hỏi:
- Ơ kìa, em chuẩn bị đi đâu mà nai nịt chỉnh tề thế?
Cực chẳng đã, Bảy Tâm buộc lòng bước tới, dè dặt báo với anh về quyết định của mình.
- Khoan đã. Em chưa thể về xã vào ngày hôm nay được! - Đại đội trưởng nói - Bọn anh vừa họp bàn công việc, có chuyện gấp, muốn
nhờ tới tụi em.
- Mấy anh nhờ tụi em? - Cô trố mắt hỏi.
- Đúng thế! Lại gần đây, ngồi xuống đi! - Đại đội trưởng ôn tồn - Bọn anh muốn nhờ hai em giúp vận chuyển một ít vũ khí về kinh Bà
Đầm, em thấy sao?
Sau vài giây suy nghĩ, Bảy Tâm nói:
- Mấy anh đã từng giúp tụi em rồi, tại sao tụi em lại không?
- Ôi, thế thì tuyệt lắm! - Đại đội trưởng vỗ tay - Cảm ơn em!
- Nhưng, chừng nào tiến hành, anh?
- Sáng ngày mai, em thân yêu ạ! Đúng bảy giờ!
- Em đồng ý! - Bảy Tâm ngước mắt nhìn người yêu, trả lời.
Đại đội trưởng xoay chiếc bút chì trong tay, vẻ mặt trịnh trọng:
- Bảy à, trong buổi họp vừa rồi, anh đã chính thức báo với đại đội về mối quan hệ của chúng ta và được mọi người ủng hộ. Lẽ ra, anh
phải nói trước với em, nhưng anh nghĩ chắc chắn em cũng đồng ý với anh, phải vậy không?
Mặc dù luôn mong đợi tin này, nhưng khi nghe anh nói, Bảy Tâm vẫn cảm thấy đột ngột. Anh làm việc đó thật đúng lúc. Nó không chỉ
khẳng định sự trong sáng trong tình yêu giữa anh và cô, mà còn tránh được sự đàm tiếu, nếu có. Nó buộc tất cả mọi người phải thừa
nhận và tôn trọng mối tình của họ. Đây cũng là một sự kiện trọng đại, là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời con gái của cô. Sự kiện này
đã làm cô xúc động đến trào nước mắt.
- Cảm ơn anh! - Bảy Tâm nói sẽ sàng, rồi hôn nhẹ lên đôi môi của anh.
Vào đúng lúc ấy, cả cô và anh đâu có biết rằng, tại Cần Thơ, tư lệnh quân khu IV của địch, đã đặt bút ký vào tấm bản đồ tác chiến, ra
lệnh cho các đơn vị trên chiến trường Miền Tây tiến hành cuộc càn "Nhổ cỏ U Minh" lần thứ II.