Dịch giả: Võ Đình Cường
Bữa ăn trưa

     ôi gặp lại bà ta trong một buổi đi xem diễn kịch. Bà đưa tay ngoắc tôi và tôi đến ngồi bên cạnh bà trong giờ nghỉ diễn xuất giữa hai màn. Đã lâu lắm, tôi mới gặp lại bà, và nếu không ai nhắc cho tôi nhớ tên, chắc tôi không nhận ra bà ta. Bà nói với tôi thật lưu loát:
- Đã bao năm rồi chúng ta mới lại gặp nhau. Thời gian vun vút như tên bay. Chẳng mấy chốc mà cả hai chúng ta đều chẳng ai còn trẻ nữa. Ông bạn còn nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau không? Lần ông mời tôi ăn trưa ấy mà.
Làm sao tôi quên được nhỉ? Cách đây hai mươi năm, hồi ấy tôi còn ở Paris. Tôi có một căn gác xép ở xóm Latin, nhìn xuống một nghĩa trang, và lương tháng của tôi chỉ vừa đủ để sống qua ngày. Bà ta đọc một quyển sách của tôi mới vừa xuất bản, và viết thư cho tôi nói về quyển sách ấy. Tôi trả lời để cám ơn bà, và lại nhận của bà một cái thư nữa, báo tin hiện bà đang ghé lại Paris và mong muốn được gặp tôi để trao đổi một vài ý kiến, nhưng thì giờ của bà không được rộng rãi, nên bà chỉ rảnh vào ngày thứ năm; buổi sáng ngày ấy bà dự định đi viếng Luxembourg và hy vọng sau đó tôi sẽ mời bà ăn một bữa cơm đạm bạc tại khách sạn Foyot. Foyot là một khách sạn mà các Thượng nghị sĩ Pháp thường đến ăn, và quá sang trọng đối với túi tiền của tôi, nên chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện ăn tại đó. Nhưng tôi đang được bốc thơm và còn quá trẻ để biết nói tiếng “không” với một người đàn bà. (Tôi có thể thêm: ít người đàn ông biết nói tiếng ấy, trừ khi họ đã quá già, nhưng khi ấy thì dù có nói gì với đàn bà cũng chẳng còn quan hệ gì nữa). Tôi còn được tám mươi phật-lăng (tiền vàng) để chi tiêu cho đến hết tháng, và một bữa ăn trưa sơ sài có lẽ không quá mười lăm phật-lăng. Nên tôi cúp bớt món cà phê trong hai tuần, tôi có thể điều chỉnh được các món chi tiêu khác cho đến cuối tháng.
Tôi biên thư cho bà biết là tôi có thể gặp bà tại khách sạn Foyot vào lúc 12 giờ rưởi ngày thứ năm. Bà ta không trẻ trung như tôi hy vọng và có cái hình dáng đồ sộ hơn là quyến rũ. Bà vào trạc tứ tuần (một cái tuổi đẹp, nhưng không gây được sự đam mê đột ngột và tai hại khi mới gặp lần đầu tiên), bà cho tôi cái ấn tượng là bà có nhiều răng hơn người thường (những chiếc răng thực trắng, lớn và đều đặn). Bà nói chuyện như sanh như sứa, nhưng bởi vì bà đem tôi ra làm đề tài nên tôi sẵn lòng nghe bà nói một cách chăm chỉ.
Tôi hoảng hồn khi đọc thấy giá tiền các món ăn trên tấm thực đơn, vì nó quá cao, so với dự tính của tôi. Nhưng bà ta làm cho tôi vững tâm với câu nói:
- Tôi chẳng bao giờ ăn gì nhiều trong bữa ăn trưa.
- Ồ, bà đừng nói thế! - Tôi trả lời, tỏ ra rất hào phóng.
- Tôi không bao giờ ăn quá một món ăn. Tôi thấy ngày nay người ta ăn uống quá nhiều. Cho tôi một con cá nhỏ thôi. Không biết ở đây họ có cá hồi không.
Tốt! Mùa cá hồi chưa đến và món ấy không thấy có ghi trong bản thực đơn. Nhưng tôi cũng cứ hỏi người bồi bàn xem sao. Trời! Có. Người ta mới đem đến một con rất béo. Đây là con cá hồi đầu mùa mới câu được. Tôi bảo nhà hàng làm cá dọn ngay cho bà khách của tôi. Người bồi hỏi bà muốn dùng gì trong khi đợi món cá.
- Không! - Bà trả lời - Tôi không bao giờ dùng quá một món ăn. Nhưng nếu có ca-vi-a [1] anh lấy cho tôi một lọ nhỏ. Có thì tốt, không thì thôi, không quan trọng.
Tim tôi như muốn rụng. Tôi biết món ca-vi-a đắc lắm, tôi không kham nổi, nhưng tôi không thể nói như thế với bà ta. Tôi bảo người bồi phải tìm cho có cho bà. Ve phan tôi, tôi lựa trên tấm thực đơn một món rẻ tiền nhất, đó là món sườn trừu.
- Tôi cho ăn thịt là không khôn ngoan tí nào cả - Bà nói - Tôi không hiểu làm sao ông có thể làm việc được sau khi ăn những thức ăn nặng nề như thịt trừu. Tôi không tin ăn thực no là tốt.
Bây giờ đến vấn đề uống. Bà nói:
- Tôi không bao giờ uống rượu trong bữa ăn trưa.
Tôi chụp lấy cơ hội, nói ngay:
- Tôi cũng vậy.
-... trừ rượu chát trắng - Bà ta nói tiếp như không nghe câu nói của tôi - Rượu chát trắng của Pháp thực tuyệt cho sự tiêu hóa.
- Bà thích dùng loại nào? - Tôi hỏi, vẫn với vẻ hiếu khách, nhưng không vồn vã lắm.
Bà nhe răng trắng cười thân thiện với tôi:
- Bác sĩ của tôi không cho uống gì khác ngoài sâm banh.
Tôi chắc mặt tôi lúc ấy hơi tái, nhưng tôi vẫn gọi bồi đem ra nữa chai sâm banh. Tôi cho bà biết bác sĩ cấm tuyệt tôi uống sâm banh.
- Vậy ông uống gì nào?
- Nước trắng thôi.
Bà ta ăn ca-vi-a; rồi lại ăn cá hồi. Bà vui vẻ bàn về nghệ thnật, về văn chương và âm nhạc. Trong khi ấy, đầu óc tôi cứ loay hoay tự hỏi không biết cái hóa đơn lên đến bao nhiêu tiền rồi. Khi món sườn trừu đem lên cho tôi, bà ta bảo một cách tỉnh bơ đưa cho bà nếm thử với.
- Tôi thấy ông có thói quen ăn no bữa trưa. Tôi cho như vậy là không hợp vệ sinh. Tại sao ông không theo gương tôi, chỉ ăn một món thôi? Tôi cam đoan là ông sẽ cảm thấy khỏe khoắn lắm.
- Tôi đang bắt đầu tập ăn một món đây. - Tôi trả lời trong khi người bồi bàn lại đem tấm thực đơn đến.
Với cái cử chỉ rất kiểu cách, bà xua tay bảo anh ta đứng xê ra một bên, nói:
- Thôi! Thôi! Tôi ăn trưa ít ỏi lắm. Tôi không bao giờ ăn nhiều hơn thế này. Vả lại, tôi ăn để có dịp nói chuyện mà thôi. Tôi không thể ăn gì thêm được nữa, ngoại trừ nếu ở đây có loại măng tây thứ lớn. Sẽ đáng tiếc lắm, nếu tôi rời Paris mà không được nếm thứ măng ấy.
Tim tôi rụng mất rồi! Tôi có thấy loại măng ấy trong các tiệm bán thực phẩm và tôi biết nó đắc kinh khủng. Cho nên đã bao lần, tôi đành nhìn nó mà nuốt nước bọt thôi.
- Bà bạn tôi muốn biết ở đây có măng tây thứ bự không?
Tôi hỏi người bồi bàn và cầu nguyện thánh thần cho anh ta nói không có. Anh ta nở một nụ cười toét ra tận man tai, vẻ mặt hoan hỉ như một vị tu hành đắc đạo, bảo đảm với tôi là nhà hàng có thứ măng tây thức bự, thực mềm, thực ngon lành không đâu bằng. Bà bạn tôi thở ra, như buộc lòng phải nhân nhượng:
- Tôi thấy đủ lắm rồi, nhưng nếu ông nài ép tôi, tôi cũng chìu ông mà ăn thêm mấy cọng.
Tôi bảo anh bồi đem măng cho bà.
- Ông cũng dùng với tôi chứ?
- Xin lỗi bà, tôi không bao giờ ăn măng tây.
- Tôi biết nhiều người không thích nó. Sự thực là vì họ quen ăn nhiều thịt, nên làm hư hết vị giác.
Trong khi ngồi đợi mỏn ăn dọn lên, sự kinh hãi chiếm lấy tôi. Bây giờ không còn là vấn đề tôi sẽ còn lại được bao nhiên sau bữa ăn này để chi tiêu trong tháng, nhưng là vấn đề tôi có đủ tiền để trả bữa ăn không. Tôi sẽ độn thổ, nếu tôi thiếu mất độ mười quan chẳng hạn, buộc lòng phải mượn bà khách quý của tôi. Nhưng tôi sẽ không hạ mình làm như thế đầu. Tôi biết rõ số tiền tôi có trong túi, nên tôi định bụng nếu thấy số tiền trong hóa đơn lớn hơn, tôi sẽ giả vờ thọc tay vào túi và giựt mình kêu lên một tiếng bi thảm, bảo là bị cắp mất ví tiền. Tất nhiên sự bố trí như vậy cũng có phần nguy hiểm trong trường hợp là bà khách cũng không có đủ tiền để trả. Lúc ấy thì chỉ còn có một nước là tôi sẽ gởi tạm chiếc đồng hồ đeo tay lại và về lấy tiền đem đến trả sau.
Món măng tây được mang lên. Những đọt măng thực bụ bẫm, thực ngon lành! Mùi bơ chiên bốc lên, kích thích hai lỗ mũi tôi, như mũi của Jehovah được kích thích bởi mùi cháy khét của da thịt những nữ đồng trinh trong lễ hy sinh tế thần. Tôi nhìn người đàn bà tham ăn tham uống ấy bỏ những miếng măng thực bự vào mồm và nuốt ừng ực một cách khoái trá, còn tôi, với cái điệu bộ rất là nhã nhặn, thanh tao, đang ngồi thuyết trình về vấn đề kịch nghệ ở xứ Balkans.
Rồi! Bà ta đã ăn xong.
- Cà phê nhé? - Tôi đề nghị.
- Vâng, một ly kem và cà phê.
Bây giờ tôi không thèm lo lắng nữa vì đã quá sức rồi. Tôi bảo bồi đem cà phê cho tôi, và kem và cà phê cho bà.
- Ông biết không, có một điều mà tôi cho là rất đúng, - Bà ta nói trong khi ăn kem - là đừng ăn quá no. Làm sao cho mình khi rời khỏi bàn ăn, vẫn có cảm tưởng là mình còn có thể ăn thêm một ít nữa.
- Ủa! Bà còn đói sao? - Tôi vờ hỏi.
- Ồ không, tôi không đói đâu! Ông thấy đấy, tôi đâu có ăn trưa. Buổi sáng, tôi uống một tách cà phê, cho đến tối tôi mới ăn cơm. Bữa trưa tôi không bao giờ ăn quá một món. Tôi nói là nói cho ông đấy chứ!
- Vâng, tôi thấy rõ lắm.
Rồi một sự kinh khủng hiện ra. Trong khi chúng tôi đang đợi cà phê, thì người quản lý, với một nụ cười nịnh trên bộ mặt đóng kịch của anh ta, tiến về phía chúng tôi, tay xách một giỏ những quả lê thực lớn. Chúng có cái màu ửng hồng như gò má cô gái trong trắng ngây thơ, chúng có cái màu sắc đậm đà, giàu có như một bức tranh phong cảnh Ý Đại Lợi. Nhưng mùa lê đâu đã đến kia? Và giá nó đắc đến bao nhiêu, chỉ có trời mới biết được. Nhưng một lát sau đó, tôi cũng biết được, vì bà khách quý của tôi, trong khi đang say sưa trò chuyện, đã vô tình nắm lên một trái.
- Ông bạn thấy chưa. Ông chất đầy bụng những thịt và thịt - Bã muốn nói đến món sườn khốn khổ của tôi - và bây giờ ông không thể ăn gì thêm được nữa. Tôi thì chỉ ăn qua loa, nên bây giờ tôi có thể nếm thêm mùi vị một quả lê nữa.
Hóa đơn đưa đến. Khi trả tiền xong xuôi, tôi nhận thấy không còn đủ tiền để trả một vòng xe. Đôi mắt bà khách nhìn xuống ba phật-lăng tôi để lại cho người bồi bàn, và tôi chắc bà ta tưởng tôi keo kiết lắm. Bà đâu có ngờ khi tôi bước ra khỏi tiệm ăn, trong túi tôi không còn lấy một cắc với cái viễn ảnh còn gần cả một tháng phải chi tiêu.
- Ông bạn nên theo gương tôi, - Bà nói trong khi bắt tay từ giã - đừng bao giờ ăn trưa quá một món.
- Tôi sẽ làm hơn thế nữa kia - Tôi trả lời đốp chát - Tối nay tôi sẽ nhịn ăn luôn.
- Hài hước! Ông bạn thật đúng là con người hài hước!
Bà ta vui vẻ nói lớn trong khi bước lên tắc xi.
Nhưng ít ra tôi cũng đã được trả thù. Tôi không phải là con người hay thù oán, nhưng không lẽ bạn không cho phép tôi được sung sướng mãn nguyện khi nhìn thấy rõ cái hậu quả mà trời đất thánh thần đã trừng phạt bà ta dùm tôi sao? Bà ta bây giờ cân nặng ít ra là 130 kí.
Chú thích:
[1] Trứng cá ướp muối.