Chương 3

Đêm đã khuya. Sương xuống lạnh màu trăng. Hình như có tiếng chân ai dẵm lên những phiến lá khô ngoài sân đình. Tôi nhỏm dậy. Một người vừa bước đến bên thềm hậu liêu.
Tôi ngạc nhiên: "Chị Bạ Có gì gấp mà giờ này ra đây?"
"Cũng có chút việc." Chị nói nhỏ giọng.
"Tôi có thể giúp chị không?" Vừa hỏi, tôi vừa vén tấm mùng, vắt lên nóc.
Chị e dè ngồi xuống mép giường: "Anh có giận tôi không?"
"Giận chuyện gì?"
"Hồi trưa, tôi lỡ lời."
"Không đâu. Chị nói cũng đúng. Tôi hay rà rê với mấy cô ấy."
"Tôi biết anh làm thế, vì buồn."
"Vâng. Tán gẫu cho qua ngày."
"Nhưng anh phải lựa người chứ."
"Có tính chuyện lâu dài đâu mà chọn lựa?"
"Giữa ban ngày, kề vai bá cổ với gái điếm, không sợ người ta cười sao?"
"Cái thân cùng đinh mạt kiếp như tôi, còn sợ ai cười nữa?"
"Thấy chướng quá, tôi có nói nặng lời. Anh buồn không?"
"Tôi buồn, nhưng không phải buồn chị"
Chị ngó tôi, cười cười: "Buồn ai?"
"Buồn vì... buồn. Thế thôi." Tôi ngập ngừng lúng túng. Cảm giác có điều gì bất thường.
"Buồn vì cô đơn hả?" Con mắt chị liếc nhẹ, gợi tình thì thôi.
Dưới ánh trăng khuya nghiêng rọi vào hậu liêu, nét mặt chị Ba có sức quyến rũ lạ lùng. Mùi xà bông chanh trên tóc, mùi đàn bà quyện vào nhau thoang thoảng. Những đêm nằm một mình dười mái hậu liêu, tôi thèm được ôm một người đàn bà. Nhưng, chưa bao giờ tôi nghĩ người ấy là chị Ba.
""Nói đi. Có phải buồn vì cô đơn?" Chị lẵng lơ nhìn tôi, và đưa tay vén mớ tóc giạt qua một bên cổ. Bộ ngực vun đầy của chị phập phồng dưới lớp áo mỏng.
Tôi chống đỡ sự quyến rũ một cách yếu ớt: "Chị Ba ơi..., còn anh Ba Canh."
Nói thế, nhưng hình ảnh Ba Canh đã mờ nhạt trong trí tôi rồi.
Chị nói: "Ảnh đi ra chợ. Anh cũng biết mà."
Hơi hướm từ cổ chị Ba phả vào mũi tôi, cám dỗ. Và tôi cũng nghe rõ cả hơi thở hồi hộp của mình nữa.
Có tiếng dơi kêu chí choé bên kia hàng hiên. Bỗng dưng, tôi cảm tưởng như tất cả những bức tượng ngả nghiêng đóng bụi trong đình, đều chỗi dậy. Quỷ Thần kéo nhau ra hậu liêu, đứng nhìn chị Ba và tôi. Tôi chợt nhớ lại ngày còn bé, đọc chuyện Một Vị Quan Thanh Liêm đời xưa, trong sách Giáo Khoa Thư: Có người mang của hối lộ đến. Vị quan từ chối. Người ấy nói: "Xin quan cứ nhận. Chuyện này không ai biết." Vị quan nói: "Sao lại không? ông biết. Tôi biết. Quỷ Thần Trời Đất biết." Chuyện của Chị Ba và tôi đêm nay, dù anh Ba Canh không biết, nhưng chị Ba biết, tôi biết, và Quỷ Thần Trời Đất biết.
Ngọn đèn lương tâm leo lét sắp tắt rồi. Tôi cố lấy lại bình tĩnh, bước xuống giường, ra đứng ngoài hiên, lơ lãng nhìn trăng.
Tôi gọi, vừa tha thiết, vừa khước từ: "Chị Ba ơi... Về đi. Lỡ có người trông thấy thì... chết."
Chị ngỡ ngàng, ngồi sững lâu lắm. Tội nghiệp chị. Tôi muốn quay lại ôm lấy cái thân thể chín muồi dục vọng, ngả trên mặt giường, âu yếm. Đời có ra sao thì ra.
Bất ngờ chị nói: "Thôi, tôi về. Đã theo tán tỉnh mấy con đĩ, còn lên mặt đạo đức làm cao."
Câu nói như một gáo nước lạnh dội xối vào mặt tôi, bừng tĩnh.
Chị thay đổi nhanh vô cùng. Mặt lạnh băng, vùng vằng bỏ đi. Không biết nghĩ sao, chị dừng lại, ngập ngừng: "Anh hứa không nói với ai?"
"Vâng. Tôi hứa."
Chị quay lưng. Thấp thoáng dưới trăng, bóng chị Ba mờ khuất ngoài Bến Củi.
Tôi nằm thức suốt đêm. Thầm tiếc dịp may, nhưng cảm thấy yên lòng. Ngày mai, nhìn lại anh Ba Canh mà không hề thấy ngượng.
Bình minh lên. Quạ kêu trên đầu cây sao già. Tiếng quạ kêu nghe thảm. Trong tiếng quạ sáng nay, dường như có thêm một điều gì thảng thốt. Có lẽ, hồn tôi bắt đầu nhuốm bệnh?
Mọi sinh hoạt của Tầm Lanh, Bến Củi vẫn bình thường. Chị Ba đối với tôi, cũng bình thường. Nhiều khi tôi tự hỏi, chị có còn nhớ gì trong đêm ấy không? Khó mà biết được ý nghĩ của chị. Trong cái đầu của mỗi người đàn bà, có cả một kho tàng bí mật.
Anh Ba Canh bao giờ cũng tử tế. Lòng anh đơn giản. Anh tưởng lòng người cũng đơn giản như anh. Anh thường khuyên tôi, nên tìm một người đàn bà goá, để gán ghép hai cuộc đời cô đơn làm một. Vì quá thật thà, anh đâu biết rằng có những cặp vợ chồng đang sống trên lưỡi dao cạo. Đến một ngày nào đó, hiểu ra thì con tim đã bị cứa nát rồi. Chừng nào anh Ba Canh mới thấu được lòng dạ chị Bả Lúc ấy, liệu anh làm sao với con tim chảy máu của mình?
Ba năm tôi ở Tầm Lanh. Kẻ lạ chợt đến chợt đi. Tình người dưng nước lã. Tôi nương tựa vào gia đình Ba Canh, và coi đây là chỗ thân tình duy nhất. Đứa con gái lớn của anh, tên Mận, học hành dang dở. Tôi đến chơi, thường vẫn dạy thêm cho Mận về văn học, sử ký, địa dư, khoa học thường thức. Năm mười lăm tuổi, Mận nghĩ chuyện gì ở trên đời, tôi cũng thông suốt.
Có lần, Mận hỏi: "Chú ơi, muối lấy từ đâu?"
Tôi nói: "Từ trong nước biển."
"Tại sao nước biển có muối nhỉ?"
"Vì nước biển mặn."
"Tại sao nước biển mặn?"
"Vì nước biển có muối."
Cái kiểu trả lời theo chu kỳ vòng tròn của tôi, làm hai chú cháu cười ngất.
Năm mười sáu tuổi, Mận nói: "Chú ngon hơn ông Nguyễn Công Trứ."