III. THÁI ĐỘ "HOÀI LÊ" HAY TÂM TRẠNG CÔ ĐƠN TUYỆT ĐỐI

Xưa nay, nhiều nhà phê bình văn học đã xếp thơ Bà Huyện Thanh Quan vào khuynh hướng hoài cổ, vì bà có những bài thơ nói lên lòng luyến tiếc nhà Lê với quá khứ vàng son đã qua, một quá khứ huy hoàng của đất Bắc. Những bài thơ như "Thăng long hoài cổ", "Chùa Trấn Bắc " đã được đem ra phân tích dưới cái nhìn đó.
Nhưng gần đây, một số nhà phê bình mới đã bác bỏ nhãn quan này. Họ cho rằng Nữ sĩ đã sống vào sáu bảy thập kỷ đầu của thế kỷ XIX, dưới triều các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, là lúc triều Nguyễn đã đi vào quy củ vững vàng, đã tự khẳng định như một vương triều chính thống. Và chính bà cũng như chồng, đều là quan nhà Nguyễn, nào có ăn lộc gì của Vua Lê Chúa Trịnh mà phải có thái độ "hoài Lê"? Chuyện đó có lẽ chỉ đúng cho Nguyễn Du, Nguyễn Huy Hổ là những người có gia thế vọng tộc gần gũi với Tiền triều. Còn nỗi buồn của bà, theo như họ khẳng định, đó là nỗi buồn của một tâm trạng cô đơn. Trong 6 bài thơ của bà đã có 4 bài thơ buồn, tất cả đều chứa đầy tâm sự mà không tìm được người san sẻ:
Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
Ngay cả cảnh vật, tuy thật gần gũi để bà gửi gắm tâm tình, nhưng vẫn không chia xẻ được sự cô quạnh của bà "cảnh đấy, người đây, luống đoạn trường". Khác hẳn với Nguyễn Khuyến, ngay khi cô đơn như sư cụ chùa Đọi thì còn có khói mây:
Sư cụ nằm chung với khói mây.
Hoặc Tản Đà thì vẫn còn có mặt trăng:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Hay như Hồ Xuân Hương, lúc buồn còn có "non" và "nước":
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Còn Bà Huyện Thanh Quan thì như cô đơn tuyệt đối, một tâm trạng thể hiện rõ nét trong hai câu cuối của bài "Qua đèo Ngang"
Dừng chân đứng lại trời, non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Chỉ còn lại "mình" đối diện với mình trên đèo Ngang trong buổi chiều tà; "không còn là sự gửi gắm, miêu tả, bộc bạch" mà là tác giả tạc tượng "nỗi cô đơn của mình vào đất trời, vũ trụ". Một hình tượng độc đáo: kiên vững, đầy nghị lực, dường như không muốn làm phiền lòng, bận tâm người khác, mà chỉ âm thầm chịu đựng một mình. Có phải là vì những ngày xa chồng, xa nhà khi nhận chức Cung trung giáo tập ở kinh thành Huế đã tạo trong bà nỗi buồn cô độc? Hay là vì chồng bà sớm qua đời nên bà thấy lẻ loi và luôn nhớ lại một dĩ vãng không bao giờ trở lại? Và "Xuân Hương thi Tập" có nói đến danh mục các bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan, cho rằng bài "Thăng Long hoài cổ" lúc đầu có tên là "Quá phu quân cố lị cảm tác" (Qua chốn chồng làm quan cũ); nếu điều thi tập nói ở trên là đúng, thì quả là Nữ sĩ đã mượn thơ để diễn tả cảnh ngộ của mình chứ không phải là thái độ "hoài Lê". Bà đã đi từ bi kịch cá nhân của mình tới cái nhìn về sự biến thiên đổi dời của thiên nhiên và xã hội, sự đổi dời mà con người không cách chi ngăn giữ, mà chỉ còn lại nơi những tâm hồn nhạy cảm sự tiếc nuối xót xa, xót xa về một quá khứ với những kỷ niệm riêng tư, hạnh phúc gia đình. "Nhìn chung, thì để dẫn đến một tâm trạng có rất nhiều nguyên nhân, hà tất chỉ là nỗi lòng người đó gán cho một triều đại nào!"(6)
Lập luận trên thật vững chắc và có cơ sở, nhưng sẽ không đủ nếu chúng ta nói Bà Huyện Thanh Quan không có thái độ hoài Lê. Có điều phải định rõ là nên hiểu thế nào về thái độ đó:
Làm người, ai cũng nhớ đến sinh quán, quê hương; nhất là người giầu tình cảm như Nữ sĩ Thanh Quan, bà làm sao quên được Thăng Long, đất ngàn năm văn vật. Đã biến đâu rồi những cung son điện ngọc, mà chỉ còn trơ lại những cột gãy tường siêu, sân rêu mái đổ. Làm bà phải cất tiếng than:
Tạo Hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Thời gian trôi mau quá, những hành cung lộng lẫy của hôm qua, nay chỉ còn là phế tích hoang tàn, làm sửng sốt và đau lòng người luôn chắt chiu những kỷ niệm xa xưa:
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc gợi lòng đau.
Một quá khứ vàng son đã biến đi đâu mất, chỉ còn lại cỏ mùa thu trên đường mà ngựa xe nay vắng bóng, chỉ còn bóng chiều tà trên sân chầu của văn võ bá quan:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Điều đó càng thấm thía hơn đối với Bà Huyện Thanh Quan thuộc về một gia đình khoa hoạn thời Lê mạt. Tuy bà không hưởng lộc gì của Vua Lê Chúa Trịnh, và từng làm quan với nhà Nguyễn, nhưng chắc chắn bà cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp của các cựu thần nhà Lê như Phạm quý Thích, Nguyễn Du, Nguyễn Lý. qua những lời giảng dạy của cha mình. Nhất là đường hoạn lộ của chồng bà không phải lúc nào cũng xuông xẻ, chuyện ông đã từng bị cách chức vì lời thơ phóng khoáng của bà, chắc cũng đã từng làm bà chán nản với cái bã lợi danh hiện tại mà thêm tưởng nhớ tiền triều.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Chúng ta nhớ đây là nước cũ 300 năm của Vua Lê, là nước "Bắc hà" đã bị Chúa Nguyễn ở Nam hà ra chiếm cứ. Không những họ chả giữ gìn những lâu đài người xưa để lại, mà cũng chả dám tin dùng những sĩ phu của đất Bắc nghìn năm văn hiến. Cũng là sự đổi thay của các triều đại, thế nhưng sao vua Quang Trung lại trọng vọng bầy tôi nhà Lê đến thế: người đã mời Nguyễn Thiếp, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích ra trao cho những chức vụ quan trọng, còn ai không nhận quan tước thì cho về quê cũ yên ổn làm ăn. Những vua nhà Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng thì lại khác, khinh thường, nghi kị, hoặc dùng cho có lệ; khiến cho những cựu thần nhà Lê như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Hổ, và có lẽ ngay cả Nữ sĩ Thanh Quan cũng đã mang mặc cảm mà thêm thương nhớ tiền Triều. Huống hồ lại có thêm một lý do tâm lý, đó là tự ái bị tổn thương: tự ái địa phương, tự ái cá nhân. Đành rằng những nhà thơ chúng ta vừa kể trên đều có tâm hồn khoan hòa, phóng khoáng; nhưng chắc không khỏâi bất nhẫn trong lòng khi thấy đất Bắc hà bị bỏ bê và coi là phụ thuộc, ngay cả cái tên "Thăng Long" cũng bị thay để xoá nhòa quá khứ; rồi chính mình cũng phải quỵ lụy vua quan triều đình Huế, những kẻ khác biệt về tính tình, phong tục, học thức, mà lại xét nét, kiêu căng.
Ở đây, cũng cần minh định rõ ràng là Bà Huyện Thanh Quan, cũng như những cựu thần nhà Lê, đã chẳng tiếc gì cái ngai vàng mục nát với chính sự đổ nát của thời Lê mạt Trịnh suy, chả quý gì một vua Lê Chiêu Thống "cõng rắn cắn gà nhà", hay một Chúa Trịnh Khải chỉ biết bắt nạt vua Lê mà lại khiếp nhược trước kiêu binh Tam Phủ. Thái độ hoài Lê của Nữ sĩ không có tính cách chính trị, chỉ là tâm tình. Trước cảnh hoang tàn của đất Bắc thời nhà Nguyễn, bà đau lòng nhớ tiếc một quá khứ xa xưa, "một quá khứ có lẽ chính bà cũng không tường tận lắm và cũng chưa thọ hưởng ân huệ gì, nhưng đó là quá khứ của tiền bối, của gia đình, của quê hương mình, cho nên tình cảm dễ tô màu khả ái ". Nhất là vào lúc cuối đời, trong lúc cô đơn, quá khứ đó đã sống lại huy hoàng trong tâm hồn cao đẹp của bà, một tâm hồn luôn nhạy cảm, yêu thơ, yêu dân, và yêu nước.