Thời Thơ ấu - Vào Đời
Hai mươi hai

Đêm nay hoạ có mình ta
Đốt trầm hương cũ chờ ma dạo đàn...
Lưu Trọng Lư
Tới Tourane (Đà Nẵng), gánh ĐƯ'C HUY-CHARLOT MIÅU đóng neo tại rạp CINE³AC nằm ở đầu hai con đường Phan Chu Trinh và Hàm Nghi. Tuy cũng là một thành phố cửa biển quan trọng nhưng Tourane lúc đó chưa bành trướng kinh khủng như vào thời có quân đội Mỹ tới Việt Nam. Phố xá vắng vẻ tĩnh mịch với những hàng cây cao vút. Những phụ nữ đi trên đường, dù là người bình dân cũng mặc áo dài, đội nón Huế. Đa số còn để răng đen. Nghệ sĩ cải lương của gánh ĐƯ'C HUY không đặc sắc như của các gánh Nam Kỳ chính gốc nhưng cũng lôi kéo khán giả hằng đêm chen chúc tới coi.
Anh Miều vẫn là cái đinh của gánh hát. Kép Quý tức Nhật Thanh, tuy không đẹp trai hơn hay hát hay hơn những ngôi sao của làng Cải Lương Bắc Hà như Sỹ Tiến, Anh Đệ hay Huỳnh Thái nhưng cũng có vô số các bà, các cô mê như điếu đổ từ lúc gánh hát ra đi từ Hải Phòng và vào tới khoảng giữa của miền Trung này. Các anh kép khác như Hiếu, Dần, Ba Hội đã trở thành những bạn thân của tôi. Chúng tôi đối đãi với nhau như những anh em ruột trong một gia đình. Giới nhạc sĩ -- kể cả trong ban nhạc Tây và trong ban nhạc cổ -- đều rất yêu tôi, khuyến khích tôi trong cả hai phương diện học hỏi và trình diễn. Tôi đã có dư tiền để mua lại của anh Ân một cái đàn violon thật tốt. Và cũng ngọ nguậy kéo đàn vào những lúc mọi người đã đi ngủ cả rồi.
Đào Tình, đào chính của gánh hát vẫn còn độc thân, vẫn còn cho tôi những đêm ái ân mùi mẫn và sẽ trở thành vợ yêu của một bác sĩ già khi gánh hát tan. Đào Nga đã là vợ bán chính thức của anh Phúc claquettes. Đào Châu trẻ tuổi nhất là đào phụ của gánh hát và sẽ là người tình của tôi khi gánh hát vào tới Cà Mâu. Lũ con của anh chị Miều lớn như thổi, đi theo gánh hát, chẳng được học hành gì cả nhưng vẫn là những bé ngoan. Về sau, những con gái của anh chị Miều trở thành những vũ nữ nổi danh của ban vũ Trịnh Toàn.
Tôi đã được nhiều người biết tới tên tuổi, nhiều hơn cái thời tôi mới nhẩy ra sân khấu hát nhạc cải cách ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định... Tin đồn về chàng du ca đầu tiên đã đi rất nhanh từ Thanh Hoá vào Vinh tới Huế và bây giờ thì thanh niên nam nữ Tourane kéo nhau tới rạp CINE³AC để nghe tôi hát. Đã rất tự tin ở mình, đã biết trau dồi tài nghệ cũng như sắc đẹp (sic). Đã để tóc dài cho có vẻ nghệ sĩ (re-sic). Đã sắm được bộ áo mùa lạnh bằng nỉ được gọi là nỉ pattes de poule (sợi to như chân gà) đủ sưởi ấm lòng tôi trong những ngày mùa lạnh ở Tourane này. Được làm quen với những tài năng của điạ phương như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nguyên là lính trong quân đoàn 16è RIC của Pháp đóng ở Qui Nhơn, vừa mới trở về nơi sinh trưởng của mình để đóng góp vào việc thành lập một nền nhạc mới với bài Trầu Cau. Gặp Phan Quang Định tác giả bài Sơn Tinh Thủy Tinh. Làm quen với anh Tâm, người Công Giáo, đánh đàn organ ở Nhà Thờ.
Thú vị nhất là gặp chàng thi sĩ mà mình yêu qúy vô cùng là Lưu Trọng Lư. Lúc đó anh Lư đang dạy học tại trường Phan Bội Châu (hay Phan Chu Trinh?), sau khi nghe tôi hát, anh đã nằng nặc lôi tôi lên xe kéo đưa tôi tới trường học để hát cho học trò của anh nghe.
Từ trước tới giờ, tôi chưa gặp ai "nên thơ" như con người Lưu Trọng Lư. Chưa gặp anh đã nghe nói anh là người rất lơ đãng. Gặp anh rồi thì nhìn bề ngoài của anh cũng đã thấy anh là một con nai vàng ngơ ngác. Đã có ai kể cho tôi nghe chuyện anh cầm tiền đi chợ mua đồ cúng nhân ngày giỗ vợ nhưng anh ghé vào tiệm hút rồi quên phứt chuyện đó! Theo lời kể của Hoài Thanh, đã có lần Lưu Trọng Lư nằm đọc tập thơ TIÚNG THU của mình rồi ngồi dậy cười to:
-- A ha! thế mà mấy bữa ni cứ tưởng (...) hai câu: Giật mình ta thấy mồ hôi lạnh -- Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi...là của Thế Lữ.
Hai câu thơ ấy là của Lưu Trọng Lư.
Sau khi tôi hát cho lũ học trò xanh xao và gầy gò nghe bài Buồn Tàn Thu rồi thì nhà giáo Lưu Trọng Lư đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi lếch thếch và nát nhầu, móc ở trong túi ra những mẩu thơ để tặng tôi ngay trong lớp học. Tôi nhớ rất kỹ đó là những đoạn thơ của bài Giang Hồ mà khi in ra thì anh Lư đề tặng Nguyễn Tuân và Vũ Hoàng Chương:
Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
Tiếng gà đã rộn trong thôn
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay...
Đã tặng thơ rồi, anh tặng luôn cho tôi một tình nhân của anh, người Tầu Lai. Lưu Trọng Lư có ra một tuyên ngôn về người đàn bà mà anh gọi thêm là Quỉ. Không biết khi anh trao kỷ vật cho thằng em này thì đó là Người hay là Quỉ? Tôi không còn nhớ tên của "người quỉ" có đôi mắt mầu hạt dẻ này nhưng tôi nhớ rõ ràng là ngoài thân hình kiều diễm ra nàng còn mang tới khách sạn một cái bánh gâteau lớn. Chúng tôi ngồi ăn bánh ngọt và nhìn qua cửa sổ để thấy nhà ga Tourane đang u ám nằm cạnh bến sông, chợt có vạt nắng chiều vụt tới làm cho cảnh vật bỗng nhiên rực rỡ.
Tôi sẽ có nhiều lần phổ nhạc những bài thơ tuyệt vời của anh Lư để trả ơn mối tình nửa đường phiêu lãng này. Từ bài Tiếng Thu, qua Vần Thơ Sầu Rụng tới Thú Đau Thương và Còn Chi Nữa (bài này tôi mạn phép đổi tên là Hoa Rụng Ven Sông). Gặp lại anh Lư ở Huế vào những ngày đầu của Cách Mạng, tôi vẫn thấy anh "nên thơ" như cũ và tin rằng chẳng bao giờ anh hết nên thơ dù rằng sau này có nhiều phen anh cứ phải tuyên bố là đã giơ tay xua đuổi con nai vàng ở trong anh chạy đi.
Những ngày ở Tourane là những ngày rất êm ái của tôi, dù bộ mặt chiến tranh vẫn đậm nét qua hình ảnh những toán lính Nhật di chuyển trên xe nhà binh trong một thành phố có tính chất quân cảng này. Tôi được ra bãi biển Tiên Sa để hưởng cái thú nằm trên một bãi cát rất là hoang dại. Cũng như sẽ được ra đảo Hòn Yến ở Faifoo (Hội An) coi người ta leo trèo trên gềnh núi đá để lấy tổ chim yến.
Thanh niên ở Faifoo yêu âm nhạc hơn tất cả thanh niên những nơi tôi đã đi qua. Nhạc sĩ nổi danh ở đây là anh Tầu lai La Hối, tác giả của bài Xuân Và Tuổi Trẻ, tốt nghiệp nhạc viện Thượng Hải và có chân trong Hội A'i Nhạc (Société Philharmonique) ở Faifoo. Các hội viên khác của hội này là vị chỉ huy trưởng người Pháp của Garde Indigène (Lính Khố Xanh), là ông công chức cao cấp cũng người Pháp của Nhà Đoan, là những nhạc sĩ Minh Hương như Vương Quang, Vương Quốc Mỹ... La Hối hoạt động ngầm cho Chính Phủ Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh nên về sau anh bị Nhật bắt và thủ tiêu. Faifoo còn có Trương Đình Cử chơi violon, sau này viết nhiều bài khảo cứu về nhạc Vọng Cổ.
Thế rồi đã tới lúc gánh hát phải tiếp tục lên đường. Từ Tourane (Đà Nẵng) vào Faifoo (Hội An), chỉ mất hơn một giờ xe hơi. Tới một thị trấn có những ngôi nhà cổ nhất Việt Nam là Hội An này, gánh ĐƯ'C HUY treo bảng hiệu ở rạp HOA BINH trên đường Cây Me, gần đình Tiên Hiền.
Faifoo mấy trăm năm trước là một thị trấn xây bởi những người Tầu từ đảo Hải Nam tới Việt Nam lập nghiệp. Cái tên cũng do ở tiếng Tầu mà ra. Theo nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả bản Nắng Chiều -- vốn là người sinh trưởng ở Hội An -- khi người Pháp tới thị trấn này thì được người dân (Tầu?) cho biết đây là nơi chuyên bán hoa (bán = phô và hoa = ba) nên họ gọi tên thành phố là Ba Phô. Dần dần Ba Phô trở thành Faifoo. Cũng có người cho rằng tên Faifoo là do ở tiếng Bồ Đào Nha mà ra.
Lúc tôi tới đây, dân chúng trong thành phố đã trở thành người Minh Hương cả rồi. Tại hai phố chính là Phố Quảng Đông và Phố Chùa Cầu tôi được thấy còn nguyên vẹn những ngôi nhà cổ xây từ thế kỷ thứ 16. Trong khi di tích của Phố Hiến chẳng còn gì ngoài những ngôi mộ cổ, tại Hội An, tôi được bồi hồi ngắm nghía những ngôi nhà nhỏ nhắn mang nhiều vết tích của thời xa xưa. Rồi còn được đi trên một cái cầu lớn do người Nhật xây vào thời xa xưa đó. Cầu này gọi là "Kiều Thương Gia", có lợp mái ngói và được bắc ngang một con lạch nhỏ. Đầu cầu này có tượng con khỉ (khởi sự xây năm Thân), đầu cầu kia có tượng con chó (xây xong năm Tuất), bên trong cầu có xây ban thờ lúc nào cũng thấy khói hương nghi ngút.
Gánh hát không ở lâu tại Faifoo. Những chặng tới sẽ là Quảng Ngãi, Bình Định đây. Tôi giã từ miền Quảng Nam và ngẫm nghĩ về một câu châm ngôn trước đây tôi chưa hiểu hết ý nghĩa:
Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay co
Bình Định hay lo
Thừa Thiên ních hết.
Bây giờ thì tôi hiểu ý nghĩa của câu này, do dân chúng soạn ra để vạch mặt quan lại Việt Nam cùng thực dân Pháp và răn nhau: Người dân ở ba miền Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định mà ưa cãi nhau, đôi co với nhau, suốt ngày chỉ lo chuyện kiện tụng nhau... thì rút cục chỉ có quan trường ở Thừa Thiên là hưởng lợi.