Phần II

Lão vốn là trai quê. Bố lão xưa nghèo phải bỏ làng ra phố đánh giày, lúc có vợ mới đưa về làng xoay nghề làm ruộng. Nghề làm ruộng chỉ phải hầu đất chứ không phải hầu ai. Đến đời lão, từng là dân quân xã rồi đi đánh giăc, bị thương được ưu tiên cho chuyển sang nghề giữ kho. Ngày ấy người nhiều của hiếm. Ai cũng đói, ai cũng thiếu vậy mà Thủ trưởng của lão coi kho nhà nước như kho nhà mình. Nay cái này, mai cái nọ, lúc lái xe, lúc nhân viên hành chính... đứa nào cũng có giấy viết tay do Thủ trướng ký. Cũng nhiều lần Thủ trưởng, rồi cả vợ ông ta nữa thân chinh vào kho, ngắm cái nọ, sờ cái kia, rồi thì “cậu chuẩn bị cho mình cái này, cái này….”. Sau dần, chịu không nổi, bực mình quá, lại vốn nóng tính không giữ được trong bụng lâu lão uất ức bật lên:
- Thủ trưởng cứ làm như kho nhà nước là cái vại gạo nhà mình không bằng...
- Cậu nói ai?
- Tôi bảo ông ấy. Cái đồ cường hào bốn túi!
Và dĩ nhiên lão bị cho về một cục. Bạn bè lão bảo lão dại. Có đứa còn mắng lão ngu. “Nó ăn mình cũng ăn. Tội đếch đâu mà trong trắng đến nỗi phải trắng tay…”. Vợ lão chỉ biết khóc. Lão thét to với cả nhà:
- Có im đi không! Chết làm sao được thằng này. Còn hòm đồ nghề đánh giày ông cụ bàn giao cho đây.
Vợ lão bực quá:
- Làm ông không muốn lại đi làm thằng, đồ dở người ạ.
- Làm thằng mà tâm trong còn hơn làm ông mà bẩn bụng, mẹ mày hiểu không?
- Trời ơi…
Vợ lão chỉ biết ôm mặt hờ trời. Lão nghĩ, cao xanh ở xa, mấy khi nghe thấy lòng trần. Âu đó cũng là lẽ đời thường nhật. Được cái này mất cái kia. Muốn tâm trong thì làm sao nặng bụng được. Đời này cũng có kẻ đang ông bỗng chốc hóa thằng. Còn lão, chỉ ở hơn thằng một tí nay xuống thằng đã làm sao?…
Và từ đấy lão nối nghiệp cha. Lão cũng nổi tiếng cả vùng về tài đánh xi đẹp và đặc biệt rất ít nói với người lạ. Một bận, có ông khách ăn mặc sang trọng tìm đến đánh giày, muốn trò chuyện thấy lão chỉ gật gù, mới hỏi bằng một thứ tiếng lơ lớ:
- Cụ bị câm lâu chưa?
Lão cười xòa:
- Đâu có. Tính tôi nó thế. Lúc nào miệng cũng như bị khâu.
Vậy mà, sao hôm nay lão nói với tôi nhiều đến vậy. Lão như muốn dốc bầu cùng “tri kỷ”. Lão gọi tôi là thế và sẵn sàng hy sinh cả công việc sinh nhai để ngồi tiếp cái anh dở người vì không chịu nhận đôi giày của mình là giày ngoại.
- Thôi thì kệ sự đời - Tôi mời lão hút tiếp điếu thuốc nữa - Bây giờ ông bác - Tôi gọi thân tình - Ông bác cho em biết, có sự tài tình gì trong cái ống bơ gỉ kia mà xi của bác bền và bóng đến thế.
Lão hà hà, nín lặng chốc lát sau đó mới bật ra:
- Có nói chú cũng không biết. Từ ông cụ tôi kia. Vì miếng cơm đút miệng cả thôi. Khách đến, nhìn đôi giày, chưa biết đầu cua tai nheo là gì bao giờ tôi cũng có đôi câu rào đầu: Giày Đức hay I - ta đây? Cha cha tuyệt quá! Hoặc có phải đây là Pháp không… tôi đoán không nhầm mà! Cũng có khi... Tàu cao cấp, Hồng Công xịn đây thêm xi của tôi vào nữa cứ gọi là siêu ngoại!... Ngần ấy câu, nhìn mặt người rồi mặt giày mà nói, cộng với loại xi gia truyền… Thế là khách sướng rơn. Mình cũng có cái lợi ở đấy chứ. Cơm áo có đùa với ai bao giờ. Lạ? Khi được khen ai cũng rạng rỡ cả lên chỉ có riêng ông chú là tôi thấy càu nhàu.
- Ông bác thấy em lạ lắm à?
- Không lạ! Cũng chẳng quen. Con ễnh ương bé thân nên to miệng. Tôi nghề hèn nên lấy nói phét làm sang. Hơn nữa, nói phét mà người ta tin là thật thì càng sang. Nhưng thú thật với chú nó tài là ở cái này đây này…
Lão lại giơ ra trước mặt tôi cái ống bơ gỉ, cái ống sắt dị mọ, xấu xí mà như có phép lạ. Tôi cầm nó trên tay, mở nắp ra ngửi. Vẫn cái mùi hăng hắc bình thường mà sao khi nó phết lên mặt da lại khiến người ta tưởng là giày ngoại.
- Cũng cần cả cái phom nữa ông chú ạ. Bây giờ phom của Ta, của Tây, của Tàu cũng lơ lớ nhau - lão nói tiếp.
- Còn xi ạ?
- Xi thì cũng vậy. Đấy là bí quyết. Cũng Tây, Tàu lẫn lộn. Mỗi thứ một tí. Ta nhiều hơn. Làm lâu mà sinh kinh nghiệm. Bao giờ ông chú phải hành cái nghề đánh giày như tôi ông chú sẽ biết. Chả phải dạy cũng ra. Chú ngẫm mà xem. Đời mà…
Lão nhìn tôi. Đôi mắt như tan hết sương khói, ánh lên màu kim loại được mài sáng. Tôi nhìn đôi mắt người đã từng cầm cuốc, cầm súng, cầm chìa khóa giữ kho bây giờ thì cầm giày, quết lên đấy cái màu xi pha trộn, tự tạo, cùng cái miệng ngọt ngào tiếp thị để rồi “có được là bao đâu” như lời lão thường nói.
Đời mà…
Lão đã cho tôi một câu trả lời như ngàn đời nay con người ta vẫn thường nói với nhau như thế. Mà đã như thế rồi thì còn có gì phải hỏi nhau nữa. Bằng lòng vậy, cầm lòng vậy. Tôi như chẳng còn điều gì để hỏi. Thâm tâm tôi cầu chúc cho lão bình an với một chỗ ngồi nho nhỏ, khiêm nhường ở cuối phố. Nơi ấy có một gốc cây bàng già nhưng nhiều lá và cái bệ xây bằng gạch chung quanh làm chỗ cho lão ngồi, cho lão xếp đồ…
“Ông lão đánh giày và sửa giày cũ kỹ, lem luốc của tôi ơi! Làm sao sạch sẽ được khi suốt ngày phải sờ mó vào bụi bặm, giày dép. Được cái, sau đôi tay tần tảo, chuyên cần của lão mọi cái lại bóng bảy tinh tươm...”.
Bẵng đi một thời gian sau, tôi có việc phiền đến lão. Đôi giày da nâu vì đi đường nắng nhiều mà bạc mốc ra đang cần được chăm sóc. Lão không còn ở đấy nữa. Nơi gốc bàng ai đó đã treo vào đấy đôi cái lốp xe rách. Tôi hỏi thăm bà cụ hàng nước thì bà cụ bảo nghe đâu ông lão đánh giày mắc lỗi “ tiêu thụ của gian” vì có liên quan đến một kẻ chuyên ăn cắp giày của người khách nước ngoài nên bỏ nghề rồi. Bà lão hàng nước còn nói:“ Cái thằng đến đánh giày ấy thật tệ. Nghe đâu lần nào đến nó cũng nói ngon nói ngọt rằng xi ở đây tốt lắm. Ông đánh cho thật đẹp vào. Đây là đôi giày ngoại của bạn con vừa mang ở bên Tây về đấy, nay muốn thay đổi mốt đi nên nhờ ông xem có ai thích thì bán giúp. Thế là…”.
Tôi giật mình. Lẽ nào ông lão đánh giày của tôi lại đổ đốn đến thế! Có thể ông bị lừa chăng?
Mang nỗi hoài nghi tôi loanh quanh đi tìm ông. Cũng phải tự trách mình trước. Quen lâu mà nhà ông lão ở đâu tôi không biết. Lại phải nhờ bà cụ hàng nước mách cho. Vẫn là cái câu nghe đâu muôn thuở của bà cụ dẫn tôi đi tìm. Ngõ to ngách nhỏ. Nhà cao nhà thấp. Giàu sang có. Tầm tầm có. Nói nghề rồi nói tên. Người lắc đầu. Người ngờ ngợ. Vào lúc sắp thất vọng thì tôi gặp được người mách. Đó là một người ở ngoài phố lớn vào ngõ lấy hàng về bán. Hàng của ông là những đôi giày gia công làm kỹ và hợp mốt. Nhìn màu xi trên mặt giày tôi giật mình. Thế là người muốn tìm lại đã gặp!
- Ông bác làm em toát mồ hôi...
Tôi kể lại những điều đã nghe được cho ông lão đánh giày của mình nghe. Ông gật gù bảo tôi:
- Nghe gì cái thông tin của các hãng vỉa hè nghễnh ngãng ấy. Có, có chuyện đó nhưng không phải là việc đó. Tôi lên công an là để báo cáo lại toàn bộ sự việc. Thật hú vía. Còn được lập công nữa nhá. Bọn ăn cắp đồ tốt của thiên hạ làm đồ sang cho mình bị bắt cả nút. Thật đáng đời lũ xấu bụng. Cũng nhờ việc này mà tôi dứt khoát bỏ cái nghề ngồi phơi mặt ra giữa thiên hạ để đánh bóng cho cái bọn mất dạy ấy. Tôi đây thì ông chú hiểu rõ quá đi rồi còn gì. Đời nào lại đi làm cái việc xấu xa. Mình là người cơ mà. Nhưng được rồi...
Ông lão đánh giày và sửa chữa giày thân yêu của tôi đã thực hiện cái nhưng được rồi ấy bằng cách trở lại nơi gốc bàng thân thuộc cùng nghề cũ của mình. Nhiều khách quen lại tìm đến. Bà cụ hàng nước đã xuê xoa, hể hả trò chuyện với ông và thôi nghe đâu khi nói về ông nữa. Nhưng được đúng một tháng sau cái quán đánh giày và sửa chữa giày dân dã ấy được “đóng cửa” với hàng chữ thông báo viết trên tấm bìa cứng treo ở thân cây về lý do nghỉ việc của nó.
Trong một ngôi nhà cấp bốn còn tuềnh toàng ở một ngõ phố nọ có một xưởng thợ nhỏ chuyên môn đóng những đôi giày nội chất lượng cao. Ông lão đánh giày thân yêu của tôi, người thợ đóng giày bây giờ mong muốn với những sản phẩm tự thân ấy sẽ không bao giờ làm hổ mặt mình...
Vũng Tàu - Hà Nội, 2005 - 2006

Xem Tiếp: ----