---~~~mucluc~~~---


Chương 6
TẤT CẢ CHO CHIẾN TRƯỜNG TRỌNG ĐIỂM

Sau cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 31 tháng 3, cơ quan Tổng hành dinh bước vào những ngày đầu tháng Tư với một không khí sôi động và nhịp độ khẩn trương lạ thường, hơn cả những ngày tháng Ba lịch sử. Tất cả mọi người, mọi bộ phận, mọi lực lượng như chạy đua với thời gian, dốc toàn lực cho chiến trường trọng điểm, quyết góp phần xứng đáng nhất giành toàn thắng trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn vào những ngày tháng Tư này, thực hiện trọn vẹn quyết tâm chiến lược của Bộ Thống soái tối cao.
Chúng tôi xác định nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu lúc này là phải tập trung cao độ vào mấy việc rất quan trọng có quan hệ trực tiếp tới trận quyết chiến chiến lược cuối cùng:
Một là, theo dõi và giúp trên chỉ đạo các chiến trường tác chiến tạo thế cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, nhất là chỉ đạo cánh quân ven biển đang đánh dịch trong hành tiến đến khu vực tập kết đúng thời gian quy định;
Hai là, đôn đốc và theo dõi việc điều động những lực lượng chiến lược và trang bị kỹ thuật lớn vào mặt trận trọng điểm Sài Gòn càng nhanh càng tốt;
Ba là, nghiên cứu để đề đạt cách đánh chiến lược, chiến dịch trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Trong hai nhiệm vụ thứ nhất và thứ hai, Bộ Tổng Tham mưu phải đồng thời đáp ứng hai yêu cầu chiến lược dường như mâu thuẫn nhau đối với cánh quân đang tiến trên ven biển miền Trung.
Một mặt, địch đang trong quá trình co cụm chiến lược, ta phải nhanh chóng tiêu diệt địch, làm suy yếu chúng, làm thất bại ý đồ chiến lược của chúng ngay trong quá trình co cụm, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường trọng điểm Sài Gòn. Làm được như vậy cũng tức là tranh thủ mở rộng vùng giải phóng, nhanh chóng làm chủ các địa bàn chiến lược quan trọng ven miền Trung từ Nha Trang trở vào, trong đó có quân cảng quan trọng bậc nhất là Cam Ranh, không để cho địch kịp phá hoại các trang bị kỹ thuật của cảng, không để chúng kịp bốc dân các tỉnh Cực Nam Trung Bộ theo chúng. Đó là nhiệm vụ trước mắt của cánh quân ven biển, ra đời từ đầu tháng 4 năm 1975.
Nhưng mặt khác, yêu cầu rất gay gắt đối với cánh quân này là phải nâng tốc độ hành quân hơn nữa, để đến khu vực tập kết kịp thời gian tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Quá trình hành quân của cánh này không chỉ là đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, mà còn là quá trình bổ sung và sáp nhập các đơn vị lớn ngay trên dọc đường, hình thành ngay đội hình chiến đấu; tiếp tục giải quyết hậu cần, trang bị phương tiện vận chuyển để bảo đảm tốc độ hành quân. Đó cũng là một nhiệm vụ cấp bách của cánh quân rất quan trọng này trên đường tiến quân vào chiến trường trọng điểm.
Trong việc điều động và sử dụng lực lượng một cách linh hoạt để các đơn vị hoàn thành cả hai nhiệm vụ tranh thủ tiêu diệt địch, giải phóng đất đai và đến nhanh vị trí tập kết kịp tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn, có một trường hợp nổi lên cần nói đến là trường hợp sử dụng sư đoàn 10 (thuộc Quân đoàn 3, Tây Nguyên)(1). Cuối tháng 3, sư đoàn này ở gần Nha Trang nhất và có điều kiện phát triển theo đường ven biển nhanh nhất.
Trước khi hình thành cánh quân ven biển, sư đoàn đang làm nhiệm vụ đánh địch trên đường 21. Theo chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị (nhanh chóng đưa lực lượng B3 vào chiến trường trọng điểm) hồi cuối tháng 3, anh Dũng và Bộ tư lệnh Tây Nguyên đã cho sư đoàn 10 (cũng như các đơn vị khác của B3) rút những đơn vị phía sau về củng cố, còn các đơn vị phía trước, sau khi bàn giao nhiệm vụ cho trung đoàn 25 đánh địch trên đường 21, sẽ rút về theo, để hành quân cấp tốc vào B2.
Trên đường vào Nam, ngày 1 tháng 4, anh Sáu Thọ (2), cũng điện ra cho anh Ba và anh Văn, đề nghị không nên cho sư đoàn 10 tiếp tục phát triển xuống Cam Ranh rồi sau đó tiến theo dọc đường biển vào B2, mà nên từ Tây Nguyên vào gấp chiến trường trọng điểm.
Anh Thọ cho rằng lực lượng Khu 5 cộng với một bộ phận lực lượng Tây Nguyên cũng đủ sức giải phóng Quy Nhơn - Bình Định, rồi phát triển xuống Phú Yên, Khánh Hoà, Cam Ranh và cả Phan Rang, Phan Thiết. Các đồng chí lãnh đạo Khu 5 có kinh nghiệm vận dụng kết hợp ba thứ quân, kết hợp tiến công và nổi dậy.
Nhưng hai ngày trước đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã căn cứ vào tình hình thực tế mà thay đổi chủ trương sử dụng sư đoàn này. Ngày 30 tháng 3, khi nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo tình hình, Quân uỷ nhận thấy sau khi dịch thất bại ở Đà Nẵng, đang diễn ra tình hình mới ở Cực Nam Trung Bộ, nhất là sau khi ta giải phóng Quy Nhơn, địch đang rút chạy khỏi Tuy Hoà, bắt đầu chuyển các cơ quan lãnh sự Mỹ và bộ máy nguỵ ở Nha Trang và Cam Ranh, về Sài Gòn, dự kiến địch có thể bỏ cả Cam Ranh. Trước tình hình đó, sau buổi giao ban, Bộ Chính trị và Thường trực Quân uỷ nhất trí cho rằng, ta cần có chủ trương thật linh hoạt để lợi dụng thời cơ cụ thể này, nên đã quyết định sử dụng sư đoàn 10 nhanh chóng tiêu diệt quân dù và quân địch còn lại trên đường 21, tiến xuống đánh chiếm Nha Trang và Cam Ranh, rồi theo hướng ven biển mà tiến về phía nam. Như vậy vừa tiêu diệt được địch trong lúc chúng đang rút chạy, kịp giải phóng mà không để địch phá một quân cảng quan trọng bậc nhất, đồng thời phát triển thế liên tục tiến công thắng lợi, mở thêm một con đường để tiến về phía đông Sài Gòn mà không ảnh hưởng lớn đến thời gian.
Quyết định trên được chuyển ngay vào chiến trường Tây Nguyên ngày 30 tháng 3 (điện số 940).
Chủ trương đó hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của anh Dũng và Bộ tư lệnh Tây Nguyên.
Đêm ngày 80 tháng 3 (khi còn chưa nhận được điện số 940 của Quân uỷ), anh Dũng cùng Bộ tư lệnh Tây Nguyên cũng bàn việc sử dụng sư đoàn 10 và trung đoàn 25 phát triển xuống đánh chiếm Nha Trang, Canh Ranh, sau đó sư đoàn này theo đường 11 lên đường 20 để vào miền Đông Nam Bộ. Như vậy, tranh thủ diệt nết được lực lượng còn lại của quân đoàn 2 nguỵ, giải phóng thêm được một vùng chiến lược quan trọng mà sư đoàn vẫn đủ thời gian hành quân vào chiến trường trọng điểm. Quyết định rồi nhưng các anh còn băn khoăn vì sử dụng sư đoàn này như vậy có trái với chủ trương trước ngày 30 tháng 3 của Bộ Chính trị và Quân uỷ là nhanh chóng đưa lực lượng B3 vào miền Đông không?
Giữa lúc anh Dũng và các anh ở B3 đang triển khai quyết tâm đã thống nhất đêm ngày 30 tháng 3 với ý định là "chịu trách nhiệm rồi báo về Quân uỷ Trung ương và Bộ Chính trị", thì nhận được điện 940. Anh Dũng vội điện ra. Điện có đoạn viết:
"Tôi mừng quá vì thật là tâm đầu ý hợp giữa lãnh đạo và người ở chiến trường".
Hôm sau, ngày 31 tháng 3, trả ìời điện của anh Thọ, anh Văn cho biết sư đoàn 10 đang đánh quân dù, sẽ tiến đánh Nha Trang, Cam Ranh và tiếp tục phát triển tiến công theo hướng ven biển, vừa tiêu diệt được địch, giải phóng cảng lớn, vừa đánh lạc hướng địch.
Sau khi Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã quyết định hướng phát triển của sư đoàn 10, ngày 1 tháng 4, Bộ Tổng Tham mưu thông báo tình hình địch cho sư đoàn và đôn đốc tranh thủ từng giờ, từng phút phát triển thật nhanh vào hướng Nha Trang, Cam Ranh. Điện nói rõ: Nếu cần thì cho đơn vị nhỏ thâm nhập trước để không cho địch có thời gian phá hoại cơ sở kỹ thuật và bốc dân. Cùng lúc, chúng tôi lại nhận được tin bộ tư lệnh quân đoàn 2 và lữ dù 3 nguỵ đang hoảng loạn chạy theo đường bộ về hướng Sài Gòn và đêm ngày 1 tháng 4, dừng lại ở Phan Rang.
Cùng với điện gửi sư đoàn, Bộ Tổng Tham mưu thông báo ngay cho Khu 5 để kịp thời huy động lực lượng, kể cả trung đoàn 25 ở đường 1, trung đoàn 95 B ở đường 7 cùng với lực lượng tại chỗ phối hợp đánh địch rút chạy trên hướng Tuy Hoà, Nha Trang, Cam Ranh; đồng thời điện cho Khu 6 dùng các lực lượng tại chỗ dọc đường 1 phối hợp với sư đoàn này ngăn chặn và tiêu diệt địch.
Ngày hôm sau, qua tin kỹ thuật, chúng tôi được biết cụ thể thêm: Địch đang dùng chừng 3 nghìn xe chở quân rút chạy từ Cam Ranh vào Sài Gòn. Sáng ngày 2 tháng 4 đoàn xe đã đến địa phận Bình Thuận. Chúng cho rằng đường 1 bị cắt ở gần Xuân Lộc nên chỉ có thể rút chạy theo đường ven biển qua Hàm Tân, Bà Rịa ra Vũng Tàu. Bộ Tổng Tham mưu điện cho Quân khu 6 và Quân khu 7 sử dụng ngay lực lượng vũ trang ở Bình Tuy, Phước Tuy, tìm mọi cách ngăn chặn địch, kể cả phá đường, đánh nhỏ, làm chậm bước rút chạy của chúng. Hai quân khu cũng được thông báo: Sư đoàn 10 của Tây Nguyên đang tiến công giải phóng Nha Trang, Cam Ranh và sẽ phối hợp với địa phương truy kích tiêu diệt địch chạy qua Phan Rang, Phan Thiết vào phía nam. Quân khu 6 và Quân khu 7 cần phối hợp ngay với sư đoàn 10 đánh địch; giải phóng đến đâu, dùng bộ đội địa phương tiếp quản đến đấy để sư đoàn có thể tiếp tục tiến nhanh vào miền Đông Nam Bộ.
Riêng với anh Thọ, vẫn đang trên đường vào Bộ tư lệnh Miền, anh Văn điện tiếp để anh biết tình hình các binh đoàn đang trên đường vào B2, trong đó có sư đoàn 10 đã tiêu diệt lữ dù địch và đang tỉến về phía nam. Để anh yên tâm, bức điện nói rõ: "Về thời gian, theo anh Dũng cho biết thì cũng không muộn hơn là quay trở lại đi theo hướng đường cũ. Chúng tôi thấy như thế có lợi, anh Ba cũng đồng ý".
Hôm sau, ngày 3 tháng 4, Bộ Tổng Tham mưu nhận được điện anh Thọ gửi anh Ba, anh Văn, đồng thời gửi anh Dũng, nhất trí với cách xử trí của Bộ Chính trị và Quân uỷ. Điện viết: "Nếu sư đoàn 10 đã tiến sâu như vậy thì có thể giao nhiệm vụ cho sư đoàn 10 và thêm một sư đoàn của Khu 5, phát triển giải phóng Phan Rang, Phan Thiết và tiến xuống giải phóng Bà Rịa, Ô Cấp. Hiện nay nhiệm vụ Khu 5 đã xong, có thể rút đi một sư đoàn để thêm sức với sư đoàn 10 mà đánh. Tiến như vậy rất bất ngờ, có thể nhanh chóng tiến sát, bao vây Sài Gòn về hướng đông. Đường tiếp tế tuy có kéo dài ra, nhưng ta lợi dụng được đường 1 và phương tiện vận chuyển trong dân vùng mới giải phóng thì có thể vận chuyển tiếp tế tương đối nhanh và thuận lợi hơn là hướng từ miền Đông xuống".
Như vậy là từ ngày 31 tháng 3, trong lúc sư đoàn khẩn trương phát triển từ đường 21 xuống phía Nha Trang, Cam Ranh thì các bức điện trao đổi đã dẫn đến sự nhất trí về việc sử dụng sư đoàn này cũng như toàn cánh quân ven biển - cánh quân hướng đông.
Tình hình phát triển khẩn trương và những mục tiêu còn lại ở ven biển Cực Nam Trung Bộ đặt ra yêu cầu cấp bách về mặt chỉ đạo chiến lược là tăng thêm lực lượng cho cánh quân này, cũng tức là tăng thêm lực lượng cho hướng đông và đông-nam của chiến trường trọng điểm. Qua các bức điện trao đổi, anh Thọ, các anh ở B2 và Khu 5 đều nhất trí như vậy. Ngày 4 tháng 4 anh Ba cùng Thường trực Quân uỷ đã quyết định tăng thêm 3 sư đoàn: sư đoàn 3 (đang ở Bình Định), sư đoàn 325 và sư đoàn 304 (đang ở Đà Nẵng), cùng các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh vào đội hình cánh quân hướng đông. Nhiệm vụ của cánh quân này là tiêu diệt quân địch trong hành tiến, nhanh chóng đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khoá chặt sông Lòng Tàu và phát triển về hướng Sài Gòn từ phía đông-nam.
Để tăng cường chỉ đạo chỉ huy cánh quân hướng đông (gồm Quân đoàn 2 do anh Nguyễn Hữu An, Tư lệnh; anh Lê Linh, Chính uỷ; sư đoàn 3 và các đơn vị phối thuộc), ngày 5 tháng 4 các anh Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hoà và Nam Long đã vào đến Đà Nẩng, Anh Tấn được giao nhiệm vụ Tư lệnh cánh quân hướng đông. Đồng thời Thường trực Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Ban cán sự lâm thời của cánh quân này do anh Lê Quang Hoà làm bí thư. Khi vào đấn miền Đông Nam Bộ, cánh quân này sẽ thuộc quyền lãnh đạo và chỉ huy của Đảng uỷ và Bộ tư lệnh mặt trận Sàì Gòn.
Trở lại "sự kiện" sử dụng sư đoàn 10. Sau khi giải phóng Nha Trang và Cam Ranh, được sự giúp đỡ của quân và dân Khu 6, sư đoàn 10 đã từ Ba Ngòi xuyên qua căn cứ Bác ái đến Tân Mỹ (đường 11) để lên Tuyên Đức rồi theo đường 20 hành quân về vị trí tập kết của Quân đoàn 3 trên hướng tây bắc Sài Gòn. Hàng ngàn nhân dân huyện Bác Ái, quê hương của anh hùng Bi Năng Tắc, đã hăng hái lao động suốt ngày đê m, sửa lại con đường Ba Ngòi - Tân Mỹ để bộ đội hành quân nhanh chóng.
Trong những ngày này, Bộ Tổng Tham mưu nhận được tin địch đã điều sở chỉ huy tiền phương của quân đoàn 3 ra Xuân Lộc, đưa lữ dù 2 ra Phan Rang và tăng cường phòng thủ thị xã này, thực hiện chủ trương phòng thủ từ xa; đồng thời nhận được tin anh Tấn và anh Hoà, sáng 10 tháng 4 đã từ Quy Nhơn đi Nha Trang, có thể đến nơi trong ngày và tin sư đoàn 325 xuất phát từ Đà Nẵng ngày 9, sư đoàn 304 sẽ đi tiếp theo.
Ngày 13 tháng 4, Bộ Tổng Tham mưu nhận được điện anh Tấn cho biết tình hình hậu cần cho Quân đoàn 2 chưa gặp khó khăn gì lắm. Đơn vị đã được cấp một tháng lương thực và thực phẩm. Dọc đường hành quân của quân đoàn, ở Cam Banh có hơn 2.000 tấn gạo, ở Quy Nhơn có 245 tấn xăng, 175 tấn ma dút, ở Nha Trang có 4.000 tấn xăng và 1.000 tấn ma dút, v.v. Nghe báo cáo, Thường trực Quân uỷ yên tâm về khả năng bảo đảm vật chất kỹ thuật cho cánh quân hướng đông, nhưng phải làm sao đưa lực lượng này vào chiến trường trọng điểm nhanh hơn. Nhiệm vụ và hướng phát triển của Quân đoàn 2 và sư đoàn 3 đã được thường trực Quân uỷ
Trung ương nhất trí. Cụ thể là: sau khi giải quyết xong Phan Rang, sẽ phát triển đánh chiếm thị xã Bà Rịa và căn cứ Vũng Tàu, cắt đứt đường bộ từ Biên Hoà đi Vũng Tàu khống chế hoàn toàn sông Lòng Tàu. Nếu địch co về phòng thủ Biên Hoà thì sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể lúc đó mà cho lực lượng tiến về phía đông và đông-nam Sài Gòn, vượt sông đột phá vào trọng điểm khu vực này.
Đến ngày 11 tháng 4, có tin địch có thể tăng cường củng cố thêm Phan Rang để ngăn chặn đường tiến của quân ta. Sư đoàn 968 của ta chưa quen đánh cứ điểm lớn có tổ chức phòng thủ vững chắc. Chúng tôi điện để anh Tấn nghiên cứu xem, nếu đánh Phan Rang mất thời gian và để kịp tiến nhanh về miền Đông thì có thể nghiên cứu cách nào vòng qua, còn ở Phan Rang chỉ để một đơn vị bao vây buộc địch phải phân tán đối phó. Nếu đi đường vòng, cố nhiên phải khắc phục khó khăn về hậu cần và đường cơ động cho binh khí kỹ thuật.
Mấy ngày sau, Bộ Tổng Tham mưu nhận được báo cáo: Một bộ phận của cánh quân ven biển do anh Tấn chỉ huy, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương Quân khu 6(3), đã đánh chiếm sân bay Thành Sơn và thị xã Phan Rang. Du kích Bác Ái Đông từ lâu đã bám sát vành đai sân bay Thành Sơn, tạo thế rất thuận lợi cho bộ đội chủ lực tiến công địch. Đêm ngày 7 tháng 4, bộ đội đặc công cùng với bộ đội địa phương Ninh Thuận thọc sâu đánh chiếm thị trấn Tháp Chàm, sau đó bám trụ trong thị xã Phan Rang. Bộ phận này đã đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, sau đó góp Phần quan trọng cùng với bộ đội chủ lực giải phóng thị xã Phan Rang, mở đường cho cánh quân hướng đông phát triển thuận lợi. Ở Bình Thuận, cũng từ ngày 7 tháng 4, trung đoàn 812 (chủ lực của Quân khu 6) từ Tuyên Đức xuống Bình Thuận, ngày hôm sau tiến công tiêu diệt chi khu quận lỵ Thiện Giáo (Ma Lâm), tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang đía phương diệt các vị trí địch còn lại. Trung đoàn 812 bám trụ Phú Long (cửa ngõ vào thị xã Phan Thiết) trong suốt năm ngày, từ 14 đến 18 tháng 4, dưới hoả lực phi pháo ác liệt của địch, đánh lui nhiều đợt phản kích của chúng, cùng với đơn vị của Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Phan Thiết.
Thế là, tiếp theo việc giải phóng hoàn toàn các tỉnh Lâm Đồng (ngày 30 tháng 3), Tuyên Đức (ngày 3 tháng 4). Bình Thuận (ngày 19 tháng 4), Bình Tuy (ngày 23 tháng 4), gần như toàn bộ địa bàn Khu 6 đã được giải phóng(4), ý đồ phòng ngự từ xa của địch hoàn toàn bị phá sản. Nhìn vào bản đồ chiến sự, đến hạ tuần tháng 4, dễ dàng nhận thấy một thế chiến lược vô cùng thuận lợi của ta đã được tạo ra trước khi mở màn chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Một vùng giải phóng rộng lớn kéo dài suốt từ Cực Nam Trung Bộ, qua Khu 5, Tây Nguyên đến Trị Thiên, nối liền với hậu phương miền Bắc. Như vậy là cả nước đã tiến quân đến mảnh đất Thành Đồng, đã tiếp cận thành phố Sài Gòn - Gia Định và đang hướng mọi hành động vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng trên chiến trường trọng điểm: Sài Gòn.
Trong những tin chiến thắng dồn dập bay về Tổng hành dinh mấy tuần đầu tháng 4, chúng tôi đặc biệt chú ý tin ngày 8 tháng 4, phi công Nguyễn Thành Trung(5) lái một máy bay F.5E của không quân nguỵ ném bom "dinh Độc Lập" rồi bay ra vùng giải phóng hạ cánh xuống sân bay Phước Long và tin bộ đội hải quân phối hợp với lực lượng vũ trang Khu 5 bắt đầu giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đầu tiên là đảo Song Tứ Tây(6).
Riêng trên hướng đông-bắc Sài Gòn, theo chủ trương trước đó của Trung ương Cục, Quân đoàn 4 đã bắt đầu trận Xuân Lộc từ đêm ngày 9 tháng 4. Chúng tôi được tin địch đưa thêm quân tăng cường ra hướng đó và vì ta chuẩn bị chưa thật đầy đủ nên đã gặp khó khăn, chưa thực hiện được trận thối động mạnh. Từ ngày 12, cùng với việc chuẩn bị thêm, ta đã chuyển sang bao vây và diệt viện ở bên ngoài, đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18 và lữ dù nguỵ, đánh chiếm Dầu Giây, làm chủ ngã ba đường 1 và đường 20, chia cắt Xuân Lộc về phía tây, uy hiếp tuyến phòng thủ Biên Hoà - Hố Nai. Trước tình hình đó và sau trận Phan Rang, sức ép của ta trên hướng đông ngày càng mạnh, buộc địch phải rút chạy khỏi Xuân Lộc (đêm ngày 20 tháng 4). Tuyến phòng thủ phía đông Sài Gòn của địch bị chọc thủng, bàn đạp tiến công của ta trên hướng này được mở rộng. Ta có thêm điều kiện thuận lợi mới trước khi bước vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Cùng với việc theo sát và giúp trên chỉ đạo tác chiến của cánh quân ven biển Cực Nam Trung Bộ, Bộ Tổng Tham mưu quan tâm theo dõi tình hình chuẩn bị lực lượng chính trị của ta ở Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long, nhằm chuẩn bị phối hợp với đòn tiến công của chủ lực trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Trong các buổi giao ban, tuy tin tức nhận được về công tác chuẩn bị cho quần chúng nổi dậy không nhiều, chúng tôi vẫn đặt thành nhiệm vụ cho Cục Tác chiến và nhất là Cục Dân quân thường xuyên báo cáo những bước chuẩn bị nổi dậy của quần chúng trên chiến trường trọng điểm, nhất là sau khi phát hiện những nhân tố mới về phương thức này trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.
Ngày 17 tháng 4, Bộ Tổng Tham mưu điện hỏi cơ quan tham mưu B2 về tình hình chuẩn bị lực lượng quần chúng ở nội đô và vùng xưng quanh Sài Gòn, ở đồng bằng sông Cửu Long. Được biết ngày 12 tháng 4, Thường vụ Thành uỷ Sài Gòn ra nghị quyết về các tổ chức chính trị và vũ trang nội thành và vùng ven để chuẩn bị khẩn trương cho quần chúng nổi dậy phối hợp với chủ lực khi chiến dịch giải phóng Sài Gòn mở màn. Khoảng 700 cán bộ nội thành và 1.000 cán bộ vùng ven đã được chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy. Gần 40 tổ chức "biến tướng" được củng cố và trở thành cơ sở của ta ở vùng ven và nội thành. Ta đã làm chủ với mức độ khác nhau 40 lõm chính trị, đã xây dựng được 233 tự vệ mật trong thành phố và hơn 3.000 du kích vùng ven. Đây là một lực lượng chưa phải lớn, nhưng rất quan trọng để thực hiện kết hợp tiến công và nổi dậy trong trận quyết chiến cuối cùng sắp tới. ơ đồng bằng sông Cửu Long, sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Cục(7), các địa phương trong Khu 9 đã tuyển hàng nghìn chiến sĩ mới, bổ sung cho lực lượng vũ trang tinh và huyện. Các tỉnh đã nâng số tiểu đoàn địa phương từ 15 lên 24, đưa số đại đội ở huyện lên thành tiểu đoàn và tổ chức thêm được 60 đại đội khác. Dân quân du kích toàn Khu 9 đã nhanh chóng nâng từ 32.900 (tháng 3 năm 1975) lên 54.900 (tháng 4 năm 1975). Ở Khu 8, do kết quả tuyển quân và đưa 2.440 du kích lên, cộng với việc rút 1.200 du kích trong vùng sâu ra, toàn khu đã thành lập thêm được 7 tiểu đoàn, 36 đại đội và 150 trung đội bộ đội địa phương. Riêng tỉnh Bến Tre đã phát triển bộ đội địa phương từ 3 lên 5 tiểu đoàn đủ; mỗi huyện có từ 1 đến 2 đại đội, mỗi xã có từ 1 đến 2 trung đội du kích và dự kiến số quần chúng đưa vào thị xã (khi có lệnh khởi nghĩa) lên tới khoảng một vạn người được tổ chức thành đại đội, tiểu đoàn, có chỉ huy chặt chẽ; cùng với hàng ngàn gia đình binh sĩ nguỵ tham gia công tác binh vận. Tỉnh Mỹ
Tho tuyển gấn 1.000 chiến sĩ mới, đưa hàng nghìn du kích lên bộ đội địa phương, nên đã bổ sung cho tinh 3 tiểu đoàn, xây dựng thêm 28 đại đội huyện và phát triển thêm 1.500 du kích xã ấp, trong đó có khoảng 100 du kích mật của thị xã; dã huy động chừng 40 nghìn lượt người đi vận chuyển vũ khí cho bộ đội và 4.000 lượt người đêm đêm ra phá lộ 4, đắp vật chướng ngại trên kênh Chợ Gạo(8). Các tỉnh Long An, Kiến Tường, Sa Đéc cũng rất cố gắng phát triển lực lượng vũ trang - chính trị nên đã có lực lượng cần thiết để sẵn sàng thực hành nổi dậy kết hợp với tiến công khi có thời cơ.
Vào khoảng trung tuấn tháng 4, khi Bộ Tổng Tham mưu báo cáo tổng hợp tình hình phát triển lực lượng chính trị và vũ trang vùng ven Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đều rất vui khi nhận thấy khả năng quấn chúng nổi dậy trên chiến trường B2 có thể phát triển sâu rộng hơn so với những gì đã diễn ra trong trận tiến công Đà Nẵng. Mô hình tiến công và nổi dậy mà Bộ Chính trị nhấn mạnh trong cuộc họp ngày 25 tháng 8 đã có cơ sở để biến thành hiện thực.
Cùng với việc theo dõi và chỉ đạo hoạt động tác chiến tạo thế cho cuộc đọ sức cuối cùng trên chiến trường trọng điểm, Bộ Tổng Tham mưu tập trung vào việc chỉ đạo điều động binh lực và vật chất kỹ thuật vào chiến trường B2 với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa" mà Bộ Chính trị đã đề ra trong các cuộc họp cuối tháng 3.
Vấn đề chuẩn bị và điều động lực lượng cho mặt trận Sài Gòn được đề ra khá sớm, từ những ngày chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng đang diễn biến khẩn trương. Cuối tháng 3, đặc biệt là sau cuộc họp ngày 31 của Bộ Chính trị, vấn đề lo lắng của cơ quan Tổng hành dinh cũng như của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trên đường 559 và các chiến trường phía nam là bất luận trong tình hình nào cũng không được vì điều động lực lượng mà để lỡ thời cơ chiến lược.
Một đoàn cán bộ tham mưu và hậu cần được cử đi giúp đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng, chuyên trách việc đôn đốc hành quân trên trục đường 559. Quán triệt phương châm "thần tốc thần tốc hơn nữa", hoạt động của guồng máy chi viện chiến lược được đẩy lên với tốc độ ngày càng cao. Ở cơ quan tham mưu, hậu cần, trên đường 559 cũng như ở B2, các cán bộ lãnh đạo đều tập trung theo dõi hành trình của Quân đoàn 1 xuất phát từ phía nam đồng bằng Bắc Bộ; của các lực lượng B3, xuất phát từ nhiều hướng trên chiến trường Tây Nguyên; của sư đoàn 320b xuất phát từ Trị Thiên; của sư đoàn 3 từ Bình Định, các sư đoàn 325 và 304 từ Đà Nẵng, v.v. Hai cơ quan tham mưu và hậu cần chiến lược đặc biệt quan tâm theo dõi việc vận chuyển đạn lớn, nhất là đạn cho xe tăng. Điện hỏi và điện trả lời liên tục. Động viên, đôn đốc, thúc giục để cùng nhau chạy đua với thời gian, với thời tiết, với quân thù. Làm sao giành được thắng lợi trọn vẹn trước khi những cơn mưn đầu mùa đổ xuống. Từ tháng 3 Bộ Chính trị đã từng khẳng định: Lỡ thời cơ chiến lược là có tội. Thần tốc, táo bạo, bât ngờ, chắc thắng chính là mệnh lệnh chiến đấu, là khẩu hiệu hành động để biến quyết tâm đó thành thắng lợi. Mà bất ngờ và chắc thắng lúc này chủ yếu là khâu thời gian. Phải làm sao cho thời gian, vốn đã ủng hộ chúng ta, sẽ ngày càng ủng hộ chúng ta nhiều hơn nữa.
Như chương trên dã nói, việc gấp rút tập trung lực lượng để hình thành thế bao vây và chia cắt quân dịch trên chiến trường trọng điểm đã được Bộ Chính trị đề ra từ các cuộc họp cuối tháng 3.
Chủ trương đó đã, được phổ biến tới các cấp lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường Tây Nguyên, Khu 5, Nam Bộ.
Trên hai trục đường Đông và Tây Trường Sơn, tất cả các đơn vị đang hành quân đều được lệnh tăng tốc độ với tinh thần khẩn trương nhất. Từ cuối tháng 3, Bộ tư lệnh Tây Nguyên đã nhận được chỉ thị đôn đốc và giúp đỡ hai sư đoàn 341, 316 và các sư đoàn khác ở Tây Nguyên "vào cho đủ càng nhanh càng tốt".
Quân đoàn 1, do anh Nguyễn Hoà làm tư lệnh, anh Hoàng Minh Thi làm chính uỷ, từ cuối tháng 3 đã được lệnh hành quân cấp tốc với 2 sư đoàn và các đơn vị binh khí kỹ thuật. Riêng sư đoàn 308 được chọn ở lại bảo vệ hậu phương lớn. Yêu cầu đặt ra với quân đoàn là phải hết sức khẩn trương để khoảng ngày 10 tháng 4, đơn vị đầu tiên đã đến khu vực Đồng Xoài. Bộ Tổng Tham mưu đã phải gấp rút bổ sung quân trước ngày quân đoàn lên đường vì trong những tháng cuối năm 1974, đầu năm 1975, một số khá đông lực lượng của quân đoàn đã được rút đi để tăng cường theo yêu cầu khẩn trương của chiến trường lúc đó. Chúng tôi chuyển điện của anh Văn cho anh Thọ biết tin về hành trình của Quân đoàn 1, vì dọc đường vào B2, anh Thọ điện ra cho anh Ba và anh Văn yêu cầu cho Quân đoàn 1 lên đường sớm.
Riêng cánh quân ven biển do anh Tấn chỉ huy, mặc dù phải nâng tốc độ tiến công trong hành tiến, vào những ngày giữa tháng 4, sau chiến thắng Phan Rang, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cũng như các anh ở B2 luôn điện hỏi bao giờ những đơn vị đầu tiên của cánh quân này đến Bà Rịa. Các anh chờ đợi việc áp sát tuyến phòng thủ Biên Hoà - Hố Nai, cắt đường 15 và sông Lòng Tàu, để cùng với việc giải phóng Xuân Lộc, hình thành thế bao vây Sài Gòn trên hướng đông và đông-nam. Những ngày từ 16 đến 20 tháng 4 luôn có những bức điện đôn đốc cánh quân ven biển nâng tốc độ hành quân hơn nữa và những bức điện hỏi nhu cầu vật chất cần giải quyết để bảo đảm hành quân thần tốc.
Không những Đoàn 559(9) mà Bộ tư lệnh Khu 5 cũng được chỉ thị giúp đỡ về mọi mặt, nhất là về lương thực, phương tiện vận chuyển và xăng dầu để Cánh quân hướng Đông sớm tới chiến trường trọng điểm.
Tháng Tư, toàn quân hướng về chiến trường trọng điểm mà xốc tới. Những binh đoàn từ miền Bắc, Trị Thiên đến Tây Nguyên và Khu 5 nườm nượp lên đường. Từng binh đoàn, xuất phát từ nhiều địa bàn khác nhau và những thời điểm không giống nhau, đi trên nhiều trục đường khác nhau và bằng những phương tiện cũng không giống nhau, nhưng đều hành quân với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa", có đơn vị vừa đi vừa đánh địch để mở đường, có đơn vị vượt cung, tăng trạm. Theo sát và nắm vững hành trình của các binh đoàn đang thi đua lao nhanh về phía chiến trường trọng điểm, đối với cơ quan tham mưu lúc này là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Hai trục đường vận chuyển chiến lược Đông và Tây Trường Sơn đã mở rộng, vươn dài. Lại có thêm tuyến đường 14 và đường 1. Rõ ràng so với trước, ta có thêm rất nhiều thuận lợi trong việc cơ động bộ đội từ các hướng đổ cả về hướng trọng điểm. Nhưng một khó khăn không nhỏ là xe cơ giới không đủ để đáp ứng yêu cầu, mặc dù Bộ Quốc phòng đã được phép huy động mọi phương tiện có thể huy động được ở hậu phương và đã tận thu xe của địch, huy động cả xe của dân trong những vùng mới giải phóng. Ngoài lực lượng bộ đội quá lớn cần hành quân gấp, còn có hàng ngàn, hàng vạn cán bộ Đảng và chính quyền, mặt trận được cử vào cũng với tinh thần "thần tốc", để nhanh chóng tham gia củng cố vùng mới giải phóng vừa mới mở ra quá rộng, vượt mọi dự kiến của các ngành, các cấp.
Trong các buổi giao ban vào những ngày giữa tháng Tư này, điều mà Bộ Tổng Tham mưu quan tâm hàng đầu là từng chặng đường đến vị trí tập kết xung quanh chiến trường trọng điểm của từng đơn vị. Các đồng chí trực ban tác chiến phải luôn sẵn sàng trả lời: Vì sao đơn vị A đi chậm? Đơn vị B đã đến đâu? Đơn vị C đến X từ bao giờ? v.v.
Trong những ngày cực kỳ sôi động của chiến tranh cách mạng và dồn dập tin chiến thắng này, không chỉ trong cơ quan Tổng hành dinh mà trong từng làng bản phố phường, từng nhà, từng người ở hậu phương lớn miền Bắc, hầu như ai ai cũng dõi theo bước chân người chiến sĩ trên đường vào Nam, tiến về Sài Gòn.
Cả nước ra trận và cả nước cùng hướng theo bước chân của các đoàn quân ra trận, đoàn quân chiến thắng, đoàn quân giải phóng.
Nhiều chiến sĩ trước khi lên đường, đã từng hứa với gia đình, với người thân là sẽ biên thư về nhà ngay sau khi đặt chân vào thành phố Sài Gòn giải phóng. Ước mơ của người chiến sĩ rất chính đáng và cũng giản dị vậy thôi. Thế nhưng, tôi xin phép dừng một chút ở đây để nói về một chi tiết cần nói.
Trong số hàng chục vạn bộ đội đang hối hả hành quân lao lên phía trước, lại có những ngưòi đã được lệnh dừng lại dọc đường. Vùng giải phóng đã mở ra quá rộng, mà mở đến đâu củng cố vững chắc đến đó. Thế là có những chiến sĩ, những cán bộ không được cùng đồng đội tiếp tục chặng đường vào Nam, tiến về Sài Gòn. Có những chiến sĩ dừng chân trên dải đất mặn ven biển miền Trung, với cồn cát và sóng biển; lại có những chiến sĩ ở lại vùng nam, bắc Tây Nguyên với núi cao và rừng sâu.
Cảnh vật, khí hậu, tiếng nói, từng vùng có khác nhau, nhưng tình nghĩa quân dân đâu đâu cũng là tình cá nước. Sống trong tình thương yêu đùm bọc của đồng bào trên mảnh đất vừa giành lại từ tay quân thù, các chiến sĩ của chúng, ta làm quen dần với nhiệm vụ vận động, tổ chức quần chúng, củng cố thành quả cách mạng, một nhiệm rất mới mẻ đối với người chiến sĩ trẻ. Phải quen phong tục tập quán, phải học tiếng nói của nhân dân địa phương, để cùng cán bộ các ngành, cùng đồng bào xây dựng và ổn định cuộc sống mới: dựng lại trường học, bệnh xá, mở mang đường giao thông, phát triển sản xuất, củng cố các đoàn thể quần chúng, v.v. Công việc thật đa dạng và phức tạp, lại phải tiến hành rất tích cực khẩn trương để nhanh chóng củng cố vững chắc vùng giải phóng thành hậu phương trực tiếp của chiến trường trọng điểm.
Dựa vào dân, được sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân sớm gắn bó thiết tha với cách mạng, với chế độ mới, anh "bộ đội Cụ Hồ" đã vượt qua tất cả và đã làm được tất cả, trước hết là việc vận động nhân dân lùng quét bọn tàn quân Phun-rô((10). Những nhóm tàn quân này bị bọn cầm đầu lừa gạt và khống chế, chưa chịu hạ súng trở về mà vẫn lén lút phá hoại cuộc sống mới của chính quê hương, buôn làng mình vừa mới được giải phóng.
Cuộc chiến đấu truy quét bọn tàn quân Phun-rô khác hẳn với những trận đánh mặt đối mặt với quân Mỹ-nguỵ mà người chiến sĩ trẻ đã từng trải qua. Có trận chiến đấu đòi hỏi đấu trí nhiều hơn đấu súng. Vận động nhân dân, cùng nhân dân tiêu diệt, làm ta rã gọi hàng bọn Phun-rô, đối với anh em chiến sĩ quả là một nhiệm vụ đòi hỏi lòng kiên nhẫn, trí thông minh, tinh thấn dũng cảm. Anh cũng hiểu rằng nhiệm vụ này không thể hoàn thành một sớm, một chiều, và anh đã tự nguyện gắn mình với nhiệm vụ ấy với bản chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng mà Bác Hồ đã dạy "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Sau mỗi chiến công, dù không vang dội nhưng lại rất quan trọng đối với việc bảo vệ và củng cố vùng mới giải phóng, kịp thời huy động sức người, sức của cho trận quyết chiến cuối cùng, anh lại thấy như chính mình đang cùng những bước chân rầm rập của những binh đoàn hùng mạnh tiến nhanh về phía nam, tiến về Sài Gòn.
Cùng với việc theo dõi hành trình của các binh đoàn đang dồn dập tiến về Nam, một vấn đề khác, mà Bộ Tổng Tham mưu quan tâm trong những ngày giữa tháng Tư này là vấn đề đạn cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, nhất là đạn pháo xe tăng.
Ngày 22, từ chiến trường miền Đông Nam Bộ, anh Dũng điện ra cho biết: Mấy ngày nay, đạn ở Đoàn 559 bắt đầu vào đến nơi.
Anh cho kiểm tra lại thì thấy đạn xe tăng quá ít, mới chỉ được một cơ số, còn các loại đạn pháo khác tuy không nhiều nhưng đã có khoảng 3 cơ số, tạm đủ. Anh yêu cầu cho dùng máy bay đưa gấp vào Buôn Ma Thuột chừng một vạn viên đạn 100 mi-li-mét cho xe tăng. Hậu cần Miền sẽ tổ chức đón nhận đưa tiếp cho B2.
Hôm sau, trong điện báo cáo Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương về dự kế hoạch nổ súng trên các hướng, anh Dũng lại cho biết đang tập trung giải quyết khó khăn về đạn pháo, đạn cho xe tăng và xe cơ động cho các mũi đột kích để kịp thời gian mở màn chiến dịch.
Thực ra ngoài này chúng tôi chưa nắm được thật chắc hành trình của từng đoàn xe chở từng loại hàng đưa vào chiến trường, nhất là xe đang phải đi với yêu cầu nhanh nhất, đến sớm nhất.
Ngày 19 tháng 4, Bộ Tổng Tham mưu điện vào chiến trường báo để các anh trong đó biết: đã cho 240 xe của Đoàn 559 chở 13.000 viên đạn pháo 130 mi-li-mét xuất phát ngày 17 tháng 4, cùng với 40 xe chở phụ tùng xe tăng và 150 xe khác của Tổng cục Hậu cần. Đạn cối 160 mi-li-mét đã được huy động từ tất cả các kho ở miền Bắc để đưa vào và cũng đang trên đường đi.
Trong điện đó, chúng tôi cũng đề nghị anh Dũng cho biết nhu cầu cụ thể theo thứ tự ưu tiên cần đưa vào, vì hiện nay phương tiện vận chuyển rất thiếu, trong khi khối lượng bộ đội hành quân và binh khí kỹ thuật rất lớn. Nếu thứ tự ưu tiên không được xác định cụ thể để kịp thời điều chỉnh phương tiện vận chuyển, sẽ có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tác chiến.
Ngày 22 tháng 4, sau khi nhận được điện của anh Dũng nói về đạn cho xe tăng, Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Hậu cần cho kiểm tra lại và trả lời ngay để các anh yên tâm: 8.300 viên được chở bằng ô tô, 2.300 viên sẽ tới Đồng Xoài ngày 26 tháng 4, số 6.000 viên còn lại sẽ tới vào ngày 28 tháng 4; 2.944 viên đưa bằng đường biển đến Quy Nhơn và Nha Trang trong hai ngày 23 và 24.
Đoàn 559 đã được chỉ thị chở tiếp vào B2. Dự kiến sẽ có thêm 20.000 viên đến Nha Trang vào ngày 1 tháng 5. Các đoàn tàu và xe chở đạn cho xe tăng đã nhận chỉ thị đi gấp vào chiến trường càng sớm càng tốt.
Hai cơ quan tham mưu và hậu cần đã cùng tính toán lại, thấy dùng máy bay chở được rất ít, trên thực tế cũng không nhanh hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho máy bay chở trước một số đạn xe tăng vào Buôn Ma Thuột, vì cơ quan hậu cần Miền đã cho xe ra đón.
Riêng ở hướng đông, được biết anh Tấn còn thiếu cả đạn 130 mi-li-mét, đạn 100 mi-li-mét cho xe tăng, đạn Đ.74 và đạn 85 mi-li-mét, mỗi loại chừng 4.000 viên. Bộ Tổng Tham mưu báo cho anh Tấn biết: Số đạn đó ngày 24 tháng 4 đã có ở Quy Nhơn và Nha Trang. Anh Đồng Sĩ Nguyên đã được chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh cho chuyển ngay vào giao cho cánh quân hướng Đông.
Trên hướng tiến công của cánh quân này, Thành Tuy Hạ là một kho đạn lớn của địch. Chúng để ở đó nhiều đạn pháo 105 và 155 mi-li-mét. Đặc công và pháo binh đã nhận được chỉ thị: Chỉ phá những kho thật cần thiết theo yêu cầu tác chiến, để khi đánh chiếm, quân ta có thể tận dụng đạn chiến lợi phẩm sử dụng ngay trong quá trình chiến đấu. Bộ Tổng Tham mưu đã thông báo tình hình trên đây để anh Tấn nghiên cứu khi tổ chức trận địa pháo ở Nhơn Trạch khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như trong quá trình phát triển, bắn vào các mục tiêu đã định trong nội thành.
Càng về cuối tháng Tư, việc theo dõi và đôn đốc các chuyến hàng vào mặt trận Sài Gòn càng sát sao, khẩn trương. Anh Đồng Sĩ Nguyên, anh Phùng Thế Tài luôn luôn kiểm tra và nhắc nhở để các trạm điều chỉnh giao thông trên đường vận chuyển chiến lược nắm được nhu cầu của chiến trường. Hàng vận chuyển được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: Đạn lớn 130, 100, Đ74, ĐKZ75, ĐKZ82, đạn cối 120, đạn pháo 85, 122, xăng dầu trước hết là dầu mỡ phụ.
Số vũ khí ở Tây Nguyên (kể cả số chiến lợi phẩm) đã được đưa vào hơn 1,5 vạn tấn. Các đồng chí lãnh đạo các quân khu từ Trị Thiên đến Khu 5, Khu 6 đều quan tâm đôn đốc việc đưa gấp đạn lớn vào chiến trường trọng điểm. Các phương tiện vận chuyển có thể huy động được đều tập trung để chuyển nhanh số đạn ở Cam Lộ (Trị Thiên) vào. Các trục đường chính, đường 1, 19, 14 và đường biển đều được tận dụng để nhanh chóng đưa hàng vào Quy Nhơn, Nha Trang.
Tất cả guồng máy vận tải chuyển động liên tiếp, dồn dập, từ Bắc đến Nam, trên các trục đường, đi về một hướng: chiến trường trọng điểm Sài Gòn., Lọt thỏm trong đội hình khổng lồ của hàng vạn chiếc xe rải ra trên hàng ngàn ki-lô-mét là hai chiếc xe chở bản đồ, xuất phát từ Hà Nội ngày 10 tháng 4. Một sự kiện từ hồi Điện Biên Phủ lại tái diễn: Bản đồ "hành quân" cấp tốc ra chiến trường cho kịp ngày mở màn chiến dịch. Bộ Tổng Tham mưu điện báo để cơ quan tham mưu mặt trận theo dõi hành trình của hai chiếc xe đặc biệt này. Thực ra ngày 14 tháng 4, khi điện cho anh Lê Ngọc Hiền, chúng tôi cũng chưa nắm vững hai chiếc xe đó đã đi đến đâu. Khi ra đi, chỉ dặn anh em đến đâu, nhờ đài tại chỗ báo vào để các anh trong đó nắm được. Ngày 20 tháng 4, xe chở bản đồ phải đến Đồng Xoài.
Một vấn đề quan trọng khác mà Bộ Tổng Tham mưu đang tập trung nghiên cứu để đề đạt với Quân uỷ Trung ương là cách đánh trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Ngày 12 tháng 4, sau khi được bổ sung một số cán bộ, Tổ trung tâm(11) họp để triển khai công tác.
Hai anh Nguyễn Văn Xuyến, Phó tư lệnh B2; Trần Hải Phụng, Tư lệnh mặt trận Sài Gòn trước đây, hiện đang nghỉ ở ngoài Bắc, đã góp phần tích cực vào việc nghiên cứu của tổ.
Là những người hoạt động lâu trong đó, các anh đã giúp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng.
Lúc này trận Xuân Lộc đang tiếp diễn. Nhiệm vụ đề ra cho tổ là căn cứ tình hình cụ thể về địch, về ta, nghiên cứu và đề đạt phương án tác chiến theo hai tình huống: 1) Chiến dịch giải phóng Sài Gòn diễn ra nhanh. 2) Chiến dịch phải kéo dài sang cả mùa mưa.
Ngày 13 tháng 4, tổ nghe báo cáo về tình hình địch ở Sài Gòn và vùng ven, do anh Phụng trình bày. Anh biết khá tường tận về cái sào huyệt cuối cùng này của nguỵ. Bản báo cáo này đã giúp cho tổ và cho cả chúng tôi những hiểu biết cụ thể về địch, từ lực lượng, cách bố phòng đến cấu trúc của những công thự quan trọng sẽ là mục tiêu tiến công chủ yếu của ta trên từng hướng.
Tiếp đó Tổ trung tâm trao đổi cụ thể kế hoạch tác chiến và thảo luận sôi nổi xung quanh mấy ý kiến đã được gợi ra, về các vấn đề:
- Quyết tâm nhanh chóng hình thành thế bao vây, chia cắt địch cả về chiến lược và chiến dịch;
- Khả năng tiêu diệt địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm vào nội đô;
- Trận then chết, tiêu diệt lực lượng cơ động của địch;
- Khống chế sông Lòng Tàu và kênh Chợ Gạo, các sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất;
- Sử dụng máy bay địch đánh các mục tiêu trong đất liền và chặn đường rút chạy của chúng hướng ra biển, ra đảo.
Ngày 16 tháng 4, sau khi tổng hợp ý kiến thảo luận, anh Khánh báo cáo với Thường trực Quân uỷ Trung ương. Thêm một số ý kiến được đặt ra để anh em nghiên cứu tiếp:
- Khả năng tan rã của địch: Trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này có diễn ra như từ Tây Nguyên đến Đà Nẵng không?
- Biện pháp đối phó của địch khi phát hiện lực lượng ta xung quanh Sài Gòn, nhất là trên hướng đông? Và khả năng hoạt động của không quân địch khi Biên Hoà và Tân Sơn Nhất bị khống chế mạnh? Chớp thời cơ thế nào khi Mỹ bỏ cuộc hoặc thay Thiệu?
- Cách giải quyết tuyến phòng thủ vòng ngoài, áp sát nội đô, dồn địch vào thế rã nhanh, hàng nhanh?
- Phương án tác chiến trong mùa mưa, nếu không đứt điểm được nhanh?
Thêm nhiều tin tức giúp cho việc nghiên cứu và rút ra kết luận thuận lợi hơn: lời tuyên bố của Pho cho thấy Mỹ sẽ phải bỏ cuộc; lực lượng dự bị chiến lược của Thiệu đã tung ra hết. Không quân địch còn 3 sư đoàn, nhưng khả năng hoạt động sẽ rất hạn chế nếu các sân bay Biên Hoà và Tân Sơn Nhất bị khống chế mạnh, v.v.
Ngày 17 tháng 4, tôi cùng anh Khánh dự thảo luận với anh em.
Đây là buổi thảo luận cuối cùng của tổ. Tấm bản đồ Nam Bộ treo trên tường đã được ghi những tin tức mới nhất. Nhìn trên bản đồ, anh em trong tổ nhanh chóng nhất trí đi đến kết luận về thế bố trí của địch trên từng hướng. Hướng đông và tây-tây-bắc là những hướng địch mạnh. Hướng tây và tây-nam yếu hơn. Vòng ngoài địch mạnh, trong nội đô yếu hơn. Vùng 4 của địch sơ hở, vì chủ lực đã bị điều về giữ Cần Thơ và rải ra giữ các thị xã lớn và đường 4; vùng nông thôn chỉ còn bảo an, đây là thời cơ quần chúng bung ra, tự lực giải phóng bằng kết hợp tiến công và nổi dậy Cuối buổi thảo luận, chúng tôi đi đến nhất trí rút ra mấy kết luận về kết quả nghiên cứu của tổ, để báo cáo và đề đạ lên Thường trực Quân uỷ Trung ương:
1. Về thế bố trí của địch: Đặc điểm nổi lên trong cách phòng thủ của quân nguỵ là ngoài mạnh, trong rỗng. Chúng dồn cả chủ lực ra vành ngoài, hòng đối phó với các binh đoàn chủ lực của ta.
Song, bên ngoài, địch đã bị áp sát và bao vây trên các hướng. Bên trong, cách phòng thủ của địch là gắn ven đô với nội đô. Nhưng nội đô đã nằm trong tầm pháo của ta, ta lại đã có lực lượng ngầm sẵn sàng hành động. Địch ở vào thế bị ta có thể phối hợp trong ngoài cùng đánh. Nếu bên ngoài, chủ lực địch bị diệt và tan rã, bên trong bị quần chúng nổi dậy ở cơ sở thì địch sẽ hoảng loạn như đã từng diễn ra ở Đà Nẵng. Mỹ sẽ rút chạy, bỏ rơi nguỵ. Ta có khả năng nhanh chóng làm chủ thành phố.
2. Về xác định hướng tiến công: Hướng đông-bắc là hướng chủ yếu; hướng bắc (Bình Dương) và hướng tây là các hướng rất quan trọng; hướng đông-nam là hướng thọc sâu bất ngờ; hướng nam là hướng rất hiểm yếu.
3. Về cách đánh: Kết hợp tiến công và nổi dậy, đánh từ ngoài bằng lực lượng đột kích mạnh, phối hợp với lực lượng bên trong; kết hợp nhiều mũi, có trọng điểm; trước hết phải bao vây, chia cắt, tiêu diệt và làm tan rã các cụm phòng thủ bên ngoài của địch, không cho chúng co cụm về ven đô và nội đô. Nếu tuyến ngoài đánh không tết, tác chiến ở ven đô và nội đô sẽ khó khăn, kéo dài.
4. Một số vấn đề cụ thể cần giải quyết để thực hiện cách đánh trên đây:
- Đôn đốc các cánh quân vào vị trí tập kết (cố gắng trong khoảng từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 4 đến đủ), để kịp mở màn chiến dịch, nhất là ở hướng bắc, tây-bắc và tây-nam.
- Cánh quân hướng đông đánh chiếm Bà Rịa phát triển xuống Vũng Tàu, chiếm Long Thành phát triển xuống Nhơn Trạch, đặt trận địa pháo ở đây bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
- Quân đoàn 4 sẵn sàng đánh địch rút khỏi Xuân Lộc, tiêu diệt và làm tan rã sư đoàn 18 nguỵ.
- Đoàn 232 tiếp tục cắt đường 4 trên các đoạn trọng điểm theo kế hoạch.
Các hướng nhanh chóng áp sát các mục tiêu, dùng pháo bắn vào sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, bộ Tổng Tham mưu nguỵ; hướng Khu 9 phối hợp khống chế sân bay Cần Thơ, không cho địch dùng để chi viện cho Sài Gòn.
Chuẩn bị chu đáo, hình thành thế bao vây chia cắt, tạo điều kiện thuận lợi tiêu diệt và làm tan rã chủ lực địch ở tuyến ngoài và tuyến trung gian, làm cho địch không kịp co cụm. Trong vùng trưng tuyến (Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát, Lái Thiêu) khi bộ đội chủ lực tiến công, kịp thời phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, phát triển rộng ra hướng bắc và tây-bắc. Thời cơ nổi dậy không quá sớm.
Trong quá trình tiến công của bộ đội chủ lực, lực lượng đặc công phải chiếm cầu và giữ cầu, tạo điều kiện cho các hướng thọc nhanh vào nội đô. Đặt biệt chú trọng đánh chiếm và chốt giữ cầu Mới, cầu Ghềnh, cầu xa lộ sông Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc, cầu Xa Lộ sông Sài Gòn, cầu Bình Phước, Bình Lợi, Bình Triệu ở hướng đông-bắc và bắc, cấu Bông, cầu Xáng trên hướng bắc và tây-bắc.
Các mũi đột kích trên các hướng có bộ binh cơ giới, tận dụng sơ hở của địch, nhanh chóng thọc sâu vào nội đô. Các đơn vị vũ trang ngầm bên trong dùng các tổ nhỏ đẩy mạnh hoạt động phá rối phía sau địch, kết hợp vơi hoạt động binh vận của các gia đình binh sĩ, gây tâm lý hoang mang, làm tan rã lớn hàng ngũ địch.
5. Nếu chiến dịch kéo dài sang mùa mưa, ta vẫn duy trì đà tiếp tục tiến công; cần chuẩn bị tốt mấy mặt công tác sau đây:
- Đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, động viên giữ vững quyết tâm chiến đấu liên tục.
Chuẩn bị lực lượng bổ sung, thay thế, trong đó chú trọng phương tiện tác chiến mùa mưa trong điều kiện địa hình vùng Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ.
- Bảo vệ các tuyến đường vận chuyển chiến lược, chiến dịch, phòng chống địch phá hoại và khắc phục thời tiết mùa mưn.
- Tăng cường lực lượng để đẩy mạnh tiến công và nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long, phối hợp thường xuyên và có hiệu quả với hướng chính Sài Gòn.
Nghiên cứu những vấn đề cụ thể về cách đánh trong mùa mưa, về quy mô lực lượng trên từng hướng, v.v.
Sau khi anh em bổ sung, chỉnh lý, đến ngày 18 tháng 4, Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng xong bản đề án để báo cáo đồng chí
Tổng tư lệnh. Được anh Văn đồng ý, anh Khánh cử người vào trao đổi với cơ quan tham mưu tác chiến của mặt trận. Tôi nhắc anh em: Đây chì là những ý kiến bước đầu để các anh trong đó tham khảo vận dụng; có thể điều này phù hợp, điều khác không phù hợp; có gì cần thiết, cơ quan tham mưu trong đó đề xuất thêm để cùng nhau nghiên cứu tiếp.
Ngoài việc nghiên cứu thêm về khả năng và phương thức nổi dậy, chúng tôi lưu ý anh em trong tổ theo dõi chặt chẽ các biện pháp đối phó của nguỵ và động tĩnh của bọn Mỹ để kịp thời thông báo cho chiến trường. Chiến tranh là một hiện tượng quân sự - chính trị - xã hội cực kỳ phức tạp, không ngừng biến động và luôn luôn đứng trước nhiếu khả năng, từ lúc khởi đầu đến khi kết thúc. Cơ quan tham mưu chiến lược bao giờ cũng phải tính toán mọi mặt, dự phòng mọi tình huống kể cả tình huống thuận lợi nhất cũng như tình huống khó khăn nhất, để bất luận trong tình hình nào cũng luôn luôn chủ động.
Sau khi ta chuyển hướng về cách đánh ở Xuân Lộc, Bộ Tổng Tham mưu nhận được tin địch điều chỉnh bố trí đội hình, co cụm để đối phó với ta. Chúng cố giữ đường 4 từ Sài Gòn đến Cần Thơ.
Chúng tôi phán đoán: Nếu địch phát hiện Quân đoàn 2 của ta tiến về Bà Rịa - Vũng Tàu thì chúng sẽ phải tăng thêm lực lượng để bảo vệ đường rút quân của chúng trên hướng này. Vì vậy cánh đông càng cần đẩy nhanh tốc độ hơn nữa.
Mới hai lần ta dùng pháo 130 mi-li-mét đánh vào sân bay Biên Hoà đã khiến cho địch rất lúng túng. Rõ ràng, nếu sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ đều bị khống chế mạnh và tê liệt hoàn toàn thì địch sẽ lâm vào tình thế rất khó khăn, tình hình sẽ diễn biến rất nhanh, tinh thần và khả năng chiến đấu của địch càng giảm sút nhanh hơn nữa.
Tin tức nhận được cho thấy khả năng Mỹ và các sứ quán nước ngoài chuẩn bị chạy khỏi Sài Gòn vào khoảng từ ngày 18 đến ngày 20-4-1975. Chúng tôi dự kiến lúc đó Sài Gòn sẽ rất lộn xộn, thậm chí hỗn loạn. Song cần theo dõi ý đồ của Mỹ, Pho và Kissinger có khả năng mượn cớ di tản để đề nghị quốc hội Mỹ viện trợ quân sự cho nguỵ núp dưới danh nghĩa "viện trợ nhân đạo" không?
Nhưng tình cảnh của nguỵ đã rất nguy kịch. Ngay ở Sài Gòn, lực lượng cơ động của chúng không còn đáng kể, chỉ còn 2 lữ dù xộc xệch. Nhiều máy bay đã phải đưa từ Biên Hoà về Tân Sơn Nhất và Cần Thơ. Sự điều động binh lực của nguỵ rất lúng túng. Trong khi đó, từ ngày 15, Mỹ rục rịch di tản khỏi Phnôm Pênh sau khi quyết định bỏ rơi bọn nguỵ Lon Non, Campuchia.
Thực tế đó cho phép suy nghĩ đến những biến động chính trị có thể xảy ra ngay trong trung tâm Sài Gòn. Thực tế đó cũng đòi hỏi ta phải hoàn chỉnh công tác chuẩn bị với nhịp độ khẩn trương hơn, sẵn sàng hành động ngay khi thời cơ mới xuất hiện.
Ngày 20 tháng 4, tin người Mỹ bắt đầu di tản khỏi Sài Gòn đã được xác minh. Đêm đó, địch rút chạy khỏi Xuân Lộc. Hôm sau, ngày 21 tháng 4, Thiệu từ chức; dân Biên Hoà bắt đầu sơ tán.
Thêm những bức điện đôn đốc các hướng đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiến quân, nhất là hướng đông. Chúng tôi chờ đợi tin cánh quân hướng đông đánh chiếm Bà Rịa - Vũng Tàu, cắt đường rút của địch, dùng pháo khống chế sông Lòng Tàu và chuẩn bị đánh Biên Hoà theo kế hoạch chung.
Sau cuộc hội ý của Bộ Chính trị sáng ngày 22 tháng 4, một bức điện của Bộ Chính trị do anh Ba ký được chuyển gấp vào cho các anh trong chiến trường. Bức điện nhắc lại việc địch bỏ Xuân Lộc, việc Thiệu từ chức, rồi khẳng định: Tình hình nói trên đang gây rối loạn lớn trong nội bộ nguỵ. Phong trào nhân dân có thể có bước phát triển mới: Mỹ - nguỵ đang tìm cách trì hoãn cuộc tiến công của ta vào Sài Gòn, lập ra chính phủ mới và đưa ra đề nghị với ta (qua chính phủ Lào) về ngừng bắn với hy vọng đi đến một giải pháp chính trị hòng cứu vớt tình thế nguy khốn, tránh bị thất bại hoàn toàn. Thời cơ quân sự và chính trị để mờ cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, từng giờ kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn.
Bộ Chính trị nhấn mạnh:
- Các anh ra chỉ thị ngay cho các hướng hành động kịp thời, chú trọng kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng. Sự hiệp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động, v.v...".
Cùng ngày 22 tháng 4, tiếp theo điện của Bộ Chính trị là điện của Quân uỷ Trung ương, nói rõ thêm mấy điểm đã bãn trong Thường trực Quân uỷ và trong cuộc họp vừa qua của Bộ Chính trị.
Sau khi nêu lên những phán đoán về âm mưu địch phòng thủ trên haỉ địa bàn chiến lược còn lại là Sài Gòn-Gia Định và đồng bằng sông Cửu Long, bức điện khẳng định thời cơ chiến lược đã đến, phải kịp thời thực hiện chủ trương tổng tiến công và nổi dậy, tranh thủ từng ngày, từng giờ giành thắng lợi liên tiếp. Quân uỷ Trung ương cũng nêu một số ý kiến về đặc điểm tình hình địch, ta, nhiệm vụ và yêu cầu hành động của từng hướng. Tinh thần chung là hết sức phát huy tính chủ động, tranh thủ thời gian tiêu diệt địch, áp sát mục tiêu và sẵn sàng phát triển tiến công vào nội đô trên hướng sơ hở nhất của địch, có lợi nhất cho ta. Các lực lượng đặc công và biệt động của ta ở nội đô phải kịp thời tiêu diệt các mục tiêu quan trọng và hiểm yếu đã được xác định. Phải nắm chắc tình hình chính trị và quân sự, kịp thời chỉ đạo quần chúng nổi dậy đúng lúc. Riêng ở hướng tây - nam và đường 4, cần có kế hoạch chỉ đạo cụ thể giúp các đơn vị khắc phục khó khăn thực hiện cho được mấy nhiệm vụ cụ thể:
- Các đơn vị có nhiệm vụ tiến công vào nội đô phải nắm chắc tình hình, tích cực tạo mọi điều kiện, sẵn sàng tiến công vào nội đô.
- Tập trung lực lượng, chọn một đoạn tương đối thuận lợi trên đường từ phía Tân An đến Cai Lậy để bộ đội ta tiêu diệt một số vị trí của địch, thực hiện cho được chia cắt chiến lược, khống chế vững chắc, buộc địch phải đối phó ; đồng thời sẵn sàng ngăn chặn, tiêu diệt địch khi chúng rút quân từ Sài Gòn về Cần Thơ.
Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục theo dõi và nghiên cứu các biện pháp đối phó của địch để đề đạt ý kiến bổ sung về cách đánh.
Lời khai của viên trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị bắt ngày 16-4 ở Phan Rang, đáng cho chúng ta chú ý. Cục Tình báo đã khai thác được những tin tức khá quan trọng. Chúng tôi điện những nội dung chủ yếu lời khai của Nguyễn Vĩnh Nghi có liên quan đến cách đánh sắp tới của ta, đồng thời cho người mang gấp băng ghi âm lời khai vào chiến trường để các anh trong đó tham khảo.
Nguyễn Vĩnh Nghi không rõ toàn bộ lực lượng trên các hướng của ta mà chỉ biết lực lượng B2. Theo y thì bộ Tổng Tham mưu nguỵ phán đoán ta có thể đánh vào Sài Gòn trên hai hướng: theo đường 1 từ phía bắc xuống, từ phía đông sang và theo đường 13 từ phía bắc, đông-bắc xuống.
Địch giữ Sài Gòn bằng cách phòng thủ từ xa, theo vòng cung từ Gò Dầu Hạ, Lai Khê, Biên Hoà, Xuân Lộc. Mỗi hướng một sư đoàn.
Trường hợp Sài Gòn bị tiến công, địch sẽ rút 3 sư đoàn của vùng 4 chiến thuật về Cần Thơ: 1 sư đoàn lấy việc giữ sân bay làm trọng điểm, trong vòng bán kính 12 ki-lô-mét; 1 sư đoàn án ngữ dọc đường số 4 từ Vĩnh Long đến Cai Lậy; 1 sư đoàn từ Cai Lậy đến Tân An.
Địch cho rằng có giữ được đoạn đường này mới bảo đảm giữ được Sài Gòn và ngược lại, có giữ được Sài Gòn mới giữ được vùng 4.
Theo Nguyễn Vĩnh Nghi thì chưa bao giờ địch có ý định bỏ Sài Gòn rút về vùng 4, vì vùng này chưa được chuẩn bị cơ sở tiếp tế và hậu cần.
Nghi khai rằng trong nội đô Sài Gòn, lực lượng chủ yếu của địch là cảnh sát và phòng vệ dân sự. Trừ các trọng điểm, trong thành phố không có tổ chức phòng thủ. Hắn cho rằng ta không nên trực tiếp đánh vào Sài Gòn mà chỉ cần chiếm các sân bay và tiêu diệt các lực lượng phòng thủ vòng ngoài thì địch trong thành phố Sài Gòn sẽ rã. Nếu có đánh vào trong thì chủ yếu là đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, bộ Tổng Tham mưu và quân dù ở trại Hoàng Hoa Thám.
Hướng hiểm yếu nhất, theo Nguyễn Vĩnh Nghi, là tiến công từ phía Gò Dầu Hạ-Trảng Bàng. Trên hướng đông, địch có khả năng phá các cầu quan trọng để ngăn chặn ta.
Về kho tàng, Nghi cho rằng các kho chủ yếu là Nhà Bè và Cát Lái. Cát Lái là kho đạn chính của địch hiện nay. Long Bình chỉ là kho tiếp liệu có đánh cũng ít tác dụng.
Hiện nay địch dựa chủ yếu vào lực lượng không quân, vì lực lượng phòng thủ bị căng mỏng, lực lượng dự bị còn ít. Do đó, sự tồn tại của 3 sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ là hết sức quan trọng đối với chúng, trong đó sân bay Biên Hoà đóng vai trò quan trọng đặc biệt. Đây là nơi sửa chữa các loại máy bay F.5 và A.37. Các sân bay Tân Sơn Nhất và Cần Thơ không có thiết bị kỹ thuật để sửa chữa hai loại máy bay này. Vừa qua, địch phải sơ tán một số, song về cơ bản địch vẫn phải để F.5 và A.37 trong các hầm ở sân bay Biên Hoà.
Nguyễn Vĩnh Nghi đã nói lên những hiểu biết và suy nghĩ của y. Nhưng do y không thể nào hiểu nổi bản chất và nghệ thuật quân sự của quân đội cách mạng chúng ta, cho nên rõ ràng những ý kiến của y không thể phù hợp với cách đánh của ta.
Mấy ngày cuối tháng Tư, cơ quan tham mưu đang tổng hợp tình hình, chuẩn bị cho cuộc họp ngày 26 của Bộ Chính trị thì nhận được điện đề ngày 25 tháng 4 của anh Thọ gửi anh Ba. Bức điện dài 10 trang đánh máy mang đầy đủ tình hình mọi mặt của chiến trường B2 trong cả mấy tuần qua. Bức điện cho chúng tôi hiểu rõ hơn, đúng tình hình cả về ta và về địch từ những ngày đầu đánh Xuân Lộc đến lúc bấy giờ, trước ngày mở màn trận quyết chiến cuối cùng.
Anh Thọ nhất trí với nhận định của Bộ Chính trị trong cuộc họp ngày 22 tháng 4 nói rằng thời cơ đã chín muồi, ta phải tranh thủ từng giờ để mở cuộc tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch. Để lâu, không những tình hình chính trị, ngoại giao càng thêm phức tạp mà những trận mưa đầu mùa đã sắp đến. Nhưng anh cho biết tình hình tại chỗ có những khó khăn cụ thể, khiến ta có muốn làm ngay cũng không thể được.
Trước hết là tình hình hành quân tập kết của các binh đoàn: đến khoảng ngày 24 tháng 4 hầu hết 10 sư đoàn đưa vào chiến trường mới vừa đến nơi, đang ổn định tổ chức, nơi ăn ở và nghiên cứu chiến trường, một chiến trường (nhất là nội đô) chưa quen thuộc với nhiều cán bộ chỉ huy. Đơn vị nào cũng thấy rất thiếu thời gian.
Về hậu cần, vì số đơn vị tăng vọt, chiến trường lại xa, đường dài, phương tiện vận chuyển thiếu, nên dù đã cố gắng rất lớn, hậu cần của trung ương cũng như của chiến trường vẫn đứng trước rất nhiều khó khăn, nhất là về đạn dược.
Mặc dù đã cùng nhau xác định không được cầu toàn, vừa đánh vừa bổ sung, nhưng cũng phải bảo đảm những điều kiện tối thiểu để mở màn chiến dịch, đánh thắng giòn giã.
Hiện nay địch chưa phán đoán được cách đánh của ta, ta sẽ dùng lổi vây ép, tiêu diệt chúng ở vòng ngoài, lấn dần rồi mới đột kích hay dùng lối đánh thẳng ngay vào bên trong?
Cách bố trí hiện nay của địch là nhằm ngăn chặn ta từ xa, nhất là ở hướng bắc và tây-bắc. Địch đã có kế hoạch phá cầu nếu chúng thấy không giữ nổi. Một trong những nỗi lo ngại nhất của bộ đội ta bây giờ là nếu địch phá được cấu thì trở ngại lớn cho việc tiến quân của các binh chủng kỹ thuật. Ta đã có kế hoạch đánh chiếm cầu, giữ cầu và có cả kế hoạch làm cầu khác hoặc đánh trong điều kiện không có xe tăng và pháo binh vì không vượt được sông.
Anh Lê Đức Thọ cũng nói về kế hoạch kết hợp tiến công và nổi dậy và đã chuẩn bị những gì để thực hiện được sự kết hợp đó Các anh đã kiểm tra và góp ý vào kế hoạch của các khu và tỉnh. Anh Võ Văn Kiệt đã xuống vùng đồng bằng để đôn đốc việc này. Các anh trong đó cũng tin rằng khi ta tiến công vào trọng điểm Sài Gòn, địch bị thất bại thì lực lượng của chúng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tan rã và các địa phương sẽ có điều kiện nổi dậy.
Ở mặt trận trọng điểm Sài Gòn, các anh trong đó dự kiến địch có thể co cụm về hướng bắc và tây-bắc, về sát Sài Gòn hơn nừa và đã thảo luận với các quân đoàn đánh địch như thế nào khi chúng co cụm.
Bức điện của anh Thọ còn cho biết vì sao vừa qua bộ đội Miền không thực hiện được tốt chủ trương của Trung ương Cục là tranh thủ thời cơ thuận lợi cuối tháng 3, không đợi chủ lực ở ngoài vào, chủ động mở ra ba hướng hoạt động ở Xuân Lộc, đường 4 và ở hướng tây-nam sát Sài Gòn. Nguyên nhân hoặc là do tổ chức đánh và cách đánh chưa tốt, hoặc do lực lượng không đủ, hậu cần khó khăn vì quá xa, v.v.
Trở lại tình hình chuẩn bị đang diễn ra hết sức khẩn trương cho chiến trường trọng điểm Sài Gòn, điện của anh Thọ khẳng định:
"Các anh yên tâm, chúng tôi hết sức tranh thủ từng ngày, từng giờ và chi trong vài hôm nữa, một số nhược điểm trên cơ bản được khắc phục, thì bắt đầu tiến hành (mở màn chiến dịch) ngay như đã định".
Bức điện đã được đọc trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 26 tháng 4. Hội nghị nhất trí với nhận định và chủ trương của các đồng chí lãnh đạo ở chiến trường. Phân tích tình hình chính trị hiện nay ở Sài Gòn, Bộ Chính trị dự kiến Mỹ có thể đưa Dương Văn Minh lên, nên đã quyết định ra lời tuyên bố của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam để giành chủ động về chính trị. Sau cuộc họp, Bộ Chính trị điện ngay vào chiến trường, nhấn mạnh: "Bộ Chính trị nhận thấy chúng ta cần hành động hết sức mạnh bạo, hết sức khẩn trương và kịp thời, nhất là trong tình hình hiện nay.
Dựa vào tin tức mới nhất, nhận được sau bức điện của anh Thọ, Bộ Tổng Tham mưu soát xét lại toàn bộ công tác chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước đã dốc sức chuẩn bị cho chiến trường trọng điểm với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa".
Trên chiến trường, trong tác chiến tạo thế cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, quân ta đã đánh thiệt hại nặng một bộ phận lực lượng chủ chốt địch, đã mở ra địa bàn Xuân Lộc và Long Khánh, kéo thêm lực lượng quân đoàn 3 nguỵ về hướng đông, tạo thêm sơ hở ở hướng bắc và tây-bắc. Ở hướng tây-nam, ta đã áp sát đường 4 và đưa lực lượng xuống đứng vững ở nam Long An, hình thành một hướng lợi hại từ phía nam thọc lên Sài Gòn. Các lực lượng vùng ven đã bám trụ vững chắc trên các địa bàn. Chiến trường đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển lên thế mới, kìm giữ lực lượng địch, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho hướng chính, Sài Gòn.
Các binh đoàn cơ động chiến lược, với gần 10 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng kỹ thuật, đã từ miền Bắc và miền Trung chạy đua với thời gian, hành quân "thần tốc" vào chiến trường.
Cánh quân hướng đông đã vượt qua mọi khó khăn, đánh địch mà đi mở đường mà tiến và đã cùng các binh đoàn trên các hướng khác kịp thời vào vị trí tập kết đúng thời gian quy định, hình thành những quả đấm với sức mạnh áp đảo trên từng hướng trước ngày mở màn chiến dịch.
Hậu cần chiến lược và hậu cần Miền, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Đinh Đức Thiện và anh Bùi Phùng, đã sắp xếp tổ chức, điều chỉnh lực lượng, hình thành 5 đoàn đảm nhiệm phục vụ chiến đấu trên 5 hướng. Các tuyến đường vận chuyển chiến dịch với chiều dài gần 1.800 ki-lô-mét đã được củng cố và mở rộng, hướng về vị trí tập kết của các cánh quân. Mọi phương tiện vận tải đã được huy động, cùng với trên 6,3 vạn dân công hoả tuyến trực tiếp vận chuyển vật chất hậu cần và phục vụ việc cơ động lực lượng chiến đấu. Đến ngày quy định (ngày 25-4-1975) mọi công tác chuẩn bị bảo đảm vật chất kỹ thuật cho chiến dịch đã hoàn thành. Với 10 vạn tấn hàng các loại mới đưa từ hậu phương lớn vào, và trên 6 vạn tấn dự trữ từ trước, khối lượng vật chất chuẩn bị đã vượt yêu cầu của kế hoạch chiến dịch, kể cả một phần chuẩn bị cho trường hợp chiến dịch kéo dài sang mùa mưa.
Thế là đến lúc này, sáng ngày 26 tháng 4, mọi công tác chuẩn bị trên chiến trường trọng điểm đã hoàn thành. Cánh quân hướng đông được bắt đầu nổ súng trước. Các binh đoàn trên tất cả các hướng đều đã sẵn sàng bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, của cả 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, với sức mạnh lớn nhất và khí thế hào hùng nhất.
Chú thích:
(1) Quân đoàn 3, thành lập ngày 27-3-1975, do căc anh Vũ Lăng làm tư lệnh và Đặng Vũ Hiệp làm chính uỷ.
(2) Sau cuộc họp ngày 25 tháng 3, theo sự phân công của Bộ Chính trị, ngày 28 anh Lê Đức Thọ vào chiến trường B2, cùng các anh Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
(3) Gồm các tỉnh Cực Nam Trung Bộ.
(4) Ngày 27 tháng 4 giải phóng Cù Lao Thu.
(5) Một đồng chí của ta được cài sâu vào không quân nguỵ.
(6) Đến ngày 29 tháng 4 ta đã đánh chiếm hết các đảo do quân nguỵ chiếm đóng trên quần đảo Trưởng Sa, như Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang.
(7) Tức là nghị quyết ngày 29-3-1975 về địa phương chuẩn bị tự giải phóng bằng lực lượng của chính mình khi có thời cơ.
(8) Đến ngày 27 tháng 4 đường 4 bị cắt hoàn toàn trên 4 đoạn giữa Tân Hiệp - Trung Lương - Long Định - Cai Lậy Cái Bè.
(9)) Sở chỉ huy của anh Đổng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559, lúc này đã vào Quy Nhơn.
(10) FULRO, một tổ chức phản động người địa phương núp dưới chiêu bài "Lực lượng liên hiệp giải phóng các chủng tộc bị áp bức" do Pháp lập ra trước đây và sau đó Mỹ lợi dụng để chia rẽ dân tộc, phá hoại cách mạng.
(11) Tổ được thành lập từ tháng 3 năm 1974 đề giúp Quân uỷ Trung ương nghiên cứu kế hoạch tác chiến chiến lược. Nay được bổ sung một số cán bộ thuộc các cục Tác chiến, Tình báo, Quân lực, Tham mưu Hậu cần. Viện khoa học quân sự, một số binh chủng, quân chủng… để giúp nghiên cứu và đề đạt về cách đánh trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Tổ do anh Cao Văn Khánh. Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách.