Dịch giả: Phạm Vũ Thịnh
Chương 3

Buổi chiều tháng Năm ấy, tôi và hắn trên đường từ trường về, nói cho đúng thì không phải học xong, mà là bỏ buổi học nửa chừng, ghé quán bi-da chơi khoảng bốn ván. Tôi chỉ thắng ván đầu, còn thì hắn tóm gọn cả ba ván sau, nên đúng như giao hẹn, tôi đã trả trọn tiền bàn.
Ðêm ấy, hắn chết trong nhà xe. Ống cao su nối vào ống thải khí của chiếc xe N360 [4], dẫn vào trong xe đã đóng cửa kín mít, và băng nhựa to bản đã bít kín các khe hở cửa sổ, cứ như thế mà cho nổ máy xe. Không hiểu bao lâu sau thì hắn chết, chỉ biết bố mẹ hắn đi thăm người bà con bị bệnh trở về thì thấy hắn đã chết rồi. Máy nghe đài trong xe vẫn mở suốt. Kẹp vào que gạt nước mưa trên kính xe là tấm biên nhận của cây xăng.
Di thư đã không có mà động cơ tự sát cũng không ai hiểu. Là người đã gặp hắn lần cuối cùng, tôi bị cảnh sát thẩm vấn. Tôi khai là hoàn toàn không thấy có triệu chứng gì khác thường ở hắn, vẫn y như mọi ngày tôi gặp hắn. Có ai định tự sát mà lại thắng liên tiếp ba ván bi-da đâu. Cảnh sát có vẻ có ấn tượng không mấy tốt về cả hắn lẫn tôi. Chắc họ nghĩ những đứa mới trung học mà đã trốn học đi đánh bi-da, thì có tự sát cũng không có gì lạ. Chỉ có một mảnh tin nhỏ trên báo, chấm dứt sự kiện. Chiếc N360 màu đỏ của hắn đã xử trí xong. Bàn học của hắn trong lớp được chưng hoa trắng một thời gian.
Lúc vừa xong trung học, lên Tokyo, tôi chỉ tâm niệm một điều duy nhất. Ðó là việc gì cũng vậy, gắng không suy nghĩ thâm sâu quá. Tôi dặn lòng là phải quên quách đi cái bàn bi-da phủ vải nhung màu lục, chiếc N360 màu đỏ, cánh hoa trắng trên bàn học... Cả cục chặn giấy nặng trịch đặt trên bàn ở phòng tra vấn của cảnh sát. Tất cả mọi thứ, phải quên hết đi. Lúc đầu thấy có vẻ thuận chiều như ý định ấy thật. Thế nhưng trong trí tôi vẫn có cái gì đấy, lởn vởn mơ hồ như không khí. Theo với thời gian, không khí đó bắt đầu kết tụ rõ rệt dần, thành một thứ hình dạng đơn giản, mà tôi có thể dùng lời nói để phô diễn như thế nầy: “Tử không phải là đối cực của Sinh, mà tồn tại như một phần của Sinh”. Nói quách ra thành lời như thế thì hóa ra có vẻ tầm thường đến phát chán. Hoàn toàn tổng quát. Nhưng mà lúc bấy giờ, tôi đã cảm nhận điều đó, không phải bằng lời nói như thế, mà như một khối không khí bên trong thân thể mình. Cái chặn giấy cũng vậy mà bốn trái banh bi-da sắp hàng trên bàn bi-da cũng vậy, Tử đã tồn tại sẵn bên trong. Và mọi người giống như đã hấp thụ Tử như hít một hạt bụi li ti vào sẵn trong phổi mình mà tiếp tục sống.
Từ trước, tôi nhận thức Tử như một tồn tại độc lập, phân ly khỏi mọi thứ gì khác trên đời. Nói rõ hơn: Tử một ngày nào đó chắc chắn sẽ tóm được ta. Nhưng thế cũng có nghĩa ngược lại là cho đến khi Tử tóm được ta, thì ta vẫn chưa bị Tử tóm. Ðối với tôi, như thế là tư duy vô cùng nghiêm trang và luận lý. Sinh hiện hữu ở phía bên nầy, còn Tử hiện hữu ở phía bên kia.
Nhưng cái đêm bạn tôi chết mất đi đã vạch một lằn ranh, từ đó tôi không còn có thể nhận thức Tử một cách đơn thuần như thế nữa. Tử không phải là đối cực của Sinh. Tử đã có sẵn trong Sinh rồi. Cố gắng cách mấy đi nữa, tôi cũng không thể quên được điều ấy. Bởi vì cái đêm tháng Năm tôi 17 tuổi đó, Tử đã bắt đi bạn tôi mà cũng vừa bắt được cả tôi nữa.
Tôi nhận thức rõ ràng như thế, đồng thời, tôi vừa tránh không suy nghĩ thâm sâu về điều ấy. Mà làm thế là chuyện vô cùng khó khăn cho tôi, lúc ấy mới 18 tuổi, còn non dại quá để có thể truy cứu đến trọng tâm của chuyện đời.
Từ ngày ấy, tôi vẫn tiếp tục hẹn hò với em mỗi tháng một hai lần. Nói hẹn hò cũng tạm đúng, mà tôi cũng không tìm ra chữ nào thích đáng hơn.
Dạo ấy, em theo học một đại học dành cho nữ sinh ở ngoại vi Tokyo, một đại học xinh xắn và trang nhã nổi tiếng. Từ nhà trọ của em đi bộ đến trường không đến 10 phút. Trên đường có lạch nước thật đẹp, thỉnh thoảng em vẫn dạo quanh đấy. Có vẻ em không có bạn bè nào. Em vẫn nói nhỏ giọt như trước. Mà tôi cũng ít nói vì thật cũng chẳng có gì cần nói. Gặp nhau, hai đứa cũng chỉ im lặng bước đi. Nhưng không vì thế mà hoàn toàn không có tiến triển gì cả đâu. Khoảng gần hết kỳ nghỉ hè thì em dần dần đã bước sóng đôi bên cạnh tôi một cách tự nhiên. Vai bên vai, lên dốc xuống dốc, qua cầu qua đường, hai đứa đã đi bên nhau rất lâu. Cứ đi bên nhau như thế chẳng cần phải đến đâu hay làm gì. Ði một hồi, lại ghé vào quán cà-phê, uống xong lại tiếp tục đi. Chỉ có thời tiết là thay đổi, mùa nầy tiếp mùa khác trôi qua như thay phim dương bản. Mùa thu đến, sân giữa của cư xá phủ đầy những lá khô của cây cử. Áo len mặc vào đã có hương của mùa mới. Tôi cũng mới mua một đôi giày da Thụy Ðiển.
Mùa thu qua, khi gió lạnh bắt đầu thổi, thỉnh thoảng em tựa người vào cánh tay tôi. Xuyên qua lớp vải dày của chiếc áo khoác có mũ, tôi cảm nhận được nhịp thở của em. Nhưng chỉ có thế thôi. Tôi vẫn đút hai tay vào túi áo khoác, bước đi như mọi khi. Cả tôi lẫn em đều đi giày đế cao su nên thường không nghe tiếng chân bước. Chỉ khi nào dẫm lên lá ngô đồng khô nhăn nhúm mới nghe có tiếng chân khô khốc. Có vẻ em không tựa lên cánh tay tôi, mà em đang tựa lên cánh tay ai đó. Em không tìm hơi ấm của tôi, mà em đang tìm hơi ấm của ai đó. Không biết có đúng như thế không, nhưng quả thật tôi đã có cảm giác như thế.
Tôi càng thấy đôi mắt em trong suốt hơn trước, cái vẻ trong suốt chơi vơi mãi như thế. Ðôi lúc dưng không em nhìn sâu đăm đăm vào mắt tôi, làm dấy lên trong lòng tôi một nỗi buồn man mác.
Tụi bạn trong cư xá hễ thấy tôi ra đi mỗi khi nhận được điện thoại của em ngày Chủ Nhật, là trêu chọc. Không trách được tụi nó nghĩ là tôi có người yêu. Mà tôi cũng mặc kệ tụi nó, vì không sao giải thích được, mà cũng chẳng có lý do gì phải giải thích. Từ chỗ hẹn hò trở về là thế nào cũng bị một tên trong bọn hỏi chuyện làm tình có “đã” không. Và lần nào tôi cũng đáp: cũng tàm tạm.
Cứ thế, tuổi 18 của tôi cũng qua đi. Mặt trời lên, mặt trời lặn, quốc kỳ lên, quốc kỳ xuống. Chủ Nhật thì hẹn hò với người yêu của bạn mình đã chết. Tôi hoàn toàn chẳng biết mình đang làm gì lúc nầy, và sẽ làm gì từ đây về sau. Ở lớp học, tôi đọc Claudel, đọc Racine, đọc Eisenstein, thấy họ viết câu văn nào ra câu văn ấy. Nhưng cũng chỉ học có thế thôi. Tôi hầu như không có bạn bè nào trong lớp học. Giao tế với tụi bạn trong cư xá thì vẫn không có gì thay đổi. Thấy tôi như lúc nào cũng đọc sách, tụi nó nghĩ tôi định sẽ là tiểu thuyết gia, nhưng thật tình tôi chẳng muốn thành tiểu thuyết gia, mà cũng chẳng muốn thành gì cả.
Tâm tình ấy, tôi đã lắm lần định tỏ bày với em. Tôi mường tượng rằng em thì có thể hiểu đúng được điều tôi nghĩ. Nhưng rồi tôi cũng không nói được với em. Như có lần em đã nói, lúc nào tôi cố tìm cho ra lời chính xác để diễn đạt ý mình, thì lời chính xác ấy cũng rời xa khỏi tầm tay với của tôi mà chìm tuốt xuống hố tối thăm thẳm.
Cứ đến tối Thứ Bảy là tôi lại ngồi trên ghế ở hành lang cư xá, chờ điện thoại của em. Có khi suốt ba tuần không có điện thoại, cũng có khi có điện thoại hai tuần liên tiếp. Nhưng dù có hay không có, mỗi tuần cứ đến tối Thứ Bảy là tôi lại ngồi trên ghế ở hành lang cư xá, chờ điện thoại của em.
Tối Thứ Bảy, phần lớn sinh viên trong cư xá đều đi chơi cả rồi nên hành lang thường im vắng. Tôi ngồi nhìn đăm đăm vào những hạt ánh sáng nổi lên trong cái không gian trầm mặc ấy, cố gắng xác định lòng mình. Người ta, ai cũng tìm kiếm cái gì đấy từ người nào đấy. Hẳn thế, nhưng từ đó trở đi thì tôi không hiểu gì hơn. Chỉ một chút xíu ngay trước ngón tay tôi với ra đã là bức tường không gian mờ ảo.
Trong mùa đông, tôi đi làm thêm ở một quán nhỏ bán đĩa nhạc ở Shinjuku. Dịp Giáng Sinh, tôi đã tặng em đĩa nhạc hòa tấu Henri Mancini có bản “Dear Heart” mà em thích. Tôi đã tự mình bao giấy bóng, gắn thêm nơ màu hồng nữa. Giấy bao đặc biệt cho dịp Giáng Sinh có hình những cây thông xanh. Em đan cho tôi bao tay bằng chỉ len, ngón tay cái có hơi ngắn, nhưng mà ấm áp. Kỳ nghỉ đông ấy, em không về quê, nên tôi đến nhà trọ của em ăn tối trong mấy ngày đầu năm.
Mùa đông năm ấy đã có nhiều sự kiện xảy ra. Cuối tháng Giêng, bạn cùng phòng với tôi đã sốt đến 40 độ, nằm liệt hai ngày. Vì vậy, tôi đã phải bỏ hẹn với em. Tên bạn như sắp chết đến nơi rồi, mà tôi bỏ đi cũng không đành. Ngoài tôi ra, nó chẳng có ai coi sóc giùm cho. Tôi mua nước đá về bỏ trong bao nhựa để chườm cho nó, lấy khăn tẩm nước lạnh lau mồ hôi cho nó, và cứ mỗi giờ lại đo thân nhiệt một lần. Nguyên một ngày, nhiệt không suy giảm. Nhưng sáng hôm sau, nó nhổm bật dậy như đã chẳng có chuyện gì xảy ra, và thân nhiệt cũng đã hạ xuống chỉ còn 36 độ 2.
- “Lạ quá”. Nó nói. “Từ trước đến nay, có khi nào tôi bị nóng đâu”.
- “Nóng suốt hôm qua đấy cậu”. Tôi nói, rồi chìa cho nó xem hai cái vé mời nghe nhạc vì nó bệnh mà tôi và em đã phải bỏ phí.
- “May là vé mời không tốn tiền, nên không sao cả nhỉ”. Nó nói!
Tháng Hai có vài lần tuyết rơi. Khoảng cuối tháng Hai, vì một chuyện chẳng đáng gì, tôi gây gổ và đánh một sinh viên lớp trên ở cùng dãy trong cư xá, tống đầu vào tường xi-măng. Rất may, không bị thương tích gì cả. Tôi bị gọi lên phòng trưởng cư xá nhận cảnh cáo. Do thế mà thấy bực bội trong đời sống cư xá.
Rồi tôi lên năm thứ hai, 19 tuổi. Tôi rớt vài đơn vị, thành tích hầu như toàn C với D, chỉ một ít đơn vị được B. Còn em thì lên năm thứ hai không rớt một đơn vị nào. Thế mà đã một vòng bốn mùa qua rồi.
Ðến tháng Sáu thì em 20 tuổi. Tôi có cảm giác là lạ: em mà 20 tuổi rồi sao. Thấy như cả tôi lẫn em đều thật sự chỉ qua lại ở tuổi 18 và 19. Hết 18 đến 19, hết 19 đến 18. Như thế thì còn hiểu được. Nhưng mà em 20 tuổi thật rồi. Và tôi cũng sắp 20 mùa đông tới. Chỉ có người đã chết mới ở mãi tuổi 17 thôi.
Sinh nhật em, trời mưa. Tôi mua bánh ngọt ở Shinjuku, leo tàu điện đến nhà trọ của em. Tàu điện đông người mà lại chao đảo nữa, vì thế, chiều tối khi tôi lê được đến nhà em trọ thì chiếc bánh đã nát như di tích cổ thành La Mã. Dù sao, vẫn cứ dựng lên bánh 20 cây đèn cầy, châm diêm đốt. Màn cửa sổ đóng lại, tắt đèn trần đi thì cũng khá có không khí sinh nhật. Em mở một chai rượu vang. Hai đứa ăn bánh, và một bữa ăn tối nhẹ.
- “Hai mươi tuổi! Nghe có vẻ ngớ ngẩn thế nào ấy”. Em nói.
Ăn xong, hai đứa cùng thu dọn chén đĩa rồi ngồi xuống sàn uống nốt chai rượu vang. Tôi xong một cốc thì em đã uống hết hai cốc.
Ðiều lạ là hôm ấy, em nói rất nhiều. Chuyện thời con nít, chuyện trường học, chuyện gia đình, chuyện nào cũng dài dòng. Không chỉ dài dòng mà chuyện nào cũng rành mạch, tỉ mỉ. Chuyện nầy đang kể nửa chừng thì bắt qua chuyện kia như một phần của chuyện đang kể, rồi chuyện kia lại bắt qua chuyện nọ nằm trong chuyện kia, cứ thế mà tiếp tục. Liên miên không dứt. Lúc đầu tôi cũng gắng gật gù đệm nhịp, cuối cùng phải chịu thua. Tôi cho chạy đĩa hát như để đệm nhịp cho em nói, đĩa nầy xong đổi đĩa khác. Một vòng hết đĩa lại quay về đĩa đầu tiên. Bên ngoài trời vẫn chưa thôi mưa. Thời gian từ từ trôi, em vẫn chưa thôi nói một mình.
Ðến khi đồng hồ chỉ 11 giờ đêm, ngay cả tôi cũng đâm ra lo sợ. Em đã nói liên tục như thế suốt hơn 4 giờ đồng hồ rồi. Giờ tàu cuối của tôi cũng gần kề. Tôi chẳng biết làm sao, nửa thì nghĩ cứ để cho em nói cho đến khi nào em hết chuyện, nửa thì nghĩ hay là rình chỗ nào ngắt được thì xen vào bắt em ngừng nói. Băn khoăn như thế một hồi, cuối cùng tôi quyết định ngăn em lại, bởi dù gì đi nữa thì em cũng đã nói quá lâu rồi.
- “Nán lại trễ quá cũng không tốt, thôi anh về đây”. Tôi nói. “Rồi lại gặp nhau ngay ấy mà”.
Không hiểu điều tôi nói có truyền được đến em không. Em ngưng trong giây lát, rồi lại nói tiếp. Tôi đành chịu thua, châm thuốc hút. Ngó bộ cứ để cho em nói kỳ hết những điều muốn nói là hơn. Ðến đâu hay đó vậy.
Nhưng chuyện em nói đến đấy cũng không còn bao nhiêu. Sực nhìn lại thì em đã ngừng rồi. Lời nói cuối như bị ngắt đuôi, treo lơ lửng trên không. Chính xác thì chuyện em nói đã ngừng đâu, chỉ đột nhiên mất hút nơi chốn nào thôi. Em vẫn còn gắng nói tiếp nhưng đã chẳng còn lời nào phía trước nữa để mà tiếp theo. Có gì đấy đã rơi đâu mất tăm. Em vẫn còn mở nhẹ môi, nhìn lơ đãng vào mắt tôi, như đang nhìn xuyên qua một màng mờ đục. Tôi cảm thấy như đã làm điều gì rất không nên. Tôi nói chậm rãi như xác nhận từng tiếng một:
- “Không định ngăn em lại, nhưng mà đã khuya quá rồi, vả lại...”
Chưa nói xong, đã có dòng nước mắt ứa tràn mắt em chảy xuống gò má, rơi thành tiếng trên bìa đĩa nhạc. Một khi giọt nước mắt đầu tiên ứa ra, là dòng nước mắt tuôn theo không dứt. Chống hai bàn tay xuống sàn phòng, em gập người lại khóc như người đang nôn thốc. Hầu như vô thức, tôi nhè nhẹ vươn tay chạm vai em đang rung lên từng đợt ngắn. Tôi bàng hoàng kéo em lại. Em gục mặt lên ngực tôi, khóc không thành tiếng. Hơi thở nóng ấm và nước mắt em ướt đẫm áo tôi. Mười ngón tay em lang thang tìm kiếm gì đấy trên lưng tôi. Tay trái tôi ôm giữ thân hình em, tay phải vuốt làn tóc sợi nhỏ của em. Trong tư thế ấy một lúc thật lâu, tôi chờ em nín khóc, nhưng em vẫn khóc mãi, khóc mãi như không bao giờ ngưng.
Chú thích
[4] Xe nhỏ Honda 360 cc khoảng năm 1969.