TỰA
Không đọc sử không đủ tư cách nói chuyện chính trị

Các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ theo thói quen cũng như do thực tế của kinh nghiệm đấu tranh đưa họ lên nắm quyền nặng tính chất của một thứ “businessmen” (người kinh doanh) cho nên họ không đánh giá đúng mức nếu không muốn nói là họ hoàn toàn thiếu khả năng nhận thức lịch sử. Họ coi quốc gia nào cũng là một hiện tượng chung, để đưa ra một giải pháp giống hệt nhau khi các quốc gia ấy gặp khó khăn. Các chính trị gia Hoa Kỳ chỉ chăm sóc đến vấn đề nào khi họ mang trách nhiệm với vấn đề ấy, họ khoanh chân họ trong phạm vi một cục bộ mà chẳng thèm biết đến toàn bộ, đồng thời họ lại hay nhìn vấn đề một cách hết sức đơn giản, ưa chú trọng bề ngoài qua vài lời nói, ít diễn từ chứ không tìm hiểu những điều kiện lịch sử. Tỉ dụ: thái độ của Hoa Kỳ đối với De Gaulle là trường hợp khá rõ ràng, nếu De Gaulle đã chống Mỹ thì Mỹ chẳng có chuyện gì nói hay bàn với De Gaulle. Tóm lại, Hoa Kỳ về việc dùng khoa học và kỹ thuật có thể tạo ra những thành quả rất tốt nhưng khi phải đương đầu với vấn đề thuộc diễn tiến lịch sử thì lại rất bết bát. Bởi vậy, trong những năm sắp tới, vấn đề quan trọng nhất cho chánh sách của Hoa Kỳ là tính chất triết của nó (Le problème le plus grave de la politique américaine sera philosophique).
 
Trên đây là lời nói của Henry Kissinger trong một bài viết phê bình chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Nó đã được phát biểu sau khi thấy có những dấu hiệu đầu tiên về sự vô hiệu quả của hành động can thiệp trực tiếp bằng quân sự ồ ạt. Và nó được tán thưởng bởi đa số lực lượng chính trị nắm quyền ở Mỹ sau khi chính sách đã rõ rệt thất bại gây thành rối loạn nội bộ đến nỗi Tổng Thống Johnson, bằng nét mặt buồn thảm, phải tuyên bố không tái ứng cử.
 
Sự thất bại ấy không giống như thất bại một “áp phe” vì nó kéo theo khủng hoảng trên nhiều phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, tinh thần và luôn cả lòng tin cậy cho quốc gia Hoa Kỳ.
 
Hầu hết phần tử trí thức Hoa Kỳ đều mong mỏi hoặc phấn đấu để có thể có được cơ hội nghiên cứu, tìm hiểu biến cố quan trọng này. Tất cả đều đồng ý rằng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã thiếu hẳn một ý thức lịch sử đứng đắn. Bắt đầu kể từ lúc Tổng Thống Roosevelt chỉ có hiểu biết rất mơ hồ nghĩ Việt Nam là một quận huyện của Trung Quốc, vậy hãy trả nó về với sự cai quản của chính phủ Tưởng Giới Thạch. Do sai lầm căn bản đó mà đi thành một chuỗi cho tới ngày toàn bộ vấn đề buộc phải đặt lại. Đặt lại vấn đề cũng như Pháp quốc năm 1952, sau 6 năm chiến tranh Việt Pháp, đã tìm hiểu duyên do thất bại trong cuốn sách: “Việt Nam Sociologie d’uneguerre” của Paul Mus với câu kết luận trên chương chót “Que faire: La nation vietnamienne est pleinement formée et consciente d’elle même” (Nước Việt Nam đã là một quốc gia hoàn chỉnh và hoàn toàn ý thức được lịch sử của mình)… “Une conviction traditionnelle, inséparble de son patriotisme l’assure bien qu’il est le dernier, juge de son destin” (Người Việt với niềm tin truyền thống gắn chặt vào lòng yêu nước để nghĩ rằng chỉ có người Việt là kẻ quyết định cuối cùng vận mệnh nước Việt).
 
Niềm tin truyền thống ấy là niềm tin lịch sử, lòng yêu nước ấy là tinh thần sử được nung đúc qua bao ngàn năm đấu tranh.
Khối tình yêu thiên cổ dòng kim cương
Ngày khai sinh nhưng chọn chốn quê hương
Hòn núi Trắng sông Xanh của nòi Việt
Cỏ hoa còn gìn giữ mặc tang thương
Tất cả bởi cháu con bền bỉ mãi
Nền kế khai đạo thống dãi Viêm Phương[1]
 
 Ông A. Pazzi, một người Ý từng ở Việt Nam hơn hai mươi năm, đã viết trong tác phẩm: “Người Việt cao quí” rằng: “Dân Việt là một dân tộc tự cường bất khuất đến một mức độ khá cao và tinh thần ấy giúp họ trở thành một kẻ bé nhỏ nhất mà lại mạnh nhất, bị chèn ép nhiều nhất nhưng lại quật khởi oai hùng bậc nhất. Người ta sẽ không bao giờ hiểu hết được sức mạnh ấy và sự cao lớn của tinh thần ấy nếu không đi vào bề sâu lịch sử của nòi giống Việt, nếu chỉ quan sát hời hợt sinh hoạt bình thường. Với một nhận định theo lối hình thức Tây phương người ta không sao hiểu được giá trị đích thực của nó… Kẻ thù của dân tộc Việt chỉ bắt đầu thấy được sức mạnh ấy khi bọn họ đã thất bại và thật là quá muộn màng”.[2]
Chú thích:
[1] Trích thơ Thái Địch
[2] Theo bản dịch của Hồng Cúc